TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 35
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
MAHĀNIDDESAPĀḶI
- ĐẠI DIỄN GIẢI
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
Giờ phần Diễn Giải Kinh ‘Cãi Cọ và Tranh Cãi’ được nói đến:
Từ đâu phát khởi các sự cãi cọ, các sự tranh cãi,
các sự than vãn, các nỗi sầu muộn, và thêm các sự bỏn xẻn,
các sự ngã mạn, và ngã mạn thái quá, rồi thêm các việc nói đâm thọc?
Từ đâu chúng phát khởi? Nào, xin ngài hãy nói về điều ấy.
Từ đâu phát khởi các sự cãi cọ, các sự tranh cãi – Sự cãi cọ: Theo một cách thức, sự cãi cọ và sự tranh cãi cũng y như nhau; cái nào là cãi cọ, cái ấy là tranh cãi; cái nào là tranh cãi, cái ấy là cãi cọ. Hoặc là, theo một cách thức khác nói về tranh cãi: tranh cãi là phần đi trước của cãi cọ. Các vị vua tranh cãi với các vị vua, các Sát-đế-lỵ tranh cãi với các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn tranh cãi với các Bà-la-môn, các gia chủ tranh cãi với các gia chủ, mẹ tranh cãi với con trai, con trai tranh cãi với mẹ, cha tranh cãi với con trai, con trai tranh cãi với cha, anh em trai tranh cãi với anh em trai, chị em gái tranh cãi với chị em gái, anh em trai tranh cãi với chị em gái, chị em gái tranh cãi với anh em trai, bạn bè tranh cãi với bạn bè; việc này là tranh cãi.
Sự cãi cọ là việc nào? Các người tại gia, (trong khi tức giận) cầm lấy gậy gộc, thực hiện việc cãi cọ bằng thân bằng khẩu; các bậc xuất gia, trong khi vi phạm tội, thực hiện việc cãi cọ bằng thân bằng khẩu; việc này là cãi cọ.
Từ đâu phát khởi các sự cãi cọ, các sự tranh cãi – là hỏi về nguồn gốc, hỏi về nhân, hỏi về căn nguyên, hỏi về sự xuất phát, hỏi về nguồn sanh khởi, hỏi về nguồn phát khởi, hỏi về yếu tố nuôi dưỡng, hỏi về đối tượng, hỏi về duyên khởi, hỏi về nhân sanh khởi của sự cãi cọ và sự tranh cãi: ‘Các sự cãi cọ và các sự tranh cãi phát khởi từ đâu, sanh ra từ đâu, sanh khởi từ đâu, hạ sanh từ đâu, phát sanh từ đâu, xuất hiện từ đâu, có cái gì là căn nguyên, có cái gì là nhân sanh khởi, có cái gì là mầm sanh khởi, có cái gì là nguồn sanh khởi?’ là chất vấn, là yêu cầu, là thỉnh cầu, là đặt niềm tin; – ‘từ đâu phát khởi các sự cãi cọ, các sự tranh cãi’ là như thế.
Các sự than vãn, các nỗi sầu muộn, và thêm các sự bỏn xẻn – Sự than vãn: là sự than van, sự than trách, sự than thở, sự than vãn, trạng thái than van, trạng thái than trách, lời nói, nói lảm nhảm, nói huyên thuyên, nói kể lể, lối nói kể lể, trạng thái nói kể lể của người bị tác động bởi sự rủi ro về thân quyến, bị tác động bởi sự rủi ro về của cải, bị tác động bởi sự rủi ro về bệnh tật, bị tác động bởi sự suy giảm về giới hạnh, bị tác động bởi sự suy giảm về kiến thức, bị gặp phải sự rủi ro này hoặc rủi ro khác, hoặc bị tác động bởi sự khổ này hoặc sự khổ khác. Nỗi sầu muộn: Nỗi sầu muộn là sự buồn rầu, trạng thái buồn phiền, sự sầu muộn ở nội tâm, sự buồn thảm ở nội tâm, sự nóng nảy ở nội tâm, sự bực tức ở nội tâm, nỗi ưu phiền do trạng thái bực bội của tâm, mũi tên sầu muộn của người bị tác động bởi sự rủi ro về thân quyến, bị tác động bởi sự rủi ro về của cải, bị tác động bởi sự rủi ro về bệnh tật, bị tác động bởi sự suy giảm về giới hạnh, bị tác động bởi sự suy giảm về kiến thức, bị gặp phải sự rủi ro này hoặc rủi ro khác, hoặc bị tác động bởi sự khổ này hoặc sự khổ khác. Sự bỏn xẻn: Có năm loại bỏn xẻn: bỏn xẻn về chỗ ở, bỏn xẻn về gia tộc, bỏn xẻn về lợi lộc, bỏn xẻn về danh tiếng, bỏn xẻn về Pháp. Bỏn xẻ với hình thức như vầy là biểu hiện của bỏn xẻn, trạng thái của bỏn xẻn, sự hám lợi, keo kiệt, tính chất bủn xỉn, trạng thái nắm giữ của tâm, điều này được gọi là bỏn xẻn. Còn nữa, bỏn xẻn về uẩn cũng là bỏn xẻn, bỏn xẻn về giới cũng là bỏn xẻn, bỏn xẻn về xứ cũng là bỏn xẻn, sự nắm lấy được gọi là bỏn xẻn; – ‘các sự than vãn, các nỗi sầu muộn, và thêm các sự bỏn xẻn’ là như thế.
