TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 35
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
MAHĀNIDDESAPĀḶI - ĐẠI DIỄN GIẢI
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda

5. PARAMAṬṬHAKASUTTANIDDESO - DIỄN GIẢI KINH NHÓM TÁM VỀ TỐI THẮNG

 

Giờ Diễn Giải Kinh Nhóm Tám về Tối Thắng được nói đến:

 

5 - 1

 

Trong khi sống trong các tà kiến (nghĩ là) ‘tối thắng,’

con người làm cho điều ấy nổi trội ở thế gian.

Kẻ đã nói so với điều ấy tất cả những cái khác là ‘thấp thỏi,’

vì thế không vượt lên trên các sự tranh luận.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

Trong khi sống trong các tà kiến (nghĩ là) ‘tối thắng,’

con người làm cho điều ấy nổi trội ở thế gian.

Kẻ đã nói so với điều ấy tất cả những cái khác là ‘thấp thỏi,’

vì thế không vượt lên trên các sự tranh luận.

 

5 - 2

 

Người nhìn thấy cái gì đó ở điều đã được thấy, ở điều đã được nghe, ở giới và phận sự, hoặc ở điều đã được cảm giác là sự lợi ích cho bản thân, sau khi ôm giữ chính cái (tà kiến) ấy tại nơi đó, người ấy nhìn thấy mọi cái khác đều là hèn kém.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Người nhìn thấy cái gì đó là sự lợi ích cho bản thân ở điều đã được thấy, ở điều đã được nghe, ở giới và phận sự, hoặc ở điều đã được cảm giác là sự lợi ích cho bản thân, sau khi ôm giữ chính cái (tà kiến) ấy tại nơi đó, người ấy nhìn thấy mọi cái khác đều là hèn kém.”

 

5 - 3

 

Hơn nữa, điều ấy các bậc thiện xảo gọi là sự trói buộc, người bị nương tựa vào điều ấy nhìn thấy cái khác là thấp hèn. Chính vì thế, vị tỳ khưu không nên nương tựa vào điều đã được thấy, điều đã được nghe, điều đã được cảm giác, hoặc vào giới và phận sự.

 

Hơn nữa, điều ấy các bậc thiện xảo gọi là sự trói buộc - Các bậc thiện xảo: Các bậc thiện xảo về uẩn, thiện xảo về giới, thiện xảo về xứ, thiện xảo về tùy thuận sanh khởi, thiện xảo về việc thiết lập niệm, thiện xảo về chánh cần, thiện xảo về nền tảng của thần thông, thiện xảo về quyền, thiện xảo về lực, thiện xảo về chi phần đưa đến giác ngộ, thiện xảo về Đạo, thiện xảo về Quả, thiện xảo về Niết Bàn, các bậc thiện xảo ấy nói như vầy: ‘Điều này là sự trói buộc, điều này là sự dính mắc, điều này là sự cột trói, điều này là sự vướng bận,’ các vị nói như vậy, thuyết giảng như vậy, thốt ra như vậy, giảng giải như vậy, phát ngôn như vậy. ‘Hơn nữa, điều ấy các bậc thiện xảo gọi là sự trói buộc’ là thế ấy.

 

Người bị nương tựa vào điều ấy nhìn thấy cái khác là thấp hèn - Nương tựa vào điều ấy: là nương nhờ, nương tựa, bám vào, tiến vào, bám chặt, hướng đến bậc đạo sư, pháp thoại, hội chúng, quan điểm, lối thực hành, đạo lộ ấy. Nhìn thấy cái khác là thấp hèn: là nhìn xem, nhìn thấy, nhìn ngắm, quan sát, suy xét, nhận xét, xem xét bậc đạo sư, pháp thoại, hội chúng, quan điểm, lối thực hành, đạo lộ khác là thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi. ‘Người bị nương tựa vào điều ấy nhìn thấy cái khác là thấp hèn’ là thế ấy.

 

Chính vì thế, vị tỳ khưu không nên nương tựa vào điều đã được thấy, điều đã được nghe, điều đã được cảm giác, hoặc vào giới và phận sự - Vì thế: là do điều ấy, bởi lý do ấy, do nhân ấy, do duyên ấy, do căn nguyên ấy, không nên nương tựa, không nên nắm lấy, không nên bám víu, không nên cố chấp vào điều đã được thấy hoặc sự trong sạch do thấy, vào điều đã được nghe hoặc sự trong sạch do nghe, vào điều đã được cảm giác hoặc sự trong sạch do cảm giác, vào giới hoặc sự trong sạch do giới, vào phận sự hoặc sự trong sạch do phận sự. ‘Chính vì thế, vị tỳ khưu không nên nương tựa vào điều đã được thấy, điều đã được nghe, điều đã được cảm giác, hoặc vào giới và phận sự’ là thế ấy.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Hơn nữa, điều ấy các bậc thiện xảo gọi là sự trói buộc, người bị nương tựa vào điều ấy nhìn thấy cái khác là thấp hèn. Chính vì thế, vị tỳ khưu không nên nương tựa vào điều đã được thấy, điều đã được nghe, điều đã được cảm giác, hoặc vào giới và phận sự.”

