TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ KINH TẬP (425-847)

SỐ 565-KINH THUẬN QUYỀN PHƯƠNG TIỆN

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi.

MỤC LỤC

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm 1: Pháp Sa-môn

Phẩm 2: Chứng ngộ chân lý

Phẩm 3: Khất thực

QUYỂN HẠ

Phẩm 4: Tên gọi giả


QUYỂN THƯỢNG

Phẩm 1: Pháp Sa-môn

Nghe như vầy:

Thuở nọ, Đức Phật ở tại núi Linh thứu, thuộc thành Vương xá, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm năm trăm vị hội đủ, Bồ-tát tám ngàn vị, tất cả đều là những bậc đại Thánh, đã chứng thần thông, đã được pháp Tổng trì, Biện tài vô ngại, đạt pháp không sợ hãi và pháp Nhẫn vô sinh, đã phụng sự vô số Phật, vun trồng gốc rễ công đức, đều chí nguyện về Đại thừa, tâm không thoái chuyển, có lòng thương rộng rãi vô tận, cứu giúp khắp mười phương. Tên của các vị đó là: Bồ-tát Không Vô, Bồ-tát Trì Độ, Bồ-tát Trì Nhân, Bồ-tát Trì Từ Thân, Bồ-tát Quán Ý, Bồ-tát Tịnh Ý, Bồ-tát

Thượng Ý, Bồ-tát Tín Nhạo Ý, Bồ-tát Trì Ý, Bồtát Tăng Niệm Ý, Bồ-tát Hỷ Kiến, Bồ-tát Thiện Kiến, Bồ-tát Khả Ý Kiến, Bồ-tát Phổ Lợi Khả Kiến, Bồ-tát Di-lặc… và tất cả các Bồ-tát trong Hiền kiếp đều đến ngồi đầy đủ trong chúng hội.

Bấy giờ, Đức Phật đang giáo hóa mọi người nơi thành Vương xá. Quốc vương, đại thần, quan lại, trưởng giả, Phạm chí cho đến hàng dân chúng bình thường… thảy đều nhất tâm phụng sự cúng dường, từ y phục cho đến thực phẩm, thuốc thang, đồ nằm, tất cả những vật dụng sinh hoạt đều cung cấp đầy đủ.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề, vào buổi sáng sớm, mang y, bưng bình bát để đi khất thực nhưng chưa vào thành. Tôn giả đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi đứng qua một bên, thưa:

–Bạch Đấng Đại Thánh! Đêm qua con nằm mộng thấy có Đức Phật ngồi nơi gốc cây. Con liền cúi đầu đảnh lễ Phật rồi đứng qua một bên. Khi ấy, Đức Phật đó đưa cánh tay màu vàng ròng xoa trên đỉnh đầu của con, rồi nói: “Này Tu-bồ-đề! Hôm nay, ông sẽ được nghe pháp mà xưa nay chưa từng được nghe.” Kính xin Đấng Đại Thánh rũ lòng thương, giảng nói ý nghĩa đó cho con. Đây là điềm lành báo trước điều gì?

Đức Phật bảo:

–Này Tu-bồ-đề! Có pháp điển tên là Thuận Quyền Phương Tiện, là đối tượng để thực hành theo của các thiện nam, thiện nữ, vì thế mà có điềm lành này, ông sẽ được nghe pháp chưa từng nghe.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề thưa:

–Thưa Thế Tôn! Hôm nay con muốn vào thành Vương xá để lần lượt đi khất thực.

Đức Phật nói:

–Ông đã biết đúng thời. Lành thay! Ông hãy đi đi.

Được Đức Phật cho phép, Tôn giả Tu-bồ-đề liền vào thành Vương xá theo thứ tự khất thực. Đến nhà một trưởng giả Phạm chí giàu có, Tôn giả đi vào và đứng im lặng nơi sân. Trưởng giả ấy có một cô con gái rất đẹp đẽ, đoan trang, đeo chuỗi ngọc anh lạc, người thơm ngát hương chiên-đàn, trên thân thể nàng trang sức toàn những vật báu bằng vàng ròng, tươi đẹp, thanh tịnh bậc nhất, giống như hoa sen, từ trong nhà bước ra, hỏi Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Thưa Tôn giả! Vì sao Tôn giả lại đứng trong sân nhà tôi?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Thưa cô, tôi đến đây để khất thực.

Cô gái hỏi:

–Tôn giả vẫn còn tưởng về khất thực chăng?

Chưa đoạn trừ ý nghĩa về sự ăn uống sao?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Tôi đã biết cách đoạn trừ tưởng về ăn uống, nhưng thân này do cha mẹ sinh ra, từ khi còn trong bào thai vốn đã nhờ thức ăn uống nuôi dưỡng, rồi được sinh ra và lớn lên, thói quen đến nay đã lâu nên không thể không ăn uống.

Cô gái lại hỏi:

–Thưa Tôn giả! Tôn giả chưa đoạn trừ các hành trong sinh tử, từ ban đầu cho đến cuối cùng là lo buồn, khổ não không như ý, Tôn giả chưa chứng biết điều ấy hay sao?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Tôi đã chứng biết điều đó, thân, miệng, ý đều tịch tĩnh.

Cô gái hỏi:

–Tôn giả đã được thân diệt độ rồi chăng?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Người diệt độ thì không còn có thân nữa. Cho nên không còn pháp, cũng không còn sự thực hành.

Cô gái hỏi:

–Nếu các pháp đều không còn, đối tượng thực hành cũng được diệt trừ, vậy thì vì sao Tôn giả phải đi khất thực để nuôi dưỡng thân?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Người nhập vào định diệt tận thì chỉ có sự quan sát, còn khi không nhập định thì thân không thể tự nuôi dưỡng mà phải nhờ các thức ăn uống.

Cô gái lại hỏi:

–Người nhập định diệt tận vẫn còn vận hành trong định nên chẳng phải là diệt độ phải không?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Đã nhập định diệt tận thì không còn đối tượng sinh, cũng không còn đối tượng diệt.

Cô gái hỏi:

–Nếu đã không còn đối tượng sinh cũng không còn đối tượng diệt thì vì sao Tôn giả phải đi khất thực để nuôi dưỡng thân?

Tôn giả đáp:

–Các Thanh văn đệ tử của Đức Như Lai đi khất thực là để xả bỏ thân.

Cô gái hỏi:

–Đức Phật khen Tôn giả, ở trong hàng Thanh văn, là người tu hành bậc nhất về nghĩa không, vậy thì không ấy không có xứ sở phải không?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Đúng như lời cô nói.

Cô gái lại hỏi:

–Người tu hành về không, có đến đi chăng?

Tôn giả đáp:

–Người tu hành về không, không có đến đi.

Cô gái hỏi:

–Nếu người thực hành về không, không có đến đi, vì sao Tôn giả lại đi đến khắp nơi để khất thực? Tôn giả đáp:

–Tuy tôi đi khất thực nhưng tôi không tham đắm việc nuôi dưỡng thân, vì để chấm dứt các thọ về khổ nên tôi đi khất thực.

Cô gái hỏi:

–Tôn giả lại bị các nạn về thọ khổ làm nguy khốn chăng?

Tôn giả đáp:

–Tôi không bị thọ chi phối, không lo sợ các nạn, nhưng tôi chỉ muốn chấm dứt sự thọ nhận đói khát… nên mới đi khất thực.

Cô gái nói:

–Thưa Tôn giả! Hôm nay, Tôn giả thực hành nghiệp không chẳng bình đẳng. Vì sao? Vì người thực hành pháp không chẳng hề bị các thọ làm cho khổ sở được, vì tất cả ba cõi đều chẳng thật có. Lại nữa, người tu hành pháp không chẳng lệ thuộc vào thân tâm, không có ý niệm gì về thân, tâm, không hề bị nhiễm ô, cũng không có chuyện vui hay chẳng vui. Người tu hành pháp không thì tất cả các pháp đều không có, mà chỉ dẫn đến chỗ vắng vẻ.

Rồi cô gái hỏi:

–Tôn giả ở chỗ vắng vẻ để tu hành pháp không bậc nhất, vì sao gọi là chỗ vắng vẻ, yên tĩnh?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Chỗ vắng vẻ, yên tĩnh là chỗ không có các nhân duyên, xa lìa các dục trần.

Cô gái hỏi:

–Người tu hành pháp không là đã lìa bỏ các tham dục phải không?

Tôn giả đáp:

–Người tu hành pháp không, không lìa bỏ tham dục.

Cô gái hỏi:

–Vậy sao Tôn giả nói xa lìa tham dục gọi là tu hành pháp không?

Tôn giả đáp:

–Những điều được giảng nói ra đều là ngôn từ giả tạm.

Cô gái hỏi:

–Tôn giả tu hành pháp không mà lại còn có ngôn từ giảng nói hay sao?

Tôn giả đáp:

–Là ngôn từ giả tạm mà thôi! Các Thánh hiền Thanh văn vốn được nghe Phật giảng dạy bằng ngôn từ.

Cô gái nói:

–Nếu thưa hỏi bằng ngôn từ tức trong tâm còn tồn tại ngôn từ, tâm còn tồn tại ngôn từ tức bị rơi vào điên đảo, bị rơi vào điên đảo tức còn tranh cãi, còn tranh cãi tức chẳng phải Sa-môn, không ứng hợp với nghĩa lý của pháp.

Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi:

–Theo cô, thế nào gọi là nghĩa lý của pháp Samôn?

Cô gái đáp:

–Không có ngôn từ mới chính là pháp Sa-môn. Nếu không có ngôn từ thì không có điên đảo, không điên đảo thì không có tranh cãi, không tranh cãi tức là pháp của Sa-môn. Người đạt được pháp ấy thì hoàn toàn lìa bỏ hai hành, không còn phân biệt một pháp nào là pháp Sa-môn, cũng không phân biệt là nhớ nghĩ hay chẳng phải nhớ nghĩ, các tưởng đều hoàn toàn tịch tĩnh, đó mới chính là pháp Sa-môn. Không tạo tác, không tán loạn, xa lìa tất cả, vượt ngoài các dấu vết tà kiến, nhập vào đạo bình đẳng, đó gọi là pháp Sa-môn. Không có cảnh giới hay chẳng phải cảnh giới, không tạo tác, không diệt độ, đó là pháp Sa-môn. Biết vừa đủ, không tham đắm thế tục, hoàn toàn không chấp giữ, rỗng lặng không dấu vết, đó là pháp Sa-môn. Không lệ thuộc, không trói buộc cũng không giải thoát, giống như hư không, đó là pháp Sa-môn. Không có suy nghĩ, không còn tâm, ý, thức, đó là pháp Sa-môn. Luôn luôn biết có giới hạn, ít ham muốn, ít sự việc, không mong cầu, đó là pháp Samôn. Diệt trừ tham dục, tâm không tham luyến, ý chí như Thái sơn không thể nghiêng đổ, đó là pháp Sa-môn. Từ bỏ tham dục, tâm không khát ái, không ham ba cõi, đó là pháp Sa-môn. Xa lìa tất cả các cảnh giới khắp mười phương, vượt hẳn các đối tượng tạo tác, cũng không còn khởi lên tạo tác, đó là pháp Sa-môn. Xả bỏ ma năm ấm và thân thể, không còn các nạn, không còn phiền não, đó là pháp Sa-môn. Vượt qua cõi ma, tiêu trừ tham dục, tâm không có đối tượng sinh ra, cũng không buông lung, đó là pháp Sa-môn. Vượt thoát khỏi ma chết, không còn chấp giữ cũng không vọng tưởng, đó là pháp Sa-môn. Không thân cận ma trời, tâm không tư duy, ý chí bền chắc như đất, đó là pháp Sa-môn. Không chấp ngã, ngã sở, hiểu rõ tất cả đều tịch nhiên, rỗng lặng, đó là pháp Sa-môn. Tâm không lệ thuộc, không có tưởng, hành, cũng không tăng giảm, đó là pháp Sa-môn. Xa lìa vọng tưởng, nên tâm không còn mong cầu, cũng không chấp thủ xả, đó là pháp Sa-môn. Ở trong ba cõi, không có đối tượng thực hành mà vẫn giải quyết được các lưới nghi ngờ, đó là pháp Sa-môn. Diệt sạch các nhập, không còn các trần, dứt hẳn sự che lấp của các ấm, đó là pháp Sa-môn. Bỏ hẳn đùa giỡn, không còn buông lung, điều phục tâm mình, đó là pháp Samôn. Không để tâm giận dữ, hận thù, tâm ý luôn định tĩnh, đó là pháp Sa-môn. Không có tâm thấy đói khát, thiếu thốn hay đầy đủ, đó là pháp Samôn. Không còn hai hành, bỏ nghiệp thiện ác, tất cả đều bình đẳng, đó là pháp Sa-môn. Dứt hẳn sự phân biệt, không còn chấp giữ, không còn trở ngại, đó là pháp Sa-môn. Đoạn trừ các nghiệp thế tục, từ bỏ các ấm ngăn che, không tham bốn đại, đó là pháp Sa-môn. Phân biệt rõ ngọn nguồn của năm ấm, các nhập đều trống không, đó là pháp Sa-môn. Giảng nói về tất cả các pháp giới khắp mười phương đều không có cảnh giới, đó là pháp Samôn. Hiểu rõ các nhập tự nhiên như huyễn hóa, vốn không có xứ sở, đó là pháp Sa-môn. Tự nhiên như hư không, thông suốt pháp vô vi, không ưa thích pháp hữu vi, đó là pháp Sa-môn. Dứt hẳn tất cả những sự tính toán, không còn sự chấp xả, đó là pháp Sa-môn. Tự làm lợi ích cho mình nhưng vẫn biết vừa đủ, không còn tranh cãi, đó là pháp Samôn. Thị hiện hòa đồng bình đẳng với tất cả chúng sinh để tu hành hạnh nhẫn nhục, đó là pháp Samôn. Không bị quên mất, tâm không xao lãng, đạt được giải thoát, đó là pháp Sa-môn. Đã đạt được giải thoát nhưng không hề lệ thuộc giải thoát, vẫn rỗng lặng tịch tĩnh, đó là pháp Sa-môn. Giống như hư không không gì có thể ví dụ được, đó là pháp Sa-môn.

