TẠNG KINH
BỘ KINH TẬP (425-847)
SỐ 757-PHẬT THUYẾT THÂN MAO HỶ THỤ KINH
Hán dịch: Đời Tống, Sa-môn Duy Tịnh.
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật cùng với chúng Tỳkheo tụ hội nơi rừng Tối thắng, thuộc thành Tối thắng nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, trong thành ấy có người con của một trưởng giả tên là Thiện Tinh, lìa bỏ Phật pháp, chưa bao lâu ông ta dùng nhiều cách để phỉ báng Phật, Pháp, Tăng, nói: “Sa-môn Cùđàm hãy còn không có pháp tối thượng trong loài người, huống chi là chứng đắc tri kiến thù thắng của bậc Thánh! Đây là đi vào chỗ luận nạn, ông ta chỉ vì hàng Thanh văn giảng nói các pháp. Những điều ông ta tìm cầu và tu tập là do biện tài của chính mình, cùng chỗ hiểu biết không đúng mà cho là đã chứng đắc. Pháp của ông ta giảng nói lẽ đâu có thể dẫn đến giải thoát, dứt hết mọi biên vực của khổ?” Bây giờ, đã đến lúc thọ thực, Tôn giả Xá-lợi-tử liền đắp y ôm bát vào đại thành Tỳ-xá-ly, theo thứ tự khất thực, Tôn giả đã nghe Thiện Tinh dùng đủ cách để phỉ báng Phật, Pháp, Tăng. Sau khi khất thực xong, Tôn giả Xá-lợi Tử trở về chỗ cũ, ngọ trai, thu dọn y bát, rửa chân rồi đi đến lạy sát chân Đức Phật và lui qua một bên, thưa:
–Bạch Thế Tôn! Hôm nay vào đại thành Tỳ-xály khất thực, con nghe Thiện Tinh dùng đủ mọi cách phỉ báng Phật, Pháp, Tăng với lời lẽ: “Sa-môn Cù-đàm đối với loài người hãy còn không có pháp tối thượng, huống chi là chứng được tri kiến thù thắng của bậc Thánh! Đây là đi vào chỗ luận nạn, ông ta chỉ vì hàng Thanh văn giảng nói các pháp. Những điều ông ta tìm cầu và tu tập là do nơi biện tài và sự hiểu biết không đúng của mình mà cho là đã được chứng đắc. Pháp của ông ta giảng nói lẽ nào có thể dẫn đến giải thoát, dứt hết mọi biên vực của khổ?” Bạch Thế Tôn! Thiện Tinh kia xả bỏ Phật pháp, đến nay chưa bao lâu mà đã nói ra những lời như vậy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi Tử:
–Này Xá-lợi Tử! Ông nay nên biết, Thiện Tinh con nhà trưởng giả kia là người rất xấu ác, tự che giấu tội lỗi của mình. Do che giấu, phỉ báng Phật, Pháp, Tăng nên mới phát ngôn như vậy. Này Xá-lợi Tử! Ông nghe Thiện Tinh nói ra những lời phi nghĩa để phỉ báng với lời lẽ cho rằng: “Samôn Cù-đàm chỉ vì hàng Thanh văn mà giảng nói các pháp, lẽ nào có thể dẫn đến giải thoát, dứt hết mọi biên vực của khổ!” Ông hãy nghe cho kỹ! Ta sẽ lược nói về việc này.
Này Xá-lợi tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của Ta không có lòng tin đầy đủ là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, đầy đủ mười tôn hiệu. Đối với sự việc như thế, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết nhưng vì không có lòng tin mới phát ngôn: “Sa-môn Cùđàm đối với pháp tối thượng trong loài người hãy còn không có, huống chi là chứng đắc tri kiến thù thắng của bậc Thánh! Đi vào chỗ luận nạn, ông ta chỉ vì hàng Thanh văn giảng nói các pháp. Những điều ông ta tìm cầu và tu tập là do biện tài và trí hiểu biết không đúng của mình mà cho là đã chứng đắc.” Do sự nhận thức sai lầm ấy mà phỉ báng liên tục, nên mau đọa nơi địa ngục như gánh nặng bị rớt. Như các Bí-sô Thanh văn đều học đầy đủ về giới, định, tuệ, nhưng ít chuyên cần gắng sức, đạt được trí, chứng quả không cho đó là khó, thì hạng người này bị đọa vào đường ác cũng như vậy.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, ở nơi thanh vắng, đi, đứng, nằm, ngồi luôn xa lìa chỗ ồn náo, tất cả những vật được cúng dường như phòng xá, đồ nằm… đều không để ý đến. Đối với những việc ấy, con nhà trưởng giả kia chỉ biết, chỉ thấy, do không tin nên mới phát ngôn phỉ báng. Vì nhận thức sai lầm, nên ông ta phỉ báng liên tục mà mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, lìa dục dứt tội, lìa bỏ các pháp bất thiện, có tầm có tứ lìa sinh hỷ lạc, chứng Sơ thiền. Đối với việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết, vì không có lòng tin nên mới phát ngôn phỉ báng như vậy. Do nhận thức không đúng, nên ông ta phỉ báng liên tục mà mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đã chấm dứt tầm tứ, trong và ngoài đều thanh tịnh, tâm cảnh nhất như, khiến tầm không tứ định sinh hỷ lạc chứng được Thiền thứ hai. Đối với việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết, vì không tin nên ông ta mới phát ngôn phỉ báng như thế. Do nhận thức này mà phỉ báng liên tục, nên mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đã lìa bỏ hỷ tham, chánh tri đúng như thật, tu tập xả niệm thân thọ diệu lạc, lìa bỏ tưởng tham, như bậc Thánh đã quán hành xả niệm, lìa hỷ diệu lạc chứng được Thiền thứ ba. Đối với việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết, vì không tin nên ông ta mới phát ngôn phỉ báng như thế. Do nhận thức như thế mà ông ta phỉ báng liên tục, nên mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đều đoạn trừ khổ lạc, xa lìa tất cả hai pháp duyệt hỷ, trừ bỏ tưởng về khổ lạc, đạt xả niệm thanh tịnh chứng được Thiền thứ tư. Đối với sự việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết như vậy, vì không tin, ông ta mới phát ngôn phỉ báng. Do nhận thức ấy mà ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, vượt qua các sắc tưởng, lìa tưởng đối ngại. Với tất cả tưởng không khởi tác ý, duyên vào vô biên không cho là hành tưởng, chứng định Không vô biên xứ. Đối với sự việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết. Vì không tin nên ông ta mới phát ngôn phỉ báng. Do nhận thức ấy, ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục.
Ngoài ra, chỗ chứng đắc về chín định thứ lớp cũng lại như vậy.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đối với xứ phi xứ đều nhờ trí lực của mình, tất cả đều nhận biết đúng như thật, nên Như Lai đã thành tựu trí lực như vậy. Đối với sự việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết, vì không tin nên ông ta mới phát ngôn phỉ báng. Do nhận thức này, ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đối với tất cả đạo đã hành trì và đạt được đều bằng chánh trí thấu tỏ đúng như thật. Như Lai đã thành tựu trí lực như vậy. Đối với sự việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết, vì không tin nên ông ta mới phát ngôn phỉ báng. Do nhận thức ấy, ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với tất cả cảnh giới, vô số thế giới đều dùng chánh trí thấu đạt đúng như thật. Như Lai đã thành tựu trí lực như vậy. Đối với việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết, vì không tin, ông ta mới phát ngôn phỉ báng. Do nhận thức ấy, ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với các hữu tình có lòng tin khác nhau, đều dùng chánh trí nhận biết rõ đúng như thật tất cả. Như Lai đã thành tựu trí lực như vậy. Đối với việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết, vì không tin nên ông ta mới phát ngôn phỉ báng. Do nhận thức này, ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với các căn sai khác của tất cả hữu tình đều dùng chánh trí đều thấu tỏ đúng như thật tất cả. Như Lai đã thành tựu trí lực như vậy. Đối với sự việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết như vậy, vì không tin nên ông ta mới phát ngôn phỉ báng. Do nhận thức này, ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với các nghiệp và tuổi thọ mà tất cả hữu tình đã tích tập, đều dùng chánh trí nhận biết rõ đúng như thật. Như Lai đã thành tựu trí lực như vậy. Đối với việc ấy, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết, vì không tin nên ông ta mới phát ngôn phỉ báng. Do nhận thức này, ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với tất cả thiền định, Tam-ma-địa giải thoát, Tam-ma-bát-để, khi khởi nhiễm hay tịnh, đều dùng chánh trí thấu tỏ đúng như thật. Như Lai đã thành tựu trí lực như vậy. Đối với việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết, vì không tin, ông ta mới phát ngôn phỉ báng. Do nhận thức ấy, ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, với Thiên nhãn thanh tịnh hơn mắt mọi người, nên có thể quan sát tất cả các thứ xấu đẹp, sinh diệt của chúng sinh trên thế gian, giàu hay nghèo đều tùy theo nghiệp của họ mà nhận lấy. Nếu có hữu tình nào với thân, khẩu, ý tạo ra nghiệp bất thiện, mắng nhục bậc Hiền thánh, làm những việc tà kiến, nhân đấy mà chứa nhóm những nghiệp tà kiến, sau khi qua đời sinh vào đường ác bị đọa vào địa ngục. Nếu các hữu tình, với thân, khẩu, ý tạo nhiều nghiệp thiện, không hủy nhục bậc Hiền thánh, làm việc đúng theo chánh kiến, nhân đấy mà chứa nhóm các nghiệp chánh kiến, sau khi qua đời sinh vào đường lành nơi cõi trời. Với Thiên nhãn, Như Lai dùng chánh trí thấy biết tất cả. Như Lai đã thành tựu trí lực như vậy. Đối với việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết, vì không tin, ông ta mới phát ngôn phỉ báng. Do nhận thức ấy, ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, với tất cả đời trước, nhờ năng lực của trí nên đều nhớ rõ. Nghĩa là có thể biết một, hai, ba, bốn, năm đời, hoặc mười, hai mươi đời, cho đến một trăm đời, một ngàn đời, trăm ngàn đời, vô số trăm ngàn đời. Những sự việc trong các đời này thành hoặc bại, xưa họ như vậy, tên như vậy, dòng tộc như vậy, hình tướng như vậy, ăn uống như vậy, tuổi thọ như vậy, khổ vui như vậy, chết đây sinh kia, diệt kia sinh đây, tất cả sự việc như vậy Như Lai đều dùng chánh trí nhớ nghĩ đúng như thật, đều thấu rõ tất cả. Như Lai đã thành tựu trí lực như vậy. Đối với việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết, vì không tin, ông ta mới phát ngôn phỉ báng. Do nhận thức ấy, ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đã diệt sạch các lậu, vô lậu được tăng trưởng, tâm hoàn toàn giải thoát, tuệ hoàn toàn giải thoát. Với pháp như vậy là nhờ trí lực thông suốt chứng đắc thành tựu.
