TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 32
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH tập I
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH
988. “Cái nóc nhà cao một kukku rưỡi.[1]
chu vi của nó là tám gang tay,
là gỗ cây siṃsapa, toàn bằng lõi, cứng rắn,
nó được đặt đứng ở chỗ nào ở phía bên trên mà không sụp đổ?”
989. “Ba mươi thanh rui làm bằng gỗ lõi được đặt nghiêng, xếp vòng quanh, đứng cách khoảng bằng nhau. Chúng được kết chung lại với nhau và cùng nhau chịu lực nén. Được kết hợp với nhau ở phía bên trên, nên nó không sụp đổ.”
990. Tương tự như vậy, bậc sáng suốt với những người bạn bền vững, có hình thức không thể tách rời, được trong sạch, có sự thông thái, khéo được kết hợp với nhau bằng sự vinh quanh, nên vị ấy không sụp đổ, tựa như nóc nhà có sự chịu đựng sức nặng của các thanh rui.
991. “Cũng giống như người có cây dao, trong khi không bóc vỏ cứng thì làm cho trái bưởi trở nên đắng, tâu đức vua, trong khi bóc sạch vỏ ngoài thì làm cho trái bưởi trở nên ngon ngọt, trong khi lấy ra lớp vỏ mỏng thì có thể làm cho trái bưởi trở nên không ngon ngọt nếu còn để sót.
992. Cũng tương tự như vậy, trong khi thu gom các tài sản cho đức vua ở các làng và các thị trấn mà không dùng đến bạo lực, là người có sự chấp hành công lý, trong khi hành động không gây khó khăn cho người khác, bậc sáng suốt có thể tạo nên sự thịnh vượng cho xứ sở.”
993. “Giống như loài sen mọc ở những hồ nước, có rễ màu trắng, đang sanh trưởng ở nước trong sạch, giống như đóa hoa sen trắng đang lấp lánh ánh nắng mặt trời, không bị bùn đất, không bị bụi bặm, không bị nước làm vấy bẩn.
994. Cũng tương tự như vậy, đối với vị được trong sạch theo luật định, không hung bạo, có các nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, đã lánh xa việc ác, sự ô nhiễm trong hành động không làm vấy bẩn vị như thế ấy, giống như loài sen mọc ở những hồ nước vậy.”
1. Bổn sanh Kukku.
995. “Theo như cách cây cung nghiêng xuống và dây cung vang lên nữa, thì vua của loài thú tên Manoja, người bạn của ta, bị giết chết thật rồi.
996. Nào, bây giờ tôi rời khỏi khu rừng trú ẩn một cách thoải mái. Những kẻ đã chết như thế này không phải là bạn bẻ, không thể là bạn bè của người đang còn sống như tôi.”
997. “Người có sự thân cận với kẻ ác không đạt được sự an lạc tột đỉnh. Hãy nhìn xem sư tử Manoja nằm chết vì lời khuyên của chó rừng Giriya.”
998. “Người mẹ không vui mừng vì đứa con trai kết giao với bạn bè xấu xa. Hãy nhìn xem sư tử Manoja nằm chết bị bao phủ bởi máu của chính nó.”
999. “Người nào tìm đến sự xấu xa thì sẽ gánh lấy hậu quả như vậy, chính là kẻ không làm theo lời nói của những người tốt có sự nhìn thấy điều lợi ích (ở tương lai).”
1000. “Và tương tự như vậy, có người còn xấu xa hơn thế nữa, là người cao thượng có sự thân cận với kẻ thấp kém. Hãy nhìn xem người cao thượng, lãnh tụ của loài thú, đã thân cận với kẻ thấp kém, rồi bị tán mạng do sự xuyên thủng cực mạnh của mũi tên.”
1001. “Người có sự giao hảo với kẻ hạ liệt thì bị tiêu hoại, có sự giao hảo với người tương đương thì không bao giờ bị ruồng bỏ, có sự hạ mình với vị cao thượng thì sẽ tiến bộ nhanh chóng; vì thế, nên quan hệ với người trội hơn bản thân mình.”
2. Bổn sanh Sư Tử Manoja.
1002. “Đức vua đã bảo đưa đến cho ngài bữa ăn có trộn lẫn thịt tinh khiết. Nếu Makhādeva ở nơi đây, xin ngài hãy đến, hãy đi ra, và thọ thực.”
1003. “Này người thanh niên, hãy cầm lấy thức ăn có canh đi qua bên này. Này người thanh niên, ngươi và thức ăn, cả hai đều sẽ là bữa ăn (của ta).”
1004. “Này Dạ-xoa, vì cái nhỏ mà ngài sẽ từ bỏ lợi ích lớn. Những người nghĩ đến cái chết sẽ không mang thức ăn đến cho ngài.
1005. Này Dạ-xoa, vật đã nhận được này là thức ăn thường kỳ, tinh khiết, hảo hạng, đầy đủ hương vị của ngài. Và nếu tôi bị ăn thịt, thì người mang thức ăn đến đây cho ngài sẽ khó kiếm vô cùng.”
1006. “Này Sutana, điều ấy là lợi ích của ta giống như ngươi nói. Này người thanh niên, ngươi được ta cho phép, ngươi sẽ gặp lại mẹ một cách an toàn.
1007. Này người thanh niên, ngươi hãy cầm lấy gươm, lọng, và cái đĩa, rồi đi ngay. Mẹ của ngươi hãy gặp lại ngươi, và ngươi hãy gặp lại người mẹ một cách an toàn.”
