SỐ 197
KINH PHẬT NÓI VỀ HƯNG KHỞI HẠNH
Núi Côn lôn là trung tâm của cõi Diêm-phù-lợi. Núi này cấu tạo toàn bằng đá quý, chung quanh có năm trăm hang động, mỗi hang động đều cấu tạo bằng vàng ròng, thường có năm trăm vị La-hán sống trong đó. Có con suối tên là A-nậu, bên ngoài là núi bao bọc, bên trong núi là đất bằng, con suối nằm ở chính giữa, trên bờ suối toàn là vàng ròng. Có bốn con thú phun nước từ miệng, mỗi vòi phun ra chảy quanh một vòng rồi trở về chỗ cũ, xong đổ ra bốn biển. Nước từ miệng con voi phun ra chính là sông Hoàng hà. Suối này hình vuông mỗi cạnh dài hai mươi lăm do-diên, sâu ba quyết liệt, mỗi quyết liệt là bảy dặm. Trong suối này có một cái đài bằng vàng hình vuông mỗi cạnh một do-diên, trên đài có hoa sen bằng vàng, cành hoa bằng bảy chất báu.
Cứ vào ngày rằm mỗi tháng Đức Như Lai và năm trăm vị La-hán thuyết giới trên đài báu ấy. Nhân Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Đức Phật về mười nhân duyên đời quá khứ, sau ngày rằm, Đức Phật nói về kiếp trước của các đệ tử, nói xong thì kết thúc. Như vậy cho đến chín lần, cho nên mười lần hỏi mà chỉ có chín lần trả lời, dùng cây giáo nghĩa để dạy người đời nhân duyên kiếp trước đã gây ra thì không thể trốn tránh được.
Lại nữa trong suối A-nậu người có thân hình hữu lậu thì không thể đến đó được, chỉ có ngài A- nan được Như Lai dẫn đến, cho nên Đức Phật ân cần dặn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất là vì Ngài muốn giáo hóa các loài Rồng vậy.
KINH PHẬT NÓI VỀ HƯNG KHỞI HẠNH
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Khương Mạnh Tường.
Kinh Phật nói về nhân duyên đời trước của nàng Tô-đà-lợi.
Kinh Phật nói về nhân duyên đời trước của nàng Xa-di-bạt
Kinh Phật nói về nhân duyên đời trước của việc nhức đầu
Kinh Phật nói về Nhân duyên các khớp xương bị đau nhức
Kinh Phật nói về Nhân duyên đời trước của việc đau lưng
Kinh Phật nói về Nhân duyên bị cây giáo đâm vào chân
Kinh Phật nói về nhân duyên Đề-bà-đạt-đa xô đá
Kinh Phật nói về Nhân duyên Bà-la-môn nữ tên Chiên-Sa hủy báng Phật
Kinh Phật nói về Nhân duyên đời trước phải ăn lúa ngựa
Kinh Phật nói về Nhân duyên kiếp trước của sự khổ hạnh
Tôi nghe rằng: Một thuở
Phật ngự nước Ma-kiệt
Vì tất cả chúng sinh
Dừng chân trong vườn Trúc.
Phật bảo các Tỳ-kheo
Và La-hán thần túc
Đều ôm bát khất thực
Cùng đến suối A-nậu
Ngang qua nước Ngũ Tánh
Dẫn các chúng Tỳ-kheo
Cùng khất thực nơi ấy
Năm trăm vị Tỳ-kheo
Bay bằng thần túc xuống
Tỳ-kheo Tăng vây quanh.
Đến suối lớn A-nậu
Thế Tôn ngồi nơi ấy
Thế Tôn thọ thực rồi
Các Tỳ-kheo mới thọ.
Trong khi đang thọ thực
Mặt đất rung chuyển mạnh
Các Tỳ-kheo hỏi Phật:
“Sao mặt đất rung chuyển?”
Đức Phật liền giải thích:
“Rung vì thương chúng sinh
Địa ngục có người tội
Gây các việc nghịch ác
Có ngàn vị quỉ thần
Chặt đứt hai xương sườn
Không khoảnh khắc dừng nghỉ!
Với búa rìu nóng đỏ
Chém chặt suốt ngàn năm
Hết tội mới ra khỏi
Hỏi: “Gây những tội gì
Bị khổ đau như vậy?
Sườn ấy hẳn rất lớn
Khiến mặt đất rung chuyển!”
“Người đó xưa ở đời
Thường thích dâm vợ người
Bởi vì tham sắc dục
Lại giết Ưu-bà-tắc
Do nghiệp ác đời trước
Nên mang thân cao lớn
Có đến ngàn quỉ thần
Thường chặt hai bên sườn!”
Thế Tôn nói như vậy
Rồi Ngài hỏi bốn chúng:
“Các vị gieo nhân gì
Mỗi người hãy tự nói”.
Vị đệ tử thần thông
Sẽ quay bánh xe pháp
Trí tuệ Xá-lợi-phất
Đứng dậy hỏi Thế Tôn:
“Thế Tôn không ai bằng
Không việc gì không biết
Thế Tôn trước tự nói
Các nhân duyên đời trước
Tôn-đà-lợi hủy báng
Mong được người kính nể
Vô cớ hủy báng Phật
Đó là nhân duyên gì?
Nàng Xa-di-bạt-đề
Năm trăm vị Tỳ-kheo
Vô cớ bị phỉ báng
Đó là nhân duyên gì?
Sao lại bị nhức đầu
Khi giết năm người thân
Các khớp xương đau nhức
Và bị cứng xương sống?
Bị gươm đâm vào chân
Bị Điều-đạt ném đá
Chảy máu ngón chân cái
Đó là nhân duyên gì?
Bị cô gái lắm lời
Độn bụng cho thật to
Vô cớ đến hủy báng
Ở trước mặt đại chúng?
Lại ở ấp Tỳ-lan
Ăn lúa ngựa ba tháng
Phạm chí Quốc sư thỉnh
Đó là nhân duyên gì?
Tại vùng đất Uất bí
Sáu năm tu khổ hạnh
Gầy ốm, ngồi tu thiền
Đó là nhân duyên gì?”
Thế Tôn sẽ giảng nói
Xá-lợi-phất lắng nghe
Nay Phật sẽ nói rõ
Những việc làm đời trước.
Nghe như vầy:
Một thuở nọ Phật ngự tại con suối lớn A-nậu cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo, đều là những bậc A-la-hán, đã chứng được sáu thứ thần thông, tiếng tăm vang xa. Các ngài đều có tướng mạo đẹp đẽ trang nghiêm, đều có các tướng: không cao, không thấp, không trắng, không đen, không mập, không ốm, màu da giống như màu hoa sen hồng. Các ngài đều có khả năng hàng phục tâm ý, chỉ trừ một vị Tỳ-kheo, đó là Tôn giả A-nan.
Tôn giả Xá-lợi-phất từ tòa sen đứng dậy, sửa y bày vai phải, quỳ gối bên hữu trên hoa sen, chắp tay hướng về Đức Phật, hỏi Phật:
–Đức Thế Tôn không có việc gì mà Ngài không thấy, không có việc gì mà Ngài không nghe, không có việc gì mà Ngài không biết. Thế Tôn không có ai bằng, đã dứt bỏ hết các điều ác, đầy đủ các điều lành. Đối với các trời, thần, rồng, vua chúa và nhân dân, tất cả chúng sinh Ngài đều muốn cứu độ cho họ được giải thoát. Bạch Thế Tôn, hiện giờ còn có những nhân duyên còn sót lại, cúi mong Đức Phật tự nói các nhân duyên này, khiến cho các chúng sinh như trời, người được nghe được mở tỏ. Vì nhân duyên gì mà Ngài bị Tôn-đà-lợi đến hủy báng? Vì nguyên nhân già mà Ngài và năm trăm vị La-hán bị nàng Xa-di-bạt-đề hủy báng? Vì nhân duyên gì mà Đức Thế Tôn bị đau đầu? Vì nguyên nhân gì mà xương cốt, tay chân Đức Thế Tôn bị đau nhức? Vì nguyên nhân gì mà các khớp xương của Đức Thế Tôn bị đau nhức? Vì nhân duyên gì mà xương sống của Thế Tôn bị cứng đơ? Vì nhân duyên gì mà Ngài bị gươm đâm vào chân? Vì nhân duyên gì mà Địa-bà-đạt-đâu ném đá vào mình Ngài? Vì nhân duyên gì cô gái lắm lời độn bụng cho lớn, ở trước đại chúng hữu lậu, vô lậu, nói lời hủy báng rằng: “Vì sao không tự nói việc nhà, mà cứ nói chuyện người khác? Nay tôi sắp sinh, cần phải có dầu bơ”? Do nhân duyên gì mà ở ấp Tỳ- lan, Ngài và năm trăm vị Tỳ-kheo phải ăn lúa ngựa? Do nhân duyên gì mà Ngài khổ hạnh sáu năm tại vùng Uất Bí mà nói rằng “Sẽ thành Phật”.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy hãy trở lại chỗ ngồi, Ta sẽ vì thầy nói các nhân duyên đời trước.
Tôn giả Xá-lợi-phất liền trở về chỗ ngồi. Khi ấy, đại Long vương A-nậu nghe Đức Phật sắp nói về nhân duyên, vui mừng hớn hở, liền cho làm cái lọng bằng bảy chất báu ở giữa khoảng không để che Đức Phật. Trong lọng rưới hương bột chiên- đàn như mưa khắp các chỗ ngồi. Vô số các Trời, Rồng, Quỉ thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già đều đến chỗ Đức Phật, chắp tay đảnh lễ rồi đứng hầu chung quanh.
Bấy giờ Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thuở xưa, trong thành Ba-la-nại, có một diễn viên sân khấu tên là Tịnh Nhãn, có tài ca hát. Khi ấy có một dâm nữ tên là Lộc Tướng, xinh đẹp khác thường, trang nghiêm thanh tịnh không ai bằng. Bấy giờ Tịnh Nhãn đến chỗ Lộc Tướng bảo:
–Chúng ta nên ra ngoài thành, vào trong vườn, tìm chỗ đất tốt để vui chơi!
Cô gái thưa:
–Xin vâng!
Lộc Tướng liền trở về trang điểm y phục, đến nhà Tịnh Nhãn. Tịnh Nhãn liền chuẩn bị chiếc xe thật tốt cùng đi với Lộc Tướng, ra khỏi thành Ba- la-nại, đến một khu vườn, cùng nhau vui chơi, mãi cho đến trời tối. Tịnh Nhãn thấy y phục cô ta quý giá bèn sinh lòng tham muốn giết cô ta để lấy y phục đó. Ông ta lại nghĩ: “Nếu giết cô ta thì giấu xác ở đâu?”. Khi ấy, trong vườn này có một vị Bích-chi-phật tên là Lạc Vô Vi ở cách đó không xa, Tịnh Nhãn lại nghĩ: “Sáng sớm, khi vị Bích- chi-phật này vào thành khất thực, ta sẽ giết Lộc Tướng, chôn trong am của vị ấy, rồi lấy y phục đem về thì ai mà biết chỗ ở của ta”.
Sáng sớm, vị Bích-chi-phật liền vào thành khất thực, sau đó Tịnh Nhãn liền giết Lộc Tướng, cởi lấy y phục rồi chôn xác cô ta trong am của Ngài Lạc Vô Vi, phả đất bằng phẳng như cũ, rồi lên xe vào thành bằng cửa khác.
Khi ấy, vua nước Ba-la-nại là Phạm Đạt, người trong nước không thấy Lộc Tướng, họ liền đến báo với vua:
–Chúng thần chẳng thấy Lộc Tướng đâu cả!
Nhà vua liền nhóm họp các quan, bảo họ phải vào khắp trong hang cùng ngõ hẻm, tìm cho ra Lộc Tướng. Các quan vâng lệnh đi kiếm, nhưng tìm kiếm khắp nơi mà chẳng thấy. Họ bèn ra khỏi thành thì thấy một bầy chim bay liệng trong rừng cây. Họ liền suy nghĩ: “Đã tìm kiếm khắp trong thành mà chẳng thấy, chắc chắn là ở chỗ này, vậy chúng ta hãy cùng nhau đến đó”. Họ liền đến chỗ am của Lạc Vô Vi lục soát thì phát hiện được tử thi. Lúc ấy các quan hỏi Lạc Vô Vi:
–Ông đã làm việc bất tịnh, sao lại còn giết người?
Vị Bích-chi-phật im lặng không trả lời, họ hỏi đến ba lần ngài vẫn không đáp. Ngài Lạc Vô Vi tay chân dính đất, biết đây là nhân duyên đời trước nên ngài im lặng không đáp.
Mọi người mới bắt trói Ngài lại để tra khảo hỏi cung. Bấy giờ vị thần cây liền hiện ra nửa người, bảo mọi người:
–Đừng có tra khảo vị ấy. Các quan hỏi:
–Vì sao không tra khảo? Thần đáp:
–Vị ấy không bao giờ làm việc đó.
Tuy nghe vị thần nói thế, nhưng các quan không nghe, họ dẫn Lạc Vô Vi đến chỗ vua, tâu rằng:
–Gã đạo sĩ này làm việc bất tịnh lại còn giết người!
Vua nghe nói tức giận, quát lớn, bảo các quan thẩm tra xem gã đạo sĩ này đã làm điều phi pháp đến như vậy sao?! Nhà vua bảo các quan:
–Phải mau buộc gã này vào lạc đà, đánh trống dẫn đi khắp nơi, sau đó đem ra cửa Nam thành, dắt tới một gốc cây, đâm giáo sắt vào thân, treo lên đầu cây sào, bắn tên cho chết, nếu không chết thì chặt đầu!
