SỐ 172
PHẬT NÓI KINH NHÂN DUYÊN XÂY THÁP BỒ-TÁT HIẾN THÂN CHO HỔ ĐÓI

Hán dịch: Đời Bắc lương, Sa-môn Pháp Thạnh, người nước Cao Xương.

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa đến đại thành Tỳ-sa- môn Ba-la, nước Càn-đà-việt, ở hang núi Bắc sơn, thuyết pháp giáo hóa độ vô số người từ vua, quan, muôn dân đến Trời, Rồng, Bát bộ, Nhân, Phi nhân...

Khi Đức Phật thuyết giáo xong, Ngài mỉm cười, trong miệng tỏa ra hào quang thơm ngát. Hào quang có chín màu, chiếu khắp các nước, mùi hương xông lên cũng thế. Khi ấy đại chúng thấy hào quang, nghe mùi hương đều rất hoan hỷ. Hào quang ấy trở lại nhiễu quanh Đức Phật bảy vòng rồi vào lại trong miệng Ngài.

Khi ấy, Tôn giả A-nan sửa y phục, quỳ gối chắp tay bạch Đức Phật:

– Hôm nay Đức Thế Tôn hiện tướng điềm lành hy hữu này, chắc có nhân duyên đem lại nhiều lợi ích cho chúng sinh mong nhờ. Cúi xin Đức Thế Tôn nói (cho con được nghe) lý do này.

Đức Phật dạy A-nan:

– Như lời ông thưa, khi chư Phật hiện tướng mỉm cười đều có nhân duyên lớn. Ông có muốn nghe không?

A-nan thưa:

– Thưa vâng, bạch Đấng Thiên Trung Thiên. Đức Phật bảo A-nan:

– Này A-nan, thuở quá khứ chín kiếp về trước, khi ấy ở đời không có Phật, có một đại quốc tên Càn-đà-ma-đề, vua tên Càn-đà-thi-lợi, phu nhân tên Ta-ma-mục-khư, thái tử tên Chiên-đàn-ma-đề. Nước này đất rộng, người đông, giàu có an vui, tuổi thọ con người là một ngàn năm trăm năm. Thái tử phước đức, thiên hạ thái bình, không có giặc cướp, nhân dân hòa thuận không chống đối nhau. Thái tử nhân từ, thông minh trí tuệ, thông suốt các sách vở và chín mươi sáu loại đạo thuật, phong thái đường bệ. Từ thuở ấu thơ đến khi khôn lớn, ngài thường ưa bố thí, đối với thân mạng, tài sản đều không có chút tham tiếc, lòng Từ cứu giúp đối với chúng sinh còn hơn con đỏ, lòng đại bi bình đẳng vô nhị bao trùm khắp cả mọi loài, hiếu dưỡng cha mẹ, lễ nghi chu toàn.

Lúc ấy, phụ vương tạo lập cho thái tử khu vườn cách thành không xa, diện tích vườn là tám do- tuần, có đủ loại hoa trái và những thú, chim kỳ lạ, trang nghiêm tốt đẹp. Khắp nơi trong vườn đều có suối chảy, hồ tắm, trong hồ thường có các loại hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng... Ngoài ra còn có các loại hoa sen đỏ và trắng chen lẫn. Chim Khổng tước, chim Hồng, chim Hỷ, chim Uyên ương... bay nhảy trong vườn. Hương thơm tinh khiết, trong lành và vi diệu nhất.

Một hôm thái tử cùng quần thần, bá quan và hậu phi, thế nữ lần lượt dạo chơi trong vườn, trải qua mười bảy ngày mới trở về hoàng cung. Lúc ấy trong nước có những người nghèo khổ, neo đơn, già yếu, bệnh tật, nghe thái tử trở về, họ đến ngồi bên vệ đường chìa tay về phía thái tử. Thái tử thấy thế liền đem chuỗi ngọc anh lạc và đồ trang sức trên thân cùng tiền vàng, tiền bạc, xe, ngựa, voi, bố thí hết cho những người khốn khổ. Về đến cổng thành thì thái tử chẳng còn lại vật gì, tiếc rằng người nghèo khổ còn nhiều mà không đủ bố thí. Thái tử trở về cung nghĩ đến họ, ưu tư trong lòng không buồn ăn uống.

Nhà vua hỏi thái tử:

– Con hận việc chi? Thái tử đáp:

– Tâu phụ vương, gần chỗ đi dạo xem, con trông thấy những người nghèo khổ đến ngồi bên vệ đường để xin, con đã đem hết những vật trên thân con bố thí cho họ mà vẫn còn thiếu. Vì thế nên con buồn. Nay con muốn xin phụ vương những của cải trong kho để ban bố cho mọi người. Không biết phụ vương có bằng lòng ban cho con được như ý không?