Các sự ngã mạn, và ngã mạn thái quá, rồi thêm các việc nói đâm thọc –Ngã mạn: Ở đây một người nào đó sanh khởi ngã mạn về xuất thân, về dòng dõi, về con nhà gia thế, về vẻ đẹp của vóc dáng, về tài sản, về học vấn, về công việc, về tài nghệ, về kiến thức, về sự học hỏi, về tài biện giải, hoặc về sự việc này khác. Ngã mạn thái quá: Ở đây một người nào đó khinh khi người khác theo sự sanh ra, theo dòng họ, –nt– hoặc theo sự việc này khác.
Việc nói đâm thọc: Ở đây, một người nào đó có lời nói đâm thọc: sau khi nghe ở chỗ này, là người nói lại ở chỗ kia nhằm chia rẽ những người này, hoặc là sau khi nghe ở chỗ kia, là người nói lại cho những người này nhằm chia rẽ những người kia; như vậy là người chia rẽ những kẻ đã được hợp nhất, là người khuyến khích những kẻ chia rẽ, là người thỏa thích phe nhóm, thích thú phe nhóm, hân hoan phe nhóm, là người nói lời tạo ra phe nhóm. Điều này được gọi là việc nói đâm thọc. Thêm nữa, người đem lại việc nói đâm thọc vì hai lý do: vì mong muốn được thương hoặc là vì ý định chia rẽ. Đem lại việc nói đâm thọc vì mong muốn được thương nghĩa là thế nào? (Nghĩ rằng): ‘Ta sẽ được người này yêu thương, ta sẽ được quý mến, ta sẽ được tin cậy, ta sẽ trở thành thân tín, ta sẽ trở thành tâm phúc;’ đem lại việc nói đâm thọc vì mong muốn được thương nghĩa là như vậy. Đem lại việc nói đâm thọc vì ý định chia rẽ nghĩa là thế nào? (Nghĩ rằng): ‘Làm thế nào để những người này trở thành xa lạ, trở thành tách biệt, trở thành phe nhóm, trở thành hai phần, trở thành hai phía, trở thành hai nhánh, bị chia rẽ, không thể hội tụ, sống khổ sở không thoải mái?’ đem lại việc nói đâm thọc vì ý định chia rẽ nghĩa là như vậy; – ‘các sự ngã mạn, và ngã mạn thái quá, rồi thêm các việc nói đâm thọc’ là như thế.
Từ đâu chúng phát khởi? Nào, xin ngài hãy nói về điều ấy – Sự cãi cọ, sự tranh cãi, sự than vãn, nỗi sầu muộn, sự bỏn xẻn, sự ngã mạn, sự ngã mạn thái quá, và việc nói đâm thọc, tám điều ô nhiễm này phát khởi từ đâu, sanh ra từ đâu, sanh khởi từ đâu, hạ sanh từ đâu, phát sanh từ đâu, xuất hiện từ đâu, có cái gì là căn nguyên, có cái gì là nhân sanh khởi, có cái gì là mầm sanh khởi, có cái gì là nguồn sanh khởi? (Vị ấy) hỏi về nguồn gốc, hỏi về nhân, hỏi về căn nguyên, hỏi về sự xuất phát, hỏi về nguồn sanh khởi, hỏi về nguồn phát khởi, hỏi về yếu tố nuôi dưỡng, hỏi về đối tượng, hỏi về duyên khởi, hỏi về nhân sanh khởi của tám điều ô nhiễm này, là chất vấn, là yêu cầu, là thỉnh cầu, là đặt niềm tin; – ‘từ đâu chúng phát khởi? Nào, xin ngài hãy nói về điều ấy’ là như thế. Nào, xin ngài hãy nói, hãy nêu ra, hãy thuyết giảng, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ; – ‘từ đâu chúng phát khởi? Nào, xin ngài hãy nói về điều ấy’ là như thế.