Các quan vâng lệnh, vội buộc Ngài vào con lạc đà, đánh trống rao khắp hang cùng ngõ hẻm, người trong nước thấy vậy cho là chuyện lạ cho nên có người tin, có người không tin. Mọi người tụ lại để xem, họ đều thốt ra những lời buồn bã. Bấy giờ Tịnh Nhãn đang núp sau bức tường đổ, rình nghe tiếng mọi người bàn tán, lén nhìn thì thấy Lạc Vô Vi bị trói ngược trên con lạc đà, mọi người đi theo sau. Thấy vậy, ông bèn nghĩ: “Vị Đạo sĩ này vô cớ mà bị chết oan uổng trong khi Đạo sĩ không hề có tâm ái dục. Chính tay ta đã giết Lộc Tướng chứ không phải Đạo sĩ. Vậy ta phải chịu tội chết để cho Đạo sĩ được sống”. Nghĩ xong, Tịnh Nhãn liền bước ra khỏi bức tường, chạy theo mọi người, gọi vị thượng quan nói:
–Đừng giết vị Đạo sĩ ấy! Không phải vị Đạo sĩ ấy giết Lộc Tướng đâu mà chính là do tôi giết, xin hãy thả vị Đạo sĩ này ra, hãy trói tôi lại, tùy theo tội mà xử trị.
Lúc ấy, các quan đều kinh ngạc, bảo:
–Đâu thể chịu tội thế người khác được?
Họ liền mở trói cho vị Bích-chi-phật, rồi bắt Tịnh Nhãn trói lại như trước. Bấy giờ các vị thượng quan đều đảnh lễ sám hối với vị Bích-chi-phật:
–Chúng con ngu si, vô cớ làm cho đạo sĩ phải chịu oan uổng, khốn đốn. Mong Ngài lấy lòng Từ rộng lớn mà tha tội cho chúng con. Đừng để cho đời vị lai chúng con phải gánh lấy tội nặng.
Họ nói như vậy ba lần, nhưng vị Bích-chi-phật Lạc Vô Vi vẫn im lặng không trả lời. Vị Bích-chi- phật nghĩ rằng: “Ta không nên vào thành Ba-la-nại khất thực nữa, ta phải diệt độ ở đây, trước mặt mọi người”. Vị Bích-chi-phật liền ở trước mọi người bay vọt lên hư không, qua lại trên không, đi đứng ngồi nằm, phía dưới hông ra khói, phía trên hông ra lửa; lại phía dưới hông ra lửa, phía trên hông ra khói: hoặc bên hông trái ra khói, bên hông phải ra lửa; hoặc bên hông trái ra lửa, bên hông phải ra khói; hoặc trước bụng ra khói, trên lưng ra lửa; hoặc trước bụng thì ra lửa, trên lưng thì ra khói; hoặc từ hông trở xuống thì ra lửa, từ hông trở lên thì ra nước; hoặc từ hông trở xuống ra nước, từ hông trở lên ra lửa; hoặc hông trái ra lửa, hông phải ra nước; hoặc hông trái ra nước, hông phải ra lửa; hoặc trước bụng ra nước, trên lưng ra lửa; hoặc trước bụng ra lửa, trên lưng ra nước; hoặc vai trái ra nước, vai phải ra lửa; hoặc vai trái ra lửa, vai phải ra nước; hoặc hai vai ra nước; hoặc hai vai ra lửa. Sau đó toàn thân ra khói, toàn thân ra lửa, toàn thân ra nước. Ngay lúc ấy, ở trong hư không, Ngài thiêu thân diệt độ.
Bấy giờ đại chúng thảy đều buồn khóc rơi lệ, hoặc có người sám hối, hoặc có người đảnh lễ. Họ thu lấy xá-lợi, xây tháp ở ngã tư đường.
Các thượng quan liền dẫn Tịnh Nhãn đến chỗ vua Phạm Đạt, tâu rằng:
–Chính người này đã giết Lộc Tướng chớ không phải là Đạo sĩ.
Nhà vua tức giận liền quở trách quan Giám ty:
–Lúc trước tại sao ngươi dối tâu việc không thật rằng: đây là kẻ giết người, nay lại nói là không phải, khiến cho ta trở thành người sai lầm, gây oan uổng, khốn đốn cho Đạo sĩ như thế?
Các quan tâu vua:
–Khi ấy thần đã hỏi Đạo sĩ đã mấy lần rằng: “Sao ông lại giết người?”, nhưng lúc ấy Đạo sĩ vẫn cứ im lặng, không chịu trả lời, lúc ấy hai tay lại dính đầy đất, vì vậy chúng thần cho đó là kẻ giết người.
Vua bèn ra lệnh cho các quan:
–Hãy cột người này vào con lạc đà, ra phía Nam thành, rồi dùng mâu đâm, sau đó lấy cây sào đâm lên đến đầu, rồi bắn bằng tên. Nếu chưa chết thì chặt đầu.
Các quan vâng lệnh, liền dắt con lạc đà đã trói phạm nhân dẫn đi đánh trống khắp nơi, đem ra phía Nam thành, dùng mâu đâm, xuyên thân bằng cây nhọn, rồi bắn bằng cung tên, sau đó thì chặt đầu.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy có biết Tịnh Nhãn lúc bấy giờ là ai chăng? Chính là Ta ngày nay. Này Xá-lợi-phất, thầy có biết Lộc Tướng lúc bấy giờ là ai chăng? Đó chính là Tôn-đà-lợi ngày nay vậy. Này Xá-lợi- phất, thầy có biết vua Phạm Đạt lúc đó ngày nay là ai chăng? Chính là Chấp Trượng thuộc dòng họ Thích ngày nay.
Này Xá-lợi-phất, lúc xưa Ta đã giết Lộc Tướng, làm oan uổng, khốn đốn cho vị Bích-chi- phật, vì tội ác ấy nên trải qua vô số ngàn năm, Ta đã bị nung nấu trong địa ngục, và bị leo lên cây có lá bằng thanh kiếm. Vô số ngàn năm Ta bị đọa vào loài súc sinh, vô số ngàn năm Ta bị đọa vào loài quỉ đói. Tai ương lúc ấy còn sót lại nên đến nay tuy Ta đã thành Phật mà vẫn bị Tôn-đà-lợi hủy báng.
Bấy giờ Đức Phật tự nói về nhân duyên kiếp trước của mình bằng bài kệ:
Xưa Ta tên Tịnh Nhãn
Là diễn viên sân khấu
Bích-chi tên Lạc Vô
Không tội, bị khốn khổ.
Ngài có hạnh chân tịnh
Bị chúng làm ưu não
Hủy nhục và bắt trói
Muốn đem ra khỏi thành.
Ta thấy Bích-chi-phật
Bị khốn nhục trói buộc
Nên khởi tâm Từ bi
Để Ngài được thả ra.
Do nhân duyên như vậy
Mãi chịu khổ địa ngục
Tai ương còn sót lại
Nay mới bị hủy báng.
Nay Ta hết tái sinh
Chấm dứt ngay đời này
Vì thế Tôn-đà-lợi
Mới đến để hủy báng.
Nhân duyên không thoát được
Cũng chẳng tan trong không
Nên giữ ba nhân duyên
Trước sau không trái phạm.
Ta tự thành quả Phật
Được làm thầy ba cõi
Nên nói nhân duyên trước
Tại suối lớn A-nậu.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy hãy xem Đức Như Lai, các điều ác đã hết, các điều thiện đã đủ, có khả năng hóa độ Trời, Rồng, Quỉ thần, vua chúa, quan dân, cho đến loài bò, bay, máy, cựa, đều được hóa độ đến chỗ vô vi an lạc. Dù có công đức như vậy nhưng Ta vẫn không thoát khỏi nhân duyên kiếp trước. Huống chi những kẻ ngu si tối tăm chưa đắc đạo, không giữ gìn thân, miệng và ý, thì bọn người ấy sẽ như thế nào?
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy nên tu học như vậy, các La-hán và tất cả chúng sinh phải giữ gìn ba lỗi ở thân, bốn lỗi ở miệng và ba lỗi ở ý. Này Xá-lợi-phất, thầy nên tu học như vậy và mọi người cũng tu học như thế.
Khi Đức Phật dạy như vậy, Tôn giả Xá-lợi-phất và năm trăm vị La-hán, Rồng lớn đầu đàn A-nậu, Trời, Rồng, Quỉ thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu- la, Khẩn-na-la và Ma-hầu-la-già nghe Đức Phật dạy, thảy đều vui mừng lãnh thọ thực hành.
Nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại con suốt lớn tên là A-nậu, cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm vị, đều là bậc La-hán, đã chứng được sáu thứ thần thông, chỉ trừ Tỳ-kheo A-nan.
Bấy giờ Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thuở xưa, cách nay chín mươi mốt kiếp, lúc ấy có vị vua tên là Thiện Thuyết, thành tên là Thiện Thuyết Sở Tạo, có một vị Bà-la-môn tên là Diên Như Đạt, là người hiếu học, thông đạt bốn bộ sách của ngoại đạo: Thiên văn, Đồ sấm, Chiêm tướng và Nghệ thuật. Hiểu bảy loại sách và giáo giới của ngoại đạo, hiểu rõ các pháp, sách vở thế tục, gồm có ba mươi loại, thường dạy học năm trăm đồng tử của những dòng họ giàu sang.
Lại có một Bà-la-môn khác tên là Phạm Thiên, là người giàu có, nhiều của cải, voi, ngựa, bảy báu, kẻ hầu người hạ. Người vợ tên là Tịnh Âm, xinh đẹp khác thường, dung mạo bậc nhất, tánh hạnh dịu hiền, không có tâm ganh ghét.
Bà-la-môn Phạm Thiên là đàn việt của Diên Như Đạt, vợ của Phạm Thiên cúng dường Diên Như Đạt thức uống ăn, quần áo, mền nệm, giường nằm, đồ ngồi, thuốc men chữa bệnh lúc đau ốm.
Có một vị Bích-chi-phật tên là Ái Học, đi vào trong thành, đắp y, ôm bát, định đi khất thực, tình cờ đến trước cửa nhà Phạm Thiên. Bấy giờ phu nhân Tịnh Âm thấy vị Bích-chi-phật y phục ngay ngắn, bước đi khoan thai, sáu căn vắng lặng nên trong tâm rất kính mến, liền ngỏ lời muốn cúng dường:
–Từ nay về sau, đối với y phục, thức uống ăn, giường nằm, thuốc men, con xin thường xuyên cúng dường. Mong Ngài thọ nhận cho con.
Phu nhân Tịnh Âm liền đổ các thức ăn uống thơm ngon vào đầy bát trao cho Bích-chi-phật. Vị Bích-chi-phật thọ nhận xong, bèn ôm bát bay lên hư không, bảy lần vòng đi lượn lại, rồi bay về chỗ cũ. Khi ấy người trong thành thấy được thần túc này, bèn bảo rằng:
–Trong nước có vị này, chúng ta sẽ có phước. Vì vậy nhân dân cả nước vui mừng, cúng dường không biết nhàm chán. Phu nhân Tịnh Âm cúng dường vị Bích-chi-phật mỗi ngày một nhiều, còn cúng dường cho Bà-la-môn Diên Như Đạt ngày một ít.
Diên Như Đạt tự biết Phu nhân cúng dường cho mình ngày một ít, còn vị kia ngày một nhiều, nên sinh tâm ganh ghét, phỉ báng rằng:
–Đạo sĩ này thật ra chẳng có giới đức gì cả. Vì sao vậy? Vì ông ta làm những việc bất tịnh với phu nhân Tịnh Âm, cho nên phu nhân mới cúng dường cho ông ta nhiều.
Diên Như Đạt nói với năm trăm đệ tử:
–Đạo sĩ này phạm giới, không có hạnh tinh tấn, vậy các đồng tử hãy trở về nhà mình nói rõ cho mọi người biết rằng: “Gã đạo sĩ này không có hạnh thanh tịnh, tư thông với phu nhân Tịnh Âm”.
Các đồng tử thưa:
–Xin vâng! Như lời thầy dạy: “Gã đạo sĩ này thật có tâm dâm dục”.
Bấy giờ năm trăm đồng tử vâng lời thầy đi vào thành, đến khắp các hang cùng ngõ hẻm nói cho mọi người biết rằng:
–Gã đạo sĩ này có tâm dâm dục, tư thông với phu nhân Tịnh Âm.
Khi ấy, người trong nước đều nghi ngờ, cho rằng: “Bậc có thần túc như vậy mà bị mang tiếng xấu như vậy sao?”.
Tiếng xấu ấy đồn đãi đến bảy năm mới chấm dứt. Sau đó, vị Bích-chi-phật hiện mười tám thứ thần biến, rồi diệt độ. Lúc ấy, mọi người đều biết Diên Như Đạt là dối trá, còn vị Bích-chi-phật là thanh tịnh.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy có biết Diên Như Đạt lúc bấy giờ là ai chăng? Đó chính là Ta ngày nay, còn Phạm Thiên lúc ấy chính là vua Ưu-diên ngày nay. Tịnh Âm lúc ấy nay là Xa-di-bạt và năm trăm đồng tử lúc ấy nay là năm trăm vị La-hán.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Lúc ấy vì Ta mất sự cúng dường nên mới sinh tâm ganh ghét, cùng với các thầy hủy báng vị Bích- chi-phật. Do nhân duyên đó nên Ta và các thầy cùng vào địa ngục, bị nung nấu trong vạc nước sôi suốt vô số ngàn năm. Do tai ương còn sót lại này, mà nay Ta tuy đã thành Phật, nhưng vẫn cùng với các thầy bị Xa-di-bạt hủy báng.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói nhân duyên đời trước bằng bài kệ:
Xưa, Ta là Phạm chí
Học rộng bốn bộ sách
Sống ở trong rừng cây
Dạy năm trăm đồng tử.
Có một Bích-chi-phật
Thanh tịnh có thần túc
Thấy Ngài được cúng dường
Vô cớ, bèn hủy báng
Lại bảo các đồng tử:
“Đạo sĩ không tịnh hạnh”.
Khi Ta nói như vậy
Các đồng tử vui vẻ
Vâng lời của Ta nói
Liền đến các xóm làng
Nói cho mọi người biết:
“Đạo sĩ phạm bất tịnh”.
Do nhân duyên như vậy
Ở mãi trong địa ngục
Ta cùng với các thầy
Phải chịu vô lượng khổ.
