TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ KINH TẬP (425-847)

SỐ 763-PHẬT THUYẾT PHÁP THỪA NGHĨA QUYẾT ĐỊNH KINH

Hán dịch: Pháp sư Kim Tổng Trì.

MỤC LỤC

QUYỂN THƯỢNG

QUYỂN TRUNG

QUYỂN HẠ


QUYỂN THƯỢNG

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo ở tại tinh xá Kỳ viên thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo tên Thậm Thâm Dũng Mãnh, là người có giọng nói rất hay, khéo hỏi về pháp giải thoát, trước, giữa, sau đều thiện, lợi ích mình và người, tu phạm hạnh viên mãn thanh tịnh, chắp tay lễ Phật, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Lúc Phật ở trong vườn Nai giảng thuyết nghĩa quyết định của pháp thừa ra sao? Cúi mong Thế Tôn giảng dạy cho chúng sinh được tỏ ngộ hội nhập.

Đức Phật khen:

–Hay thay! Tỳ-kheo! Ông đã hỏi được pháp sâu xa như vậy, đó là lợi ích lớn nhất, không thể nghĩ bàn. Ông hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Như Lai sẽ giảng rõ.

Lúc đó, Như Lai nói pháp Tứ đế, nghĩa lý sâu xa không cùng tận. Như Lai giảng năm uẩn, năm thủ uẩn, mười hai xứ, hai mươi tám giới, mười hai duyên sinh, bốn Thánh đế, hai mươi hai căn, năm Thiền, bốn Thiền, bốn Định vô sắc, bốn Tam-mađịa, bốn Niệm xứ, bốn Chánh đoạn, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám Thánh đạo, mười sáu cách Niệm tâm, bốn quả Thanh văn, mười Lực của Như Lai, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại biện, mười tám pháp Bất cộng, ba mươi hai tướng đại Trượng phu, tám mươi vẻ đẹp.

Phật bảo:

–Tỳ-kheo! Đó là nghĩa lý quyết định của pháp thừa.

Tỳ-kheo thưa:

–Bạch Thế Tôn! Năm uẩn là gì?

Phật bảo:

–Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức uẩn.

Tỳ-kheo thưa:

–Năm thủ uẩn là gì?

Phật bảo:

–Năm thủ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn.

Tỳ-kheo thưa:

–Mười hai xứ là gì?

Phật bảo:

–Mười hai xứ: Nội xứ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Ngoại xứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Tỳ-kheo thưa:

–Mười tám giới là gì?

Phật bảo:

–Mười tám giới: Mắt, sắc, nhãn thức giới; tai, tiếng, nhĩ thức giới; mũi, hương, tỷ thức giới; lưỡi, vị, thiệt thức giới; thân, xúc, thân thức giới; ý, pháp, ý thức giới.

Tỳ-kheo thưa:

–Mười hai duyên sinh là gì?

Phật bảo:

–Mười hai duyên sinh là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử ưu bi khổ não. Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử ưu bi khổ não diệt.

Tỳ-kheo thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là vô minh?

Phật bảo:

–Vô minh là ngu si tăm tối, không có trí tuệ sáng suốt, không biết trước, giữa, sau, trong, ngoài, không có trí về nghiệp, quả, nghiệp quả, không có trí về nghiệp thiện, ác, nhân, quả, pháp nhân quả, không có trí về duyên, duyên sinh, pháp duyên sinh, không có trí về Phật, Pháp, Tăng, không có trí về Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí về hổ thẹn, không hổ thẹn, không có trí về thẹn, không thẹn, pháp thẹn không thẹn, cho đến pháp thẹn không thẹn của ái, không có trí về thế gian, xuất thế gian, pháp thế xuất thế, không có trí về y chỉ, phi y chỉ, pháp y chỉ phi y chỉ, không có trí về hữu vi, vô vi, pháp hữu vi vô vi, không có tri về quá khứ, hiện tại, vị lai và pháp quá khứ hiện tại vị lai.

Tỳ-kheo thưa:

–Vô minh duyên hành là gì?

Phật bảo:

–Đó là thân, khẩu, ý hành.

Thế nào là thân hành?

–Thân là chỗ nương dựa, giữ gìn các pháp, tạo tác, chuyển động.

Thế nào là ngữ hành:

–Đó là nói năng, hiển bày, phân biệt, so sánh về thật tánh các pháp.

Thế nào là ý hành?

–Đó là những sự yêu thích, suy xét, giữ gìn, nương tựa của tâm.

Hành duyên thức là gì?

Phật dạy:

–Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thức.

Thức duyên danh sắc là gì?

Phật bảo:

–Danh là bốn uẩn: Thọ, tưởng, hành, thức, không phải là sắc. Sắc là hình chất, thể của nó là bốn đại.

Bốn đại là gì?

Phật nói:

–Đó là đất, nước, gió, lửa.

Thể tướng sai biệt của bốn đại là gì?

–Tánh của đất là cứng, tánh của nước là ướt, tánh của lửa là nóng, tánh của gió là động.

Danh sắc duyên lục nhập là gì?

Phật nói:

–Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nhập xứ.

Lục nhập duyên xúc là gì?

Phật nói:

–Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc.

Xúc duyên thọ là gì?

Phật nói:

–Đó là mắt tiếp xúc sinh ra thọ khổ, vui, không khổ vui. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng thế.

Thọ duyên ái là gì?

Phật nói:

–Đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ái.

Thế nào là sắc ái? Tâm tham đắm không chán tất cả các sắc đáng ưa thích; thanh, hương, vị, xúc, pháp ái cũng thế.

Ái duyên thủ là gì?

Phật nói:

–Đó là Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ.

Thủ duyên hữu là gì?

Phật nói:

–Đó là Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu.

Dục hữu là gì? Đó là năm đường thuộc cõi Dục và các cõi trời Tứ Thiên vương, Đao-lợi, Dạma, Đâu-suất, Hóa lạc, Tha hóa tự tại.

