SỐ 213
PHÁP TẬP YẾU TỤNG KINH

Biên soạn: Tôn giả Pháp Cứu. Hán dịch: Đời Tống, Sa- môn Thiên Tức Tai, người vùng Trung Ấn.

QUYỂN 1

Phẩm 1: Hữu Vi

Phẩm 2: Ái Dục

Phẩm 3: Tham

Phẩm 4: Phóng Dật

Phẩm 5: Ái Lạc

Phẩm 6: Trì Giới

Phẩm 7: Thiện Hành

Phẩm 8: Ngữ Ngôn

Phẩm 9: Nghiệp

Phẩm 10: Chánh Tín

Phẩm 11: Sa-Môn

QUYỂN 2

Phẩm 12: Chánh Đạo

Phẩm 13: Lợi Dưỡng

Phẩm 14: Oán Gia

Phẩm 15: Ức Niệm

Phẩm 16: Thanh Tịnh

Phẩm 17: Thủy Dụ

Phẩm 18: Hoa

Phẩm 19: Mã Dụ

Phẩm 20: Sân Hận

Phẩm 21: Như Lai

Phẩm 22: Đa Văn

Phẩm 23: Tự Kỷ

QUYỂN 3

Phẩm 24: Quảng Thuyết

Phẩm 25: Thiện Hữu

Phẩm 26: Viên Tịch

Phẩm 27: Quán Sát

Phẩm 28: Tội Chướng

Phẩm 29: Tương Ưng

QUYỂN 4

Phẩm 30: Lạc

Phẩm 31: Hộ Tâm

Phẩm 32: Bí-Sô

Phẩm 33: Phạm Chí


QUYỂN 1

Phẩm 1: Hữu Vi

Người giác ngộ phiền não
Nên phát tâm hoan hỷ
Lắng nghe tôi kết tập
Kệ pháp của Phật dạy
Đây là Phật, Thế Tôn
Bậc Thầy Nhất thiết trí
Từ bi vì chúng sinh
Giảng rộng lời chân thật.
Tất cả hành vô thường
Đều là pháp sinh diệt
Đã sinh rồi phải diệt
Tịch diệt là an lạc.
Xếp đồ trong phòng tối
Nhờ đốt ngọn đuốc sáng
Không dùng đèn trí soi
Thì phiền não phủ mãi.
Thân hình của con người
Sẽ tan rã khắp nơi
Xương trắng màu bồ câu
Xem có gì đáng vui!
Như người vào đầu đêm
Thần thức vào thai mẹ
Ngày thay đổi nhiều lần
Đi qua không trở lại.
Sáng sớm thấy việc tốt
Tối đến đã không còn
Đêm qua vừa trông thấy
Đêm nay đã mất rồi.
Giàu sang rất phồn thịnh
Vô thường không hẹn giờ
Khi thần chết đến bắt
Không lựa người sang hèn,
Có kẻ chết trong thai
Hoặc vừa sinh đã chết
Tráng niên không thoát chết
Già cả cũng vậy thôi.
Tuổi già và thiếu niên
Cùng với hạng trung niên
Đều bị thần chết viếng
Tại sao không sợ hãi?
Mạng như trái đã chín
Sợ biết rụng lúc nào
Đã sinh phải có tử
Ai thoát khỏi luật này.
Ví như người thợ gốm
Nặn đất làm chén lu
Vật ấy rồi phải vỡ
Mạng người cũng như vậy.
Như người chơi đàn giỏi
Vang nhiều tiếng du dương
Dây đứt tiếng không còn
Mạng người cũng như vậy.
Như tù nhân bị nhốt
Trói dẫn đến pháp trường
Mỗi bước hướng về chết
Mạng sống cũng như vậy.
Như sông cuồn cuộn chảy
Trôi đi không quay lui
Đời người cũng như vậy
Qua rồi không trở lại.
Hoạn nạn hợp thành thân
Đời sống nhiều khổ não
Mạng người cũng như vậy
Bị già chết quản thúc
Công đức đã tạo thành
Đời đời được an lạc.
Như lấy gậy rẽ nước
Nước hợp trở lại ngay
Như người cầm gậy đi
Chăn bò cho ăn uống
Mạng người cũng như vậy
Nuôi sống về cõi chết.
Người nào muốn lập đức
Chớ buông trôi ngày đêm
Đã được làm thân người
Nhất tâm nhớ cái chết.

Mất ngủ nên đêm dài
Mỏi mệt thấy đường dài
Ngu mê sinh tử dài
Vì ít nghe diệu pháp.
Có con và có tiền
Tham tiếc khi bị mất
Kẻ ngu không tự xét
Con, tiền nào có đâu!
Trăm ngàn không thể đếm
Nam nữ sang và giàu
Tích tụ nhiều tài sản
Rồi cũng bị tiêu diệt.
Phú quý ngoài thánh tài
Vô thường luôn chi phối
Như người bị mù mắt
Không thể tự quan sát
Tụ tập rồi tan rã
Cao tột phải rơi xuống
Có sống rồi phải chết
Hữu tình đều như vậy
Làm ác đọa địa ngục
Tu thiện thì sinh Thiên
Người nào thường tu thiện
Lậu tận chứng Niết-bàn.
Chư Phật và Bồ-tát
Duyên giác cùng Thanh văn
Còn bỏ thân hữu vi
Huống chi loài hữu tình.
Không lên trời xuống biển
Hay trốn vào hang núi
Không có ở nơi nào
Thoát được, không bị chết.
Tất cả pháp hữu vi
Ngay trong đời hiện tại
Quá khứ và tương lai
Đều đi về diệt tận.
Bậc Trí thoát trói buộc
Thường chánh niệm quán sát
Tư duy đạo Vô lậu
Gọi là bậc Chân trí.
Như tù nhân bị trói
Không theo ý muốn được
Như xe cũ bị hư
Không lâu thấy tan rã
Già cả sắc suy tàn
Yêu nhà như bị trói
Bỗng nhiên thần chết bắt
Kẻ ngu nào biết gì.
Tuy sống đến trăm năm
Cái chết vẫn đi theo
Bị già bệnh áp bức
Hoạn nạn đến cuối đời
Tuổi già, khổ trói thân
Ngày đêm nhiều phiền não
Đau đớn đến ngàn lần
Như cá rơi vào lửa.
Sông rạch không ngừng chảy
Trôi nhanh không quay lại
Tiếc giữ thân rỉ mủ
Thương yêu nào giữ được.
Bốn đại hợp thành thân
Vô thường nào giữ mãi
Khi địa chủng tan rã
Thần thức cũng vô dụng.
Thân này nhiều chướng não
Rỉ mủ luôn đau bệnh
Người ngu mê tham đắm
Không mong cầu Niết-bàn.
Tuy nói đang năm này
Mùa đông, hạ vẫn trôi
Phàm phu tham thế lạc
Trong đó không kinh sợ.
Cha mẹ và anh em
Vợ con cùng quyến thuộc
Vô thường đến lôi đi
Không ai cứu giúp được.
Thế nên các hữu tình
Sống trong tham vinh lạc
Vô thường già bệnh đến
Bất giác sinh khổ não.
Cạo tóc làm Bí-sô
Cần phải tu chỉ quán
Ma vương không hại được
Vượt đời đến bờ kia.

Phẩm 2: Ái Dục

Dục, ta biết gốc ngươi
Ý do tư tưởng sinh
Ta không tư duy ngươi
Thì dục không hiện hữu.
Do dục sinh phiền não
Do dục sinh sợ hãi
Ly dục được giải thoát
Không sợ, không phiền não.
Do ái sinh phiền não
Từ ái sinh sợ hãi
Ly ái được giải thoát
Không sợ, không phiền não.
Trái trước ngọt sau đắng
Ái dục cũng như vậy
Sau chịu khổ địa ngục
Thiêu đốt vô số kiếp.
Ngu mê tham ái dục
Luyến ái với vợ con
Bị ái nhiễm trói buộc
Chắc chắn khó thoát ly.
Hiền thánh chỉ ái dục
Trang bị thêm trói buộc
Xa lìa hẳn vợ con
Chắc chắn được lợi ích.
Tham dục khó giải thoát
Ly dục, chân xuất gia
Không tham, hưởng khoái lạc
Bậc Trí không tham muốn.
Người thế gian tham dục
Chỉ suy nghĩ điều quấy
Ai điều phục được mình
Gọi là chân ly dục.
Người nào luôn tham dục
Bị trói khó giải thoát
Dùng tuệ phân biệt rõ
Đoạn phiền não không sinh.
Thường sống trong chánh niệm
Tịch tịnh, dễ trừ dục
Tự chế dùng pháp, giới
Không phạm, thiện tăng trưởng.
Kẻ thường sống tham dục
Ngu làm thêm tật xấu
Niệm định không phóng dật
Từng bước chứng vô lậu.
Giây phút tu chỉ quán
Thoát ly nhiều tội cấu
Ngã mạn tự tiêu trừ
Giải thoát được an lạc.
Người nào không đoạn dục
Như da rơi vào lửa
Giây phút bị cháy tiêu
Chịu tội vô số kể.
Bí-sô cẩn thận dục
Phóng dật nhiều lo buồn
Ai thoát ly ái dục
Chánh niệm hưởng an lạc.
Không chán sao biết đủ
Không biết đủ, sao vui?
Không vui, tất lo buồn
Có ái, làm sao vui!
Tịch tịnh, đủ trí tuệ
Đạo vô lậu lớn mạnh
Tham ái không biết chán
Tai nạn trong phi pháp
Thấy sắc tâm mê loạn
Không tự quán vô thường
Ngu cho là mỹ thiện
Chẳng biết sắc không thật.
Ngu lấy tham tự trói
Không cầu sang bờ kia
Tham tài vì ái dục
Hại người, hại cả mình.
Các diệu dục ở đời
Dục ấy vui rất ít
So với vui cõi trời
Ca-ly-lệ-ba-nô
Các núi đều bằng vàng
Cũng như núi Thiết vi
Đây vẫn không biết chán.
Chánh giác biết tận cùng
Quả báo khổ trong đời
Đều do nhân tham dục
Người trí khéo điều phục
Cần phải học như vậy.

Phẩm 3: Tham

Quá tham biểu hiện rõ
Chúng sinh nghi, lo nghĩ
Ai tăng thêm ý tham
Tự trói buộc thêm chặt.
Khéo quán sát ly tham
Tiêu trừ nghi, lo nghĩ
Vứt bỏ tham ái kia
Trói chắc mấy cũng đứt.
Dùng lưới dục tự vây
Đem lọng ái tự che
Ý ngu tự trói mình
Như cá mắc lưỡi câu
Chết theo mãi mạng sống
Như bê theo bò mẹ
Người tham đắm phóng dật
Như vượn gặp trái cây.
Ý tham rất vững chắc
Thích thú, lại thích thú
Chìm đắm trong tham ái
Tư tưởng thêm vướng vít.
Tham dục sâu không đáy
Làm tăng thêm già chết
Tham dục nhiều hư dối
Tham dục thêm bỏn xẻn
Ai dùng tuệ phân biệt
Chánh quán được an lạc.
Vì tham bị sinh tử
Bôn ba ưa chạy tới
Quần sinh không mắt tuệ
Không thể tự quan sát.
Ngu mê tham chấp trước
Trầm luân nào biết gì
Ai tu hạnh Du-già
Ma vương không tìm được.
Tham lam khó tiêu diệt
Như bò con yêu mẹ
Bỏ tham hết luân hồi
Ly tham đắc giải thoát.
Do tham tăng tranh cãi
Vì ái bị chê nhiều
Bí-sô tu chỉ quán
Chứng đắc quả tịch tịnh.
Ý tham như ruộng tốt
Thuận mưa gió, lớn nhanh
Ai xa lìa tham ái
Phiền não không quấy phá.
Nếu có ít tham dục
Như giọt nước trên sen
Người dễ trừ phiền não
Được gọi là bậc Trí.
Chặt cây không bứng gốc
Chặt rồi vẫn mọc lại
Diệt tham không tận gốc
Diệt rồi sinh lại ngay,
Diệt tham như làm ruộng
Cày bừa bỏ cỏ rác
Thương mạ, không nhổ cỏ
Hạt lúa sẽ không chắc.
Tâm tham và tâm ái
Xét rõ từ một gốc
Làm ác phải chịu khổ
Sao không sinh hối hận?
Tánh tham hạt giống đầu
Tánh ái thọ bào thai
Hữu tình luyến ái mãi
Khó thoát được luân hồi.
Chư Thiên và loài người
Vì ái nên ở đây
Các kết sử theo ái
Không ngừng giây phút nào.
Qua rồi sinh buồn lo
Đọa địa ngục mới biết
Theo dòng ái không ngừng
Lưới dục che vết thương
Thêm đói khát vướng víu
Luôn luôn tăng khổ thọ.
Ví như tự làm tên
Lại làm mình bị thương
Tên bên trong cũng vậy
Tên ái hại hữu tình.
Ai hiểu biết như vầy
Ái khổ duyên sinh hữu
Không dục, không hữu tưởng
Bí-sô thật giải thoát.

Phẩm 4: Phóng Dật

Giới là đường cam lộ
Phóng dật là đường chết
Không tham thì bất tử
Mất đạo là tự sát.
Bậc Trí giữ đạo thắng
Không bao giờ mê loạn
Không tham được hỷ lạc
Từ đó đắc Thánh đạo.
Hằng tư, tu thiện pháp
Thường tự giữ kiên cố
Bậc Trí cầu tịch tịnh
Được kiết tường tối thượng.
Mê say như tự nhốt
Bỏ được là bậc Hiền
Đã lên lầu trí tuệ
Thoát ách nạn được an.
Người trí xem kẻ ngu
Ví như núi với đất
Nên bỏ tâm kiêu mạn
Người trí học tuệ sáng.
Hành động không phóng dật
Khắc kỹ điều phục tâm
Khéo làm ngọn đèn trí
Tự phá tan tối tăm
Thường sống trong chánh niệm
Ý tịnh dễ diệt trừ.
Tự chế sống đúng pháp
Không làm mất tiếng tốt
Chuyên tâm không phóng dật
Học tập giới Mâu-ni.
Không gần pháp hữu lậu
Không thân cận phóng dật
Không trồng gốc tà kiến
Không tăng ác trong đời.
Chánh kiến đạo tăng thượng
Quan sát bằng tục trí
Trải qua trăm ngàn đời
Không bị đọa địa ngục.
Người tu tránh phóng dật
Kẻ ngu, hành động xấu
Chỉ quán không tán loạn
Như tài chủ giữ kho.
Đừng tham ưa tranh cãi
Cũng chớ đắm dục lạc
Tư duy không phóng dật
Chắc chắn được an lạc.
Không làm theo phóng dật
Chế ngự lậu đến cùng
Phóng dật bị ma bắt
Như sư tử bắt nai.
Phóng dật có bốn việc
Ưa phạm vào vợ người
Một ngục, hai ít phước
Ba bị chê, bốn ngủ.
Vô phước đọa nơi ác
Sợ lại sợ ít vui
Phép vua xử tội nặng
Chết rồi đọa địa ngục.
Không tạo ra gốc tình
Không làm theo tình cảm
Không nghĩ đến đường tà
Việc kẻ ngu mong cầu.
Bậc Trí như đèn sáng
Kẻ tối theo ngọn đuốc
Hướng dẫn người thế gian
Như mắt dắt người mù.
Ai hành động bất thiện
Như người không có mắt
Đi đường rất khó khăn
Đường hiểm lòng sợ hãi.
Ai tăng trưởng thiện pháp
Ma vương không hại được
Lậu tận chứng tịch diệt
Được quả vị chân thật.
Ai tăng trưởng pháp ác
Bị ma vương sai khiến
Mất đạo tịch diệt rồi
Chịu khổ vô cùng tận.
Gọi là người trì pháp
Nào phải học tụng nhiều
Ai chỉ nghe một ít
Hành đủ là trì pháp.
Tuy học tụng nhiều nghĩa
Phóng dật, không làm đúng
Như kẻ đếm bò người
Khó hưởng Sa-môn quả.
Ai nghe ác, nhẫn chịu
Nói và làm đáng khen
Tiêu trừ tham, sân, si
Họ được Sa-môn tánh.
Tán thán không phóng dật
Chê bai kẻ phóng dật
Được quả báo trời người
Nơi tối thượng thù thắng.
Người nào không phóng dật
Được bậc Trí ngợi khen
Phát triển hành động thiện
Thường sinh các pháp thiện.
Ai sống theo phóng dật
Hiện đời không ích gì
Sao an nhiên như vậy
Lại cho là có trí.
Bí-sô phải cẩn thận
Phóng dật nhiều nạn lo
Như voi bị sa lầy
Khổ quá sâu khó cứu.
Bí-sô phải cẩn thận
Phóng dật nhiều nạn lo
Quét sạch các tội trần
Như gió thổi lá rụng.
Bí-sô phải cẩn thận
Phóng dật nhiều nạn lo
Trói sâu trong kết sử
Như lửa đốt củi khô.
Bí-sô phải cẩn thận
Phóng dật nhiều nạn lo
Từng bước theo thứ lớp
Diệt tận các kết sử.
Bí-sô phải cẩn thận
Phóng dật nhiều nạn lo
Giải rõ nghĩa từng câu
Tịch tịnh an ninh mãi.
Bí-sô phải cẩn thận
Phóng dật nhiều nạn lo
Ai tiêu trừ phiền não
Được pháp lạc Niết-bàn.
Không phát sinh phóng dật
Cần phải tu thiện pháp
Đời này đến đời sau
Được sống với pháp lạc.
Không phát sinh phóng dật
Phiền não tự nhiên tiêu
Học tập vững thiện pháp
Quyết định chứng Niết-bàn.
Hành động luôn phóng dật
Không lúc nào chịu ngừng
Khi chết đọa địa ngục
Đau khổ cũng chẳng ngưng.
Không nghĩ đến phóng dật
Không hành động phóng dật
Ngủ cũng không phóng dật
Đây là giới ngăn che.
Cách ly, không tương ưng
Khiến không quên chánh niệm
Thường điều phục tà niệm
Trần cấu tất tiêu trừ.
Bí-sô phải cẩn thận
Trì giới chớ phá hoại
Khéo hộ trì tự tâm
Đời này và đời sau.
Bí-sô chớ phóng dật
Bỏ nhà theo lời Phật
Giũ sạch quân vô thường
Như voi vượt khỏi ao.
Y pháp Tỳ-ni này
Không nghĩ làm phóng dật
Phá nát vòng sinh tử
Vĩnh viễn hết khổ não.

