TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ KINH TẬP (425-847)

SỐ 801-PHẬT THUYẾT VÔ THƯỜNG KINH

(KINH TAM KHẢI)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh.


Cúi đầu quy y Đấng Vô Thượng
Thường khởi hoằng thệ, tâm đại bi
Cứu độ hữu tình thoát sinh tử
Khiến đến Niết-bàn, nơi an ổn.
Đại xả ngăn ác không mệt mỏi
Thiền định phương tiện, lực chánh tuệ
Tự lợi, lợi tha đều viên mãn
Nên hiệu Điều Ngự, Thiên Nhân Sư.
Cúi đầu quy y Pháp tạng diệu
Ba, bốn, hai, năm lý tròn sáng
Bảy, tám mở bày cửa bốn Đế
Tu tập cùng đến bờ vô vi.
Mây pháp, mưa pháp thấm quần sinh
Trừ được phiền não và các bệnh
Điều phục những kẻ khó hóa độ
Tùy cơ dẫn dắt không ép buộc.
Cúi đầu quy y chân Thánh chúng
Tám bậc Thượng nhân lìa cấu nhiễm
Chày trí Kim cang phá núi tà
Đoạn hết buộc trói từ vô thỉ.
Đầu từ Lộc uyển đến Song lâm
Theo Phật một đời hoằng chân giáo
Tùy nơi bản duyên hành hóa xong
Xả báo thân, trí chứng vô sinh.
Cúi đầu đảnh lễ Tam bảo tôn
Đó là Chánh nhân năng cứu độ
Sinh tử ngu mê bị chìm đắm
Đều khiến giải thoát đạt Bồ-đề.
Có sống đều phải chết
Hình sắc suy tàn dần
Bệnh hao mòn sức lực
Không ai tránh khỏi được.
Ví như núi Diệu cao
Kiếp tập cũng tan hoại
Biển sâu rộng không đáy
Đều phải bị khô cạn.
Đất, mặt trời, mặt trăng
Đến lúc, cũng tiêu diệt
Chưa từng có một pháp
Không bị vô thường phá.
Trên đến cõi Phi tưởng
Dưới đến Chuyển luân vương
Bảy báu luôn tùy thân
Ngàn con thường vây quanh.
Như thế thọ mạng hết
Chốc lát không tạm dừng
Trôi trong biển sinh tử
Tùy duyên thọ các khổ.
Luân hồi nơi ba cõi
Như bánh xe lấy nước
Cũng như tằm làm kén
Nhả tơ tự trói mình.
Chư Thế Tôn Vô Thượng
Chúng Thanh văn, Độc giác
Còn xả thân vô thường
Huống gì các phàm phu.
Cha mẹ và vợ con
Anh em cùng quyến thuộc
Thấy sống chết xa lìa
Sao lại không buồn rầu!
Vì thế khuyên các người
Lắng nghe pháp chân thật
Cùng bỏ nơi vô thường
Thực hành nẻo bất tử.
Pháp Phật như cam lồ
Trừ nóng, được mát mẻ
Một lòng hãy lắng nghe
Diệt được các phiền não.

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Thế Tôn ở tại khu vườn rừng Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc thành Thất-la-phiệt. Khi ấy, Đức Phật bảo các Bí-sô:

–Có ba loại pháp, ở nơi các thế gian, thật không đáng ưa, thật không tươi sáng, thật không đáng nhớ, thật không vừa ý. Những gì là ba? Ấy là: già, bệnh, chết.

Này các Bí-sô! Già, bệnh, chết ấy ở trong các thế gian, thật không đáng ưa, thật không tươi sáng, thật không đáng nhớ, thật không vừa ý. Nếu già, bệnh, chết không có ở thế gian thì Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác không xuất hiện ở đời để giảng thuyết pháp đã chứng ngộ và phương thức điều phục cho các chúng sinh. Vì thế nên biết già, bệnh, chết ấy ở các thế gian là thật không đáng ưa, thật không tươi sáng, thật không đáng nhớ, thật không vừa ý. Do ba việc này, nên Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời vì các chúng sinh, giảng nói pháp đã chứng đắc và phương thức nhằm điều phục.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói lại bằng bài tụng:

Trang sức bên ngoài đều hủy hoại
Trong thân suy biến cũng như vậy
Chỉ có thắng pháp không diệt mất
Những người có trí nên xét kỹ.
Tất cả đều ghét già, bệnh, chết
Hình dáng xấu xí, rất đáng chán
Tuổi trẻ dung mạo trụ tạm thời
Không lâu đều phải bị khô gầy.
Giả như thọ mạng đủ trăm năm
Đều không khỏi vô thường bức bách
Già, bệnh, chết khổ luôn theo đuổi
Thường gây bất lợi cho chúng sinh.