Vì nhân duyên sót lại
Đại chúng năm trăm vị
Vô cớ bị phỉ báng
Bởi nàng Xa-di-bạt.
Nay là đời cuối cùng
Ta thành đạo Vô thượng
Vô cớ bị phỉ báng
Bởi nàng Xa-di-bạt
Như Lai đã thành Phật
Là đại tướng ba cõi
Trong ao lớn A-nậu
Tự nói duyên đời trước.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy xem Đức Như Lai, các lậu hoặc đã hết, các điều thiện đã đủ, có lòng Từ bi thương xót trời, người cho đến loài côn trùng nhỏ nhít, đều muốn hóa độ làm cho tất cả đều được giải thoát. Tuy có công đức như vậy, nhưng vẫn không thoát khỏi nghiệp duyên kiếp trước. Huống chi kẻ ngu si tối tăm chưa hiểu đạo!
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy phải tu học như vậy. Các La-hán và tất cả chúng sinh đều phải tu học như vậy.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy phải giữ gìn ba lỗi của thân, bốn lỗi của miệng và ba lỗi của ý. Này Xá-lợi-phất, phải tu học như vậy.
Khi Đức Phật dạy như vậy, Tôn giả Xá-lợi-phất và năm trăm vị La-hán, Rồng lớn đầu đàn A-nậu, Trời, Rồng, Quỉ thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu- la, Khẩn-na-la và Ma-hầu-la-già nghe Đức Phật dạy, thảy đều vui mừng lãnh thọ thực hành.
Nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại con suối lớn tên là A-nậu, cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo, đều là bậc A-la-hán, đã chứng đắc sáu thứ thần thông, chỉ trừ Tỳ-kheo A-nan.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thuở xưa, trong thành lớn La-duyệt-kỳ, gặp lúc lúa thóc mắc mỏ, đói kém, người ta phải đi nhặt những mẫu xương trắng về đập vụn nấu nước để uống, đào rễ củ của cây cỏ để ăn sống qua ngày, lấy một thăng vàng (một phần mười đấu) đổi lấy một thăng lúa.
Khi ấy, trong thành La-duyệt-kỳ có một ngôi làng rộng lớn, có mấy trăm ngôi nhà gọi là Chi việt. Ở cách ngôi làng này không xa về phía Đông có một cái ao tên là Đa ngư, người của thôn Chi việt dẫn vợ con đến chỗ ao Đa ngư, bắt cá ăn thịt.
Khi những người bắt cá kéo cá lên bờ, thì cá nhảy lạch đạch trên mặt đất. Lúc ấy Ta là một cậu bé mới bốn tuổi, thấy cá nhảy rất vui, lấy cây đập lên đầu chúng. Khi ấy ở trong ao có hai loại cá: một loại tên là Phù ngư, một loại tên là Đa thiệt. Chúng tự nói với nhau:
–Chúng ta không xúc phạm đến con người, nhưng họ lại bắt càn chúng ta để ăn thịt, đời sau ta phải báo thù lại họ.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy có biết kẻ nam, người nữ, già trẻ, bé lớn trong thôn Chi việt lúc ấy là ai chăng? Đó chính là những người trong dòng họ Thích của nước Ca-tỳ-la-vệ hiện nay. Còn cậu bé lúc ấy nay chính là Ta, con cá Phù ngư lúc đó thì nay là vua
Tỳ-lâu-lặc, con cá Đa thiệt lúc ấy thì nay là Bà- la-môn Ác Thiệt, tướng sư của vua Tỳ-lâu-lặc. Lúc đó có con cá nhảy, Ta dùng chiếc gậy nhỏ gõ vào đầu nó. Do nhân duyên ấy Ta phải đọa vào địa ngục trong vô số ngàn năm. Ngày nay, tuy rằng Ta đã thành Phật nhưng vì nhân duyên còn sót lại này nên vua Tỳ-lâu-lặc giết hại dòng họ Thích, thì lúc đó Ta bị nhức đầu.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy có biết vì sao ta bị nhức đầu chăng? Này Xá-lợi-phất, khi Ta mới bị nhức đầu, Ta bảo A-nan rằng: “Lấy cái bát bốn thăng đựng đầy nước lạnh đem lại đây cho Ta”. A-nan vâng lời đi lấy nước, lấy tay bịt miệng bát, làm nước trong bình bị bẩn, do đó nước trong bát bị khô sạch, giống như mặt trời suốt ngày nóng bức chiếu vào chiếc nồi đồng trống rỗng thật lớn. Nếu nhỏ một giọt nước vào nồi đồng ấy thì giọt nước liền khô ngay. Sự nóng bức trong đầu Ta cũng giống như vậy. Giả sử khiến cho bên cạnh núi Tu-di bỗng xuất hiện một hòn núi cao một do-diên đến một trăm do-diên, nếu gặp sức nóng nhức đầu của Ta thì cũng phải cháy tan. Này Xá-lợi-phất, Đức Như Lai nhức đầu như vậy.
Bấy giờ Đức Phật nói bài kệ về nhân duyên đời trước:
Thuở xưa làng Chi việt Có một đứa bé nọ
Cá bị bỏ trên bờ Bèn lấy gậy gõ đầu.
Bởi do nhân duyên này Ở lâu trong địa ngục Đó là ngục Hắc thằng Bị đốt nấu lâu dài.
Do nhân duyên sót lại Nay Ta bị nhức đầu.
Khi giết hại họ Thích Tỳ-lâu-lặc làm ác Duyên này không mất đi Cũng chẳng tan trong không Phải cùng nhau cẩn thận Giữ gìn thân, miệng, ý.
Nay Ta đã thành Phật Là vị tướng ba cõi Nên nói duyên đời trước Tại suối lớn A-nậu.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy hãy xem Đức Như Lai, các điều ác đã chấm dứt, các điều thiện đã đầy đủ, đối với Trời, Rồng, Quỉ thần, vua chúa, quan dân Ta đều muốn cho họ nghĩ đến điều thiện, vậy mà vẫn không thoát khỏi nhân duyên kiếp trước. Huống gì những kẻ ngu si tối tăm chưa thấy đạo!
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy nên tu học như vậy. Các vị La-hán và tất cả chúng sinh cũng đều nên tu học như vậy.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy nên gìn giữ ba lỗi của thân, bốn lỗi của miệng và ba lỗi của ý. Này Xá-lợi-phất, phải tu học như vậy!
Khi Đức Phật dạy như vậy, Tôn giả Xá-lợi-phất và năm trăm vị La-hán, Rồng lớn đầu đàn A-nậu, Trời, Rồng, Quỉ thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu- la, Khẩn-na-la và Ma-hầu-la-già nghe Đức Phật dạy, thảy đều vui mừng lãnh thọ thực hành.
Nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại con suối lớn tên là A-nậu, cùng với đại chúng Tỳ-kheo năm trăm vị, đều là bậc A-la-hán, đã chứng được sáu thứ thần thông, chỉ trừ Tỳ-kheo A-nan.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thuở xưa, trong thành La-duyệt-kỳ có con của một vị trưởng giả bị bệnh sốt rất nguy kịch. Trong thành đó có một thầy thuốc giỏi, riêng biết các loại thuốc, trị lành các chứng bệnh. Khi ấy, người con của trưởng giả bảo thầy thuốc:
–Xin thầy hãy chữa cho tôi lành bệnh, tôi sẽ đền ân thầy nhiều của cải quý.
Thầy thuốc liền điều trị, giúp con của trưởng giả được lành bệnh. Sau khi lành bệnh thì, người con trưởng giả không đền ân. Người con của trưởng giả sau đó lại bị bệnh, lại mời người thầy thuốc ấy đến chữa, nhưng lành bệnh rồi vẫn phủi ân. Như vậy cho đến ba lần mà con của trưởng giả vẫn chẳng đền ân. Sau đó người con của trưởng giả lại bị bệnh, lại mời người thầy thuốc ấy đến chữa trị. Lúc ấy người thầy thuốc nghĩ rằng: “Trước đây ta đã ba lần chữa cho anh ta hết bệnh mà chẳng thấy anh ta đền ân”. Bấy giờ con của trưởng giả nói:
–Anh đã chữa trị tôi ba lần mà tôi chưa đền ân, bây giờ anh hãy chữa trị cho tôi, khi lành bệnh tôi sẽ đền ân luôn một lần.
Lúc ấy, người thầy thuốc nghĩ rằng: “Gã này đã lừa dối ta đến ba lần, như lừa dối đứa con nít. Nay ta sẽ làm cho y phải chết”. Người thầy thuốc liền đưa cho con trưởng giả uống thuốc độc, làm cho người này bệnh càng lúc càng nặng, cuối cùng phải chết.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy có biết người thầy thuốc lúc bấy giờ là ai chăng? Chính là Ta ngày nay, còn người con của trưởng giả lúc bấy giờ nay chính là Đề-bà-đạt-đa.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Lúc ấy Ta cho người con của trưởng giả này uống thuốc độc, làm cho y bị chết. Do nhân duyên ấy nên bị nấu đốt dưới địa ngục mấy ngàn năm, rồi làm súc sinh, ngạ quỉ. Nay tuy Ta đã thành Phật nhưng các khớp xương vẫn bị đau nhức.
Bấy giờ Đức Phật nói về nhân duyên đời trước bằng bài kệ:
Xưa, Ta làm thầy thuốc
Trị bệnh con trưởng giả
Tức giận cho thuốc độc
Vì vậy y phải chết.
Do duyên đời trước ấy
Mãi chịu khổ địa ngục
Nay duyên xưa sót lại
Cho nên bị đau nhức.
Nhân duyên không mất đi
Cũng chẳng tan trong không
Do ba nhân duyên này
Phải giữ thân, miệng, ý.
Ta tự đã thành Phật
Làm vị tướng ba cõi
Nên nói duyên đời trước
Tại suối lớn A-nậu.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy hãy xem Đức Như Lai, các điều ác đã chấm dứt, các điều thiện đã đầy đủ, đối với Trời,
Rồng, Quỉ thần, vua chúa, quan dân, Ta đều muốn cho họ nghĩ đến điều thiện, vậy mà vẫn không thoát khỏi nhân duyên kiếp trước, huống chi những kẻ ngu si tối tăm chưa đắc đạo!
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy nên tu học như vậy. Năm trăm vị La-hán và tất cả chúng sinh đều phải tu học như vậy.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy nên gìn giữ ba lỗi của thân, bốn lỗi của miệng và ba lỗi của ý. Này Xá-lợi-phất, thầy nên tu học như vậy.
Khi Đức Phật dạy như vậy, Tôn giả Xá-lợi-phất và năm trăm vị La-hán, Rồng lớn đầu đàn A-nậu, Trời, Rồng, Quỉ thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu- la, Khẩn-na-la và Ma-hầu-la-già nghe Đức Phật dạy, thảy đều vui mừng thực hành.
Nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại con suối lớn A- nậu, cùng với đại chúng Tỳ-kheo năm trăm vị, đều là bậc A-la-hán, đã chứng được sáu thứ thần thông, chỉ trừ Tỳ-kheo A-nan.
Bấy giờ, Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thuở xưa, trong thành ở La-duyệt-kỳ, nhân ngày lễ lớn, mọi người tụ hội. Bấy giờ, trong nước có hai lực sĩ của hai dòng họ là Sát-đế-lợi và Bà- la-môn cũng đến tụ hội. Lúc hai lực sĩ đấu nhau, lực sĩ dòng Bà-la-môn bảo lực sĩ dòng Sát-đế-lợi rằng:
–Anh đừng đánh tôi, tôi sẽ cho anh nhiều tiền bạc, vật báu.
Vì vậy lực sĩ dòng Sát-đế-lợi không dùng hết sức, chỉ giả bộ chịu phục. Do đó hai người đều được khen ngợi, đều được nhà vua ban thưởng. Nhưng lực sĩ Bà-la-môn không đền ân đúng như lời đã hứa với lực sĩ dòng Sát-đế-lợi. Sau đó lại đến ngày lễ lớn, họ lại đến tụ hội để đấu với nhau. Lực sĩ dòng Bà-la-môn lại yêu cầu lực sĩ dòng Sát-đế- lợi giống như lần trước. Lực sĩ dòng Sát-đế-lợi lại nương tay, không đánh thật, nên hai lực sĩ lại được thưởng như lần đầu, nhưng anh ta lại nuốt lời hứa, như vậy cho đến ba lần. Sau, lại đến ngày lễ hội, lực sĩ dòng Bà-la-môn lại nói với lực sĩ dòng Sát- đế-lợi rằng:
–Tôi đã hứa với bạn ba lần. Vậy để lần này tôi đền ân một lần luôn.
Vị lực sĩ dòng Sát-đế-lợi nghĩ rằng: “Người này đã mấy lần lừa dối ta. Chẳng những y không đền ân mà còn xâm lấn phần của ta nữa. Hôm nay ta phải giết gã”. Khi ấy lực sĩ dòng Sát-đế-lợi cười mũi, bảo rằng:
–Anh đã lừa dối tôi ba lần. Nay tôi không cần tiền bạc của anh đâu.
Nói xong, người lực sĩ dòng Sát-đế-lợi đè tay mặt lên cổ, tay trái nắm eo, hai tay xiết lại, bẻ gãy xương sống của lực sĩ dòng Bà-la-môn, như bẻ gãy cây mía, rồi vác lực sĩ dòng Bà-la-môn đi ba vòng để cho mọi người thấy, sau đó mới quật xuống đất. Khi rơi xuống đất, lực sĩ dòng Bà-la-môn chết ngay. Bấy giờ vua và các quan đều vui mừng, tặng anh ta mười vạn đồng tiền vàng.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy có biết vị lực sĩ dòng Sát-đế-lợi đã hạ sát vị lực sĩ dòng Bà-la-môn lúc bấy giờ là ai chăng? Đó chính là Ta ngày nay. Còn lực sĩ dòng Bà-la- môn lúc đó nay là Đề-bà-đạt-đa.
