TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 35
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
MAHĀNIDDESAPĀḶI - ĐẠI DIỄN GIẢI
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda

1. KĀMASUTTANIDDESO - DIỄN GIẢI KINH VỀ DỤC

1 - 1

 

“Đối với người ham muốn về dục, nếu điều ấy thành tựu đến người ấy, đương nhiên là có ý vui mừng sau khi đã đạt được điều người ước muốn.”

 

Đối với người ham muốn về dục: Dục theo sự phân hạng thì có hai loại dục: vật dục và ô nhiễm dục. Các loại nào là vật dục? Các sắc hợp ý, các thinh hợp ý, các hương hợp ý, các vị hợp ý, các xúc hợp ý, các vật trải lót, các vật đắp, các tôi trai và tớ gái, dê cừu, gà heo, voi bò ngựa lừa, ruộng, vườn, tiền vàng, vàng khối, làng, phố, kinh thành, lãnh thổ, xứ sở, khu trại, nhà kho, bất cứ vật gì đưa đến sự luyến ái là vật dục.

 

Thêm nữa là các dục quá khứ, các dục vị lại, các dục hiện tại, các dục nội phần, các dục ngoại phần, các dục nội và ngoại phần, các dục hạ liệt, các dục trung bình, các dục cao quý, các dục thuộc địa ngục, các dục thuộc loài người, các dục thuộc cõi Trời, các dục được hiện hữu, các dục được tạo ra, các dục được người khác tạo ra, các dục không được tạo ra, các dục thuộc sở hữu, các dục không thuộc sở hữu, các dục thuộc cá nhân, các dục không thuộc cá nhân, tính luôn tất cả các pháp Dục Giới, tất cả các pháp Sắc Giới, tất cả các pháp Vô Sắc Giới, các dục có nền tảng là ái, có cảnh giới là ái, với ý nghĩa là đưa đến sự ham muốn, với ý nghĩa là đưa đến sự luyến ái, với ý nghĩa là đưa đến sự say đắm. Các điều này được gọi là các vật dục.

 

Ô nhiễm dục là các loại nào? Mong muốn là dục, luyến ái là dục, mong muốn và luyến ái là dục, suy tầm là dục, luyến ái là dục, suy tầm và luyến ái là dục, sự mong muốn về dục, sự luyến ái về dục, niềm vui về dục, sự ham muốn về dục, sự thương yêu về dục, sự nồng nhiệt về dục, sự mê mẩn về dục, sự ràng buộc của dục, sự lôi cuốn của dục, sự gắn bó của dục, sự chấp thủ ở dục, sự che lấp do mong muốn ở các dục.

 

“Này dục, ta đã nhìn thấy gốc rễ của ngươi. Này dục, ngươi sanh lên từ sự suy tầm. Ta sẽ không suy tầm về ngươi nữa. Này dục, như vậy ngươi sẽ không hiện hữu.”

 

Các điều này được gọi là ô nhiễm dục.

 

Đối với người ham muốn: đối với người đang ham muốn, đối với người đang ước muốn, đối với người đang ưng thuận, đối với người đang ước nguyện, đối với người đang mong cầu, đối với người đang khẩn cầu. Đối với người ham muốn về dục là như thế.

 

Nếu điều ấy thành tựu đến người ấy: Nếu ... đến người ấy tức là đến vị Sát-đế-lỵ, hoặc đến vị Bà-la-môn, hoặc đến người thương buôn, hoặc đến kẻ nô lệ, hoặc đến người gia chủ, hoặc đến vị xuất gia, hoặc đến vị Trời, hoặc đến người nhân loại ấy. Điều ấy tức là các vật dục được nói đến: các sắc hợp ý, các thinh hợp ý, các hương hợp ý, các vị hợp ý, các xúc hợp ý. Thành tựu tức là có kết quả, thành tựu, đạt được, nhận được, đạt đến, kiếm được. Nếu điều ấy thành tựu đến người ấy là như thế.

 

Đương nhiên là có ý vui mừng: Đương nhiên là lời nói nhất định, lời nói chắc chắn, lời nói không nghi ngờ, lời nói không hai nghĩa, lời nói không mâu thuẫn, lời nói bảo đảm, lời nói không sai trái, lời nói khẳng định; điều này là đương nhiên. Vui mừng là sự vui mừng, sự hoan hỷ, sự tùy hỷ, sự vui thích, sự cười đùa, sự hài hước, sự vui lòng, sự vui sướng, sự phấn khởi, sự vừa ý, sự sung sướng của tâm có liên quan đến năm loại dục. Ý tức là tâm; ý là tinh thần, là trái tim, là vật tinh khiết; ý là ý xứ, ý quyền, thức, thức uẩn, từ đó có ý thức giới; điều này được gọi là ý. Ý này với sự vui mừng này là đồng hành, đồng sanh, được liên kết, được gắn bó, cùng sanh, cùng diệt, chung một nền tảng, chung một đối tượng. Có ý vui mừng: Ý vui mừng là ý vui sướng, ý vui vẻ, ý thích thú, ý hài lòng, ý phấn khởi, ý tùy hỷ, ý vui thích. Đương nhiên là có ý vui mừng là như thế.

 

Sau khi đã đạt được điều người ước muốn: Sau khi đã đạt được là sau khi đạt được, sau khi đạt đến, sau khi kiếm được, sau khi nhận được. Người là chúng sanh, đàn ông, thanh niên, người nam, cá nhân, mạng sống, người còn sanh tử, con người, người đi theo nghiệp, nhân loại. Điều người ước muốn: Điều người ước muốn là điều người ưng thuận, điều người ước nguyện, điều người mong cầu, điều người khẩn cầu: hoặc là sắc, hoặc là thinh, hoặc là hương, hoặc là vị, hoặc là xúc. Điều người ước muốn là như thế.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Đối với người ham muốn về dục, nếu điều ấy thành tựu đến người ấy, đương nhiên là có ý vui mừng sau khi đã đạt được điều người ước muốn.”

 

1 - 2

 

“Nếu đối với người ấy, --(tức là) đối với người đang ham muốn, đối với con người có sự mong muốn đã sanh khởi,-- các dục ấy bị suy giảm, thì (người ấy) bị khổ sở như là bị đâm xuyên bởi mũi tên.”

 

Nếu đối với người ấy, (tức là) đối với người đang ham muốn: Nếu đối với người ấy tức là đối với vị Sát-đế-lỵ, hoặc đối với vị Bà-la-môn, hoặc đối với người thương buôn, hoặc đối với kẻ nô lệ, hoặc đối với người gia chủ, hoặc đối với vị xuất gia, hoặc đối với vị Trời, hoặc đối với người nhân loại ấy. Đối với người đang ham muốn là đối với người đang ước muốn, đối với người đang ưng thuận, đối với người đang ước nguyện, đối với người đang mong cầu, đối với người đang khẩn cầu về các dục, hoặc giả mà người bị đưa đi, bị dẫn đi, bị lôi đi, bị mang đi bởi sự thương yêu về dục. Giống như người bị đưa đi, bị dẫn đi, bị lôi đi, bị mang đi bằng phương tiện voi, bằng phương tiện ngựa, bằng phương tiện bò, bằng phương tiện lừa, bằng phương tiện cừu, bằng phương tiện lạc đà, tương tợ y như thế là người bị đưa đi, bị dẫn đi, bị lôi đi, bị mang đi bởi sự thương yêu về dục. Nếu đối với người ấy (tức là) đối với người đang ham muốn là như thế.