Này Xá-lợi Tử! Như Lai đầy đủ mười Lực như vậy. Đối với việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết, vì không tin, ông ta mới phát ngôn phỉ báng. Do nhận thức ấy, ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con nhà trưởng giả kia ở trong pháp của ta không có đầy đủ lòng tin là Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, thành tựu bốn Vô sở úy, biết rõ cảnh giới của bậc Thánh, ở giữa đại chúng gầm lên tiếng sư tử, chuyển đại pháp luân, còn các Sa-môn, Bà-la-môn khác đều không thể chuyển được.
Thế nào là bốn Vô sở úy?
1. Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác chứng đắc Nhất thiết trí, không một pháp nào mà không nhận biết, ở trong đại chúng nói như vầy: “Ta được an lạc, không còn lo sợ, thấu tỏ đúng như thật về cảnh giới của bậc Thánh, gầm vang tiếng sư tử, chuyển đại pháp luân. Ngoài ta ra không ai có thể chuyển được, ta không thấy Sa-môn, Bà-lamôn, Trời, Người, Ma, Phạm nào sánh bằng.”
2. Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đã diệt sạch các lậu. Ở trong đại chúng nói rằng: “Ta được an lạc, không còn lo sợ gì cả, thấu tỏ đúng như thật về cảnh giới của bậc Thánh, gầm vang tiếng sư tử chuyển đại pháp luân. Ngoài ta ra, không ai có thể chuyển được, ta không thấy Samôn, Bà-la-môn, trời, người, ma, phạm nào sánh bằng.”
3. Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác vì các Thanh văn tùy pháp hành mà giảng nói rõ về nẻo tu tập, hành hóa, như đã nói rộng ở trước về chỗ chứng đắc tối thượng. Ở trong đại chúng nói rằng: “Ta nói tham dục là pháp làm chướng ngại đạo, ta được an lạc, không lo sợ gì cả, thấu tỏ đúng như thật về cảnh giới của bậc Thánh, gầm vang tiếng sư tử chuyển đại pháp luân. Ngoài ta ra không ai có thể chuyển được, ta không thấy Sa-môn, Bàla-môn, Trời, Người, Ma, Phạm nào sánh bằng.”
4. Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác giảng nói pháp chánh đạo cho các Thanh văn, chủ yếu là diệt tận các khổ não. Ở trong đại chúng nói rằng: “Ta được an lạc, không lo sợ gì cả, thấu tỏ đúng như thật về cảnh giới của bậc Thánh, gầm vang tiếng sư tử chuyển đại pháp luân. Ngoài ta ra không ai có thể chuyển được, ta không thấy Samôn, Bà-la-môn, Trời, Người, Ma, Phạm nào sánh bằng.”
Này Xá-lợi Tử! Như Lai có đầy đủ bốn Vô sở úy như vậy. Đối với việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết, vì không tin, ông ta mới phát ngôn phỉ báng. Do nhận thức ấy, ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Ở thế gian có tám chúng:
1. Chúng Sát-đế-lợi.
2. Chúng Bà-la-môn.
3. Chúng Trưởng giả.
4. Chúng Sa-môn.
5. Chúng trời Tứ Đại vương.
6. Chúng trời Đao-lợi.
7. Chúng ma.
8. Chúng Phạm thiên.
Này Xá-lợi Tử! Xưa kia ta từng đến trong vô số trăm ngàn hội Sát-đế-lợi, hình tướng của chúng hội đó như thế nào thì ta cũng hiện lên hình tướng giống như họ. Ánh sáng của chúng hội ấy như thế nào thì ta cũng hiện đầy đủ tướng ánh sáng như họ. Chúng hội ấy đem giáo pháp của mình ra nói thì ban đầu ta cũng nói pháp như họ, nhưng sau đó thì giảng nói pháp tối thắng hơn họ. Mặc dù ta giảng nói như vậy, nhưng chúng ấy không thể nào hiểu biết được. Vì nhân duyên đó mà chúng ấy nghi ngờ cho rằng: “Người vừa nói pháp là Sa-môn hay Bàla-môn, hay Trời, Người, Ma, Phạm nói?” Sau đó, ta nói pháp tối thắng cho họ, rồi chỉ dạy những điều lợi hỷ để ứng hợp với họ. Sau khi chỉ dạy những điều lợi hỷ, ta liền ẩn thân không hiện ra nữa. Tuy ta ẩn thân tướng như vậy mà chúng ấy không ai hay biết. Chúng lại nghi rằng: “Người vừa ẩn thân đó là Sa-môn hay Bà-la-môn, hay Trời, Người, Ma, Phạm?” Này Xá-lợi Tử! Lúc ta hiện thân tướng giống như họ mà họ vẫn không thể thấy ta, thì làm sao hơn ta được. Pháp tối thượng được nói khi ấy là Tri kiến thần thông tối thắng.
Này Xá-lợi Tử! Xưa kia ta từng đến trong hội Bà-la-môn vô số trăm ngàn lần. Hình tướng của chúng ấy như thế nào thì ta cũng hiện hình tướng giống như họ. Ánh sáng của chúng hội ấy như thế nào thì ta cũng hiện đầy đủ tướng ánh sáng như họ. Chúng ấy lấy giáo pháp của mình ra nói thì ban đầu ta cũng nói pháp giống như họ, rồi sau đó ta nói pháp thắng diệu hơn họ. Tuy ta nói như vậy nhưng chúng ấy không ai hiểu biết được. Vì nhân duyên đó mà chúng ấy nghi ngờ cho rằng: “Người vừa nói pháp là Sa-môn, hay Bà-la-môn? Là Trời, Người, hay Ma, Phạm?” Sau đó ta lại nói pháp tối thượng cho họ và chỉ dạy những điều lợi hỷ để thích ứng với họ. Chỉ dạy lợi hỷ rồi, ngay lúc đó ta liền biến mất. Tuy ta ẩn thân tướng như vậy, nhưng chúng ấy cũng không ai hay biết, nên họ nghi ngờ rằng: “Người vừa ẩn thân đó là Sa-môn, hay Bàla-môn? Là Trời, Người, hay Ma, Phạm?” Này Xálợi Tử! Lúc ta hiện thân tướng giống như họ mà họ còn không thấy ta thì làm sao hơn ta. Pháp tối thượng được nói khi ấy là Tri kiến thần thông tối thắng. Ngoài ra các chúng Trưởng giả, Sa-môn, chúng trời Tứ Đại vương, chúng trời Đao-lợi, chúng ma cũng đều như vậy.
Này Xá-lợi Tử! Xưa kia ta đã từng đến trong chúng hội Phạm thiên vô số trăm ngàn lần. Hình tướng của chúng hội ấy như thế nào thì ta cũng hiện hình tướng giống như họ. Ánh sáng của chúng ấy ra sao thì ta cũng hiện đầy đủ tướng ánh sáng như họ. Chúng ấy đem giáo pháp của mình ra nói, thì ban đầu ta cũng nói pháp giống như họ, nhưng sau đó thì ta nói pháp thắng diệu hơn họ. Tuy ta nói như vậy nhưng họ không ai hiểu biết được. Vì thế chúng nghi ngờ cho rằng: “Người vừa nói pháp là Sa-môn, Bà-la-môn, hay là Trời, Người, hay Ma, Phạm?” Sau đó ta nói pháp tối thượng cho họ, chỉ dạy những điều lợi hỷ để ứng hợp với họ. Chỉ dạy lợi hỷ rồi ta liền biến mất. Tuy ta ẩn thân tướng như vậy, nhưng chúng ấy cũng không ai hay biết nên họ nghi ngờ: “Người vừa nói pháp là Sa-môn, Bà-la-môn, là Trời, Người, hay Ma, Phạm?” Này Xá-lợi Tử! Lúc ta hiện thân tướng giống như họ mà họ vẫn còn không thấy thì làm sao hơn ta. Pháp tối thượng được nói khi ấy là Tri kiến thần thông tối thắng.
Này Xá-lợi Tử! Đối với việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết như vậy, vì không tin mà ông ta phát ngôn phỉ báng. Do nhận thức ấy, ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục.
