Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt chi.
Đức Phật kể:
Ngày xưa có bầy nai cả trăm con, vì mãi mê theo cỏ nước mà vào gần xóm làng. Nhà vua cho thợ săn rượt đuổi bầy nai chạy tán loạn. Có một con nai mẹ có thai chạy một mình bị người đuổi theo, vừa đói vừa mệt, lại bị lạc đàn nên nó rất ấm ức và buồn bã. Lúc đó nó sinh hai con nai con, nhưng phải bỏ đi tìm thức ăn, vừa xót xa cho nỗi bơ vơ không nơi nương tựa, lại bị rơi vào bẫy của thợ săn muốn thoát ra mà không được nên nó kêu thảm thiết.
Nghe tiếng kêu của nai người thợ săn vội đến. Khi trông thấy nai, ông rất thích nên muốn giết. Nai mới dập đầu van xin:
– Hai con của tôi mới sinh còn nhỏ không biết gì. Chúng còn mờ mịt chưa rõ phương hướng. Hãy xin tạm tha phút chốc để tôi trở về trông chừng con tôi, dẫn dắt chúng biết đời sống cỏ nước, rồi tôi sẽ từ biệt hai con mà chịu chết. Xin ông rủ lòng thương xót và thông cảm cho tôi. Nhờ lòng thương hại, khiến tôi được gặp con tôi, tôi xin đem lòng chân thành không phải của loài nai mà đáp tạ. Xin phước đức trời thần che chở, ngày nào còn sống tôi không trái với lời thề là quay trở lại để chịu chết mà lòng không ân hận.
Lúc ấy người thợ săn nghe nai nói rất lấy làm kinh ngạc vừa sợ, lông tóc dựng đứng. Ông ta lấy làm lạ vì nai biết nói lên được tình người, liền hỏi nai:
– Có phải ngươi là yêu quái, hay thần núi, thần cây đạt được sự bất biến. Ngươi hãy nói thật cho ta rõ.
Nai nói:
– Tôi vì đời trước có tội tham tàn, phải chịu làm thân nai. Vì hết lòng nghĩ đến con cho nên nói những lời như thế, chứ chẳng phải là quỷ mị. Xin ông thương tưởng cho tôi được sống trở về thăm con tôi, sau đó sẽ đành lòng chết.
Người thợ săn đã tin lời nai nói, nhưng trong lòng còn tham muốn nên không bằng lòng, bảo nai:
– Tất cả mọi người trong thế gian này còn không thành thật, huống chi ngươi là loài nai thương con, tiếc mạng, chỉ hoàn toàn cầu sống thì từ chỗ chết được thả ra, đâu thể đúng hẹn. Vả lại, lệnh vua khẩn cấp, sợ ngài sẽ biết việc này thì tội ta làm mất nai sẽ bị khiển trách nặng. Tuy tâm ta không muốn nhưng không thể làm khác đi được.
Ta không thể thả ngươi ra.
Nai bàng hoàng đau đớn đáp:
– Tôi tuy là loài thú hèn hạ, nhưng vẫn cam tâm chịu chết không ân hận. Chỉ xin ông khất lại chứ tôi nào dám trái lời. Con người bị tội chỉ nhờ vào sự gieo trồng phước đức mà thôi. Nếu tôi đi thì con tôi còn sống, mà tôi ở lại thì con tôi sẽ chết. Xin cho tôi đi đúng hẹn, tôi sẽ trở lại. Xin chư Thần làm chứng cho lời nói của tôi: “Nếu tôi chết thì đâu có tiếc nhưng lại làm trái lòng chân thành.” Vì nghĩ đến hai con, cho nên tôi tha thiết khẩn cầu! Chúng sống nhưng nếu không có mẹ thì chúng sẽ mất mạng, nhưng nếu ba mẹ con đều chết thì đau đớn biết dường nào!
Nai mẹ cúi đầu kêu rồi nói kệ:
Tôi làm thân loài thú
Kiếm ăn chỗ rừng rậm
Kiếp hèn tham mạng sống
Không sức, đưa tới chết.
