TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 35
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
MAHĀNIDDESAPĀḶI
- ĐẠI DIỄN GIẢI
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
Giờ phần Diễn Giải Kinh ‘Uế Hạnh của Bản Thân’ được nói đến:
Sự sợ hãi sanh lên do uế hạnh của bản thân.
Các ngươi hãy nhìn xem loài người đang gây gổ.
Ta sẽ thuật lại trạng thái chấn động
đúng theo sự việc đã làm cho Ta bị chấn động.
Sự sợ hãi sanh lên do uế hạnh của bản thân - Uế hạnh: Có ba uế hạnh: uế hạnh về thân, uế hạnh về khẩu, uế hạnh về ý. Ba loại hành động xấu xa của thân là uế hạnh về thân, bốn loại hành động xấu xa của khẩu là uế hạnh về khẩu, ba loại hành động xấu xa của ý là uế hạnh về ý. Sự sợ hãi: Có hai sự sợ hãi: sợ hãi liên quan đời này và sợ hãi liên quan đời sau.
Sợ hãi liên quan đời này là việc nào? Ở đây, một người nào đó làm hành động xấu xa bằng thân, làm hành động xấu xa bằng khẩu, làm hành động xấu xa bằng ý, giết hại mạng sống, lấy vật chưa được cho, đột nhập gia cư, mang đi vật cướp được, làm kẻ đạo tặc, đứng cướp đường, đi đến với vợ người khác, nói lời dối trá. Dân chúng sau khi bắt lấy kẻ ấy rồi trình lên đức vua: ‘Tâu bệ hạ, gã trộm cướp này là kẻ phạm tội. Đối với kẻ này, xin ngài hãy giáng hình phạt theo ý muốn. Đức vua mắng nhiếc kẻ ấy. Kẻ ấy, do duyên mắng nhiếc, khởi lên sự sợ hãi, cảm thọ khổ ưu. Sự sợ hãi, khổ, ưu này do đâu mà sanh lên cho kẻ ấy? Do uế hạnh của bản thân mà việc ấy đã sanh ra, đã sanh khởi, đã hạ sanh, đã phát sanh, đã xuất hiện.
Chỉ với chừng ấy, đức vua không được vui. Đức vua ra lệnh giam cầm kẻ ấy với việc trói bằng xiềng, hoặc trói bằng dây thừng, hoặc trói bằng dây xích, hoặc trói bằng dây mây, hoặc trói bằng dây leo, hoặc với việc giam trong hố, hoặc giam trong hào, hoặc giam trong làng, hoặc giam trong thị trấn, hoặc giam trong thành phố, hoặc giam trong quốc độ, hoặc giam trong xứ sở, thậm chí còn khuyên bảo rằng: ‘Ngươi không được phép ra khỏi nơi này.’ Kẻ ấy, do duyên giam cầm, cảm thọ khổ ưu. Sự sợ hãi, khổ, ưu này do đâu mà sanh lên cho kẻ ấy? Do uế hạnh của bản thân mà việc ấy đã sanh ra, đã sanh khởi, đã hạ sanh, đã phát sanh, đã xuất hiện.
Chỉ với chừng ấy, đức vua không được vui. Đức vua ra lệnh lấy đi tài sản của kẻ ấy: một trăm, một ngàn, hoặc một trăm ngàn. Kẻ ấy, do duyên mất mát tài sản, cảm thọ khổ ưu. Sự sợ hãi, khổ, ưu này do đâu mà sanh lên cho kẻ ấy? Do uế hạnh của bản thân mà việc ấy đã sanh ra, đã sanh khởi, đã hạ sanh, đã phát sanh, đã xuất hiện.
Chỉ với chừng ấy, đức vua không được vui. Đức vua ra lệnh nhiều loại hình phạt ở thân: đánh bằng các cây roi, đánh bằng các dây mây, đánh bằng các gậy ngắn, chặt bàn tay, chặt bàn chân, chặt bàn tay và bàn chân, cắt tai, xẻo mũi, cắt tai và xẻo mũi, đốt nóng đầu, lột da đầu bôi vôi, đốt lửa ở miệng, thiêu sống, đốt cháy ở bàn tay, lột da thành sợi, mặc y phục vỏ cây, kéo căng thân người ở trên đất, xiên da thịt bằng lưỡi câu, khoét thịt thành đồng tiền, chà xát với chất kiềm, quay tròn ở trên thập tự giá, ngồi ở ghế rơm, rưới bằng dầu sôi, cho những con chó gặm, đặt trên giáo nhọn, chặt đầu bằng gươm. Kẻ ấy, do duyên các hình phạt ở thân, cảm thọ khổ ưu. Sự sợ hãi, khổ, ưu này do đâu mà sanh lên cho kẻ ấy? Do uế hạnh của bản thân mà việc ấy đã sanh ra, đã sanh khởi, đã hạ sanh, đã phát sanh, đã xuất hiện. Đức vua là chúa tể của bốn hình phạt này.
