TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 35
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
MAHĀNIDDESAPĀḶI - ĐẠI DIỄN GIẢI
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda

16. SĀRIPUTTASUTTANIDDESO - DIỄN GIẢI KINH SĀRIPUTTA

 

16 - 1

 

Giờ phần diễn giải Kinh Sāriputta được nói đến:

 

Từ đây trở về trước, con chưa từng được thấy,

(Đại đức Sāriputta đã nói thế ấy),

hoặc chưa từng được nghe của bất cứ người nào.

Bậc Đạo Sư, vị có giọng nói êm dịu như thế,

bậc có đồ chúng, đã đi đến từ cõi trời Tusitā.

 

Từ đây trở về trước, con chưa từng được thấy: Từ đây trở về trước, đức Thế Tôn ấy chưa được thấy trước đây bởi chính tôi bằng con mắt này, bởi bản ngã này; vào lúc đức Thế Tôn, sau khi trải qua mùa (an cư) mưa ở cung trời Tam Thập, tại gốc cây san hô, nơi bảo tọa của đức Trời Sakka, được tháp tùng bởi hội chúng chư Thiên, đã ngự xuống thành Saṅkassa bằng cầu thang làm bằng ngọc ma-ni (đặt) ở chính giữa,; cảnh tượng này trước đây chưa được nhìn thấy; - ‘từ đây trở về trước, con chưa từng được thấy’ là như thế.

 

Đại đức Sāriputta đã nói thế ấy - Thế ấy: Từ ‘thế ấy’ này gọi là sự nối liền các câu văn, sự kết hợp các câu văn, sự làm đầy đủ các câu văn, sự gặp gỡ của các âm, trạng thái trau chuốt từ ngữ, tính chất tuần tự của các câu văn. Đại đức: Từ ‘đại đức’ này là lời nói yêu mến, lời nói kính trọng, lời nói có sự tôn kính, lời nói của sự phục tùng. Sāriputta: là tên của vị trưởng lão ấy, là sự ấn định, sự chỉ định, sự quy định, sự diễn tả, tên gọi, sự đặt tên, sự định danh, từ mô tả, tên hiệu, từ kêu gọi; - ‘đại đức Sāriputta đã nói thế ấy’ là như thế.

 

Hoặc chưa từng được nghe của bất cứ người nào - Chưa từng: là sự chối bỏ. Hoặc: Từ ‘hoặc’ này gọi là sự nối liền các câu văn, sự kết hợp các câu văn, sự làm đầy đủ các câu văn, sự gặp gỡ của các âm, trạng thái trau chuốt từ ngữ, tính chất tuần tự của các câu văn. Của bất cứ người nào: của bất cứ ai, của vị Sát-đế-lỵ, hoặc của vị Bà-la-môn, hoặc của người thương buôn, hoặc của kẻ nô lệ, hoặc của người gia chủ, hoặc của vị xuất gia, hoặc của vị Trời, hoặc của người nhân loại; - ‘hoặc chưa từng được nghe của bất cứ người nào’ là như thế.

 

Bậc Đạo Sư, vị có giọng nói êm dịu như thế: Giọng nói êm dịu như thế là giọng nói ngọt ngào, giọng nói đáng yêu, giọng nói đi vào tim, có âm thanh dịu dàng như tiếng hót của loài chim karavīka. Hơn nữa, âm thanh phát ra từ miệng của đức Thế Tôn ấy có tám yếu tố: không bị lắp bắp, có thể hiểu được, dịu dàng, nghe êm tai, chắc nịch, không bị loãng, sâu sắc, và có âm vang. Hơn nữa, đức Thế Tôn ấy giảng giải với giọng nói phù hợp với hội chúng; tiếng nói của Ngài không thoát ra bên ngoài của hội chúng. Hơn nữa, đức Thế Tôn ấy có âm thanh của Phạm Thiên, có giọng nói của loài chim karavīka; - ‘vị có giọng nói êm dịu’ là như thế.

 

Bậc Đạo Sư: Bậc Đạo Sư là đức Thế Tôn, người chỉ đạo đoàn xe. Giống như người chỉ đạo đoàn xe giúp chúng sanh vượt qua hiểm lộ, giúp vượt qua hiểm lộ có trộm cướp, giúp vượt qua hiểm lộ có thú dữ, giúp vượt qua hiểm lộ có khó khăn về vật thực, giúp vượt qua hiểm lộ không có nước, giúp cho vượt lên, giúp cho vượt ra, giúp cho vượt khỏi, giúp cho đạt đến vùng đất hoàn toàn an ổn, tương tự như thế, đức Thế Tôn là người chỉ đạo đoàn xe giúp chúng sanh vượt qua hiểm lộ, giúp vượt qua hiểm lộ của sự sanh, giúp vượt qua hiểm lộ của sự già, giúp vượt qua hiểm lộ của sự bệnh, giúp vượt qua hiểm lộ của sự chết, giúp vượt qua hiểm lộ của sầu muộn, giúp vượt qua hiểm lộ của sự than vãn, giúp vượt qua hiểm lộ của sự khổ, giúp vượt qua hiểm lộ của ưu phiền và lo âu, giúp vượt qua hiểm lộ của luyến ái, giúp vượt qua hiểm lộ của sân hận, giúp vượt qua hiểm lộ của si mê, giúp vượt qua hiểm lộ của ngã mạn, giúp vượt qua hiểm lộ của tà kiến, giúp vượt qua hiểm lộ của ô nhiễm, giúp vượt qua hiểm lộ của uế hạnh, giúp vượt qua sự nắm giữ của luyến ái, giúp vượt qua sự nắm giữ của sân hận, giúp vượt qua sự nắm giữ của si mê, giúp vượt qua sự nắm giữ của ngã mạn, giúp vượt qua sự nắm giữ của tà kiến, giúp vượt qua sự nắm giữ của ô nhiễm, giúp vượt qua sự nắm giữ của uế hạnh, giúp cho vượt lên, giúp cho vượt ra, giúp cho vượt khỏi, giúp cho đạt đến vùng đất hoàn toàn an ổn, Bất Tử, Niết Bàn; ‘đức Thế Tôn, người chỉ đạo đoàn xe’ là như vậy.