Nay rơi vào bẫy ông
Dao thớt sẽ phân thân
Không tiếc mình tanh tưởi
Chỉ thương hai con thôi.
Vì tôi đời trước đây
Bạo ngược không chí thành
Không tin khổ tử sinh
Không rõ đường tội phước.
Làm ác tự chuốc tội
Nay chịu làm thân thú
Nếu được tha giây phút
Nguyện không trái lời thề.
Khi ấy, người thợ săn nghe nai phân tích những điều như vậy rất lấy làm lạ và thán phục, nhưng vì tham lợi nên không muốn thả nai ra. Ông ta trách mắng nai mấy ngày:
– Ngươi chớ dùng lời gian xảo, dối trá khó tin, xỏ lá lọc lừa nhiều kiểu. Ngươi đã xâm phạm vào lúa mạ, cây giống của người. do tội đó mới sa vào bẫy của ta. Nay ta phải giết ngươi để dâng vua một bữa ăn. Ngươi chớ nên dối trá ta để mong ta tha mạng. Ham sống sợ chết, ai có thể đem thí mạng mình! Con người còn khó hẹn thời gian, huống chi ngươi là loài thú. Ngươi đòi xin tha mạng chết đâu có hẹn ngày trở lại, vì thế ngươi phải chết. Ta không thể thả ngươi ra.
Lúc đó nai vì nhớ con, sợ con không nơi nương tựa, liền quỳ gối cúi đầu rơi lệ kêu lên thảm thiết, lập lại bằng lời kệ:
Tuy làm thân loài thú
Không biết đường nhân nghĩa
Sao lại thọ ân lành
Được đi không trở lại.
Thà chịu khổ xả thân
Không chứa lời dối trá
Xót thương con cùng khốn
Cúi xin hoãn chốc lát.
Đời trước do tạo tội
Cho nên chịu thân thú
Nói lời người không tin
Chịu tai ương như vậy.
Còn chuốc khổ đời sau
Muốn thoát thân cầm thú
Can đảm tỏ lòng thành
Xin nghe lại lời thề:
Nếu người ác ở đời
Thương tổn Tỳ-kheo Tăng
Phá pháp, hủy hoại chùa
Và giết người trì giới
Ngỗ nghịch hại cha mẹ
Huynh đệ và vợ con
Tôi thề không trở lại
Tội tày trời như vậy.
Chịu tội khổ mọi đời
Kiếp hết tội không khỏi
Chuyển thân bị thiêu nấu
Xong lại đến nơi này
Luôn nghĩ tình ân nặng
Phải chịu khổ triền miên
Tôi thề không trở lại
Tội sâu dầy như vậy.
Lúc ấy người thợ săn nghe lời nai lập lại, trong lòng rất sợ sệt mới than:
– Ta thấy tất cả mọi người trong thế gian, nhờ phước đời trước được sinh làm người, ngu si mê hoặc, bội ân bạc nghĩa, bất trung, bất hiếu, bất tín, bất nhân, tham tàn, vô đạo, gian dối, cố giữ lấy mạng sống, không biết lẽ phải và thờ kính Tam bảo. Nai tuy là loài thú mà biết nói những lời tha thiết, lời thề thành tín, còn hơn cả con người! Lòng son tỏ rõ giống như ban ngày trải qua thử thách mới rõ tấm lòng.
Người thợ săn mở bẫy thả nai mẹ ra. Khi ấy, nai mẹ thoát khỏi lồng, vừa nhìn lui, vừa chạy vội đến chỗ hai con, cúi đầu ngửi và liếm khắp thân thể hai con, mừng mừng tủi tủi, xúc động bồi hồi thở than khóc lóc:
Tất cả ân ái hội
Đều do nhân duyên hợp
Hội họp lại biệt ly
Vô thường khó tồn tại.
Ta nay được làm mẹ
Thường sợ phải xa con
Đời sống nhiều âu lo
Mạng như sương trên cỏ.
