TẠNG KINH
BỘ KINH TẬP (425-847)
SỐ 665-KINH KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG
Hán dịch: Đời Đại Đường, Tam tạng Sa-môn Nghĩa Tịnh.
PHẨM 4: MƠ THẤY TRỐNG VÀNG SÁM HỐI
PHẨM 7: LIÊN HOA DỤ TÁN (Kamalākara)
PHẨM 8: ĐÀ-LA-NI KIM THẮNG (Hiraṇyava-tī-dhāraṇī)
PHẨM 9: TRÙNG HIỂN KHÔNG TÍNH (Dạy rõ về tánh KHÔNG)
PHẨM 10: Y KHÔNG MÃN NGUYỆN (Nương vào Không được mãn nguyện)
PHẨM 11: TỨ THIÊN VƯƠNG QUÁN SÁT NHÂN THIÊN (Catur-Mahārājā)
PHẨM 12: TỨ THIÊN VƯƠNG HỘ QUỐC
PHẨM 13: ĐÀ-LA-NI VÔ NHIỄM TRƯỚC
PHẨM 14: NHƯ Ý BẢO CHÂU (NGỌC BÁU NHƯ Ý)
PHẨM 15: THIÊN NỮ ĐẠI BIỆN TÀI (PHẦN 1)
PHẨM 15: THIÊN NỮ ĐẠI BIỆN TÀI (PHẦN 2)
PHẨM 16: THIÊN NỮ ĐẠI CÁT TƯỜNG
PHẨM 17: THIÊN NỮ ĐẠI CÁT TƯỜNG TĂNG TRƯỞNG TÀI VẬT
PHẨM 19: ĐẠI TƯỚNG DƯỢC-XOA TĂNGTHẬN-NHĨ-DA
PHẨM 20: CHÁNH LUẬN VƯƠNG PHÁP
PHẨM 22: CHƯ THIÊN, DƯỢC-XOA HỘ TRÌ
PHẨM 25: TRƯỞNG GIẢ TỬ LƯU THỦY
PHẨM 27: BỒ-TÁT được MƯỜI PHƯƠNG TÁN THÁN
PHẨM 28: BỒ-TÁT DIỆU TRÁNG KHEN NGỢI
PHẨM 29: THẦN CÂY BỒ-ĐỀ KHEN NGỢI
PHẨM 30: THIÊN NỮ ĐẠI BIỆN TÀI KHEN NGỢI
Tôi nghe như vầy:
Một thuở Đức Bạc-già-phạm ở trên đỉnh núi Thứu phong tại thành Vương xá với pháp giới thậm thâm thanh tịnh, cảnh giới của các Đức Phật, nơi ở của Như Lai, cùng với chúng đại Tỳ-kheo, chín vạn tám ngàn người. Những vị ấy đều là A-lahán, có khả năng điều phục như đại tượng vương, các lậu đã trừ, không còn phiền não, đạt tâm giải thoát và tuệ giải thoát, việc làm đã xong, xả bỏ những gánh nặng, đạt được lợi mình, hết các hữu kết, được đại tự tại, trụ giới thanh tịnh, phương tiện khéo léo, trí tuệ trang nghiêm, chứng tám giải thoát, đã đến bờ kia. Những vị ấy tên là Tỳ-kheo A-nhã Kiều-trần-như, Tỳ-kheo A-thuyết-thị-đa, Tỳ-kheo Bà-thấp-ba, Tỳ-kheo Ma-ha Na-ma, Tỳkheo Bà-đế-lợi-ca, Đại Ca-diếp-ba, Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Dà-gia Ca-diếp, Na-đề Ca-diếp, Xá-lợi Tử, Đại Mục-kiền-liên... chỉ còn A-nan-đà trụ ở bậc Hữu học. Những bậc Đại Thanh văn như vậy... đều vào lúc quá trưa, ra khỏi định, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, lùi về ngồi một bên.
Lại có các Đại Bồ-tát gồm trăm ngàn vạn ức vị. Những vị ấy có uy đức lớn như Đại Long vương, tiếng lành vang khắp nơi, mọi người đều biết, bố thí trì giới thanh tịnh, thường ưa phụng trì hạnh nhẫn nhục tinh tấn trải qua vô lượng kiếp, vượt qua những tịnh lự, chuyên niệm hiện tiền, mở mang cửa tuệ, khéo tu phương tiện, tự tại vô ngại, thần thông vi diệu, đạt được môn Tổng trì, biện tài vô ngại, đoạn trừ các phiền não, lụy nhiễm đều dứt, chẳng bao lâu sẽ thành Nhất thiết chủng trí, hàng phục ma quân, đánh lên trống pháp chế ngự những ngoại đạo khiến cho họ khởi tâm thanh tịnh, chuyển bánh xe diệu pháp hóa độ trời, người, cõi Phật mười phương đều trang nghiêm, hữu tình trong sáu đường đều được lợi lạc, thành tựu đại trí, đầy đủ đại nhẫn, trụ ở tâm đại Từ bi, có lực lớn kiên cố, phụng sự các Đức Phật, chẳng nhập Niếtbàn, phát lòng thệ nguyện rộng lớn đến tận đời vị lai, ở chỗ Phật gieo trồng các nhân thanh tịnh, đối với pháp ba đời, ngộ nhẫn vô sinh, vượt qua cảnh giới hành hóa của hàng Nhị thừa, dùng đại thiện xảo hóa độ thế gian, đối với lời dạy của bậc Đại sư, đều có khả năng diễn bày pháp bí mật, tính Không thậm thâm đều đã rõ biết, không còn nghi hoặc. Những Bồ-tát ấy tên là Bồ-tát Vô Chướng Ngại Chuyển Pháp Luân, Bồ-tát Thường Phát Tâm Chuyển Pháp Luân, Bồ-tát Thường Tinh Tấn, Bồtát Bất Hưu Tức, Bồ-tát Từ Thị, Bồ-tát Diệu Cát Tường, Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Tổng Trì Tự Tại Vương, Bồ-tát Đại Biện Trang Nghiêm Vương, Bồ-tát Diệu Cao Sơn Vương, Bồ-tát Đại
Hải Thâm Vương, Bồ-tát Bảo Tràng, Bồ-tát Đại Bảo Tràng, Bồ-tát Địa Tạng, Bồ-tát Hư Không Tạng, Bồ-tát Bảo Thủ Tự Tại, Bồ-tát Kim Cang Thủ, Bồ-tát Hoan Hỷ Lực, Bồ-tát Đại Pháp Lực, Bồ-tát Đại Trang Nghiêm Quang, Bồ-tát Đại Kim Quang Trang Nghiêm, Bồ-tát Tịnh Giới, Bồ-tát Thường Định, Bồ-tát Cực Thanh Tịnh Tuệ, Bồ-tát Kiên Cố Tinh Tấn, Bồ-tát Tâm Như Hư Không, Bồ-tát Bất Đoạn Đại Nguyện, Bồ-tát Thí Dược, Bồ-tát Liệu Chư Phiền Não Bệnh, Bồ-tát Y Vương, Bồ-tát Hoan Hỷ Cao Vương, Bồ-tát Đắc Thượng Thọ Ký, Bồ-tát Đại Vân Tịnh Quang, Bồ-tát Đại Vân Trì Pháp, Bồ-tát Đại Vân Danh Xưng Hỷ Lạc, Bồ-tát Đại Vân Hiện Vô Biên Xưng, Bồ-tát Đại Vân Sư Tử Hống, Bồ-tát Đại Vân Ngưu Vương Hống, Bồ-tát Đại Vân Cát Tường, Bồ-tát Đại Vân Bảo Đức, Bồ-tát Đại Vân Nhật Tạng, Bồ-tát Đại Vân Nguyệt Tạng, Bồ-tát Đại Vân Tinh Quang, Bồ-tát Đại Vân Hỏa Quang, Bồ-tát Đại Vân Điển Quang, Bồ-tát Đại Vân Lôi Âm, Bồ-tát Đại Vân Tuệ Vũ Sung Biến, Bồ-tát Đại Vân Thanh Tịnh Vũ Vương, Bồ-tát Đại Vân Hoa Thọ Vương, Bồ-tát Đại Vân Thanh Liên Hoa Hương, Bồ-tát Đại Vân Bảo Chiên Đàn Hương Thanh Lương Thân, Bồ-tát Đại Vân Trừ Ám, Bồ-tát Đại Vân Phá Ế... vô lượng các Đại Bồ-tát như vậy... khi quá trưa, đều ra khỏi định, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu về bên phải ba vòng, lui ngồi một bên. Lại có năm ức tám ngàn đồng tử Lị-xa-tỳ: Đồng tử Sư Tử Quang, Đồng tử Sư Tử Tuệ, Đồng tử Pháp Thọ, Đồng tử Nhân-đà-la Thọ, Đồng tử Đại Quang, Đồng tử Đại Mãnh, Đồng tử Phật Hộ, Đồng tử Pháp Hộ, Đồng tử Tăng Hộ, Đồng tử Kim Cang Hộ, Đồng tử Hư Không Hộ, Đồng tử Hư Không Hống, Đồng tử Bảo Tạng, Đồng tử Cát Tường Diệu Tạng... do những người như vậy làm Thượng thủ. Họ đều an trụ ở Bồ-đề vô thượng, ở trong Đại thừa thâm tín hoan hỷ. Họ đều vào lúc quá trưa, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu về bên phải ba vòng, lui về ngồi một bên.
Lại có bốn vạn hai ngàn Thiên tử là Thiên tử Hỷ Kiến, Thiên tử Hỷ Duyệt, Thiên tử Nhật Quang, Thiên tử Nguyệt Kế, Thiên tử Minh Tuệ, Thiên tử Hư Không Tịnh Tuệ, Thiên tử Trừ Phiền Não, Thiên tử Cát Tường... mà những Thiên tử như vậy làm thượng thủ. Họ đều phát nguyện lớn, hộ trì Đại thừa, tiếp nối làm cho chánh pháp hưng thịnh, chẳng bị đoạn tuyệt. Họ đều vào lúc quá trưa, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu về bên phải ba vòng, rồi lui về ngồi một bên.
Lại có hai vạn tám ngàn Long vương như: Long vương Liên Hoa, Long vương Ê-la-diệp, Long vương Đại Lực, Long vương Đại Hống, Long vương Tiểu-ba, Long vương Trì Sử Thủy, Long vương Kim Diện, Long vương Như Ý... mà những Long vương như vậy làm thượng thủ, đối với pháp Đại thừa, họ thường ưa thọ trì, phát tâm thâm tín, xưng dương ủng hộ, đều vào lúc quá trưa, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu về bên phải ba vòng, rồi lui về ngồi một phía. Lại có ba vạn sáu ngàn các Dược-xoa do vua trời Tỳ-sa-môn làm thượng thủ là Dạ-xoa Am-bà, Dạ-xoa Trì-am-bà, Dạ-xoa Liên Hoa Quang Tạng, Dạ-xoa Liên Hoa Diện, Dạ-xoa Diệu Mi, Dạ-xoa Hiện Đại Bố, Dạ-xoa Động Địa, Dạ-xoa Thôn Thực... những Dạ-xoa như vậy đều ưa thích Chánh pháp của Như Lai, thâm tín hộ trì chẳng biết mỏi mệt, đều vào lúc quá trưa, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu quanh về bên phải ba vòng, rồi lui về ngồi một phía.
Lại có bốn vạn chín ngàn Yết-lộ-trà vương mà vua Hương Tượng Thế Lực làm thượng thủ. Và còn Càn-thát-bà, A-tô-la, Khẩn-na-la, Ma-hô-lạcdà... tất cả thần tiên của núi rừng sông biển, cùng các vị vua của các nước lớn, các hậu phi trong cung, nam nữ tịnh tín, đại chúng trời, người... tất cả đều đến hội họp, đều nguyện ủng hộ Đại thừa Vô thượng, đọc tụng, thọ trì, ghi chép, lưu bố... Tất cả đều vào lúc quá trưa, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi lui về ngồi một phía. Như vậy đại chúng Thanh văn, Bồ-tát, trời, người, tám bộ rồng thần... đã vân tập rồi, mỗi mỗi đều hết lòng chắp tay cung kính, chiêm ngưỡng tôn dung, mắt chưa từng rời bỏ, nguyện ưa muốn nghe diệu pháp thù thắng. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn, vào lúc xế trưa ngày hôm đó, ra khỏi định, quan sát đại chúng mà nói lời tụng rằng:
Diệu pháp Kim Quang Minh
Vua đứng đầu các kinh
Thậm thâm khó được nghe
Cảnh giới của chư Phật.
Ta sẽ vì mọi người
Tuyên nói kinh điển này
Cùng bốn phương bốn Phật
Uy thần chung hộ trì.
Phương Đông Phật A-súc
Phương Nam Phật Bảo Tướng
Vô Lượng Thọ phương Tây
Phương Bắc Thiên Cổ Âm.
Ta lại diễn diệu pháp
Bậc nhất trong các sám
Hay diệt tất cả tội
Các nghiệp ác không còn.
Và tiêu mọi khổ hoạn
Thường ban vui không lường
Căn bản Nhất thiết trí
Các công đức trang nghiêm.
Chúng sinh thân chẳng đủ
Tuổi thọ tổn giảm dần
Các tướng ác hiện ra
Thiên thần đều lìa bỏ
Bạn bè đều hờn giận
Quyến thuộc đều chia lìa
Đó, đây cùng ngang trái
Của quý đều tản mất
Sao xấu điềm quái lạ
Bị độc hại, trúng tà
Hoặc lại nhiều lo buồn
Bị khổ sở bức ngặt
Ngủ thường thấy ác mộng
Nhân đây sinh não phiền
Người đó phải tắm gội
Mặc áo sạch tinh thơm
Đối kinh vi diệu này
Thậm thâm được Phật khen
Lòng chuyên chú không loạn
Đọc tụng, nghe, giữ gìn.
Do uy lực kinh này
Được lìa xa tai nạn
Và mọi khổ nạn khác
Tất cả đều trừ diệt.
Bốn vua trời Hộ thế
Và quyến thuộc đại thần
Vô số các Dạ-xoa
Đều một lòng ủng hộ
Thiên nữ Đại Biện Tài
Thủy thần sông Ni-liên
Thần mẹ Ha-lợi-để
Chúng địa thần Kiên Lao
Vua trời Phạm Đế Thích
Khẩn-na-la, Long vương
Và vua chim cánh vàng
Chúng trời A-tô-la
Những Thiên thần như vậy
Cùng đem theo bà con
Đều đến hộ người đó
Ngày đêm chẳng rời bỏ.