Sắc hữu là gì? Đó là các cõi trời Phạm chúng, Phạm phụ, Đại phạm, Thiểu quang, Vô lượng quang, Cực quang, Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh, Cực biến tịnh, Vô vân, Phước sinh, Quảng quả, Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện hiện, Thiện kiến, Sắc cứu cánh.

Vô sắc hữu là gì? Đó là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Hữu duyên sinh là gì?

Phật nói:

–Chúng sinh do ái thủ làm duyên mà có năm uẩn, sống ở đời tạo tác, tùy thuận trôi nổi. Tất cả các sự sai biệt và thủ đều từ uẩn, mạng là từ gốc thọ thân.

Thế nào là sinh duyên lão đưa đến chết?

Phật nói:

–Đó là bốn đại thay đổi, các căn hư hoại, thân thể yếu kém, cử động mỏi mệt, sự học hiểu ngày một chậm lại. Khi thân thức chúng sinh sắp lìa, các căn sắp hoại thì tâm tánh mê mờ, không hiểu biết về cảnh giới.

Vị Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bốn pháp Thánh đế là gì?

Phật nói:

–Đó là pháp Khổ thánh đế, Tập thánh đế, Chân thánh đế, Đạo thánh đế.

Khổ thánh đế là gì? Đó là sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, hoại khổ, thương yêu xa lìa khổ, oán thù gặp gỡ khổ, cầu mong không toại khổ, năm ấm chống trái khổ.

Khổ Tập thánh đế là gì?

Phật nói:

–Chúng sinh ái đắm nơi thế gian hữu và những gì tạo ra hữu, tùy thuận tham dục.

Khổ chân Thánh đế là gì?

Phật nói:

–Dùng dao trí tuệ chặt đứt không còn chút tham ái thế gian hữu và những gì tạo ra hữu, tham dục, thâm nhập thắng nghĩa chân thật, chứng lý tịch diệt.

Khổ đạo Thánh đế là gì?

Phật nói:

–Đó là tám con đường Thánh: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Hai mươi căn là gì?

Phật nói:

–Đó là năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; năm căn tín tấn, niệm, định, tuệ; năm thọ căn: khổ, vui, mừng, lo, xả; ba căn vô lậu: vị tri, đương tri, dĩ tri, cụ tri và ý, mạng, nam, nữ.

Năm Tam-ma-địa là gì?

–Vì tham đắm sâu xa thân năm vóc này, cho là đáng yêu thích, không hủy tổn nên chạy theo dục nhiễm, chấp trước mọi thứ, không hiểu nó là hư giả, vọng chấp cho là thật. Vì thế phải quán sát đúng như thật về thân năm vóc đó đều do bốn đại hòa hợp sinh ra, chuyên tâm suy xét, an trụ, ngộ nhập nơi diệu định, đó là Trí thân định. Ví như nước từ trên núi chảy xuống khắp nơi, do phân tán nên không còn nước, mặt đất lại khô cạn. Lúc ấy có vị trời từ hư không nói vọng: Nếu người cần nước thì ta có dòng nước lớn tự nhiên vọt ra, trong sạch, mát mẻ, rất thích ý, nước ấy tươi nhuận, không bao giờ hết. Lợi ích sinh từ Trí thân định cũng vô cùng như vậy.

Tỳ-kheo! Hãy quán sát suy xét kỹ thân này là không thật, đừng tham ái, ví như bốn loại hoa sen xanh vàng đỏ trắng xinh đẹp khả ái: Ưu-đàm-bátla, Bát-đầu-ma, Câu-vật-đà, Bôn-trà-lợi-ca đều mọc từ nước, nhưng cũng từ nước mà hư hoại. Cũng thế, thân này thì biến đổi hư giả, không thật.

Tỳ-kheo! Hay làm thanh tịnh các nghiệp thân, ngữ, ý, hiểu rõ như thật, an trụ trong pháp định. Với tâm thanh tịnh, quán sát tất cả thân đều không bền chắc. Ví như trưởng giả và con trưởng giả trang sức đủ loại châu báu, y phục, tuy xinh đẹp nhưng thể chất không bền chắc. Người trang nghiêm bằng thân, ngữ, ý thanh tịnh mới là bền chắc.

Tỳ-kheo! Hãy quán sát, suy xét kỹ, thân năm vóc này là pháp hữu vi, vô thường, hãy luôn suy xét trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, thanh tịnh, định trí, giữ gìn vững chắc.

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bốn thiền định địa là gì?

Phật nói:

–Đó là:

1. Ly sinh hỷ lạc: Bỏ tất cả phiền não, dục nhiễm.

2. Định sinh hỷ lạc: Bỏ tầm từ, điều phục chướng, nhiễm.

3. Ly hỷ diệu lạc: An trụ trong phương tiện, làm việc lợi ích.

4. Xả niệm thanh tịnh: Bỏ hết khổ vui, hàng phục tâm thiện ác, bỏ niệm khổ vui, tu tập phương tiện, viên mãn thanh tịnh.

Bốn Định vô sắc là gì?

Phật nói:

–Đó là:

1. Không vô biên xứ định: Xa lìa hết sắc tưởng, giữ tâm bình đẳng, an trụ như thật.

2. Thức vô biên xứ định: Các thức bên trong không biên vực, an trụ như thật.

3. Vô sở hữu xứ định: Không sở hữu một pháp nào.

4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ định: Không còn tưởng thô, tế.

Bấy giờ, Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bốn Tâm vô lượng là gì?

Phật nói:

–Đó là Từ vô lượng tâm, Bi vô lượng tâm, Hỷ vô lượng tâm, Xả vô lượng tâm.

Từ vô lượng tâm là gì? Nghĩa là: Lúc nào, bất cứ nơi đâu đều luôn tùy thuận tâm Từ, tạo lợi ích cho chúng sinh, không não hại, không oán kết, chỉ dạy chúng sinh bằng tâm bình đẳng rộng lớn, thương yêu cứu giúp chúng sinh như con đẻ, không phân biệt oán thân, làm cho chúng sinh đoạn trừ phiền não trói buộc, được giải thoát. Tùy thuận tâm Bi, Hỷ, Xả cũng vậy. Lại biết rõ về bốn thứ khổ vui: Chúng khổ, hữu khổ, chúng lạc, hữu lạc.