Kẻ ấy, với nghiệp của mình, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị sanh vào chốn bất hạnh, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Những người giữ địa ngục cho thực hiện hình phạt ‘trói buộc năm cách’ đối với kẻ ấy: Họ dùng cọc sắt đã được đốt nóng đóng vào ở bàn tay, họ dùng cọc sắt đã được đốt nóng đóng vào ở bàn tay thứ hai, họ dùng cọc sắt đã được đốt nóng đóng vào ở bàn chân, họ dùng cọc sắt đã được đốt nóng đóng vào ở bàn chân thứ hai, họ dùng cọc sắt đã được đốt nóng đóng vào ở giữa ngực. Kẻ ấy, ở tại nơi ấy, cảm nhận các thọ khổ, sắc bén, nhức nhối; nhưng kẻ ấy không thể chết đi chừng nào ác nghiệp ấy còn chưa chấm dứt. Sự sợ hãi, khổ, ưu này do đâu mà sanh lên cho kẻ ấy? Do uế hạnh của bản thân mà việc ấy đã sanh ra, đã sanh khởi, đã hạ sanh, đã phát sanh, đã xuất hiện.
Những người giữ địa ngục bắt kẻ ấy nằm xuống và dùng những cái rìu thái mỏng. Kẻ ấy, ở tại nơi ấy, cảm nhận các thọ khổ, sắc bén, nhức nhối; nhưng kẻ ấy không thể chết đi chừng nào ác nghiệp ấy còn chưa chấm dứt. Những người giữ địa ngục nắm lấy kẻ ấy, chân phía trên đầu phía dưới, và dùng những cái búa thái mỏng. Những người giữ địa ngục cột kẻ ấy vào cỗ xe rồi cho kéo tới kéo lui ở trên đất đã được đốt cháy, sáng rực, đỏ rực. –nt– Những người giữ địa ngục bắt kẻ ấy trèo lên, trèo xuống ở ngọn núi than hừng to lớn đã được đốt cháy, sáng rực, đỏ rực. –nt– Những người giữ địa ngục nắm lấy kẻ ấy, chân phía trên đầu phía dưới, rồi ném vào chảo đồng đã được đốt nóng, đốt cháy, sáng rực, đỏ rực. Kẻ ấy, ở tại nơi ấy, bị nung nấu ở bọt nước sôi sục. Kẻ ấy, ở tại nơi ấy, trong khi bị nung nấu ở bọt nước sôi sục, lúc thì nổi lên trên, lúc thì chìm xuống dưới, lúc thì trôi ngang. Kẻ ấy, ở tại nơi ấy, cảm nhận các thọ khổ, sắc bén, nhức nhối; nhưng kẻ ấy không thể chết đi chừng nào ác nghiệp ấy còn chưa chấm dứt. Sự sợ hãi, khổ, ưu này do đâu mà sanh lên cho kẻ ấy? Do uế hạnh của bản thân mà việc ấy đã sanh ra, đã sanh khởi, đã hạ sanh, đã phát sanh, đã xuất hiện. Những người giữ địa ngục ném kẻ ấy vào đại địa ngục. Quả vậy, đại địa ngục ấy là:
1. (Đại địa ngục) có bốn góc, có bốn cửa lớn,
được chia thành các phần cân đối,
được bao quanh bằng tường sắt,
được đậy lại bằng mái sắt.
2. Nền của (đại địa ngục) làm bằng sắt,
được thiêu đốt, cháy với lửa ngọn,
luôn luôn tỏa khắp và tồn tại
xung quanh một trăm do-tuần.
3. (Các đại địa ngục) có sự đốt nóng khổ sở, ghê rợn, có ngọn lửa khó lại gần,
có hình dạng làm rởn lông, ghê rợn, gây ra sự sợ hãi, khó chịu.
4. Khối lửa được phát khởi ở bức tường hướng đông,
trong khi thiêu đốt những kẻ có ác nghiệp, đi đến chạm vào (khối lửa) ở hướng tây.
5. Khối lửa được phát khởi ở bức tường hướng tây,
trong khi thiêu đốt những kẻ có ác nghiệp, đi đến chạm vào (khối lửa) ở hướng đông.
6. Khối lửa được phát khởi ở bức tường hướng bắc,
trong khi thiêu đốt những kẻ có ác nghiệp, đi đến chạm vào (khối lửa) ở hướng nam.
7. Khối lửa được phát khởi ở bức tường hướng nam,
trong khi thiêu đốt những kẻ có ác nghiệp, đi đến chạm vào (khối lửa) ở hướng bắc.
8. Khối lửa khủng khiếp phát xuất từ bên dưới,
trong khi thiêu đốt những kẻ có ác nghiệp, đi đến chạm vào (khối lửa) ở mái che (bên trên).
9. Khối lửa khủng khiếp phát xuất từ mái che,
trong khi thiêu đốt những kẻ có ác nghiệp, đi đến chạm vào (khối lửa) ở mặt đất (bên dưới).
10. Cái chảo sắt đã được đốt cháy, nóng đỏ, sáng chói như thế nào
thì địa ngục Avīci, ở bên dưới, bên trên, và bên hông là như vậy.