Ta sẽ nói kinh này
Phật hành xứ thậm thâm
Lời mật giáo chư Phật
Ngàn muôn kiếp khó gặp.
Người nào nghe kinh này
Vì người khác tuyên dương
Hoặc lòng sinh tùy hỷ
Hoặc thiết lễ cúng dường.
Với những người như vậy
Sẽ ở vô số kiếp.
Thường được sự cung kính
Của Trời, Người, Thần, Rồng,
Phước đức nhiều vô lượng
Số hơn cát sông Hằng.
Người đọc tụng kinh này
Đều được những công đức
Mười phương đều tôn trọng
Các Bồ-tát thâm hành
Ủng hộ người trì kinh
Khiến lìa các khổ nạn.
Người cúng dường kinh này
Như trước tắm gội thân
Ăn uống và xoa hương
Ý luôn khởi từ bi.
Nếu muốn nghe kinh này
Lòng vô cấu, thanh tịnh
Thường sinh niệm hoan hỷ
Tăng trưởng các công đức
Nếu đem lòng tôn trọng
Người lắng nghe kinh này.
Được sinh vào cõi người
Lìa xa các khổ nạn.
Căn lành được thuần thục
Được chư Phật ngợi khen
Mới được nghe kinh này
Và đạt pháp Sám hối.
Bấy giờ, đại thành Vương xá có một Đại Bồ-tát tên là Diệu Tràng, đời quá khứ, chỗ vô lượng ức vô số trăm ngàn Đức Phật phụng sự cúng dường, gieo trồng các căn lành. Lúc đó, Bồ-tát Diệu Tràng một mình ở chỗ yên tĩnh, suy nghĩ: “Do nhân duyên gì mà tuổi thọ của Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni ngắn ngủi, chỉ có tám mươi năm?” Rồi lại suy nghĩ rằng: “Như lời Đức Phật nói, có hai nhân duyên được tuổi thọ lâu dài. Những gì là hai?
1. Chẳng hại sinh mạng.
2. Bố thí cho người khác đồ ăn thức uống.
Nhưng Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni từng ở vô lượng trăm ngàn vạn ức vô số đại kiếp chẳng hại sinh mạng, tu hành mười nghiệp thiện, thường đem đồ ăn thức uống ban cho tất cả chúng sinh đói khát, thậm chí cả máu thịt xương tủy của thân mình cũng đem thí cho khiến chúng sinh được no đủ, huống là thức ăn thức uống.” Khi Bồ-tát ấy ở chỗ Đức Thế Tôn khởi ý niệm này, do uy lực của Đức Phật nên ngôi nhà ấy bỗng nhiên rộng rãi, trang nghiêm thanh tịnh với lưu ly xanh, đủ thứ các loại báu trang hoàng chan hòa màu sắc như cõi Phật thanh tịnh. Có hương thơm vi diệu hơn cả hương thơm cõi trời, lan tỏa khắp nơi. Ở bốn mặt nhà ấy đều có tòa Sư tử thượng diệu do bốn thứ báu tạo thành, trên tòa ấy trải vải báu của trời. Ở những tòa này lại có hoa sen vi diệu được trang trí bằng đủ thứ trân bảo và đều có những Đức Như Lai tự nhiên hiển hiện. Ở trên hoa sen có bốn Đức Như Lai: Đức Bất Động ở phương Đông, Đức Bảo Tướng ở phương Nam, Đức Vô Lượng Thọ ở phương Tây, Đức Thiên Cổ Âm ở phương Bắc. Bốn Đức Như Lai đó đều đang ngồi kiết già, phóng ra ánh sáng lớn soi sáng khắp thành Vương xá và tam thiên đại thiên thế giới này cho đến những cõi nước chư Phật nhiều như cát sông Hằng trong mười phương, mưa xuống các loại hoa trời, tấu lên nhạc trời... Bấy giờ, các chúng sinh trong Nam Thiệm-bộ châu này và trong tam thiên đại thiên thế giới, nhờ uy lực của Đức Phật, được niềm vui thù thắng thượng diệu, không có sự thiếu thốn. Người mà thân chẳng đủ, nhờ ân đó được đầy đủ, người mù có thể thấy, người điếc được nghe, người câm được nói, người ngu được trí, nếu người tâm loạn thì được tâm như cũ, nếu người không y phục thì được y phục, người bị giặc ác thì được sự kính trọng của người, người có cấu bẩn thì thân được thanh khiết. Ở thế gian này, những việc lợi ích, những điều chưa từng có đều hiển hiện.
Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Tràng thấy bốn Đức Như Lai và những việc hy hữu thì vui mừng hớn hở, chắp tay một lòng chiêm ngưỡng tướng thù thắng của các Đức Phật rồi lại suy nghĩ về công đức không lường của Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni. Chỉ có thọ mạng của Phật là Bồ-tát vẫn còn sinh lòng nghi hoặc: “Sao Đức Như Lai công đức vô lượng mà thọ mạng lại ngắn ngủi chỉ có tám mươi năm?” Bấy giờ, bốn Đức Phật bảo Bồ-tát Diệu Tràng:
–Này thiện nam! Ông nay chẳng nên suy nghĩ về tuổi thọ dài hay ngắn của Đức Như Lai! Vì sao? Này thiện nam! Chúng ta chẳng thấy chư Thiên, Thế gian, Phạm ma, Sa-môn, Bà-la-môn, người, chẳng phải người... mà có thể tính toán biết được giới hạn thời lượng sống lâu của Đức Phật, chỉ trừ đấng Vô thượng Chánh Biến Tri.
Khi ấy, bốn Đức Như Lai muốn nói về thọ lượng của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, do uy lực của Phật, trời Dục giới, trời Sắc giới, những rồng, quỷ thần, Càn-thát-bà, A-tô-la, Yết-lộ-trà, Khẩnna-la, Mạc-hô-lạc-già và vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha Đại Bồ-tát đều đến hội họp vào trong nhà thanh tịnh vi diệu của Bồ-tát Diệu Tràng. Bấy giờ, bốn Đức Phật ở giữa đại chúng, muốn hiển bày thọ mạng vô lượng của Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni mà nói kệ rằng:
Nước trong các biển lớn
Số giọt có thể lường
Không thể tính biết được
Thọ lượng của Thế Tôn!
Chẻ những núi cao diệu
Thành hạt cải đếm được
Không ai có thể tính
Thọ lượng Đức Thích Tôn!
Tất cả đất đại địa
Có thể biết số bụi
Không ai có thể tính
Thọ lượng Đức Thích Tôn!
Giả sử lường hư không
Có thể tận biên giới
Không thể đo biết được
Thọ lượng Đức Thích Tôn!
Nếu người ở ức kiếp
Tận lực tính toán luôn
Cũng vẫn không thể biết
Thọ lượng Đức Thích Tôn!
Chẳng hại mạng chúng sinh
Và thí cho uống ăn
Do hai thứ nhân ấy
Được tuổi thọ lâu dài.
Vì vậy nên tuổi thọ
Bậc Đại giác khó lường.
Như kiếp không bờ cõi
Tuổi thọ cũng như trên
Này Diệu Tràng phải biết
Khởi nghi hoặc, chẳng nên!
Tuổi thọ bậc Tối thắng
Không thể biết số lượng!
Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Tràng nghe bốn Đức Như Lai nói về thọ lượng vô hạn của Đức Phật Thíchca Mâu-ni, bạch:
–Bạch Thế Tôn! Làm sao Đức Như Lai thị hiện thọ lượng ngắn ngủi như vậy?
Bốn Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Diệu Tràng:
–Này thiện nam! Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ở đời năm trược, khi xuất hiện, loài người thọ một trăm tuổi, bản tánh thấp hèn, căn lành mỏng manh, lại không có lòng tin hiểu. Những chúng sinh này có nhiều ngã kiến, nhân kiến chúng sinh thọ giả dưỡng dục tà kiến, ngã, ngã sở kiến, đoạn kiến, thường kiến... vì muốn lợi ích cho các chúng sinh này và chúng ngoại đạo... những loại như vậy, khiến họ phát sinh sự hiểu biết chân chánh, mau được thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Vậy nên Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni thị hiện tuổi thọ ngắn ngủi như vậy.
Này thiện nam! Nhưng Đức Như Lai muốn khiến cho chúng sinh thấy Như Lai nhập Niết-bàn rồi sẽ sinh tư tưởng khó gặp, tư tưởng ưu khổ... Đối với các kinh giáo mà Đức Thế Tôn đã giảng nói, họ sẽ mau chóng thọ trì, đọc tụng thông lợi, vì người giải nói chẳng sinh ra hủy báng. Vậy nên Đức Như Lai thị hiện có tuổi thọ ngắn ngủi. Vì sao? Vì những chúng sinh đó nếu thấy Như Lai chẳng vào Bát-niết-bàn thì chẳng sinh tư tưởng cung kính khó gặp và đối với kinh điển thậm thâm của Như Lai nói cũng chẳng thọ trì đọc tụng thông lợi và vì người giảng nói. Vì sao? Do thường thấy Phật nên chẳng tôn trọng.
Này thiện nam! Ví như có người thấy cha mẹ mình có nhiều tài sản, trân bảo tràn đầy. Họ liền đối với của cải chẳng sinh tư tưởng hiếm có, khó gặp. Vì sao? Vì đối với tài vật của cha, sinh ra ý tưởng cho là bình thường. Này thiện nam! Những chúng sinh kia cũng vậy, nếu thấy Đức Như Lai chẳng vào Niết-bàn thì chẳng sinh tư tưởng hy hữu, khó gặp. Vì sao? Vì do thường kiến! Này thiện nam! Ví như có người, cha mẹ nghèo cùng, của cải thiếu thốn. Nhưng người nghèo kia hoặc đi đến nhà của vua hoặc nhà của đại thần, thấy kho lẫm những nơi ấy đều đầy tràn những thứ trân bảo thì liền sinh lòng hy hữu, tư tưởng khó gặp. Người nghèo đó vì muốn cầu của cải nên bằng nhiều phương cách sách tấn, siêng năng không lười biếng. Vì sao? Vì để bỏ bần cùng, nhận an vui vậy. Này thiện nam! Những chúng sinh kia cũng vậy, nếu thấy Đức Như Lai vào Niết-bàn thì sinh tư tưởng khó gặp... cho đến tư tưởng ưu khổ... mà khởi lên ý niệm: “Ở vô lượng kiếp, chư Phật Như Lai xuất hiện ở đời như khi hoa Ưu-đàm-bát-la một lần xuất hiện”, thì những chúng sinh kia mới phát tâm hy hữu, tư tưởng khó gặp, nên nếu gặp Như Lai thì lòng mới sinh kính tín, nghe nói chánh pháp mới sinh tư tưởng cho là thật ngữ, tất cả các kinh điển đều thọ trì, chẳng hề hủy báng. Này thiện nam! Do nhân duyên này nên Đức Phật Thế Tôn chẳng ở lâu nơi đời mà phải mau chóng vào Niết-bàn. Này thiện nam! Các Đức Như Lai dùng những phương tiện khéo léo như vậy để thành tựu chúng sinh.
Bấy giờ, bốn Đức Phật nói những lời này xong thì bỗng nhiên biến mất.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Diệu Tràng cùng vô lượng trăm ngàn Bồ-tát và vô lượng ức vô số trăm ngàn chúng sinh đều cùng nhau đi đến chỗ Đức Như Lai Chánh Biến Tri Thích-ca Mâu-ni trên núi Thứu phong, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, rồi đứng về một phía. Bồ-tát Diệu Tràng đem những việc như trên bạch đầy đủ với Đức Thế Tôn. Cùng lúc đó bốn Đức Như Lai cũng đi đến núi Thứu phong, tới chỗ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và đều tùy theo phương của mình mà ngồi vào tòa, rồi bảo Bồ-tát thị giả rằng: “Này thiện nam! Ông nay có thể đi đến chỗ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, vì ta mà hỏi thăm Thế Tôn ít bệnh, ít khổ, đi ở nhẹ nhàng, các hành an vui chăng?” Rồi Phật lại nói rằng: “Hay thay! Hay thay! Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni hôm nay có thể diễn nói kinh Kim Quang Minh pháp cốt yếu, thậm thâm, vì muốn lợi ích cho tất cả chúng sinh, trừ bỏ đói kém, khiến cho họ được an lạc, ta sẽ tùy hỷ.”
Khi ấy, thị giả của các Đức Phật đều đi đến chỗ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đảnh lễ dưới chân, rồi lui về đứng một bên, đều bạch Đức Phật rằng:
–Đấng Thiên Nhân Sư bảo con hỏi thăm đấng Vô Lượng có ít bệnh, ít khổ, đi ở nhẹ nhàng, các hành an vui không?
Các vị Phật ấy lại nói rằng:
–Hay thay! Hay thay! Đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai, hôm nay có thể diễn nói kinh Kim Quang Minh là pháp cốt yếu, thậm thâm, vì muốn lợi ích cho tất cả chúng sinh, trừ bỏ sự đói kém, khiến cho tất cả đều được an vui.
Bấy giờ, Đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác bảo các Bồ-tát thị giả đó rằng:
–Hay thay! Hay thay! Bốn Đức Như Lai kia đã có thể vì sự ích lợi và an lạc của các chúng sinh mà khuyến thỉnh ta tuyên dương Chánh pháp!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Ta ở núi Thứu phong
Tuyên nói kinh báu này
Vì thành tựu chúng sinh
Thị hiện vào Niết-bàn.
Phàm phu khởi tà kiến
Lời ta nói, chẳng tin,
Vì thành tựu cho họ
Ta thị hiện Niết-bàn.
Trong đại hội có vị Bà-la-môn, họ Kiều-trầnnhư tên là Pháp sư Thọ Ký cùng với vô lượng trăm ngàn các Bà-la-môn cúng dường Đức Phật rồi, nghe Đức Thế Tôn vào Bát-niết-bàn thì nước mắt ràn rụa, làm lễ dưới chân Đức Phật mà bạch rằng:
–Bạch Thế Tôn! Nếu quả thật Đức Như Lai đối với các chúng sinh có lòng đại Từ bi, thương xót đem lại lợi ích khiến cho họ được an lạc giống như cha mẹ, không ai bằng, thì có thể cho thế gian làm chỗ quy y như trăng tròn thanh tịnh, dùng đại trí tuệ có thể vì họ soi sáng như mặt trời mới mọc, quan sát khắp chúng sinh yêu thương không thiên lệch, đồng như La-hầu-la. Nguyện xin Đức Thế Tôn cho con một ước nguyện.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lặng im. Nhờ uy lực của Đức Phật nên ở trong chúng này, có một đồng tử Li-xa-tỳ tên là Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến nói với Bà-la-môn Kiều-trần-như:
–Thưa Đại Bà-la-môn! Ngài nay theo Đức Phật muốn xin nguyện vọng gì? Tôi có khả năng cho Ngài?
