SỐ 195
PHẬT NÓI KINH THẬP NHỊ DU

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Sa-môn Ca-lưu-đà-già, người xứ Tây Vực.

Thuở xưa, cách đây vô lượng kiếp, có vị Bồ- tát là quốc vương. Cha mẹ mất sớm, Ngài bèn nhường ngôi cho em trai, bỏ nước đi tìm cầu học đạo. Đến phương xa gặp được một vị Bà-la-môn họ Cù-đàm, Bồ-tát nhân đó theo vị ấy học đạo. Vị Bà-la-môn bảo Bồ-tát:

–Hãy cởi bỏ y phục vương giả, bện tóc kết cỏ làm áo, như cách ta mặc và mang họ Cù-đàm của ta!

Bồ-tát vâng theo dùng y phục này để mặc, lấy họ là Cù-đàm, giữ chí trong sạch vào trong rừng núi, xa xôi hiểm trở để tọa thiền suy niệm đạo.

Vị Bà-la-môn ấy dạy:

–Ông vốn là vua, lâu nay sống ở nơi cao sang quyền quý. Nay cần học nếp sống cần khổ, mùa hạ thì uống nước, ăn rau quả, mùa đông thì vào thành ấp xóm làng để khất thực rồi trở về dưới gốc cây mà tọa thiền suy tư, chớ nên sai lời.

Nơi Bồ-tát khất thực lại thuộc địa phận nước củ ngài, nhưng từ nhà vua cho đến thứ dân không ai nhận ra Bồ-tát, họ gọi Ngài là Tiểu Cù-đàm. Bồ- tát làm một tinh xá trong vườn cam ở ngoài thành để độc cư thiền tọa.

Bấy giờ trong nước có năm trăm tên đạo tặc hung hãn đánh cướp tài sản của quan rồi cao bay xa chạy. Vì con đường chúng đào tẩu ngang cạnh lều Bồ-tát nên dấu chân in rải rác đó đây, vật đánh cướp được chúng giấu hai bên lều của Ngài.

Sáng mai quan quân truy bắt đạo tặc theo dấu vết dưới đất, xung quanh túp lều của Bồ-tát, bắt Ngài giải lên cấp trên thẩm vấn. Họ cho Bồ-tát là tên cướp hoành hành bá đạo trong nước bấy lâu nay. Chết cũng chưa đền hết tội.

Nhà vua truyền lệnh cho các quan:

–Loại người như vậy theo hình pháp đánh phải dùng cây xuyên thủng thân thể, trói vào thân cây to, để cho máu trong thân hắn chảy tràn ra đất!

Khi đó vị Đại Cù-đàm ở trong núi sâu dùng Thiên nhãn thấy việc ấy liền vận thần túc bay đến hỏi Ngài:

–Ông có tội gì mà phải chịu sự đau đớn tàn khốc như vậy? Bị cây đâm xuyên chẳng đau đớn hay sao mà nhẫn nhục chịu khổ như thế?

Bồ-tát thưa:

–Ngoài thân tuy đau đớn nhưng trong lòng con vẫn giữ trọn niệm từ tâm. Con chẳng biết bị tội gì mà vô cớ bị giết hại như vậy!

Vị Đại Cù-đàm nói:

–Ông không có con cháu lấy ai để nối dõi, lẽ nào nhẫn nhục chịu đau đớn thế sao?

Bồ-tát đáp:

–Mạng người chỉ trong khoảnh khắc, sao lại bàn đến việc cháu con.

Khi ấy quốc vương lệnh cho quan quân dùng cung nỏ, bắn tên giết ngài.

Vị Đại Cù-đàm rơi lệ buồn thương đưa thi hài xuống, đặt vào áo quan khâm liệm, rồi lấy đất bùn vấy máu ngài ở hai bên tả hữu viên lại, rước về tinh xá nơi chốn thâm sơn. Máu phía trái an trí trong chiếc hủ bên trái, phía bên phải thì đặt trong hủ bên phải. Vị Đại Cù-đàm nói:

–Con là người tu đạo, nếu dốc trọn lòng thành kính thì trời thần sẽ khiến cho máu con hóa thành người.

Mười tháng sau viên huyết nê bên trái biến thành người nam, phía bên phải biến thành người nữ. Cả hai đều lấy họ là Cù-đàm.

