TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ KINH TẬP (425-847)

SỐ 770-PHẬT THUYẾT TỨ BẤT KHẢ ĐẮC KINH

(BỐN ĐIỀU KHÔNG THỂ ĐƯỢC)

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi.


Nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại khu vườn rừng Kỳ-đà Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị và các Bồ-tát hội đủ.

Vào buổi sáng, Phật đắp y, mang bình bát vào thành khất thực, bốn chúng đệ tử theo sau, chư Thiên, Long, Thần ứng hầu trên hư không, cúng dường hoa hương, kỹ nhạc. Phật dùng đạo nhãn, xem thấy bốn người anh em ruột rời bỏ gia đình, sự nghiệp, vào ở nơi chốn núi rừng vắng vẻ, thanh nhàn, đắc năm thần thông, được gọi là Tiên nhân. Nghiệp đời trước đến, tự biết sắp chết, tất cả muốn trốn tránh cái chết, mỗi người tự nghĩ: “Chúng ta có thần túc bay lên hư không, đến đâu cũng được. Nay nếu để vô thường bắt được sẽ bị mất mạng, nên tìm cách thoát khỏi nạn này, không còn cách nào hơn”. Ngay khi ấy, một người dùng phép thần túc bay lên hư không, tự tàng hình, cho rằng: “Vô thường đến, nào biết ta ở đâu”. Một người đi vào giữa chợ đông người để lánh nạn, cho rằng: “Vô thường đến, chỉ bắt được một người, làm sao bắt được ta”. Một người lặn xuống biển sâu ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, dưới không tới đáy, trên không lộ ra mặt nước, cho rằng: “Ở đây vô thường đến thì biết chỗ nào mà tìm”. Một người thì lén tới ngọn núi lớn, chỗ không có người ở, chẻ núi ra làm hai, chui vào chính giữa rồi nhập núi lại, cho rằng: “Vô thường đến, đâu biết được chỗ của ta”.

Bấy giờ, bốn người ai nấy tự lo lánh mạng nhưng hoàn toàn không thể thoát khỏi. Người tàng hình nơi không trung bị rớt xuống đất giống như trái cây chín rơi rụng. Người ở trong núi bị núi nghiền tan mạng. Người trốn nơi biển sâu bị chết ngay, cá rùa ăn thịt. Người vào giữa chợ, tại chỗ đông người nhưng cũng tự chết.

Khi ấy, thấy việc như vậy, Đức Thế Tôn bảo:

–Bốn người này ngu tối không hiểu, nên muốn bỏ nghiệp cũ mà không trừ ba độc, không thấu suốt ba đạt là Trí tuệ ba-la-mật, vì từ xưa đến nay cho mãi về sau, chưa ai có thể thoát khỏi nạn này.

Phật liền đọc kệ:

Tuy muốn núp trên không
Hoặc ở trong biển lớn
Hay vào giữa lòng núi
Để tự che giấu mình.
Mong cầu khỏi bị chết
Nhưng chưa ai đạt được
Thế nên phải siêng tu
Vô ngã mới an ổn.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Ở đời có bốn việc không thể đạt đến. Bốn việc đó là:

1. Tuổi trẻ sắc diện hồng hào, tóc đen, răng trắng, dung mạo tươi tắn, khí lực mạnh mẽ, đi đứng nhanh lẹ, ra vào tự tại, lên xe, cỡi ngựa, mọi người chiêm ngưỡng, không ai là không yêu thích. Nhưng rồi một ngày bỗng già, răng rụng, mặt nhăn, da dùn, thân phải chống gậy, hơi thở phì phò. Muốn trẻ mãi không già, nhưng hoàn toàn không thể được.

2. Thân thể tráng kiện, xương cốt chắc chắn, bước đi nhanh nhẹn, ăn uống tự do, trang sức đẹp đẽ cho là không ai sánh bằng. Dương cung, uốn tên, nắm cầm đao, gậy, gặp việc nguy hại, không chịu xét rõ, nói năng mắng nhiếc gọi là giàu mạnh, tự cho thân mình không có suy hao. Khi tật bệnh ập đến, nằm liệt trên giường, không cử động nổi, thân thể đau đớn như bị đánh đòn. Tai, mắt, mũi, họng không thể nghe, thấy, nếm, ngửi tiếng hay, sắc đẹp, vị ngon, hương thơm và sự xúc chạm mịn màng, trơn láng. Ngồi đứng phải chờ người dìu đỡ.