Thế nào là biết rõ chúng khổ?

–Đó là quan sát, hiểu rõ chúng sinh đắm vướng nơi tham, sân, si, vì không sợ nhân tham, sân, si, nên có ưu bi khổ não, siêng năng tu tập năm căn lành xuất thế: Tín, tấn, niệm, định, tuệ, tuần tự được pháp Tam-ma-địa, đó gọi là Tỳ-kheo lậu được dứt sạch.

Thế nào là hiểu rõ hữu khổ?

–Đó là quán sát hiểu rõ chúng sinh ít tham, sân, si. Tuy ít có tham, sân, si, nhưng vì không sợ tội của tham, sân, si, nên có ưu bi khổ não, siêng năng tu tập năm căn lành xuất thế, tuần tự được pháp Tam-ma-địa, đó gọi là Tỳ-kheo lậu được dứt sạch. Thế nào là hiểu rõ chúng lạc?

–Chúng sinh hiểu rõ ba bất thiện căn tham, sân, si là nguồn gốc của khổ nên dứt trừ hẳn, siêng năng tu tập năm căn lành xuất thế, tuần tự được pháp Tam-ma-địa, đó gọi là Tỳ-kheo lậu được dứt sạch. Hiểu rõ về hữu lạc cũng thế, siêng năng tu tập, tuần tự được pháp Tam-ma-địa, như trên đã nói.

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bốn Tam-ma-địa là gì?

Phật nói:

–Đó là:

1. Tin hiểu, thọ trì, tu hành đúng pháp, đoạn trừ tham dục.

Tin hiểu, thọ trì, tu hành đúng pháp, thông đạt các pháp môn vi diệu.

2. Tin hiểu, thọ trì, tu hành đúng pháp đạt trí hiểu biết xâu xa.

3. Tin hiểu, thọ trì, tu hành đúng pháp diệu tuệ thanh tịnh.

Thế nào là đoạn tham dục?

Phật nói:

–Tỳ-kheo! Lúc ở chỗ đông người, trong rừng bên gốc cây, chỗ vắng lặng hãy an trụ thiền định thường ngồi không nằm, phải quan sát thân này do ba mươi sáu thứ hợp thành, thể của nó là không thanh tịnh, hư giả, không thật, đừng tham ái đắm vướng. Nhờ suy xét như vậy nên nhàm chán. Này Tỳ-kheo! Đó gọi là có thể đoạn trừ tham dục.

Ba mươi sáu thứ là gì?

Phật nói:

–Đó là: Mười hai tướng bên ngoài: Tóc, lông, răng, móng, nước mắt, ráy tai, nước mũi, mồ hôi, đất, ước giải, đại tiện, tiểu tiện. Mười hai tướng ở giữa: Da, máu, thịt, gân, mạch, xương, tủy, mỡ, mỡ miếng, não, da ngoài, màng. Mười hai tướng bên trong: Lá lách, thận, tim, phổi, gan, mật, dạ dày, đàm đỏ, đàm trắng, tạng, sinh tạng, thục tạng.

Lại nữa, những thứ lúa gạo trồng trọt trong đất cũng không thanh tịnh, không phải tự nhiên có, vì thế các ông hãy nhất tâm an trụ, dù ở đâu luôn suy xét như thật về thân này là bất tịnh, hư giả, phù phiếm. Tất cả tai, mắt… luôn tiết ra những thứ nhơ uế, không bền chắc, rất đáng nhờm gớm. Nhờ vậy, an trụ trong thiền định, tin hiểu thọ trì, tu hành đúng pháp, đoạn trừ hết tham dục.

Thế nào là thông đạt các pháp môn vi diệu?

Phật nói:

–Tỳ-kheo! Các ông hãy luôn thiền định, dù ở chỗ trống, bên gốc cây, hoặc ở chỗ vắng vẻ thường ngồi không nằm tu tập thiền định, hãy bảo hộ thương yêu chúng sinh, làm người chỉ đường cho chúng sinh thấu rõ các pháp hữu vi là hư giả, không thật. Ví như hoa Ưu-đàm-bát-la, sắc tuy đẹp nhưng khi nở rồi thì không tồn tại được. Cũng thế, thân này không bền chắc. Vì vậy các ông ở chỗ trống hoặc bên gốc cây nơi yên tĩnh hãy an trụ trong thiền định, luôn quán sát thân này là pháp hữu vi không thật, như mộng huyễn, hãy tìm phương tiện chỉ dạy chúng sinh, làm cho họ tin hiểu và thích tu thiền định.

Này Tỳ-kheo! Đó gọi là nơi Tam-ma-địa tin hiểu, thọ trì như pháp tu hành thông đạt các pháp môn vi diệu.

Thế nào là đạt trí hiểu biết sâu xa?

Phật day:

–Tỳ-kheo! An trụ trong thiền định, hiểu được pháp môn sâu xa rồi, luôn yêu thích, giữ gìn, ngày đêm buộc niệm, siêng năng không lười biếng, dùng ánh sáng trí soi rọi tất cả nơi vô minh tăm tối, ví như mặt trời trong hư không bị mây che, khi mây tan thì được thấy ánh sáng mặt trời chiếu rọi khắp nơi không chướng ngại. Cũng thế, ánh sáng Nhất thiết trí của thiền định sẽ trừ hết phiền não vô minh tăm tối. Vì thế các ông hãy suy xét kỹ, an trụ như thật, ngày đêm không biếng nhác, hãy giữ gìn vững chắc Nhất thiết trí.

Này Tỳ-kheo! Đó gọi là nơi Tam-ma-địa tin hiểu, thọ trì, như pháp tu hành đạt trí hiểu biết sâu xa.

