TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 32
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH tập I
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH

X. DASAKANIPĀTO - NHÓM MƯỜI KỆ NGÔN

 

DASAKANIPĀTO - NHÓM MƯỜI KỆ NGÔN

 

1355. “Thành này làm bẳng sắt, có bốn cánh cửa, có tường thành vững chắc. Tôi đã bị giam cầm, bị ngăn chận; điều ác gì đã được tạo ra bởi tôi?”

 

1356. Tất cả các cánh cửa đã được đóng lại. Tôi bị giam cầm giống như con chim (ở trong lồng). Thưa Dạ-xoa, lý do gì mà tôi bị hành hạ bởi bánh xe?”

 

1357. “Này cậu trai, sau khi đã đạt được nhiều hơn hai triệu đồng tiền, gã ấy đã không làm theo lời nói của các thân quyến, của những người thương xót (đến gã).

 

1358. Gã đã lao vào biển cả có sóng nhồi, vào đại dương có ít điều may mắn. Với bốn (nữ nhân), gã đã đi đến tám, và cũng với tám rồi mười sáu, và với mười sáu rồi ba mươi hai (nữ nhân), trong khi ước muốn quá lố, gã nhận lấy bánh xe. Bánh xe quay tròn ở trên đầu của kẻ bị hành hạ bởi ước muốn.

 

1359. Các ước muốn quá to lớn là khó được làm cho đầy đủ, chúng có khuynh hướng lan tỏa rộng ra. Những kẻ nào thèm muốn điều ấy, những kẻ ấy trở thành những người mang bánh xe (ở trên đầu).

 

1360. Sau khi đã buông bỏ nhiều của cải, sau khi đã không xem xét lộ trình, những kẻ nào đã không chuẩn bị việc ấy, những kẻ ấy trở thành những người mang bánh xe (ở trên đầu).

 

1361. Nên xem xét hành động và của cải dồi dào (của bản thân), không nên phụng sự ước muốn không liên hệ đến mục đích, nên làm theo lời nói của những người thương xót (đến mình), bánh xe sẽ không khống chế người như thế ấy.”

 

1362. “Thưa Dạ-xoa, vậy thì bánh xe sẽ ngự trên đầu của tôi bao lâu nữa? Bao nhiêu ngàn năm? Được hỏi, xin ngài hãy giải thích điều ấy cho tôi.”

 

1363. “Không nhớ được! Quá khả năng nhớ! Này Mittavinda, hãy lắng nghe ta. Bánh xe được quay tròn ở đầu của cậu cho đến khi nào cậu còn chưa thoát khỏi cuộc sống ấy.”

 

1. Bổn Sanh Bốn Cánh Cửa.

 

1364. “Người này quả thật có màu da đen, ăn thức ăn màu đen (trái cây), sống ở mảnh đất màu đen, tâm ý của ta không yêu mến (người này).”

 

1365. “Thưa Thiên Chủ Sujampati, đen không phải là bởi màu da, bởi vì cái phẩm chất bên trong mới là Bà-la-môn. Ở kẻ nào có các việc làm ác, chính kẻ ấy là đen.”

 

1366. “Do điều ấy đã được ông khéo nói, đã được ông khéo thuyết, là điều thích đáng, này Bà-la-môn, ta sẽ ban cho ông một ân huệ về bất cứ điều gì ông mong muốn ở trong tâm.”

 

1367. “Thưa Sakka, thưa vị chúa tể của tất cả chúng sanh, nếu ngài đã ban cho tôi điều ân huệ, tôi mong ước rằng tôi có thói quen là không còn giận dữ, không còn sân hận, không tham lam, không yêu thương; tôi có bốn ước muốn này.”

 

1368. “Này Bà-la-môn, vậy ông nhận thấy điều bất lợi gì ở sự giận dữ, ở sự sân hận, ở sự tham lam, và ở sự yêu thương? Được hỏi, xin ông hãy giải thích điều ấy cho ta.”

 

1369. “Sự giận dữ sanh lên từ sự không nhẫn nại. Nó khởi đầu thì ít rồi trở thành nhiều, và nó tăng trưởng, không có sự quyến luyến, có nhiều ưu phiền; vì thế, tôi không ưa thích sự giận dữ.

 

1370. Người bị bực bội thì có lời nói thô lỗ, kế liền là sự va chạm, sau đó là bàn tay, rồi đến gậy gộc, giải pháp sau cùng là của vũ khí. Sân hận có nguồn sanh khởi là sự giận dữ; vì thế, tôi không ưa thích sự sân hận.

 

1371. Các biểu hiện bạo lực ở sự cướp giựt, sự tráo trở, và các sự gian lận được nhìn thấy ở các pháp tham lam; vì thế, tôi không ưa thích sự tham lam.

 

1372. Các sự trói buộc được trói buộc chung với sự yêu thương, được tạo thành bởi ý, tiềm ẩn ở các đối tượng riêng biệt, chúng gây bực bội một cách mãnh liệt; vì thế, tôi không ưa thích sự yêu thương.”

 

1373. “Do điều ấy đã được ông khéo nói, đã được ông khéo thuyết, là điều thích đáng, này Bà-la-môn, ta sẽ ban cho ông một ân huệ về bất cứ điều gì ông mong muốn ở trong tâm.”

 

1374. “Thưa Thiên Chủ Sakka, thưa vị chúa tể của tất cả chúng sanh, nếu ngài đã ban cho tôi điều ân huệ, đối với tôi là người đang sống ở trong rừng, thường xuyên độc cư, mong rằng các bệnh hoạn chớ sanh khởi, các tác nhân gây ra chướng ngại chẳng có nhiều.”

 

1375. “Do điều ấy đã được ông khéo nói, đã được ông khéo thuyết, là điều thích đáng, này Bà-la-môn, ta sẽ ban cho ông một ân huệ về bất cứ điều gì ông mong muốn ở trong tâm.”

 

1376. “Thưa Thiên Chủ Sakka, thưa vị chúa tể của tất cả chúng sanh, nếu ngài đã ban cho tôi điều ân huệ, thưa Thiên Chủ Sakka, không do tôi là nguyên nhân làm cho ý nghĩ hoặc cơ thể (thân và khẩu) của bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào, có thể bị tổn thương. Thưa Sakka, điều này là sự ước muốn về điều ân huệ.”

 

2. Bổn Sanh Ẩn Sĩ Kaṇha.

 

1377. “Người nào là bậc thiện nhân, không bực tức với người đáng bị bực tức, không bị nổi giận vào bất cứ lúc nào, là người thậm chí bị nổi giận mà không bày tỏ sự bực tức, thật vậy, các bậc sáng suốt ở thế gian đã gọi người ấy là Sa-môn.”