 

5 - 4

 

Cũng không nên xác lập ở thế gian quan điểm

dựa vào trí (chứng đắc) hoặc dựa vào giới và phận sự.

Không nên tự nhủ bản thân là ‘ngang bằng,’

không nên nghĩ mình là thấp hèn hoặc là có sự đặc biệt.

 

Cũng không nên xác lập ở thế gian quan điểm dựa vào trí (chứng đắc) hoặc dựa vào giới và phận sự: Không nên xác lập, không nên làm sanh ra, không nên làm sanh khởi, không nên làm hạ sanh, không nên làm phát sanh ra quan điểm dựa vào trí của tám sự chứng đạt (về thiền), hoặc dựa vào trí của năm thắng trí, hoặc dựa vào trí sái quấy, hoặc dựa vào giới, hoặc dựa vào phận sự, hoặc dựa vào giới và phận sự. Ở thế gian: ở thế gian của khổ cảnh, —như trên— ở thế gian của các xứ.

 

Không nên tự nhủ bản thân là ‘ngang bằng’ - Không nên tự nhủ bản thân rằng: ‘Tôi là tương đương’ dựa vào sự xuất thân, dựa vào dòng dõi, dựa vào con nhà gia thế, dựa vào vẻ đẹp của vóc dáng, dựa vào tài sản, dựa vào học vấn, dựa vào công việc, dựa vào tài nghệ, dựa vào kiến thức, dựa vào sự học hỏi, dựa vào tài biện giải, hoặc dựa vào sự việc này khác. Không nên tự nhủ bản thân là ‘ngang bằng’ là thế ấy.

 

Không nên nghĩ mình là thấp hèn hoặc là có sự đặc biệt: Không nên cho rằng bản thân: ‘Tôi là thấp hèn’ dựa vào sự xuất thân, dựa vào dòng dõi, —như trên— hoặc dựa vào sự việc này khác. Không nên cho rằng bản thân: ‘Tôi là tốt hơn’ dựa vào sự xuất thân, dựa vào dòng dõi, —như trên— hoặc dựa vào sự việc này khác. ‘Không nên nghĩ mình là thấp hèn hoặc thậm chí là có sự đặc biệt’ là thế ấy.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Cũng không nên xác lập ở thế gian quan điểm

dựa vào trí (chứng đắc) hoặc dựa vào giới và phận sự.

Không nên tự nhủ bản thân là ‘ngang bằng,’

không nên nghĩ mình là thấp hèn hoặc là có sự đặc biệt.”

 

5 - 5

 

Sau khi dứt bỏ điều đã được chấp giữ, không còn chấp thủ,

vị ấy không tiến hành sự nương tựa dầu là ở trí.

Quả vậy, giữa những người đã bị phân ly, vị ấy không theo phe nhóm,

vị ấy không trở lại bất cứ tà kiến nào nữa.

 

Sau khi dứt bỏ điều đã được chấp giữ, không còn chấp thủ - Sau khi dứt bỏ điều đã được chấp giữ: sau khi dứt bỏ tà kiến đã được chấp giữ. Sau khi dứt bỏ điều đã được chấp giữ là sau khi dứt bỏ sự nắm lấy đã được chấp giữ. Sau khi dứt bỏ điều đã được chấp giữ là sau khi dứt bỏ, sau khi từ bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi khiến cho không còn hiện hữu điều đã bị nắm lấy, đã bị bám víu, đã bị cố chấp, đã bị bám chặt, đã bị hướng đến bởi tác động của tham ái, bởi tác động của tà kiến. ‘Sau khi dứt bỏ điều đã được chấp giữ’ là thế ấy. Không còn chấp thủ: trong khi không còn chấp thủ, không còn nắm lấy, không còn bám víu, không còn cố chấp vào bốn điều chấp thủ. ‘Sau khi dứt bỏ điều đã được chấp giữ, không còn chấp thủ’ là thế ấy.

