AM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 32
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH tập I
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH
1532. “Do sự vắng mặt của con voi ấy, các loại cây sallakī, kuṭajā, kuruvinda, trúc đào, và các cây thuộc họ sen súng được phát triển, còn các cây kaṇikāra ở nơi khuất gió được trổ hoa.
1533. Ở một nơi nào đó, những người đeo vòng vàng ở bắp tay chu cấp miếng ăn cho con voi chúa. Các vị vua hoặc các vị hoàng tử ngồi ở lưng voi sẽ không bị kinh sợ và sẽ đánh tan đoàn quân có áo giáp.”
1534. “Này voi, hãy nhận lấy nắm thức ăn. Này voi, chớ để gầy ốm. Này voi, có nhiều phận sự đối với đức vua mà ngươi sẽ phải làm.”
1535. “Bà ấy, quả thật là một bà lão đáng thương, mù lòa, không sáng suốt, thường cọ bàn chân vào gốc cây ở khu vực đối diện với núi Caṇḍoraṇa.”
1536. “Này voi chúa, bà lão mù lòa, không sáng suốt, thường cọ bàn chân vào gốc cây ở khu vực đối diện với núi Caṇḍoraṇa, bà ấy là gì đối với ngươi?”
1537. “Tâu đại vương, bà lão mù lòa, không sáng suốt, thường cọ bàn chân vào gốc cây ở khu vực đối diện với núi Caṇḍoraṇa, bà ấy là mẹ của thần.”
1538. “Hãy thả con voi chúa này, nó phải nuôi dưỡng mẹ. Hãy để cho con voi hội họp với mẹ cùng tất cả thân quyến.”
1539. “Và con voi đã được thoát khỏi sự trói buộc, đã được đức vua xứ Kāsi phóng thích. Sau khi phục hồi sức lực, nó đã nhanh chóng đi đến ngọn núi.
1540. Sau đó, nó đã đi đến hồ nước mát lạnh, nơi các con voi thường lai vãng. Nó đã dùng vòi mang nước lại rồi rưới lên con voi mẹ.”
1541. “Vị Trời không cao thượng này là vị nào mà lại đổ mưa sái mùa? Đứa con trai ruột của tôi, người phục vụ cho tôi đã ra đi.”
1542. “Mẹ ơi, hãy đứng dậy. Việc gì mẹ lại nằm? Con là con trai của mẹ đã về đến. Con được thả ra nhờ vào đức vua xứ Kāsi có danh tiếng tên Veheha.”
1543. “Cầu cho đức vua ấy sống lâu với việc phát triển vương quốc Kāsi. Ngài đã phóng thích đứa con trai của ta, đứa con trai luôn luôn có sự tôn kính bậc trưởng thượng.”
1. Bổn sanh Người Phụng Dưỡng Mẹ.
1544. “Tâu vị chúa của loài người, xin bệ hạ hãy lắng nghe lời nói của tôi. Tôi đã tìm đến nơi này với mục đích gặp Juṇha. Tâu vị đứng đầu của loài hai chân, người đời đã nói rằng: ‘Khi vị Bà-la-môn là người đi đường xa đang đứng ở bên đường, thì không nên bỏ đi.’”
1545. “Này Bà-la-môn, trẫm nghe, và trẫm đứng lại, vậy ngài hãy nói. Vì mục đích gì mà ngài đã tìm đến nơi này? Hoặc trong khi ước nguyện điều gì ở trẫm, mà ngài đã đi đến nơi đây? Này Bà-la-môn, ngài hãy nói ra điều ấy đi.”
1546. “Xin bệ hạ hãy ban cho tôi năm ngôi làng hạng nhất, một trăm nữ tỳ, bảy trăm con bò cái, và hơn một ngàn đồng tiền vàng. Và xin bệ hạ hãy ban cho tôi hai người vợ tương đương về dòng tộc.”
1547. “Này Bà-la-môn, phải chăng sự khắc khổ của ngài có hình thức khủng khiếp? Này Bà-la-môn, phải chăng chú thuật của ngài có hình thức đa dạng? Và có nhiều Dạ-xoa trung thành với ngài? Hay ngài biết chắc điều lợi ích gì đã được làm cho trẫm?”