Vua nói:

– Kho tàng của quốc gia để phòng bị cho việc cần, không nên đem dùng riêng.

Sở nguyện không thành, thái tử càng buồn gấp bội. Cận thần của thái tử tên là Xà-da thấy thái tử bỏ ăn, buồn rầu áo não liền đến quỳ tâu:

– Thần có mười ngàn tiền vàng, dâng lên thái tử tùy ý xử dụng. Xin ngài chớ lo cho những người nghèo, xin ngài hãy ăn uống lại. Nếu tiền vàng không đủ, thần sẽ bán thân để cung phụng thái tử. Cận thần Xà-da đem mười ngàn tiền vàng dâng cho thái tử. Thái tử sai người đem tiền vàng bố thí cho những người nghèo, mười ngàn tiền vàng hết sạch mà vẫn còn thiếu, họ trở lại tâu cho thái tử biết. Tiền vàng đã hết mà người nghèo vẫn còn nhiều. Khi ấy, thái tử sai cận thần tìm trong kho riêng, lại được mười ngàn tiền vàng đem bố thí cho người nghèo nhưng vẫn còn thiếu.

Thái tử suy nghĩ: “Nỗi khổ của con người đều do bần cùng, cầu không được thật là khổ. Bây giờ ta nên bán thân thể đáng yêu này để cứu khổ cho mọi người, làm cho họ được an vui”. Nghĩ như thế rồi, thái tử cởi bỏ áo quý giá, mặc vào chiếc áo cũ tầm thường, lặng lẽ ra khỏi kinh thành, đi thẳng vào một nước khác tên là Bồi-đề-xá, tự bán thân cho một người Bà-la-môn được một ngàn tiền vàng. Thái tử đem số tiền này bố thí cho những người nghèo.

Người Bà-la-môn sai thái tử đem xe vào rừng chặt củi ra chợ bán. Sau một thời gian dài hái củi, ở trong núi thái tử được một khúc gỗ Ngưu đầu chiên-đàn nặng một trăm cân. Khi ấy quốc vương nước đó vốn mắc bệnh hủi, bao nhiêu thuốc thang bùa chú đều không thể bớt bệnh. Nhà vua nổi giận nói:

– Dùng thuốc làm gì? Hễ người có trăm bệnh đều có thuốc để chữa trị. Tại sao có một bệnh này mà không chữa khỏi? Hãy đem các thầy thuốc ra chợ xử trảm.

Khi ấy có một thầy thuốc cúi đầu tâu vua:

– Nay vua chỉ có một loại thuốc để trị bệnh này nhưng trong thế gian này rất khó có. Tuy tôi có nghe tên thuốc nhưng chưa thấy bao giờ.

Vua hỏi:

– Tên thuốc đó là gì? Thưa:

– Tâu đại vương, tên Ngưu đầu chiên-đàn. Vua nói:

– Làm người hành nghiệp, tội phước không đồng. Nếu người có phước thì sẽ có thuốc này.

Nhà vua tuyên bố khắp nơi: Ai có thuốc này ta sẽ chia cho phân nửa nước để đổi lấy thuốc.

Người Bà-la-môn gọi người giúp việc nói:

– Từ ngày ngươi đến đây bán củi cho ta, tuy có thu hoạch nhưng chẳng được bao nhiêu, không bằng món lợi phú quý bây giờ. Quốc vương có bệnh, sẽ đem nửa nước đổi lấy thuốc Ngưu đầu chiên-đàn. Ngươi có thể đi kiếm thuốc Chiên-đàn này đem dâng lên đại vương, ắt sẽ được như ý. Ta cùng ngươi đều được lợi lạc.

Khi ấy, người giúp việc đem Ngưu đầu chiên- đàn dâng lên quốc vương. Nhà vua được thuốc đem mài và xoa chà lên mình, bệnh hủi liền khỏi. Nhà vua rất hoan hỷ, thần dân cả nước đều được nhờ ân vui mừng.

Nhà vua triệu tập quần thần mở hội bố thí, phóng thích tù nhân, bố thí cho người nghèo thiếu, tất cả đều được an vui. Nhà vua sai đại thần phá nửa cung điện và đốc suất cho dân trong nước đem vàng, bạc, châu báu, tiền tài, ngũ cốc, vải vóc, nô tỳ, xe cộ, voi ngựa, trâu dê... phân hai. Trang nghiêm hàng trăm xe báu, ngựa cỡi ngàn con, tổ chức ca múa hát xướng, hương hoa, tràng phan, thức ăn uống trăm vị để rước người giúp việc về nước. Nhà vua mời người giúp việc đó cùng ngồi trên một tòa báu, bày tiệc ăn uống, ca múa hát xướng vui chơi. Vua hỏi người giúp việc:

– Ta thấy khanh có tướng oai phong, phước đức thù thắng hơn người. Vì sao ở nơi hạ tiện, xin nói cho ta nghe.