Một người tên Xá-di Nhân, trong quá khứ hiền kiếp chính là Bảo Như Lai Thích-ca-việt, thọ năm trăm vạn tuổi. Từ đó trở xuống hai mươi lăm vị vua đều thọ ba trăm vạn tuổi. Vua Văn-đà-kiệt thọ một trăm vạn tuổi; vua Đảnh Sinh Giá-ca-việt, vua Tả Tủy, Hữu Tủy đều thọ mười vạn tuổi. Từ vua Hoan Hỷ đến các vua sau này đều thọ tám vạn bốn ngàn tuổi.

Từ khi vua Giá-ca-việt khởi ác niệm giết hại mạng một con bò để cúng tế nên phải mất bánh xe bằng vàng, chỉ được bánh xe bằng bạc, làm chủ ba cõi, thọ một vạn tuổi. Vua Kiên Niệm tạo áo giáp đồng để chinh chiến nên thọ năm ngàn tuổi, hưởng bánh xe bằng đồng, làm chủ hai cõi, ở phía Tây và phía Nam. Vua Hỷ Sát thọ hai ngàn năm trăm tuổi, được hưởng bánh xe bằng sắt, làm chủ cõi phương Nam. Vị thái tử con vua Hỷ Sát vì làm năm điều ác, giết hại cho nên tuổi thọ lại giảm xuống còn một ngàn tuổi. Lúc đó người thuở xưa có chín loại bệnh: lạnh, nóng, đói, khát, sinh, già, bệnh, chết.

Bà-la-môn sát sinh để cúng tế nên từ đó sinh ra bốn trăm loại bệnh. Đến thời vua Sư Tử Niệm, tuổi thọ con người giảm xuống còn một trăm hai mươi tuổi. Từ thời vua Sư Tử Niệm trở về sau; từ vua Sư Tử Ý tiếp nối tám mươi bốn đời vua, thọ mạng con người giảm xuống dần chỉ còn có tám mươi, bảy mươi, năm mươi, ba mươi, hai mươi, và mười tuổi. Về sau có vị vua Sư Tử Mạng Xa, tên Bạch Tịnh, là phụ thân của Bồ-tát. Tính bao gồm từ khởi thủy đến thân Bồ-tát, trước sau có tám vạn bốn ngàn người đều thuộc dòng họ vua Giá-ca-việt tộc Cù-đàm, họ là Thuần Thục.

Bồ-tát trú tại cung trời Đâu-thuật, hướng ý hạ sinh nên từ cung trời quan sát để xem có thể giáng sinh vào quốc thổ của ai. Bồ-tát thấy rằng chỉ có gia tộc của vua Bạch Tịnh là có thể giáng sinh.

Khi ấy ở cõi trời có một thân cổ mộc tên gọi Đâu-đàm, Bồ-tát rời bỏ cây đó đến ngồi dưới gốc cây khác tư duy, khiến cây Đâu-đàm lịm tắt ánh tinh quang. Có vị trời thưa hỏi:

–Duyên cớ gì Bồ-tát lại bỏ chỗ ngồi thường lệ mà đến ngồi dưới gốc cây khác?

Có vị Thiên tử biết rõ ý Bồ-tát nên trả lời:

–Ngài không rõ sao? Nay Bồ-tát hướng ý hạ sinh cõi Diêm-phù-lợi nên quán sát có thể hạ sinh vào quốc thổ nào. Bồ-tát thấy chỉ có gia đình Bạch Tịnh vương là có thể giáng sinh được.

Chư Thiên đồng cất tiếng:

–Nay Bồ-tát hạ sinh, chúng ta nên lấy gì để làm lễ vật tiễn đưa Ngài?

Thiên chúng cùng nhau bàn luận quyết định:

–Chỉ trên cõi trời Tịnh Minh mới có bốn trăm món tứ bảo, chạm trổ khéo léo, đặc biệt khác thường, mỗi loại đều có tên riêng, đều kết hoa báu. Nên dùng chúng làm xe để Bồ-tát cỡi.

