TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ KINH TẬP (425-847)

SỐ 465 - KINH GIÀ-DA SƠN ĐẢNH

Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam tạng Pháp sư Bồ-đề lưu-chi, người nước Thiên Trúc.


Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật đang ở tại tháp, nơi Đức Phật mới thành Chánh giác, trên đỉnh núi Già-da, thuộc kinh thành Già-da, cùng với chúng đại Tỳkheo đủ một ngàn vị. Những vị này trước kia đều là Phạm chí bện tóc, việc gì nên làm đã làm, mọi việc làm đã xong, trút bỏ gánh nặng, đạt được những lợi ích cho mình, dứt sạch các ràng buộc của phiền não, tâm của chánh trí được giải thoát, đạt được mọi tự tại, đã vượt qua bờ kia, các vị đều là A-la-hán. Lại có vô lượng, vô biên các Đại Bồ-tát, có oai đức lớn, đã đạt được các nhẫn, các Đà-la-ni, các thiền định sâu xa và đầy đủ các thần thông, đến từ mười phương thế giới, tên của các vị là: Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Hương Tượng, Bồ-tát Dũng Thí, và Bồ-tát Dũng Tu Hành Trí... các vị là những bậc thượng thủ. Chư Bồ-tát nhiều vô lượng, vô biên như vậy, cùng với các hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Mahầu-la-già, Nhân phi nhân... hợp thành chúng lớn vây quanh.

Khi ấy, Đức Thế Tôn ngồi kiết già, nhập vào Tam-muội thâm diệu của chư Phật, xem xét kỹ pháp giới, rồi tự suy nghĩ: Ta đã chứng đắc đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng và đạt tất cả trí tuệ, việc làm đã xong, đã trút bỏ gánh nặng, đã vượt qua mọi đường hiểm, dập tắt vô minh, đạt được chân minh, nhổ sạch các mũi tên độc, cắt đứt mọi khát ái, thành tựu được thuyền pháp, đánh rền trống pháp, thổi vang loa pháp, xây dựng cờ pháp, chuyển sinh tử, chỉ bày tánh Niết-bàn, lấp đường tà, mở đường chánh, tránh xa ruộng tội lỗi, chỉ bày ruộng phước. Nay ta đang xét xem các pháp ấy, ai có thể đạt được Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng? Dùng trí nào để chứng Chánh đẳng Chánh giác? Và làm thế nào để chứng được pháp Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng? Dùng thân chứng hay dùng tâm chứng? Nếu dùng thân chứng, thì thân này là không biết, không hiểu, giống như cây cỏ, đất đai, hình bóng, không có sự hiểu biết gì, chỉ do bốn đại tạo thành, từ cha mẹ sinh ra, tánh ấy vô thường, tạm nhờ nơi ăn uống, áo quần, đồ nằm, tắm rửa để tồn tại. Như vậy, pháp này nhất định sẽ hư hoại, mau bị diệt.

Nếu dùng tâm chứng? Tâm thì như mộng ảo, sinh từ các duyên, không xứ, không tướng, không vật, không sở hữu. Bồ-đề chỉ là tên gọi theo thế tục, không thanh, không sắc, không thành, không đi, không vào, không thể thấy, không thể nương tựa, cắt đứt con đường tới lui, thoát khỏi mọi ngôn ngữ, vượt ra khỏi cả ba cõi, không thấy, không nghe, không hiểu, không vướng mắc, không quán sát, lìa bỏ hý luận, không tranh cãi, không chỉ bày, không thể xem, không thể thấy, không có tiếng vang, không chữ nghĩa, lìa mọi nẻo nói năng. Như vậy, mới là chứng Bồ-đề.

Dùng những trí nào để chứng Bồ-đề? Pháp nào để chứng Bồ-đề? Các pháp chỉ có danh tự, chỉ mượn danh để gọi nên chỉ là tên gọi của sự hòa hợp, dựa vào thế tục mà gọi, không phân biệt, không nói phân biệt, giả thành, không thành, không vật, lìa vật, không nắm bắt được, không thể nói, không vướng mắc nơi ấy, không có người chứng, không có chỗ dùng để chứng, cũng không có pháp để chứng. Thông đạt như vậy, thì mới gọi là chứng được đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Không khác, lìa khác, không có tướng Bồđề.