Phẩm 5: Ái Lạc

Luyến ái sinh buồn lo
Luyến ái sinh sợ hãi
Ai không còn luyến ái
Nào có sợ, buồn lo.
Luyến ái sinh ưu sầu
Luyến ái sinh sợ hãi
Ai viễn ly luyến ái
Dứt sạch hết cuồng loạn.
Người sống trong ưu sầu
Cuộc đời khổ vô cùng
Vì nhớ nghĩ ân ái
Không nhớ thì không buồn.
Thế nên không nên nhớ
Nhớ chính là khổ lụy
Không nên bị ràng buộc
Vào nhớ hay không nhớ.
Nhớ thương tìm phương pháp
Nhưng không đúng không làm
Lập tuệ làm việc lớn
Tự chứng Đệ nhất tôn.
Chớ thân cận người yêu
Không gần gũi kẻ ghét
Yêu không gặp thì khổ
Gần ghét tất ưu sầu
Yêu, ghét sinh sầu khổ
Tiêu diệt thiện căn người.
Luyến ái đến đời sau
Bạn bè nhiều thân quyến
Sống trong ưu sầu hận
Thương phải lìa thật khổ.
Nhớ sắc đẹp màu vàng
Sống riêng trên cõi trời
Vui tận cùng, hại đến
Bị Diêm vương bắt đi.
Người nào suốt ngày đêm
Diệt ý luyến ái sắc
Tự đào bứng gốc ái
Không còn đi đường chết.
Hình sắc đẹp hay xấu
Sắc đáng yêu hay không
Nếu tham đắm vào sắc
Đều bị phóng dật sai.
Người tự nhớ ái dục
Không gặp phải việc ác
Điều này khó xảy ra
Yêu thích là gốc ác.
Ai nhớ nghĩ đến dục
Cần phải khéo hộ trì
Như phòng hộ biên cương
Xây tường hào chắc chắn.
Như giữ thành biên cương
Trong ngoài đều chắc chắn
Phải tự phòng hộ mình
Sau đó không hối hận
Khi lỗi sinh ưu phiền
Không lâu đọa địa ngục.
Tâm tìm khắp các hướng
Cùng với cả trung ương
Chẳng có chúng sinh nào
Yêu kẻ khác hơn mình
Đem mình so mạng khác
Thế nên chớ hại người.
Mọi người đều sợ chết
Ai cũng sợ dao gậy
Ví dụ tha thứ mình
Chớ giết chớ đánh đập.
Ví như người đi xa
An toàn trở về nhà
Thân quyến cũng vui mừng
Chào đón nhau tốt đẹp.
Người ưa phước làm thiện
Đến đâu cũng thành đạt
Tự hưởng nhiều quả phước
Như thân quyến đến mừng
Học tập theo giáo pháp
Cấm chế tâm bất thiện.
Gần đạo ai cũng mến
Xa đạo chẳng ai thân
Gần đạo và xa đạo
Chỗ đi đến khác nhau
Gần đạo thì sinh Thiên
Xa đạo đọa địa ngục.
Ưa pháp, thành tựu giới
Thành tín, vui tu tập
Thường tự răn bảo mình
Được mọi người yêu kính.
Được mọi người kính trọng
Đều do chính mình làm
Đời này được tiếng khen
Đời sau sinh cõi trời.
Dạy giáo pháp khiến làm
Ngăn cấm việc phi pháp
Được người thiện kính yêu
Kẻ ác sẽ xa lánh.
Người thiện và bất thiện
Hai hạng này không ngoài
Thiện thì sinh cõi trời
Bất thiện đọa địa ngục.

Phẩm 6: Trì Giới

Người trí luôn giữ giới
Được ba loại phước báo
Được tiếng khen và lợi
Đời sau sinh cõi trời.
Nên gần bậc Trì giới
Hộ giới, trí sáng ra
Được thành tựu chánh kiến
Đời này được an tịnh.
Trì giới được khoái lạc
Làm thân không phiền não
Đêm ngủ được nhẹ nhàng
Thức dậy luôn hoan hỷ.
Giới đến già, chết yên
Thiện giới hộ an lành
Tuệ là báu của người
Phước đức thoát giặc nạn.
Pháp gì thiện trọn đời?
Pháp gì làm an tĩnh?
Pháp gì báu của người?
Pháp gì trộm không lấy?
Giới pháp an trọn đời
Giới pháp làm an tĩnh
Tuệ là báu của người
Phước không bị mất trộm.
Tu giới, hành bố thí
Làm phước gieo ruộng tốt
Nhờ đó đến bờ kia
Thường đến chỗ an lạc.
Bí-sô lập Giới đức
Hộ trì các căn môn
Ăn uống biết tiết độ
Ngủ thức luôn tỉnh giác
Ý thường sống giác ngộ
Ngày đêm tinh cần học
Lậu tận, tâm minh giải
Đạt đến đạo Niết-bàn.
Bậc Trí giữ cấm giới
Chuyên tâm tu trí tuệ
Bí-sô không phiền não
Đắc quả cuối thoát khổ.
Dùng giới điều phục tâm
Thủ hộ chánh định ý
Trong tu học chỉ quán
Chánh niệm đạt chánh trí.
Trừ bỏ các tội lỗi
Hết mạn, chớ sinh nghi
Trọn đời cầu giới pháp
Chớ xa lìa Thánh niệm.
Giới, định, tuệ, giải thoát
Cần phải khéo quan sát
Đã thoát ly trần cấu
Phiền não hết, không sinh.
Sống thanh bạch giải thoát
Ngu si bị diệt tận
Siêu việt cảnh giới ma
Như mặt trời chiếu sáng.
Ngã mạn và si mê
Bí-sô phải tránh ngay
Ba học Giới, Định, Tuệ
Cầu đủ chớ tránh xa.
Đã không sống phóng dật
Chớ tưởng niệm các trần
Nhờ vậy bỏ ấm, cái
Không sinh các chướng kia.
Bí-sô trì cấm giới
Thường thấy học như vậy
Đi thẳng đường Niết-bàn
Mau đắc đạo thanh tịnh.
Hương Phù dung, Chiên-đàn
Hương hoa không ngược gió
Hương đức tỏa ngược gió
Đức người tiếng thơm vang
. Ô-bát-phược-lý
sử Da-la-nga, Chiên
đàn Các loại hương hoa
ấy Không sánh bằng hương
Giới, Người nào hằng trì
giới Thanh tịnh không phóng
dật Chánh trí đắc giải
thoát Gọi là nơi an
lạc. Đạo này thật tối
thượng Trừ thiền định của
ma Đạt đến đường Bát
chánh Đức Hiền thánh khó
lường.

Phẩm 7: Thiện Hành

Xem chừng thân làm ác
Chân chánh giữ gìn thân
Người thân không làm ác
Thường tu tập thiện hạnh.
Xem chừng miệng nói ác
Chân chánh giữ gìn miệng
Người miệng không nói ác
Miệng thường nói lời thiện.
Xem chừng ý nghĩ ác
Chân chánh giữ gìn ý
Người ý không nghĩ ác
Ý thường nghĩ điều thiện.
Thân không được làm ác
Miệng không được nói ác
Ý không được nghĩ ác
Và những pháp xấu ác.
Thân tu tập việc thiện
Miệng cũng tu việc thiện
Ý tu tập việc thiện
Không còn dục và lậu.
Thân thường tu thiện hạnh
Miệng, ý cũng như vậy
Đời này và đời sau
Luôn được sống chỗ thiện.
Nhân từ không giết hại
Thường giữ thân làm thiện
Đắc địa vị vô tận
Đến đâu cũng an ổn.
Không giết là nhân từ
Cẩn thận, lời không lỗi
Đắc địa vị vô tận
Đến đâu cũng an ổn.
Trước đây, thân làm ác
Nay phải tự hối hận
Thân không phóng dật nữa
Trí sinh, tội tiêu diệt.
Trước đây, miệng nói ác
Nay phải tự hối hận
Nếu không nói dối nữa
Trí sinh, tội tiêu diệt.
Trước đây, ý nghĩ ác
Nay phải tự hối hận
Tâm ý thường thanh tịnh
Trí sinh, tội tiêu diệt.
Rất thận trọng hành động
Rất thận trọng lời nói
Ý nghĩ rất thận trọng
Cẩn thận các quan hệ
Nơi này là bất tử
Đến đâu cũng an vui.
Lành thay, giữ gìn thân
Lành thay, giữ lời nói
Lành thay, giữ gìn ý
Lành thay, giữ tất cả
Bí-sô hộ trì khắp
Diệt hết cảnh giới khổ.
Giữ miệng ý thanh tịnh
Thân không làm việc ác
Thanh tịnh ba nghiệp này
Là đạo của Phật dạy.

Phẩm 8: Ngữ Ngôn

Nói dối đọa địa ngục
Có làm nói không làm
Hai tội đều phải chịu
Do nghiệp tự dẫn đi.
Người ôm lòng bạo ác
Búa trong miệng đưa ra
Thế nên tự chém thân
Đều do nói lời ác.
Người nói pháp tự vui
Miệng nói vô lượng nghĩa
Nếu giúp người có thai
Ta không ngại chú nguyện.
Nói xấu, nói xấu lại
Cả hai đều là xấu
Thích tranh cãi bằng miệng
Không ai an ổn cả.
Tranh vì chút lợi nhỏ
Như mất cả tài bảo
Do đó sinh tranh đấu
Ý hướng đến đường ác
Trăm ngàn Ni-la-phù
Và ba mươi sáu ngục.
Phỉ báng bậc Hiền thánh
Miệng ý phát điều ác
Vô đạo đọa đường ác
Tự tăng khổ địa ngục.
Lánh ngu, tu ý nhẫn
Niệm sự thật, không phạm
Ai dựa vào giàu có
Sống mượn danh Hiền thánh
Kẻ ngu đọa đường ác
Còn muốn làm tà kiến.
Đã mất dịp tốt này
Lại van vái nguyện cầu
Không sao thấy Thánh đế
Huống chi đạt cứu cánh.
Tre trúc khi sinh trái
Là tự hại thân mình
Nên nói ra lời thiện
Không diễn giáo pháp ác
Từ thiện được giải thoát
Làm ác không thoát được.
Hiểu rõ là bậc Hiền
Nên thoát khỏi đường ác
Bí-sô ý khiêm tốn
Phải giữ lời trung tín
Nói đúng nghĩa, đúng pháp
Ngôn ngữ thật dịu dàng
Khéo nói pháp Hiền thánh
Nói pháp như Hai pháp
Nói niệm như Ba niệm
Nói đế như Bốn đế
Người nói lời như vậy
Tất tâm ý an vui.
Không khắc bạc chúng sinh
Thế nên nói lời thiện
Lời nói hợp với ý
Cũng làm cho hoan hỷ
Không nên gây ác ý
Nói ra mọi người vui.
Nói thành thật ngọt ngào
Thuyết pháp không gì hơn
Nói thật nghĩa như pháp
Là lập nền móng đạo.
Người nói đúng lời Phật
Phước này được diệt độ
Vì thoát được bờ khổ
Nên nói là cao thượng.

Phẩm 9: Nghiệp

Phải viễn ly một pháp
Là người nói dối trá
Không ác nào không làm
Đời sau không thoát khổ.
Thà nuốt viên sắt nóng
Khát uống nước đồng sôi
Không lấy thân vô giới
Ăn vật của tín thí.
Người phạm giới phóng dật
Như cục thịt giữa đời
Không tàm quý sợ tội
Sau thọ khổ địa ngục.
Người nào sợ quả khổ
Không thích hành động khổ
Chớ tạo các nghiệp ác
Nhớ vậy để sửa đổi.
Hăng say làm việc ác
Tự làm bảo người làm
Không thoát khỏi quả khổ
Muốn tránh nào có được.
Không lên trời xuống biển
Không vào giữa lòng núi
Những nơi này không thể
Thoát nạn ác đã gây.
Chúng sinh có khổ não
Không thoát khỏi già chết
Chỉ có bậc Nhân trí
Tội không trói buộc được.
Nói dối cầu của cải
Từ đó làm bất chánh
Vu oan người lương thiện
Mưu hại bậc Thiện sĩ
Tội trói những hạng ấy
Chìm sâu trong hố hiểm.
Người nào biết hành động
Xử tốt với kẻ xấu
Làm vậy lợi cho mình
Không bao giờ thất bại.
Thân cử động thế nào
Chỉ có bóng đi theo
Đi đứng hay qua lại
Hình bóng không lìa thân
Không những bóng tùy thân
Thân cũng không rời bóng
Như hành động thiện ác
Luôn theo thân không mất.
Tham đắm ăn vị độc
Không theo lời Phật dạy
Bị hại vì chất độc
Sau mới tự giác ngộ.
Tâm ngu không khai ngộ
Làm ác, không theo Phật
Chịu đau khổ địa ngục
Mới chịu hiểu lời dạy.
Khinh thường việc làm ác
Đã làm, thân phải chịu
Khóc than nhận tội báo
Tội tùy theo hành động.
Ác, không nhận quả ngay
Như vắt lấy sữa bò
Tội âm thầm theo ta
Như tro che trên lửa.
Ác, không nhận quả ngay
Như lưỡi kiếm bén nhọn
Không nghĩ đến đời sau
Sẽ chịu quả báo khổ.
Ác bị ác trói buộc
Làm ác không tự giác
Gặp ác, biết ác đến
Nhận ác do làm ác.
Như sắt sinh rỉ sét
Trở lại ăn thân sắt
Tâm mình sinh ra ác
Ác hại lại thân mình.

Phẩm 10: Chánh Tín

Tín, tàm, giới, bố thí
Thượng sĩ khen pháp này
Đạo này, Minh trí dạy
Được sinh lên Thiên giới.
Ngu không tu phạm hạnh
Cũng không khen bố thí
Chánh trực, tùy hỷ thí
Người ấy đời sau vui.
Tín làm người chân chánh
Niệm pháp được sống an
Chánh tín, được cao thượng
Đức, sống lâu có trí.
Gì làm người cao thượng
Làm gì được hoan hỷ
Việc gì quan trọng nhất
Sống thọ, thọ nào hơn?
Tín làm người chân chánh
Niệm pháp sống an ổn
Chân thật, tâm cao thượng
Đức, sống lâu có trí.
Có tín tài, có đạo
Tự chứng pháp diệt độ
Nghe hiểu sinh trí tuệ
Được thoát hết triền phược.
Chánh tín theo giới pháp
Hành trì bằng tâm tuệ
Vững mạnh vượt sân hận
Từ đó thoát vực sâu.
Tín làm giới thành tựu
Được sống lâu trí tuệ
Đến đâu cũng làm vậy
Luôn luôn được cúng dường.
Bố thí lẫn tranh đấu
Bậc Trí không làm vậy
Khi thí, không tranh đấu
Hãy thí, chớ nghi ngờ.
Cách này ngoài thế lợi
Tuệ tín là mẹ trí
Tài này, báu xuất thế
Còn gia sản không bền.
Muốn gặp bậc Chân chánh
Ưa thích nghe giáo pháp
Phải bỏ tâm xan cấu
Đây là Tín tối thượng.
Tín làm vượt sông hữu
Phước này không bị mất
Ngăn chận được kẻ trộm
Vui Sa-môn an tịnh.
Được Sa-môn đi đến
Người trí thấy vui mừng
Và người chánh tín khác
Nghe thì sinh hoan hỷ.
Ai có lòng áo não
Tham ăn mặc của người
Ngày đêm họ say mê
Không sao chứng chánh định.
Ai trừ diệt lòng tham
Như chặt cây thốt nốt
Người ấy ngày hay đêm
Đều đắc được chánh định.
Bất tín, chẳng tu hành
Tìm lỗi trong lời nói
Như lấy nước suối trong
Lại quậy bùn trong suối.
Bậc Trí tín mới làm
Vui nhận dòng thanh tịnh.
Như khéo lấy nước suối
Chọn trong, không gây đục.
Tín trí không hại người
Gần Trí và Hiền nhân
Tránh xa kẻ không tốt
Thân học người tốt đẹp.
Ưa tín và không ưa
Yên lặng tự suy nghĩ
Lánh xa kẻ bất tín
Tin làm theo nhân đức.
Vô thường và dục tham
Phóng dật cùng ái lạc
Giới, thiện hạnh, ngữ ngôn
Tín, nghiệp là mười phẩm.

