TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 32
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH tập I
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH
 

XIII. TERASAKANIPĀTO - NHÓM MƯỜI BA KỆ NGÔN

 

TERASAKANIPĀTO - NHÓM MƯỜI BA KỆ NGÔN

 

1782. “Này người hành Phạm hạnh, trước đây khanh đã mang lại cho trẫm những trái xoài nhỏ và lớn. Này Bà-la-môn, giờ đây cũng với các chú thuật ấy của khanh, các trái cây không còn hiện ra nữa.”

 

1783. “Thần chờ đợi sự liên kết giữa các vì tinh tú. Thời điểm và giờ giấc không làm thần ưng ý. Sau khi đạt được sự liên kết giữa các vì tinh tú và thời điểm, lúc ấy thần sẽ mang lại trái cây vô số.”

 

1784. “Trước đây, khanh đã không nói đến sự liên kết giữa các vì tinh tú. Trước đây, khanh đã không tuyên bố về thời điểm và giờ giấc. Khi ấy, khanh đã mang lại vô số trái xoài có màu sắc, có mùi thơm, có hương vị.

 

1785. Này Bà-la-môn, trước đây với việc khấn vái các chú thuật của khanh đây thì các trái cây hiện ra. Hôm nay, khanh đây không có thể làm được trong khi lẩm nhẩm các chú thuật. Cái gọi là bản thể ấy của khanh hôm nay là sao vậy?”

 

1786. “Một người con trai dòng dõi hạ tiện đã truyền dạy cho thần, đã tuyên bố về các chú thuật và bản chất tự nhiên của chúng theo nguyên tắc rằng: ‘Khi được hỏi về danh tánh và dòng họ của ta, ngươi chớ có giấu diếm. Chớ để chú thuật rời bỏ ngươi.’

 

1787. Bị chất vấn bởi vị chúa của loài người ở nơi công chúng, thần đây, bị chế ngự bởi sự gian xảo, đã nói điều không thật một cách sai trái rằng: ‘Các chú thuật này là của vị Bà-la-môn.’ Với chú thuật đã mất hiệu nghiệm, bị khốn khổ, thần khóc than.”

 

1788. “Người có mục đích về mật có thể tìm thấy mật từ cây đu đủ, từ cây pucimanda, hoặc từ cây pāḷibhaddaka; đối với người ấy, chính cây ấy là hạng nhất trong số các loại cây.

 

1789. Kẻ có thể nhận thức được các pháp từ người nào, từ vị Sát- đế- lỵ, từ vị Bà-la-môn, từ người thương buôn, từ kẻ nô lệ, từ kẻ hạ tiện, hay từ người đổ rác, đối với kẻ ấy, chính người ấy là hạng nhất trong số loài người.

 

1790. Hãy cho hình phạt và án từ hình đối với gã này. Hãy nắm lấy kẻ đáng khinh ở cổ và đuổi nó đi; gã là kẻ đã hủy hoại mục đích tối thượng đạt được do sự khó nhọc, bởi vì quá sức kiêu ngạo."

 

1791. “Giống như người rơi vào cái hố, cái hang, vực thẳm, vũng cây thối mà tưởng là bằng phẳng, hoặc dẫm lên con rắn độc màu đen tưởng là những sợi dây thừng, giống như người mù bước vào ngọn lữa; cũng tương tự như thế, thưa bậc có trí tuệ, xin ngài hãy thứ lỗi cho con. Xin ngài hãy có niềm tin trở lại đối với kẻ đã đánh mất chú thuật.”

 

 

1792. “Ta đã truyền dạy cho ngươi các chú thuật theo nguyên tắc, ngươi cũng đã tiếp thu theo nguyên tắc. Được hoan hỷ, ta cũng đã tuyên bố với ngươi về bản chất tự nhiên của chúng rằng: ‘Chú thuật không từ bỏ ngươi, nếu ngươi duy trì nguyên tắc.’

 

1793. Này kẻ ngu si, ngươi đây đã đạt được chú thuật với sự khó nhọc, là điều khó đạt được hiện nay ở thế giới loài người. Trong khi nói điều không thật, kẻ thiểu trí đã hủy hoại phương kế sinh nhai sau khi đã đạt được một cách khó khăn.

 

1794. Đối với kẻ ngu si, đối với bị mê muội, đối với kẻ vô ơn, đối với kẻ nói lời dối trá, đối với kẻ không tự chế ngự, chúng tôi không ban cho các chú thuật thuộc loại ấy. Các chú thuật là do đâu? Ngươi hãy đi đi, ngươi không làm ta vui thích.”

 

1. Bổn Sanh Cây Xoài. [474]

 

1795. “Là người đàn ông cầm búa ở tay, bạn đi sâu vào rừng rồi đứng yên. Này bạn, được ta hỏi, xin bạn hãy trả lời, bạn muốn chặt cây gì?”

 

1796. “Là loài gấu, bạn rong ruổi các khu rừng, các vùng đất bằng và các nơi lồi lõm. Này bạn, được ta hỏi, xin bạn hãy trả lời, cây gì là chắc chắn để làm vành bánh xe?”

 

1797. “Chẳng phải cây sāla, không phải cây khadira, không phải cây assakaṇṇa, còn cây dhava thì kém xa. Chính loại cây có tên là phandana, cây ấy là chắc chắn để làm bánh xe.”