 

Hơn nữa, đức Thế Tôn là bậc Hướng Đạo, bậc Hướng Dẫn, bậc Đoạn Nghi, bậc Truyền Đạt, bậc Truyền Thụ, bậc Khơi Mở, bậc Khởi Tín; - ‘đức Thế Tôn, người chỉ đạo đoàn xe’ còn là như vậy.

 

Hơn nữa, đức Thế Tôn là vị làm sanh khởi Đạo Lộ chưa được sanh khởi, là vị làm sanh ra Đạo Lộ chưa được sanh ra, là vị tuyên thuyết Đạo Lộ chưa được tuyên thuyết, là vị biết về Đạo Lộ, là vị hiểu rõ về Đạo Lộ, là vị rành rẽ về Đạo Lộ. Và hơn nữa, những người đi theo Đạo Lộ là các đệ tử của Ngài hiện nay đang an trú và sau này sẽ thành tựu (Đạo Lộ ấy); - ‘đức Thế Tôn, người chỉ đạo đoàn xe’ còn là như vậy; - ‘Bậc Đạo Sư, vị có giọng nói êm dịu như thế’ là như vậy.

 

Bậc có đồ chúng, đã đi đến từ cõi trời Tusitā: Đức Thế Tôn, sau khi lìa khỏi hội chúng Tusitā, có niệm, có sự nhận biết rõ, đang ngự xuống vào thai bào của người mẹ; - ‘bậc có đồ chúng, đã đi đến từ cõi trời Tusitā’ là như vậy. Hoặc là, nói đến chư Thiên được hoan hỷ. Các vị ấy vui thích, vui sướng, hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc; từ thế giới chư Thiên Ngài đã đi đến vị thế của bậc có đồ chúng; - ‘bậc có đồ chúng, đã đi đến từ cõi trời Tusitā’ còn là như vậy. Hoặc là, nói đến các vị A-la-hán được hoan hỷ. Các vị ấy vui thích, vui sướng, hoan hỷ, có tâm tư hoàn mãn; đối với các vị A-la-hán Ngài đã đi đến vị thế của bậc có đồ chúng; - ‘bậc có đồ chúng, đã đi đến từ cõi trời Tusitā’ còn là như vậy. Bậc có đồ chúng: Đức Thế Tôn là bậc có đồ chúng; ‘vị thầy của đồ chúng’ là bậc có đồ chúng; ‘bậc đạo sư của đồ chúng’ là bậc có đồ chúng; ‘vị chăm nom đồ chúng’ là bậc có đồ chúng; ‘vị giáo huấn đồ chúng’ là bậc có đồ chúng; ‘vị chỉ dạy đồ chúng’ là bậc có đồ chúng; ‘vị tự tin tiếp cận đồ chúng’ là bậc có đồ chúng; ‘vị thường lắng nghe, lóng tai nghe, nâng đỡ tâm mong muốn hiểu biết’ là bậc có đồ chúng; ‘vị đưa đồ chúng ra khỏi bất thiện pháp và sách tấn thiện pháp’ là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng thuộc chúng tỳ khưu; vị có đồ chúng thuộc chúng tỳ khưu ni; vị có đồ chúng thuộc chúng nam cư sĩ; vị có đồ chúng thuộc chúng nữ cư sĩ; vị có đồ chúng thuộc chúng vua chúa; — thuộc chúng Sát-đế-lỵ; — thuộc chúng Bà-la-môn; — thuộc chúng thương buôn; — thuộc chúng nô lệ; — thuộc chúng chư Thiên; vị có đồ chúng thuộc chúng Phạm Thiên; vị có hội chúng, vị có đồ chúng, vị thầy của đồ chúng. Đã đi đến: đã đi đến, đã đi đến gần, đã tiến đến gần, đã đạt đến thành Saṅkassa; - ‘bậc có đồ chúng, đã đi đến từ cõi trời Tusitā’ là như thế.

 

Vì thế, trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

“Từ đây trở về trước, con chưa từng được thấy,

(Đại đức Sāriputta đã nói thế ấy),

hoặc chưa từng được nghe của bất cứ người nào,

Bậc Đạo Sư, vị có giọng nói êm dịu như thế,

bậc có đồ chúng, đã đi đến từ cõi trời Tusitā.”