Thế nào là đạt diệu tuệ thanh tịnh?

Phật nói:

–Tỳ-kheo! Các ông hãy chánh niệm, an trụ, dù ở chỗ trống, chỗ vắng, bên gốc cây, thường ngồi không nằm, trừ bỏ hết những cảm thọ khổ, vui, mừng, lo, xả, luôn tu thắng định viên mãn thanh tịnh. Đó là an trụ trong bốn Tam-ma-địa, hiểu rõ bốn thứ, tin hiểu, thọ trì, thông đạt, làm bậc Đạo sư. Người thọ trì thông đạt là người an trụ hoàn toàn trong bình đẳng, quán xét, so lường về trí Nhất thiết trí như vậy, như vậy.

Tỳ-kheo! Khi ở chỗ trống, bề gốc cây hay chỗ vắng các thầy đã bỏ được khổ, vui, mừng, lo, xả đạt giải thoát thắng định, viên mãn thanh tịnh, an trụ như thật trong bốn Tam-ma-địa. Này Tỳ-kheo! Đó gọi là nơi Tam-ma-địa tin hiểu, thọ trì, như pháp tu hành đạt diệu tuệ thanh tịnh. Tỳ-kheo! Như thế gọi là bốn Tam-ma-địa.

QUYỂN TRUNG

Bấy giờ, Tỳ-kheo Thậm Thâm Dũng Mãnh bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là trụ trong bốn Niệm xứ?

Phật nói:

–Tỳ-kheo! Đó là quán nội thân, ngoại thân, nội ngoại thân đều là sắc nhơ uế, chánh niệm biết rõ ưu bi khổ não của thế gian. Quán thọ bên trong, bên ngoài, cả trong ngoài đều là các khổ, chánh niệm biết rõ ưu bi khổ não của thế gian. Quán tâm bên trong, bên ngoài, cả trong ngoài đều là hư giả, vô thường, chánh niệm biết rõ ưu bi khổ não của thế gian. Quán pháp bên trong, bên ngoài, cả trong ngoài đều là vô ngã, chánh niệm biết rõ ưu bi khổ não của thế gian. Tỳ-kheo! Đó gọi là trụ bốn Niệm xứ.

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bốn Chánh đoạn là gì?

Phật nói:

–Đó là:

1. Dùng sức tinh tấn đoạn trừ, điều phục, không để sinh khởi pháp ác chưa sinh.

2. Dùng sức tinh tấn đoạn trừ, điều phục tất cả pháp ác đã sinh.

3. Dùng sức tinh tấn chánh niệm thọ trì sinh khởi những pháp lành chưa sinh.

4. Dùng sức tinh tấn, an trụ vững chắc, chánh niệm thọ trì, tăng trưởng những pháp lành đã sinh.

Đó gọi là bốn Chánh đoạn.

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bốn Thần túc là gì?

Phật nói:

–Đó là:

1. Dục định đoạn hành: Đạt được mong muốn dựa trên suy xét, lìa dục, tịch diệt, thọ trì điều phục, đoạn trừ tranh luận.

2. Cần định đoạn hành: Đạt được siêng năng dựa trên suy xét, lìa dục, tịch diệt, thọ trì điều phục, đoạn trừ tranh luận.

3. Tâm định đoạn hành: Đạt tâm dựa trên suy xét, lìa dục, tịch diệt, thọ trì điều phục, đoạn trừ tranh luận.

4. Quán định đoạn hành: Đạt quán dựa trên suy xét lìa dục, tịch diệt, thọ trì điều phục, đoạn trừ tranh luận.

Tỳ-kheo! Đó gọi là bốn Thần túc.

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Năm căn là gì?

Phật nói:

–Đó là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

Tín căn là gì? Nghĩa là tin nhân quả, luân hồi ở thế gian, tín hạnh chánh kiến, nghiệp báo sai khác, người tạo nghiệp thiện ác thì chịu quả tương xứng. Dùng tín căn của mình hiểu biết như thật.

Tấn căn là gì? Nghĩa là tin thích diệu pháp, siêng năng tu hành đúng pháp.

Niệm căn là gì? Nghĩa là dùng sức tinh tấn, tịnh tu hạnh lành, luôn tu tập không thoái chuyển.

Định căn là gì? Nghĩa là chuyển tâm vào một cảnh giới pháp, không tán loạn.

Tuệ căn là gì? Nghĩa là ở trong định quán chiếu tất cả, thông đạt vô ngại.

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Năm Lực là gì?

Phật nói:

–Đó là tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực.

Tín lực là gì? Tín là nguồn gốc mà chúng sinh thọ trì pháp của Như Lai, an trụ hoàn toàn không thoái chuyển, tin hiểu, tùy thuận thọ trì tất cả pháp Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Ma, Phạm thế gian.

Tấn lực là gì? Nghĩa là dũng mãnh, siêng năng, vững chãi an trụ trong pháp lành không mỏi mệt, dù bị khổ đau vẫn chịu đựng được, không bỏ xe pháp, luôn cầu tiến.

Niệm lực là gì? Nghĩa là luôn an trụ chánh niệm, nhớ nghĩ vững chắc, không tán loạn, không quên.

Định lực là gì? Nghĩa là hàng phục được nghiệp quả dục nhiễm và các pháp bất thiện, cho đến an trụ trong bốn Thiền Tam-muội.

Tuệ lực là gì? Nghĩa là trụ trong thế gian có chánh tuệ, tu hành đầy đủ Thánh đạo, bỏ pháp bất thiện, trừ gốc khổ.

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bảy Giác chi là gì?

Phật nói:

–Đó là trạch pháp giác chi, niệm giác chi, định giác chi, tinh tấn giác chi, khinh an giác chi, xả giác chi, hỷ giác chi.

Trạch pháp giác chi là gì? Nghĩa là phân biệt được các pháp bằng suy xét, lìa dục, tịch diệt, thâu phục tranh luận.

