TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 35
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
MAHĀNIDDESAPĀḶI - ĐẠI DIỄN GIẢI
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda

13. MAHĀVIYŪHASUTTANIDDESO - DIỄN GIẢI KINH SỰ DÀN TRẬN LỚN

 

Giờ phần Diễn Giải Kinh ‘Sự Dàn Trận Lớn’ được nói đến:

 

13 - 1

 

Bất cứ những người nào, trong khi sống theo quan điểm (riêng của cá nhân), tranh cãi rằng: ‘Chỉ điều này là chân lý,’ có phải tất cả những người ấy đều mang lại sự chê bai, hay họ cũng đạt được sự khen ngợi về việc ấy?

 

Bất cứ những người nào, trong khi sống theo quan điểm (riêng của cá nhân) – Bất cứ những người nào: tất cả theo mọi hình thức, tất cả ở mọi nơi, một cách trọn vẹn, không còn dư sót, cụm từ ‘ye keci’ này là lối nói của sự bao gồm. Trong khi sống theo quan điểm (riêng của cá nhân): Có một số Sa-môn và Bà-la-môn là những người theo tà kiến. Các vị ấy chấp nhận, tiếp thu, nắm lấy, bám víu, cố chấp tà kiến này khác trong số 62 tà kiến, rồi sống, cộng trú, thường trú, cư trú theo tà kiến của riêng mình. Giống như những người tại gia sống trong các ngôi nhà, những người có tội lỗi sống trong các tội lỗi, những người có ô nhiễm sống trong các ô nhiễm, tương tợ y như thế, có một số –nt– cư trú theo tà kiến của riêng mình; – ‘bất cứ những người nào, trong khi sống theo quan điểm (riêng của cá nhân)’ là như thế.

 

Tranh cãi rằng: ‘Chỉ điều này là chân lý’ – Họ nói, thuyết giảng, phát ngôn, diễn giải, diễn tả rằng: ‘Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.’ Họ nói, thuyết giảng, phát ngôn, diễn giải, diễn tả rằng: ‘Thế giới là không thường còn, —nt— Đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại;’ – ‘tranh cãi rằng: ‘Chỉ điều này là chân lý’ là như thế.

 

Có phải tất cả những người ấy đều mang lại sự chê bai – Có phải tất cả các Sa-môn và Bà-la-môn ấy đều đi đến sự chê bai, đều đi đến sự chê trách, đều đi đến sự không có tiếng tăm; có phải tất cả đều bị chê bai, tất cả đều bị chê trách, tất cả đều không được nổi tiếng– ‘có phải tất cả những người ấy đều mang lại sự chê bai’ là như thế.

 

Hay họ cũng đạt được sự khen ngợi về việc ấy? – Về việc ấy, do quan điểm của mình, do sự chấp nhận của mình, do sự ưa thích của mình, do quan niệm của mình, họ đạt được, họ tiếp nhận, họ đạt đến, họ kiếm được sự ca ngợi, sự khen ngợi, sự tán dương, sự ca tụng; – ‘hay họ cũng đạt được sự khen ngợi về việc ấy?’ là như thế.

 

Vì thế, vị (Phật) do thần thông biến hóa ra đã hỏi rằng:

“Bất cứ những người nào, trong khi sống theo quan điểm (riêng của cá nhân), tranh cãi rằng: ‘Chỉ điều này là chân lý,’ có phải tất cả những người ấy đều mang lại sự chê bai, hay họ cũng đạt được sự khen ngợi về việc ấy?”

 

13 - 2

 

Bởi vì việc (ca ngợi) này là ít ỏi, không đủ để đưa đến sự yên lặng. Ta nói đến hai kết quả của sự tranh cãi. Và sau khi nhìn thấy như vậy, thì không nên tạo ra sự tranh cãi, trong khi nhận thấy vùng đất không tranh cãi là an toàn (Niết Bàn).

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Bởi vì việc (ca ngợi) này là ít ỏi, không đủ để đưa đến sự yên lặng. Ta nói đến hai kết quả của sự tranh cãi. Và sau khi nhìn thấy như vậy, thì không nên tạo ra sự tranh cãi, trong khi nhận thấy vùng đất không tranh cãi là an toàn (Niết Bàn).”