Khi ấy, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi đang đứng phía bên phải Đức Phật, ở giữa đại chúng, cầm lọng báu lớn che cho Đức Phật. Lúc đó, tuy im lặng nhưng Văn-thù-sư-lợi vẫn biết được ý nghĩ của Đức Thế Tôn, liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu tướng Bồ-đề như vậy, thì những thiện nam, thiện nữ đối với Bồ-đề, làm thế nào để phát tâm?

Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Các thiện nam, thiện nữ cứ như tướng Bồ-đề kia mà phát tâm.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để biết được tướng Bồ-đề?

Phật đáp:

–Tướng Bồ-đề ra khỏi ba cõi, vượt hơn tất cả ngôn ngữ, danh tự của thế tục, vượt qua cả tiếng vang, không phát tâm, diệt trừ tất cả các thứ phát tâm khác. Đó mới đúng là phát tâm Bồ-đề. Thế nên, này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Chư Đại Bồ-tát phải vượt hơn tất cả các thứ phát tâm khác, như vậy mới đúng là phát tâm Bồ-đề. Thế nên, này Bồtát Văn-thù-sư-lợi! Không phát tâm mới là phát tâm Bồ-đề. Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Người phát tâm Bồ-đề là không có vật để phát, mới là phát tâm Bồ-đề.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Người phát tâm Bồ-đề là không có chướng ngại, mới là phát tâm Bồ-đề.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Người phát tâm Bồ-đề tánh phải như pháp, mới là phát tâm Bồ-đề.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Người phát tâm Bồ-đề không còn vướng mắc vào các pháp, mới là phát tâm Bồ-đề.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Người phát tâm Bồ-đề không phá bỏ Như nơi thật tế, mới là phát tâm Bồ-đề.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Người phát tâm Bồ-đề là không dời, không thêm, không khác, không một, mới là phát tâm Bồ-đề.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Người phát tâm Bồ-đề như bóng trong gương, như ánh lửa của ngọn lửa, như ảnh, như tiếng vang, như hư không, như bóng trăng trong nước. Cứ như vậy mới là phát tâm Bồ-đề.

Lúc đó, trong chúng hội có vị Thiên tử tên Nguyệt Tịnh Quang Đức, đã đạt được tâm bất thoái chuyển nơi đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Đầu tiên, các Đại Bồ-tát xét xem pháp nào để thực hành hạnh Bồ-tát? Dựa vào pháp nào để thực hành hạnh Bồ-tát?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Các Đại Bồ-tát vì chúng sinh nên lấy từ bi làm căn bản.

Thiên tử lại hỏi Văn-thù-sư-lợi:

–Các Đại Bồ-tát hành đại Bi, lấy gì làm căn bản?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi trả lời:

–Này Thiên tử! Các Đại Bồ-tát hành đại Bi, lấy tâm ngay thẳng làm căn bản.

Thiên tử lại hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Các Đại Bồ-tát hành tâm ngay thẳng, lấy gì làm căn bản?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi trả lời:

–Này Thiên tử! Các Đại Bồ-tát hành tâm ngay thẳng, thì lấy tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh làm căn bản.

Thiên tử lại hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Các Đại Bồ-tát hành tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, lấy gì làm căn bản?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Các Đại Bồ-tát đem tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh lấy hạnh không khác, lìa khác, làm căn bản.

Thiên tử lại hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Các Đại Bồ-tát thực hành hạnh không khác, lìa khác, lấy gì làm căn bản?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Các Đại Bồ-tát thực hành hạnh không khác, lìa khác, lấy tâm thanh tịnh sâu xa làm căn bản.

Thiên tử lại hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Các Đại Bồ-tát thực hành tâm thanh tịnh sâu xa, lấy gì làm căn bản?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Các Đại Bồ-tát thực hành tâm thanh tịnh sâu xa, lấy tâm Chánh đẳng Chánh giác làm căn bản.