Khi cô gái giảng nói pháp Sa-môn ấy, các Thiên tử đều vân tập nơi sân nhà. Bốn mươi Thiên tử được xa lìa trần cấu, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh. Năm trăm Thiên tử đồng thanh khen ngợi: “Nên dốc lòng tin vi diệu để nghe pháp vô thượng khiến tâm ý được thành thục!”, rồi tất cả họ đều phát tâm cầu đạo quả Chánh chân Vô thượng.

Phẩm 2: Chứng ngộ chân lý

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề thầm khen ngợi:

–Thật chưa từng có! Cô gái này có tài biện luận, ánh sáng trí tuệ thật cao vời, âm thanh giảng nói pháp rất êm dịu, chắc chắn là nhờ oai thần của Phật. Nhất định cô gái ấy đã được Đức Như Lai biến hóa ra.

Cô gái biết rõ tất cả các ý niệm của Tôn giả Tubồ-đề, liền thưa với Tôn giả:

–Thưa Tôn giả! Đúng như Tôn giả đã suy nghĩ, pháp Sa-môn ấy xa lìa các cõi, không có cảnh giới, không lệ thuộc, không trói buộc cũng chẳng giải thoát. Tôn giả đã tự suy nghĩ: “Chắc chắn là tôi đã được Như Lai biến hóa ra”, quả đúng như vậy. Hôm nay, tôi quan sát về thân mình là đối tượng biến hóa của Như Lai, tuy làm thân nữ nhưng hiểu rõ tất cả đều không. Vì sao? Vì Đức Như Lai Chí Chân đã giảng nói các pháp vốn không. Thân tôi cũng vậy, cũng vốn là không. Do đó, tôi đã được Đức Như Lai biến hóa ra.

Như sắc của Như Lai vốn không, cũng vậy, sắc của tôi cũng vốn là không. Vì thế, tôi là đối tượng biến hóa của Đức Như Lai. Như sự đau bệnh, ốm gầy, hành, thức… đều vốn là không, năm ấm cũng vậy, cũng đều vốn là không. Do đó, tôi đã được Như Lai biến hóa ra.

Như Lai vốn là không, tất cả chúng sinh cũng vốn là không, các bậc Thánh vốn là không, thân tôi cũng vậy, cũng vốn là không. Vì vậy nên nói rằng tôi là đối tượng biến hóa của Như Lai.

Như Lai vốn là không, tất cả các pháp cũng vốn không, tất cả nghĩa lý của đạo cũng vốn không, thân tôi cũng vậy, cũng vốn là không. Do đó, tôi đã được Đức Như Lai biến hóa ra.

Như Lai vốn không, không có sinh khởi cũng không có xứ sở, Như Lai vốn không nên không có sinh cũng chẳng có diệt. Cũng vậy, thân tôi cũng vốn không, chẳng sinh, chẳng diệt. Do đó, tôi là đối tượng biến hóa của Như Lai.

Như Lai vốn không, tất cả đều như huyễn. Cũng vậy, thân tôi cũng vốn không, vốn không có cả sự không sinh, không diệt. Vì thế, tôi đã được Đức Như Lai biến hóa ra.

Đối tượng biến hóa của Như Lai tất cả vốn đều là không, tất cả chúng sinh vốn không xứ sở, các pháp vốn không, chân lý sâu xa, chân thật của chúng cũng vốn là không, tất cả đều rỗng lặng, không hình tướng…

Lại nữa, thưa Tôn giả! Nói tóm lại, tất cả các pháp đều vốn là không. Vì thế, tôi là đối tượng biến hóa của Đức Như Lai.

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi cô gái:

–Hôm nay, cô nhờ oai thần của Đức Phật để biết được suy nghĩ của tôi hay là tự mình biết rõ điều đó?

Cô gái đáp:

–Thưa Tôn giả! Có thể biết được tâm niệm của người khác sao? Từ Thanh văn, Duyên giác, các Bồ-tát cho đến các vị tiên đạt được năm thông, các ngoại đạo… đều nhờ thần lực của Phật mà biết được. Vì sao? Vì tất cả đều đúng thời gian ứng hợp mà được nghe nhận lời dạy của Phật. Cũng như hôm nay, thưa Tôn giả, tôi biết được tâm niệm của chúng sinh cũng phải nhờ oai thần của Phật mới có thể biết được.

Như tất cả chúng sinh trong thiên hạ, nhờ ánh sáng mặt trời, mặt trăng, lửa, đuốc, đèn… các ánh sáng ở khắp mười phương... mới nhìn thấy được các sắc. Cũng vậy, thưa Tôn giả! Các đệ tử của Phật thấy được tâm chúng sinh có trí tuệ của bậc Thánh chiếu soi, tiêu trừ ngu si tối tăm, đạt được ánh sáng đạo… đều nhờ thần lực Phật.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi cô gái:

–Xin hãy nói cho tôi biết, hôm nay, cô là ai và từ đâu đến đây mà có sự biện luận này?

Cô gái nói:

–Giả sử có người hỏi đối tượng được hóa tác của Phật: “Hôm nay, ngươi là ai và từ đâu đến” thì khi ấy, hóa Phật phải trả lời như thế nào?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Không thể đáp được.

Cô gái nói:

–Cũng vậy, thưa Tôn giả! Thân biến hóa ấy tự nhiên hiểu rõ pháp tướng. Tất cả những sự hiểu rõ như vậy cũng không thể biết được.

Rồi cô gái hỏi:

–Bây giờ tôi xin hỏi Tôn giả là vị Hữu học, là phàm phu hay là A-la-hán? Nếu được hỏi như thế thì phải trả lời thế nào?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Tôi không phải là vị Hữu học, không phải là phàm phu cũng chẳng phải là A-la-hán.

Cô gái lại hỏi:

–Tôn giả nương vào tâm để trả lời tôi phải không?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Đúng vậy. Còn cô thì trả lời tôi thế nào?

Cô gái nói:

–Nếu ở trong núi sâu, kêu lên một tiếng, có thể dùng tâm ý để trả lời nhau hay không?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Không thể. Vì tiếng vang nhờ hư không mà có âm thanh.

Cô gái hỏi:

–Tôn giả đã có thể đến được đạo, nhờ vào pháp hành mà được thể nhập vào đạo rồi chăng? Nhờ chứng được các minh, thành tựu công đức nên thấu rõ được âm thanh vốn không ngã, ngã sở, ngôn từ… đều như vậy, tất cả đều vốn không.

Khi ấy, trong hư không tự nhiên có âm thanh phát ra những lời khen ngợi như vậy. Cô gái nói lên những lời khiến cho Tôn giả Tu-bồ-đề từ xa nghe được âm thanh tự nhiên trong hư không ấy. Nghe xong, Tôn giả đáp:

–Tôi chẳng phải là Hữu học, chẳng phải là phàm phu cũng chẳng phải là A-la-hán.

Cô gái hỏi:

–Tôn giả đang thọ trì pháp gì, các lậu đã dứt sạch, đạt được định, chẳng phải là A-la-hán chăng?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Nếu đối tượng biến hóa của Như Lai tu hành đạt được nơi chốn thì tôi cũng thọ trì pháp như vậy.

Cô gái nói:

–Tôn giả chẳng phải A-la-hán, các lậu chưa diệt tận thì sao Đức Phật lại ngợi khen Tôn giả là người tu hành bậc nhất về pháp không trong số các Thanh văn?

Tôn giả Tu-bồ-đề nói:

–Tôi chẳng phải A-la-hán, chưa diệt tận các lậu, cũng chẳng tu hành pháp không, chẳng phải được khen là người bậc nhất.

Cô gái lại hỏi:

–Thưa Tôn giả! Sao Tôn giả không để tâm được an lạc mà lại vọng ngữ như thế?

Tôn giả Tu-bồ-đề nói:

–Giả sử tôi tự cho mình đã đạt trí tuệ thấu rõ các pháp, đã chứng quả A-la-hán, đã diệt tận các lậu, được Đức Thế Tôn khen ngợi là người tu hành bậc nhất về pháp không… khi đó chính là lúc tôi vọng ngữ, nói lưỡi đôi chiều. Tôi không biết pháp, không thấy mình đạt được gì, vì vậy, tôi không vọng ngữ, đó là lời nói chân thật.

Cô gái lại hỏi:

–Thưa Tôn giả! Các Thiên tử đã chứng ngộ chân lý đang vân tập nơi sân nhà để nghe nhận kinh pháp này, Tôn giả cũng cho là không thật chăng?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Đối với những vị đã chứng ngộ chân lý, chư Thiên và loài người đều không nên khinh thường.

Cô gái lại hỏi:

–Nếu Tôn giả có đối tượng nhìn thấy như vậy, tức Tôn giả không chân thật?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Người có đối tượng nhìn thấy thì không phải là chân thật hay sao?

Cô gái nói:

–Tôn giả đã nhìn thấy chân lý chắc thật vốn không thể thấy được. Thưa Tôn giả! Tôn giả có thể nhìn thấy chân lý chắc thật được chăng?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Nếu như lời cô nói thì tôi còn không thấy nghiệp dối gạt, huống nữa là được thấy chân lý chắc thật. Vì sao? Vì tất cả đều không.

Rồi Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi:

–Chân thật là gì?

Cô gái đáp:

–Thưa Tôn giả! Chân thật nghĩa là đối với tất cả các pháp đều không có đối tượng sinh khởi, người nào thấy có chân thật thì đó là người nhìn thấy điên đảo.

Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi:

–Vì sao cô lại nói như vậy?

Cô gái đáp:

–Thưa Tôn giả! Ở trong điên đảo mà không khởi phiền não thì cũng không thấy chân lý, đó chính là chân lý chắc thật, vì thấy ở trong điên đảo nên không thấy chân lý chắc thật.

Khi ấy, thấy cô gái này có nghiệp thân vi diệu, các Thiên tử đang vân tập nơi sân đều cúi đầu đảnh lễ cô gái và đảnh lễ Tôn giả Tu-bồ-đề, rồi nói:

–Thưa Tôn giả! Tôn giả đã được từ cô gái này nghe pháp biện tài như vậy.

