TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 35
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
MAHĀNIDDESAPĀḶI - ĐẠI DIỄN GIẢI
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda

7. TISSAMETTEYYASUTTANIDDESO - DIỄN GIẢI KINH TISSA METTEYYA

 

7 - 1

 

Giờ Diễn Giải Kinh về vị Tissa Metteyya được nói đến:

 

“Bạch Ngài, xin Ngài hãy nói về sự tàn hại dành cho kẻ đeo đuổi việc đôi lứa. Sau khi lắng nghe lời dạy của Ngài, chúng con sẽ học tập về hạnh viễn ly,” (vị Tissa Metteyya đã nói thế ấy).

 

Dành cho kẻ đeo đuổi việc đôi lứa: Việc đôi lứa nghĩa là việc kết hợp của hai người, theo từng cặp, ở nơi kín đáo, là việc làm không tốt đẹp, là việc làm của các dân làng, là việc làm của những người thấp kém, là xấu xa, kết cuộc phải dùng nước tẩy rửa. Vì lý do gì mà được gọi là pháp đôi lứa? Khi cả hai bị luyến ái, bị luyến ái nặng, bị nhiễm dục, bị khởi dục, có tâm bị nắm giữ, cả hai là tương tự nhau về bản thể; vì lý do ấy mà được gọi là pháp đôi lứa. Giống như hai người gây nên sự xung đột được gọi là tay đôi, hai người gây nên sự cãi cọ được gọi là tay đôi, hai người gây nên sự tranh luận được gọi là tay đôi, hai người gây nên sự nói chuyện nhảm nhí được gọi là tay đôi, hai người gây nên sự tranh tụng được gọi là tay đôi, hai người tranh luận được gọi là tay đôi, hai người chuyện trò được gọi là tay đôi. Tương tự y như thế, khi cả hai bị luyến ái, bị luyến ái nặng, bị nhiễm dục, bị khởi dục, có tâm bị nắm giữ, cả hai là tương tự nhau về bản thể; vì lý do ấy mà được gọi là pháp đôi lứa. Dành cho kẻ đeo đuổi việc đôi lứa: dành cho kẻ gắn bó, gắn liền, gắn chặt, kết gắn ở pháp đôi lứa, đi theo nó, phát triển theo nó, xem trọng nó, uốn cong theo nó, chiều theo nó, xuôi theo nó, hướng đến nó, xem nó là chủ đạo. ‘Dành cho kẻ đeo đuổi việc đôi lứa’ là thế ấy.

 

Đại đức Tissa Metteyya đã nói thế ấy - Thế ấy: điều này nghĩa là sự liên kết từ, sự kết hợp từ, sự làm đầy đủ từ, sự gắn liền các mẫu tự, trạng thái trôi chảy của âm, tính chất tiếp nối của từ. Đại đức - Từ ‘đại đức’ này là lời nói quý mến, lời nói kính trọng, lời nói có sự tôn kính, lời nói của sự phục tùng. Tisso: là tên của vị trưởng lão ấy, là sự ấn định, sự chỉ định, sự quy định, sự diễn tả, tên gọi, sự đặt tên, sự định danh, từ mô tả, tên hiệu, từ kêu gọi. Metteyyo: là họ của vị trưởng lão ấy, là sự ấn định, sự chỉ định, sự quy định, sự diễn tả. ‘Vị Tissa Metteyya đã nói thế ấy’ là thế ấy.

 

Bạch Ngài, xin Ngài hãy nói về sự tàn hại - Sự tàn hại: Sự tàn hại là sự phá hại, sự hành hạ, sự khuấy rồi, sự bất hạnh, sự nguy hiểm. Xin Ngài hãy nói: Xin Ngài hãy bảo, hãy thuyết giảng, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ. Bạch Ngài: từ ‘bạch Ngài’ này là lời nói quý mến, lời nói kính trọng, lời nói có sự tôn kính, lời nói của sự phục tùng. ‘Bạch Ngài, xin Ngài hãy nói về sự tàn hại’ là thế ấy.

 

Sau khi lắng nghe lời dạy của Ngài: Sau khi lắng nghe, sau khi nghe rõ, sau khi học hỏi, sau khi tiếp thu, sau khi xem xét lời nói, lời phát biểu, bài thuyết giảng, sự chỉ dạy, sự khuyên bảo của Ngài. ‘Sau khi lắng nghe lời dạy của Ngài’ là thế ấy.

 

Chúng con sẽ học tập về hạnh viễn ly - Hạnh viễn ly: Có ba hạnh viễn ly: thân viễn ly, tâm viễn ly, sanh y viễn ly.