Thiên tử lại hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Các Đại Bồ-tát thực hành tâm Chánh đẳng Chánh giác, lấy gì làm căn bản?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Các Đại Bồ-tát thực hành tâm Chánh đẳng Chánh giác, lấy sáu Ba-la-mật làm căn bản.

Thiên tử lại hỏi:

–Các Đại Bồ-tát thực hành sáu Ba-la-mật, lấy gì làm căn bản?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Các Đại Bồ-tát thực hành sáu Ba-la-mật, lấy tuệ phương tiện làm căn bản.

Thiên tử lại hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Các Đại Bồ-tát thực hành tuệ phương tiện, lấy gì làm căn bản?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Các Đại Bồ-tát thực hành tuệ phương tiện, lấy không buông lung làm căn bản.

Thiên tử lại hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Các Đại Bồ-tát không buông lung, lấy gì làm căn bản?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Các Đại Bồ-tát không buông lung, lấy ba hạnh thiện làm căn bản.

Thiên tử lại hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Các Đại Bồ-tát thực hành ba hạnh thiện, lấy gì làm căn bản?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Các Đại Bồ-tát thực hành ba hạnh thiện, lấy mười nghiệp thiện làm căn bản.

Thiên tử lại hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Các Đại Bồ-tát thực hành mười nghiệp thiện, lấy gì làm căn bản?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Các Đại Bồ-tát thực hành mười nghiệp thiện, lấy việc giữ giới làm căn bản.

Thiên tử lại hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Các Đại Bồ-tát giữ giới, lấy gì làm căn bản?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Các Đại Bồ-tát giữ giới, lấy sự nhớ nghĩ đúng làm căn bản.

Thiên tử lại hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Các Đại Bồ-tát nhớ nghĩ đúng, lấy gì làm căn bản?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Các Đại Bồ-tát nhớ nghĩ đúng, lấy chánh quán làm căn bản.

Thiên tử lại hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Các Đại Bồ-tát thực hành chánh quán, lấy gì làm căn bản?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Các Đại Bồ-tát thực hành chánh quán, lấy niệm kiên cố, không quên, làm căn bản.

Thiên tử lại hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Các Đại Bồ-tát có bao nhiêu tâm, để có thể thành tựu nhân, thành tựu quả?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Các Đại Bồ-tát có bốn thứ phát tâm, để thành tựu nhân, thành tựu quả:

1. Mới phát tâm.

2. Hành phát tâm.

3. Phát tâm bất thoái.

4. Phát tâm Nhất sinh bổ xứ.

Này Thiên tử! Mới phát tâm như gieo hạt giống. Hành phát tâm như mầm giống phát triển. Phát tâm bất thoái như cành lá hoa quả bắt đầu đơm kết. Phát tâm Nhất sinh bổ xứ như trái chín có thể dùng được.

Này Thiên tử! Mới phát tâm như người trí biết chọn gỗ để đóng xe. Hành phát tâm như người trí khéo biết chặt đẽo, bào giũa, để cho gỗ láng. Phát tâm bất thoái như người trí khéo ghép gỗ sao cho thích hợp. Phát tâm Nhất sinh bổ xứ nhờ vào sự trí tuệ mà xe được thành tựu, chuyên chở tốt.

Này Thiên tử! Mới phát tâm như trăng đêm mùng một. Hành phát tâm như trăng mùng năm. Phát tâm bất thoái như trăng mùng mười. Phát tâm Nhất sinh bổ xứ như trăng mười bốn. Trí tuệ của Phật như trăng rằm.

Này Thiên tử! Mới phát tâm vượt hơn quả vị Thanh văn. Hành phát tâm hơn quả vị Bích-chiphật. Phát tâm bất thoái hơn quả vị Bất định. Phát tâm Nhất sinh bổ xứ an tru quả vị Định.

Này Thiên tử! Mới phát tâm như người trí mới học chương đầu. Hành phát tâm như việc học đã phân biệt các phương. Phát tâm bất thoái như người trí đã biết tính toán. Phát tâm Nhất sinh bổ xứ như người trí thông đạt các trí luận.