Nói xong, nai mẹ đem hai con đến chỗ rừng cây sum suê, chỉ cho con giống lúa ăn được, chỗ nước ngọt, cỏ ngon, dặn dò kỹ lưỡng mọi điều trong đời sống, thương con bơ vơ lệ tuôn như mưa, kêu thương thảm thiết nói với hai con:
Đời trước sống dối trá
Phụ rẫy tình ân ái
Sát hại mạng chúng sinh
Trộm, giết, sai người làm.
Thân là bóng theo hình
Ngày nay phải chịu khổ
Nếu mà không sửa đổi
Sẽ trở lại nơi này.
Chống Phật, không tin pháp
Ngược lại lời thầy răn
Tự tham lòng không chán
Buông lung ý si mờ,
Tội báo kiếp súc sinh
Làm thức ăn cho người
Phận mình không dám oán
Mạng hết chẳng coi thường.
Tham cầu lấy phi đạo
Đời trước do giết, trộm
Mẹ sinh làm loài thú
Nghiệp cũ mãi truy tầm,
Ràng buộc phải chịu chết
Lo sợ không lối thoát
Nhờ biết kính Tam Tôn
Thấy rõ đoạn ân ái.
Một sáng mẹ ngộ nạn
Rơi nhầm bẫy thợ săn
Đáng lẽ bị giết chết
Thọ quả báo nát thân.
Nhớ thương con xin về
Nay trở lại chịu chết
Thương con nhỏ bơ vơ
Hãy nỗ lực tự sống
Đi phải nương theo đàn
Ở phải nương trong bầy
Ăn cùng đi theo bạn
Ngủ phải nhớ cảnh giác
Dè dặt dạo một mình
Ăn theo hai bên lộ
Nói xong lời từ biệt
Mẹ trở về chỗ chết.
Nai mẹ nói xong cùng hai con bịn rịn từ biệt đến ba lần. Nai cúi đầu kêu lên thật thương cảm rồi ra đi. Hai nai con kêu gào khóc thương thảm thiết, theo sau đi tìm dấu nai mẹ khốn khổ nhọc nhằn, vừa đi vừa kêu rất tội nghiệp. Chúng lại nói:
Lòng tham dục ân ái
Sống làm mẹ, làm con
Xưa nay thọ thân này
Làm mạng thú hèn hạ.
Vì sao bị cô độc
Từ biệt kể từ đây
Yêu mẹ tình ruột đứt
Cho chúng con cùng chết.
Từ lúc mẹ sinh ra
Chưa hề biết phương hướng
Nhớ mẹ thương chúng con
Sẽ đáp đền ân nghĩa,
Nào ngờ chịu sinh ly
Suốt đời con vắng mẹ
Nhớ mẹ khổ vì con
Sống một mình đơn lẻ,
Vô phước làm thân nai
Thiếu đức họa tai đến
Trước sống nơi mê muội
Sớm rơi vào cô liêu
Đời có sinh có tử
Sớm muộn cũng sẽ đến
Nỗi đau đớn hôm nay
Chúng con xin theo mẹ.
Nghe nai con nói những lời này, nai mẹ cảm động cúi đầu kêu khóc, than vãn bùi ngùi rồi cất tiếng bảo hai con:
– Ở lại, đừng theo mẹ, để mẹ tự chết một mình, không nên mẹ con cùng đi đến chỗ chết. Mẹ đành lòng chịu chết, chỉ thương cho hai con còn non dại. Cuộc đời vô thường, không ai tránh khỏi cảnh biệt ly. Tại mẹ bạc mệnh, đời này vô phước, hai con theo mẹ làm gì để thêm xót thương và lo sợ. Hãy để mẹ chóng hoàn tất tội chướng của mẹ hôm nay.
Nai mẹ kêu lên và nói kệ với hai con:
Đời trước vì tham ái
Nên nay làm súc sinh
Có sinh đều có tử
Không thoát khỏi lo sầu.