1008. “Tương tự như vậy, này Dạ-xoa, mong ngài được hạnh phúc cùng với tất cả thân quyến. Tôi đã đạt được tài sản và đã thực hiện lời nói của đức vua.”
3. Bổn sanh Thanh Niên Sutanu.
1009. “Cha mẹ già ngụ ở hang núi, họ sẽ làm thế nào? Ta đã bị vướng vào bẫy, đã sa vào quyền lực của thợ săn Nīliya.”
1010. “Này chim kên kên, ngươi than khóc về việc gì? Việc than khóc của người là sao? Ta chưa từng được nghe hoặc nhìn thấy con chim nói tiếng người.”
1011. “Tôi phụng dưỡng mẹ và cha đã già ngụ ở hang núi. Họ sẽ làm thế nào khi tôi đã sa vào quyền lực của ông?”
1012. “Có lời đồn rằng loài chim kên kên nhìn thấy các xác chết cách xa một trăm do-tuần, tại sao ngươi đến gần mà cũng không nhận ra lưới giăng và bẫy sập?”
1013. “Khi con người có sự rủi ro vào lúc tiêu hoại mạng sống, thì dầu cho đến gần cũng không nhận ra lưới giăng và bẫy sập.”
1014. “Ngươi hãy phụng dưỡng mẹ và cha đã già ngụ ở hang núi. Ngươi được ta cho phép, ngươi hãy gặp lại các thân quyến một cách an toàn.
1015. “Tương tự như vậy, này người thợ săn, mong ông được hạnh phúc cùng với tất cả thân quyến. Tôi sẽ phụng dưỡng mẹ và cha đã già ngụ ở hang núi.”
4. Bổn sanh Chim Kên Kên.
1016. “Này bạn Anutīracārī đáng kính, bạn hãy chạy đến chỗ tôi. Tôi đã bắt được con cá lớn, nó lôi tôi đi bằng sức mạnh.”
1017. “Này bạn Gambhīracārī đáng kính, bạn hãy nắm chặt bằng sức lực. Tôi sẽ kéo nó lên tựa như con linh điểu chộp lấy con rắn.”
1018. “Sự tranh cãi đã sanh khởi giữa chúng tôi, này ông bạn có bộ lông màu bông hoa cỏ, xin hãy lắng nghe tôi. Này bạn, xin bạn hãy làm lắng dịu sự gây gỗ. Mong rằng sự tranh cãi được lặng yên.”
1019. “Trước đây, ta đã là người duy trì công lý, nhiều vụ kiện đã được ta phân xử. Ta sẽ làm lắng dịu sự gây gỗ. Sự tranh cãi hãy được lặng yên.
1020. Anutīracārī là cái đuôi, cái đầu thuộc về Gambhīracārī, còn phần thân ở giữa này thì sẽ thuộc về người duy trì công lý.”
1021. “Nếu chúng ta không tranh cãi thì có thể có thức ăn cũng được lâu. Con chó rừng tha đi phần thân cá hồi, bỏ lại đầu, bỏ lại đuôi.”
1022. “Cũng giống như vị vua dòng Sát-đế-lỵ có thể vui mừng sau khi tiếp thu vương quốc, tương tự như vậy, thiếp hôm nay vui mừng sau khi nhìn thấy chồng với miệng ngậm đầy ắp (cá tươi).
1023. Trong khi là loài sanh ra ở đất liền, làm thế nào chàng đã bắt được cá ở trong nước? Chàng ơi, được thiếp hỏi, xin chàng hãy giải thích, làm thế nào chàng đã đạt được cá?”
1024. “Chúng trở nên gầy ốm vì tranh cãi, chúng có tài sản bị cạn kiệt vì tranh cãi, hai con rái cái bị thua thiệt vì tranh cãi. Này nàng Māyāvī, nàng hãy ăn con cá hồi.”
1025. “Tương tự như vậy, nơi nào nảy sanh sự tranh cãi giữa những người dân, họ liền chạy đến người duy trì công lý, chính vị ấy là người hướng dẫn cho họ, các tài sản ở nơi ấy bị thất thoát, còn công khố của nhà vua tăng thêm.”
5. Bổn sanh Bông Hoa Cỏ.
1026. “Người đàn ông ở nơi đám đông nuốt thanh gươm của xứ Dasaṇṇa, sắc cạnh, đã được nhuốm máu; có việc gì là khó làm hơn việc ấy? Trẫm hỏi là có việc nào khác là khó làm (hơn việc nuốt thanh gươm), khanh hãy nói về việc ấy cho trẫm.”
1027. “Người đàn ông nuốt thanh gươm đã được nhuốm máu do tham lam. Và người nào nói rằng: ‘Tôi bố thí,’ việc ấy là khó làm hơn việc kia. Tâu Māgadha, mọi việc khác là dễ làm, xin bệ hạ nhận biết như vậy.”
1028. “Āyura, vị rành rẽ về ý nghĩa của sự việc, đã trả lời câu hỏi. Bây giờ, trẫm hỏi Pukkusa, có việc gì là khó làm hơn việc kia? Trẫm hỏi là có việc nào khác là khó làm (hơn việc nói ấy), khanh hãy nói về việc ấy cho trẫm.”
1029. “Người ta không sống nhờ vào lời nói, lời nói được thốt ra không có kết quả. Và người nào, sau khi bố thí, có thể dứt khoát, việc ấy là khó làm hơn việc kia. Tâu Māgadha, mọi việc khác là dễ làm, xin bệ hạ nhận biết như vậy.”