Này Xá-lợi Tử! Con đường đưa đến địa ngục, nghiệp nhân đưa đến cảnh giới địa ngục ấy cho đến quả báo mà các hữu tình kia phải chịu Ta đều biết rõ. Lại nữa, con đường đưa đến súc sinh, nghiệp nhân đưa đến cảnh giới ấy, cho đến quả báo mà hữu tình kia phải chịu ta đều biết rõ. Con đường đưa đến ngạ quỷ, nghiệp nhân đưa đến cảnh giới ấy cho đến quả báo mà hữu tình kia phải chịu ta đều biết rõ. Tất cả con đường đưa đến cõi A-tu-la, Trời, Người… tất cả nghiệp nhân đưa đến các cảnh giới ấy, cho đến tất cả quả báo mà chúng hữu tình kia phải thọ nhận ta đều biết rõ.
Này Xá-lợi Tử! Thánh đạo đưa đến Niết-bàn và pháp Niết-bàn, cho đến hữu tình chứng đắc quả Niết-bàn ta đều thấu rõ đúng như thật. Này Xálợi Tử! Đối với việc này, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết, vì không tin, ông ta mới phát ngôn phỉ báng. Do nhận thức ấy, ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục.
Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Con đường đưa tới địa ngục, nghiệp nhân đưa đến cảnh giới ấy cho đến quả báo mà hữu tình đó phải chịu ta đều biết rõ. Nay ta đem ví dụ nhỏ này để nói sơ qua về nghĩa ấy.
Xá-lợi Tử! Ví như thế gian có đống lửa lớn cao bằng hay hơn người, lửa ấy cháy hừng hực rồi sau đó tắt, lửa ngọn và hơi nóng đều không còn. Vào tháng nóng nhất của mùa hè, nóng rất khủng khiếp, có một người từ xa đi đến, vừa mỏi mệt lại bị đói khát hành hạ, lần theo con đường tới chỗ lửa tắt kia để nghỉ ngơi. Có người mắt sáng ở bên cạnh, từng thấy đống lửa kia cháy gây bao khốn khổ, nên liền chạy tránh sang đường khác tìm chỗ nghỉ ngơi và thầm nghĩ: “Đống lửa kia cao bằng hay hơn người, vừa mới tắt chứ không phải là nơi mát mẻ, nếu người kia đến đó hoặc nằm hoặc ngồi thì sẽ càng nóng nảy thêm lên, chắc chắn phải bị khổ não.” Ông ta vừa nghĩ như vậy, thì sự thật diễn ra không sai với điều đã nghĩ, người kia đến đó thọ nhận rất nhiều khổ não.
Này Xá-lợi Tử! Có một hạng người bị đọa nơi địa ngục cũng lại như vậy. Tâm ý của người kia như thế nào ta đều biết. Do họ không biết đi theo con đường chánh, nên sau khi qua đời bị đọa vào đường ác sinh trong địa ngục rất không vừa ý, phải chịu đại khổ não. Như Lai dùng mắt trời thanh tịnh hơn mắt người nhận thấy rõ về việc ấy.
Xá-lợi Tử! Do vậy, con đường đưa đến địa ngục, nghiệp nhân đưa đến cảnh giới ấy, cho đến quả báo mà hữu tình nơi cõi ấy phải thọ nhận Như Lai đều biết tất cả.
Xá-lợi Tử! Con đường đưa đến súc sinh, nghiệp nhân đưa đến cảnh giới ấy, cho đến quả báo mà hữu tình nơi cõi ấy phải chịu ta đều biết cả.
Xá-lợi Tử! Ví như thế gian có vùng ô uế cao bằng hoặc hơn người, vào tháng nóng bức của mùa hè, cảnh vật đều bị thiêu đốt, nóng thật đáng sợ, có một người từ xa đi lại, vừa mỏi mệt lại bị đói khát hành hạ, lần theo con đường đến chỗ ô uế để nghỉ ngơi. Có người mắt sáng ở bên cạnh thấy rõ chỗ ô uế kia, nên tìm sang đường khác kiếm chỗ nghỉ ngơi. Khi ấy người mắt sáng thầm nghĩ: “Vùng ô uế ấy cao bằng hoặc hơn người, là chỗ không an ổn mà người kia đến sẽ càng nóng bức hơn, đã không được an ổn, không thể ưa thích nên chắc chắn phải chịu cực khổ. Quả thật như những điều ông nghĩ, người kia đến đó, hoặc nằm, hoặc ngồi đều không được an ổn, không thể ưa thích.”
Này Xá-lợi Tử! Có một hạng người bị đọa vào cõi súc sinh cũng lại như vậy. Tâm ý của người kia như thế nào ta đều biết tất cả. Do người ấy không đi theo con đường chánh, nên sau khi qua đời bị đọa vào đường ác sinh trong loài súc sinh, không được an ổn, không thể ưa thích, lại không vừa ý, phải chịu cực khổ. Như Lai dùng mắt trời thanh tịnh hơn mắt người quan sát việc này rất rõ ràng.
Xá-lợi Tử! Do vậy, đối với con đường đưa đến cõi súc sinh, nghiệp nhân đưa đến cảnh giới ấy, cho đến quả báo mà hữu tình nơi cõi ấy phải thọ nhận Như Lai đều biết rõ tất cả.
Này Xá-lợi Tử! Con đường đưa đến cõi ngạ quỷ, nghiệp nhân đưa đến cảnh giới ấy, cho đến quả báo mà hữu tình nơi cõi ấy phải thọ Ta đều biết rõ.
Xá-lợi Tử! Ví như có cây cao bằng hay hơn người khô héo cằn cỗi, cành lá đều rụng sạch. Vào tháng nóng nhất của mùa hè, cảnh vật đều cháy rụi, nóng khủng khiếp, có một người từ xa đến vừa mỏi mệt lại bị đói khát hành hạ, lần theo con đến dưới gốc cây khô ấy để nghỉ ngơi. Bên cạnh, có người mắt sáng thấy vậy liền thầm nghĩ: “Chỗ gốc cây ấy không phải là chốn mát mẻ, nếu người kia đến đó sẽ bị cực khổ.” Đúng như những điều ông ta vừa nghĩ, người kia đến đó nằm hoặc ngồi đều bị cực khổ.
Này Xá-lợi Tử! Có một hạng người bị đọa vào cõi ngạ quỷ cũng lại như vậy. Tâm ý của họ như thế nào ta đều biết rõ. Do người kia không đi theo con đường chánh, nên sau khi qua đời bị đọa vào đường ác, sinh trong loài ngạ quỷ chịu đại khổ não. Như Lai dùng mắt trời thanh tịnh hơn mắt người quan sát việc này rất rõ.
Này Xá-lợi Tử! Vì vậy, đối với con đường đưa đến ngạ quỷ, nghiệp nhân đưa đến cảnh giới ấy, cho đến những quả báo mà hữu tình nơi cõi ấy phải chịu ta đều biết tất cả.
Này Xá-lợi Tử! Con đường đưa đến A-tu-la, nghiệp nhân đưa đến cảnh giới ấy, cho đến các quả báo mà hữu tình của cõi ấy phải nhận lấy, ta đều biết cả.
Này Xá-lợi Tử! Ví như cây có ổ kiến phía dưới, cao bằng hoặc hơn người, vào tháng nóng bức của mùa hè, cảnh vật đều bị thiêu đốt, nóng khủng khiếp. Có một người từ xa đi lại vừa mỏi mệt lại bị đói khát hành hạ, bèn theo con đường đến bên gốc cây ấy nhằm nghỉ ngơi. Có người mắt sáng ở bên cạnh thấy người kia đến bên gốc cây có kiến để nghỉ ngơi liền thầm nghĩ: “Chỗ ấy không an ổn, người kia đến đó sẽ bị khổ sở!” Đúng với những điều ông ta nghĩ, người kia đến chỗ đó hoặc nằm, hoặc ngồi, liền bị khổ não.
Này Xá-lợi Tử! Có một hạng người bị đọa vào cõi A-tu-la cũng lại như vậy. Tâm ý của người đó như thế nào ta đều biết tất cả. Do họ không đi theo con đường chánh, nên sau khi qua đời bị đọa vào đường ác, làm A-tu-la chịu nhiều khổ não. Như Lai dùng mắt trời thanh tịnh hơn mắt người quan sát rất rõ về việc này. Xá-lợi Tử! Vì thế, đối với con đường đưa đến A-tu-la, nghiệp nhân đưa đến cảnh giới ấy, cho đến quả báo mà hữu tình ở cảnh giới ấy phải chịu, ta đều biết tất cả.
Này Xá-lợi Tử! Con đường đưa đến cõi người, nghiệp nhân đưa đến cõi người, cho đến các quả báo mà hữu tình nơi cõi ấy phải chịu ta đều biết cả. Xá-lợi Tử! Ví như có cây cổ thụ thân gốc to lớn, nhưng cành lá không bằng nhau, chỗ thì thưa thớt, chỗ thì rậm rạp dày kín nên bóng mát ở dưới cũng khác nhau. Vào tháng nóng nhất của mùa hè, cảnh vật đều bị thiêu đốt, nóng khủng khiếp, có một người từ xa đi lại vừa mỏi mệt, lại bị đói khát hành hạ, bèn theo con đường dẫn tới bên gốc cây ấy để nghỉ ngơi. Cạnh đấy, có người mắt sáng thấy ông ta đến bên gốc cây đó để nghỉ ngơi bèn thầm nghĩ: “Người kia đến bên gốc cây đó để nghỉ ngơi chắc bị khổ vui xen lẫn.” Thật đúng như những điều ông ta vừa nghĩ, người kia đến đó hoặc nằm, hoặc ngồi, thì vừa bị khổ, vừa cảm thấy vui.