 

1798. “Các lá của cây ấy giống như thế nào? Hoặc thêm nữa, thân của nó giống như thế nào? Này bạn, được ta hỏi, xin bạn hãy trả lời để cho chúng tôi nhận biết về cây phandana.

 

1799. “Các cành của cây nào rũ xuống, cong xuống và không gãy, cây ấy gọi là cây phandana, ta đang đứng ở gốc cây ấy.

 

1800. Cây phandana này sẽ là phù hợp cho công việc của bạn về các cây căm, các ổ trục, về càng xe và vành bánh xe, về mọi bộ phận của chiếc xe.”

 

1801. Như thế, thần cây phandana ngay lập tức cũng đã nói rằng: “Còn có lời nói này của ta, này vị Bhāradvāja, bạn hãy lắng nghe tôi.

 

1802. Từ phần thân trên của con gấu, bạn hãy cắt dài xuống rộng bốn ngón tay. Bạn hãy bao vòng quanh vành bánh xe với vật ấy, như vậy có thể chắc chắn hơn.

 

1803. Như thế, thần cây phandana liền tức thì cũng đã kết oan trái và đã mang lại khổ đau cho các con gấu đã sanh ra và còn chưa sanh ra.”

 

1804. “Thật như thế, cây phandana với con gấu, và hơn nữa, con gấu với cây phandana, chúng đã giết hại lẫn nhau do sự gây gỗ lẫn nhau.

 

1805. Tương tự y như thế, nơi nào có sự gây gỗ sanh khởi ở giữa loài người, thì chúng nhảy múa điệu múa của loài công, giống như con gấu và cây phandana ấy vậy.

 

1806. Ta nói điều ấy cho các ngươi. Sự tốt lành hãy có đến các ngươi, những người đã tụ hội ở đây. Các ngươi hãy vui vẻ cùng nhau. Các ngươi chớ gây gỗ. Các ngươi chớ là con gấu và cây phandana.

 

1807. Đúng vậy, các ngươi hãy học tập sự hợp nhất; điều ấy đã được chư Phật ca ngợi. Người thích thú sự hợp nhất, đứng vững ở thiện pháp, không làm tiêu hoại sự an toàn đối với các mối ràng buộc.

 

2. Bổn Sanh Cây Phandana. [475]

 

1808. “Thưa chim thiên nga, xin chim hãy đáp xuống ở ngay đây. Sự xuất hiện của chim được trẫm yêu thích. Chim là vị chúa tể vừa mới ngự đến. Có điều gì ở đây (khiến chim lo ngại), xin chim cho biết.

 

1809. Do việc nghe tiếng mà hình thành các sự yêu mến đối với một người. Tuy nhiên, sau khi nhìn thấy khiến sự mong muốn đối với một người tiêu tan. Các sự yêu mến hình thành sau khi nhìn thấy và nghe tiếng, phải chăng chim được trẫm yêu mến do việc nhìn thấy?

 

1810. Chim được trẫm yêu mến do việc nghe tiếng, và thêm nữa là việc nhìn thấy sau khi chim đi đến. Thưa chim thiên nga, xin chim hãy sống gần bên trẫm.”

 

1811. “Chúng tôi có thể ngụ ở căn nhà của bệ hạ, được tôn trọng và được cúng dường thường xuyên. Và một lúc nào đó, bị say sưa bệ hạ có thể nói rằng: ‘Các khanh hãy nấu chín chim thiên nga chúa cho trẫm.’”

 

1812. “Thật xấu hổ thay nếu cơm ăn nước uống lại được trẫm yêu mến hơn cả chim. Và trẫm cũng sẽ không uống chất say chừng nào chim sẽ còn cư ngụ ở ngôi nhà của trẫm.”

 

1813. “Tiếng kêu của những con chó rừng và của những con chim còn dễ hiểu, tiếng kêu của con người, tâu bệ hạ, lại khó hiểu hơn tiếng kêu kia.

 

1814. Thậm chí, nếu nghĩ rằng kẻ nào trước đây đã có thiện ý là: ‘Thân quyến, bạn bè, hoặc thân hữu,’ rồi về sau kẻ ấy trở thành thù nghịch.

 

1815. Tâm ý gắn bó với người nào thì người ấy không xa cách, mà còn là kề cận. Tâm ý xa lìa kẻ nào, dầu cho kẻ ấy ở gần bên thì cũng sống xa rời.

 

1816. Ngay khi sống trong nhà, người ấy có tâm tốt lành, thì đi đến bên kia bờ đại dương cũng có tâm tốt lành. Ngay khi sống trong nhà, người nào có tâm tồi bại, thì đi đến bên kia bờ đại dương cũng có tâm tồi bại.

 

1817. Tâu đấng thủ lãnh xa binh, những kẻ là thù nghịch, mặc dầu đang sống chung, chúng cũng sống xa rời. Tâu bậc làm hưng thịnh xứ sở, những người đang ở xa nhau, họ sống chung bằng tâm ý.

 

1818. Do việc trú ngụ quá lâu, người được yêu mến trở thành không được yêu mến. Thậy vậy, hãy để chúng tôi thưa gởi với bệ hạ rồi ra đi, trước khi chúng tôi trở thành những người không được bệ hạ yêu mến.”

 

1819. “Như vậy, nếu chim không ghi nhận sự chắp tay của những người đang cầu xin chim, chim không thực hiện lời nói của chúng tôi, của những chúng sanh hộ độ chim. Chúng tôi thỉnh cầu chim như vậy, mong chim có thể thực hiện việc đến thăm lần nữa.”