Người giúp việc tâu:

– Lành thay, nếu ngài muốn nghe ta sẽ nói. Đúng như điều ngài nghi ngờ, ta vốn không phải là người đi làm mướn. Ngài có nghe vua nước Càn- đà-ma-đề có thái tử tên Chiên-đàn-ma-đề, thích bố thí không?

Vua đáp:

– Ta có nghe nhưng chưa từng gặp. Thái tử nói:

– Ta chính là thái tử Chiên-đàn-ma-đề.

Nhà vua nghe thái tử nói, càng kính trọng gấp bội, liền hỏi:

– Vì lý do gì mà Ngài đến nỗi này? Thái tử trả lời:

– Ta thích bố thí, của cải của quốc vương đã hết mà vẫn chưa đủ, người nghèo khổ còn nhiều nên ta không toại nguyện, vì thế ta bỏ nước ra đi, tự đem thân bán.

Vua nói:

– Phàm làm người, hành động đời trước tùy theo nghiệp thọ quả báo, tu thiện thì an vui, làm ác thì chịu khổ, chẳng phải việc của ngài nên làm. Chẳng phải lệnh của cha mẹ, vì sao lại bỏ đất nước, với danh vọng lớn mà lặn lội vào chỗ hiểm nạn? Sự việc như thế này trong thiên hạ ít có. Chắc là có ý gì khác, xin ngài nói cho tôi biết.

Thái tử đáp:

– Ta vốn phát tâm thệ độ khắp quần sinh, thực hành các Ba-la-mật để cầu đắc quả giác ngộ.

Vua liền khen:

– Lành thay, xin rất tán thán. Thái tử bảo nhà vua:

– Bây giờ ta đem đất nước trả lại cho ngài. Chỉ xin một điều, mong ngài không trái ý ta.

Vua hỏi:

– Thái tử mong điều chi? Thái tử bèn đáp:

– Ta muốn đem của cải, tiền bạc trong kho của nhà vua bố thí cho tất cả những người bần cùng, già cả cô độc, trăm bệnh gầy yếu. Mặc ý cho ta bố thí trong năm mươi ngày, với công đức này, ngài cùng ta chung hưởng.

Vua liền nói:

– Rất tốt! Tiền bạc, của cải tùy ngài bố thí. Ta đã thưởng một nửa giang san cho công lao của ngài nên ta đâu dám nhận.

Thái tử bảo:

– Lành thay! Ngài cho ta của cải, ta xin dâng đất nước lại cho ngài. Ta thì thích bố thí mà niềm vui của ngài là quốc gia. Tính chất con người và vật chất khác nhau cho nên ý muốn không giống nhau.

Nhà vua nói:

– Hạnh nguyện của thái tử thật rộng sâu, ta không thể sánh bằng. Khi nào ngài đắc đạo xin tế độ cho ta.

Thái tử sai truyền rao khắp nước: Nếu có người nghèo cùng, già yếu cô độc, hãy đến nơi đây.

Khi ấy thái tử sai người mở các kho tàng, vận chuyển của cải đặt trên bãi đất bằng phẳng, bố thí cho người nghèo trọn năm mươi ngày. Những người nghèo được giàu có, ai nấy đều vui vẻ.

Lúc ấy tại nước Càn-đà-ma-đề, sau khi thái tử bỏ đi, quần thần sợ hãi, kêu khóc tâu vua:

– Đêm qua bỗng mất thái tử, không biết ngài đi đâu!

Vua nghe tâu như thế, từ trên ngai rơi xuống bất tỉnh. Mọi người trong cung, các hoàng phi, thể nữ... và quần thần, dân chúng ai cũng kinh ngạc, buồn thương ảo não, cất tiếng khóc than, chạy khắp các hướng kiếm tìm thái tử. Phu nhân của vua sợ mất thái tử quay quắt như cuồng, cùng với các hoàng phi khoác y phục vội vã chạy ra khỏi hoàng thành, chạy khắp các hướng Đông, Tây kiếm tìm thái tử. Nhà vua sợ phu nhân nhớ con, buồn rầu có thể liều mạng, liền cùng các quần thần chuẩn bị xe ra khỏi hoàng thành đi tìm phu nhân và tin tức thái tử.