 

13 - 3

 

Bất cứ những thỏa thuận chung nào được sanh lên từ số đông, bậc đã hiểu biết không tiếp cận tất cả những điều ấy. Trong khi không thể hiện sự chấp nhận ở điều đã được thấy, ở điều đã được nghe, vị ấy, không có sự vướng bận, tại sao lại đi đến với sự vướng bận?

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Bất cứ những thỏa thuận chung nào được sanh lên từ số đông, bậc đã hiểu biết không tiếp cận tất cả những điều ấy. Trong khi không thể hiện sự chấp nhận ở điều đã được thấy, ở điều đã được nghe, vị ấy, không có sự vướng bận, tại sao lại đi đến với sự vướng bận?”

 

13 - 4

 

Những kẻ chủ trương giới là tối thượng đã nói sự trong sạch là do sự tự chế ngự. Sau khi thọ trì phận sự, họ duy trì (nghĩ rằng): ‘Chúng ta hãy học tập ở lãnh vực này thôi, rồi sẽ có sự trong sạch;’ họ bị dẫn đến hữu trong khi tuyên bố (mình) là thiện xảo.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Những kẻ chủ trương giới là tối thượng đã nói sự trong sạch là do sự tự chế ngự. Sau khi thọ trì phận sự, họ duy trì (nghĩ rằng): ‘Chúng ta hãy học tập ở lãnh vực này thôi, rồi sẽ có sự trong sạch;’ họ bị dẫn đến hữu trong khi tuyên bố (mình) là thiện xảo.”

 

13 - 5

 

Nếu đã lìa khỏi giới và phận sự,

kẻ ấy run rẩy sau khi thất bại về hành động,

kẻ ấy tham muốn và ước nguyện sự trong sạch,

ví như người bị thất lạc với đoàn lữ hành trong khi sống xa nhà.

 

Nếu đã lìa khỏi giới và phận sự – Lìa khỏi giới và phận sự bởi hai lý do: lìa khỏi do sự can ngăn của người khác, hoặc là trong khi không thành tựu rồi lìa khỏi. Lìa khỏi do sự can ngăn của người khác là thế nào? Người khác can ngăn rằng: ‘Vị đạo sư ấy không là đấng toàn tri, pháp không khéo được thuyết giảng, tập thể không khéo được huấn luyện, quan điểm không tốt lành, lối thực hành không khéo được quy định, đạo lộ không dẫn dắt ra khỏi; ở đây không có sự trong sạch, hay sự thanh tịnh, hay sự hoàn toàn trong sạch, hay sự thoát khỏi, hay sự giải thoát, hay sự hoàn toàn thoát khỏi; ở đây không có những người được trong sạch, hay được thanh tịnh, hay được hoàn toàn trong sạch, hay được thoát khỏi, hay được giải thoát, hay được hoàn toàn thoát khỏi; họ thấp hèn, hèn kém, hèn mọn, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi; người khác can ngăn là như vậy. Trong khi bị can ngăn như vậy rồi lìa khỏi vị đạo sư, lìa khỏi giáo lý, lìa khỏi tập thể, lìa khỏi quan điểm, lìa khỏi lối thực hành, lìa khỏi đạo lộ; – lìa khỏi do sự can ngăn của người khác là như vậy. Trong khi không thành tựu rồi lìa khỏi là thế nào? Trong khi không thành tựu giới rồi lìa khỏi giới, trong khi không thành tựu phận sự rồi lìa khỏi phận sự, trong khi không thành tựu giới và phận sự rồi lìa khỏi giới và phận sự; trong khi không thành tựu rồi lìa khỏi là như vậy; – ‘nếu đã lìa khỏi giới và phận sự’ là như thế.

 

Kẻ ấy run rẩy sau khi thất bại về hành động – Kẻ ấy run rẩy: ‘Ta bị mất mát, ta bị thất bại, ta bị lầm lỡ, ta bị rơi khỏi giới, hoặc phận sự, hay giới và phận sự; ta bị thất bại do không hiểu biết,’ (nghĩ vậy) kẻ ấy run rẩy, run bắn lên, rúng động; – ‘kẻ ấy run rẩy’ là như thế. Sau khi thất bại về hành động: ‘Ta bị mất mát, ta bị thất bại, ta bị lầm lỡ, ta bị rơi khỏi phúc hành, hoặc phi phúc hành, hoặc bất động hành; ta bị thất bại do không hiểu biết,’ (nghĩ vậy) kẻ ấy run rẩy, run bắn lên, rúng động; – ‘kẻ ấy run rẩy sau khi thất bại về hành động’ là như thế.