–Này Xá-lợi-phất, lúc bấy giờ vì tham lam, giận tức cho nên Ta đã giết vị lực sĩ ấy. Do nhân duyên này mà Ta bị đọa vào địa ngục, bị nấu đốt, hành hạ, trải qua mấy ngàn năm. Nay Ta đã thành Phật, các lậu đã hết, nhưng do nhân duyên thuở xưa còn sót lại nên nay Ta bị chứng đau lưng này.
Bấy giờ Đức Thế Tôn tự nói về nhân duyên quá khứ bằng bài tụng:
Ngày lễ hội đấu nhau
Ý muốn đối thủ phục
Một lần quật xuống đất
Làm y gãy xương sống
Bởi do nhân duyên này
Mãi thọ khổ địa ngục
Dư ương trước sót lại
Nay bị chứng đau lưng.
Duyên này không mất đi
Cũng chẳng tan trong không
Giữ ba nhân duyên này
Thân, khẩu, ý đừng phạm.
Ta đã tự thành Phật
Là vị tướng ba cõi
Tại suối lớn A-nậu
Tự nói duyên đời trước.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy hãy xem Đức Như Lai, các điều ác đã chấm dứt, các điều thiện đã đầy đủ, đối với Trời, Rồng, Quỉ thần, vua chúa, quan dân tất cả chúng sinh, Ta đều muốn cho họ được độ, vậy mà vẫn không thoát khỏi tai ương đời trước còn sót lại. Huống chi những người si mê tối tăm chưa đắc đạo!
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Các thầy phải tu học như vậy, phải gìn giữ ba lỗi của thân, bốn lỗi của miệng và ba lỗi của ý.
Khi Đức Phật dạy như vậy, Tôn giả Xá-lợi-phất và năm trăm vị La-hán, tám bộ quỉ thần, nghe lời Phật dạy, thảy đều vui mừng lãnh thọ thực hành.
Nghe như vầy:
Một thuở nọ, Phật ngự tại tinh xá Trúc viên, trong thành La-duyệt-kỳ, cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo Tăng.
Vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y ôm bát cùng năm trăm Tỳ-kheo Tăng và Tôn giả A-nan vây quanh cùng vào thành La-duyệt -kỳ để khất thực, lần lượt đến khắp các nhà, thấy trong làng có người đang chặt gỗ cứng, có một thanh gỗ dài một thước hai văng sang một bên và dựng đứng trước Phật.
Đức Phật liền nghĩ: “Đây là nhân duyên đời trước, do chính Ta gây ra thì phải tự gánh chịu.” Mọi người thấy vậy đều xúm lại xem, họ kinh ngạc, la thất thanh. Đức Phật lại nghĩ:
“Nay Ta phải thị hiện việc đền trả quả báo kiếp trước cho mọi người thấy, khiến họ tin hiểu tai ương đối địch, để họ không dám gây ra điều ác.” Nghĩ xong, Đức Phật liền bay vọt lên hư không, cách mặt đất một nhận; cây giáo liền đuổi theo Đức Phật cũng cao một nhận, dựng đứng trước Phật. Đức Phật lại vọt lên cao hai nhận, ba nhận, bốn nhận cho đến bảy nhận, cây giáo cũng đuổi theo Ngài cao đến bảy nhận. Đức Thế Tôn lại vọt lên cao một cây Đa-la, thì cây giáo cũng bay theo cao đến một cây Đa-la. Đức Phật vọt lên cao bảy cây Đa-la, cây giáo nhọn cũng đuổi theo và dựng đứng trước Ngài. Đức Phật lại vọt lên cao bảy dặm, cây giáo cũng bay theo cao bảy dặm. Đức Phật lại bay cao mười dặm, cây giáo cũng bay cao như vậy. Đức Phật lại bay cao một do-diên, cây giáo cũng bay theo Ngài. Đức Phật lại bay cao bảy do-diên, cây giáo cũng đuổi theo Ngài. Khi ấy, ở trong không trung Đức Phật lại hóa thành một tảng đá xanh, bề dày sáu do-diên, rồi Ngài đứng trên tảng đá ấy; cây giáo liền đâm thủng tảng đá, dựng đứng trước Đức Phật. Ở trong không trung Đức Phật lại hóa ra một dòng nước, rộng mười hai do-diên, sâu sáu do-diên. Ngài đứng trên dòng nước ấy, cây giáo lại xuyên qua dòng nước, dựng đứng trước Đức Phật. Trong không trung Phật lại hóa thành một bựng lửa lớn, mỗi bề rộng mười hai do-diên, cao sáu do-diên, rồi đứng trên đống lửa ấy; cây giáo cũng xuyên qua đống lửa, rồi dựng đứng trước Đức Phật. Ở trong hư không Đức Phật lại hóa thành luồng gió xoáy rộng mười hai do-diên, cao sáu do-diên, rồi đứng trên luồng gió ấy, cây giáo bay theo một bên chênh chếch, rồi dựng đứng trước Đức Phật. Đức Phật lại bay vọt lên cung điện của bốn vị vua trời rồi Ngài an trụ trong cung điện đó, cây giáo cũng bay theo rồi dựng đứng trước Đức Phật. Đức Phật lại bay lên tầng trời Tam thập tam thiên, ngồi trên tảng ngọc lưu ly vuông vức mỗi cạnh một do-diên; cây giáo cũng bay theo, đến dựng đứng trước Đức Phật.
Sau khi Đức Phật đi rồi, bốn vị trời bảo nhau rằng:
–Đức Phật sợ cây giáo gỗ này, nhưng cây giáo vẫn đuổi theo Ngài, không tha.
Họ đều có vẻ không vui. Đức Phật biến mất ở tầng trời Tam thập tam thiên, rồi hiện ra ở cõi trời Diệm thiên; rồi biến mất khỏi tầng trời Diệm thiên, lại hiện ra ở tầng trời Đâu-thuật; rồi biến mất khỏi tầng trời Đâu-thuật, lại hiện ra ở tầng trời Niết-ma- la-tha; rồi biến mất khỏi tầng trời Niết-ma-la-tha, lại hiện ra ở tầng trời Bà-la-ni-mật; rồi biến mất khỏi tầng trời Bà-la-ni-mật, lại hiện ra ở tầng trời Phạm thiên; nhưng cây giáo từ tầng trời Tam thập tam thiên, thứ lớp đi lên, cho đến tầng trời Phạm thiên, dựng đứng trước Đức Phật.
Chư Thiên nói với nhau:
–Đức Phật sợ cây giáo này bỏ đi, mà nó vẫn đuổi theo không tha!
Bấy giờ Đức Thế Tôn tự nói về nhân duyên đời trước của mình cho các Phạm thiên nghe. Từ tầng trời Phạm thiên, Ngài xuống tầng trời Bà-la-ni- mật, từ tầng trời Bà-la-ni-mật, Ngài xuống tầng trời Niết-ma-la-tha; từ tầng trời Niết-ma-la-tha, Ngài xuống tầng trời Đâu-thuật; từ tầng trời Đâu- thuật, Ngài xuống tầng trời Diệm thiên, từ tầng trời Diệm thiên, Ngài đến xuống tầng trời Tam thập tam thiên, từ tầng trời Tam thập tam thiên, Ngài xuống tầng trời của bốn vị vua trời, từ tầng trời của bốn vị vua trời, Ngài trở về thành La-duyệt-kỳ.
Tại các tầng trời đi qua, Ngài đều nói về nhân duyên đời trước cho chư Thiên ở tầng trời ấy nghe. Lúc ấy cây giáo vẫn đuổi theo Ngài trên các cõi trời cho đến lúc Ngài trở xuống thành La-duyệt-kỳ. Đức Phật cũng nói về nhân duyên đời trước cho mọi người trong thành La-duyệt-kỳ nghe.
Phật và Tỳ-kheo Tăng ra khỏi thành La-duyệt- kỳ, cây giáo vẫn đuổi theo Đức Phật, người trong nước đều theo Đức Phật ra khỏi thành.
Bấy giờ Đức Phật hỏi mọi người:
–Các vị muốn đi đâu?
Mọi người thưa rằng:
–Chúng con muốn theo Đức Như Lai để xem sự việc này.
Phật bảo mọi người:
–Các vị hãy tự trở về, Đức Như Lai tự biết khi nào là đúng lúc.
Tôn giả A-nan hỏi Phật:
–Vì sao Đức Như Lai bảo mọi người phải trở về?
Phật bảo A-nan:
–Nếu mọi người thấy Ta đền trả quả báo này, họ sẽ ngã lăn ra đất mà chết.
Tôn giả A-nan bèn im lặng. Đức Thế Tôn trở về tinh xá Trúc viên, an trụ trong phòng mình. Ngài bảo các Tỳ-kheo:
–Các thầy hãy trở về phòng mình. Mọi người đều vâng lời trở về phòng. Tôn giả A-nan hỏi Phật:
–Con sẽ làm gì? Phật bảo A-nan:
–Thầy cũng trở về phòng.
Tôn giả A-nan liền trở về phòng.
Đức Phật bèn nghĩ: “Việc này do đời trước Ta gây ra, chắc chắn Ta phải đền trả.” Ngài liền lấy Đại y, gấp thành bốn lớp, rồi trở lại chỗ ngồi cũ. Đức Phật liền đưa chân mặt ra, cây giáo liền đâm từ mu bàn chân xuống, rồi xuyên qua lòng đất, sâu đến sáu vạn tám ngàn do-diên; xuyên qua đất thì đến nước, nước sâu sáu vạn tám ngàn do-diên; xuyên qua nước đến lửa, lửa dày sáu vạn tám ngàn do-diên. Khi cây giáo đến lửa thì bị cháy tiêu. Ngay khi ấy, mặt đất bị rung động sáu lần.
Bấy giờ Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo đều tự nghĩ: “Giờ đây mặt đất rung động chắc cây giáo đã đâm trúng chân Đức Phật rồi!”
Khi Đức Phật bị giáo đâm Ngài bị đau một cách khổ sở, đau một cách cay nghiệt, đau một cách nhức nhối, đau gần đứt hơi thở. Tôn giả A-nan liền đến chỗ Phật, thấy cây giáo đâm vào chân làm Ngài bị thương, A-nan liền bị chết ngất, ngã nhào xuống đất. Đức Phật liền rảy nước lên Tôn giả A-nan, Tôn giả A-nan đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, xoa vào chân Ngài, khóc lóc rơi lệ nói:
–Phật đã đi bằng đôi chân này đến dưới cội cây Bồ-đề hàng phục ma quân; rồi lên tầng trời Tam thập tam thiên nói pháp hóa độ mẹ Ngài. Thân Đức Thế Tôn là thân Kim cang, do nhân duyên gì mà một cây giáo nhỏ lại làm hại Ngài được?
Phật bảo A-nan:
–A-nan hãy nín! Chớ có buồn rầu khóc lóc nữa! Vì lẽ nhân duyên của cuộc đời là sinh tử xuống lên, mới có nỗi khổ này.
Tôn giả A-nan hỏi Đức Phật:
–Giờ đây vết thương này gây đau nhức, nó sẽ càng đau hơn nữa hay sẽ bớt dần?
Phật bảo A-nan:
–Dần dần sẽ bớt.
Tôn giả Xá-lợi-phất và các thầy Tỳ-kheo đến chỗ Đức Phật, cúi đầu lạy dưới chân Ngài, rồi đứng qua một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hay vết thương này gây đau nhức, nó càng đau hơn nữa hay sẽ bớt dần?
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Sự đau nhức này dần dần sẽ bớt.
Bấy giờ, trong chúng Tỳ-kheo, những vị chưa dứt hết các lậu hoặc thấy vết thương ấy buồn khóc, rơi lệ than thở:
–Đức Thế Tôn đại bi, không có chúng sinh nào mà Ngài không tế độ, nhưng vì sao lại bị sự đau đớn này?!
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Các thầy đừng khóc nữa! Đời trước chính Ta đã gây ra việc này, thì nay phải gánh chịu, không thể trốn tránh đi đâu được. Nghiệp duyên này cũng không phải do cha gây ra, cũng không phải do mẹ gây ra, cũng không phải do vua gây ra, cũng không phải do trời gây ra, cũng không phải do Sa-môn, Bà-la-môn gây ra. Chính Ta đã gây ra thì nay Ta phải gánh chịu.
Còn các vị lậu hoặc đã hết, đã chứng được thần thông thì đều im lặng suy nghĩ: “Ngày trước Đức Phật có nói kệ:
Việc người đời gây ra
Hoặc lành hay là dữ
Chính mình chịu quả báo
Không bao giờ mất đi.”
Thầy thuốc Kỳ-bà nghe tin Đức Phật bị cây giáo đâm vào chân, liền khóc lóc đi đến chỗ vua A-xà-thế.
Vua A-xà-thế hỏi:
–Vì sao khanh khóc? Kỳ-bà đáp:
–Tôi nghe nói Đức Phật bị cây giáo đâm vào chân, nên tôi khóc.
Vua A-xà-thế nghe Kỳ-bà nói, liền ngất xỉu từ trên giường rơi xuống đất, một lát sau mới tỉnh. Khi ấy, toàn cung điện trong và ngoài đều kinh hoàng, sợ hãi.
Nhà vua đứng dậy, rơi nước mắt, ra lệnh cho các quan:
–Hãy mau chuẩn bị xe cộ, ta muốn đến chỗ Đức Phật.
Các quan vâng lệnh, chuẩn bị xe cộ xong tâu vua:
–Xe cộ đã chuẩn bị xong.
Nhà vua liền lên xe, ra khỏi thành La-duyệt-kỳ. Bốn giai cấp trong thành, các thiện nam tín nữ, nghe tin Đức Phật bị cây giáo đâm vào chân, nhà vua cùng em là Kỳ-bà, với dân chúng trong thành có cả trăm ngàn người vây quanh, cùng đi đến chỗ Đức Phật. Vua xuống xe, cởi mũ, bỏ kiếm, cất lọng, đi bộ đến chỗ Phật. Lúc ấy Đức Phật đang nằm nghiêng hông bên phải.