Này Xá-lợi Tử! Có một hạng hữu tình sinh vào loài người cũng lại như vậy. Tâm ý của họ như thế nào ta đều biết rõ. Do họ không đi theo con đường chánh, nên sau khi qua đời, sinh làm người bị khổ vui lẫn lộn. Như Lai dùng mắt trời thanh tịnh hơn mắt người quan sát rất kỹ về việc này.
Này Xá-lợi Tử! Vì thế đối với con đường đưa đến cõi người, nghiệp nhân đưa đến cõi người, cho đến những quả báo của hữu tình nơi cõi ấy thọ nhận ta đều biết tất cả.
Này Xá-lợi Tử! Tất cả con đường đưa đến cõi trời, nghiệp nhận đưa đến cõi trời, cho đến các quả báo mà hữu tình nơi cõi ấy thọ nhận ta đều biết cả. Này Xá-lợi Tử! Ví như có một lầu gác cao lớn, xung quanh quét vôi, lại xây dựng kiên cố, kín đáo, bên trong không có khe hổng, cửa sổ cửa lớn đều được che mát, khiến cho gió và ánh sáng mặt trời không thể xâm nhập. Bên trong lại sắp xếp những chỗ ngồi, dùng lụa đỏ làm nệm, lót chồng lên dày mười sáu lớp, rồi phủ lụa trắng. Vào tháng nóng bức của mùa hè, cảnh vật đều bị thiêu đốt, nóng kinh khủng, có một người từ xa đến, vừa mệt mỏi lại bị đói khát hành hạ, bèn theo con đường đi đến lầu ấy nhằm nghỉ ngơi. Có một người mắt sáng ở bên cạnh, thấy ông ta muốn lên gác cao để nghỉ ngơi, bèn thầm nghĩ: “Lầu gác kia, cửa sổ, cửa lớn đều được che mát, với nệm dày rất vừa ý, thích thú, người kia đến đó nghỉ ngơi chắc chắn sẽ vui thích.” Đúng như những điều ông vừa nghĩ, người kia lên lầu nằm hoặc ngồi, hưởng mọi an lạc, thích thú.
Này Xá-lợi Tử! Có một hạng người được sinh vào cõi trời cũng lại như vậy. Tâm ý của họ như thế nào ta đều biết rõ. Do họ tạo nhân lành nhưng không nhận biết nẻo hành đạo của bậc Thánh nên sau khi qua đời, sinh vào đường lành trong cõi trời, hưởng nhiều an lạc. Như Lai dùng mắt trời thanh tịnh hơn mắt người quan sát rất rõ về việc này.
Này Xá-lợi Tử! Vì vậy đối với con đường đưa đến cõi trời, nghiệp nhân đưa đế cõi trời, cho đến quả báo mà hữu tình nơi cõi ấy thọ nhận ta đều biết tất cả.
Này Xá-lợi Tử! Tất cả con đường Thánh Niếtbàn, nghiệp nhân đưa đến Niết-bàn, cho đến pháp mà hữu tình đó chứng quả Niết-bàn, ta đều biết tất cả.
Này Xá-lợi Tử! Ví như ở thế gian cách xóm làng không xa, có một ao trời, bốn bên vuông vức bằng nhau, nước trong ao trong sạch, mát mẻ rất là thú vị. Xung quanh ao đều có cây A-ma-la, cây Thiệm-bộ, cây Phả-noa-bà, cây Bà-dương-la, cây Câu-phược-bá-nê-phược-đa, cây Long-tu, che khắp bốn phía và chạm tới mặt nước ao, thân nhánh đều rất tốt. Vào tháng nóng nhất của mùa hè, cảnh vật đều tự thiêu đốt, nóng khủng khiếp, có một người từ xa đi lại vừa mệt mỏi lại bị đói khát hành hạ, bèn theo con đường đi đến ao kia để uống nước và tắm rửa cho khỏe. Có người mắt sáng ở bên cạnh thấy người này đến chỗ ao, liền thầm nghĩ: “Người này từ xa đến bị mỏi mệt, đói khát, nếu ông ta tới nơi ao ấy uống và tắm rửa sẽ không còn nóng bức, mệt mỏi, sau đó, ông ta đến giữa bóng cây mà nằm hoặc ngồi tùy theo sở thích thì sẽ được an lạc.” Quả thật đúng như những điều ông ta nghĩ, người kia đến đó luôn được an vui.
Này Xá-lợi Tử! Có một hạng người chứng đắc Niết-bàn cũng lại như vậy. Tâm ý của họ như thế nào ta biết tất cả. Do người ấy đi theo con đường của bậc Thánh, tu nhân Niết-bàn, nên chứng quả Niết-bàn, các lậu đều đã dứt sạch, do đó vô lậu được tăng trưởng, tâm hoàn toàn giải thoát, tuệ hoàn toàn giải thoát, nhờ vào uy lực của mình mà chứng pháp như vậy. Như Lai quan sát việc này rất rõ, thấy hữu tình ấy các lậu đã diệt sạch được giải thoát, chứng pháp đạt được an lạc, kiếp sống của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm ta đã làm xong, không còn tái sinh!
Này Xá-lợi Tử! Do vậy đối với đạo Niết-bàn, nhân Niết-bàn, cho đến quả Niết-bàn mà hữu tình chứng đắc Như Lai đều biết tất cả.
Xá-lợi Tử! Đối với các sự việc ấy, con nhà trưởng giả kia chỉ thấy, chỉ biết như vậy. Vì không tin, ông ta mới phát ngôn phỉ báng: “Sa-môn Cùđàm đối với pháp tối thượng của loài người hãy còn không thể có được huống chi là chứng đắc Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Đi vào chỗ luận nạn, ông ta chỉ vì hàng Thanh văn mà giảng nói các pháp, những điều tìm cầu và tu tập đều nhờ vào biện tài và sự hiểu biết không đúng của mình mà cho là chứng đắc, pháp của ông ta giảng nói đâu có thể dẫn tới giải thoát vượt qua các khổ.”
Xá-lợi Tử! Do nhận thức ấy, ông ta phỉ báng liên tục nên mau bị đọa vào địa ngục, như gánh nặng bị rớt. Lại như Tỳ-kheo Thanh văn học đầy đủ giới, định, tuệ, nhưng ít siêng năng nên được trí chứng quả không cho đó là khó. Hạng người kia bị đọa vào đường ác cũng lại như vậy.
Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Thế gian có một hạng Bà-la-môn thờ lửa cho là thanh tịnh. Họ nói với nhau: “Ai thờ lửa thì được thanh tịnh.” Này Xá-lợi Tử! Pháp thờ lửa ấy thật không thanh tịnh, vì đều là những pháp mà trước đây ta đã tu tập qua. Mặc dù ta đã trải qua thời gian tu tập, nhưng cuối cùng thấy rõ là không có lợi ích: từ vô thỉ đến nay cứ ở mãi trong thế gian không ra khỏi sinh tử. Các hàng Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Trưởng giả, hành động theo những điều hiểu biết để cầu chút phần pháp hơn hết trong cõi người hãy còn không thể được, huống chi là chứng đắc Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Vì sao? Vì những điều mà họ suy nghĩ đối với Thánh tuệ không thể thấu tỏ lại không giác ngộ.
Nếu không giác ngộ và thấu đạt về Thánh tuệ thì làm sao có thể giải thoát hết các khổ? Xá-lợi Tử! Nếu với Thánh tuệ mà thấu tỏ đúng như thật, thì đóng cửa ba cõi, chấm dứt đường sinh tử, không còn tái sinh.
Này Xá-lợi Tử! Thế gian có hạng Bà-la-môn tổ chức hội bố thí cho là thanh tịnh. Họ nói với nhau: “Ai tổ chức hội bố thí thì được thanh tịnh.” Xá-lợi Tử! Hội bố thí của họ không thanh tịnh, vì đều là những hội mà xưa kia ta từng tu tập. Mặc dù từng tu tập nhưng cuối cùng ta thấy rõ là không có lợi ích: Từ vô thỉ đến nay cứ ở mãi trong thế gian không thoát khỏi sinh tử. Các đại tộc Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Trưởng giả hành động theo những điều hiểu biết như giết ngựa để tế trời, giết người để cúng tế trời, giết voi, dê để tế trời, tổ chức phép ăn uống, tạo hội vô già, dùng các hoa sen nhiều màu làm việc sạch sẽ, lấy hoa sen trắng làm việc sạch sẽ, quăng ném những con vật vào lửa để làm pháp cúng tế trời, làm pháp của trời Đế Thích, làm pháp của Nguyệt thiên, hoặc xuất vàng bạc châu báu để tổ chức hội bố thí. Họ hành động như vậy cầu chút phần pháp tối thượng trong cõi người hãy còn không được, huống chi là chứng đắc Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Vì sao? Vì đối với Thánh tuệ họ không thể thấu đạt, lại không giác ngộ. Nếu không giác ngộ, thấu đạt về Thánh tuệ thì làm sao giải thoát khỏi các khổ? Xá-lợi Tử! Nếu với Thánh tuệ mà thấu tỏ đúng như thật và giác ngộ tức là đóng cửa ba cõi, chấm dứt đường sinh tử, không còn tái sinh.