 

Kẻ ấy tham muốn và ước nguyện sự trong sạch – Kẻ ấy tham muốn: là tham muốn giới, hoặc tham muốn phận sự, hoặc tham muốn, khởi tham muốn, tham đắm giới và phận sự; – ‘kẻ ấy tham muốn’ là như thế. Và ước nguyện sự trong sạch: là ước nguyện sự trong sạch về giới, hoặc ước nguyện sự trong sạch về phận sự, hoặc ước nguyện, mong cầu, tham đắm sự trong sạch về giới và phận sự; – ‘kẻ ấy tham muốn và ước nguyện sự trong sạch’ là như thế.

 

Ví như người bị thất lạc với đoàn lữ hành trong khi sống xa nhà – Giống như người nam, trong lúc rời khỏi nhà sống cùng đoàn lữ hành và bị rớt lại phía sau đoàn lữ hành, thì: hoặc là đuổi theo đoàn lữ hành ấy, hoặc là trở về lại nhà của mình; tương tự y như thế, kẻ theo tà kiến ấy nắm lấy vị đạo sư ấy hoặc là nắm lấy vị đạo sư khác, nắm lấy giáo lý ấy hoặc là nắm lấy giáo lý khác, nắm lấy tập thể ấy hoặc là nắm lấy tập thể khác, nắm lấy quan điểm ấy hoặc là nắm lấy quan điểm khác, nắm lấy lối thực hành ấy hoặc là nắm lấy lối thực hành khác, nắm lấy đạo lộ ấy hoặc là nắm lấy, bám víu, cố chấp đạo lộ khác; – ‘ví như người bị thất lạc với đoàn lữ hành trong khi sống xa nhà’ là như thế.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Nếu đã lìa khỏi giới và phận sự,

kẻ ấy run rẩy sau khi thất bại về hành động,

kẻ ấy tham muốn và ước nguyện sự trong sạch,

ví như người bị thất lạc với đoàn lữ hành trong khi sống xa nhà.”

 

13 - 6

 

Và sau khi đã dứt bỏ tất cả giới và phận sự,

cùng hành động có tội hoặc không có tội ấy,

trong khi không ước nguyện ‘sự trong sạch hay không trong sạch,’

đã lìa bỏ, vị ấy sống, không nắm bắt sự an tịnh (do tà kiến).

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Và sau khi đã dứt bỏ tất cả giới và phận sự,

cùng hành động có tội hoặc không có tội ấy,

trong khi không ước nguyện ‘sự trong sạch hay không trong sạch,’

đã lìa bỏ, vị ấy sống, không nắm bắt sự an tịnh (do tà kiến).”

 

13 - 7

 

Sau khi nương tựa vào điều đã bị chán ghét ấy (khổ hạnh),

hoặc vào điều gì đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác,

những kẻ chủ trương luân hồi hướng thượng nói về sự trong sạch,

chúng chưa xa lìa tham ái ở hữu và phi hữu.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Sau khi nương tựa vào điều đã bị chán ghét ấy (khổ hạnh),

hoặc vào điều gì đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác,

những kẻ chủ trương luân hồi hướng thượng nói về sự trong sạch,

chúng chưa xa lìa tham ái ở hữu và phi hữu.”

 

13 - 8

 

Bởi vì người, trong khi ước nguyện, có các sự tham muốn

thậm chí còn có sự run sợ về các điều đã được xếp đặt.

Ở đây, đối với vị nào tử và sanh là không có,

vị ấy có thế run rẩy vì cái gì, có thể tham muốn về cái gì?

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Bởi vì người, trong khi ước nguyện, có các sự tham muốn

thậm chí còn có sự run sợ về các điều đã được xếp đặt.

Ở đây, đối với vị nào tử và sanh là không có,

vị ấy có thế run rẩy vì cái gì, có thể tham muốn về cái gì?”

