Hán dịch: Đời Tây Tấn, Cư sĩ Nhiếp Đạo Chân.
Trong quá khứ xa xưa, Đức Phật Thích-ca Văn là người ở nước Phu-lâu-đa-ma, đời đời làm việc lành, trải qua vô số kiếp mới đạt quả vị Phật. Thời Phật còn là Bồ-tát có tên là Ma-nạp, ẩn cư trong núi sâu, vận y phục da hươu. Bấy giờ Bồ-tát đi vào thành Bát-ma-ha, vị vua cai trị xứ ấy tên là Kỳ-da. Bồ-tát nhận thấy người dân trong thành có dáng vẻ vội vàng, nhân đó mới hỏi kẻ đi đường:
-Hôm nay trong thành có việc gì mà sao dân chúng có vẻ hấp tấp vội vã như thế?
Người ấy thưa:
-Hôm nay Phật sẽ đến đây.
Bồ-tát nghe nói vậy lòng rất vui mừng, liền nói:
-Hôm nay gặp Phật ở đây, Ta sẽ theo Phật để đạt được sở nguyện vốn có từ lâu.
Lát sau thấy một cô gái đi tới, tay nâng bình nước có cắm bảy cành hoa Ưu-bát-la. Bồ-tát liền đi theo và gọi lớn:
-Này chị, xin hãy dừng lại!
Cô gái tên Câu-di, bèn dừng lại đợi Bồ-tát đến.
Bồ-tát nói:
-Xin phu nhân hãy nhường cho tôi những cành hoa Ưu-bát ấy.
Câu-di nói:
-Phật hôm nay sẽ đến kinh thành, đại vương muốn tẩy tịnh thân để đón Phật. Tôi đến để dâng hoa lên vua nên không thể cho được.
Bồ-tát nói:
-Hay phu nhân bán hoa đó cho tôi với giá trăm đồng được không?
Câu-di đáp:
-Hoa này tôi không bán.
Bồ-tát bảo:
-Phu nhân có thể đi lấy thêm hoa nữa.
Câu-di thưa:
-Không thể được. Bồ-tát lại nài nỉ:
-Hay là bán hoa ấy cho tôi với giá năm trăm đồng được không?
Câu-di trong lòng thầm nghĩ: “Hoa này đáng giá chừng hai, ba đồng một cành. Nay người này lại muốn mua đến năm trăm đồng!”, bèn chỉ giữ lại hai cành, còn năm cành kia thì trao cho Bồ-tát. Bồ- tát lục tìm trong túi tiền của mình vừa đủ năm trăm đồng, liền lấy trao hết cho Câu-di, rồi hai người chia tay, mỗi người đi mỗi ngã. Câu-di suy nghĩ:
“Vị đạo nhân này vận y phục chỉ là một tấm da hươu, có đúng năm trăm đồng tiền lại dốc hết ra để mua hoa, hẳn không phải là hạng người tầm thường”. Liền bước nhanh theo Bồ-tát, gọi lớn:
-Này ông, xin hãy dừng lại!
Bồ-tát nghe gọi, liền đứng lại đợi. Câu-di đến, nói:
-Ông hãy nói thật với tôi, tôi đem hoa trao cho ông, không dè ông đoạt hoa của tôi mà đi!
Bồ-tát đáp:
-Ta mua hoa đấy chứ! Từ giá một trăm tiền đến những năm trăm tiền, sao lại bảo là ta đoạt hoa của cô?
Câu-di nói:
-Hoa này là hoa dành cho nhà vua, tôi quả là có cậy thế để bán ép cho ông.
Lúc này Bồ-tát liền nói thật ý mình:
-Tôi nghe nói là hôm nay Phật đến, muốn đem hoa dâng Phật, theo Phật để mong đạt được sở nguyện vốn có từ lâu.
Câu-di nói:
-Thật rất tốt lành! Tôi nguyện kiếp sau xin được làm vợ ông, cho dù kiếp ấy ông là người đẹp hay xấu, tôi cũng nguyện làm người nâng khăn sửa túi cho ông, quyết đem lòng thành của tôi xin Phật chứng tri.
Bồ-tát nói:
-Vâng.
Câu-di bèn lấy hai cành hoa còn lại trao cho Bồ-tát để dâng lên Phật và nói:
-Theo tục lệ, phụ nữ không thể đến trước mặt Phật được, xin ông dâng hoa này lên Phật giúp tôi.
Bồ-tát bèn nhận hai cành hoa, rồi hai người từ biệt. Chẳng lâu sau Đức Phật đã đến kinh thành. Quốc vương, quần thần cùng dân chúng đều dùng hàng trăm thứ hoa đủ loại, cúng dường tung rải trên đầu Phật. Hoa tung lên rồi đều rơi xuống đất. Bồ- tát cầm năm cành hoa Ưu-bát-la cúng dường tung rải trên đầu Phật, năm cành hoa ấy đều dừng lại trên không, không rơi xuống, lại sắp đứng thành hàng như từ gốc rễ mọc lên nhưng không bám vào đất. Bồ-tát lại lấy hai cành hoa của Câu-di, tung trên đầu Phật và hai cành hoa đó cũng không rơi xuống, sắp đứng thành hàng nơi hai vai Phật. Phật biết rõ tâm thành của Bồ-tát, liền nói:
-Sở nguyện lớn trong lòng ông sẽ đạt được. Sau chín mươi kiếp nữa, kiếp ấy mang tên là Bạt- la, ông sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Văn.