Này Xá-lợi Tử! Thế gian có hạng Bà-la-môn cho tất cả giáo lý của mình là thanh tịnh. Họ nói rằng: “Người nào dùng chú pháp ấy thì được thanh tịnh.” Xá-lợi Tử! Chú pháp ấy không thanh tịnh vì đều là chú pháp mà xưa kia ta đã từng tu tập. Mặc dù ta đã từng tu tập, nhưng cuối cùng thấy rõ không có lợi ích, từ vô thỉ đến nay cứ ở mãi trong thế gian không ra khỏi sinh tử. Đại tộc Sát-đế-lợi, Bà-lamôn, Trưởng giả làm theo hành động của mình để cầu chút phần pháp tối thượng nơi loài người hãy còn không được, huống chi là chứng đắc Tri kiến tối thắng của bậc Thánh. Vì sao? Vì đối với Thánh tuệ, họ không thấu tỏ lại không giác ngộ. Nếu không thấu tỏ và giác ngộ Thánh tuệ thì làm sao giải thoát ra khỏi các khổ? Này Xá-lợi Tử! Nếu với Thánh tuệ mà thấu tỏ đúng như thật và giác ngộ tức là đóng cửa ba cõi, chấm dứt sinh tử, không còn tái sinh.
Này Xá-lợi Tử! Thế gian có hạng Bà-la-môn bị luân hồi sinh tử mà cho là thanh tịnh. Họ nói với nhau rằng: “Người bị luân hồi sinh tử thì được thanh tịnh.” Này Xá-lợi Tử! Luân hồi sinh tử là không thanh tịnh, vì xưa kia ta đã từng trải qua sinh tử. Từ vô thỉ đến nay cứ ở mãi trong thế gian không thoát ra khỏi, ngoại trừ cõi trời Tịnh cư.
Xá-lợi Tử! Trong cõi trời Tịnh cư chỉ sinh một lần ở đó nữa, không còn trở lại nhân gian, tức là từ cõi trời này tiến đến Niết-bàn. Xá-lợi Tử! Dù chưa ra khỏi sinh tử mà có cầu chút phần pháp tối thượng của loài người hãy còn không được, huống chi là chứng đắc Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Vì sao? Vì những điều họ nghĩ đối với Thánh tuệ đã không thể thấu đạt lại không giác ngộ. Nếu không thấu đạt, giác ngộ về Thánh tuệ thì làm sao giải thoát hết các khổ? Xá-lợi Tử! Nếu với Thánh tuệ mà thấu tỏ đúng như thật và giác ngộ tức là đóng cửa ba cõi, chấm dứt đường sinh tử, không còn tái sinh.
Này Xá-lợi Tử! Thế gian có hạng Bà-la-môn cho sáu cảnh giới là thanh tịnh. Họ nói với nhau: “Người đi trong sáu cảnh giới thì được thanh tịnh.” Xá-lợi Tử! Sáu cảnh giới ấy là không thanh tịnh, vì đó là những cảnh giới mà xưa kia ta đã từng đi qua. Từ vô thỉ đến nay vẫn ở mãi nơi thế gian, luân hồi trong sáu cõi, trừ cõi trời Ngũ tịnh cư. Này Xálợi Tử! Vì nơi cõi trời Ngũ tịnh cư sinh một lần ở cõi này nữa thôi, không còn trở lại nhân gian, tức là từ cõi trời ấy tiến đến chứng đắc Niết-bàn.
Xá-lợi Tử! Nếu chưa lìa khỏi các cảnh giới ấy mà cầu chút phần pháp tối thượng trong loài người hãy còn không có được, huống chi là chứng đắc Tri kiến tối thắng của bậc Thánh. Vì sao? Vì đối với
Thánh tuệ họ không thấu đạt, không giác ngộ. Nếu không thấu đạt, không giác ngộ về Thánh tuệ thì làm sao giải thoát, dứt sạch các khổ? Xá-lợi Tử! Nếu thấu đạt đúng như thật và giác ngộ về Thánh tuệ tức là đóng cửa ba cõi, chấm dứt đường sinh tử, không còn tái sinh.
Này Xá-lợi Tử! Thế gian có hạng Bà-la-môn cho chỗ sinh sống là thanh tịnh. Họ nói với nhau: “Người nào sinh sống chỗ ấy thì được thanh tịnh.” Xá-lợi Tử! Chỗ họ sinh sống là không thanh tịnh, vì là những chỗ mà xưa kia ta đã từng sinh sống. Từ vô thỉ đến nay cứ ở mãi trong thế gian, không thoát khỏi sinh tử, chỉ trừ cõi trời Ngũ tịnh cư, vì nơi cõi trời ấy chỉ sinh một lần nữa thôi, không còn trở lại nhân gian, tức là từ cõi trời này tiến đến chứng đắc Niết-bàn. Xá-lợi Tử! Nếu chưa lìa khỏi chỗ sinh sống mà cầu chút phần pháp tối thượng trong loài người hãy còn không thể được, huống chi là chứng đắc Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Vì sao? Vì những điều mà họ suy nghĩ với Thánh tuệ, họ không thấu tỏ, không giác ngộ. Nếu không thấu tỏ, không giác ngộ về Thánh tuệ thì làm sao giải thoát dứt hết các khổ? Xá-lợi Tử! Nếu với Thánh tuệ mà thấu tỏ đúng như thật và giác ngộ, tức là đóng cửa ba cõi, chấm dứt đường sinh tử, không còn tái sinh.
Này Xá-lợi Tử! Thế gian có hạng Bà-la-môn cho chủng tử của mình là thanh tịnh. Họ nói với nhau: “Người nào nương vào chủng tử chính mình thì được thanh tịnh.” Xá-lợi Tử! Chủng tử ấy là không thanh tịnh, vì đều là chủng tử mà xưa kia ta từng nương vào. Từ vô thỉ đến nay, cứ ở mãi trong thế gian, không thoát khỏi sinh tử, chỉ trừ cõi trời Ngũ tịnh cư. Này Xá-lợi Tử! Vì nơi cõi trời Ngũ tịnh cư chỉ sinh một lần nữa thôi, không còn sinh trở lại nhân gian, tức là từ cõi trời này tiến đến chứng đắc Niết-bàn. Xá-lợi Tử! Nếu ai chưa ra khỏi sinh tử mà cầu chút phần pháp tối thượng trong loài người hãy còn không thể được, huống chi là chứng đắc Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Vì sao? Vì những điều mà họ suy nghĩ đối với Thánh tuệ họ không thấu đạt, không giác ngộ. Nếu không thấu đạt, không giác ngộ về Thánh tuệ thì làm sao giải thoát, chấm dứt các khổ? Xá-lợi Tử! Nếu với Thánh tuệ mà thấu đạt đúng như thật, giác ngộ tức là đóng cửa ba cõi, chấm dứt đường sinh tử, không còn tái sinh.
Này Xá-lợi Tử! Thế gian có hạng Bà-la-môn nói như vầy: “Người nào tu đầy đủ bốn loại pháp thì đó là phạm hạnh thanh tịnh.” Xá-lợi Tử! Tu bốn pháp ấy cho là thanh tịnh nhưng ai được thanh tịnh ta đều biết rõ. Đối với bốn pháp ấy ta đều đạt tới chỗ tối thượng hơn họ.
Bốn pháp là:
1. Họ tu hành pháp gì, ta cũng tu hành hơn họ.
2. Họ nhàm chán pháp gì, ta cũng nhàm chán hơn họ.
3. Họ chịu đựng hành hạ thân như thế nào, ta cũng chịu đựng hành hạ thân hơn họ.
4. Họ tịch tĩnh, ta cũng tịch tĩnh hơn họ.
Xá-lợi Tử! Thế nào là ta tu hành hơn họ? Nghĩa là ngoại đạo kia thường giơ một tay lên trời, ta cũng làm giống như họ. Họ không nằm giường chiếu, hoặc họ ngồi xổm, hoặc ăn khí dơ, thức ăn dở, hoặc ở một chỗ nhất định, hoặc di chuyển tùy ý, hoặc cạo tóc để lại một chỏm, hoặc nằm trên gai gốc, hoặc nằm trên ván, hoặc ở trong nhà trống, hoặc ở một chỗ nhất định, hoặc một ngày tắm ba lần, cho đến những hạnh khổ hành hạ bức bách thân thể, trong mỗi cách ấy Ta cũng đã làm giống như họ. Đây gọi là ta tu hành hơn họ.
Thế nào là ta nhàm chán hơn họ? Này Xá-lợi Tử! Nghĩa là ngoại đạo kia lõa thân, không mặc quần áo, đưa tay nhận thức ăn, ta cũng làm như họ. Hoặc không nhận thức ăn nơi người mặt mày xấu xí, không nhận thức ăn nơi người có khuôn mặt buồn bực, không nhận thức ăn ở giữa hai cái cối, không nhận thức ăn ở giữa hai cái chày, không nhận thức ăn ở giữa hai cây gậy, không nhận thức ăn ở giữa hai bức tường, không nhận thức ăn nơi người đang mang thai, không nhận thức ăn nơi người cầm chất nổ, không đứng nơi chỗ hai người cùng chung một đồ đựng mà ăn. Hoặc có người đang ăn xin ngoài cổng không được đứng ăn nơi chỗ ấy. Hoặc có con chó đang ở ngoài cổng cũng không được đứng ăn nơi chỗ đó. Không được đứng ăn chỗ có trùng, ruồi bu quanh. Không được nhận thức ăn của người không nói, cũng không nhận thức ăn của người nói nhiều. Nếu người nói rồi bỏ đi cũng không nhận thức ăn đó, hoặc người nói là đến cũng không nhận thức ăn ấy. Không được ăn thức ăn do tranh cãi mà được. Hoặc chỉ nhận thức ăn một nhà, hoặc thức ăn hai, ba, đến bảy nhà. Hoặc một miếng, hoặc hai, ba, đến bảy miếng. Hoặc một ngày ăn một bữa, hoặc hai, hoặc ba, hoặc lại bảy ngày, hoặc nửa tháng, đến một tháng mới ăn một bữa. Trong bữa ăn không ăn mì, không ăn cơm, không ăn đậu, không uống rượu chế tạo từ gạo, không ăn thịt, không ăn sữa, không ăn bơ và dầu, không ăn mật và mật chế tạo từ trái cây, không uống nước trái cây, không ăn những thức ăn rang nướng, chỉ uống nước vo gạo để sống, hoặc ăn lúa mạ, ăn gạo sống, ăn phân bò, hoặc ăn rễ, cành, lá, trái cây, hoặc thường đến trong đồng hoang hái nhặt hạt, trái, cành, lá, rễ cây để ăn. Người kia làm như vậy ta cũng làm như vậy. Đó gọi là ta nhàm chán hơn họ.
Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Thế nào là ta cũng chịu khổ não hành hạ thân hơn họ? Nghĩa là ban đầu bụi đất dính trên thân ta rất ít, sau đó càng ngày càng nhiều. Ví như cành lá của cây Đỉnh-nột-ca đất bụi phủ càng ngày càng nhiều, dày lên, thân thể của ta cũng như vậy. Xá-lợi Tử! Mặc dù thân thể của ta bị bụi đất dính đầy nhưng không bao giờ Ta nghĩ: “Than ôi, vì sao thân thể của ta bị bụi đất dính đầy? Ai là người phủi sạch cho ta?” Đấy là ta cũng chịu khổ não hành hạ thân hơn họ.
Này Xá-lợi Tử! Thế nào là ta tịch tĩnh hơn họ? Nghĩa là ở chỗ đồng trống tịch tĩnh, đi, đứng, nằm, ngồi xa lìa mọi sự ồn ào huyên náo, không để ý đến những vật thọ dụng, ở một mình nơi vắng lặng. Xálợi Tử! Khi ấy ta cùng họ làm như vậy. Nếu có người chăn bò, người chăn nuôi gia súc, người hái cúi, người làm vườn, khi đi đường… Ta thấy những người này thì lánh vào chỗ sâu kín không cho họ thấy. Ví như nai hoang thấy các người chăn bò… trên liền ẩn núp vào chỗ kín đáo để tránh vì sợ họ thấy. Ta ở nơi đồng trống xa lìa sự ồn náo cũng lại như vậy. Đây là ta tịch tĩnh hơn họ.
Xá-lợi Tử! Tuy làm như vậy để cầu chút phần pháp tối thượng trong loài người hãy còn không được, huống chi là chứng đắc Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Vì sao? Vì đối với Thánh tuệ họ không thấu đạt, không giác ngộ. Nếu không thấu đạt và giác ngộ về Thánh tuệ thì làm sao giải thoát hết thảy các khổ?
Xá-lợi Tử! Nếu với Thánh tuệ mà thấu tỏ đúng như thật và giác ngộ tức là đóng cửa ba cõi, chấm dứt đường sinh tử, không còn tái sinh.
Này Xá-lợi Tử! Thế gian có hạng Bà-la-môn nói rằng: “Vào đêm mùng tám tháng mùa đông, khi gặp tuyết rơi thì lõa thân đứng một mình nơi đồng trống hoặc gần bờ sông, nằm sâu trong tuyết suốt đêm, làm như vậy là thanh tịnh.” Xá-lợi Tử! Ta biết như vậy và cũng làm như họ. Vào tối mùng tám tháng mùa đông, khi gặp tuyết rơi, ta lõa thân đứng một mình nơi nơi đồng trống hoặc gần bờ sông, nằm sâu trong tuyết suốt đêm. Xá-lợi Tử! Tuy làm như vậy, để cầu chút phần pháp tối thượng trong loài người hãy còn không có, huống chi là chứng đắc Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Vì sao? Vì đối với Thánh tuệ, họ không thấu đạt, không giác ngộ. Nếu không thấu đạt, không giác ngộ về Thánh tuệ, thì làm sao giải thoát vượt qua các khổ? Xá-lợi Tử! Nếu với Thánh tuệ mà thấu tỏ đúng như thật và giác ngộ, tức là đóng cửa ba cõi, chấm dứt đường sinh tử, không có tái sinh.
Này Xá-lợi Tử! Thế gian có hạng Bà-la-môn nói như vầy: “Vào đêm mùng tám tháng mùa đông, khi gặp tuyết rơi hãy lội xuống nước sâu quá cổ, đứng trong ấy suốt đêm, làm như vậy là thanh tịnh.” Xá-lợi Tử! Ta biết việc ấy và cũng làm như họ. Vào đêm mùng tám tháng mùa đông, khi gặp tuyết rơi, ta lội xuống nước sâu quá cổ và ở trong ấy suốt đêm. Xá-lợi Tử! Dù làm như vậy để cầu chút phần pháp tối thượng trong loài người hãy còn không được, huống chi là chứng đắc Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Nói rộng cho đến… chấm dứt đường sinh tử, không còn tái sinh.
Này Xá-lợi Tử! Thế gian có hạng Bà-la-môn nói như vầy: “Vào tháng nóng nhất của mùa hè, lúc giữa trưa, lõa thân đứng một chân trong cát lún tới đầu gối, ngẩng đầu lên và di chuyển theo mặt trời, làm như vậy là thanh tịnh.” Này Xá-lợi Tử! Ta biết như vậy và cũng làm như họ. Vào tháng nóng nhất của mùa hè, lúc giữa trưa, ta lõa thân đứng một chân trong cát lún tới đầu gối, ngẩng đầu lên và di chuyển theo mặt trời. Xá-lợi Tử! Biết việc này nên mọi người, kẻ nam, người nữ đều chạy nối đuôi nhau đến xem. Chúng bàn luận: “Nếu biết điều chế tâm thì được an lạc, không còn nhớ nghĩ đến sự nóng bức, không có tâm biếng trễ.” Xá-lợi Tử! Tuy làm như vậy để cầu chút phần pháp tối thượng trong loài người hãy còn không được, huống chi là chứng đắc Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Nói rộng cho đến… chấm dứt đường sinh tử, không còn tái sinh.
Này Xá-lợi Tử! Thế gian có hạng Bà-la-môn nói như vầy: “Nhờ gian khổ kiếm thức ăn khó kiếm là thanh tịnh.” Xá-lợi Tử! Lúc đó ta biết việc ấy và cũng làm giống như họ. Những thức ăn tìm khó được là gì? Nghĩa là ta thường đến nơi trâu bò tụ tập ở đồng trống để xin sữa bò. Đây là thức ăn khó tìm. Xá-lợi Tử! Dù làm như vậy để cầu chút phần pháp tối thượng trong loài người hãy còn chưa có, huống chi là chứng đắc Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Nói rộng cho đến… chấm dứt đường sinh tử, không còn tái sinh.
Này Xá-lợi Tử! Thế gian có hạng Bà-la-môn chỉ ăn lúa mì cho là thanh tịnh. Họ nói với nhau: “Chỉ ăn lúa mì mà tu hành thì được thanh tịnh.” Họ lấy lúa mì nghiền nát vụn, hoặc vo lấy nước, hoặc dùng nhiều cách để ăn mà nuôi mạng. Xá-lợi Tử! Ta biết việc ấy và cũng làm giống như họ. Ta lấy lúa mì làm thức ăn như thế nào? Nghĩa là ta chỉ ăn một hạt, không ăn thêm hạt thứ hai. Thời gian sau, do ăn lúa mì như vậy nên thân thể bị phù, dù vậy ta cũng không bao giờ khởi tâm ăn nhiều hơn lượng đó, ta chỉ ăn một hạt, không thêm hạt thứ hai. Xá-lợi Tử! Vì ta ăn một hạt lúa mì nên gầy ốm, trên dưới thân thể giống như chim Ca-la-ca và chim A-bà-đa. Còn chân thì rút khô nhỏ lại, không ai dám nhìn, giống như lạc đà, như dê không khác. Sau bã vai thì lồi lõm như đá chồng lên nhau, chỗ cao chỗ thấp không bằng. Lại giống như nhà lá ở nơi chỗ trống vắng vẻ, hai bên trống trải, then chốt rơi rớt, bên trong mở toát, có thể nhìn xuyên qua. Hai hông ta lồi từng đốt xương, bên trong lõm vào, có thể nhìn thấy rõ. Lại như tháng nắng có chỗ nước còn đọng lại, đến tối có người nhìn thấy trong nước có ánh sáng của các vì sao hiện ra lập lòe. Hai mắt ta sâu lõm thấy lờ mờ cũng như cái thấy ở trên vậy. Lại như trái mướp đắng khi còn non chưa già, bị người cắt đứt dây thì cành lá liền tàn héo rồi từ từ khô, cuối cùng thành khô ran. Thân thể của ta từ đầu đến chân cũng như vậy. Ban đầu tiều tụy, dần dần gầy yếu, cuối cùng thì gầy mòn, xương da dính sát với nhau. Xá-lợi Tử! Thân thể ban đầu của ta, ta cố gắng giữ gìn, vịn vào gai gốc như chống gậy, nhưng sức lực đã yếu lần không chịu nổi, cứ muốn đứng dậy thì lại ngồi xuống, thân thể rã rời, đầu cổ gục thấp, cổ họng yếu ớt, nói không ra hơi giống như dê câm. Mặc dù như vậy, ta vẫn duy trì, bên trong thâu giữ tâm, bên ngoài ráng giữ thân thể khéo điều hòa hơi thở. Muốn cử động thân thì lại bị bụi đất dơ nhớp dính đầy. Vì bụi đất dính đầy nên không thấy lông trên thân nữa. Xá-lợi Tử! Lúc đó, mọi người nam, nữ ở trong xóm làng, thành ấp kéo nhau chạy đến xem. Họ nói: “Khổ thay! Đau đớn thay! Thân thể của Sa-môn Cù-đàm bị tiêu mòn, lại thêm nám đen, xưa kia dung mạo đẹp đẽ rực rỡ, nay biến mất đi đâu? Do tu luyện khổ cực, hành hạ thân thể nên thân tướng ra như vậy.” Xálợi Tử! Mặc dù làm như thế để cầu chút phần pháp tối thượng của loài người hãy còn không được, huống chi là chứng đắc Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Nói rộng cho đến… chấm dứt đường sinh tử, không còn tái sinh.