Rồi các vị lại khen ngợi:

–Tôn giả đã được lợi ích lớn, thật đáng vui mừng. Nếu được nghe pháp này thì nên dốc lòng tin và vui mừng vì pháp này rất khó được gặp, huống là được thọ trì, công đức thật không thể suy lường.

Cô gái lại nói:

–Thưa Tôn giả! Giống như đất chấp nhận mọi thứ, sạch hay không sạch, thơm tho hay hôi thối, đất cũng không vì thế mà tăng giảm. Nếu người nào thực hành tâm bình đẳng thì đều nhẫn chịu tất cả khổ vui, không vì thế mà tiến hay lùi.

Giống như nước sạch tẩy rửa được tất cả các vật sạch dơ mà không hề thương ghét. Cũng vậy, tâm của hành giả cũng giống như nước, có thể trừ sạch những nhơ uế tham, sân, si, đối với thiện, ác không có tâm tăng giảm.

Lại, giống như lửa đốt cháy rụi các vật. Cũng vậy, hành giả làm tiêu trừ hết mọi họa, phước, nếu gặp hai loại khó giáo hóa, tâm cũng luôn bình đẳng không tăng không giảm.

Giống như gió thổi lên làm bay mọi vật nhưng không hề có thương ghét. Cũng vậy, hành giả nếu gặp khổ vui, hiền ngu, sạch nhơ… đều không có tâm tăng giảm.

Giống như hư không chấp nhận mọi vật, nhưng hư không cũng không nghĩ mình nhận hay không nhận. Cũng vậy, hành giả có tâm bình đẳng như hư không, không tăng không giảm, gặp điều thiện, ác đều không vui không giận.

Giống như cầu, thuyền, tất cả mọi người, từ vua cho đến tiểu nhân, giàu nghèo, lớn nhỏ đều nhờ đó mà qua sông qua biển được, mà cầu, thuyền không hề phân biệt. Người thực hành tâm bình đẳng cũng vậy, tâm ý như cầu, thuyền, không giận, không vui, bạn-thù như một, đối với bậc hiền có trí tuệ sáng suốt cho đến kẻ phàm phu, trí tuệ bậc Thánh vẫn luôn tịch tĩnh, tâm không phân biệt. Vì sao? Thưa Tôn giả! Đối với người giận dữ, thù hận, bậc hiền sĩ đều nên nhẫn nhục, không nên đáp trả, như vậy sẽ khiến cho họ không còn sân hận.

Giống như khi lửa vừa cháy thì nên dập tắt liền, đừng để lửa bùng cháy mạnh. Cũng vậy, thưa Tôn giả! Khi tham dục, phiền não vừa sinh khởi thì phải chế ngự tâm, đừng để tâm buông lung, như vậy sẽ đạt được chánh định.

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi cô gái:

–Cô chí nguyện mong cầu điều gì mà lại nói lời như tiếng gầm sư tử như vậy?

Cô gái đáp:

–Nếu có mong cầu thì không thể nói lời như tiếng gầm sư tử, không có chí mong cầu điều gì mới chính là tiếng gầm của sư tử. Vì sao? Vì người có mong cầu thì liền rơi vào điên đảo, vì điên đảo nên không thể gầm tiếng gầm của sư tử. Nếu có mong cầu liền vì tham thân, bị rơi vào các kiến chấp, không thể gầm lên tiếng gầm sư tử. Lại nữa, Tôn giả hỏi tôi vì mong cầu điều gì mà lại gầm lên tiếng gầm sư tử, vậy Tôn giả vì mong cầu điều gì mà diệt tận các lậu, được tâm giải thoát?

Tôn giả Tu-bồ-đề nói:

–Cô muốn biết điều đó sao không chí nguyện mong cầu để đạt giải thoát?

Cô gái nói:

–Lúc trước, Tôn giả vốn không mong cầu mà được diệt tận các lậu và đạt tâm giải thoát chăng? Tôi cũng đạt được điều không mong cầu như vậy và ở trong pháp giới tu hành điều không có đối tượng đạt được.

Tôn giả Tu-bồ-đề nói:

–Tôi quan sát thấy nhất định là cô có chí nguyện Đại thừa, vì thế mới nói pháp như tiếng gầm sư tử, mọi cử chỉ tới lui, lời lẽ nói năng của cô đều giống bậc tu Đại thừa.

Cô gái hỏi:

–Chẳng lý nào có thể biết được cử chỉ tới lui, dấu hiệu của bậc Đại thừa hay sao?

Tôn giả Tu-bồ-đề nói:

–Thanh văn tuy nghe được nhưng không thể diễn nói được đối tượng nhìn thấy của Đại thừa. Chỉ có cô mới có thể diễn nói được Đại thừa, thực hành pháp vi diệu sâu xa và giảng nói cho tất cả.

Cô gái nói:

–Thưa Tôn giả! Bậc Đại thừa không gì trở ngại được, trí tuệ không hề bị che lấp, nghĩa là các vị rất sáng suốt, tâm không phân biệt, giống như mặt trời, mặt trăng đi mạnh mẽ ngang qua trước chư Thiên một cách tự nhiên, không trở ngại, không gì có thể ngăn che, ở giữa hư không mà chiếu sáng nhanh chóng, đi đến khắp bốn cõi thiên hạ, chiếu sáng cõi Diêm-phù-đề, làm cho chúng sinh đâu đâu cũng được nương nhờ ánh sáng… Bậc chân chánh tu học pháp Đại thừa cũng vậy, không bị trở ngại, không gì có thể che lấp được, tâm ý bình đẳng, an trụ nơi không có chỗ trụ, thực hành kính vâng theo sáu pháp Ba-la-mật, hiển bày ánh sáng tất cả pháp ở khắp mười phương, cho nên gọi là Đại thừa.

Như vua Chuyển luân du hành và ở khắp bốn châu, bậc Đại sĩ Bồ-tát cũng đến nhiều nơi, ở trong các loài chúng sinh, những người làm điều ác… mà bình đẳng thực hành tâm Từ. Bậc Đại sĩ chân chánh như thế, đi đến chỗ nào cũng có thể chỉ đi một mình. Đối với Sa-môn, Phạm chí, chư Thiên, loài người, ở trong nước thành, châu huyện… làm lợi ích cho chúng sinh, Bồ-tát còn thực hiện báo đáp bốn ân để giáo hóa chúng sinh tu hành cung kính như vậy, cho nên gọi là Đại thừa.

Bậc Thánh hiền chân chánh, nhờ có trí tuệ sáng suốt nên thông đạt đối với tất cả các Trời, Rồng, Thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Đế Thích, Phạm vương, bốn vị trời Hộ thế…, dùng các hạnh chân chánh bình đẳng để đưa họ đến chân lý chắc thật, để họ được kính vâng thực hành theo, vì thế gọi là Đại thừa.

Thưa Tôn giả! Chỉ có bậc Đại thừa là không thể cùng tận, không có đối tượng sinh khởi, không gián đoạn sự giáo hóa của Đức Phật và ba ngôi báu, thưa hỏi, nghe nhận những hạnh nghiệp đạo pháp, trí tuệ của Phật và phụng sự Thánh chúng. Bậc Đại thừa dùng ánh sáng trí tuệ lớn để giáo hóa chúng sinh, đầy đủ hoàn hảo sự vi diệu rộng lớn, không có các hành nhỏ nhặt, thực hành những pháp chân chánh, giảng nói đầy đủ về sáu pháp Bala-mật, lấy việc thực hành báo đáp bốn ân để giáo hóa những người nguy khốn, định tĩnh, đĩnh đạc, tu hành tám Chánh đạo, bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, thực hành tâm Từ và tâm Bi vô lượng, an trụ kiên cố trong đại đạo, dùng Nhất thiết trí để dứt hẳn mọi lo sợ, thu phục các ma, lìa xa tăm tối, hiển bày ánh sáng trí tuệ, đầy đủ các công đức và các hạnh, được chư Thiên, loài người, A-tu-la quay về nương tựa, các ma và ngoại đạo đều quy phục, tất cả các Thanh văn, Duyên giác, không ai không tôn kính. Bậc Đại thừa giáo hóa những người không có lòng tin làm cho họ dốc lòng tin và ưa thích chánh pháp, dùng tâm Từ bi thương những người giận dữ, làm hại, dùng tâm nhẫn nhục để giáo hóa người hung dữ, dùng tinh tấn để hóa độ người biếng trễ, dùng nhất tâm để giáo hóa người loạn động, dùng trí tuệ để hóa độ người ngu, dùng tiền của để giáo hóa người nghèo hèn, dùng an ổn để giáo hóa người bị khổ nạn và dùng tâm hoan hỷ để giáo hóa những người trí tuệ… Vì thế nên gọi là Đại thừa.

Phẩm 3: Khất thực

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề nói với cô gái:

–Xin cô hãy giảng nói, khen ngợi về tất cả các hạnh nghiệp Đại thừa.

Cô gái nói:

–Giả sử dù kiếp này qua kiếp nọ diễn nói về Đại thừa, tôi cũng không thể nào nói cùng tận, vì hạnh nghiệp của Đại thừa không thể suy lường được. Công đức và tên gọi của Đại thừa cũng không thể xưng kể.

Tôn giả Tu-bồ-đề lại nói với cô gái:

–Cô đã hỏi tôi vì sao lại đi khất thực, vì Đức Như Lai Chí Chân cũng đi khất thực. Tôi thực hành theo Như Lai không dám trái vượt.

Cô gái nói:

–Thưa Tôn giả! Tôn giả đã có thể biết được phương tiện thiện xảo của chư Phật, vì muốn giáo hóa chúng sinh mà đi khất thực.

Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi:

–Cô cũng thực hành các hạnh như vậy của Phật với ý nghĩa tùy thời. Tôi thì không thể giảng nói ý nghĩa ấy, vậy thì tu hành theo phương tiện thiện xảo lại chỉ là đi khất thực thôi sao?

Cô gái đáp:

–Xin Tôn giả hãy lắng nghe! Đức Như Lai Chí Chân vì hai mươi việc, quan sát nghi tắc của pháp mà đi khất thực. Hai mươi điều ấy gồm:

1. Vì hiện bày sắc thân, tướng mạo vi diệu trang nghiêm.

2. Vì người đi theo Như Lai khất thực để học hỏi chánh pháp.

3. Vì hoặc có chúng sinh tu tập theo ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm của Phật.

4. Vì người quan sát thân Như Lai đầy đủ sự trang nghiêm.

5. Có đầy đủ các tướng tốt đúng như pháp.

6. Vì khiến cho chúng sinh phát tâm cầu đạo quả Chánh chân Vô thượng.

7. Vì người nhớ nghĩ về Như Lai nên theo đúng như pháp mà khất thực.

8. Vì Như Lai vào thành ấp, xóm làng nào để khất thực thì thành ấp, xóm làng ấy đều được an ổn.

9. Vì khiến cho người mù được nhìn thấy các hình sắc.

10. Vì khiến cho người điếc được nghe rõ các âm thanh.

11. Vì khiến cho người loạn tâm, mê lầm được định tĩnh tâm ý.

12. Vì khiến cho người không có y phục được y phục.

13. Vì khiến cho người đói có được thức ăn.

14. Vì khiến cho người khát có được nước uống.

15. Vì khiến cho người bị bệnh mau được thuyên giảm.

16. Không giận, không si.

17. Không tham, không ganh ghét.

18. Không hận, không bực tức, cũng không tự đại.

19. Tâm không phiền não, thương yêu tất cả chúng sinh.

20. Nghĩ đến vô số chúng sinh, đều xem như cha mẹ của mình.

Đó là hai mươi việc.

Nếu Như Lai vào thành ấp, xóm làng để khất thực thì chúng sinh nào được gặp Như Lai đều phát tâm cầu đạo quả Chánh chân Vô thượng.

Lại nữa, thưa Tôn giả! Đức Thế Tôn đại Bi giáo hóa vô số chúng sinh khổ não, Đức Thế Tôn đến tất cả mọi nơi trong ba cõi để tùy thời cứu giúp. Như Lai thị hiện các ý nghĩa đều được tự tại nên Đức Thế Tôn thực hành khất thực. Thưa Tôn giả! Khi Như Lai vào các thành ấp, xóm làng để khất thực, vô số chư Thiên, Rồng, Thần, Càn-thátbà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Đế Thích, Phạm vương và bốn vua trời Hộ thế đều theo hầu hạ, phụng sự, cúng dường, nương oai thần Phật để phát tâm đạo.