 

1378. “Người nào chịu đựng cái đói, có bao tử lưng lửng, là người đã được rèn luyện, có sự khổ hạnh, có thức ăn nước uống bị hạn chế, là người không làm việc ác vì nguyên nhân vật thực, thật vậy, các bậc sáng suốt ở thế gian đã gọi người ấy là Sa-môn.”

 

1379. “Sau khi buông bỏ tất cả việc đùa giỡn và lạc thú, là người không nói sai trái về bất cứ điều gì ở thế gian, là người đã lánh xa việc trang điểm, đã lánh xa việc đôi lứa, thật vậy, các bậc sáng suốt ở thế gian đã gọi người ấy là Sa-môn.”

 

1380. “Thật vậy, người nào, sau khi hiểu biết toàn diện, hoàn toàn từ bỏ tất cả vật sở hữu và pháp tham lam, là người đã được rèn luyện, có bản tánh ổn định, không chấp là của ta, không có sự dính mắc, thật vậy, các bậc sáng suốt ở thế gian đã gọi người ấy là Sa-môn.”

 

1381. “Chúng tôi hỏi vị phân xử, vị có trí tuệ không thiếu sót. Có sự cãi vã đã sanh khởi giữa chúng tôi về các kệ ngôn. Hôm nay, ngài hãy chặt đứt sự nghi hoặc và các hoài nghi. Hôm nay, nhờ ngài tất cả chúng tôi có thể dẹp bỏ sự nghi hoặc.”

 

1382. “Các vị nào là các bậc sáng suốt, có khả năng nhìn thấy ý nghĩa, các vị ấy nói đúng đường lối theo thời điểm của sự việc. Tâu vị chúa của loài người, làm thế nào các bậc thiện xảo có thể nắm được ý nghĩa của các kệ ngôn còn chưa được nói ra?

 

1383. Thật vậy, vị Chúa của loài rồng nói thế nào?

Rồi Kim-sỉ-điểu Venateyya nói thế nào?

Thêm nữa, vị Vua của các Càn-thát-bà nói gì?

Hơn nữa, đức vua tối cao của xứ Kuru nói thế nào?”

 

1384. “Đúng vậy, vị Chúa của loài rồng nói về sự nhẫn nại.

Kim-sỉ-điểu Venateyya nói về không đánh đập.

Vị Vua của các Càn-thát-bà nói về sự buông bỏ lạc thú.

Đức vua tối cao của xứ Kuru nói về vô sở hữu.”

 

1385. “Tất cả các điều ấy đã được khéo nói,

bởi vì ở đây không có một điều nào đã được vụng nói.

Và các điều ấy được thiết lập ở người nào,

tựa như các cây căm khéo được gắn vào trục bánh xe,

người nào được đầy đủ bốn pháp,

thật vậy, các bậc sáng suốt ở thế gian đã gọi người ấy là Sa-môn.”

 

1386. “Ngài là hạng nhất, ngài là người không ai hơn được,

ngài là vị đã đạt đến pháp, là vị hiểu rõ pháp, là bậc thiện trí.

Sau khi nắm vững câu hỏi bằng trí tuệ,

bậc sáng trí đã chặt đứt các hoài nghi,

đã chặt đứt sự nghi hoặc và các hoài nghi,

giống như người thợ ngà voi đã cắt đứt ngà voi bằng cây cưa.

 

1387. Hài lòng với việc giải thích câu hỏi, này vị sáng trí, ta ban cho ngài tấm vải này, có màu sắc như là làn khói, có sự rực rỡ như đóa sen xanh, không có vết bẩn, vô giá, để cúng dường pháp.

 

1388. Hài lòng với việc giải thích câu hỏi, này vị sáng trí, ta ban cho ngài bông hoa bằng vàng, nở rộ với một trăm cánh hoa, có tua nhụy, được điểm tô với một ngàn viên ngọc, để cúng dường pháp.

 

1389. Hài lòng với việc giải thích câu hỏi, này vị sáng trí, ta ban cho ngài viên ngọc ma-ni vô giá, làm thích ý, rực rỡ, được gắn liền ở cổ, được trang điểm với viên ngọc ma-ni, vật sở hữu của ta, để cúng dường pháp.

 

1390. Hài lòng với việc giải thích câu hỏi, ta ban cho ngài một ngàn bò cái, một bò mộng, một con voi, mười cỗ xe kéo này đã được thắng vào những con ngựa thuần chủng, và mười sáu ngôi làng cao quý.”

 

3. Bổn Sanh Bốn Vị Hành Trai Giới.

 

1391. “Thưa chủ nhân Saṅkha, tôn ông có kiến thức rộng, đã được nghe Giáo Pháp. Tôn ông đã diện kiến các vị Sa-môn và Bà-la-môn. Giờ không phải là lúc tôn ông thể hiện sự mê sảng. Phải chăng có người nào khác đang chuyện trò với tôn ông, ngoài tôi ra?”

 

1392. “Có nàng tiên nữ với khuôn mặt xinh đẹp, với dáng vẻ thanh tú, khéo phục sức với đồ trang điểm bằng vàng, đã trao ra cái đĩa làm bằng vàng rồi nói với ta bằng niềm tin và tâm hoan hỷ rằng: ‘Ông hãy thọ dụng bữa ăn.’ Ta đã trả lời ‘không’ với nàng ấy.”

 

1393. “Thưa vị Bà-la-môn, sau khi nhìn thấy hạng Dạ-xoa như thế ấy, con người đang mong mỏi hạnh phúc có thể yêu cầu. Tôn ông nên đứng lên, chắp tay lại, và hỏi vị ấy rằng: ‘Vậy nàng là nữ thần hay là nữ nhân loại?’”

 

1394. “Thưa vị nữ nhân có đại năng lực, bởi vì nàng quan sát tôi với vẻ cảm thông và nói với tôi rằng: ‘Ông hãy thọ dụng bữa ăn.’ Vì thế, tôi xin hỏi nàng rằng: ‘Vậy nàng là nữ thần hay là nữ nhân loại?’”

 

1395. “Này Saṅkha, thiếp là nữ thần có đại năng lực. Thiếp đã đi đến nơi này từ giữa làn nước của đại dương. Là người có lòng thương xót và không có tâm ý xấu xa, thiếp đã đi đến nơi này vì lợi ích của chính ông.

 

1396. Này Saṅkha, cơm ăn nước uống, và chỗ nằm ngồi ở nơi này, các phương tiện di chuyển đủ các loại khác nhau, thiếp cung cấp cho ông tất cả, bất cứ điều gì được ông ước nguyện đều là của ông.”

