TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ KINH TẬP (425-847)

SỐ 546-KINH ĐỒNG TỬ KIM DIỆU

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thiên Tức Tai.


Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ.

Đúng thời, Đức Thế Tôn đắp y, cầm bát, cùng các vị Tỳ-kheo cung kính vây quanh, vào đại thành Xá-vệ, theo thứ lớp khất thực.

Có một Bà-la-môn, ra khỏi thành Xá-vệ, gặp Đức Thế Tôn. Ông ta nhìn oai nghi toàn thân Đức Thế Tôn một hồi lâu mới nói lời khen ngợi:

–Cù-đàm! Mặt Ngài sắc vàng thật đoan nghiêm tối thượng!

Đức Thế Tôn trả lời:

–Đúng thế, đúng thế! Ta đã tạo ra phước đức mới được quả báo ấy.

Bà-la-môn nói:

–Cù-đàm! Ngay đời này, tôi cũng có phước đức. Ở trong nhà, tôi sinh được một Đồng tử, dáng điệu oai nghi, tướng tốt, sắc vàng chói lọi chưa từng có, giống như Cù-đàm.

Lại nữa, Cù-đàm! Lúc Đồng tử ấy mới sinh, có việc thiện đặc biệt tốt đẹp xảy ra, làm cho tâm ý an vui nhẹ nhõm, các thức thông sáng, lanh lợi. Đó là trong sân chợt mọc ra hoa sen, suốt ngày, khắp cả phòng, hương trời tỏa ngào ngạt, tất cả mọi người đều ưa thích.

Lại nữa, Cù-đàm! Việc ấy chưa phải đặc biệt tốt đẹp, cũng chưa phải là hiếm có. Lúc Đồng tử mới sinh, lại có cây hoa Chiêm-bặc mọc ở mọi nơi, cây ấy kết hoa Chiêm-bặc trời màu vàng tía.

Lại nữa, Cù-đàm! Điềm lành đặc biệt nhất ấy cũng chưa phải là hiếm có. Khi Đồng tử mới sinh, lại có mâm vàng của chư Thiên tự nhiên xuất hiện. Trong mâm ấy, đựng đầy trăm ngàn vạn thứ thức ăn uống của trời. Dù cho mọi người ăn cũng không bao giờ hết.

Lại nữa, Cù-đàm! Những cảm ứng như thế vẫn chưa là kỳ lạ. Khi mới sinh, Đồng tử đã cất tiếng nói: “Có Đức Phật Thế Tôn và A-la-hán cùng xuất hiện ở thế gian, cho đến việc đi, đứng luôn là chỗ suy nghĩ.”

Bà-la-môn nói những điềm lành của Đồng tử ấy rồi, thưa với Đức Phật:

–Ngài hãy đến nơi ấy để gặp Đồng tử.

Đức Thế Tôn lặng lẽ đi đến nhà kia, lúc sắp bước vào nhà, ngay khi ấy có một Ưu-bà-tắc thưa:

–Ngài chớ vào nhà này, đối với pháp Phật, Bàla-môn không kính tin.

Đức Thế Tôn đáp:

–Bà-la-môn này cũng đầy đủ tín căn.

Sau khi trả lời Ưu-bà-tắc, Đức Thế Tôn liền đi vào nhà của Bà-la-môn để gặp Đồng tử. Lúc vừa thấy Đức Thế Tôn, Đồng tử liền đến kính lễ, thân mình sát đất. Đức Phật liền chú nguyện cho cậu bé. Như vậy, những Tỳ-kheo theo Đức Phật đi đến đây cũng đều thấy Đồng tử. Đức Phật chú nguyện xong, cùng các Tỳ-kheo trở về tinh xá.

Về sau, Đồng tử dần dần trưởng thành. Vua nước Xá-vệ là Ba-tư-nặc nghe Bà-la-môn kia có đức hạnh như thế, sinh được quý tử, bèn sai sứ thần mang vòng hoa, hương báu Chiên-đàn đến nhà Bàla-môn, nhiễu quanh Đồng tử rồi đưa ra lời mời.