11. Ở nơi ấy, những chúng sanh vô cùng hung dữ, đã gây ra trọng tội,
có hành động cực kỳ ác độc, bị nung nấu và không thể chết đi.
12. Thân thể của họ, những cư dân ở địa ngục, giống như ngọn lửa.
Hãy nhìn xem tính chất vững bền của nghiệp, không như tro, không như bụi.
13. Họ chạy về hướng đông, rồi từ đó chạy về hướng tây.
Họ chạy về hướng bắc, rồi từ đó họ chạy về hướng nam.
14. Họ chạy đến bất cứ hướng nào, cánh cửa hướng ấy đều được đóng lại.
Với niềm mong mỏi được thoát ra, các chúng sanh ấy có sự tìm kiếm lối thoát.
15. Họ không thể đi ra khỏi nơi ấy bởi vì nghiệp duyên,
khi ác nghiệp của họ đã tạo có nhiều và còn chưa trả xong.
Sự sợ hãi, khổ, ưu này do đâu mà sanh lên cho kẻ ấy? Do uế hạnh của bản thân mà việc ấy đã sanh ra, đã sanh khởi, đã hạ sanh, đã phát sanh, đã xuất hiện. Những khổ đau ở địa ngục, những khổ đau ở thai bào của loài thú, những khổ đau ở cảnh giới ngạ quỷ, những khổ đau của loài người, những khổ đau ấy do đâu sanh ra, do đâu sanh khởi, do đâu hạ sanh, do đâu phát sanh, do đâu xuất hiện? Do uế hạnh của bản thân mà chúng đã sanh ra, đã sanh khởi, đã hạ sanh, đã phát sanh, đã xuất hiện; – ‘Sự sợ hãi sanh lên do uế hạnh của bản thân’ là như thế.
Các ngươi hãy nhìn xem loài người đang gây gổ – Các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, các thương buôn, các nô lệ, các người tại gia, các vị xuất gia, chư Thiên, và nhân loại, các ngươi hãy nhìn xem, hãy nhìn ngắm, hãy quan sát, hãy suy xét, hãy xem xét loài người đang gây gỗ, loài người đang cãi cọ, loài người đang chống đối, loài người đang đối chọi, loài người đang hằn học, loài người đang thù hằn, loài người đang căm hờn, loài người đang thù hận; – ‘các ngươi hãy nhìn xem loài người đang gây gổ’ là như thế.
Ta sẽ thuật lại trạng thái chấn động – Trạng thái chấn động là sự hốt hoảng, sự khiếp sợ, sự sợ hãi, sự hành hạ, sự va chạm, sự bất hạnh, sự nguy hiểm. Ta sẽ thuật lại: Ta sẽ bộc lộ, Ta sẽ nêu ra, Ta sẽ thuyết giảng, Ta sẽ thông báo, Ta sẽ ấn định, Ta sẽ khai mở, Ta sẽ chia sẻ, Ta sẽ làm rõ, Ta sẽ bày tỏ; – ‘Ta sẽ thuật lại trạng thái chấn động’ là như thế.
Đúng theo sự việc đã làm cho Ta bị chấn động – Đúng theo sự việc đã làm cho chính bản thân Ta bị chấn động, bị hốt hoảng, bị đưa đến trạng thái chấn động; – ‘đúng theo sự việc đã làm cho Ta bị chấn động’ là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Sự sợ hãi sanh lên do uế hạnh của bản thân.
Các ngươi hãy nhìn xem loài người đang gây gổ.
Ta sẽ thuật lại trạng thái chấn động
đúng theo sự việc đã làm cho Ta bị chấn động.”
Sau khi nhìn thấy nhân loại đang chao động tựa như những con cá ở chỗ ít nước,
sau khi nhìn thấy chúng chống đối lẫn nhau, sự sợ hãi đã xâm nhập Ta.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Sau khi nhìn thấy nhân loại đang chao động tựa như những con cá ở chỗ ít nước,
sau khi nhìn thấy chúng chống đối lẫn nhau, sự sợ hãi đã xâm nhập Ta.”
Toàn bộ thế giới là không có cốt lõi,
tất cả các phương đều bị chuyển động.
Trong khi ước muốn chỗ trú ngụ cho bản thân,
Ta đã không nhìn thấy (một nơi nào là) không bị áp chế.
Và điều này cũng đã được nói đến:
1. “Mặc dầu cung điện ấy của ngài rực sáng,
trong khi đang chiếu sáng ở phương bắc.
Sau khi nhìn thấy khuyết tật ở sắc, luôn luôn biến đổi,
vì thế, bậc Thiện Trí không vui thích ở sắc.”
2. “Thế gian bị hành hạ bởi sự chết, bị bao trùm bởi sự già,
bị đâm vào bởi mũi tên tham ái, luôn luôn cháy âm ỉ bởi ước muốn.”
3. Toàn bộ thế giới bị đốt cháy, toàn bộ thế giới bị bốc khói,
toàn bộ thế giới bị phát cháy, toàn bộ thế giới bị lay động.”
– ‘tất cả các phương đều bị chuyển động’ là như thế.