 

Đối với con người có sự mong muốn đã sanh khởi: Mong muốn là sự mong muốn về dục, sự luyến ái về dục, niềm vui về dục, sự khao khát về dục, sự thương yêu về dục, sự nồng nhiệt về dục, sự mê mẩn về dục, sự ràng buộc của dục, sự lôi cuốn của dục, sự gắn bó của dục, sự chấp thủ ở dục, sự che lấp do mong muốn ở các dục. Đối với người ấy sự mong muốn về dục đã sanh khởi, đã nảy sanh, đã hạ sanh, đã phát sanh, đã xuất hiện. Đối với con người là đối với chúng sanh, đối với đàn ông, đối với thanh niên, đối với người nam, đối với cá nhân, đối với mạng sống, đối với người còn sanh tử, đối với con người, đối với người đi theo nghiệp, đối với nhân loại. Đối với con người có sự mong muốn đã sanh khởi là như thế.

 

Các dục ấy bị suy giảm: hoặc là các dục ấy bị suy giảm, hoặc là người ấy bị suy giảm về các dục. Các dục ấy bị suy giảm bằng cách nào? Ngay trong khi người ấy đang gìn giữ, các vị vua lấy đi các tài sản của người ấy, hoặc các kẻ trộm lấy đi, hoặc lửa thiêu đốt, hoặc nước cuốn trôi, hoặc những người thừa tự không được yêu thương lấy đi, hoặc không đạt được của chôn giấu, hoặc các công việc bị đổ vỡ do xử lý kém, hoặc kẻ phá gia xuất hiện ở gia đình làm phân tán, tàn phá, hủy hoại các tài sản ấy, tính luôn tính chất vô thường là thứ tám. Các dục ấy bị giảm bớt, bị suy giảm, bị mất mát, bị đổ vỡ, bị biến mất, bị tiêu hoại là như vậy.

 

Người ấy bị suy giảm về các dục bằng cách nào? Ngay trong khi các tài sản ấy còn đang tồn tại thì người ấy từ trần, chết đi, biến mất, tiêu hoại. Người ấy bị giảm bớt, bị suy giảm, bị mất mát, bị đổ vỡ, bị biến mất, bị tiêu hoại về các dục là như vậy.

 

1. “Các kẻ trộm, các vị vua lấy đi, lửa đốt, bị mất mát, rồi cuối cùng thì người cũng phải buông bỏ thân mạng cùng với vật sở hữu.

 

2. Biết được điều này, các bậc thông minh nên thọ dụng và nên bố thí. Sau khi bố thí và thọ dụng tùy theo khả năng thì không bị chê trách và đi đến chốn cõi trời.”

 

Các dục ấy bị suy giảm, thì (người ấy) bị khổ sở như là bị đâm xuyên bởi mũi tên: Giống như bị đâm xuyên bởi mũi tên làm bằng sắt, hoặc bị đâm xuyên bởi mũi tên làm bằng xương, hay bởi mũi tên làm bằng ngà, hay bởi mũi tên làm bằng sừng, hay bởi mũi tên làm bằng gỗ thì bị khổ sở, bị bực bội, bị khó chịu, bị hành hạ, bị bệnh hoạn, bị ưu sầu, tương tợ y như thế các trạng thái bất thường do sự biến đổi của các vật dục là sầu bi khổ ưu não sanh lên. Bị đâm xuyên bởi mũi tên sầu muộn và bởi mũi tên dục vọng, người ấy bị khổ sở, bị bực bội, bị khó chịu, bị hành hạ, bị bệnh hoạn, bị ưu sầu. Bị khổ sở như là bị đâm xuyên bởi mũi tên là như thế.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Nếu đối với người ấy, --(tức là) đối với người đang ham muốn, đối với con người có sự mong muốn đã sanh khởi,-- các dục ấy bị suy giảm, thì (người ấy) bị khổ sở như là bị đâm xuyên bởi mũi tên.”

 

1 - 3

 

“Người nào xa lánh các dục tựa như các bàn chân (xa lánh) đầu của con rắn, người ấy, có niệm, vượt qua sự vướng mắc này ở thế gian.”

 

Người nào xa lánh các dục: Người nào là người như thế, được gắn bó như thế, được định đặt như thế, có biểu hiện như thế, đã đạt đến địa vị như thế, đã thành tựu phẩm chất như thế, hoặc là vị Sát-đế-lỵ, hoặc là vị Bà-la-môn, hoặc là người thương buôn, hoặc là kẻ nô lệ, hoặc là người gia chủ, hoặc là vị xuất gia, hoặc là vị Thiên nhân, hoặc là người nhân loại. Xa lánh các dục: Các dục theo sự phân hạng thì có hai loại dục: các vật dục và các ô nhiễm dục. —như trên— Các điều này được gọi là các vật dục. —như trên— Các điều này được gọi là các ô nhiễm dục.

 

Xa lánh các dục: Xa lánh các dục do hai nguyên nhân: do sự ngăn trở hoặc do sự đoạn trừ. Thế nào là do sự ngăn trở mà xa lánh các dục? Trong khi nhìn thấy “các dục như là bộ xương với ý nghĩa chút ít khoái lạc” thì do sự ngăn trở mà xa lánh các dục. Trong khi nhìn thấy “các dục như là miếng thịt với ý nghĩa vật chung của số đông” thì do sự ngăn trở mà xa lánh các dục. Trong khi nhìn thấy “các dục như là cây đuốc cỏ với ý nghĩa thiêu đốt” thì do sự ngăn trở mà xa lánh các dục. Trong khi nhìn thấy “các dục như là hố than cháy rực với ý nghĩa nóng bức dữ dội” thì do sự ngăn trở mà xa lánh các dục.—

 

Trong khi nhìn thấy “các dục như là giấc mơ với ý nghĩa hiện diện ngắn ngủi” thì do sự ngăn trở mà xa lánh các dục. Trong khi nhìn thấy “các dục như là vật vay mượn với ý nghĩa tạm thời” thì do sự ngăn trở mà xa lánh các dục. Trong khi nhìn thấy “các dục như là trái trên cây với ý nghĩa gãy đổ” thì do sự ngăn trở mà xa lánh các dục. Trong khi nhìn thấy “các dục như là lò sát sanh với ý nghĩa chặt chém” thì do sự ngăn trở mà xa lánh các dục. Trong khi nhìn thấy “các dục như là mũi lao nhọn với ý nghĩa đâm thủng” thì do sự ngăn trở mà xa lánh các dục. Trong khi nhìn thấy “các dục như là đầu rắn độc với ý nghĩa có sự sợ hãi” thì do sự ngăn trở mà xa lánh các dục. Trong khi nhìn thấy “các dục như là đống lửa với ý nghĩa nóng bức dữ dội” thì do sự ngăn trở mà xa lánh các dục.