Vì thế, vị (Phật) do thần thông biến hóa ra đã hỏi rằng:
“Từ đâu phát khởi các sự cãi cọ, các sự tranh cãi,
các sự than vãn, các nỗi sầu muộn, và thêm các sự bỏn xẻn,
các sự ngã mạn, và ngã mạn thái quá, rồi thêm các việc nói đâm thọc?
Từ đâu chúng phát khởi? Nào, xin ngài hãy nói về điều ấy.”
Từ vật được yêu mến, phát khởi các sự cãi cọ, các sự tranh cãi,
các sự than vãn, các nỗi sầu muộn, và thêm các sự bỏn xẻn,
các sự ngã mạn, và ngã mạn thái quá, rồi thêm các việc nói đâm thọc.
Các sự cãi cọ, các sự tranh cãi là có liên quan đến sự bỏn xẻn.
Và ở các cuộc tranh cãi đã được sanh ra, có các việc nói đâm thọc.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Từ vật được yêu mến, phát khởi các sự cãi cọ, các sự tranh cãi,
các sự than vãn, các nỗi sầu muộn, và thêm các sự bỏn xẻn,
các sự ngã mạn, và ngã mạn thái quá, rồi thêm các việc nói đâm thọc.
Các sự cãi cọ, các sự tranh cãi là có liên quan đến sự bỏn xẻn.
Và ở các cuộc tranh cãi đã được sanh ra, có các việc nói đâm thọc.”
Vậy các vật được yêu mến ở thế gian có căn nguyên từ đâu, và luôn cả những ai sống ở thế gian cũng do tham (tham ấy có căn nguyên từ đâu)? Mong mỏi và sự thành tựu (của mong mỏi) – những sự việc đưa đến đời sống kế tiếp của con người – có căn nguyên từ đâu?
Vì thế, vị (Phật) do thần thông biến hóa ra đã hỏi rằng:
“Vậy các vật được yêu mến ở thế gian có căn nguyên từ đâu, và luôn cả những ai sống ở thế gian cũng do tham (tham ấy có căn nguyên từ đâu)? Mong mỏi và sự thành tựu (của mong mỏi) – những sự việc đưa đến đời sống kế tiếp của con người – có căn nguyên từ đâu?”
Các vật được yêu mến ở thế gian có mong muốn là căn nguyên, và luôn cả những ai sống ở thế gian cũng do tham (tham ấy có căn nguyên từ mong muốn). Mong mỏi và sự thành tựu (của mong mỏi) – những sự việc đưa đến đời sống kế tiếp của con người – có căn nguyên từ đây (từ sự mong muốn).
"Thửa ruộng được cày với sự mong mỏi, hạt giống được gieo với sự mong mỏi, những người thương buôn đi biển với sự mong mỏi là những người mang về của cải. Với sự mong mỏi nào mà tôi đứng (ở đây), mong rằng sự mong mỏi ấy của tôi được thành tựu."
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Các vật được yêu mến ở thế gian có mong muốn là căn nguyên, và luôn cả những ai sống ở thế gian cũng do tham (tham ấy có căn nguyên từ mong muốn). Mong mỏi và sự thành tựu (của mong mỏi) – những sự việc đưa đến đời sống kế tiếp của con người – có căn nguyên từ đây (từ sự mong muốn).”
Vậy mong muốn ở thế gian có căn nguyên từ đâu?
Và luôn cả các phán đoán được phát khởi từ đâu?
Sự giận dữ, lời nói giả dối, và sự nghi ngờ,
và luôn cả các pháp nào đã được bậc Sa-môn nói đến?
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Vậy mong muốn ở thế gian có căn nguyên từ đâu?