Này Xá-lợi Tử! Thế gian có hạng Bà-la-môn chỉ ăn gạo cho là thanh tịnh. Họ nói: “Chỉ ăn gạo mà tu hành thì được thanh tịnh.” Họ lấy gạo nghiền nát, hoặc vo lấy nước, hoặc dùng đủ cách để ăn. Xá-lợi Tử! Ta biết việc đó và cũng làm như họ. Ta lấy gạo làm thức ăn như thế nào? Ta chỉ ăn một hạt, không ăn thêm hạt thứ hai. Thời gian sau do ăn gạo mà bị phù, nhưng không bao giờ ta khởi tâm lấy gạo thêm để ăn, ta chỉ ăn một hạt thôi. Xá-lợi Tử! Ta đã tu khổ hạnh như vậy. Bấy giờ có một người đến nói: “Ngày xưa dung mạo đẹp đẽ rực rỡ, nay biến đi đâu? Do tu luyện khổ hạnh mà thân tướng phải đến nông nỗi này.” Xá-lợi Tử! Tuy tu hành như vậy để cầu chút phần pháp tối thượng của loài người hãy còn không được, huống chi là chứng đắc Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Nói rộng cho đến… chấm dứt đường sinh tử, không còn tái sinh. Này Xá-lợi Tử! Thế gian có hạng Bà-la-môn chỉ ăn mè cho là thanh tịnh. Họ nói rằng: “Nếu ăn mè mà tu hành thì được thanh tịnh.” Họ lấy mè rồi nghiền nát vụn, hoặc vò lấy nước, hoặc dùng đủ cách để ăn. Xá-lợi Tử! Ta biết việc ấy và cũng làm giống như họ. Ta lấy mè làm thức ăn như thế nào? Xá-lợi Tử! Ta chỉ ăn một hạt mè mà không thêm hạt thứ hai. Thời gian sau, do ăn mè nên thân thể Ta bị phù, dù vậy nhưng không bao giờ ta nghĩ đến để lấy ăn thêm. Ta chỉ ăn một hạt, không thêm hạt thứ hai. Ta đã tu khổ hạnh như vậy. Bấy giờ có người dân đến nói: “Ngày xưa dung mạo đẹp đẽ rực rỡ, nay ẩn mất đi đâu? Do tu luyện khổ hạnh nên đến nông nỗi này.” Xá-lợi Tử! Tuy làm như vậy để cầu chút phần pháp tối thượng của loài người hãy còn không được, huống chi là chứng đắc Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Nói rộng cho đến… chấm dứt đường sinh tử, không còn tái sinh. Này Xá-lợi Tử! Thế gian có hạng Bà-la-môn không ăn thứ gì cả cho là thanh tịnh. Họ nói với nhau: “Nếu không ăn bất cứ những vật gì, tu hành như vậy thì được thanh tịnh.” Xá-lợi Tử! Ta biết việc ấy và cũng làm giống như họ. Ta không ăn một thứ gì cả. Do không ăn nên thân thể Ta gầy ốm. Như vậy nói rộng cho đến tu hành khổ hạnh… mọi người nói: “Khổ thay! Đau đớn thay! Sa-môn Cù-đàm thân thể gầy ốm, giống như chim Mãng ngu. Lúc trước dung mạo đẹp đẽ rực rỡ, nay biến đi đâu? Do tu luyện khổ hạnh nên mới ra nông nỗi như vầy.” Xá-lợi Tử! Lúc ấy, ta thầm nghĩ: “Các Sa-môn, Bà-la-môn trên thế gian đã trải qua sự cực khổ, lại còn hủy hoại hành hạ thân thể là để cầu thanh tịnh. Trong số những người đó ta cũng đã làm giống như vậy, khiến cho thân nát tan như bụi, nhưng đều không có lợi ích. Cho đến các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời quá khứ, vị lai và hiện tại này đều trải qua sự cực khổ, lại còn hủy hoại, hành hạ thân thể. Tất cả việc làm này là vì cầu thanh tịnh, trong đó ta cũng đã làm như vậy, khiến cho thân nát tan như bụi, nhưng cuối cùng không có lợi ích tối thắng. Bây giờ ta không tu hành khổ hạnh như thế nữa. Vì hành hạ thân thể để cầu chút phần pháp tối thượng trong cõi người hãy còn không được, huống chi là chứng đắc Tri kiến thù thắng của bậc Thánh. Cho nên biết rằng đạo này không phải là đạo Chánh giác vì thế ta không tu tập nữa.
Xá-lợi Tử! Lúc đó ta nghĩ: “Khi mới ra khỏi nhà lần đầu tiên, ta đến dưới cây Diêm-phù trong khu vườn rừng của dòng họ Thích ngồi một cách thư thái. Do bóng mặt trời không di chuyển nên bóng cây che rất mát. Khi đó ta lìa các pháp dục nhiễm bất thiện có tầm có tứ lìa sinh hỷ lạc và đã chứng được Thiền thứ nhất. Ta đã thấu tỏ đúng như thật đây là chánh đạo. Ta đã đi khắp mọi nơi và đã học qua các đạo, ta đã nhận ra sự chân thật rằng: “Ngoài chánh đạo trên, không còn đạo chân thật nào khác nữa. Nay ta vì sao lại dựa vào pháp tuyệt thực làm cho thân thể gầy ốm lại thêm mỏi mệt, tự hủy hoại thân thể thì làm sao giữ đạo? Những gì đáng ăn ta nay nên ăn.” Ta nghĩ như vậy thì có một ngoại đạo phụng thờ Tiên thánh khổ hạnh, biết ý ta, ông nói: “Thánh giả Cù-đàm, ông đừng thoái lui nơi lối tu khổ hạnh đó. Trong lỗ chân lông của tôi sẽ phát ra ánh sáng để giúp ông, làm cho thân thể ông đầy đặn trở lại.” Này Xá-lợi Tử! Lúc này ta lại suy nghĩ: Nếu không ăn thứ gì thì mọi người trong xóm làng đều nghe biết Sa-môn Cù-đàm tu hành khổ hạnh, không ăn gì cả, nên thân thể gầy ốm. Bấy giờ họ sẽ nói là nhờ có Tiên nhân khổ hạnh phát ra ánh sáng để giúp đỡ nên mập trở lại. Những người ấy nói như thế lẽ nào chẳng phải do ta mà nói dối hay sao? Cho nên ta sợ họ vọng ngữ, chê bai, nên từ chối không nhận lời của Tiên thánh. Xá-lợi Tử! Nghĩ như vậy rồi ta liền từ từ uống nước đậu xanh, nước đậu vàng, nước đậu đỏ để sống. Sau đó, sức lực của ta dần dần bình phục trở lại. Khi sức lực được bình phục, đầu tiên ta đến sông Rồng, rồi đến sông Ni-liên, từ từ xuống tắm rửa cho sạch sẽ mát mẻ. Sau đó ta lần vào một ngôi làng, có người con gái tên Thiện Sinh dâng sữa cho ta, ăn sữa xong ta liền đến chỗ của Tiên nhân Phược-tất-ca để tìm cỏ kiết tường, rồi ta lần đến cây Bồ-đề và đi nhiễu ba vòng. Ở bên gốc cây ta trải cỏ cát tường xung quanh cả trong lẫn ngoài để làm chỗ ngồi. Xá-lợi Tử! Bấy giờ ta ngồi kiết già, giữ thân ngay thẳng, giữ chánh niệm, lìa các pháp dục nhiễm bất thiện có tầm có tứ, lìa dục, sinh hỷ lạc, chứng Thiền thứ nhất. Kế đến, ta dứt tầm tứ, nội tâm thanh tịnh, tâm cảnh nhất như, không còn tầm tứ, định sinh hỷ lạc, ta chứng Thiền thứ hai. Tiếp theo ta lìa hỷ tham mà trụ vào xả niệm, chánh tri đúng như thật thân thọ diệu lạc như bậc Thánh đã quán hạnh xả niệm, lìa hỷ diệu lạc, ta chứng Thiền thứ ba. Tiếp theo, đối với khổ lạc ta đều đoạn trừ như trước, ý khởi lên vui hay buồn đều dập tắt ngay, không còn khổ lạc, xả niệm được thanh tịnh ta chứng Thiền thứ tư.
Xá-lợi Tử! Khi ấy Ta tuần tự trụ tâm vào chánh định, hoàn toàn thanh tịnh, lìa tùy phiền não với nghiệp hòa dịu an trú bất động. Vào đầu đêm Ta chứng đắc đích thực về Thiên nhãn trí minh tâm hoàn toàn thông suốt.