1548. “Không có sự khắc khổ đối với tôi, và cũng không có chú thuật. Luôn cả các Dạ-xoa trung thành với tôi cũng không có . Tôi không biết chắc điều lợi ích gì đã được làm cho bệ hạ. Nhưng trước đây, bệ hạ đã có dịp gặp gỡ với tôi.”
1549. “Theo như trẫm biết thì lần gặp này là lần đầu tiên. Trẫm không biết chắc đã có lần gặp trước đây. Được trẫm hỏi, xin ngài hãy nói về việc ấy. Sự gặp gỡ của chúng ta đã xảy ra khi nào, hay ở đâu?”
1550. “Tâu bệ hạ, chúng ta đã sống ở Takkasilā, thành phố đáng yêu của đức vua Gandhāra. Tại nơi ấy, trong bóng tối dày đặc vào ban đêm, chúng ta đã va chạm nhau, vai sát vai.
1551. Tâu vị chúa của loài người, cả hai chúng ta đã đứng tại nơi ấy. Chúng ta đã trao đổi lời giao hẹn với nhau tại nơi ấy. Chính lúc ấy đã là dịp gặp gỡ của chúng ta, không có lần nào khác sau đó, trước đó cũng đã không có."
1552. “Này Bà-la-môn, ở giữa loài người, vào bất cứ lúc nào, có được sự gặp gỡ với bậc thiện nhân, các vị sáng suốt không phủ nhận sự gặp gỡ (phút chốc) hay sự thân thiết (lâu dài), hoặc luôn cả việc ân nghĩa trước đây.
1553. Còn những kẻ ngu phủ nhận sự gặp gỡ (phút chốc) hay sự thân thiết (lâu dài), hoặc luôn cả việc ân nghĩa trước đây. Thậm chí nhiều việc đã được làm cho những kẻ ngu vẫn bị quên lãng, bởi vì những kẻ ngu có bản chất vô ơn như thế ấy.
1554. Và những người sáng trí không phủ nhận sự gặp gỡ (phút chốc) hay sự thân thiết (lâu dài), hoặc luôn cả việc ân nghĩa trước đây. Dầu ít việc đã được làm cho những người sáng trí cũng không bị quên lãng, bởi vì những người sáng trí có bản chất nhớ ơn tốt đẹp như thế ấy.
1555. Trẫm ban cho ngài năm ngôi làng hạng nhất, một trăm nữ tỳ, bảy trăm con bò cái, và hơn một ngàn đồng tiền vàng. Trẫm ban cho ngài hai người vợ tương đương về dòng tộc.”
1556. “Tâu bệ hạ, sau khi đi đến gặp gỡ những người tốt là như vậy. Tựa như mặt trăng, đức vua của các vì sao, được tròn đầy, tâu vị chúa tể của xứ Kāsi, tương tự như thế tôi được đầy đủ, bởi vì hôm nay cuộc gặp gỡ giữa tôi với bệ hạ đã được đạt đến.”
2. Bổn sanh Hoàng Tử Juṇha.
1557. “Ta là người tạo ra danh tiếng, là người làm việc phước thiện, luôn được các vị Sa-môn và Bà-la-môn khen ngợi. Được chư Thiên và nhân loại tôn vinh, ta xứng đáng với con đường. Này Adhamma (Phi Pháp), ta là Dhamma (Chánh Pháp); ngươi hãy nhường đường.”
1558. “Sau khi đã leo lên chiếc xe tà pháp vững chãi, ta có sức mạnh, không run sợ. Này Dhamma (Chánh Pháp), vì nguyên nhân gì mà hôm nay, ta đây phải nhường cho ngươi con đường trước đây chưa được nhường cho ai?”
1559. “Thật vậy, chánh pháp đã xuất hiện trước, rồi sau đó phi pháp mới sanh khởi ở thế gian. Ta là đàn anh, lớn hơn, và già hơn. Này người trẻ tuổi, hãy đi ra khỏi con đường dành cho người lớn tuổi.”.