Lại nữa, thưa Tôn giả! Các vị Trời, Rồng, Thần, Đế Thích, Phạm vương nhờ cúng dường Đức Như Lai, thấy thân Như Lai, nên tâm đạo sáng suốt vô biên, hoàn toàn định tĩnh, họ tự suy nghĩ: “Thật là chưa từng có! Đức Như Lai Chí Chân giảng nói các pháp, chúng ta đều được nghe nhận, ưa thích thực hành theo kinh pháp và quay về nương tựa Như Lai. Vì phát tâm đạo rộng lớn nên Đức Như Lai đi khất thực.”

Thưa Tôn giả! Đức Như Lai khất thực vô số hạng người, người ưa chức quan, ham thích tiền của và sự giàu sang, người mong có sắc đẹp, người cầu có được nhiều quyến thuộc, cho đến vua Chuyển luân được gặp Phật Thế Tôn cũng liền bỏ ngôi vua xuất gia tu đạo, họ suy nghĩ: “Đức Phật vì lòng đại Bi mà đến nhà nghèo khổ để khất thực, vì từ bỏ lợi lộc ở đời, phát tâm cầu đạo quả Chánh chân Vô thượng mà khất thực.”

Thưa Tôn giả! Các vị Thần, Thiên tử, Phạm thiên nương thần lực Phật mà được nhìn thấy Như Lai, các vị suy nghĩ: “Như Lai luôn luôn no đủ chưa từng đói khát, vì thương chúng sinh nên Ngài cùng các đệ tử đi khất thực. Chúng ta nên ngày đêm chí thành tinh tấn cầu đạo quả Chánh giác, rồi cùng với quyến thuộc đều đi khất thực.” Suy nghĩ xong, các vị đều phát tâm cầu đại đạo.

Thưa Tôn giả! Nếu những người biếng nhác mà được thấy Đức Như Lai trong các thành ấp, xóm làng, tâm liền hoan hỷ cúi đầu kính lễ quy y, phát tâm bình đẳng cầu đạo quả Chánh giác tối thượng.

Thưa Tôn giả! Được thấy chư Phật Thế Tôn thì không bao giờ hư dối, những người được nghe âm thanh của Ngài, vừa phát tâm thì liền đạt được căn bản của đạo, nhờ đó chắc chắn sẽ được giải thoát. Vì thế nên Như Lai thực hành khất thực.

Thưa Tôn giả! Đức Như Lai vào các thành ấp, xóm làng, những người bị giam cầm trong lao tù đều được giải thoát. Chúng sinh nào nghe được danh hiệu Như Lai, nương theo lời dạy của Như Lai tự nhiên được giải thoát, vì muốn báo ân của đấng Đại từ nên phát tâm cầu đạo Chánh chân Vô thượng. Vì vậy, nên Đức Như Lai thị hiện khất thực.

Thưa Tôn giả! Nếu thiện nam, thiện nữ nào nghe các công đức của Như Lai, khen ngợi và niệm danh hiệu của Ngài, cúng dường Như Lai những thực phẩm hảo hạng, y phục, đồ nằm và các vật dụng khác. Những người vì phải cung kính phụng dưỡng cha mẹ, đỡ đần anh chị em, hoặc bận bịu chồng vợ, con cháu nên không thể đến để phụng sự và gặp Như Lai, vì thế nên Đức Như Lai phải vào các thành ấp, xóm làng để khất thực, những người ấy sẽ rất hoan hỷ được cúng dường Đức Phật, tất cả đều phát tâm cầu đạo quả Chánh chân Vô thượng.

Thưa Tôn giả! Bốn vua trời Hộ thế cúng dường vào bình bát Đức Như Lai, những người nghèo khổ có ít tiền của mà muốn cúng dường một ít thực phẩm cho Đức Như Lai, khi nhìn vào bình bát của Ngài thì bát tự nhiên đầy thực phẩm, còn những người giàu có, nhiều của cải, muốn cúng dường Như Lai thật nhiều, khi nhìn vào bình bát thì thấy bát trống không, liền cúng dường Như Lai, tất cả những người ấy đều phát tâm cầu đạo quả Chánh chân Vô thượng. Vì thế nên Đức Như Lai đi khất thực.

Thưa Tôn giả! Giả sử Đức Như Lai nhận vô số thực phẩm đều đựng trong một bình bát, dù trăm ngàn bát thức ăn cũng đều đựng trong một bình bát, vô số chư Thiên, Rồng, Thần, Càn-thát-bà, Atu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già thấy Đức Như Lai thị hiện biến hóa đều phát khởi tâm thiện chưa từng có, tất cả đều phát tâm cầu đạo quả Chánh chân Vô thượng. Vì vậy nên Đức Như Lai thực hành khất thực.

Thưa Tôn giả! Thân Như Lai như kim cương, vô lượng phước đức. Thân Như Lai không có sinh tạng, thục tạng, cũng không có những vật bất tịnh như đại tiện, tiểu tiện, không bị đói khát nhưng vẫn thị hiện khất thực và có sự ăn uống, người không chấp vào các nhập mới thấy được Như Lai hiển bày ánh sáng pháp chân chánh về trí tuệ lớn, nhờ đó mà được phát tâm cầu chánh đạo.

Thưa Tôn giả! Nếu có chúng sinh cúng dường thực phẩm cho Đức Như Lai, nhiều hay ít, thô hay tế, ngon hay dở đều kính dâng Như Lai thì đều vun trồng được cội rễ công đức và tạo được phước lành không thể suy lường, không thể tính kể, huống nữa là cúng dường rộng lớn bằng cả cõi trời, người, phước đức không thể cùng tận, sẽ đạt được diệt độ. Vì thế mà Đức Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, thưa Tôn giả! Đức Như Lai có các Tam-muội Chánh thọ, vô số các vị Thần, Trời, Phạm vương, các Thiên tử… thấy Đức Như Lai đi khất thực nhưng vẫn không ra khỏi Tam-muội, các vị suy nghĩ: “Hôm nay Đức Phật vì thương chúng sinh nên mới đi khất thực, không phải vì đói nghèo.” Các vị trời và loài người thấy được điều lợi ích này đều phát tâm cầu đạo. Vì thế nên Đức Như Lai đi khất thực.

Thưa Tôn giả! Đức Như Lai luôn luôn thực hành khất thực với sự tự tại của bậc Thánh hiền, không hề có tâm tham lam, ganh ghét, cũng không vì sự ăn uống. Ngài vì những người có lòng tin mà giảng nói pháp, khiến cho họ được xuất gia học đạo và để giáo hóa các thiện nam, thiện nữ, nên Ngài đi khất thực.

Đối với những người đói khát, không được ăn uống, không thể tự đến với đạo để tạo phước đức, vì muốn khiến cho những người ấy được viên mãn các nguyện nên Đức Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, thưa Tôn giả! Như Lai tự thực hành khất thực theo pháp của Thánh hiền để hóa độ những người chưa đạt bậc Thánh hiền, cứu giúp cho những người bị trở ngại, khiến họ không còn gì vướng mắc, giúp họ đạt được Trí tuệ ba-la-mật, phát tâm cầu đại đạo.

Lại nữa, thưa Tôn giả! Đức Như Lai vì thương các xứ sở biên địa vào đời vị lai nên Ngài đi khất thực. Vào đời vị lai, có những Trưởng giả, Phạm chí không kính tin đạo pháp, sẽ suy nghĩ: “Bậc Thánh Sư không đi khất thực, sao các đệ tử của Bậc Thánh lại đi khất thực” và các Tỳ-kheo, Tỳkheo-ni đều buồn bực không vui. Vì thế, Đức Phật đi khất thực. Còn nếu thấy Phật đi khất thực, họ lại suy nghĩ: “Đức Phật Vô Thượng Tôn vì thương chúng sinh nên Ngài đi khất thực thì vì sao các đệ tử học pháp của Phật lại không đi khất thực, chúng tôi xin sẽ đích thân cúng dường.” Các đệ tử đều vâng lời Phật dạy mà đi khất thực. Những trưởng giả, phạm chí ấy thấy vậy đều rất hoan hỷ và họ cúng dường tất cả các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Vì vậy, Đức Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, thưa Tôn giả! Các vua chúa, thái tử, trưởng giả, phạm chí, đại thần và các quan lại, được gặp Đức Như Lai Chánh chân Vô thượng, có nhiều người kính tin ưa thích đạo pháp nên họ xuất gia làm Sa-môn. Nhưng những người ấy lại xấu hổ, không chịu đi khất thực: “Chúng ta là những người dòng dõi cao quý, giàu sang, xuất gia làm Sa-môn, hôm nay lại đi đến những nhà thứ dân nghèo khổ, thấp hèn để khất thực sao?” Vì thế Đức Như Lai đi khất thực. Họ suy nghĩ: “Như Lai có phước đức lớn như hư không mà Ngài còn thương chúng sinh mà đi khất thực, huống nữa là chúng ta.” Nghĩ như thế nên họ không hề thấy xấu hổ mà lại càng rất thương yêu những người thấp hèn và ưa thích đi khất thực.

Lại nữa, thưa Tôn giả! Đức Như Lai tùy theo các tập tục ở thế gian mà giáo hóa họ, người ứng hợp với giới luật thì Đức Như Lai dạy giới luật… tùy theo đối tượng mà Đức Như Lai đều giáo hóa tất cả, Như Lai thị hiện phương tiện khiến cho chúng sinh không ai bị các nạn đói khát, ốm gầy, không còn bỏn sẻn, ganh ghét, không còn các điều ác và Như Lai giải quyết mọi nghi ngờ cho họ.

Vì vô lượng phương tiện để cứu độ chúng sinh nên Như Lai đi khất thực, giúp cho chúng sinh vượt qua tăm tối và thấy được ánh sáng chánh đạo…

Rồi cô gái lại thưa Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Thưa Tôn giả! Xin Tôn giả hãy tạo phương tiện tùy thời để khất thực như vậy, giống như Đức Như Lai kiến lập sự tu hành thanh tịnh nên Như Lai đi khất thực.

Tôn giả Tu-bồ-đề nói:

–Tôi không thể làm được. Giống như tất cả những chồn, cáo, thỏ, nai, côn trùng… ở nơi đồng trống không thể dám đi một mình như sư tử chúa. Cũng vậy, tất cả các thừa Thanh văn, Duyên giác đều không thể thực hiện được phương tiện thiện xảo, đầy đủ oai thần như Đức Như Lai, làm an ổn cho tất cả chúng sinh bằng tâm đại Từ, đại Bi.

Khi cô gái giảng nói pháp về Đức Như Lai đại Bi thực hành phương tiện thiện xảo, hai trưởng giả cha mẹ của cô gái, mọi người lớn nhỏ trong nhà và các trưởng giả khác đều vào nhà để nghe cô gái nói pháp, hai vạn tám trăm người đều phát tâm cầu đạo quả Chánh chân Vô thượng.

QUYỂN HẠ

Phẩm 4: Tên gọi giả

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi:

–Cô ra khỏi cửa còn chồng cô ở đâu?

Cô gái đáp:

–Thưa Tôn giả! Chồng tôi không phải chỉ một người. Vì sao? Giả sử có các chúng sinh ưa thích siêng năng tu hành, không buông lung tâm ý, thực hành theo phương tiện thiện xảo thì các chúng sinh ấy đều là chồng tôi.

Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi:

–Thế nào là ưa thích thực hành theo phương tiện thiện xảo?

Cô gái đáp:

–Thưa Tôn giả! Nếu có chúng sinh ưa thích tất cả các dục lạc thì tôi cho họ những sự dục lạc ấy, sau đó, tôi dùng phương tiện giúp họ phát tâm cầu đại đạo. Nếu có chúng sinh nhờ nơi ái dục mà biết giữ gìn giới luật, tôi cũng cho họ được hưởng những sự ái dục ấy, rồi sau đó, tôi rời xa họ, dùng phương tiện thiện xảo tùy thời giáo hóa họ.

Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi:

–Từ ban đầu, Đức Như Lai làm gì có sự cho phép ưa thích dục lạc, Ngài có tùy thời nghĩ đến thế nào đi nữa cũng không trái với giáo pháp. Đức Như Lai Chí Chân chưa bao giờ dạy người khác làm theo sự ái dục.

Cô gái đáp:

–Tôn giả không nghe hay sao? Đức Phật đã dạy: Tỳ-kheo nào tùy ý ưa thích y phục, thực phẩm, đồ nằm ngồi, thuốc thang trị bệnh, hoặc chỗ ở... đều nên bình đẳng ban cho họ, rồi sau đó, các Hòa thượng, A-xà-lê dạy cho họ được thể nhập đại đạo.

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Đúng vậy, đúng như lời cô nói.

Cô gái lại nói:

–Vì vậy, Tôn giả nên hiểu rõ, Đức Như Lai cũng cho phép tùy thời nghi thuận theo dục lạc, dùng phương tiện thiện xảo này để hóa độ chúng sinh.

Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi:

–Những chúng sinh nào được giáo hóa bằng phương tiện thiện xảo tùy theo dục lạc này?

Cô gái đáp:

–Nếu có thể đếm được có bao nhiêu vì sao trong tam thiên đại thiên thế giới này thì các chúng sinh được tôi hóa độ bằng phương tiện thiện xảo tùy thuận dục lạc cũng nhiều ngần ấy và tôi cũng khiến cho những người phát tâm cầu đạo quả Chánh chân Vô thượng nhiều không thể tính kể.

Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi:

–Cô dùng phương tiện thiện xảo để ban dục lạc cho người khác như thế nào?

Cô gái đáp:

–Nếu có chúng sinh ưa thích sinh về cõi Phạm thiên, tôi tu phạm hạnh, tùy theo họ tu vô lượng các thiền, đạt được sự an lạc trong thiền rồi, sau đó, tôi mới giáo hóa họ hướng về Phật đạo. Hoặc có chúng sinh thích cõi trời Đế Thích, tôi thị hiện ban cho họ niềm an vui của cõi trời Đế Thích, sau đó, thị hiện pháp vô thường của cõi trời này, nhân đó, giáo hóa khiến cho họ phát tâm cầu chánh đạo.

Nếu có chúng sinh ưa thích cõi Trời, Rồng, Thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già…, tôi đều thị hiện cho họ những sự vui thích trong các cõi ấy, sau đó, biến hóa tất cả những cõi ấy đều không thật có và hóa độ khiến họ phát tâm cầu đại đạo.

Nếu có chúng sinh thích ngôi vị Chuyển luân vương, hoặc thích chức vị đại thần, quan lại trấn giữ các châu huyện, quân tử, Phạm chí, hoặc chỉ thích làm thường dân, hoặc có người thích các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc… nhỏ nhiệm, trơn láng, hoặc thích ngửi hương hoa, thích hương xoa thân, y phục, dù lọng, hoặc thích vàng, bạc, ngọc minh nguyệt, thủy tinh, lưu ly, xa cừ, mã não, bạch ngọc, châu báu... vô số người ưa thích nhiều loại khác nhau không thể tính kể… hoặc có người thích đàn trống, múa hát, những loại âm thanh khơi gợi dục tình, lời lẽ bi thương… tôi đều tùy theo ý muốn của họ làm cho họ được vừa ý. Sau đó mới khuyên họ phát tâm cầu chánh đạo, giải thoát chúng sinh. Tùy theo căn cơ thượng, trung, hạ của họ, tôi đều khiến họ được lợi ích.

Tôn giả Tu-bồ-đề nói với cô gái:

–Nếu mong cầu đạt được Thánh đạo thì liền bị ngăn che, không có pháp mong cầu mới không bị chướng ngại. Một người nào mà được hóa độ nhờ ứng hợp với giới luật, xa lìa nhân duyên mà được pháp chưa từng có, đó là điều rất khó. Sự hành hóa của Bồ-tát Đại sĩ nhiều vô lượng, các vị dùng pháp này để tạo nghiệp phước vô thượng, các vị cũng dùng pháp này để giáo hóa chúng sinh, khiến họ được thuận hợp với giới luật. Tôi rất lấy làm vui mừng.

Khi ấy có hai người con của Trưởng giả đồng đến trong chúng hội nơi sân nhà cô gái để nghe pháp. Nghe cô gái giảng nói về pháp phương tiện thiện xảo, tùy theo sự ưa thích dục lạc của chúng sinh mà hóa độ, khiến cho họ phát tâm cầu đạo quả Chánh chân Vô thượng. Hai Đồng tử thưa Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Thưa Tôn giả! Tôn giả không nên dùng trí tuệ của mình mà nói về trí tuệ của Bồ-tát, cảnh giới trí tuệ của Tôn giả như thế nào? Như ánh sáng của đom đóm, có thể chiếu sáng một vùng bóng tối bằng bàn tay hay không?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Này thiện nam! Ánh sáng của đom đóm không đủ chiếu sáng một bàn tay.

–Cũng vậy, thưa Tôn giả! Những thiện nam, thiện nữ học theo thừa Thanh văn đức mỏng, phước mỏng, ánh sáng phước đức và trí tuệ vừa chợt nghĩ đến không bao lâu liền mong đến diệt độ. Giống như trong kiếp lửa thiêu đốt tất cả những dòng nước trong sông Hằng, trong suối nguồn có thể dập tắt lửa được không?

Tôn giả Tu-bồ-đề nói:

–Giả sử tất cả những dòng nước trong trăm ngàn vạn ức biển, sông ngòi cũng không thể dập tắt được ngọn lửa hừng hực trong kiếp thiêu, huống chi là nước trong các sông suối.

Cô gái nói:

–Thưa Tôn giả! Cũng vậy, ánh sáng trí tuệ của các Bồ-tát không thể suy lường, oai đức cũng không thể tính kể. Giả sử Bồ-tát có hưởng năm dục lạc trong các kiếp nhiều như cát sông Hằng đi nữa, trí tuệ cũng vẫn không hết. Ánh sáng công đức trí tuệ của Bồ-tát cao vời lồng lộng vô cùng.

Thưa Tôn giả! Như người nghèo khổ bị bệnh nguy khốn, có vị thầy thuốc đến tùy bệnh cho thuốc. Bệnh nặng nhẹ gì người ấy cũng được thuyên giảm, người ấy uống thuốc rất dễ dàng, vì tự biết mình nghèo hèn, phước mỏng, cố gắng tự chịu uống đắng để được lành bệnh. Vì sao? Vì người nghèo tự biết mình không có nhiều tiền của. Thưa Tôn giả! Cũng vậy, những người tu theo thừa Thanh văn luôn biết vừa đủ, không ham muốn, ở chỗ vắng vẻ, từ bỏ bỏn sẻn, ganh ghét, nhưng vì ít hiểu biết nên phải chịu tất cả những khổ não. Sau đó mới được diệt tận các lậu, được tâm giải thoát. Nên biết như vậy.

Thưa Tôn giả! Như người nghèo khổ được uống thuốc thang nên được hết bệnh, đó là sự giải thoát của thừa Thanh văn.

Lại như vị quốc vương trên đỉnh đầu có oai tướng, khi bị bệnh có ngự y lo thuốc thang chữa trị, dùng loại thuốc của bậc đế vương có màu đẹp vị ngon, uống vào thì mặt mày, đầu cổ đều được an ổn, thân thể không còn đau bệnh vì thuốc có đầy đủ các vị. Vị quốc vương có đầy vàng, bạc, châu báu, có nhiều loại hương hoa thơm xông ướp thân, có các âm nhạc luôn luôn nghe vui tai… vậy thì vị quốc vương ấy có gì phải lo sợ, buồn rầu không?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Không có gì phải lo sầu. Vì quốc vương ấy có nhiều loại thuốc quý để trị bệnh, dùng nhiều âm nhạc để giải trí, tất cả những bệnh tật đều được tiêu trừ, hoàn toàn an ổn.

Cô gái nói:

–Thưa Tôn giả! Cũng vậy, nếu Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo bằng tất cả những dục lạc, ưa thích tất cả những niềm vui đạo pháp, tự an vui tu hành tự tâm, rồi thọ nhận tất cả các dục lạc, cho đến khi đạt đạo Chánh chân Vô thượng, thành bậc Chánh giác tối tôn.

Thưa Tôn giả! Vì vậy cũng như vị thầy thuốc dùng thuốc để trị bệnh, Bồ-tát hiển bày trí tuệ như vậy để giáo hóa chúng sinh.

Lại nữa, thưa Tôn giả! Năm dục vốn không nguồn gốc cũng không xứ sở. Bồ-tát thọ nhận năm dục mà vẫn hiểu rõ mình đang làm điều gì. Vì năm dục không có phước đức thì các công đức cũng không thể đạt, cũng đều không thật có, Nhất thiết trí cũng không thể thủ đắc, không có tên gọi. Nếu nhận những điều đó cũng chỉ là thân đạt được các tưởng. Những gì là có đạo? Những gì là không có đạo? Năm ấm vốn rỗng lặng, sự rỗng lặng cũng trống không, nếu nhận được điều đó tức cũng chẳng có các dục lạc. Nhàm chán và không hề mong cầu các dục lạc, đó là chí nguyện về đạo. Bị năm ấm rượt đuổi, không thể định tâm, đó gọi là không có đạo.

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi hai người con trưởng giả:

–Cô gái này là gì của hai vị?

Hai vị Đồng tử chắp tay nói kệ:

Đây: bậc cha mẹ tôi
Từ bi ban an ổn
Người thân thiết của tôi
Bậc Thế Tôn Vô thượng.
Các oai thần như vậy
Đạt được các công đức
Nhóm họp đủ các hạnh
Giải thoát vô số khổ.
Giảng nói kinh pháp này
Đầy đủ các hạnh nghiệp
Ban niềm vui trí tuệ
Tâm thực hành pháp không.
Diễn bày các kinh pháp
Khiến tất cả tinh tấn
Cho tôi niềm vui pháp
Giáo hóa về hạnh không.
Từ bỏ nơi gia đình
Như lửa đốt cháy thân
Khéo dùng phương tiện này
Diệt trừ lưới phiền não.
Như trừ rắn độc cắn
Dứt bỏ các độc hại
Các tham dục cũng vậy
Ân ái làm thương tổn.
Như người bị nạn lửa
Phải mau dập tắt lửa
Lửa phiền não cũng thế
Muốn thoát nạn tham dục.
Phải hiểu rõ nghĩa pháp
Để tiêu trừ sợ hãi
Nhờ trừ các nạn này
Ánh sáng trí tuệ hiện.
Tôi chẳng ham tham dục
Do đó đạt trí tuệ
Các nghĩa không có nghĩa
Là tham dục thế gian.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi cô gái:

–Cô dùng phương tiện thiện xảo như thế nào để không bỏ tất cả chúng sinh, tùy theo thời nghi mà giáo hóa cho tất cả?

Cô gái đáp:

–Thưa Tôn giả! Ở đời, người nữ thường nhiều dục lạc, không biết nhàm chán như người nam, tâm ý người nữ lúc nào cũng ưa thích dục lạc. Vì vậy, Bồ-tát thực hành phương tiện thiện xảo để giáo hóa họ, các vị luôn thị hiện thân nữ để hóa độ, vì thân người nam không thể thị hiện vào chỗ các dâm nữ.

Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi:

–Hiện nay, cô đang làm thân người nữ để giáo hóa người nữ đó chăng?

Khi ấy, trong khoảnh khắc, cô gái chuyển thân nữ thành thân đồng nam khoảng mười hai tuổi, vì hai người con Trưởng giả mà mặc y phục của người nam thanh tịnh, rồi hỏi Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Thưa Tôn giả! Tôn giả là phàm phu hay là bậc Hữu học?

Tôn giả đáp:

–Tôi không phải phàm phu cũng chẳng phải là bậc Hữu học.