 

Ngay trong khi tu tập tùy niệm Phật thì do sự ngăn trở mà xa lánh các dục. Ngay trong khi tu tập tùy niệm Pháp —như trên— Ngay trong khi tu tập tùy niệm Tăng, ngay trong khi tu tập tùy niệm giới, ngay trong khi tu tập tùy niệm xả thí, ngay trong khi tu tập tùy niệm Thiên, ngay trong khi tu tập niệm hơi thở vào - hơi thở ra, ngay trong khi tu tập niệm sự chết, ngay trong khi tu tập niệm đặt ở thân, ngay trong khi tu tập tùy niệm Niết Bàn thì do sự ngăn trở mà xa lánh các dục. Ngay trong khi tu tập sơ thiền thì do sự ngăn trở mà xa lánh các dục, ngay trong khi tu tập nhị thiền, ngay trong khi tu tập tam thiền, ngay trong khi tu tập tứ thiền, ngay trong khi tu tập sự chứng đạt không vô biên xứ, ngay trong khi tu tập sự chứng đạt thức vô biên xứ, ngay trong khi tu tập sự chứng đạt vô sở hữu xứ, ngay trong khi tu tập sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ thì do sự ngăn trở mà xa lánh các dục. Do sự ngăn trở mà xa lánh các dục là như thế.

 

Thế nào là do sự đoạn trừ mà xa lánh các dục? Ngay trong khi tu tập Đạo Nhập Lưu thì do sự đoạn trừ mà xa lánh các dục đưa đến khổ cảnh. Ngay trong khi tu tập Đạo Nhất Lai thì do sự đoạn trừ mà xa lánh các dục thô thiển. Ngay trong khi tu tập Đạo Bất Lai thì do sự đoạn trừ mà xa lánh các dục có tính chất vi tế. Ngay trong khi tu tập Đạo A-la-hán thì do sự đoạn trừ mà xa lánh các dục bằng mọi cách, ở mọi nơi, một cách trọn vẹn, không còn dư sót. Người nào xa lánh các dục là như thế.

 

Tựa như các bàn chân (xa lánh) đầu của con rắn: Con rắn (sappa) được gọi là ahi. Con rắn với ý nghĩa gì? Sappo là vì “nó di chuyển theo lối bò trườn,” bhujago là vì “nó di chuyển ngoằn ngoèo,” urago là vì “nó di chuyển bằng ngực,” pannago là vì “nó di chuyển với cái đầu ở tư thế nằm,” siriṃsapo là vì “nó ngủ bằng cái đầu,” bilāsayo là vì “nó nằm trong động,” guhāsayo là vì “nó nằm trong hang,” dāṭhāvudho là vì “răng nanh của nó là vũ khí,” ghoraviso là vì “chất độc của nó là dữ dội,” dvijivho là vì “lưỡi của nó có hai phần,” dvirasaññū là vì “nó nếm vị bằng hai cái lưỡi.” [1] Người đàn ông ham muốn sống, ham muốn không bị chết, ham muốn lạc, chán ghét khổ nên tránh né, xa lánh, tránh thật xa cái đầu con rắn bằng bàn chân như thế nào thì người ham muốn lạc chán ghét khổ nên tránh né, tránh xa, xa lánh, tránh thật xa tương tợ y như thế. Tựa như các bàn chân (xa lánh) đầu của con rắn là như vậy.

 

Người ấy, có niệm, vượt qua sự vướng mắc này ở thế gian: Người ấy là người xa lánh các dục. Sự vướng mắc gọi là ái, nghĩa là luyến ái, luyến ái mãnh liệt, say đắm, thuận thảo, niềm vui, niềm vui và luyến ái, sự luyến ái mãnh liệt của tâm, ước muốn, mê mẩn, bám víu, đeo bám, đeo cứng, quyến luyến, đắm chìm, níu kéo, xảo quyệt, liên quan tái sanh, tạo ra khổ, kết vào, có lưới bẫy, cuốn trôi, vướng mắc, sợi chỉ trói, sự lan rộng, có sự ra sức, bạn đời, mầm tái sanh, lối dẫn di tái sanh, cầu xin, bám lấy đối tượng, gắn bó, thương yêu, mong ước, thân mật, mong mỏi, khát vọng, trạng thái mong mỏi, mong mỏi về sắc, mong mỏi về thinh, mong mỏi về hương, mong mỏi về vị, mong mỏi về xúc, mong mỏi về lợi lộc, mong mỏi về tài sản, mong mỏi về con trai, mong mỏi về mạng sống, tham muốn, khởi tham, tham muốn tột độ, biểu hiện tham muốn, trạng thái tham muốn, tham lam, biểu hiện tham lam, trạng thái tham lam, xao xuyến, ham muốn vật vừa ý, luyến ái sai pháp, tham thất thường, đeo đuổi, biểu hiện đeo đuổi, ước nguyện, mong cầu, ước nguyện tốt đẹp, dục ái, hữu ái, phi hữu ái, ái cõi Sắc giới, ái cõi Vô sắc giới, ái Niết Bàn, ái cảnh sắc, ái cảnh thinh, ái cảnh khí, ái cảnh vị, ái cảnh xúc, ái cảnh pháp, dòng nước lũ, sự ràng buộc, cột trói, chấp thủ, che ngăn, che lấp, phủ lấp, trói buộc, làm ô nhiễm, tiềm ẩn, thâm nhập, quấn lấy, ham hố, cội nguồn của khổ, khởi đầu của khổ, nguồn sanh khổ, cạm bẫy của Ma Vương, lưỡi câu của Ma Vương, độc tố của Ma Vương, ái ví như dòng sông, ái ví như tấm lưới, ái ví như dây xích, ái ví như biển, tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.

 

Sự vướng mắc: Sự vướng mắc với ý nghĩa gì? Vướng mắc là vì ‘được trải rộng;’ vướng mắc là vì ‘bao quát;’ vướng mắc là vì ‘được lan rộng;’ vướng mắc là vì ‘lôi kéo theo;’ vướng mắc là vì ‘mang lại chất độc;’ vướng mắc là vì ‘truyền bá chất độc;’ vướng mắc là vì ‘nhân độc hại;’ vướng mắc là vì ‘kết quả độc hại;’ vướng mắc là vì ‘sự thọ dụng độc hại.’ Hoặc hơn nữa, vướng mắc là vì ‘ái ấy là bao quát, được trải rộng, được lan rộng ở sắc, ở thinh, ở hương, ở vị, ở xúc, ở gia tộc, ở nhóm, ở chỗ ngụ, ở lợi lộc, ở danh tiếng, ở lời khen, ở hạnh phúc, ở y phục, ở đồ ăn khất thực, ở chỗ nằm ngồi, ở vật dụng là thuốc men chữa bệnh, ở dục giới, ở sắc giới, ở vô sắc giới, ở cõi dục, ở cõi sắc, ở cõi vô sắc, ở cõi hữu tưởng, ở cõi vô tưởng, ở cõi phi tưởng phi phi tưởng, ở cõi một uẩn, ở cõi bốn uẩn, ở cõi năm uẩn, ở quá khứ, ở vị lai, ở hiện tại, ở các pháp có thể thấy, nghe, cảm giác, và nhận thức.’