Vị Bà-la-môn nói rằng:
–Thưa đồng tử! Tôi muốn cúng dường Thế Tôn Vô thượng. Nay tôi theo Đức Như Lai cầu thỉnh xá-lợi dù chỉ một phần như hạt cải. Vì sao? Vì tôi từng nghe nói rằng, nếu thiện nam, thiện nữ nào được xá-lợi của Phật một phần chừng bằng hạt cải mà cung kính cúng dường thì người đó sẽ được sinh lên cõi trời Tam thập tam, làm Đế Thích.
Lúc đó, đồng tử nói với vị Bà-la-môn rằng:
–Nếu muốn nguyện sinh lên trời Tam thập tam nhận phước báo thù thắng thì cần phải chí tâm lắng nghe kinh Kim Quang Minh tối thắng, là kinh thù thắng trong các kinh, khó hiểu, khó thể nhập, Thanh văn, Độc giác chẳng thể biết. Kinh này có thể sinh khởi vô lượng, vô biên quả báo phước đức... cho đến thành Bồ-đề vô thượng. Tôi nay vì Ngài lược nói việc ấy!
Vị Bà-la-môn nói rằng:
–Hay thay! Thưa đồng tử! Kinh Kim Quang Minh này sâu xa bậc nhất khó hiểu, khó thể nhập, Thanh văn, Độc giác còn chẳng thể biết, huống gì chúng tôi là người biên địa hèn kém, trí tuệ cạn cợt mà có thể hiểu được sao? Vậy nên tôi nay cầu xálợi của Đức Phật một phần nhỏ chừng như hạt cải để đem về bản xứ, đặt vào trong hộp báu, cung kính cúng dường để sau khi mạng chung được làm Đế Thích, luôn hưởng thụ an lạc. Sao ông chẳng thể vì tôi theo đức Minh Hành Túc cầu xin một nguyện vọng ấy?
Bà-la-môn nói lời đó rồi, bấy giờ, đồng tử liền vì Bà-la-môn nói kệ:
Nước sông Hằng chảy nhanh
Có thể sinh sen trắng
Chim vàng thành màu trắng
Quạ đen biến thành đỏ
Giả sử cây Thiệm-bộ
Sinh được quả Đa-la
Trong cành Khiết-thọ-la
Lá Am-la xuất hiện.
Những vật hy hữu kia
Hoặc có thể chuyển biến
Xá-lợi Đức Thích-ca
Rốt ráo chẳng thể được
Giả sử dùng lông rùa
Dệt thành y phục đẹp
Lạnh có thể mặc vào
Mới cầu xá-lợi Phật.
Giả sử chân muỗi, ve
Có thể dựng lầu đài
Vững bền chẳng dao động
Mới cầu xá-lợi Phật.
Giả sử con đỉa nước
Trong miệng sinh răng trắng
Như kim dài, to, bén
Mới cầu xá-lợi Phật.
Giả sử sừng thỏ đen
Dùng làm thành thềm bậc
Để đi lên thiên cung
Mới cầu xá-lợi Phật.
Chuột nhờ bậc này lên
Diệt trừ A-tô-la
Ngăn vầng trăng trong không
Mới cầu xá-lợi Phật.
Nếu ruồi uống rượu say
Đi khắp trong thôn ấp
Làm nhà cửa khắp nơi
Mới cầu xá-lợi Phật.
Nếu khiến màu môi lừa
Đỏ như trái Tần-bà
Rồi khéo léo múa ca
Mới cầu xá-lợi Phật.
Quạ cùng chim cú mèo
Cùng sống chung một chỗ
Đó, đây hòa thuận nhau
Mới cầu xá-lợi Phật.
Giả sử lá Ba-la
Có thể làm dù che
Ngăn được trận mưa lớn
Mới cầu xá-lợi Phật.
Giả sử thuyền bè to
Chở đầy các châu báu
Đi được trên đất liền
Mới cầu xá-lợi Phật.
Giả sử loài chim ri
Dùng mỏ ngậm núi Hương
Đi đến khắp mọi nơi
Mới cầu xá-lợi Phật.
Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Pháp sư Thọ Ký nghe bài tụng này rồi cũng dùng kệ đáp lại đồng tử Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến rằng:
Hay thay! Đại đồng tử
An lành giữa đại chúng
Tâm phương tiện thiện xảo
Được thọ ký Vô thượng
Như Lai uy đức lớn
Có thể cứu thế gian
Đồng tử hãy lắng nghe
Tôi sẽ lần lượt nói
Cảnh giới Phật khó bàn
Thế gian không sánh bằng
Tánh Pháp thân thường trụ
Tu hành không sai khác
Thể chư Phật đều đồng
Lời nói pháp cũng vậy
Vô vi của Thế Tôn
Cũng vốn là không sinh
Thể Thế Tôn Kim Cang.
Quyền biến hiện hóa thân
Nên xá-lợi Thế Tôn
Không giống như hạt cải
Phật chẳng thân máu thịt
Làm sao có xá-lợi?
Phương tiện xương thân lưu
Vì lợi ích chúng sinh
Pháp thân là Chánh giác
Như Lai tức pháp giới
Đây là chân thân Phật
Cũng nói pháp như vậy.
Bấy giờ, ba vạn hai ngàn Thiên tử trong hội nghe nói về tuổi thọ lâu dài của Đức Như Lai, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vui mừng hớn hở, được điều chưa từng có, họ đồng thanh nói kệ:
Phật chẳng Bát-niết-bàn
Chánh pháp cũng chẳng diệt
Vì lợi ích chúng sinh
Nên thị hiện diệt tận.
Thế Tôn chẳng nghĩ bàn
Diệu thể không thay đổi
Vì lợi ích chúng sinh
Hiện đủ loại trang nghiêm.
Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Tràng ở trước Đức Phật và bốn Đức Như Lai, cùng với hai Đại sĩ, các Thiên tử được nghe nói về thọ lượng của Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni rồi, đứng dậy, chắp tay cung kính, bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu thật như vậy, các Đức Phật Như Lai chẳng vào Bát-niết-bàn, không có xá-lợi thì sao trong kinh nói có Niết-bàn và xá-lợi của Phật, khiến cho trời, người cung kính cúng dường? Và các Đức Phật đời quá khứ hiện nay có xương thân lưu bố ở thế gian cho trời, người cúng dường được phước vô biên, nay lại nói không? Vì thế, con rất lấy làm nghi hoặc, nguyện xin Đức Thế Tôn từ bi giảng giải cho chúng con!
Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Diệu Tràng và đại chúng:
–Các ông phải biết rằng, gọi Bát-niết-bàn, có xá-lợi chính là mật ý. Ta nói về ý nghĩa như vậy, các ông phải một lòng lắng nghe. Này thiện nam! Đại Bồ-tát nên biết, có mười pháp có thể hiểu nghĩa lý chân thật của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về việc có đại Bát-niết-bàn hoàn hảo. Những gì là mười?
1. Các Đức Phật Như Lai đoạn trừ hoàn toàn các Phiền não chướng và Sở tri chướng nên gọi là Niết-bàn.
2. Các Đức Phật Như Lai có khả năng hiểu rõ vô tánh của hữu tình và vô tánh của pháp nên gọi là Niết-bàn.
3. Có thể thay đổi sự nương tựa vào thân và sự nương tựa vào pháp nên gọi là Niết-bàn.
4. Đối với các loài hữu tình mặc tình xoay vần ngưng nghỉ, nhân duyên biến hóa nên gọi là Niếtbàn.
5. Chứng được tướng chân thật không sai biệt, Pháp thân bình đẳng nên gọi là Niết-bàn.
6. Biết rõ bản tánh của sinh tử và Niết-bàn vốn không hai, nên gọi là Niết-bàn.
7. Liễu ngộ căn bản của tất cả các pháp, chứng được thanh tịnh, nên gọi là Niết-bàn.
8. Tu hành trọn vẹn đối với tất cả pháp không sinh không diệt, nên gọi là Niết-bàn.
9. Chân như pháp giới thật tế bình đẳng, đạt được Chánh trí nên gọi là Niết-bàn.
10. Đạt được tâm không phân biệt đối với tính các pháp và tính Niết-bàn, nên gọi là Niết-bàn. Đó gọi là mười pháp nói có Niết-bàn.
Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát nên biết, lại có mười pháp có thể giải nghĩa lý chân thật của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về việc ngài nói có đại Bát-niết-bàn hoàn hảo. Những gì là mười?
1. Tất cả phiền não đều do dục lạc làm gốc, từ dục lạc sinh ra, các Đức Phật Thế Tôn đoạn dứt dục lạc, nên gọi là Niết-bàn.
2. Do các Đức Như Lai đoạn trừ các dục lạc, chẳng chấp một pháp nào. Do không nắm giữ, nên không đi không lại, không có đối tượng chấp thủ, nên gọi là Niết-bàn.
3. Do không đi lại và không chấp thủ, đó là Pháp thân chẳng sinh chẳng diệt. Do không sinh diệt nên gọi là Niết-bàn.
4. Sự không sinh diệt này chẳng phải là đối tượng tuyên nói của ngôn ngữ, ngôn ngữ đoạn dứt, nên gọi là Niết-bàn.
5. Không có nhân, ngã chỉ có pháp sinh diệt được chuyển y, nên gọi là Niết-bàn.
6. Phiền não theo mê hoặc đều chỉ là khách trần, pháp tánh mới chính là chủ, không đến không đi, Phật rõ biết như vậy, nên gọi là Niết-bàn.
7. Chân như chính là chân, còn lại đều hư vọng cả. Thể tánh chân thật tức là Chân như. Tánh của Chân như tức là Như Lai, đó gọi là Niết-bàn.
8. Tánh của thật tế không có hý luận, chỉ có Như Lai chứng được pháp thật tế, đoạn trừ hẳn hý luận, gọi là Niết-bàn.
9. Vô sinh là chân thật, sinh là hư vọng, người ngu si trôi lăn trong sinh tử. Thể của Như Lai chân thật không hư vọng, gọi là Niết-bàn.
10. Pháp chẳng thật là pháp do duyên sinh. Pháp chân thật chẳng do duyên khởi, thể tánh của Pháp thân Như Lai là chân thật, gọi là Niết-bàn.
Này thiện nam! Đó gọi là mười pháp nói có Niết-bàn.
Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát nên biết lại có mười pháp có thể giải nghĩa lý chân thật của Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về việc ngài nói có đại Bát-niết-bàn hoàn hảo. Những gì là mười?
1. Như Lai biết rõ về bố thí và quả báo của bố thí không ngã và ngã sở. Bố thí và quả báo của bố thí này chẳng thể phân biệt, trừ diệt hoàn toàn, nên gọi là Niết-bàn.
2. Như Lai biết rõ về trì giới và quả báo của trì giới vô ngã và ngã sở. Trì giới và quả báo của trì giới này chẳng thể phân biệt, diệt trừ hoàn toàn, nên gọi là Niết-bàn.
3. Như Lai biết rõ về nhẫn nhục và quả báo của nhẫn nhục vô ngã và ngã sở. Nhẫn nhục và quả báo của nhẫn nhục này chẳng thể phân biệt, diệt trừ hoàn toàn, nên gọi là Niết-bàn.
4. Như Lai biết rõ về tinh tấn và quả báo của tinh tấn vô ngã và ngã sở. Tinh tấn và quả báo của tinh tấn chẳng thể phân biệt, diệt trừ hoàn toàn, nên gọi là Niết-bàn.
5. Như Lai biết rõ về định và quả báo của định vô ngã và ngã sở. Định và quả định này chẳng thể phân biệt, diệt trừ hoàn toàn, nên gọi là Niết-bàn.
6. Như Lai biết rõ về tuệ và quả báo của tuệ vô ngã và ngã sở. Tuệ và quả báo của tuệ này chẳng thể phân biệt, trừ diệt hoàn toàn, nên gọi là Niếtbàn.
7. Các Đức Phật Như Lai có thể rõ biết tất cả loài hữu tình và chẳng phải hữu tình, tất cả các pháp đều vô tánh, chẳng thể phân biệt, trừ diệt hoàn toàn, nên gọi là Niết-bàn.
8. Nếu tự yêu thương chấp chặt bản mình thì liền khởi tâm tìm cầu, do tìm cầu nên chịu mọi khổ não. Các Đức Phật Như Lai diệt trừ sự tự chấp chặt bản mình nên đoạn trừ hẳn, không còn tìm cầu, nên gọi là Niết-bàn.
9. Pháp hữu vi đều có số lượng, pháp vô vi thì không còn số lượng. Phật lìa khỏi pháp hữu vi, chứng pháp vô vi không số lượng, nên gọi là Niếtbàn.
10. Như Lai rõ biết thể tánh của hữu tình và pháp đều là không, lìa không chẳng phải có. Tánh không tức là Pháp thân chân thật, nên gọi là Niếtbàn.
Này thiện nam! Đó gọi là mười pháp nói có Niết-bàn.
Lại nữa, này thiện nam! Đâu phải chỉ có Như Lai mới chẳng Bát-niết-bàn. Đó là hy hữu! Lại có mười pháp hy hữu, chính là hạnh Như Lai. Những gì là mười?
1. Sinh tử tội lỗi, Niết-bàn tịch tịnh. Do đối với sinh tử và cả Niết-bàn chứng được bình đẳng, chẳng ở trong lưu chuyển, chẳng trụ ở Niết-bàn, đối với các hữu tình chẳng sinh chán bỏ. Đó là hạnh của Như Lai.
2. Phật đối với chúng sinh chẳng nghĩ rằng, “những kẻ ngu này có kiến chấp điên đảo, bị sự ràng buộc ép ngặt của các phiền não, ta nay khai ngộ khiến cho họ giải thoát.” Nhưng do lực thiện căn Từ bi thuở xưa vẫn ở trong loài hữu tình kia, theo căn tánh của chúng, ý ưa thắng giải, chẳng khởi phân biệt, vẫn chuyển vần tế độ, thị hiện giáo hóa, lợi ích vui mừng đến tận đời vị lai, không có cùng tận. Đó là hạnh của Như Lai.