Long vương Y-la-mạn dùng chúng tạo thành xe gọi là Bạch tượng xa; lông và cánh của Bạch tượng trắng hơn cả tuyết trên núi Tuyết. Con voi có ba mươi ba cái đầu; mỗi đầu có bảy cái ngà; trên mỗi chiếc ngà có bảy cái ao; trong mỗi ao có bảy đóa hoa sen Ưu-bát và trên mỗi đóa hoa đều có một ngọc nữ. Bồ-tát cùng tám vạn bốn ngàn Thiên tử cỡi xe báu Bạch tượng xuống trần.

Ngay khi ấy, phu nhân của vua Bạch Tịnh trong giấc điệp mơ màng thấy con voi trắng thấp thoáng, tỉnh giấc hoảng sợ tâu lên đức vua.

Thân phụ của Bồ-tát tên là Bạch Tịnh. Anh em trong hoàng tộc của cha Ngài gồm bốn người. Vua Bạch Tịnh có hai người con, người con lớn tên Tất- đạt, người con nhỏ tên Nan-đà. Mẹ của Bồ-tát tên là Ma-da, mẹ của Nan-đà tên là Cù-đàm-di. Thúc phụ của Bồ-tát là vua Cam Lộ Tịnh cũng có hai người con, trưởng nam tên Điều-đạt, thứ nam tên là A-nan. Người chú giữa của Bồ-tát là vua Hộc Tịnh có hai người con, con lớn tên Ma-ha-nạp, thứ nam tên A-na-luật. Người chú út của Bồ-tát là vua Thiết Tịnh có hai người con, vị lớn tên là Thích- ca-vương, vị nhỏ tên là Thích-thiếu-vương.

Nước Ca-duy-la-duyệt có tám tòa thành, gồm chín trăm vạn hộ. Điều-đạt sinh vào ngày mồng bảy tháng tư; Đức Phật đản sinh vào ngày mồng tám tháng tư; Nan-đà, em trai của Đức Phật sinh vào ngày mồng chín tháng tư; A-nan sinh ngày mười tháng tư. Thân của Điều-đạt cao một trượng năm mươi bốn tấc, thân của Đức Phật cao một trượng sáu thước, thân của Nan-đà cao một trượng năm mươi bốn tấc, thân của A-nan cao một trượng năm mươi ba tấc; người trong dòng họ Xá-di, thân quyến của Đức Phật cao một trượng bốn thước.

Ngoài ra, người dân trong nước đều cao một trượng ba thước.

Gia tộc bên ngoại của Bồ-tát cách thành tám trăm dặm, là một vị tiểu vương tên Nhất Ức thuộc họ Cù-đàm-thị, cai quản một trăm vạn hộ. Gia đình phía vợ của Bồ-tát cũng thuộc họ Cù-đàm-thị. Trưởng giả Xá-di tên gọi Thủy Quang, nhạc mẫu của Bồ-tát tên là Nguyệt Nữ, sống trong một tòa thành bên cạnh chỗ ngài trú. Khi hạ sinh con gái, mặt trời sắp lặn, ánh dương buổi hoàng hôn soi rọi khắp nội thất, nhân đó đặt tên là Cù-di (nghĩa là “người con gái của ánh sáng”). Cù-di là vợ thứ nhất của Thái tử, cha nàng là trưởng giả Thủy Quang. Người vợ thứ hai của Thái tử sinh hạ La- vân, tên là Da-duy-đàn; cha của nàng là vị trưởng giả tên Di-thí. Người vợ thứ ba tên là Lộc Dã, cha của nàng là Thích trưởng giả.

Vì Thái tử có ba phu nhân, nên phụ hoàng cho xây ba tòa cung điện hợp với ba mùa, mỗi cung điện có hai vạn mỹ nữ, ba cung điện gồm sáu vạn mỹ nữ. Để buộc thái tử tiếp nối dòng hoàng tộc Giá-ca-việt nên vua phải tuyển đến sáu vạn thiếu nữ đẹp.

Đức Phật xuất gia vào năm hai mươi chín tuổi, năm ba mươi lăm tuổi Ngài thành đạo.