Chất nhơ bẩn trong thân tuôn ra lại nằm ngay trên đó. Các bệnh khổ thật khó ví dụ. Giả sử muốn tránh khỏi luôn an vui không bệnh là hoàn toàn không thể được.

3. Muốn cầu được trường thọ ở mãi nơi đời, nhưng mắc bệnh chết, mạng sống vốn rất ngắn, mong được vạn năm nhưng ai đạt tới? Mạng sống ít, lo buồn nhiều, không xét nghĩ đến vô thường, buông lung theo năm dục, phóng dật, tâm ý sát sinh, trộm cắp, dâm loạn, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói dối, nói lời thêu dệt, tham lam, ganh ghét, tà kiến, bất hiếu với cha mẹ, không kính thuận thầy bạn, khinh dễ bậc tôn trưởng, phản nghịch, vô đạo, mong mỏi giàu sang, cho rằng vĩnh viễn tồn tại, hủy báng Thánh đạo cho là tà đạo, xem coi thiên văn, tính ngày giờ để mong cầu sự phồn vinh ở đời, không chịu nghe theo lời hướng dẫn, không biết sinh từ đâu đến và chết đi về đâu. Tâm để nơi chỗ viển vong, cho đó là theo ý mình. Vô thường đến như gió thổi mây, muốn nghĩ về trường sinh, mạng bỗng nhiên chấm dứt, không được tự tại. Muốn không như vậy, cũng chẳng thể được.

4. Cha mẹ, anh em, nhà cửa, thân tộc, bạn bè trí thức, thương yêu vui vẻ, quan quyền chức tước, bổng lộc cùng vợ con, cháu chắt, tiền của giàu sang, cỡi xe dạo khắp, ăn uống khoái ý, tự do, kiêu căng, kẻ hầu người hạ rong chơi, ỷ thị chỉ theo bề ngoài, khinh miệt mọi người, cho mình là hơn hết, mắng chửi nô tỳ, tôi tớ, kẻ làm thuê mướn là loài cầm thú, súc sinh. Ra vào buông thả không có chừng độ, không xem xét trước sau, cho rằng những quyến thuộc những kẻ hầu cận đều phải theo ý mình. Nghiệp báo đời trước bỗng đến, như nước nóng làm tan băng tuyết, tâm mới lo sợ cầu xin cứu nạn, đâu được như nguyện. Hơi thở chấm dứt mạng sống, thần hồn đi một mình, cha mẹ, anh em, vợ con, họ hàng, bạn bè quen biết, thân yêu đều ở lại. Quan quyền, chức tước, tài vật, tôi tớ đều tan rã như sao xẹt. Muốn cầu khỏi bất tử là không thể được.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Xưa, từ khi có trời đất thì không ai thoát khỏi bốn khổ nạn này. Do bốn khổ ấy nên Đức Phật mới xuất hiện ở đời. Nếu như không có bốn nạn này thì Đức Phật không thị hiện thân tướng để giáo hóa quần sinh. Giống như bốn phía có núi đá to lớn và cao, trên núi mọc cỏ cây và các hoa, trái, cây thuốc, tất cả đều tươi tốt, bỗng nhiên lửa bùng lên cháy khắp bốn núi, nhanh nhẹn từng ngày. Có người cầu vua, làm sao tránh được hoạn này? Vua đáp: “Không thể được, chỉ Đức Thế Tôn có đủ thần thông mới có thể cứu được.” Phật nói:

–Người có tâm ý thức nhưng không hiểu được giáo pháp, không có trí tuệ, tâm gắn vào ngã, bị năm ấm trói buộc, sáu trần mê hoặc, muốn không bị già, bệnh. Nhổ sạch ác ấy hoạn mới xa lìa. Chỉ chấp nẻo thường còn là hoàn toàn không thể có. Thành tựu Pháp thân mới trừ bỏ được năm ấm. Không còn trong ngoài, tới lui tự tại mới có thể thoát khỏi bốn nạn này. Như mùa xuân trồng lúa, đến mùa thu không chín là điều không có. Sinh, già, bệnh, chết vốn trái chống nhau. Muốn cho không chết, không thể như ý. Giống như cây sinh hoa trái, muốn cho không rụng là không thể có. Giống như người uống rượu, muốn không hề bị say, ai có thể đạt? Làm gãy gốc rễ, muốn cho cây không chết là không thể có. Như người uống thuốc độc, lại muốn không chết, ai có thể làm được? Trồng gốc rễ lìa nhau, muốn cho không cách biệt, hoàn toàn là không thể. Như người vào nhà xí, muốn không nghe mùi hôi, sao có thể được? Muốn khỏi nạn sinh, già, bệnh, chết này, chưa ai có thể như nguyện. Người không biết bốn khổ ấy, phóng tâm buông ý, chìm đắm trong năm đường, giống như bánh xe không thể rời đất. Buồn rầu, than thở, lần lượt luyến tiếc, không có thể xong. Giống như kẻ cuồng khỏa thân đi dạo, nói dối bừa bãi cho là chân thật. Đau đớn thay! Ai có thể hiểu được nghĩa này? Chỉ có người hiểu đạo mới có thể biết rõ.

Tỳ-kheo bạch Phật:

–Nhân duyên nào có thể cứu giúp khỏi nạn khổ ấy?

Đức Thế Tôn bảo:

–Phải cầu giải thoát?

–Thế nào là giải thoát?

Phật nói:

–Giữ gìn thân, khẩu, ý, đầu giữa cuối đều thiện. Không tu hạnh Thanh văn, thân không phạm ba tội, khẩu không phạm bốn lỗi, ý không nghĩ ba ái, đầu giữa cuối đều thiện. Lại thân, khẩu, ý hòa hợp đều quay về Tam bảo, trừ sạch ba độc, nhập vào pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, hướng đến ba môn giải thoát, đó là đức toàn thiện của đầu, giữa, cuối. Ba cõi đều khổ. Sinh, già, bệnh, chết, thấy thân như oan gia, hành bốn Đẳng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Ai không thực hành theo đạo Từ bi mà chỉ muốn thân mình giải thoát đến Niết-bàn, không nghĩ đến tất cả chúng sinh, đắc A-la-hán, không cứu độ khắp mười phương thì chỉ thoát khỏi bốn nạn nhưng có giới hạn.

Phật nói:

–Phát tâm Bồ-tát, làm cho tất cả chúng sinh thường tu tập theo sáu Độ, cùng đến bờ kia, đầu giữa cuối đều thiện. Đó là phát tâm Bồ-tát. Đầu cũng thiện là thấy tất cả mọi người như cha mẹ, như bản thân mình, giống nhau không khác. Giữa cũng thiện là không sợ hãi, siêng năng chịu khổ, ở trong sinh tử vô số kiếp không lấy đó làm mệt nhọc. Cuối cùng cũng thiện là nhận thức bằng trí tuệ không có ngã.

Lại đầu cũng thiện: Vốn phát tâm rộng lớn, nguyện cứu giúp tất cả, không nghĩ đến mình.

Giữa cũng thiện: Hành bốn Đẳng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả.

Cuối cùng cũng thiện: Lòng từ rộng lớn vô lượng, muốn dẫn dắt quần sinh dứt các khổ não.

Đầu cũng thiện: Thấy thân bốn đại hòa hợp vốn không, duyên nơi không duyên dựa.

Giữa cũng thiện: Không ngã, không nhân, không thọ, không mạng. Có đủ bốn việc này thì thọ nhân, không duyên, không vin từ đâu được nhân. Giống như làm nhà có gỗ, có đất, có nước, có cỏ, bốn thứ riêng biệt ở mỗi chỗ khác nhau, người hòa hợp lại làm nhà, nhân đó được gọi là nhà.

Xét bốn việc của thân cũng như vậy, mỗi cái ở một vị trí, tâm đắm chấp có ra ngã, nhân, thọ, mạng. Bốn đại hợp lại thành, nhân đó gọi là người. Cuối cũng thiện: biết rõ không có thân, nên không bị trói buộc trong ba cõi. Tất cả đều không.