Và luôn cả các phán đoán được phát khởi từ đâu?
Sự giận dữ, lời nói giả dối, và sự nghi ngờ,
và luôn cả các pháp nào đã được bậc Sa-môn nói đến?”
Khoái lạc, không khoái lạc – là điều con người ở thế gian đã nói;
nương tựa vào điều ấy, mong muốn phát khởi.
Sau khi nhìn thấy sự hiện hữu và không hiện hữu ở các sắc,
con người ở thế gian thực hiện sự phán quyết.
Khoái lạc, không khoái lạc – là điều con người ở thế gian đã nói – Khoái lạc: là cảm thọ lạc và sự việc được ước muốn. Không khoái lạc: là cảm thọ khổ và sự việc không được ước muốn. Là điều con người ở thế gian đã nói: là điều người ta đã nói, điều người ta thuyết, điều người ta phát ngôn, điều người ta diễn giải, điều người ta diễn tả; – ‘khoái lạc, không khoái lạc – là điều con người ở thế gian đã nói’ là như thế.
Nương tựa vào điều ấy, mong muốn phát khởi – Nương tựa vào khoái lạc và không khoái lạc, nương tựa vào hạnh phúc và khổ đau, nương tựa vào hỷ tâm và ưu tâm, nương tựa vào vật ước muốn và không ước muốn, nương tựa vào sự say đắm và bất bình, mong muốn hiện diện, phát khởi, phát xuất, sanh ra, sanh khởi, hạ sanh, phát sanh; – ‘nương tựa vào điều ấy, mong muốn phát khởi’ là như thế.
Sau khi nhìn thấy sự hiện hữu và không hiện hữu ở các sắc – Ở các sắc: là bốn yếu tố chính (đất nước gió lửa) và sắc liên quan đến bốn yếu tố chính. Sự hiện hữu của các sắc là việc nào? Sự hiện hữu của các sắc là sự sanh ra, sự sanh khởi, sự hạ sanh, sự phát sanh, sự xuất hiện của các sắc. Sự không hiện hữu của các sắc là việc nào? Sự không hiện hữu của các sắc là sự tiêu hoại, sự hoại diệt, sự tan rã, sự sụp đổ, sự không tồn tại, sự không hiện hữu của các sắc. Sau khi nhìn thấy sự hiện hữu và không hiện hữu ở các sắc: là sau khi nhìn thấy, sau khi nhìn xem, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt sự hiện hữu và không hiện hữu ở các sắc; – ‘sau khi nhìn thấy sự hiện hữu và không hiện hữu ở các sắc’ là như thế.
Con người ở thế gian thực hiện sự phán quyết – Sự phán quyết: Có hai sự phán quyết: sự phán quyết do tham ái và sự phán quyết do tà kiến.
Thực hiện sự phán quyết do tham ái là thế nào? Ở đây, các của cải của một người nào đó còn chưa được sanh lên thì không sanh lên, và các tài sản đã được sanh lên thì đi đến hoại diệt. Người ấy khởi ý như sau: ‘Bởi lý do gì mà các của cải của ta còn chưa được sanh lên thì không sanh lên, và các tài sản đã được sanh lên thì đi đến hoại diệt?’ Người ấy còn khởi ý như sau: ‘Khi ta gắn bó với việc dễ duôi uống chất say là rượu và chất lên men, các của cải của ta còn chưa được sanh lên thì không sanh lên, và các tài sản đã được sanh lên thì đi đến hoại diệt. Khi ta gắn bó với việc lai vãng ở các đường phố vào ban đêm, các của cải của ta còn chưa được sanh lên thì không sanh lên, và các tài sản đã được sanh lên thì đi đến hoại diệt. Khi ta gắn bó với việc thăm viếng các cuộc hội hè, – Khi ta gắn bó với việc dễ duôi ở các trò cờ bạc, – Khi ta gắn bó với các bạn ác xấu, các của cải của ta còn chưa được sanh lên thì không sanh lên, và các tài sản đã được sanh lên thì đi đến hoại diệt. Khi ta gắn bó với việc lười biếng, các của cải của ta còn chưa được sanh lên thì không sanh lên, và các tài sản đã được sanh lên thì đi đến hoại diệt,’ sau khi lập trí như vậy thì không thân cận với các sáu đường lối làm tiêu tán của cải và thân cận với sáu đường lối đem lại của cải; thực hiện sự phán quyết do tham ái là như vậy. Hoặc là, thực hành nghề nông, hoặc nghề buôn bán, hoặc chăn trâu bò, hoặc nghề bắn cung, hoặc hầu hạ vua chúa, hoặc một nghề nghiệp nào đó; thực hiện sự phán quyết do tham ái còn là như vậy.