Bồ-tát nghe Phật dạy như thế, trong lòng vô cùng hoan hỷ, liền cắt tóc mình trải lên mặt đất cho Đức Phật bước lên đi qua, còn mình thì đứng qua một bên, thân tâm nhẹ nhàng vui sướng. Phật dùng thần lực tiếp nhận, bay vụt lên khỏi mặt đất bốn trượng chín thước, lơ lững trên không, rồi từ trên cao hạ xuống đất. Phật lại nói:
-Ta ấn chứng cho ông trong tương lai sẽ thành đạo để cứu độ thế gian, cũng sẽ thành Phật như Ta. Đức Phật thời bấy giờ hiệu là Đề-hòa-kiệt-la.
Sau khi Phật nhập Niết-bàn, Bồ-tát trở về nơi núi sâu ẩn cư. Sau khi hết thọ mạng, Bồ-tát được sinh lên cung trời Đao-lợi, tầng trời thứ nhì của Dục giới, được chư Thiên hết lòng giúp đỡ, thân cận. Thọ mạng ở cõi trời hết, Bồ-tát lại sinh xuống cõi người ở nước Cưu-di-na-kiệt, làm vị Hoàng đế hiệu là Phi Hành, cai trị bốn châu thiên hạ. Mạng chung được sinh trở lại tầng trời Đao-lợi thứ hai, làm vị Đế Thích. Trải qua ba mươi sáu đời làm Thiên đế Thích, tám vạn bốn ngàn đời làm Hoàng đế Phi Hành. Sau khi thọ mạng hết, liền sinh lên cõi trời thứ tư là Đâu-suất thiên, rồi từ nơi ấy sinh xuống nước Ca-duy-la-vệ. Nước Ca-duy-la-vệ ấy nằm vào khoảng giữa trời đất, là nơi các Đức Phật thường ra đời, không có những vùng đất biên giới tiếp giáp với các nước khác, thường là đất cao nghiêng dốc. Vua cai trị nước Ca-duy-la-vệ là bậc nhân từ đức độ. Bồ-tát liền nhập vào thai của Hoàng hậu, không hề có sự bất tịnh, cũng như không nương cậy vào điều gì cả. Quốc vương và quần thần thân tín của các nước láng giềng đều muốn cầu thân với nước Ca-duy-la-vệ. Nghe tin Hoàng hậu mang thai đều đến chúc mừng nhà vua, tới trước mặt Hoàng hậu thi lễ. Thái tử từ ở trong bụng mẹ nhìn thấy người ở bên ngoài, như thể đội một lớp lụa mỏng từ bên trong nhìn rõ người bên ngoài vậy. Người bên ngoài thi lễ, Thái tử ở bên trong bụng mẹ khoát tay như muốn đẩy ra. Sở dĩ từ chối như vậy là vì không muốn phiền nhiễu chúng sinh trong thế gian. Thời gian Hoàng hậu mang thai Thái tử, chư Thần hằng ngày đều mang đồ ăn uống từ trên trời xuống đặt trước Hoàng hậu. Hoàng hậu không rõ đồ ăn, thức uống này từ đâu đem tới, cứ việc dùng, nên đối với cấc món cao lương mỹ vị ở trong cung cảm thấy giống như cay, đắng khó ăn được. Thái tử chọn lúc nửa đêm ngày mồng tám tháng tư để ra đời. Từ hông bên phải Hoàng hậu, Thái tử bước ra ngoài, bước đi bảy bước, bàn chân không chạm đất cao khỏi mặt đất bốn tấc, đưa tay phải lên cao và nói:
-Khắp cõi thế gian trên trời dưới đất, không một ai tôn quý hơn Ta!
Ngay khi đó, bốn vị Thiên vương hiện xuống đảnh lễ, rồi đặt Thái tử nằm trên ghế bằng vàng óng ánh, dùng nước ấm rửa sạch thân hình khiến vua, hoàng hậu và mọi người đều kinh ngạc. Lúc Thái tử mới sinh ra, trên đến cõi Tam thập tam thiên, dưới tới địa ngục Nê-lê thứ mười sáu ánh sáng rực rỡ, tỏa rộng ra khắp nơi, một vạn hai ngàn cõi trời đất, đất trời đều chuyển động khi đó Thái tử mới trở lại là một trẻ thơ bình thường. Nhũ mẫu dùng một chiếc túi gấm, đặt Thái tử vào trong rồi trao cho Hoàng hậu lo việc nuôi dưỡng Thái tử, đặt tên là Tất-đạt. Khi mới sinh, thân của Ngài đã có đủ ba mươi hai tướng tốt.
Hôm sau đức vua bàn luận cùng Hoàng hậu:
-Con ta sinh ra chẳng giống với người bình thường. Trong nước có vị đạo nhân nổi tiếng, đã hơn trăm tuổi, rất giỏi về việc xem tướng người, tên hiệu ông ấy là A-di, chắc phải mời vị ấy tới để xem tướng Thái tử.
Hoàng hậu nói:
-Thật là tốt lành!