1560. “Không phải do cầu xin, cũng không phải do việc hợp lý lẽ, không phải ở sự xứng đáng mà ta có thể nhường đường cho ngươi. Hôm nay, hãy có trận đấu giữa hai chúng ta. Ai sẽ chiến thắng ở trận đấu thì con đường sẽ thuộc về người ấy.”
1561. “Ta là Dhamma (Chánh Pháp) được nổi tiếng ở tất cả các phương, có sức mạnh vĩ đại, có danh tiếng không thể đo lường, không người sánh bằng, có dáng vóc thành tựu tất cả các đức tánh. Này Adhamma (Phi Pháp), ngươi sẽ chiến thắng bằng cách nào?”
1562. “Thật ra, vàng bị đập nện bởi (búa) đồng thau, và người ta không đập nện đồng thau bằng (búa) vàng. Nếu hôm nay Adhamma (Phi Pháp) sẽ tiêu diệt Dhamma (Chánh Pháp), thì sắt có thể được xem như là vàng vậy.”
1563. “Này Adhamma (Phi Pháp), dầu cho ngươi có sức mạnh ở trận đấu, nhưng sự trưởng thượng và kính trọng vẫn không có cho ngươi, còn ta sẽ nhường đường cho ngươi cho dù thích hay không thích. Dẫu sao, ta cũng tha thứ cho ngươi về những lời đã nói sái quấy.”
1564. “Và sau khi nghe lời nói này, Adhamma (Phi Pháp) đã bị rơi xuống, đầu ở phía dưới, chân ở phía trên (trong khi than vãn rằng): ‘Là người mong muốn trận đấu, nhưng tôi không có được trận đấu.’ Adhamma (Phi Pháp) bị chết như thế ấy.
1565. Vị có sức mạnh của sự nhẫn nại đã chiến thắng kẻ có sức mạnh ở trận đấu, sau khi đã giết chết Adhamma (Phi Pháp) và vùi sâu trong lòng đất, vị có sức mạnh vượt trội, có sự nỗ lực về hạnh chân thật, đã vui vẻ bước lên cỗ xe kéo và đã ra đi bằng con đường ấy.
1566. Mẹ và cha, các vị Sa-môn và Bà-la-môn không được tôn kính ở ngôi ngôi nhà riêng của người nào, thì ngay ở nơi này, sau khi rời bỏ cơ thể thân xác, d0 sự hoại rã của thân, chúng di chuyển đến địa ngục, giống như Adhamma (Phi Pháp) đã bị rơi xuống, đầu ở phía dưới.
1567. Mẹ và cha, các vị Sa-môn và Bà-la-môn khéo được tôn kính ở ngôi nhà riêng của người nào, thì ngay ở nơi này, sau khi rời bỏ cơ thể thân xác, d0 sự hoại rã của thân, chúng di chuyển đến chốn an vui, giống như Dhamma (Chánh Pháp) đã bước lên cỗ xe kéo.”
3. Bổn sanh Thiên Tử Dhamma.
1568. “Hỡi nàng có dáng hình không bị chê bai, sau khi đã bước lên tòa lâu đài, nàng ngồi một mình, (y phục) tinh khiết, với hai bắp vế được khép lại. Hỡi nàng có cặp mắt tựa như mắt của loài nhân điểu, ta cầu xin nàng, hai chúng ta hãy sống chung một đêm này.”
1569. “Thành này khó xâm nhập, có hào được đào ở bên trong, có tháp canh và cổng thành vững chắc, được canh giữ bởi các vệ sĩ gươm cầm ở tay.
1570. Việc đi đến nơi này là không được phép đối với người trẻ tuổi và luôn cả binh lính. Vậy bởi lý do gì, chàng lại mong mỏi sự gặp gỡ với thiếp?”
1571. “Này mỹ nữ, ta là Dạ-xoa. Ta đã đi đến bên nàng. Này công nương, nàng hãy làm cho ta vui vẻ. Ta tặng cho nàng chiếc đĩa đầy (vàng).”
