TẠNG KINH
BỘ KINH TẬP (425-847)
SỐ 785-KINH ĐẮC ĐẠO THÊ ĐĂNG TÍCH TRƯỢNG
Hán dịch: Mất tên người dịch, nay dựa vào bản sao lục đời Đông Tấn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Các ông nên thọ trì tích trượng. Vì sao? Vì chư Phật trong quá khứ dùng tích trượng, chư Phật đời vị lai dùng tích trượng, chư Phật nơi hiện tại cũng dùng tích trượng. Như ta ngày nay thành Phật Thế Tôn cũng dùng, cho nên các ông cũng nên dùng. Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, cũng dạy các đệ tử dùng tích trượng, nên ta ngày nay thành Phật Thế Tôn, cũng y theo pháp của chư Phật mà dạy lại các ông. Các ông nay nên dùng tích trượng, vì tích trượng còn được gọi là Trí trượng, cũng gọi là Đức trượng. Hiển bày trí của bậc Thánh nên gọi là Trí trượng. Hành trì từ gốc của công đức nên gọi là Đức trượng. Như vậy, trượng là biểu thức của Thánh nhân, ký hiệu sáng tỏ của Hiền sĩ, là ngọn cờ chánh pháp hướng đến đạo, là tạo dựng ý chí nghĩ đến nghĩa lợi. Thế nên các ông phải như pháp dùng.
Khi ấy, Tôn giả Ca-diếp đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai hữu, chắp tay quỳ thẳng, bạch Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Vì sao gọi là Tích trượng? Và sử dụng như thế nào? Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy, chúng con xin phụng hành.
Phật nói:
–Này Ca-diếp! Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ chỉ dạy cho các ông.
Gọi là Tích trượng vì: Tích nghĩa là nhẹ. Nương dựa nơi trượng ấy thì có thể trừ sạch phiền não, ra khỏi ba cõi, nên gọi là nhẹ. Tích là minh, người cầm trượng được trí tuệ sáng suốt nên gọi là minh. Tích là không quay lui. Người cầm trượng có thể ra khỏi ba cõi, không còn nhiễm chấp nên nói là không quay lui. Tích là tỉnh, người cầm trượng này tỏ ngộ về khổ, không, nhận biết về mọi kết sử của ba cõi, hiểu rõ về bốn Đế, mười hai Nhân duyên nên gọi là tỉnh.
Tích là Bất mạn, người cầm trượng ấy đoạn trừ nghiệp kiêu mạn nên gọi là Bất mạn. Tích là Sơ, người cầm trượng ấy đối với năm dục tỏ ra xa cách, đoạn trừ tham ái trói buộc, phá tan các ấm, xa lìa năm thứ che lấp, hướng đến Niết-bàn, giảm nhẹ nghiệp hữu vi nên gọi là Sơ.
Tích là chọn lấy, người cầm trượng ấy là chọn lấy của báu Giới Định Tuệ của chư Phật, đạt được sự giải thoát, nên gọi là chọn lấy. Tích là thành, người cầm trượng này thì thành tựu tạng pháp của chư Phật, y theo lời dạy để tu hành, không hề thiếu giảm, thành tựu hoàn toàn, nên gọi là thành.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
–Chữ Tích là như vậy, nghĩa của nó rất nhiều, không thể trình bày hết. Nay ông nên thọ trì như vậy.
Tôn giả Ca-diếp bạch Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Tích trượng này, nghĩa của nó như vậy, còn thế nào là Trí trượng? Cho đến lập trí nhớ đến đạo. Cúi xin Thế Tôn vì chúng con mà chỉ dạy.
Phật nói:
–Nói Trí trượng là chỉ cho người tu trí tuệ, học rộng, nghe nhiều, hiểu rõ thế gian và xuất thế gian, phân biệt về thiện ác, hữu vi, vô vi, hữu lậu, vô lậu, rõ trí vô ngại, thành tựu trí tuệ nên nói là trí trượng. Vì giữ gìn giới cấm, nhẫn nhục, thiền định, nhất tâm bất loạn, thường tu phước nghiệp, không có lúc nào biếng trễ, như cứu lửa đang cháy đầu mình, nên gọi là Đức trượng. Người trì trượng ấy bên trong đầy đủ mười sáu hạnh, đó là:
- Bốn Thánh: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
- Bốn Đẳng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả.
- Bốn Thiền định: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.
