TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ KINH TẬP (425-847)

SỐ 630-KINH THÀNH CỤ QUANG MINH ĐỊNH Ý

Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Chi Diệu, người nước Thiên Trúc.


Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật cư ngụ ở tinh xá trong nước Ca-duy-la-vệ. Sáng sớm, Đức Phật đắp y rồi bảo A-nan:

–Ông hãy mời các Bồ-tát đã trừ sạch các điều ác cùng các vị không còn chấp thủ đến đây. Hôm nay sẽ có người thưa hỏi những điều cốt yếu.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan vâng lời Phật, lập tức tuyên bố lời dạy của Như Lai đến bốn chúng. Khi ấy, có năm ngàn vạn Bồ-tát và Thanh văn đến chỗ Đức Như Lai, cúi đầu kính lễ sát chân Đức Phật, rồi đứng qua một bên. Lại có hiền nữ Khí Ác Chúng cùng với mười bốn vạn người nữ trong nước đến chỗ Đức Như Lai, cúi đầu kính lễ sát chân Phật rồi lui ra ngồi trên tòa. Lại có tám mươi ức vạn hai ngàn Bồ-tát đến chỗ Như Lai, chư vị cúi đầu sát đất rồi đứng im lặng cung kính. Lại có bốn vạn cư sĩ tại gia giữ giới đến chỗ Đức Phật, kính lễ sát đất rồi đứng ra một bên.

Đức Phật dùng oai thần làm chấn động các cõi Phật khắp mười phương, có tám trăm ức vạn Bồtát và chư Thiên, những vị sẽ thành tựu và sẽ phát tâm đều bay đến chỗ Đức Phật, kính lễ sát đất rồi đứng thẳng hàng trong hư không. Lại có mười hai tướng quân Thiên thần cùng bốn mươi vạn tướng quân quyến thuộc đến chỗ Đức Phật kính lễ sát đất rồi phân ra đứng hầu hai bên Đức Phật. Chúng hội hôm ấy, trong khoảng chừng một bữa ăn, đều đến chỗ Đức Phật, Phật liền khiến họ an tọa. Có vị tự thân chưa chứng đắc bốn Thần túc cũng đều tề tựu. Các vị Bồ-tát, các vị Thiên thần thân thể nhẹ nhàng ở khắp mười phương cùng đến, hoặc đã có được thần túc đồng vọt lên giữa hư không, ngồi ở trên tòa tự nhiên; mỗi vị hóa ra lọng hoa, thẳng hàng đẹp đẽ đều là do oai thần của Đức Phật biến hóa ra. Chư vị Bồ-tát đến trong chúng hội đều có hạnh vi diệu, tâm và miệng thanh tịnh, thân đầy đủ các giới, trừ sạch ba uế, sáu tai họa, năm sự ngăn che và các lửa phiền não, diệt trừ nhơ uế, đoạn trừ lưới nghi, kết sử, phá tan kiến chấp sai lầm và nguồn gốc của sự ngu si, mười hai nhân duyên… đều đã chấm dứt, thanh tịnh như ánh trăng, mỗi vị đều tùy theo thế tục mà hành hóa.

Có Bồ-tát tên là Vô Uế Vương, lại có Bồ-tát tên là Quang Cảnh Tôn, lại có vị tên là Trí Như Sơn Hoằng, lại có vị tên là Đại Hoa Tịnh, lại có vị tên là Chuyển Căn Hương, lại có vị tên là Nguyệt Tinh Diệu, lại có vị tên là Quang Chi Anh, lại có vị tên là Chỉnh Bất Pháp, lại có vị tên là Thiện Trung Thiện, lại có vị tên là Côn Lôn Quang, lại có vị tên là Nhật Quang Tinh, lại có vị tên là Sư Tử Oai, lại có vị tên là Ý Tạp Bảo, lại có vị tên là Viêm Xí Diệu, lại có vị tên là Đức Phổ Hợp, lại có vị tên là Phổ Điều Mẫn, lại có vị tên là Kính Đoan Hạnh, lại có vị tên là Từ Nhân Thự, lại có vị tên là Tuệ Tác, lại có vị tên là Tán Kết, lại có vị tên là Nghiêm Nghi Cụ Túc, lại có vị tên là Cao Viễn Hạnh, lại có vị tên là Quang Đức Vương, lại có vị tên là Hộ Thế, lại có vị tên là Đạo Thế, lại có vị tên là Đại Lực, lại có vị tên là Chánh Tịnh, lại có vị tên là Thiên Sư, lại có vị tên là Thiện Quán, lại có vị tên là Quán Âm, như vậy mỗi vị đều có danh hiệu khác nhau.

Bấy giờ, có vị thiện nam tôn quý tên là Thiện Minh cùng năm trăm quyến thuộc, mỗi người đều có tôi tớ cầm lọng theo hầu, đều đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu kính lễ dưới chân Đức Như Lai rồi đứng quan sát khắp bốn phía trong chúng hội, ngước nhìn lên hư không, thấy toàn bậc Tối thượng, lại thấy Đấng Thiên Tôn ở trên tòa an tọa trang nghiêm, vị ấy nghĩ: “Hôm nay, ta có phước lớn mới gặp được chúng hội này, ta sẽ sắm sửa phẩm vật cúng dường trong một ngày, nhưng xét khả năng thì không thể cúng dường đầy đủ, nếu bố thí không cùng khắp thì chẳng phải bố thí, ta phải làm sao đây?”

Lúc ấy, biết ý nghĩ tốt lành của Thiện Minh, Đức Phật liền bảo:

–Này thiện nam! Hãy đến đây! Ngươi đã nghe pháp Như Lai thuyết giảng chưa?

Vị thiện nam thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con chưa thông đạt.

–Này thiện nam! Khi khởi tâm biết là đang khởi mới là bậc trí, chẳng xét nhiều hay ít hay có sự mong cầu mới là bố thí. Vừa rồi, ông suy nghĩ không thể cúng dường đủ cho Như Lai và chúng hội, ông lo lắng làm gì! Như Lai có thể khiến cho việc không thành tựu được thành tựu, không đầy đủ được đầy đủ, tất cả luôn đầy đủ, việc làm luôn trọn vẹn, đó là Như Lai.

Như Lai thành tựu, không xét theo các vật dụng dục lạc như y phục, thực phẩm mà chính là việc đầy đủ Giới, không chấp nhận sáu tai họa, năm việc ngăn che, không nghĩ đến an vui thế tục, không có các tưởng về bốn loại thức ăn, cũng chẳng trang sức các loại y phục, mũ nón, lúc nào ở đâu cũng biết về chân lý vô thường, ở nơi cảnh giới dục lạc mê hoặc mà vẫn biết rõ các pháp là khổ, ở trong ngôi nhà tham dục mà vẫn thấu triệt nguồn gốc của Không, thọ thân này nhưng vẫn biết rõ chẳng phải là thân chân thật, chúng không có ngã, không tạo tác, không có duyên, không tham đắm, đây là việc Như Lai đã thành tựu.

Bấy giờ, nghe Đấng Thiên Tôn giảng nói, Thiện Minh tâm hoan hỷ, trừ hết kết sử, thân được nhẹ nhàng, thưa:

–Từ xưa, con rất tăm tối, bị mười hai nhân duyên trói buộc, tâm ở trong tối, bị đọa vào ba đường, nay được nghe pháp chưa từng có, xin nguyện đích thân nhận lãnh như lời dạy của Đấng Thiên Tôn.

Thiện Minh được pháp lạc vi diệu liền nói kệ khen ngợi:

Đấng Thiên Nhân Tôn
Như Lai tối thượng
Từ bi cứu giúp
Thí khắp ba cõi.
Khiếp sợ, tham lam
Ban cho pháp quý
Khiến tất cả mê
Giải thoát, thông suốt.
Thân Phật quý báu
Tướng tốt vô song
Vì người khởi ý
Nói pháp không cùng.
Trí như các dòng
Đổ ra biển cả
Pháp thấm ba cõi
Tuôn khắp mười phương.
Tướng Phật viên mãn
Tuệ báu đủ đầy
Tự tại hiện pháp
Dẫn dắt không ngừng.
Tuệ chiếu ngu tối
Dẫn đến nơi tịnh
Con nguyện quy y
Được đến bờ kia.

Khi ấy, Thiện Minh khen ngợi xong, liền quỳ xuống trước Đức Phật, thưa:

–Cúi xin Thế Tôn chấp thuận ý của con! Hôm nay, con muốn thiết lễ cúng dường, cúi xin Thế Tôn rủ lòng thương tưởng chấp thuận cho.

Đức Thiên Tôn im lặng nhận lời như pháp thường. Thiện Minh vẫn đứng cung kính, do chưa thấy Đức Như Lai nhận lời.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan bảo:

–Đức Thiên Tôn lặng im tức là đã hứa khả.

Thiện Minh nghe rồi, rất đỗi vui mừng, kính lễ Phật rồi đi ra ngoài cửa, sai mọi người đến rồi lại thưa:

–Hôm nay con muốn cúng dường thực phẩm cho hai ngàn vị, cúi xin Đấng Thiên Tôn nhận lời.

Tôn giả A-nan liền bạch với Đức Phật đầy đủ như lời Thiện Minh vừa nói.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Ông hãy nói với Thiện Minh, hãy thiết lễ cúng dường với khả năng ông ấy có, Như Lai sẽ cùng với tất cả đại chúng đến dự, chớ lo sợ không chu toàn.

Tôn giả A-nan liền nói lại với Thiện Minh như lời Đức Phật dạy.

Tôn giả A-nan lại bảo:

–Hiền giả cứ trở về, chớ khởi lên tâm khác hay lo sợ không đầy đủ, có oai thần của Phật thì không có gì là không đủ!