 

Thế nào là thân viễn ly? Ở đây, vị tỳ khưu thân cận chỗ trú ngụ vắng vẻ, khu rừng rậm, gốc cây, sườn núi, thung lũng, khe núi, bãi tha ma, khu rừng thưa, đồng trống, đống rơm, và sống cô quạnh về thân. Vị ấy đi một mình, đứng một mình, ngồi một mình, nằm một mình, đi vào làng để khất thực một mình, đi trở về một mình, ngồi cô độc một mình, quyết định kinh hành một mình, thực hành một mình, sống, cư xử, vận hành, bảo hộ, duy trì, nuôi dưỡng một mình. Đây là thân viễn ly.

 

Thế nào là tâm viễn ly? Đối với vị thể nhập sơ thiền, tâm được viễn ly các pháp che lấp. Đối với vị thể nhập nhị thiền, tâm được viễn ly tầm và tứ. Đối với vị thể nhập tam thiền, tâm được viễn ly hỷ. Đối với vị thể nhập tứ thiền, tâm được viễn ly lạc và khổ. Đối với vị thể nhập không vô biên xứ, tâm được viễn ly sắc tưởng, bất bình tưởng, dị biệt tưởng. Đối với vị thể nhập thức vô biên xứ, tâm được viễn ly không vô biên xứ tưởng. Đối với vị thể nhập vô sở hữu xứ, tâm được viễn ly thức vô biên xứ tưởng. Đối với vị thể nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ, tâm được viễn ly vô sở hữu xứ tưởng. Đối với vị Nhập Lưu, tâm được viễn ly sự nhận thức sai trái về thân, sự hoài nghi, sự bám víu vào giới và phận sự, tà kiến tiềm ẩn, hoài nghi tiềm ẩn, và các phiền não cộng trú với mỗi pháp ấy. Đối với vị Nhất Lai, tâm được viễn ly sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất thô thiển, ái dục tiềm ẩn và bất bình tiềm ẩn có tính chất thô thiển, và các phiền não đồng hành theo với mỗi pháp ấy. Đối với vị Bất Lai, tâm được viễn ly sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất vi tế, ái dục tiềm ẩn và bất bình tiềm ẩn có tính chất vi tế, và các phiền não cộng trú với mỗi pháp ấy. Đối với vị A-la-hán, tâm được viễn ly ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, vô minh, ngã mạn tiềm ẩn, hữu ái tiềm ẩn, vô minh tiềm ẩn, các phiền não cộng trú với mỗi pháp ấy, và mọi hiện tướng ở bên ngoài. Đây là tâm viễn ly.

 

Thế nào là sanh y viễn ly? Sanh y được nói đến các ô nhiễm, các uẩn, và cách hành. Sanh y viễn ly nói đến Bất Tử, Niết Bàn, là sự yên lặng của tất cả các hành, sự từ bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự tịch diệt, Niết Bàn. Đây là sanh y viễn ly.

 

Thân viễn ly là đối với các vị có thân đã lui về nơi ẩn dật, đã thích thú trong việc xuất ly; tâm viễn ly là đối với các vị có tâm hoàn toàn trong sạch, đã đạt đến sự trong sạch tối cao; và sanh y viễn ly là đối với các cá nhân không còn mầm mống tái sanh, đã xa lìa các pháp tạo tác.

 

Chúng con sẽ học tập về hạnh viễn ly: Vị trưởng lão ấy có việc học tập đã được học tập bình thường. Và thêm nữa, liên quan đến việc thuyết giảng Giáo Pháp, trong khi thỉnh cầu sự thuyết giảng Giáo Pháp, vị trưởng lão ấy đã nói như vầy: ‘Chúng con sẽ học tập về hạnh viễn ly.’

 

Vì thế, (trưởng lão) Tissa Metteyya đã nói rằng:

“Bạch Ngài, xin Ngài hãy nói về sự tàn hại dành cho kẻ đeo đuổi việc đôi lứa. Sau khi lắng nghe lời dạy của Ngài, chúng con sẽ học tập về hạnh viễn ly,” (vị Tissa Metteyya đã nói thế ấy).

 

7 - 2

 

Đức Thế Tôn đã nói như vầy:

“Này Metteyya, đối với kẻ đeo đuổi việc đôi lứa, lời giảng dạy thậm chí còn bị quên lãng và là kẻ thực hành sai trái; điều này ở kẻ ấy là không thánh thiện.”

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

Đức Thế Tôn đã nói như vầy: “Này Metteyya, đối với kẻ đeo đuổi việc đôi lứa, lời giảng dạy thậm chí còn bị quên lãng, và là kẻ thực hành sai trái; điều này ở kẻ ấy là không thánh thiện.”