Phẩm 11: Sa-Môn

Đoạn lậu, hàng phục tặc
Ly dục gọi phạm hạnh
Không phạm giới Mâu-ni
Nguyện nào cũng mỹ mãn.
Ai tu hành lơ là
Làm thiện lẫn bất thiện
Phạm hạnh không thanh tịnh
Không thể đắc quả lớn.
Ai hành động trì hoãn
Ý lười, hãy trừ đi
Tu tập hạnh thanh tịnh
Chứng đến quả Vô dư.
Như người cầm kiếm bén
Không chặt, tất đứt tay
Sa-môn không tự chế
Phải rơi địa ngục ngay.
Lại như cầm kiếm bén
Giữ chặt, không đứt tay
Sa-môn giữ cấm giới
Đã đến gần Niết-bàn.
Chẳng hiểu thì khó đoạn
Sa-môn ít trí tuệ
Các tưởng quấy nhiễu hoài
Kẻ ngu bị khổ não.
Sa-môn, chẳng nết hạnh
Phóng ý, không tự chế
Dính mắc theo từng bước
Chỉ chạy theo vọng tưởng,
Học khó, trừ tội khó
Sống tại gia cũng khó
Lợi hòa đồng quân khó
Không gian nan nào bằng.
Thân mặc áo ca-sa
Không từ bỏ việc ác
Thường nghĩ, thường làm ác
Kẻ này đọa đường ác.
Vì sợ hãi, sợ tội
Giả danh làm Sa-môn
Thân mặc Tăng-già-chi
Như lột vỏ Sa-la.
Gọi là bậc Trưởng lão
Không phải vì tuổi già.
Thân suy, râu tóc bạc
Nhưng ngu không biết tội.
Người biết rõ tội phước
Thân tịnh, tu phạm hạnh
Đức sáng xa thuần khiết
Đây gọi là Trưởng lão.
Gọi là bậc Sa-môn
Chẳng vì cạo râu tóc
Nói dối, nhiều tham ái
Có dục như phàm phu.
Đời gọi ngươi Sa-môn
Ngươi cũng xưng Sa-môn
Bộ dạng giống Sa-môn
Ví như cò rình cá
Như ly, thật không ly
Ca-sa trừ không trừ
Trì bát thật không trì
Phi tục, phi Sa-môn.
Gọi là bậc Sa-môn
Tiêu diệt tội Đột-la
Giữ cả điều lỗi nhỏ
Mới là Chân phạm hạnh.
Gọi là bậc Sa-môn
Ngăn tâm, diệt vọng tưởng
Tiêu trừ hết uế cấu
Nên gọi người xuất gia.

QUYỂN 2

Phẩm 12: Chánh Đạo

Chánh đạo Tứ thánh đế
Quán sát bằng trí tuệ
Phá hoại ái luân hồi
Như gió thổi bụi bay.
Người thấy được Thánh đế
Nên tịch tịnh quán sát
Diệt phiền não tà kiến
Như mưa sạch bụi trần.
Bát chánh, đạo Tối thượng
Tứ đế gom thiện pháp
Đạo này là vô vi
Đèn trí chiếu ngu tối.
Đạo là tám chân diệu
Thánh đế trên bốn câu
Pháp vô dục tối thượng
Mắt sáng quan sát rõ
Trí làm cho giải thoát
Hỷ lạc chứng vô vi
Người biết thọ chánh pháp
Đoạn hẳn sinh già chết.
Tất cả hành vô thường
Quán đúng vậy bằng tuệ
Ai giác ngộ đau khổ
Đường này, đạo thanh tịnh.
Tất cả hành đều khổ
Thấy đúng vậy bằng tuệ
Ai giác ngộ đau khổ
Đường này, đạo thanh tịnh.
Tất cả hành đều không
Thấy đúng vậy bằng tuệ
Ai giác ngộ đau khổ
Đường này, đạo thanh tịnh.
Tất cả pháp vô ngã
Thấy đúng vậy bằng tuệ
Ai giác ngộ đau khổ
Đường này, đạo thanh tịnh.
Ta đã dạy Đạo đế
Tên ái đã bắn rồi
Phải nỗ lực tự thân
Thọ trì đúng lời Phật.
Ta đã dạy Đạo đế
Nhổ tên ái cứng bén
Phải nỗ lực tự thân
Thọ trì đúng lời Phật.
Đạo này không pháp khác
Tịnh do thấy sự thật
Hướng đến diệt các khổ
Phá tan hết ma quân.
Đạo này không lệch nhau
Thấy đúng là chứng quả
Hướng đến diệt các khổ
Phá tan hết ma quân.
Đạo này không có lỗi
Một hướng như thác chảy
Như Năng Nhân nhập định
Diễn đạo pháp giữa chúng.
Thấy rõ hết sinh tử
Chứng đạo vì cứu trợ
Đạo này qua, đi qua
Vượt dòng đến bờ kia
Đạo cứu cánh thanh tịnh
Cạn sạch nguồn sinh tử.
Biện tài không biên giới
Thấy rõ, tuyên thuyết đạo
Tiến đến uống cam lộ
Trước chưa nghe pháp luân
Chuyển vì thương chúng sinh
Kẻ lễ bái phụng sự
Dạy họ vượt ba cõi
Niệm thiện trong ba niệm
Ba niệm, xa niệm ác
Từ niệm mới hành động.
Diệt, chính là chánh đoạn
Niệm tam quán là chuyển
Đạt đến đạo Vô thượng
Được ba trừ, ba nhóm
Tu niệm đến vô lượng
Trừ được cấu ba hữu.
Giữ ý đưa đến định
Sức trí tuệ thiền định
Đã định, diệt ngoại loạn
Pháp thế gian sinh diệt.
Tất cả đều vô biên
Giác đạo chứng giải thoát
An lạc vô cùng tận.
Chứa thiện được quả thiện
Được tán thán danh dự
Đạt tám phẩm Hiền thánh
Quả chứng của đường tu.

Phẩm 13: Lợi Dưỡng

Trổ buồng, cây chuối chết
Lau chết vì ra bông
La mang thai nên chết
Người tham lợi mạng vong.
Như vậy, tham rất hại
Do ngu si sinh ra
Ngu vì tham hại đức
Đầu rơi vãi trên đất.
Tham lợi, tánh không thiện
Bí-sô chớ ham muốn
Trú xứ nhiều luyến ái
Mong cầu người cúng dường.
Tại gia và xuất gia
Nhiều tộc họ ngu si
Tham lợi sinh tật đố
Ta phải hàng phục nó.
Ngu vì suy tưởng ngu
Ngày đêm dục mạn tăng
Khác thay được lợi dưỡng
Không đồng hướng giải thoát
Người nói việc tri túc
Bí-sô chân Phật tử
Không tham đắm danh dự
Hoan hỷ là người trí.
Không tham ái gì cả
Không nịnh bợ người khác
Không sống lệ thuộc người
Phải tự giữ pháp hành.
Tự lợi vẫn không tham
Huống chi danh kẻ khác
Trăm vị như dầu xe
Nuôi thân để hành đạo.
Bí-sô tham lợi dưỡng
Không đắc Tam-ma-địa
Tri túc thường tịch tịnh
Thành tựu được chỉ quán.
Bí-sô lánh danh lợi
Biết đủ chẳng tham cầu
Ba y, ăn tiết độ
Chánh mạng, sống an vui.
Bí-sô không bỏ lợi
Như sống cùng rắn độc
Ngủ hay thức đều sợ
Đều do tham tà mạng.
Bí-sô không bỏ lợi
Vui này rất hạ liệt
Phải quán sát các pháp
Thiếu trí khó giải thoát.
Cẩn thận thường y giới
Trí giả khen không tham
Tịnh hạnh chánh căn lực
Cần phải tự tư duy.
Đắc đầy đủ ba minh
Giải thoát chứng Vô lậu
Kẻ trí hẹp, biết cạn
Biết lấy đâu nhớ nghĩ.
Họ đối với ăn uống
Sống dựa vào người khác
Mà có pháp ác sinh
Do ganh tị lợi dưỡng.
Lợi mình kết nhiều oán
Uổng mặc ba pháp y
Chỉ mong ăn uống ngon
Không phụng hành Phật dạy
Phải biết lỗi lầm này
Lợi dưỡng thật đáng sợ
Trí cạn không xét kỹ
Bí-sô phải bỏ tham.
Bí-sô dạy xuất gia
Phải điều phục ba nghiệp
Không sống bằng tà mạng
Tâm khéo luôn tư duy.
Bệnh nhỏ cũng khó chịu
Lợi dưỡng rất khó bỏ
Cúng dường, tâm không động
Trời, Rồng đều kính lễ.

Phẩm 14: Oán Gia

Không oán lại gây oán
Tạo nghiệp nói xấu người
Ngu mê bị luân hồi
Đời này đến đời sau.
Trước tạo nghiệp hữu lậu
Sau làm hại đến người
Cả hai làm hại thân
Như chim sa vào lưới.
Phá người là tự phá
Oán gia gặp oán gia
Hủy người là tự hủy
Giận người là tự giận.
Hạnh Sa-môn thế nào
Không biết gốc Chánh pháp
Mạng sống bị ngắn ngủi
Bỏ oán lại kết oán.
Chúng cùng nhau hủy báng
Đều nói lời giận dữ
Nhẫn, tâm vui bình đẳng
Nhẫn này không sánh được
Xương nát thì qua đời
Bò ngựa chết tiền mất
Nước bị chia thì loạn
Đoàn kết thì thành công.
Các người đừng gây ác
Pháp này hết oán thù
Người oán ta nhẫn thọ
Thật xứng danh bậc Trí.
Kẻ ngu mê ưa khoái
Ai biết vậy thì thắng
Hiện tại không ý oán
Tương lai không hận thù.
Dùng oán thù trả oán
Không sao được hạnh phúc
Nhẫn nhục oán tự tiêu
Đây là pháp Như Lai.
Nếu bị người mắng chửi
Để họ thắng, ta thua
An lạc theo ý ấy
Oán phải tự chấm dứt.
Người nào cùng bạn lành
Cùng đi trong thế gian
Không giữ chút oán nào
Phải nhớ đồng ý họ.
Nếu không có bạn lành
Thà đi lại một mình
Để du lịch khắp nơi
Độc thiện không gây ác.
Học không bạn bằng mình
Lại không có thân hữu
Thà hành thiện một mình
Không làm bạn kẻ ngu.
Thích giới học pháp hành
Cần gì lắm bạn bè
Như rồng thích vực sâu
Voi ưa nơi đồng trống.

Phẩm 15: Ức Niệm

Niệm thở vào thở ra
Tư duy khắp sự thật
Thường hành theo tuần tự
Hiểu được lời Phật dạy.
Đi đứng luôn tỉnh giác
Nằm ngồi đều chánh niệm
Người này chiếu sáng đời
Như mây tan trăng hiện.
Bí-sô phải ghi nhớ
Hiện tại lợi, tương lai
Đạt đến chỗ Tối thắng
Thoát khỏi cảnh tử sinh.
Ai thấy ngay thân này
Do sáu xúc hoạt động
Bí-sô thường nhất tâm
Nên tự biết Niết-bàn
Vì có các niệm này
Tự thân luôn đạt hạnh
Ai không làm như vậy
Không đạt được ý hành.
Người làm theo bản hạnh
Vượt qua buồn vì ái
Ý niệm luôn thức tỉnh
Nhất tâm định hoan hỷ.
Ý niệm luôn thức tỉnh
Giải thoát nhất tâm lạc
Tùy thời hành các pháp
Vượt qua cõi sinh tử.
Bí-sô tâm thức tỉnh
Cùng ý niệm tương ưng
Đoạn sinh tử phiền não
Chứng đắc quả Viên tịch.
Thường lắng nghe diệu pháp
Tự thức tỉnh ý mình
Hiểu vậy là bậc Hiền
Không còn bị sợ hãi.
Ý luôn luôn tỉnh giác
Học tập cả ngày đêm
Giải thoát, pháp cam lộ
Quyết định đắc Vô lậu.
Người nào được thiện lợi
Nhờ quy y Đức Phật
Thế nên ngày hay đêm
Thường nhất tâm niệm Phật
Người nào được thiện lợi
Vì quy y chánh pháp
Thế nên ngày hay đêm
Thường nhất tâm niệm Pháp.
Người nào được thiện lợi
Nhờ quy y Tăng bảo
Thế nên ngày hay đêm
Thường nhất tâm niệm Tăng.
Thanh văn của Cù-đàm
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Thường nhất tâm niệm Phật.
Thanh văn của Cù-đàm
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Thường nhất tâm niệm Pháp.
Thanh văn của Cù-đàm
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Thường nhất tâm niệm Tăng.
Đệ tử Đức Năng Nhân
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Thường nhất tâm niệm Giới.
Đệ tử Đức Năng Nhân
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Thường nhất tâm niệm Thí.
Đệ tử Đức Năng Nhân
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Thường nhất tâm niệm Thiên.
Đệ tử Đức Năng Nhân
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Thường nhất tâm niệm Thân.
Đệ tử Đức Năng Nhân
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Nhất tâm niệm Tĩnh lự.
Đệ tử Đức Năng Nhân
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Nhất tâm niệm Bất sát.
Đệ tử Đức Năng Nhân
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Nhất tâm niệm Không trộm.
Đệ tử Đức Năng Nhân
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Nhất tâm thường niệm Không.
Đệ tử Đức Năng Nhân
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Nhất tâm niệm Vô tướng.
Đệ tử Đức Năng Nhân
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Nhất tâm niệm Vô nguyện.
Đệ tử Đức Năng Nhân
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Nhất tâm niệm Xuất thế.
Đệ tử Đức Năng Nhân
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Nhất tâm niệm Ý lạc.
Đệ tử Đức Năng Nhân
Luôn chánh niệm tỉnh giác
Nên cả ngày và đêm
Nhất tâm niệm Viên tịch.

Phẩm 16: Thanh Tịnh

Tự giác ngay đương niệm
Khi làm chớ hư vọng
Tu tập thật ổn định
Khi kết quả chân thật.
Làm người phải tìm cách
Tự làm ra tài sản
Người tự quán cũng vậy
Nguyện làm đạt kết quả.
Nằm ngồi tìm phương pháp
Đi đứng luôn tinh tấn
Như thợ luyện vàng ròng
Trừ vô minh trần cấu.
Không bị tối che đậy
Thoát hẳn khổ già chết.
Không xấu hổ lại hổ
Xấu hổ lại không hổ
Không nên sợ lại sợ
Phải sợ lại không sợ.
Sống làm người tà kiến
Chết phải đọa địa ngục.
Người trước đây phóng dật
Sau bỏ không phạm nữa
Là ánh sáng chiếu đời
Như mây tan trăng hiện.
Người trước đây phóng dật
Sau bỏ không phạm nữa
Dùng thiện trừ phóng dật
Là ánh sáng chiếu đời.
Người nào làm tội ác
Tu thiện thì tội diệt
Thế gian do đắm trước
Nên không nhớ nghĩa này.
Xuất gia khi trẻ tuổi
Cầu pháp Phật vi diệu
Là ánh sáng chiếu đời
Như mây tan trăng sáng.
Đời này không gây hại
Khi chết không lo buồn
Thấy đạo nên không sợ
Thoát khổ được an ổn.
Đời này không gây hại
Khi chết không lo buồn
Thấy đạo nên không sợ
Hơn hết trong quyến thuộc.
Diệt trừ nghiệp ô trược
Chỉ tu hạnh bạch tịnh
Vượt ái được thanh tịnh
Vứt bỏ hạnh uế ác.
Trì giới thường thanh tịnh
Bô-sa-tha thanh tịnh
Ba nghiệp hằng thanh tịnh
Thanh tịnh gọi xuất gia.
Ý ái dục là ruộng
Dâm, nộ, si là giống
Bố thí người vượt đời
Được phước đức vô cùng.
Ví như ruộng xấu ác
Sân nhuế mọc chằng chịt
Thế nên phải dọn uế
Đạt kết quả vô cùng.
Ví như ruộng xấu ác
Ngu mạn sinh chằng chịt
Thế nên phải bỏ mạn
Đạt kết quả vô cùng.
Ví như ruộng xấu ác
Keo kiệt mọc chằng chịt
Nên phải bỏ keo kiệt
Đạt kết quả vô cùng.
Ví như ruộng xấu ác
Ái lạc mọc chằng chịt
Thế nên phải đoạn ái
Đạt kết quả vô cùng.
Sáu tâm vương là chủ
Ái nhiễm là thân quyến
Không nhiễm thì thoát ái
Nhiễm trước là ngu si.
Thành này xây bằng xương
Trang trí bằng máu thịt
Nếu mở rộng các cửa
Giặc kết tất tung hoành.
Có duyên thì tăng khổ
Quán mười hai duyên ấy
Diệt nó do trí đức
Không phải nhờ ngu ngoài.