 

1397. “Thưa vị nữ thần có cơ thể xinh xắn, bất cứ vật dâng hiến hay vật cúng tế nào của tôi, nàng là chúa tể của tất cả thiện nghiệp ấy của chúng tôi. Thưa vị nữ thần có cặp mông xinh, có lông mày khéo, có eo thon đẹp, nghiệp nào của tôi mà có được quả thành tựu này?”

 

1398. “Này Bà-la-môn, ông đã trao tặng đôi dép đến vị tỳ khưu bị khát nước, đang mệt nhọc, có bàn chân bị tổn thương ở trên con đường vào mùa nóng. Này Saṅkha, việc cúng dường ấy là nguồn ban phát các điều mong muốn của ông ngày hôm nay.”

 

1399. “Hãy hiện ra chiếc thuyền được tạo thành bởi những tấm ván gỗ, không bị thấm nước, được bám chặt vào làn gió bởi cánh buồm, bởi vì ở nơi đây không là vùng đất cho phương tiện di chuyển nào khác. Hãy giúp cho tôi đến được thành phố Molinī nội trong ngày hôm nay.”

 

1400. “Tại nơi ấy, ở giữa biển khơi, vị tiên nữ ấy, với tâm vui vẻ, với thiện ý, được hài lòng, sau khi hóa hiện ra chiếc thuyền được tô màu khéo léo, đã đón rước Saṅkha cùng với người hầu, rồi đã đưa đến thành phố tốt đẹp, đáng yêu.”

 

4. Bổn Sanh Bà-la-môn Saṅkha.

 

1401. “Thưa vị Bà-la-môn, nếu có người dùng võ lực bắt đem đi người phụ nữ có mắt to, đáng yêu, có nụ cười thân thiện của ngài, thì ngài có thể làm gì?”

 

1402. “Nếu nó khởi lên ở tôi thì nó không thể thoát ra, nó không thể thoát ra khỏi tôi chừng nào tôi còn sống. Tựa như cơn mưa lớn dập tắt bụi bặm, tôi có thể chặn đứng nó vô cùng nhanh chóng.”

 

1403. “Điều mà ngài đã khoe khoang trước đây, dường như đã được dựa vào sức mạnh. Hôm nay, ngài đây là người im lặng. Giờ này, ngài ngồi may y hai lớp.”

 

1404. “Nó đã khởi lên ở tôi và đã không thoát ra, nó đã không thoát ra khỏi tôi chừng nào tôi còn sống. Tựa như cơn mưa lớn dập tắt bụi bặm, tôi đã chặn đứng nó vô cùng nhanh chóng.”

 

1405. “Cái gì đã khởi lên ở ngài và đã không thoát ra? Cái gì đã không thoát ra khỏi ngài chừng nào ngài còn sống? Tựa như cơn mưa lớn dập tắt bụi bặm, ngài đã chặn đứng cái gì?”

 

1406. “Cái nào khi khởi lên thì con người không nhìn thấy, khi không khởi lên thì con người nhìn thấy rõ ràng, cái ấy là sự giận dữ; nó đã khởi lên ở tôi và đã không thoát ra, nó có đối tượng là những kẻ ngu muội.

 

1407. Do cái nào khởi lên mà những kẻ thù, những kẻ tìm kiếm sự khổ đau, được hân hoan, cái ấy là sự giận dữ; nó đã khởi lên ở tôi và đã không thoát ra, nó có đối tượng là những kẻ ngu muội.

 

1408. Và khi cái nào đang được khởi lên khiến con người không còn nhận biết việc có sự lợi ích, cái ấy là sự giận dữ; nó đã khởi lên ở tôi và đã không thoát ra, nó có đối tượng là những kẻ ngu muội.

 

1409. Bị chế ngự bởi cái nào, con người từ bỏ việc thiện, và còn bỏ bê việc lợi ích lớn lao, cái ấy có đạo quân ghê rợn, là kẻ hủy diệt có sức mạnh, là sự giận dữ, tâu đại vương, nó đã không thoát ra khỏi tôi.

 

1410. Khi thanh gỗ đang được cọ xát thì có cái gọi là lửa sanh ra. Chính cái ấy đốt cháy thanh gỗ, từ đó, nó sanh ra ngọn lửa.

 

1411. Tương tự như vậy, sự giận dữ khởi lên từ sự nóng nảy của kẻ đần độn, ngu dốt, không nhận thức, kẻ ngu dốt ấy cũng bị đốt nóng bởi chính sự giận dữ.

 

1412. Ví như ngọn lửa gia tăng ở cỏ và củi, kẻ nào có sự giận dữ gia tăng, thì danh tiếng của kẻ ấy bị sút giảm, tựa như mặt trăng thuộc hạ huyền bị khuyết dần.

 

1413. Ví như ngọn lửa không có nhiên liệu, người nào có sự giận dữ được yên lặng, thì danh tiếng của người ấy trở nên đầy đủ, tựa như mặt trăng thuộc thượng huyền được tròn dần.”

 

5. Bổn Sanh Tiểu Giác Ngộ.

 

1414. “Là người mong mỏi phước báu, có tâm tịnh tín, tôi đã thực hành Phạm hạnh trong bảy ngày. Rồi việc thực hành khác nữa của tôi là năm mươi năm về thiền định. Mặc dầu không có sự mong muốn, tôi cũng vẫn thực hành (Phạm hạnh). Do sự chân thật này, cầu mong có sự an lành, chất độc được tiêu tan, bé trai Yaññadatta hãy sống.”

 

1415. “Mặc dù tôi không bao giờ thích thú việc bố thí khi tôi nhìn thấy người khách lạ vào thời điểm họ đi tìm chỗ ngụ, và ngay cả các vị Sa-môn và Bà-la-môn học rộng cũng đã không biết được tâm trạng không ưa thích của tôi. Mặc dầu không có sự mong muốn, tôi cũng vẫn bố thí. Do sự chân thật này, cầu mong có sự an lành, chất độc được tiêu tan, con trai Yaññadatta hãy sống.”

 

1416. “Này con thương, con rắn độc có nhiều oai lực đã cắn con sau khi phóng ra khỏi hang, và tâm trạng không ưa thích của mẹ ngày hôm nay đối với con rắn cũng như đối với cha con là không có gì khác biệt. Do sự chân thật này, cầu mong có sự an lành, chất độc được tiêu tan, con trai Yaññadatta hãy sống.”