1572. “Sau khi đức vua Udaya từ trần, thiếp không mong mỏi người nào khác, dầu là Thiên thần, Dạ-xoa, hay là loài người. Này vị Dạ-xoa có đại thần lực, ngài hãy đi ngay, và ngài chớ có ở đây. Sau khi đi rồi, ngài chớ quay lại nữa.”
1573. “Sự khoái lạc nào là cùng tột đối với những người hưởng thụ dục lạc, và chúng sanh hành xử không giống nhau ở các khoái lạc, nàng chớ làm mai một sự khoái lạc ấy. Hỡi nàng có nụ cười làm vui lòng, ta tặng cho nàng chiếc đĩa bạc đầy.”
1574. “Người nam, trong khi lấy lòng người nữ bằng tài sản, thì ca ngợi về điều nào tạo ra sự mong muốn ở người nữ; còn phương pháp ở chư Thiên của ngài thì ngược lại, điều rõ ràng là ngài đi đến với của cải ít hơn.”
1575. “Hỡi cô nàng có cơ thể xinh xắn, tuổi thọ và sắc đẹp của loài người ở thế giới nhân loại bị giảm dần. Chính vì lý do đó, tài sản dành cho nàng cũng bị giảm dần; hôm nay, nàng già hơn.
1576. Hỡi nàng công chúa có danh tiếng, tương tự như vậy, trong khi tôi nhìn ngắm nàng. Quả thật sắc đẹp của nàng bị phai tàn, khi các ngày và đêm trôi qua.
1577. Hỡi nàng công chúa thông minh, với độ tuổi này, nếu nàng có thể thực hành Phạm hành, thì nàng có thể trở thành người có sắc đẹp hơn nữa.”
1578. “Chư Thiên không trở nên già giống như loài người. Ở các phần thân thể của họ không có các nếp nhăn. Thưa vị Dạ-xoa có đại thần lực, thiếp hỏi ngài, cơ thể thân xác của chư Thiên là như thế nào?”
1579. “Chư Thiên không trở nên già giống như loài người. Ở các phần thân thể của họ không có các nếp nhăn. Sắc đẹp thiên thần và của cải sung túc của họ càng nhiều hơn thêm nữa theo từng ngày một.”
1580. “Các hạng người ở nơi này sợ hãi điều gì? Và con đường nào có nhiều nơi chốn nương tựa đã được nói đến. Thưa vị Dạ-xoa có đại thần lực, thiếp hỏi ngài, đứng ở nơi nào thì không sợ hãi thế giới khác?”
1581. “Người nào gìn giữ lời nói và ý nghĩ một cách đúng đắn, không làm các việc ác bằng thân, sống ở ngôi nhà có nhiều cơm ăn và nước uống, là người có niềm tin, mềm mỏng, có sự san sẻ, rộng lượng, là người hào phóng, nói năng tử tế, có lời nói mềm mỏng, người (có những đức tính như thế) đứng ở nơi này thì không sợ hãi thế giới khác.”
1582. “Thưa vị Dạ-xoa, ngài chỉ dạy thiếp giống như người mẹ, giống như người cha (chỉ dạy con cái). Hỡi vị có sắc đẹp nổi bật, thiếp xin hỏi ngài. Hỡi bậc vô cùng cao thượng, ngài là ai?”
1583. “Này mỹ nữ, ta là Udaya. Do đã có lời hứa hẹn nên ta đi đến nơi này. Sau khi đã nói với nàng thì ta ra đi. Ta đã tháo gở xong lời hứa hẹn với nàng.”
1584. “Nếu ngài quả là Udaya, và ngài đi đến nơi này do đã có lời hứa hẹn. Thưa Thiên tử, ngài hãy chỉ dạy thiếp theo cách nào để có được sự gặp gỡ lại nữa.”
1585. “Cuộc sống thoáng qua giống y như phút chốc. Không có sự tồn tại bền vững, các chúng sanh chết đi, cơ thể bị tàn tạ, không trường tồn. Này nàng Udayā, nàng chớ xao lãng, hãy thực hành thiện pháp.