 

Vị ấy không tiến hành sự nương tựa dầu là ở trí: là không tiến hành, không làm sanh ra, không làm sanh khởi, không làm hạ sanh, không làm phát sanh ra sự nương tựa vào tham ái hoặc sự nương tựa vào tà kiến dựa vào trí của tám sự chứng đạt (về thiền), hoặc dựa vào trí của năm thắng trí, hoặc dựa vào trí sái quấy . ‘Vị ấy không tiến hành sự nương tựa dầu là ở trí’ là thế ấy.

 

Quả vậy, giữa những người đã bị phân ly, vị ấy không theo phe nhóm: Quả vậy, giữa những người đã bị phân ly, đã bị chia rẽ, đã bị phân thành hai, đã bị sanh làm hai, có quan điểm khác biệt, có sự chấp nhận khác biệt, có sự ưa thích khác biệt, có sự chọn lựa khác biệt, đã nương tựa vào những quan điểm khác biệt, giữa những người bị chi phối bởi sự ưa thích, bị chi phối bởi sự sân hận, bị chi phối bởi sự si mê, bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị ấy không bị chi phối bởi sự ưa thích, không bị chi phối bởi sự sân hận, không bị chi phối bởi sự si mê, không bị chi phối bởi sự sợ hãi, không bị tác động của luyến ái, không bị tác động của sân hận, không bị tác động của si mê, không bị tác động của ngã mạn, không bị tác động của tà kiến, không bị tác động của phóng dật, không bị tác động của hoài nghi, không bị tác động của pháp tiềm ẩn, không bị đưa đi, bị dẫn đi, bị lôi đi, bị mang đi bởi các pháp có tính chất phe nhóm. ‘Quả vậy, giữa những người đã bị phân ly, vị ấy không theo phe nhóm’ là thế ấy.

 

Vị ấy không trở lại bất cứ tà kiến nào nữa: Đối với vị ấy, 62 tà kiến đã được dứt bỏ, được trừ tuyệt, được vắng lặng, được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ. Vị ấy không trở lại, không quay về lại bất cứ tà kiến nào nữa. ‘Vị ấy không trở lại bất cứ tà kiến nào nữa’ là thế ấy.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Sau khi dứt bỏ điều đã được chấp giữ, không còn chấp thủ,

vị ấy không tiến hành sự nương tựa dầu là ở trí.

Quả vậy, giữa những người đã bị phân ly, vị ấy không theo phe nhóm,

vị ấy không trở lại bất cứ tà kiến nào nữa.”

 

5 - 6

 

Đối với vị nào, ở đây, không có ước vọng về cả hai thái cực,

về hữu và phi hữu, về đời này hay đời sau,

đối với vị ấy, không có bất cứ các sự chấp chặt nào

sau khi đã suy xét điều đã được ôm giữ trong số các pháp (tà kiến).

 

Đối với vị nào, ở đây, không có ước vọng về cả hai thái cực, về hữu và phi hữu, về đời này hay đời sau - Đối với vị nào: đối với vị A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt. Thái cực: Xúc là một thái cực, nhân sanh ra xúc là thái cực thứ hai. Quá khứ là một thái cực, vị lai là thái cực thứ hai. Cảm thọ lạc là một thái cực, cảm thọ khổ là thái cực thứ hai. Danh là một thái cực, sắc là thái cực thứ hai. Sáu nội xứ là một thái cực, sáu ngoại xứ là thái cực thứ hai. Sự chấp thân này là một thái cực, nhân sanh ra sự chấp thân này là thái cực thứ hai. Ước vọng: được gọi là tham ái, nghĩa là luyến ái, luyến ái mãnh liệt, —như trên— tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện. Về hữu và phi hữu: về dục giới sắc giới vô sắc giới, về cảnh giới của nghiệp, về cảnh giới của sự tái sanh; về cảnh giới của nghiệp là dục giới, về cảnh giới của sự tái sanh là dục giới, về cảnh giới của nghiệp là sắc giới, về cảnh giới của sự tái sanh là sắc giới, về cảnh giới của nghiệp là vô sắc giới, về cảnh giới của sự tái sanh là vô sắc giới, về sự sanh lên được tiếp diễn, về cảnh giới tái sanh được tiếp diễn, về sự tiếp nối tái sanh được tiếp diễn, về sự tái sanh của bản ngã được tiếp diễn. Đời này: là bản ngã của bản thân. Đời sau: là bản ngã của người khác. Đời này là sắc-thọ-tưởng-hành-thức của bản thân, đời sau là sắc-thọ-tưởng-hành-thức của người khác. Đời này là sáu nội xứ, đời sau là sáu ngoại xứ. Đời này là thế giới loài người, đời sau là thế giới chư Thiên. Đời này là dục giới, đời sau là sắc giới, vô sắc giới. Đời này là dục giới, sắc giới, đời sau là vô sắc giới.