Đi ra khỏi nước mười dặm, nơi đồng cỏ hoang vắng, nhà vua trông thấy phu nhân và các cung nữ đi theo đang đấm ngực khóc la, đầu tóc rối bù, mặt mày sưng húp, vạch khắp cỏ cây kiếm tìm thái tử. Nhà vua trông thấy cảnh tượng này, lòng càng thêm đau xót, tiến đến nắm tay phu nhân nước mắt tuôn trào, khuyên can bà:

– Con ta Từ tâm phước đức, thích bố thí, đem của cải cho hết, không oán thù, bao nhiêu của cải vật chất đã cho hết mọi người mà không đủ nên nó thường ôm lòng ray rức vì không có vật bố thí. Bây giờ con ta lén bỏ đi, chắc là đến nước khác tìm của cải để bố thí hoặc đem bán thân cung cấp cho khắp những người nghèo thiếu. Thôi, phu nhân hãy trở về cung, chớ nên buồn rầu, ta sẽ sai sứ sang các nước hỏi han tin tức, chắc chắn sẽ tìm được thái tử trở về.

Phu nhân trách:

– Tại nhà vua bỏn xẻn tiếc của, không thương nghĩ đến con. Bây giờ Ngài có thể đem tiền của thay cho con được không?

Vua nói:

– Ta đã lỡ để mất con, bây giờ hối hận sao kịp. Thôi, hãy trở về hoàng cung, chắc chắn là thái tử không mất đâu. Ta sẽ đích thân đi khắp nơi tìm được con về.

Phu nhân rơi lệ nói:

– Bây giờ con đã mất, thiếp biết sống thế nào! Thà chết nơi đây chứ không về nữa. Thiếp nghĩ đến con mình thì không biết đói khát ra sao, tuy gặp bệnh khổ cũng không cho là họa hoạn. Giờ trở về hoàng cung nương cậy với ai?

Các hậu phi của thái tử đầu bù tóc rối, gọi đất kêu trời, tìm kiếm khắp không thấy thái tử. Họ đành nuốt lệ dập đầu kêu trời:

– Thiên địa, nhật nguyệt, cha mẹ, thần linh! Nếu con có tội gì nay đều xin sám hối. Xin cho con sớm được gặp chồng con.

Lúc đó quốc vương hết sức kéo phu nhân và hậu phi thái tử lên xe trở về cung.

Khi ấy thái tử từ nơi nước khác xa xôi, đôi mắt, tay chân bị máy động ba lần, trong tâm buồn sợ giống như quên mất điều chi, liền từ giã vua kia, trở về bổn quốc. Nhà vua sai quan cận thần trang hoàng một trăm xe báu và một ngàn con ngựa, mười ngàn tiền vàng, mười vạn tiền bạc. Vua có năm trăm vị đại thần đem mười ngàn tiền vàng và mười vạn tiền bạc để tặng thái tử. Vua cùng mười ngàn vạn vị quần thần tiễn thái tử đến vùng biên giới, bày tiệc lớn cùng nhau vui vẻ tạ từ rồi chia tay.

Thái tử nghĩ: “Từ nhỏ đến giờ chân ta không bị giật và mắt không bị máy, nhưng vừa qua ta bỏ đi không từ tạ cha mẹ, chắc chắn cha mẹ và mọi người trong nước sợ mất ta cho nên buồn rầu khổ não. Bây giờ ta phải đi gấp để biết tin tức”. Rồi lại nghĩ: “Đường sá xa xôi không thể đến nhanh được, chỉ sợ cha mẹ quá lo nghĩ mà bệnh nặng hoặc chết. Ta phải làm cách nào để nhắn tin thật nhanh đến cho cha mẹ ta hay”.

Khi ấy có chim quạ nói giỏi tiếng người, thưa thái tử:

– Người có đạo đức cao dày, ân từ nhuần thấm khắp nơi, sao lại lo không có cách? Ngài muốn việc chi tôi sẽ giúp ngài?

Thái tử đáp:

– Ta muốn nhờ một việc ngay bây giờ. Quạ liền nói:

– Xin vâng lệnh. Thái tử bảo:

– Phiền ngươi hãy mang thư này đến phụ vương ta.

Quạ nói:

– Thật đúng lúc, ngài nên viết gấp đi.

Thái tử viết thư xong trao cho quạ. Quạ ngậm thư nơi mỏ rồi bay thẳng đến nước Càn-đà-ma-đề, đặt thư trước nhà vua. Vua mở thư đọc, biết được tin thái tử nên rất vui mừng, liền vào cung nói với phu nhân:

– Ta báo cho nàng biết là thái tử không mất.