Niệm giác chi là gì? Nghĩ là chánh niệm, tu tập các pháp bằng suy xét, lìa dục, tịch diệt, thâu phục, tranh luận.

Tinh tấn giác chi là gì? Nghĩa là siêng năng tu tập hạnh lành bằng suy xét, lìa dục, tịch diệt, thâu phục, tranh luận.

Khinh an giác chi là gì? Nghĩa là đối với các pháp bỏ sự thô nặng, thân tâm nhẹ nhàng dựa trên suy xét, lìa dục, tịch diệt, thâu phục, tranh luận.

Xả giác chi là gì? Nghĩa là đối với các pháp, bỏ phóng dật, tâm tịch tĩnh, bằng suy xét, lìa dục, tịch diệt, thâu phục, tranh luận.

Hỷ giác chi là gì? Nghĩa là vui vẻ thọ trì các pháp bằng suy xét lìa dục, tịch diệt, thâu phục, tranh luận.

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Tám Thánh đạo là gì?

Phật nói:

–Đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Chánh kiến là gì?

–Dùng chánh kiến thông đạt, hiểu rõ những cảnh giới thấy được có thủ, xả, nghiệp thiện ác, quả báo của nghiệp thiện ác, những nghiệp thế, xuất thế của chúng sinh, cho đến các quả báo Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, đời này đời sau, thiện hạnh vi diệu, tịnh tu phạm hạnh, đoạn trừ hẳn hoặc chướng, những gì cần làm, đã làm đạt bờ giải thoát.

Chánh tư duy là gì?

–Dùng trí tuệ phân biệt, lựa chọn để ba nghiệp thân, ngữ, ý không bị lỗi lầm.

Chánh ngữ là gì?

–Đoạn trừ hết những lời nói dối, nói thêu dệt, nói lời ác, nói hai lưỡi.

Chánh nghiệp là gì?

–Chúng sinh đoạn trừ sát sinh, trộm cướp, dục nhiễm.

Chánh mạng là gì?

–Nhận những y phục, ngọa cụ, thức ăn, thuốc uống để nuôi mạng sống không bằng tà mạng.

Chánh tinh tấn là gì?

–Dũng mãnh phá dẹp ma phiền não, luôn siêng tu hạnh lành.

Chánh niệm là gì?

–Nhớ những pháp thiện đã tu trong quá khứ, luôn thọ trì không nhầm lẫn.

Chánh định là gì?

–Tâm an trụ trong Chỉ, Quán, tịch tĩnh không lay động.

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Mười sáu tâm niệm là gì?

Phật nói:

–Đó là:

1. Niệm tâm hòa hợp, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm tâm tương ưng, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

2. Niệm tự tánh của pháp, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm tự tánh của pháp, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

3. Niệm pháp tăng trưởng, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm pháp tăng trưởng, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

4. Niệm thân chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm thân chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

5. Niệm thân hành chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm thân hành chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

6. Niệm tất cả thân chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm tất cả thân chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

7. Niệm tất cả thân hành chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm tất cả thân hành chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

8. Niệm thân hành khinh an, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm thân hành khinh an, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

9. Niệm hỷ chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm hỷ chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

10. Niệm lạc chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm lạc chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

11. Niệm tâm chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm tâm chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

12. Niệm tâm hành chánh tri, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm tâm hành chánh tri, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

13. Niệm tâm hành khinh an, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm tâm hành khinh an, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

14. Niệm tâm hỷ lạc, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm tâm hỷ lạc, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

15. Niệm tâm thắng giải, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm tâm thắng giải, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

16. Niệm tâm đẳng dẫn, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật.

Niệm tâm đẳng dẫn, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

Như thế cho đến quán vô thường, quán ly dục, quán tịch diệt, quán xuất ly, hòa hợp bình đẳng, biết rõ như thật, tương ưng bình đẳng, biết rõ như thật.

Tỳ-kheo! Đó gọi là mười sáu tâm niệm.

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bốn quả Thanh văn là gì?

Phật nói:

–Đó là quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-nahàm, A-la-hán. Những người chứng quả Thanh văn này tin hiểu mười hiệu của Như Lai, công đức viên mãn, hiểu rõ chánh pháp thanh tịnh, giảng thuyết cho mọi loài không cùng tận; hiểu rõ Tănggià đầy đủ các việc thiện, công đức viên mãn, thấu tỏ lý vô ngã, tịnh tu phạm hạnh, đủ giới định tuệ, giải thoát vô ngại, giải thoát tri kiến, đủ công đức xuất thế, chuyển bánh xe chánh pháp, chứng quả Tu-đà-hoàn, công đức đầy đủ chứng quả Tư-đàhàm, công đức đầy đủ chứng quả A-na-hàm, công đức đầy đủ chứng quả A-la-hán, đủ công đức nơi giới tinh viên mãn, Thánh trí hiển hiện, tự tại an ổn, không còn phiền não, cho đến đời vị lai cũng không gián đoạn, không thoái chuyển, dùng trí phương tiện quán xét, thông đạt tất cả không ngại.

Tỳ-kheo! Như thế gọi là bốn quả Thanh văn.

Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Mười Lực của Như Lai là gì?

Phật nói:

–Đó là:

1. Xứ phi xứ trí lực: Hiểu đúng về nhân quả tương ưng, bất tương ưng.

2. Tự nghiệp trí lực: Hiểu đúng về ba nghiệp của ba đời.

3. Tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí trí lực: Biết rõ tất cả.

4. Căn thắng liệt trí lực: Hiểu rõ về năm căn: tín… hoặc tâm nhu hòa trung, thượng.

5. Chủng chủng thắng giải trí lực: Quán sát tất cả pháp, thông đạt, hiểu rõ.

6. Chủng chủng giới trí lực: Hiểu rõ giới tánh của vô số thế giới.

7. Biến thú hành trí lực: Hiểu rõ mọi sự sai biệt của các cõi.

8. Túc trụ tùy niệm trí lực: Hiểu rõ về đời sống trong quá khứ.

9. Sinh diệt trí lực: Hiểu rõ về nhân duyên sinh diệt của các loài hữu tình.

10. Lậu tận trí lực: Đoạn trừ hết các hoặc nghiệp.

Tỳ-kheo! Đó gọi là mười Lực của Như Lai.

Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bốn Vô sở úy là gì?

Phật nói:

–Đó là:

1. Chánh đẳng giác vô úy: Phật ở quả vị Chánh đẳng giác biết hết các pháp, tâm không sợ sệt, chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Người, A-tu-la… đều cung kính.

2. Lậu tận trí vô úy: Như Lai chấm dứt hết các lậu hoặc dục nhiễm, phiền não, trụ nơi an ổn không lo sợ, gầm tiếng gầm của sư tử trong đại chúng, Phạm vương, Đế Thích, Chuyển luân thánh vương… tôn trọng khen ngợi.

3. Xuất chướng đạo vô úy: Như Lai hiểu rõ Thánh đạo của ba thừa, đối với các pháp không chướng ngại, tâm không lo sợ; chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn đều cung kính.

4. Xuất khổ đạo vô úy: Như Lai đã trải qua vô số kiếp tu tập pháp thiện, đủ năng lực quyết định, ra khỏi đường khổ; chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn đều cung kính.

Tỳ-kheo! Đó gọi là bốn Vô sở úy.

Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bốn Vô ngại biện là gì?

Phật nói:

–Đó là Pháp vô ngại biện, Nghĩa vô ngại biện,

Từ vô ngại biện, Biện tài vô ngại biện.

1. Pháp vô ngại biện: Trí không thoái chuyển về pháp vô lậu.

2. Nghĩa vô ngại biện: Trí không thoái chuyển về tuyên thuyết về thật nghĩa.

3. Từ vô ngại biện: Giải thích được tất cả những vấn nạn của chúng sinh, làm cho chúng sinh vui vẻ.

4. Biện tài vô ngại biện: Trí không thoái chuyển, thông đạt được tất cả pháp xuất thế gian.

Tỳ-kheo! Đó gọi là bốn Vô ngại biện.

Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Mười tám pháp Bất cộng là gì?

Phật nói:

–Đó là:

1. Như Lai không lỗi lầm.

2. Không có lời nói thô.

3. Không vọng tưởng.

4. Không có tâm bất định.

5. Không quên niệm.

6. Không xả dục mà không quyết đoán.

7. Niệm không giảm.

8. Tinh tấn không giảm.

9. Định không giảm.

10. Tuệ không giảm.

11. Giải thoát không giảm.

12. (*)

(*) 12. Giải thoát tri kiến không giảm (Bản Hán thiếu)

13. Thân nghiệp luôn hành theo trí tuệ.

14. Ngữ nghiệp luôn hành theo trí tuệ.

15. Ý nghiệp luôn hành theo trí tuệ.

16. Biết rõ đời quá khứ không chấp trước, không chướng ngại.

17. Biết rõ vị lai không chấp trước, không chướng ngại.

18. Biết rõ hiện tại không chấp trước, không chướng ngại.

Tỳ-kheo! Như thế gọi là mười tám pháp Bất cộng.

Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Ba mươi hai tướng của Phật là gì?

Phật nói:

–Đó là:

1. Bàn chân bằng phẳng đầy đặn.

2. Dưới bàn chân có hình bánh xe ngàn căm.

3. Tay chân mềm mại như Đâu-la-miên.

4. Giữa ngón tay chân có màng lưới vàng.

5. Ngón tay chân thon dài tròn trịa.

6. Gót chân tương xứng với mu bàn chân.

7. Mu bàn chân cao đầy tương xứng với gót chân.

8. Bắp chân tròn như chân nai chúa Ê-nê-gia.

9. Tay tròn dài quá gối như vòi voi.

10. Nam căn ẩn kín như tướng voi rồng.

11. Chân lông xanh xoay tròn về bên phải.

12. Tóc mềm xoăn cuộn về bên phải.

13. Da màu hoàng kim sáng bóng sạch đẹp.

14. Da trơn mịn không bụi đất.

15. Bảy chỗ: Lòng bàn tay, bàn chân, hai vai, cổ bằng phẳng tròn đầy.

16. Giữa vai và sau cổ tròn đầy đẹp.

17. Hai nách sạch đẹp.

18. Dung nghi tuấn tú.

19. Thân cao đẹp cân xứng.

20. Thể tướng cân đối.

21. Thân trên to lớn đỉnh đạt như sư tử chúa.

22. Thân luôn phóng hào quang một tầm.

23. Đủ bốn mươi chiếc răng ngay thẳng, sạch đẹp kín.

24. Bốn răng cửa bén trắng, trong như tuyết ngọc.

25. Được thức ăn tối thượng.

26. Lưỡi rộng dài che cả mặt.

27. Tiếng nói hay ai cũng thích nghe.

28. Lông mi suông đẹp như mắt trâu chúa.

29. Mắt xanh biết đen trắng rõ ràng.

30. Mặt như trăng tròn, lông mày sạch đẹp như cung Đế Thích.

31. Lông trắng giữa hai chặn mày xoay về bên phải sáng đẹp mềm như Đâu-la-miên.

32. Trên đầu có nhục kế như Thiên ái.

Tỳ-kheo! Như thế gọi là ba mươi hai tướng.

QUYỂN HẠ

Bấy giờ, Phật bảo Tỳ-kheo Thậm Thâm Dũng Mãnh:

–Thân sắc vàng đủ ba mươi hai tướng của Như Lai là do những hạnh nghiệp tu tập ở đời quá khứ mà có, Như Lai sẽ phân biệt giảng thuyết cho các vị nghe.

Tỳ-kheo! Hãy lắng nghe kỹ! Chư Phật Thế Tôn trải qua vô số kiếp tu hạnh Bồ-tát, an trụ hoàn toàn và vững chãi trong Giới, Nhẫn, Thí nên được tướng bàn chân bằng phẳng.