4. “Lợi lộc và không lợi lộc, không danh tiếng và danh tiếng,
khen ngợi và chê bai, hạnh phúc và khổ đau,
các pháp này ở nơi loài người là vô thường,
không trường tồn, có tánh chất biến đổi;”
– ‘Ta đã không nhìn thấy (một nơi nào là) không bị áp chế’ là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Toàn bộ thế giới là không có cốt lõi,
tất cả các phương đều bị chuyển động.
Trong khi ước muốn chỗ trú ngụ cho bản thân,
Ta đã không nhìn thấy (một nơi nào là) không bị áp chế.”
“Nhưng sau khi nhìn thấy chúng chống chõi ở giai đoạn kết thúc, sự chán ngán đã khởi lên ở Ta. Và ở đây, Ta đã nhìn thấy mũi tên khó thể nhìn thấy đã được cắm vào trái tim (tâm thức).
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Nhưng sau khi nhìn thấy chúng chống chõi ở giai đoạn kết thúc, sự chán ngán đã khởi lên ở Ta.
Và ở đây, Ta đã nhìn thấy mũi tên khó thể nhìn thấy đã được cắm vào trái tim (tâm thức).”
Ai bị mũi tên đâm,
Chạy khắp mọi phương hướng,
Ai rút mũi tên ra,
Không chạy, liền ngồi xuống.
Ở nơi ấy, các môn học tập được truyền tụng.
Những gì bị trói buộc ở thế gian,
không nên quan tâm đến chúng.
Sau khi thấu suốt các dục về mọi phương diện,
nên học tập về sự tịch diệt cho bản thân.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Ở nơi ấy, các môn học tập được truyền tụng.
Những gì bị trói buộc ở thế gian,
không nên quan tâm đến chúng.
Sau khi thấu suốt các dục về mọi phương diện,
nên học tập về sự tịch diệt cho bản thân.”
Nên chân thật, không xấc xược, không xảo trá, việc nói đâm thọc không còn nữa,
không giận dữ, bậc hiền trí có thể vượt qua sự xấu xa của tham (và) sự keo kiệt.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Nên chân thật, không xấc xược, không xảo trá, việc nói đâm thọc không còn nữa,
không giận dữ, bậc hiền trí có thể vượt qua sự xấu xa của tham (và) sự keo kiệt.”
Người có tâm ý hướng Niết Bàn nên khắc phục trạng thái ngủ gà ngủ gật, sự uể oải, sự dã dượi, không nên cộng trú với sự xao lãng, không nên trụ lại ở sự ngã mạn thái quá.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Người có tâm ý hướng Niết Bàn nên khắc phục trạng thái ngủ gà ngủ gật, sự uể oải, sự dã dượi, không nên cộng trú với sự xao lãng, không nên trụ lại ở sự ngã mạn thái quá.”
Không nên bị lôi kéo vào việc nói lời dối trá,
không nên tạo ra sự yêu mến ở sắc,
và nên biết toàn diện về ngã mạn,
nên hành xử tránh xa sự vội vàng.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Không nên bị lôi kéo vào việc nói lời dối trá,
không nên tạo ra sự yêu mến ở sắc,
và nên biết toàn diện về ngã mạn,
nên hành xử tránh xa sự vội vàng.”
Không nên thích thú cái cũ (ngũ uẩn quá khứ),
không nên tạo ra sự ưa chuộng cái mới (ngũ uẩn vị lai),
trong khi (cái gì) đang bị tiêu hoại, không nên sầu muộn,
không nên nương tựa hư không (tham ái).
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Không nên thích thú cái cũ (ngũ uẩn quá khứ),
không nên tạo ra sự ưa chuộng cái mới (ngũ uẩn hiện tại),
trong khi (cái gì) đang bị tiêu hoại, không nên sầu muộn,
không nên nương tựa hư không (tham ái).”
Ta gọi thèm khát là ‘dòng lũ lớn,’ Ta gọi tham muốn là dòng nước mạnh,
(sự bám vào) đối tượng là rung động, dục là bãi lầy khó vượt qua được.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Ta gọi thèm khát là ‘dòng lũ lớn,’ Ta gọi tham muốn là dòng nước mạnh,
(sự bám vào) đối tượng là rung động, dục là bãi lầy khó vượt qua được.”
Không chệch khỏi sự thật (gọi là) bậc hiền trí, đứng ở đất liền (gọi là) vị Bà-la-môn.
Vị ấy sau khi xả bỏ tất cả, vị ấy quả thật được gọi là ‘bậc an tịnh.’
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Không chệch khỏi sự thật (gọi là) bậc hiền trí,
đứng ở đất liền (gọi là) vị Bà-la-môn.
Vị ấy sau khi xả bỏ tất cả,
vị ấy quả thật được gọi là ‘bậc an tịnh.’”