 

16 - 2

 

Đối với thế gian có cả chư Thiên,

bậc Hữu Nhãn được nhìn thấy là như thế.

Sau khi xua đi tất cả tăm tối,

độc nhất Ngài đã đạt đến sự khoái cảm.

 

Vì thế, trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

“Đối với thế gian có cả chư Thiên,

bậc Hữu Nhãn được nhìn thấy là như thế.

Sau khi xua đi tất cả tăm tối,

độc nhất Ngài đã đạt đến sự khoái cảm.”

 

16 - 3

 

Với ý định (hỏi) câu hỏi cho số đông đã được gắn bó ở đây, con đã đi đến gặp Ngài, – đức Phật, bậc không nương tựa, đấng tự tại, vị không lừa gạt, bậc có đồ chúng, – đã đi đến.

 

Vì thế, trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

 “Với ý định (hỏi) câu hỏi cho số đông đã được gắn bó ở đây, con đã đi đến gặp Ngài, – đức Phật, bậc không nương tựa, đấng tự tại, vị không lừa gạt, bậc có đồ chúng, – đã đi đến.”

 

16 - 4

 

Đối với vị tỳ khưu đang nhờm gớm (sanh, già, bệnh, chết, v.v...) đang thân cận chỗ ngồi trống vắng, gốc cây, hoặc mộ địa, hoặc ở các hang động của những ngọn núi.

 

Vì thế, trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

“Đối với vị tỳ khưu đang nhờm gớm (sanh, già, bệnh, chết, v.v...) đang thân cận chỗ ngồi trống vắng, gốc cây, hoặc mộ địa, hoặc ở các hang động của những ngọn núi.”

 

16 - 5

 

Ở những chỗ trú ngụ cao thấp, có bao nhiêu sự khiếp đảm ở nơi ấy mà vị tỳ khưu không nên run sợ ở chỗ nằm ngồi không tiếng động?

 

Vì thế, trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

“Ở những chỗ trú ngụ cao thấp, có bao nhiêu sự khiếp đảm ở nơi ấy mà vị tỳ khưu không nên run sợ ở chỗ nằm ngồi không tiếng động?”

 

16 - 6

 

Đối với vị đang đi đến khu vực chưa từng đi đến, có bao nhiêu hiểm họa ở thế gian mà vị tỳ khưu cần khắc phục ở các chỗ nằm ngồi xa vắng?

 

1. Tham là sự sanh ra điều tai hại, tham là sự kích động của tâm. Người đời không thấu hiểu sự nguy hiểm ấy đã được sanh ra từ bên trong.

 

2. Người bị khởi tham không biết được sự tấn hóa, người bị khởi tham không nhìn thấy lý lẽ.

Tham ngự trị người nào, lúc ấy người bị mù quáng tối tăm.

 

3. Sân là sự sanh ra điều tai hại, sân là sự dao động của tâm.

Người đời không thấu hiểu sự nguy hiểm ấy đã được sanh ra từ bên trong.

 

4. Người bị nóng giận không biết được sự tấn hóa, người bị nóng giận không nhìn thấy lý lẽ.

Sự nóng giận ngự trị người nào, lúc ấy người bị mù quáng tối tăm.

 

5. Si là sự sanh ra điều tai hại, si là sự dao động của tâm.

Người đời không thấu hiểu sự nguy hiểm ấy đã được sanh ra từ bên trong.

 

6. Người bị si mê không biết được sự tấn hóa, người bị si mê không nhìn thấy lý lẽ.

Si ngự trị người nào, lúc ấy người bị mù quáng tối tăm.

Các hiểm họa là vì ‘nơi ấy là chỗ trú’ còn là như vậy.

 

7. “Tham sân và si, hiện hữu ở bản thân, hãm hại người có tâm ý xấu xa, tựa như việc kết trái hãm hại cây tre.”

Các hiểm họa là vì ‘nơi ấy là chỗ trú’ còn là như vậy.

 

Bởi vì, điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

8. “Luyến ái, sân hận, và si mê có căn nguyên từ nơi (bản ngã) này.

Ghét, thương, sự rởn lông sanh lên từ nơi (bản ngã) này.

Sự suy tầm của tâm có nguồn sanh khởi từ nơi (bản ngã) này,

tựa như những bé trai buông lơi con quạ (bị cột chân bởi sợi chỉ dài).”

Các hiểm họa là vì ‘nơi ấy là chỗ trú’ còn là như vậy.

 

9. “Giống như người mang đi cái bát dầu được chứa đầy ngang tới miệng,

người đang ước nguyện khu vực trước đây chưa đi đến (Niết Bàn) nên hộ trì tâm của mình như vậy.”

Đối với vị đang tiến đến, đang đi đến, đang tiến về khu vực trước đây chưa đi đến; – ‘đối với vị đang đi đến khu vực chưa từng đi đến’ là như thế.

 

Vì thế, trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

“Đối với vị đang đi đến khu vực chưa từng đi đến, có bao nhiêu hiểm họa ở thế gian mà vị tỳ khưu cần khắc phục ở các chỗ nằm ngồi xa vắng?”