Không quá vài ngày nhất định nàng sẽ gặp được con.

Phu nhân nghe xong như người chết sống lại, vỗ tay chúc mừng cho tất cả mọi người được an ổn vui vẻ, sở nguyện thành tựu, tuổi thọ lâu dài.

Lúc ấy quần thần trong nước và mọi người lớn nhỏ trong hoàng tộc nghe tin thái tử trở về đều tung hô “vạn tuế”. Nhà vua cùng vài ngàn vạn quần thần chuẩn bị lên đường đi rước thái tử. Đi giữa đường thì gặp nhau, thái tử thấy phụ vương thì bước xuống xe báu, tiến tới trước làm lễ sát đất và tâu trình phụ vương:

– Đạo làm con bất hiếu làm nhọc lòng bậc tôn quý, kinh động quốc gia. Rất mong mọi người tha thứ.

Vua nói:

– Rất tốt!

Cha con gặp nhau mừng mừng tủi tủi, cùng mọi người quay xe trở về hoàng cung. Nhân dân cả nước đều rất vui mừng. Những người hành khất nghèo nàn ở các nước xa xôi nghe tin thái tử trở về có nhiều tiền bạc đều kéo đến xin thái tử.

Thái tử sai người khiêng gánh tiền của đặt ở vùng đất trống bằng phẳng nơi đường lớn để ngài bố thí cho những người nghèo. Trong suốt một năm, hàng ngày bố thí không dứt. Mọi người ở khắp mọi nơi đến xin đều được như ý.

Khi ấy phụ vương và các quần thần nói với thái tử:

– Từ nay trở đi, kho tàng châu báu của quốc gia, tùy ý con cần dùng chớ có ngại. Đức bố thí thì xa gần đều quý trọng. Kẻ oán địch hay người độc ác nghe công đức của thái tử, tự nhiên họ sẽ tu thiện.

Lúc bấy giờ có vị Tiên đạo sĩ chứng ngũ thần thông tên Dũng Mãnh, cùng với năm trăm đệ tử ở trong hang đá lớn, trên ngọn núi này tu thiền hành đạo, chí cầu giác ngộ và thoát các khổ đau. Họ giáo hóa mọi người khiến tu thiện nghiệp. Thái tử Chiên-đàn-ma-đề đem trăm món thức ăn uống lên núi cúng dường các đạo nhân ấy.

Vị Tiên chú nguyện và thuyết pháp cho thái tử, thái tử phát tâm hoan hỷ, chí muốn giải thoát nên không muốn về nước nữa. Ngài nhìn lại cung thất thì sinh tư tưởng thấy như địa ngục, vợ con quyến thuộc như gông cùm, xem năm dục lạc tưởng là địa ngục. Suy nghĩ như thế thái tử liền cởi chuỗi ngọc anh lạc và y phục trang sức trên thân và giao ngựa xe, đoàn tùy tùng lại cho quan cận thần bảo họ trở về nước. Từ đó thái tử mặc áo da nai vào ở trong núi, theo thầy học đạo, miệt mài suy tầm phương pháp tu hành.

Khi ấy cận thần của thái tử về nước tâu vua:

– Thái tử lên núi cúng dường Tiên nhân và ở luôn trên đó học đạo, không chịu trở về cung. Khi nào thái tử thông suốt kinh sách, chú thuật, ngài sẽ trở về.

Nhà vua nói:

– Thật khổ thay! Người đời có con đến nổi vui sướng, nhờ cậy lúc tuổi già, giúp nước trừ hoạn. Ta có đứa con này lại thường ôm lòng lo khổ, nó không muốn phú quý, hoặc gần bà con. Đứa con gây phiền muộn này chẳng biết theo đường nào.

Nhà vua triệu tập quần thần cùng bàn luận vấn đề này. Các quan tâu:

– Thái tử ưa học đạo, không tham vinh hoa ở đời, chí vui giải thoát nên không trở về nước, chẳng biết thế nào. Đại vương nên sai người đến dò hỏi ý của thái tử, nếu ngài dứt khoát không về, chúng ta nên tùy ý ngài.