 

Ở thế gian: ở thế gian của khổ cảnh, ở thế gian của loài người, ở thế gian của chư Thiên, ở thế gian của các uẩn, ở thế gian của các giới, ở thế gian của các xứ.

 

Có niệm: Có niệm do bốn nguyên nhân: Có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân ở thân, —như trên— ở các thọ, —như trên— ở tâm, có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát pháp ở các pháp. Hơn nữa, có niệm còn do bốn nguyên nhân khác: Có niệm do xa lánh thất niệm, có niệm do trạng thái đã thực hành các pháp cần phải thực hành đối với niệm, có niệm do trạng thái đã tiêu diệt các pháp đối nghịch với niệm, có niệm do trạng thái không lơ là đối với các pháp ấn chứng của niệm. Hơn nữa, có niệm còn do bốn nguyên nhân khác: có niệm do trạng thái đã thành tựu về niệm, có niệm do trạng thái đã trú ở niệm, có niệm do trạng thái quen thuộc với niệm, có niệm do trạng thái không thối thất đối với niệm. Hơn nữa, có niệm còn do bốn nguyên nhân khác: có niệm do trạng thái tự tại, có niệm do trạng thái an tịnh, có niệm do trạng thái tĩnh lặng, có niệm do trạng thái đã thành tựu pháp của bậc chân nhân. Có niệm do tùy niệm Phật, có niệm do tùy niệm Pháp, có niệm do tùy niệm Tăng, có niệm do tùy niệm giới, có niệm do tùy niệm xả thí, có niệm do tùy niệm Thiên, có niệm do niệm hơi thở vào - hơi thở ra, có niệm do tùy niệm sự chết, có niệm do niệm đặt ở thân, có niệm do tùy niệm Niết Bàn. Niệm là tùy niệm, niệm hiện tiền; niệm là sự nương tựa, sự ghi nhận, sự thâm nhập, sự không lơ là; niệm là niệm quyền, niệm lực, chánh niệm; niệm là niệm giác chi, con đường độc đạo; điều này gọi là niệm. Người đã tiến đến, đã tiến gần, đã tiến vào, đã tiến sát, đã tiếp cận, đã tròn đủ, đã thành tựu nhờ vào niệm này, người ấy được gọi là có niệm.

 

Người ấy, có niệm, vượt qua sự vướng mắc này ở thế gian: Việc dự vào thế gian là vướng mắc. Người có niệm, xa lánh, dứt bỏ, cắt đứt mầm mống, vượt qua, làm cho thui chột sự vướng mắc này ở ngay tại thế gian. ‘Người ấy, có niệm, vượt qua sự vướng mắc này ở thế gian’ là thế ấy.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Người nào xa lánh các dục tựa như các bàn chân (xa lánh) đầu của con rắn, người ấy, có niệm, vượt qua sự vướng mắc này ở thế gian.”

 

1 - 4

 

“Người nam nào thèm muốn ruộng, đất, hoặc vàng, gia súc, ngựa, tôi tớ, người hầu, người nữ, thân quyến, vô số các dục, —

 

Ruộng, đất, hoặc vàng: Ruộng là ruộng lúa sāli, ruộng lúa mùa, ruộng đậu xanh, ruộng đậu māsa, ruộng lúa mạch, ruộng lúa mì, ruộng mè. Đất là đất nhà, đất cổng ra vào, đất phía trước nhà, đất phía sau nhà, đất vườn, đất thổ cư. Vàng: vàng gọi là tiền vàng. ‘Ruộng, đất, hoặc vàng’ là thế ấy.

 

Gia súc, ngựa, tôi tớ, người hầu: Gia súc gọi là trâu bò. Ngựa gọi là các con dê, v.v... Tôi tớ: Có bốn loại tôi tớ: tôi tớ bẩm sinh, tôi tớ được mua bằng tài sản, hoặc tự nguyện trở thành tôi tớ, hoặc trở thành tôi tớ do sự ép buộc.

 

“Nhiều người trở thành tôi tớ do mẹ là tôi tớ,

thậm chí do được mua bởi tài sản mà trở thành tôi tớ,

và nhiều người tự nguyện trở thành tôi tớ,

cũng có những người do sự sợ hãi mà bị bắt đi trở thành tôi tớ.”

 

Người hầu: Có ba hạng người hầu: người làm thuê, người làm công, người sống nhờ. ‘Gia súc, ngựa, tôi tớ, người hầu’ là thế ấy.

 

Người nữ, thân quyến, vô số các dục: Người nữ được gọi là có sự nhận lấy thân người nữ. Thân quyến: Có bốn loại thân quyến: thân quyến của cha mẹ là thân quyến, thân quyến của dòng tộc là thân quyến, thân quyến do (cùng học) chú thuật, thân quyến d0 (cùng học) nghề nghiệp. Vô số các dục là nhiều loại dục, vô số các dục này là: các sắc hợp ý, —như trên— các xúc hợp ý. ‘Người nữ, thân quyến, vô số các dục’ là thế ấy.

 

Người nam nào thèm muốn: Người nào là người như thế, được gắn bó như thế, được định đặt như thế, có biểu hiện như thế, đã đạt đến địa vị ấy, đã thành tựu phẩm chất ấy, hoặc là vị Sát-đế-lỵ, hoặc là vị Bà-la-môn, hoặc là người thương buôn, hoặc là kẻ nô lệ, hoặc là người gia chủ, hoặc là vị xuất gia, hoặc là vị Thiên nhân, hoặc là người nhân loại. Người nam là chúng sanh, đàn ông, thanh niên, nam nhân, cá nhân, mạng sống, người còn sanh tử, con người, người đi theo nghiệp, nhân loại. Thèm muốn là thèm, thèm muốn, thèm thuồng ở các ô nhiễm dục, ở các vật dục. ‘Người nam nào thèm muốn’ là thế ấy.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

Người nam nào thèm muốn ruộng, đất, hoặc vàng, gia súc, ngựa, tôi tớ, người hầu, người nữ, thân quyến, vô số các dục, —

 

1 - 5

 

“— Các (ô nhiễm) yếu ớt thống trị người ấy, các hiểm họa chà đạp người ấy; do việc ấy khổ đau đi theo người ấy tựa như nước (tràn vào) chiếc thuyền đã bị vỡ.”

 

Các (ô nhiễm) yếu ớt khuất phục người ấy: Yếu ớt là các ô nhiễm yếu ớt, yếu sức, thiếu lực, thiếu dõng mãnh, thấp hèn, hèn kém, hèn mọn, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi. Các ô nhiễm ấy ngự trị, thống trị, chế ngự, đè bẹp, trấn áp, giẫm đạp cá nhân ấy; ‘các (ô nhiễm) yếu ớt khuất phục người ấy’ là như vậy. Hoặc là, (đề cập đến) nhân vật yếu ớt, yếu sức, thiếu lực, thiếu dõng mãnh, thấp hèn, hèn kém, hèn mọn, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi, là người không có tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực, tàm lực, úy lực, các ô nhiễm ấy ngự trị, thống trị, chế ngự, đè bẹp, trấn áp, chà đạp cá nhân ấy; ‘các (ô nhiễm) yếu ớt khuất phục người ấy’ còn là như vậy.