Vua và Hoàng hậu cùng đi tới chỗ ở của vị Đạo nhân. Vua đem theo một túi vàng và một túi bạc để dâng cho vị Đạo nhân, nhưng vị ấy không nhận. Vị Đạo nhân vén tấm đệm che ngắm nhìn Thái tử, thấy Thái tử có ba mươi hai tướng tốt, ánh sáng kỳ diệu tỏa hiện ra ngoài, vị Đạo nhân liền buồn bã rơi nước mắt. Hoàng hậu hỏi:
-Thưa Đạo nhân, Thái tử sắp có việc gì chẳng lành xảy ra chăng? Hôm nay đức vua muốn được biết các tướng của Thái tử là lành hay dữ, vì sao ngài lại buồn bã, khóc lóc như thế?
Vị Đạo nhân thưa:
-Hôm qua trời đất chấn động chính là do Thái tử sinh ra. Tôi tự thương xót thân mình già yếu, chẳng còn sống bao lâu nữa, giận mình không được sống để hầu hạ, để được nghe Thái tử giảng kinh thuyết giới, dạy bảo giáo hóa cho nên tôi buồn khóc.
Vua cha nghe vị Đạo nhân nói như thế lập tức vì Thái tử truyền lệnh tuyển chọn trong khắp cả nước được bốn ngàn vị giỏi về ca nhạc, chia ra làm bốn nhóm, mỗi nhóm một ngàn vị luân phiên ngày đêm đàn ca hát múa không dừng nghỉ. Nhà vua hiểu rõ lời bàn của vị Đạo nhân về Thái tử nên càng muốn bảo vệ, giữ nghiêm ngặt con mình, lập tức vì con truyền lệnh sửa sang lại cung điện, phòng ốc, cửa ngõ ra vào, tường thấp tường cao, tất cả đều vô cùng kiên cố. Nếu muốn mở các cửa phải thông qua người canh gác các nơi ấy. Mỗi lần mở, âm thanh vang xa đến bốn chục dặm. Lúc Thái tử mới sinh ra, người hầu của hoàng cung cũng sinh được một bé trai đặt tên là Xa-nặc, một con ngựa trắng cũng sinh một chú ngựa con, được đặt tên là Bạch Kiện Đức. Nhà vua cho Xa-nặc làm người hầu hạ Thái tử, còn ngựa thì được nuôi dưỡng để dành cho Thái tử cỡi. Thái tử sinh được bảy ngày thì mẹ qua đời.
Năm được mười tuổi, Thái tử thưa với vua cha cho phép được ra ngoài thành dạo xem phong cảnh. Vua cha rất bằng lòng, liền sai một trăm quan thân cận cùng theo Thái tử ra thành du ngoạn. Thái tử lên xe ra khỏi cửa thành phía Đông. Thiên vương Đế Thích ở cõi trời Đao-lợi liền hóa thành một người bệnh trên đường Thái tử đi, bụng lớn, thân sưng phù, da thịt hình như chẳng còn, tựa vào bức tường mà thở dốc. Thái tử đi tới trông thấy liền hỏi xa phu:
-Đó là người gì thế? Người đánh xe thưa:
-Đó là người bệnh.
Thái tử hỏi:
-Người bệnh là người như thế nào? Xa phu đáp:
-Người này đời trước làm điều ác, nay sinh làm người, ăn uống không điều độ, nằm ngồi thất thường nên trong người sinh ra bệnh tật như vậy.
Thái tử lại hỏi:
-Ta là con của vị Quốc vương, nếu ăn uống không điều độ, ngủ nghỉ thất thường thì cũng sẽ bị bệnh chăng?
Kẻ hầu thưa:
-Đã là người thì không ai tránh khỏi điều đó cả.
Thái tử nghe nói thế liền cho xe quay trở về cung, lòng buồn bã chẳng vui, nghĩ đến tất cả mọi người trong thiên hạ ai cũng không tránh khỏi bệnh tật, rồi đến lượt mình cũng sẽ bị bệnh tật nên càng buồn bã, chẳng thiết gì ăn uống. Vua cha thấy vậy hối tiếc là đã cho phép Thái tử ra thành du ngoạn, liền lệnh cho đóng kín các cửa cung thành, không muốn để cho Thái tử dạo chơi bên ngoài nữa. Rồi nhà vua lại cho đoàn nhạc công ca nhạc hòa tấu, tạo không khí vui thú như trước. Thái tử càng buồn bã hơn nữa, bỏ cả ăn uống, mãi một thời gian sau mới nguôi ngoai.
Vài năm sau, Thái tử lại đến thưa với vua cha là mình sống trong cung cấm quá lâu, nay muốn ra ngoài thành dạo chơi cho vui vẻ. Vua cha không nỡ làm trái ý con nên chấp thuận. Vua lệnh cho khắp nước biết Thái tử sắp ra thành dạo chơi, không được để những kẻ bệnh tật, dơ dáy bẩn thỉu lai vãng hai bên đường và lệnh cho Thái tử dùng xe đi ra cửa thành phía Nam. Bấy giờ Thiên vương Đế Thích lại hóa làm một người bệnh nặng, đầu tóc rối bời, nước tiểu, phân dơ bê bết khắp thân người, đến nằm trên đường, mạng sống chỉ còn thoi thóp. Thái tử đi tới trông thấy, liền hỏi mã phu:
-Đó là người gì thế? Mã phu thưa:
-Người ấy kiếp trước làm điều ác, không biết tự kiềm chế, ăn uống không điều độ, ngủ nghỉ thất thường nên trong người sinh ra bệnh, mạng sống chỉ còn trong chốc lát.
Thái tử nói:
-Nếu Ta ăn uống không điều độ, ngủ nghỉ cũng bất thường, thì cũng sẽ mang bệnh như vậy chăng?