Đồng tử đáp:

–Theo tôi, trước tiên đến vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, kính lễ Đức Thế Tôn, sau mới vào nước Xávệ để yết kiến vua Ba-tư-nặc.

Sứ thần trở về, đem tất cả những việc vừa qua tâu lên vua. Vua Ba-tư-nặc nghe sứ thần tâu xong, bảo:

–Nay ta cũng đi đến vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, kính lễ Đức Thế Tôn và gặp Đồng tử ấy.

Bấy giờ, Đồng tử tìm đến vườn Kỳ-đà Cấp cô độc. Giữa đường, Đồng tử gặp một Bà-la-môn, hỏi:

–Bây giờ ngươi đi đâu?

Đồng tử thưa:

–Tôi muốn đến vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, kính lễ Đức Thế Tôn.

Bà-la-môn quở trách Đồng tử:

–Đã sinh trong dòng dõi Bà-la-môn, danh tiếng vang xa, cần gì phải đến gặp Sa-môn.

Đồng tử thưa:

–Được kho châu báu lớn, lại không cần mang của báu về nhà. Được điềm lành đến trước mặt, lại từ chối đem ném nó đi.

Đồng tử trả lời xong, liền đi đến vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, đến chỗ Đức Thế Tôn đảnh lễ sát chân Phật, ngồi ở trước Phật để nghe pháp và cảm thấy vừa lòng. Hoa sen trời rất đẹp mọc trong khu vườn rừng này, hương thơm ngát tỏa khắp mọi nơi, Đồng tử chợt sinh sự khôn ngoan sáng suốt: “Ta nay đem hoa sen này cúng dường Đức Thế Tôn.” Và lại nghĩ: “Trước khi ta sinh, ở thế gian hiếm có cây Chiêm-bặc-ca. Khi ta phát tâm thì cây Chiêmbặc-ca tự nhiên mọc lên, cây ấy kết hoa Chiêmbặc-ca trời màu vàng tía.”

Ngay lúc ấy, Đồng tử đưa tay bẻ lấy cành hoa Chiêm-bặc-ca rải lên Đức Thế Tôn. Hoa rải dính trên thân Phật làm trang nghiêm thân Phật. Trong số đó, hoặc có hoa dính ở đỉnh đầu Đức Phật, hoặc dính ở giữa bụng, hoặc dính dưới chân Phật. Hoặc có hoa kết thành áo vòng hoa, đủ những thứ cúng dường như thế. Lúc này, vua kinh ngạc hỏi Đồng tử:

–Ngươi cúng dường thế nào mà có được sức oai thần như thế?

Đồng tử đáp:

–Ở vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, tôi đã tạo ra những sự trang nghiêm như vậy.

Khi ấy, Đồng tử lại phát sinh sự khôn ngoan sáng suốt cao tột: “Cây Chiêm-bặc-ca của ta, theo sự phát tâm của mình mà đơm hoa Chiêm-bặc. Hoa ấy hoặc sinh ở thân cây, hoặc sinh ở trên quả, hoặc sinh ở trên cành, hoặc sinh ở trên lá. Hoa Chiêm-bặc ấy cũng xuất hiện trụ trong hư không. Cũng trong hư không nơi vườn Kỳ-đà Cấp cô độc lại xuất hiện nhiều chuông rung, chuông lắc bằng vàng rất quý.”

Khi ấy, Đồng tử lễ sát chân Thế Tôn, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Hôm nay, xin nhận thức ăn của con dâng cúng cho Đức Thế Tôn cùng các vị Tỳ-kheo, quốc vương, quần thần. Kính mong tất cả nhận sự cúng dường của con.