1586. Nếu toàn bộ trái đất được chứa đầy tài sản chỉ thuộc về một người, không phụ thuộc vào người nào khác, và ngay cả kẻ có tham ái chưa được xa lìa rồi cũng phải rời bỏ nó. Này nàng Udayā, nàng chớ xao lãng, hãy thực hành thiện pháp.
1587. Mẹ, cha, và anh em trai, luôn cả người vợ được mua về bằng tài sản, bọn họ rồi cũng lìa bỏ, lần lượt từng người một. Này nàng Udayā, nàng chớ xao lãng, hãy thực hành thiện pháp.
1588. Sau khi biết rằng thân này là bữa ăn cho các chúng sanh khác, nhàn cảnh và khổ cảnh trong sự luân hồi có cuộc sống ngắn ngủi do sự mất mát, này nàng Udayā, nàng chớ xao lãng, hãy thực hành thiện pháp.”
1589. “Vị Dạ-xoa này nói khéo léo. Đời sống của loài người là ít ỏi, khó khăn, và nhỏ nhoi; điều ấy là gắn liền với khổ đau. Thiếp đây, một mình, sẽ xuất gia, sau khi từ bỏ xứ sở Kāsi và thành phố Surundhana.”
4. Bổn sanh Đức Vua Udaya.
1590. “Là bạn bè, mà tôi đã thọ dụng nước uống của người bạn theo lối trộm cắp; vì thế, về sau này tôi đã ghê tởm việc ác ấy do tôi đã gây ra. (Nghĩ rằng:) ‘Ta chớ có làm việc ác nữa;’ do đó, tôi đã xuất gia.”
1591. “Sau khi nhìn thấy vợ của người khác, dục vọng của tôi đã sanh khởi; vì thế, về sau này tôi đã ghê tởm việc ác ấy do tôi đã gây ra. (Nghĩ rằng:) ‘Ta chớ có làm việc ác nữa;’ do đó, tôi đã xuất gia.”
1592. “Tâu đại vương, bọn cướp ở trong rừng đã bắt giữ cha của tôi. Tôi đã bị bọn chúng hỏi, trong khi tôi biết, tôi đã trả lời về cha tôi theo cách khác.
1593. Vì thế, về sau này tôi đã ghê tởm việc ác ấy do tôi đã gây ra. (Nghĩ rằng:) ‘Ta chớ có làm việc ác nữa;’ do đó, tôi đã xuất gia.”
1594. “Họ đã gây nên việc giết hại mạng sống khi cuộc tế lễ Soma đã đến gần. Tôi đã cho phép họ; vì thế, về sau này tôi đã ghê tởm việc ác ấy do tôi đã gây ra. (Nghĩ rằng:) ‘Ta chớ có làm việc ác nữa;’ do đó, tôi đã xuất gia.”
1595. “Những người dân ở trong làng của chúng tôi trước đây đã cho rằng rượu và chất lên men là mật ngọt. Bọn họ đã sắp đặt nước uống có chất say không vì sự lợi ích cho nhiều người. Tôi đã cho phép họ; vì thế, về sau này tôi đã ghê tởm việc ác ấy do tôi đã gây ra. (Nghĩ rằng:) ‘Ta chớ có làm việc ác nữa;’ do đó, tôi đã xuất gia.”
1596. “Thật xấu hổ thay, trong khi đeo đuổi quá nhiều các dục, với các mùi hương tồi tệ và có nhiều gai nhọn, trẫm đã không đạt được an lạc như thế ấy.”
1597. “Các dục là hạnh phúc, có khoái lạc lớn lao, không có hạnh phúc nào sánh bằng dục. Những người nào đeo đuổi các dục, những người ấy sanh về cõi Trời.”
1598. “Các dục là khổ đau, có khoái lạc ít ỏi, không có khổ đau nào sánh bằng dục. Những người nào đeo đuổi các dục, những người ấy sanh về địa ngục.
1599. Giống như thanh kiếm khéo được mài sắc cạnh, tựa như cây gươm là vật dễ làm đổ máu, ví như cây thương đã đâm vào lồng ngực, các dục còn khổ đau hơn thế nữa.