Thiện Minh liền đảnh lễ Tôn giả A-nan rồi trở về. Về đến nhà, ông bảo với tất cả vợ con tôi tớ...:

–Hôm nay, ta có thỉnh Đấng Thiên Tôn, thần thông vi diệu, thông đạt tất cả, là Bậc Nhất Thiết Trí, người nào dùng một vật để cúng dường vị ấy thì đời đời được phước không thể cùng tận, lại có thể cứu giúp người khác thoát khỏi sự dẫn dắt của kết sử. Các người hãy cung kính trang nghiêm thanh tịnh bày biện phẩm vật, sửa soạn đầy đủ thức ăn, làm các món ăn ngon tuyệt, mỗi người hãy tận tâm thành ý, Đấng Thiên Tôn khó gặp, ức kiếp mới có, nên vì điều thiện ấy mà được thanh tịnh.

Bấy giờ, trong chúng hội có vị Bồ-tát tên là Lực Biện Chúng Hữu, Đức Phật bảo vị ấy đến giúp đỡ Thiện Minh việc cúng dường đại chúng này.

Lúc ấy, mười hai vị chúa Thiên, Thần và bốn vị Thiên vương, Long vương có thế lực lớn vâng lời Phật dạy đều đi theo Bồ-tát Lực Biện Chúng Hữu đến giúp đỡ Thiện Minh. Đến nơi, chư vị ấy bảo Thiện Minh:

–Hiền giả hãy yên tâm! Đức Phật sai chúng tôi đến đây để giúp đỡ ông.

Thiện Minh liền đảnh lễ Bồ-tát cùng chư Thiên, các vua rồi cung kính, từ tốn thưa:

–Làm phiền đến các bậc Thượng nhân! Con đã sắm sửa xong thức ăn đủ cho hai ngàn vị, cả đại chúng sẽ đến nhưng sợ nhà này quá nhỏ, con không biết phải làm sao!

Bấy giờ, Bồ-tát Lực Biện Chúng Hữu cùng chư Thiên đều nói:

–Ông chớ lo lắng.

Rồi mỗi vị đều nhìn khắp nơi, lập tức phòng nhà ấy tự nhiên rộng rãi, to lớn như cung điện chư Thiên, ở trong nhà lại có ngàn vạn ức tòa đều do các báu từ đất biến thành, màu lưu ly xanh, giường tòa ở trong nhà cũng như vậy. Trong khoảng khảy móng tay, liền có trăm ngàn vạn ức người bày biện thức ăn, thảy đều đầy đủ, đốt các hương thơm, treo các cờ bằng lụa, các đường đi đều rộng rãi, bằng phẳng, trong suốt như thủy tinh, cây cối thẳng hàng, âm nhạc tự nhiên, tiếng nhạc hòa quyện êm dịu, âm thanh thuyết pháp bằng tám loại âm thanh của Đế Thích, Phạm thiên.

Lúc ấy, Bồ-tát Lực Biện Chúng Hữu cùng các vị chúa Thiên thần trở về chỗ Đức Phật.

Thiện Minh thấy việc biến hóa to lớn này rồi, rất đỗi kinh ngạc, vui mừng, liền đến chỗ Đức Phật, thưa:

–Nhờ đại Bi của Đức Như Lai, con đã thiết lễ đầy đủ, cúi xin Thế Tôn cùng đại chúng đến thọ trai.

Đức Phật liền sai Bồ-tát Vô Uế Vương cùng sáu trăm vạn người đi trước dẫn đường, tất cả đều đi trên hư không, Đức Phật đi chính giữa, số còn lại đi theo sau. Đức Như Lai đi ra khỏi cửa thì đất liền chấn động, chư Thiên rải hoa, đốt các hương thơm, lại ca ngâm các khúc nhạc hay cùng đi theo. Đến nơi, tất cả đều an tọa. Các vị chúa Thiên, Thần liền giúp bày biện thức ăn.

Sau khi Đức Phật chú nguyện thức ăn xong, tất cả đều dùng no đủ mà thức ăn vẫn không giảm bớt, các vật dụng đựng thức ăn vẫn đầy như cũ. Thiện Minh tự nghĩ: “Đấng Thiên Tôn có uy thần biến hóa rộng lớn mới làm được như vây. Sau khi Phật thọ thực, rửa tay xong, ta sẽ hỏi ý này.”

Sau khi Đức Phật dùng nước rửa tay xong, trong khoảnh khắc duỗi cánh tay, Phật cùng đại chúng lập tức trở về ngồi nơi tinh xá. Bấy giờ, Thiện Minh lại khen ngợi:

Thiên Tôn thật vi diệu
Khó gặp ở thế gian
Biến hóa thật trác tuyệt
Ai thấy cũng vui mừng.
Quán sát rất đặc thù
Hóa diệu khó ai sánh
Chẳng làm mà tự đủ,
Chẳng nhọc, chúng no đủ
Chẳng nói, tự nhiên bảo
Chẳng dạy, khiến tự làm
Chẳng làm điều lỗi lầm
Do đạt được đức này.
Vốn tu pháp thuật gì
Phát sinh điều tốt này
Vốn tích chứa đức gì
Được tôn quý cao vời?
Nguyện xin thương xót con
Khai mở tài sản pháp
Trừ lưới tâm kết sử
Khiến không còn nghi ngờ.

Thiện Minh khen ngợi xong, liền ngồi sang một bên chắp tay thưa:

–Chỗ ở của con tên là làng Phước an cách đây không xa, cúi xin Đức Phật rủ lòng thương chiếu cố đến nơi ấy. Con ở nơi làng ấy thường ưa học hỏi, học những oai nghi của thế gian mà thuở xưa các vua đã chế ra, học những pháp của Thần tiên, Thánh nhân. Khi được nghe Đấng Thiên Tôn ở gần nước này, con liền khởi ý nhớ nghĩ đến, trong giấc mộng thấy mơ màng, có đê tử của Đấng Thiên Tôn là Tôn giả Xá-lợi-phất thường đến nhà con để giảng pháp cho con, pháp rất sâu xa vi diệu, con hiếm khi được nghe, tâm tuy mừng nhưng vẫn còn hoang mang. Hôm nay, được đến lễ bái Đức Thiên Tôn và được gặp đạo pháp, con sẽ thực hành và đạt đến, tâm rất vui mừng, như đêm tối được thấy ánh sáng, ý muốn thiết lễ cúng dường, nhân đây có điều muốn thưa hỏi, nhưng còn chút ít sợ sệt, chưa muốn thưa. Xin Đấng Thiên Tôn thần thông biết rõ tâm con, dùng diệu lực của Đạo để giúp con.

–Bạch Thế Tôn! Những giường tòa, phẩm vật bỗng nhiên có đủ, thức ăn đã đựng đầy trong bát tuy chúng đã dùng no nhưng vẫn như cũ, Thế Tôn dùng thần thông vi diệu nào để được như vậy? Lại nữa, con quan sát ba mươi hai tướng của Đấng Thiên Tôn, các tướng đều tốt đẹp, nhìn không nhàm chán, đi thì đĩnh đạc, không nhanh không chậm, ngồi thì ngay thẳng, không hướng tới trước ngã về sau, nói tám loại âm thanh không nhanh chẳng chậm, lời nói thành pháp luật, sáng rỡ như mặt trời, khiến cho tất cả chúng sinh đều nhận ân phước đức, thuở xưa Thế Tôn tu hành pháp gì mà nay được như vậy? Con lại thấy Đấng Thiên Tôn chân chẳng đạp đất, tướng bánh xe rõ rệt, trang nghiêm như bức tranh, thân thể nhẹ nhàng, biến hiện khắp nơi, đây đều do hạnh gì mà đời này được như vậy. Cúi xin Thế Tôn rủ lòng thương giải thích rõ khiến cho con biết rõ gốc ngọn.

Khi ấy, Đức Phật nói:

–Lành thay, lành thay! Như lời ông vừa hỏi, Như Lai sẽ giảng nói rõ ràng. Hãy chú tâm để nghe nhận, chớ quên mất.

Thiện Minh thưa:

–Con xin lắng nghe.

Đức Phật nói:

–Thuở xưa, Như Lai tu hành hạnh sáu đức, đời đời không bỏ, như vậy cho đến lúc thành Phật, bất cứ ở đâu cũng tùy ý biến hóa, dùng Nhất thiết trí thông đạt tất cả.

Thiện Minh thưa:

–Thế nào là hạnh sáu đức?

Đức Phật nói:

–Đó là Bố thí rộng lớn, Trì giới rộng lớn, Nhẫn nhục rộng lớn, Tinh tân rộng lớn, Nhất tâm rộng lớn, Trí tuệ rộng lớn.

Thiện Minh thưa:

–Thế nào là Bố thí rộng lớn?

Đức Phật nói:

–Người tu đạo, trước tiên nên biết thân là vô thường, do bốn đại, vật chất tạo thành, xương thịt là bất tịnh đều nên từ bỏ, sẽ trở lại nguồn gốc của chúng, không thể thường trụ, thân chẳng có ngã, có tài sản cũng chẳng phải ngã sở, tâm không có hình sắc, thông đạt danh vô thường, do duyên và sự vận hành của duyên trói buộc. Sở dĩ có sự vận hành của thân là do thân không thường còn, cũng sẽ rỗng, mục. Quán sát như vậy thì kiến lập được bốn đức tin: Trong thân, ngoài thân, trời đất, vạn vật đều trong trạng thái vô thường, sẽ trở về sự tan hoại, sẽ tan rã, tiêu mất. Kiến lập đức tin như vậy rồi, quán thể chẳng phải thể, quán vật chẳng phải vật, liền có thể tùy ý bố thí đầy đủ khắp mọi người, lại dùng pháp thí giáo hóa người tăm tối. Đó gọi là Bố thí rộng lớn.

