BuddhaSasana Home Page Phật Pháp Giảng
Giải Nguyên tác: "Essential
Themes of Buddhist Lectures", Bài 9:
LỊCH SỬ TÓM TẮT VỀ PHẬT GIÁO Tại địa điểm nơi đây
Ðức Thế Tôn nhập diệt, vô số các vị vua chúa, các vị Bà La Môn, các vị
thương gia và Thủ Ðà La (giai cấp hạ tiện), cũng như chư thiên các
hàng đã tụ hội lại để tham dự buổi lễ trà tỳ (hoả thiêu nhục thân Ðức
Phật). Cũng có 700 ngàn Tỳ Khưu do Ngài Ma Ha Ca Diếp (Mahà
kassapa) lúc đó làm thượng chủ và dưới sự hướng dẫn của tôn giả Ca
diếp mà buổi lễ trà tỳ và phân chia xá lợi của Ðức Phật được thành tựu
viên mãn. Nghe được lời nhận định điên rồ, mê muội của Tỳ Khưu Subhadda,
ông này tuyên bố rằng giáo pháp cũng như giới luật của Ðức Phật ban bố cho
chư tăng và chư ni chỉ có giá trị và được vâng giữ lúc sanh tiền của Ngài
mà thôi, Tôn giả Ca Diếp khởi lên ước vọng muốn bảo tồn những lời dạy cao
quý của bậc tôn sư, không để cho bị xuyên tạc như vậy. Vì thế, vào ngày
thứ 7 sau khi Ðức Phật nhập diệt, với mục đích tổ chức một cuộc hội nghị
kết tập, Ngài Ca Diếp đã sắp xếp triệu tập 500 vị thượng thủ Thanh Văn,
những vị đã vượt thoát sự chi phối của tham dục, có tiếng tăm lớn, thuần
thục trong mọi phương diện tu tập và những vị tinh thông giáo điển. Cuộc
kết tập lúc đó được tổ chức tại Ràjagaha (Vương Xá thành) dưới sự
bảo trợ của vua Ajàtasatu (A-xà-thế), các Ngài đã thu thập những
Phật ngôn và lặp lại bằng hình thức tụng đọc. Cuộc kết tập này kéo dài
trong 7 tháng. Kinh điển đạo Phật bao gồm ba phương diện,
pháp học hay giáo lý (Pariyatti), pháp hành (Patipatti) và
pháp thành (Pativedha). Cả ba phương diện này có liên quan và tương
duyên lẫn nhau. Phương diện giáo lý hay pháp học được lưu
giữ trong Tam Tạng (Tipitaka). Tam tạng này bao gồm những Phật ngôn
và có đến tám mươi bốn ngàn pháp môn, theo sự ước lượng của giáo sư Rhys
Davids thì tổng cộng có đến 1.752.800 từ trong toàn bộ Tam tạng. Như tự
thân của từ này đã hàm ý, Tam tạng bao gồm ba Tạng kinh điển, đó là Tạng
Luật (Vinaya pitaka), Tạng Kinh (Sutta pitaka) và Tạng Diệu
Pháp (Abhidhamma pitaka). Tạng Luật (Vinaya pitaka) được chia
làm năm quyển, bàn về những giới luật và phương pháp điều hành giáo đoàn
Tỳ Khưu - Tỳ Khưu Ni, đồng thời cũng đưa ra lời giải thích chi tiết về
cuộc đời và sứ mạng của Ðức Phật. Tạng Kinh (Sutta pitaka) chia làm
26 quyển, chứa đựng những bài pháp do Ðức Phật thuyết, và trong một vài
trường hợp do các vị đệ tử lớn của Ngài thuyết. Có thể nói Tạng kinh khá
giống như một bộ sưu tập các toa thuốc, vì những bài pháp được đề xuất khế
hợp với từng căn cơ và trường hợp của mỗi cá nhân hay hội chúng. Tạng Diệu
Pháp (Abhidhamma pitaka), là Tạng quan trọng nhất và lý thú nhất,
vì nó trình bày chi tiết bốn pháp cùng tột là: Tâm (Citta), Tâm Sở
(Cetasika), Sắc (Rùpa) và Niết Bàn (Nibbàna). Cuộc kết tập đầu tiên do các vị Thượng Toạ
Trưởng Lão tổ chức và tôn giả Mahà Kassapa (Maha Ca Diếp) chủ trì,
được gọi là cuộc kết tập của các vị Trưởng Lão (Theriya sangiti).