Lúc Đức Thế Tôn thuyết giảng kinh này xong, các Bí-sô, tám bộ chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Cànthát-bà, A-tu-la… đều rất vui vẻ, tín thọ phụng hành.

Thường mong các cảnh dục
Không làm các việc thiện
Làm sao giữ mạng sống
Không bị chết xâm hại?
Mạng, hơi thở muốn hết
Tay chân đều phân ly
Các khổ cùng chết đến
Hối hận nào ích gì!
Hai mắt đều trợn ngược
Dao chết, chém theo nghiệp
Ý tưởng rất hoảng hốt
Không ai cứu giúp được.
Thở khò khè gấp gáp
Hơi ngắn, họng khô khan
Sống chết tranh giành nhau
Thân thuộc cùng nắm giữ.
Các thức đều hôn mê
Đi vào trong thành hiểm
Thân quyến đều xa lìa
Bị nghiệp trói dắt đi.
Đưa đến vua Diêm-la
Tùy nghiệp mà thọ báo.
Nhân tốt sinh cõi thiện
Nghiệp xấu đọa địa ngục.
Trí tuệ hơn mắt sáng
Ngu si hơn bóng tối
Oan gia không bằng bệnh
Sợ hãi không bằng chết.
Có sống ắt có chết
Làm tội khổ hại thân
Nên sách tấn ba nghiệp
Thường tu các phước tuệ.
Quyến thuộc đều xa lìa
Của cải trao người khác
Chỉ giữ thiện căn mình
Lương thực qua đường hiểm.
Giống như cây bên đường
Tạm nghỉ chẳng dừng mãi
Xe ngựa và vợ con
Không lâu đều như vậy.
Giống như bầy chim ngủ
Đêm tụ, sáng bay đi
Chết biệt ly thân thích
Xa lìa cũng như thế.
Chỉ có Phật Bồ-đề
Nơi nương tựa chân thật
Y kinh, Ta lược nêu
Người trí hãy tư duy.
Trời, Rồng, A-tu-la, Dạ-xoa
Đến nghe giáo pháp hãy hết lòng
Hộ trì Phật pháp khiến trường tồn
Thường tinh tấn hành lời Phật dạy.
Những người đến nghe pháp Phật này
Ở nơi mặt đất hoặc hư không
Thường với thế gian khởi tâm Từ
Bản thân ngày đêm sống đúng pháp.
Nguyện các thế giới thường an ổn
Vô biên phước trí lợi quần sinh
Tất cả tội nghiệp đều tiêu trừ
Xa lìa các khổ, về Niết-bàn.
Thường dùng giới hương thoa khắp thân
Mặc áo thiền định che cơ thể
Trang sức bằng hoa đẹp Bồ-đề
Sống ở nơi nào cũng an lạc.

Các Bí-sô, Bí-sô-ni, hoặc Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, nếu thấy có người sắp mạng chung, thân tâm đau khổ, nên phát khởi tâm Từ cứu giúp, tạo nhiều lợi ích. Dạy họ dùng nước hoa thơm tắm rửa sạch sẽ, mặc y phục mới, ngồi ổn định, chánh niệm tư duy. Nếu người bệnh tự mình không thể ngồi thì người khác nâng đỡ ngồi. Lại không thể ngồi được thì bảo người bệnh nằm nghiêng bên phải, chắp tay, chí tâm quay mặt về phương Tây. Trước mặt người bệnh, chọn một khoảng không gian sạch sẽ, dùng phân bò trộn hương thơm, bùn trét nơi mặt đất, lớn nhỏ tùy ý, làm đàn vuông gốc, dùng hoa rải trên đất, đốt các hương thơm, đốt đèn nơi bốn gốc. Ở trong đàn ấy treo một bức tượng Phật ngũ sắc, khiến người bệnh tâm niệm liên tục, quán sát tướng hảo của bức tượng rõ ràng, phân minh để phát tâm Bồ-đề. Lại vì người bệnh nói rộng về sự bất an trong ba cõi, khổ nạn trong ba đường, chẳng phải chỗ để sinh đến, chỉ có sự giác ngộ của Phật là chốn quy y chân chánh. Do quy y ắt sinh về cõi Phật trong mười phương, sống chung với Bồ-tát, thọ pháp lạc vi diệu.