Thế nào gọi là Trì giới rộng lớn?

Trì giới rộng lớn, nghĩa là có thể hộ trì ba nghiệp của thân, giữ bốn lỗi của miệng, kiểm soát ba ác của ý. Sự tu hành của thân là: Nếu thấy tất cả chúng sinh bò, đi, cựa quậy thì phải thương xót, nuôi cho chúng sống, tùy nơi sống của chúng ở dưới nước hay ở đất liền mà nên đem chúng trở lại khiến chúng an ổn, nếu thấy những loại như châu báu quý giá, những vật mềm mại mịn màng đáng ưa, tuy thân bần cùng khốn khổ nhưng vẫn chế ngự tâm mình không tham mà lấy và thấy đồ trang sức phấn sáp đẹp đẽ thì phải quán sát bên trong nhơ uế thối rữa, mủ máu hôi hám, đây là ba giới của thân. Sự tu hành về miệng là: nếu người khác đem bốn lỗi về mình thì nên biết rõ đó là bốn lỗi của miệng, phải dùng lời nói thiện, nhu hòa để nói lại, chí thành không trau chuốt, đáp lại để giáo hóa họ khiến người ấy trở lại theo mình. Đây là bốn giới của miệng. Sự tu hành về ý là: Tâm chứa nhóm trí tuệ, tư duy sinh tử, luôn an trụ nơi trí tuệ, không bị mê hoặc theo các lưu, lại có thể hội nhập đạo phẩm cốt lõi của không, vô; phân biệt rõ chân thực thô tháo, không hề nghi ngờ, thấy điều thiện thì khuyến khích, thấy thành tựu thì cùng hoan hỷ. Đây là ba giới của ý, cho nên, lúc mới hành đạo, trước tiên phải tự mình thực hành mười giới, lại chỉ bảo cho người khác siêng năng không hề biếng nhác, thực hành không nghỉ ngơi, không có ý tưởng mỏi mệt.

Đó gọi là Trì giới rộng lớn.

Thế nào là Nhẫn rộng lớn?

Nhẫn rộng lớn, nghĩa là nếu người mắng ta nên xét tiếng từ âm thanh mà có, quán như vậy, thấy rõ không hình tướng: Vốn từ âm thanh mà có, phát ra từ tâm ý, quán tâm ý cũng không có hình tướng, quán sát nơi tâm nương tựa đó là bốn đại, bốn đại trở về gốc thì cũng chẳng có tên gọi, cũng chẳng phải người, ta, cũng chẳng phải nam nữ, cũng không già trẻ, xét rõ thấy không chủ thể, sự tủi nhục hiện tại không hình tướng, do văn tự lập ra, trong hai loại hay không có cũng cùng không hình tướng, xét điều thứ ba này, không cũng chẳng thật có, người trí dùng ý quán sát như vậy thì không khởi sân hận, do rỗng không nên nhẫn cũng không, lại đối với các ác nhẫn nhục không làm, đối diện cũng chẳng khởi, kiểm soát tâm, hàng phục ý, thân tự có khả năng làm như vậy, lại chỉ bảo cho người khác. Đây là Nhẫn rộng lớn.

Thế nào là Tinh tấn rộng lớn?

Nên giảm bớt ăn, không nếm mùi vị, trừ bỏ ngủ nghỉ, đêm ngày tỉnh ý, xa thế tục, gần gũi đạo, giữ gìn các giới, đứng ngồi đúng pháp, không mất oai nghi, không phạm các hạnh, nên tu tập theo cốt lõi đạo pháp, miệt mài tụng niệm, ngày thì siêng nghe pháp, đêm thì luôn kinh hành, lời nói đúng luật; thân, miệng, ý luôn nương theo và nghĩ nhớ đến pháp, không lìa bỏ kinh văn, lúc giảng pháp thì ý không phiền não, giáo hóa người tối tăm không hề biếng nhác, tâm chẳng trái ý, tự mình chuyên cần, tự thân thực hành, lại còn chỉ bảo người khác đó là Tinh tấn rộng lớn.

Thế nào là Nhất tâm rộng lớn?

Hiếu với cha mẹ mà nhất tâm, tôn kính thầy bạn mà nhất tâm, đoạn trừ ái, xa lìa thế tục mà nhất tâm, thể nhập ba mươi bảy phẩm mà nhất tâm, rỗng lặng tịch tĩnh mà nhất tâm, ở nơi phiền não loạn động mà nhất tâm, nhiều tham dục, nhiều tranh cãi, nhiều tạo tác, nhiều phiền não.... ở những nơi như vậy mà nhất tâm; đối với các việc khen chê, được mất, thiện ác không dao động mà nhất tâm, đếm hơi thở thể nhập thiền, xả bỏ sáu tụ thanh tịnh mà nhất tâm, tự mình làm lại bảo người khác làm. Đây là Nhất tâm rộng lớn.

Thế nào là Trí tuệ rộng lớn?

Bồ-tát tùy sự thọ nhận nơi thân mà có sự nhơ uế của ba thọ, sáu tai họa, năm sự ngăn che, sáu mươi hai tưởng chìm đắm, tám mươi tám nạn trói buộc, một ngàn tám trăm loại bệnh tật. Đối với những điều này, dùng trí tuệ khai mở hết, quán sát sự sinh khởi và đoạn diệt của chúng, xem rõ bệnh ấy nên cho thuốc gì, đã nắm giữ hết những điều cốt yếu khiến thân không phá giới, ý không theo thế gian, ở trong sự kính yêu của mọi người, tâm an trụ trong kho tàng của đạo, tuy nương nhờ vào nhà sáu loại tai họa nhưng tâm ở nơi nhà sáu điều thanh tịnh; tuy ở nhà năm ngăn che nhưng tâm ở nhà đoạn diệt; tuy nương vào nhà không kiên cố nhưng tâm luôn hộ trì phương tiện, ngồi nơi đất rắn rít nhưng tâm luôn ngay thẳng, xả bỏ; nương thuyền bè hiểm trở nhưng tâm tự biết nẻo cứu giúp, gần rừng lửa lớn nhưng tâm an ổn dập tắp lửa. Đó là bậc Bồ-tát dùng trí tuệ làm phương tiện nhổ sạch nạn sinh tử, chấm dứt tưởng ba cõi đến được đất diệt độ, tự mình làm lại chỉ bảo người khác làm. Đây là trí tuệ rộng lớn, là nghĩa của hạnh sáu đức vậy. Vừa rồi ông hỏi về đức thần biến và vô lượng tướng tốt của Như Lai, thì ta nhờ đây mà đạt được. Thực hành sáu pháp này và các tuệ, định, ba mươi bảy phẩm thì nắm giữ vô biên hạnh căn bản, được chứng quả vị Phật, hiệu là Thiên Tôn, không có gì không làm được.

Bấy giờ, Thiện Minh và chúng hội nghe Đức Phật giảng xong, đều thưa:

–Chúng con nguyện phát tâm Vô thượng độc tôn bình đẳng. Hôm nay chúng con được phước lớn khiến cho tất cả mọi người đều mau được hạnh này.

Khi ấy, Thiện Minh đạt được bốn pháp thanh tịnh: một là mắt thanh tịnh, hai là thân thanh tịnh, ba là miệng thanh tịnh, bốn là ý thanh tịnh, liền im lặng cúi đầu tư duy ý nghĩa pháp này.

Bấy giờ, Thiện Minh lui một bên, quỳ gối thưa: –Bạch Thế Tôn! Đấng Thiên Tôn đã giảng nói pháp Ba-la-mật rộng lớn, các giới pháp vi diệu, giữ gìn ý, hàng phục tâm, diệt sạch các cấu bẩn, những ai nghe được pháp này, công đức rất lớn, huống là thực hành thì công đức khó lường xét được.

Đức Như Lai lại nói:

–Thuở trước, Như Lai chẳng phải chỉ thực hành sáu pháp này thôi đâu, lại còn thực hành pháp định ý và nắm giữ ba mươi bảy pháp không ngăn mé mới được thành tựu đầy đủ Phật sự, bốn Vô sở úy, mười Lực, mười tám thần thông vi diệu cùng các pháp đặc biệt khác, biến hóa tự tại, thuyết giảng trôi chảy, được gặp chư Phật, bay đến mười phương, thọ ký cho tất cả, những người chưa hóa độ thì được hóa độ, phá tan tà kiến, dẫn dắt người mê loạn, nếu sinh ra phải chịu khổ thì không chấp giữ, không đoạn trừ, dùng sự không chấp giữ, không đoạn trừ này làm nhân duyên hành hóa, dạy bảo các người mê hoặc.

Thiện Minh thưa:

–Các đức vi diệu và vô số việc như vậy, Như Lai tu hành định ý gì mà đạt được? Cúi xin Đấng Thiên Tôn vì chúng sinh đời hiện tại và vị lai mà giảng nói ý nghĩa sâu xa này, khiến chúng sinh được giải thoát.

Đức Phật bảo:

–Lành thay, lành thay! Điều ông muốn hỏi, nay Như Lai sẽ phân biệt giảng nói đầy đủ nghĩa cốt yếu cho ông, ông hãy chú ý lắng nghe.

Thiện Minh thưa:

–Con xin nghe nhận.

Đức Phật nói:

–Có pháp định ý tên là Thành cụ quang minh, ở thế gian nếu có người thực hành từ một ngày đến bảy ngày thì phước đức không thể ví dụ. Những ai nghe được pháp này, đời trước đã cúng dường trăm ngàn ức Đức Phật, người ấy ngồi nghe đầy đủ, không hề nghi ngờ, đời này mới được gặp lại pháp Thành cụ quang minh này và được tu hành hạnh ấy, trong khoảng khảy móng tay, xa lìa hẳn ba đường ác, công đức dần dần viên mãn mới mau chóng thành Phật, những việc ông hỏi vừa rồi đều có thể thành tựu đầy đủ.