3. Phật không có ý niệm này: “Ta nay diễn nói mười hai phần giáo lợi ích cho hữu tình”, nhưng do lực thiện căn từ bi, vì những hữu tình đó, vẫn giảng nói rộng rãi, cho đến tận đời vị lai, không có cùng tận. Đó là hạnh của Như Lai.
4. Phật không có ý niệm này: “Ta nay đi đến thành ấp, xóm làng kia, đến cung vua, nhà của đại thần, Bà-la-môn, sát-lợi, tỳ-xá, mậu-đạt-la... đến những chỗ ấy để khất thực. Nhưng do lực tập quán của các hạnh của thân, miệng, ý thuở xưa nên vẫn đến nơi đó, vì sự lợi ích mà đi khất thực. Đó là hạnh của Như Lai.
5. Thân của Như Lai không có đói khát, cũng không tướng yếu đuối, mệt mỏi hay tiện lợi, tuy có khất thực, có nhận thức ăn mà không hề có sự ăn uống, cũng không phân biệt. Nhưng vì sự lợi ích của hữu tình mà thị hiện có tướng ăn. Đó là hạnh của Như Lai.
6. Phật không có ý niệm này: “Những chúng sinh này có thượng, trung, hạ, tùy theo căn cơ, tính khí của họ mà vì họ nói pháp.” Nhưng Phật Thế Tôn vẫn không có tâm phân biệt, tùy theo khả năng tiếp nhận của họ mà khéo léo ứng hợp theo cơ duyên, vì họ nói pháp. Đó là hạnh của Như Lai.
7. Phật không có ý niệm này: “Loài hữu tình này chẳng cung kính ta, thường đối với ta phát ra lời trách mắng, ta chẳng thể cùng với họ cùng nói chuyện. Loài hữu tình kia cung kính ta, thường đối với ta cùng nhau khen ngợi. Ta sẽ cùng với họ nói chuyện.” Nhưng Như Lai vẫn khởi lòng Từ bi, bình đẳng không phân biệt. Đó là hạnh của Như Lai.
8. Các Đức Phật Như Lai không tâm có yêu ghét, kiêu mạn, tham tiếc và các phiền não. Nhưng Như Lai thường ưa tịch tịnh, khen ngợi sự ít ham muốn, lìa xa chỗ huyên náo. Đó là hạnh của Như Lai.
9. Như Lai không có pháp nào mà chẳng biết và chẳng hoàn toàn thông đạt, đối với cảnh trí hiện tiền của tất cả các cõi, Ngài không hề phân biệt. Nhưng Như Lai thấy sự tạo tác sự nghiệp của những hữu tình, tùy theo tâm ý của họ, vận chuyển phương tiện dẫn dụ khiến cho họ được giải thoát. Đó là hạnh của Như Lai.
10. Như Lai nếu thấy một số hữu tình được giàu thịnh, chẳng hoan hỷ, thấy họ suy tổn cũng chẳng lo buồn. Nhưng nếu Như Lai thấy những hữu tình kia tu tập Chánh hạnh thì dùng tâm đại Từ vô ngại tự nhiên cứu giúp. Nếu thấy hữu tình tu tập tà hạnh thì cũng dùng tâm đại Bi vô ngại tự nhiên cứu giúp. Đó là hạnh của Như Lai.
Này thiện nam! Như vậy phải biết rằng, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nói có vô biên Chánh hạnh như vậy. Các ông nên biết, đó gọi là tướng Niết-bàn chân thật. Hoặc khi thấy có Bát-niết-bàn, thì đó là phương tiện quyền biến và sự lưu lại xálợi để các hữu tình cung kính cúng dường đều là lực thiện căn từ bi của Như Lai. Nếu người cúng dường thì ở đời vị lai lìa xa tám nạn, được gặp các Đức Phật, gặp Thiện tri thức, chẳng mất thiện tâm, phước báo vô biên, mau chóng sẽ được giải thoát, chẳng bị sự trói buộc của sinh tử. Những diệu hạnh như vậy, các ông phải siêng năng tu hành, chớ nên buông lung!
Lúc bấy giờ, Bồ-tát Diệu Tràng nghe Đức Phật đích thân nói chẳng Bát-niết-bàn và hạnh thậm thâm mà chắp tay cung kính bạch rằng:
–Con nay mới biết Như Lai Đại sư chẳng vào Bát-niết-bàn và lưu lại xá-lợi để làm lợi ích cho khắp các chúng sinh, thân tâm con rất đổi vui sướng, thật là chưa từng có!
Khi nói phẩm Thọ Lượng của Như Lai này thì vô lượng, vô số, vô biên chúng sinh đều phát tâm Vô đẳng đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bốn Đức Như Lai bỗng nhiên biến mất. Bồ-tát Diệu Tràng làm lễ dưới chân Đức Phật rồi, đứng dậy trở về chỗ ở của mình.
Hán dịch: Đời Đại Đường, Tam tạng Sa-môn Nghĩa Tịnh.
Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát Hư Không Tạng, ở trong đại chúng, đứng dậy sửa lại áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, dùng hoa báu vàng vi diệu thượng hạng, tràng phan, bảo cái để cúng dường, rồi bạch:
–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát phải làm thế nào để như pháp tu hành đối với sự bí mật thậm thâm của các Đức Như Lai?
Đức Phật bảo:
–Này thiện nam! Hãy lắng nghe! Lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói!
Này thiện nam! Tất cả Như Lai có đều có ba loại thân. Những gì là ba?
1. Hóa thân.
2. Ứng thân.
3. Pháp thân.
Ba thân như vậy bao gồm đầy đủ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nếu rõ biết chân chánh sẽ mau chóng ra khỏi sinh tử.
Sao gọi là Bồ-tát biết rõ Hóa thân? Này thiện nam! Như Lai thuở xưa ở trong các Địa tu hành, vì tất cả chúng sinh tu đủ các loại pháp. Tu tập như vậy cho đến khi tu hành viên mãn. Nhờ lực tu hành nên được đại tự tại. Nhờ lực tự tại nên tùy theo ý chúng sinh, tùy theo hạnh chúng sinh, tùy theo cảnh giới của chúng sinh, tất cả đều rõ biết, phân biệt, chẳng sớm, chẳng trễ, luôn tương ứng với chỗ, tương ứng với thời, tương ứng với hạnh để nói pháp tương ứng, hiện các loại thân. Đó gọi là Hóa thân.
Này thiện nam! Làm thế nào để Bồ-tát biết rõ Ứng thân? Nghĩa là các Đức Như Lai vì muốn các Bồ-tát được thông đạt nên nói đến Chân đế, vì khiến cho các vị hiểu rõ sinh tử, Niết-bàn là một vị, vì trừ kinh sợ và đạt được vui mừng cho các chúng sinh còn thân kiến, vì Phật pháp vô biên mà làm gốc, như thật tương ứng với Như như, trí Như như, vì lực nguyện xưa nên thân này được hiện, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, vầng sáng tròn sau cổ... đó gọi là Ứng thân.
Này thiện nam! Làm thế nào để Đại Bồ-tát rõ biết Pháp thân? Vì trừ các chướng phiền não..., vì đủ các thiện pháp nên chỉ có Như như, trí Như như. Đó gọi là Pháp thân. Hai thân trước là giả danh mà có. Thân thứ ba này là chân thật mà có và vì hai thân trước mà làm căn bản. Vì sao? Vì lìa khỏi Như như của pháp, lìa khỏi trí không phân biệt thì tất cả chư Phật không có pháp khác. Tất cả chư Phật, trí tuệ đầy đủ, tất cả phiền não tận diệt rốt ráo, được Phật địa thanh tịnh. Vậy nên Như như pháp, trí Như như bao gồm tất cả Phật pháp.
Lại nữa, này thiện nam! Tất cả chư Phật, lợi ích cho mình, cho người đã đạt đến hoàn hảo. Lợi ích của mình thì chính là Như như pháp. Lợi ích cho người khác thì chính là trí Như như. Chư Phật có thể đối với sự lợi ích của mình, của người mà được tự tại thành tựu các diệu dụng vô biên. Vậy nên, phân biệt tất cả Phật pháp có vô lượng, vô biên những sự sai biệt.
Này thiện nam! Ví như nương vào vọng tưởng mà suy nghĩ nói ra các loại phiền não, nói ra các loại nghiệp nhân và đủ loại quả báo. Như vậy, nương Như như pháp, nương vào chỉ trí Như như nói đủ loại Phật pháp, nói các pháp Độc giác, nói các pháp Thanh văn. Nương vào Như như pháp, nương vào trí Như như thì tất cả Phật pháp đều tự tại thành tựu. Đó là sự chẳng thể nghĩ bàn thứ nhất. Ví như vẽ vào hư không để tạo tác đồ trang nghiêm là khó nghĩ bàn, cũng vậy, nương vào Như như pháp, nương vào trí Như như để thành tựu Phật pháp cũng khó nghĩ bàn.
Này thiện nam! Sao gọi là Như như pháp, trí Như như? Cả hai không phân biệt mà được tự tại thành tựu sự nghiệp. Này thiện nam! Ví như Như Lai vào Niết-bàn mà nguyện tự tại nên tất cả sự nghiệp đều được thành tựu. Như như pháp, trí Như như tự tại thành tựu sự nghiệp cũng như vậy.
Lại nữa, Đại Bồ-tát vào định Vô tâm, nương theo nguyện lực trước, rồi ra khỏi định, thực hành mọi sự nghiệp, hai pháp như vậy không có phân biệt tự tại thành tựu sự nghiệp. Này thiện nam! Ví như mặt trời, mặt trăng không có phân biệt, gương mặt nước không có phân biệt, ánh sáng cũng không phân biệt. Ba loại hòa hợp lại thì có hình ảnh sinh ra! Như vậy Như như pháp, trí Như như cũng không phân biệt, do nguyện tự tại, chúng sinh có cảm nên hiện Ứng thân và Hóa thân như hình bóng mặt trời, mặt trăng do hòa hợp mà xuất hiện.
Lại nữa, này thiện nam! Ví như vô lượng, vô biên gương mặt nước nương vào ánh sáng nên ảnh của hư không được hiện đủ loại tướng khác nhau. Hư không tức là vô tướng. Này thiện nam! Như vậy những đệ tử nhận được những sự giáo hóa chính là ảnh của Pháp thân. Do nguyện lực nên đối với hai loại thân, thị hiện vô số tướng mà ở lãnh vực của Pháp thân, không có tướng nào khác. Này thiện nam! Nương vào hai thân này, tất cả chư Phật nói Niết-bàn Hữu dư. Nương vào Pháp thân này, chư Phật nói Niết-bàn Vô dư. Vì sao? Vì tất cả pháp còn lại đều diệt hoàn toàn. Nương vào ba thân này, tất cả chư Phật nói Niết-bàn Vô trụ xứ. Vì hai thân nên chẳng trụ Niết-bàn, lìa khỏi Pháp thân không có Phật nào khác. Vì sao hai thân chẳng trụ Niết-bàn? Vì hai thân là giả danh, không thật, từng niệm từng niệm sinh diệt, chẳng tồn tại nhất định, thỉnh thoảng xuất hiện do bất định, còn Pháp thân thì chẳng vậy. Vậy nên hai thân chẳng trụ Niết-bàn còn Pháp thân chẳng hai. Vậy nên chẳng trụ Niếtbàn, nên nương vào ba thân nói Niết-bàn Vô trụ.
Này thiện nam! Tất cả phàm phu vì ba tướng nên có trói buộc có chướng ngại, xa lìa ba thân, chẳng đến ba thân. Những gì là ba?
1. Tướng biến kế sở chấp.
2. Tướng y tha khởi.
3. Tướng thành tựu.
Các tướng như vậy chẳng thể hiểu, chẳng thể diệt, chẳng thể tịnh. Vậy nên chẳng được đến với ba thân. Ba tướng như vậy có thể hiểu, có thể diệt, có thể tịnh. Vậy nên chư Phật đầy đủ ba thân.
Này thiện nam! Những người phàm phu chưa thể trừ được ba tâm này nên xa lìa ba thân, chẳng thể được đến. Những gì là ba?
1. Tâm khởi sự.
2. Tâm y căn bản.
3. Tâm căn bản.
Nương các đạo điều phục thì tâm khởi sự diệt, nương theo pháp đoạn đạo thì tâm nương theo căn bản diệt, nương theo đạo Tối thắng thì tâm căn bản diệt. Tâm khởi sự diệt, được hiện Hóa thân. Tâm nương căn bản diệt nên được hiển bày Ứng thân. Tâm căn bản diệt nên được đến với Pháp thân. Vậy nên tất cả Như Lai đầy đủ ba thân.
Này thiện nam! Tất cả chư Phật ở thân thứ nhất cùng chư Phật đồng sự, ở thân thứ hai cùng chư Phật đồng ý, ở thân thứ ba cùng chư Phật đồng thể. Này thiện nam! Thân Phật đầu tiên này tùy theo ý của chúng sinh có nhiều loại nên hiện đủ loại tướng. Vậy nên nói là nhiều. Thân Phật thứ hai vì đệ tử một ý nên hiện một tướng. Vậy nên nói là một. Thân Phật thứ ba qua khỏi tất cả tướng, chẳng phải cảnh giới chấp tướng. Vậy nên nói là chẳng một, chẳng hai. Này thiện nam! Thân thứ nhất nương vào Ứng thân được hiển hiện. Thân thứ hai nương vào Pháp thân được hiển hiện. Pháp thân là chân thật có, không hề nương tựa. Này thiện nam! Như vậy, ba thân vì nghĩa có mà nói đến thường, vì nghĩa có mà nói đến vô thường. Hóa thân thì luôn luôn vận chuyển pháp luân, khắp nơi nơi tùy duyên mà phương tiện nối tiếp nhau chẳng đoạn dứt. Vậy nên, nói là thường. Chẳng phải là căn bản nên đầy đủ đại dụng, chẳng hiển hiện nên nói là vô thường. Ứng thân thì từ vô thỉ đến nay nối tiếp nhau chẳng đoạn dứt, tất cả pháp bất cộng của chư Phật có thể được giữ gìn, chúng sinh là không cùng tận, nên diệu dụng của ứng thân cũng không cùng tận. Vậy nên, nói là thường. Chẳng phải là căn bản, nên đầy đủ các dụng, chẳng hiển hiện nên nói là vô thường. Pháp thân thì chẳng phải là pháp thực hành, không có tướng khác, là căn bản nên giống như hư không. Vậy nên nói là thường.