1030. “Pukkusa, vị rành rẽ về ý nghĩa của sự việc, đã trả lời câu hỏi. Bây giờ, trẫm hỏi Senaka, có việc gì là khó làm hơn việc kia? Trẫm hỏi là có việc nào khác là khó làm (hơn việc bố thí một cách dứt khoát), khanh hãy nói về việc ấy cho trẫm.”
1031. “Một người có thể bố thí vật thí, dầu ít hay là nhiều. Và người nào, sau khi bố thí, có thể không tiếc nuối, việc ấy là khó làm hơn việc kia. Tâu Māgadha, mọi việc khác là dễ làm, xin bệ hạ nhận biết như vậy.”
1032. “Āyura đã trả lời câu hỏi, rồi đến nhân vật Pukkusa, theo như cách Senaka đáp thì vượt qua tất cả các câu hỏi.”
6. Bổn sanh Cây Gươm Xứ Dasaṇṇa.
1033. “Này Bà-la-môn, ông có tâm bị tán loạn, có giác quan bị xáo trộn,
các giọt nước mắt chảy ra từ hai con mắt của ông.
Cái gì của ông đã bị mất mát? Giờ ông đang ước nguyện điều gì?
Ông hãy đi đến đây. Nào, ông hãy nói.
1034. “Người vợ của tôi sẽ chết nếu tôi về đến nhà hôm nay,
nếu tôi không về thì cái chết sẽ có cho tôi, vị Dạ-xoa đã nói.
Vì thế, tôi bị run sợ bởi nỗi khổ đau.
Thưa ngài Senaka, xin ngài hãy giải thích cho tôi về sự việc này.”
1035. “Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về nhiều khía cạnh,
ta sẽ nói chính xác bản thể thật của sự việc này.
Này Bà-la-môn, ta nghĩ rằng cái túi da đựng bánh của ông,
có con rắn độc màu đen đã bò vào mà ông không biết.
1036. Ông hãy cầm lấy cây gậy, rồi hãy đánh vào cái túi da.
Ông hãy nhìn xem con rắn, loài có hai lưỡi, với miệng chảy nước dãi.
Hôm nay, ông hãy cắt đứt nỗi phân vân và các sự hoài nghi.
Ông hãy nhìn thấy con rắn, và ông hãy cởi bỏ cái túi da.”
1037. “Ở giữa đám đông, với dáng vẻ bị chấn động,
vị Bà-la-môn đã cởi bỏ cái túi da đựng bánh.
Rồi con rắn đã bò ra, có uy lực hung bạo,
con rắn có nọc độc đã ngóc đầu lên.
Sự lợi ích khéo đạt được đã có cho đức vua Janaka,
đức vua là người nhìn thấy vị Senaka có trí tuệ hoàn hảo!”
1038. “Có phải ngài có màn che được khép lại và có cái nhìn toàn diện?
Thưa ngài Bà-la-môn, phải chăng trí tuệ của ngài có vẻ kinh khiếp?
Có bảy trăm đồng tiền này là của tôi,
xin ngài hãy nhận lấy, tôi biếu ngài tất cả.
Bởi vì mạng sống của tôi đạt được ngày hôm nay là do ngài,
và ngài cũng đã tạo sự an toàn cho vợ tôi nữa.”
1039. “Các bậc sáng suốt không nhận lấy tiền thưởng công
do các kệ ngôn hoa mỹ đã được khéo nói.
Này Bà-la-môn, hãy để các ngài cho ông phần của cải này.
Ông hãy cầm lấy phần ấy rồi đi về nhà của mình.”
7. Bổn sanh Túi Da Đựng Bánh.
1040. “Thưa ngài Aṭṭhisena, có những người ăn mày mà trẫm không biết, những người ấy cầu xin sau khi gặp trẫm, tại sao ngài không cầu xin trẫm?”
1041. “Kẻ cầu xin không được yêu mến, kẻ không cho vật được cầu xin cũng không được yêu mến; chính vì lý do ấy, ta không cầu xin bệ hạ, chớ có ghét bỏ ta.”
1042. “Người nào, nếu đang sinh sống bằng việc cầu xin, mà không cầu xin vật cần xin vào lúc hợp thời, người ấy khiến người khác tổn hại phước báu và cũng không tự mình nuôi sống.
1043. Người nào, nếu đang sinh sống bằng việc cầu xin, và cầu xin vật cần xin vào lúc hợp thời, người ấy khiến người khác đạt được phước báu và còn tự mình nuôi sống nữa.
1044. Quả thật, các bậc thiện trí không ghét bỏ sau khi nhìn thấy người ăn xin đã đi đến. Bậc thực hành Phạm hạnh được trẫm yêu mến. Ngài hãy nói lên điều ân huệ mà ngài ước muốn.
1045. “Quả thật, các bậc thiện trí không cầu xin, người sáng trí có khả năng hiểu được. Các bậc Thánh đứng im lặng; đó là cách cầu xin của các bậc Thánh nhân.”
1046. “Này Bà-la-môn, trẫm ban cho khanh một ngàn bò cái màu hung đỏ với một con bò mộng. Bởi vì là người thánh thiện, tại sao trẫm lại không ban tặng cho người thánh thiện, sau khi đã lắng nghe các kệ ngôn gắn liền với lý lẽ của khanh?”
8. Bổn sanh Ẩn sĩ Aṭṭhisena.
1047. “Kẻ thù cư ngụ ở nơi nào, người sáng suốt không nên sống ở nơi ấy, dầu là một đêm hoặc hai đêm sống một cách khổ sở giữa những kẻ thù.