Phẩm 17: Thủy Dụ

Tịnh tâm thường ghi nhớ
Không còn có tham ái
Đã vượt vực ngu si
Như ngỗng ở ao khô.
Tâm đã quyết vứt bỏ
Bay lượn tận hư không
Tu hành xuất thế gian
Phá tan chúng ma quân.
Trẻ không tu phạm hạnh
Già không giữ tài sản
Ngu si tham ngủ nghỉ
Do ta không tu thiện.
Trẻ không tu phạm hạnh
Già không giữ tài sản
Uyên ương giữ ao không
Giữ vậy chẳng ích gì!
Đừng khinh tội ác nhỏ
Cho là không quả báo
Giọt nước tuy rất nhỏ
Chảy dần đầy lu to
Nghiệp ác tăng từ từ
Từng chút thành to lớn.
Đừng khinh việc thiện nhỏ
Cho là không phước báo
Giọt nước tuy rất nhỏ
Chảy dần đầy lu to
Nghiệp thiện tăng từ từ
Từng chút thành to lớn.
Như người vượt qua sông
Cột bè thật kiên cố
Đã qua hay chưa qua
Thông suốt chính là qua.
Phật Thế Tôn đã qua
Phạm chí đang đi qua
Bí-sô vào ao sâu
Thanh văn cột chắc chắn
Cần suối này làm gì
Nước luôn luôn có đầy
Nhổ sạch nguồn gốc ái
Còn hướng đến dục gì!
Tài công điều khiển thuyền
Thợ làm cung uốn tên
Thợ mộc bào chuốt gỗ
Bậc Trí giỏi điều thân.
Như dòng suối sâu sạch
Trong suốt đến tận đáy
Nghe pháp được thanh tịnh
Bậc Trí sinh hoan hỷ.
Như dòng suối sâu sạch
Trong suốt đến tận đáy
Người trí nghe Diệu pháp
Hoan hỷ không cùng tận.
Tâm nhẫn như mặt đất
Bất động như hư không
Nghe pháp như kim cương
Hưởng vị thoát luân hồi.

Phẩm 18: Hoa

Ai tự chọn cảnh giới
Bỏ địa ngục sinh Thiên
Thuyết giảng pháp cú hay
Như khéo nhặt hoa đẹp.
Hữu học chọn cảnh giới
Bỏ địa ngục sinh Thiên
Giỏi thuyết giảng Pháp cú
Như giỏi nhặt hoa đẹp.
Dọn rừng chớ chặt cây
Từ rừng sinh sợ hãi
Dọn rừng hết không còn
Bí-sô đắc viên tịch.
Dọn rừng không sạch gốc
Từ rừng sinh sợ hãi
Còn chút nào chưa chặt
Làm ý sinh triền phược.
Dọn rừng chẳng sạch gốc
Từ rừng sinh sợ hãi
Tâm bị trói khó thoát
Như bê luyến ái mẹ.
Phải đoạn luyến ái như
Nhổ gốc sen ao khô
Thọ trì lời Phật dạy
Hoan hỷ vui Viên tịch.
Như hoa thật vừa ý
Sắc đẹp nhưng không hương
Lời nói thật hoa hòe
Không làm được, vô ích.
Như hoa thật vừa ý
Sắc đẹp hương thơm lừng
Lời nói thiện cũng vậy
Làm có kết quả tốt.
Ong lấy mật rồi bay
Không hoại hương sắc hoa
Vị Bí-sô cũng vậy
Khi vào ra xóm làng
Không chống họ tốt xấu
Chớ nhìn làm không làm
Hãy tự xét thân mình
Làm đúng hay không đúng.
Như ruộng mương nhơ bẩn
Ở gần bên đại lộ
Trong ấy hoa sen mọc
Thơm sạch rất vừa ý.
Có sinh phải có chết
Phàm phu thích một bên
Bậc Trí tuệ vượt ra
Thật Thanh văn Phật tử.
Tập hợp nhiều hoa đẹp
Kết thành vòng rực rỡ
Chúng sinh tạo căn lành
Đời sau sống thù thắng
Hoa mạt lý xinh đẹp
Mạt-câu-la thanh tịnh
Trừ sạch tham dục sân
Bí-sô thơm tịnh khiết.
Như người hái hoa đẹp
Ý đắm đuối không rời
Vì say ngủ, lụt trôi
Bị tử thần bắt hết.
Như người hái hoa đẹp
Tâm đắm đuối không rời
Ý muốn không biết chán
Thường phải bị khốn cùng.
Như người hái hoa đẹp
Tâm đắm đuối không rời
Chưa thu hoạch tài bảo
Đã bị khốn cùng rồi.
Thần chết không bắt gặp
Tuệ sáng như tịnh hoa
Bí-sô đến bờ kia
Như rắn lột vỏ cũ.
Ai trừ tham, sân, si
Như bứng gốc hoa độc
Bí-sô đến bờ kia
Như rắn lột vỏ cũ.
Nếu cắt đứt gốc tham
Như hoa nổi trên nước
Bí-sô đến bờ kia
Như rắn lột vỏ cũ.
Nếu cắt đứt gốc sân
Như hoa nổi trên nước
Bí-sô đến bờ kia
Như rắn lột vỏ cũ.
Nếu cắt đứt gốc si
Như hoa nổi trên nước
Bí-sô đến bờ kia
Như rắn lột vỏ cũ.
Như người kết vòng hoa
Ý tham đắm không chán
Bị độc hại suốt đời
Ba căn thường triền phược.
Quán thân như đồ đất
Pháp huyễn như bóng ngựa
Phá bẫy hoa của ma
Thoát khỏi đường thần chết.
Thân này như bọt nổi
Biết là pháp huyễn hóa
Phá bẫy hoa của ma
Thoát khỏi đường thần chết.
Chặt đứt gốc ngã mạn
Như hoa nổi trên nước
Bí-sô đến bờ kia
Như rắn thoát vỏ cũ.
Chặt đức gốc keo kiệt
Như hoa nổi trên nước
Bí-sô đến bờ kia
Như rắn lột vỏ cũ.
Chặt đức gốc tham ái
Như hoa nổi trên nước
Bí-sô đến bờ kia
Như rắn lột vỏ cũ.
Ai không còn phiền não
Được quả của nhân lành
Bí-sô đến bờ kia
Như rắn lột vỏ cũ.

Phẩm 19: Mã Dụ

Ngựa được huấn luyện thuần
Hành động theo ý muốn
Tín giới và tinh tấn
Định pháp yếu đầy đủ
Được nghĩa đúng của pháp
Xử dụng lợi vô cùng
Nhất tâm hành hòa nhẫn
Thoát khỏi khổ luân hồi.
Ý nhẫn hòa được định
Đoạn trừ được khổ não
Từ đó an trú định
Như ngựa luyện thuần thục.
Đoạn sân đắc vô lậu
Như ngựa đã thuần thục
Vượt xấu đến chỗ bằng
Sau thọ sinh cõi trời.
Tự chế giữa buông lung
Tỉnh thức giữa say ngủ
Tuấn mã so ngựa hèn
Bậc hiền đức bỏ ác.
Ai sống có tàm quý
Trí tuệ tất thành tựu
Dễ khuyên bảo tiến bộ
Như roi với ngựa thuần.
Như ngựa đã thuần thục
Được nhà vua sử dụng
Người tự chế được nghe
Lời thành tín bậc Hiền.
Tuy thường được luyện tập
Như người mới cỡi ngựa
Cũng như rồng voi giỏi
Chẳng bằng tự luyện mình.
Người không biết cỡi ngựa
Không thể đi đến nơi
Chỉ người tự điều phục
Mới đến chỗ mong muốn.
Người không biết cỡi ngựa
Không thể đi đến nơi
Chỉ người tự điều phục
Mới diệt tất cả khổ.
Người không biết cỡi ngựa
Không thể đi đến nơi
Chỉ người tự điều phục
Được đến đường viên tịch.
Phải thường tự điều phục
Như kiềm chế ngựa lồng
Người tự ngăn niệm được
Vượt qua cảnh giới khổ
Như ngựa xứng vua cỡi
Địa vị ấy khó có
Bí-sô khéo điều phục
Giải thoát tất cả khổ.
Chỉ người tự điều phục
Ý giỏi như ngựa hay
Cũng như rồng voi lớn
Tự điều là tối thượng.
Như vua cỡi ngựa trí
Thật ít có trong nước
Bí-sô khéo điều phục
Đoạn sạch được triền phược.
Chỉ người tự điều phục
Tài giỏi này vô song
Cũng như rồng voi giỏi
Từng niệm đến bờ kia.
Tự điều, làm thầy mình
Tự quy cầu, tự độ
Nên hết sức cẩn thận
Như buôn mua ngựa trí.

Phẩm 20: Sân Hận

Trừ sân dứt ngã mạn
Viễn ly các phiền não
Không đắm nhiễm danh sắc
Không có bạn oan gia.
Trừ sân được ngủ yên
Hết hận không lo buồn
Sân là độc căn bản
Bí-sô làm cam lộ
Hiền thánh phải trừ sạch
Hết sân ngủ an lành.
Người nổi tâm sân nộ
Gây nhiều nghiệp bất thiện
Ai trừ hận theo sau
Lửa trí cháy mạnh lên.
Không tàm lại không quý
Lại ưa sinh sân nộ
Người bị sân trói buộc
Như nhà tối mất đèn.
Dùng sức mạnh sân hận
Sức ấy không phải sức
Sân là pháp tầm thường
Không biết khéo hưởng ứng.
Có sức gần quân mạnh
Không sức khiếp nhược lùi
Nhẫn được là thượng tướng
Phải nhẫn chớ yếu hèn.
Bị mọi người khinh thường
Chịu nhẫn là có sức
Nhẫn được rất cao thượng
Không được nhẫn vì yếu.
Ta đối với người khác
Kinh sợ nên không ngăn
Biết họ quá sân hận
Phải diệt lỗi trong ta.
Cả hai làm một việc
Ta giúp họ cũng vậy
Như biết họ sân hận
Nên nhẫn lỗi của họ.
Cả hai làm hai việc
Ta nhẫn họ cũng vậy
Ngu cho ta hèn yếu
Quán pháp cũng như vậy.
Nếu ngu thắng bậc Trí
Chỉ bằng lời thô ác
Người muốn thường đắc thắng
Bình tĩnh trước lời nói.
Học tập theo bậc Trí
Không thân cận kẻ ngu
Nhẫn trước lời xấu ác
Nên nói nhẫn đứng đầu.
Khi giận không phát ngôn
Yên lặng giữa mọi người
Người bị giận bùng lên
Chẳng biết mình làm gì.
Nói đúng, không sân hận
Thấy xin, nghĩ việc cho
Ba phần có chỗ định
Tự nhiên ở Thiên cung.
Ngăn ý làm sao sân
Sáng suốt tự giữ gìn
Các trí định giải thoát
Biết rõ không còn sân.
Ai hành động ác ý
Nộ có quả báo nộ
Bị nộ không đáp lại
Là thắng, kẻ đấu thua.
Nhẫn nhục thắng oán hờn
Thiện thắng kẻ bất thiện
Người thắng vì làm thiện
Chân thành thắng dối trá.
Không sân và không hại
Thường nhớ hạnh chân thật
Kẻ ngu tự sinh sân
Oán thù thường tồn tại
Ai ngăn chận được sân
Như ngăn xe chạy bậy
Thế nên khéo huấn luyện
Bỏ tối vào ánh sáng.
Sa-môn và Chánh đạo
Lợi dưỡng, oán, ức niệm
Thanh tịnh, thủy và hoa
Mã, nhuế là mười phẩm.

Phẩm 21: Như Lai

Tự chứng Chánh giác đến Tối thượng
Không nhiễm tất cả pháp thế gian
Đủ Nhất thiết trí, sức vô úy
Tự mình giác ngộ, không cần thầy.
Tự chứng Chánh giác đến Tối thượng
Không nhiễm tất cả pháp thế gian
Đủ Nhất thiết trí, sức vô úy
Tự giác, không thầy làm bảo chứng.
Thiện thệ tự chứng không ai bằng
Ưng hiện trong đời, dạy Chánh đạo
Như Lai, tối tôn giữa trời người
Trí tuệ, thần thông đều viên mãn.

Ta là Phật, Thế Tôn
Đoạn lậu, không dâm dục
Chư Thiên và Người đời
Tất cả tùy tâm Ta.
Ta không thầy làm chứng
Độc nhất không bạn bè
Tích nhiều hạnh thành Phật
Tự nhiên thông Thánh đạo.
Ta thắng tất cả ác
Thắng tất cả thế gian
Trí tuệ rộng vô biên
Dẫn đầu việc dạy bảo
Nay đến Ba la-nại
Muốn đánh trống cam lộ
Sẽ vận chuyển pháp luân
Chưa có người nào chuyển.
Bậc Trí không theo ngu
Xem đời, tùy thuận dạy
Giảng thuyết đạo Vô cấu
An ổn không gì hơn.
Sư tử rống dũng mãnh
Chánh pháp của Như Lai
Thuyết pháp và thuyết nghĩa
Người giác mãi an ninh.
Dũng mãnh hành thiền định
Xuất gia ngày đêm diệt
Chư Thiên thường ủng hộ
Được Phật khen, thọ ký.
Trời người đối vị ấy
Tán dương Chánh Đẳng Giác
Tu tập tự giác nhanh
Thân tối hậu lìa thai
Thuyết chư Phật quá khứ
Và chư Phật tương lai
Hiện tại Chánh Đẳng Giác
Diệt trừ khổ chúng sinh.
Tất cả đều trọng pháp
Đã kính và đang kính
Và sẽ sinh cung kính
Với pháp yếu của Phật.
Ai muốn cầu pháp yếu
Đầu tiên là tự thân
Tin, kính trọng Chánh pháp
Nhớ giáo, giới của Phật
Những kẻ không tin Phật
Như những hạng mù tối
Sẽ rơi vào đường ác
Như thương nhân gặp quỉ.
Lái thuyền vượt qua nước
Tinh tấn làm cầu đò
Người lệ thuộc dòng họ
Giải thoát là dũng mãnh.
Như Lai không ai bằng
Ái hết không còn gì
Tâm vô lậu giải thoát
Dạy tuệ cho trời người.
Tư duy hai quán hạnh
Khéo quán hai nhàn tịnh
Trừ si, vượt Thần tiên
Chứng đắc được tự tại.
Như người trên đỉnh núi
Nhìn khắp người xóm làng
Quán sát pháp cũng vậy
Như lên lầu xem cảnh.
Người nào thường quan sát
Phiền não không thể sinh
Giáng mưa pháp cam lộ
Thấm ướt không cùng tận.

Phẩm 22: Đa Văn

Đa văn phải hành trì
Tu giỏi không phiền não
Tu tập tiêu nghiệp chướng
Sa-môn đắc Diệu quả.
Ngu mê không hiểu biết
Ưa làm phép bất tử
Người hiểu biết rõ pháp
Thân bệnh như cây chuối.
Như căn phòng che kín
Tối tăm không thấy gì
Tuy có các sắc đẹp
Có mắt cũng không thấy.
Có một người nào đó
Học rộng trí biết nhiều
Không nghe thì không biết
Thiện pháp và ác pháp.
Ví như cầm đuốc sáng
Thấy rõ hết màu sắc
Nghe rồi biết thông suốt
Chỗ đến của thiện ác.
Tuy xưng là Đa văn
Giới cấm không đầy đủ
Có lỗi nơi Pháp luật
Nên sự học thiếu sót.
Hành giả tuy học ít
Giữ giới cấm đầy đủ
Được khen có Pháp luật
Nhưng sự học thiếu sót.
Tuy học có nhiều ít
Trì giới không hoàn toàn
Cả hai đều bị chê
Sở nguyện đều bị mất.
Đa văn giữ kiên cố
Hành luật làm tường rào
Tinh tấn khó chê bai
Từ đó tam học thành.
Đa văn thường hành pháp
Trí tuệ thường định ý
Như vàng ròng Diêm-phù
Ai nói lỗi vị ấy?
Trí rộng vì nghe nhiều
Giới luật giữ hoàn toàn
Cả hai đều được khen
Học đạt hết kết quả.
Đa văn như gương báu
Chiếu soi tất cả pháp
Tự soi và soi người
Cả hai đều hoan hỷ.
Đa văn như chuỗi ngọc
Trước trang sức tự thân
Mọi người sinh hoan hỷ
Yêu thích không cùng tận.
Có người khen mình đẹp
Kẻ ca ngợi đức mình
Đây đều do tham dục
Nên không hiểu biết gì.
Nghe vì biết Pháp luật
Giải nghi và thấy đúng
Nhờ nghe bỏ phi pháp
Đạt đến chỗ bất tử.
Người trong không biết gì
Ngoài cũng không thấy gì
Trong không thấy chứng gì
Nên sống theo tiếng nói.
Bên trong đã biết rõ
Ngoài không thấy được gì
Hai quả đều đã thành
Nên sống theo tiếng nói.
Bên trong có hiểu biết
Bên ngoài thấy rõ ràng
Người có trí thấy rõ
Sống không cần theo tiếng.
Nghe nhiều bằng nhĩ thức
Thấy nhiều bằng nhãn thức
Thấy nghe không chắc chắn
Ý nghĩa sự thành lý
Trí vững nói xác quyết
Nghe hiểu ý quyết định.
Người tâm trí bất định
Làm vội vã, phóng dật
Hiền thánh vui nơi pháp
Hành động đúng lời nói
Dùng nhẫn tư duy không
Nghe rồi, ý kiên cố.