Năm thứ nhất sau khi thành đạo từ mùng tám tháng tư đến ngày rằm tháng bảy, Ngài thiền tọa dưới cây. Năm thứ hai tại vườn Lộc-dã, Ngài thuyết pháp cho nhóm các ông A-nhã-câu-lân, nhóm các ông Tất-bà-ban, và nhóm mười bảy người các ông Ca-giả-la. Ngài cũng giảng pháp cho trưởng giả Đại Tài và Ưu-bà-di Nhị Tài Niệm, thuyết pháp cho Chánh Niệm Ni-kiền, và cho nhóm bốn mươi hai người các ông Đề-hòa-kiệt-la. Năm thứ ba ngài truyền dạy chánh pháp độ ba anh em Uất-vị Ca-diếp là đủ số một ngàn vị Tỳ-kheo. Năm thứ tư ngài thuyết pháp độ loài rồng, quỉ thần ở trên núi Tượng đầu. Năm thứ năm ngài thuyết pháp độ Tư-ha-vị tại vườn Trúc.

Năm năm qua, Đức Phật vẫn chưa đến nước Xá-vệ. Lúc đó ngài Xá-lợi-phất là Bà-la-môn, có một trăm hai mươi lăm đệ tử đang ngồi dưới một gốc cây. Đúng lúc ngài Mục-liên đang là tướng quân Thừa tướng của nước Di-di-la, khởi hành ngang qua thấy ngài Xá-lợi-phất đang tĩnh tọa dưới cây liền hỏi:

–Ngài ngồi chỗ này để làm gì? Ngài Xá-lợi-phất đáp:

–Tôi muốn học đạo. Ngài Mục-liên nói:

–Tôi xin được kết bạn cùng Ngài.

Nói xong Ngài Mục-liên liền lệnh cho quan, quân tùy tùng trở về, chỉ giữ lại một trăm hai mươi lăm người. Hai vị hợp lại có tổng cộng hai trăm năm mươi người.

Ngài Xá-lợi-phất vào thành khất thực, gặp đệ tử của Đức Phật là Tỳ-kheo Mã Sư liền hỏi:

–Vì sao y phục của ngài không giống y phục của các tu sĩ thường dùng?

Tỳ-kheo Mã Sư đáp:

–Tôi là đệ tử của Đức Phật. Ngài Xá-lợi-phất liền hỏi:

–Đức Phật thuyết pháp dạy như thế nào?

Ngài Mã Sư đáp:

–Các pháp đều theo nhân duyên sinh khởi, khi nhân duyên diệt đoạn thì các khổ đều tận diệt.

Ngay khi đó, ngài Xá-lợi-phất đạt được quả Tu- đà-hoàn. Tôn giả vui mừng, trở về báo cho ngài Mục-liên rằng:

–Thế gian nay đã xuất hiện Bậc Thánh Nhân! Ngài Mục-liên hỏi:

–Ngài nói pháp dạy gì?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói lại trọn vẹn lời dạy trên. Vừa nghe xong ngài Mục-liên cũng đắc quả Tu-đà-hoàn. Hai Tôn giả liền cùng nhau dẫn các đệ tử đi đến chỗ Đức Phật. Tuy hai ngài chưa đến, Đức Phật đã biết trước nên báo cho các vị Tỳ-kheo:

–Hiện nay đang có hai vị thiện sĩ, một vị được gọi là bậc Tỳ-kheo trí tuệ, một vị được gọi là bậc Tỳ-kheo thần túc trong khoảnh khắc sẽ đến đây.

Đức Phật vì hai ngài thuyết pháp Tứ đế. Sau bảy ngày, Tôn giả Xá-lợi-phất chứng quả A-la- hán. Tôn giả Mục-liên sau mười lăm ngày cũng chứng quả A-la-hán.

Năm thứ sáu, trưởng giả Tu-đạt cùng thái tử Kỳ-đà kiến tạo tinh xá, làm mười hai ngôi chùa tháp, bảy mươi hai giảng đường, ba ngàn sáu trăm phòng ốc, năm trăm lầu gác dâng cúng Đức Phật.

Năm thứ bảy, Ngài giảng kinh Ban-chu cho chư Bồ-tát Bà-đà-hòa gồm tám vị, ở nước Câu-da- ni.

Năm thứ tám, Ngài thuyết pháp độ hoàng đệ của vua Truân-chân-đà-la trong rặng Liễu sơn.

Năm thứ chín, Ngài thuyết pháp độ Đà-khuật- ma tại núi Uế trạch.