Trong suốt thế kỷ đầu sau khi Ðức Phật nhập diệt, hay một trăm năm sau
ngày Phật Niết Bàn (Phật lịch), chỉ có một trường phái tu tập duy
nhất trong hàng Phật tử, nhưng vào cuối thế kỷ đó, trong thời kỳ vua
Kàlàsoka trị vì, một nhóm Tỳ Khưu cư ngụ ở Tỳ Xá Ly (Vesàli), đã cố
tình đưa ra 10 điều dễ duôi, nhằm canh tân giới luật của tăng đoàn, họ
tuyên bố những điều này có thể được tăng đoàn cho phép. Nhằm ngăn chặn
những điều phi pháp này, 120 ngàn vị Tỳ Khưu do Ngài Revata lãnh đạo, đã
cu hội tại Vesàli. Ngay sau đó, các vị trưởng lão vì mục đích bảo tồn Phật
ngôn của bậc đạo sư, đã chọn ra bảy trăm vị trưởng lão (Theras)
những bậc đã đắc thánh quả và thông suốt ba Tạng kinh điển; với sự chủ toạ
của Tôn giả Revata và được vua Kàlàsoka bảo trợ, các vị Trưởng Lão đã tổ
chức cuộc kết tập tại Vesàli. Nơi đây, hội nghị được điều hành theo thể
thức chính xác như lần kết tập đầu tiên và kéo dài trong 8 tháng. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ thứ hai sau khi
Ðức Phật nhập diệt, nhóm học trò của các vị tăng phạm tội trước đây, tức
các Tỳ Khưu chủ xướng 10 điều phi pháp và đã bị các bậc Trưởng Lão trục
xuất trong kỳ kết tập thứ hai, đã khởi phát một bộ phái mới gọi là Ðại
Chúng Bộ (Mahàsangika), từ những điều phi pháp đó, sau này đã dần
dần phân chia ra thành nhiều nhánh khác nhau. Những người này tự lập ra
giáo lý riêng của họ, mặc dù tuyên bố giáo lý đó là lời Ðức Phật, thế
nhưng những hình thức tôn giáo mà họ thực hiện đều theo ý riêng của họ và
hoàn toàn không liên quan gì đến giới luật và kinh điển của Phật. Do hậu
quả của đa số ưu thế và do những truyền thống tu tập dị biệt của nhóm Tỳ
Khưu này, mà các vị Tỳ Khưu chân chánh đã không thể hành tăng sự theo
những giới luật phát xuất từ niềm tin nguyên thủy được. Vì vậy, chư Tỳ
Khưu trong các chùa Phật giáo ở Ấn Ðộ suốt 7 năm trường đã không hành lễ
Uposattha (lễ phát lồ sám hối mỗi nửa tháng của chư Tỳ Khưu), vì
chỉ có những Tỳ Khưu chân chánh mới được nhìn nhận trong các buổi lễ này. Ðức Phật nhập diệt năm 543.B.C, 220 năm
sau ngày này (tức năm 323 B.C)
Asoka (A-dục), hoàng đế Ấn
Ðộ, trở thành vị đại hộ pháp cho Phật giáo và ban quyền bảo hộ hoàng gia
cho Tăng đoàn (Sangha), khiến cho tất cả những tu sĩ dị biệt này bị
truc xuất khỏi Giáo Hội. Toàn bộ số tu sĩ bị thanh lọc này lên đến 60 ngàn
người, và từ đó Giáo Hội được chấn hưng, chư Tăng nhất trí hoà hợp, duy
trì những giới luật thánh thiện do Ðức Phật ban hành. Nhằm mục đích tổ
chức thêm một cuộc kết tập để xác minh những lời dạy đích thực của Ðức
Phật, vị chủ trì lúc đó là tôn giả Tissa tuyển chọn một ngàn vị Tỳ Khưu đã
đắc Thánh quả, tinh thông Tam tạng và có trí tuệ toàn hảo; dưới sự bảo trợ
của hoàng đế A Dục, các Ngài đã tổ chức cuộc hội nghị kết tập lần thứ ba
tại Patana, theo phương thức mà Ngài Mahà Kassapa và Revata đã sử dụng
trong hai lần kết tập trước, cuộc kết tập lần này kéo dài trong 9 tháng. Hoàng đế A Dục đã cho người con trai và
người con gái yêu dấu của mình là hoàng tử Mahinda (Ma-Xẩn-Ðề) và
công chúa Sanghamittà (Tăng-Già
Mật-Ða) gia nhập tăng đoàn, và gởi
họ đến Ceylon (Tích-Lan) để truyền bá đạo Phật tại đây. Các tăng sĩ
do hoàng đế A Dục bảo trợ đã truyền bá giáo pháp khắp cõi Ấn Ðộ và đến 14
quốc gia chư hầu khác ở ngoại biên Ấn Ðộ, cũng như năm vua Hy Lạp
(Greek) là đồng minh của Hoàng Ðế, tất cả những vị vua này đã ký một
thoả hiệp nhìn nhận các đoàn truyền giáo của vua A dục gởi đến. Danh tánh
của năm vị vua này đã được đề cập đến trong sắc lệnh của hoàng đế A Dục và
được khắc tên trong các trụ đá, đó là vua Antiochus của Syria, vua Ptolemy
của Egypt, vua Antigonus của Macedon, vua Magas của Cyrene và vua
Alexander của Epirus. Năm đoàn truyền giáo khác được gởi đến Trung Hoa vào
thế kỷ thứ ba trước công nguyên và từ đây đạo Phật đã tiến đến Korea
(Triều Tiên) năm 372 A.D (sau Công nguyên) và Nhật Bản
(Japan) năm 552 A.D. vào thế kỷ thứ tư và thứ năm sau công nguyên đạo
Phật đã truyền đến Việt Nam, mông cổ và những nước Châu Á khác, đồng thời
từ Kashmir đạo Phật truyền đến Nepal và Tibet. Trong khi đó hai nhà sư do
vua A dục phái đi là Sona và Uttara đã truyền bá đạo Phật vào xứ Miến Ðiện
(Burma), và từ đó dần dần đạo Phật lan truyền đến Arakan và
Cambodia. Ðến thế kỷ thứ bảy, khoảng 638 A.D; phật giáo từ Tích Lan truyền
sang Thái Lan và tại đây đạo Phật trở thành quốc đạo như nó vẫn tồn tại
hiện nay vậy.