Này thiện nam! Lìa khỏi trí vô phân biệt, lại không Thắng trí, lìa khỏi Như như pháp, không có cảnh giới thù thắng, đó là Như như pháp, chính là Như như tuệ. Hai loại Như như này, Như như chẳng phải một, chẳng khác. Vậy nên Pháp thân là tuệ thanh tịnh, là diệt thanh tịnh. Do hai thanh tịnh này nên Pháp thân đầy đủ thanh tịnh.
Lại nữa, này thiện nam! Phân biệt về ba thân, có bốn loại khác nhau: Có Hóa thân chẳng phải Ứng thân, có Ứng thân chẳng phải hóa thân, có Hóa thân cũng là Ứng thân, có chẳng phải Hóa thân cũng chẳng phải Ứng thân.
Sao là Hóa thân chẳng phải Ứng thân? Là các Đức Như Lai sau khi vào Bát-niết-bàn, do nguyện tự tại nên tùy duyên lợi ích. Đó gọi là Hóa thân.
Sao là Ứng thân chẳng phải Hóa thân? Là thân trụ ở Bồ-tát địa.
Sao là Hóa thân cũng là Ứng thân? Là thân trụ ở Niết-bàn Hữu dư.
Sao là chẳng phải Hóa thân, chẳng phải Ứng thân? Chính là Pháp thân.
Này thiện nam! Pháp thân này hiển hiện hai loại không sở hữu. Những gì là hai loại không sở hữu? Đối với Pháp thân này thì tướng và nơi chốn của tướng, cả hai đều là không, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải một, chẳng phải khác, chẳng phải số, chẳng phải phi số, chẳng phải sáng, chẳng phải tối... Như vậy trí Như như chẳng thấy tướng và nơi chốn của tướng, chẳng thấy chẳng phải có chẳng phải không, chẳng thấy chẳng phải một chẳng phải khác, chẳng thấy chẳng phải số chẳng phải phi số, chẳng thấy chẳng phải sáng chẳng phải tối... Vì vậy, phải biết cảnh giới thanh tịnh, trí tuệ thanh tịnh chẳng thể phân biệt, không có trung gian, là căn bản của đạo tịch diệt. Với Pháp thân này, có thể hiển hiện vô số sự nghiệp của Như Lai.
Này thiện nam! Nhân duyên, cảnh giới, xứ sở và quả báo của thân này vì nương vào căn bản nên rất khó nghĩ bàn. Nếu rõ được nghĩa này thì thân này tức là Đại thừa, là Như Lai tánh, là Như Lai tạng. Nương vào thân này được phát tâm đầu tiên, tâm tu hành các địa; được hiển hiện tâm của quả vị không thoái chuyển; cũng được hiển hiện tâm Nhất sinh bổ xứ, tâm Kim cang, tâm Như Lai; hiển hiện, vô lượng, vô biên diệu pháp của Như Lai, tất cả đều hiển hiện. Nương vào Pháp thân này, sẽ được hiển hiện đại Tam-muội không thể nghĩ bàn. Nương vào Pháp thân này, được hiện tất cả Đại trí. Vậy nên, hai thân nương vào Tam-muội, nương vào trí tuệ mà được hiển hiện như Pháp thân này. Nương vào tự thể nói Thường, nói Ngã. Nương vào Đại Tam-muội nên nói đến Lạc. Nương vào đại trí nên nói Thanh tịnh. Vậy nên, Như Lai thường trụ tự tại an lạc thanh tịnh. Nương vào đại Tam-muội, tất cả thiền định, Thủ-lăng-nghiêm... tất cả niệm xứ, đại pháp niệm... đại Từ, đại Bi, tất cả Đà-la-ni, tất cả thần thông, tất cả tự tại, tất cả pháp đều bao gồm trong bình đẳng. Các Phật pháp như vậy tất cả đều xuất hiện. Nương vào Đại trí này, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại biện, một trăm tám mươi pháp Bất cộng, tất cả pháp hy hữu chẳng thể nghĩ bàn đều hiển hiện. Ví như nương vào ngọc báu Như ý, vô lượng, vô biên các loại trân bảo đều được hiện ra. Cũng vậy, nương vào ngọc báu đại Tam-muội và ngọc báu đại trí tuệ có thể phát sinh vô lượng, vô biên các loại diệu pháp của các Đức Phật.
Này thiện nam! Như vậy Pháp thân, Tam-muội và trí tuệ vượt qua tất cả các tướng, chẳng lệ thuộc vào tướng, chẳng thể phân biệt, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn. Đó gọi là trung đạo, tuy có phân biệt nhưng Thể không phân biệt, tuy có ba số mà không có ba thể, chẳng tăng, chẳng giảm giống như mộng huyễn, cũng không có đối tượng chấp, cũng không có chủ thể chấp, pháp thể Như như là xứ sở của Giải thoát, vượt qua cảnh giới ma chết, vượt qua sự tối tăm của sinh tử, tất cả chúng sinh chẳng thể tu hành, chẳng thể đạt đến được, là trú xứ của tất cả chư Phật, Bồ-tát.
Này thiện nam! Ví như có người ước muốn có được vàng, tìm kiếm khắp nơi, liền được quặng vàng. Đã được quặng rồi, người ấy nghiền nát ra, chọn lấy phần tinh ròng cho vào lò nấu luyện, người đó được vàng sạch, rồi tùy ý làm thành những vòng, xuyến, nhiều đồ trang sức. Tuy có những công dụng khác nhau, nhưng tính vàng chẳng biến đổi.
Lại nữa, này thiện nam! Nếu thiện nam, thiện nữ cầu giải thoát thù thắng, tu hành việc thiện ở đời, được thấy Đức Như Lai và chúng đệ tử, được gần gũi rồi liền bạch: “Bạch Thế Tôn! Những gì là thiện? Thế nào là chẳng thiện? Phải tu hành chân chánh như thế nào để được hạnh thanh tịnh?” Các Đức Phật Như Lai và chúng đệ tử khi thấy những người đó hỏi thì suy nghĩ: “Những thiện nam, thiện nữ này chắc là muốn cầu thanh tịnh, muốn nghe chánh pháp.” Chư Phật và chúng đệ tử liền vì những người ấy nói pháp, khiến cho họ được khai ngộ. Những người đó đã nghe rồi thì chánh niệm ghi nhớ hộ trì, phát tâm tu hành, được năng lực tinh tấn, tiêu trừ nghiệp chướng biếng trễ, diệt tan tất cả các tội, đối với những học xứ, lìa bỏ sự chẳng tôn trọng, chấm dứt tâm trạo hối, nhập vào Địa thứ nhất. Nương vào tâm Địa thứ nhất, hành giả trừ chướng ngại làm lợi lạc hữu tình thì được vào Địa thứ hai. Ở trong Địa này, trừ chướng ngại về chẳng bức ngặt thì thể nhập vào Địa thứ ba. Ở trong Địa này, trừ chướng ngại về tâm nhu nhuyến thanh tịnh thì vào được Địa thứ tư. Ở trong Địa này, trừ chướng ngại về phương tiện thiện xảo thì vào Địa thứ năm. Ở trong Địa này, trừ chướng ngại về việc thấy Chân đế, Tục đế thì nhập vào Địa thứ sáu. Ở trong Địa này, trừ chướng ngại về thấy rõ hành tướng thì nhập vào Địa thứ bảy. Ở trong Địa này, trừ chướng ngại về chẳng thấy Diệt tướng thì nhập vào với Địa thứ tám. Ở trong Địa này, trừ chướng ngại về chẳng thấy Sinh tướng thì nhập vào Địa thứ chín. Ở trong Địa này, trừ chướng ngại Lục thông thì nhập vào Địa thứ mười. Ở trong Địa này, trừ Sở tri chướng, trừ tâm căn bản thì vào Như Lai địa. Như Lai địa do có ba tịnh nên gọi là cực thanh tịnh.
Những gì là ba tịnh?
1. Phiền não tịnh.
2. Khổ tịnh.
3. Tướng tịnh.
Ví như vàng ròng nấu chảy đã được tôi luyện, đã thiêu đốt luyện đập rồi thì không còn bụi bẩn, bản tánh thanh tịnh của vàng được hiển hiện. Thể của vàng thanh tịnh chẳng phải là không có vàng. Ví như nước đục, ngưng lắng sạch trong không còn cặn bẩn. Bản tánh sạch trong của nước được hiển hiện thì chẳng phải là không có nước. Như vậy, Pháp thân cùng với phiền não lẫn lộn, nếu trừ Khổ tập rồi, không còn Tập nào, bản tánh thanh tịnh của Phật được hiển hiện, chẳng phải là không có thể tánh. Ví như hư không bị sự ngăn che của khói mây bụi mù. Nếu trừ hết sự ngăn che rồi thì cõi hư không thanh tịnh đó chẳng phải là không có hư không. Như vậy, Pháp thân mà tất cả các khổ đều hết nên nói là thanh tịnh, chẳng phải là không có Thể. Ví như có người trong giấc ngủ, mơ thấy nước sông lớn cuốn trôi thân mình, vận động tay chân cắt dòng chảy mà bơi qua đến bờ bên kia, do thân tâm người đó chẳng lười biếng thoái lui. Từ trong mơ tỉnh ra rồi, người đó chẳng thấy có nước và bờ này, bờ kia riêng biệt, đó chẳng phải là không có tâm. Sinh tử vọng tưởng đã diệt hết rồi thì sự giác ngộ thanh tịnh này chẳng phải là không có giác ngộ. Pháp giới như vậy tất cả các vọng tưởng chẳng sinh ra nữa, nên nói là thanh tịnh, chẳng phải là chư Phật không có thật thể.
Lại nữa, này thiện nam! Pháp thân này hoặc chướng thanh tịnh nên hiện ra Ứng thân, nghiệp chướng thanh tịnh thì hiện ra hóa thân, trí chướng thanh tịnh thì hiện ra Pháp thân. Ví như nhờ hư không phát ra chớp, nhờ chớp phát ra ánh sáng. Như vậy nương vào Pháp thân có thể hiện ra Ứng thân, nương vào Ứng thân có thể hiện ra Hóa thân. Do tính thanh tịnh nên có thể hiện ra Pháp thân, trí tuệ thanh tịnh có thể hiện Ứng thân, Tam-muội thanh tịnh có thể hiện Hóa thân. Ba loại thanh tịnh này là Như như của pháp, Như như không phân biệt Như như một vị, Như như giải thoát, Như như cứu cánh. Vậy nên, thể của chư Phật là không khác.
Này thiện nam! Nếu có thiện nam, thiện nữ nói Như Lai là Đại sư của ta. Nếu có niềm tin chắc chắn như vậy thì họ liền ứng với tâm sâu xa, hiểu rõ thân của Như Lai không có sai khác.
Này thiện nam! Do nghĩa này, đối với các cảnh giới, tất cả các tư duy không chân chánh đều đoạn trừ hết, liền biết pháp đó không có hai tướng, cũng không phân biệt. Việc tu hành của bậc Thánh và Như như đối với những vị ấy, đều không có hai tướng. Vì họ tu hành chân chánh. Tất cả các chướng ngại như vậy như vậy đều trừ diệt hết. Tất cả các chướng của Như như đều diệt, như vậy, Như như pháp, trí Như như như vậy đạt được thanh tịnh tối thắng. Pháp giới Như như, chánh trí thanh tịnh, như vậy, tất cả những sự tự tại bao gồm đầy đủ đều được thành tựu, tất cả các chướng đều trừ diệt. Tất cả các chướng ngại đều được thanh tịnh nên đó gọi là tướng chân thật của Chánh trí chân như. Thấy như vậy gọi là sự thấy của bậc Thánh. Đó gọi là chân thật thấy Phật. Vì sao? Vì như thật được thấy pháp Chân như. Vậy nên, các Đức Phật đều có thể thấy khắp tất cả các Đức Như Lai. Vì sao? Vì hàng Thanh văn, Độc giác đã ra khỏi ba cõi, cầu cảnh giới chân thật, chẳng thể thấy biết. Như vậy vì cảnh giới của Thánh nhân chẳng thể thấy biết nên tất cả phàm phu đều sinh nghi hoặc, phân biệt điên đảo, chẳng thể được giải thoát, như con thỏ trôi nổi trong biển chắc chắn chẳng thể vượt qua. Vì sao? Vì sức của nó yếu ớt vậy. Người phàm phu cũng như vậy, chẳng thể thông đạt Như như của pháp. Nhưng các Đức Phật Như Lai không có tâm phân biệt, đối với tất cả pháp được đại tự tại, thanh tịnh đầy đủ, trí tuệ sâu xa. Đó là cảnh giới của tự mình chẳng chung với người khác. Vậy nên, các Đức Phật Như Lai ở vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ kiếp, chẳng tiếc thân mạng tu hành khổ hạnh mới được thân tối thượng không ai sánh bằng chẳng thể nghĩ bàn này. Qua lời nói để nói lên cảnh giới là tịch tịnh, vi diệu, không còn sợ hãi.
Này thiện nam! Như vậy người thấy biết Chân như của pháp thì không sinh, già, chết, tuổi thọ vô hạn, không có ngủ nghỉ, cũng không đói khát, tâm luôn ở trong định, không loạn động. Nếu đối với Như Lai khởi tâm tranh luận thì chẳng thể thấy được Như Lai. Lời nói của các Đức Phật đều đem lại lợi ích, những người lắng nghe không ai chẳng giải thoát. Những loài cầm thú ác, người ác, quỷ ác tuy chẳng gặp gỡ mà do nghe pháp nên quả báo vô tận. Nhưng các Đức Như Lai không việc gì chẳng thọ ký, tất cả cảnh giới, đều không có tâm muốn biết, sinh tử và Niết-bàn không có tư tưởng khác. Lời thọ ký của Như Lai luôn luôn chắc chắn. Trong bốn uy nghi của các Đức Phật Như Lai luôn luôn bao gồm trong trí tuệ. Tất cả các pháp không có pháp nào chẳng được thâu gồm trong Từ bi và tất cả đều để làm lợi ích an lạc cho các chúng sinh.