Năm thứ mười, Ngài trở về nước Ma-kiệt thuyết pháp độ vua Phất-ca-sa.

Năm thứ mười một, Đức Phật giảng giáo lý Bổn khởi cho Ngài Di-lặc dưới gốc cây Khủng cụ. Năm thứ mười hai, Ngài trở về vương thổ quê nhà, thuyết pháp cho Sai-ma-kiệt ở tĩnh am họ Thích, cách thành tám mươi dặm; rồi về cung thuyết pháp cho phụ vương và dòng họ Thích-ca, độ tám vạn bốn ngàn người, đều đắc quả Tu-đà- hoàn.

Trong mười hai năm du hóa truyền đạo, Đức Phật đã đi qua mười bốn quốc gia như: (quốc thổ) của vua Ba-tư-nặc (Tấn[1] dịch âm là Hòa duyệt), nước Ca-duy-la-việt (Tấn dịch âm là Diệu đức), nước Xá-vệ (Tấn dịch ý là không vật nào không có), nước Duy-da-ly (Tấn dịch âm là Quảng đại hay Độ sinh tử), La-duyệt-kỳ (Tấn dịch ý là thành Vương xá), nước Cưu-lưu (Tấn dịch ý là nước Trí Sĩ), Ba-la-nại (Tấn dịch âm là Lộc dã, dịch ý là nước của chư Phật).

Trong cõi Diêm-phù-đề có mười sáu nước lớn gồm tám vạn bốn ngàn thành. Có tám vị vương hầu, bốn vị Thiên tử. Phía Đông có Thiên tử nước Tấn, nhân dân đông đúc; phía Nam có Thiên tử nước Thiên trúc, vùng đất có nhiều voi quý; phía Tây có Thiên tử nước Đại tần, quốc thổ phú cường nhiều vàng, bạc, ngọc bích; phía Bắc có Thiên tử nước Nguyệt chi, quốc gia có nhiều ngựa tốt. Trong tám vạn bốn ngàn tòa thành có sáu ngàn bốn trăm chủng tộc người, hàng vạn loại ngôn ngữ, năm mươi sáu vạn ức (56.000.000.000) ngôi làng; có sáu ngàn bốn trăm loài cá, bốn ngàn năm trăm giống chim; hai ngàn bốn trăm loại thú; có hàng vạn thứ cây, tám ngàn loại cỏ, bảy trăm bốn mươi loại tạp dược, bốn mươi ba loại tạp hương, có một trăm hai mươi mốt loại châu báu, bảo vật trân kỳ có bảy loại. Hai ngàn năm trăm nước sống trên biển, có một trăm tám mươi nước thường dùng ngũ cốc, ba trăm năm mươi nước thường ăn cá rùa, ba ba, kỳ đà biển. Năm vị quốc vương, mỗi vị làm chủ năm trăm tòa thành. Vị vua thứ nhất tên là Tư Lê Quốc, toàn quốc theo đạo Phật, không theo các tôn giáo khác. Vị vua thứ hai tên Ca-la, trong nước thường có bảy loại trân bảo. Vị vua thứ ba tên là Bất-la, trong nước thường xông tỏa bốn mươi hai mùi hương và xuất hiện bạch ngọc. Vị vua thứ tư tên Xà-da, trị vì vùng lãnh địa sản sinh hai loại cây Tất-bát và Hồ thúc. Vị vua thứ năm tên là Na-ất, trong lãnh thổ có loại ngọc trắng và ngọc lưu ly bảy màu. Người dân trong kinh thành năm nước lớn này phần nhiều da đen, tầm vóc nhỏ thấp, sống cách nhau sáu mươi lăm vạn dặm. Từ đó đi về phía núi Thiết vi một trăm bốn mươi vạn dặm chỉ có nước biển, không có dân cư trú.


[1] Tấn: tên gọi một nước của Trung hoa cổ đại.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Bản duyên][152][153][154][155][156][157][158][159][160][161][162][163][164][165][166][167][168][169][170][171][172][173][174][175][176][177][178][179][180][181][182][183][184][185][186][187][188][189][190][191][192][193][194][195][196][197][198][199][200][201][202][203][204][205][206][207][208][209][210][211][212][213][214][215][216][217][218][219]


[Mục lục tổng quát]