Ngăn ý lìa tham ái
Kết quả sẽ an lành
Thà chết với thành tín
Hơn sống mà dối gian.
Nai con nghe mẹ nói lại càng thêm đau xót, lưu luyến, vừa khóc vừa đi đến chỗ bẫy, tìm kiếm khắp nơi mới thấy người thợ săn đang nằm dưới gốc cây. Nai mẹ đi thẳng đến đứng một bên cúi đầu nói lớn để đánh thức người thợ săn dậy:
Toàn thân rơi vào bẫy
Chấm dứt đời súc sinh
Được thả không dám trái
Trở lại trên dao thớt.
Lúc trước ông thả tôi
Nay đến xin chịu chết
Ân lành cho thân thú
Được từ biệt hai con
Chỉ chúng vùng cỏ nước
Nói rõ khổ vô thường
Tôi không chút hận thù
Nhớ ân không dám phụ.
Lúc ấy người thợ săn nghe nai mẹ đánh thức kêu nói những lời chí thiết, ông ta choàng tỉnh, sợ hãi, trong lòng đã phát Từ tâm nhưng chưa nói ra. Nai lại quỳ gối cúi đầu trước ông ta và vui vẻ tự giải bày, dùng kệ nói lời tạ ân:
Trước ông thả tôi đi
Đức dày hơn trời đất
Thú hèn vì thương con
Xót xa không kềm chế.
Tất cả đều vô thường
Giữ lời, đến chịu chết
Nhân duyên giờ diệt hết
Oán thù cũng tiêu tan,
Ban ân không quên được
Cảm nhận dám trái đâu
Dù muôn ngàn cảm tạ
Không đủ đáp ân lành,
Chỉ chí thành tha thiết
Cầu phước về tự nhiên
Nay tôi cam tâm chết
Để con lại nhờ ông.
Người thợ săn cảm nhận lòng thành của nai liền tỉnh ngủ, lại được nghe nai nói những âm thanh vi diệu, thêm vào đó là sự dốc lòng giữ chữ tín, bỏ sống, đến chết để giữ trọn lời thề, cả mẹ con khóc thương cùng tìm đến nhau, bèn suy nghĩ: “Con nai này ắt chẳng phải thường tình. Ta thấy ở đời chưa từng có kẻ nào như vậy. Tuy nai thân là thú, tâm lại là thần linh. Ta từ lâu sống bất lương tàn bạo, nai mới lập nghĩa nói những lời thành tín chẳng phụ ân, đáng làm lời chỉ dạy cho ta cúi đầu vâng thọ, há lại dám sinh lòng xúc phạm hại nai.” Người thợ săn liền tỏ lòng khiêm hạ tôn kính, cảm tạ nai mà nói:
Nai thật đúng thần trời
Thể hiện chí nguyện lớn
Tôi nay lòng lo sợ
Dám đâu nghịch hại nai.
Thà tự giết thân mình
Vợ con phân từng đoạn
Sao nỡ hại thần linh
Dù thoáng qua ý nghĩ.
Người thợ săn nói xong, lòng vẫn còn thương xót nai nên lập lại lời tạ lỗi và tự trách mình, rồi ông ta thả nai đi đến chỗ hai con. Nai con thấy mẹ được trở về, nó vội vã chạy thật nhanh đến bên mẹ nhảy lên kêu thương. Mẹ con gặp nhau vui mừng khôn xiết, cùng vươn cổ cất tiếng kêu. “U...u...” để cảm tạ đại ân cứu mạng. Chúng ngẩng đầu đa tạ người thợ săn:
Thân hèn sinh ở đời
Làm mồi cho đầu bếp
Sắp xẻ thân nung nấu
Xin hoãn từ biệt con.
Trời người thương quý vật
Lại được thả về nguồn
Đức thần giúp vô lượng
Ngôn ngữ khó trần tình.
Nai mẹ nói xong, dẫn hai con trở về rừng sâu, tập hợp các bầy nai bạn và dạo chơi. Chúng sống yên lành bên đầm cỏ và tự tại trên núi cao.