 

16 - 7

 

Đối với vị này, cách thức nói năng nên là như thế nào? Đối với vị này, hành xứ ở đây nên là như thế nào? Đối với vị tỳ khưu có bản tánh cương quyết, giới và phận sự (của vị này) nên là như thế nào?

 

Vì thế, trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

“Đối với vị này, cách thức nói năng nên là như thế nào? Đối với vị này, hành xứ ở đây nên là như thế nào? Đối với vị tỳ khưu có bản tánh cương quyết, giới và phận sự (của vị này) nên là như thế nào?”

 

16 - 8

 

Vị ấy, sau khi thọ trì việc học tập gì,

mới có sự chuyên nhất (của tâm), chín chắn, có niệm,

có thể loại bỏ bụi bặm (ô nhiễm) của bản thân,

ví như người thợ kim hoàn có thể loại bỏ cáu bẩn của bạc?”

 

Vì thế, trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

“Vị ấy, sau khi thọ trì việc học tập gì,

mới có sự chuyên nhất (của tâm), chín chắn, có niệm,

có thể loại bỏ bụi bặm (ô nhiễm) của bản thân,

ví như người thợ kim hoàn có thể loại bỏ cáu bẩn của bạc?”

 

16 - 9

 

(Đức Phật nói: “Này Sāriputta,)

Ta sẽ tuyên thuyết cho ngươi về điều ấy theo như Ta nhận biết, tức là sự thoải mái (an trú) dành cho vị nhờm gớm (sanh, già, bệnh, chết, v.v...), cho vị thật sự đang thân cận chỗ ngồi nằm trống vắng, có sự mong muốn quả vị giác ngộ thuận theo Giáo Pháp.”

 

(Đức Phật nói: “Này Sāriputta,)

Ta sẽ tuyên thuyết cho ngươi về điều ấy theo như Ta nhận biết, tức là sự thoải mái (an trú) dành cho vị nhờm gớm (sanh, già, bệnh, chết, v.v...), cho vị thật sự đang thân cận chỗ ngồi nằm trống vắng, có sự mong muốn quả vị giác ngộ thuận theo Giáo Pháp.”

 

16 - 10

 

Vị tỳ khưu, sáng trí, có niệm, sống trong khuôn khổ, không nên sợ hãi đối với năm điều sợ hãi: đối với các loài nhặng và loài mòng, đối với các loài bò trườn, đối với các sự va chạm với con người, đối với các loài bốn chân.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Vị tỳ khưu, sáng trí, có niệm, sống trong khuôn khổ, không nên sợ hãi đối với năm điều sợ hãi: đối với các loài nhặng và loài mòng, đối với các loài bò trườn, đối với các sự va chạm với con người, đối với các loài bốn chân.”

 

16 - 11

 

Cũng không nên hoảng sợ đối với những kẻ theo các giáo phái khác, ngay cả sau khi nhìn thấy nhiều điều khiếp đảm của họ. Và vị tầm cầu điều tốt đẹp còn phải khắc phục những hiểm họa khác nữa

 

Cũng không nên hoảng sợ đối với những kẻ theo các giáo phái khác, ngay cả sau khi nhìn thấy nhiều điều khiếp đảm của họ – Những kẻ theo các giáo phái khác nói đến những người nào không tịnh tín với đức Phật, Giáo Pháp, và Tăng Chúng, trừ ra bảy hạng người đồng đạo. Họ có thể hỏi vị tỳ khưu câu hỏi, hoặc có thể lên án học thuyết, có thể sỉ vả, có thể chê bai, có thể gây khó chịu, có thể gây bực mình, có thể gây tổn hại, có thể hãm hại, có thể quấy rối, có thể ức hiếp, có thể giết hại, có thể phá hại, hoặc có thể gây nên sự phá hại. Sau khi nhìn thấy, hoặc sau khi nghe nhiều điều khiếp đảm của họ, thì không nên run rẩy, không nên run bắn lên, không nên rúng động, không nên run sợ, không nên hoảng sợ, không nên kinh sợ, không nên khiếp sợ, không nên sợ hãi, không nên rơi vào sự hoảng sợ, nên có tánh không nhút nhát, không kinh hoàng, không sợ sệt, không trốn chạy, nên sống, có sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ, có sự rởn lông đã được xa lìa; – ‘cũng không nên hoảng sợ đối với những kẻ theo các giáo phái khác, ngay cả sau khi nhìn thấy nhiều điều khiếp đảm của họ’ là như thế.

 

Và vị tầm cầu điều tốt đẹp còn phải khắc phục những hiểm họa khác nữa – Và còn có những việc khác nữa cần phải được kiềm chế, cần phải được chế ngự, cần phải được đè bẹp, cần phải được trấn áp, cần phải được chà đạp. Những hiểm họa: có hai loại hiểm họa: hiểm họa hiển hiện và hiểm họa khuất lấp. –nt– Các hiểm họa là vì ‘nơi ấy là chỗ trú’ còn là như vậy. Vị tầm cầu điều tốt đẹp: với vị đang tầm cầu, đang tìm tòi, đang tìm kiếm sự thực hành đúng đắn, sự thực hành phù hợp, sự thực hành không trái ngược, sự thực hành đưa đến lợi ích, –nt– đạo lộ thánh thiện tám chi phần, Niết Bàn, và sự thực hành đưa đến Niết Bàn, có những hiểm họa cần phải được kiềm chế, cần phải được chế ngự, cần phải được đè bẹp, cần phải được trấn áp, cần phải được chà đạp; – ‘và vị tầm cầu điều tốt đẹp còn phải khắc phục những hiểm họa khác nữa’ là như thế.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Cũng không nên hoảng sợ đối với những kẻ theo các giáo phái khác, ngay cả sau khi nhìn thấy nhiều điều khiếp đảm của họ. Và vị tầm cầu điều tốt đẹp còn phải khắc phục những hiểm họa khác nữa.”