Quả thật, vị ấy là bậc đã hiểu biết, vị ấy là bậc đã đạt được sự thông hiểu, sau khi biết được pháp, vị ấy không nương tựa (vào tham ái và tà kiến). Vị ấy, trong khi cư xử chân chánh ở thế gian, không mong cầu đối với bất cứ người nào ở nơi đây.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Quả thật, vị ấy là bậc đã hiểu biết, vị ấy là bậc đã đạt được sự thông hiểu, sau khi biết được pháp, vị ấy không nương tựa (vào tham ái và tà kiến). Vị ấy, trong khi cư xử chân chánh ở thế gian, không mong cầu đối với bất cứ người nào ở nơi đây.”
Ở đây, vị nào vượt qua các dục,
sự quyến luyến ở thế gian khó vượt qua được,
vị ấy không sầu muộn, không ưu tư,
có dòng chảy đã được cắt đứt, không còn sự trói buộc.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Ở đây, vị nào vượt qua các dục,
sự quyến luyến ở thế gian khó vượt qua được,
vị ấy không sầu muộn, không ưu tư,
có dòng chảy đã được cắt đứt, không còn sự trói buộc.”
Điều gì trước đây (quá khứ), ngươi hãy làm khô héo điều ấy.
Chớ có bất cứ điều gì sanh khởi đến ngươi sau này (vị lai).
Nếu ngươi không nắm lấy (điều gì) ở khoảng giữa (hiện tại),
ngươi sẽ sống, được an tịnh.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Điều gì trước đây (quá khứ), ngươi hãy làm khô héo điều ấy. Chớ có bất cứ điều gì sanh khởi đến ngươi sau này (vị lai). Nếu ngươi không nắm lấy (điều gì) ở khoảng giữa (hiện tại), ngươi sẽ sống, được an tịnh.”
Đối với vị nào không có vật đã được chấp là của tôi
liên quan đến danh và sắc về mọi phương diện,
và (là vị) không sầu muộn do tình trạng không có,
vị ấy quả thật không bị thua thiệt ở thế gian.
1. Khi cỗ xe và ngựa, ngọc ma-ni và bông tai bị mất mát,
khi con và vợ bị mất mát tương tự y như thế,
khi tất cả của cải không còn được sử dụng,
tại sao ngài không buồn bực ở thời điểm của sầu muộn?
2. Các của cải rời bỏ con người trước (của cải bị mất mát lúc còn sống),
hoặc con người lìa bỏ các của cải trước (chết không đem theo của cải).
Này kẻ mong muốn ngũ dục, các của cải không được trường tồn,
vì thế, Ta không sầu muộn ở thời điểm của sầu muộn.
3. Mặt trăng mọc lên, tròn dần rồi lại khuyết.
Mặt trời sau khi lặn xuống thì biến mất.
Này Sattuka, các pháp thế gian đã được Ta nhận biết;
vì thế, Ta không sầu muộn ở thời điểm của sầu muộn.
4. “Quả thật, sau một thời gian dài, chúng ta nhìn thấy vị Bà-la-môn đã được diệt tắt hoàn toàn, là vị tỳ khưu không có vui thích, không có phiền muộn, đã vượt qua sự vướng mắc này ở thế gian.”
– ‘vị ấy quả thật không bị thua thiệt ở thế gian’ là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Đối với vị nào không có vật đã được chấp là của tôi
liên quan đến danh và sắc về mọi phương diện,
và (là vị) không sầu muộn do tình trạng không có,
vị ấy quả thật không bị thua thiệt ở thế gian.”
Đối với vị nào, không có (ý nghĩ): ‘Cái này là của tôi,’
hoặc ‘(Cái này) là của những người khác’ về bất cứ điều gì,
vị ấy, trong lúc không tìm kiếm trạng thái chấp là của tôi,
(biết rằng): ‘Không có gì là của ta,’ nhờ thế không sầu muộn.
Đối với vị nào, không có (ý nghĩ): ‘Cái này là của tôi,’ hoặc ‘(Cái này) là của những người khác’ về bất cứ điều gì – Đối với vị nào: đối với vị A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt. Đối với vị nào, bất cứ điều gì hướng đến sắc, hướng đến thọ, hướng đến tưởng, hướng đến các hành, hướng đến thức đã được nắm lấy, đã được bám víu, đã được cố chấp, đã được bám chặt, đã được hướng đến (rằng): ‘Cái này là của tôi, cái này là của những người khác’ là không có, không hiện diện, không tìm thấy, không tồn tại, được dứt bỏ, được trừ tuyệt, được vắng lặng, được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ; –đối với vị nào, không có (ý nghĩ): ‘Cái này là của tôi,’ hoặc ‘(Cái này) là của những người khác’ về bất cứ điều gì– là như vậy.