 

1417. “Các bậc an tịnh, đã được rèn luyện, xuất gia (lìa thế tục), không có vẻ là không mong muốn, ngoại trừ vị Kaṇhā. Thưa ngài Dīpāyana, trong khi ngài chán ghét, không mong muốn (việc tu tập), vì lý do gì ngài vẫn thực hành Phạm hạnh?”

 

1418. “Sau khi ra đi vì niềm tin, kẻ nào quay trở lại (cuộc sống thế tục), kẻ ấy tựa như người điếc và câm; người này quả thật là kẻ ngu si! Bởi vì lời nói ấy, trong khi ta chán ghét, không mong muốn (việc tu tập), ta vẫn thực hành Phạm hạnh. Còn có sự ca ngợi của những người hiểu biết và địa vị dành cho những người tốt; dầu là như vậy, ta cũng là người tạo được nghiệp thiện.

 

1419. Ông đã làm hài lòng các vị Sa-môn, các vị Bà-la-môn, và các khách lữ hành về vật thực với cơm ăn và nước uống. Và ngôi nhà này của ông có hình thức như là cái giếng nước đầy đủ cơm ăn và nước uống. Vậy thì, bởi vì lời nói gì mà trong khi ông chán ghét, không mong muốn (việc bố thí), ông vẫn ban phát việc bố thí này?”

 

1420. “Cha và ông nội của tôi đã là những người có niềm tin, đã là những người thí chủ rộng lượng. Trong khi tiếp nối truyền thống ấy của gia tộc, chớ để tôi trở thành kẻ hủ bại nhất trong gia tộc! Bởi vì lời nói ấy, trong khi tôi chán ghét, không mong muốn (việc bố thí), tôi vẫn ban phát việc bố thí này.”

 

1421. “Hỡi cô nàng có cơ thể xinh xắn, ta đã rước nàng, người thiếu nữ trẻ trung có trí tuệ còn chưa đầy đủ, từ thân quyến gia tộc. Nàng cũng đã không cho biết về tình trạng không yêu mến đối với ta, trong khi nàng hầu hạ ta không có sự mong muốn. Vậy bởi vì lý do gì mà tình trạng sống chung của nàng với ta đã có hình thức như vậy?”

 

1422. “Từ thời xa xưa, không bao giờ có việc gọi là thay đổi chồng ở gia tộc này. Trong khi tiếp nối truyền thống ấy của gia tộc, chớ để thiếp trở thành kẻ kẻ hủ bại nhất trong gia tộc! Bởi vì lời nói ấy, trong khi thiếp chán ghét, không mong muốn, thiếp vẫn là người làm công việc hầu hạ đối với chàng.

 

1423. Này chàng Maṇḍavya, thiếp đã nói lời không nên nói. Mong chàng hãy tha thứ điều ấy cho thiếp hôm nay vì nguyên nhân của đứa con trai. Ở đây, không có bất cứ cái gì khác so với tình thương dành cho đứa con trai. Lời nói ấy đối với chúng ta là Yaññadatta này được sống.”

 

6. Bổn Sanh Ẩn Sĩ Kaṇhadīpāyana.

 

1424. “‘Ta không biết người này. Người này là ai hay là thuộc về ai?’ Giống như Sākha đã nói, này bạn Nigrodha, như vậy bạn nghĩ thế nào?

 

1425. Do bị nắm lấy ở cổ, các gia nhân, những kẻ tuân hành lệnh của Sākha, đã quẳng tôi ra khỏi nơi đó, sau khi đã cho những cú đấm vào mặt của tôi.

 

1426. Tâu quân vương, việc không cao thượng như thế ấy đã được thực hiện bởi kẻ có tâm xấu xa, kẻ vô ơn bạc nghĩa Sākha, bạn của bệ hạ.”

 

1427. “Này khanh, Trẫm không biết việc này, và cũng không ai tấu cho trẫm việc mà khanh vừa nói với trẫm, là việc kéo đi do Sākha đã làm.”

 

1428. Khanh là người tạo ra cuộc sống cho bạn bè, cho cả hai người là trẫm và Sākha. Khanh là người ban cho chúng tôi vương quyền, địa vị quan trọng ở loài người. Quyền uy của chúng tôi đã đạt được là do bạn, về việc này trẫm không có hoài nghi.

 

1429. Cũng giống như hạt giống bị đốt cháy ở ngọn lửa thì không nảy mầm, tương tự như vậy, việc đã làm cho người xấu thì bị tiêu hoại, không tăng trưởng.

 

1430. Còn ở người biết ơn, có giới, có hành vi cao thượng, thì việc đã làm cho người ấy không bị tiêu hoại, ví như các hạt giống được gieo ở thửa ruộng tốt.”

 

1431. “Các khanh hãy dùng các cây giáo giết chết gã Sākha hạ tiện này, kẻ lường gạt, kẻ có suy nghĩ của tiện nhân, trẫm không muốn gã này sống.”

 

1432. “Tâu đại vương, xin hãy tha thứ cho kẻ này, bởi vì mạng sống (của người đã chết) là khó lấy lại. Tâu bệ hạ, xin ngài tha thứ cho kẻ xấu, thần không mong muốn cái chết của gã này.”

 

1433. “Con nên phục vụ chỉ riêng Nigrodha, chớ có sống thân cận với Sākha. Thà bị chết ở nơi Nigrodha còn tốt hơn nếu phải sống cùng Sākha.”

 

7. Bổn Sanh Vua Nigrodha.

 

1434. “Thưa cha, không có củ takkaḷa, không có củ ālupa, không có củ biḷāli, không có củ kalamba. Thưa cha, một mình ở trong rừng, giữa nơi mộ địa, cha đào cái hố vì mục đích gì?”

 

1435. “Này con, bị tác động bởi sự khổ đau do nhiều căn bệnh, ông nội của con có sức khỏe rất kém. Hôm nay, cha sẽ chôn ông ở trong huyệt, bởi vì cha không vui thích khi ông nội có cuộc sống như thế ấy.”

 

1436. “Cha gây nên nghiệp vô cùng tai hại, tàn bạo, sau khi đạt đến ý định độc ác ấy. Thưa cha, cha cũng sẽ nhận lãnh nghiệp như thế ấy do con, khi cha đã già. Trong khi tiếp nối truyền thống ấy của gia tộc, con cũng sẽ chôn cha ở trong huyệt.”

 

1437. “Này con trẻ, trong khi làm vậy, con đã công kích và nói với cha bằng những lời nói độc ác. Này con trai, trong khi là con trai ruột của cha, con cũng đã không có lòng thương tưởng đến sự lợi ích của cha.”