Này Thiên tử! Mới phát tâm sinh từ nhân. Hành phát tâm sinh từ trí. Phát tâm bất thoái sinh từ đoạn. Phát tâm Nhất sinh bổ xứ sinh từ quả.

Này Thiên tử! Mới phát tâm là thuộc vào nhân. Hành phát tâm là thuộc vào trí. Phát tâm bất thoái là thuộc vào đoạn. Phát tâm Nhất sinh bổ xứ là thuộc vào quả.

Này Thiên tử! Mới phát tâm là phân biệt chỗ sai khác của nhân. Hành phát tâm là phân biệt chỗ sai khác của trí. Phát tâm bất thoái là phân biệt chỗ sai khác của đoạn. Phát tâm Nhất sinh bổ xứ là phân biệt chỗ sai khác của quả.

Này Thiên tử! Mới phát tâm như phương tiện chọn lấy cỏ làm cây thuốc. Hành phát tâm như phương tiện phân biệt cây thuốc. Phát tâm bất thoái như phương tiện cho người bệnh uống thuốc. Phát tâm Nhất sinh bổ xứ như phương tiện được hết bệnh.

Này Thiên tử! Mới phát tâm như sinh vào nhà Pháp vương. Hành phát tâm như học được pháp của Pháp vương. Phát tâm bất thoái như đã học được đầy đủ pháp của Pháp vương. Phát tâm Nhất sinh bổ xứ như nhờ học pháp của Pháp vương mà có thể được tự tại.

Khi ấy, trong đại chúng có vị Thiên tử tên Định Quang Minh Chủ, chứng được tâm bất thoái nơi đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, hỏi Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi:

–Các Đại Bồ-tát làm thế nào để rút ngắn sự đạt đạo một cách trọn vẹn? Các Đại Bồ-tát do rút ngắn sự đạt đạo ấy nên mau chứng đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Đạo rút ngắn của Đại Bồ-tát có hai thứ. Các Đại Bồ-tát dùng hai thứ đạo ấy để mau đạt Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Những gì là hai?

1. Đạo phương tiện.

2. Đạo trí tuệ.

Đạo phương tiện là biết thâu giữ pháp thiện.

Đạo trí tuệ là trí biết được các pháp như thật.

Lại, đạo phương tiện là quán các chúng sinh. Đạo trí tuệ là trí lìa các pháp.

Lại, đạo phương tiện là biết các pháp tương ưng. Đạo trí tuệ là trí biết các pháp không tương ưng.

Lại, đạo phương tiện là quán nguyên nhân nơi đạo. Đạo trí tuệ là trí diệt nguyên nhân nơi đạo.

Lại, đạo phương tiện là biết các pháp sai biệt. Đạo trí tuệ là trí biết các pháp không sai biệt.

Lại, đạo phương tiện là trang nghiêm cõi Phật. Đạo trí tuệ là trí trang nghiêm cõi Phật, bình đẳng, không sai biệt.

Lại, đạo phương tiện là nhập vào các căn hạnh của chúng sinh. Đạo trí tuệ là trí không thấy chúng sinh.

Lại, đạo phương tiện là đến được đạo tràng. Đạo trí tuệ là trí có khả năng chứng tất cả pháp Phật Bồ-đề.

Này Thiên tử! Các Đại Bồ-tát lại có hai thứ đạo tóm lược, các vị ấy thực hành hai thứ đạo đó, để chóng đạt Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Đó là:

1. Trợ đạo.

2. Đoạn đạo.

Trợ đạo là năm Ba-la-mật. Đoạn đạo là Trí tuệ ba-la-mật.

Lại có hai thứ đạo:

1. Đạo có trở ngại.

2. Đạo không trở ngại.

Đạo có trở ngại là năm Ba-la-mật. Đạo không trở ngại là Trí tuệ ba-la-mật.

Lại có hai thứ đạo:

1. Đạo hữu lậu.

2. Đạo vô lậu.

Đạo hữu lậu là năm Ba-la-mật. Đạo vô lậu là Trí tuệ ba-la-mật.