 

13 - 9

 

Pháp nào mà một số vị đã nói là ‘tối thắng,’

trái lại, những vị khác đã nói về pháp ấy là ‘thấp kém;’

vậy trong số những vị này, lời nói nào là sự thật,

bởi vì tất cả các vị này đều tuyên bố (mình) là thiện xảo?

 

Vì thế, vị (Phật) do thần thông biến hóa ra đã hỏi rằng:

“Pháp nào mà một số vị đã nói là ‘tối thắng,’

trái lại, những vị khác đã nói về pháp ấy là ‘thấp kém;’

vậy trong số những vị này, lời nói nào là sự thật,

bởi vì tất cả các vị này đều tuyên bố (mình) là thiện xảo?”

 

13 - 10

 

Chúng đã tuyên bố pháp của chính mình là hoàn hảo,

hơn nữa, chúng đã tuyên bố pháp của người khác là thấp kém.

Sau khi giữ khư khư (quan điểm của mình) như vậy, chúng tranh cãi,

và đã tuyên bố quan điểm riêng của từng cá nhân là sự thật.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Chúng đã tuyên bố pháp của chính mình là hoàn hảo,

hơn nữa, chúng đã tuyên bố pháp của người khác là thấp kém.

Sau khi giữ khư khư (quan điểm của mình) như vậy, chúng tranh cãi,

và đã tuyên bố quan điểm riêng của từng cá nhân là sự thật.”

 

13 - 11

Nếu là thấp kém do việc bị khinh miệt của người khác,

thì không có pháp nào là đặc biệt trong số các pháp,

bởi vì số đông tuyên bố pháp của người khác

là thấp hèn, trong khi nói một cách chắc chắn về (pháp) của mình.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Nếu là thấp kém do việc bị khinh miệt của người khác,

thì không có pháp nào là đặc biệt trong số các pháp,

bởi vì số đông tuyên bố pháp của người khác

là thấp hèn, trong khi nói một cách chắc chắn về (pháp) của mình.”

13 - 12

Hơn nữa, việc cúng dường đến học thuyết của chúng sẽ là như thế ấy,

giống như cách chúng ngợi khen đường lối của chính mình.

Toàn bộ tất cả các học thuyết có thể là đúng đắn,

bởi vì sự trong sạch của chúng chỉ liên quan đến cá nhân.

Hơn nữa, việc cúng dường đến học thuyết của chúng sẽ là như thế ấy – Việc cúng dường đến học thuyết của chúng là việc nào? Họ trọng vọng, cung kính, sùng bái, cúng dường bậc đạo sư của mình rằng: ‘Bậc đạo sư này là đấng toàn tri;’ việc này là việc cúng dường đến học thuyết của chúng. Họ trọng vọng, cung kính, sùng bái, cúng dường giáo lý của mình – tập thể của mình – quan điểm của mình – lối thực hành của mình – đạo lộ của mình rằng: ‘Đạo lộ này dẫn dắt ra khỏi;’ việc này là việc cúng dường đến học thuyết của chúng. Hơn nữa, việc cúng dường đến học thuyết của chúng sẽ là như thế ấy: Việc cúng dường đến học thuyết của chúng là sự thật, là đúng đắn, là thực thể, là đang xảy ra, là chính xác, là không bị sai lệch; – ‘hơn nữa, việc cúng dường đến học thuyết của chúng sẽ là như thế ấy’ là như thế.

Giống như cách chúng ngợi khen đường lối của chính mình – Pháp là đường lối của chúng, quan điểm là đường lối của chúng, lối thực hành là đường lối của chúng, đạo lộ là đường lối của chúng; chúng ca ngợi, khen ngợi, tán dương, ca tụng đường lối của chúng; – ‘giống như cách chúng ngợi khen đường lối của chính mình’ là như thế.

Toàn bộ tất cả các học thuyết có thể là đúng đắn – Toàn bộ tất cả các học thuyết có thể là đúng đắn, là thực thể, là đang xảy ra, là chính xác, là không bị sai lệch; – ‘toàn bộ tất cả các học thuyết có thể là đúng đắn’ là như thế.