 

1820. “Như vậy, nếu nguy biến sẽ không xảy đến cho chúng tôi khi đang còn sống, luôn cả cho ngài, tâu đại vương, hoặc cho tôi, tâu bậc làm hưng thịnh đất nước, có lẽ chúng ta sẽ còn gặp lại khi các ngày và đêm trôi qua.”

 

3. Bổn Sanh Chim Thiên Nga Thần Tốc. [476]

 

1821. “Các thanh củi không được con chẻ nhỏ, nước không được con mang lại, thậm chí ngọn lửa không được con đốt lên; tại sao con lại trầm tư giống như kẻ ngu khờ?”

 

1822. “Con không thể cố gắng để sống ở rừng. Thưa Kassapa, con xin trình với cha. Sự cư ngụ ở rừng là khổ. Con muốn đi đến tỉnh thành.

 

1823. Giả sử như con đã từ đây ra đi, và trong khi sống ở địa phương nào thì con nên học tập phong tục nơi ấy, thưa vị Bà-la-môn, xin cha hãy chỉ dạy cho con kiến thức ấy.”

 

1824. “Nếu sau khi từ bỏ khu rừng, và các rễ cây, trái cây nơi rừng rú, rồi con vui thích sự cư ngụ ở tỉnh thành, con hãy lắng nghe kiến thức ấy của cha.

 

1825. Con chớ sử dụng chất độc, hãy lánh xa vực thẳm, và chớ chìm xuống ở bãi lầy, nên bước đi thận trọng ở nơi có loài rắn độc.”

 

1826. “Chất độc hay vực thẳm, bãi lầy hay Phạm hạnh là gì? Cha nói ai là loài rắn độc? Được hỏi, xin cha hãy giải thích điều ấy cho con.”

 

1827. “Này con, ở thế gian có loại dịch chất được gọi tên là rượu. Nó làm phấn chấn, có hương thơm, ngọt ngào, tựa như hương vị mật ong ruồi; này Nārada, các bậc Thánh đã nói vật ấy là chất độc đối với Phạm hạnh.

 

1828. Này con, ở thế gian có các người nữ, các cô ấy làm quay cuồng kẻ bị say đắm, cướp đi tâm trí của những người trẻ tuổi, ví như cơn gió cuốn đi bông cây gòn đã bị rơi rụng; này Nārada, điều ấy được gọi là vực thẳm đối với Phạm hạnh.

 

1829. Lợi lộc, danh tiếng, sự kính trọng, và sự cúng dường ở các gia đình của những người khác; này Nārada, điều ấy được gọi là bãi lầy đối với Phạm hạnh.

 

1830. Này con, các vị vua có vũ khí ngự trị ở quả đất này. Này con Nārada, (không nên cộng sự với) các đấng chúa tể của dân chúng vĩ đại như thế ấy.

 

1831. Không nên bước đi cạnh bàn chân của các vị chúa tể, của các vị lãnh tụ ấy; này Nārada, vị ấy được gọi là rắn độc đối với Phạm hạnh.

 

1832. Với mục đích về thức ăn vào thời điểm của bữa ăn, con nên đi đến gần từng ngôi nhà một, nơi nào có thể biết được là tốt lành thì con nên đi kiếm ăn ở nơi ấy.

 

1833. Sau khi đi vào nhà của người khác vì mục đích nước uống hoặc thức ăn, nên nhai có chừng mực, nên ăn có chừng mực, và không nên chú ý ở sắc người nữ.

 

1834. Con nên tránh xa những nơi như trại bò, quán rượu, kẻ tồi bại, các cuộc hội họp, và những chỗ buôn bán vàng bạc, tựa như tránh xa con đường gập ghềnh.”

 

4. Tiểu Bổn Sanh Ẩn Sĩ Nārada. [477]

 

1835. “Này vị Bà-la-môn, trẫm đã phái các sứ giả đến gặp ngài, lúc ngài đang trầm tư ở bờ sông Gaṅgā. Được hỏi, ngài đã không trả lời chúng. Có phải nỗi khổ mà ngài giấu kín đã được thấu hiểu?”

 

1836. “Tâu bậc làm hưng thịnh xứ sở Kāsi, nếu nỗi khổ của bệ hạ sanh khởi, bệ hạ chớ nói ra điều ấy đến kẻ không có thể giúp cho bệ hạ thoát khỏi nỗi khổ.

 

1837. Trong số những người đang nói, người nào có thể tháo gỡ đúng theo pháp dầu chỉ một phần của nỗi khổ đã được sanh lên ấy, thì bệ hạ nên thổ lộ điều mong muốn với người ấy.

 

1838. Tiếng kêu của những con chó rừng và của những con chim còn dễ hiểu, tiếng kêu của con người, tâu bệ hạ, lại khó hiểu hơn tiếng kêu kia.

 

1839. Thậm chí, nếu nghĩ rằng kẻ nào trước đây đã có thiện ý là: ‘Thân quyến, bạn bè, hoặc thân hữu,’ rồi về sau có sự thù nghịch xảy đến.

 

1840. Kẻ nào, khi không được gặn hỏi về nỗi khổ của bản thân, lại thổ lộ cho mọi người vào thời điểm không phù hợp, những ai vui mừng là những kẻ thù nghịch của kẻ ấy, những ai có sự sầu khổ của kẻ ấy là những bậc ân nhân.