Thiện Minh thưa:

–Phải thực hành bao nhiêu việc mới đạt được định ý tôn quý này?

Đức Phật nói:

–Nên thực hành một trăm ba mươi lăm việc thanh tịnh mới đạt được định này: Xa lìa sự tạo tác của thân, lìa bỏ lỗi của miệng, trừ nhớ nghĩ của ý, diệt sạch ba nhơ uế, xa sáu tai họa, ngăn ngừa năm ngăn che, phá tan mười hai nhân duyên, mở oán kết và sáu mươi hai kiến chấp, khỏi hẳn các bệnh, vui với các phiền não, bỏ các việc to lớn, bỏ thân thể, lìa thân thuộc, dứt các tập, đoạn các ái, không có gì để làm, chẳng có gì không thể làm, chẻ tham lam, cắt rễ dục, không mê theo các lưu, có thể ngăn bệnh tật, không chấp ngã, chẳng phải không ngã, lập bốn đức tin, trụ bốn Niệm xứ, thành tựu bốn Chánh cần, gieo trồng năm Căn, chứa nhóm năm Lực, thông đạt bảy trí, tu hành tám chánh, thể nhập tám niệm, tám tinh tấn đều là không, siêng năng tu tập, xa lìa điều không thể thực hành, học trí cao thượng, tự tôn kính ý, không cống cao, luôn nhu nhuyến, rưới mưa pháp, như một pháp không chấp là hai, không có ba tưởng, không khởi tưởng không lợi ích, tưởng không bờ mé, tưởng chẳng phải không, tưởng chẳng phải tưởng, tưởng không có nơi chốn, chẳng trụ tưởng không nơi chốn, khéo tư duy đến Phật, biết Phật là thanh tịnh, biết thanh tịnh rồi nên khéo học, tâm an trụ chân chánh, không quay về tà, bình đẳng với thiện ác, sáng giống như tối, đối với sáng và tối biết đều là không, không nghi ngờ pháp, không cho là có thanh tịnh hay là không, quán có không vốn là một, đã biết một thì trừ một, không đối với một mà khởi tưởng, siêng lắng nghe, khéo tu tập, nhờ tu tập mà thể nhập không bờ mé, chứa nhóm ý thù thắng, chẳng nghe theo tâm, khéo phòng hộ thức không loạn động, qua lại ba cõi mà không chấp thủ, quán sát các tánh, thông đạt là không có nguồn gốc, biết không có nguồn gốc thì không cho là đủ, dùng sự không đầy đủ để tự thức tỉnh, quán các pháp đồng với không, thường trụ nơi không chấm dứt, không tưởng, pháp thường, vô thường là tối thượng, không nghĩ nhân, không dễ dãi với thế gian, không đắm trước các vật, xả bỏ mong cầu, biết rõ pháp hội họp, xa lìa, không chấp giữ, thân tan rã đều do sự dời đổi; biết pháp thượng, trung, hạ là bình đẳng, đời này và đời sau quán hai nhân như hư không, tâm không tham dục, luôn nhân từ, tu hành thanh tịnh, khéo dẫn dắt người, biết người hướng đến sự nhơ uế, đối với sự nhơ uế phải lắng cho trong sạch, tâm xa lìa ái, có thể nhảy vào lửa, dùng lửa thanh tịnh để đốt các nhơ uế, đã trừ sạch nhơ uế thì thanh tịnh rỗng rang, không nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, không xét xấu, chẳng xét tốt, không nghĩ khổ, chẳng nghĩ vui, đối với khen chê không mừng giận, tâm thể nhập thanh tịnh, mở kho tàng lớn, nhập vào Đại pháp dùng đạo lực hộ trì pháp, quán sát Khổ, Tập để siêng năng tu hành, dùng Diệt, Đạo làm ánh sáng để thấy sự dấy khởi của tất cả tánh thức, trừ hết kết sử tối tăm, ý ngừng tư duy, siêng cầu chánh niệm để thể nhập đạo, trừ sạch ba ái, bỏ bốn mất, tăng bốn thành, lìa năm ngăn che, chấm dứt sáu mạn, tu sáu hòa kính, đầy đủ sáu pháp chứng, thực hành bảy tuệ, tăng cường tám năng lực, nhổ chín kết sử, chứa nhóm chín diệt, có khả năng thanh tịnh mười thệ nguyện lớn, trang bị đủ mười lực trí tuệ rồi, không học lại mười pháp ngay thẳng, thường giữ gìn gieo trồng pháp tuệ, tôn kính Tam bảo, dùng pháp thí không cùng tận, đối với các pháp có thể thực hành đầy đủ, thể nhập không vướng mắc, hội nhập Không, chẳng biếng nhác, bỏ ý niệm không có ngã, tưởng không có ngã, chấp không có nhân, không lường xét, tịch tĩnh như diệt độ.

Đó là một trăm ba mươi lăm pháp thực hành để thành tựu định ý Thành cụ quang minh.

Khi Đức Phật giảng nói giới pháp định ý Thành cụ quang minh này, ba mươi vạn Bồ-tát đạt được đầy đủ công đức của định ý này, kiến lập địa thứ mười, Thiện Minh chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh, năm trăm người cùng đi tâm rất vui mừng đều phát tâm Vô thượng độc tôn bình đẳng, bốn mươi vạn Bồ-tát đều an trụ hạnh không thoái chuyển, năm vạn người đã diệt trừ điều ác đều chứng đạo Vô sở trước, cư sĩ, nữ cư sĩ giữ năm giới gồm hai ngàn người đều đạt được quả vị Tu-đà-hoàn, chư Thiên ở giữa hư không trổi âm nhạc khen ngợi:

–Lành thay! Chúng sinh ở thế gian đạt được pháp cốt yếu tối thượng, những ai ở trong tối tăm, nhơ uế hôm nay đều được mau chóng trừ sạch, như nước sạch rửa nhơ uế, nay nghe được pháp lớn, tâm ô nhiễm tiêu trừ, nguyện khiến bánh xe pháp thường vận chuyển, khiến cho tất cả mau đạt được tuệ vi diệu. Chúng con thường gặp Đấng Thiên Tôn, khởi tâm chẳng xa lìa, mau đạt được định ý Thành cụ quang minh, sẽ giảng nói trong giáo pháp rộng khắp, chiếu soi nơi tăm tối, như hôm nay trong đại hội này đã kiến lập vô số nguồn gốc đạo. Thiện Minh bạch Phật.

–Hôm nay, được nghe Đấng Thiên Tôn giảng định ý này, tự tâm con thanh tịnh quán sát, con không có tâm thông tuệ nên không biết rõ nơi nào, đối với con bên trong bên ngoài cũng đều như vậy. Đức Phật bảo:

–Này Thiện Minh! Ví như căn nhà tối, cầm ngọn đuốc vào thì không thể biết bóng tối đi đâu, nếu có thể thực hành trọng vẹn pháp định ý này thì cũng không thể biết, không thể rõ sự biến mất của mười hai nhân duyên. Này Thiện Minh! Chẳng phải chỉ như vậy mà thôi, còn không thể thấy xứ sở của sự khởi diệt sinh tử khắp mười phương, cho đến Tu-đà-hoàn, La-hán, Duyên giác, Phật, đến cả Như Lai đều không thấy có tưởng, thấy hay chẳng phải thấy vậy, do không có đối tượng để tưởng, tất cả tưởng thanh tịnh, dừng ở tưởng thanh tịnh cũng chẳng dừng ở tưởng thanh tịnh. Đó là cái thấy rỗng không, không có đối tượng để thấy.

Thiện Minh thưa:

–Bạch Đấng Thiên Tôn! Thế nào là không dừng ở tưởng thanh tịnh là thấy rỗng không, lúc này tâm ở đâu, đối tượng thấy thế nào?

Đức Phật nói:

–Này Thiện Minh! Bấy giờ tâm không ở trong cũng chẳng ở ngoài, không phải đạo cũng chẳng là thế tục, không có cũng chẳng không, không khởi không diệt, cũng chẳng ở nơi sự lay động. Tâm này không nguồn gốc, giới hạn, không tiếng vang, rõ hết gốc ngọn, nên thấy như vậy, thấy vậy chính là thấy, là rỗng không, là diệt, pháp định ý đều là không thật có, nhờ sự thấy này mà Bồ-tát nên quán sát niệm, trừ ý niệm thì thanh tịnh. Quán sát ý niệm này rồi chính là thành tựu giáo pháp định ý Thành cụ quang minh vậy. Pháp này không thể nắm giữ, hàng Bồ-tát nghe được tên pháp này chớ sợ, chớ nghi, nên tư duy chân thật pháp này, không thoái lui, không biếng nhác, đây là được năng lực oai thần của định ý này hộ trì.

Này Thiện Minh! Những ai muốn học pháp này nên làm bốn việc thì thể nhập vào nẻo không còn kiến chấp.

Những gì là bốn?

1. Không có thân.

2. Không có nhà cửa.

3. Không có thế gian.

4. Không có của cải.

Những ai có thể làm như vậy thì được thể nhập bốn điều cốt yếu.

Những gì là bốn điều cốt yếu?

1. Cốt yếu về Phật.

2. Cốt yếu về Pháp.

3. Cốt yếu về Không.

4. Cốt yếu về Diệt.

Đó là bốn điều cốt yếu.