 

7 - 3

 

Người nào sau khi sống một mình trước đây,

(giờ) gần gũi việc đôi lứa,

ví như chiếc xe bị chao đảo,

người ấy ở thế gian đã được gọi là kẻ phàm phu thấp hèn.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Người nào sau khi sống một mình trước đây,

(giờ) gần gũi việc đôi lứa,

ví như chiếc xe bị chao đảo,

người ấy ở thế gian đã được gọi là kẻ phàm phu thấp hèn.”

 

7 - 4

 

Danh vọng và tiếng tăm nào đã có trước đây,

điều ấy của vị ấy (giờ) hiển nhiên cũng bị giảm thiểu.

Sau khi nhìn thấy điều này nên học tập

nhằm dứt bỏ hẳn việc đôi lứa.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Danh vọng và tiếng tăm nào đã có trước đây,

điều ấy của vị ấy (giờ) hiển nhiên cũng bị giảm thiểu.

Sau khi nhìn thấy điều này nên học tập

nhằm dứt bỏ hẳn việc đôi lứa.”

 

7 - 5

 

Kẻ ấy, bị chi phối bởi các suy tư,

trầm tư như là kẻ khốn khổ.

Sau khi nghe lời quở trách của những người khác,

kẻ như thế ấy trở nên tủi hổ.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Kẻ ấy, bị chi phối bởi các suy tư,

trầm tư như là kẻ khốn khổ.

Sau khi nghe lời quở trách của những người khác,

kẻ như thế ấy trở nên tủi hổ.”

 

7 - 6

 

Bị khiển trách bởi các lời nói của những người khác,

rồi (kẻ này) tạo ra các vũ khí.

Điều ấy, đối với kẻ này, quả là sự vướng mắc lớn lao;

(kẻ này) lún sâu vào sự giả dối.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Bị khiển trách bởi các lời nói của những người khác, rồi (kẻ này) tạo ra các vũ khí. Điều ấy, đối với kẻ này, quả là sự vướng mắc lớn lao, (kẻ này) lún sâu vào sự giả dối.”

 

7 - 7

 

Đã được công nhận là ‘bậc sáng suốt,’ đã phát nguyện hạnh sống một mình, nếu kẻ ấy cũng gắn bó vào việc đôi lứa, ví như kẻ ngu khờ bị sầu muộn.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Đã được công nhận là ‘bậc sáng suốt,’ đã phát nguyện hạnh sống một mình, nếu kẻ ấy cũng gắn bó vào việc đôi lứa, ví như kẻ ngu khờ bị sầu muộn.”

 

7 - 8

 

Sau khi biết được điều bất lợi này, ở đây bậc hiền trí trước đó và sau này, nên thực hành vững chải hạnh sống một mình, không nên gần gũi việc đôi lứa.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Sau khi biết được điều bất lợi này, ở đây bậc hiền trí trước đó và sau này, nên thực hành vững chải hạnh sống một mình, không nên gần gũi việc đôi lứa.”

 

7 - 9

 

Nên học tập mỗi hạnh viễn ly, điều này đối với các bậc Thánh là tối thượng, với điều ấy không nên nghĩ (bản thân) là hạng nhất; vị ấy quả nhiên ở gần Niết Bàn.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Nên học tập mỗi hạnh viễn ly, điều này đối với các bậc Thánh là tối thượng, với điều ấy không nên nghĩ (bản thân) là hạng nhất; vị ấy quả nhiên ở gần Niết Bàn.”

 

7 - 10

 

Đối với bậc hiền trí đang sống, trống vắng (mọi ô nhiễm), không có trông mong các dục, đã vượt qua (bốn) dòng nước lũ, người đời, bị buộc trói ở các dục, mong cầu (được như vị ấy).

 

Đối với bậc hiền trí đang sống, trống vắng (mọi ô nhiễm) - Trống vắng: trống vắng, vắng vẻ, tách biệt là trống vắng, vắng vẻ, tách biệt với uế hạnh về thân; trống vắng, vắng vẻ, tách biệt với uế hạnh về khẩu; trống vắng, vắng vẻ, tách biệt với uế hạnh về ý; trống vắng, vắng vẻ, tách biệt với sự luyến ái, sân hận, si mê, giận dữ, thù hằn, gièm pha, ác ý, ganh tỵ, bỏn xẻn, xảo trá, bội bạc, bướng bỉnh, hung hăng, ngã mạn, kiêu căng, đam mê, xao lãng, tất cả ô nhiễm, tất cả uế hạnh, mọi sự lo lắng, mọi sự bực bội, mọi sự nóng nảy, tất cả pháp tạo tác bất thiện. Bậc hiền trí: bản thể hiền trí được gọi là trí, ―như trên― đã vượt qua sự dính líu và mạng lưới (tham ái và tà kiến), vị ấy là hiền trí. Đang sống: đang sống là đang trú, đang cư xử, đang vận hành, đang bảo hộ, đang duy trì, đang nuôi dưỡng. ‘Đối với bậc hiền trí đang sống, trống vắng (mọi ô nhiễm)’ là như thế.