Bởi vì, điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này các tỳ khưu, thân này không phải của các ngươi, cũng không phải của những người khác. Này các tỳ khưu, thân này nên được xem là nghiệp cũ đã được tạo tác, đã được cố ý, (và) được cảm thọ. Này các tỳ khưu, về điều ấy, vị đệ tử của các bậc Thánh, có sự nghe nhiều, khéo léo tác ý đúng đường lối về pháp tùy thuận duyên khởi như vầy: ‘Khi cái này có mặt, cái kia có mặt; do sự sanh khởi của cái này, cái kia sanh khởi. Khi cái này không có mặt, cái kia không có mặt; d0 sự diệt tận của cái này, cái kia diệt tận. Tức là, do duyên vô minh, các hành (sanh khởi); do duyên các hành, thức (sanh khởi); –nt– Như thế là sự sanh lên của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng chính do sự diệt tận hoàn toàn không còn luyến ái đối với vô minh, có sự diệt tận của các hành –nt– Như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này;’ –đối với vị nào, không có (ý nghĩ): ‘Cái này là của tôi,’ hoặc ‘(Cái này) là của những người khác’ về bất cứ điều gì– còn là như vậy.
Bởi vì, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
1. “Ngươi hãy xem xét thế giới là trống không,
này Mogharāja, hãy luôn luôn có niệm.
Sau khi nhổ lên tà kiến về bản ngã,
như vậy có thể vượt qua sự chết.
Người đang xem xét thế gian như vậy,
Thần Chết không nhìn thấy (người ấy).”
–Đối với vị nào, không có (ý nghĩ): ‘Cái này là của tôi,’ hoặc ‘(Cái này) là của những người khác’ về bất cứ điều gì– còn là như vậy.
Bởi vì, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này các tỳ khưu, cái gì không phải là của các ngươi, các ngươi hãy dứt bỏ nó. Cái ấy, khi được các ngươi dứt bỏ, sẽ đưa đến sự lợi ích, sự hạnh phúc lâu dài cho các ngươi. Và này các tỳ khưu, cái gì không phải là của các ngươi? Này các tỳ khưu, sắc không phải là của các ngươi, các ngươi hãy dứt bỏ nó. Cái ấy, khi được các ngươi dứt bỏ, sẽ đưa đến sự lợi ích, sự hạnh phúc lâu dài cho các ngươi. Thọ – Tưởng – Các hành – Thức không phải là của các ngươi, các ngươi hãy dứt bỏ nó. Cái ấy, khi được các ngươi dứt bỏ, sẽ đưa đến sự lợi ích, sự hạnh phúc lâu dài cho các ngươi. Này các tỳ khưu, các ngươi nghĩ gì về điều ấy, là việc người ta có thể mang đi cỏ, củi, cành, lá ở khu rừng Jeta này, hoặc có thể đốt cháy chúng, hoặc có thể hành xử chúng tùy theo nhu cầu? Thậm chí ý nghĩ như vầy có thể khởi lên ở các ngươi rằng: ‘Có phải người ta mang chúng ta đi, hoặc đốt cháy chúng ta, hoặc hành xử chúng ta tùy theo nhu cầu không’?” “Bạch ngài, điều này không đúng.” “Điều ấy có nguyên nhân là gì?” “Bạch Ngài, bởi vì cái ấy (cỏ, củi, cành, lá) không phải là tự ngã của chúng con hoặc thuộc về tự ngã của chúng con.” “Này các tỳ khưu, tương tự y như thế, cái gì không phải là của các ngươi, các ngươi hãy dứt bỏ nó. Cái ấy, khi được các ngươi dứt bỏ, sẽ đưa đến sự lợi ích, sự hạnh phúc lâu dài cho các ngươi. Và này các tỳ khưu, cái gì không phải là của các ngươi? Này các tỳ khưu, sắc không phải là của các ngươi, các ngươi hãy dứt bỏ nó. Cái ấy, khi được các ngươi dứt bỏ, sẽ đưa đến sự lợi ích, sự hạnh phúc lâu dài cho các ngươi. Thọ – Tưởng – Các hành – Thức không phải là của các ngươi, các ngươi hãy dứt bỏ nó. Cái ấy, khi được các ngươi dứt bỏ, sẽ đưa đến sự lợi ích, sự hạnh phúc lâu dài cho các ngươi.” –đối với vị nào, không có (ý nghĩ): ‘Cái này là của tôi,’ hoặc ‘(Cái này) là của những người khác’ về bất cứ điều gì– còn là như vậy.
Bởi vì, điều này cũng đã được nói đến:
2. “Này trưởng làng, đối với người đang nhìn thấy đúng theo bản thể sự sanh lên của các pháp một cách rõ rệt, sự liên tục của các hành một cách rõ rệt thì không có sự sợ hãi.
3. Khi nào bằng trí tuệ nhìn thấy thế gian giống như cỏ và củi, trong khi không tìm thấy trạng thái chấp là của tôi: ‘Không có gì thuộc về tôi,’ vị ấy không sầu muộn.”
–Đối với vị nào, không có (ý nghĩ): ‘Cái này là của tôi,’ hoặc ‘(Cái này) là của những người khác’ về bất cứ điều gì– còn là như vậy.
Tỳ khưu ni Vajirā đã nói với Ma Vương ác độc điều này:
4. “Này Ma Vương, sao ngươi khẳng định là ‘chúng sanh?’ Phải chăng đó là tà kiến của ngươi? Cái này thuần túy là sự chồng chất của các hành. Ở đây, chúng sanh không được tìm thấy.