1048. Thật vậy, kẻ thù là có tâm khinh suất đối với người hành xử đúng theo nó. Vì nguyên nhân của một con khỉ, sự bất hạnh đã xảy ra cho cả bầy.
1049. Và kẻ ngu, có sự tự mãn là sáng suốt, kẻ cai quản cả bầy, sau khi rơi vào quyền lực của tâm mình, kẻ này nằm dài (chết) giống như con khỉ.
1050. Kẻ ngu có sức mạnh làm kẻ cai quản cả bầy là không tốt, là không có lợi ích cho các thân quyến, tựa như con chim mồi đối với bầy chim.
1051. Và người sáng trí có sức mạnh làm người cai quản cả bầy là tốt lành, là có lợi ích cho các thân quyến, tựa như vị Đế Thích đối với chư Thiên cõi Tam Thập.
1052. Và người nào nhìn thấy giới, tuệ, và kiến thức ở bản thân, (người ấy) thực hành sự tấn hóa cho cả hai, cho bản thân và cho người khác.
1053. Vì thế, sau khi cân nhắc bản thân về giới, tuệ, và kiến thức, bậc sáng trí hoặc là nên cai quản hội chúng, hoặc là nên xuất gia, chỉ một mình.”
9. Bổn sanh Con Khỉ.
1054. “Thưa ngài Gotama, chúng tôi là bảy mươi hai người có nghiệp phước thiện, có khả năng vận dụng quyền lực, đã vượt khỏi sanh và già. Đây là trạng thái đã đạt được sự hiểu biết sâu sắc, là sự đạt đến bản thể cao thượng tối hậu. Những người cầu khẩn chúng tôi không phải là ít.”
1055. “Tuổi thọ này thật ngắn ngủi, chẳng có dài lâu, này Baka, còn ngươi lại nghĩ rằng tuổi thọ này là dài lâu. Này Phạm Thiên, Ta biết rõ (số năm) tuổi thọ của ngươi là một trăm ngàn nirabbudā.”[1]
[1] 1 nirabbudā là một con số lớn bằng 10 triệu lũy thừa 9, tức là con số 1 đi liền với 63 con số không (ND).
1056. “Thưa đức Thế Tôn, Ngài nói là Ngài có tầm nhìn không giới hạn, và đã vượt thoát khỏi sanh, già, và sầu muộn. Vậy thì việc thực hành về giới và phận sự của tôi trong quá khứ là gì? Xin ngài hãy giải thích cho tôi để tôi có thể hiểu được điều ấy.”
1057. “Việc ngươi đã cho nước uống đến nhiều người bị khát, bị vật vã bởi sức nóng. Ta nhớ lại việc thực hành về giới và phận sự ấy của ngươi trong quá khứ, tựa như vừa mới thức dậy sau giấc ngủ.
1058. Việc ở bờ sông Eṇī, ngươi đã giải thoát dân chúng bị bắt giữ, trong khi những người bị cầm tù đang được dẫn đi. Ta nhớ lại việc thực hành về giới và phận sự ấy của ngươi trong quá khứ, tựa như vừa mới thức dậy sau giấc ngủ.
1059. Ở dòng sông Gaṅgā, ngươi đã giải thoát chiếc thuyền bị bắt giữ bởi con rồng dữ tợn, có ý định giết hại loài người, sau khi đã chế ngự nó bằng sức mạnh. Ta nhớ lại việc thực hành về giới và phận sự ấy của ngươi trong quá khứ, tựa như vừa mới thức dậy sau giấc ngủ.
1060. Và ta đã là Kappa, người học trò hầu cận của ngươi. Ngươi đã nghĩ về ta rằng: ‘Người này có đầy đủ về sự hiểu biết và chu toàn về phận sự.’ Ta nhớ lại việc thực hành về giới và phận sự ấy của ngươi trong quá khứ, tựa như vừa mới thức dậy sau giấc ngủ.”
1061. “Đương nhiên, Ngài biết rõ về tuổi thọ này của tôi, Ngài cũng biết về điều khác nữa, bởi vì, như thế là đức Phật, bởi vì, như thế là năng lực chói sáng này của Ngài, nó đang chiếu sáng và tồn tại ở thế giới Phạm Thiên.”
10. Bổn sanh Phạm Thiên Baka.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Cái nóc nhà cao quý, câu chuyện cây cung, này thanh niên Sutanu,
rồi chim kên kên, với chuyện con cá hồi,
thêm nữa thanh gươm xứ Dasaṇṇa, vị Senaka, kẻ cầu xin,
rồi kẻ thù, với Phạm Thiên Baka, là mười.
--ooOoo--
1062. “Sau khi từ bỏ mười sáu ngàn ngôi làng hoàn chỉnh và các nhà kho tràn đầy, giờ đây ông lại thực hiện việc tích trữ.”
1063. “Sau khi từ bỏ khu vực Gandhāra giàu có với tài sản dồi dào, trong khi lìa khỏi sự giáo huấn, tại sao ở đây, lúc này, ngài lại giáo huấn?”
1064. “Này Vedeha, ta nói đúng pháp, không đúng pháp không được ta thích thú. Trong khi ta nói đúng pháp, tội lỗi không vấy bẩn đến ta.”
1065. “Với bất cứ lời nói nào khiến người khác nhận lãnh sự thương tổn, bậc sáng suốt không nên nói lời ấy, dầu cho nó có lợi ích lớn.”