Vua liền đảnh lễ Đức Phật, sau đó đưa tay nâng chân Phật, xoa nhè nhẹ, miệng nói tên nước và danh tánh của mình:
–Con là A-xà-thế, vua nước Ma-kiệt. Và hỏi thăm Đức Thế Tôn:
–Sự đau nhức của vết thương có giảm đi chút nào chăng?
Phật đáp:
–Mong Đại vương thường được an ổn, sống lâu, không bệnh, vua nên cai trị nhân dân bằng chánh pháp, chớ làm những việc không đúng pháp. Đức Phật liền mời vua ngồi, vua liền an tọa.
Vua hỏi Đức Phật:
–Con nghe Như Lai nói rằng: “Thân Phật là thân Kim cang, không thể hủy hoại được.” Chẳng hay vì sao bây giờ lại bị cây giáo bằng gỗ đâm vào chân như thế?
Phật bảo nhà vua:
–Tất cả các pháp đều do nhân duyên mà bị hủy hoại. Thân Ta tuy là Kim cang, gươm giáo không phá hoại được, nhưng bị nhân duyên đời trước làm hủy hoại.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài tụng:
Việc người đời gây ra
Đều tự thấy việc mình
Làm lành được báo lành
Làm dữ bị báo dữ.
Cho nên, này Đại vương, cần phải dứt bỏ việc ác, làm điều lành. Những kẻ ác độc ngu si không có học vấn, chưa biết chân đạo, đùa giỡn, coi thường gây ra tội lỗi, về sau phải chịu quả báo một cách đau khổ. Cho nên, này Đại vương, không nên vì đùa giỡn mà gây ra tội lỗi. Vua nên tu học như vậy.
Vua bảo Kỳ-bà:
–Ngươi hãy hòa hợp các thứ thuốc thật tốt tẩy rửa, đọc chú chữa trị vết thương của Phật làm cho mau lành!
Kỳ-bà thưa:
–Xin vâng!
Kỳ-bà liền đảnh lễ Đức Phật, tẩy rửa chân Ngài, sau đó đắp thuốc sinh da non, đoạn đọc chú hết đau. Kỳ-bà xuất ra trăm ngàn tấm nỉ đắt tiền để bó chân Phật; dùng tay xoa bóp chân Ngài, miệng cầu khấn rằng: “Nguyện Phật sống lâu, mong tai họa này chóng dứt trừ, tất cả chúng sinh còn khổ đau trong đêm dài cũng được giải thoát”. Ông liền đứng lên đảnh lễ Đức Phật, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ Đức Phật liền giảng nói pháp Tứ đế cho vua A-xà-thế và tất cả mọi người trong hội nghe:
–Sao gọi là Tứ đế? Đó là khổ đế, khổ tập đế, khổ tận đế, khổ tận đạo đế. Đó là bốn chân lý chắc thật.
Khi Đức Phật giảng nói pháp Tứ đế có sáu mươi vị Tỳ-kheo dứt hết lậu hoặc, tâm ý mở tỏ. Một vạn một ngàn người được pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ nhà vua từ giã Đức Phật:
–Vì việc nước bận rộn, con phải trở về, xin giã biệt Đức Thế Tôn.
Đức Phật bảo:
–Đại vương nên biết đã đúng lúc.
Vua liền đứng dậy cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi trở về. Mọi người cũng đảnh lễ Đức Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi trở về.
Bấy giờ, vào lúc nửa đêm, có bảy vị trời, mỗi vị có khả năng phát ra trăm thứ âm thanh, đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, nhiễu quanh Ngài một vòng rồi đứng chắp tay. Khi ấy, một vị trời bạch Phật:
–Sa-môn Cù-đàm như sư tử bị thọ thương, chịu đựng được sự đau đớn không cho người biết.
Một vị trời khác lại nói:
–Sa-môn Cù-đàm như voi bị thọ thương, chịu đựng được sự đau đớn không cho người biết.
Một vị trời khác lại nói:
–Sa-môn Cù-đàm giống như con bò lớn khi rống lên, cũng không biết sự đau đớn.
Một vị trời khác lại nói:
–Sa-môn Cù-đàm giống như con trâu khi rống lên, cũng không biết đau đớn Một vị trời khác lại nói:
–Sa-môn Cù-đàm giống như vị vua trời có tám tay bị thọ thương, nên chịu đựng được sự đau đớn.
Một vị trời khác lại nói:
–Sa-môn Cù-đàm như con ngựa báu, nên không biết đau đớn.
Một vị trời khác lại nói:
–Sa-môn Cù-đàm quán sát kỹ sự thanh tịnh, nên không biết đau đớn.
Vị trời thứ nhất nói:
–Đức Phật là Sư Tử trong loài người, là Voi trong loài người, là con Bò lớn trong loài người, là con Trâu trong loài người, là vị vua Trời tám tay trong loài người, là con ngựa báu trong loài người, là người xét kỹ sự thanh tịnh trong loài người. Đức Thế Tôn là như thế, chịu đựng được sự đau khổ. Những kẻ ngu si thì chịu đựng sự đau đớn, còn Đức Thế Tôn dùng trí tuệ để chịu đựng, chẳng phải như kẻ ngoại học Phạm chí, tuổi đã quá trung niên, biếng nhác bê tha lại lấy vợ, mà mong được thoát khổ, thì không thể được độ? Vì sao? Vì không thể rốt ráo vậy. Trong chánh pháp của Như Lai, thanh tịnh rốt ráo, dứt bỏ các ái dục, được đến Niết-bàn. Như vậy mới thoát ra được cái biển nhơ bẩn ba cõi. Vì sao? Vì tâm ý họ được chánh định, tu pháp Tứ đế để tìm Niết-bàn.
Lúc ấy vị trời nói kệ:
Hung dữ khó hàng phục
Si, nghi, không định trí
Chí mê, ở rừng rú
Không thoát vực sinh tử.
Định trí, trừ hung ngu
Luyện ý, mở trói buộc
Tâm lặng, không mê lầm
Vượt ra biển sinh tử.
Vị trời nói kệ xong, Đức Phật im lặng chấp nhận. Các vị trời thấy Đức Phật im lặng, biết Ngài đã bằng lòng, liền cúi đầu lạy dưới chân Phật, nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi bỗng nhiên biến mất. Đến sáng, Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thuở xưa, cách nay vô số a-tăng-kỳ kiếp về trước, bấy giờ có hai đoàn người đi buôn. Mỗi đoàn có năm trăm người, tại nước Ba-la-nại, họ đều hùn vốn định đóng thuyền đi biển. Đóng thuyền xong, họ mở neo, trương buồm, xuất hành. Gió thổi đưa đi, đến bãi biển toàn là ngọc quý. Trên bãi biển này có rất nhiều y phục, mền nệm, thức uống ăn, giường nằm, đồ ngồi và các cô gái xinh đẹp, đủ loại châu báu, chẳng thiếu thứ gì.
Bấy giờ, người dẫn đầu một đoàn đi buôn bảo mọi người:
–Chúng ta vì của cải nên mới khổ sở vượt biển đến đây. Nay điều mong ước đã đạt được, vậy chúng ta nên ở lại đây, vui chơi với năm thứ dục lạc.
Còn người dẫn đầu của đoàn buôn thứ hai bảo những người trong đoàn của mình rằng:
–Ở đây tuy có nhiều các thứ châu báu, năm dục, thể nữ, y phục, thức uống ăn không thiếu thứ gì, nhưng chúng ta không nên ở đây lâu.
Bấy giờ, trên hư không có một vị Thiên nữ, thương xót đoàn người đi buôn này, muốn giúp họ được như ý muốn, có nhiều của cải, trở về an toàn, nên ở trong hư không bảo những người đi buôn:
–Ở đây tuy có của cải, năm dục, thể nữ, y phục, mền nệm, thức uống ăn nhưng không nên ở lâu, phải sớm trở về. Vì sao? Vì bảy ngày nữa, vùng đất này sẽ bị chìm trong nước.
Vị Thiên nữ nói xong liền biến mất.
Lại có một vị Thiên nữ ma giới, ý muốn cho những người đi buôn này bị chết hết tại đây, không trở về được, bèn ở trong không trung, bảo:
–Các ngươi không nên chuẩn bị ghe thuyền trở về làm gì, vì ở đây rất vui sướng, rất đáng để vui chơi. Mặt đất tại đây trước không hề có nước đến, nếu có nước đến đây, thì các thứ châu báu, thức ăn uống, y phục, mền nệm, gái đẹp, năm dục do đâu mà có? Vị Thiên nữ vừa rồi nói rằng: “Nước sẽ ngập chìm vùng này”. Đó là lời dối gạt, không đáng tin.
Nói xong, vị Thiên nữ ma giới liền biến mất. Bấy giờ người dẫn đầu đoàn buôn thứ nhất, nghe vị Thiên nữ ma giới nói bèn bảo những người trong đoàn của mình:
–Các bạn chớ có chuẩn bị thuyền bè để trở về làm gì; chớ có tin lời vị Thiên nữ vừa rồi nói. Đó là dối gạt mà thôi. Ở đây vui sướng, năm dục đầy đủ. Vì ở Diêm-phù khổ sở, chính là muốn cầu sinh đến đây. Nay đã đến được rồi vì sao lại bỏ đi!
Người dẫn đầu đoàn buôn thứ hai lại bảo những người trong đoàn của mình:
–Các bạn chớ tham đắm năm dục mà ở đây lâu, vì bảy ngày nữa nước sẽ dâng lên đầy ngập nơi đây, phải mau mua bán, chuẩn bị sửa chữa ghe thuyền. Lời vị Thiên nữ vừa rồi nói là lời chân thành, không hề dối gạt. Giả sử nếu bảy ngày nữa mà không có nước dâng, chúng ta vẫn phải sửa chữa lại ghe thuyền để trở về, vì chúng ta đâu thể bỏ cha mẹ, vợ con ở quê nhà? Còn nếu bảy ngày nữa, nước không dâng lên, thì chúng ta sẽ ở đây, vui chơi với năm dục, sau đó từ từ sẽ trở về. Nếu nước đầy ngập như lời vị Thiên nữ vừa rồi nói, thì chúng ta đã chuẩn bị sửa chữa ghe thuyền xong, thì trở về nào có khó gì.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Bảy ngày sau, đúng như lời vị nữ đã nói, nước đầy ngập mặt đất. Bấy giờ, người dẫn đầu đoàn buôn thứ hai đã chuẩn bị trước ghe thuyền xong, ngày nước dâng tất cả những người đi buôn trong đoàn đều được lên thuyền. Còn người dẫn đầu đoàn buôn thứ nhất, vì trước đó không chuẩn bị sửa chữa ghe thuyền nên ngày nước dâng họ giành thuyền với những người trong đoàn buôn thứ hai. Người dẫn đầu đoàn buôn thứ hai vì muốn bảo vệ những người trong đoàn không để họ giành thuyền, bèn mặc áo giáp, cầm gậy để chiến đấu với nhau. Người dẫn đầu đoàn buôn thứ hai ở trên thuyền dùng mâu kích đâm người dẫn đầu đoàn buôn thứ nhất làm cho y gãy chân rồi chết.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy có biết người dẫn đầu đoàn buôn thứ nhất lúc bấy giờ nay là ai chăng? Đó chính là Đề- bà-đạt-đa ngày nay. Còn người dẫn đầu đoàn buôn thứ hai dùng mâu kích đâm người dẫn đầu đoàn buôn thứ nhất lúc bấy giờ nay chính là Ta. Đoàn người đi buôn năm trăm người thứ nhất lúc bấy giờ nay là đệ tử của Đề-bà-đạt-đa; còn đoàn buôn năm trăm người thứ hai lúc bấy giờ nay là năm trăm vị La-hán. Vị Thiên nữ lúc ấy nay chính là Xá-lợi- phất. Vị Thiên nữ ma giới lúc ấy thì nay là đệ tử Bà-la-môn của Tỳ-kheo Mãn Nguyệt.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thuở xưa Ta làm người dẫn đầu đoàn đi buôn, tham của sợ chết, vượt biển, tranh thuyền với người dẫn đầu đoàn buôn thứ nhất, đâm mâu kích vào chân y. Do nhân duyên đó, trong vô số ngàn năm, chịu khổ trong địa ngục, ở trong địa ngục suốt vô số ngàn năm bị mâu kích đâm chém, vô số ngàn năm bị đọa vào loài súc sinh, bị người bắn giết, trong vô số ngàn năm bị đọa vào loài ngạ quỉ, phải leo lên cây chùy bằng sắt. Ngày nay tuy được thân Kim cang Như Lai rồi, nhưng do tai ương đời trước còn sót lại, nên mới bị cây giáo đâm vào chân.
Bấy giờ Đức Thế Tôn kể lại nhân duyên đời trước bằng bài kệ:
Đời trước Ta dẫn đầu
Lên thuyền đi ra biển
Hai đoàn cùng tranh thuyền
Lấy mâu đâm chân hắn
Do vì nhân duyên ấy
Mãi chịu khổ địa ngục
Súc sinh bị tên bắn
Ngạ quỉ, leo cây chùy.
Nay Ta đã thành Phật
Vì thương xót chúng sinh
Tuy được thân Kim cang
Không khỏi bị giáo nhọn.
Duyên này không mất đi
Cũng chẳng tan trong không
Phải giữ ba nhân duyên
Thân, miệng, ý đừng phạm.
Nay Ta đã thành Phật
Được làm tướng ba cõi
Tại suối lớn A-nậu
Tự nói duyên đời trước.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy xem Đức Như Lai các điều ác đã dứt hết, các điều thiện đã đầy đủ, đối với các Trời, Rồng, Quỉ thần, vua chúa, quan dân, tất cả chúng sinh Ta đều muốn hóa độ họ, vậy mà vẫn còn không thoát khỏi sự báo ứng này. Huống chi là những người si mê tăm tối chưa thấy đạo?! Cho nên, này Xá-lợi- phất, phải giữ gìn thân, miệng, ý, đừng phạm lỗi của ba nghiệp này. Này Xá-lợi-phất, các thầy nên tu học như vậy.