Nhà vua sai sứ giả đưa thư đến thái tử: “Ta đợi con như người khát nghĩ đến uống. Ý con thế nào mà ở luôn trong núi không về? Mẫu hậu và các hậu phi khóc than mong ngóng, họ đau buồn không còn biết gì cả. Bổn phận làm con là làm vui lòng cha mẹ, không nên khổ nghịch như thế. Hãy theo sứ giả trở về.” Sứ giả tuân lệnh đến tâu trình thái tử. Thái tử nói với sứ giả:

– Vạn vật vô thường, thân này không tồn tại dài lâu. Hạnh phúc gia đình cũng chịu nỗi khổ biệt ly. Tánh mạng do trời không được tự tại, một khi vô thường đến dù là cha con cũng không thể cứu giúp được nhau. Ta nay mong cầu giải thoát để thoát ra các khổ. Ngày nào đắc đạo, ta sẽ độ mẹ cha trước hết. Ta ở đây không xa, có lúc cũng về thăm viếng mẹ cha. Lòng ta đã định, xin đại vương nên tìm người kế vị. Khanh hãy về tâu lại với phụ vương ta đầy đủ những lời ta nói.

Nhà vua triệu tập quần thần để lập lại ngôi vị thái tử. Khi ấy Vương phu nhân và hậu phi, thể nữ thị tùng của thái tử, đem những vật dụng trang sức và y phục của thái tử cùng với những thức ăn uống đặc sắc, hương hoa, ca nhạc... lần lượt đi lên núi, đến chỗ thái tử ở, cúng dường cơm cho các Tiên chúng và đón thái tử.

Phu nhân nói:

– Phàm người ta trồng lúa bắp để phòng khi đói, đào giếng đợi lúc khát, xây thành ngăn giặc và nuôi con nhờ cậy lúc già. Bây giờ con không về nước, mạng sống ta khó toàn.

Thái tử quỳ xuống tâu phu nhân:

– Con từ giã gia đình vào ở trong núi, thay hình đổi dạng, như thức ăn nhổ ra khỏi miệng không dùng trở lại. Đạo sĩ sống nơi thanh vắng, đối với đất nước không tham gia, ý con đã định không thể thay đổi. Thà nát thân nơi đây chứ con không bao giờ trở về. Xin mẹ lúc trở về sẽ tu tập như vậy.

Phu nhân và hậu phi của thái tử thấy ngài ý chí bền chắc, không có ý trở về cung. Họ buồn bã gạt lệ ra về.

Lúc đó quốc vương chỉ trông phu nhân bảo được con trở về, cùng các quần thần ra ngoài đứng đợi, nhưng chỉ thấy phu nhân và các hậu phi thái tử đầu tóc rối bù, đắm ngực kêu la theo xe không trở về. Nhà vua càng buồn hơn, quần thần và mọi người ai nấy đều khóc, quay xe về cung. Quốc vương giảng giải cho phu nhân và hậu phi thái tử:

– Con ta thích con đường đạo, thế gian thật khó có. Tâm Từ ban rải, khắp cả được nhờ ân, thật là bậc tài giỏi, phi phàm, quý báu của đất nước này. Nay thái tử đã vui sống nơi núi rừng, dốc chí tu hành, lại được an ổn, thỉnh thoảng gặp nhau. Vả lại chúng ta và thái tử cách nhau không xa mấy, chúng ta sẽ đem thức ăn đến và biết được tin tức của con cũng tạm an ủi rồi.

Phu nhân nghe vua khuyên can, giảm bớt lo buồn. Từ đó bà sai người thường đem thực phẩm và các thứ trái cây ngon quý vào núi cúng dường thái tử. Trải qua nhiều năm như thế, thái tử cũng thường xuống núi hỏi thăm sức khỏe mẹ cha, rồi lại vào núi tu tập.

Ven núi thái tử ở có một hang rất sâu, dưới đáy hang đó có con hổ mẹ vừa sinh bảy con. Lúc ấy trời mưa tuyết nhiều, hổ mẹ ôm con đã nhiều ngày trôi qua không đi tìm thức ăn được, vì sợ con chết rét nên chịu đói ôm con. Tuyết rơi không dứt, mẹ con hổ bị đói sắp chết. Bị ngọn lửa đói bức bách, hổ mẹ trở lại muốn ăn con. Khi ấy chư Tiên đạo sĩ trên núi thấy sự kiện này, cùng khuyên nhau rằng:

– Ai có thể xả thân cứu giúp chúng sinh, nay thật đúng lúc.

Thái tử nói:

– Lành thay, ta nguyện làm việc này.

Thái tử đi đến ven núi, cúi đầu nhìn xuống hang sâu, thấy hổ mẹ ôm con bị tuyết phủ đầy, phát khởi tâm đại bi, đứng yên trên hang núi tịch nhiên. Thái tử đến đầu núi lặng nhập định, liền được vô sinh pháp nhẫn thanh tịnh, xem thấy việc vô số kiếp quá khứ, vị lai. Ngài trở về thưa thầy và năm trăm bạn đồng học:

– Con nay xả thân này, xin tất cả tùy hỷ cho con.