Cô gái nói:

–Thưa Tôn giả! Cũng vậy, tôi chẳng phải nam cũng chẳng phải nữ.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề nghĩ: “Đồng nam này quả là người thành tựu hạnh nghiệp trí tuệ vi diệu, sâu xa của Bồ-tát nên mới nói như vậy.” Biết được suy nghĩ của Tôn giả Tu-bồ-đề, vị đồng nam hỏi:

–Thưa Tôn giả! Thế nào là diệt tận các lậu? Xin Tôn giả hãy giảng nói rõ ý nghĩa chung quy của chúng?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Tôi chẳng phải là bậc đã diệt tận các lậu.

Đồng nam ấy lại hỏi:

–Các lậu là gì? Quá khứ, hiện tại, vị lai, các lậu đều không thể diệt tận, quá khứ đã diệt tận, hiện tại thì không ngừng chỗ nào, vị lai thì chưa đến. Diệt tận các lậu đời vị lai thì không thể được, nên cũng không diệt tận. Các lậu trong hiện tại, đã quay về sự diệt tận nhưng không ở chỗ nào, nên cũng không thể diệt tận…

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Này thiện nam! Tôi thật sự không thể đáp lời ấy được. Bây giờ đã sắp quá giờ ngọ, tôi chỉ muốn khất thực để khỏi phải ăn phi thời.

Khi đó, vị đồng nam có pháp Tam-muội tên là Phổ châu phật độ diệu hoa, vị ấy dùng Tam-muội này để nhập vào chánh định. Khi vị đồng nam ấy nhập vào Tam-muội, Tôn giả Tu-bồ-đề từ xa nhìn thấy từ nơi thân vị ấy hiện ra tất cả các cõi Phật nhiều không thể tính kể ở khắp mười phương, còn đồng nam ấy thì đứng hầu bên Phật. Ở các cõi Phật ấy, nơi thì mặt trời vừa mọc chiếu sáng thiên hạ, nơi thì vào giờ ăn sáng, nơi thì giữa buổi sáng, chỗ thì sắp đúng giờ ăn trưa, nơi thì ngay lúc đánh kiền chùy, chỗ thì đang ngay giờ thọ thực, có nơi thì đã dùng cơm xong và đang rửa bát, cũng có cõi Phật đang vào giờ đi khất thực, có chỗ đang đúng giữa ngọ, có nơi vào lúc quá buổi trưa, có chỗ đang lúc đầu đêm, có nơi đang nửa đêm, chỗ thì đã gần sáng, hoặc có cõi Phật không có mặt trời, mặt trăng, mọi chúng sinh, người và vật đều tự có ánh sáng... Hiện ra các công đức cao vời như vậy xong, đồng nam hỏi Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Tôn giả muốn thọ thực vào giờ nào? Tôn giả hãy xem bây giờ đang là lúc nào?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Này thiện nam! Bây giờ chưa đúng giờ, không nên thọ thực. Ở các cõi Phật khác cũng chưa đến giờ thọ thực.

Khi đó, đồng nam ấy liền dùng Tam-muội Chánh thọ thị hiện thần thông, khiến cho mặt trời trở về hướng Đông như vào buổi sáng rồi thưa:

–Thưa Tôn giả! Tôn giả hãy xem bây giờ đang còn rất sớm, Tôn giả hãy an tâm, vẫn chưa đến giờ thọ thực.

Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi:

–Này thiện nam! Ngươi tên là gì?

–Thưa Tôn giả! Xin Tôn giả hãy thưa hỏi Đức Thế Tôn, Thế Tôn sẽ trả lời cho Tôn giả biết tôi tên là gì.

Thưa Tôn giả! Tất cả các tên gọi đều không có tên. Tất cả các tên gọi đều theo tư tưởng, rất hư dối, không thật có. Các vọng tưởng cũng đều không chân thật, chẳng có tên gọi. Cho nên, tất cả vốn đều không.

Tôn giả Tu-bồ-đề nói:

–Lại nữa, này thiện nam! Vậy thì Nhất thiết trí cũng là tên gọi giả chăng? Nhất thiết trí có được tên gọi nhờ tư tưởng là không chân thật hay sao?

–Thưa vâng, Tôn giả! Nhờ tư tưởng mà có được danh hiệu nên Nhất thiết trí là không thật có. Vì sao? Vì Nhất thiết trí là không thể suy lường nên cũng là tên gọi giả. Tất cả mọi điều ở trong các cõi Phật đều vốn không có ngọn nguồn.

Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi:

–Này thiện nam! Vì sao Nhất thiết trí là không thể suy lường mà cũng là tên gọi giả?

Đồng nam ấy đáp:

–Thưa Tôn giả! Ánh sáng của Nhất thiết trí chiếu khắp cõi Phật, vậy thế nào là Nhất thiết trí bao gồm cõi Phật? Thế nào là Nhất thiết trí bao gồm Nhất thiết trí? Thế nào là ánh sáng trí chiếu soi tiêu trừ các cấu uế? Thế nào là biểu hiện ý nghĩa? Thế nào là trên? Thế nào là lớn? Thế nào là mắt nhìn thấy? Thế nào là thọ trì khó khăn? Thế nào là xả bỏ? Thế nào là Tu-bồ-đề cúng dường cõi Phật? Thế nào là cõi Phật là tên gọi giả, khác với những tên tương tự?

Thưa Tôn giả! Giả sử Nhất thiết trí là không thể suy lường, cũng là tên gọi giả. Cũng vậy, các sắc tướng đều có tên gọi nhiều vô lượng, tên gọi của các sắc rất khó biết số lượng, thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể suy lường, các ấm, giới, nhập, bốn Như ý túc, bốn Tinh tấn chân chánh, bốn Niệm xứ, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám Thánh đạo… cũng đều không thể suy lường, đều là các tên gọi giả. Tất cả các pháp cũng đều như vậy. Tất cả các cõi Phật đều không thể suy lường, thảy đều là tên gọi giả.

Vậy, tên gọi thật là gì? Thưa Tôn giả! Vì thế, nên quan sát biết rằng tất cả các tên gọi đều không có tên. Thưa Tôn giả! Vì chúng nhờ vào tư tưởng mà tư tưởng thì không thật. Nếu gọi được tên cũng nhờ vào tư tưởng mới có được ngôn từ, mà tất cả các ngôn từ đều vốn là không.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề nói với đồng nam:

–Này thiện nam! Ngươi đã làm lợi ích cho tất cả các Trưởng giả, Phạm chí và các Cư sĩ tại thành Vương xá đến nơi đây.

Vị đồng nam hỏi:

–Thưa Tôn giả! Bậc Ứng cúng là gì?

Tôn giả Tu-bồ-đề nói:

–Theo sự hiểu biết của tôi, Ứng cúng là người giữ gìn giới luật, tôn sùng theo chánh đạo, tâm định tĩnh không tán loạn… Đó gọi là bậc Ứng cúng ở đời.

Đồng nam nói:

–Thưa Tôn giả! Nếu như lời Tôn giả nói thì chưa phải là bậc Ứng cúng chân chánh. Vì sao? Nếu khởi tâm đại Từ bi đối với chúng sinh, không chấp giữ các chúng sinh, người và vật, như vậy mới là bậc Ứng cúng ở đời. Không để gián đoạn ba ngôi quý báu Phật, Pháp, Thánh chúng, đó gọi là bậc Ứng cúng. Có thể diệt trừ tất cả những phiền não của chúng sinh, đó gọi là bậc Ứng cúng. Có trí tuệ vô lượng, không cùng không tận, đó là bậc Ứng cúng. Có công đức vô cùng, biện tài vô tận, kho tàng chánh pháp vô biên, đó là bậc Ứng cúng. Đối với các phàm phu hay Thánh hiền đều không có tâm phân biệt, đó là bậc Ứng cúng.

Rồi vị ấy lại nói:

–Người mà chúng sinh nhìn thấy liền đạt trí tuệ thanh tịnh và lập tức diệt trừ ba điều cấu uế tham, sân, si, đó là bậc Ứng cúng.

Bấy giờ, chư Thiên thường theo hộ vệ Tôn giả Tu-bồ-đề vô cùng hoan hỷ được phụng sự Tôn giả, nghe giảng nói về bậc Ứng cúng, tất cả các vị dốc lòng phát tâm cầu đạo quả Chánh chân Vô thượng, phát tâm xong, tất cả đều cúi đầu đảnh lễ ngang chân Tôn giả Tu-bồ-đề, tự trách mình và xin sám hối với Tôn giả.

Vị đồng nam hỏi các Thiên tử:

–Hôm nay, vì sao các vị lại sám hối Tôn giả Tu-bồ-đề?

Chư Thiên đáp:

–Này thiện nam! Chúng tôi theo hộ vệ Tôn giả Tu-bồ-đề đến nay đã được mười hai năm, nhưng chưa bao giờ được nghe giảng nói thế nào là bậc Ứng cúng. Hôm nay, được nghe pháp này, chúng tôi phát tâm cầu đạo quả Chánh chân Vô thượng. Vì vậy, chúng tôi nghĩ: “Nếu ở nơi nào mà chúng tôi được nghe nhận kinh pháp như vậy, chúng tôi cũng sẽ nương vào bậc Ứng cúng ấy để nghe hạnh thanh tịnh thì khi ấy, chúng tôi sẽ hộ vệ các Bồ-tát để nương về đạo pháp.”

Khi ấy, để khuyến khích sự phát tâm đạo của các Thiên tử, Tôn giả Tu-bồ-đề nói:

–Hôm nay, chư Thiên các vị đã được lợi ích, tâm được thể nhập pháp vi diệu. Tôi cũng xin nói, tôi cũng không biết mình phải làm gì, tự mình làm nguy hại mình bị trái mất tâm đạo, đối với Nhất thiết trí, tôi cũng chẳng được nghe nhận phần nào. Pháp Phật đã được dạy như vậy, các vị hãy nên hiểu rõ. Nếu như hôm nay tôi chưa đạt được tâm giải thoát, chắc chắn tôi cũng nên phát tâm cầu đạo quả Chánh chân Vô thượng, bây giờ, tôi không biết phải làm gì. Cho nên, nếu chư Thiên đã khen ngợi thì các vị hãy cung kính đảnh lễ, quy y và thân cận bậc Chánh sĩ Thiện tri thức như vậy, rồi nương theo vị ấy mà nghe pháp xưa nay chưa bao giờ được nghe.

Khi đó, vị đồng nam nói với chư Thiên:

–Đạo Chánh chân Vô thượng rất khó đạt được, phải mặc được vô số áo giáp công đức mới đạt được pháp huyền diệu sâu xa.

Các Thiên tử nói:

–Lại nữa, này thiện nam! Chư Phật Thế Tôn vốn ưa thích trí tuệ, chúng tôi phải có trí tuệ mới thực hành theo đạo Chánh chân Vô thượng ấy để đạt giải thoát.

Vị đồng nam hỏi:

–Các vị thực hành như thế nào?

–Thực hành tâm bình đẳng đối với chúng sinh để cứu độ họ. Từ bỏ tất cả những gánh nặng triền cái, khiến họ được giải thoát và không bao giờ phải gặp những điều khổ vui.

Này thiện nam! Đó là sự thực hành.

Vị đồng nam lại hỏi chư Thiên:

–Thực hành tâm bình đẳng đối với chúng sinh chẳng phải là nhân tưởng (chấp có người khác) đó chăng? Chúng sinh vốn không có phiền não hay ngục tù nào trói buộc, cũng chẳng có giải thoát, không lệ thuộc năm ấm tức đã từ bỏ gánh nặng. Các chúng sinh vốn đầy đủ các công đức, không có vọng tưởng, muốn giáo hóa chúng sinh phải không có tâm chấp về ngã và người khác, tuy gặp khổ vui, tâm cũng không hề tăng giảm.

Chư Thiên và mọi người nghe vị đồng nam ấy giảng nói, tất cả liền đều đạt được pháp Nhẫn vô sinh.

Khi ấy, chư Thiên rải nhiều loại hoa để cúng dường vị đồng nam, hoa rải đầy khắp sân.

Tôn giả Tu-bồ-đề nói với các vị trời, người:

–Các vị cũng nên theo chí nguyện giống như tôi, nếu không thể thực hành được như lời vị ấy giảng nói, khuyên các vị hãy thực hành pháp Thanh văn.