 

1438. “Thưa cha, không phải là con không có lòng thương tưởng đến sự lợi ích của cha. Thưa cha, con cũng có lòng thương tưởng đến sự lợi ích của cha. Trong khi cha đang làm hành động độc ác ấy, con có khả năng để cản ngăn chúng ta khỏi làm công việc ấy.”

 

1439. Này Vasiṭṭha, kẻ nào có bản tánh độc ác, hãm hại mẹ hoặc cha, những người không đồi bại, do sự hoại rã của thân, vào kiếp kế tiếp, kẻ ấy sẽ đi đến địa ngục một cách chắc chắn.

 

1440. Này Vasiṭṭha, người nào phụng dưỡng mẹ hoặc cha với cơm ăn và nước uống, do sự hoại rã của thân, vào kiếp kế tiếp, kẻ ấy sẽ đi đến cảnh giới an vui một cách chắc chắn.”

 

1441. “Này con trai, không phải là cha không có lòng thương tưởng đến sự lợi ích của con. Này con trai, con cũng có lòng thương tưởng đến sự lợi ích của cha. Và cha, trong khi bị mẹ của con xúi giục, cha mới gây nên nghiệp tàn bạo như thế ấy.”

 

1442. “Người vợ của cha có vẻ không thánh thiện. Bà ấy là mẹ của con, là người mẹ ruột. Cha nên đuổi bà ấy ra khỏi nhà của mình. Bà ấy còn có thể đem lại cho cha sự khổ đau khác nữa.”

 

1443. “Người vợ của cha có vẻ không thánh thiện. Bà ấy là mẹ của con, là người mẹ ruột. Tựa như con voi cái đã được huấn luyện, đã được khép vào kỷ cương, hãy cho người dàn bà có bản tánh xấu xa ấy trở về nhà.”

 

8. Bổn Sanh Củ Takkaḷa.

 

1444. “Phận sự gì của ngài, và Phạm hạnh gì, thiện hạnh gì đem lại quả thành tựu này? Thưa Bà-la-môn, xin ngài hãy giải thích cho tôi về sự việc này, vì sao những người trẻ của ngài không bị chết (lúc còn trẻ)?”

 

1445. “Chúng tôi thực hành thiện pháp, chúng tôi không nói lời dối trá, chúng tôi từ bỏ hẳn các việc làm độc ác, chúng tôi lánh xa tất cả việc không thánh thiện; chính vì thế, những người trẻ của chúng tôi không bị chết (lúc còn trẻ).”

 

1446. Chúng tôi nghe giáo lý của những kẻ không tốt và của những vị tốt, những chúng tôi không vui thích giáo lý của những kẻ không tốt. Sau khi từ bỏ những kẻ không tốt và không từ bỏ những vị tốt; chính vì thế, những người trẻ của chúng tôi không bị chết (lúc còn trẻ).

 

1447. Ngay trước việc bố thí, chúng tôi vui mừng; và trong lúc bố thí, chúng tôi hoan hỷ; bố thí xong, chúng tôi không hối tiếc sau đó; chính vì thế, những người trẻ của chúng tôi không bị chết (lúc còn trẻ).

 

1448. Chúng tôi làm hài lòng các vị Sa-môn, các vị Bà-la-môn, các khách lữ hành, những người cùng khổ, những người ăn xin, những người nghèo đói với cơm ăn và nước uống; chính vì thế, những người trẻ của chúng tôi không bị chết (lúc còn trẻ).

 

1449. Chúng tôi không phản bội những người vợ, và những người vợ không phản bội chúng tôi, ngoài những người vợ ấy ra, chúng tôi gìn giữ sự thanh khiết (đối với những người phụ nữ khác); chính vì thế, những người trẻ của chúng tôi không bị chết (lúc còn trẻ).

 

1450. Tất cả chúng tôi chừa bỏ việc giết hại mạng sống, chúng tôi lánh xa việc trộm cắp ở thế gian, không có việc uống chất say, và không có việc chúng tôi nói dối; chính vì thế, những người trẻ của chúng tôi không bị chết (lúc còn trẻ).

 

1451. Những đứa con sanh ra từ những người phụ nữ tuyệt vời ấy là những người thông minh, có nhiều trí tuệ, học rộng, và hiểu biết sâu sắc; chính vì thế, những người trẻ của chúng tôi không bị chết (lúc còn trẻ).

 

1452. Những người mẹ, những người cha, những chị em gái, những anh em trai, những người con trai, những người vợ, và tất cả chúng tôi thực hành thiện pháp vì nguyên nhân của đời sau; chính vì thế, những người trẻ của chúng tôi không bị chết (lúc còn trẻ).

 

1453. Các tôi trai, các tớ gái, và những người sống phụ thuộc, những người hầu cận, và những người làm công, tất cả đều thực hành thiện pháp vì nguyên nhân của đời sau; chính vì thế, những người trẻ của chúng tôi không bị chết (lúc còn trẻ).

 

1454. Thật vậy, thiện pháp hộ trì người có sự thực hành thiện pháp. Thiện pháp khéo được thực hành đem lại sự an lạc. Điều này là quả báu khi thiện pháp khéo được thực hành: Người có sự thực hành thiện pháp không đi đến cảnh giới khổ đau.

 

1455. Thật vậy, thiện pháp hộ trì người có sự thực hành thiện pháp, ví như chiếc lọng to lớn bảo vệ con người vào thời điểm của cơn mưa. Con trai Dhammapāla của tôi được bảo vệ bởi thiện pháp; các khúc xương là của người khác, con trai của tôi được an vui.”

 

9. Đại Bổn Sanh Dhammapāla.

 

1456. “Không nên tin cậy người làm ác, không nên tin cậy người nói không thật, không nên tin cậy người chỉ biết lợi ích của bản thân, thậm chí không nên tin cậy người quá an tịnh.

 

1457. Thật vậy, có nhiều người có bản tính thèm khát của loài bò. Tôi nghĩ rằng họ làm vui lòng các bạn bè bằng lời nói mà không bằng hành động.

 

1458. Những người chìa ra bàn tay khô khan, che đậy bằng lời nói, là những người vô tích sự, không nên thân cận hạng người không có sự biết ơn.

 

1459. Không nên thiết lập sự giao thiệp chặt chẽ với những người nữ, hoặc với những người nam có tâm thay đổi, thậm chí không nên tin cậy người như thế ấy.

 

1460. Người phạm đến hành động không thánh thiện, (có lời nói) không quả quyết, là người giết hại tất cả (khi đạt được cơ hội), tựa như giươm bén được che đậy, thậm chí không nên tin cậy người như thế ấy.

 

1461. Ở đây, một số người với vẻ ngoài bạn bè, với lời nói trau chuốt nhưng không phải tự tâm, theo nhiều phương thức khác nhau, thậm chí không nên tin cậy người như thế ấy.