Ðến cuối thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch,
Phật giáo tại Ấn Ðộ bị chia làm hai trường phái, một trong hai phái này
chủ trương rằng mỗi cá nhân cần phải tuân thủ theo giáo lý truyền thống
của Ðức Phật để tầm cầu giải thoát Niết Bàn; phái này được gán cho cái tên
là Hinayàna (Tiểu Thừa), hay là cỗ xe nhỏ. Các nước Tích lan, Miến
Ðiện, Thái lan... được xem là thuộc trường phái này. Trong khi đó phái kia
chủ trương những giáo lý đặc biệt hơn về Ðức Phật và thêm vào đó một số
những lý thuyết siêu hình mới mẻ; phái này tự nhận mình là Mahayàna
(Ðại Thừa), hay cỗ xe lớn. Mặc dù những từ Tiểu Thừa (Hinayàna)
và Ðại Thừa (Mahayàna) hoàn toàn không được đề cập đến trong kinh
điển, thế nhưng nó lại trở nên phổ thông trong số các nhà viết lách Tây
phương, do ảnh hưởng của những tu sĩ người Trung Hoa sử dụng. Một trong
những luận sư tên tuổi nhất của trường phái Ðại Thừa này là Long Thọ
(Nàgàrjuna), người đã sáng lập và diễn giải triết lý Trung Quán
(Madhyamika). Cứu cánh và mục tiêu của trung quán luận do Long Thọ chủ
trương là để tạo một sự hoà giải, như nó đã làm, giữa những tín đồ Phật
giáo Ðại Thừa và Bà La Môn giáo, cũng như để tìm ra một điểm chung, ở đây
tín đồ của hai giáo phái này có thể gặp gỡ và bắt tay với nhau. Kể từ thời
Long Thọ, những người Bà La Môn bắt đều xem Phật giáo Ðại Thừa như huynh
đệ của họ trên lãnh vực tôn giáo, và cũng từ đó trường phái Ðại Thừa đã có
tiếng nói ưu thế. Tuy nhiên, vào những năm cuối của thế kỷ
thứ 11, Ấn Ðộ đã bị người Hồi giáo xâm chiếm, họ đã tiêu huỷ các chùa
chiền, chiếm dụng đất đai tu viện cho quân binh sử dụng, tàn sát hàng ngàn
tăng sĩ và đốt cháy các thư viện và Tàng Kinh Các nào mà họ tìm thấy,
nhiều tu sĩ đã phải vượt biên đến Tây Tạng và những nơi an toàn khác để
nương náu, đem theo được một ít kinh sách bên mình. Như vậy, trên thực tế,
Tiểu Thừa (Hinayàna) đã bị dập tắt khỏi Ấn Ðộ, trong khi đó Ðại
Thừa (Mahayàna) còn nấn ná trong những hẻm hóc hoặc những chỗ hẻo
lánh đâu đó trên đất Ấn trong hơn hai thế kỷ nữa trước khi nó thất truyền
hoàn toàn. -ooOoo- Ðầu trang |
Mục lục |
01 |
02 |
03 |
04 |
05 |
06 |
07 |
08 | 09 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 |
20 | Chân thành cám ơn Tỳ kheo Pháp
Thông đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2002) Xem:
Nguyên tác Anh ngữ [Trở
về trang Thư Mục]
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
Đại
Trưởng Lão U
Thittila
Tỳ kheo Pháp
Thông dịch
Venerable Sayadaw Ashin U Thittila
21 |
22 |
23 |
24 |
25 |
26 |
27 |
28 |
29 |
30 |
31 |
32 |
33 |
34 |
35 |
36 |
37
updated: 16-08-2002