1600. Tựa như hố than sâu quá thân người đã được đốt cháy, tựa như lưỡi cày đã được đốt nóng trọn ngày, các dục còn khổ đau hơn thế nữa.
1601. Giống như thuốc độc cực mạnh, giống như dầu đã được đun sôi, tựa như đồng đỏ đã được nung chảy, các dục còn khổ đau hơn thế nữa.”
5. Bổn sanh Nước Uống Được.
1602. “Con xin đảnh lễ đấng quân vương được tháp tùng bởi các thân hữu và các quan đại thần. Tâu đại vương, con sẽ xuất gia, xin bệ hạ chấp thuận điều ấy.”
1603. “Nếu có sự thiếu thốn cho con về các dục, trẫm bổ sung đầy đủ cho con. Người nào hãm hại con, trẫm ngăn chặn. Này Yudhañjaya, con chớ xuất gia.”
1604. “Không có việc thiếu thốn về các dục đối với con, người hãm hại con không có. Nhưng con muốn tạo ra hòn đảo để tuổi già không hoảng loạn.”
1605. Người con trai cầu xin người cha, rồi người cha yêu cầu người con trai ruột rằng: “Con thương, cư dân trong thành phố cầu xin con rằng: ‘Thưa Yudhañjaya, xin ngài chớ xuất gia.”
1606. “Cha thương, xin cha chớ ngăn cản con xuất gia. Tâu quân vương, xin chớ để con bị đắm say các dục và rơi vào quyền lực của sự già.”
1607. “Con thương, mẹ cầu xin con. Này con trai, mẹ cản ngăn con. Mẹ muốn nhìn thấy con mãi mãi. Này Yudhañjaya, con chớ xuất gia.”
1608. “Ví như hạt sương ở đầu cọng cỏ rơi xuống khi mặt trời mọc lên, tuổi thọ của loài người là tương tự. Thưa mẹ, xin mẹ chớ ngăn cản con.
1609. Trong khi con ra đi, tâu quân vương, xin cha hãy cho người nâng chiếc kiệu của mẹ lên. Xin chớ để mẹ là người tạo ra sự chướng ngại cho con trong khi con ra đi.”
1610. “Các ngươi hãy đi nhanh. Chúc con may mắn! Thành Rammaka sẽ trở nên trống vắng. Yudhañjaya đã được đức vua Sabbadatta cho phép.
1611. Người nào, đã là chàng trai trẻ đứng đầu trong số một ngàn người, tương tự như là vàng, người ấy, vị hoàng tử dũng mãnh này, đã xuất gia, khoác y phục màu ca-sa.”
1612. “Cả hai vị hoàng tử Yudhañjaya và Yudhiṭṭhila đã xuất gia, sau khi lìa bỏ mẹ cha, sau khi đã cắt đứt sợi dây xích của Thần Chết.”
6. Bổn sanh Thái Tử Yudhañjaya.
1613. “Này Lakkhaṇa và Sītā, hai em hãy đến. Cả hai hãy lội xuống nước. Bharata này đã nói như vầy: ‘Phụ vương Dasaratha đã băng hà.’”
1614. “Thưa anh Rāma, do năng lực gì mà anh không sầu muộn về việc đáng bị sầu muộn? Sau khi nghe tin cha mất, khổ đau không chế ngự được anh.”
1615. “Vật mà con người, trong khi khóc lóc thật nhiều, mà vẫn không thể bảo tồn được, vậy thì vị có sự hiểu biết, thông minh, tại sao lại bực bội bản thân?
1616. Bởi vì những đứa trẻ con và những người lớn tuổi, những kẻ ngu si và những vị sáng suốt, những người giàu sang luôn cả những người nghèo khó, tất cả đều có sự chết là nơi cuối cùng.
1617. Giống như đối với những trái cây đã chín, hiểm họa do việc rơi rụng là thường xuyên, tương tự như vậy, đối với những con người đã được sanh ra, hiểm họa về cái chết là thường xuyên.
1618. Nhiều người được nhìn thấy vào buổi sáng, thì một số không còn được nhìn thấy vào buổi tối. Nhiều người được nhìn thấy vào buổi tối, thì một số không còn được nhìn thấy vào sáng (hôm sau).