- Bốn định Vô sắc: Không xứ, Thức xứ, Bất dụng xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Lại đủ ba mươi bảy hạnh là ba mươi bảy pháp Trợ đạo. Ngay nơi pháp này phân biệt rõ ràng, tự thân chứng đắc được, không theo âm thanh, ở trong pháp đó tự tại đi vào ba môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện, tự tại vô ngại, gọi đó là bậc Thánh. Bên trong đầy đủ giới đức, bên ngoài cầm tích trượng, biểu thị người này có chắc chắn Thánh đức, có đủ tất cả Giới, Định, Nhẫn, Tuệ, ba Minh, sáu Thông, tám Giải thoát, để ghi nhận người ấy, vừa trong thấy bề ngoài đã sinh lòng cung kính, nên gọi là “Biểu thức của Thánh nhân”, “ký hiệu sáng tỏ của Hiền sĩ”. Bên trong có trí tánh nên gọi là ký hiệu sáng tỏ của Hiền sĩ. Người này bên trong có trí tánh, tu tập gốc của công đức, tinh tấn với pháp, thành tựu tâm thiện nên gọi là ký hiệu sáng tỏ của Hiền sĩ. Người này không lâu sẽ thành tựu trí tuệ, nhập nẻo vô vi, yên tịnh, tịch nhiên, Niếtbàn an lạc, đệ nhất nghĩa đạo, nên gọi là ngọn cờ pháp hướng đến đạo, là tạo nên ý chí nghĩ đến nghĩa lợi.
Trượng có ba ngấn. Thấy ba ngấn chồng lên nhau, là nhớ đến khổ não nơi ba đường dữ, tức dốc tu tập giới định tuệ. Nhớ đến ba tai họa là già, bệnh, chết nên trừ được ba độc: tham, sân, si. Nhớ đến sự vô thường của ba cõi thì càng tin nơi Tam bảo, trừ ba ác, đoạn ba lậu, sạch ba nghiệp, nhằm đầy đủ ba Minh, nhập ba Giải thoát, đắc ba Niệm xứ, thông ba Đạt trí, nên lập ba ngấn chồng lên nhau.
Lại có bốn cạnh để đoạn bốn sinh, niệm bốn Đế, tu bốn Đẳng tâm, nhập bốn Thiền, làm thanh tịnh bốn Không, rõ bốn Niệm xứ, vững bốn Chánh cần, đắc bốn Thần túc, nên tạo thành bốn cạnh. Trong bọng có năm khoảng cách biểu thị đoạn trừ luân hồi khổ não trong năm đường, tu năm Căn, đủ năm Lực, trừ năm che lấp, tan năm ấm, đắc năm phần Pháp thân, nên lập số năm.
Mười hai vòng là để nhớ mười hai Nhân duyên. Thông đạt vô ngại, tu tập mười hai Thiền định, làm cho tâm không lo buồn. Ba ngấn, bốn cạnh, cộng lại thành bảy để nhớ pháp bảy Giác ý của Như Lai, thành tựu bảy Thánh tài. Thông tám mối dính để nhớ tám Thánh đạo, đắc tám Giải thoát, diệt trừ tám nạn, nên dùng số tám.
Lược thuyết về nghĩa của tích trượng là như vậy, ông nên khéo léo sử dụng.
Tôn giả Ca-diếp bạch Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Chúng con sẽ kính vâng theo pháp Phật chỉ dạy.
Khi ấy, Tôn giả Ca-diếp lại bạch Phật:
–Kính bạch Thế Tôn! Có phải pháp của chư Phật trong ba đời đều giống như vậy?
Phật nói:
–Có trường hợp giống, có trường hợp không giống. Hoặc có bốn cạnh, hai cạnh. Số vòng thì không khác. Nhưng ta ngày nay chỉ dạy dùng trượng bốn cạnh, mười hai vòng. Phật Ca-diếp thì dùng trượng hai cạnh để cho chúng sinh nhớ đến hai đế là: Thế tục đế và Đệ nhất nghĩa đế.
Lúc Đức Thế Tôn thuyết giảng pháp này xong, Tôn giả Ca-diếp cùng với một ngàn hai trăm chúng đệ tử và tất cả đại hội đều rất hoan hỷ, vâng lãnh, phụng hành.