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời, đợi đánh kiền chùy. Đến thời, Đức Thế Tôn ngồi yên lặng và các Tỳ-kheo, quốc vương, quần thần ngồi theo thứ lớp. Lúc ấy, Đồng tử phát sinh sự sáng suốt nhờ suy nghĩ về đạo lý cao đẹp cùng tột: “Thuở trước, lúc ta sinh ra có mâm vàng xuất hiện, trong mâm đầy những thức ăn của cõi trời. Nguyện được hiện ra ở trước mặt để đem dâng cúng Đức Phật.” Niệm ấy vừa dứt, mâm vàng khi sinh tùy tâm xuất hiện, thức ăn ngon nhất của cõi trời đầy cả trong mâm. Bấy giờ, Đồng tử tự mình mang thức ăn trên mâm vàng để cúng dường. Khi Thế Tôn cùng các Tỳkheo, quốc vương, quần thần ăn uống xong, Đồng tử Kim Diệu cảm thấy rất vui mừng, đảnh lễ sát chân Phật, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sau đó, căn lành được tăng trưởng, tâm dũng mãnh phát nguyện:

–Con đã thực hành việc pháp thí cùng khắp để cứu độ hữu tình, sau đó mới thành Phật. Người chưa được cứu độ thì con cứu độ cho họ. Người chưa được an lạc thì con đem đến cho họ sự an lạc. Người chưa được sự vắng lặng thì con làm cho họ được sự vắng lặng.

Vì sự phát tâm của Đồng tử, nên khi đó Đức Thế Tôn lần lượt nói về tướng trạng của địa ngục, đó là: Địa ngục A-tỳ, địa ngục Pháo, địa ngục Pháo liệt, địa ngục A-tra-khảm, địa ngục Ha-ha-thiết, địa ngục Hộ-hộ-thiết, địa ngục Hoa sen xanh, địa ngục Hoa sen hồng, địa ngục Hoa sen hồng lớn.

Đức Phật nói:

–Từ đây ra rồi thì vào địa ngục Bát nhiệt, lần lượt đều do hoặc nghiệp chiêu cảm lấy. Nếu người có trí tuệ, nói pháp cứu độ của ta thì họ được mát mẻ.

Khi nói những lời ấy xong, từ kim khẩu của Đức Thế Tôn phóng ra tia sáng bốn màu: xanh, vàng, đỏ, trắng. Trong những tia sáng ấy, có tia sáng xông thẳng lên trên không, có tia sáng xuống tận các địa ngục, chiếu rõ những sinh hoạt ở các địa ngục, như: Địa ngục Hắc thằng, địa ngục Chúng hợp, địa ngục Hào khiếu, địa ngục Đại hào khiếu, địa ngục Viêm nhiệt, địa ngục Cực viêm nhiệt. Địa ngục A-tỳ, địa ngục Pháo, địa ngục Pháo liệt, địa ngục A-tra-khảm, địa ngục Ha-hathiết, địa ngục Hộ-hộ-thiết, địa ngục Hoa sen xanh, địa ngục Hoa sen hồng, địa ngục Hoa sen hồng lớn. Tia sáng của Đức Phật, nếu chiếu đến địa ngục nóng bức thì chúng sinh ở đó được mát mẻ, nếu chiếu vào địa ngục đóng băng thì chúng sinh ở đó được ấm áp và những chúng sinh ấy vì thế mà phát tâm thù thắng:

–Chúng ta làm thế nào ở nơi này, khi mạng chung sẽ được chuyển sinh đến nơi khác.

Những chúng sinh ấy phát tâm xong, Đức Thế Tôn vì họ phóng ra ánh sáng biến hóa, tạo sự biến hóa để cho họ được thấy. Thấy xong, những chúng sinh ấy phát nguyện:

–Từ nay, sau khi mạng chung, chúng ta nhất định không sinh vào những nẻo ác khác. Hôm nay, những chúng sinh chưa từng thấy nơi này, được nhận ánh sáng vô vi thù thắng, từ đó phát sinh lòng tin, chịu nghiệp địa ngục hết, tất cả chắc chắn đều được sinh lên nhân gian, cõi trời.

Ánh sáng như thế chiếu lên đến phương trên: Trời Tứ đại vương, trời Đao-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Nhạo biến hóa, trời Tha hóa tự tại, trời Phạm chúng, trời Phạm phụ, trời Đại phạm, trời Thiểu quang, trời Vô lượng quang, trời Cực quang tịnh, trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh, trời Vô vân, trời Phước sinh, trời Quảng quả, trời Vô tưởng, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện kiến, trời Thiện hiện, trời Sắc cứu cánh. Ánh sáng chiếu đến rồi thì phát ra tiếng giảng nói về vô thường, khổ, không, vô ngã, rồi nói kệ:

Phát quang khuyến hóa người
Về với Phật, Pháp, Tăng
Trừ dẹp quân ma tử
Như voi lìa trói buộc.
Nếu vào trong pháp này
Chí tâm hành không thoái
Do vậy đoạn luân hồi
Các khổ đều hết sạch.