Bởi vì sự trong sạch của chúng chỉ liên quan đến cá nhân – Sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi của các Sa-môn và Bà-la-môn ấy chỉ liên quan đến cá nhân; – ‘bởi vì sự trong sạch của chúng chỉ liên quan đến cá nhân’ là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Hơn nữa, việc cúng dường đến học thuyết của chúng sẽ là như thế ấy,

giống như cách chúng ngợi khen đường lối của chính mình.

Toàn bộ tất cả các học thuyết có thể là đúng đắn,

bởi vì sự trong sạch của chúng chỉ liên quan đến cá nhân.”

13 - 13

Đối với vị Bà-la-môn, không có việc bị hướng dẫn bởi người khác; trong số các pháp (tà kiến), không có điều gì đã được nắm bắt sau khi đã suy xét. Do điều ấy, vị Bà-la-môn vượt lên trên các sự tranh cãi, bởi vì vị Bà-la-môn nhìn thấy học thuyết khác là không tối thắng.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Đối với vị Bà-la-môn, không có việc bị hướng dẫn bởi người khác; trong số các pháp (tà kiến), không có điều gì đã được nắm bắt sau khi đã suy xét. Do điều ấy, vị Bà-la-môn vượt lên trên các sự tranh cãi, bởi vì vị Bà-la-môn nhìn thấy học thuyết khác là không tối thắng.”

13 - 14

(Nói rằng): ‘Tôi biết, tôi thấy điều ấy chắc chắn là như thế,’

một số tin rằng sự trong sạch là do việc thấy.

Nếu đã nhìn thấy, điều gì có được cho bản thân với việc (thấy) ấy?

Sau khi sai sót, chúng nói về sự trong sạch theo cách khác.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“(Nói rằng): ‘Tôi biết, tôi thấy điều ấy chắc chắn là như thế,’

một số tin rằng sự trong sạch là do việc thấy.

Nếu đã nhìn thấy, điều gì có được cho bản thân với việc (thấy) ấy?

Sau khi sai sót, chúng nói về sự trong sạch theo cách khác.”

13 - 15

Một người, trong khi nhìn, sẽ nhìn thấy danh và sắc,

hoặc sau khi nhìn thấy thì sẽ biết được mỗi chúng mà thôi.

Hãy để người ấy nhìn nhiều hay ít theo ý thích,

các bậc thiện xảo hẳn nhiên không nói sự trong sạch là do điều ấy.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Một người, trong khi nhìn, sẽ nhìn thấy danh và sắc,

hoặc sau khi nhìn thấy thì sẽ biết được mỗi chúng mà thôi.

Hãy để người ấy nhìn nhiều hay ít theo ý thích,

các bậc thiện xảo hẳn nhiên không nói sự trong sạch là do điều ấy.”

13 - 16

Kẻ có lời nói cố chấp quả thật không dễ hướng dẫn,

kẻ đang sùng bái quan điểm đã được xếp đặt.

Nương tựa vào cái gì thì nói điều tốt đẹp về cái ấy,

với lời tuyên bố về sự trong sạch, kẻ ấy đã nhìn thấy sự thật ở nơi ấy.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Kẻ có lời nói cố chấp quả thật không dễ hướng dẫn,

kẻ đang sùng bái quan điểm đã được xếp đặt.

Nương tựa vào cái gì thì nói điều tốt đẹp về cái ấy,

với lời tuyên bố về sự trong sạch, kẻ ấy đã nhìn thấy sự thật ở nơi ấy.”

13 - 17

Sau khi cân nhắc, vị Bà-la-môn không tiếp cận sự sắp đặt (của tham ái và tà kiến), không có sự hùa theo tà kiến, cũng không có sự trói buộc (sanh ra) do các loại trí. Và vị ấy, sau khi biết các thỏa thuận chung được sanh lên từ số đông, hành xả (nói rằng): Hãy để những kẻ khác tiếp thu.