Này thiện nam! Nếu có thiện nam, thiện nữ đối với kinh Kim Quang Minh này mà lắng nghe, tin hiểu thì không bị đọa địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, a-tu-la, luôn sinh ở cõi trời, người, chẳng sinh vào nhà thấp hèn, thường được gần gũi các Đức Phật Như Lai, nghe nhận chánh pháp, thường sinh vào cõi nước thanh tịnh của chư Phật. Vì sao? Vì do được nghe pháp sâu xa này. Thiện nam, thiện nữ này sẽ được Như Lai thọ ký sẽ được không thoái chuyển Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu thiện nam, thiện nữ, đối với pháp vi diệu, sâu xa này chỉ nghe qua một lần, phải biết người đó chẳng hủy báng Như Lai, chẳng khinh chê chánh pháp, chẳng xem thường Thánh chúng, tất cả chúng sinh chưa gieo trồng thiện căn, họ đều khiến cho được gieo trồng, kẻ đã gieo trồng thiện căn thì khiến cho tăng trưởng, thành thục. Đối với chúng sinh trong tất cả thế giới, họ đều khuyến khích tu hành sáu pháp Ba-la-mật.
Bấy giờ, Bồ-tát Hư Không Tạng, Phạm vương, Đế Thích, Tứ Thiên vương, các Thiên chúng... liền đứng dậy, sửa lại áo bày vai phải, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, thưa:
–Bạch Thế Tôn! Nếu ở nơi nào có giảng nói kinh điển vi diệu Kim Quang Minh Vương này thì ở đất nước ấy có bốn điều lợi ích. Những gì là bốn?
1. Quân chúng của quốc vương hùng mạnh, không có những oán địch, lìa khỏi tật bệnh, tuổi thọ lâu dài, cát tường an lạc, chánh pháp hưng thạnh.
2. Trong cung, phi, hậu, vương tử, các quan lại đều hòa hợp vui vẻ, không có tranh cãi, không còn dua nịnh để được sự ưu ái trọng dụng của vua.
3. Sa-môn, Bà-la-môn và dân chúng trong nước đều tu hành chánh pháp, không bệnh hoạn, an lạc, không có người chết oan, đối với những ruộng phước tất cả đều tu tập.
4. Ở trong ba mùa, bốn đại luôn điều hòa, thích hợp, thường được chư Thiên càng thêm ủng hộ, Từ bi bình đẳng, không có lòng gây tổn thương, tai hại, khiến cho các chúng sinh quy kính Tam bảo, đều nguyện tu tập hạnh Bồ-đề. Đó là bốn việc lợi ích.
Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng thường vì lưu truyền rộng rãi các kinh điển nên theo người thọ trì kinh như vậy ở tại chỗ của họ và vì họ làm lợi ích. Đức Phật bảo:
–Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Đúng vậy! Đúng vậy! Các ông cần phải siêng năng lưu truyền kinh điển vi diệu này để khiến cho chánh pháp trụ lâu dài ở đời.
Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Tràng ở trước Đức Phật, đích thân được nghe diệu pháp này rồi vui mừng hớn hở, một lòng tư duy trở về đến chỗ của mình. Trong đêm, ông mơ thấy cái trống vàng lớn, ánh sáng rực rỡ giống như vầng mặt trời. Trong ánh sáng này, Bồ-tát thấy vô lượng các Đức Phật ở mười phương đang ngồi trên tòa lưu ly ở dưới cây báu với vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh mà vì họ nói pháp. Thấy một vị Bà-la-môn cầm dùi đánh trống vàng, phát ra âm thanh lớn. Trong âm thanh ấy diễn nói kệ tụng vi diệu nói rõ về pháp Sám hối. Bồ-tát Diệu Tràng nghe rồi đều ghi nhớ rõ ràng tất cả. Sáng hôm sau, ông cùng với vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh, đem theo những đồ cúng dường, ra khỏi thành Vương xá, đi đến núi Thứu phong, tới chỗ Đức Thế Tôn, làm lễ dưới chân Đức Phật rồi, thiết bày hương hoa, đi nhiễu về bên phải ba vòng, lui về ngồi một phía, chắp tay cung kính, chiêm ngưỡng tôn nhan Đức Thế Tôn, thưa:
–Bạch Thế Tôn! Ở trong mơ con thấy có vị Bàla-môn, cầm dùi đánh chiếc trống vàng vi diệu phát ra âm thanh lớn. Trong âm thanh đó diễn nói lời kệ tụng vi diệu nói rõ về pháp Sám hối. Con đều ghi nhớ rõ ràng, nguyện xin Đức Thế Tôn rũ lòng đại Từ bi nghe lời nói của con!
Ông liền ở trước Đức Phật mà nói kệ rằng:
Con ở trong đêm trước
Mơ thấy chiếc trống vàng
Hình thể rất đẹp đẽ
Ánh sáng vàng tỏa quanh
Như mặt trời rực rỡ
Ánh sáng chiếu muôn nơi
Lan tỏa khắp mười phương
Đều thấy các Thế Tôn.
Ngồi trên tòa lưu ly
Ở dưới gốc cây báu
Vô lượng trăm ngàn chúng
Cung kính mà vây quanh.
Có vị Bà-la-môn
Dùng dùi đánh trống vàng.
Ở trong tiếng trống ấy
Nói kệ vi diệu rằng:
Trống Kim Quang Minh phát tiếng hay
Vang khắp cõi tam thiên đại thiên
Diệt trừ tội nặng trong ba đường
Và những khổ ách chốn nhân gian.
Do uy lực của tiếng trống này
Diệt hẳn tất cả chướng não phiền
Đoạn trừ kinh sợ khiến yên ổn
Ví như Đấng Tự Tại Mâu-ni.
Phật ở trong biển cả sinh tử
Tích hạnh, tu thành Nhất thiết trí
Khiến chúng sinh giác ngộ đủ đầy
Cứu cánh đều về biển công đức.
Nhờ trống vàng này phát tiếng mầu
Khiến mọi người nghe đạt Phạm âm
Chứng được quả Bồ-đề vô thượng
Thường chuyển pháp luân diệu thanh tịnh
Sống thọ chẳng thể nghĩ bàn kiếp
Tùy cơ nói pháp lợi quần sinh
Đoạn trừ phiền não mọi dòng khổ
Tham, sân, si thảy đều diệt tan.
Nếu có chúng sinh ở đường ác
Lửa lớn rực cháy khắp toàn thân
Nếu được nghe tiếng trống nhiệm mầu
Liền lìa khổ não, quy y Phật
Đều được thành tựu Túc Mạng Trí
Hay nhớ đời quá khứ trăm ngàn
Đều luôn chánh niệm Đấng Mâu-ni
Được nghe lời Phật dạy sâu xa
Nhờ nghe tiếng trống vàng thù thắng
Thường được thân cận các Thế Tôn
Lìa bỏ tất cả các nghiệp ác
Tu hành thanh tịnh các nghiệp thiện.
Tất cả trời, người, các hữu tình
Những người tôn trọng, nguyện chí thành
Được nghe tiếng trống vàng vi diệu
Tất cả đều được thỏa mong cầu.
Chúng sinh bị đọa ngục Vô Gián
Khổ lửa rừng rực đốt cháy thân
Không người cứu giúp chốn luân hồi
Người nghe đều được trừ diệt khổ
Trong trời, người, bàng sinh, ngạ quỷ
Hiện tại đang chịu các khổ nàn
Được nghe trống vàng phát tiếng diệu
Đều được lìa khổ, đạt giải thoát.
Cõi mười phương hiện tại
Lưỡng Túc Tôn thường trụ
Nguyện đem lòng Bi lớn
Thương xót nhớ nghĩ con
Chúng sinh không ai cứu
Cũng không chỗ nương về
Vì những loài như vậy
Hay làm nơi nương tựa
Tội con tạo trước đây
Ác nghiệp nặng vô cùng
Nay trước Đấng Thập Lực
Con Sám hối hết lòng!
Con chẳng tin chư Phật
Cũng chẳng kính mẹ cha
Chẳng lo tu điều thiện
Luôn tạo các nghiệp ác.
Tự cho mình cao quý
Dòng giống và tài vị
Tuổi trẻ mãi buông lung
Thường tạo các nghiệp ác.
Lòng luôn khởi tà niệm
Miệng nói những lời ác
Không thấy điều tội lỗi
Thường thọ các nghiệp ác
Luôn làm điều ngu si
Tâm vô minh che khuất
Thuận theo bạn chẳng tốt
Thường tạo các nghiệp ác
Hoặc vì ham giỡn vui
Hoặc lại mang lo buồn
Vì tham sân trói buộc
Nên con tạo nghiệp ác
Gần gũi người chẳng lành
Do ý xan, tật đố
Làm lừa dối bần cùng
Nên con tạo nghiệp ác.
Do gần gũi người ác
Tâm bỏn sẻn, ghét ganh
Bần cùng, hay dua nịnh
Nên con tạo điều ác
Tuy chẳng ưa lỗi lầm
Nhưng do còn sợ hãi
Chẳng hề được tự tại
Nên con tạo điều ác.
Hoặc vì tâm loạn động
Hoặc do tâm giận hờn
Và đói khát não phiền
Nên con tạo nghiệp ác.
Do y phục, uống ăn
Và tham ái nữ sắc
Bị lửa phiền não đốt
Nên con tạo nghiệp ác.
Đối với Phật, Pháp, Tăng
Chẳng có tâm cung kính
Tạo mọi tội như trên
Con nay xin sám hối
Với Bồ-tát, Độc giác...
Cũng không lòng cung kính
Tạo các tội như trên
Con nay xin sám hối
Vô tri, chê chánh pháp
Bất hiếu với cha mẹ
Tạo các tội như trên
Con nay xin sám hối
Do kiêu mạn, ngu si
Và tham dục, sân hận
Tạo các tội như trên
Con nay xin sám hối!
Con ở cõi mười phương
Cúng dường vô số Phật
Nguyện cứu giúp chúng sinh
Khiến lìa các khổ nạn
Nguyện tất cả hữu tình
Đều trụ trong Thập địa
Phước trí viên mãn xong
Thành Phật độ quần sinh
Con vì các chúng sinh
Khổ hạnh trăm ngàn kiếp
Dùng lực đại trí tuệ
Khiến họ rời biển khổ.
Con vì các hữu tình
Diễn nói kinh sâu xa
Tối Thắng Kim Quang Minh
Hay trừ các nghiệp ác
Nếu người trăm ngàn kiếp
Tạo tội nặng vô cùng
Chỉ vừa mới phát lộ
Mọi nghiệp ác liền diệt
Nương Kim Quang Minh này
Sám hối như trên đây.
Sẽ nhanh chóng diệt trừ
Tất cả các nghiệp khổ.
Trăm ngàn Định thù thắng
Tổng trì chẳng nghĩ bàn
Căn, lực, các giác chi
Tu tập không biết mệt.
Con sẽ đến Thập địa
Chỗ đầy đủ châu báu
Viên mãn công đức Phật
Cứu độ dòng sinh tử.
Con ở các biển Phật
Tạng công đức sâu xa
Diệu trí khó nghĩ bàn
Đều khiến được đầy đủ.
Nguyện xin Phật mười phương.
Quán sát hộ niệm con
Đều dùng tâm đại Bi
Thương nhận con sám hối!
Con ở trong nhiều kiếp
Đã tạo các nghiệp ác
Do đó khổ não sinh
Thương con, nguyện tiêu diệt!
Con tạo nghiệp chẳng lành
Thường sinh lòng lo sợ
Ở trong bốn uy nghi
Không lúc nào an lạc
Chư Phật đại Từ bi
Trừ sợ cho chúng sinh
Nguyện nhận con sám hối!
Khiến được lìa ưu khổ
Con có chướng phiền não
Và cả những nghiệp báo
Xin dùng nước đại Bi
Tẩy rửa khiến thanh tịnh
Các tội con đã tạo
Và nghiệp ác đang tạo
Con chí tâm phát lồ
Nguyện tiêu trừ tất cả
Các nghiệp ác vị lai
Phòng hộ không cho khởi
Giả sử có lỗi lầm
Không hề dám che giấu.
Thân ba, miệng bốn loại
Ý nghiệp lại có ba
Trói buộc các hữu tình
Tiếp nối từ vô thỉ
Do thân, miệng, ý này
Tạo tác mười nghiệp ác.
Nhiều tội lỗi như trên
Con nay đều sám hối!
Nghiệp ác con tạo nên
Khổ báo phải tự chịu
Nay trước các Thế Tôn
Con chí thành sám hối!
Ở thế giới phương khác
Và châu Thiệm-bộ này
Tất cả các nghiệp lành
Con đều xin tùy hỷ
Nguyện bỏ mười nghiệp ác
Tu hành mười nghiệp lành
An trụ trong Thập địa
Thường thấy Phật mười phương.
Con dùng thân miệng ý
Tu hành nghiệp phước trí
Nguyện nhờ căn lành này
Mau thành tuệ Vô thượng.
Con nay đối trước Đấng Thập Lực
Phát lồ những việc gây khổ nạn
Nạn ba hữu phàm ngu muội
Nạn tạo nghiệp ác nặng vô cùng
Con đã chứa nhóm nạn tà dục
Nạn thường khởi tham ái luân hồi
Nạn ở thế gian thường chấp thủ
Nạn tất cả phiền não phàm phu
Nạn cuồng tâm tán loạn điên đảo
Nạn theo gần gũi bạn bè ác
Nạn hay tham nhiễm trong sinh tử
Nạn sân si ám độn tạo tội
Nạn sinh tám chỗ không nhàn hạ
Nạn chưa từng chứa nhóm công đức
Con nay ở trước Đấng Tối Thắng
Sám hối nghiệp ác tội vô biên
Con xin quy y bậc Thiện thệ!
Lạy Đấng Vô thượng phước như biển!
Như núi vàng ròng chiếu mười phương
Kính nguyện Từ bi nhiếp thọ con!
Thân màu vòng ròng sáng thanh tịnh
Mắt như lưu ly biếc sạch trong
Đấng danh xưng uy đức an lành
Mặt trời bi trí trừ tối tăm.
Phật nhật quang minh chiếu khắp nơi
Hiền thiện thanh tịnh lìa các trần
Trăng Mâu-ni vô cùng mát mẻ
Trừ nóng phiền não cho chúng sinh.
Ba mươi hai tướng rất trang nghiêm
Tám mươi vẻ đẹp đều viên mãn
Phước đức khó nghĩ, không ai sánh.