 

Các hiểm họa chà đạp người ấy: Các hiểm họa thì có hai loại hiểm họa: hiểm họa được hiển hiện và hiểm họa được che đậy.

 

Các hiểm họa được hiển hiện là các hiểm họa nào? Các con sư tử, hổ, báo, gấu, chó rừng, chó sói, trâu rừng, voi, rắn, bò cạp, rết, hoặc có thể là các kẻ cướp hay những kẻ tàn bạo có hành động gây sự hoặc hành động ra đi gây sự, hoặc là bệnh ở mắt, bệnh ở tai trong, bệnh ở mũi, bệnh ở lưỡi, bệnh ở thân, bệnh ở đầu, bệnh ở lỗ tai, bệnh ở miệng, bệnh ở răng, ho, suyễn, sổ mũi, nhiệt, cảm sốt, đau bụng, xây xẩm, kiết lỵ, đau bụng bão, dịch tả, phong cùi, mụt nhọt, chàm, lao phổi, động kinh, mụt, nhọt, ghẻ ngứa, sảy, loét tay chân, ói ra máu, bệnh tiểu đường, bệnh trĩ, ghẻ lở, loét hậu môn, bệnh do mật, bệnh do đàm, bệnh do gió, (bệnh tổng hợp do mật, đàm, gió), bệnh sanh lên do thay đổi thời tiết, bệnh sanh lên do bốn oai nghi không đồng đều, bệnh cấp tính, bệnh sanh lên do quả của nghiệp, lạnh, nóng, đói, khát, tiêu, tiểu, các xúc chạm với ruồi muỗi gió nắng và các loài bò sát; các điều này được gọi là các hiểm họa được hiển hiện.

 

Các hiểm họa được che đậy là các hiểm họa nào? Việc làm ác do thân, việc làm ác do khẩu, việc làm ác do ý, pháp ngăn che ‘mong muốn dục,’ pháp ngăn che ‘bất bình,’ pháp ngăn che ‘dã dượi buồn ngủ,’ pháp ngăn che ‘phóng dật và hối hận,’ pháp ngăn che ‘hoài nghi,’ sự luyến ái, sân hận, si mê, giận dữ, thù hằn, gièm pha, ác ý, ganh tỵ, bỏn xẻn, xảo trá, bội bạc, bướng bỉnh, hung hăng, ngã mạn, kiêu căng, đam mê, xao lãng, tất cả ô nhiễm, tất cả việc làm ác, mọi sự lo lắng, mọi sự bực bội, (mọi sự nóng nảy), mọi sự tạo tác bất thiện; các điều này được gọi là các hiểm họa được che đậy.

 

Các hiểm họa: Các hiểm họa với ý nghĩa gì? Các hiểm họa là vì ‘chúng thống trị,’ các hiểm họa là vì ‘chúng dẫn đến sự buông bỏ,’ các hiểm họa là vì ‘nơi ấy là chỗ trú.’

 

Các hiểm họa là vì ‘chúng thống trị’ nghĩa là thế nào? Các hiểm họa ấy ngự trị, thống trị, chế ngự, đè bẹp, trấn áp, giẫm đạp cá nhân ấy. Các hiểm họa là vì ‘chúng thống trị’ nghĩa là như vậy.

 

Các hiểm họa là vì ‘chúng dẫn đến sự buông bỏ’ nghĩa là thế nào? Các hiểm họa ấy dẫn đến sự buông bỏ, đến sự nguy hiểm đối với các thiện pháp.’ Đối với các thiện pháp nào? Đối với sự thực hành đúng đắn, đối với sự thực hành phù hợp, đối với sự thực hành không trái ngược, đối với sự thực hành không đối chọi, đối với sự thực hành đưa đến lợi ích, đối với sự thực hành đúng pháp và thuận pháp, đối với việc làm đầy đủ các giới, đối với việc canh phòng các giác quan, đối với việc biết chừng mực về vật thực, đối với sự rèn luyện về tỉnh thức, đối với niệm và sự nhận biết rõ, đối với sự chuyên cần tu tập bốn sự thiết lập niệm, đối với sự chuyên cần tu tập bốn chánh cần, đối với sự chuyên cần tu tập bốn nền tảng thần thông, đối với sự chuyên cần tu tập năm quyền, đối với sự chuyên cần tu tập năm lực, đối với sự chuyên cần tu tập bảy chi phần đưa đến giác ngộ, đối với sự chuyên cần tu tập Thánh Đạo tám chi phần, chúng dẫn đến sự buông bỏ, đến sự nguy hiểm đối với các thiện pháp này. Các hiểm họa là vì ‘chúng dẫn đến sự buông bỏ’ nghĩa là như vậy.

 

Các hiểm họa là vì ‘nơi ấy là chỗ trú’ nghĩa là thế nào? Các ác bất thiện pháp này sanh lên, có sự nương tựa bản ngã ở nơi ấy. Giống như các sinh vật nương vào hang thì ngụ ở hang, các sinh vật nương vào nước thì ngụ ở nước, các sinh vật nương vào rừng thì ngụ ở rừng, các sinh vật nương vào cây cối thì ngụ ở cây cối, tương tự y như thế các ác bất thiện pháp này sanh lên, có sự nương tựa bản ngã ở nơi ấy. Các hiểm họa là vì ‘nơi ấy là chỗ trú’ nghĩa là như vậy.

 

Bởi vì, điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

“Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có đệ tử, có bạn đồng thầy dạy học, sống khổ sở không thoải mái. Và này các tỳ khưu, thế nào là vị tỳ khưu có đệ tử, có bạn đồng thầy dạy học, sống khổ sở không thoải mái? Này các tỳ khưu, ở đây đối với vị tỳ khưu, sau khi nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, các ác bất thiện pháp nào nương vào đối tượng, có thể trói buộc, sanh khởi đến vị ấy, các ác bất thiện pháp ấy sống ở bên trong vị ấy, sống cùng với vị ấy; vì thế được gọi là có đệ tử. Chúng cư xử với vị ấy. Các ác bất thiện pháp cư xử với vị ấy; vì thế được gọi là có bạn đồng thầy dạy học. Và này các tỳ khưu, thêm nữa, đối với vị tỳ khưu, sau khi nghe âm thanh bằng tai, —như trên— sau khi ngửi mùi bằng mũi, —như trên— sau khi nếm vị bằng lưỡi, —như trên— sau khi chạm cảnh xúc bằng thân, —như trên— sau khi nhận thức pháp bằng ý, các ác bất thiện pháp nào nương vào đối tượng, có thể trói buộc, sanh khởi đến vị ấy, các ác bất thiện pháp ấy sống ở bên trong vị ấy, sống cùng với vị ấy; vì thế được gọi là có đệ tử. Chúng cư xử với vị ấy, các ác bất thiện pháp cư xử với vị ấy; vì thế được gọi là có bạn đồng thầy dạy học. Này các tỳ khưu, quả là như vậy, vị tỳ khưu có đệ tử, có bạn đồng thầy dạy học, sống khổ sở không thoải mái. Các hiểm họa là vì ‘nơi ấy là chỗ trú’ còn là như vậy.