Ánh sáng ấy chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, cứu độ các hữu tình như vậy, rồi trở về tụ sau lưng Đức Thế Tôn. Lúc ấy, Đức Thế Tôn muốn được thọ ký nơi hành nghiệp quá khứ thì ánh sáng ấy phóng ra rồi nhập sau thân Phật. Muốn được thọ ký nơi hành nghiệp vị lai, ánh sáng ấy nhập vào ở phía trước mặt Đức Phật. Muốn được thọ ký cho chúng sinh bị đọa vào địa ngục, ánh sáng ấy nhập vào từ dưới chân Đức Phật. Muốn được thọ ký cho chúng sinh bị đọa vào súc sinh, ánh sáng ấy nhập vào từ gót chân Đức Phật. Muốn được thọ ký cho chúng sinh bị đọa vào ngạ quỷ, ánh sáng ấy nhập vào từ đầu ngón chân cái Đức Phật. Muốn được thọ ký cho hạng sinh trong loài người, ánh sáng ấy nhập vào từ dưới đầu gối của Đức Phật. Muốn được thọ ký cho hạng Lực luân vương, ánh sáng ấy nhập vào từ bàn tay trái Đức Phật. Muốn được thọ ký cho bậc Chuyển luân vương, ánh sáng ấy nhập vào từ bàn tay phải Đức Phật. Muốn được thọ ký cho hạng sinh lên trời, ánh sáng ấy nhập vào từ rốn Đức Phật. Muốn được thọ ký cho hàng Bồđề Thanh văn, ánh sáng ấy nhập vào từ ngực Đức Phật. Muốn được thọ ký cho hàng Duyên giác, ánh sáng ấy nhập vào từ giữa chặng mày Đức Phật. Muốn được thọ ký cho hàng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ánh sáng ấy nhập vào từ đảnh đầu Đức Phật.

Lúc này, ánh sáng do Đức Thế Tôn đã phóng ra, xoay quanh mình ba vòng rồi nhập vào đảnh đầu Thế Tôn.

Khi ấy, Tôn giả A-nan chắp tay cung kính, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Những thứ hình sắc với trăm ngàn sự trang nghiêm từ miệng phóng ra đều tỏa chiếu rực rỡ cùng khắp mười phương. Con xin nói kệ:

Phải, trái đã xa lìa
Phiền não cũng dứt sạch
Thế gian Phật trên hết
Nhân quả thắng, không hư.
Như đài hoa sen trắng
Hàng ma, Phật phóng quang
Nên khi ma bỏ đi
Trí tuệ an định tốt.
Khiến Thanh văn cầu Phật
Phật an định Thanh văn
Như ngưu vương trên hết
Trừ sạch các lưới nghi.
Không có kẻ oán thù
Như nước làm tan muối
Phóng quang nói chánh giác
Phật thọ ký cho ai
Họ nghe vui an định
Những người ấy đều mừng.

Đức Phật bảo:

–Đúng thế, đúng thế! Này A-nan! Chẳng phải là không có nhân quả.

Này A-nan! Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri Chánh Giác luôn thuyết giảng chân chánh.

Này A-nan! Ông thấy đấy, Đồng tử này cúng dường ta như thế, Đồng tử ấy căn lành sâu xa vững chắc, phát tâm ban phát pháp cho người, trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp tu hành Bồ-đề, thành tựu đại Bi, sáu pháp Ba-la-mật, quán hạnh trọn vẹn, thành Đẳng Chánh Giác, hiệu là Như Lai Kim Diệu đầy đủ mười Lực, bốn Trí viên minh, ba Mật, Bất cộng, Niệm xứ, đại Bi, như thuở xưa ta đã từng phát tâm, cũng thực hành pháp thí này.