Khi ấy, Đức Phật khen ngợi:

Không người, không ngã tưởng
Cũng chẳng không thông tuệ
Không chấp mười hai nhân
Đó là thành tựu định.
Pháp định này vốn không
Chẳng có nơi kiến lập
Thương đời hiện tên gọi
Rỗng lặng hợp oai nghi
Tâm người và ý thức
Khởi ba pháp như vậy
Thực hành, thành định ý
Không khởi cũng chẳng diệt.
Rỗng không, thành tựu Địa
Đoạn trừ khổ sinh tử
Thảy không còn dấu vết
Là hợp tu định ý.
Chúng sinh nương tướng chuyển
Tà kiến chấp danh pháp
Tham cầu lợi, tưởng thường
Trói buộc vô số kiếp.
Tu hành thường ngăn ngại
Lo buồn, ý mê hoặc
Bốn biến như hình bóng
Qua lại chưa hề dừng.
Tu định không chỗ nương
Quán chánh, không chấp danh
Tham tưởng diệt, được diệt
Bỏ trói buộc, an tịnh.
Tu tịnh, chẳng mê hoặc
Phiền não, biết là không
Chấm dứt sinh, già, bệnh
Không còn khởi lo buồn.
Mắt tuệ đã sáng rỡ
Trí vốn không giới hạn
Thông tuệ, đến bờ kia
Tu định, được như vậy.
Trăng sao sáng ở đời
Mặt trời chiếu Côn lôn
Và cung điện Thích, Phạm
Định này sáng hơn thế.

Đức Phật bảo Thiện Minh:

–Thuở xưa, cách đây vô số kiếp, có Đức Phật hiệu là Tôn Phục Dục Vương, Đức Phật sống lâu mười vạn năm, chẳng phải ở phía Nam nước Thiên Trúc này, mà chỗ Đức Phật ấy cư trú là trời Tịnh diệu, phương Bắc ngày nay. Cõi nước đó cách đây ba vạn ức cõi Phật. lúc Đức Phật Tôn Phục Dục Vương trụ thế, dân chúng sống lâu hai vạn năm, Đức Phật luôn có sáu mươi vạn đệ tử, chúng Bồtát không thể tính kể, dân chúng an lạc, cùng nhau tu giới đức và hạnh Hiền thánh vì muốn giảm bớt ba điều nhơ uế.

Bấy giờ, hàng Bồ-tát khắp mười phương trong đại hội của Đức Phật ấy đều thọ trì, giảng nói định ý Thành cụ quang minh này, thành tựu đầy đủ Phật sự.

Lúc ấy, có vị trưởng giả tên Mẫn Kiến, năm trăm tuổi, còn là thiếu niên đối với dân chúng nước ấy. Được nghe đại hội của Đức Phật, Mẫn Kiến xin cha mẹ được đi đến chỗ Đức Phật để quán sát, tu tập chánh pháp của Phật. Cha mẹ cho phép, Mẫn Kiến liền đến yết kiến Đức Phật, kính lễ sát đất rồi đứng ngay thẳng, tâm rất vui mừng cởi chuỗi ngọc đủ loại báu quý giá trên thân dâng lên Đức Phật. Đức Phật dùng oai thần, lập tức biến hóa thành lọng hoa che trên đại chúng và khiến tất cả chúng hội đều an tọa rồi giảng nói pháp định ý Thành cụ quang minh. Thiếu niên ấy tâm càng vui mừng, liền phát nguyện:

–Nguyện con sinh ra ở đâu cũng thường được gặp định ý Thành cụ quang minh này, tu hành mau chóng, giới đức không giảm sút.

Lúc ấy, thiếu niên kia dùng tất cả châu báu để bố thí rồi phát nguyện như trên, do vậy, đời đời được nghe nhận pháp này.

Này Thiện Minh! Ông biết thiếu niên lúc đó là ai không? Là ông đó. Nay ta ra đời, ông lại gặp được định ý này. Từ nay về sau, không bao lâu nữa, khi đạt được trí tuệ, hai trăm kiếp sau, ông sẽ thành Phật, hiệu là Đạo Thế Vương, là bậc tôn quý bậc nhất trong chư Thiên và cả thế gian, sẽ giáo hóa cho người tăm tối giống Như Lai hôm nay.

Nghe Đức Phật thọ ký và ban danh hiệu cho mình, tâm Thiện Minh thanh tịnh, thân nhẹ nhàng, ví như lưu ly trong ngoài tinh khiết không hề nhơ uế, dù đem nó đặt để bất cứ đâu, về sau tâm Thiện Minh thanh tịnh như vậy. Nếu khi đạt được như thế thì được mười pháp tịch tĩnh:

1. Tịch tĩnh không bị kiến chấp lay động.

2. Đối với các phiền não thường đầy đủ tịch tĩnh.

3. Đối với các tưởng, tịch tĩnh không tưởng.

4. Đối với các niềm vui của thế gian và các việc xoay vần liên tục, tịch tĩnh mà xả bỏ hết.

5. Đối với đức, chẳng phải đức đều tịch tĩnh không mong cầu, nhớ nghĩ, cũng chẳng nghĩ là không.

6. Pháp thiện, pháp ác tịch tĩnh không chấp thủ.

7. Người khiêm cung, bậc Hiền thánh, tịch tĩnh không mong cầu.

8. Cúng dường, xả bỏ, tịch tĩnh không vui buồn.

9. Đối với tất cả như pháp hay chẳng như pháp đều tịch tĩnh, đồng với nguồn gốc.

10. Thể nhập tịch tĩnh đối với những nơi bất tịnh, dùng pháp giáo hóa, tịch tĩnh, không chấp giữ, phân biệt, không có ý niệm nhàm chán, xả bỏ, nên dùng tâm như vậy.

Thiện Minh thưa:

–Bạch Đấng Thiên Tôn! Thế Tôn trao pháp cốt yếu cho con, con sẽ giảng nói khắp tất cả để báo ân, khiến người chưa nghe được nghe, người chưa biết được biết, người chưa độ được độ. Con đã nhiều lần sinh tử, tuy nhiều tuy lâu nhưng chẳng vì thế mà mệt mỏi, đã không chấp trước, đã giác ngộ, đã chí thành, đã không mê hoặc, đã có thể vào hàng ngũ này thì tùy nhân duyên mà thị hiện. Con không xem sinh tử là sinh tử, đã nhận được oai thần của Phật rồi, con đều hiểu rõ và sẽ cùng tu với năm trăm vị này. Cúi xin Đấng Thiên Tôn ban đại Bi nơi bốn tâm bình đẳng để dẫn dắt thể nhập giáo pháp, khiến con mau đạt được định ý Thành cụ quang minh này.

Bấy giờ, Đức Thiên Tôn mỉm cười, chúng hội đều thấy ánh sáng từ miệng phát ra, có năm màu sắc rực rỡ chiếu khắp mười phương, những ai đang đau khổ thì đều được an lạc, rồi ánh sáng ấy trở về đỉnh đầu như thường lệ.

Tôn giả A-nan sửa y phục, ngồi sang một bên chắp tay thưa:

–Đức Phật chưa từng cười vô cớ, Phật cười chắc là có nguyên do. Cúi xin Đức Như Lai giảng nói cho những người chưa nghe được nghe.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói kệ:

Tôn nhan Phật đẹp đẽ
Mặt, mũi, miệng trang nghiêm
Thân vàng ròng đẹp tuyệt
Phật cười, do nhân gì?
Trong miệng, răng trắng muốt
Môi đỏ như ánh lửa
Tám mươi tướng tốt đẹp
Cười chắc có nguyên do.
Răng bóng, bốn mươi chiếc
Lưỡi rộng phủ khắp mặt
Lời nói thoảng hương thơm
Phật cười, ai thành tựu?
Lông mi, râu xanh biếc
Hai mí mắt cân đối
Chính giữa tướng Bạch hào
Phật cười, ai mong nghe?
Thiên nhãn đã thông suốt
Đạo nhãn đã tròn đầy
Pháp nhãn cùng Tuệ nhãn
Bốn nhãn này đều đủ.
Cười ắt có cảm hứng
Giáo hóa người chưa chứng
Hoặc Phật sẽ thọ ký
Nên cười, rạng tôn nhan.

Đức Phật bảo:

–Này A-nan! Như Lai cười chân thật không hư dối. Năm trăm Hiền sĩ đi theo Thiện Minh, đời trước đã cúng dường hai trăm ức Đức Phật, đã ngồi nơi ấy, nghe một trăm ba mươi lăm hành của tuệ Thành cụ quang minh này. Từ khi mới được nghe, trải qua nhiều đời, họ thường kiên cường dũng mãnh, chứa nhóm nhiều điều thiện nhỏ, nhưng chưa thể hàng phục tâm để thọ trì hạnh của định ý tối thượng vi diệu thanh tịnh này. Tuy vậy, nhưng nhờ công đức được nghe, họ sinh bất cứ nơi đâu cũng thoát khỏi ba đường ác, thường được gặp pháp định ý tôn quý này. Hôm nay đến trong hội này, họ chú tâm nghe nhận, hiểu rõ cặn kẽ, thể nhập chân lý. Vào đời Đức Phật Từ Nhân, họ sẽ chứng đắc định ý Thành cụ quang minh này, sau ba mươi sáu vạn ức kiếp đều sẽ được thành Phật, lại dùng pháp này để giáo hóa, mỗi vị đều có một cõi nước, đều có danh hiệu là Tràng Tiết Bố Diệu Vương, lại tên Đại Quang Biến Hiển, Đại Thế Phục Ác, Mãnh Thạnh Oai Đức, Lưu Thủy Tịnh Âm, Cao Đức Phổ Tiếp, Cảnh Hiện Trừ Kiết và Hóa Huyễn Tự Tại, tên mỗi vị đều như vậy.