Thầy đáp:

– Con mới học đạo tri kiến chưa rộng, sao vội bỏ thân đáng yêu quý này?

Thái tử thưa:

– Bạch thầy, xưa kia con phát nguyện xả bỏ ngàn thân, từ trước đến nay con đã xả chín trăm chín mươi chín thân. Hôm nay con xả thân này là đủ ngàn thân, xin thầy tùy hỷ cho con.

Thầy đáp:

– Chí nguyện của ngươi cao vời không ai sánh kịp, chắc rằng sớm đắc đạo, không còn trở lại trầm luân.

Thái tử từ biệt thầy ra đi.

Lúc đó thầy và năm trăm vị Thần tiên đạo sĩ đồng học nước mắt đong đầy tiễn thái tử đến ven đầu núi. Lúc ấy có trưởng giả Phú Lan cùng năm trăm người đem thức ăn lên núi cúng dường, thấy thái tử xả thân, khóc lóc xót thương, cũng đi theo thái tử lên núi.

Thái tử ở trước mọi người phát đại nguyện:

– Ta nay xả thân cứu mạng sống chúng sinh, nhờ công đức này chóng thành giác ngộ, được thân Kim cang, Pháp thân vô vi, thường, lạc, ngã, tịnh. Những ai chưa độ khiến đều được độ, những ai chưa ngộ làm cho họ ngộ, những ai chưa an thì làm cho họ được an. Hiện tại thân này là vô thường, khổ não, là chỗ chứa nhóm các độc hại. Thân bất tịnh này chín lỗ thường chảy đầy, bị nọc độc của độc xà tứ đại cắn mổ, bị năm bọn giặc cướp đuổi theo làm hại, thân này không được trở lại, nếu cao lương mỹ vị và năm dục lạc cung dưỡng thân này, thì sau khi chết không có quả báo thiện, ngược lại bị đọa địa ngục, chịu khổ vô cùng. Thế nên thân này chỉ có đau khổ, không được an vui.

Thái tử chê trách vô số lỗi về thân xong, lại phát nguyện:

– Nay ta đem máu thịt cứu giúp hổ đói kia, còn lại cốt xá-lợi, sau này chắc chắn mẹ cha ta sẽ xây tháp khiến cho tất cả bệnh khổ của chúng sinh, do nhân duyên tội cũ nên thuốc thang, châm chích vẫn không khỏi bệnh, đến chỗ tháp ta chí tâm cúng dường, tùy bệnh nặng nhẹ không quá trăm ngày sẽ được dứt trừ. Nếu lời nguyện chân thật không dối thì chư Thiên mưa hương hoa xuống.

Chư Thiên đáp lời, liền mưa hoa Mạn-đà-la và mặt đất rung chuyển. Thái tử cởi áo da nai che kín đầu mặt, chắp hai tay, gieo thân trước hổ. Khi ấy, hổ mẹ ăn được thịt của Bồ-tát, mẹ con đều sống. Các người đứng yên trên miệng hang nhìn xuống thấy thái tử bị hổ ăn thịt, thịt xương vung vãi, kêu la vang dội khắp núi rừng, hoặc có người đấm ngực, lăn lộn dưới đất, hoặc có người thiền định tư duy, hoặc có người dập đầu sám hối thái tử.

Bấy giờ chư Thiên Thủ đà hội cùng Thiên đế Thích, Tứ Thiên vương... Nhật Nguyệt chư Thiên mấy ngàn vạn người đều phát tâm Vô thượng Bồ- đề. Họ trổi ca nhạc, đốt hương, rải hoa Mạn-đà-la cúng dường thái tử và xướng lên rằng:

– Lành thay, Đại Bồ-tát! Chẳng bao lâu sẽ ngồi đạo tràng.

Họ xướng ba lần như thế rồi trở về Thiên cung. Năm trăm Tiên nhân đều phát ý đạo Vô thượng Chánh chân, đại sư Thần tiên đắc Vô sinh pháp nhẫn.

Đại vương và phu nhân, sáng sớm sai sứ đem thức ăn lên núi cho thái tử. Đến chỗ thất đá thái tử thường ở, sứ giả chỉ thấy ngọa cụ, áo da nai, lọng che, bình bát, tích trượng, bình nước, chậu nước rửa... đều ở trong thất, nhưng không thấy thái tử đâu. Sứ giả hỏi khắp mọi người nhưng không ai trả lời, chỉ thấy đông đảo Tiên nhân hướng về vị thầy mà khóc. Còn vị thầy Tiên nhân hai tay chống má, nước mắt chứa chan, ngồi than thở.