Người đánh xe đáp:
-Đã làm người thì phải có bệnh.
Thái tử nghe tâu thế, liền cho quay xe trở về cung, lại càng buồn rầu, bỏ cả ăn uống. Vua cha thấy vậy liền bảo với các quan trong triều:
– Này các khanh, trẫm đã truyền lệnh trước rất rõ là khắp nước cấm không cho những kẻ bệnh tật, những điều gì dơ dáy, bẩn thỉu đến gần chỗ Thái tử. Vì sao lại để Thái tử gặp người bệnh. Sau đó, nhà vua lại cho đoàn nhạc công cử nhạc, ca hát để làm vui cho Thái tử nhưng nỗi buồn của Thái tử vẫn chẳng vơi, không lấy ca nhạc làm vui được. Phải một thời gian sau, nỗi buồn của Thái tử mới dần dà giảm bớt.
Vài năm sau, khi nỗi buồn ấy đã dứt hẳn, Thái tử lại đến thưa vua cha sống trong cảnh cung cấm lâu ngày cũng buồn nên muốn ra ngoài thành du ngoạn. Vua cha bảo:
-Cứ mỗi lần con ra thành du ngoạn trở về thường buồn bã không vui, bỏ cả ăn uống. Nay vì sao lại muốn ra thành đi dạo nữa?
Thái tử thưa:
-Con sẽ không như các lần trước đâu.
Vua cha cũng như những lần trước ban lệnh khắp nước, cấm những kẻ bệnh tật, bẩn thỉu lai vãng gần nơi Thái tử đi qua. Thái tử lên xe ra khỏi cửa thành phía Tây. Bấy giờ Thiên vương Đế Thích lại hóa làm một ông lão, người gầy còm, lưng còng, chống gậy lê bước. Thái tử trông thấy liền hỏi người đánh xe:
-Đó là người gì vậy? Xa phu thưa:
-Đó là một người già. Thái tử hỏi:
-Người già là người như thế nào? Xa phu đáp:
-Con người ở trên đời chẳng mấy chốc thì đã lớn tuổi, thọ mạng sắp hết, khí lực suy kém, ăn uống thật khó khăn, nên gọi là người già yếu.
Thái tử hỏi:
-Ta rồi cũng sẽ già yếu như vậy sao? Người đánh xe thưa:
-Con người sinh ra không ai tránh khỏi cảnh già yếu.
Thái tử bảo:
-Hãy quay xe trở lại mà trở về cung. Ta cũng đâu sống mãi trên đời được.
Thái tử lại càng buồn bã, thầm nghĩ: “Mọi người trên cõi đời này phải chịu cảnh già yếu, ăn uống chẳng được và sẽ mạng chung. Thân mạng ta làm sao có thể sống mãi ở thế gian này”. Rồi Thái tử chẳng thiết gì ăn uống, mối ưu sầu đè nặng tâm tư. Vua cha phải hết lời khuyên nhủ giải bày:
-Ta chỉ có mỗi mình con mà thôi, ngai vàng rồi sẽ giao cho con. Vì sao mỗi lần con ra ngoài dạo chơi lại trở về ngay, rồi buồn rầu bỏ cả ăn như thế?
Rồi vua cha lại cho tăng thêm việc đàn ca múa hát để cho Thái tử được vui. Sau đó, nỗi buồn của Thái tử cũng dần dần qua đi. Một thời gian lâu sau, Thái tử lại xin cha cho mình ra khỏi thành dạo chơi. Vua cha nghe thế, bảo:
-Con cứ mỗi lần ra ngoài dạo chơi lại trở về ngay rồi ưu sầu chẳng vui, bỏ cả uống ăn khiến người gầy ốm như thể bị chết rồi được sống lại. Thế sao hôm nay lại muốn đi dạo chơi nữa.
Thái tử thưa:
-Nay con tuổi đã khôn lớn, sẽ không còn nhầm lẫn nữa.
Vua cha thuận cho và dặn nên theo cửa thành phía Bắc mà đi ra. Bấy giờ Thiên vương Đế Thích liền hóa làm một đám xe tang, trong ngoài đều có kẻ nam người nữ cầm cờ phướn, kêu gào khóc lóc bước theo sau xe đi tống táng. Thái tử trông thấy cảnh ấy liền hỏi người đánh xe:
-Âm thanh gì nghe lạ thế? Mã phu thưa:
-Đó là tiếng khóc.
Thái tử hỏi:
-Vì sao lại có tiếng khóc? Người đánh xe đáp:
-Vì có người chết.
Thái tử hỏi:
-Chết là thế nào? Xa phu thưa:
-Người sinh ở đời mạng sống vốn do trời định, tuổi thọ có ngắn có dài nhưng rồi cũng hết một đời, nên gọi là chết. Đã chết rồi thì không còn biết gì nữa, thân thể đều tiêu mất, mà cái chết cũng không có kỳ hạn. Gia đình buồn khổ ấy đang theo sau xe đưa người chết đi an táng.
Thái tử lại hỏi:
-Ta đây rồi cũng sẽ chết sao? Người hầu xe đáp:
-Mọi người đều phải đi tới cảnh ấy.
Thái tử than:
-Ta cũng không thể sống mãi trong cõi thế gian này được. Ta rồi cũng sẽ phải chết!
Thái tử bèn cho quay xe và trở về cung. Vua cha hỏi người xa phu:
-Sao Thái tử trở về cung nhanh vậy? Vị xa phu thân tín tâu:
-Thái tử ra khỏi cửa thành, trên đường đi trông thấy một chiếc xe tang, lòng chẳng vui nên vội cho xe quay về.