 

1462. Kẻ như thế ấy nhìn thấy thức ăn hay tài sản ở nơi nào, kẻ ngu muội ấy lập kế chống đối, đốt cháy vật ấy, rồi bỏ đi.”

 

1463. “Với vẻ ngoài bạn bè, nhiều kẻ thù giấu diếm (bản chất xấu xa), rồi thân cận; nên rời khỏi những con người tồi tệ này, tựa như con gà trống rời khỏi chim diều hâu.

 

1464. Và người nào không mau chóng nhận biết sự việc đã sanh khởi, rồi đi theo sự khống chế của kẻ thù, về sau sẽ hối tiếc.

 

1465. Và người nào mau chóng nhận chân sự việc đã sanh khởi, người ấy thoát khỏi sự ngược đãi của kẻ thù, tựa như con gà trống thoát khỏi chim diều hâu.

 

1466. Người khôn ngoan nên tránh né thật xa kẻ như thế ấy, kẻ không đạo đức, thường xuyên gây ra sự phá hoại, tựa như tránh né cái bẫy đã được trương ra ở trong rừng, giống như con gà trống tránh né chim diều hâu ở trong khu rừng tre rậm.”

 

10. Bổn Sanh Con Gà Trống.

 

1467. “Ngươi đã được trang điểm, có bông tai đã được đánh bóng, có mang tràng hoa, có thoa trầm hương màu vàng, sau khi giơ hai cánh tay lên rồi than khóc ở giữa khu rừng, ngươi bị khổ đau điều gì?”

 

1468. “Khung xe làm bằng vàng, rực rỡ, được phát sanh lên cho tôi. Tôi không tìm ra cặp bánh xe cho nó. Vì nỗi khổ đau ấy, tôi từ bỏ mạng sống.”

 

1469. “Nó làm bằng vàng, làm bằng ngọc ma-ni, làm bằng đồng, hay làm bằng bạc? Ngươi hãy nói ra, ta sẽ cho người làm chiếc xe cho ngươi. Ta sẽ giúp cho ngươi đạt được cặp bánh xe.”

 

1470. Người thanh niên ấy đã nói với ông ấy rằng: “Ở đây, mặt trăng và mặt trời là anh em; cỗ xe của tôi làm bằng vàng, được chói sáng với cặp bánh xe ấy.”

 

1471. “Này người thanh niên, ngươi quả thật khờ dại, ngươi mong mỏi vật không thể mong mỏi. Ta nghĩ rằng ngươi sẽ chết bởi vì ngươi sẽ không đạt được mặt trăng và mặt trời.”

 

1472. “Việc đi và đến (của mặt trăng và mặt trời) còn được nhìn thấy. Ở đây, màu sắc và bản chất, lộ trình của cả hai được biết đến. Trái lại, người đã qua đời không được nhìn thấy. Vậy thì trong hai người đang khóc lóc, người nào khờ dại hơn?”

 

1473. “Này người thanh niên, quả nhiên ngươi nói đúng sự thật. Trong hai người đang khóc lóc, chính ta là khờ dại hơn. Ta đang mong mỏi người chết, đã qua đời, ví như đứa bé trai đang khóc đòi mặt trăng.”

 

1474. “Quả thật, trong khi tôi đang bị thiêu đốt tựa như ngọn lửa được rưới bơ lỏng, người ấy có thể dập tắt tất cả nỗi buồn bực như là đang rưới nước xuống.

 

1475. Khi tôi bị sầu muộn chế ngự, người nào đã xua đi nỗi sầu muộn về người con trai của tôi, người ấy quả thật đã rút ra mũi tên đã cắm vào trái tim của tôi.

 

1476. Tôi đây, có mũi tên đã được rút ra, có sự sầu muộn đã được xa lìa, không bị vẩn đục. Này người thanh niên, sau khi lắng nghe ngươi, tôi không sầu muộn, không khóc lóc.”

 

11. Bổn Sanh Thiên Tử Maṭṭakuṇḍali.

 

1477. “Những người tốt vẫn mong muốn bố thí, mặc dầu chưa nấu chín vật thực đã có được, vậy thì tại sao ông không muốn cho trong khi đang nấu chín (thức ăn), việc ấy là không đúng đắn đối với ông?

 

1478. Như vậy, vật thí không được cho ra do sự bỏn xẻn và do sự xao lãng. Người có sự nhận thức, trong khi mong mỏi phước báu, nên thực hành bố thí.

 

1479. “Bị sợ hãi về sự đói và sự khát mà kẻ bỏn xẻn không bố thí; chính nỗi sợ hãi ấy có ở kẻ không bố thí. Kẻ bỏn xẻn sợ hãi về sự đói và sự khát, chính việc ấy đáp trả lại kẻ ngu ở đời này và ở đời sau.

 

1480. Vì thế, người chiến thắng tật xấu nên dẹp bỏ tánh bỏn xẻn, nên ban phát vật thí. Các phước báu là nơi nương nhờ của chúng sanh trong đời vị lai.

 

1481. “Trong khi họ cho vật khó cho, trong khi họ làm công việc khó làm, những kẻ xấu không làm theo được; pháp của những người tốt là khó đạt đến.

 

1482. Vì thế, cảnh giới tái sanh sau kiếp này dành cho những người tốt và những kẻ không tốt là khác nhau, những kẻ không tốt đi địa ngục, những người tốt có sự đi đến cõi trời.”

 

1483. “Một số người dầu có ít vẫn ban phát, một số khác có nhiều nhưng không bố thí. Sự cúng dường được dâng hiến (với đức tin) dầu ít ỏi, được xác định tương đương với một ngàn lần (sự bố thí bình thường).

 

1484. “Thậm chí người nào sống nhờ vào việc lượm lặt, cũng nên thực hành thiện pháp, ngay trong lúc chu cấp vợ và con, vẫn hành pháp bố thí mặc dầu ít ỏi. Các sự cúng tế một trăm ngàn đồng tiền của một ngàn kẻ chủ tế không giá trị bằng một phần mười sáu pháp bố thí của người như thế ấy.”

 

1485. “Vì sao sự cúng tế vĩ đại, có giá trị lớn, không sánh bằng giá trị của việc bố thí đúng pháp? Tại sao các sự cúng tế một trăm ngàn đồng tiền của một ngàn kẻ chủ tế không giá trị bằng một phần mười sáu pháp bố thí của người như thế ấy?”