Vua Ba-tư-nặc thưa hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Đồng tử này tạo hạnh nghiệp gì mà được phước báo thù diệu như thế?

Đức Thế Tôn đáp:

–Vào đời quá khứ xa xưa, Đồng tử này đã rộng tạo nhân của phước nghiệp, nên nay ở trong đời này hưởng được quả báo. Cũng thuở ấy, lúc gieo trồng nghiệp nhân, Đồng tử này đã chí tâm không thoái chuyển, nên ở đời này nhận được phước báo. Đó là điều tất nhiên.

Này đại vương! Nghiệp đã tạo ra thì phải nhận lấy quả báo, giống như địa giới vô tận, thủy giới vô tận, hỏa giới vô tận, phong giới vô tận. Cũng vậy, uẩn, giới, sáu trần… tạo ra nghiệp thì nhận lấy quả báo không có cùng tận. Thuở xưa, Đồng tử dốc tâm gieo trồng hạt giống phước, nên đời này thọ quả báo không bao giờ hết. Cho đến hai thứ nghiệp thiện và ác thì nghiệp báo cũng vô tận. Giả sử trải qua trăm ngàn kiếp, khi nghiệp thành thục tất phải nhận lấy quả báo.

Này đại vương! Vào thời quá khứ, ở nước Bala-nại có vua tên là Văn Quân. Vua có thái tử tên là Cát Tường Mật. Thuở ấy, vua cha tạo nhiều nghiệp tội. Thấy vua cha tạo tội, trong lòng thái tử cảm thấy sợ hãi, mới thưa vua cha: “Con muốn xuất gia tu hành.”

Vua cha bảo: “Ta chỉ có một mình con là nam, làm sao cha để con xuất gia tu hành được.”

Cát Tường Mật thưa: “Con phải xa cha, quyết chí xuất gia tu hành.”

Thái tử nói tiếp: “Cả vàng, bạc, voi, ngựa, tôi tớ, kho tàng nhưng tâm con không tham đắm cũng không yêu thích, sử dụng.”

Từ đó, thái tử tu hành ba mươi bảy pháp Bồ-đề phần, chứng quả Bồ-đề Duyên giác, có vô số trăm ngàn trời, người đi đến cúng dường. Có người thấy thế báo lại vua cha: “Thái tử đã đạt được công đức.”

Nghe xong, vua muốn gặp con mình. Vua rời khỏi cung điện, cùng quan quân hộ giá bốn bên. Có một người nghèo, thấy vua mặc y phục tốt đẹp, thân thoa đầy hương thơm, ngồi trên lưng voi lớn, có dù lọng che trên, quan quân vây quanh, người ấy liền nghĩ: “Vua này, đầu mặt tay chân vai lưng chẳng khác gì ta. Nhưng vì sao vị ấy thoa hương thơm, mặc y phục tốt đẹp, ngồi trên lưng voi lớn quý, lại có dù lọng che trên và quan quân vây quanh? Còn ta, nhiều đời bỏn sẻn, tham lam, chưa từng xả bỏ, ban cho khiến đời này chịu sự khổ nhọc. Những việc nhỏ nhặt mà không thể bỏ, cho, làm sao ta được sinh vào nơi hạng người ấy.”

Người ấy lại hỏi vua: “Chẳng biết đại vương đi đâu?”

Vua Văn Quân đáp: “Ta có một người con trai, tên là Cát Tường Mật, xuất gia tu hành, chứng được Bồ-đề Duyên giác. Nếu ai cúng dường một chút ít, đời sau sẽ được thọ hưởng quả báo lớn.

Trả lời xong, vua tiếp tục đi về phía trước. Lúc đó, vua chợt thấy đàn nai. Vua thích nai nên mới đuổi theo chúng. Khi ấy, người nghèo suy nghĩ: “Vua tham lam, đuổi theo những con nai. Ngay lúc này, ta muốn gặp vị Duyên giác.” Người nghèo nghĩ xong liền từ từ đi về phía trước, vào trong một hang núi, gặp vị Duyên giác kia thân tướng uy nghiêm, cao vời, tâm ý vắng lặng, có vô lượng trăm ngàn Thánh hiền vây quanh, tung rải hoa Mạn-đà-la cao đến đầu gối.