Vua cha bảo:
-Ta cũng không muốn cho Thái tử ra dạo chơi ngoài thành nữa.
Năm Thái tử được hai mươi tuổi, vua cha muốn tuyển phi cho Thái tử, Thái tử thưa:
-Con chẳng muốn lập gia đình.
Vua cha vì thương con nên truyền lệnh tuyển mười vạn thiếu nữ trong nước để Thái tử lựa chọn tùy theo sở thích của mình mà xem xét. Thái tử chọn hết các cô gái trong số đó nhưng không có cô nào vừa ý chàng. Cuối cùng có một cô gái tên Câu- di lọt được vào đôi mắt kén chọn của Thái tử. Thái tử nói:
-Con muốn chọn cô gái này làm vợ.
Nhà vua lập tức tuyển nàng Câu-di làm vợ Thái tử. Đó là người con gái đã từng mang hoa bán cho Bồ-tát. Trong kiếp trước nàng mang tên Câu-di, nay sinh ra vẫn mang tên Câu-di. Thái tử bàn với vợ:
-Hai chúng ta nghỉ trên giường, nếu chọn một bình hoa thật đẹp đặt ở nơi khoảng giữa này để cả hai cùng ngắm nghía thưởng thức, cũng hay lắm phải không?
Người vợ đáp:
-Thiếp có thể kiếm hoa được.
Nàng liền chọn hoa rồi đem đặt vào giữa khi vợ chồng cùng nằm nghỉ trên giường. Ý của Câu-di muốn được gần bên chồng. Thái tử liền nói với vợ:
-Nếu nàng lại gần bên Ta thì sẽ đè lên hoa này, bình hoa có nước đổ ra sẽ làm dơ cả giường chiếu.
Người vợ nghe lời. Một hồi lâu sau, Thái tử nói với vợ:
– Hai chúng ta nghỉ chung trên giường. Ý ta muốn đặt một tấm đệm vải thật đẹp ở giữa hai ta để cùng xem. Ý của người vợ luôn muốn nằm gần chồng. Thái tử nói:
-Nếu nàng nằm lại gần ta thì chắc chắn mồ hôi sẽ làm vấy bẩn lên tấm đệm vải.
Người vợ liền thôi, chẳng muốn gần bên Thái tử nữa. Nhưng nàng vẫn có ý nghi ngờ Thái tử nên những lúc thức dậy thường hay đi theo Thái tử. Vào lúc nửa đêm Tứ Thiên vương từ nơi cõi trời cao hiện xuống hoàng cung, gọi lớn nói với Thái tử:
-Đã đến lúc nên xuất gia. Thái tử nói:
-Ta muốn đi nhưng khó có thể đi được.
Tứ Thiên vương liền khiến cho đoàn nhạc công, vũ công ngủ say mê man không còn hay biết gì nữa. Nàng Câu-di cũng say ngủ nằm riêng một bên, Thái tử từ từ vịn giường ngồi dậy, nhìn thấy vợ, sợ nàng thức giấc nên nhẹ nhàng xuống giường, đứng dậy đi ra ngoài, gọi nhỏ Xa-nặc, người hầu cận thân thuộc vốn cùng sinh một ngày với Thái tử, sai thắng yên cương cho bạch mã Kiện Đức dẫn tới trong sân. Xa-nặc lập tức thắng yên cương cho ngựa đưa đến. Thái tử leo lên ngựa muốn phóng đi, nhưng sợ các cửa thành khi mở ra âm thanh vang xa, nên cứ phân vân, lưỡng lự cỡi ngựa đứng trong sân.
Thường khi Thái tử cỡi ngựa, vó ngựa vang xa đến hai mươi dặm, còn các cửa mở ra thì tiếng động vang xa tới bốn chục dặm, vì vậy Thái tử không dám mở cửa. Tứ Thiên vương liền sai chư Thần nâng đỡ bốn vó ngựa bay vút qua đầu tường mà ra khỏi thành. Thái tử tự cỡi ngựa đi đến khu điền xá của hoàng gia, dừng lại bên một gốc cây.
Sáng dậy vua cha không biết Thái tử hiện ở đâu, cả hoàng cung xôn xao lo sợ. Vua cha bảo:
-Con ta chưa từng một mình ra khỏi thành dạo chơi, hôm nay chắc là đi tới khu điền xá của ta chăng?
Nhà vua lập tức lên ngựa đi đến đấy, từ xa nhìn thấy Thái tử đang ngồi yên bên một gốc cây, ánh nắng mặt trời muốn chiếu lên người, nhưng cây ấy đã uốn nghiêng cành lá phủ bóng che không cho ánh nắng rọi lên người Thái tử. Vua cha trong lòng lo sợ, kinh ngạc liền xuống ngựa đến gần thi lễ với Thái tử, Thái tử cũng đáp lễ lại cha mình. Thái tử nói:
-Con đã vì phụ vương, làm đúng bổn phận của một người con, chưa từng một mình ra khỏi cửa thành du ngoạn. Nay là lần đầu tiên con một mình ra ngoài phụ vương lại đuổi theo con, ngựa cùng người hầu cận của con vẫn đứng bên đường kia. Xin phụ vương hãy trở về cung, vài ngày nữa con sẽ trở về.