Thể của pháp đài gồm: Trên pháp đài là trời, dưới pháp đài là đất. Bốn bên là Tứ thiên vương. Mười hai vòng là mười hai nhân duyên bao gồm trời, người, trên, dưới cùng khắp. Khi tâm Từ và vạn hạnh rộng lớn cùng nền móng của thiện phát sinh thì đều bắt nguồn từ đây. Cầm trượng pháp này là để chống trời, đỡ đất, nên để ở dưới hông bên trái, dùng ngón tay út ấn lên cho hai đầu bằng thẳng, không cho cao thấp, rung liên tục không gián đoạn, làm cho âm thanh điều hòa, êm dịu như lúc đầu. Nếu trước đây không cần dùng âm thanh thì trong khoảng đi này không làm cho có tiếng. Ngược lại, trước đây đã dùng âm thanh thì trong khoảng đi này phải làm cho có tiếng, cũng giữ cho âm thanh đều nhau, không lớn quá hay nhỏ quá. Tăng thì để ở bên chân trái, Ni thì để ở bên chân phải, không được bỏ dưới đất. Nếu Đàn-việt không ra thì đi đến, gần là ba nhà, xa là bảy nhà, trong khoảng đó, nếu không được thức ăn thì không được phép đi xa hơn. Nếu đi quá mức quy định này thì chẳng phải là pháp của hành giả khất thực. Nếu đi trong khoảng giới hạn mà được thức ăn thì đem trượng treo lên cây, không được để nằm trên đất, gặp chỗ không có cây thì được để nằm trên đất. Để chỗ đất bằng phẳng, không để chỗ chông chênh. Khi ngủ, nên để trượng xuôi theo thân mình, để ở dưới sàn nằm, ngang bằng với thân, không để ra phía trước.
Cầm trượng đi đường, khi dừng nghỉ, đầu trượng luôn hướng lên trời, không được để ngược trở lại. Pháp cầm trượng tức là thọ trì thân Phật. Muôn hạnh đều ở hết trong đó, nghĩa là chống trời, đỡ đất, quán mười hai Nhân duyên để hộ thân. Nếu để cho trượng nghiêng ngả tức là tất cả vạn vật cũng đều nghiêng ngã, trượng ngay thẳng thì tất cả hàm sinh đều được an ổn, vô vi.
Khi xuống đài mà để nằm trên đất, thì làm cho ba đường chúng sinh đau khổ kịch liệt. Nếu không để xuống đất thì chấm dứt được nhân khổ cho tất cả chúng sinh trong ba đường. Nếu như trượng nghiêng ngã thì thế giới sẽ đảo nghịch, tâm của hành giả sẽ bị mê loạn. Nếu cầm thuận chiều, mình và người đều được lợi ích. Cầm ngay thẳng thì hiện tại ra vào giữ gìn đầy đủ uy nghi, đời sau được quả báo mau thành Chánh giác.
Pháp oai nghi cầm tích trượng có hai mươi lăm việc. Mười pháp về việc cầm tích trượng:
1. Đất có trùng.
2. Tuổi già yếu.
3. Để đi khất thực.
4. Không được cầm trượng kéo lê theo ở phía sau.
5. Không được vác trên vai.
6. Không được để ngang trên vai, vắt tay buông thỏng ở hai bên đầu trượng.
7. Khi ra vào thấy Phật tượng, không được khua có tiếng.
8. Không được cầm trượng đi vào trong chúng.
9. Không được đem trượng ra nhà sau.
10. Sau giờ ngọ không được đem trượng ra. Lại có năm việc:
1. Mời đi xa ban đêm sau giờ ngọ, được lấy tích trượng ra.
2. Đến nhà người để thăm bệnh quá giờ ngọ, được đem tích trượng ra.
3. Đưa tiễn người qua đời, sau giờ ngọ, được đem tích trượng ra.
4. Ngoại đạo mời, quá giờ ngọ, được đem tích trượng ra.
5. Không được cầm trượng chỉ người và viết trên đất.
Lại có năm việc:
Ba người cùng ra đi, không được cầm trượng đi theo sau.
1. Bốn người cùng đi, trừ Thượng tọa, những người còn lại không được cầm trượng.
2. Đến cửa ngõ nhà Đàn-việt, giữ oai nghi nghiêm chỉnh.
3. Vào cửa ngõ Đàn-việt rung lên ba lần. Rung ba lần mà không có người ra thì tuần tự đi đến nhà kế tiếp.
4. Đàn-việt ra, nên cầm trượng để ở chính giữa khuỷu tay trái.
Lại có năm việc:
1.Thường để trượng ngay trong phòng của mình, không được lìa bỏ chỗ khác.
2.Không để cho trượng chúc đầu chấm đất.
3.Không được để cho trượng rỉ sét.
4.Mỗi ngày phải lau chùi trượng sạch sẽ.
5.Khi muốn cầm trượng ra đi thì phải nhận từ Sa-di, nếu không có Sa-di thì bạch y cũng được.
Trượng bốn cạnh hợp bốn Đế,
Vòng hợp mười hai Nhân duyên.