 

1841. Và sau khi biết về thời điểm, sau khi biết được bậc thông minh có đồng tâm ý, vị sáng trí nên tỏ bày những nỗi đớn đau đến kẻ khác thuộc hạng người như thế ấy, và nên thốt ra giọng nói mềm mỏng, có ý nghĩa.

 

1842. Và nếu biết được việc của bản thân là không thể sửa đổi (nghĩ rằng): ‘Giải pháp này không đem đến an lạc cho ta,’ vị sáng trí nên chịu đựng các nỗi đớn đau thậm chí một mình, trong khi xem xét sự thật với sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi.

 

1843. Tâu đại vương, trong khi lang thang đến các xứ sở, các thị trấn, các kinh thành, trong khi xin ăn, thần có ý định tìm kiếm tài sản để dâng đến vị thầy dạy học.

 

1844. Là người gia chủ, tâu quân vương, thần đã nhận được ở người của hoàng gia, ở người giàu có, và ở vị Bà-la-môn bảy thỏi tiền vàng. Tâu đại vương, các thỏi tiền ấy của thần đã bị đánh rơi; vì thế thần sầu muộn vô cùng.

 

1845. Tâu đại vương, những người sứ giả ấy, khi đã được suy xét bằng tâm, thì họ không đủ khả năng giúp cho thoát khỏi nỗi khổ; vì thế, thần đã không bày tỏ với họ.

 

1846. Tâu đại vương, còn bệ hạ, quả thật đối với thần, khi đã được suy xét bằng tâm, thì bệ hạ có đủ khả năng giúp cho thoát khỏi nỗi khổ; vì thế, thần đã thổ lộ với bệ hạ.”

 

1847. “Với bản ngã được hoan hỷ, vị làm hưng thịnh xứ sở Kāsi đã ban cho người ấy mười bốn thỏi tiền vàng làm bằng vàng ròng.”

 

5. Bổn Sanh Các Vị Sứ Giả. [478]

 

1848. “Đức Chuyển Luân Vương Kāliṅga,

trong lúc trị vì trái đất đúng theo pháp,

đã đi đến khu vực lân cận cội Bồ Đề

bằng con voi có đại oai lực.

 

1849. Vị quan tế tự Kāliṅga Bhāradvāja sau khi xem xét, đã chắp tay lại và đã nói với đức vua Kāliṅga, con trai của hai vị đạo sĩ khổ hạnh, vị Chuyển Luân Vương điều này:

 

1850. ‘Tâu đại vương, xin bệ hạ hãy bước xuống. Mảnh đất này theo như đã được lưu truyền thì Chư Phật Chánh Đẳng Giác, các bậc không có người nào cao quý hơn, chói sáng ở nơi này.

 

1851. Các cây cỏ và dây leo ở mảnh đất này đã xoay mình theo phía bên phải (để tỏ sự cung kính). Đây là nơi thiêng liêng của trái đất. Chúng thần đã được nghe như thế, tâu đại vương.

 

1852. Ở mặt đất được bao quanh bởi biển cả, ở nơi nâng đỡ tất cả các sinh linh, đây là nơi thiêng liêng của trái đất. Xin bệ hạ hãy bước xuống và thực hiện sự lễ bái.

 

1853. Các con voi dầu đã được sanh ra cao quý từ bên dòng voi mẹ và từ bên dòng voi cha, các con voi ấy không bao giờ tiếp cận được khu vực, cho đến giới hạn này.

 

1854. Con voi của bệ hạ đã được sanh ra cao quý, bệ hạ hãy truyền lệnh cho con vật cao cả, có sự thuần phục, theo như ý thích, và cho đến giới hạn này là khu vực có thể tiếp cận được bởi con voi ấy.’

 

1855. Sau khi nghe điều ấy, đức vua Kāliṅga đã suy nghĩ về lời nói của vị tiên tri rồi đã thúc con voi tiến tới (nghĩ rằng): ‘Như thế này chúng ta sẽ biết được lời nói này (đúng hay sai).’

 

1856. Và bị thúc tiến tới bởi đức vua,

con voi đã kêu lớn tựa như loài cò,

rồi đã bước lui, và ngồi xuống,

trong khi không chịu đựng nỗi gánh nặng.

 

1857. Viên quan tế tự Kāliṅga Bhāradvāja, sau khi biết được con voi có tuổi thọ đã cạn kiệt, đã vội vã tâu với đức vua Kāliṅga rằng: “Tâu đại vương, xin bệ hạ hãy bước qua con voi khác. Con voi có tuổi thọ đã cạn kiệt.’

 

1858. Sau khi nghe điều ấy, đức vua Kāliṅga đã vội vã bước sang con voi khác. Và trong khi đức vua đang bước qua, con voi đã ngã xuống ở trên mặt đất, ngay tại chỗ ấy. Lời nói của vị tiên tri như thế nào, thì con voi đã là như thế ấy.

 

1859. Đức vua Kāliṅga đã nói với vị Bà-la-môn Kāliṅga Bhāradvāja điều này: ‘Khanh chính là vị hoàn toàn giác ngộ, bậc toàn tri, vị thấy tất cả.’

 

1860. Không đồng ý lời nói ấy, vị Bà-la-môn Kāliṅga đã nói điều này: ‘Tâu đại vương, chúng thần chỉ là những nhà tiên tri. Chư Phật mới đúng là các bậc Toàn Tri.

 

1861. Chư Phật là các bậc Toàn Tri và là các bậc hiểu biết tất cả, các ngài không biết các điềm báo hiệu. Chúng tôi tùy thuộc vào năng lực của sự truyền thừa, trái lại chư Phật nhận biết tất cả.’