1619. Nếu trong khi than vãn, trong khi hành hạ bản thân, kẻ bị mê muội có thể tạo ra việc lợi ích nào đó, thì người khôn khéo cũng nên làm điều ấy.
1620. Trong khi tự mình hãm hại mình, (người này) trở nên gầy ốm, xuống sắc, những người đã quá vãng không được trợ giúp do việc làm ấy; sự than vãn là không có lợi ích.
1621. Giống như người có thể dùng nước dập tắt chỗ trú ngụ bị đốt cháy, cũng tương tự như thế, người sáng trí, có kiến thức, thông minh, sáng suốt, có thể mau chóng xua tan sự sầu muộn đã được sanh khởi, tựa như làn gió thổi bay sợi bông gòn.
1622. Khi một người chết đi, liền có một người khác sanh ra trong gia tộc. Theo ý nghĩa tuyệt đối của sự liên kết với nhau, có sự thọ hưởng chung giữa các chúng sanh với nhau.
1623. Chính vì thế, đối với vị thông minh, có nhiều kiến thức, trong khi xem xét một cách đúng đắn về đời này và đời sau, sau khi hiểu thông quy luật, thì các nỗi sầu muộn mặc dầu lớn lao, cũng không làm cho tâm và ý của vị ấy bị bực bội.
1624. Ta đây sẽ ban phát, sẽ nuôi dưỡng, và sẽ bảo bọc các thân quyến, ta sẽ bảo vệ số còn lại; việc này là phận sự của người có nhận thức.”
1625. Đức vua Rāma, với cổ có ba ngấn (tướng may mắn) và cánh tay to lớn, đã trị vì vương quốc mười sáu ngàn năm.”
7. Bổn sanh Đại Vương Dasaratha.
1626. “Tâu đại vương, phải chăng vua cha biết về giới hạnh của đại vương, (bởi vì) trong khi tôn vinh các vị hoàng tử này, vua cha đã không nghĩ đến đại vương với bất cứ món quà gì?
1627. Tâu đại vương, phải chăng trong khi vua cha đang còn tại tiền hay khi đã quy tiên, trong khi xem xét lợi ích của bản thân, (vua cha biết rằng) các thân quyến đã chấp thuận đại vương?
1628. Này Saṃvara, với giới hạnh gì mà đại vương được đứng trên các hoàng tử sanh cùng gia tộc? Vì sao toàn thể thân quyến đã tụ hội lại mà không phản đối đại vương?”
1629. “Thưa hoàng huynh, trẫm không ganh tỵ với các Sa-môn, với các bậc đại ẩn sĩ. Trẫm trân trọng cúi chào các vị ấy. Trẫm đảnh lễ hai bàn chân của các bậc có đức hạnh như thế ấy.
1630. (Sau khi biết) trẫm là người gắn liền với công lý và đạo đức, có sự mong muốn lắng nghe và là người không ganh tỵ, các vị Sa-môn ấy chỉ dạy cho trẫm; các bậc ẩn sĩ ưa chuộng công lý và đạo đức.
1631. Sau khi lắng nghe lời nói của các vị Sa-môn và các bậc đại ẩn sĩ, trẫm không xem thường bất cứ điều gì; tâm ý của trẫm thích thú ở lời giảng dạy.
1632. Các viên quản tượng, các ngự lâm quân, các dũng sĩ chiến xa, và các bộ binh, trẫm không bạc đãi họ; thực phẩm và lương bổng được cấp đều đặn.
1633. Và trẫm có các quan đại thần, các vị cố vấn, và các người hầu cận. Người ta đồn rằng thành Bārāṇasī là có nhiều thịt, rượu, và nước.
1634. Rồi các thương buôn giàu có từ nhiều quốc độ khác nhau cũng đã đi đến. Các sự bảo vệ đã được trẫm bố trí cho họ. Này hoàng huynh Uposatha, xin hoàng huynh hãy nhận biết như thế.”