 

16 - 12

 

Bị tác động bởi sự xúc chạm của bệnh tật, của cơn đói,

nên chịu đựng sự lạnh, sự nóng.

Bị tác động bởi những việc ấy dưới nhiều hình thức, vị ấy, bậc không trú xứ,

nên thể hiện sự nỗ lực tinh tấn một cách vững chãi.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Bị tác động bởi sự xúc chạm của bệnh tật, của cơn đói,

nên chịu đựng sự lạnh, sự nóng.

Bị tác động bởi những việc ấy dưới nhiều hình thức, vị ấy, bậc không trú xứ,

nên thể hiện sự nỗ lực tinh tấn một cách vững chãi.”

 

16 - 13

 

Không nên thực hiện việc trộm cắp, không nên nói lời dối trá,

nên tiếp xúc với các loài yếu đuối hay mạnh bạo bằng từ tâm,

khi nào nhận biết được trạng thái bị khuấy động của tâm,

nên xua đi (nghĩ rằng): ‘Nó là phần đen tối.’

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Không nên thực hiện việc trộm cắp, không nên nói lời dối trá,

nên tiếp xúc với các loài yếu đuối hay mạnh bạo bằng từ tâm,

khi nào nhận biết được trạng thái bị khuấy động của tâm,

nên xua đi (nghĩ rằng): ‘Nó là phần đen tối.’”

 

16 - 14

 

Không nên rơi vào quyền lực của sự giận dữ và ngã mạn thái quá, nên đứng vững sau khi đào lên gốc rễ của chúng. Và trong khi khắc phục vật được yêu mến hoặc không được yêu mến, nên chế ngự chúng một cách chắc chắn.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Không nên rơi vào quyền lực của sự giận dữ và ngã mạn thái quá, nên đứng vững sau khi đào lên gốc rễ của chúng. Và trong khi khắc phục vật được yêu mến hoặc không được yêu mến, nên chế ngự chúng một cách chắc chắn.”

 

16 - 15

 

Sau khi chú trọng về tuệ, với sự hoan hỷ về thiện pháp,

nên loại trừ các hiểm họa ấy,

nên khống chế sự không ưa thích ở chỗ trú ngụ xa vắng,

nên khống chế bốn pháp tạo nên sự than vãn.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Sau khi chú trọng về tuệ, với sự hoan hỷ về thiện pháp,

nên loại trừ các hiểm họa ấy,

nên khống chế sự không ưa thích ở chỗ trú ngụ xa vắng,

nên khống chế bốn pháp tạo nên sự than vãn.”

 

16 - 16

 

‘Vậy ta sẽ ăn gì? Hoặc ta sẽ ăn ở đâu?

Có thật chăng ta đã ngủ khổ sở? Hôm nay, ta sẽ ngủ ở đâu?’

Vị hữu học, không có sự vương vấn nhà ở, nên loại bỏ

những suy tầm có tính chất than vãn này.

 

Vậy ta sẽ ăn gì? Hoặc ta sẽ ăn ở đâu? – Vậy ta sẽ ăn gì? (nghĩ rằng): ‘Tôi sẽ thọ thực vật gì, cơm, hay cháo chua, hay bánh bột, hay cá, hay thịt?’ – ‘Vậy ta sẽ ăn gì?’ là như thế. Hoặc ta sẽ ăn ở đâu? (nghĩ rằng): ‘Tôi sẽ thọ thực ở đâu, ở gia đình Sát-đế-lỵ, hoặc ở gia đình Bà-la-môn, hoặc ở gia đình thương buôn, hoặc ở gia đình nô lệ? – ‘Vậy ta sẽ ăn gì? Hoặc ta sẽ ăn ở đâu?’ là như thế.

 

Có thật chăng ta đã ngủ khổ sở? Hôm nay, ta sẽ ngủ ở đâu? – (nghĩ rằng): Đêm nay, tôi đã ngủ một cách khổ sở trên tấm ván, hoặc ở chiếc chiếu ngắn, hoặc ở mảnh da thú, hoặc ở thảm cỏ, hoặc ở thảm lá, hoặc ở thảm rơm. Đêm tới, tôi sẽ ngủ một cách sung sướng ở giường, hay ở ghế, hay ở nệm, hay ở cái gối, hay ở trú xá, hay ở nhà một mái, hay ở tòa lâu đài, hay ở tòa nhà dài, hay ở hang?’ – ‘Có thật chăng ta đã ngủ khổ sở? Hôm nay, ta sẽ ngủ ở đâu?’ là như thế.