 

1862. Sau khi tế lễ trọng thể đến cội Bồ Đề với nhiều loại nhạc cụ đang được tấu lên, sau khi mang lại tràng hoa, vật thơm, và dầu thoa, đức vua đã cho xây dựng tường rào vòng quanh.

 

1863. Sau khi đã cho mang lại sáu mươi ngàn cỗ xe bông hoa, đức vua Kāliṅga đã cúng dường ở cội Bồ Đề cao quý tối thượng.”

 

6. Bổn Sanh Vua Kāliṅga và Cội Bồ Đề. [479]

 

1864. Sau khi nhìn thấy Akitti đang ngồi tĩnh tâm, Thiên Chủ Sakka, vị Chúa của các sinh linh, đã nói rằng: “Này vị Bà-la-môn vĩ đại, với mục đích gì mà ông một mình ngồi tĩnh tâm vào lúc nóng nực?”

 

1865. “Thưa Sakka, việc hiện hữu lần nữa và sự hoại rã của thân thể là khổ, cái chết với sự mê mờ là khổ; vì thế, tôi ngồi tĩnh tâm, thưa Thiên Chủ.”

 

1866. “Do điều ấy đã được ông khéo nói, đã được ông khéo thuyết, là điều thích đáng, này Kassapa, ta sẽ ban cho ông một ân huệ về bất cứ điều gì ông mong muốn ở trong tâm.”

 

1867. “Thưa Sakka, thưa vị chúa tể của tất cả chúng sanh, nếu ngài đã ban cho tôi điều ân huệ, thì do tham ái nào khiến những người nam sau khi đã đạt được các con cái, các người vợ, tài sản, thóc lúa, và những vật yêu quý, vẫn không thỏa mãn, xin cho tham ái ấy không ngụ ở nơi tôi.”

 

1868. “Do điều ấy đã được ông khéo nói, đã được ông khéo thuyết, là điều thích đáng, này Kassapa, ta sẽ ban cho ông một ân huệ về bất cứ điều gì ông mong muốn ở trong tâm.”

 

1869. “Thưa Sakka, thưa vị chúa tể của tất cả chúng sanh, nếu ngài đã ban cho tôi điều ân huệ, thì do sân hận nào sanh lên khiến ruộng, vườn, vàng, bò, ngựa, nô lệ, và con người bị tiêu hoại, xin cho sân hận ấy không ngụ ở nơi tôi.”

 

1870. “Do điều ấy đã được ông khéo nói, đã được ông khéo thuyết, là điều thích đáng, này Kassapa, ta sẽ ban cho ông một ân huệ về bất cứ điều gì ông mong muốn ở trong tâm.”

 

1871. “Thưa Sakka, thưa vị chúa tể của tất cả chúng sanh, nếu ngài đã ban cho tôi điều ân huệ, xin cho tôi không nhìn thấy kẻ ngu, không nghe tiếng, không sống chung với kẻ ngu, không thực hiện và không vui thích việc trao đổi và trò chuyện với kẻ ngu.”

 

1872. “Vậy kẻ ngu đã làm gì đến ông? Này Kassapa, ông hãy nói lý do. Này Kassapa, vì sao ông không mong muốn việc nhìn thấy kẻ ngu?”

 

1873. “Kẻ ngu muội hướng dẫn điều không đúng phương pháp; kẻ ấy gắn bó vào việc không phải là trách nhiệm; sự hướng dẫn tồi thì kẻ ấy làm tốt hơn; khi được nói điều đúng đắn kẻ ấy lại nổi giận; kẻ ấy không biết nguyên tắc; tốt lành thay việc không nhìn thấy kẻ ấy!”

 

1874. “Do điều ấy đã được ông khéo nói, đã được ông khéo thuyết, là điều thích đáng, này Kassapa, ta sẽ ban cho ông một ân huệ về bất cứ điều gì ông mong muốn ở trong tâm.”

 

1875. “Thưa Sakka, thưa vị chúa tể của tất cả chúng sanh, nếu ngài đã ban cho tôi điều ân huệ, xin cho tôi nhìn thấy bậc sáng trí, nghe tiếng, sống chung với bậc sáng trí, thực hiện và vui thích việc trao đổi và trò chuyện với bậc sáng trí.”

 

1876. “Vậy bậc sáng trí đã làm gì cho ông? Này Kassapa, ông hãy nói lý do. Này Kassapa, vì sao ông mong muốn việc nhìn thấy bậc sáng trí?”

 

1877. “Bậc thông minh hướng dẫn điều đúng phương pháp; vị ấy không gắn bó vào việc không phải là trách nhiệm; sự hướng dẫn khéo léo thì vị ấy làm tốt hơn; khi được nói điều đúng đắn vị ấy không giận dữ; vị ấy biết nguyên tắc; tốt lành thay việc gặp gỡ với vị ấy!”

 

1878. “Do điều ấy đã được ông khéo nói, đã được ông khéo thuyết, là điều thích đáng, này Kassapa, ta sẽ ban cho ông một ân huệ về bất cứ điều gì ông mong muốn ở trong tâm.”

 

1879. “Thưa Sakka, thưa vị chúa tể của tất cả chúng sanh, nếu ngài đã ban cho tôi điều ân huệ, kế đó, vào lúc tàn đêm, sự mọc lên của mặt trời đã đến, có các thức ăn thuộc cõi trời hiện ra, và những vị khất thực là có giới hạnh.