Hỏi người bệnh:

–Người thích sinh về cõi Phật nào?

Người bệnh đáp:

–Ý của tôi thích sinh về cõi Phật.

Khi thuyết pháp, phải theo ý muốn của người bệnh mà bày tỏ, nói rõ nhân duyên của mười sáu pháp quán… về cõi Phật ấy. Ví như Đức Như Lai Vô Lượng Thọ ở cõi nước Tây phương, mỗi mỗi nên giảng nói đầy đủ, khiến người bệnh tâm vui thích sinh về cõi Phật.

Vì người bệnh thuyết pháp rồi, lại dạy quán sát rõ tùy theo cõi nước phương nào mà quán tướng hảo Phật ấy. Quán sát tướng hảo rồi lại dạy thỉnh Đức Phật và các Bồ-tát, thưa thế này:

–Cúi đầu lạy Đấng Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác và các Đại Bồ-tát. Nguyện xin thương xót cứu giúp tạo nhiều lợi ích cho con. Nay con phụng thỉnh vì diệt trừ các tội. Xin đem đệ tử đi theo Phật, Bồ-tát, sinh về cõi Phật.

(Lần thứ hai, thứ ba cũng thưa như vậy).

Đã dạy thỉnh xong, lại bảo người bệnh xưng danh hiệu Đức Phật ấy. Mười niệm được thành tựu, cho thọ ba quy y, phát đại sám hối. Sám hối xong rồi lại cho người bệnh thọ giới Bồ-tát. Nếu người bệnh mệt nhọc, không thể nói được thì người khác thay thế để thọ và sám hối… các tội đều tiêu diệt, đắc Bồ-tát giới, ngoại trừ không chí tâm.

Đã thọ giới xong, đỡ người bệnh quay đầu về phương Bắc mà nằm, mặt hướng phương Tây, mở mắt, nhắm mắt, tưởng rõ đến ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Phật, cho đến mười phương chư Phật cũng đều như vậy.

Lại vì người bệnh thuyết giảng về bốn Đế, Nhân quả, mười hai Nhân duyên, vô minh, lão, tử; quán khổ, không… Nếu họ sắp mạng chung, những người nuôi bệnh khác chỉ niệm Phật, mỗi tiếng liên tục không ngừng, nhưng niệm danh hiệu Phật tùy theo sở thích của người bệnh, đừng niệm danh hiệu Phật khác, sợ người bệnh sinh tâm nghi hoặc.

Người bệnh mạng sống dần dần muốn hết, liền thấy Phật và Bồ-tát đem hương hoa tốt đẹp đến đón hành giả. Khi hành giả trông thấy, liền sinh tâm hoan hỷ, thân không đau khổ, tâm không tán loạn, tâm sinh chánh kiến như nhập thiền định, tức liền mạng chung, chắc chắn không bị đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nương nhờ giáo pháp dạy trước, giống như khoảng thời gian tráng sĩ co duỗi cánh tay, liền sinh về cõi Phật.

Hoặc tại gia Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di... sau khi mạng chung nên lấy y phục mới, đẹp của người chết và những vật thường dùng, có thể phân làm ba phần, vì người chết ấy đem cúng dường Phật, Pháp, Tăng. Do đấy mà nghiệp chướng người chết chuyển hết, được phước báo lợi ích, công đức thù thắng. Không nên mặc y phục tốt đẹp … cho tử thi để mai táng. Vì sao? Vì không có lợi ích.