Như mặt trời soi sáng thế gian
Sắc như lưu ly sạch không bẩn
Như vầng trăng sáng giữa hư không
Ánh thân vàng pha lê vi diệu
Trang nghiêm bằng vô số quang minh
Ở trong dòng chảy khổ sinh tử
Nước già, bệnh, lo, buồn, trôi cuốn
Biển khổ như vậy khó chịu nổi
Mặt trời Phật chiếu khiến cạn khô.
Con xin kính lễ Nhất thiết trí
Đấng hy hữu thế giới ba ngàn
Ánh sáng rực rỡ, thân vàng ròng
Các loại diệu hảo đều trang nghiêm.
Như nước biển cả khó đo lường
Bụi trần đại địa chẳng thể đếm
Như núi Diệu cao không kể xiết
Cũng không giới hạn như hư không
Công đức chư Phật cũng như vậy
Tất cả hữu tình chẳng biết được
Dù vô lượng kiếp mãi tư duy
Cũng không biết bờ biển công đức
Đem hết đại địa các gò, núi
Nghiền vụn như bụi có thể lường
Đầu lông, nước biển còn đếm được
Không thể tính công đức Thế Tôn!
Tất cả hữu tình đều khen ngợi
Các danh xưng công đức Thế Tôn
Tướng tốt thanh tịnh đẹp trang nghiêm
Chẳng thể suy lường biết rõ được
Tất cả mọi thiện nghiệp của con
Nguyện được mau thành Vô thượng Tôn
Giảng nói chánh pháp lợi chúng sinh
Khiến đều giải thoát mọi khổ đau.
Hàng phục chúng ma quân đại lực
Vận chuyển Chánh Pháp luân Vô thượng
Trụ lâu kiếp số khó nghĩ bàn
Khiến chúng sinh đủ vị cam lồ
Giống như các bậc Tối Thắng xưa
Sáu pháp Ba-la-mật đều viên mãn.
Diệt sân, si và các tham dục
Điều phục phiền não, trừ các khổ.
Nguyện con thường được Túc Mạng Trí
Nhớ được trăm ngàn đời quá khứ
Cũng luôn ghi nhớ Đấng Mâu-ni
Nghe pháp sâu xa của chư Phật.
Nguyện con nhờ những nghiệp lành này
Phụng sự vô lượng Tối Thắng Tôn
Xa lìa tất cả nhân bất thiện
Luôn được tu hành pháp vi diệu.
Các chúng sinh của mọi thế giới
Đều lìa khỏi khổ, được an lạc
Nếu người chẳng đầy đủ các căn
Khiến họ thân tướng được viên mãn.
Nếu có chúng sinh bị bệnh khổ
Thân hình gầy yếu không chỗ nương
Đều khiến bệnh khổ được tiêu diệt
Sắc lực các căn đều mạnh khỏe
Nếu Phạm vương pháp bị gia hình
Mọi khổ bức ngặt sinh ưu phiền
Khi họ chịu cực khổ như thế
Không ai cứu hộ, chẳng chỗ nương.
Hoặc bị roi, gậy, gông, cùm, trói
Những vật gây khổ bức thiết thân
Khi vô lượng trăm ngàn ưu não
Bức ngặt thân tâm chẳng tạm yên
Đều khiến được thoát khỏi trói buộc
Mọi sự khổ nạn vì roi, gậy…
Người sắp bị chém được tha mạng
Các mọi khổ đều khiến diệt trừ hẳn.
Nếu có chúng sinh bị đói khát
Khiến họ được đủ loại vị ngon
Người điếc được nghe, mù được thấy
Người què đi được, câm biết nói.
Chúng sinh nghèo khổ được kho báu
Không thiếu thốn, kho lẫm đầy tràn
Đều khiến được niềm vui thượng diệu
Không chúng sinh nào bị khổ buồn
Tất cả trời, người đều ưa thấy
Tướng mạo hiền từ và đẹp đẽ
Đều đang được vô lượng an vui
Phước đức đầy đủ, sống thịnh vượng.
Các chúng sinh nghĩ về kỹ nhạc
Âm thanh vi diệu liền trổi lên
Nghĩ nước liền hiện ao mát mẻ
Hoa sen sắc vàng nổi bên trên.
Tùy tâm chúng sinh nghĩ tưởng gì
Thực phẩm, y phục và giường nằm
Vàng bạc, lưu ly châu báu đẹp
Chuỗi ngọc trang nghiêm đều đầy đủ.
Không cho chúng sinh nghe tiếng ác
Cũng chẳng thấy nhau sự lỗi lầm.
Tất cả tướng mạo đều đẹp đẽ
Luôn thương yêu nhau bằng từ tâm.
Vật dụng vui sống ở thế gian
Đều được đầy đủ theo ý muốn
Của quý đạt được không tham tiếc
Đem chia bố thí cho chúng sinh.
Hương đốt, hương xoa và hương bột
Các loại hoa đẹp đủ màu xen
Mỗi ngày ba thời từ cây rụng
Tùy ý sử dụng sinh vui mừng
Nguyện các chúng sinh đều cúng dường
Tất cả Đấng Tối Thắng mười phương
Pháp ba thừa thanh tịnh vi diệu
Chúng Bồ-tát, Độc giác, Thanh văn.
Thường nguyện, chớ ở chỗ thấp hèn
Chẳng đọa tám không nơi không an ổn
Sinh vào cõi người sống an vui
Được gần, phụng sự Phật mười phương.
Nguyện thường được sinh nhà giàu sang
Của cải, kho báu luôn đầy tràn
Tướng mạo, tiếng khen không ai sánh
Tuổi thọ lâu dài hàng kiếp số.
Nguyện cho người nữ được thành nam
Cường tráng, thông minh, nhiều trí tuệ
Tất cả thường hành đạo Bồ-tát
Siêng tu sáu Độ, đến bờ kia.
Thường thấy vô lượng Phật mười phương
An trụ ở dưới cây báu chúa
Ngồi tòa Sư tử lưu ly đẹp
Luôn được đích thân chuyển pháp luân.
Nếu ở quá khứ và hiện tại
Luân hồi ba cõi tạo các nghiệp,
Phải bị đọa vào đường bất thiện
Xin nguyện được tiêu diệt hoàn toàn.
Tất cả chúng sinh trong biển cõi
Bị lưới sinh tử trói chắc bền
Nguyện đem kiếm trí mà cắt đứt
Lìa khổ, mau chóng chứng Bồ-đề.
Chúng sinh trong Thiệm-bộ châu này
Hoặc ở các thế giới phương khác
Đã tạo các phước điền thù thắng
Con nay phát nguyện đều tùy hỷ.
Đem việc phước đức tùy hỷ ấy
Và thân, miệng, ý tạo nghiệp lành
Nguyện nghiệp thù thắng luôn tăng trưởng
Mau chứng đại Bồ-đề vô thượng.
Công đức lễ lạy khen ngợi Phật
Thâm tâm thanh tịnh không nhơ uế
Hồi hướng phát nguyện phước vô biên
Được thoát đường ác sáu mươi đời.
Nếu có người nam người nữ nào
Các dòng họ lớn, Bà-la-môn...
Chắp tay một lòng khen ngợi Phật
Đời đời luôn nhớ việc đời trước
Các căn thanh tịnh, thân viên mãn
Công đức thù thắng đều thành tựu.
Nguyện đời vị lai sinh chỗ nào
Cũng được trời, người thường chiêm ngưỡng
Chẳng phải chỗ một Phật, mười Phật…
Tu các căn lành được nghe kinh.
Chỗ trăm ngàn Phật trồng căn lành
Mới được nghe pháp Sám hối này.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nghe lời như vậy xong, khen Bồ-tát Diệu Tràng rằng:
–Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Như giấc mơ của ông, trống vàng phát ra âm thanh khen ngợi công đức chân thật của Như Lai cùng pháp Sám hối. Nếu có người nghe, đạt được phước rất nhiều, làm lợi ích cho các hữu tình, diệt trừ tội chướng. Ông nay nên biết nghiệp thù thắng này đều là nhân duyên tu tập phát nguyện và khen ngợi từ quá khứ và do uy lực của chư Phật gia hộ. Nhân duyên này ta sẽ vì ông giải nói.
Các đại chúng nghe pháp này rồi đều hoan hỷ kính tin phụng hành.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở trong sự phân biệt chân chánh, nhập vào Tĩnh lự vi diệu thậm thâm. Từ lỗ chân lông của thân Phật phóng ra ánh sáng lớn với vô lượng trăm ngàn màu sắc, cõi nước của các Đức Phật đều hiện ra trong ánh sáng các cõi ấy, nếu đem số cát sông Hằng mười phương suy lường không ví dụ nào có thể sánh kịp. Đời ác năm trược được sự chiếu soi của ánh sáng này, các chúng sinh ở đây tạo tác mười nghiệp ác, năm tội vô gián, phỉ báng Tam bảo, bất hiếu với mẹ cha, khinh mạn sư trưởng và các Bà-la-môn... đáng bị đọa địa ngục, ngã quỷ, súc sinh... nhưng nhờ ánh sáng chiếu đến chỗ ở, các hữu tình đó được thấy ánh sáng ấy, nhờ năng lực của ánh sáng, họ đều được an lạc, dáng mạo đẹp đẽ, sắc tướng đầy đủ, phước trí trang nghiêm, được thấy chư Phật. Lúc đó, Đế Thích, tất cả các vị Trời, nữ thần sông Hằng cùng các đại chúng, nhờ ánh sáng hy hữu nhiệm mầu này, đều đến chỗ Đức Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, lui về ngồi một bên.
Bấy giờ, trời Đế Thích nương uy lực của Đức Phật, liền đứng dậy, sửa áo bày vai phải, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay hướng về Đức Phật, thưa:
–Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ làm thế nào để nguyện cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tu hành Đại thừa, giáo hóa tất cả các các loài hữu tình tà kiến điên đảo, đã từng tạo các nghiệp chướng tội, sám hối thế nào để được diệt trừ?
Đức Phật bảo trời Đế Thích rằng:
–Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Ông nay tu hành, muốn vì vô lượng, vô biên chúng sinh, khiến cho họ được thanh tịnh, giải thoát, an lạc, thương xót thế gian, đem phước lợi cho tất cả. Nếu có chúng sinh, do nghiệp chướng nên tạo các tội thì cần phải sách tấn khuyến khích họ, ngày đêm sáu thời, mặc áo bày vai phải, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay cung kính, một lòng chuyên niệm và tự thệ rằng: “Quy mạng đảnh lễ tất cả chư Phật hiện tại trong mười phương đã đạt Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vận chuyển pháp luân vi diệu, gìn giữ soi chiếu pháp luân, tuôn mưa pháp lớn, đánh lên trống đại pháp, thổi vang loa đại pháp, kiến lập đại pháp tràng, thắp sáng đuốc đại pháp... Vì muốn lợi ích an lạc cho các chúng sinh nên thường thực hành pháp thí, dỗ dành sách tấn quần sinh, khiến cho họ đạt quả vị lớn, chứng đắc niềm vui an lạc lâu dài. Đối với các Đức Phật Thế Tôn ấy, con đem thân, miệng ý cúi đầu quy y chân thành, chí tâm kính lễ! Các Đức Thế Tôn đó dùng tuệ chân thật, dùng mắt chân thật, sự chứng minh chân thật, bình đẳng chân thật thấy biết tất cả các nghiệp thiện, ác của tất cả chúng sinh. Con từ sinh tử vô thỉ cho đến nay, trôi lăn theo đường ác, cùng với các chúng sinh tạo tội nghiệp chướng, bị sự ràng buộc của tham sân si. Khi chưa biết Phật, khi chưa biết Pháp, khi chưa biết Tăng nên chưa biết thiện, ác, do thân, miệng, ý tạo tội vô gián, có tâm ác làm thân Phật chảy máu, phỉ báng chánh pháp, phá hòa hợp tăng, giết hại a-la-hán, giết hại cha mẹ... Thân ba, miệng bốn và ý có ba nghiệp, tạo mười nghiệp ác, tự mình làm, dạy người khác làm, thấy người khác làm tùy hỷ. Đối với những người hiền thiện thì ngang ngược bài báng, làm hại, cân đong gian dối, lấy dối làm thật, đem thức ăn thức uống bất tịnh thí cho tất cả, cha mẹ ở trong sáu đường lại làm hại nhau, hoặc ăn trộm vật của tháp, vật của Tăng bốn phương, vật của Tăng hiện tiền, tự ý sử dụng, chẳng ưa phụng hành pháp luật của Đức Thế Tôn, chẳng thuận theo lời chỉ dạy của sư trưởng, thấy người tu hành hạnh Thanh văn, Độc giác, Đại thừa thì hay nói lời nhục mạ khiến cho hành giả sinh tâm hối hận, phiền não, thấy có người hơn mình lại tỏ ra ganh ghét, thí tài, thí pháp thường sinh lòng xan tham hối tiếc, bị vô minh che lấp, tà kiến mê hoặc tâm, chẳng tu nhân thiện khiến cho điều ác tăng thêm, ở chỗ chư Phật mà khởi lên sự bài báng, pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là pháp... Mọi tội như vậy Phật đã dùng tuệ chân thật, mắt chân thật, sự chứng minh chân thật, bình đẳng chân thật thấy biết tất cả. Con xin quy y! Đối trước chư Phật con xin phát lộ sám hối tất cả, chẳng dám che giấu. Tội chưa làm, con chẳng dám làm, tội đã làm con xin thành tâm thành tâm sám hối. Nghiệp chướng đã tạo, đáng bị đọa địa ngục, súc sinh, ngã quỷ, A-tu-la và tám chỗ hoạn nạn! Nguyện cho tất cả nghiệp chướng đời này của con đều được tiêu diệt! Các quả báo ác đời vị lai con không dám làm. Như đời quá khứ, các Đại Bồ-tát tu hạnh Bồ-đề, các nghiệp chướng của các vị đều đã sám hối, nghiệp chướng của con hôm nay cũng xin phát lộ sám hối, chẳng dám che giấu. Tội đã tạo, nguyện được trừ diệt, điều ác vị lai con không dám tạo nữa! Cũng như đời vị lai, các Đại Bồ-tát tu hạnh bồ-đề, các nghiệp chướng của chư vị đều xin sám hối, nghiệp chướng của con, hôm nay cũng xin phát lộ sám hối, chẳng dám che giấu. Tội đã tạo, nguyện được trừ diệt, điều ác tương lai con không dám tạo nữa! Như đời hiện tại, những Đại Bồ-tát trong mười phương thế giới tu hạnh Bồ-đề, các nghiệp chướng của chư vị đều đã sám hối, nghiệp chướng của con, hôm nay cũng xin sám hối, đều phát lộ hết chẳng dám che giấu. Tội đã tạo, con nguyện được trừ diệt, việc ác vị lai con không làm nữa.”