Vua cha nghe con tâu vậy nên liền lên ngựa trở về cung, nói với người con dâu Câu-di là Thái tử hiện đang ở tại khu điền xá, vài hôm nữa sẽ về.
Thái tử ngồi tại gốc cây nội tâm chuyên nhất, lắng đọng tâm tư, suy nghĩ về những sự việc trải qua trong nhiều kiếp sống của bản thân, trên đến cõi Tam thập tam thiên, dưới thấu đến tầng địa ngục Nê-lê thứ mười sáu, không điều gì không biết. Thái tử lại nhìn thấy những người cày ruộng, côn trùng từ đất mới cày lộ ra, hoặc bị thương, hoặc chết, chim muông lại bay đến mổ ăn nên cất tiếng than:
-Con người sống trên cõi đời này, khi chết bị đọa xuống địa nhục, chịu biết bao thống khổ. Ta không thể sống mãi ở thế gian này được!
Thái tử lập tức lên ngựa phóng đi. Đi chừng hơn mười dặm Thái tử gặp một vị thần tên Bôn Thức. Vị này là vị thần lớn trong quỉ thần, là một kẻ cứng rắn giữ việc ác, tay trái cầm cung, tay phải nắm tên, lưng đeo kiếm bén đứng án ngự trên đường. Ở chỗ thần Bôn Thức đó đứng có ba nẻo đường: Một là đường đến các cõi trời, hai là đường của loài người, và ba là đường dẫn các kẻ ác xuống địa ngục. Thái tử từ xa trông thấy, lòng chẳng vui, nhưng vẫn cỡi ngựa đi thẳng tới nơi đó. Bôn Thức thấy Thái tử đến kinh hoảng, run sợ buông rơi cả kiếm, cung, tên, lập tức đứng tránh qua một bên.
Thái tử hỏi:
-Ta nên đi theo đường nào?
Bôn Thức liền chỉ con đường đi tới các cõi trời, bảo ấy là đường nên đi theo. Thái tử liền cho ngựa đi chừng vài chục dặm thì gặp một thợ săn. Thái tử hỏi:
-Tôi có việc muốn nhờ ông, chẳng biết có được không?
Người đi săn hỏi:
-Tôi có thể giúp ông việc gì? Thái tử đáp:
-Tôi muốn có tấm da hươu của ông.
Người đi săn liền lấy tấm da hươu trao cho Thái tử. Thái tử cũng lấy vật báu trao lại cho ông ta. Thái tử lại cho ngựa đi thêm khoảng mười dặm nữa thì dừng lại, xuống ngựa, bảo Xa-nặc:
-Ngươi hãy trở về cung, không cần theo Ta nữa.
Xa-nặc thưa:
-Con xin được theo hầu Thái tử. Thái tử bảo:
-Ngươi phải trở về để báo với phụ vương và phu nhân ta rằng Ta muốn vào núi sâu tìm đạo, trọn đời không trở về.
Nói rồi Thái tử cỡi chiếc mũ quý trên đầu cùng chiếc áo choàng quý giá trao cho Xa-nặc. Xa-nặc khóc lớn, đưa tay nhận lấy, còn con ngựa trắng thì quỳ hai chân trước xuống, rơi nước mắt, đưa lưỡi liếm chân Thái tử. Xa-nặc buồn bã dắt ngựa trở lui, người khóc to, ngựa hí vang, bước đi mà còn quay lại nhìn Thái tử. Bấy giờ Thái tử lấy tấm da hươu choàng lên người, y phục đã đổi khác.
Nàng Câu-di mỗi ngày đều trông ngóng Thái tử trở về, bây giờ chỉ thấy Xa-nặc và con ngựa trở lại liền khóc ngất, kêu lên, rồi ngã dài xuống sàn nhà, gắng gượng ôm lấy cổ con ngựa, hỏi Xa-nặc:
-Thái tử hiện ở đâu?
Xa-nặc thưa:
-Thái tử dặn tôi trở về tâu với đại vương và quý nương là Thái tử đi vào núi sâu để cầu đạo, trọn đời không về.
Câu-di than:
-Sao số mạng của ta lại bạc bẽo thế này? Bây giờ như kẻ không còn chồng. Ta biết tìm kiếm ở đâu? Ôi Thái tử ! Người chồng yêu quý của ta! Chẳng hiện đang ở nơi chân trời góc bể nào ta cũng quyết đi tìm!
Rồi nàng quay lại nói với Bạch mã:
-Thái tử và ngươi cùng ra đi, sao bây giờ chỉ một mình ngươi trở về?
Những người hầu cận thân tín đều xót xa thương cảm. Vua cha nghe Thái tử đã ra đi liền than khóc thảm thiết, nước mắt chan hòa rơi ướt cả đất. Vua cha gạt lệ bảo Câu-di:
-Người sinh ra trên cõi đời này không ai tránh khỏi cái chết. Con ta vào núi sâu học đạo là để cứu đời, há chẳng phải điều lành hay sao?