 

Bởi vì, điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

“Này các tỳ khưu, có ba pháp này là các bợn nhơ bên trong, các kẻ thù bên trong, các đối thủ bên trong, các kẻ giết chóc bên trong, các kẻ nghịch bên trong. Ba pháp nào? Này các tỳ khưu, tham là bợn nhơ bên trong, kẻ thù bên trong, đối thủ bên trong, kẻ giết chóc bên trong, kẻ nghịch bên trong. Này các tỳ khưu, sân —như trên— Này các tỳ khưu, si là bợn nhơ bên trong, kẻ thù bên trong, đối thủ bên trong, kẻ giết chóc bên trong, kẻ nghịch bên trong.”

 

1. Tham là sự sanh ra điều bất lợi, tham là sự dao động của tâm. Người đời không nhận biết sự sợ hãi ấy đã được sanh ra từ bên trong.

 

2. Người bị khởi tham không biết được sự lợi ích, người bị khởi tham không nhìn thấy lý lẽ. Tham ngự trị người nào, lúc ấy người bị mù quáng tối tăm.

 

3. Sân là sự sanh ra điều bất lợi, sân là sự dao động của tâm. Người đời không nhận biết sự sợ hãi ấy đã được sanh ra từ bên trong.

 

4. Người bị nóng giận không biết được sự lợi ích, người bị nóng giận không nhìn thấy lý lẽ. Sự nóng giận ngự trị người nào, lúc ấy người bị mù quáng tối tăm.

 

5. Si là sự sanh ra điều bất lợi, si là sự dao động của tâm. Người đời không nhận biết sự sợ hãi ấy đã được sanh ra từ bên trong.

 

6. Người bị si mê không biết được sự lợi ích, người bị si mê không nhìn thấy lý lẽ. Si ngự trị người nào, lúc ấy người bị mù quáng tối tăm.

 

Các hiểm họa là vì ‘nơi ấy là chỗ trú’ còn là như vậy.

 

Bởi vì, điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

“Tâu đại vương, quả thật có ba pháp, trong lúc sanh lên từ bên trong của con người, sanh lên sự bất lợi, khổ đau, sự sống không thoải mái. Ba pháp nào? Tâu đại vương, tham quả thật là pháp, trong lúc sanh lên từ bên trong của con người, sanh lên sự bất lợi, khổ đau, sự sống không thoải mái. Tâu đại vương, sân quả thật là pháp, trong lúc sanh lên từ bên trong của con người, sanh lên sự bất lợi, khổ đau, sự sống không thoải mái. Tâu đại vương, si quả thật là pháp, trong lúc sanh lên từ bên trong của con người, sanh lên sự bất lợi, khổ đau, sự sống không thoải mái.

 

Tâu đại vương, ba pháp này, trong lúc sanh lên từ bên trong của con người, sanh lên sự bất lợi, khổ đau, sự sống không thoải mái.”

 

7. “Tham sân và si, hiện hữu ở bản thân, hãm hại người có tâm ý xấu xa, tựa như việc kết trái hãm hại cây tre.”

 

Các hiểm họa là vì ‘nơi ấy là chỗ trú’ còn là như vậy.

 

Bởi vì, điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

8. “Luyến ái, sân hận, và si mê có căn nguyên từ nơi (bản ngã) này.

Ghét, thương, lông nổi ốc sanh lên từ nơi (bản ngã) này.

Sự suy tầm của tâm có nguồn sanh khởi từ nơi (bản ngã) này,

tựa như những bé trai buông lơi con quạ (bị cột chân bởi sợi chỉ dài).”

 

Các hiểm họa là vì ‘nơi ấy là chỗ trú’ còn là như vậy.

 

Các hiểm họa chà đạp người ấy: các hiểm họa ấy ngự trị, thống trị, chế ngự, đè bẹp, trấn áp, giẫm đạp cá nhân ấy; ‘các hiểm họa chà đạp người ấy’ là thế ấy.

 

Do việc ấy khổ đau đi theo người ấy: Do việc ấy là do hiểm họa từ việc ấy khổ đau đi theo, đi đến gần, đạt đến được; khổ sanh đi theo, đi đến gần, đạt đến được; khổ già đi theo, đi đến gần, đạt đến được; khổ bệnh đi theo, đi đến gần, đạt đến được; khổ chết đi theo, đi đến gần, đạt đến được; khổ do sầu bi khổ ưu não đi theo, đi đến gần, đạt đến được; khổ ở địa ngục —như trên— khổ ở thai bào của loài thú —như trên— khổ ở cảnh giới ngạ quỷ —như trên— khổ ở nhân gian —như trên— khổ do việc nhập thai —như trên— khổ do việc trụ thai —như trên— khổ do việc ra khỏi thai —như trên— khổ gắn liền sau khi sanh ra —như trên— khổ do kẻ khác áp đặt sau khi sanh ra —như trên— khổ do sự hành xử của bản thân —như trên— khổ do sự hành xử của kẻ khác —như trên— khổ do (thọ) khổ đi theo, đi đến gần, đạt đến được, khổ do sự tạo tác —như trên— khổ do sự biến đổi —như trên— bệnh ở mắt, bệnh ở tai trong, bệnh ở mũi, bệnh ở lưỡi, bệnh ở thân, bệnh ở lỗ tai, bệnh ở miệng, bệnh ở răng, ho, suyễn, sổ mũi, nhiệt, cảm sốt, đau bụng, xây xẩm, kiết lỵ, đau bụng bão, dịch tả, phong cùi, mụt nhọt, chàm, lao phổi, động kinh, mụt, nhọt, ghẻ ngứa, sảy, loét tay chân, ói ra máu, bệnh tiểu đường, bệnh trĩ, ghẻ lở, loét hậu môn, bệnh do mật, bệnh do đàm, bệnh do gió, bệnh tổng hợp do mật-đàm-gió, bệnh sanh lên do thay đổi thời tiết, bệnh sanh lên do bốn oai nghi không đồng đều, bệnh cấp tính, bệnh sanh lên do quả của nghiệp, lạnh, nóng, đói, khát, tiêu, tiểu, các xúc chạm với ruồi muỗi gió nắng và các loài bò sát là khổ —như trên— cái chết của mẹ là khổ —như trên— cái chết của cha là khổ —như trên— cái chết của anh em trai là khổ —như trên— cái chết của chị em gái là khổ —như trên— cái chết của con trai là khổ —như trên— cái chết của con gái là khổ —như trên— sự mất mát về thân quyến là khổ —như trên— sự mất mát về của cải là khổ —như trên— sự mất mát vì bệnh tật là khổ —như trên— sự mất mát về giới là khổ —như trên— sự mất mát về kiến thức là khổ đi theo, đi đến gần, đạt đến được cá nhân ấy; ‘do việc ấy khổ đau đi theo người ấy’ là thế ấy.