1066. “Rất có thể người nghe bị bực bội hoặc không bị bực bội, tựa như vỏ trấu được bắn ra tung tóe. Trong khi ta nói đúng pháp, tội lỗi không vấy bẩn đến ta.”
1067. “Nếu không có sự hiểu biết của bản thân, hoặc luật lệ không được học tập kỹ lưỡng, nhiều người sẽ thực hành tựa như con trâu bị mù mò mẫm ở trong khu rừng.
1068. Và ngược lại, bởi vì một số người ở đây được học tập kỹ lưỡng về hạnh kiểm, vì thế, với luật lệ đã được huấn luyện, họ thực hành, có tâm khéo được định tĩnh.”
1. Bổn sanh Gandhāra.
1069. “Này khỉ chúa, ngài đã lấy bản thân làm thành cầu nối và giúp cho các con khỉ đến được sự an toàn. Ngài là gì của chúng? Chúng là gì của ngài?”
1070. “Thưa đấng thuần hóa kẻ thù, thần là vua, là chúa tể của chúng, là người bảo vệ bầy khỉ, khi bầy khỉ bị ưu phiền vì sầu muộn và khiếp sợ đối với bệ hạ.
1071. Khi bản thân đã buộc chặt sợi dây leo, rồi từ đó, ở những bước chân cuối cùng, thần đã nhảy xa tầm một trăm cây cung được duỗi thẳng.
1072. Lao ra tựa như làn gió xé rách bầu không trung, thần đã tiến đến gần cây xoài. Trong lúc không với tới được cây xoài, thần đây đã dùng những bàn tay nắm lấy cành của cây ấy.
1073. Trong khi thần đây được kéo thẳng ra ở giữa cành cây và sợi dây leo, các con khỉ đã đặt các bàn chân lên rồi lần lượt bước qua, và đã đi đến sự an toàn.
1074. Việc bị trói buộc không làm cho thần đây bực bội, sự chết sẽ không làm thần nóng nảy, bởi vì thần đã thể hiện quyền cai trị đến những ai thì đã đem lại sự an lạc đến cho họ.
1075. Tâu bệ hạ, tâu bậc nhìn thấy sự lợi ích, các việc ấy là tương tự các việc đã được làm bởi bệ hạ, bởi một vị vua đối với vương quốc, đối với trách nhiệm, đối với quân đội, và đối với phố thị. Vị Sát-đế -lỵ đầy đủ trí tuệ nên tìm tòi sự hạnh phúc cho tất cả (thần dân của mình).”
2. Bổn sanh Con Khỉ Chúa.
1076. “Tôi đã nhìn thấy ở giữa khu rừng một cây xoài đã hoàn toàn phát triển, trĩu quả, có ánh sáng màu lục sẫm. Tôi đã nhìn thấy cây xoài bị tan tành vì nguyên nhân trổ quả. Sau khi nhìn thấy việc ấy, tôi thực hành hạnh khất thực.”
1077. “Chiếc vòng ngọc khéo mài giũa đã được hoàn thành bởi nghệ nhân. Người phụ nữ đã đeo vào một cặp (mỗi tay một chiếc) không gây tiếng động. Và sau khi mang vào cặp thứ hai, đã có tiếng động. Sau khi nhìn thấy việc ấy, tôi thực hành hạnh khất thực.”
1078. “Trong khi con chim đang tha đi miếng thịt, nhiều con chim đã tụ tập lại và tấn công vì nguyên nhân vật thực. Sau khi nhìn thấy việc ấy, tôi thực hành hạnh khất thực.”
1079. “Tôi đã nhìn thấy ở giữa bầy bò một con bò mộng có bướu lắc lư, được thành tựu về vóc dáng và sức mạnh. Tôi đã nhìn thấy nó bị húc ngã vì nguyên nhân dục vọng. Sau khi nhìn thấy việc ấy, tôi thực hành hạnh khất thực.”
1080. “Vị tên Karaṇḍu ở xứ sở Kaliṅga, vị Naggaji ở xứ sở Gandhāra, vua Nimi ở xứ sở Videha, và vị Dummukha ở xứ sở Pañcāla, các vị này sau khi từ bỏ các vương quốc đã xuất gia, không có sở hữu gì.
1081. Toàn bộ tất cả các vị này, được sánh bằng chư Thiên, đã tụ hội lại. Ngọn lửa chiếu sáng như thế nào thì các vị này là tương tự y như thế ấy. Này nàng Bhaggavī, ta cũng sẽ sống chỉ một mình, sau khi từ bỏ các dục tùy theo mức giới hạn (của chúng).
1082. “Chính là thời điểm này, bởi vì không có thời điểm nào khác. Người chỉ dạy cho thiếp không có thể có được về sau này. Này chàng Bhaggava, thiếp cũng sẽ sống chỉ một mình, tựa như con chim được thoát khỏi bàn tay của loài người.
1083. “Các con biết được cơm còn sống và đã chín, rồi mặn hoặc thiếu muối. Sau khi nhìn thấy điều ấy, ta đã xuất gia. Nàng hãy thực hành hạnh khất thực, ta cũng sẽ thực hành.”
3. Bổn sanh Người Làm Đồ Gốm.
1084. “Nếu tôi, với hành vi năng nổ ở chiến trường, trong lúc vận chuyển, trong lúc gạt đi mũi tên ở lồng ngực, đã không làm hài lòng đức vua Daḷhadhamma (thì không còn ai khác có thể làm được điều ấy).