Đầu cũng thiện: Hướng dẫn Bố trí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm, Trí tuệ.

Giữa cũng thiện: Hiểu biết về pháp của sáu thông, hội nhập nơi pháp nhẫn nhu thuận.

Cuối cũng thiện: Biết thân tự nhiên, các pháp tự nhiên, người vật tự nhiên. Tất cả đều như huyễn hóa. Xét tất cả vốn không.

Đầu cũng thiện: Nghĩa là phát tâm cầu đạo quả Vô thượng chánh chân.

Giữa cũng thiện: Hiểu rõ âm hưởng nơi trí tuệ đắc pháp Nhẫn vô sinh.

Cuối cũng thiện: Đạt đến bậc Nhất sinh bổ xứ với thái độ mạnh mẽ, đi đến khắp chúng sinh, xem xét tất cả, cứu độ hết thảy như mặt trời chiếu khắp, không sót chỗ nào.

Đó là Bồ-tát đầu cũng thiện, giữa cũng thiện, cuối cũng thiện.

Phật nói:

–Hành đạo Bồ-tát phần nhiều được độ thoát, cũng như trong các ngôi sao, mặt trăng riêng sáng rực rỡ. Sáng rực rỡ như mặt trời mới mọc, cùng một lúc chiếu tỏa khắp tất cả. Giống như ngọn đuốc lớn chiếu sáng chỗ nó chiếu. Như lương y chữa trị các bệnh, như chèo thuyền đưa mọi người qua sông. Giống như vị quốc chúa làm an ổn ba cõi. Như Sư tử hàng phục ngoại đạo, tâm đạo trùm khắp như hư không. Tâm như đất, bình đẳng đối với tất cả. Như nước rửa sạch mọi cấu uế. Như lửa thiêu rụi các tội lỗi. Như gió thổi không trở ngại. Bồ-tát với đầu, giữa, cuối đều thiện như vậy thì đạt đến cứu cánh.

Phật thuyết giảng như vậy, các Bồ-tát và chúng Tỳ-kheo, chư Thiên, Long, Thần, A-tu-la nghe kinh không ai là không hoan hỷ.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Kinh tập][426][427][428][429][430][431][432][433][434][435][436][437][438][439][440][441][442][443][444][445][446][447][448][449][450][451][452][453][454][455][456][457][458][459][460][461][462][463][464][465][466][467][468][469][470][471][472][473][474][475][476][477][478][479][480][481][482][483][484][485][486][487][488][489][490][491][492A][492B][493][494][495][496][497][498][499][500][501][502][503][504][505][506][507][508][509][510][511][512][513][514][515][516][517][518][519][520][521][522][523][524][525][526][527][528][529][530][531][532][533][534][535][536][537][538][539][540][541][542][543][544][545][546][547][548][549][550][551][552][553][554][555][556][557][558][559][560][561][562][563][564][565][566][567][568][569][570][571][572][573][574][575][603][604][605][606][607][608][609][610][611][612][613][614][615][616][617][618][619][620][621][622][623][624][625][626][627][628][629][630][631][632][633][634][635][636][637][638][639][639][640][641][642][643][644][645][646][647][648][649][650][651][652][653][654][655][656][657][658][659][660][661][662][663][664][665][666][667][668][669][670][671][672][673][674][675][676][677][678][679][680][681][682][683][684][685][686][687][688][718][719][720][721][721][722][723][724][725][726][727][728][729][730][731][732][733][734][735][736][737][738][739][740][741][742][743][744][745][746][747A][747B][748][749][750][751][752][753][754][755][756][757][758][759][760][761][762][763][764][765][766][767][768][769][770][771][772][773][774][775][776][777][778][779][780][781][782][783][784][785][786][787][788][789][790][791][792][793][794A][794B][795][796][797A][797B][798][799][800][801][802][803][804][805][806][807][808][809][810][811][812][813][814][815][816][817][818][819][820][821][822][823][824][825][826][827][828][829][830][831][832][833][834][835][836][837][838][839][840][841][842][843][844][845][846][847]


[Mục lục tổng quát]