 

Không có trông mong các dục - Các dục: theo sự phân hạng thì có hai loại dục: các vật dục và các ô nhiễm dục. —như trên— Các điều này được gọi là các vật dục. —như trên— Các điều này được gọi là các ô nhiễm dục. Sau khi biết toàn diện về các vật dục, sau khi dứt bỏ, sau khi từ bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi khiến cho không còn hiện hữu các ô nhiễm dục; trong khi không trông mong các dục, dục được từ bỏ, dục được tẩy trừ, dục được giải thoát, dục được dứt bỏ, dục được xả bỏ, luyến ái được xa lìa, luyến ái được từ bỏ, luyến ái được tẩy trừ, luyến ái được giải thoát, luyến ái được dứt bỏ, luyến ái được xả bỏ, không còn thèm khát, được tịch tịnh, có trạng thái mát lạnh, có sự nhận biết lạc, sống với trạng thái cao thượng tự thân; ‘không có trông mong các dục’ là như thế.

 

Đã vượt qua (bốn) dòng nước lũ, người đời, bị buộc trói ở các dục, mong cầu (được như vị ấy) - Người đời: từ đề cập đến chúng sanh; người đời bị luyến ái, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẫn, bị gần gũi, máng vào, bị vướng vào, bị giữ lại ở các dục. Những người ấy ước muốn, ưng thuận, ước nguyện, mong cầu, tham đắm đối với vị đã vượt dòng lũ (ngũ) dục, đã vượt dòng lũ của hữu, đã vượt dòng lũ tà kiến, đã vượt dòng lũ vô minh, đã vượt. đã vượt lên, đã vượt khỏi, vượt trội, vượt qua, đã vượt lên trên mọi nẻo đường luân hồi, đã đi đến bờ kia, đã đạt đến bờ kia, đã đi đến điểm cuối, đã đạt đến điểm cuối, đã đi đến đỉnh, đã đạt đến đỉnh, đã đi đến tận cùng, đã đạt đến tận cùng, đã đi đến sự hoàn tất, đã đạt đến sự hoàn tất, đã đi đến chốn bảo hộ, đã đạt đến chốn bảo hộ, đã đi đến chỗ trú ẩn, đã đạt đến chỗ trú ẩn, đã đi đến nơi nương nhờ, đã đạt đến nơi nương nhờ, đã đi đến sự không còn sợ hãi, đã đạt đến sự không còn sợ hãi, đã đi đến sự không chết, đã đạt đến sự không chết, đã đi đến Bất Tử, đã đạt đến Bất Tử, đã đi đến Niết Bàn, đã đạt đến Niết Bàn. Giống như những người thiếu nợ ước nguyện, mong cầu việc thoát khỏi nợ, giống như những người bệnh ước nguyện, mong cầu việc hết bệnh, giống như những người bị trói buộc vào sự cột trói ước nguyện, mong cầu sự giải thoát khỏi sự cột trói, giống như những người lao vào đường xa hiểm trở ước nguyện, mong cầu vùng đất tuyệt đối an toàn; tương tự như vậy người đời bị luyến ái, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẫn, bị gần gũi, máng vào, bị vướng vào, bị giữ lại ở các dục. Những người ấy ước muốn, ưng thuận, ước nguyện, mong cầu, tham đắm đối với vị đã vượt dòng lũ (ngũ) dục, đã vượt dòng lũ của hữu —như trên— đã đi đến Niết Bàn, đã đạt đến Niết Bàn; ‘đã vượt qua (bốn) dòng nước lũ, người đời, bị buộc trói ở các dục, mong cầu (được như vị ấy)’ là như thế.

 

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Đối với bậc hiền trí đang sống, trống vắng (mọi ô nhiễm), không có trông mong các dục, đã vượt qua (bốn) dòng nước lũ, người đời, bị buộc trói ở các dục, mong cầu (được như vị ấy).”

 

Diễn Giải Kinh Tissametteyya là thứ bảy.

 

--ooOoo--

 


[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14][15][16]


[Thư Mục Tổng Quát][ĐẠI DIỄN GIẢI][TIỂU DIỄN GIẢI]