Sứ giả đi giáp vòng hỏi khắp, không có ai trả lời, ông ta hoảng sợ, liền đem thức ăn cúng cho các vị Tiên, rồi chạy về tâu với phu nhân những sự kiện trên. Phu nhân hỏi:

– Không thấy con ta nhưng có thấy các vị Tiên không?

Thưa:

– Tâu lệnh bà, tôi chỉ thấy đông đảo các vị Tiên cùng hướng về một phía mà khóc.

Phu nhân la lên:

– Tai họa! Con ta chết rồi!

Phu nhân đấm ngực kêu lớn, chạy đến báo nhà vua. Vua nghe xong từ trên ngai rơi xuống, bất tỉnh nhân sự. Mọi người tụ tập bên nhà vua, dập đầu khuyên can:

– Thái tử ở trên núi chưa rõ thực hư thế nào, sao ngài xúc động thế. Xin đại vương hãy bình tỉnh.

Mọi người từ vua, phu nhân, hậu phi, thế nữ, cận thần, quan dân... vội vã khoác áo chạy lên núi. Lúc ấy trưởng giả Phú Lan cũng đến báo nhà vua:

– Hôm qua thái tử đã gieo thân xuống vực thẳm cho hổ ăn thịt, nay chỉ còn xương vương vãi trên đất.

Khi ấy, Trưởng giả dẫn vua đến chỗ đống xương thái tử. Nhà vua cùng phu nhân, hậu phi, thế nữ, quần thần và dân chúng đều cất tiếng khóc than chấn động cả hang núi. Vua và phu nhân phủ phục trên tử thi thái tử, tâm can tan nát, sầu khổ mê man.

Phu nhân của thái tử nâng đầu sửa lại tóc cho thái tử, tâm can tan nát, kêu khóc nói:

– Bậc tôn quý của ta vì sao mạng bạc chết sớm, hôm nay vĩnh biệt không bao giờ thấy lại. Thà làm cho thân ta tan nát như tro bụi, chớ khiến cho chồng ta phải chết thế này. Thái tử đã chết, ta còn sống làm gì!

Các quan tâu vua:

– Thái tử bố thí thệ độ quần sinh bị quỷ vô thường xâm đoạt, thi thể ngài chưa thối rữa, chúng ta nên thiết lễ cúng dường.

Nhà vua cho nhặt hài cốt của thái tử ra khỏi vực sâu, đem để nơi đất bằng, chất gỗ thơm Chiên-đàn và các loại gỗ thơm khác, các loại dầu thơm, tràng phan, bảo cái đẹp dùng để thiêu thái tử. Họ nhặt lấy xá-lợi đựng trong bát quý và xây bảy tháp báu, đem các vật quý giá để trang hoàng tháp. Bốn phía tháp này ngang rộng mười dặm, được trồng những hàng cây hoa quả; có suối chảy, ao tắm trang nghiêm trong sạch. Nhà vua thường sai bốn bộ ca nhạc ngày đêm trổi nhạc cho vui để cúng dường tháp này.

Đức Phật dạy A-nan:

– Thái tử lúc đó nay là Ta, phụ vương lúc đó nay là phụ vương Ta tên Duyệt-đầu-đàn, phu nhân lúc đó nay là Ma-da, hậu phi nay là Cù-di, đại thần Xà-da tức là A-nan. Vị Đại sư thần tiên trên núi ấy nay là Bồ-tát Di-lặc, vua Bùi-đề-xá nay là Nan-đà, người Bà-la-môn tức là La-vân. Bồ-tát Di-lặc từ xưa đến nay thường làm thầy Ta, vì Ta bố thí không tiếc thân mạng, cứu giúp chúng sinh cho nên vượt trước thầy chín kiếp, nay đạt đến quả Phật cứu độ vô số.

Khi Đức Phật thuyết kinh này, Trời, Rồng và tám vạn bốn ngàn người đều phát tâm Vô thượng bình đẳng, tám ngàn thầy Tỳ-kheo dứt trừ các lậu ràng buộc, được chứng đạo chánh chân. Vua cùng quần thần, Trời, Rồng, Quỷ, Thần nghe lời Phật dạy, đều rất hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ lui ra.


[Mục lục bộ Bản duyên][152][153][154][155][156][157][158][159][160][161][162][163][164][165][166][167][168][169][170][171][172][173][174][175][176][177][178][179][180][181][182][183][184][185][186][187][188][189][190][191][192][193][194][195][196][197][198][199][200][201][202][203][204][205][206][207][208][209][210][211][212][213][214][215][216][217][218][219]


[Mục lục tổng quát]