Luôn tìm cách cứu giúp chúng sinh khổ não, hiếu thuận cha mẹ, trang sức bằng sự bố thí, chưa từng thoái chuyển nên được tướng hình bánh xe ngàn căm dưới bàn chân.

Cung phụng đầy đủ vật cần dùng thoa thân, tắm rửa, y phục cho các bậc tôn trưởng không thoái chuyển nên được tướng tay chân mềm mại. Tạo lợi ích cho hữu tình bằng bốn Nhiếp pháp, bình đẳng cứu giúp chúng sinh không sai khác nên được tướng màn lưới vàng giữa các ngón tay chân.

Cung kính, hòa thuận các bậc tôn trưởng, trừ bỏ tâm tổn hại và không trộm cướp, dùng pháp thiện ngầm giúp đỡ chúng sinh nên được tướng ngón tay chân tròn đầy.

Dùng trí phương tiện khuyên nhủ, chỉ dẫn, bảo hộ chúng sinh làm cho chúng tu hạnh lành không hề thoái chuyển nên được tướng gót chân tương xứng với mu bàn chân, mu bàn chân cao đầy mềm tương xứng với gót chân.

Thọ trì, hiểu đúng chánh pháp, giảng thuyết cho mọi người, cung cấp cho mọi loài nên được tướng bắp chân tròn như chân nai chúa.

Siêng năng tu hành hạnh lành, dần tăng trưởng pháp lành nên được tướng tay dài quá gối.

Dùng chánh pháp Từ bi thâu phục những chúng sinh bị xua đuổi không nơi nương tựa, làm cho chúng biết hổ thẹn, nên được tướng nam căn ẩn kín như Long tượng.

Khéo quán sát trí sáng, luôn thích gần gũi bậc Hiền thiện, nương từng phần mà hiểu sâu về nghĩa vi diệu, trừ bỏ các trần cấu nhơ uế nên được tướng chân lông xanh mềm xoay về bên phải, tóc cuộn xoăn về bên phải.

Bố thí pháp vui, thức ăn uống, xe cộ, y phục, đồ trang sức, các vật nuôi thân, dứt hẳn sân hận, nên được tướng sắc thân màu vàng ròng, da trơn mịn bụi không bám.

Bố thí thức ăn ngon cho chúng sinh để chúng no đủ, nên được tướng bảy chỗ trên thân bằng phẳng.

Tùy chúng sinh mà thọ sinh, làm đúng pháp, làm người đứng đầu, người giúp đỡ, không có tâm ngã mạn, hung dữ, làm lợi ích chúng sinh nên được tướng thân trên như sư tử chúa, dũng mãnh nhanh nhẹn trong mọi việc, vai cổ nách đều đặn, thân cao lớn đỉnh đạt.

Tự phòng hộ thân, ngữ, ý nghiệp, đem thuốc cho người bệnh, không đảm trách việc bất bình đẳng, giải hòa những sự tranh chấp, nên được tướng thân cân xứng, phóng ánh sáng một tầm.

Bỏ lời nói chia rẽ, phá hoại bạn bè, dùng lời hay hòa hợp sự chia rẽ nên được tướng đủ bốn mươi chiếc răng ngay khít, sạch.

Tu tâm Từ rộng lớn, suy xét thật nghĩa của pháp nên được tướng bốn răng cửa bén trắng như ngọc tuyết.

Thương nhớ chúng sinh như con một, luôn tìm cách cứu giúp, cho thuốc men nên được thức ăn tối thượng.

Trừ bỏ sát hại, tu tâm Từ, hành đúng chánh pháp rộng lớn nên được tướng nhục kế trên đỉnh đầu, lưỡi rộng dài che cả mặt.

Luôn tu những lời nói thật, hòa ái, đúng pháp, vui lòng nên được tiếng nói của Phạm thiên.

Dùng ngôn ngữ, biện tài hòa nhã làm vui lòng người, thực hành hạnh đại Từ bi ở đời, thương yêu tạo lợi ích cho chúng sinh nên được mắt xanh như trâu chúa.

Khen ngợi bậc có đức, ca tụng sự tốt đẹp của họ nên được tướng mặt như trăng tròn, lông mày như cung Đế Thích, lông trắng giữa chặng mày xoay về bên phải, sáng đẹp như Đâu-la-miên. Đó là nhân duyên đời trước của ba mươi hai tướng.

Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Tám mươi vẻ đẹp của Phật là gì?

Phật nói:

–Đó là:

1. Móng tay nhỏ dài sạch đẹp.

2. Ngón tay tròn thon.

3. Khoảng cách giữa những ngón tay kín đều.

4. Xương gân ẩn kín không hiện.

5. Tay chân mềm mại như ý.

6. Gân mạch ẩn kín quanh co.

7. Hai mắt cá không lộ ra.

8. Đi lại an nhàn tự tại như Long tượng chúa.

9. Tới lui thanh nhã như thiên nga.

10. Quay nhìn thì toàn thân quay theo như Long tượng chúa.

11. Các đốt tròn đẹp, an ổn.

12. Dung mạo thông dong không lo sợ.

13. Thân phần ổn định không dao động.

14. Các đốt xương liên kết nhau không hở như rồng cuộn.

15. Đầu gối tròn đẹp.