Chư Thiên và mọi người nói:

–Thưa Tôn giả! Theo lời của thiện nam ấy giảng nói thì có gì lầm lỗi, Tôn giả nghĩ chúng tôi là hạng chúng sinh nào mà lại nói những lời thấp kém như vậy. Vì sao? Thưa Tôn giả! Hôm nay đã được nghe pháp thù thắng rồi, chúng tôi không theo pháp Thanh văn, Duyên giác nữa. Giống như có người mong cầu chí nguyện vi diệu, khi đói khát chỉ ăn thức ăn ngon ngọt chứ không ăn các chất độc, cũng vậy, thưa Tôn giả, chúng tôi đã được nghe pháp thù thắng vi diệu, pháp Bồ-tát sâu xa, huyền diệu như vậy thì pháp Thanh văn, Duyên giác không có lợi ích gì cho Phật đạo, cũng giống như các chất độc.

Lúc đó, vị đồng nam ấy trở lại làm thân người nữ xinh đẹp, đoan trang thù thắng bậc nhất, mọi người nhìn thấy đều được tâm thanh tịnh. Cô gái thưa Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Thưa Tôn giả! Tôn giả không cần phải đi khất thực nữa, tôi sẽ cúng dường Tôn giả.

Nói xong, cô gái vào nhà bưng ra thức ăn ngon hảo hạng, thưa:

–Thưa Tôn giả! Xin Tôn giả nhận sự cúng dường của tôi, không nên ham muốn, cũng không xa lìa tâm ham muốn mới nên thọ thực. Không để tâm khởi sân, si, cũng không cùng chung với chúng, không nên từ bỏ phiền não, cũng không cùng chung với phiền não.

Thưa Tôn giả! Nếu không đoạn trừ Khổ, Tập, không chứng Diệt, không tu hành Đạo, vẫn có thể nhận thức ăn này. Nếu không tu hành bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm

Lực, bảy Giác chi, tám Thánh đạo, Tôn giả vẫn có thể nhận thức ăn này.

Nếu không diệt trừ vô minh, không chứng đắc các minh, nếu vẫn làm theo hành, thức, danh sắc, sáu nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, già, bệnh, chết, khổ sở buồn rầu, các nhân duyên ấy hòa hợp hay không hòa hợp, Tôn giả vẫn không chấp vào thức, vẫn diệt tận được các lậu, đạt tâm giải thoát, tất cả các danh và sắc đều không có hình tướng, vì đã vượt qua ba cõi, thoát khỏi sáu căn, hiểu rõ các hành là không, chí nguyện về pháp môn giải thoát, tập vốn không có chỗ nào sinh ra, không có vọng tưởng, không còn các thọ nhưng vẫn có đối tượng mong cầu, chứng đắc pháp môn giải thoát nhưng giảng nói tất cả đều không, không nhớ nghĩ, mong cầu đến ái dục, cũng không hề có sự sinh khởi, hiểu rõ sự sinh khởi, phân biệt rõ ràng về có, không; già, chết… đều không, thấu đạt mười hai duyên khởi… cho nên, Tôn giả nên thực hành khất thực như vậy.

Nếu Tôn giả không tùy theo phàm phu cũng không cùng chung với hàng Thánh hiền, các pháp đều bình đẳng không gián đoạn, Tôn giả nên nhận sự cúng dường. Nếu không có sinh cũng không có diệt, thực hành về pháp không, bình đẳng đối với tham, sân, si cũng bình đẳng đối với pháp không, Tôn giả nên nhận sự cúng dường. Nếu không vượt khỏi phạm vi phàm phu cũng không ở trong cảnh giới Thánh hiền, không sáng suốt cũng không tối tăm, không vượt qua sự sinh khởi, không sinh tử cũng không Niết-bàn, lời nói không thành thật cũng không hư dối, Tôn giả nên nhận sự cúng dường.

Không diệt tận đối với các đối tượng diệt tận, không hợp, không tan, luôn thực hành thiền định tư duy, đối với chúng sinh, không bao giờ có tâm làm hại họ, thực hành tất cả các pháp mà không hề lệ thuộc, Tôn giả nên nhận sự cúng dường vì Tôn giả đã được xuất gia, đã đúng như pháp mà thành tựu pháp bố thí bình đẳng và hạnh nghiệp của bậc Hữu học xuất gia, nhờ những pháp ấy mà được diệt độ, Tôn giả nên nhận sự cúng dường.

Nếu thực hành các pháp không, không ý nghĩa, không tham dục đều thuận theo không, nhưng cũng không siêng năng thực hành pháp không như Đức Thế Tôn, Tôn giả nên nhận sự cúng dường.

Nếu có ai khởi tưởng cho Tôn giả là bậc Ứng cúng, đó là người khinh dối, không thuận theo pháp của đức đại Thánh, nếu cho rằng Tôn giả chẳng phải là bậc Ứng cúng cũng không hề hao tổn, tu hành theo ý nghĩa chánh pháp, không tiến không lùi, vì vậy, Tôn giả nên nhận sự cúng dường.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề duỗi cánh tay phải cúi đầu đảnh lễ cô gái rồi nói:

–Hôm nay, cô đã vì tôi nói lời chân thành, tôi sẽ thực hành theo. Như cô đã vì tôi nói những lời lẽ bình đẳng, theo những lời ấy, tôi sẽ nhận sự cúng dường theo pháp bình đẳng.

Cô gái liền đem thức ăn dâng cúng Tôn giả rồi nói:

–Thưa Tôn giả! Tôn giả có thể theo pháp bình đẳng mà khất thực. Ở đời, có rất nhiều người tự cao tự đại, bỏ pháp bình đẳng, vì thế, họ sẽ bị đọa vào địa ngục, không thể thanh tịnh, dù họ có dốc lòng mà nhận sự cúng dường.

Khi ấy các vị trời hỏi cô gái:

–Làm thế nào để hiểu rõ các pháp mà thực hành theo?

Cô gái đáp:

–Ý các vị nghĩ sao? Các vị có thể biết thân tôi là thân người nam hay không? Vì sao tôi làm được như vậy? Nhân duyên nguồn gốc là do đâu?

Chư Thiên đáp:

–Chúng tôi không thể biết.

Cô gái nói:

–Cũng vậy, này chư Thiên! Người thường tu hành các pháp như huyễn thì họ giảng nói gì, ta không thể biết được, giống như nghe tiếng vọng. Lại nữa, này chư Thiên! Tất cả các pháp được diễn nói, hoặc giả hoặc thật, tùy theo chúng sinh, đều là những pháp bình đẳng. Vì sao? Vì tất cả những lời lẽ, tên gọi đều là tự nhiên, đều vốn không thật có.

Khi giảng nói về pháp thực hành khất thực, có năm ngàn vị trời xa lìa trần cấu, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh.

Khi đó, cô gái thưa Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Thưa Tôn giả! Xin thỉnh Tôn giả thọ thực xong rồi đến chỗ Đức Phật. Chúng tôi cũng đi đến đó để nghe pháp.

Tôn giả Tu-bồ-đề nhận cúng dường xong, Tôn giả ra khỏi thành Vương xá, vì muốn được nghe pháp nên Tôn giả rất hoan hỷ vui mừng, bước đi càng nhanh, Tôn giả nghĩ: “Ta đã nhận thực phẩm cúng dường này, giờ phải để ở đâu để cho người dốc lòng tin dâng cúng ấy không bị đọa vào tội lỗi và các tai nạn.”

Khi ấy, có một vị Bồ-tát tên là Thí Chúng Dữ Pháp biết rõ suy nghĩ của Tôn giả Tu-bồ-đề, liền đi đến chỗ của Tôn giả, cúi đầu đảnh lễ ngang chân rồi thưa:

–Thưa Tôn giả! Hãy cúng dường những thức ăn ấy cho tôi, để khiến cho người được dốc lòng kính tin không còn tranh cãi.

Tôn giả Tu-bồ-đề nói:

–Thưa Nhân giả! Nhân giả có giữ gìn giới luật không?

Bồ-tát Thí Chúng Dữ Pháp đáp:

–Thưa Tôn giả! Tất cả các pháp đều không có sự thọ giới, cho nên không có sự giữ gìn, cũng không có sự phạm giới.

Lại nữa, thưa Tôn giả! Tôi hay sát sinh, không thích bố thí, quen làm tà dâm, thường hay vọng ngữ, lại nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung dữ, nói lời thêu dệt, luôn luôn giận dữ, tham lam, ganh ghét và thường rơi vào tà kiến. Vì sao? Nếu có sự tạo tác thì đều là phạm giới, hoàn toàn không có sự thực hành đó mới là bình đẳng.

Khi ấy Tôn giả Tu-bồ-đề suy nghĩ: “Nghe những lời nói thì biết, chắc chắn vị này là Bồ-tát đạt tâm không thoái chuyển. Ta nên thưa hỏi vị này.” Nghĩ xong, Tôn giả Tu-bồ-đề thưa:

–Thưa Nhân giả! Tôi xin cúng dường Nhân giả những thức ăn này. Thưa Nhân giả! Nếu không dốc lòng tin cúng dường thức ăn này, tôi có bị sinh vào đường ác hay không?

Lúc đó, cúng dường thức ăn xong, Tôn giả Tubồ-đề ngồi ở phía sau, nghỉ ngơi yên tĩnh đến trưa xế mới đi đến chỗ Đức Phật.

Đến nơi, Tôn giả đảnh lễ nơi chân Phật, đem những pháp đã nghe được từ cô gái để thưa lên Đức Phật. Phật nói:

–Này Tu-bồ-đề! Ông đã hiểu rõ đầy đủ, ông nên đảnh lễ Bồ-tát ấy.

Tôn giả Tu-bồ-đề thưa:

–Thưa Thế Tôn! Con vốn không biết rõ.

Đức Phật nói:

–Có Bồ-tát tên là Chuyển Nữ, dùng phương tiện thiện xảo ấy để giáo hóa chúng sinh. Giả sử trong nước Ma-kiệt-đà có các xe lớn, mỗi xe chở được trăm ngàn đấu hạt cải, số hạt cải được chở đầy trong tất cả các xe ấy còn có thể đếm biết được bao nhiêu, còn Bồ-tát này dùng phương tiện thiện xảo khuyên theo dục lạc, ở cõi Ta-bà giáo hóa chúng sinh chuyển thành thân nữ, khiến cho những người phát tâm cầu đạo quả Chánh chân Vô thượng nhiều không thể tính kể, khiến cho những người được sinh lên cõi trời, người cũng nhiều không thể biết số lượng.

Khi ấy, cô gái cùng với năm trăm cô gái ra khỏi thành Vương xá, đến núi Kỳ-xà-quật, chỗ của Đức Phật. Từ xa nhìn thấy các cô gái ấy đang đến, Đức Phật nói với Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Này Tu-bồ-đề! Ông có thấy năm trăm cô gái đang cùng nhau đến đây không?

Tôn giả Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.

Năm trăm cô gái vừa đến nơi, Tôn giả Tu-bồđề liền từ chỗ ngồi đứng dậy nghinh đón và chắp tay đảnh lễ. Các cô gái đảnh lễ ngang chân Phật, đi nhiễu quanh bên phải Ngài ba vòng rồi đứng qua một bên.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Tôn giả Tubồ-đề:

–Thưa Tôn giả! Tôn giả đã đạt pháp gì của Thánh hiền, sao lại làm việc chẳng có ý nghĩa Thánh hiền, lại nghinh đón và đảnh lễ những người nữ ấy?

Cô gái liền thưa Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Thưa Tôn giả! Theo Tôn giả thì thế nào là bậc Thánh hiền ở đời và ai chẳng phải là Thánh hiền mà Tôn giả lại nói ra những lời không có ý nghĩa như thế?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

–Cô có thể biết được ai là Thánh hiền, ai chẳng phải là Thánh hiền hay sao?

Cô gái đáp:

–Thánh hiền hay chẳng phải Thánh hiền, tôi đều biết rõ.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:

–Nghĩa là thế nào?

Cô gái nói:

–Thưa Tôn giả! Người không đoạn trừ lời dạy của bậc Thánh hiền, không trái với Phật, Pháp, Tăng, đó là Thánh hiền. Khởi tâm Từ bi, khiến cho những người không phải Thánh hiền đều được tu hành và giải thoát, đó là bậc Thánh hiền.