Bấy giờ, năm trăm hiền sĩ nghe Đức Phật thọ ký nên rất đỗi vui mừng, chứng đắc năm tâm không thoái chuyển:

1. Cúng tế cầu được phước tâm không lay chuyển.

2. Tất cả năm vị đều có thể nếm, đều là thân mạng của chúng sinh, không hề lay chuyển làm hại chúng sinh để làm ngon miệng mình.

3. An trụ chân chánh nơi hạnh Vô thượng độc tôn, không bao giờ lay chuyển, xả bỏ đạo nhỏ.

4. Biết pháp là tôn quý không gì sánh bằng, siêng năng tu hành, tuy có pháp khác hư vọng, xen lẫn nhưng tự mình dùng tâm pháp quán sát không hề lay chuyển.

5. Giả sử đời có Phật hay không có Phật, pháp hưng thịnh hay pháp suy tàn hoặc chấm dứt, tâm vẫn trụ nơi định ý, không vì chẳng có ngôi Tam bảo mà lay chuyển, làm theo nghiệp tà.

Đó là năm tâm không lay chuyển.

Khi thấu đạt được ý nghĩa tâm pháp này, chư vị ấy đều quỳ trước Đức Phật thưa:

–Đức Như Lai thương xót chúng con nên trao cho chúng con danh hiệu Phật, chúng con sẽ báo đáp ân này. Về sau, nếu có sinh vào đời tệ ác, chúng con sẽ siêng tu chân chánh, giữ gìn, tuyên nói pháp tôn quý, giáo hóa người chưa biết, người loạn động khiến chân chánh, người biếng nhác khiến siêng năng, người thoái lui khiến gắng sức, người chao đảo thì nâng đỡ, người thiếu sót thì bổ sung, người tăm tối thì chiếu ánh sáng, người kết sử khiến giải thoát, người sát sinh thì nói tai họa chết yểu, người trộm cắp thì nói sự nghèo khổ, bần cùng, người dâm dục thì nói họa của thân, người nói lời thêu dệt lừa dối thì nói tai họa của sự tiêu diệt tánh, người say sưa thì nói sự suy biến của thân.

Hôm nay, ở trước Đức Phật chúng con xin phát năm lời nguyện, tu hành hạnh Bồ-tát cho đến khi thành Phật không bao giờ dừng nghỉ. Cúi xin Đức Phật thương xót chúng con mà chấp nhận những lời nguyện này.

Nguyện thứ nhất: Chúng con tu tập hạnh Bồ-tát khiến thân mau được biến hóa khắp mười phương. Nếu gặp đời không có Phật, bốn chúng đệ tử hoặc người biết pháp tin là thật có Phật đã diệt độ, người ở thế gian thì sinh tà kiến, lưới nghi, không biết Phật cũng chẳng biết pháp, liền nói không có Phật, chỉ có hư vọng mà thôi, nếu xét có Phật sao không thấy oai thần của Phật? Hai bên tranh cãi như vậy, trong lúc tranh cãi, chúng con liền đến giáo hóa, thị hiện thân Phật, tướng tốt chiếu sáng, lại biến hóa oai thần trước hai người tranh cãi, khiến họ thấy liền tin có Phật, rồi lại nói: “Các ông chớ nghi ngờ!” Người nghi ngờ này liền kinh sợ, vui mừng. Nhờ đây, chúng con thuyết pháp, dạy cho họ được giải thoát, rồi họ lại đi giáo hóa, như vậy không cùng tận.

Nguyện thứ hai: Đức Phật có mười hai bộ loại kinh cốt yếu, vô lượng pháp môn rất sâu xa vi diệu, sau khi Đức Như Lai diệt độ, mỗi đệ tử học một kinh, chỉ biết một quyển mà không thể biết hết, chưa hiểu sự bình đẳng về phương tiện của bốn thuyết, liền vấn nạn lẫn nhau, hoặc nói không, hoặc nói có, nói nghĩa này như vậy, nghĩa này không như vậy. Người thật biết nghĩa của pháp thì nói về tướng mạo của từ ngữ, người không hiểu ý nghĩa thì tham danh tự, trau chuốt hình dáng, nếu thông suốt liền vào trong chúng hội, hai bên tranh cãi, sân hận, bỏ thiện theo ác. Lúc họ đang tranh cãi, chúng con sẽ đến, hiện thân biến hóa vượt hơn chúng hội khiến họ im lặng không còn tranh cãi, những người ấy đã chân chánh rồi, chúng con giảng nói kinh pháp khiến họ đều vui mừng, rồi họ lại đi giáo hóa, như vậy không cùng tận.

Nguyện thứ ba: Sau khi Đức Phật diệt độ, những người thế tục, ngoại đạo và trong đại chúng đệ tử Đức Phật, hàng đệ tử Phật bàn luận giảng nói về ý nghĩa của pháp, phân biệt tà, chánh của các đạo, thứ lớp cao thấp, liền cho rằng trong chín mươi sáu đạo, Phật là tôn quý nhất, Ngài có bốn thần thông, bay đi biến hóa. Chư Thiên, nhân gian không thể bằng trí của Phật. Người ở thế gian không thấy Phật, theo tà kiến tin theo pháp nhỏ, bỏ pháp lớn, liền nói với đệ tử Phật: “Các ông chớ nói dối, cho rằng Phật có thần thông, bay đi biến hóa. Từ xưa đến nay trong loài người không ai được như vậy.” Lúc họ đang nói điều này, chúng con hóa làm thân tướng Đức Phật, thị hiện các tướng tốt, biến hiện thần thông, đi giữa hư không, thân phát ra lửa, nước, khiến các người thế gian ngoại đạo kinh sợ, khi họ thấy được sự biến hóa thần thông rồi, chúng con thuyết pháp cho họ, trao chánh giới, rồi họ lại đi giáo hóa, cứ như vậy không cùng tận.

Nguyện thứ tư: Nếu người đọc tụng kinh Phật, ở một mình nơi nhà trống hoặc ở núi non, hoặc dân chúng, trưởng giả tôn quý ở nước lớn mà không có thầy dạy pháp hoặc thầy không sáng suốt, không có ai để thưa hỏi, tâm luôn nghi ngờ, chúng con sẽ hóa làm người dẫn dắt đi đến những nơi ấy, giảng rõ từng câu, phân biệt rõ ràng, khai mở tâm nghi ngờ khiến họ hội nhập vào pháp vi diệu, không còn nghi ngờ, rồi họ lại đi giáo hóa, cứ như vậy không cùng tận.

Nguyện thứ năm: Nguyện sinh ở cõi nước nào cũng được gặp Phật, sau khi Đức Phật diệt độ, hàng đệ tử xây tháp tạo hình tượng Phật và dựng giảng đường bàn luận ý nghĩa kinh pháp. Nếu người thế tục ít học hỏi, kém trí tuệ, bị trói buộc bởi bốn điên đảo, nghe đệ tử Đức Phật giảng nói pháp xuất thế, cốt lõi của sinh tử, liền đến vấn nạn, không tin pháp chân chánh, chê bai, chỉ trích, tham danh cầu lợi, hoặc còn sân hận muốn đến phá hoại, lấn hiếp, mắng nhiếc, khinh thường khiến họ khó đến được chánh đạo, không thể tu hành. Đang lúc này, chúng con liền biến hóa hiện thân Phật, giảng nói pháp tuyệt diệu cho họ, hiện bày sự sinh tử, tai ương, phước đức ứng hợp với họ, đem họ đến cõi trời để xem phước đức, dẫn đến địa ngục để thấy tội báo, dùng oai thần của pháp để làm cho họ chấn động, dùng diệu lực của trí để hàng phục khiến những người ấy được hàng phục, tin theo đạo lớn, rồi lại đi giáo hóa, cứ như vậy không cùng tận. Chúng con tu đạo Bồ-tát như thế cho đến khi thành Phật, luôn thực hành năm lời nguyện này không hề ngừng nghỉ. Cúi xin Đức Thế Tôn dùng ân phước lớn để che chở, hộ trì cho chúng con khiến chúng con đạt được chí nguyện.

Bấy giờ, Đức Phật nói:

–Lành thay! Những lời nguyện này, những ai muốn thành tựu Bồ-tát thì nên nhớ nghĩ, từ nay về sau chắc chắn không mất di. Các ông nên thường hộ trì tu hạnh này, chớ để đoạn dứt, siêng tu tất cả mới mau đạt được chí nguyện này.

Đức Phật nói kệ:

Khởi tâm nguyện rộng lớn
Dùng năm nguyện giáo hóa
Vô số kiếp sẽ thành
Người nghi được vào đạo.
Đức này chẳng thể lường
Tu tập các hạnh lành
Nếu người nghe nguyện này
Lưới nghi được trừ sạch.
Năm nguyện là Phật địa
Giáo hóa hợp với đạo
Tuệ lớn, chẳng thể sánh
Nguyện này vượt loài người.
Năm trăm bậc Hiền sĩ
Phát nguyện ít ai bằng
Đời sau chẳng thể mất
Tất cả phước an vui.

Đức Phật bảo các Hiền sĩ và tất cả chúng hội:

–Pháp này là chân thật, nên phụng hành, nên lấy pháp này làm căn bản, nên nhẫn nhục không làm ác, không dùng lời dối trá, trau chuốt mà giảng pháp. Nếu ở nơi thanh vắng hoặc ở nơi tôn ty trong chúng hội thì bên trong nên chế ngự tâm mình khiến đúng như giới pháp, không vì ở nơi thanh vắng mà làm trái, không vì ở nơi chúng hội mà tự cao, không xem sự tôn vinh làm cao quý, không vì sự thấp hèn mà lay chuyển, không hổ với thiện, không thẹn với ác, không làm các việc vô ích, tâm như chánh pháp không bị lay động, chẳng tạo tác các niêm tăng hay giảm. Các Bồ-tát như vậy là đạt được căn lành của năm nguyện, mau chóng thành tựu quả vị Phật.