1085. Phải chăng đức vua không nhận biết sự nỗ lực không kém loài người đã được tôi thực hiện tốt đẹp, và những lần được phái đi đưa tin ấy của tôi ở chiến trường?
1086. Phải chăng tôi đây sẽ phải chết không thân quyến, không nơi nương tựa? Bởi vì, giờ đây tôi đã được giao cho người thợ gốm để làm thú vận chuyển phân.”
1087. “Chừng nào con người còn mong mỏi thì chừng ấy họ còn thân cận. Con người ruồng bỏ kẻ ấy khi không còn lợi ích, tựa như vị Sát-đế-lỵ bỏ lại con lạc đà bị bệnh.
1088. Người nào trước đây có điều tốt đẹp đã được người khác làm cho mình, có việc lợi ích đã được người khác tạo cho mình, mà không ghi nhớ, thì các điều lợi ích mà người ấy mong cầu sẽ bị tiêu hoại đối với người ấy.
1089. Người nào trước đây có điều tốt đẹp đã được người khác làm cho mình, có việc lợi ích đã được người khác tạo cho mình, mà luôn ghi nhớ, thì các điều lợi ích đã được người ấy mong cầu sẽ tăng trưởng cho người ấy.
1090. Thưa các vị đã đến tụ hội ở nơi này, tôi nói với các vị điều ấy. Tất cả các vị hãy là những người biết tri ân, các vị sẽ an trú ở cõi trời thời gian dài.”
4. Bổn sanh Đức Vua Daḷhadhamma.
1091. “Con voi Somadatta trước đây thường đi sâu vào trong rừng và tiếp đón ta, giờ nó không được nhìn thấy. Somadatta đã đi đâu?
1092. Nó đây đã bị chết, nằm dài, tựa như chồi non bị bẻ gãy. Nó gục ngã nằm dài ở trên mặt đất. Con voi quả thật đã chết rồi!”
1093. “Việc ông sầu muộn về kẻ đã chết là không tốt đẹp đối với vị Sa-môn đã đạt đến cuộc sống không nhà, có tâm tư đã được giải thoát.”
1094. “Thưa Thiên Chủ Sakka, đương nhiên do việc sống chung, con người hay loài thú có sự yêu thương sanh khởi ở trái tim; không thể không sầu muộn về vật đã được yêu thương ấy.”
1095. “Những ai thường khóc lóc và than vãn, chúng khóc lóc kẻ đã chết, rồi khóc lóc kẻ sẽ chết; vì thế, này ẩn sĩ, ông chớ khóc lóc. Các bậc thiện nhân đã nói khóc lóc là vô ích.
1096. Thật vậy, này Bà-la-môn, nếu người đã chết, đã ra đi, có thể sống lại nhờ vào sự than khóc, thì tất cả chúng ta hãy tụ tập lại và khóc lóc cho các thân quyến, người này cho người kia qua lại lẫn nhau.”
1097. “Quả thật, trong khi ta đang bị thiêu đốt tựa như ngọn lửa được rưới bơ lỏng, ngài có thể dập tắt tất cả nỗi buồn bực như là đang rưới nước xuống.
1098. Khi ta bị sầu muộn chế ngự, người nào đã xua đi nỗi sầu muộn về con trai của ta, người ấy quả thật đã rút ra mũi tên sầu muộn đã cắm vào trái tim của ta.
1099. Ta đây, có mũi tên đã được rút ra, có sự sầu muộn đã được xa lìa, không bị vẩn đục. Thưa Thiên Chủ, sau khi lắng nghe ngài, ta không sầu muộn, không khóc lóc.”
5. Bổn sanh Con Voi Somadatta.
1100. “Các sợi tóc trước kia đã là màu đen,
chúng mọc lên tại vị trí phù hợp ở trên đầu.
Giờ đây, sau khi nhìn thấy chúng bạc trắng, này Susīma,
nay là thời điểm của Phạm hạnh, ngươi hãy thực hành giáo pháp.”
1101. “Tâu bệ hạ, sợi tóc bạc là của thiếp đây, không phải của ngài,
từ đầu của thiếp đây, từ phần đỉnh đầu của thiếp.
Thiếp đã nói lời dối trá (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ làm điều lợi ích.’
Tâu chúa thượng, xin bệ hạ hãy tha thứ lỗi lầm cho thiếp một lần này.
1102. Tâu bệ hạ, ngài trẻ tuổi, (đẹp dáng) đáng nhìn,
ngài trỗi dậy ở lứa tuổi thanh niên, giống như chồi non,
ngài hãy cai quản vương quốc và hãy ngắm nhìn thiếp.
Tâu vị chúa của loài người, ngài chớ đeo đuổi việc viễn vông.”
1103. “Trẫm nhìn ngắm người thiếu nữ tuổi thanh xuân,
có vóc dáng hài hòa, với thân hình đẹp, với vòng eo xinh.
Tựa như mầm dây leo đang chuyển động,
nàng bước đi, tựa như đang làm say đắm các nam nhân.
1104. Trẫm nhìn ngắm nàng ấy vào thời điểm khác,
vào độ tuổi tám mươi, hoặc chín mươi,
nàng cầm lấy cây gậy, run lẩy bẩy,
lưng còng xuống giống như sừng bò, đang bước đi.
1105. Trẫm đây, trong lúc suy gẫm về chính điều ấy,
một mình, trẫm nằm ở giữa chiếc giường,
cũng như vậy, trong lúc trẫm xem xét như thế
trẫm không thích thú ở gia đình; nay là thời điểm của Phạm hạnh.