 

1880. Trong khi tôi đang bố thí thì không bị cạn kiệt, và sau khi bố thí tôi không hối tiếc. Trong khi bố thí, tôi có thể khiến cho tâm được tịnh tín. Thưa Sakka, tôi xin chọn điều ân huệ ấy.”

 

1881. “Do điều ấy đã được ông khéo nói, đã được ông khéo thuyết, là điều thích đáng, này Kassapa, ta sẽ ban cho ông một ân huệ về bất cứ điều gì ông mong muốn ở trong tâm.”

 

1882. “Thưa Sakka, thưa vị chúa tể của tất cả chúng sanh, nếu ngài đã ban cho tôi điều ân huệ, xin ngài không đến thăm tôi nữa. Thưa Sakka, tôi xin chọn điều ân huệ ấy.”

 

1883. “Thông qua nhiều phận sự và hạnh lành, các người nam và nữ mong mỏi việc nhìn thấy ta, vậy có nguy hiểm gì trong việc nhìn thấy ta?”

 

1884. “Sau khi nhìn thấy ngài với vẻ đẹp Thiên thần, với sự thành tựu mọi điều mong muốn như thế ấy, tôi có thể xao lãng hạnh khắc khổ; điều ấy là sự nguy hiểm trong việc nhìn thấy ngài.”

 

7. Bổn Sanh Ẩn Sĩ Akitti. [480]

 

1885. “Chính ta là kẻ ngu đã nói lời được nói vụng về, tựa như con nhái ở trong rừng đang gọi con rắn. Này Takkāriya, ta rơi vào cái hố này. Thật vậy, việc nói quá nhiều không bao giờ tốt lành!

 

1886. “Người nói quá nhiều nhận lãnh sự giam cầm, sự tử hình, sự sầu muộn và sự than khóc. Về việc này, thầy hãy chê trách chính bản thân. Thưa thầy, vì việc ấy, chúng chôn vùi thầy ở cái hố.”

 

1887. “Thật vậy, ta đã gặn hỏi Tuṇḍila điều gì về việc nàng Kāḷikā có thể làm với anh trai của nàng? Và ta bị cướp mất hai mảnh vải, ta hoàn toàn lõa lồ. Ý nghĩa này cũng y như vậy với nhiều sự việc.”

 

1888. “Là kẻ không tham gia đánh nhau giữa hai kẻ đang đánh nhau, con chim sẻ đã lao vào giữa hai con cừu. Trong trường hợp ấy, nó đã bị đầu của hai con cừu ép chết. Ý nghĩa này cũng y như vậy với nhiều sự việc.”

 

1889. “Bốn người đã giữ lấy tấm vải bố, và trong lúc đang bảo vệ một người, tất cả bọn họ đã nằm dài, các cái đầu bị vỡ tan. Ý nghĩa này cũng y như vậy với nhiều sự việc.”

 

1890. Giống như con dê cái bị trói ở lùm tre, trong lúc nhảy cỡn đã có được cây dao. Với chính cây dao ấy, cổ của con dê cái đã bị cắt lìa. Ý nghĩa này cũng y như vậy với nhiều sự việc.”

 

1891. “Những kẻ này không phải là Thiên thần, cũng không phải là con cái của các nhạc sĩ Thiên đình, những kẻ này là loài thú, những kẻ này được đem lại để trẫm sử dụng. Vậy hãy bảo bọn họ nấu một đứa cho bữa ăn buổi tối, và hãy bảo bọn họ nấu một đứa nữa cho bữa ăn buổi sáng.”

 

1892. “Một trăm ngàn lời vụng nói không giá trị bằng một phần của lời được khéo nói. Trong khi phân vân về lời vụng nói là ô nhiễm; vì thế, loài nhân điểu giữ im lặng, không phải vì ngu dốt.”

 

1893. “Nàng này đã giải thích cho trẫm. Các khanh hãy thả nàng ấy. Và hãy bảo bọn họ đưa nàng ấy đến ngọn núi có tuyết phủ. Còn hãy giao kẻ này cho nhà bếp. Sáng sớm mai, hãy bảo bọn họ nấu kẻ ấy cho bữa ăn buổi sáng.”

 

1894. “Các con thú có sự phụ thuộc vào cơn mưa. Loài người này có sự phụ thuộc vào các con thú. Tâu đại vương, thần có sự phụ thuộc vào bệ hạ. Người vợ của thần có sự phụ thuộc vào thần. Sau khi biết được một người nào đó trong hai người (đã chết), người được thả ra mới có thể đi đến ngọn núi.

 

1895. Thật vậy, không dễ gì tránh khỏi sự chê bai. Loài người có sở thích khác nhau nên cần được phục vụ khác nhau, tâu vị chúa của loài người. Vì một điều nào đó, người này nhận được sự khen ngợi, do chính điều đó, người khác nhận được sự chê bai.

 

1896. Tất cả thế gian là không có sự nhận biết với tâm của người khác. Tất cả thế gian có sự nhận biết về tâm của mình. Tất cả chúng sanh có tâm riêng biệt theo từng cá nhân. Công việc được vận hành ở đây do năng lực tâm của người nào?

 

1897. “Gã nhân điểu cùng với người vợ đã im lặng, là kẻ, giờ đây, bị sợ hãi bởi sự nguy hiểm, nên đã giải thích. Kẻ ấy, giờ đây, đã được thả ra, được sung sướng, không tật bệnh. Thật vậy, chính lời nói là có sự lợi ích cho những con người.”