 

1486. “Bởi vì, một số người đã tham dự vào việc bất công, đã thiêu đốt, đã chém giết, đã gây nên sự sầu muộn, rồi hành pháp bố thí; việc cúng dường ấy có khuôn mặt đẫm nước mắt, có gậy gộc, không sánh bằng giá trị của việc bố thí đúng pháp; tương tự như thế, các sự cúng tế một trăm ngàn đồng tiền của một ngàn kẻ chủ tế không giá trị bằng một phần mười sáu pháp bố thí của người như thế ấy.”

 

12. Bổn Sanh Triệu Phú Biḷārakosiya.

 

1487. “Bạn có tướng mạo, có vóc dáng đẹp, rắn rỏi, lấp lánh màu đỏ. Này chim hồng hạc, bạn có vóc dáng xinh, có khuôn mặt và giác quan thanh tịnh.

 

1488. Ngồi ở bờ sông Gaṅgā, bạn hưởng thụ thức ăn là loài cá: cá trích, cá miệng rộng, cá valaja, cá muñja, và cá hồi.”

 

1489. “Ta không thọ dụng thức ăn ấy, các loài sinh vật ở rừng hoặc ở trong nước, ngoại trừ rong rêu và cỏ dại; này bạn, vật ấy là thức ăn của ta.”

 

1490. “Tôi không tin vật ấy là thức ăn của loài chim hồng hạc. Này bạn, bởi vì tôi ăn thức ăn có muối và dầu ăn ở trong làng.

 

1491. Này chim hồng hạc, bữa ăn được làm ở nơi loài người có trộn lẫn thịt tinh khiết, và tướng mạo của tôi là như thế ấy, không giống như của bạn.”

 

1492. “Trong khi nhận thấy tâm oán thù ở bản thân, trong khi hãm hại dòng dõi loài người, bạn thọ dụng thức ăn, luôn dáo dác, sợ hãi; vì thế, tướng mạo của bạn là như vậy.

 

1493. Này quạ, bạn thù nghịch với tất cả thế gian bằng hành động độc ác. Miếng ăn đạt được không làm cho bạn cường tráng; vì thế, tướng mạo của bạn là như vậy.

 

1494. Này bạn, tôi cũng thọ dụng thức ăn, không có sự hãm hại tất cả các loài có mạng sống. Tôi ít ham muốn, không ngờ vực, không sầu muộn, không có sự sợ hãi từ bất cứ đâu.

 

1495. Chính bạn hãy chứng tỏ năng lực, hãy vượt qua bản chất xấu xa. Trong khi sống ở thế gian không hãm hại, bạn sẽ trở nên đáng yêu như là tôi vậy.

 

1496. Người nào không giết hại, không bảo giết hại, không thống trị, không bảo thống trị, có tâm từ ái đối với tất cả chúng sanh, người ấy không có oán thù với bất cứ ai.”

 

13. Bổn Sanh Chim Hồng Hạc.

 

1497. “(Điều vị Senaka đã nói) quả đúng là sự thật, ngài dầu có trí tuệ uyên bác, thêm vào sự vinh quang, nghị lực, và thông minh như thế ấy vẫn không bảo vệ được vị thế và quyền lực đã đạt đến của ngài, khiến ngài phải ăn món lúa mạch với ít nước xúp.”

 

1498. “Trong khi làm tăng trưởng hạnh phúc với sự khó nhọc, trong khi xem xét thời điểm hoặc chưa phải thời điểm, ta đã che giấu lòng mong muốn trong khi mở ra các cánh cửa đưa đến điều lợi ích; vì thế, ta hài lòng với cơm lúa mạch.

 

1499. Và sau khi nhận biết thời điểm cho việc ra sức, sau khi làm cho chín muồi sự lợi ích thông qua các kế hoạch, ta sẽ phô trương bản thân tựa như con sư tử đã vươn dậy; với sự thành tựu ấy, ngươi cũng sẽ gặp lại ta.”

 

1500. “Một số người không làm điều ác bởi vì họ hạnh phúc, thêm nữa một số người do sợ hãi việc dính líu đến điều tai tiếng; còn khanh, trong khi đang có nhiều ý tưởng về những lợi ích lớn lao, vì lý do gì mà khanh không gây ra sự khổ đau cho trẫm?”

 

1501. “Các bậc sáng suốt không vì nguyên nhân hạnh phúc của bản thân mà tạo ra các ngiệp ác xấu. Những người tốt, dầu bị tác động bởi khổ đau, dầu bản thân bị vấp ngã, cũng không vì tham muốn và sân hận mà từ bỏ thiện pháp.”

 

1502. “Bằng bất cứ cách thức nào, mềm mỏng hay thô bạo, nên đưa bản thân ra khỏi tình trạng khốn khó, rồi sau đó mới thực hành thiện pháp.”

 

1503. “Người ngồi hoặc nằm ở bóng râm của cây nào thì không nên bẻ gãy cành lá của cây ấy, bởi vì kẻ hãm hại bạn bè là kẻ ác xấu.

 

1504. Nhờ vào vị nào mà một người có thể nhận thức được lẽ phải, và các bậc thiện nhân dẹp bỏ mối nghi ngờ đối với người này, chính vị ấy là hòn đảo và là nơi nương tựa của người này; người có sự hiểu biết không nên hủy hoại tình bạn với vị ấy.”

 

1505. “Người tại gia biếng nhác có sự thọ hưởng các dục, là không tốt,

bậc xuất gia không tự chế ngự, là không tốt,

vị vua có hành động không cân nhắc, là không tốt,

người sáng suốt có sự phẫn nộ, việc ấy là không tốt.

 

1506. Vị Sát-đế-lỵ nên hành động sau khi cân nhắc. Bậc chúa tể không thể không cân nhắc. Đối với vị vua có hành động đã được cân nhắc, danh vọng và tiếng tăm tăng trưởng.”

 

14. Bổn Sanh Trí Tuệ Uyên Bác.

 

1507. “Con người học thuộc lòng và trì tụng cái gì vào thời điểm khấn nguyện? Kinh văn nào, hoặc phần nào trong các giáo điều? Người ấy được bảo vệ một cách an lành ở kiếp này và kiếp sau là người thực hành như thế nào?”

 

1508. “Người nào thường xuyên tôn vinh chư Thiên và tất cả cha ông, các loài rắn và tất cả các sanh linh với tâm từ ái, người ấy hẳn nhiên đã chúc tụng sự an lành cho các sanh linh.

 

1509. Người nào có lối cư xử khiêm tốn đối với tất cả thế gian, đối với những người nữ và nam, đối với các đứa trẻ, là người nhẫn nhịn, không nói lời mắng nhiếc đối với những lời phát biểu khó nghe, người ấy đã chúc tụng sự an lành tức là sự kham nhẫn.