Xá-lợi Tử! Ta chứng đắc Thiên nhãn thanh tịnh hơn mắt người, quán xét thấy tất cả hữu tình trong thế gian sinh diệt, đẹp xấu, sang hèn đều tùy theo nghiệp mà chịu. Tất cả nghiệp của họ ta đều thấu tỏ đúng như thật hết thảy. Nếu các hữu tình với thân, khẩu, ý tạo nghiệp bất thiện, hủy báng Thánh hiền mà sinh tà kiến, vì họ chất chứa nghiệp tà kiến, nên sau khi qua đời bị đọa vào đường ác nơi địa ngục. Còn các hữu tình nào với thân, khẩu, ý tạo các nghiệp thiện, không hủy báng Thánh hiền có chánh kiến, do họ chất chứa chánh kiến nên sau khi qua đời sinh vào đường lành nơi cõi trời. Những việc như vậy Ta đã dùng Thiên nhãn thanh tịnh thấy biết tất cả.
Này Xá-lợi Tử! Tiếp đến ta trụ tâm trong chánh định, hoàn toàn thanh tịnh, lìa tùy phiền não với nghiệp nhu hòa, an trú bất động. Vào nửa đêm, ta chứng đắc đích thật về Túc mạng trí minh, tâm hoàn toàn thông suốt. Xá-lợi Tử! Ta chứng đắc được trí túc mạng nên có thể biết tất cả việc trong đời quá khứ, nghĩa là một, hai, ba, bốn, năm đời. Hoặc mười, hai mươi đời, cho đến một trăm, một ngàn đời, trăm ngàn đời, vô số trăm ngàn đời. Trong vô số đời như vậy, đối với tất cả việc của kiếp thành, hoại; thành hoại, xưa như vậy, tên như vậy, họ như vậy, dòng họ như vậy, hình dáng như vậy, ăn uống như vậy, sống ít như vậy, sống lâu như vậy, các việc vui khổ, diệt đây sinh kia, chết kia sinh đây, vô số những việc như thế, ta dùng năng lực của trí túc mạng mà nhớ nghĩ đúng như thật.
Này Xá-lợi Tử! Thứ đến, ta trụ tâm vào chánh định, hoàn toàn thanh tịnh, lìa các tùy phiền não với nghiệp nhu hòa an trú bất động. Vào cuối đêm, ta chứng đắc đích thật về Lậu tận trí minh, tâm hoàn toàn thông suốt. Kế đến, khi sao mai vừa mọc, ta an lành, hoan hỷ, là Rồng lớn trong cõi người, là Sư tử trong cõi người, là Đại tiên trong cõi người, là bậc Dũng mãnh trong cõi người, là hoa sen nhiều màu trong cõi người, là hoa sen trắng trong cõi người, là bậc Vô thượng khéo điều ngự trong cõi người, là Điều ngự sĩ trong cõi người, với tất cả những điều biết cần biết, điều đắc cần đắc, điều giác ngộ cần giác ngộ, điều chứng cần chứng. Tất cả như vậy chỉ trong một sát-na mà tâm thấu suốt hết thảy. Với trí như thật ấy nên ta thành tựu đạo quả chánh giác.
Lại nữa, này Xá-lợi Tử! Ta biết thế gian có Samôn, Bà-la-môn nói như vầy: Nếu người còn trẻ thì dung mạo đẹp đẽ, tóc đen nhánh, chí khí cường mạnh, tâm lực song toàn, tuổi hai mươi, hoặc hơn hai mươi, với chánh tuệ, người ấy có thể tùy chuyển hành. Xá-lợi Tử! Nay ta đã già, tuổi tám mươi, gần đến thời kỳ lìa đời. Giống như chiếc xe cũ kỹ buộc đủ thứ dây bắt nó cố gắng vận chuyển, ta cũng như vậy. Này Xá-lợi Tử! Ông hãy đi nước này đến nước khác, xóm này qua xóm nọ, quan sát các đệ tử Thanh văn, đối với thân Như Lai cùng diệu lực thần thông, thắng tuệ, biện tài, năm điều này thảy đều giảm sút chăng? Xá-lợi Tử! Ví như có người đầu đội chậu lửa đi từ nước này sang nước khác, từ làng này qua làng nọ, đi khắp như vậy chưa đủ gọi là khó. Nếu làm sao để thắng tuệ, biện tài không giảm thì đó mới là khó.
Xá-lợi Tử! Hoặc có người tuy gặp Đại sư Như Lai ra đời, đối với các pháp khổ, vui, không khổ, không vui, đều dùng tâm thanh tịnh thuyết giảng với chánh ngữ, nhưng người nghe lại cho là pháp hư vọng.
Xá-lợi Tử! Không nên đem chánh ngữ của Phật làm pháp hư dối. Vì sao? Vì Đại sư Như Lai xuất hiện trong thế gian đối với pháp khổ, vui, không khổ, không vui, đều dùng tâm thanh tịnh thuyết giảng với chánh ngữ, không phải là pháp hư vọng.
Xá-lợi Tử! Như trong Hiền kiếp có bốn Đức Phật xuất hiện nơi thế gian, đệ tử Thanh văn của bốn vị Phật ấy tuần tự nối tiếp đến nay tuổi thọ còn một trăm năm, thảy đều đầy đủ về niệm, hạnh, tuệ, thọ mạng. Ví như lực sĩ cầm cung nhắm thẳng mà bắn thì đều trúng đích.
Xá-lợi Tử! Đệ tử Thanh văn của ba Đức Phật trước cũng lại như vậy, đều đầy đủ niệm, hạnh, tuệ, thọ mạng. Hằng ngày các vị ấy đều có thể gần gũi thưa hỏi các vị về nghĩa lý của các pháp.
Xá-lợi Tử! Nay trong pháp của ta, đệ tử Thanh văn một khi thưa hỏi điều gì thì không ghi nhớ, lại nếu hết lòng nghe ta giảng nói, thì trong pháp ấy cũng không thể hiểu rõ về câu chương nghĩa lý, huống chi là các đệ tử trong thời mạt pháp cứ tham đắm vào những mùi vị ngon ngọt, ham ngủ nghỉ, phóng túng, các việc lớn nhỏ thuận hợp, các việc cần làm đều phế bỏ.
Xá-lợi Tử! Đệ tử Thanh văn của ba Đức Phật trước thọ mạng lâu dài, nhưng nay thì chỉ còn một trăm tuổi, rất là mau chóng. Xá-lợi Tử! Khi chỉ còn sống trăm tuổi thì thắng tuệ, biện tài đều bị giảm sút. Xá-lợi Tử! Khi ấy đệ tử lấy chánh ngữ của Đại sư Như Lai ra đời giảng nói cho là pháp hư vọng. Xá-lợi Tử! họ không nên làm như vậy. Vì sao? Vì Đại sư Như Lai xuất hiện nơi đời, đối với các pháp khổ, vui, không khổ, không vui đều dùng chánh ngữ với tâm thanh tịnh nói ra, nên đó không phải là pháp hư vọng.
Bấy giờ, trong chúng hội có Tôn giả tên Long Hộ đứng cách Phật không xa, cầm quạt lông công hầu bên Phật, ông ta bèn đặt quạt xuống, đến trước Đức Phật, chắp tay đảnh lễ bạch Phật:
–Nay con được nghe chánh pháp này, rất là vui mừng đến nỗi lông trên thân đều dựng đứng. Bạch Thế Tôn! Kinh này đặt tên là gì? Chúng con phụng trì như thế nào?
Đức Phật bảo Tôn giả Long Hộ:
–Nay chánh pháp này đặt tên là Thân Mao Hỷ Thụ, tên kinh như vậy các ông nên hết lòng thọ trì. Đức Phật giảng nói kinh ấy rồi, các chúng Tỳkheo trong rừng Tối thắng, thuộc đại thành Tối thắng, nước Tỳ-xá-ly đều rất hoan hỷ, tin thọ phụng hành.
[Mục lục bộ Kinh tập][426][427][428][429][430][431][432][433][434][435][436][437][438][439][440][441][442][443][444][445][446][447][448][449][450][451][452][453][454][455][456][457][458][459][460][461][462][463][464][465][466][467][468][469][470][471][472][473][474][475][476][477][478][479][480][481][482][483][484][485][486][487][488][489][490][491][492A][492B][493][494][495][496][497][498][499][500][501][502][503][504][505][506][507][508][509][510][511][512][513][514][515][516][517][518][519][520][521][522][523][524][525][526][527][528][529][530][531][532][533][534][535][536][537][538][539][540][541][542][543][544][545][546][547][548][549][550][551][552][553][554][555][556][557][558][559][560][561][562][563][564][565][566][567][568][569][570][571][572][573][574][575][603][604][605][606][607][608][609][610][611][612][613][614][615][616][617][618][619][620][621][622][623][624][625][626][627][628][629][630][631][632][633][634][635][636][637][638][639][639][640][641][642][643][644][645][646][647][648][649][650][651][652][653][654][655][656][657][658][659][660][661][662][663][664][665][666][667][668][669][670][671][672][673][674][675][676][677][678][679][680][681][682][683][684][685][686][687][688][718][719][720][721][721][722][723][724][725][726][727][728][729][730][731][732][733][734][735][736][737][738][739][740][741][742][743][744][745][746][747A][747B][748][749][750][751][752][753][754][755][756][757][758][759][760][761][762][763][764][765][766][767][768][769][770][771][772][773][774][775][776][777][778][779][780][781][782][783][784][785][786][787][788][789][790][791][792][793][794A][794B][795][796][797A][797B][798][799][800][801][802][803][804][805][806][807][808][809][810][811][812][813][814][815][816][817][818][819][820][821][822][823][824][825][826][827][828][829][830][831][832][833][834][835][836][837][838][839][840][841][842][843][844][845][846][847]