1635. “Này Saṃvara, nói theo sự công bằng đối với các thân quyến, thì phải để em cai trị vương quốc. Em thông minh, sáng suốt, và còn là người có lợi ích cho các thân quyến nữa.
1636. Với các đức tánh ấy, em được tùy tùng bởi các thân quyến, được tích lũy nhiều loại châu báu, các kẻ thủ không chế ngự được em, tựa như chúa tể của loài A-tu-la không chế ngự được vị thần Inda.”
8. Bổn sanh Đức Vua Saṃvara.
1637. “Những con người có mũi như dao cạo nổi lên, lặn xuống. Chúng tôi hỏi Suppāraka về điều ấy rằng: ‘Biển này là biển nào?’”
1638. “Con tàu của các thương buôn tầm cầu tài sản xuất phát từ bến Bharukaccha đã bị lạc hướng, và đi đến vùng biển gọi là Khuramālī (Biển Dao Cạo).”
1639. “Biển cả được thấy giống như là ngọn lửa, tương tự như mặt trời. Chúng tôi hỏi Suppāraka về điều ấy rằng: ‘Biển này là biển nào?’”
1640. “Con tàu của các thương buôn tầm cầu tài sản xuất phát từ bến Bharukaccha đã bị lạc hướng, và đi đến vùng biển gọi là Aggimālī (Biển Lửa).”
1641. “Biển cả được thấy giống như là sữa chua, tương tự như sữa tươi. Chúng tôi hỏi Suppāraka về điều ấy rằng: ‘Biển này là biển nào?’”
1642. “Con tàu của các thương buôn tầm cầu tài sản xuất phát từ bến Bharukaccha đã bị lạc hướng, và đi đến vùng biển gọi là Dadhimālī (Biển Sữa Chua).”
1643. “Biển cả được thấy giống như là trảng cỏ kusa, tương tự như bãi ngô. Chúng tôi hỏi Suppāraka về điều ấy rằng: ‘Biển này là biển nào?’”
1644. “Con tàu của các thương buôn tầm cầu tài sản xuất phát từ bến Bharukaccha đã bị lạc hướng, và đi đến vùng biển gọi là Kusamālī (Biển Cỏ Kusa).”
1645. “Biển cả được thấy giống như là bãi sậy, tương tự như rừng tre. Chúng tôi hỏi Suppāraka về điều ấy rằng: ‘Biển này là biển nào?’”
1646. “Con tàu của các thương buôn tầm cầu tài sản xuất phát từ bến Bharukaccha đã bị lạc hướng, và đi đến vùng biển gọi là Naḷamālī (Biển Cây Sậy).”
1647. “Có âm thanh với sự sợ hãi khủng khiếp, làm cho kinh hoàng, được nghe như là của phi nhân. Biển cả được thấy giống như là cái hố nước, tương tự như vực thẳm. Chúng tôi hỏi Suppāraka về điều ấy rằng: ‘Biển này là biển nào?’”
1648. “Con tàu của các thương buôn tầm cầu tài sản xuất phát từ bến Bharukaccha đã bị lạc hướng, và đi đến vùng biển gọi là Vaḷavāmukhī (Biển Mỏm Ngựa Cái).”
1649. Từ khi tôi nhớ về bản thân, từ khi tôi đạt được sự hiểu biết, tôi biết chắc rằng không một sinh mạng nào đã bị tôi hãm hại một cách cố tình; do lời nói chân thật này, mong rằng chiếc tàu hãy quay trở về một cách an toàn.”
9. Bổn sanh Vị Suppāraka.
Chuyện con voi vinh quang là người phụng dưỡng mẹ,
thêm chuyện hoàng tử Juṇha, kẻ Adhamma (Phi Pháp), đức vua Udaya,
rồi nước uống được, thái tử Yudhañjaya, và đại vương Dasaratha,
đức vua Saṃvara, với vị đã đi đến bờ kia, là chín.
Nhóm Mười Một Kệ Ngôn được chấm dứt.
--ooOoo--
[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14]
[Thư Mục Tổng Quát][Thư mục Bổn Sanh I][Thư mục Bổn Sanh II][Thư mục Bổn Sanh III]