Đức Phật nói nhân duyên này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất vui mừng lãnh thọ thực hành.
❑
Nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại con suối lớn A- nậu cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo đều là bậc A-la-hán, đã chứng được sáu thứ thần thông, chỉ trừ Tỳ-kheo A-nan.
Bấy giờ, Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Thuở xưa, tại thành La-duyệt-kỳ có một vị trưởng giả tên là Tu- đàn, là người hết sức giàu có, của báu, voi ngựa, bảy báu, tôi tớ hầu hạ, sản nghiệp đầy đủ. Ông có một người con trai tên là Tu-ma-đề. Trưởng giả Tu-đàn bỗng nhiên qua đời. Tu-ma-đề có một người em khác mẹ là Tu-da-xá. Lúc ấy, Ma-đề nghĩ rằng: “Ta phải tìm cách không cho Tu-da-xá hưởng phần tài sản”. Tu-ma-đề lại nghĩ: “Chỉ có cách giết nó đi mới khỏi chia gia tài”. Do đó Tu-ma-đề bảo Tu-da-xá:
–Anh em ta cùng lên núi Kỳ-xà-quật, anh có việc muốn bàn luận với em.
Tu-da-xá đáp:
–Thưa vâng!
Khi ấy, Tu-ma-đề liền nắm tay em cùng lên núi. Khi đã lên đến đỉnh núi, người anh liền xô người em xuống chân núi, rồi lấy đá đè lên, làm cho người em chết ngay.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy có biết vị trưởng giả Tu-đàn lúc bấy giờ nay là ai chăng? Chính là phụ vương Chân Tịnh. Người con trưởng giả là Tu-ma-đề lúc bấy giờ nay chính là Ta. Người em là Tu-da-xá lúc bấy giờ thì nay là Đề-bà-đạt-đa.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Lúc ấy, Ta vì tham của cải mà giết hại người em, do tội ác này nên trải qua vô số ngàn năm phải bị nấu đốt trong địa ngục, bị núi sắt đè ép. Vì duyên xưa còn sót lại, nên nay tuy Ta đã thành Phật nhưng vẫn không thoát khỏi quả báo đời trước. Ở trên núi Kỳ-xà-quật, Ta đang đi kinh hành thì bị Đề-bà-đạt- đa xô tảng đá dài sáu trượng, rộng ba trượng vào đầu Ta. Khi ấy, vị Thần núi Kỳ-xà-quật tên là Tỳ- la đưa tay tiếp lấy tảng đá, chỉ có một mẫu đá nhỏ rơi trúng ngón chân cái của Ta, làm trầy xước chảy máu.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói về nhân duyên đời trước bằng bài kệ:
Xưa, Ta vì của cải
Giết người em khác mẹ
Xô từ núi cao xuống
Rồi lấy đá đè lên.
Do nhân duyên ác ấy
Mãi chịu khổ địa ngục
Ở trong địa ngục này
Bị núi sắt đè ép.
Do tai ương sót lại
Đề-bà-đạt xô đá
Mảnh nhỏ rơi trúng chân
Làm dập ngón chân cái.
Duyên này không mất đi
Cũng không tan trong không
Phải giữ ba nhân duyên
Thân, miệng, ý chớ phạm.
Nay Ta đã thành Phật
Được làm tướng ba cõi
Tại suối lớn A-nậu
Nói chuyện đời trước này.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy hãy xem Đức Như Lai, các điều ác đã dứt hết, các điều thiện đã đầy đủ, đối với các Trời, Rồng, Quỉ thần, vua chúa, quan dân, tất cả chúng sinh, Ta đều muốn hóa độ. Vậy mà vẫn bị quả báo đời trước, không thể thoát khỏi, huống gì những người si mê, tăm tối chưa đắc đạo?! Này Xá-lợi- phất, các thầy nên tu học như vậy, đừng phạm lỗi của thân, miệng, ý.
Đức Phật nói nhân duyên này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất và năm trăm vị La-hán, Rồng lớn đầu đàn A-nậu, Trời, Rồng, Quỉ thần, Càn-thát-bà, A- tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nghe Đức Phật dạy xong đều vui mừng lãnh thọ thực hành.
Nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại con suối lớn A- nậu cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm năm trăm vị, đều là bậc La-hán, đã chứng được sáu thứ thần thông, chỉ trừ Tỳ-kheo A-nan.
Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Thuở xưa cách nay vô số kiếp, bấy giờ có Đức Phật ra đời hiệu là Tận Thắng Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, là Bậc Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu Phật Thế Tôn. Ngài ngự tại nước Ba-la-nại, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm sáu vạn tám ngàn vị đều là bậc La- hán.
Này Xá-lợi-phất, bấy giờ Đức Như Lai Tận Thắng có hai vị Tỳ-kheo: một là Tỳ-kheo Vô Thắng, hai là Tỳ-kheo Thường Hoan. Tỳ-kheo Vô Thắng thì có sáu thứ thần thông. Còn Tỳ-kheo
Thường Hoan thì kết sử chưa dứt trừ. Lúc đó, ở thành Ba-la-nại có một vị trưởng giả tên là Đại Ái, có voi, ngựa, bảy báu, của cải vô số. Trưởng giả có một người vợ tên là Thiện Huyễn, xinh đẹp không ai bằng. Hai vị Tỳ-kheo này thường hay lui tới nhà vị trưởng giả này để thọ cúng dường. Vợ của trưởng giả cúng dường Tỳ-kheo Vô Thắng bốn thứ cúng dường: y phục, mền nệm, thức uống ăn, giường nằm, thuốc men, không hề thiếu thốn. Còn đối với Tỳ-kheo Thường Hoan thì bà cúng dường rất ít. Vì sao? Vì Tỳ-kheo Vô Thắng đã dứt hết các lậu, chứng được sáu thứ thần thông. Còn Tỳ-kheo Thường Hoan thì chưa đoạn hết kết sử và chưa thành đạo.
Tỳ-kheo Thường Hoan thấy Tỳ-kheo Vô Thắng được cúng dường nhiều nên sinh tâm ganh ghét, phỉ báng một cách vô cớ rằng:
–Tỳ-kheo Vô Thắng tư thông với phu nhân Thiện Huyễn nên phu nhân không cúng dường theo đạo pháp mà cúng dường bằng sự ân ái.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy có biết Tỳ-kheo Thường Hoan đệ tử của Đức Như Lai Tận Thắng là ai chăng? Đó chính là Ta, còn phu nhân Thiện Huyễn chính là con gái của Bà-la-môn, tên là Chiên-sa.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Lúc bấy giờ Ta vô cớ phỉ báng vị La-hán Vô
Thắng. Vì tội ác ấy, nên trong vô số ngàn năm Ta ở trong địa ngục chịu những sự đau khổ. Nay Ta đã thành Phật, đang nói pháp cho sáu vị ngoại đạo sư, các chúng Tỳ-kheo, người đã dứt sạch các lậu hoặc, người chưa dứt sạch các lậu hoặc, và các vua chúa, quan dân, thanh tín sĩ và thanh tín nữ nghe thì do tai ương thuở xưa còn sót lại, nên bị cô gái đặt điều độn bình đựng nước vào bụng, đến trước Ta nói rằng: “Này ông Sa-môn, sao ông không nói việc nhà mình mà nói việc của người khác làm gì, bây giờ chỉ mình ông vui sướng chứ đâu biết nỗi khổ của tôi?! Vì sao? Vì trước đây ông tư thông với tôi, làm cho tôi mang thai. Nay sắp đến ngày sinh nở, tôi cần có bơ, dầu để nuôi đứa bé. Ông phải cung cấp tất cả những thứ ấy cho tôi!”
Bấy giờ chúng hội đều cúi đầu im lặng. Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhân đứng hầu quạt phía sau Đức Phật, dùng thần lực hóa thành một con chuột, chạy vào trong áo cô ta cắn đứt sợi dây buộc cái bình, làm cho cái bình tự nhiên rơi xuống đất.
Lúc ấy bốn chúng đệ tử và học trò của sáu vị giáo chủ ngoại đạo thấy cái bình rơi xuống đất đều hết sức hớn hở, thốt lên những lời vui mừng, hân hoan vô cùng, đều đồng thanh mắng nhiếc cô gái kia rằng: “Này đồ chết tiệt, sao lại đem cái vật tội lỗi, với ác ý, hòng phỉ báng sự thanh tịnh, vô thượng chánh chân như thế? Mặt đất này vô tri, há có thể dung chứa con người tội ác đến như vậy sao?!.”
Mọi người đều nói như vậy, lúc ấy mặt đất liền nứt ra, lửa từ lòng đất phun lên, cô gái liền té xuống đó, rớt thẳng xuống địa ngục lớn A-tỳ. Đại chúng thấy cô gái đang còn sống mà đã rơi vào địa ngục. Lúc ấy vua A-xà-thế cảm thấy kinh sợ, mình mẩy nổi ốc, bèn đứng dậy chắp tay, quỳ thẳng bạch Phật:
–Hiện giờ cô gái ấy đang đọa nơi nào? Đức Phật trả lời:
–Này Đại vương, hiện giờ cô gái ấy đang đọa trong địa ngục A-tỳ.
Vua A-xà-thế lại hỏi Đức Phật:
–Cô gái ấy không giết người, không trộm cắp, chỉ vì nói dối mà đọa vào địa ngục A-tỳ sao?
Phật bảo vua A-xà-thế:
– Pháp nhân duyên mà Ta nói có hành động của thân, miệng, ý với ba mức độ nặng, vừa, nhẹ.
Vua A-xà-thế lại hỏi:
–Sao gọi là nặng? Sao gọi là vừa? Sao gọi là nhẹ?
Phật bảo vua A-xà-thế:
–Hành động của ý là nặng, hành động của miệng là vừa, hành động của thân là nhẹ.
Vua A-xà-thế lại hỏi Phật:
–Vì sao vậy?
Đức Phật trả lời:
–Hành động của thân hiện ra một cách thô thiển, việc ấy ta thấy được. Hành động của miệng thì tai nghe được. Hai loại hành động ấy người thế gian thấy được, nghe được.
Này Đại vương, về hành động của ý, thì khi nó khởi lên ý niệm ta không thể thấy, không thể nghe được. Đó là những hành động sự việc ở bên trong do chiếc đinh ý đóng chặt.
Nhà vua lại hỏi:
–Ý không thấy được, vì sao lại đóng chặt bởi chiếc đinh ý?
Phật đáp:
–Nếu người nam, người nữ nào thân muốn làm những việc sát sinh, trộm cắp, tà dâm, thì trước tiên họ phải suy nghĩ, rồi trong tâm quyết định khi nào nên hành động, nên đến chỗ nào để hành động.
Phật lại bảo nhà vua:
–Hễ khi con người hành động thì trước tiên là trong tâm suy tính, sau đó mới hành động, cho nên sự suy tính bị đóng chặt bởi chiếc đinh ý, không phải thân và miệng được đóng.
Phật lại bảo nhà vua:
–Nếu miệng phát ngôn, khi miệng muốn phát ngôn, trước tiên ý phải suy nghĩ, hoặc trong đại hội, khi thuyết giảng bàn luận Phật pháp, hoặc khi cùng ngồi xử đoán luật hiện hành. Nếu có người hỏi ta, ta phải phản bác luận thuyết kẻ ấy. “Trong lời ấy chẳng phải là việc đã xong,” nếu có lời nói này, ta sẽ phản bác: “Điều đó là ý khí của người khác nên nói lên lời ấy vậy.” Nếu thực hành ba điều đó thì không nên đắm trước. Lại còn nghĩ kế: “Nên đến đó để đánh nhau”, rằng: “Kẻ ấy muốn giết tôi, phá tôi, hại tôi. Anh phải nghe theo lời tôi, đừng nên tin người kia”. Nếu nói lời hai lưỡi ấy thì thành ra lời luống dối, làm diệt mất chánh pháp, khi chết đi bị đọa vào địa ngục.
Phật bảo nhà vua:
–Cho nên miệng phát ra lời nói thì lời nói bị lệ thuộc bởi chiếc đinh ý, chứ không lệ thuộc thân và miệng.
Nhà vua lại hỏi Phật:
–Vì sao vậy? Phật bảo nhà vua:
–Thân có ba lỗi, miệng có bốn lỗi đều do ý quyết định. Nếu không suy nghĩ thì thân không thể tự làm được. Cho nên thân và miệng bị lệ thuộc bởi chiếc đinh ý.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:
Trong ý suy nghĩ kỹ
Thân, miệng mới hành động
Thân, miệng vờ xấu hổ
Tâm ý không hổ thẹn.
Ý phải xấu hổ trước
Thân, miệng xấu hổ sau
Thân, miệng không lìa ý
Không thể tự hành động.
Bấy giờ vua A-xà-thế nghe Đức Phật nói pháp, buồn thương rơi lệ. Đức Phật hỏi nhà vua:
–Vì sao vua khóc?
Nhà vua thưa:
–Vì chúng sinh không có trí tuệ, không hiểu ba việc này, nên thường bị tổn hại, vì thế con rất buồn. Chúng sinh này chỉ cho rằng thân, miệng là quan trọng mà không biết ý mới là sâu xa. Bạch Thế Tôn, con vốn cho rằng thân, miệng là quan trọng, còn ý là tầm thường. Nay nghe Phật dạy mới biết ý là quan trọng; thân, miệng là thứ yếu.
Phật hỏi nhà vua:
–Vì sao trước kia vua cho là thân, miệng là quan trọng, ý là tầm thường. Nay mới biết ý là quan trọng mà thân, miệng là thứ yếu?
Vua lại bạch Phật:
–Hễ người sát sinh, thì mọi người đều thấy được, hoặc trộm cắp, dâm dật thì mọi người cũng thấy được; ba việc này của thân, thiên hạ đều thấy biết. Miệng nói lời dối gạt, độc ác, hai lưỡi, lời nói thêm bớt, bốn việc này của miệng, thiên hạ cũng đều nghe được. Còn ba việc của ý thì tai không nghe được, mắt không thấy được, vì vậy mà chúng sinh cho việc mắt thấy, tai nghe là quan trọng. Còn nay con nghe Phật dạy mới biết tâm ý là quan trọng, còn thân, miệng là thứ yếu. Vì vậy hành động của thân, miệng lệ thuộc bởi ý.