 

Những suy tầm có tính chất than vãn này – Những suy tầm này: Hai suy tầm liên quan đến đồ ăn khất thực, hai suy tầm liên quan đến chỗ nằm ngồi. Có tính chất than vãn: có tính chất kể lể, có tính chất than vãn; – ‘những suy tầm có tính chất than vãn này’ là như vậy.

 

Vị hữu học, không có sự vương vấn nhà ở, nên loại bỏ – Vị hữu học: Vì lý do gì được gọi là hữu học? ‘Vị học tập’ là hữu học. Và học tập gì? Học tập về thắng giới, học tập về thắng tâm, học tập về thắng tuệ. Học tập về thắng giới là việc nào? –nt– việc này là sự học tập về thắng tuệ. Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này, vị ấy học tập; trong khi biết –nt–; trong khi thấy –nt–; trong khi quán xét lại –nt–; trong khi quyết định tâm, vị ấy học tập; trong khi hướng đến đức tin, vị ấy học tập; trong khi ra sức tinh tấn –nt–; trong khi thiết lập niệm –nt–; trong khi tập trung tâm –nt–; trong khi nhận biết bằng tuệ, vị ấy học tập; trong khi biết rõ các pháp cần được biết rõ, vị ấy học tập; trong khi biết toàn diện các pháp cần được biết toàn diện –nt–; trong khi dứt bỏ các pháp cần được dứt bỏ –nt–; trong khi tu tập các pháp cần được tu tập –nt–; trong khi chứng ngộ các pháp cần được chứng ngộ, vị ấy học tập, thực hành, hành theo, tiếp nhận và học tập. Vì lý do ấy, được gọi là hữu học. Vị hữu học nên học tập về thắng giới, nên học tập về thắng tâm, nên học tập về thắng tuệ nhằm loại bỏ, nhằm bài trừ, nhằm dứt bỏ, vì sự vắng lặng, vì sự buông bỏ, vì sự tịch tịnh. Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này, thì nên học tập; trong khi biết, –nt– trong khi chứng ngộ các pháp cần được chứng ngộ, thì nên học tập, nên thực hành, nên hành theo, nên tiếp nhận và duy trì; – ‘vị hữu học nên loại bỏ’ là như thế. Không có sự vương vấn nhà ở – Thế nào là có sự vương vấn nhà ở? Ở đây, một vị nào đó có sự vướng bận về gia tộc, –nt– vướng bận về đồ chúng, –nt– vướng bận về chỗ ngụ, –nt– vướng bận về y phục, –nt– vướng bận về đồ ăn khất thực, –nt– vướng bận về chỗ nằm ngồi, có sự vướng bận về vật dụng là thuốc men chữa bệnh. Có sự vương vấn nhà ở là như vậy. Thế nào là có sự không vương vấn nhà ở? Ở đây, vị tỳ khưu không có sự vướng bận về gia tộc, –nt– không vướng bận về đồ chúng, –nt– không vướng bận về chỗ ngụ, –nt– không vướng bận về y phục, –nt– không vướng bận về đồ ăn khất thực, –nt– không vướng bận về chỗ nằm ngồi, –nt– có sự không vướng bận về vật dụng là thuốc men chữa bệnh. Có sự không vương vấn nhà ở là như vậy.

 

1. Các vị đã đi đến Magadha, đã đi đến Kosala,

còn một số vị ở lãnh địa xứ Vajjī,

tựa như những con nai di chuyển không có sự quyến luyến,

các vị tỳ khưu sống không có sự vướng bận.

 

2. Lành thay, người có tánh hạnh, lành thay việc đã khéo thực hành,

cuộc sống không nhà luôn luôn là tốt đẹp,

việc học hỏi về ý nghĩa, hành động cung kính,

điều ấy là đời sống Sa-môn của vị không sở hữu vật gì.

– ‘Vị hữu học, không có sự vương vấn nhà ở, nên loại bỏ’ là như thế.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“‘Vậy ta sẽ ăn gì? Hoặc ta sẽ ăn ở đâu?

Có thật chăng ta đã ngủ khổ sở? Hôm nay, ta sẽ ngủ ở đâu?’

Vị hữu học, không có sự vương vấn nhà ở, nên loại bỏ

những suy tầm có tính chất than vãn này.”

 

16 - 17

 

Sau khi đạt được vật thực và y phục lúc đúng thời,

vị ấy nên biết chừng mực ở đây, với mục đích vừa lòng.

Vị ấy, được bảo vệ về các điều ấy, có đời sống thu thúc ở trong làng,

dầu cho bị xúc phạm, không nên nói lời nói thô lỗ.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Sau khi đạt được vật thực và y phục lúc đúng thời,

vị ấy nên biết chừng mực ở đây, với mục đích vừa lòng.

Vị ấy, được bảo vệ về các điều ấy, có đời sống thu thúc ở trong làng,

dầu cho bị xúc phạm, không nên nói lời nói thô lỗ.”

 

16 - 18

 

Có mắt nhìn xuống và không buông thả bàn chân (đi đó đây),

nên gắn bó với việc tham thiền, nên có nhiều tỉnh thức,

sau khi nỗ lực về hành xả, có bản thân định tĩnh,

nên cắt đứt chỗ trú của sự suy nghĩ và (nên cắt đứt) sự hối hận.