 

8. Bổn Sanh Thanh Niên Takkāriya. [481]

 

1898. “Trẫm sẽ ban ngôi làng cao quý và những người phụ nữ đã được trang điểm cho ai? Ai thông báo cho trẫm về con nai ấy, con nai tối thượng trong số các con nai?”

 

1899. “Bệ hạ hãy ban ngôi làng cao quý và những người phụ nữ đã được trang điểm cho thần. Thần sẽ thông báo cho bệ hạ về con nai, con nai tối thượng trong số các con nai.

 

1900. Ở khu rừng rậm này, có các cây xoài và các cây sālā nở rộ hoa, mặt đất được phủ màu cánh kiến, con nai ấy cư ngụ ở đây.”

 

1901. Sau khi đặt mũi tên vào cây cung, đức vua đã kéo căng mũi tên rồi tiến lại gần. Và con nai, sau khi nhìn thấy đức vua từ đàng xa, đã thưa rằng:

 

1902. “Tâu đại vương, xin bệ hạ hãy chờ đợi. Tâu đấng thủ lãnh xa binh, xin chớ bắn tôi. Ai đã thông báo cho bệ hạ điều này: ‘Con nai ấy cư ngụ ở đây’?”

 

1903. “Này nai mến, gã đàn ông có sở hành xấu xa ấy đứng ở đàng xa. Chính gã ấy đã thông báo cho trẫm điều này: ‘Con nai ấy cư ngụ ở đây.’”

 

1904. “Nghe rằng người đời đã nói sự thật như vầy: Có một số người loại ấy ở đời này. Thanh gỗ trôi sông được vớt lên còn tốt hơn, chứ gã đàn ông loại ấy thì không bao giờ.”

 

1905. “Này nai, vậy ngươi chê trách điều gì ở loài thú, điều gì ở loài chim, hay là điều gì ở loài người? Bởi vì nỗi sợ hãi tìm thấy ở trẫm không phải là ít, sau khi nghe ngươi đang nói tiếng người.”

 

1906. “Tôi đã vớt lên kẻ đang bị cuốn trôi ở dòng lũ nước lớn, ở dòng nước chảy xiết. Do nguyên nhân ấy, có sự nguy hiểm xảy đến cho tôi. Thật vậy, tâu bệ hạ, sự kết giao với kẻ xấu là khổ đau.”

 

1907. “Với mũi tên có bốn cọng lông đuôi, có sự di chuyển ở khoảng không, có sự đâm thủng thân thể, trẫm đây sẽ bắn vào gã này ở trái tim. Trẫm sẽ giết chết kẻ hãm hại bạn bè, kẻ đã làm việc không nên làm, kẻ không biết đến hành động đã tạo ra như thế ấy.”

 

1908. “Thật vậy, xấu hổ thay cho kẻ ngu dốt này, tâu vị chúa của loài người! Những người tốt chắc chắn không ca ngợi việc giết chóc. Hãy để cho kẻ có bản tánh xấu xa đi về nhà như ý muốn. Và xin bệ hạ hãy ban cho gã này phần thưởng dành cho gã. Còn tôi sẽ là người làm theo điều mong muốn của bệ hạ.”

 

1909. “Này nai, ngươi đây là một người trong số những người tốt, là người đã không làm hại kẻ đang làm hại mình. Hãy để cho kẻ có bản tánh xấu xa đi về nhà như ý muốn. Và trẫm sẽ ban cho gã này phần thưởng dành cho gã. Trẫm còn ban cho ngươi việc đi lại theo như ý muốn.”

 

1910. “Tiếng kêu của những con chó rừng và của những con chim còn dễ hiểu, tiếng kêu của con người, tâu bệ hạ, lại khó hiểu hơn tiếng kêu kia.

 

1911. Thậm chí, nếu nghĩ rằng: ‘Người nào dầu là thân quyến, bạn bè, hoặc thân hữu, là kẻ trước đây đã có thiện ý, về sau sự thù nghịch vẫn có thể xảy ra.”

 

1912. Các dân chúng đã tụ tập lại và các thị dân đã tụ tập lại (tâu rằng): “Các con nai nhai nát các hoa màu, xin bệ hạ hãy cấm đoán điều ấy.”

 

1913. “Dầu cho xứ sở không muốn, hoặc thậm chí vương quốc bị tiêu diệt, nhưng trẫm không bao giờ bội bạc nai chúa Ruru sau khi đã ban cho tặng phẩm không sợ hãi.

 

1914. Dầu cho trẫm bị mất xứ sở, và thậm chí vương quốc bị tiêu diệt, nhưng trẫm không bao giờ có thể nói lời dối trá sau khi đã ban cho ân huệ đến con nai chúa.”

 

9. Bổn Sanh Nai Chúa Ruru. [482]

 

1915. “Con người cần phải hy vọng, bậc sáng suốt không nên chán nản. Ta thật sự nhìn thấy được bản thân; ta đã ước muốn như thế nào thì đã thành tựu như thế ấy.

 

1916. Con người cần phải hy vọng, bậc sáng suốt không nên chán nản. Ta thật sự nhìn thấy bản thân đã được đưa lên mặt đất từ hố nước sâu.

 

1917. Con người cần phải tinh tấn, bậc sáng suốt không nên chán nản. Ta thật sự nhìn thấy được bản thân; ta đã ước muốn như thế nào thì đã thành tựu như thế ấy.