Vua cha nói vậy vì muốn cho nàng Câu-di bớt nỗi buồn thương. Riêng nhà vua vẫn nhớ thương Thái tử không lúc nào dứt. Vua liền truyền lệnh mời những người hiền trí trong nước vài ngàn người, chọn ra được hơn một ngàn người, lại chọn lấy trăm, rồi mười và sau cùng chọn được năm người. Nhà vua cho gọi năm người ấy đến bảo:
-Các khanh ngày đêm ở nhà quây quần vui đùa với con cháu, hẳn là vui lắm. Nay ta chỉ có mỗi một người con, chưa từng đi dạo chơi xa, chưa hề biết lòng dạ con người đen hay trắng, đột nhiên bỏ ra đi đến nơi chốn xa xôi, vào tận núi cao, lội suối băng rừng, vượt qua khe sâu hang thẳm, nóng lạnh, đói khát, nào ai hay biết! Hoặc gặp cọp sói, các loài mãnh thú và biết bao điều lành dữ, có ai biết được! Nay năm người các khanh mỗi người để lại đây một đứa con, rồi cùng nhau đi tìm kiếm con ta, nếu gặp được thì hãy theo hầu hạ nó, vì con ta đã bảo là trọn đời không trở về nữa. Trong số năm người các khanh nếu có một người nữa chừng mà bỏ con ta ra đi thì ta sẽ xử tội gia tộc của người đó.
Năm người vâng lời để lại năm đứa con rồi lên đường đi tìm kiếm Thái tử, gặp Thái tử nơi non cao liền theo hầu hạ giúp đỡ. Trải qua vài năm như thế, Thái tử cũng chẳng hỏi năm người từ đâu đến đây. Chỗ của Thái tử đi đến đều là chốn rừng sâu xa xôi hẻo lánh. Năm người theo hầu rất lo sợ, nên cùng bàn với nhau:
– Vị Thái tử này không lo học đạo, đi chẳng chịu chọn đường như thể người bị bệnh cuồng. Năm anh em chúng ta không thể theo được nữa nhưng nếu trở về kinh đô thì vua sẽ trị tội cả gia tộc, chi bằng cứ ở lại đây.
Năm người đều đồng ý cho là phải. Chỗ của năm người định dừng lại có nhiều loại rau quả mọc trên một vùng nước rộng lớn, mùa đông hay mùa hạ đều có thể nhặt hái để ăn nên không bị đói. Năm người lưu lại nơi ấy. Thái tử cũng chẳng hỏi vì sao họ không theo mình nữa. Thái tử đi mãi vào chốn núi sâu không một bóng người lai vãng, chọn chỗ đất khô ráo cạnh một gốc cây ngồi ngay ngắn, nhất tâm phát nguyện: “Ngày hôm nay Ta ngồi ở đây, cho dù thân này đói khát đến nỗi thịt xương, gân cốt đều rã rời, khô kiệt, nếu chưa đắc đạo thành Phật, Ta quyết không đứng dậy!”
Thái tử nhập định đắc Sơ thiền, và lần lượt đắc Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Vào khoảng đầu đêm, Thái tử chứng A-thuật-xà (Túc mạng minh), tự biết được thân mạng của mình trải vô số kiếp luân chuyển như thế nào trong cõi sinh tử. Khoảng nửa đêm, Thái tử đắc đệ nhị Thuật-xà (Thiên nhãn minh) đạt được Thiên nhãn vi diệu, nhìn thấy vô biên thế giới, biết rõ mọi nẻo sinh tử của muôn loài luân chuyển trong đường thiện ác. Đến gần sáng thì Thái tử đắc quả vị Phật. Lúc ấy Phật tự nghĩ: “Ta nay đã đạt được quả Phật. Thật là điều khó đạt, khó biết, khó tỏ”.
Sau khi đắc đạo, Phật bèn đến chỗ của vị Long vương tên là Văn Lân. Bên bờ nước, chỗ Long vương Văn Lân ở có một cây lớn, Phật bèn ngồi trang nghiêm bên gốc cây ấy suy niệm: “Nhớ lại vô số kiếp xa xưa, Phật Đề-hòa-kiệt-la đã thọ ký cho Ta sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Văn. Ngày nay Ta đã đắc quả vị Phật. Ta trải qua vô số kiếp tu tập mong đạt được quả vị Phật thì nay đã đạt được rồi. Ta đã qua vô số kiếp tu hạnh bố thí tu sáu pháp Ba-la-mật, không hề quên làm các công đức nên hôm nay đã thành tựu trọn vẹn”.
Phật suy niệm xong bèn nhập Thiền định ba-la- mật. Khi Phật tọa thiền bên gốc cây gần bờ nước, ánh hào quang chiếu sáng đến tận chốn Long cung. Long vương trông thấy ánh Phật quang vô cùng hoảng sợ, vảy móng dựng đứng. Long vương Văn Lân đã từng được thấy ba vị Phật là Phật Câu-la- tôn, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni và Phật Ca-diếp đều ngồi tọa thiền nơi gốc cây ấy và ánh hào quang đều chiếu soi xuống nước, đến tận Long cung. Nay
Long vương thấy lại ánh hào quang của vị Phật này giống như ánh hào quang của ba vị Phật trước kia, ánh sáng ấy thế gian đã từng được thấy, nhưng Phật thì không còn, Long vương rất vui mừng bèn lên khỏi nước, nhìn quanh hai bên thấy Phật đang tọa thiền bên gốc cây, thân có đủ ba mươi hai tướng tốt, ánh lên màu hoàng kim rực rỡ, đoan chính oai nghiêm như mặt trời, mặt trăng. Ba mươi hai tướng tốt của Phật, từ xa nhìn như cây đang trổ hoa. Long vương Văn Lân bèn đi thẳng đến chỗ của Phật, nhiễu quanh Phật bảy vòng. Long vương có đến bảy đầu, bèn dùng các đầu ấy che trên Phật. Long vương rời khỏi nước lên hầu Phật, liền có mưa gió bảy ngày. Trong bảy ngày ấy Phật vẫn tọa thiền không hề lay động, hơi thở như dừng hẳn nhưng tâm ý vô cùng an lạc. Sau bảy ngày, mưa gió mới dứt. Lúc Phật mới đắc đạo tâm ý hoan hỷ, trong bảy ngày không ăn uống. Long vương thấy Phật hoan hỷ nên hầu Phật trong bảy ngày ấy cũng chẳng ăn uống gì cả. Bảy ngày qua rồi, Phật rời khỏi định, Long vương bèn hóa làm một thiếu niên Bà-la- môn, quỳ gối chắp tay thưa hỏi Phật:
-Ngài đã đạt đến chỗ không bị lạnh, không bị nóng, không bị các thứ côn trùng, ruồi muỗi quấy nhiễu chăng?