Phẩm 23: Tự Kỷ

Thường tập nói lời thiện
Ngồi nghĩ khi đứng dậy
An lạc ngồi một mình
Muốn cầu ngăn tâm ý.
Nằm ngồi đều một mình
Đi một mình không bạn
Phải tự hàng phục tâm
Tự vui sống núi rừng.
Một người chiến thắng được
Đến hàng ngàn quân địch
Không bằng thắng tâm mình
Là chiến thắng tối thượng.
Tự thắng là cao thượng
Như tâm chúng sinh kia
Tự thắng là Đại sĩ
Các hạnh được đầy đủ.
Chẳng trời Ngạn-đạt-phược
Chẳng phải Ma, Phạm thiên
Không tranh thắng tối thượng
Như Bí-sô trí tuệ.
Trước tự mình chân chánh
Sau mới dạy người chánh
Ai tự mình chân chánh
Mới là bậc Thượng sĩ.
Trước tự mình chân chánh
Sau mới dạy người chánh
Ai tự mình chân chánh
Không uổng gọi Chân trí.
Tự mình khắc chế mình
Theo đó giáo huấn người
Ta không nghe giáo huấn
Làm sao giáo huấn người.
Tự chuyên tâm tu tập
Làm cho người tin hiểu
Ta khắc kỹ chuyên tâm
Sự tu học bậc Trí.
Vì ta hoặc vì người
Phần nhiều không thành tựu
Nên phải học thế này
Tự chánh mới dạy người.
Hành đạo giữ thân an
Khi ấy sao dạy người
Vì ta bị hàng phục
Người trí học nghĩa này.
Lấy tâm ta làm thầy
Không lệ thuộc thầy khác
Người tự làm thầy mình
Được pháp người Chân trí.
Lấy tâm ta làm thầy
Không lệ thuộc thầy khác
Người tự làm thầy mình
Được danh dự, lợi lạc.
Lấy tâm ta làm thầy
Không lệ thuộc thầy khác
Người tự làm thầy mình
Được trí làm bậc Trời.
Lấy tâm ta làm thầy
Không lệ thuộc thầy khác
Người tự làm thầy mình
Sinh Thiên hưởng lạc lâu.
Lấy tâm ta làm thầy
Không lệ thuộc thầy khác
Người tự làm thầy mình
Tối thắng trong thân tộc.
Lấy tâm ta làm thầy
Không lệ thuộc thầy khác
Người tự làm thầy mình
An lạc trong phiền não.
Lấy tâm ta làm thầy
Không lệ thuộc thầy khác
Người tự làm thầy mình
Trừ tất cả ràng buộc.
Lấy tâm ta làm thầy
Không lệ thuộc thầy khác
Người tự làm thầy mình
Phá tan các đường ác.
Lấy tâm ta làm thầy
Không lệ thuộc thầy khác
Người tự làm thầy mình
Thành bậc Thầy chân trí.
Lấy tâm ta làm thầy
Không lệ thuộc thầy khác
Người tự làm thầy mình
Giải thoát tất cả khổ.
Lấy tâm ta làm thầy
Không lệ thuộc thầy khác
Người tự làm thầy mình
Mau chứng quả Viên tịch.

QUYỂN 3

Phẩm 24: Quảng Thuyết

Tuy nói trăm câu kệ
Cú nghĩa không chân chánh
Không bằng hiểu một câu
Nghe được liền giải thoát.
Tuy nói trăm câu kệ
Không sáng, có ích gì!
Không bằng hiểu một nghĩa
Nghe xong được an tịnh.
Tuy hiểu nhiều câu kệ
Không thực hành, vô ích
Không bằng hành một câu
Tu tập đến đắc đạo.
Ai sống đến trăm năm
Phá giới ý không định
Không bằng sống một ngày
Cúng dường bậc Trì giới.
Ai sống cả trăm năm
Biếng nhác không tinh tấn
Không bằng sống một ngày
Dũng mãnh hành tinh tấn.
Ai sống cả trăm năm
Không quán pháp sinh diệt
Không bằng sống một ngày
Hiểu rõ pháp sinh diệt.
Ai sống cả trăm năm
Không quán sự thành bại
Không bằng sống một ngày
Xem kỹ, biết chỗ tránh.
Ai sống cả trăm năm
Không thấy câu vô lậu
Không bằng sống một ngày
Được thấy đạo Vô lậu.
Ai sống cả trăm năm
Không thấy câu bất động
Không bằng sống một ngày
Được thấy đạo Bất động.
Ai sống cả trăm năm
Không thấy câu khó thấy
Không bằng sống một ngày
Được thấy đạo Vi diệu.
Ai sống cả trăm năm
Không thấy câu vô sinh
Không bằng sống một ngày
Được thấy đạo Vô sinh.
Ai sống cả trăm năm
Không thấy câu vô tác
Không bằng sống một ngày
Được thấy đạo Vô tác.
Ai sống cả trăm năm
Không thấy câu tối thượng
Không bằng sống một ngày
Được thấy đạo Tối thượng.
Ai sống cả trăm năm
Không thấy câu tịch diệt
Không bằng sống một ngày
Được thấy đạo Tịch diệt.
Ai sống cả trăm năm
Không thấy câu cam lộ
Không bằng sống một ngày
Được nếm vị Cam lộ.
Ai sống cả trăm năm
Không thấy câu vô cấu
Không bằng sống một ngày
Được thấy đạo Thanh tịnh.
Ai sống cả trăm năm
Không thấy câu ly cấu
Không bằng sống một ngày
Ly cấu đắc giải thoát.
Ai sống cả trăm năm
Tế thần lửa trong rừng
Không bằng thời gian ngắn
Chánh kiến được giải thoát.
Tháng khác đến tháng này
Kẻ ngu cho ăn uống
Kẻ ấy không tin Phật
Mười sáu không được một.
Người nào cầu tế thần
Nhiều năm mong được phước
Kẻ ấy trong bốn phần
Chẳng được một phần phước.
Tháng khác đến tháng này
Kẻ ngu cho ăn uống
Nhưng tâm không Từ mẫn
Mười sáu không được một.
Tháng khác đến tháng này
Kẻ ngu cho ăn uống
Họ không biết pháp số
Mười sáu không được một.
Tháng khác đến tháng này
Thường làm hội bình đẳng
Kẻ ấy không tin Phật
Mười sáu không được một.
Tháng khác đến tháng này
Thường làm hội Bình đẳng
Kẻ ấy không tin Pháp
Mười sáu không được một.
Tháng khác đến tháng này
Thường làm hội Bình đẳng
Kẻ ấy không tin Tăng
Mười sáu không được một.
Hằng tháng tế ngàn lần
Luôn bố thí bình đẳng
Họ không tâm Từ mẫn
Mười sáu không được một.
Hằng tháng tế ngàn lần
Luôn bố thí bình đẳng
Không thương loài nhuyễn động
Mười sáu không được một.
Hàng tháng tế ngàn lần
Luôn bố thí bình đẳng
Nếu không tâm Từ niệm
Mười sáu không được một.
Hàng tháng tế ngàn lần
Luôn bố thí bình đẳng
Còn mang tâm oán hận
Mười sáu không được một.
Hàng tháng tế ngàn lần
Luôn bố thí bình đẳng
Không thấy pháp trạch diệt
Mười sáu không được một.
Hàng tháng tế ngàn lần
Trọn đời không bỏ sót
Không bằng trong giây phút
Nhất tâm niệm Chân pháp.
Một niệm phước vô biên
Hơn là tế trọn đời.
Tuy sống đến trăm năm
Cúng tế đến Thần lửa
Không bằng trong giây phút
Cúng dường Phật, Pháp, Tăng.
Phước cúng trong một niệm
Hơn họ tế trọn đời.

Phẩm 25: Thiện Hữu

Dối trá ưa đố kỵ
So đo tranh đấu người
Ngu lấy vậy làm vui
Bậc Trí không hiềm khích.
Thành thật không đố kỵ
Tinh tấn, Tín, Đa văn
Được người trí kính hầu
Hiền thánh cũng ưa thích.
Không thân thầy bạn xấu
Không học tập phi pháp
Thân cận thầy bạn thiện
Thường học tập Chánh pháp.
Đi đường nhớ ngăn ý
Chớ suy nghĩ lung tung
Lắng nghe lời dạy thiện
Bậc Trì giới đa văn.
Biết từng việc khác nhau
Gần ác tự đọa lạc
Làm thiện được danh dự
Người tốt luôn tự tốt.
Đây do thân chân chánh
Người thiện luôn làm thiện.
Nhờ thân cận với thiện
Nên trí tuệ tối thượng
Trì giới đạt tịch diệt.
Như cá đã ươn thối
Kẻ tham tranh nhau lấy
Ý chẳng biết mùi hôi
Gần ác cũng như vậy.
Lá Đa-nga-ba-la
Hương thơm bay khắp nơi
Chúng sinh đến nhặt lấy
Làm thiện cũng như vậy.
Thân cận thầy bạn ác
Tội xấu ngày đêm tăng
Như heo thân nhơ nhớp
Tự nhớp gây nhớp người.
Tự mình không làm ác
Nhưng thân cận kẻ ác
Bị mọi người khinh chê
Danh ác ngày đêm tăng.
Xem mãi thì làm theo
Quen biết thì thân cận
Giữ tên độc trong người
Người sạch cũng bị dơ.
Bậc dũng trừ ô uế
Không làm bạn với ác
Người trí phải phân biệt
Nên biết rõ quả báo.
Không thân, cẩn thận học
Học phải gần người hiền
Bí-sô tu hành đạo
Nhẫn khổ, hết các lậu.
Kẻ ngu dầu trọn đời
Thân cận người trí tuệ
Vẫn không biết Chánh pháp
Như muỗng múc thức ăn.
Người trí trong chốc lát
Thân cận bậc Thánh hiền
Biết rõ hết Chánh pháp
Như lưỡi nếm biết vị.
Bậc Trí chỉ một câu
Giảng ra vô lượng nghĩa
Kẻ ngu tụng ngàn lời
Không hiểu nghĩa một câu.
Hiểu đúng nghĩa một câu
Người trí tu học theo
Kẻ ngu thích xa vời
Cho là đúng lời Phật.
Theo người trí dù oán
Không theo ngu dù bạn
Kẻ ngu dạy trái đạo
Đưa dần đến địa ngục.
Người ngu nói mình ngu
Nên biết còn có trí
Kẻ ngu tự xưng trí
Là ngu nhất trong ngu.
Ai khen ngợi kẻ ngu
Khinh chê mắng người trí
Chê trí còn có tiến
Khen ngu, mãi thấp hèn.
Chớ thấy nghe người ngu
Chớ sống chung kẻ ngu
Nạn sống với kẻ ngu
Như ở với oán thù.
Nên chọn nơi sống chung
Như hội họp người thân
Nên thân cận phụng sự
Bậc Đa văn trì giới
Cao thượng giữa mọi người
Như trăng giữa muôn sao.

Phẩm 26: Viên Tịch

Như rùa giấu sáu chi
Bí-sô giữ ý tưởng
Không ỷ thế, hại người
Không nói về chứng đắc.
Nhẫn nhục Đệ nhất đạo
Phật dạy quả Tối thượng
Lòng phiền não hại người
Không gọi là Sa-môn.
Ngôn ngữ chớ thô bạo
Lời nói phải thông suốt
Ít học, họ luận nạn
Tất bị họ khuất phục.
Phiền não thường phát sinh
Như lu vò bị nứt
Lưu chuyển mãi sinh tử
Chìm mãi không lúc thoát.
Phiền não không còn sinh
Như lu chắc nguyên lành
Như vậy đến viên tịch
Vĩnh viễn không trần cấu.
Không bệnh, ích lợi nhất
Biết đủ giàu có nhất
Thân tín bạn tốt nhất
Viên tịch, quả vui nhất.
Đói là bệnh nặng nhất
Hành là khổ đau nhất
Biết đúng thật như vậy
Niết-bàn an vui nhất.
Lời Phật dạy vi diệu
Truyền rộng không cùng tận
Đời dạy nhau tu tập
Thật chẳng khi nào chán.
Do vậy Vô Thượng Sĩ
Ngài dạy bảo thế này
Đau khổ hành hạ thân
Chẳng gì hơn đói, bệnh.
Theo thiện thì quá ít
Theo ác thì quá nhiều
Như thật tri việc này
Mau cầu đến Viên tịch.
Có duyên sinh cõi thiện
Có duyên sinh đường ác
Có duyên nhập Niết-bàn
Như vậy đều có duyên.
Nai đi về đồng rộng
Chim bay về hư không
Lẽ phải nhờ phân biệt
Chân nhân hướng tịch diệt.
Không với tâm lười biếng
Khiếp nhược mà thành công
Việc cầu quả Niết-bàn
Thiêu đốt các trói buộc.
Bí-sô mau tát nước
Nhờ tát thuyền nhẹ đi
Hãy đoạn tham dục tình
Sau đó đến Viên tịch.
Ta có, gốc từ không
Trước có, nay ta không
Chẳng không cũng chẳng có
Như nay, chẳng được gì.
Khó thấy nghĩa bất động
Khéo quán đến bất động
Sẽ thấy tận nguồn ái
Đây là tận cùng nghiệp.
Đoạn ái trừ dục vọng
Cạn dòng không còn chảy
Thấy rõ gốc ái này
Gọi là chấm dứt khổ.
Không thân kiến, diệt tưởng
Hết khổ được mát mẻ
Đã chấm dứt các hành
Thức tưởng không sinh nữa
Như thật tri như vậy
Gọi là chấm dứt khổ.
Sống vọng động không tịnh
Không tịnh, không an vui.
Không động được khinh an
Tịnh mới đắc Viên tịch.
Chẳng phải do qua lại
Qua lại hết sinh diệt
Trừ lão tử phiền não
Đoạn khổ được Niết-bàn.
Ta không còn qua lại
Không đến cũng không đi
Không mất cũng không sinh
Nơi này là Viên tịch.
Trí biết tận gốc ngọn
Hữu vi biết hữu vi
Triền phược của sinh tử
Phiền não khó chế phục.
Đây là thân tứ đại
Tập hợp năm uẩn khổ
Quán sát rõ Khổ đế
Hết khổ chứng Niết-bàn.
Các pháp không qua lại
Qua lại hằng sinh diệt
Già, bệnh, chết lưu chuyển
Vô lậu chứng Viên tịch.
Bí-sô hữu sinh đời
Hữu tạo hạnh vô tác
Hữu vô sinh, hết hữu
Vô tác, hành không còn.
Bí-sô, Ta đã biết
Không thể vào các Địa
Không thể vào Không xứ
Không thể vào Dụng xứ
Vô tưởng phi tưởng xứ
Không đời này đời sau
Không do Nhật nguyệt tưởng
Không đến cũng không đi.
Từ ăn sinh ra hữu
Từ ăn sinh khổ vui
Ai diệt được chỗ này
Diệt trừ hết đau khổ.
Không ăn mạng không còn
Ai nhịn được ăn uống
Thường lấy ăn làm đầu
Sau đó mới đạt đạo.
Không, địa, thủy, hỏa chủng
Nơi ấy gió không thổi
Sáng, lửa không chiếu tới
Cũng không thấy chỗ sinh
Không trăng, chẳng ánh sáng
Không mặt trời chiếu sáng
Quán sát kỹ việc này
Mới đúng với Viên tịch.
Sắc đoan chính, thong thả
Thoát hết tất cả khổ
Phi sắc, phi vô sắc
Được thoát khổ số một.
Cứu cánh không còn sợ
Thoát triền không hồ nghi
Chưa chặt gai hữu dục
Sao biết thân là bệnh.
Cứu cánh có nghĩa là
Viên tịch là đệ nhất
Chặt hết các vọng tưởng
Văn cú không nhầm lẫn.
Biết tự chế hay không
Nhất là bỏ hữu, hành
Trong tự tư duy hành
Như trứng bọc phần mô.
Thí pháp, thí tối thượng
Pháp lạc, lạc tối thượng
Dao nhẫn, dao tốt nhất
Ái diệt, vui Niết-bàn.