 

Tựa như nước (tràn vào) chiếc thuyền đã bị vỡ: Giống như do sự xâm nhập của nước, nước từ chỗ này chỗ khác đi theo, đi đến gần, đạt đến được; nước từ bên trên đi theo, đi đến gần, đạt đến được; nước từ bên dưới đi theo, đi đến gần, đạt đến được; nước từ bên hông đi theo, đi đến gần, đạt đến được chiếc thuyền đã bị vỡ. Tương tợ y như thế, do hiểm họa từ việc này từ việc khác, khổ đau đi theo, đi đến gần, đạt đến được —như trên— sự mất mát về kiến thức là khổ đi theo, đi đến gần, đạt đến được cá nhân ấy; ‘tựa như nước (tràn vào) chiếc thuyền đã bị vỡ’ là thế ấy.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Các (ô nhiễm) yếu ớt thống trị người ấy, các hiểm họa chà đạp người ấy; do việc ấy khổ đau đi theo người ấy tựa như nước (tràn vào) chiếc thuyền đã bị vỡ.”

 

1 - 6

 

“Do đó, người luôn luôn có niệm có thể xa lánh các dục, sau khi dứt bỏ chúng thì có thể vượt qua dòng lũ, tựa như sau khi tát cạn chiếc thuyền, là người đi đến bờ kia.”

 

Do đó, người luôn luôn có niệm: Do đó là do điều ấy, bởi lý do ấy, do nhân ấy, do duyên ấy, do căn nguyên ấy, trong khi nhìn thấy rõ sự nguy hại này ở các dục; ‘do đó’ là thế ấy. Người là chúng sanh, đàn ông, thanh niên, người nam, cá nhân, mạng sống, người còn sanh tử, con người, người đi theo nghiệp, nhân loại. Luôn luôn: Luôn luôn là mọi lúc, mọi thời, thường khi, luôn khi, thường xuyên, liên tục, không gián đoạn, tiếp nối liên tục, sanh lên tuần tự, không lưa thưa, không đứt khoảng, không ngừng lại, được liền lặn, trước bữa ăn, sau bữa ăn, canh đầu, canh giữa, canh cuối, vào hậu bán nguyệt, vào tiền bán nguyệt, trong mùa mưa, trong mùa lạnh, trong mùa nóng, ở tuổi thiếu niên, ở tuổi trung niên, ở tuổi lão niên. Có niệm: Có niệm do bốn nguyên nhân: Có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân ở thân, —như trên— ở các thọ, —như trên— ở tâm, có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát pháp ở các pháp. Hơn nữa, có niệm còn do bốn nguyên nhân khác: —như trên— người ấy được gọi là có niệm; ‘do đó, người luôn luôn có niệm’ là thế ấy.

 

Có thể xa lánh các dục: Các dục theo sự phân hạng thì có hai loại dục: các vật dục và các ô nhiễm dục. —như trên— Các điều này được gọi là các vật dục. —như trên— Các điều này được gọi là các ô nhiễm dục. Có thể xa lánh các dục: Có thể xa lánh các dục do hai nguyên nhân: do sự ngăn trở hoặc do sự đoạn trừ. Thế nào là do sự ngăn trở mà có thể xa lánh các dục? Trong khi nhìn thấy “các dục như là bộ xương với ý nghĩa chút ít khoái lạc” thì do sự ngăn trở mà có thể xa lánh các dục. Trong khi nhìn thấy “các dục như là miếng thịt với ý nghĩa vật chung của số đông” thì do sự ngăn trở mà có thể xa lánh các dục. Trong khi nhìn thấy “các dục như là cây đuốc cỏ với ý nghĩa thiêu đốt” thì do sự ngăn trở mà có thể xa lánh các dục. —như trên— Ngay cả trong khi tu tập sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ thì do sự ngăn trở mà có thể xa lánh các dục. Do sự ngăn trở mà có thể xa lánh các dục là như vậy. —như trên— Do sự đoạn trừ mà có thể xa lánh các dục là như vậy.

 

Sau khi dứt bỏ chúng có thể vượt qua dòng lũ: Chúng - Sau khi biết toàn diện về các vật dục, sau khi từ bỏ, sau khi dứt bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi khiến cho không còn hiện hữu các ô nhiễm dục; sau khi từ bỏ, sau khi dứt bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi khiến cho không còn hiện hữu pháp ngăn che ‘mong muốn dục;’ —như trên— pháp ngăn che ‘bất bình;’ —như trên— pháp ngăn che ‘dã dượi buồn ngủ;’ —như trên— pháp ngăn che ‘phóng dật và hối hận;’ sau khi từ bỏ, sau khi dứt bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi khiến cho không còn hiện hữu pháp ngăn che ‘hoài nghi,’ thì có thể vượt, có thể vượt lên, có thể vượt hẳn, có thể vượt qua, có thể vượt bứt dòng lũ (ngũ) dục, (dòng lũ của hữu), dòng lũ tà kiến, dòng lũ vô minh; ‘sau khi dứt bỏ chúng có thể vượt qua dòng lũ’ là thế ấy.

 

Tựa như sau khi tát cạn chiếc thuyền, là người đi đến bờ kia: Giống như sau khi tát cạn, sau khi tát sạch, sau khi đổ bỏ nước ra khỏi chiếc thuyền nặng nề đầy hàng hóa thì có thể nhanh chóng tức thời đi đến bờ kia bằng chiếc thuyền nhẹ nhàng chỉ với chút ít khó khăn, tương tợ y như thế sau khi biết toàn diện về các vật dục, sau khi từ bỏ, sau khi dứt bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi khiến cho không còn hiện hữu các ô nhiễm dục; —như trên— pháp ngăn che ‘mong muốn dục;’ —như trên— pháp ngăn che ‘bất bình;’ —như trên— pháp ngăn che ‘dã dượi buồn ngủ;’ —như trên— pháp ngăn che ‘phóng dật và hối hận;’ sau khi từ bỏ, sau khi dứt bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi khiến cho không còn hiện hữu pháp ngăn che ‘hoài nghi,’ thì có thể nhanh chóng tức thời đi đến bờ kia chỉ với chút ít khó khăn. Bờ kia gọi là Bất Tử, Niết Bàn. Pháp ấy là sự yên lặng của tất cả các hành, sự từ bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt tận ái dục, sự lìa khỏi luyến ái, sự tịch diệt, Niết Bàn. Có thể đi đến bờ kia: có thể chứng đắc bờ kia, có thể chạm đến bờ kia, có thể chứng ngộ bờ kia. Pāragū (người đi đến bờ kia): Luôn cả người nào có ý muốn đi đến bờ kia, người ấy cũng là pāragū; luôn cả người nào đang đi đến bờ kia, người ấy cũng là pāragū; luôn cả người nào đã đi đến bờ kia, người ấy cũng là pāragū.