 

Có mắt nhìn xuống và không buông thả bàn chân (đi đó đây) – Thế nào là có mắt buông lung? Ở đây, một vị tỳ khưu nào đó buông thả con mắt, có trạng thái buông thả ở mắt (nghĩ rằng): ‘Nên thấy điều chưa thấy, nên bỏ qua điều đã thấy,’ rồi từ tu viện này đến tu viện khác, từ vườn hoa này đến vườn hoa khác, từ ngôi làng này đến ngôi làng khác, từ thị trấn này đến thị trấn khác, từ thành phố này đến thành phố khác, từ lãnh thổ này đến lãnh thổ khác, từ xứ sở này đến xứ sở khác, đeo đuổi cuộc du hành lâu dài, cuộc du hành không quay lại để nhìn ngắm cảnh sắc; có mắt buông lung là như vậy.

 

Và không buông thả bàn chân – Thế nào là buông thả bàn chân? Ở đây, một vị tỳ khưu nào đó buông thả bàn chân, có trạng thái buông thả ở bàn chân, rồi từ tu viện này đến tu viện khác, –nt– đeo đuổi cuộc du hành lâu dài, cuộc du hành không quay lại để nhìn ngắm cảnh sắc; buông thả bàn chân là như vậy. Hoặc là, vị tỳ khưu buông thả bàn chân, có trạng thái buông thả ở bàn chân, thậm chí ở bên trong tu viện của hội chúng: không phải vì sự lợi ích là nguyên nhân, không phải vì công việc là nguyên nhân, bị phóng túng, có tâm không được vắng lặng, rồi đi từ gian phòng này đến gian phòng khác, từ trú xá này –nt– nói về hữu và phi hữu là như vầy hay là như vầy; buông thả bàn chân còn là như vậy.

 

Hoặc là, (nghĩ rằng): ‘Ta là người không thực hành đầy đủ các giới,’ sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên; ‘Ta là người có các giác quan không được gìn giữ,’ – ‘Ta là người không biết chừng mực về vật thực,’ – ‘Ta không rèn luyện về tỉnh thức,’ – ‘Ta không đầy đủ niệm và sự nhận biết rõ,’ – ‘Ta không tu tập bốn sự thiết lập niệm,’ – ‘Ta không tu tập bốn chánh tinh tấn,’ – ‘Ta không tu tập bốn nền tảng của thần thông,’ – ‘Ta không tu tập năm quyền,’ – ‘Ta không tu tập năm lực,’ – ‘Ta không tu tập bảy yếu tố đưa đến giác ngộ,’ – ‘Ta không tu tập đạo lộ thánh thiện tám chi phần,’ – ‘Ta không biết toàn diện về Khổ,’ – ‘Ta chưa dứt bỏ Tập,’ – ‘Ta không tu tập Đạo,’ – ‘Ta chưa chứng ngộ Diệt,’ sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên. Nên cắt đứt chỗ trú của sự suy nghĩ và (nên cắt đứt) sự hối hận: Nên cắt, nên cắt rời, nên cắt lìa, nên dứt bỏ, nên xua đi, nên làm chấm dứt, nên làm cho không còn hiện hữu sự suy nghĩ, chỗ trú của sự suy nghĩ, và sự hối hận; – ‘nên cắt đứt chỗ trú của sự suy nghĩ và (nên cắt đứt) sự hối hận’ là như thế.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Có mắt nhìn xuống và không buông thả bàn chân (đi đó đây),

nên gắn bó với việc tham thiền, nên có nhiều tỉnh thức,

sau khi nỗ lực về hành xả, có bản thân định tĩnh,

nên cắt đứt chỗ trú của sự suy nghĩ và (nên cắt đứt) sự hối hận.”

 

16 - 19

 

Bị quở trách bởi những lời nói, vị (tỳ khưu) có niệm nên hoan hỷ.

Nên phá vỡ sự cứng cỏi đối với các vị đồng phạm hạnh.

Nên thốt lên lời nói tốt lành, (lời nói) không vượt quá giới hạn.

Không nên suy nghĩ về chuyện phiếm luận của những người (khác).

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Bị quở trách bởi những lời nói, vị (tỳ khưu) có niệm nên hoan hỷ.

Nên phá vỡ sự cứng cỏi đối với các vị đồng phạm hạnh.

Nên thốt lên lời nói tốt lành, (lời nói) không vượt quá giới hạn.

Không nên suy nghĩ về chuyện phiếm luận của những người (khác).”

 

16 - 20

 

Và hơn thế nữa, có năm loại bụi bặm ở thế gian; đối với chúng, vị có niệm nên học tập để loại bỏ. Nên khống chế sự luyến ái ở các sắc, ở các thinh, rồi ở các vị, ở các hương, ở các xúc.

 

Và hơn thế nữa, có năm loại bụi bặm ở thế gian – Và: Từ ‘và’ này là sự nối liền các câu văn, sự kết hợp các câu văn, sự làm đầy đủ các câu văn, sự gặp gỡ của các âm, trạng thái trau chuốt từ ngữ, tính chất tuần tự của các câu văn. Có năm loại bụi bặm: (luyến ái ở) sắc là bụi bặm, (luyến ái ở) thinh là bụi bặm, (luyến ái ở) hương là bụi bặm, (luyến ái ở) vị là bụi bặm, (luyến ái ở) xúc là bụi bặm.