Người thợ săn sau đó cứ suy nghĩ mãi về con nai, vì nó là loài thú mà biết giữ tín nghĩa, được thần giúp đỡ, vừa thoát nạn liền cứu giúp kẻ khác. Ta là người tàn bạo, sao không có tâm rộng lượng! Người thợ săn chợt tỉnh ngộ hồi tâm quay về con đường nhân đức. Ông ta ném cung, đập bẫy, không còn tâm sát hại nữa và thường đến chùa thưa trình với các bậc Sa-môn. Người thợ săn cúi đầu tỏ lòng ăn năn hối lỗi, vâng giữ hạnh nguyện từ bi đạt đến chân chính.
Người thợ săn đến tâu với vua, vua nghe lời ông ta nói. Lòng rất hoan hỷ, than rằng:
– Ta thật là tham tàn. Nai là loài thú mà có nghĩa nhân, lại có trí tuệ thấu suốt, nói những lời giáo pháp, biết tôn kính Tam bảo. Ta sống trong đất nước bị vô minh che phủ bởi những lời xấu xa mê muội. Ta rất muốn từ bỏ để bảo tồn sự tốt đẹp lâu dài trọn vẹn. Ta sẽ tuyên bố cho nhân dân trong nước đều nghe hiểu rằng: Loài thú còn biết thực hành nhân nghĩa, hiện tại được tín chứng, giáo hóa đạo mầu tỏ rạng khắp nơi.
Lúc ấy quốc vương hội họp hết quần thần và tuyên bố với quốc dân:
– Ta vì si ám không phân biệt được chân ngụy, theo học thầy tà, sợ hãi thần ngụy, cứu tế yêu quái vô đạo, tàn bạo với chúng sinh, không bằng con nai là loài thú mà hiểu rõ Tam bảo. Từ nay về sau, tất cả dân trong nước của ta, hãy bỏ tà tông, quay về chánh đạo. Hãy đến chùa thưa hỏi, thọ học với những bậc Thánh tăng, nhờ vậy đời sau sẽ đạt được nhiều phước đức. Mọi người dân trong nước, từ nhỏ đến lớn, từ dân đến các quan đều phải kính tin Tam bảo, phụng trì Ngũ giới và Thập thiện.
Cả nước cùng nhau tu tập trong ba năm thì đất nước thái bình hưng thạnh. Dân chúng đều sống lâu nhờ ân phước của nai.
Đức Phật dạy:
– Này Hiền giả A-nan, Ta chỉ khéo phương tiện quyền xảo thực hành ân đức, trải qua nhiều kiếp đem tình thương cứu độ chúng sinh phát lòng tin Tam bảo như vậy. Lúc bấy giờ nai mẹ chính là Ta, còn hai nai con là La-vân và Chu-ly-mẫu-ca. Nhà vua lúc bấy giờ là Xá-lợi-phất. Người thợ săn chính là A-nan. Người dân chạy đến tâu với vua là Điều-đạt.
Khi Đức Phật dạy xong, từ nơi bụng phóng ra ánh sáng lớn, biến khắp mười phương, mỗi phương cả ngàn cõi Phật. Ở trong quang minh ấy đều có Pháp sư hóa đạo, tòa sư tử hoa sen báu, hoặc hiện nhục thể là Pháp sư Tỳ-kheo, hoặc hiện làm đế vương và trưởng giả, hoặc làm phàm nhân lê thứ hoặc làm người bần tiện, hoặc vì mọi loài hiện làm thân thú. Mỗi mỗi hiện thân đều phóng ánh sáng chiếu soi để thuyết pháp.
Lúc bấy giờ Đức Phật đã thuyết công đức và lòng tín thành của nai mẹ để làm pháp chỉ dạy. Pháp âm thấm sâu vào lòng, mọi loài đều tin theo thọ trì, đều trở về đạo Vô thượng Chánh chân. Đức Phật liền thu hồi các ánh sáng, tiếp theo chiếu khắp cõi Diêm-phù-đề thảy đều thấu suốt. Người nào nhờ ánh sáng vi diệu chiếu soi sẽ được tâm tư an lạc.