Phẩm 27: Quán Sát

Xem kỹ lòng hiềm khích
Không cho chúng ra ngoài
Hiềm khích không ngăn lại
Như vệt nắng bụi bay.
Ai tự xưng không lỗi
Tội phước đồng thời đến
Chỉ thấy lỗi của người
Ôm mãi tưởng vô minh.
Biết tàm sống lâu nhất
Tham làm sao trói buộc
Không sợ đến lực sĩ
Mạng sống luôn kéo dài.
Biết tàm sống vô cùng
Luôn cầu hạnh thanh tịnh
Uy nghi không thiếu sót
Nên sống với chân tịnh.
Thế gian mù tối nhiều
Có trí mắt rất hiếm
Bầy chim sa vào lưới
Ít con thoát lên trời.
Quán thế pháp suy tàn
Chỉ thấy sắc biến chuyển
Kẻ ngu tự lệ thuộc
Bị tối tăm trói buộc
Không thấy rõ các hành
Biết hành không có thật.
Chúng sinh đều có ngã
Từ đó sinh đau khổ
Chẳng ai hiểu được nhau
Không thấy gai tà kiến.
Quan sát do gai này
Chúng sinh nhiễm trước nặng
Ta tạo họ không có
Họ tạo ta chẳng có.
Chúng sinh bị mạn trói
Tham đắm nơi kiêu mạn
Bị mê hoặc bởi kiến
Không thoát cảnh sinh tử.
Đã đắc và sẽ đắc
Cả hai bị trần cấu
Vì tập theo gốc bệnh
Hãy xét điều đã học.
Xem những người trì giới
Bậc thanh tịnh phạm hạnh
Người săn sóc bệnh nhân
Đó là đến sát bờ.
Hãy quán bọt trên nước
Và quán bóng ngựa hoang
Quán thân không khác vậy
Thần chết cũng không đến.
Hãy quán bọt trên nước
Và quán bóng ngựa hoang
Quán đời không khác vậy
Không thấy thần chết đến.
Như vậy phải quán thân
Như xe vua nhiều sắc
Kẻ ngu bị nhiễm trước
Hãy tìm cách lánh xa.
Như vậy phải quán thân
Như xe vua nhiều sắc
Kẻ ngu bị đắm nhiễm
Người trí xa lánh nó.
Như vậy phải quán thân
Nguyên nhân của các bệnh
Bệnh và ngu hội họp
Nhờ cậy chúng sao được.
Hãy xem hình tượng vẽ
Ma-ni, tóc xanh biếc
Kẻ ngu lệ thuộc vào
Không cầu sang bờ kia.
Hãy xem hình tượng vẽ
Ma-ni, tóc xanh biếc
Kẻ ngu lệ thuộc vào
Bậc Trí thì chán ghét.
Dùng hình vẽ sặc sỡ
Trang điểm thân hôi hám
Kẻ ngu lệ thuộc vào
Nên không cầu tự độ.
Móng tay, tóc tám phần
Đôi mắt, vòng đeo tai
Kẻ ngu đắm nhiễm vào
Cũng không cầu tự độ.
Tham dục nhiễm vào dục
Không xét duyên kết sử
Sống vứt bỏ kết sử
Sẽ vượt qua dòng dục.
Từ vườn thoát khỏi vườn
Khỏi vườn lại vào vườn
Hãy quan sát người này
Thoát rồi bị trói lại.
Nay bỏ ngôi vua trời
Không tạo gốc sinh tử
Cầu thoát khổ địa ngục
Xin dạy vui Niết-bàn.
Mặc áo xanh, lọng trắng
Đi riêng một chiếc xe
Xem họ chưa đoạn cấu
Hãy tìm cách đoạn triền.
Nhiều người cầu quy y
Thần núi sông cây rừng
Đền miếu và tế thần
Mong thoát khỏi khổ nạn
Đây quy y không đúng
Cũng không được ích lợi
Quy y những nơi này
Không thoát tất cả khổ.
Ai tự quy y Phật
Chánh pháp, Bí-sô Tăng
Tu tập bốn Thánh đế
Thấy đúng với trí tuệ
Khổ và nhân sinh khổ
Sẽ thoát gốc khổ này.
Tám thánh đạo Hiền thánh
Cảnh cam lộ diệt tận
Là quy y Tối thượng
Hoàn toàn lợi, an lạc
Ai quy y chỗ này
Được thoát tất cả khổ.
Quán, đã quán, sẽ quán
Chưa quán cũng sẽ quán
Quán rồi quán trở lại
Quán mà không quán lại
Thì quán quán trở lại
Phân biệt tánh gốc nó
Lấy ngày cho là đêm
Không lâu thân tan hoại.
Quán mà không quán lại
Tuy thấy cũng không thấy
Như thấy mà không thấy
Quán nhưng vẫn không thấy.
Thế nào thấy không thấy
Sao nói thấy không thấy
Vì sao thấy không thấy
Thấy gì nhân đó thoát?
Do không quán sát khổ
Hãy tự quán sát sâu
Để thoát nguồn gốc khổ
Đó là quán minh diệu
Ai làm cho phàm phu
Không quán gốc các hành
Quán sát rõ các hành
Bỏ tối thấy sáng lớn.

Phẩm 28: Tội Chướng

Không làm các nghiệp ác
Phụng hành các việc thiện
Tự thanh tịnh tâm ý
Là lời chư Phật dạy.
Bố thí được phước báo
Không giữ tâm phẫn nộ
Dùng thiện diệt xấu ác
Tham, sân, si không còn.
Độc hành chớ theo ngu
Hợp quần nên theo trí
Bậc Trí diệt điều ác
Như hạc chọn sữa uống.
Quán sát đời chuyển biến
Biết pháp luôn sinh diệt
Hiền thánh vui khác đời
Kẻ ngu khác bậc Hiền.
Hiểu biết vị mong nhớ
Tư duy việc chấm dứt
Không tưởng nhiệt não đói
Sẽ hưởng được pháp vị.
Người không làm hại tâm
Không hủy hoại ý mình
Dùng thiện diệt hẳn ác
Không lo theo ác đạo.
Người muốn luyện tinh thần
Cần phải thường tu tập
Bậc Trí dễ điêu luyện
Đáng bậc Hùng trong đời.
Thường thân cận vị ấy
An ổn không sầu não
Chấm dứt hết lỗi lầm
Nhu hòa không hung bạo
Thổi bay các pháp ác
Như gió cuốn rụng lá.
Vô cớ sợ kẻ khác
Hủy báng bậc Thanh tịnh
Theo ác bị quả ác
Như ngược gió thổi khói.
Người làm thiện hay ác
Đều tự biết rõ ràng
Tu thiện được quả thiện
Làm ác đọa cõi ác.
Xét mình tịnh hay không
Nghĩ ngươi tịnh làm gì
Kẻ ngu không tự luyện
Như sắt dùi thép cứng.
Mắt thấy việc sai trái
Người sáng suốt tìm cách
Bậc Trí sống trong đời
Không làm các việc ác.
Người buôn đi đường sợ
Bạn ít hàng hóa nhiều
Đi qua nơi hiểm nạn
Lo gãy trục thình lình.
Thân không bị vết thương
Không bị nhiễm độc hại
Bị thương sao ngăn độc
Không ác nào không làm.
Thân làm nhiều việc ác
Tất khổ lụy vì thân
Làm thiện, rãi ân đức
Việc này rất là khó.
Lành thay! Người tu thiện
Hại thay! Vì quá ác
Ác làm ác rất dễ
Ác làm thiện rất khó.
Ngu huênh hoang mình đúng
Khi ác chưa thành thục
Khi ác chín muồi rồi
Các khổ hiện đầy đủ.
Bậc Hiền thấy việc ác
Không bị ác làm quen
Việc ác chưa chín muồi
Kẻ ác xem biết ác
Bậc Hiền quan sát ác
Hiền vẫn không quen ác
Như người quen việc hiền
Hiền quan sát việc hiền.
Người tuy làm việc ác
Nhưng không siêng năng làm
Tâm ý họ không vui
Biết ác đưa đến khổ.
Người đã làm việc phước
Phải luôn luôn làm thêm
Với họ thỏa ý nguyện
Ưa thích quả báo phước.
Trước làm theo tâm thiện
Quản thúc căn bản ác
Do vậy hưng phước nghiệp
Vui do tâm ngăn ác.
Hiện đời làm ác nhỏ
Sau phải chịu khổ nhiều
Chịu tai họa vô biên
Như độc nằm trong bụng.
Làm phước tuy nhỏ ít
Sau hưởng phước đức lớn
Sẽ nhận quả báo lớn
Như trồng được quả tốt.
Cố khinh người không lỗi
Cố hại người không sân
Sẽ trong mười loại này
Phải chịu trong một loại
Thống khổ phải rên la
Thân thể bị thương tổn
Các bệnh luôn hành hạ
Tâm loạn, ý bất định
Dòng họ bị ly tan
Tài sản hao tổn hết
Bị giặc cướp đoạt hết
Sở nguyện không thành tựu
Gặp vô số tai biến
Bị lửa thiêu đốt cháy
Thân chết, không trí tuệ
Phải chịu trong mười loại.
Làm ác chớ nói không
Làm ác nói không tội
Che giấu tội đã làm
Đây sẽ có quả báo.
Nói lời ác có buồn
Làm mãi cũng than thở
Che giấu kín cũng than
Nhân buồn quả tất buồn.
Nay buồn đời sau buồn
Làm ác cả hai buồn
Gây buồn chịu quả báo
Thấy vậy mới suy nghĩ.
Nay vui đời sau vui
Làm phước cả hai vui
Làm phước được quả phước
Thấy thanh tịnh của mình.
Nay nóng đời sau nóng
Làm tội hai đời nóng
Nhân nóng thọ báo nóng
Thấy vậy tự kiểm nghiệm.
Làm phước không làm ác
Đều do sớm hành pháp
Không sợ vào đường chết
Như thuyền vượt qua sông.

Phẩm 29: Tương Ưng

Dạ quang chiếu trong đêm
Khi mặt trời chưa mọc
Nhật quang tỏa ánh sáng
Ánh dạ quang bị mất.
Ngoại đạo chiếu ánh sáng
Khi Phật chưa xuất hiện
Phật xuất thế, sáng ngời
Vượt ngoại đạo, Thanh văn.
Không vững chắc tưởng vững
Vững chắc tưởng không vững
Sau không được vững chắc
Vậy nên sinh tà kiến.
Vững chắc biết vững chắc
Không vững biết không vững
Bị người cầu vững chắc
Căn bản tự sửa trị.
Kẻ ngu cho là vững
Lại bị chín kết trói
Như chim sa vào lưới
Vì tham ái quá sâu.
Những kẻ tâm hồ nghi
Đời này và đời sau
Thiền định trừ hết nghi
Phạm hạnh không áo não.
Từ trần thoát khỏi trần
Ai mặc pháp phục này
Không chế ngự, không chứng
Không xứng mặc pháp phục.
Ai trừ được cấu uế
Tu những Giới, Định, Tuệ
Tư duy hợp hành động
Thật đáng mặc ca-sa.
Lời nói không nhu hòa
Chỉ có danh to lớn
Người bề ngoài khéo đẹp
Bên trong tâm xảo ngụy.
Ai bỏ được việc này
Vĩnh viễn nhổ tận gốc.
Bậc Trí trừ các uế
Mới gọi là khéo đẹp
Không lấy vẻ thong dong
Cho là hiểu ý người.
Đời nhiều kẻ phi pháp
Phóng túng trong thế giới
Kẻ kia như vàng giả
Bên trong toàn là đồng
Phóng túng không e ngại
Trong uế, ngoài bất tịnh.
Tham ăn không tiết độ
Thường lăn lóc qua lại
Như heo nuôi trong chuồng
Mãi mãi chịu luân hồi.
Người biết giữ ý mình
Ăn uống biết tri túc
Chỉ mong để nuôi thân
Dưỡng mạng để hành đạo.
Quán tịnh mà tự tịnh
Các căn lành không đủ
Tham ăn không biết chán
Mãi mãi là phàm phu.
Thay đổi theo ý dục
Như nhà dột mưa vào
Nên quán bất tịnh hạnh
Các căn lành không thiếu.
Ăn uống biết tiết độ
Có tín luôn tinh tấn
Không buông lung ý dục
Như gió thổi Thái sơn.
Nơi vắng thật đáng ưa
Nhưng người không ưa vắng
Không muốn sống chỗ ấy
Xứ sở của không dục.
Thật khó lay khó động
Như núi tuyết lớn kia
Chẳng hiền thì không hiện
Như đêm, tìm nhà tối.
Bậc Hiền có số ngàn
Người trí ở tùng lâm
Nghĩa lý rất thâm sâu
Người trí đều phân biệt.
Có nhiều hạng chúng sinh
Chẳng tìm thì không gặp
Hãy xét nghĩa lý này
Người không giới bị nhục.
Quán hữu biết sợ hãi
Thay đổi biết hữu không
Thế nên không ưa hữu
Nên nhớ viễn ly hữu.
Không tin có nhân quả
Nên đào tường trộm cướp
Trừ ý hy vọng ấy
Gọi là bậc Dũng sĩ.
Trừ duyên cha và mẹ
Nhà vua và hai loại
Diệt hết cảnh giới ấy
Vô cấu là phạm hạnh.
Ai không dựa vào đâu
Biết họ rất sang giàu
Không, Vô tướng, Vô nguyện
Tư duy để tu hành.
Chim bay trên không trung
Không để lại vết chân
Như kẻ đi đi mãi
Lời nói không đến đâu.
Ai đoạn được gốc hữu
Không theo điều chưa đúng
Không, Vô tướng, Vô nguyện
Tư duy để thi hành.
Ít có các chúng sinh
Phần đông không thuận tánh
Có kẻ thoát không thoát
Vì diệt rất là khó.
Những lời dạy bình đẳng
Quán sát hết từng pháp
Đoạn tận các kết sử
Không còn có nhiệt não.
Đi đường không ưu phiền
Trọn ngày được giải thoát
Sạch tận hết kết sử
Không còn có phiền não.
Như chim bay trên không
Thật tự do không ngại
Như người chứng vô lậu
Không, Vô tướng, Vô nguyện
Như chim bay trên không
Thật tự do vô ngại
Hành giả đến bờ kia
Không, Vô tướng, Vô nguyện.
Không tạo không tạo hữu
Kẻ tạo chịu phiền não
Chẳng nên tạo, vẫn tạo
Trước buồn, sau cũng buồn
Người tạo việc thiện mỹ
Đã làm không lo buồn
Tạo mà tạo việc vui
Sinh Thiên hưởng hoan lạc.
Hư không không dấu vết
Sa-môn không tà ý
Chúng sinh đều thích ác
Duy Phật tịnh vô uế.
Hư không không dấu vết
Sa-môn không tà ý
Thế gian đều vô thường
Phật vô ngã, ngã sở.
Chư Thiên và Người đời
Tất cả hạnh tương ưng
Giải thoát tất cả khổ
Ly ái, miễn luân hồi.
Chư Thiên và Người đời
Tất cả hạnh tương ưng
Viễn ly các nghiệp ác
Không bị đạo ác thú.
Không hiểu biết lý luận
Chẳng biết ai Hiền thánh
Ai biết luận nghĩa lý
Lời nói không chỗ sai.
Nói đúng pháp hợp lý
Như dựng cờ Tiên nhân
Cờ pháp là Tiên nhân
Tiên nhân là cờ pháp.
Hoặc có yên lặng mắng
Hoặc có giữa chúng mắng
Hoặc có chưa nói mắng
Đời khó không bị mắng.
Một khen và một chê
Chỉ vì danh hay lợi
Chẳng danh và chẳng lợi
Cũng chẳng biết thế nào.
Lời bậc Trí tán dương
Thuận theo tốt và xấu
Bậc Trí không khuyết lậu
Tuệ định đắc giải thoát.
Như vàng ròng tử kim
Trong ngoài đều thuần chất
Cũng như núi An minh
Không bị gió lay động
Bậc Trí cũng như vậy
Khen chê không làm động.
Như cây không có rễ
Cành lá không mọc được
Bậc dũng kiện thoát triền
Ai chê được đức họ
Không cấu uế, không trụ
Đào giống khổ khỏi thân
Tối thắng không còn ái
Trời người không biết được.
Như bao vây khu rừng
Không còn chút ái nào
Phật có vô lượng hạnh
Không ai tìm vết được.
Nếu không còn dục sinh
Có sinh vẫn không thọ
Phật có vô lượng hạnh
Không ai tìm vết được.
Ai diệt hết dục tưởng
Hết các nhân trong ngoài
Cũng không còn sắc tưởng
Không bị thọ tứ sinh,
Bỏ trước và bỏ sau
Bỏ giữa, thoát khỏi hữu
Bỏ hết tất cả rồi
Không còn chịu sinh già.