Lúc này, người nghèo bỗng nhiên òa khóc, tiếng khóc nghe thảm thương, áo não. Khi trăm ngàn Thánh hiền cúng dường xong và trở về, người nghèo chợt hiểu ra: “Nay mình nên cúng dường vị Duyên giác ấy bằng thứ gì?” Cách đó không xa, có cây Am-một-la, người nghèo vội đến hái quả Am-một-la tươi tốt nhất, đựng đầy bát, đem cúng dường vị Duyên giác.

Vị Duyên giác cầm bát ấy, bay lên hư không, tự tại giống như ngỗng chúa, hiện ra những thứ thần biến, rồi từ hư không hạ xuống ngồi lại chỗ cũ. Người nghèo vội lễ sát chân vị Duyên giác, thưa: “Ông nhận thức ăn của con, con sẽ được phước. Ngày mai, con xin cúng dường cho ông.”

Tâm của vị Duyên giác thanh tịnh, đã hiểu rõ. Vì muốn cứu độ người nghèo ấy, liền nhận lời mời cúng dường.

Bấy giờ, người nghèo ấy ra khỏi hang núi, trở về.

Vua Văn Quân từ xa trông thấy vị Duyên giác đứng trong hư không, liền nghĩ: “Nơi ấy chắc có hàng trời, người phước đức lớn. Nay ta mau đến gặp vị Duyên giác và hàng trời, người ấy.”

Vua vội đi vào trong hang núi. Giữa đường, gặp người nghèo từ trong hang núi đi ra, vua vội hỏi: “Ngươi ở đâu đến?”

Người nghèo đáp: “Tôi ở nơi ấy đến.”

Vua nói: “Này gã nghèo! Thân ngươi nhớp nhúa, đầu tóc rối bù, quần áo nhơ bẩn mà chẳng bỏ đi được. Nay ngươi làm sao xa lìa sự nghèo khổ để được giàu sang như ta? Xem ra ngươi không thể nào xa lìa sự nghèo khổ khốn cùng được.

Người nghèo ấy từ biệt vua và chợt suy nghĩ: “Làm thế nào để có được một khoảng đất rộng rãi, sạch đẹp và được nhiều mâm có thức ăn uống ngon, đầy đủ cả trăm vị?” Dòng suy nghĩ chưa dứt, người ấy giẫm lên một viên đá, trượt chân ngã nhào xuống đất. Ngay nơi ấy, người nghèo bắt gặp một cái lu bằng sắt, bên trong chứa đầy vàng ròng…

Vua kia đến núi, gặp vị Duyên giác, tới ngồi trước mặt. Lát sau, vua bảo vị Duyên giác: “Ta muốn cầu phước, ngày mai mời ông đến thọ trai được không?”

Vị Duyên giác đáp: “Đại vương! Trước đây tôi đã nhận lời mời rồi.”

Vua Văn Quân hỏi: “Nhận lời mời của người nào?”

Vị Duyên giác đáp: “Có một người nghèo mời đến để cúng dường.”

Vua liền sai sứ thần tới bảo người nghèo ấy: “Ta mời vị Duyên giác thọ trai, hôm khác ngươi sẽ mời.”

Sứ thần tới trình bày ý của nhà vua, nhưng người nghèo ấy chẳng chịu. Vua mới tự mình đến chỗ người nghèo. Vua bảo: “Ta cúng dường vị Duyên giác thức ăn, hôm khác ngươi mới thiết cúng.”

Người ấy không chịu. Vua nói: “Ngươi phải dời sang ngày khác.”

Người nghèo nói: “Vì sao khiến tôi phải dời sang ngày khác? Vả lại tôi đã có vàng ròng, tôi quyết phải cúng dường.”

Vua bảo: “Xưa nay, ngươi nghèo khổ khốn cùng, còn ta là dòng vua Quán đảnh Sát-đế-lợi. Ngươi hãy từ bỏ ý định đó đi, vàng của ta thiếu gì.”