 

1. Luyến ái là bụi bặm, nhưng không phải nói đến bụi đất,

từ ‘bụi bặm’ này là tên gọi của luyến ái.

Các vị sáng suốt, sau khi dứt bỏ hẳn bụi bặm này,

các vị ấy sống trong Giáo Pháp của Bậc đã xa lìa bụi bặm.

 

2. Sân hận là bụi bặm, nhưng không phải nói đến bụi đất,

từ ‘bụi bặm’ này là tên gọi của sân hận.

Các vị sáng suốt, sau khi dứt bỏ hẳn bụi bặm này,

các vị ấy sống trong Giáo Pháp của Bậc đã xa lìa bụi bặm.

 

3. Si mê là bụi bặm, nhưng không phải nói đến bụi đất,

từ ‘bụi bặm’ này là tên gọi của si mê.

Các vị sáng suốt, sau khi dứt bỏ hẳn bụi bặm này,

các vị ấy sống trong Giáo Pháp của Bậc đã xa lìa bụi bặm.

 

Ở thế gian: ở thế gian của khổ cảnh, ở thế gian của loài người, ở thế gian của chư Thiên, ở thế gian của các uẩn, ở thế gian của các giới, ở thế gian của các xứ; ­– ‘và hơn thế nữa, có năm loại bụi bặm ở thế gian’ là như thế.

 

Đối với chúng, vị có niệm nên học tập để loại bỏ – Đối với chúng: là đối với sự luyến ái ở sắc, đối với sự luyến ái ở thinh, đối với sự luyến ái ở hương, đối với sự luyến ái ở vị, đối với sự luyến ái ở xúc. Vị có niệm: Niệm là tùy niệm, niệm hiện tiền; niệm là sự nương tựa, sự ghi nhận, sự thâm nhập, sự không lơ là; niệm là niệm quyền, niệm lực, chánh niệm, niệm giác chi, con đường độc đạo; điều này được gọi là niệm. Người đã tiến đến, đã tiến gần, đã tiến vào, đã tiến sát, đã tiếp cận, đã tròn đủ, đã thành tựu niệm này, người ấy được gọi là có niệm. Nên học tập: Có ba sự học tập: học tập về thắng giới, học tập về thắng tâm, học tập về thắng tuệ. Việc nào là sự học tập về thắng giới? –nt– Việc này là sự học tập về thắng tuệ. Đối với chúng, vị có niệm nên học tập để loại bỏ: Người có niệm nên học tập về thắng giới, nên học tập về thắng tâm, nên học tập về thắng tuệ nhằm loại bỏ, nhằm bài trừ, nhằm dứt bỏ, nhằm vắng lặng, nhằm buông bỏ, nhằm tịch tịnh đối với chúng: đối với sự luyến ái ở sắc, đối với sự luyến ái ở thinh, đối với sự luyến ái ở hương, đối với sự luyến ái ở vị, đối với sự luyến ái ở xúc. Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này, thì nên học tập; trong khi biết, thì nên học tập; –nt– trong khi chứng ngộ các pháp cần được chứng ngộ, thì nên học tập, nên thực hành, nên hành theo, nên tiếp nhận và duy trì; - ‘đối với chúng, vị có niệm nên học tập để loại bỏ’ là như thế.

 

Nên khống chế sự luyến ái ở các sắc, ở các thinh, rồi ở các vị, ở các hương, ở các xúc: Nên khống chế, nên áp chế, nên chế ngự, nên đè bẹp, nên trấn áp, nên chà đạp sự luyến ái ở các sắc, ở các thinh, ở các vị, ở các hương, ở các xúc; – ‘nên khống chế sự luyến ái ở các sắc, ở các thinh, rồi ở các vị, ở các hương, ở các xúc’ là như thế.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Và hơn thế nữa, có năm loại bụi bặm ở thế gian; đối với chúng, vị có niệm nên học tập để loại bỏ. Nên khống chế sự luyến ái ở các sắc, ở các thinh, rồi ở các vị, ở các hương, ở các xúc.”

 

16 - 21

 

Vị tỳ khưu có niệm, có tâm khéo được giải thoát, nên loại bỏ sự mong muốn ở các pháp ấy. Vị ấy, đúng thời điểm, trong khi suy xét toàn diện một cách đúng đắn về Giáo Pháp, có trạng thái chuyên nhất (của tâm), vị ấy có thể diệt trừ sự tăm tối (Đức Thế Tôn nói như thế).

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Vị tỳ khưu có niệm, có tâm khéo được giải thoát, nên loại bỏ sự mong muốn ở các pháp ấy. Vị ấy, đúng thời điểm, trong khi suy xét toàn diện một cách đúng đắn về Giáo Pháp, có trạng thái chuyên nhất (của tâm), vị ấy có thể diệt trừ sự tăm tối.”

 

Diễn Giải Kinh Sāriputta - Phần thứ Mười Sáu Được Đầy Đủ.

 

DỨT ĐẠI DIỄN GIẢI.

 

--ooOoo--


[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14][15][16]


[Thư Mục Tổng Quát][ĐẠI DIỄN GIẢI][TIỂU DIỄN GIẢI]