QUYỂN 4

Phẩm 30: Lạc

Cố thắng thì gây oán
Chịu thua thì tự khinh
Ngưng ý thì an vui
Không còn tâm thua thắng
Ai quấy nhiễu người khác
Cầu an lạc cho mình
Chắc chắn gây oán thù
Không sao được giải thoát.
Ưa thích nơi ái dục
Cầm gậy hại chúng sinh
Để cầu cho mình an
Đời sau không an lạc.
Người muốn được hoan lạc
Không gây hại chúng sinh
Để cầu được hoan lạc
Đời sau được an lạc.
Ưa pháp ưa học hành
Chớ học hành pháp ác
Người giỏi biết hành pháp
Đời này, đời sau vui.
Người hộ pháp hành pháp
Tu pháp được thiện báo
Pháp này đúng Luật giáo
Hành pháp không đến ác.
Người hộ pháp hành pháp
Như dù che trên thân
Pháp này đúng Luật giáo
Hành pháp không đến ác.
Làm ác đọa địa ngục
Chỗ sinh là đường ác
Làm phi pháp tự hại
Như tay nắm rắn độc.
Đừng cho pháp, phi pháp
Có kết quả như nhau
Phi pháp vào địa ngục
Chánh pháp đưa sinh Thiên.
Thí và tranh đồng chỗ
Đức này, trí không khen
Khi thí và khi tranh
Cả hai cũng như nhau.
Gặp trăm ngàn nguy biến
Trừ hết kiêu mạn oán
Khi thí tâm thanh tịnh
Trượng phu là tối thắng.
Nhẫn ít, được thắng nhiều
Giới thắng nhiều biếng nhác
Người có tín tuệ thí
Sau đó hưởng quả thiện
Khoái lạc gây quả phước
Sở nguyện đều thành tựu.
Mau được đệ nhất diệt
Từ từ vào vô vi
Nếu biết cầu phương tiện
Hiền thánh trí tuệ thí.
Làm cạn hết nguồn khổ
Nên biết được quả lớn
Khéo ổn định pháp ái
Tâm khiết ý thanh tịnh
Pháp Hiền thánh giảng dạy
Bậc Trí rất ưa thích.
Ai tâm thích thiền định
Và thích không sinh khởi
Cũng thích bốn Ý chỉ
Và thích bốn Giác ý
Và bốn pháp Thần túc
Tám Chánh đạo Hiền thánh,
Vui thích ăn đạm bạc
Vui thích với pháp y
Vui thích đi kinh hành
Vui thích nơi rừng vắng.
Đã đạt đến an lạc
Hiện pháp chứng vô vi
Vượt qua các sợ hãi
Thoát nhiễm trước thế gian
An vui nơi chánh niệm
Quán sát giỏi các pháp
Lành thay, sống không hại
Nuôi dưỡng các chúng sinh.
Sống không ưa ái dục
Vượt các ý nhiễm trước
Diệt sạch tâm kiêu mạn
Đây là vui số một.
Già có giới là vui
Có tín, vui hoàn toàn
Phân biệt ý nghĩa vui
Không tạo các ác nghiệp.
Đời có cha mẹ vui
Gặp nhau hòa hợp vui
Đời có Sa-môn vui
Chí an tịnh cũng vui.
Vui thay Phật ra đời
Nghe giảng pháp rất vui
Chúng Tăng hòa hợp vui
Hòa thì luôn an ổn.
Trì giới đầy đủ vui
Học rộng biết nhiều vui
Được gặp Thánh nhân vui
Giải thoát luân hồi vui.
Nước đức trong mát vui
Pháp tài tự tu vui
Được trí tuệ sáng vui
Diệt mạn không tà vui.
Được gặp bậc Hiền vui
Hội họp càng vui hơn
Không cùng ngu làm việc
Tất an lạc mãi mãi.
Không cùng ngu làm việc
Trải qua vô số ngày
Cùng ngu sống chung khó
Như gặp kẻ oán tặc.
Cùng trí ở chung dễ
Như thân quyến gặp nhau
Khó gặp được người trí
Không uổng cuộc sống này.
Như sinh đến chỗ nào
Nhà ấy tất được mừng
Tất cả được an ổn
Phạm chí giữ diệt độ
Không bị nhiễm bởi dục
Thoát được hết các nơi
Diệt hết các tai họa
Hàng phục nội phiền não
Chấm dứt hẳn thùy miên
Tâm thức được thanh tịnh.
Cẩn thận tham đắm lạc
Hộ trì việc sắp làm
Phải niệm xả trong đời
Quán sát việc khoái lạc
Khoái lạc của thế gian
Với an lạc cõi trời
Lạc nhất đời, so trời
Không bằng phần mười sáu.
Muốn bỏ gánh nặng xuống
Đừng tạo thêm nghiệp nữa
Nặng gánh đời thì khổ
Bỏ xuống rất an lạc.
Đoạn hết các ái dục
Và diệt tất cả hành
Diệt luôn gốc năm uẩn
Không luân hồi ba cõi.
Vui tập hợp việc nghĩa
Vui bạn bè hưởng phước
Vui tịch nhiên mát mẻ
Truyền đến khắp mọi người.
Khổ sinh ra từ lạc
Như ngọn lửa trong lò
Bùng lên cháy rực rỡ
Rồi từ từ tiêu diệt.
Không biết chỗ họ đến
Người tri kiến như vậy
Thoát khỏi bùn ái dục
Không còn có chỗ đi.
Đã đạt vui bất động
Trong nguy biến không ngừng
Vẫn an nhiên không sân
Trừ ưu không còn buồn.
Tịch nhiên quán sát đời
An vui không phiền não
Học tập nhiều chánh pháp
Tà kiến bị tổn giảm.
Nhiều người tham đắm sắc
Không kết, được trường thọ
Phật pháp biết nguồn kết
Người phải biết vết kết.
Nhiều người tâm bị trói
Cột chặt vào gốc sắc
Tất cả khổ theo thọ
Tất cả lạc do ta.
Không quan tâm thắng bại
Vì cuối chẳng được gì
Những người muốn sống vui
Nhẫn nhục với kẻ khinh
Nhẫn là nhẫn với người
Không nhẫn với các hữu.
Những người muốn sống vui
Với mê hoặc không mê
Mê hoặc với người khác
Tự ta không mê hoặc.
Những người muốn sống vui
Trọn đời không kết sử
Sẽ ăn bằng niệm thực
Như chư Thiên Quang âm.
Thường ăn bằng chánh niệm
Thân tâm không phiền não
Chúng sinh thấy khổ vui
Thánh pháp không tổn hoại.
Xứ có xúc sinh lạc
Không xứ nào có xúc
Như Bí-sô trong định
Không vướng một cấu gì
Chúng sinh gặp khổ vui
Nhưng không tự giác tri.
Như Lai và Đa văn
Kỹ thân, Quảng, Thiện hữu
Viên tịch, Quán, Tội chướng
Tương ưng, Lạc mười phẩm.

Phẩm 31: Hộ Tâm

Tâm tinh vi khó điều
Vì che chở bởi dục
Hàng phục tâm là thiện
Hàng được thì khinh an.
Như cá trên đất khô
Ra ngoài vực nước sâu
Tâm thức rất sợ hãi
Mau chạy khỏi chúng ma.
Tâm chẳng ở một chỗ
Như ánh sáng mặt trời
Bậc Trí chế ngự tâm
Như móc điều voi dữ.
Ta bàn luận tâm này
Tinh vi khó thấy được
Nay Ta muốn giáo giới
Cẩn thận chớ sinh lỗi.
Chớ thả tâm đi rong
Phóng dật theo ý ông
Ta phải quản lý nó
Như chế ngự voi dữ.
Sinh tử thật vô cùng
Luân hồi không đầu mối
Tìm cầu xây nhà mãi
Vẫn phải thọ bào thai.
Hãy xem cư xá này
Đừng tạo thêm phòng nữa
Cột kèo đã hư rồi
Thì lầu đài sụp đổ.
Tâm đã thoát các hành
Ở giữa là tâm ta
Tâm hoạt động mau lẹ
Khó giữ, khó điều phục.
Người trí tự huấn luyện
Như thợ uốn tên thẳng
Có sân biết mình sân
Có sân biết sân gì.
Ý này do mình làm
Cha mẹ chẳng liên can
Trừ tà đến chánh định
Làm phước chớ thoái lui.
Mái nhà lợp không kín
Trời mưa dột dễ dàng
Người hành động không nghĩ
Thường theo dâm, nộ, si.
Mái nhà được lợp kín
Trời mưa không bị dột
Người hành động biết nghĩ
Không còn dâm, nộ, si.
Tâm là gốc các pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Tâm ai nghĩ việc ác
Nói ác, hành động ác
Tội khổ tự đi theo
Như xe lăn theo vết.
Tâm là gốc các pháp
Tâm chủ tâm tạo tác
Ai tâm nghĩ việc thiện
Nói thiện, hành động thiện
Hạnh phúc luôn đi theo
Như bóng không rời hình
Không dùng ý bất tịnh
Để phẫn nộ với người.
Người muốn biết Chánh pháp
Do Chánh Đẳng Giác dạy
Phải diệt trừ cao ngạo
Tâm ý rất thanh tịnh
Xả bỏ lòng hại người
Mới được nghe Chánh pháp.
Tâm ý không yên tịnh
Cũng không biết thiện pháp
Mê say việc thế gian
Không có chánh tri kiến.
Ba mươi sáu dòng chảy
Theo tâm ý hữu lậu
Luôn luôn có tà kiến
Y theo dục tưởng kết.
Thả ý bỏ thiện căn
Người buông lung theo ý
Tham nhỏ, bỏ tiếng thơm
Như chim bỏ núi rừng.
Sống yên tịnh tu học
Cẩn thận chớ theo dục
Đừng nuốt viên sắt nóng
Kêu gào vì đau khổ.
Nên tu chẳng chịu tu
Ỷ sức chẳng siêng năng
Tự làm người hèn mọn
Lười biếng chẳng hiểu gì.
Loạn quán và chánh quán
Đều do ý phát sinh
Thường biết, tâm quán sát
Tâm ngu thường thường loạn
Bậc Trí quán như vậy
Chánh niệm chuyên tâm làm
Khó thay ý không vướng
Chỉ Phật mới diệt trừ.
Quán thân như bình rỗng
Tâm vững như giữ thành
Dùng tuệ đánh với ma
Chiến thắng chớ để thua.
Quán thân như bọt tụ
Như bóng nắng, ngựa hoang
Dùng tuệ đánh với ma
Chiến thắng chớ để thua.
Tâm niệm bảy Giác chi
Giữ ý không tán loạn
Phải vứt ý ngu hoặc
Vui nơi Vô sinh nhẫn.
Diệt sạch hết hữu lậu
Đời này giữ diệt độ
Phải giữ tâm ý mình
Như trâu Mao giữ đuôi.
Có thí xả tất cả
Luôn luôn được an lạc
Một rồng vượt các rồng
Rồng sáu nanh trong bầy
Tâm tâm tự bình đẳng
Vui sống riêng hoang dã.
Không dùng tâm ác hại
Làm khổ cho mọi người
Tâm từ cho chúng sinh
Họ không có oán hận.
Từ tâm với một người
Đạt được các gốc thiện
Rãi tâm từ đến khắp
Hiền thánh khen phước nhất.
Tâm từ rải khắp nơi
Thương yêu các chúng sinh
Tu tập với tâm Từ
Sau được vui vô cùng.
Ai với ý dũng bước
Hoan hỷ không biếng nhác
Tu tập các pháp thiện
Đạt đến chỗ an ổn.
Tự mình sống hoan hỷ
Thân, miệng, ý tương ưng
Đã chứng đẳng giải thoát
Bí-sô vui tịnh ý.
Các kết sử không còn
Không còn có trần lao
Dầu có năm loại nhạc
Không thể thỏa ý người
Không bằng một tâm chánh
Hướng đến pháp bình đẳng.
Đắc thiện nhãn tối thắng
Không còn chấp có ngã
Những ai ưa thiền định
Không ưa thích ý dục.
Ý hân hoan tối thắng
Cũng không thấy có ngã
Những ai tâm ưa thiền
Ý không còn thích dục
Đã đoạn sạch các kết
Như núi không lay động.
Trong trược không nhiễm trước
Giữa sân không nổi sân
Ai có tâm như vậy
Không còn gặp khổ nữa.
Không nhiễm ô, gây hại
Giữ giới luật đầy đủ
Ăn uống biết tiết độ
Tri túc chỗ nằm ngồi
Tìm cách tu tập ý
Là lời chư Phật dạy.
Hành giả quán tướng tâm
Chánh niệm theo dõi ý
An trú vào thiền định
Thân lạc tâm hoan hỷ.
Trang nghiêm bằng giữ ý
Đố kỵ thêm loạn tâm
Gặp việc buồn, không khổ
Bậc Trí xét kỹ vậy.
Người chẳng giữ gìn tâm
Bị hại vì tà kiến
Và tâm ý trạo cử
Chúng đưa đến đường chết.
Thế nên phải giữ tâm
Tu các hạnh thanh tịnh
Chánh kiến luôn hiện tiền
Phân biệt pháp sinh diệt.
Bí-sô hàng thùy miên
Hết khổ không tạo nữa
Hàng tâm được hỷ lạc
Giữ tâm chẳng buông lung.
Chúng sinh tâm sai lầm
Phải chịu khổ địa ngục
Hàng tâm đến an lạc
Hộ tâm chớ buông lung.
Hộ tâm chớ buông lung
Tâm nhiều cửa tinh vi
Giữ không cho chạy thoát
Phải trong đường Niết-bàn.