Thực hiện sự phán quyết do tà kiến là thế nào? Khi mắt sanh lên thì biết rằng: ‘Bản ngã của ta sanh lên.’ Khi mắt biến mất thì biết rằng: ‘Bản ngã của ta biến mất, bản ngã của ta đã đi khỏi;’ thực hiện sự phán quyết do tà kiến là như vậy. Khi tai – Khi mũi – Khi lưỡi – Khi thân – Khi sắc – Khi thinh – Khi hương – Khi vị – Khi xúc sanh lên thì biết rằng: ‘Bản ngã của ta sanh lên.’ Khi xúc biến mất thì biết rằng: ‘Bản ngã của ta biến mất, bản ngã của ta đã đi khỏi;’ tiến hành, làm sanh ra, làm sanh khởi, làm hạ sanh, làm phát sanh sự phán quyết do tà kiến còn là như vậy. Con người: là chúng sanh, đàn ông, thanh niên, –nt– nhân loại. Ở thế gian: ở thế gian của khổ cảnh, –nt– ở thế gian của các xứ; – ‘con người ở thế gian thực hiện sự phán quyết’ là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Khoái lạc, không khoái lạc – là điều con người ở thế gian đã nói;
nương tựa vào điều ấy, mong muốn phát khởi.
Sau khi nhìn thấy sự hiện hữu và không hiện hữu ở các sắc,
con người ở thế gian thực hiện sự phán quyết.”
Sự giận dữ, lời nói giả dối, và sự nghi ngờ,
các pháp này (sanh lên) trong khi cặp đôi[1] có mặt.
Kẻ có sự nghi ngờ nên học tập theo đường lối của trí.
Sau khi đã nhận biết, các pháp đã được bậc Sa-môn nói lên.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Sự giận dữ, lời nói giả dối, và sự nghi ngờ,
các pháp này (sanh lên) trong khi cặp đôi có mặt.
Kẻ có sự nghi ngờ nên học tập theo đường lối của trí.
Sau khi đã nhận biết, các pháp đã được bậc Sa-môn nói lên.”
Khoái lạc và không khoái lạc có căn nguyên từ đâu?
Khi cái gì không có mặt thì hai pháp này không có mặt?
Về sự hiện hữu và không hiện hữu, điều nào là ý nghĩa?
Xin Ngài hãy nói cho tôi điều ấy có căn nguyên từ đâu?
Vì thế, vị (Phật) đã được hóa hiện ra đã hỏi rằng:
“Khoái lạc và không khoái lạc có căn nguyên từ đâu?
Khi cái gì không có mặt thì hai pháp này không có mặt?
Về sự hiện hữu và không hiện hữu, điều nào là ý nghĩa?
Xin Ngài hãy nói cho tôi điều ấy có căn nguyên từ đâu?”
Khoái lạc và không khoái lạc có xúc là căn nguyên.
Khi xúc không có mặt, hai pháp này không có mặt.
Về sự hiện hữu và không hiện hữu, điều nào là ý nghĩa,
Ta nói cho ngươi điều ấy có căn nguyên từ đây.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Khoái lạc và không khoái lạc có xúc là căn nguyên.
Khi xúc không có mặt, hai pháp này không có mặt.
Về sự hiện hữu và không hiện hữu, điều nào là ý nghĩa,
Ta nói cho ngươi điều ấy có căn nguyên từ đây.”
Vậy xúc ở thế gian có căn nguyên từ đâu?
Và các sự bám giữ được khởi sanh từ đâu?
Khi cái gì không có mặt, thì không có trạng thái chấp là của ta?
Khi cái gì không hiện hữu, thì các xúc không xúc chạm?
Vì thế, vị (Phật) đã được hóa hiện ra đã hỏi rằng:
“Vậy xúc ở thế gian có căn nguyên từ đâu?
Và các sự bám giữ được khởi sanh từ đâu?
Khi cái gì không có mặt, thì không có trạng thái chấp là của ta?
Khi cái gì không hiện hữu, thì các xúc không xúc chạm?”