Đức Phật lại hỏi nhà vua:
–Vì sao vua biết ý là quan trọng, hành động của thân và miệng lệ thuộc bởi ý?
Vua bạch Phật:
–Cô gái đặt điều muốn hủy báng Phật, trước tiên tâm phải suy nghĩ, mới lấy chiếc bình độn trước bụng, rồi ở trước đại chúng mới vu khống như vậy. Nay con nghe lời Phật dạy cho nên con biết ý là quan trọng mà thân, miệng là thứ yếu.
Đức Phật bảo:
–Này Đại vương, vì sao bây giờ vua hiểu được ý là quan trọng mà thân, miệng là thứ yếu?
Nhà vua thưa:
–Giả sử khi muốn làm việc gì, trước hết tâm phải suy nghĩ, sau đó thân, miệng mới hành động, cho nên con biết ý là quan trọng mà thân, miệng là thứ yếu.
Đức Phật nói:
–Hay lắm! Hay lắm! Này Đại vương, Đại vương đã hiểu rõ việc này, vậy phải thường tu học như vậy, ý là quan trọng, còn thân, miệng là thứ yếu.
Khi Đức Phật nói pháp này, trong chúng có tám mươi vị Tỳ-kheo dứt hết lậu hoặc, tâm ý mở tỏ, hai trăm vị Tỳ-kheo được đạo A-na-hàm, bốn trăm vị Tỳ-kheo được đạo Tư-đà-hàm, tám trăm vị Tỳ- kheo được đạo Tu-đà-hoàn, tám vạn vị trời và người đều được Pháp nhãn thanh tịnh, mười vạn người và chẳng phải loài người đều thọ năm giới, hai mươi vạn quỉ, thần cây thọ Tam tự quy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ về nhân duyên đời trước:
Thời Như Lai Tận Thắng
Ta, Tỳ-kheo Đa Hoan
Hủy báng Ngài Vô Thắng
Mãi đọa trong địa ngục.
Do nhân duyên sót lại
Cô gái đặt điều đến
Đứng ở trước đại chúng
Nói lời hủy báng Ta.
Oan xưa không mất đi
Cũng chẳng tan trong không
Phải giữ ba nhân duyên
Thân, miệng, ý đừng phạm.
Nay Ta thành Phật đạo
Lại làm tướng ba cõi
Tại suối lớn A-nậu
Tự nói chuyện đời trước.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy hãy xem Đức Như Lai, các điều ác đã dứt hết, các điều thiện đã đầy đủ. Đối với các Trời,
Rồng, Quỉ thần, vua chúa, quan dân, tất cả chúng sinh, Ta đều muốn độ thoát. Vậy mà vẫn không tránh khỏi nhân duyên đời trước này, huống gì là những người si mê chưa đắc đạo? Này Xá-lợi-phất, phải giữ gìn thân, miệng, ý.
Đức Phật dạy như vậy xong, Tôn giả Xá-lợi- phất và năm trăm vị La-hán, Rồng lớn đầu đàn A- nậu, tám bộ Quỉ thần nghe Đức Phật dạy xong vui mừng lãnh thọ thực hành.
Nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại con suối lớn A- nậu, cùng với đại chúng Tỳ-kheo năm trăm vị, đều là những bậc A-la-hán, đã chứng được sáu thứ thần thông.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thuở xưa, cách nay rất lâu, khi ấy có một vị Phật tên là Tỳ-bà-diệp Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, là Bậc Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, ngự trong thành Bàn-đầu-ma-bạt, cùng với chúng đại Tỳ-kheo mười sáu vạn tám ngàn vị.
Vua tên là Bàn-đầu, cùng với các quan, thứ dân, thanh tín sĩ và thanh tín nữ, đem bốn thứ cúng dường Đức Như Lai Tỳ-bà-diệp và chúng Tăng chẳng thiếu thứ gì. Khi ấy, trong thành có một vị Bà-la-môn tên là Nhân-đề-kỳ-lợi, hiểu rộng bốn bộ sách (Phệ-đà) của Phạm chí; ông còn biết về pháp thuật của Bà-la-môn. Ông dạy học năm trăm đồng tử.
Bấy giờ nhà vua mở hội, trước tiên thỉnh Đức Phật, Đức Phật im lặng nhận lời. Nhà vua trở về cung chuẩn bị các thức ăn ngon và sắp đặt ghế ngồi, trải thảm nỉ khắp mặt đất, xong xuôi nhà vua bưng lò hương, quỳ thẳng trên tòa, bạch:
–Đã đến giờ, cúi mong Đức Thế Tôn quang lâm.
Khi ấy, Đức Phật Tỳ-bà-diệp thấy đã đến giờ, liền bảo đại chúng mặc y ôm bát, vào cung thọ thỉnh. Bấy giờ, đại chúng vây quanh, đi đến cung vua, mỗi vị đều an tọa. Nhà vua liền cho dọn bày thức ăn. Tự tay vua dâng các thức ăn ngon để cúng dường. Lúc ấy có một Tỳ-kheo tên Di-lặc bị bệnh, không đi phó trai được.
Phật và đại chúng thọ thực xong, liền trở về. Khi trở về, các ngài đều mang thức ăn về cho các Tỳ-kheo bệnh. Lúc các ngài đi ngang qua hòn núi nơi vị Phạm chí ở, ông ta thấy thức ăn ngon, liền sinh lòng ganh ghét, nói rằng:
–Sa-môn trọc đầu này, chỉ đáng ăn lúa ngựa, chứ không nên ăn các thức ăn ngon này.
Ông bảo các đệ tử:
–Các ngươi có thấy gã đạo nhân trọc đầu này ăn toàn những thức ăn ngon bổ chăng?
Các đệ tử thưa:
–Vâng chúng con có thấy. Thầy trò của bọn người này phải ăn lúa ngựa mới đúng.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy có biết vị Bà-la-môn ở núi Chúa lúc bấy giờ nay là ai chăng? Chính là Ta vậy. Còn năm trăm đệ tử lúc đó thì nay là năm trăm vị La-hán này. Còn Tỳ-kheo Di-lặc bị bệnh lúc ấy thì nay là Bồ- tát Di-lặc này.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Lúc ấy vì Ta có tâm ganh ghét nói rằng: “Bọn người này không nên ăn những thức ăn ngon ngọt. Họ nên ăn lúa ngựa mới phải” và các thầy cũng nói như vậy, do đó Ta và các thầy trải qua vô số ngàn năm ở trong địa ngục. Nay Ta tuy đã thành Phật, nhưng vì nghiệp duyên đời trước còn sót lại, nên Ta và các ngươi phải ăn lúa ngựa trong chín mươi ngày tại ấp Tỳ-lan. Lúc ấy Ta không nói: “Cho Phật ăn lúa ngựa”. Ta chỉ nói: “Cho các Tỳ-kheo ăn lúa ngựa”. Vì vậy cho nên nay Ta được ăn lúa đã làm sạch. Vì các thầy lại nói thêm: “Nên cho Phật ăn lúa ngựa”, cho nên nay các thầy phải ăn lúa ngựa chưa sạch vỏ.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ về nhân duyên đời trước:
Xưa, Ta là Phạm chí
Sở học rất sâu rộng
Dạy năm trăm đệ tử
Ở tại trong rừng cây
Vào thời Phật Tỳ-diệp
Mắng nhiếc các Tỳ-kheo:
“Không nên ăn đồ ngon
Chỉ nên ăn lúa ngựa”.
Các đệ tử cũng nói:
“Đúng như lời thầy dạy,
Cả thầy trò bọn chúng
Đều nên ăn lúa ngựa”.
Do nhân duyên như vậy
Mãi chịu khổ địa ngục.
Tai ương xưa sót lại
Cùng năm trăm Tỳ-kheo
Khi Bà-la-môn thỉnh
Nhóm tại ấp Tỳ-lan
Cùng nhau ăn lúa ngựa
Trong suốt chín mươi ngày.
Nhân duyên không mất đi
Cũng không tan trong không
Nên giữ ba nhân duyên
Thân, miệng, ý chớ phạm.
Nay Ta thành Phật đạo
Lại làm tướng ba cõi
Tại suối lớn A-nậu
Tự nói chuyện đời trước.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy hãy xem Đức Như Lai, các điều ác đã dứt hết, các điều thiện đã đầy đủ. Đối với các Trời, Rồng, Quỉ thần, vua chúa, quan dân tất cả chúng sinh Ta đều muốn hóa độ họ. Vậy mà vẫn không thoát khỏi tai ương đời trước còn sót lại, huống gì là những người si mê chưa đắc đạo?!
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy nên tu học và giữ gìn ba nhân duyên, chớ phạm lỗi của thân, miệng, ý. Này Xá-lợi-phất, phải tu học như vậy Đức Phật dạy như vậy xong, Tôn giả Xá-lợi- phất và năm trăm vị La-hán, Rồng lớn đầu đàn A- nậu, tám bộ Quỉ thần nghe Đức Phật dạy đều vui mừng lãnh thọ thực hành.
Nghe như vầy:
Một thuở nọ, Phật ngự tại con suối lớn A-nậu cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm vị, đều là bậc A-la-hán, đã chứng được sáu thứ thần thông, chỉ trừ Tỳ-kheo A-nan.
Bấy giờ, Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thuở xưa, tại thành Ba-la-nại, cách thành không xa có ấp Đa thú, trong ấp có một vị Bà-la- môn là quan Thái sử của nhà vua, là bậc nhất trong nước. Vị quan này có một người con, trên đầu tự nhiên có vòng lửa (hỏa man), do đó được đặt tên là Hỏa Man, tướng mạo khôi ngôi, có ba mươi tướng tốt. Các sách vở của Phạm chí, Đồ thư, Sấm ký... loại nào cũng thông hiểu. Cấm giới của ngoại đạo và các phương thức tính toán đều học tập thấu suốt. Bấy giờ, có con người thợ gốm tên là Nan-đề- bà-la (Hộ Hỷ), vốn là bạn thân với Hỏa Man từ nhỏ. Trong lòng họ kính trọng nghĩ nhớ đến nhau, dù giây lát cũng không quên nhau. Con người thợ gốm thì tinh tấn, mạnh mẽ, nhân từ, hiếu thuận. Cha mẹ đều mù, chàng phải nuôi nấng cha mẹ, lo lắng chẳng thiếu vật gì. Nan-đề-bà-la tuy là thợ làm đồ gốm, nhưng tay chàng không đào đất, cũng không bảo người khác đào, chàng chỉ lấy đất vách tường lở, bờ sập và đất chuột đào nhồi lại làm đồ dùng, đẹp đẽ không thứ đồ sứ nào sánh bằng. Nếu có người nam hay người nữ đến mua các đồ gốm ấy, họ chỉ cần để lại lúa mạch, mè, đậu ở đó rồi lấy đồ gốm đi. Từ đầu chàng đã không định giá trước, cũng không lấy vàng bạc, của cải, vải vóc, mà chỉ lấy lúa gạo để nấu ăn mà thôi.
Tinh xá nơi Đức Như Lai Ca-diếp an trụ cách ấp Đa thú không xa, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm hai vạn người, đều là bậc La-hán. Hộ Hỷ nói với Hỏa Man rằng:
–Chúng ta cùng nhau đến viếng thăm Đức Như Lai Ca-diếp chứ? Hỏa Man đáp:
–Hộ Hỷ đến viếng thăm gã đạo nhân trọc đầu ấy làm gì? Con người trọc đầu ấy làm gì có đạo? Phật đạo rất khó được gặp.
Chàng nói như vậy cho đến ba lần. Ngày hôm sau, Hộ Hỷ lại nói với Hỏa Man:
–Chúng ta cùng đến bờ sông để tắm rửa chứ? Hỏa Man đáp:
–Đồng ý!
Nói xong, họ liền cùng nhau đến bờ sông để tắm rửa, rồi mặc y phục. Hộ Hỷ cầm cục đá trên tay, chỉ về phía xa, bảo bạn:
–Tinh xá nơi Đức Như Lai Ca-diếp an trụ cách đây không xa, chúng ta hãy đến thăm Ngài một lát nhé!
Hỏa Man đáp:
–Hộ Hỷ đến viếng thăm gã đạo nhân trọc đầu ấy làm gì? Đạo nhân trọc đầu ấy làm gì có đạo? Phật đạo rất khó được gặp!
Hộ Hỷ bèn nắm áo Hỏa Man kéo đi, bảo:
–Chúng ta hãy đến chỗ Phật Ca-diếp. Đức Phật ở gần đây lắm!
Hỏa Man liền cởi áo bỏ chạy, Hộ Hỷ liền đuổi theo, nắm dây buộc lưng bảo:
–Chúng ta có thể đến gặp Phật chốc lát rồi trở về được không?
Hỏa Man lại cởi dây lưng bỏ chạy, bảo:
–Tôi không muốn gặp gã Sa-môn trọc đầu ấy. Hộ Hỷ liền nắm đầu chàng kéo đi, bảo:
–Hãy cùng nhau đến gặp Đức Phật một lần rồi hãy về!
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Tục lệ nước Ba-la-nại thời ấy quy định không được nắm đầu người khác, hễ ai nắm đầu người khác thì bị tử hình.
Lúc ấy, trong lòng Hỏa Man rất đổi kinh hãi, nghĩ rằng: “Con của người thợ gốm này lẽ nào chịu tội chết mà nắm đầu ta sao?”.
Hộ Hỷ bảo Hỏa Man:
–Vì bạn mà tôi chịu tội chết cũng chẳng ân hận gì, miễn là làm sao cho bạn được ra mắt Đức Phật là tôi vui rồi!