Bấy giờ, Bồ-tát Vô Uế Vương đang ngồi một bên liền quỳ gối thưa:

–Bạch Thế Tôn! Hôm nay cúi xin Đức Như Lai thị hiện oai thần của định ý Thành cụ quang minh này, khiến tất cả chúng hội được thấy rồi vui mừng, đều sẽ phát tâm kiến lập cội công đức này, những người chưa thành tựu được thành tựu, những người chưa độ được độ.

Khi ấy, trong chúng hội có vị Bồ-tát tên là Đại Lực Phổ Bình, Đức Phật bảo vị Bồ-tát này thị hiện oai thần của định ý Thành cụ quang minh. Bồ-tát liền vâng lời, nhưng vẫn ngồi yên không lay động, thể nhập vào định ý tịch tĩnh, trong khoảng khảy móng tay, các cõi nước trong tam thiên đại thiên thế giới, các núi lớn nhỏ, các núi chướng ngại lớn nhỏ, thảy đều biến mất, tất cả đều bằng phẳng, có màu lưu ly xanh biếc, lại khiến các cõi Phật khác ở khắp mười phương đều thông suốt, cùng thấy rõ nhau, cùng cách xa mà như cách một tầm vậy, quán sát nơi cư trú của chư Phật khắp mười phương như xem các vì sao, không thể tính toán được, lại dùng tay phải nâng tam thiên đại thiên thế giới chư Phật khắp mười phương đặt lên một ngón tay rồi nâng lên hạ xuống như nâng một hạt bụi, nhân dân và chúng sinh trong nước ấy không hề hay biết cũng chẳng có ý niệm sợ hãi.

Bấy giờ, Bồ-tát ấy lại đem các cõi nước của tất cả chư Phật khắp mười phương để trong đồ đựng vuông vức một thước mà không chật hẹp, biến hiện xong rồi trở lại như cũ. Tất cả chúng hội đều thấy như vậy nên rất đỗi vui mừng, cùng phát nguyện lớn, tâm họ đều an trụ nơi địa Vô thượng độc tôn, tám trăm vạn Bồ-tát và chư Thiên đều được định tuệ an lạc, sáu mươi vạn người đều thể nhập pháp môn giải thoát, sáu vạn tám ngàn người chứng đắc định ý Thành cụ quang minh này, các Bồ-tát mười phương tất cả đều hoan hỷ.

Đức Phật bảo:

–Này Thiện Minh! Những ai tu học định ý Thành cụ quang minh này nhưng vì ở nơi mê hoặc, chấp có, vì chấp có nên ô nhiễm, tăm tối, vì chấp thủ nên ví như trong đêm tối lại nhắm mắt mà đi nên chẳng thấy gì. Người không thể thấy nên nay thọ thân thiện hay ác là do nhân đời trước đã tạo, vì không hiểu biết nên kêu la gào khóc cho rằng đời này làm thiện mà lại nhận tội ác, hoặc đời trước làm ác lại được phước lành, không tư duy rõ nguồn gốc này, bị buộc chặt vào lưới nghi; do ở nơi lưới nghi nên có khả năng học cũng chẳng muốn học, có thể siêng năng cũng chẳng muốn siêng năng, có thể hội nhập cũng không muốn hội nhập, do đó mất định này, ở trong buồn khổ, lo âu nhiều kiếp từ xưa đến nay không hề ngừng nghỉ, gọi là sự vận hành khổ nhọc.

Này Thiện Minh! Như Lai ra đời mục đích vì những người mê muội, những ai tu học chánh định này thì dù đó là loài sinh tử, ý niệm mê hoặc đi nữa cũng mau được diệt trừ, lại có thể dẫn dắt tất cả các chúng sinh tham chấp. Này Thiện Minh! Hãy luôn tư duy về pháp Không, chớ trụ nơi mê hoặc.

Thiện Minh thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có Hiền sĩ sinh ở trong dòng họ thống lãnh các quan chức hoặc làm việc nước, tâm nhiều phiền loạn không thể chuyên nhất, muốn học định này thì nên làm thế nào?

Đức Phật nói:

–Hiền sĩ có nhân duyên làm quan hoặc ở nơi chẳng yên ổn muốn học định này mà không thể giữ gìn tâm thì nên biên chép kinh này để cúng dường, thiết lập lầu gác, đốt hương kính lễ, trong triều có người nhập định thì trong ba thời luôn cúi đầu làm lễ, chí tâm khẩn cầu, lại nên thực hành mười lăm việc:

1. Không sát sinh.

2. Phóng sinh.

3. Không trộm cắp.

4. Bố thí cho người khác.

5. Không dâm dục.

6. Tránh xa hương và sắc.

7. Không lừa dối.

8. Nói lời ngay thẳng an lành.

9. Không uống rượu.

10. Không tặng rượu cho người khác.

11. Giúp đỡ những người ốm yếu không để họ chết oan uổng.

12. Gặp người sắp sinh thì gia tâm Từ bi khiến họ được vẹn toàn.

13. Nghe nhận thệ nguyện rộng lớn, dùng giáo lý chân chánh để giáo hóa tất cả không để sót mất.

14. Có ai đến quy y thì bình đẳng dạy bảo ứng hợp với pháp luật khiến chẳng sai trái.

15. Dùng phương tiện thiện xảo làm tối thượng, bố thí khắp dân chúng, trọn đời không biếng nhác. Tu hành mười lăm giới này chẳng được buông bỏ, đây cũng là ứng hợp với giáo pháp định ý, chắc chắn không sót mất, về sau mãi mãi được giải thoát.

Thiện Minh thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có người phàm phu bị tội báo đời trước lôi kéo, ở nơi không an ổn, bị cột trói quản thúc, nhưng có chí nguyện đối với định ý Thành cụ quang minh này nhưng lại không được làm theo ý muốn, muốn tu học định ý này thì phải làm sao?

Đức Phật bảo:

–Này Thiện Minh! Người phàm phu ấy nếu chí tâm muốn học thì cũng như trên đã nói, biên chép kinh này, xây dựng lầu đài, đốt hương kính lễ, suốt ba thời nên tu hành thêm mười việc:

1. Giữ gìn năm giới không thiếu khuyết.

2. Nên dùng thời gian nhàn hạ mà siêng năng tụng niệm định ý này.

3. Tuy làm nhiều việc mà trong tâm luôn nhớ nghĩ khiến chẳng quên mất.

4. Dù ở nơi chốn khổ sở lao nhọc, nên biết là do hành động đời trước đã tạo mà không hề sân hận.

5. Nếu ở nơi không có hình tượng Phật, không thể xa lìa chúng xấu ác thì tâm luôn ghi nhớ, hướng về bốn phương làm lễ, như đối trước Đức Phật không khác.

6. Cẩn trọng nhu nhuyến, điều hòa tâm ý, khiêm hạ đối với tất cả.

7. Mọi việc làm đều tới nơi tới chốn, không hư dối.

8. Làm lợi ích cho bạn bè, không yêu quý sức lực của mình.

9. Nếu thấy người già yếu, tật bệnh khổ sở thì nên thương xót giúp đỡ, luôn chí tâm không giả dối.

10. Nên quy y ngôi Tam bảo không hề quên mất.

Đó là mười việc. Người phàm phu tuy ở nơi chốn khốn khổ, nên tu hành mười việc này, chớ bỏ sót, chớ biếng nhác, cũng khiến giáo pháp định ý này mãi mãi không mất, về sau được giải thoát lâu dài.

Thiện Minh bạch Phật.

–Bạch Thế Tôn! Nếu có hiền nữ sinh ở trong dòng họ có duyên nghiệp với việc tại gia, không thể xa lìa, muốn học định ý Thành cụ quang minh này thì phải làm sao?

Đức Phật bảo:

–Này Thiện Minh! Người nữ có nhân duyên tại gia, chí tâm muốn học định ý này thì cũng như trước đã nói, nên biên chép kinh này, xây dựng lầu gác, cúng dường cờ hoa, đốt hương lễ bái, cúi đầu sát đất, trong ngày từ khi gà gáy, chia làm ba thời luôn lễ bái không gián đoạn, chí tâm cẩn trọng, thường nguyện xa lìa thân nữ, tâm đoạn dứt ái dục, thường như vây không hề biếng nhác, lại nên thực hành hai mươi việc:

1. Giữ mười lăm giới của bậc Hiền sĩ như trên, cùng mười giới của phàm phu không hề thiếu sót.

2. Trừ sạch tâm đố kỵ.

3. Giảm bớt sự ưa thích vòng đeo trang sức.

4. Bỏ trang sức phấn sáp.

5. Không buông lung.

6. Y phục đơn giản, không xa hoa cầu kỳ.

7. Chăm lo trong nhà, dùng tâm từ để đối xử.

8. Dịu dàng sai bảo tôi tớ, không dùng hình phạt đau đớn.

9. Giúp người neo đơn, cho y phục bình đẳng.

10. Hiếu thuận với bậc trưởng thượng, nhân từ với người dưới.

11. Nói nhỏ nhẹ từ tốn, nên tự xét mình.

12. Khiêm nhường, thành thật, thường biết hổ thẹn.

13. Làm việc gì thì biết chắc việc ấy, dùng hương thơm tinh khiết để dâng cha mẹ chồng, cúng dường ngôi Tam bảo và thầy bạn.

14. Đối với thân sơ thiện ác luôn từ bi bình đẳng, không có tướng về bốn niệm sai biệt này.