Lại có hai thứ đạo:

1. Đạo hữu lượng.

2. Đạo vô lượng.

Đạo hữu lượng là nắm bắt tướng phân biệt. Đạo vô lượng là không nắm bắt tướng phân biệt.

Lại có hai thứ đạo:

1. Đạo trí.

2. Đạo đoạn.

Đạo trí là từ Địa thứ nhất cho đến Địa thứ bảy. Đạo đoạn là từ Địa thứ tám cho đến Địa thứ mười.

Lúc này, trong chúng hội có Đại Bồ-tát tên là Dũng Tu Hành Trí hỏi Pháp vương tử Văn-thù-sưlợi:

–Sao gọi là nghĩa Đại Bồ-tát? Sao gọi là trí Đại Bồ-tát?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này thiện nam! Nghĩa gọi là không tương ưng. Trí gọi là tương ưng.

Bồ-tát Dũng Tu Hành Trí hỏi Bồ-tát Văn-thùsư-lợi:

–Sao gọi nghĩa là không tương ưng? Sao gọi trí là tương ưng?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

–Này thiện nam! Nghĩa gọi là vô vi. Nghĩa ấy không có một pháp nào để cùng tương ưng, cũng không có một pháp nào để không cùng tương ưng. Vì sao? Vì nó không biến đổi, không có tướng. Nghĩa tức không có một pháp nào cùng tương ưng, không có một pháp nào không cùng tương ưng. Do nghĩa vốn không thành tựu, cho nên không có một pháp nào cùng tương ưng, không có một pháp nào không cùng tương ưng.

Nghĩa thì không dời đổi, không tăng thêm, không có một pháp nào cùng tương ưng, không có một pháp nào không cùng tương ưng.

Này thiện nam! Trí gọi là đạo, mà đạo lại cùng tương ưng với tâm, chứ không phải là không tương ưng. Này thiện nam! Do nghĩa đó, nên trí gọi là tương ưng, chứ không phải là pháp không tương ưng.

Lại nữa, này thiện nam! Trí gọi là quyết đoán tương ưng. Thế nên, này thiện nam! Trí gọi là pháp tương ưng, không phải là pháp không tương ưng.

Lại nữa, này thiện nam! Trí gọi là pháp quán về năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới, về mười hai nhân duyên, về thị xứ, phi xứ. Này thiện nam! Do nghĩa đó, cho nên trí gọi là tương ưng, không phải là không tương ưng.

Này thiện nam! Các Đại Bồ-tát có mười loại trí:

1. Trí nhân.

2. Trí quả.

3. Trí nghĩa.

4. Trí phương tiện.

5. Trí tuệ.

6. Trí thâu tóm.

7. Trí ba-la-mật.

8. Trí đại Bi.

9. Trí giáo hóa chúng sinh.

10. Trí không vướng mắc vào tất cả pháp.

Này thiện nam! Đây gọi là mười thứ trí của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Các Đại Bồ-tát có mười thứ phát khởi:

1. Thân phát khởi là muốn cho thân nghiệp của tất cả chúng sinh được thanh tịnh.

2. Khẩu phát khởi là muốn cho khẩu nghiệp của tất cả chúng sinh luôn được thanh tịnh.

3. Ý phát khởi là muốn ý nghiệp của tất cả chúng sinh luôn được thanh tịnh.

4. Phát khởi bên trong là không phân biệt hư vọng về tất cả chúng sinh.

5. Phát khởi bên ngoài là thực hành bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.

6. Trí phát khởi là được đầy đủ trí thanh tịnh của Phật.

7. Phát khởi làm thanh tịnh quốc độ là chỉ rõ công đức trang nghiêm nơi các quốc độ của chư Phật.

8. Phát khởi giáo hóa chúng sinh là biết được thuốc trị tất cả bệnh phiền não.

9. Phát khởi thành thật là thành tựu được định tụ.

10. Phát tâm đầy đủ trí vô vi là không vướng mắc vào tất cả ba cõi.

Này thiện nam! Đấy là mười thứ phát khởi của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Các Đại Bồ-tát có mười hành:

1. Hành Ba-la-mật.

2. Hành thâu tóm sự.

3. Hành tuệ.

4. Hành phương tiện.

5. Hành đại Bi.

6. Hành cầu trợ tuệ pháp.

7. Hành cầu trợ trí pháp.

8. Hành tâm thanh tịnh.

9. Hành quán các đế.

10. Hành đối với các ái, không tham ái đắm chấp.

Này thiện nam! Đấy gọi là mười hành của Đại Bồ-tát.