 

1918. Con người cần phải tinh tấn, bậc sáng suốt không nên chán nản. Ta thật sự nhìn thấy bản thân đã được đưa lên mặt đất từ hố nước sâu.

 

1919. Con người có trí tuệ dầu bị rơi vào khổ đau cũng không nên cắt đứt niềm hy vọng về việc thành tựu hạnh phúc; bởi vì có nhiều ý tưởng không có lợi ích và có lợi ích. Những việc làm không suy nghĩ dẫn đến cái chết.

 

1920. Việc không nghĩ đến lại xảy ra, việc được nghĩ đến lại tiêu hoại. Bởi vì không phải do ý tưởng mà người nữ hay người nam có được của cải.”

 

1921. “Trước đó, bệ hạ đã đuổi theo con nai sarabha ở lối đi hiểm trở của ngọn núi. Bệ hạ sống sót nhờ vào sự dũng cảm của con nai có tâm không lui sụt.

 

1922. Sau khi thực hiện sự bám chặt vào tảng đá, con nai đã đưa bệ hạ ra khỏi địa ngục, nơi có sự di chuyển khó khăn. Nó đã giúp cho kẻ đã bị rơi vào khổ đau thoát khỏi cửa miệng của Thần Chết. Bệ hạ nói về con nai có tâm không lui sụt ấy.”

 

1923. “Vậy có phải lúc đó khanh đã có mặt ngay tại chỗ ấy? Hay là có ai đó đã tường thuật lại việc ấy cho khanh? Khanh đã bóc trần sự che giấu, phải chăng khanh là người có sự nhìn thấy tất cả? Này Bà-la- môn, trí tuệ của khanh quả thật khủng khiếp!”

 

1924. “Lúc đó, thần quả đã không có mặt ngay tại chỗ ấy. Và cũng không có bất cứ ai đã tường thuật lại việc ấy cho thần. Tâu vị chúa của loài người, đối với những đoạn kệ ngôn đã được khéo thuyết, khi ấy, các bậc sáng trí lần tìm ra ý nghĩa.”

 

1925. “Sau khi cầm lấy mũi tên có cọng lông đuôi, vật ra sức giết chết kẻ khác, đặt vào cây cung, bệ hạ còn ngần ngại điều gì? Tâu bậc có trí tuệ cao quý, xin bệ hạ hãy để cho mũi tên được bắn ra mau chóng giết chết con nai sarabha, bởi vì nó là thức ăn của đức vua.”

 

1926. “Đương nhiên, trẫm cũng nhận biết điều ấy, này Bà-la- môn, con nai là thức ăn của vị Sát-đế-lỵ. Và trong lúc trân trọng việc ân nghĩa trước đây, vì thế, trẫm không giết chết con nai sarabha.”

 

1927. “Tâu đại vương, đó không phải là con nai. Tâu vị chúa tể một phương, đó là loài A-tu-la. Tâu vị chúa của nhân loại, bệ hạ hãy giết chết nó và trở thành vị chúa của chư Thiên.

 

1928. Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ thật sự còn ngần ngại để giết chết con nai sarabha, người bạn của ta, tâu bậc tinh tấn hạng nhất ở loài người, bệ hạ là người đi đến dòng sông Vetaraṇī của Thần Chết cùng với vợ con.”

 

1929. “Trẫm cùng tất cả dân chúng, và các con trai, các người vợ, và tập thể bạn bè, chúng ta hãy tự nguyện đi đến dòng sông Vetaraṇī ấy của Thần Chết, nhưng người nào là người ban mạng sống cho trẫm thì sẽ không bao giờ bị giết chết.

 

1930. Khi trẫm một mình bị lâm vào cảnh khốn khổ ở trong khu rừng ghê rợn, con nai này là người đã cứu giúp. Trong khi nhớ lại việc làm ấy trước đây là như thế, trong khi biết về đức hạnh ấy, này vị Bà-la-môn vĩ đại, làm thế nào trẫm có thể giết chết con nai?”

 

1931. “Là người tạo sự hạnh phúc cho bạn hữu, bệ hạ hãy sống thật thọ. Hãy giáo huấn vương quốc này các đức tính chân chánh. Trong khi được hầu cận bởi những toán nữ nhân, bệ hạ hãy vui thích ở vương quốc, tựa như Thiên Chủ Vāsava vui thích ở tại cõi Trời.

 

1932. Là người không có sự giận dữ, thường xuyên có tâm tịnh tín, sau khi trở thành người đáp ứng yêu cầu của mọi người khách lạ, sau khi bố thí và hưởng thụ tùy theo khả năng, là người không bị chê trách, bệ hạ sẽ đạt đến vị thế cõi Trời.”

 

10. Bổn Sanh Nai Sarabha. [483]

 

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY

 

Chuyện những trái xoài cao quý, cây búa, với chuyện chim thiên nga,

rồi ở trong rừng, chuyện liên quan đến các sứ giả là thứ năm,

rồi cội cây Bồ Đề, vị ẩn sĩ Akitti, thanh niên Takkāriya tốt lành,

rồi với con nai ruru, con nai sarabha là chuyện khác.

 

Nhóm Mười Ba Kệ Ngôn được chấm dứt.

 

--ooOoo--

 

 

 


[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14]


[Thư Mục Tổng Quát][Thư mục Bổn Sanh I][Thư mục Bổn Sanh II][Thư mục Bổn Sanh III]