16. Những tướng ẩn thì trong sạch không nhơ.

17. Các đốt kín chắc.

18. Thân tướng đoan nghiêm.

19. Thân thường phóng ánh sáng.

20. Rốn tròn sâu, khác lạ.

21. Rốn dày nhưng không lồi lõm.

22. Thân thể sáng sạch không nhơ.

23. Da không có nếp nhăn.

24. Lòng bàn tay đầy, bằng, tươi.

25. Bụng vuông vức mềm mại.

26. Vằn tay dài sâu thẳng, không dứt.

27. Môi đỏ như trái Tần-bà.

28. Mặt đẹp như trăng tròn.

29. Lưỡi dài rộng che cả mặt.

30. Tiếng nói như tiếng Phạm thiên, vang xa như trống trời.

31. Mũi cao thẳng, lỗ mũi không hiện ra.

32. Răng vuông bằng.

33. Bốn răng cửa trắng bén.

34. Mắt sạch rõ ràng.

35. Mắt như cánh sen xanh.

36. Lông mi trên dưới ngay khít.

37. Lông mày dài mềm không bạc.

38. Thân trên oai nghiêm như sư tử chúa.

39. Trán rộng dày bằng.

40. Tai dài, dày.

41. Hai tai bằng đẹp không khiếm khuyết.

42. Dung nghi làm cho người thấy đều cung kính không ghét, không đắm nhiễm.

43. Lông mày xanh thẳng đẹp.

44. Lông mày cao sáng như mặt trăng mới mọc.

45. Tóc xanh mượt không bạc.

46. Tóc thơm sạch mềm xoay về bên phải.

47. Tóc suông óng mượt.

48. Tóc không rụng.

49. Tóc không nhơ.

50. Thân phần đầy đủ bền chắc.

51. Thân tướng đẹp.

52. Các lỗ sạch sẽ.

53. Thân lực thù thắng không ai sánh kịp.

54. Thân đẹp ai cũng thích nhìn không chán.

55. Mặt tròn đẹp cân xứng như mặt trăng tròn mùa thu.

56. Dung mạo thư thái, đẹp, luôn mỉm cười, nhớ mãi lời đã nói.

57. Sắc mặt tươi đẹp không buồn, không có sắc tái đỏ.

58. Thân sạch không hôi dơ.

59. Chân lông luôn thoảng hương thơm như ý.

60. Trên mặt thường thoảng hương thơm thù thắng.

61. Đầu tròn đẹp như lọng cõi trời.

62. Lông xanh sạch sáng như lông chim công.

63. Tiếng nói hợp cơ hợp lý.

64. Nhục kế không ai thấy được.

65. Đốt tay chân rõ đẹp.

66. Khi đi cách đất bốn ngón tay nhưng vẫn in dấu.

67. Tự giữ mình không cần người bảo vệ.

68. Thân không lay động xiên xẹo.

69. Oai đức chấn động.

70. Kẻ sân thấy được vui, người sợ sệt thấy được an ổn.

71. Tiếng nói không to nhỏ luôn hợp căn cơ.

72. Quán sát thuyết pháp hợp căn cơ.

73. Dùng một âm thanh thuyết pháp nhưng mọi chúng sinh đều tin hiểu.

74. Thuyết pháp tuần tự theo nhân duyên, lời lẽ đúng.

75. Quán sát chúng sinh, khen việc thiện, chê việc ác, nhưng không yêu ghét.

76. Quán sát trước khi thực hành, làm đúng khuôn phép, khiến mọi người biết cái hay đẹp.

77. Tướng đẹp của Phật không ai thấy hết.

78. Nhục kế tròn chắc.

79. Dung nghi không già suy.

80. Tay chân và trước ngực có tướng cát tường (chữ 卐).

Tỳ-kheo! Như thế gọi là tám mươi vẻ đẹp.

Nói pháp xong, Đức Phật bảo Tỳ-kheo Thậm Thâm Dũng Mãnh:

–Ta đã thuyết giảng nghĩa vi diệu của các pháp. Pháp ấy trước giữa sau đều thiện, lợi ích, an lạc, các ông hãy khéo giữ gìn, giảng thuyết, phân biệt chỉ dạy cho chúng sinh, khiến tu phạm hạnh, ngày ăn một bữa, đủ ba y, ở chỗ trống hoặc nghĩa địa, nơi rừng cây, chỗ vắng lặng tu hạnh Đầu-đà, siêng năng không biếng nhác, dứt hết lậu hoặc, nhiễm ô, đạt giải thoát rốt ráo.

Nghe Phật dạy, Tỳ-kheo Thậm Thâm Dũng Mãnh cùng các Đại Tỳ-kheo khác, các chúng trời, người, A-tu-la… đều vui vẻ đảnh lễ chân Phật, tin nhận phụng hành.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Kinh tập][426][427][428][429][430][431][432][433][434][435][436][437][438][439][440][441][442][443][444][445][446][447][448][449][450][451][452][453][454][455][456][457][458][459][460][461][462][463][464][465][466][467][468][469][470][471][472][473][474][475][476][477][478][479][480][481][482][483][484][485][486][487][488][489][490][491][492A][492B][493][494][495][496][497][498][499][500][501][502][503][504][505][506][507][508][509][510][511][512][513][514][515][516][517][518][519][520][521][522][523][524][525][526][527][528][529][530][531][532][533][534][535][536][537][538][539][540][541][542][543][544][545][546][547][548][549][550][551][552][553][554][555][556][557][558][559][560][561][562][563][564][565][566][567][568][569][570][571][572][573][574][575][603][604][605][606][607][608][609][610][611][612][613][614][615][616][617][618][619][620][621][622][623][624][625][626][627][628][629][630][631][632][633][634][635][636][637][638][639][639][640][641][642][643][644][645][646][647][648][649][650][651][652][653][654][655][656][657][658][659][660][661][662][663][664][665][666][667][668][669][670][671][672][673][674][675][676][677][678][679][680][681][682][683][684][685][686][687][688][718][719][720][721][721][722][723][724][725][726][727][728][729][730][731][732][733][734][735][736][737][738][739][740][741][742][743][744][745][746][747A][747B][748][749][750][751][752][753][754][755][756][757][758][759][760][761][762][763][764][765][766][767][768][769][770][771][772][773][774][775][776][777][778][779][780][781][782][783][784][785][786][787][788][789][790][791][792][793][794A][794B][795][796][797A][797B][798][799][800][801][802][803][804][805][806][807][808][809][810][811][812][813][814][815][816][817][818][819][820][821][822][823][824][825][826][827][828][829][830][831][832][833][834][835][836][837][838][839][840][841][842][843][844][845][846][847]


[Mục lục tổng quát]