Lại nữa, thưa Tôn giả! Nếu có người nữ trang sức nhiều vật báu nơi thân, mặc y phục thanh tịnh, đeo nhiều ngọc quý, thân xông ướp hương thơm, xoa nhiều loại hương… có thói quen an hưởng vui vẻ theo năm dục lạc nhưng không làm trái và từ bỏ tâm Nhất thiết trí, người nữ ấy chính là bậc Thánh hiền, hơn hẳn các bậc Thanh văn đạt tám thiền giải thoát, là tám pháp môn tịch tĩnh, lại vượt trội cả các La-hán thường an trú trong định tĩnh. Cho nên, thưa Tôn giả! Tôi sẽ vì Tôn giả dẫn ra ví dụ để nói rõ ý nghĩa trên. Nếu thủy tinh được đựng trong đồ dùng bằng lưu ly và ngọc lưu ly được đựng trong đồ dùng bằng gỗ, sành thì loại nào quý hơn?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

–Ngọc minh châu dù đựng trong đồ dùng bằng gỗ, sành vẫn quý hơn thủy tinh đựng trong đồ dùng bằng ngọc lưu ly.

Cô gái nói:

–Cũng vậy, thưa Tôn giả! Nếu có người nữ hưởng vui trong năm dục lạc, dùng tất cả những vật quý báu để trang sức nơi thân, tâm ý vẫn đứng vững trong Nhất thiết trí, người nữ ấy thật đúng là bậc Thánh hiền, hơn hẳn bậc A-la-hán đạt tám giải thoát, an trú trong thiền định tịch tĩnh.

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:

–Cô đã lập chí nguyện Đại thừa rồi chăng?

Cô gái đáp:

–Bậc Đại thừa không lập chí nguyện cũng không thoái lui.

Tôn giả lại hỏi:

–Nếu Đại thừa không lập chí nguyện cũng không thoái lui thì học tu Đại thừa như thế nào?

Cô gái đáp:

–Thưa Tôn giả! Mong cầu Đại thừa thì không thể chấm dứt vô minh, cho đến không thể cầu đạo. Vì sao? Vì Đại thừa là bình đẳng, Đại thừa không cùng tận, nên vô minh cho đến già, bệnh, chết cũng đều không diệt tận. Pháp không sinh khởi cũng chẳng diệt tận, những gì có sinh thì chắc sẽ trở về diệt, những pháp không có sinh thì chẳng hề có diệt.

Thưa Tôn giả! Nên hiểu rõ mười hai duyên khởi không sinh không diệt như vậy.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi cô gái:

–Chư Thiên và mọi người đều nên cúi đầu đảnh lễ huống gì là Tu-bồ-đề phải không?

Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Từ nay về sau không thể biết đúng tướng người. Vì sao? Vì hôm nay, cô gái này trang sức nơi thân bằng chuỗi ngọc báu mà có thể đạt được tài biện luận của bậc Thánh cao vời như vậy.

Cô gái nói:

–Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Biện tài có được chẳng phải nhờ trang sức bằng chuỗi ngọc báu.

Tôn giả hỏi:

–Vậy thì nhờ đâu?

Cô gái đáp:

–Bồ-tát có tám loại chuỗi ngọc báu đẹp đẽ, các vị dùng những chuỗi ngọc ấy để trang nghiêm nơi thân, tâm thanh tịnh như hư không, nhờ đó, Bồ-tát đạt được tài biện luận chân chánh không trở ngại. Những gì là tám? Đó là: Bồ-tát trang nghiêm tu tập không bỏ mất tâm Bồ-đề; chí nguyện về Đại thừa, không theo Tiểu thừa nên thành tựu sự trang nghiêm; sự trang nghiêm có tâm bình đẳng đối với chúng sinh; không có tâm làm hại; sự trang nghiêm tinh tấn học rộng, không biết nhàm chán; sự trang nghiêm thực hành theo những chánh pháp đã được nghe; sự trang nghiêm thông hiểu sâu xa về pháp duyên khởi, hiểu rõ các căn của chúng sinh; sự trang nghiêm được chư Phật kiến lập; sự trang nghiêm giáo hóa các Bồ-tát. Đó là sự trang nghiêm để thực hành phương tiện thiện xảo. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Bồ-tát thực hành tám sự trang nghiêm này mới đạt được tài biện luận không gì trở ngại, giáo hóa tất cả những chúng sinh ngu tối trong năm đường.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Cô gái này qua đời ở cõi Phật nào mà sinh vào cõi nước này?

Cô gái liền hóa ra một người con gái khác cũng rất xinh đẹp, đoan trang, rồi hỏi Tôn giả Xá-lợiphất:

–Thưa Tôn giả! Xin hỏi Tôn giả cô gái này qua đời từ nơi nào mà sinh đến nơi đây?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

–Đây là cô gái được biến hóa ra, người được biến hóa ra thì tự nhiên hiện hóa, không diệt, không sinh.

Cô gái nói:

–Đúng thế, thưa Tôn giả! Tất cả các pháp đều là tướng huyễn hóa tự nhiên, cũng nhờ vậy mà Đức Như Lai mới thành bậc Tối chánh giác. Nếu hiểu rõ tất cả các pháp đều là tướng huyễn hóa tự nhiên thì không có sinh cũng chẳng có diệt, người có trí tuệ như hư không như vậy thì không nên hỏi tôi từ đâu sinh đến hay qua đời từ chỗ nào.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với Tôn giả Xá-lợiphất:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Đây là Bồ-tát Chuyển Nữ, từ thế giới Diệu lạc, chỗ của Đức Phật A-súc, qua đời rồi sinh vào nước này. Từ trước đến nay, Bồ-tát Chuyển Nữ này đã giáo hóa cho vô số chúng sinh nhiều không thể tính kể và đều khiến cho họ phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khi ấy, Bồ-tát Chuyển Nữ, bằng thân cô gái ấy, đến trước Đức Phật cúi đầu đảnh lễ nơi chân Phật, thưa:

–Thưa Thế Tôn! Con sẽ quỳ mãi dưới chân Thế Tôn và không đứng dậy nếu Thế Tôn không thọ ký đạo Chánh chân Vô thượng vào đời vị lai cho con, cho con được chuyển thân nữ thành thân nam.

Năm trăm cô gái cũng đồng đảnh lễ nơi chân Phật và thưa:

–Thưa Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ quỳ mãi dưới chân Thế Tôn nếu Thế Tôn không thọ ký đạo Chánh chân Vô thượng cho chúng con và không cho chúng con được chuyển thân nữ thành thân nam.

Khi ấy, Đức Phật mỉm cười. Theo pháp thường, khi chư Phật mỉm cười là tự nhiên ứng với điềm lành. Từ miệng Đức Phật, vô số ánh sáng đủ màu sắc như xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, hồng, tía… phóng ra chiếu khắp vô lượng các cõi Phật ở mười phương rồi trở lại chiếu sáng quanh bên phải Phật ba vòng và nhập vào đỉnh đầu.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai bên phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Thế Tôn mỉm cười, mỉm cười với ý nghĩa gì?

Đức Phật hỏi:

–Này Tôn giả A-nan! Ông có thấy Bồ-tát Chuyển Nữ và năm trăm cô gái nhàm chán thân nữ đang đảnh lễ dưới chân ta hay không?

Tôn giả A-nan thưa:

–Thưa Thế Tôn! Con đã thấy.

Đức Phật nói:

–Bồ-tát Chuyển Nữ này, trải qua vô số kiếp nữa, sẽ thành đạo Chánh chân Vô thượng, thành bậc Tối chánh giác, hiệu là Quang Minh Trùng Vương, sẽ thành Phật đạo. Năm trăm cô gái này sẽ chuyển thành người nam, thường cùng nhau trong đại chúng năm trăm Bồ-tát, đạt được các pháp Tổng trì, biện tài vô ngại, dùng nhiều chuỗi anh lạc biến hóa để trang nghiêm nơi thân, sẽ biến hóa ra thân trang sức đẹp đẽ để giáo hóa chúng sinh giống như Bồ-tát Chuyển Nữ, cũng sẽ theo học Đức Như Lai Quang Minh Trùng Vương. Đức Như Lai Quang Minh Trùng Vương sẽ thọ ký cho họ đạo Chánh chân Vô thượng.

Cõi nước của Phật Quang Minh Trùng Vương thịnh vượng thái bình, mùa màng bội thu, an vui, dân chúng, trời, người đông đảo, nhà cửa, cung điện, thực phẩm ăn uống tự nhiên đầy đủ, người được hóa sinh như ở cõi trời Đâu-suất.

Cõi Phật ấy không có tên gọi về người nữ huống nữa là có hình dáng người nữ. Các Bồ-tát đều hóa sinh, tự nhiên ngồi trên tòa sen bằng bảy báu thanh tịnh, tu hành phạm hạnh và dùng tám pháp để trang nghiêm nơi thân.

Khi ấy, Bồ-tát Chuyển Nữ và năm trăm cô gái nghe Đức Phật thọ ký thì vô cùng hoan hỷ, liền bay lên hư không cách mặt đất bảy nhận, tất cả tự nhiên chuyển thành thân đồng nam chừng mười hai tuổi, từ hư không xuống, đảnh lễ nơi chân Phật. Được Đức Phật lấy tay xoa đầu, tất cả họ đều đạt Tam-muội Phổ minh.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Hãy thọ trì, đọc tụng và vì người khác giảng nói kinh này.

Tôn giả A-nan nói:

–Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Chúng con xin thọ trì, giảng nói kinh này. Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì? Chúng con làm thế nào để phụng trì danh hiệu ấy?

Đức Phật bảo:

–Này Tôn giả A-nan! Kinh này tên là Thuận Quyền Phương Tiện Phẩm Chuyển Nữ Bồ-tát Sở Vấn Thọ Quyết, hãy nên theo đấy mà phụng trì.

Tôn giả A-nan nói:

–Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Đức Phật giảng nói kinh này xong, Tôn giả Anan, Bồ-tát Chuyển Nữ và đại chúng năm trăm người, tất cả các vị Trời, Người, Càn-thát-bà, Atu-la… nghe Phật giảng nói, ai cũng đều vô cùng hoan hỷ, đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Kinh tập][426][427][428][429][430][431][432][433][434][435][436][437][438][439][440][441][442][443][444][445][446][447][448][449][450][451][452][453][454][455][456][457][458][459][460][461][462][463][464][465][466][467][468][469][470][471][472][473][474][475][476][477][478][479][480][481][482][483][484][485][486][487][488][489][490][491][492A][492B][493][494][495][496][497][498][499][500][501][502][503][504][505][506][507][508][509][510][511][512][513][514][515][516][517][518][519][520][521][522][523][524][525][526][527][528][529][530][531][532][533][534][535][536][537][538][539][540][541][542][543][544][545][546][547][548][549][550][551][552][553][554][555][556][557][558][559][560][561][562][563][564][565][566][567][568][569][570][571][572][573][574][575][603][604][605][606][607][608][609][610][611][612][613][614][615][616][617][618][619][620][621][622][623][624][625][626][627][628][629][630][631][632][633][634][635][636][637][638][639][639][640][641][642][643][644][645][646][647][648][649][650][651][652][653][654][655][656][657][658][659][660][661][662][663][664][665][666][667][668][669][670][671][672][673][674][675][676][677][678][679][680][681][682][683][684][685][686][687][688][718][719][720][721][721][722][723][724][725][726][727][728][729][730][731][732][733][734][735][736][737][738][739][740][741][742][743][744][745][746][747A][747B][748][749][750][751][752][753][754][755][756][757][758][759][760][761][762][763][764][765][766][767][768][769][770][771][772][773][774][775][776][777][778][779][780][781][782][783][784][785][786][787][788][789][790][791][792][793][794A][794B][795][796][797A][797B][798][799][800][801][802][803][804][805][806][807][808][809][810][811][812][813][814][815][816][817][818][819][820][821][822][823][824][825][826][827][828][829][830][831][832][833][834][835][836][837][838][839][840][841][842][843][844][845][846][847]


[Mục lục tổng quát]