Phật đáp:
-Trong kinh từng nói, con người trú ở nơi an ổn là vui sướng. Những gì được nghe học từ trước, nay Ta lấy việc nghe thấy lại những điều đó làm niềm vui, sống trong thế gian mà không bị người quấy nhiễu cũng là vui, không hề quấy nhiễu người thế gian cho đến các loài côn trùng nhỏ nhít cũng là vui; đã dứt sạch không còn tạo tác nghiệp, được giải thoát không còn trở lại làm người ở thế gian, không còn trở lại cõi trời cũng là vui, dứt sạch mọi thứ sân hận, dâm dật cũng là vui, ở nơi thế gian mà được gặp đạo pháp giải thoát của Phật cũng là vui.
Long vương bạch Phật:
-Từ nay trở đi, con xin quy y Phật, quy y giáo pháp của Phật.
Phật bảo Long vương:
-Về sau này, nếu gặp chúng Tỳ-kheo Tăng A- la-hán, ông cũng nên hết lòng quy y, phụng sự.
Trong hàng súc sinh, Long vương Văn Lân là vị quy y Phật trước nhất.
Phật đã thấu đạt thông suốt tất cả thần thông. Chư Thiên đều vân tập, cung kính đảnh lễ, ca ngợi Đức Phật. Lúc ấy Phật an trụ trong cảnh hoàn toàn tịch tĩnh, hướng niệm trong lành nghĩ đến căn lành của chúng sinh tại thế gian và thương xót muôn loài còn trầm luân trong biển khổ nên có ý muốn giáo hóa chúng sinh. Phật suy niệm: Ta nên bắt đầu giáo hóa người nào trước nhất? Vua cha ta từng sai năm người theo hầu hạ Ta, nhưng họ không đủ sức để theo Ta. Hiện nay họ đang ngụ nơi vùng có hồ nước lớn, Ta nên giáo hóa họ trước”. Thế rồi Phật theo đường cũ đến đó”.
Năm người từ xa trông thấy Phật đi tới, không rõ là ai, cùng nói với nhau quyết không chào hỏi, trò chuyện với người đang đi đến kia. Tất cả năm người đều đồng ý như vậy. Phật từ xa nghe lời của năm người bàn tính nhưng khi Phật đến nơi thì cả năm người đều rất kinh sợ, đều đến trước Phật thi lễ. Phật bảo:
-Năm người các ông vì sao tâm ý chẳng vững vàng như thế? Cùng bảo với nhau là khi Ta tới thì quyết chẳng chào hỏi gì. Nay vì sao lại thi lễ với Ta.
Năm người đều im lặng không dám trả lời. Phật bèn đem năm người cùng đi theo. Vài ngày sau, Phật dùng tay xoa lên đầu, tóc, râu của năm vị ấy đều rụng, trở thành Sa-môn. Bấy giờ ở vùng gần đó có ba vị đạo nhân, một vị dạy năm trăm người đệ tử, một vị dạy ba trăm đệ tử, còn vị kia thì nhận dạy hai trăm đệ tử, tất cả là một ngàn người. Phật cùng năm vị Sa-môn đến trú xứ của ba vị đạo nhân đó. Các vị đệ tử và ba vị đạo nhân đều vô cùng vui mừng, đi theo Đức Phật. Phật dẫn chúng đệ tử du hóa các nước, tới cửa thành, chuông trống bổng tự nhiên trổi vang, các loại đàn cầm, đàn sắt tự tấu lên, người bệnh được khỏe mạnh, người già cảm thấy trẻ lại, người mù được sáng mắt, người điếc được nghe rõ, kẻ gù không còn tật gù nữa, người bại liệt đi lại bình thường, trăm loài thú bỗng hòa âm cất tiếng kêu vang. Chư Thiên hiện đến tung rải vô số hoa, hòa tấu âm nhạc vang khắp hư không. Hào quang của Phật chiếu sáng đến vô số cõi trời, ánh sáng đó bao trùm cả ba ngàn mặt trời, mặt trăng, một vạn hai ngàn cõi thế gian đều sáng rực. Tổng cộng số đệ tử được Phật giáo hóa lên đến hàng ngàn, vạn ức người đều đắc đạo giải thoát.
[Mục lục bộ Bản duyên][152][153][154][155][156][157][158][159][160][161][162][163][164][165][166][167][168][169][170][171][172][173][174][175][176][177][178][179][180][181][182][183][184][185][186][187][188][189][190][191][192][193][194][195][196][197][198][199][200][201][202][203][204][205][206][207][208][209][210][211][212][213][214][215][216][217][218][219]