Người nghèo nói: “Nếu đại vương không tin lời tôi nói thì mời đại vương đi xem vàng.” Hai người cùng đến chỗ phát hiện vàng, thấy có một cái lu bằng sắt, nghiêng cái lu đổ ra nhiều vàng ròng, chất đống cao như núi, đến nỗi mỗi người đứng một bên mà hai người chẳng thấy nhau.

Vua mới suy nghĩ: “Người này có phước đức như thế.”

Người nghèo nói: “Khi tôi thiết trai cúng dường xong, sẽ đến lượt đại vương.”

Hôm sau, người nghèo dọn dẹp sạch sẽ khoảng đất, trang hoàng đẹp đẽ trang nghiêm, rải nhiều hoa sen, chọn lấy những cây có chùm lá sum suê làm thành dù che và bày các phẩm vật đồ ăn uống để cúng dường.

Khi ấy, vị Duyên giác kia lại ở trên hư không, hiện những thứ thần biến.

Lúc đó, người ấy đảnh lễ sát chân vị Duyên giác rồi phát nguyện: “Như chỗ đất này, con gieo trồng hoa sen, con nguyện đời đời kiếp kiếp được hoa sen trời rất tốt đẹp kia. Như chỗ tàng cây con tạo thành dù che để cúng dường, con nguyện đời đời kiếp kiếp được cây Chiêm-bặc-ca, ra hoa Chiêm-bặc-ca trời màu vàng tía. Như căn lành con mượn bát đất đựng thức ăn cúng dường, con nguyện đời đời kiếp kiếp thường được mâm vàng đựng đầy thức ăn trời. Giả sử, có trăm ngàn người ăn, thức ăn ấy cũng không hết và được gặp Phật.” Đức Phật bảo vua Ba-tư-nặc:

–Đại vương nên biết! Người nghèo lúc ấy, nay chính là Đồng tử Kim Diệu, con của Bà-la-môn. Nhờ cúng dường vị Duyên giác mới được căn lành ấy, an lạc vô biên, tất cả tâm nguyện đều được thành tựu.

Đức Phật giảng nói kinh này xong, các vị Tỳkheo đều một lòng cung kính lãnh thọ, vui vẻ thực hành.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Kinh tập][426][427][428][429][430][431][432][433][434][435][436][437][438][439][440][441][442][443][444][445][446][447][448][449][450][451][452][453][454][455][456][457][458][459][460][461][462][463][464][465][466][467][468][469][470][471][472][473][474][475][476][477][478][479][480][481][482][483][484][485][486][487][488][489][490][491][492A][492B][493][494][495][496][497][498][499][500][501][502][503][504][505][506][507][508][509][510][511][512][513][514][515][516][517][518][519][520][521][522][523][524][525][526][527][528][529][530][531][532][533][534][535][536][537][538][539][540][541][542][543][544][545][546][547][548][549][550][551][552][553][554][555][556][557][558][559][560][561][562][563][564][565][566][567][568][569][570][571][572][573][574][575][603][604][605][606][607][608][609][610][611][612][613][614][615][616][617][618][619][620][621][622][623][624][625][626][627][628][629][630][631][632][633][634][635][636][637][638][639][639][640][641][642][643][644][645][646][647][648][649][650][651][652][653][654][655][656][657][658][659][660][661][662][663][664][665][666][667][668][669][670][671][672][673][674][675][676][677][678][679][680][681][682][683][684][685][686][687][688][718][719][720][721][721][722][723][724][725][726][727][728][729][730][731][732][733][734][735][736][737][738][739][740][741][742][743][744][745][746][747A][747B][748][749][750][751][752][753][754][755][756][757][758][759][760][761][762][763][764][765][766][767][768][769][770][771][772][773][774][775][776][777][778][779][780][781][782][783][784][785][786][787][788][789][790][791][792][793][794A][794B][795][796][797A][797B][798][799][800][801][802][803][804][805][806][807][808][809][810][811][812][813][814][815][816][817][818][819][820][821][822][823][824][825][826][827][828][829][830][831][832][833][834][835][836][837][838][839][840][841][842][843][844][845][846][847]


[Mục lục tổng quát]