Các xúc tùy thuộc vào danh và sắc.
Và các sự bám giữ có ước muốn là căn nguyên.
Khi ước muốn không có mặt thì không có trạng thái chấp là của ta.
Khi sắc không hiện hữu, thì các xúc không xúc chạm.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Xúc tùy thuộc vào danh và sắc.
Và các sự bám giữ có ước muốn là căn nguyên.
Khi ước muốn không có mặt thì không có trạng thái chấp là của ta.
Khi sắc không hiện hữu, thì các xúc không xúc chạm.”
Đối với vị đã thành đạt thế nào thì sắc không hiện hữu?
Hạnh phúc hoặc luôn cả khổ đau không hiện hữu như thế nào?
Xin ngài hãy nói cho tôi điều ấy không hiện hữu ra sao,
chúng tôi sẽ biết điều ấy – ý nghĩ của tôi đã là thế ấy.
Vì thế, vị (Phật) do thần thông biến hóa ra đã hỏi rằng:
“Đối với vị đã thành đạt thế nào thì sắc không hiện hữu?
Hạnh phúc hoặc luôn cả khổ đau không hiện hữu như thế nào?
Xin ngài hãy nói cho tôi điều ấy không hiện hữu ra sao,
‘chúng tôi sẽ biết điều ấy,’ ý nghĩ của tôi đã là thế ấy.”
Không phải là có tưởng do tưởng, không phải là có tưởng do tưởng sai lệch, cũng không phải là không có tưởng, không phải là có tưởng không được hiện hữu; đối với vị đã thành đạt như vậy thì sắc không hiện hữu, bởi vì cái gọi là vọng tưởng có tưởng là căn nguyên.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Không phải là có tưởng do tưởng, không phải là có tưởng do tưởng sai lệch, cũng không phải là không có tưởng, không phải là có tưởng không được hiện hữu; đối với vị đã thành đạt như vậy thì sắc không hiện hữu, bởi vì cái gọi là vọng tưởng có tưởng là căn nguyên.”
Điều mà chúng tôi đã hỏi Ngài, Ngài đã trả lời chúng tôi. Chúng tôi hỏi Ngài điều khác. Nào, xin Ngài hãy nói về điều ấy. Có phải một số bậc sáng suốt ở nơi đây nói rằng sự trong sạch của chúng sanh đến chừng này là cao nhất,[2] hay là họ còn nói về điều khác so với điều này?
Vì thế, vị (Phật) do thần thông biến hóa ra đã hỏi rằng:
“Điều mà chúng tôi đã hỏi Ngài, Ngài đã trả lời chúng tôi. Chúng tôi hỏi Ngài điều khác. Nào, xin Ngài hãy nói về điều ấy. Có phải một số bậc sáng suốt ở nơi đây nói rằng sự trong sạch của chúng sanh đến chừng này là cao nhất, hay là họ còn nói về điều khác so với điều này?”
Một số bậc sáng suốt ở nơi đây nói rằng sự trong sạch của chúng sanh chỉ đến chừng này là cao nhất. Trái lại, một số trong số đó nói về sự tịch diệt (đoạn kiến), trong khi tuyên bố là thiện xảo về trạng thái không còn dư sót.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Một số bậc sáng suốt ở nơi đây nói rằng sự trong sạch của chúng sanh chỉ đến chừng này là cao nhất.
Trái lại, một số trong số đó nói về sự tịch diệt (đoạn kiến), trong khi tuyên bố là thiện xảo về trạng thái không còn dư sót.”
Và sau khi nhận biết những người này là những kẻ nương tựa,[3]
sau khi nhận biết, bậc hiền trí ấy có sự cân nhắc về các sự nương tựa,
sau khi nhận biết, bậc đã được giải thoát không đi đến tranh cãi,
bậc sáng trí không đi đến tái sanh ở hữu và phi hữu.
Và sau khi nhận biết những người này là những kẻ nương tựa – Những người này: Những người theo tà kiến. Những kẻ nương tựa: sau khi nhận biết là ‘những người nương theo thường kiến,’ sau khi nhận biết là ‘những người nương theo đoạn kiến,’ sau khi nhận biết là ‘những người nương theo thường và đoạn kiến,’ sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt; – ‘và sau khi nhận biết những người này là những kẻ nương tựa’ là như thế.