5. Giống y như việc ráp chung lại các bộ phận thì có tiếng gọi là ‘cỗ xe,’ tương tợ như vậy, khi các uẩn hiện diện thì có sự công nhận là ‘con người’.
6. Bởi vì chỉ có khổ được hình thành,
khổ tồn tại và tiêu hoại
không gì khác ngoại trừ khổ được hình thành
không cái gì khác ngoài khổ được diệt tận.”
–Đối với vị nào, không có (ý nghĩ): ‘Cái này là của tôi,’ hoặc ‘(Cái này) là của những người khác’ về bất cứ điều gì– còn là như vậy.
“Này các tỳ khưu, tương tự y như thế, vị tỳ khưu quán sát sắc đến luôn cả tiến trình của sắc, quán sát thọ – tưởng – các hành – thức đến luôn cả tiến trình của thức. Trong khi vị ấy đang quán sát sắc đến luôn cả tiến trình của sắc, trong khi đang quán sát thọ – tưởng – các hành – thức đến luôn cả tiến trình của thức, ý niệm về ‘tôi’ hay ‘của tôi’ hay ‘tôi là’ đều không khởi lên ở vị ấy; –đối với vị nào, không có (ý nghĩ): ‘Cái này là của tôi,’ hoặc ‘(Cái này) là của những người khác’ về bất cứ điều gì– còn là như vậy.
Đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ‘thế giới là trống không, thế giới là trống không’ là điều được nói đến. Bạch Ngài, cho đến như thế nào thì được gọi là: ‘Thế giới là trống không’?” “Này Ānanda, bởi vì quả thật là trống không với tự ngã hoặc với cái thuộc về tự ngã; vì thế, được gọi là: ‘Thế giới là trống không.’ Và này Ānanda, cái gì là trống không với tự ngã hoặc với cái thuộc về tự ngã? Này Ānanda, Mắt là trống không với tự ngã hoặc với cái thuộc về tự ngã. Các sắc là trống không – Nhãn thức là trống không – Nhãn xúc là trống không – Cảm thọ nào sanh lên do duyên nhãn xúc, dầu là lạc, hay là khổ, hay là không khổ không lạc; cảm thọ ấy cũng là trống không. Tai là trống không – Các thinh là trống không – Mũi là trống không – Các hương là trống không – Lưỡi là trống không – Các vị là trống không – Thân là trống không – Các xúc là trống không – Ý là trống không – Các pháp là trống không – Ý thức là trống không – Ý xúc là trống không – Cảm thọ nào sanh lên do duyên ý xúc, dầu là lạc, hay là khổ, hay là không khổ không lạc, cảm thọ ấy cũng là trống không với tự ngã hoặc với cái thuộc về tự ngã. Này Ānanda, bởi vì quả thật là trống không với tự ngã hoặc với cái thuộc về tự ngã; vì thế, được gọi là: ‘Thế giới là trống không.’ –Đối với vị nào, không có (ý nghĩ): ‘Cái này là của tôi,’ hoặc ‘(Cái này) là của những người khác’ về bất cứ điều gì– còn là như vậy.
Vị ấy, trong lúc không tìm kiếm trạng thái chấp là của tôi: Trạng thái chấp là của tôi - có hai trạng thái chấp là của tôi: trạng thái chấp là của tôi do tham ái và trạng thái chấp là của tôi do tà kiến. —nt— điều này là trạng thái chấp là của tôi do tham ái. —nt— điều này là trạng thái chấp là của tôi do tà kiến. Sau khi dứt bỏ trạng thái chấp là của tôi do tham ái, sau khi xả bỏ trạng thái chấp là của tôi do tà kiến, trong khi không kiếm được, trong khi không tìm kiếm, trong khi không đạt đến, trong khi không đạt được; – ‘vị ấy, trong lúc không tìm kiếm trạng thái chấp là của tôi’ là như thế.
(Biết rằng): ‘Không có gì là của ta,’ nhờ thế không sầu muộn: (Vị ấy) không sầu muộn về vật đã bị biến đổi, không sầu muộn trong khi vật đang bị biến đổi. (Nghĩ rằng): ‘Mắt của ta đã bị biến đổi,’ vị ấy không sầu muộn. (Nghĩ rằng): ‘Tai của tôi —nt— ‘Những người cùng huyết thống của tôi đã bị biến đổi,’ vị ấy không sầu muộn, không mệt mỏi, không than vãn, không khóc nức nở, không đi đến sự mê muội; – ‘(biết rằng): ‘Không có gì là của ta,’ nhờ thế không sầu muộn’ là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Đối với vị nào, không có (ý nghĩ): ‘Cái này là của tôi,’
hoặc ‘(Cái này) là của những người khác’ về bất cứ điều gì,
vị ấy, trong lúc không tìm kiếm trạng thái chấp là của tôi,
(biết rằng): ‘Không có gì là của ta,’ nhờ thế không sầu muộn.”