Sau khi cân nhắc, vị Bà-la-môn không tiếp cận sự sắp đặt (của tham ái và tà kiến) – Không: là sự chối bỏ. Vị Bà-la-môn: Bà-la-môn do trạng thái đã loại trừ bảy pháp: –nt– Không bị phụ thuộc, tự tại, vị ấy được gọi là Bà-la-môn. Sắp đặt: Có hai sự sắp đặt: sắp đặt do tham ái và sắp đặt do tà kiến. –nt– điều này là sắp đặt do tham ái. –nt– điều này là sắp đặt do tà kiến. Sự cân nhắc: nói đến trí, là sự nhận biết, kiến thức, —nt— sự không si mê, sự chọn lựa pháp, chánh kiến. Sau khi cân nhắc, vị Bà-la-môn không tiếp cận sự sắp đặt (của tham ái và tà kiến): Vị Bà-la-môn, sau khi cân nhắc, sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: ‘Tất cả các hành là vô thường,’ ‘Tất cả các hành là khổ,’ –nt– ‘Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt,’ sau khi cân nhắc, sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt, (vị ấy) không đi đến, không tiếp cận, không đi đến gần, không nắm lấy, không bám víu, không cố chấp sự sắp đặt do tham ái hoặc sự sắp đặt do tà kiến; – ‘sau khi cân nhắc, vị Bà-la-môn không tiếp cận sự sắp đặt (của tham ái và tà kiến)’ là như thế.

Không có sự hùa theo tà kiến, cũng không có sự trói buộc (sanh ra) do các loại trí – Đối với vị ấy, 62 tà kiến là đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, được vắng lặng, được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ. Vị ấy không bị đưa đi, không bị dẫn đi, không bị lôi đi, không bị mang đi bởi tà kiến, cũng không tin tưởng tà kiến ấy từ trong cốt lõi, không trở lại; – ‘không có sự hùa theo tà kiến’ là như thế. Cũng không có sự trói buộc (sanh ra) do các loại trí: là không tạo lập, không làm sanh ra, không làm sanh khởi, không làm hạ sanh, không làm phát sanh ra sự trói buộc vào tham ái hoặc sự trói buộc vào tà kiến do trí của tám sự chứng đạt (về thiền), hoặc do trí của năm thắng trí, hoặc do trí sái quấy; – ‘không có sự hùa theo tà kiến, cũng không có sự trói buộc (sanh ra) do các loại trí’ là như thế.

Và vị ấy, sau khi biết các thỏa thuận chung được sanh lên từ số đông – Sau khi biết: sau khi nhận biết, sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt. Sau khi nhận biết, sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: ‘Tất cả các hành là vô thường.’ Sau khi nhận biết, sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: ‘Tất cả các hành là khổ,’ –nt– ‘Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt;’ – ‘và vị ấy, sau khi biết’ là như thế. Các thỏa thuận chung: nói đến 62 tà kiến, các thỏa thuận chung về quan điểm. Được sanh lên từ số đông: là được sanh ra bởi các phàm nhân, được sanh lên bởi số đông gọi là ‘các thỏa thuận chung;’ được sanh ra bởi số đông gồm nhiều người khác nhau, hoặc được sanh lên bởi số đông gọi là ‘các thỏa thuận chung;’ – ‘Và vị ấy, sau khi biết các thỏa thuận chung được sanh lên từ số đông’ là như thế.

Hành xả (nói rằng): Hãy để những kẻ khác tiếp thu – Những kẻ khác nắm lấy, bám víu, cố chấp do tác động của tham ái, do tác động của tà kiến; bậc A-la-hán hành xả, không nắm lấy, không bám víu, không cố chấp; – ‘hành xả (nói rằng): Hãy để những kẻ khác tiếp thu’ là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Sau khi cân nhắc, vị Bà-la-môn không tiếp cận sự sắp đặt (của tham ái và tà kiến), không có sự hùa theo tà kiến, cũng không có sự trói buộc (sanh ra) do các loại trí. Và vị ấy, sau khi biết các thỏa thuận chung được sanh lên từ số đông, hành xả (nói rằng): Hãy để những kẻ khác tiếp thu.”

13 - 18

Sau khi tháo gỡ các sự trói buộc ở nơi thế gian này, bậc hiền trí

không hùa theo phe nhóm ở các cuộc tranh cãi đã được sanh lên.

Vị ấy hành xả, an tịnh giữa những người không an tịnh,

không tiếp thu, (nói rằng): Hãy để những kẻ khác tiếp thu.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Sau khi tháo gỡ các sự trói buộc ở nơi thế gian này, bậc hiền trí

không hùa theo phe nhóm ở các cuộc tranh cãi đã được sanh lên.