1106. Sự vui thích của người sống ở gia đình có sự lòng thòng tựa như sợi dây thừng. Sau khi cắt đứt luôn cả việc này, các bậc sáng trí ra đi, không có mong cầu, sau khi đã dứt bỏ khoái lạc của các dục.”
6. Bổn sanh Vua Susīma.
1107. “Ta đã đi đến mang theo con rắn dài một ngàn sải tay. Trong khi nâng đỡ con rắn ấy và ta có thân hình to lớn, ông không run rẩy.
1108. Giờ đây, trong khi nâng đỡ con chim nhỏ có ít thịt hơn cùng với ta, ông lại rung động, khiếp sợ, này thần cây bông vải, vì lý do gì?”
1109. “Thưa điểu vương, ngài là loài ăn thịt, con chim này là loài ăn trái cây. Con chim này, sau khi ăn các hạt giống của cây đa, các chùm trái sung, và các hạt của cây vả, nó sẽ đại tiện xuống thân xác của tôi.
1110. Những cây ấy tự nảy mầm, được sanh lên an toàn ở bên sườn của tôi. Chúng sẽ bao trùm lên và sẽ làm cho tôi không còn là cây nữa.
1111. Cũng có những cây cối khác là những loài thảo mộc có rễ và thân gỗ bị hủy hoại bởi loài cây đã được sanh lên do con chim mang lại hạt giống.
1112. Những cây ấy vươn lên nhanh, phát triển vượt trội luôn cả cây rừng to lớn; vì thế, thưa điểu vương, tôi run rẩy trong khi nhìn thấy nỗi nguy hiểm ở tương lai.”
1113. “Nên lo ngại về những điều đáng lo ngại, nên phòng ngừa nỗi nguy hiểm ở tương lai. Vì sự nguy hiểm trong tương lai, bậc sáng trí xem xét cả hai đời (đời này và đời sau).”
7. Bổn sanh Thần Cây Bông Vải.
1114. “Vua Yudhiṭṭhila, với sự yêu mến công lý, đã hỏi Vidhura rằng: ‘Này Bà-la-môn, ông có biết người nào một mình mà sầu muộn về nhiều việc?’”
1115. “Vị Bà-la-môn Vāseṭṭha có nhiều củi gỗ, trong khi sống ở trong rừng với bầy dê, đã thực hiện việc xông khói đêm ngày, không biếng nhác.
1116. Do mùi hương khói ấy của vị Bà-la-môn, những con nai rừng, bị quấy rầy bởi lũ muỗi, đã đi đến cư trú mùa mưa kề cận khu trại của Bà-la-môn Dhūmakārī.
1117. Sau khi quan tâm đến các con nai rừng, Dhūmakārī đã không biết đến các con dê đến hay đi; những con dê ấy của Dhūmakārī đã bị mất mát.
1118. Và vào mùa thu, khi muỗi ở trong rừng được giảm thiểu, các con nai rừng đã đi vào các khe núi hiểm trở và các suối đầu nguồn của các dòng sông.
1119. Sau khi nhìn thấy các con nai đã ra đi và các con dê đã đi đến sự tiêu diệt, vị Bà-la-môn đã trở nên gầy ốm, xuống sắc, và bị bệnh vàng da.
1120. Như vậy, kẻ nào lơ là đối với người của mình và tỏ ra quý mến khách mới đến, kẻ ấy một mình sầu muộn về nhiều việc, tựa như vị Bà-la-môn Dhūmakārī.”
8. Bổn sanh Gã Chăn Dê Dhūmakārī.
1121. “Ở đây, người nào ngủ giữa những người đang thức? Ở đây, người nào thức giữa những người ngủ? Người nào hiểu câu hỏi ấy của ta? Người nào giải thích câu hỏi ấy cho ta?”
1122. “Tôi ngủ giữa những người đang thức. Tôi thức giữa những người ngủ. Tôi hiểu câu hỏi ấy. Tôi giải thích cho ngài.”
1123. “Làm thế nào ông ngủ giữa những người đang thức? Làm thế nào ông thức giữa những người ngủ? Làm thế nào ông hiểu câu hỏi ấy? Làm thế nào ông giải thích cho ta?”
1124. “Những người nào không nhận biết về giáo pháp, về ‘sự chế ngự’ và ‘sự rèn luyện,’ thưa Thiên nhân, tôi thức khi những người ấy đang ngủ.
1125. Đối với những vị nào có sự luyến ái, sân hận, và vô minh đã được dứt trừ, thưa Thiên nhân, tôi là ngủ khi những người ấy đang thức.
1126. Tôi ngủ giữa những người đang thức là như vậy. Tôi thức giữa những người ngủ là như vậy. Tôi hiểu câu hỏi ấy là như vậy. Tôi giải thích cho ngài như vậy.”
1127. “Tốt đẹp thay ông ngủ giữa những người đang thức! Tốt đẹp thay ông thức giữa những người ngủ! Tốt đẹp thay ông hiểu câu hỏi ấy của ta! Tốt đẹp thay ông giải thích cho ta!”
9. Bổn sanh Người Tỉnh Thức.
1128. “Thật vậy, sự phục vụ đến các vị Phật Độc Giác Anomadassī không phải là nhỏ nhoi. Hãy nhìn xem quả báu của phần cháo đặc khô khan không dầu và không muối gia vị.
1129. Và tôi có được nhiều voi, bò, ngựa, tài sản, lúa gạo, toàn thể trái đất, và những nữ nhân giống như tiên nữ này. Hãy nhìn xem quả báu của phần cháo đặc.”