 

Đối với vị nào, ở đây, không có ước vọng về cả hai thái cực, về hữu và phi hữu, về đời này hay đời sau: đối với vị nào, ước vọng, tham ái về cả hai thái cực, về hữu và phi hữu, về đời này và đời sau là không có, không hiện diện, không tìm thấy, không tồn tại, được dứt bỏ, được trừ tuyệt, được vắng lặng, được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã bị thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ. ‘Đối với vị nào, ở đây, không có ước vọng về cả hai thái cực, về hữu và phi hữu, về đời này hay đời sau’ là thế ấy.

 

Đối với vị ấy, không có bất cứ các sự chấp chặt nào - Các sự chấp chặt: Có hai sự chấp chặt: sự chấp chặt do tham ái và sự chấp chặt do tà kiến. ―như trên― điều này là sự chấp chặt do tham ái. ―như trên― điều này là sự chấp chặt do tà kiến. Đối với vị ấy: đối với vị A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt. Đối với vị ấy, không có bất cứ các sự chấp chặt nào: Đối với vị ấy, bất cứ các sự chấp chặt nào là không có, không hiện diện, không tìm thấy, không tồn tại, được dứt bỏ, được trừ tuyệt, được vắng lặng, được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã bị thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ. ‘Đối với vị ấy, không có bất cứ các sự chấp chặt nào’ là thế ấy.

 

Sau khi đã suy xét điều đã được ôm giữ trong số các pháp - Trong số các pháp: là trong số 62 tà kiến. Sau khi đã suy xét: sau khi suy xét, sau khi chọn lựa, sau khi chọn lọc, sau khi cân nhắc, sau khi sắp đặt, sau khi phân biệt, sau khi làm rõ. Điều đã được ôm giữ: là sự nắm lấy có giới hạn, sự nắm lấy từng phần, sự nắm lấy tối thượng, sự nắm lấy toàn phần, sự nắm lấy theo số lượng, sự nắm lấy tổng thể rằng: ‘Điều này là sự thật, là đúng đắn, là như thế, là đang xảy ra, là chính xác, không bị sai lệch’ đã được nắm giữ, đã được bám víu, đã được cố chấp, đã được bám chặt, đã được hướng đến là không có, không hiện diện, không tìm thấy, không tồn tại, được dứt bỏ, được trừ tuyệt, được vắng lặng, được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã bị thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ. ‘Sau khi đã suy xét điều đã được ôm giữ trong số các pháp’ là thế ấy.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Đối với vị nào, ở đây, không có ước vọng về cả hai thái cực,

về hữu và phi hữu, về đời này hay đời sau,

đối với vị ấy, không có bất cứ các sự chấp chặt nào

sau khi đã suy xét điều đã được ôm giữ trong số các pháp (tà kiến).”

 

5 - 7

 

Tưởng được xếp đặt liên quan đến điều đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác ở nơi đây dầu là nhỏ nhoi cũng không có đối với vị ấy; vị Bà-la-môn ấy không chấp thủ tà kiến, thì có thể chi phối vị ấy bởi điều gì ở thế gian này?

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Tưởng được xếp đặt liên quan đến điều đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác ở nơi đây dầu là nhỏ nhoi cũng không có đối với vị ấy; vị Bà-la-môn ấy không chấp thủ tà kiến, thì có thể chi phối vị ấy bởi điều gì ở thế gian nàyy?”

 

5 - 8

 

(Các bậc A-la-hán) không sắp xếp, không chú trọng

luôn cả các pháp (tà kiến), đối với các vị ấy, đều không được chấp nhận.

Vị Bà-la- môn không bị dẫn dắt đi bởi giới và phận sự,

đã đi đến bờ kia, không quay trở lại, là bậc tự tại.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“(Các bậc A-la-hán) không sắp xếp, không chú trọng

luôn cả các pháp (tà kiến), đối với các vị ấy, đều không được chấp nhận.

Vị Bà-la- môn không bị dẫn dắt đi bởi giới và phận sự,

đã đi đến bờ kia, không quay trở lại, là bậc tự tại.”

 

Diễn Giải Kinh về Tối Thắng.

 

--ooOoo--


[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14][15][16]


[Thư Mục Tổng Quát][ĐẠI DIỄN GIẢI][TIỂU DIỄN GIẢI]