Trụ giữa rõ nghĩ Trung đạo.
Trên đầu giống đảnh Tu-Di.
Thứ hai như núi Tu-di.
Ngay giữa biểu thị cho không.
Chân trượng như chân Tu-Di.
Pháp của Sa-môn là đắc đạo, rõ không, cầm tích trượng là để tỉnh ngộ cho tất cả chúng sinh ở thế gian.
Các Tỳ-kheo … nên chí tâm phụng hành.
Pháp trì tích trượng này dựa vào Tạng kinh bên Thiên Trúc mà rút ra cho người sau xem để biết được nguồn gốc của nó.
Oai nghi cầm tích trượng có hai mươi lăm việc:
1. Vì sợ rắn rít.
2. Vì tuối già yếu.
3. Đi khất thực.
4. Khi ra vào thấy tượng Phật không được khua đầu trượng có tiếng.
5. Không được cầm tích trượng đi vào trong chúng.
6. Sau giờ ngọ, không được lấy tích trượng ra.
7. Không được vác tích trượng trên vai, quàng tay buông thỏng hai bên đầu trượng.
8. Không được để tích trượng ngang trên đầu gối và treo vật ở hai bên đầu trượng.
9. Không được đổi tay ra trước sau
10. Không được đem trượng ra nhà sau.
11. Không được cầm trượng đứng trước hay sau ba vị. Đã lấy trượng ra rồi cũng không được mang theo.
12. Bốn người cùng đi, nếu có một người cầm trượng rồi thì ba người kia không được mang theo.
13. Đến nhà Đàn-việt, không được để trượng lìa thân.
14. Khi vào trong cửa ngõ, phải rung ba lần, không có người ra thì đi đến nhà khác.
15. Khi chủ nhân ra, phải để trượng dưới khuỷu tay trái.
16. Vào trong nhà người, không được để trượng dưới đất.
17. Phải để trượng gần bên chỗ nằm của mình.
18. Phải luôn lau chùi cho sạch sẽ.
19. Không được để cho đầu trượng nảy mầm.
20. Muốn đi phải nhận trượng từ Sa-Di hoặc bạch y.
21. Ban đêm đi thăm bệnh nhân thì buổi chiều được phép lấy tích trượng ra.
22. Muốn tiễn người đi xa nên được phép vào buổi chiều lấy tích trượng ra.
23. Có người mời đi xa ban đêm, nên được lấy tích trượng ra trong buổi chiều.
24. Đi đón người ở xa đến, nên được lấy tích trượng ra buổi chiều.
25. Phải luôn để tích trượng bên mình, không được giơ tích trượng chỉ người hoặc viết chữ trên đất.
[Mục lục bộ Kinh tập][426][427][428][429][430][431][432][433][434][435][436][437][438][439][440][441][442][443][444][445][446][447][448][449][450][451][452][453][454][455][456][457][458][459][460][461][462][463][464][465][466][467][468][469][470][471][472][473][474][475][476][477][478][479][480][481][482][483][484][485][486][487][488][489][490][491][492A][492B][493][494][495][496][497][498][499][500][501][502][503][504][505][506][507][508][509][510][511][512][513][514][515][516][517][518][519][520][521][522][523][524][525][526][527][528][529][530][531][532][533][534][535][536][537][538][539][540][541][542][543][544][545][546][547][548][549][550][551][552][553][554][555][556][557][558][559][560][561][562][563][564][565][566][567][568][569][570][571][572][573][574][575][603][604][605][606][607][608][609][610][611][612][613][614][615][616][617][618][619][620][621][622][623][624][625][626][627][628][629][630][631][632][633][634][635][636][637][638][639][639][640][641][642][643][644][645][646][647][648][649][650][651][652][653][654][655][656][657][658][659][660][661][662][663][664][665][666][667][668][669][670][671][672][673][674][675][676][677][678][679][680][681][682][683][684][685][686][687][688][718][719][720][721][721][722][723][724][725][726][727][728][729][730][731][732][733][734][735][736][737][738][739][740][741][742][743][744][745][746][747A][747B][748][749][750][751][752][753][754][755][756][757][758][759][760][761][762][763][764][765][766][767][768][769][770][771][772][773][774][775][776][777][778][779][780][781][782][783][784][785][786][787][788][789][790][791][792][793][794A][794B][795][796][797A][797B][798][799][800][801][802][803][804][805][806][807][808][809][810][811][812][813][814][815][816][817][818][819][820][821][822][823][824][825][826][827][828][829][830][831][832][833][834][835][836][837][838][839][840][841][842][843][844][845][846][847]