1130. “Tâu đại vương, bậc thầy tổ về thiện pháp, ngài thường xuyên thốt ra các câu thơ. Tâu bậc có sự phát triển về quốc độ, thiếp xin hỏi bệ hạ: Bệ hạ có tâm ý hoan hỷ một cách mãnh liệt, xin bệ hạ hãy giải thích.”
1131. “Trẫm đã được sanh ra trong một gia đình ở ngay tại thành phố này. Trẫm đã là người làm công cho người khác, người làm thuê, và là người gìn giữ giới.
1132. Trong khi rời khỏi thành vì công việc, trẫm đã nhìn thấy bốn vị Sa-môn đầy đủ hạnh kiểm và giới luật, có bản thể mát mẻ, không còn lậu hoặc.
1133. Sau khi khởi tâm tịnh tín đối với các vị ấy, trẫm đã thỉnh các vị ngồi xuống ở tấm thảm lá cây. Được tịnh tín, trẫm đã tận tay dâng cháo đặc đến các vị Phật.
1134. Quả báu của nghiệp thiện ấy đã thành tựu đến trẫm là như thế này. Trẫm đã thọ hưởng vương quốc này, vùng đất hạng nhất, giàu có.”
1135. “Xin bệ hạ hãy bố thí rồi mới ăn, và chớ có xao lãng. Tâu bậc thầy tổ về thiện pháp, xin bệ hạ hãy xoay chuyển bánh xe (công lý). Tâu đức vua, bệ hạ chớ là vị vua bất công. Tâu bậc thầy tổ về thiện pháp, xin bệ hạ hãy hộ trì công lý.”
1136. “Này ái hậu, trẫm đây sẽ thực hành lập đi lập lại chính con đường ấy, con đường đã được các bậc Thánh nhân thực hành. Này ái nữ xinh đẹp của đức vua xứ Kosala, trẫm có sự hoan hỷ khi nhìn thấy các bậc A-la-hán.”
1137. “Hoàng hậu giống như cô tiên nữ, nàng rực rỡ ở giữa đám phụ nữ. Này ái nữ xinh đẹp của đức vua xứ Kosala, nàng đã làm nghiệp gì tốt đẹp, nhờ vậy, nàng có sắc đẹp?”
1138. “Tâu vị Sát-đế-lỵ, thiếp đã là nữ nô lệ của gia tộc Ambaṭṭha, là nữ tỳ hầu hạ người khác. Thiếp đã tự kiềm chế (thân khẩu), có sự nuôi mạng đúng pháp, là người nữ có giới hạnh, và có dáng vẻ tốt đẹp.
1139. Khi ấy, thiếp đã dâng cúng phần ăn được nhận lãnh đến vị tỳ khưu đang đi khất thực. Thiếp đã vui mừng, có tâm ý hoan hỷ tự bản thân. Quả báu của nghiệp ấy đã có cho thiếp là như thế này.”
10. Bổn sanh Phần Cháo Đặc.
1140. “Điều xấu xa sẽ đến cho ta, sự sợ hãi sẽ đến cho ta, bởi vì vào lúc ấy, cành cây đã bị lay động bởi loài người hoặc con thú.”
1141. “Thật vậy, lòng ham muốn của ta đối với người vợ tên Bhīrū sống ở chỗ không xa sẽ làm cho ta gầy ốm, vàng vọt, tựa như cành cây ấy sẽ làm cho Parantapa.
1142. Người vợ yêu dấu không bị chê trách đang sống ở trong làng sẽ khiến ta sầu muộn, sẽ làm cho ta gầy ốm, vàng vọt, tựa như cành cây ấy sẽ làm cho Parantapa.
1143. Khóe mắt đùa giỡn, các nụ cười duyên và các câu nói của nàng sẽ làm cho ta gầy ốm, vàng vọt, tựa như cành cây ấy sẽ làm cho Parantapa.”
1144. “Thật vậy, tiếng động ấy đã đi đến. Thật vậy, nó đã tiết lộ cho hoàng tử. Thật vậy, kẻ nào đã làm lay động cành cây ấy, kẻ ấy đã kế lại cho hoàng tử.
1145. ‘Việc này đã sáng tỏ cho hoàng tử’ là điều suy nghĩ của kẻ ngu dốt như ta, bởi vì vào lúc ấy, cành cây đã bị lay động bởi loài người hoặc con thú.”
1146. “Ngươi đã biết rõ y như thế ấy. Ngươi đã lừa gạt cha của ta. Sau khi giết chết cha ta và che phủ với những cành cây, (ngươi đã nghĩ rằng): ‘Sự sợ hãi sẽ đến cho ta.’”
11. Bổn sanh Nô Tỳ Parantapa.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Các ngôi làng cao quý, con khỉ chúa, và đạo sĩ Bhaggava,
đức vua Daḷhadhamma, với con voi, chuyện các sợi tóc bạc,
con rắn, Bà-la-môn Vidhura, người tỉnh thức lần nữa,
rồi bậc thầy tổ về thiện pháp, và nô tì Parantapa.
Nhóm Bảy Kệ Ngôn được chấm dứt.
*****
Giờ hãy lằng nghe tôi đang nói về hai phẩm ở nhóm bảy:
phẩm Kukku và thêm phẩm Gandhāra đã được bậc Đại Ẩn Sĩ thuyết.
--ooOoo--
[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14]
[Thư Mục Tổng Quát][Thư mục Bổn Sanh I][Thư mục Bổn Sanh II][Thư mục Bổn Sanh III]