Người xuất gia Bí-sô, Bí-sô-ni và Sa-di… có những y vậy không phải y vật của họ, nên phân xử như Phật dạy trong các bộ Luật. Những điều khác giống như bạch y. Nếu đưa người chết đến chỗ chôn, nên để dưới gió, khiến nằm nghiêng bên phải, mặt hướng về ánh sáng mặt trời. Ở trên đầu gió nên đặt tòa cao, bố trí các vật đều trang nghiêm. Thỉnh một vị Bí-sô biết tụng kinh, lên pháp tòa vì người chết ấy đọc kinh Vô thường. Hiếu tử không nên bi lụy, không được khóc than và tất cả người khác đều phải chí tâm, vì người chết đốt hương, rải hoa cúng dường tòa cao, kinh điển vi diệu và rải trên Bí-sô. Sau đó an tọa, chắp tay cung kính, nhất tâm nghe kinh.

Bí-sô từ từ đọc một lượt, nếu người nghe kinh đều tự thấy thân mình vô thường, không lâu bị tiêu diệt, chánh niệm lìa thế gian, hội nhập Tam-mađịa. Đọc kinh ấy xong, lại rải hoa, đốt hương cúng dường, lại thỉnh Bí-sô tùy theo đó chú nguyện vào nước không có trùng đủ hai mươi mốt biến, rảy trên thân người chết. Lại nữa, chú nguyện vào đất sạch, đủ hai mươi mốt biến, rải lên người chết, rồi sau mới tùy ý hoặc nhập tháp, hoặc thiêu đốt, hoặc để trong rừng sâu thẳm, hay là chôn dưới đất. Do sức lực của nhân duyên công đức này, khiến người chết ấy một lúc tiêu diệt được mười điều ác, bốn trọng tội, năm tội đại nghịch, hủy báng kinh Đại thừa, trừ diệt tất cả nghiệp chướng, báo chướng… trong trăm ngàn vạn ức vô số kiếp, sinh về Cực lạc, được công đức lớn, phát khởi trí tuệ, đoạn trừ mê hoặc, được sáu thần thông và ba minh trí, chứng đắc Sơ địa, đi khắp mười phương cúng dường chư Phật, nghe nhận chánh pháp, dần dần tu tập vô biên phước tuệ, đều chứng đắc Vô thượng Bồ-đề, chuyển chánh pháp luân, độ vô số chúng sinh đến Niết-bàn, thành tựu Chánh giác tối thượng.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Kinh tập][426][427][428][429][430][431][432][433][434][435][436][437][438][439][440][441][442][443][444][445][446][447][448][449][450][451][452][453][454][455][456][457][458][459][460][461][462][463][464][465][466][467][468][469][470][471][472][473][474][475][476][477][478][479][480][481][482][483][484][485][486][487][488][489][490][491][492A][492B][493][494][495][496][497][498][499][500][501][502][503][504][505][506][507][508][509][510][511][512][513][514][515][516][517][518][519][520][521][522][523][524][525][526][527][528][529][530][531][532][533][534][535][536][537][538][539][540][541][542][543][544][545][546][547][548][549][550][551][552][553][554][555][556][557][558][559][560][561][562][563][564][565][566][567][568][569][570][571][572][573][574][575][603][604][605][606][607][608][609][610][611][612][613][614][615][616][617][618][619][620][621][622][623][624][625][626][627][628][629][630][631][632][633][634][635][636][637][638][639][639][640][641][642][643][644][645][646][647][648][649][650][651][652][653][654][655][656][657][658][659][660][661][662][663][664][665][666][667][668][669][670][671][672][673][674][675][676][677][678][679][680][681][682][683][684][685][686][687][688][718][719][720][721][721][722][723][724][725][726][727][728][729][730][731][732][733][734][735][736][737][738][739][740][741][742][743][744][745][746][747A][747B][748][749][750][751][752][753][754][755][756][757][758][759][760][761][762][763][764][765][766][767][768][769][770][771][772][773][774][775][776][777][778][779][780][781][782][783][784][785][786][787][788][789][790][791][792][793][794A][794B][795][796][797A][797B][798][799][800][801][802][803][804][805][806][807][808][809][810][811][812][813][814][815][816][817][818][819][820][821][822][823][824][825][826][827][828][829][830][831][832][833][834][835][836][837][838][839][840][841][842][843][844][845][846][847]


[Mục lục tổng quát]