 

1510. Người nào không khi dễ các cộng sự và các bạn bè về nghề nghiệp, về gia tộc, về tài sản, về dòng dõi, là người có trí tuệ trong sáng, có sự nhận biết vào thời điểm có lợi ích, người ấy hẳn nhiên đã chúc tụng sự an lành cho các bạn bè.

 

1511. Thật vậy, người nào có các thân hữu là những người tốt, đạt được sự tin cậy, người nào không có bản tánh lường gạt, không phải là kẻ hãm hại thân hữu, có sự chia sớt về tài sản, người ấy hẳn nhiên đã chúc tụng sự an lành cho các thân hữu.

 

1512. Người nào có cô vợ là người tương đương về tuổi tác, sống hòa thuận, tận tụy, mong muốn làm thiện pháp, có khả năng sanh sản, xuất thân gia giáo, có giới hạnh, chung thủy, người ấy hẳn nhiên đã chúc tụng sự an lành cho các cô vợ.

 

1513. Người nào có vị vua là chúa tể của thần dân, có danh tiếng, nhận biết sự thanh liêm và sự nỗ lực, có trạng thái không do dự (xác quyết rằng): ‘Người này là bạn của trẫm,’ người ấy hẳn nhiên đã chúc tụng sự an lành cho các vị vua.

 

1514. Người có niềm tin bố thí cơm ăn, nước uống, tràng hoa, hương thơm, và dầu thoa, trong lúc tùy hỷ và có tâm tịnh tín, người ấy hẳn nhiên đã chúc tụng sự an lành cho các cõi trời.

 

1515. Người nào mà các bậc trưởng thượng, các bậc an tịnh đã được hoàn thành nhờ vào việc thực hành đúng đắn, các bậc ẩn sĩ đa văn, có giới hạnh, làm cho trong sạch nhờ vào Thánh pháp, người ấy đã chúc tụng sự an lành ở giữa các bậc A-la-hán.

 

1516. Thật vậy, các sự an lành này ở thế gian được khen ngợi bởi những người hiểu biết, là các nguồn tạo ra sự an lạc. Ở đây, người có trí tuệ nên thực hành các điều ấy, bởi vì không có bất cứ cái gì gọi là Chân Lý ở điềm lành cả.”

 

15. Bổn Sanh Điềm Lành Lớn.

 

1517. “Tâu Kaṇha, xin bệ hạ hãy đứng lên. Việc gì bệ hạ lại nằm? Có lợi ích gì với ngài ở giấc chiêm bao? Các cơn gió khuấy động người em trai ruột, trái tim và con mắt phải của bệ hạ. Tâu Kesava, Ghata nói lảm nhảm.”

 

1518. Sau khi nghe lời nói ấy của cận thần Rohiṇeyya ấy, đức vua Kesava, bị khổ sở bởi nỗi sầu muộn về người em trai, đã vùng dậy với vẻ vội vã.

 

1519. “Có phải em, với dáng vẻ giống như người điên, (đi lang thang) khắp cổng thành này, lải nhải rằng: ‘Con thỏ, con thỏ.’ Thế người nào đã lấy đi con thỏ của em?

 

1520. Con thỏ của em làm bằng vàng, bằng ngọc ma-ni, bằng đồng, bằng bạc, bằng vỏ sò, đá cuội, hay san hô, trẫm sẽ bảo làm con thỏ cho em.

 

1521. Cũng có những con thỏ khác ở trong khu rừng, kiếm ăn ở trong rừng; trẫm sẽ cho đem chúng đến cho em. Em muốn con thỏ loại như thế nào?”

 

1522. “Nhưng em không muốn con thỏ ấy, những con thỏ nương náu ở trái đất. Em muốn con thỏ từ mặt trăng. Anh Kesava, anh hãy mang nó xuống cho em.”

 

1523. “Này người bà con, đúng là em đây sẽ lìa bỏ cuộc sống ngọt ngào; em mong mỏi vật không thể mong mỏi, em muốn con thỏ từ mặt trăng.”

 

1524. “Này anh Kaṇha, nếu anh biết là như vậy thì anh mới nên khuyên bảo người khác như thế; tại sao đến bây giờ anh vẫn sầu muộn về đứa con trai đã chết trước đây?

 

1525. Việc nào không thể đạt được bởi con người hoặc ngay cả phi nhân (như là): ‘Mong rằng đứa con trai đã được sanh ra của tôi đừng chết,’ do đâu mà điều không thể đạt được sẽ trở nên đạt được?

 

1526. Này anh Kaṇha, không thể đưa người quá vãng mà anh sầu muộn trở về bằng chú thuật, bằng thuốc men từ rễ cây, bằng các thần dược, hoặc bằng tài sản.”

 

1527. “Mong sao trẫm có được những người cộng sự, những người sáng suốt như thế này, giống như con người sáng suốt Ghata hôm nay có thể làm cho bừng tỉnh.

 

1528. Quả thật, trong khi trẫm đang bị thiêu đốt tựa như ngọn lửa được rưới bơ lỏng, người ấy có thể dập tắt tất cả nỗi buồn bực như là đang rưới nước xuống.

 

1529. Khi trẫm bị sầu muộn chế ngự, người nào đã xua đi nỗi sầu muộn về người con trai của trẫm, người ấy quả thật đã rút ra mũi tên sầu muộn đã cắm vào trái tim của trẫm.

 

1530. Trẫm đây, có mũi tên đã được rút ra, có sự sầu muộn đã được xa lìa, không bị vẩn đục. Này chàng trai, sau khi lắng nghe em, trẫm không sầu muộn, không khóc lóc.”

 

1531. Những bậc có trí tuệ hành xử như thế, họ là những bậc có lòng thương tưởng; các vị giúp cho vượt qua nỗi sầu muộn, tựa như Ghata (đã làm) đối với người anh trai vậy.

 

16. Bổn Sanh Ghata Sáng Suốt.

 

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY

 

Chuyện thành vững chắc, ẩn sĩ Kaṇha, vị Dhanañcaya, Bà-la-môn Saṅkha,

đức vua, bảy ngày Phạm hạnh, với Sākha, củ takkaḷa,

thiện pháp, con gà trống, có bông tai, người bố thí bữa ăn,

chim hồng hạc, trí tuệ uyên bác, có sự an lành, vị Ghata sáng suốt.

 

Nhóm Mười Kệ Ngôn được chấm dứt.

 

--ooOoo--


[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14]


[Thư Mục Tổng Quát][Thư mục Bổn Sanh I][Thư mục Bổn Sanh II][Thư mục Bổn Sanh III]