Vị ấy hành xả, an tịnh giữa những người không an tịnh,

không tiếp thu, (nói rằng): Hãy để những kẻ khác tiếp thu.”

13 - 19

Sau khi từ bỏ các lậu hoặc trước đây, không tạo ra những lậu hoặc mới, không là người đi theo sự (tác động của) mong muốn, cũng không phải là kẻ có lời nói cố chấp, vị ấy đã được giải thoát khỏi các tà kiến, là bậc sáng trí, không bị nhơ bẩn ở thế gian, không có sự chê trách bản thân.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Sau khi từ bỏ các lậu hoặc trước đây, không tạo ra những lậu hoặc mới, không là người đi theo sự (tác động của) mong muốn, cũng không phải là kẻ có lời nói cố chấp, vị ấy đã được giải thoát khỏi các tà kiến, là bậc sáng trí, không bị nhơ bẩn ở thế gian, không có sự chê trách bản thân.”

13 - 20

Vị ấy là người diệt đạo binh ở tất cả các pháp (tà kiến), về bất cứ điều gì đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác. Vị ấy, có gánh nặng đã được đặt xuống, là bậc hiền trí đã được thoát ra khỏi, không chịu sự sắp đặt, không phải kiêng chừa, không có ước nguyện (Đức Thế Tôn nói vậy).

Bởi vì, điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

1. “Các dục là đạo binh thứ nhất của ngươi, thứ nhì nói đến là sự không hứng thú, thứ ba của ngươi là đói và khát, thứ tư gọi là tham ái.

2. Thứ năm của ngươi là dã dượi và buồn ngủ, thứ sáu gọi là sự khiếp đảm, thứ bảy của ngươi là hoài nghi, thứ tám của ngươi là thâm hiểm, bướng bỉnh.

3. Lợi lộc, danh tiếng, tôn vinh, và danh vọng nào đã đạt được sai trái, kẻ nào đề cao bản thân và khi dễ những người khác, ...

4. Này Namuci, chúng là đạo binh của ngươi, là toán xung kích của Kaṇha. Kẻ khiếp nhược không chiến thắng nó, và sau khi chiến thắng thì đạt được sự an lạc.”

5. (Chư Phật) đã nói bậc hiền trí về thân, bậc hiền trí về khẩu, bậc hiền trí về ý, bậc không còn lậu hoặc, bậc hiền trí thành tựu hiền trí hạnh là bậc có sự dứt bỏ tất cả.

6. (Chư Phật) đã nói bậc hiền trí về thân, bậc hiền trí về khẩu, bậc hiền trí về ý, bậc không còn lậu hoặc, bậc hiền trí thành tựu hiền trí hạnh là bậc có điều ác đã được rửa sạch.

7. Kẻ có dáng vẻ khờ khạo, ngu dốt, dầu với trạng thái im lặng cũng không trở thành bậc hiền trí. Nhưng người nào, tựa như người nắm lấy cái cân rồi chọn lấy vật quý giá, là người sáng suốt.

8. Người lánh xa hẳn các điều ác, người ấy là bậc hiền trí, do việc ấy người ấy trở thành bậc hiền trí. Người nào hiểu rõ cả hai thế giới, do việc ấy được gọi là bậc hiền trí.

9. Sau khi biết được pháp của những kẻ xấu và của những người tốt, nội phần và ngoại phần, ở tất cả thế giới, vị nào, được cúng dường bởi chư Thiên và nhân loại, đã vượt qua sự quyến luyến và mạng lưới (tham ái và tà kiến), vị ấy là hiền trí.”

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Vị ấy là người diệt đạo binh ở tất cả các pháp (tà kiến), về bất cứ điều gì đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác. Vị ấy, có gánh nặng đã được đặt xuống, là bậc hiền trí đã được thoát ra khỏi, không chịu sự sắp đặt, không phải kiêng chừa, không có ước nguyện” (Đức Thế Tôn nói vậy).

Diễn Giải Kinh 'Sự Dàn Trận Lớn' được đầy đủ - phần thứ mười ba.

--ooOoo--


[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14][15][16]


[Thư Mục Tổng Quát][ĐẠI DIỄN GIẢI][TIỂU DIỄN GIẢI]