15. Nếu ở nơi phòng riêng hoặc ở nơi thanh vắng không có ai thì tâm cũng không nghĩ đến tham dục.

16. Đoan chánh, chuyên nhất, tâm luôn trụ nơi pháp.

17. Muốn bố thí làm phước báo tôn quý sau đó mới thực hành.

18. Tâm không tự chuyên nhất, thường dùng sự tùy thuận để nhắc nhở bản thân mình, khiến như Chánh pháp.

19. Trọn đời không có ý niệm tà nhìn qua tường thấp.

20. Đứng ngồi, nói năng không hề đùa giỡn, thường ứng hợp với pháp luật không hề xem nhẹ.

Đó là hiền nữ tại gia tu hành pháp chánh định, như vậy chớ để sai sót, công đức được dần dần đầy đủ, về sau được giải thoát lâu dài.

Thiện Minh thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có người nữ dòng họ thấp hèn, tánh thích làm điều thiện nhưng nhà nghèo khổ, làm việc cực nhọc, lo lắng về y phục, ẩm thực, chẳng được tự do, bên trong nhàm chán tội lỗi muốn mau được giải thoát, nghe pháp định ý Thành cụ quang minh thanh tịnh tôn quý này, chí tâm muốn tu hành thì nên làm thế nào?

Đức Phật nói:

–Này Thiện Minh! Những người nữ ở nhà nghèo nàn muốn tu học định này, tuy không thể thực hành đầy đủ pháp chân thật này nhưng nên tu tập theo mười việc sau, chớ làm trái:

1. Gần gũi bạn hiền, giữ gìn năm giới không hề thiếu sót.

2. Tuy bị đói lạnh nhưng nhẫn nhục không hề sát sinh trộm cắp, tự mình làm cho no ấm.

3. Tuy ở một mình vẫn không tà dâm, luôn rèn luyện tâm ý.

4. Tuy nghèo khổ vẫn nhẫn chịu không mong cầu tài sản.

5. Đối với rượu, thức ăn, ca múa nên nhẫn chịu không hề nhớ đến.

6. Tôn kính thực hành pháp định này.

7. Luôn thực hành năm tâm thiện:

- Nhớ nghĩ tâm bố thí.

- Tâm cung kính.

- Tâm lễ tiết.

- Tâm khiêm hạ đối với tất cả.

- Tâm hàng phục các trạng thái.

8. Tuy đang làm việc nhưng tâm luôn nhớ nghĩ đến pháp này không biếng nhác.

9. Sáu ngày chay nên vào tháp lễ bái ngôi Tam bảo.

10. Tuy không có tiền của để bố thí nhưng thường đích thân quét dọn tháp miếu, đem nước sạch cúng dường chúng Tăng, tắm rửa sạch sẽ dùng sức lực để bố thí, siêng năng không nhàm chán.

Đó là mười việc mà người nữ ở nhà nghèo khó nên tu tập, không hề biếng nhác, thời được cao vời, sinh ra liền gặp Phật, thường gặp pháp định ý, về sau được giải thoát lâu dài.

Đức Phật bảo:

–Này Thiện Minh! Như Lai đã giảng nói rõ về bốn loại giới pháp của hiền nữ phàm phu, hiền nữ quý tộc, hiền nữ dòng họ thấp hèn và những ai ưa thích hạnh này, nêu đích thân thực hành không thiếu sót thì phước đức của người ấy khó ví dụ được.

Này Thiện Minh! Ví như có người dùng bảy báu đầy khắp mười phương lên đến tầng trời hai mươi tám để bố thí, trăm ngàn kiếp không ngừng nghỉ, so với công đức của bốn hạng người tu hành bốn phẩm pháp của định ý Thành cụ quang minh này thì phước đức người tu hành lớn hơn vạn ức lần. Vì sao? Vì phước bố thí ấy có chấm dứt, có khổ đau, có đến đi, có phiền não, có ăn uống, tu hành định ý Thành cụ quang minh này thì không có năm việc trên, tịch nhiên thanh tịnh, diệt trừ tất cả. Đây gọi là pháp tôn quý bậc nhất, là thù thắng vậy.

Này Thiện Minh! Nên giảng nói rộng rãi giới này, khiến cho tất cả đều được nghe nhận, thọ trì theo, hàng Bồ-tát cũng nên khuyến khích, ủng hộ họ.

Đức Phật bảo:

–Này Thiện Minh! Sau khi Như Lai diệt đô, có người tu hành định ý Thành cụ quang minh này và biên chép, thọ trì, cúng dường, đảnh lễ kinh này thì sẽ có mười hai vị đại Thiên thần ủng hộ, khiến không bị quấy nhiễu, luôn giàu có, ở nơi yên ổn, không bị kẻ ác làm thương tổn. Nay Như Lai sẽ nói tên các vị thần này cho ông, những ai bị tai nạn lửa, nước, giặc giã, đao binh mà đọc tụng kinh điển này thì không bị nguy hiểm làm hại, mười hai vị Thiên thần liền đến ủng hộ, không bao giờ bị tai ương. Như Lai không nói sai vậy, nên giảng nói kinh này rộng rãi khiến tất cả chúng sinh được đọc tụng, tu tập. Mười hai vị thần là: Thần Đại Hộ, thần Phước Cứu, thần Hựu Chúng, thần Bất Ách, thần Thiện Tướng, thần Quang Minh, thần Đạo Giới, thần Bạt Khổ, thần Đại Đô, thần Độ Ách, thần An Ẩn và thần Phổ Tế.

Này Thiện Minh! Đó là mười hai vị Thần, họ lại nguyện với Như Lai là hộ trì người nào tu tập pháp này, nơi nào có pháp định ý Thành cụ quang minh này lưu hành thì họ sẽ khiến có năm việc thanh tịnh:

1. Khiến tòa cao tôn trí kinh này được thanh tịnh.

2. Đốt hương quét đất khiến được thanh tịnh.

3. Y phục được thanh tịnh.

4. Tâm, miệng, ý thường thanh tịnh.

5. Khi đọc tụng kinh, trước cúng nước trong sạch, rửa tay súc miệng thường khiến thanh tịnh.

Đó là năm việc.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Như Lai đem pháp định ý Thành cụ quang minh này giao phó cho ông, khéo biên chép kinh này cẩn thận chớ để thêm bớt, siêng năng giáo hóa tất cả chúng sinh khiến họ mau được giải thoát. Này A-nan! Kinh này rất khó gặp. Vì sao? Vì đây là kinh cốt yếu phát xuất từ sáu pháp Ba-la-mật, mới được thể nhập Chánh định, là một trăm ba mươi lăm hạnh này, trong đây có lời giáo hóa, có lời dạy khiêm nhường, có lời dạy nhẫn nhục, có lời dạy lễ tiết, có lời dạy về các pháp thiện, có lời dạy về pháp không cho đến chốn diệt độ, có đầy đủ tất cả. Tướng tốt và năng lực trí tuệ của thân Phật đều từ pháp này phát ra, là pháp tôn quý, cao thượng, đoạn trừ sinh tử, gọi là pháp không thể so sánh được. Như Lai lại giao phó cho ông, là đem sự chân thật để trao, nên thông đạt điều này, Như Lai xuất hiện ở đời khó có thể gặp được, pháp chân chánh cũng khó được gặp. Ông chớ nên xa lìa.

Tôn giả A-nan thưa:

–Con xin nhận lời Đấng Thiên Tôn dạy bảo.

Đức Phật giảng nói kinh này xong, các vị Bồtát từ mười phương và các Thiên thần đến kính lễ Đức Phật rồi hoan hỷ trở về nước của mình. Chúng Bồ-tát, La-hán, Trời, Rồng, Quỷ thần cùng bốn bộ chúng ở cõi Ta-bà nghe kinh này xong rất đỗi vui mừng, tất cả đều đảnh lễ Phật sát đất và lui ra.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Kinh tập][426][427][428][429][430][431][432][433][434][435][436][437][438][439][440][441][442][443][444][445][446][447][448][449][450][451][452][453][454][455][456][457][458][459][460][461][462][463][464][465][466][467][468][469][470][471][472][473][474][475][476][477][478][479][480][481][482][483][484][485][486][487][488][489][490][491][492A][492B][493][494][495][496][497][498][499][500][501][502][503][504][505][506][507][508][509][510][511][512][513][514][515][516][517][518][519][520][521][522][523][524][525][526][527][528][529][530][531][532][533][534][535][536][537][538][539][540][541][542][543][544][545][546][547][548][549][550][551][552][553][554][555][556][557][558][559][560][561][562][563][564][565][566][567][568][569][570][571][572][573][574][575][603][604][605][606][607][608][609][610][611][612][613][614][615][616][617][618][619][620][621][622][623][624][625][626][627][628][629][630][631][632][633][634][635][636][637][638][639][639][640][641][642][643][644][645][646][647][648][649][650][651][652][653][654][655][656][657][658][659][660][661][662][663][664][665][666][667][668][669][670][671][672][673][674][675][676][677][678][679][680][681][682][683][684][685][686][687][688][718][719][720][721][721][722][723][724][725][726][727][728][729][730][731][732][733][734][735][736][737][738][739][740][741][742][743][744][745][746][747A][747B][748][749][750][751][752][753][754][755][756][757][758][759][760][761][762][763][764][765][766][767][768][769][770][771][772][773][774][775][776][777][778][779][780][781][782][783][784][785][786][787][788][789][790][791][792][793][794A][794B][795][796][797A][797B][798][799][800][801][802][803][804][805][806][807][808][809][810][811][812][813][814][815][816][817][818][819][820][821][822][823][824][825][826][827][828][829][830][831][832][833][834][835][836][837][838][839][840][841][842][843][844][845][846][847]


[Mục lục tổng quát]