Phẩm 32: Bí-Sô

Bí-sô khi khất thực
Đã được không cất giữ
Trời người đều tán dương
Sống thanh tịnh không lỗi.
Bí-sô vì Từ bi
Ái kính theo lời Phật
Thâm nhập diệu chỉ quán
Diệt uế hạnh mới an.
Bí-sô diệt các ái
Dứt ái bỏ cống cao
Vô ngã, vô ngã sở
Như vậy ai chẳng thân.
Phải biết pháp hành này
Đường xuất ly thân khổ
Như voi chống cường địch
Bí-sô luôn tu tập.
Người khó sống trọn kiếp
Sống, nội tâm tranh nhau
Giữ thân theo Đạo đế
Bí-sô sống an tịnh.
Xem mọi người như bạn
Chánh mạng không tạp loạn
Cho biết cho đúng chỗ
Sống đầy đủ uy nghi.
Bí-sô hạnh hoàn bị
Mới thoát cảnh giới khổ
Thích pháp, ý muốn pháp
Tư duy pháp an ổn.
Bí-sô y pháp hành
Chân chính chớ bỏ quên
Nên học nhập không định
Bí-sô thường an tịnh.
Ái lạc gây lầm lỗi
Quán sát pháp bình đẳng
Chế ngự nơi năm uẩn
Ngăn ý như nước chảy.
Thanh tịnh luôn hòa duyệt
Là uống vị cam lộ
Như núi to vững chắc
Gió không lay động được.
Bí-sô trừ ngu si
Không sao bị khuynh động.
Tất cả các danh sắc
Đều phát sinh ngu hoặc
Không thân cận luyến ái
Là Bí-sô chân chính.
Bí-sô chỉ cạo tóc
Kiêu mạn không Giới luật
Xả tham tư duy đạo
Mới đúng chân Bí-sô.
Cạo tóc chẳng ngăn tâm
Phóng dật không chí tín
Diệt trừ được khổ não
Là Sa-môn tối thắng.
Bí-sô đắc định Từ
Thọ trì lời Phật dạy
Đạt đến chỗ diệt tận
Chớ thân cận, không nhìn.
Tâm vui rất hỷ lạc
Thêm vào những niệm thọ
Bí-sô nhiều an lạc
Do không còn nguồn dục.
Hộ trì thân và ý
Giữ miệng làm việc thiện
Bí-sô thoát thế gian
Vượt khổ không còn ngại.
Không thiền, không trí tuệ
Không tuệ, không có thiền
Đạo sinh từ thiền trí
Được gần đường Niết-bàn.
Hành thiền không phóng dật
Chớ để dục loạn tâm
Đừng uống nước đồng sôi
Tự gây khổ thiêu thân.
Thường tự giữ thân miệng
Giữ ý không làm ác
Sau đắc giới như pháp
Đúng hiệu là Bí-sô.
Có tu những thiện pháp
Bảy giác chi là gốc
Với diệu pháp như vậy
Là Bí-sô chân chính.
Đang sống đúng lời dạy
Tự biết tận nguồn khổ
Đây gọi là gốc thiện
Chính Bí-sô vô lậu.
Không ỷ sức Trì giới
Cũng chẳng dựa Đa văn
Giả như được Định ý
Chẳng chấp vào sở đắc.
Bí-sô tự ỷ thị
Ta chứng hạnh Vô lậu
Hãy quán Chánh giác lạc
Chớ lùi xuống phàm phu.
Hãy quán cuộc đời này
Phân biệt từ năm uẩn
Tu tập chớ làm ác
Dũng mãnh tự chế tâm.
Bỏ nhà để giải thoát
Ý lại bị nhiễm trước
Không tinh tấn tu tập
Phiền não thật khó trừ
Chẳng tịnh tu phạm hạnh
Sao chứng đắc quả báo
Tâm ý được an ổn?
Bí-sô nhiếp thân tâm
Đã thoát già, bệnh, chết
Không còn bị luân hồi.
Đã diệt tham ái tướng
Bí-sô nhiếp thân tâm
Đã thoát già, bệnh, chết
Không còn bị luân hồi.
Tâm kết sử không còn
Bí-sô nhiếp thân tâm
Đã thoát già, bệnh, chết
Không còn bị luân hồi.
Chưa đoạn hết gốc hữu
Bí-sô nhiếp thân tâm
Đã thoát già, bệnh, chết
Không còn bị luân hồi.
Đoạn trừ ba gốc độc
Bí-sô nhiếp thân tâm
Đã thoát già, bệnh, chết
Không còn bị luân hồi.
Đã thoát khỏi ma giới
Vượt khỏi rừng gai gốc
Trừ sạch lời mạ lỵ
Như dựa núi Diệu cao
Bí-sô không còn khổ.
Quán hiện tại, tương lai
Như mộng huyễn, không đắm
Bí-sô thoát tất cả
Như rắn lột vỏ cũ.
Đoạn hết nguồn gốc ái
Cạn sạch suối dục sâu
Bí-sô thoát tất cả
Như rắn lột vỏ cũ.
Trừ diệt hết năm dục
Chặt hết gốc rễ dục
Bí-sô thoát tất cả
Như rắn lột vỏ cũ.
Trừ diệt hết năm kết
Bẻ gãy gai ái dục
Bí-sô thoát tất cả
Như rắn lột vỏ cũ.
Không còn tạo nghiệp nhà
Chặt sạch gốc bất thiện
Bí-sô thoát tất cả
Như rắn lột vỏ cũ.
Không còn các phiền não
Chặt sạch gốc bất thiện
Bí-sô thoát tất cả
Như rắn lột vỏ cũ.
Đoạn dục không còn sót
Không còn bị giam giữ
Bí-sô thoát tất cả
Như rắn lột vỏ cũ.
Ái như nước chảy tràn
Như rắn ngậm nọc độc
Bí-sô thoát tất cả
Như rắn lột vỏ cũ.
Ngoài đoạn hết các tướng
Trong không tạo nhiễm tâm
Bí-sô thoát tất cả
Như rắn lột vỏ cũ.
Ai đoạn hết gốc tham
Gọi là chân Bí-sô
Hàng phục quân ma-la
Không còn khổ luân hồi.
Ai đoạn hết gốc sân
Gọi là chân Bí-sô
Giải thoát các phiền não
Không còn khổ luân hồi.
Ai đoạn hết gốc si
Gọi là chân Bí-sô
Viễn ly hết phiền trược
Không còn khổ luân hồi.
Ai đoạn hết gốc mạn
Gọi là chân Bí-sô
Thoát ly hẳn nhiễm ái
Không còn khổ luân hồi.
Ai đoạn tận keo kiệt
Gọi là chân Bí-sô
Tin, ưa thích Chánh giác
Không còn khổ luân hồi.
Tâm tham làng sát nhân
Bí-sô phải tư duy
Ai viễn ly làng ấy
Phật khen chân Bí-sô.
Tâm sân làng sát nhân
Bí-sô phải tư duy
Ai viễn ly sân hận
Phật khen chân Bí-sô.
Tâm si làng sát nhân
Bí-sô phải tư duy
Ai viễn ly ngu si
Phật khen chân Bí-sô.
Tâm mạn làng sát nhân
Bí-sô phải tư duy
Ai viễn ly kiêu mạn
Phật khen chân Bí-sô.
Keo kiệt làng sát nhân
Bí-sô phải tư duy
Ai viễn ly keo kiệt
Phật khen chân Bí-sô.
Điều phục niệm tham ái
Như thuốc giải nọc rắn
Bí-sô phá hoại ái
Như rắn lột vỏ cũ.
Điều phục niệm sân hận
Như thuốc giải nọc rắn
Bí-sô phá hoại sân
Như rắn lột vỏ cũ.
Điều phục niệm ngu si
Như thuốc giải nọc rắn
Bí-sô viễn ly si
Như rắn lột vỏ cũ.
Điều phục niệm kiêu mạn
Như thuốc giải nọc rắn
Bí-sô viễn ly mạn
Như rắn lột vỏ cũ.
Điều phục niệm keo kiệt
Như thuốc giải nọc rắn
Bí-sô vứt keo kiệt
Như rắn lột vỏ cũ.
Nếu tham dục phát sinh
Chặt như phá lau sậy
Phiền não sâu như biển
Bí-sô phải tinh tấn.
Nếu sân hận phát sinh
Chặt như phá lau sậy
Phiền não sâu như biển
Bí-sô phải tinh tấn.
Nếu như si phát sinh
Chặt như phá lau sậy
Phiền não sâu như biển
Bí-sô phải tinh tấn.
Nếu kiêu mạn phát sinh
Chặt như phá lau sậy
Phiền não sâu như biển
Bí-sô phải tinh tấn.
Nếu keo kiệt phát sinh
Chặt như phá lau sậy
Phiền não sâu như biển
Bí-sô phải tinh tấn.
Trì giới là Bí-sô
Biết không mới hành thiền
Hành không xét tận gốc
Vô vi lạc tối thượng.
Bí-sô sống kham nhẫn
Tri túc vật nằm ngồi
Tu tập không phóng dật
Trừ hết không còn ái.

Phẩm 33: Phạm Chí

Gọi là bậc Phạm chí
Chẳng phải vì trần truồng
Ở chỗ hiểm, nằm gai
Mà gọi là Phạm chí.
Không chấp thân, ngang ngược
Không tụng lời dị đoan
Trừ sạch hết pháp ác
Mới gọi là Phạm chí.
Đời này gây nhân tịnh
Đời sau không quả xấu
Không làm các pháp ác
Mới gọi là Phạm chí.
Ai gần gũi ái dục
Nhưng tâm không tham trước
Bỏ dục sống chân chính
Là diệt tận đau khổ.
Ai không dựa tà kiến
Luôn tu tập chánh kiến
Chánh niệm diệt hữu lậu
Được gọi là Phạm chí.
Kẻ ngu bện nhiều tóc
Sửa sang chỗ nằm ngồi
Trong tâm ý tham luyến
Ngoài trang sức làm gì.
Mặc y phục tầm thường
Thân hành trì pháp thiện
Nơi yên, tự suy nghĩ
Được gọi là Phạm chí.
Thấy phàm phu đến đi
Đọa lạc, thọ khổ não
Chỉ muốn đến bờ kia
Không thích nói nhiều lời
Diệt trừ ác không sinh
Được gọi là Phạm chí.
Vượt qua dòng sông ái
Vô dục như Phạm thiên
Minh hạnh diệt hết lậu
Nên gọi là Phạm chí.

Nước không thể làm sạch
Như nhiều người tắm rửa
Ai trừ sạch ác pháp
Được gọi là Phạm chí.
Chẳng nói hay, cạo tóc
Là Sa-môn Phạm chí
Ai diệt hết các ác
Mới thật là Đạo nhân.
Ai hành động song song
Thanh tịnh không nhơ bẩn
Đoạn các dục trói buộc
Mới gọi là Phạm chí.
Xuất gia làm Phạm chí
Chân chánh là Sa-môn
Vứt những hành động ác
Nên gọi là xuất gia.
Người không ý huyễn hoặc
Không kiêu mạn, không nghi
Không tham, không chấp ngã
Mới gọi là Phạm chí.
Ta không nói Phạm chí
Là do cha mẹ sinh
Người diệt trừ lầm lỗi
Mới chính là Phạm chí.
Thân, miệng cùng với ý
Thanh tịnh không lỗi lầm
Ai hộ trì ba nghiệp
Mới gọi là Phạm chí.
Bị mắng chửi đả kích
Im lặng không nổi giận
Có sức nhẫn nhục lớn
Mới gọi là Phạm chí.
Ai bị khinh, xâm phạm
Vẫn chánh niệm, giữ giới
Thân chánh tự điều phục
Mới gọi là Phạm chí.
Thiện ác theo đời gọi
Là dài ngắn lớn nhỏ
Ai không nhận, không cho
Mới gọi là Phạm chí.
Thân hành động theo thiện
Miệng, ý không phạm lỗi
Ba nghiệp đều tốt đẹp
Mới gọi là Phạm chí.
Được không vướng vui mừng
Mất không bị lo buồn
Yên tịnh giữa đông người
Mới gọi là Phạm chí.
Vì đoạn trừ ân ái
Xuất gia không ái dục
Ai không còn ái dục
Mới gọi là Phạm chí.
Thích nó thì mất nó
Nó, thích nó đều không
Ai từ bỏ tham dục
Mới gọi là Phạm chí.
Thích nó thì mất nó
Nó, thích đều hư vọng
Không nhiễm ba chỗ ác
Mới gọi là Phạm chí.
Ai từ bỏ gia nghiệp
Bứng nhổ gốc ái dục
Không tham sống tri túc
Mới gọi là Phạm chí.
Như nay biết tận cùng
Nguồn gốc của đau khổ
Không còn tâm ái dục
Mới gọi là Phạm chí.
Với tội cùng với phúc
Trừ sạch vượt cả hai
Không ưu, không trần cấu
Mới gọi là Phạm chí.
Đối với tội và phúc
Trừ sạch vượt cả hai
Không nhiễm trước ba chỗ
Mới gọi là Phạm chí.
Cũng như những cánh hoa
Dùng kim xỏ hạt cải
Không bị nhiễm bởi dục
Mới gọi là Phạm chí.
Tâm hỷ không bụi trần
Như mặt trăng tròn đầy
Trừ sạch hết chê bai
Mới gọi là Phạm chí.
Như trăng sáng rực rỡ
Lơ lững trên không trung
Không bị nhiễm ái dục
Mới gọi là Phạm chí.
Tránh xa không tranh cãi
Bị xúc phạm không giận
Bị ác, đáp bằng thiện
Mới gọi là Phạm chí.
Hiểu sâu, tuệ vi diệu
Nói rõ chánh, tà đạo
Hiểu tận nghĩa vô thượng
Mới gọi là Phạm chí.

Những người trong thế gian
Xin ăn để sinh sống
Ai vô ngã, vô trước
Làm đúng hạnh Phạm chí
Nói và trí không cùng
Mới gọi là Phạm chí.
Ai vứt bỏ ái dục
Xuất gia, bỏ các thọ
Vì đoạn trừ dục lậu
Mới gọi là Phạm chí.
Từ mẫn với chúng sinh
Làm chúng không sợ hãi
Không hại, cho thêm thiện
Mới gọi là Phạm chí.
Tránh oán không gây oán
Không thương tổn loài nào
Trừ diệt bỏ tà kiến
Mới gọi là Phạm chí.
Ở trước và ở sau
Ở giữa cũng không có
Không tháo động, chánh hạnh
Mới gọi là Phạm chí.
Vứt bỏ dâm, nộ, si
Kiêu mạn, những ác hạnh
Như kim xỏ hạt cải
Mới gọi là Phạm chí.
Thành lấy hào làm vững
Qua lại chịu khổ đau
Muốn vượt qua bờ kia
Chằng nên nghe người khác
Chỉ diệt dục không sinh
Mới gọi là Phạm chí.
Ai đoạn trừ ái dục
Đời này và đời sau
Có ái phải diệt sạch
Mới gọi là Phạm chí.
Hữu tình không mong cầu
Đời này và đời sau
Vì không còn mong cầu
Nên gọi là Phạm chí.
Thức của ta không biết
Thiên nhân Ngạn-đạt-phược
Biết quán xét nhiều điều
Mới gọi là Phạm chí.
Quy y Nhân Trung Tôn
Quy mạng Nhân Trung Thượng
Không biết nay Thế Tôn
Tu nhân những thiền gì
Cầu mong Thiên Trung Thiên
Dạy pháp và luật ấy
Để tự biết túc mạng
Thấy được đường trời người
Biết khổ, trừ nhân khổ
Tâm trí được tịch diệt.
Tự biết tâm giải thoát
Thoát dục không còn vướng
Đã thành tựu ba Minh
Nên gọi là Phạm chí.
Tự biết rõ túc mạng
Biết nhân quả hữu tình
Như Lai giác vô trước
Nên gọi là Phạm chí.
Đoạn trừ hết kết sử
Phiền não cũng không còn
Như Lai giác vô trước
Nên gọi là Phạm chí.

Bậc trên rồng, Tiên nhân
Đấng Đại Tiên tối tôn
Phục vụ vô số Phật
Nên gọi là Phạm chí.
Hết sạch các phiền não
Vượt dòng chứng vô lậu
Từ đây đến bờ kia
Nên gọi là Phạm chí.
Bí-sô áo phấn tảo
Quán sát dục không thật
Sống gốc cây, chỗ vắng
Nên gọi là Phạm chí.
Nếu chẳng ai biết mình
Vẫn im lặng, không nói
Bình thản sống cô độc
Nên gọi là Bí-sô.
Vứt bỏ dây thế tục
Xuất gia không sợ gì
Thường uống vị cam lộ
Nên gọi là Phạm chí.
Đoạn tuyệt với việc đời
Miệng không nói lời bậy
Sống theo tám Chánh đạo
Nên gọi là Bí-sô.
Một mình đi nơi xa
Ẩn kín không tung tích
Tự điều việc khó điều
Nên gọi là Phạm chí.
Vô hình không thể thấy
Có cũng không thể thấy
Người hiểu biết câu này
Chánh niệm từ nguyên nhân
Tỉnh giác đoạn kết sử
Nên gọi là Phạm chí.
Vượt qua sông sinh tử
Kham nhẫn vượt thế gian
Tự giác thoát hào khổ
Nên gọi là Phạm chí.
Phải làm cạn dòng nước
Phạm chí không còn dục
Trong tự xét tình ý
Nên gọi là Phạm chí
Ai biết rõ như vậy
Mới gọi là Phạm chí.
Học trước phải rời mẹ
Tránh vua, lìa hai quan
Chiến thắng các cảnh giới
Nên gọi là Phạm chí.
Người hiểu rõ giáo pháp
Không kể già hay trẻ
Biết đúng giữ giới, tín
Như Phạm chí thờ lửa.
Quán pháp trong ra ngoài
Phạm chí là tối thượng
Tất cả các hữu lậu
Tận cùng không còn gì.
Hoặc quán sát các pháp
Tận cùng không còn gì,
Hoặc quán sát hòa hợp
Tận cùng không còn gì,
Hoặc quan sát nhân duyên
Tận cùng không còn gì.
Cũng như trong gốc pháp
Phạm chí ở bên ngoài
Nếu dùng chung giường, nệm
Như quỉ Bạc-câu-la
Cũng như trong gốc pháp
Phạm chí chỉ bên ngoài
Biết sinh, biết già, bệnh
Đi dần đến đường chết.
Mặt trời chiếu sáng ngày
Mặt trăng chiếu ban đêm
Áo giáp sáng binh lính
Thiền định sáng Đạo nhân
Phật xuất hiện trong đời
Chiếu sáng hết tối tăm.
Phạm chí diệt không còn
Có niệm buồn, không buồn
Tâm chuyển động như ý
Diệt hết các nghi ngờ.
Phát sinh các pháp sâu
Phạm chí tu tập thiền
Giải trừ lưới nghi ngờ
Thân biết rõ thống khổ.
Phát sinh các pháp sâu
Phạm chí tu tập thiền
Chiếu soi khắp thế gian
Như mặt trời trên không.
Phát sinh các pháp sâu
Phạm chí tu tập thiền
Chế ngự quân địch ma
Như Phật phá chúng ma.
Hộ tâm và Bí-sô
Phẩm Phạm chí cuối cùng
Nói theo thứ tự phẩm
Đầy đủ ba mươi ba.

Hết các kệ Phật pháp do Thánh giả Pháp Cứu tập.

 


[Đầu trang][1 ][2 ][3 ][4 ][5 ][6 ][7 ][8 ][9 ][10 ][11 ][12 ][13 ][14 ][15 ][16 ][17 ][18 ][19 ][20 ][21 ][22 ][23 ][24 ][25 ][26 ][27 ][28 ][29 ][30 ][31 ][32 ][33]


[Mục lục bộ Bản duyên][152][153][154][155][156][157][158][159][160][161][162][163][164][165][166][167][168][169][170][171][172][173][174][175][176][177][178][179][180][181][182][183][184][185][186][187][188][189][190][191][192][193][194][195][196][197][198][199][200][201][202][203][204][205][206][207][208][209][210][211][212][213][214][215][216][217][218][219]


[Mục lục tổng quát]