Hỏa Man nghĩ: “Chuyện này chẳng phải nhỏ, chắc hẳn phải có việc gì tốt mới khiến cho bạn ta chịu chết mà nắm đầu như vậy”. Anh nói:
–Hãy thả đầu tôi ra, tôi sẽ theo anh.
Hộ Hỷ liền thả ra, Hỏa Man bèn trở về bới tóc, thay áo cùng đi với bạn đến chỗ Đức Phật Ca-diếp.
Hộ Hỷ đảnh lễ dưới chân Đức Như Lai Ca-diếp rồi ngồi qua một bên, còn Hỏa Man thì đứng thẳng, giơ tay chào hỏi mà thôi, rồi ngồi xuống một bên. Hộ Hỷ chắp tay bạch Đức Phật Ca-diếp:
–Bạch Đức Thế Tôn, anh Hỏa Man này là con của quan Thái sử trong ấp Đa thú, là bạn thân của con từ thời thơ ấu, nhưng anh ta không biết Tam tôn, không tin Tam bảo, không thấy Phật, không nghe Pháp, không cúng dường chúng Tăng. Cúi mong Đức Thế Tôn khai hóa cho sự si mê tối tăm, làm cho anh ấy tin hiểu.
Bấy giờ đồng tử Hỏa Man nhìn kỹ Đức Phật từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu, thấy Đức Phật tướng tốt, oai nghi vòi vọi, các căn vắng lặng, thuần thục, điều hòa, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, giống như hoa cây Sa-la. Thân Ngài giống như núi Tu-di, không thể thấy được đảnh đầu Ngài. Mặt Ngài sáng như trăng rằm, ánh sáng chiếu soi như mặt trời giữa ban ngày, màu thân như núi vàng. Thấy tướng tốt của Phật, Hỏa Man liền suy nghĩ: “Sách Sấm Ký của Phạm chí có ghi chép về tướng tốt, nay Đức Phật có đủ các tướng ấy, chỉ có hai tướng là ta không thấy được”. Bấy giờ Hỏa Man dùng kệ hỏi:
Con nghe Bậc Đại Sĩ
Có ba hai tướng tốt
Tôn quý giữa loài người
Nhưng không thấy hai tướng
Vậy thân Bậc Trượng Phu
Có Mã âm tàng chăng?
Và có lưỡi rộng dài
Che đến mí tóc chăng?
Xin Ngài thè lưỡi ra
Để con hết nghi ngờ
Thấy rồi con mới biết
Có đúng như kinh chép.
Bấy giờ Đức Như Lai Ca-diếp liền thè tướng lưỡi rộng dài ra che phủ cả mặt, lên tới nhục kế, qua hai lỗ tai. Bảy lần đưa lưỡi lên đầu rồi thu lưỡi vào miệng. Ánh sáng trong thân Ngài phát ra chiếu khắp cả đại thiên thế giới, lấn át ánh sáng mặt trời, mặt trăng, cho đến cõi trời A-ca-nị-tra, ánh sáng trở lại xoay quanh thân Ngài bảy vòng rồi nhập vào đảnh đầu của Ngài.
Đức Như Lai Ca-diếp dùng năng lực thần túc hiện tướng Mã âm tàng, chỉ cho một mình Hỏa Man thấy, người khác không thấy.
Đồng tử Hỏa Man thấy Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, chẳng thiếu tướng nào nên hớn hở vui mừng, không kiềm chế được.
Đức Như Lai Ca-diếp liền nói pháp cho đồng tử Hỏa Man nghe. Ngài nói về pháp đoạn mất công đức của Bồ-tát. Thế nào là đoạn mất công đức của Bồ-tát? Đó là thân làm việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Việc mà thân không nên làm lại làm, lời mà miệng không nên nói lại nói, điều mà ý không nên nghĩ lại nghĩ.
Thế nào là việc mà thân không nên làm lại làm của Bồ-tát? Đó là sau này khi thành Phật, thì thân hình thấp lùn, nhỏ con. Này người thuộc dòng họ giàu sang, đó là quả báo của việc mà thân không nên làm lại làm của Bồ-tát.
Thế nào gọi là lời mà miệng không nên nói lại nói của Bồ-tát? Đó là sau này khi xuất gia học đạo, nỗ lực cần khổ mới được thành Phật. Này người thuộc dòng họ giàu sang, đó là quả báo của lời mà miệng không nên nói lại nói của Bồ-tát.
Thế nào gọi là điều mà ý không nên nghĩ lại nghĩ của Bồ-tát? Đó là Bồ-tát sau này khi thành Phật, chúng Tăng trong Tăng đoàn thường không hòa hợp, bất cứ ở đâu cũng cãi nhau những chuyện đúng sai, phải trái. Này người thuộc dòng họ giàu sang, đó là quả báo của điều mà tâm không nên nghĩ lại nghĩ của Bồ-tát.
Này người thuộc dòng họ giàu sang, đó là quả báo về ba hành vi ác của Bồ-tát. Này người thuộc dòng họ giàu sang, hãy bỏ những điều ấy.
Bấy giờ đồng tử Hỏa Man liền bước tới đảnh lễ dưới chân Đức Phật, quỳ thẳng chắp tay bạch Phật:
–Nay con xin sám hối những việc mà thân không nên làm lại làm, những lời miệng không nên nói lại nói, những điều tâm không nên nghĩ lại nghĩ. Cúi mong Đức Thế Tôn chấp nhận sự sám hối của con. Từ nay về sau, con không dám phạm nữa!
Đồng tử sám hối cho đến ba lần như vậy. Đức Như Lai Ca-diếp im lặng nhận lời. Đồng tử Hỏa Man, đồng tử Hộ Hỷ cùng đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, từ giã ra về. Trên đường trở về đồng tử Hỏa Man bỗng nghĩ đến ba ác báo, liền bảo Hộ Hỷ:
–Anh bị mất lợi ích, không được lợi ích. Anh làm điều không có lợi, không làm điều có lợi. Tôi không muốn nhìn mặt anh nữa, tôi không muốn nghe nói đến tên anh nữa!
Hộ Hỷ hỏi:
–Vì sao vậy? Hỏa Man đáp:
–Anh sớm theo Đức Phật Ca-diếp, được nghe Pháp bảo sâu xa, tại sao vẫn ở nhà mà không xuất gia?
Hộ Hỷ đáp:
–Anh không biết là cha mẹ tôi già cả, lại bị mù lòa, tôi phải nuôi nấng, săn sóc song thân, làm sao xuất gia được? Tôi cũng muốn xuất gia từ lâu, tôi sẽ xuất gia hành đạo khi nào cha mẹ tôi qua đời. Vì vậy nên tôi chưa muốn xuất gia.
Hỏa Man nói với Hộ Hỷ:
–Tôi nhờ theo Đức Phật Ca-diếp, được nghe Ngài nói về nhân duyên quả báo của Bồ-tát khi gây ra ba hành vi xấu ác, nên tôi không thích sống ở nhà nữa, tôi muốn ngay bây giờ trở lại chỗ Đức Phật để xin làm Tỳ-kheo.
Hộ Hỷ hỏi rằng:
–Lành thay! Lành thay! Hỏa Man nhờ sức mạnh của tư duy mới có thể trở lại với Phật đúng lúc. Vì sao? Vì Phật ra đời khó gặp.
Đồng tử Hỏa Man liền ôm Hộ Hỷ, sau đó nhiễu quanh ba vòng, chắp tay tạ lỗi:
–Nếu thân, miệng, ý của tôi có lỗi với anh, mong anh tha thứ! Anh đã khổ nhọc chỉ cho tôi đạo lớn chánh chân.
Bấy giờ Hỏa Man nói kệ khen ngợi bạn:
Lòng nhân là bạn lành
Không tham là bạn pháp
Dẫn tôi đến chánh đạo
Bạn này được Phật khen!
Đồng tử Hỏa Man nói kệ xong, bèn nhiễu quanh Hộ Hỷ ba vòng rồi trở lại tinh xá của Phật Ca-diếp, cúi đầu lạy dưới chân Phật, quỳ hai gối sát đất, chắp tay bạch Phật:
–Con có được phép cạo tóc, nhập đạo, thọ giới cụ túc với Đức Như Lai Ca-diếp chăng?
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Đức Như Lai Ca-diếp bấy giờ liền hóa độ đồng tử Hỏa Man, truyền trao giới cụ túc.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy biết đồng tử Hỏa Man lúc bấy giờ là ai chăng? Chính là Ta ngày nay. Cha của Hỏa Man lúc bấy giờ nay chính là vua cha Chân Tịnh. Còn đồng tử Hộ Hỷ, thợ gốm lúc bấy giờ, nay chính là người mà lúc Ta làm Thái tử, đang ở tại cung thể nữ, vào lúc nửa đêm, làm Thiên tử Bình, đến bảo Ta rằng: “Đã đến lúc, hãy xuất gia học đạo đi!”.
Đức Phật bảo:
–Này Xá-lợi-phất, Hộ Hỷ cứ khuyên Ta xuất gia mãi, đó chính là vị Thiện tri thức làm cho Ta được đến với đạo.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Lúc trước Ta đã nói lời ác với Hộ Hỷ là: “Phật Ca-diếp là Sa-môn trọc đầu làm gì có Phật đạo, Phật đạo rất khó được”. Do lời nói ác ấy, nên đến khi sắp thành Phật mà Ta còn phải chịu khổ hạnh trong sáu năm. Này Xá-lợi-phất, lúc ấy, mỗi ngày Ta ăn một hạt mè, hạt lúa, hạt đậu xanh, hạt đậu đỏ. Tuy Ta chịu sự đắng cay như vậy, nhưng chẳng có lợi ích gì đối với đạo pháp cả. Ta đã chịu đựng sự khổ của đói, khát, lạnh, nóng, mưa, gió, muỗi mòng, thân hình khô đét gầy còm. Ta cho rằng mình đã thành Phật đạo, nhưng thật ra chẳng chứng đắc được gì.
Này Xá-lợi-phất, Ta tu hành khổ hạnh sáu năm, đó là đền trả nhân duyên kiếp trước, sau đó mới thành A-nậu-tam-da-tam-bồ-a-duy-tam-phật.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ về nhân duyên đời trước:
Xưa, Ta là Hỏa Man
Nói với Hộ Hỷ rằng:
“Gã trọc đâu có Phật,
Phật đạo rất khó được.”
Do nhân duyên như vậy
Suốt trong sáu năm dài
Chịu đựng sự khổ hạnh
Mong được thành Phật đạo.
Không cho là khổ hạnh
Có thể thành Phật đạo
Mong cầu bằng phi đạo
Nhân duyên tự trói buộc.
Duyên xưa không mất đi
Cũng chẳng tan trong không
Phải giữ ba nhân duyên
Thân, miệng, ý chớ phạm.
Nay Ta thành Phật đạo
Được làm tướng ba cõi
Tại suối lớn A-nậu
Tự nói chuyện đời trước.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Thầy hãy xem Đức Như Lai, các điều ác đã dứt hết, các điều thiện đã đầy đủ. Đối với các Trời, người, Quỉ thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, tất cả chúng sinh, Ta đều muốn hóa độ cho họ. Vậy mà Ta vẫn không thoát khỏi nghiệp duyên đời trước, huống chi là những người si mê, tối tăm chưa đắc đạo!
Này Xá-lợi-phất, thầy phải tu học giữ gìn ba lỗi của thân, bốn lỗi của miệng và ba lỗi của ý. Này Xá-lợi-phất, phải tu học như vậy.
Khi Phật nói về nhân duyên đời trước của Đức Như Lai thì một vạn, một ngàn vị trời chứng quả Tu-đà-hoàn. Tám ngàn con rồng đều thọ năm giới; năm ngàn Dạ-xoa thọ Tam tự quy.
Lúc bấy giờ, rồng lớn đầu đàn A-nậu chắp tay bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài nhận sự cúng dường của con ngay trên con suối này. Ngài nói pháp nhân duyên đời trước, khiến cho đời tương lai khi con thành Phật, tránh khỏi được nhân duyên như vậy, làm cho con dứt sạch các điều ác, thành Chân Tịnh Như Lai.
Phật bảo rồng lớn đầu đàn A-nậu:
–Nếu ngươi muốn được như điều nguyện ấy thì phải hết sức giữ gìn thân, miệng, ý đừng để trái phạm thì ngươi mới có thể đạt được như điều mong ước trên, các điều ác diệt hết, thành Chân Tịnh Như Lai.
Rồng lớn đầu đàn A-nậu nghe Đức Phật dạy như vậy, hớn hở vui mừng, bèn rải hương chiên- đàn cõi trời lên thân Phật và năm trăm vị La-hán.
Bấy giờ Đức Phật nói pháp an ủi các Trời,
Rồng, Quỉ thần nghe. Sao gọi là pháp an ủi? Đó là thực hành pháp bố thí, thực hành pháp trì giới, thực hành pháp sinh lên cõi trời, thực hành pháp đoạn dục, thực hành pháp dứt trừ ba đường ác, thực hành pháp vô lậu, thực hành pháp thanh tịnh.
Đức Phật nói như vậy xong, Ngài cùng các Tỳ- kheo rời khỏi tòa hoa đang ngồi. Các Tỳ-kheo vây quanh Đức Phật vọt lên hư không, cao đến bảy cây Đa-la, bay đi bằng thần túc, giống như con chim bay lượn trên mây, rồi từ từ trở về tinh xá Trúc viên ở thành La-duyệt-kỳ.
Khi Đức Phật nói pháp xong, Tôn giả Xá-lợi- phất và năm trăm vị La-hán, rồng lớn đầu đàn A- nậu, tám bộ quỉ thần thảy đều vui mừng lãnh thọ thực hành.
❑
[Đầu trang][Quyển thượng][Quyển hạ]
[Mục lục bộ Bản duyên][152][153][154][155][156][157][158][159][160][161][162][163][164][165][166][167][168][169][170][171][172][173][174][175][176][177][178][179][180][181][182][183][184][185][186][187][188][189][190][191][192][193][194][195][196][197][198][199][200][201][202][203][204][205][206][207][208][209][210][211][212][213][214][215][216][217][218][219]