Lúc ấy, trong chúng có tám trăm vị Tỳ-kheo đều phát bốn hoằng thệ nguyện để chứng đạo tích, nghe Đức Phật nói kinh Lộc Mẫu, ở trong loài súc sinh đã phát khởi chí nguyện lớn, tín thành nơi đạo, đều cảm ngộ sự biến hóa ấy, liền đến trước bạch Phật:
– Chúng con lập tín thệ, hành đạo Bồ-tát, xin Ngài thương xót trợ duyên lợi ích cho chúng con. Chúng con sẽ xây dựng sự tu hành và gánh vác chúng sinh, trọn đời cứu giúp tất cả mọi loài.
Những vị Tỳ-kheo này liền khoác áo giáp bốn hoằng thệ nguyện của Bồ-tát.
Tôn giả A-nan sửa y phục, quỳ gối bạch Đức Thế Tôn:
– Những Tỳ-kheo này vướng mắc Đại thừa không thọ chánh đế, nay đã khai ngộ được pháp chứng, lìa vực thẳm, vượt hố hầm sao nhanh vậy? Thật chẳng phải là người thấp kém có thể tin tưởng rõ ràng. Đại hội có điều nghi, cúi xin Thế Tôn nói duyên do ấy để giải thích cho người sau.
Phật dạy:
– Hay lắm! Này A-nan, ông hỏi rất hay! Đây là sự tiếp nối từ trước, chứ chẳng phải là sự hiểu biết mới có bây giờ. Những Tỳ-kheo ấy chính là những con nai ở trong nước tin theo mệnh lệnh vua phụng thuận Tam bảo, nhờ sự cảm hóa của nai mẹ, nên nguyện phát ý chánh chân vô thượng. Nhưng, có thời gian bị si ám nên không tu hành, tuy gặp Ta, được làm Sa-môn nhưng bỗng nhiên bỏ bản nguyện, mê mờ về Đại thừa. Nay nghe Ta nói rõ về cội nguồn đời trước, nghi ngờ tiêu hết, an ổn vô cùng. Đó là do thần thức đời trước của họ được như vậy.
Khi Phật nói như vây, tám trăm vị Tỳ-kheo đều đắc quả A-la-hán Bất thoái chuyển. Trong số lực sĩ tụ tập có tám ngàn người chứng tâm giải thoát, trừ hạnh phóng dật, đều phát tâm Vô thượng Chánh chân, đạt “nhập tín thanh tâm” được định vô tưởng an ổn. Trời, Rồng, Người, gần bảy ức hai ngàn đều phát tâm Vô thượng Chánh chân.
Phật bảo A-nan:
– Khi Ta còn làm súc sinh không quên tâm cứu giúp rộng rãi của Bồ-tát, thực hành sự hướng dẫn làm lợi ích cho đến ngày nay là chỉ vì nỗi khổ đau vô cùng của chúng sinh. Giả sử một người quên cội nguồn, chìm đắm trôi lăn chưa được cứu vớt thì không bao giờ buông bỏ. Các chúng sinh mong cầu công đức an lạc, chóng thành Phật quả, đều phải dốc lòng chí thành trở về quy kính Tam bảo, đời đời không xả bỏ, như Ta hôm nay hiện Bát-niết- bàn là do thành tín mà đạt được.
Này A-nan, ông phải thọ trì và tuyên nói rộng rãi kinh này, chớ để cho nó mất hẳn.
A-nan cúi đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, thọ trì, đọc tụng.
❑
[Mục lục bộ Bản duyên][152][153][154][155][156][157][158][159][160][161][162][163][164][165][166][167][168][169][170][171][172][173][174][175][176][177][178][179][180][181][182][183][184][185][186][187][188][189][190][191][192][193][194][195][196][197][198][199][200][201][202][203][204][205][206][207][208][209][210][211][212][213][214][215][216][217][218][219]