Sau khi nhận biết, bậc hiền trí ấy có sự cân nhắc về các sự nương tựa – Bậc hiền trí: Bản thể hiền trí nói đến trí, –nt– đã vượt qua sự quyến luyến và mạng lưới (tham ái và tà kiến), vị ấy là hiền trí. Bậc hiền trí sau khi nhận biết là ‘những người nương theo thường kiến,’ sau khi nhận biết là ‘những người nương theo đoạn kiến,’ sau khi nhận biết là ‘những người nương theo thường và đoạn kiến,’ sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt. Vị ấy có sự cân nhắc: là vị sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành mạch, có sự thông minh; – ‘sau khi nhận biết, bậc hiền trí ấy có sự cân nhắc về các sự nương tựa’ là như thế.
Sau khi nhận biết, bậc đã được giải thoát không đi đến tranh cãi – Sau khi nhận biết là sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt. Đã được giải thoát: là đã được thoát khỏi, đã được giải thoát, đã khéo được giải thoát, đã được giải thoát hoàn toàn với sự giải thoát tuyệt đối không còn chấp thủ. Sau khi nhận biết, sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: ‘Tất cả các hành là vô thường,’ thì đã được thoát khỏi, đã được giải thoát, đã khéo được giải thoát, đã được giải thoát hoàn toàn với sự giải thoát tuyệt đối không còn chấp thủ. Sau khi nhận biết, sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: ‘Tất cả các hành là khổ,’ –nt– ‘Tất cả các pháp là vô ngã,’ –nt– ‘Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt,’ thì đã được thoát khỏi, đã được giải thoát, đã khéo được giải thoát, đã được giải thoát hoàn toàn với sự giải thoát tuyệt đối không còn chấp thủ; – ‘sau khi nhận biết, bậc đã được giải thoát’ là như thế. Không đi đến tranh cãi: không gây ra sự cãi cọ, không gây ra sự cãi lộn, không gây ra sự cãi vã, không gây ra sự tranh cãi, không gây ra sự gây gỗ. Bởi vì, điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này Aggivessana, với tâm đã được giải thoát như vậy, vị tỳ khưu không nói hùa theo bất cứ ai, không tranh cãi với bất cứ ai, sử dụng ngôn từ được thông dụng ở thế gian, và không bám víu (vào ngôn từ ấy);’ – ‘sau khi nhận biết, bậc đã được giải thoát không đi đến tranh cãi’ là như thế.
Bậc sáng trí không đi đến tái sanh ở hữu và phi hữu – Ở hữu và phi hữu: ở hữu và phi hữu, ở sự hiện hữu của nghiệp, ở sự tái sanh, ở sự hiện hữu của nghiệp ở dục giới, ở sự tái sanh ở dục giới, ở sự hiện hữu của nghiệp ở sắc giới, ở sự tái sanh ở sắc giới, ở sự hiện hữu của nghiệp ở vô sắc giới, ở sự tái sanh ở vô sắc giới, ở sự hiện hữu liên tục, ở cảnh giới tái sanh liên tục, ở sự tái sanh liên tục, ở sự nối liền tái sanh liên tục, ở sự phát sanh bản ngã liên tục; không đi đến tái sanh, không đi đến gặp gỡ, không nắm lấy, không bám víu, không cố chấp. Bậc sáng trí: bậc sáng trí là vị sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành mạch, có sự thông minh; – ‘bậc sáng trí không đi đến tái sanh ở hữu và phi hữu’ là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Và sau khi nhận biết những người này là ‘những kẻ nương tựa,’
sau khi nhận biết, bậc hiền trí ấy có sự cân nhắc về các sự nương tựa,
sau khi nhận biết, bậc đã được giải thoát không đi đến tranh cãi,
bậc sáng trí không đi đến tái sanh ở hữu và phi hữu.”
Diễn Giải Kinh ‘Cãi Cọ và Tranh Cãi’ - Phần thứ mười một được đầy đủ.
--ooOoo--
[1] Là hai pháp khoái lạc và không khoái lạc (SnA. ii, 552).
[2] Nói về sự chứng đạt các tầng thiền vô sắc (Sđd.).
[3] Những người này nương tựa vào thường kiến hoặc đoạn kiến (NiddA. ii, 359).
[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14][15][16]
[Thư Mục Tổng Quát][ĐẠI DIỄN GIẢI][TIỂU DIỄN GIẢI]