 

Bởi vì, điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

“Này các tỳ khưu, quả vậy ‘người đã vượt được, đã đi đến bờ kia, đứng ở đất liền’ là Bà-la-môn;’ điều này là tên gọi cho vị A-la -hán. Vị ấy là pāragū (người đi đến bờ kia) do việc biết rõ, pāragū do việc biết toàn diện, pāragū do việc dứt bỏ, pāragū do việc tu tập, pāragū do việc chứng ngộ, pāragū do việc chứng đạt (các thiền); là pāragū do việc biết rõ tất cả các pháp, pāragū do việc biết toàn diện tất cả các khổ đau, pāragū do việc dứt bỏ tất cả các ô nhiễm, pāragū do việc phát triển bốn Thánh Đạo, pāragū do việc chứng ngộ sự tịch diệt, pāragū do việc chứng đạt mọi chứng đạt (về thiền định). Vị ấy đã đạt được năng lực đã đạt được sự toàn hảo ở Thánh giới, đã đạt được năng lực đã đạt được sự toàn hảo ở Thánh định, đã đạt được năng lực đã đạt được sự toàn hảo ở Thánh tuệ, đã đạt được năng lực đã đạt được sự toàn hảo ở Thánh giải thoát. Vị ấy đã đi đến bờ kia, đã đạt đến bờ kia, đã đi đến điểm cuối, đã đạt đến điểm cuối, đã đi đến đỉnh, đã đạt đến đỉnh, đã đi đến tận cùng, đã đạt đến tận cùng, đã đi đến sự hoàn tất, đã đạt đến sự hoàn tất, đã đi đến chốn bảo hộ, đã đạt đến chốn bảo hộ, đã đi đến chỗ trú ẩn, đã đạt đến chỗ trú ẩn, đã đi đến nơi nương nhờ, đã đạt đến nơi nương nhờ, đã đi đến sự không còn sợ hãi, đã đạt đến sự không còn sợ hãi, đã đi đến sự không chết, đã đạt đến sự không chết, đã đi đến Bất Tử, đã đạt đến Bất Tử, đã đi đến Niết Bàn, đã đạt đến Niết Bàn. Vị ấy đã sống cuộc sống (của bậc Thánh), đã thực hành tánh hạnh, đã đi đến cuộc hành trình, đã đi đến đỉnh chóp, đã hộ trì Phạm hạnh, đã đạt đến kiến tối thượng, đã phát triển Đạo, đã dứt bỏ ô nhiễm, đã thấu triệt sự không xao động, đã chứng ngộ Diệt đế, --

 

-- Khổ của vị ấy đã được biết toàn diện, có Tập đã được dứt bỏ, có Đạo đã được tu tập, có Diệt đã được chứng ngộ. Điều cần được biết rõ đã được biết rõ, điều cần được biết toàn diện đã được biết toàn diện, điều cần được dứt bỏ đã được biết dứt bỏ, điều cần được chứng ngộ đã được chứng ngộ. Vị ấy đã hất tung rào chắn (vô minh), đã san lấp mương rãnh (luân hồi tái sanh), đã nhổ lên cột trụ (tham ái), không còn chốt cửa, là thánh thiện, đã hạ xuống ngọn cờ (ngã mạn), đã đạt xuống gánh nặng, đã tháo khỏi ách, đã dứt bỏ hẳn năm dục, đã thành tựu sáu căn, có một sự bảo hộ (niệm), có bốn sự nâng đỡ, đã xua đi sự độc đoán, có sự tầm cầu đã được hoàn toàn cởi bỏ, có tâm tư không bị xáo trộn, có thân hành đã được an tịnh, có tâm khéo được giải thoát, có tuệ khéo được giải thoát, được đầy đủ, đã sống, là con người tối thượng, con người tột đỉnh, đã đạt được sự thành đạt tột đỉnh.

 

Vị ấy, không tích lũy (nghiệp) cũng không thủ tiêu, tồn tại sau khi đã thủ tiêu (ô nhiễm); không dứt bỏ (ô nhiễm) cũng không nắm giữ, tồn tại sau khi đã dứt bỏ; không vướng mắc (tham ái) cũng không khoe khoang, tồn tại sau khi đã gỡ rối; không dập tắt (lửa phiền não) cũng không đốt cháy, tồn tại sau khi đã dập tắt; tồn tại với trạng thái thành tựu về giới uẩn của bậc Vô Học, tồn tại với trạng thái thành tựu về định uẩn của bậc Vô Học, về tuệ uẩn của bậc Vô Học, về giải thoát uẩn của bậc Vô Học, về tri kiến giải thoát uẩn của bậc Vô Học; tồn tại sau khi đã thấu suốt Sự Thật, tồn tại sau khi đã vượt qua sự níu kéo (của tham ái), tồn tại sau khi đã loại trừ (lửa phiền não), tồn tại do không xoay vòng (ở luân hồi), tồn tại sau khi đã thọ trì lời giảng, tồn tại do thân cận với giải thoát, tồn tại với sự thanh tịnh của từ, tồn tại với sự thanh tịnh của bi của hỷ của xả, tồn tại với sự thanh tịnh vô biên, tồn tại với sự thanh tịnh của trạng thái không còn tham ái-tà kiến-ngã mạn, tồn tại với trạng thái đã được giải thoát, tồn tại với trạng thái đã được hài lòng, tồn tại trong giai đoạn cuối của các uẩn, tồn tại trong giai đoạn cuối của các giới, tồn tại trong giai đoạn cuối của các xứ, tồn tại trong giai đoạn cuối của cảnh giới tái sanh, tồn tại trong giai đoạn cuối của sự tái sanh, tồn tại trong giai đoạn cuối của sự nối liền tái sanh, (tồn tại trong giai đoạn cuối của hiện hữu), tồn tại trong giai đoạn cuối của luân hồi, tồn tại trong giai đoạn cuối của vòng quay, tồn tại trong kiếp sống cuối cùng, tồn tại trong xác thân cuối cùng, là vị A-la-hán với sự duy trì thân thể cuối cùng.

 

“Đối với vị ấy, sự hiện hữu này là cuối cùng, xác thân này là sau chót, luân hồi sanh tử, việc hiện hữu lần nữa không có đối với vị ấy.”

‘Tựa như sau khi tát cạn chiếc thuyền, là người đi đến bờ kia’ là thế ấy.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Do đó, người luôn luôn có niệm có thể xa lánh các dục, sau khi dứt bỏ chúng thì có thể vượt qua dòng lũ, tựa như sau khi tát cạn chiếc thuyền, là người đi đến bờ kia.”

 

Diễn Giải Kinh về Dục - Phần thứ nhất đã được đầy đủ.



[1] Ở Pāḷi các từ sappo, ahi, bhujago, urago, pannago, siriṃsapo, bilāsayo, guhāsayo, dāṭhāvudho, ghoraviso, dvijivho, dvirasaññū đều là tên gọi của loài rắn.


[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14][15][16]


[Thư Mục Tổng Quát][ĐẠI DIỄN GIẢI][TIỂU DIỄN GIẢI]