Không ganh ghét, không thèm khát,
không dục vọng, bình đẳng ở mọi nơi,
điều ấy là sự lợi ích mà Ta nói,
khi được hỏi về vị không dao động.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Không ganh ghét, không thèm khát,
không dục vọng, bình đẳng ở mọi nơi,
điều ấy là sự lợi ích mà Ta nói,
khi được hỏi về vị không dao động.”
Đối với vị không dục vọng, đang nhận thức,
thì không có bất cứ sự tạo tác nào.
Vị ấy, đã tránh xa khỏi sự tạo tác,
nhìn thấy an toàn ở mọi nơi
.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Đối với vị không dục vọng, đang nhận thức,
thì không có bất cứ sự tạo tác nào.
Vị ấy, đã tránh xa khỏi sự tạo tác,
nhìn thấy an toàn ở mọi nơi.”
“Bậc hiền trí không mô tả (bản thân) là trong số những người ngang bằng, (hay là) trong số những người thấp kém, (hay là) trong số những người ưu việt. Được an tịnh, đã xa lìa sự bỏn xẻn, vị ấy không nắm giữ, không buông lơi” (Đức Thế Tôn nói vậy).
Bậc hiền trí không mô tả (bản thân) là trong số những người ngang bằng, (hay là) trong số những người thấp kém, (hay là) trong số những người ưu việt – Bản thể hiền trí nói đến trí, –nt– đã vượt qua sự quyến luyến và mạng lưới (tham ái và tà kiến), vị ấy là hiền trí. Bậc hiền trí không mô tả, không thuyết, không phát ngôn, không diễn giải, không diễn tả rằng: ‘Tôi là ngang bằng,’ hoặc ‘Tôi là tốt hơn,’ hoặc ‘Tôi là thấp hèn;’ – ‘bậc hiền trí không mô tả (bản thân) là trong số những người ngang bằng, (hay là) trong số những người thấp kém, (hay là) trong số những người ưu việt’ là như thế.
Được an tịnh, vị ấy đã xa lìa sự bỏn xẻn,– An tịnh: Trạng thái được an tịnh, trạng thái được yên lặng đối với luyến ái là an tịnh; trạng thái được an tịnh, trạng thái được yên lặng, trạng thái được vắng lặng, trạng thái được thiêu hủy, trạng thái được tịch diệt, trạng thái được tách lìa, trạng thái được tịch tịnh đối với sân hận – đối với si mê –nt– đối với tất cả các pháp tạo tác bất thiện là an tịnh, yên tịnh, vắng lặng, tịch diệt, tịch tịnh; – ‘vị ấy được an tịnh’ là như thế. Đã xa lìa sự bỏn xẻn – Có năm loại bỏn xẻn: bỏn xẻn về chỗ ở –nt– sự nắm lấy, điều này được gọi là bỏn xẻn. Đối với vị nào, sự bỏn xẻn này được dứt bỏ, được trừ tuyệt, –nt– đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ, vị ấy được gọi là có sự bỏn xẻn đã được xa lìa, có sự bỏn xẻn đã được tách lìa, có sự bỏn xẻn đã được từ bỏ, có sự bỏn xẻn đã được tẩy trừ, có sự bỏn xẻn đã được giải thoát, có sự bỏn xẻn đã được dứt bỏ, có sự bỏn xẻn đã được xả bỏ; – ‘được an tịnh, vị ấy đã xa lìa sự bỏn xẻn’ là như thế.
Vị ấy không nắm giữ, không buông lơi – Không nắm giữ: Vị ấy không nắm giữ, không chấp thủ, không nắm lấy, không bám víu, không cố chấp sắc. Vị ấy không nắm giữ, không chấp thủ, không nắm lấy, không bám víu, không cố chấp thọ – tưởng – các hành – thức – cảnh giới tái sinh – sự tái sinh – sự nối liền tái sanh – sự hiện hữu – sự luân hồi –sự xoay vòng; – ‘không nắm giữ’ là như thế. Không buông lơi: Vị ấy không dứt bỏ, không xua đi, không làm chấm dứt, không làm cho không còn hiện hữu sắc. Vị ấy không dứt bỏ, không xua đi, không làm chấm dứt, không làm cho không còn hiện hữu thọ – tưởng – các hành – thức – cảnh giới tái sinh – sự tái sinh – sự nối liền tái sanh – sự hiện hữu – sự luân hồi –sự xoay vòng. Đức Thế Tôn: là từ xưng hô với sự tôn kính. –nt– sự quy định do sự chứng ngộ, tức là ‘đức Thế Tôn; – ‘vị ấy không nắm giữ, không buông lơi’ là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Bậc hiền trí không mô tả (bản thân) là trong số những người ngang bằng, (hay là) trong số những người thấp kém, (hay là) trong số những người ưu việt. Được an tịnh, đã xa lìa sự bỏn xẻn, vị ấy không nắm giữ, không buông lơi” (Đức Thế Tôn nói vậy).
Diễn Giải Kinh ‘Uế Hạnh của Bản Thân’ - Phần thứ mười lăm được đầy đủ.
--ooOoo--
[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14][15][16]
[Thư Mục Tổng Quát][ĐẠI DIỄN GIẢI][TIỂU DIỄN GIẢI]