Này thiện nam! Các Đại Bồ-tát có mười một thứ quán vô tận:

1. Quán thân vô tận.

2. Quán sự vô tận.

3. Quán phiền não vô tận.

4. Quán pháp vô tận.

5. Quán ái vô tận.

6. Quán kiến vô tận.

7. Quán trợ đạo vô tận.

8. Quán thủ vô tận.

9. Quán không chấp trước vô tận.

10. Quán tương ưng vô tận.

11. Quán trí tánh của đạo tràng vô tận.

Này thiện nam! Đấy là mười một thứ quán vô tận của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Các Đại Bồ-tát có mười pháp đối trị:

1. Đối trị tâm tham lam keo kiệt bằng trận mưa bố thí.

2. Đối trị tâm phá giới bằng ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh.

3. Đối trị tâm giận dữ bằng tâm đại Từ, đại Bi tu hành thanh tịnh.

4. Đối trị tâm biếng nhác bằng sự cầu học pháp Phật không biết mỏi mệt.

5. Đối trị tâm giác quán bất thiện bằng thiền định, giải thoát, tự tại phấn tấn.

6. Đối trị tâm ngu si bằng pháp tuệ phương tiện, sinh hỗ trợ quyết định.

7. Đối trị tâm phiền não bằng sinh khởi pháp trợ đạo.

8. Đối trị nẻo điên đảo bằng tích tập thật đế, sinh khởi trợ đạo không còn điên đảo.

9. Đối trị tâm không tự tại bằng pháp tự tại trong mọi thời gian.

10. Đối trị tướng hữu ngã bằng cách quán các pháp là vô ngã.

Này thiện nam! Đấy là mười pháp đối trị của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Các Đại Bồ-tát còn có mười thứ địa vắng lặng:

1. Thân vắng lặng do lìa ba nghiệp xấu ác của thân.

2. Miệng vắng lặng do làm trong sạch bốn nghiệp của miệng.

3. Tâm vắng lặng do lìa ba hành ác của ý.

4. Bên trong vắng lặng do không vướng mắc nơi thân mình.

5. Cảnh giới bên ngoài vắng lặng do không vướng mắc vào tất cả pháp.

6. Trí công đức vắng lặng do không vướng mắc vào đạo.

7. Vắng lặng thù thắng do quán Thánh địa như thật.

8. Đời vị lai vắng lặng do giúp vượt qua bờ tuệ bên kia.

9. Các việc làm ở thế gian vắng lặng do không dối gạt tất cả chúng sinh.

10. Không tiếc thân tâm vắng lặng do đem tâm đại Từ, đại Bi giáo hóa tất cả chúng sinh.

Này thiện nam! Đấy là mười thứ vắng lặng của các Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Các Đại Bồ-tát tu hành như thật mà được Bồ-đề, chứ không phải không tu hành như thật mà được Bồ-đề.

Này thiện nam! Sao gọi là Đại Bồ-tát tu hành như thật? Này thiện nam! Tu hành như thật là có thể làm đúng như lời nói. Còn tu hành không như thật là chỉ có nói suông, không thể tu hành như thật. Lại nữa, này thiện nam! Các Đại Bồ-tát lại có hai thứ tu hành như thật:

1. Nhận biết về đạo tu hành như thật.

2. Quyết đoán về đạo tu hành như thật.

Này thiện nam! Đấy là hai thứ tu hành như thật của các Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Các Đại Bồ-tát lại có hai thứ tu hành như thật:

1. Tu hành như thật tự điều phục thân mình.

2. Tu hành như thật giáo hóa chúng sinh.

Này thiện nam! Đấy là hai thứ tu hành như thật của các Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Các Đại Bồ-tát còn có hai thứ tu hành như thật:

1. Tu hành như thật với trí công dụng.

2. Tu hành như thật với trí không công dụng.

Này thiện nam! Đấy là hai thứ tu hành như thật của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Các Đại Bồ-tát lại có hai thứ tu hành như thật:

1. Tu hành như thật khéo biết phân biệt các Địa.

2. Tu hành như thật theo phương tiện khéo biết các Địa không sai biệt.

Này thiện nam! Đấy là hai thứ tu hành như thật của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Các Đại Bồ-tát cũng có hai thứ tu hành như thật:

1. Tu hành như thật lìa lỗi lầm nơi các Địa.

2. Tu hành như thật khéo biết phương tiện chuyển tăng của mỗi mỗi Địa.

Này thiện nam! Đấy là hai thứ tu hành như thật của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này thiện nam! Các Đại Bồ-tát lại có hai thứ tu hành như thật:

1. Tu hành như thật có khả năng nói về quả vị Thanh văn, Bích-chi-phật.

2. Tu hành như thật khéo biết về phương tiện bất thoái chuyển của Bồ-đề Phật.

Này thiện nam! Đấy là hai thứ tu hành như thật của Đại Bồ-tát.

Này thiện nam! Các Đại Bồ-tát có vô lượng, vô biên pháp tu hành như thật như thế, các Đại Bồ-tát nên tu hành như thật như vậy. Các Đại Bồ-tát nếu có khả năng tu hành như thật như vậy, thì nhất định mau đạt được Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng không khó.

Bấy giờ, Đức Phật khen Pháp vương tử Vănthù-sư-lợi:

–Lành thay! Lành thay! Này Bồ-tát Văn-thùsư-lợi! Ông nay đã khéo giảng nói về gốc của nghiệp đạo cho các Đại Bồ-tát. Thật đúng như lời ông giảng nói.

Nghe Phật giảng nói pháp này rồi, mười ngàn Bồ-tát đạt được pháp Nhẫn vô sinh, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi... tất cả thế gian, Trời, Người, Atu-la... đều vui vẻ tin nhận, phụng hành.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Kinh tập][426][427][428][429][430][431][432][433][434][435][436][437][438][439][440][441][442][443][444][445][446][447][448][449][450][451][452][453][454][455][456][457][458][459][460][461][462][463][464][465][466][467][468][469][470][471][472][473][474][475][476][477][478][479][480][481][482][483][484][485][486][487][488][489][490][491][492A][492B][493][494][495][496][497][498][499][500][501][502][503][504][505][506][507][508][509][510][511][512][513][514][515][516][517][518][519][520][521][522][523][524][525][526][527][528][529][530][531][532][533][534][535][536][537][538][539][540][541][542][543][544][545][546][547][548][549][550][551][552][553][554][555][556][557][558][559][560][561][562][563][564][565][566][567][568][569][570][571][572][573][574][575][603][604][605][606][607][608][609][610][611][612][613][614][615][616][617][618][619][620][621][622][623][624][625][626][627][628][629][630][631][632][633][634][635][636][637][638][639][639][640][641][642][643][644][645][646][647][648][649][650][651][652][653][654][655][656][657][658][659][660][661][662][663][664][665][666][667][668][669][670][671][672][673][674][675][676][677][678][679][680][681][682][683][684][685][686][687][688][718][719][720][721][721][722][723][724][725][726][727][728][729][730][731][732][733][734][735][736][737][738][739][740][741][742][743][744][745][746][747A][747B][748][749][750][751][752][753][754][755][756][757][758][759][760][761][762][763][764][765][766][767][768][769][770][771][772][773][774][775][776][777][778][779][780][781][782][783][784][785][786][787][788][789][790][791][792][793][794A][794B][795][796][797A][797B][798][799][800][801][802][803][804][805][806][807][808][809][810][811][812][813][814][815][816][817][818][819][820][821][822][823][824][825][826][827][828][829][830][831][832][833][834][835][836][837][838][839][840][841][842][843][844][845][846][847]


[Mục lục tổng quát]