Này thiện nam! Do nhân duyên này nên nếu có tạo tội dù trong một sát-na cũng không được che giấu, huống gì là một ngày, một đêm cho đến một thời gian dài? Nếu có phạm tội muốn cầu thanh tịnh thì tâm phải hổ thẹn, tin vào vị lai nhất định có quả báo ác, phải hết sức kinh sợ! Nên sám hối như vậy. Như người bị lửa đốt cháy đầu, cháy áo thì cấp cứu làm cho tắt ngay. Nếu lửa chưa tắt thì lòng chẳng được yên. Người nào phạm tội cũng phải như vậy, đều xin sám hối khiến cho mau trừ diệt. Nếu có người nguyện xin vào nhà giàu có an vui, nhiều tiền của châu báu, lại muốn phát tâm tu tập Đại thừa thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng. Muốn sinh vào nhà giàu sang, Bà-la-môn, Sát-đế-lợi và vua Chuyển luân với bảy báu đầy đủ thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng.
Này thiện nam! Nếu có người muốn sinh lên trời Tứ Thiên vương, cõi trời Tam thập tam, trời Dạ-ma, trời Đổ-sử-đa, trời Lạc biến hóa, trời Tha hóa tự tại... cũng cần nên sám hối để diệt trừ nghiệp chướng. Nếu muốn sinh lên trời Phạm chúng, Phạm phụ, Đại phạm, trời Thiểu quang, Vô lượng quang, Cực quang tịnh, trời Thiếu tịnh, Vô lượng tịnh, Biến tịnh, Vô vân, Phước sinh, Quảng quả, Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện hiện, Thiện kiến, Sắc cứu cánh thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng. Nếu muốn cầu Quả dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất hoàn, quả A-la-hán thì cũng cần sám hối diệt trừ nghiệp chướng. Nếu muốn nguyện cầu ba Minh, sáu Thông, Thanh văn, Duyên giác, tự tại Bồ-đề cho đến Cứu cánh địa, trí Nhất thiết trí, trí Thanh tịnh, trí Bất tư nghị, trí Bất động, trí Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì cũng cần sám hối để diệt trừ nghiệp chướng. Vì sao? Này thiện nam! Vì tất cả các pháp từ nhân duyên sinh. Đức Như Lai đã dạy, tướng khác sinh ra, tướng khác diệt đi, là do nhân duyên khác vậy. Như vậy, các pháp quá khứ đều đã diệt hết, tất cả các nghiệp chướng đều không còn sót lại. Các hành pháp này chưa được hiện sinh mà nay được sinh, còn nghiệp chướng vị lai lại chẳng khởi lên nữa. Vì sao? Này thiện nam! Vì tất cả các pháp đều không! Đức Như Lai đã dạy không có ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng cũng không sinh diệt cũng không có hành pháp.
Này thiện nam! Tất cả các pháp đều nương vào căn bản, cũng chẳng thể nói. Vì sao? Vì các pháp đều vượt qua khỏi tất cả các tướng! Nếu có thiện nam, thiện nữ thể nhập vào chân lý vi diệu, như vậy sinh lòng kính tin, đó gọi là không có chúng sinh mà có căn bản. Do nghĩa này nên nói đến sám hối để diệt trừ nghiệp chướng.
Này thiện nam! Nếu người thành tựu bốn pháp thì có thể trừ nghiệp chướng, được hoàn toàn thanh tịnh. Những gì là bốn.
1. Chẳng khởi tâm tà, thành tựu chánh niệm.
2. Đối với nghĩa lý sâu xa, không được hủy báng.
3. Đối với Bồ-tát mới phát tâm, nên khởi lên lòng Nhất thiết trí.
4. Đối với các chúng sinh, phát khởi lòng Từ vô lượng.
Đó gọi là bốn pháp.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói lời tụng rằng:
Chuyên tâm giữ ba nghiệp
Không hủy báng pháp mầu
Khởi tưởng Nhất thiết trí
Lòng từ sạch nghiệp chướng.
Này thiện nam! Có bốn loại nghiệp chướng rất khó diệt trừ. Những gì là bốn?
1. Đối với luật nghi của Bồ-tát mà phạm điều ác sâu nặng.
2. Đối với kinh Đại thừa mà sinh tâm hủy báng.
3. Đối với căn lành của mình mà chẳng thể làm cho tăng trưởng.
4. Tham đắm ba cõi, không có lòng mong ra khỏi.
Lại có bốn điều đối trị nghiệp chướng. Những gì là bốn?
1. Đối với tất cả các Đức Như Lai trong thế giới khắp mười phương, luôn hết lòng thân cận, nói lên tất cả tội.
2. Vì tất cả chúng sinh mà khuyến thỉnh chư Phật nói pháp sâu xa, vi diệu.
3. Tùy hỷ các công đức của tất cả chúng sinh.
4. Tất cả căn lành công đức đều đem hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lúc bấy giờ, trời Đế Thích bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Những người nam, người nữ ở thế gian, đối với hạnh Đại thừa, có người có thể tu hành, có kẻ chẳng thể tu hành thì làm sao có thể tùy hỷ được căn lành công đức của tất cả chúng sinh?
Đức Phật bảo:
–Này thiện nam! Nếu có chúng sinh tuy đối với Đại thừa chưa thể tu tập, nhưng ngày đêm sáu thời, mặc áo vai phải, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay cung kính, một lòng chuyên niệm, khi thực hạnh tùy hỷ, được phước không lường, nên tự thệ rằng: “Tất cả chúng sinh của thế giới mười phương hiện đang tu hành bố thí, trì giới, tâm, tuệ, con đều tùy hỷ sâu sắc. Do tạo được phước tùy hỷ như vậy nên nhất định chứng được quả Tôn trọng thù thắng vô thượng vô đẳng vi diệu bậc nhất. Như vậy tất cả các thiện căn của tất cả chúng sinh ở đời quá khứ cũng như ở vị lai con đều xin tùy hỷ. Lại đối với công đức phát tâm Bồ-đề của Bồ-tát mới lập hạnh đời hiện tại, qua trăm đại kiếp tu hành hạnh Bồ-tát, có đại công đức, được Vô sinh pháp nhẫn, đến Bất thoái chuyển Nhất sinh bổ xứ, tất cả các công đức như vậy, con đều chí tâm tùy hỷ tán thán. Các công đức của tất cả Bồ-tát ở đời quá khứ cũng như ở vị lai con cũng xin tùy hỷ, tán thán như vậy. Lại đối với tất cả các Đức Phật Ứng Chánh Biến Tri trong mười phương thế giới hiện tại đã chứng Bồ-đề vi diệu, vì độ chúng sinh nên chuyển pháp luân Vô thượng, thực hành pháp thí vô ngại, đánh trống pháp, thổi loa pháp, dựng cờ pháp, tuôn mưa pháp, thương xót khuyến hóa tất cả chúng sinh, khiến cho tất cả họ đều tin nhận, đều nhờ pháp thí được sung túc, an lạc vô tận. Lại nữa, các công đức chứa nhóm căn lành của Bồ-tát, Thanh văn, Độc giác, chúng sinh nào chưa đủ những công đức như vậy thì đều khuyến cho họ đầy đủ, con đều xin tùy hỷ. Như vậy, các công đức của các Đức Phật, Bồ-tát, Thanh văn, Độc giác ở đời quá khứ cũng như ở vị lai con cũng đều chí tâm tùy hỷ tán thán.”
Này thiện nam! Tùy hỷ như vậy sẽ được vô lượng công đức. Giả như chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới nhiều như cát sông Hằng đều đoạn trừ phiền não, thành A-la-hán, nếu có thiện nam, thiện nữ trọn đời thường dùng y phục, ẩm thực, giường nằm, thuốc men thượng diệu vì những A-la-hán trên mà cúng dường thì công đức ấy chẳng bằng một phần ngàn của công đức tùy hỷ nêu ở trước. Vì sao? Vì công đức cúng dường có số có lượng, chẳng bao gồm tất cả các công đức.
Công đức tùy hỷ vô lượng, vô số, có thể bao gồm tất cả công đức của ba đời. Vậy nên, nếu người muốn cầu tăng trưởng căn lành thù thắng thì nên tu tập công đức tùy hỷ như vậy. Nếu có người nữ nguyện chuyển thân nữ thành nam thì cũng nên tu tập công đức tùy hỷ, nhất định sẽ được tùy tâm hiện thành người nam.
Bấy giờ, trời Đế Thích bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Con đã biết công đức tùy hỷ, công đức khuyến thỉnh. Nguyện xin ngài vì con giảng nói để khiến cho tất cả Bồ-tát đời vị lai sẽ chuyển pháp luân, Bồ-tát hiện tại tu hành chân chánh!
Đức Phật bảo trời Đế Thích rằng:
–Thiện nam, thiện nữ nào nguyện cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cần phải tu hành đạo Thanh văn, Độc giác, Đại thừa. Người này ngày đêm sáu thời với uy nghi như đã nói ở trước mà một lòng chuyên niệm, tự thệ rằng: “Con xin quy y tất cả các Đức Phật Thế Tôn khắp mười phương đã được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chưa chuyển pháp luân vô thượng, muốn xả báo thân vào Niết-bàn, con đều chí thành đảnh lễ khuyến thỉnh chư Phật ấy chuyển Đại pháp luân, tuôn mưa pháp, thắp đèn Đại pháp, soi sáng đường chân lý, bố thí pháp vô ngại, không vào Bát-niếtbàn, trụ thế lâu dài, độ thoát an lạc tất cả chúng sinh... như đã nói ở trước... cho đến an lạc vô tận! Con xin đem công đức khuyến thỉnh này hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như những vị Đại Bồ-tát ở đời quá khứ cũng như ở vị lại và hiện tại đem công đức khuyến thỉnh hồi hướng về Bồ-đề, con cũng như vậy, công đức khuyến thỉnh xin hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này thiện nam! Giả sử có người dùng bảy báu chứa đầy trong tam thiên đại thiên thế giới để cúng dường Như Lai. Lại nếu có người khuyến thỉnh Như Lai chuyển Đại pháp luân thì công đức của người này hơn người kia. Vì sao? Vì phước người kia là phước tài thí, người này là phước pháp thí. Này thiện nam! Vả lại, bỏ qua việc cúng dường bảy báu đầy trong tam thiên đại thiên thế giới, nếu có người dùng bảy báu chứa đầy trong hằng hà sa số đại thiên thế giới cúng dường tất cả các Đức Phật thì công đức khuyến thỉnh cũng thù thắng hơn người đó. Do pháp thí ấy có năm điều lợi ích thù thắng. Những gì là năm?
1. Pháp thí vừa lợi mình, lợi người, còn tài thí không được như vậy.
2. Pháp thí có thể khiến cho chúng sinh ra khỏi ba cõi, phước của tài thí chẳng ra khỏi Dục giới.
3. Pháp thí có thể thanh tịnh Pháp thân, tài thí chỉ tăng trưởng được sắc thân.
4. Pháp thí vô cùng, tài thí có thể hết.
5. Pháp thí có thể đoạn trừ vô minh, tài thí chỉ điều phục tham ái.
Vậy nên, này thiện nam! Công đức khuyến thỉnh thật là vô lượng, vô biên khó có thể ví dụ. Như ta thuở xưa khi tu hành đạo Bồ-tát, khuyến thỉnh chư Phật chuyển Đại pháp luân. Do căn lành đó nên hôm nay tất cả Đế Thích, các Phạm vương... khuyến thỉnh ta chuyển Đại pháp luân.
Này thiện nam! Thỉnh chuyển pháp luân là muốn độ thoát an lạc cho các chúng sinh nên thuở xưa, ta thực hành hạnh Bồ-đề, khuyến thỉnh Như Lai trụ lâu ở thế gian, chớ vào Bát-niết-bàn. Nhờ căn lành này, ta được mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại biện tài, đại Từ, đại Bi, chứng được vô số pháp bất cộng. Ta sẽ vào Niết-bàn Vô dư, chánh pháp của ta tồn tại lâu ở đời, Pháp thân của ta thanh tịnh không ai sánh bằng, vô số tướng vi diệu, vô lượng trí tuệ, vô lượng tự tại, vô lượng công đức khó có thể nghĩ bàn, tất cả chúng sinh đều nhờ lợi ích trăm ngàn vạn kiếp nói chẳng thể biết. Pháp thân gồm chứa tất cả các pháp mà tất cả các pháp chẳng bao gồm Pháp thân. Pháp thân thường trụ chẳng rơi vào thường kiến, tuy lại đoạn diệt nhưng cũng chẳng phải đoạn kiến, có thể phá tan các kiến chấp sai lầm của chúng sinh, có thể làm phát sinh các kiến giải chân chánh của chúng sinh, có thể mở sự trói buộc của tất cả chúng sinh, không có trói buộc nào mà chẳng mở được, có thể gieo trồng những gốc rễ thiện của chúng sinh, người chưa thuần thục thì khiến cho thuần thục, người đã thuần thục thì khiến cho giải thoát, không tạo tác, không dao động, lìa xa náo loạn, tịch tĩnh vô vi, tự tại an lạc, qua khỏi ba đời mà có thể hiện ba đời, sinh ra cảnh giới của Thanh văn, Độc giác, việc tu hành của các Đại Bồ-tát, thể tánh của tất cả Như Lai không có gì khác. Những điều này đều do sức thiện căn công đức khuyến thỉnh. Như vậy Pháp thân thì ta nay đã được. Vậy nên, nếu có người muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì ở trong các Kinh, một câu, một bài tụng, vì người giải nói được thiện căn công đức còn không hạn lượng, huống gì là khuyến thỉnh Như Lai chuyển Đại pháp luân, trụ thế lâu dài, không vào Bát-niết-bàn!
Trời Đế Thích lại bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Nếu thiện nam, thiện nữ vì cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tu hành đạo ba Thừa mà có được thiện căn thì làm thế nào để hồi hướng về trí Nhất thiết trí?
Đức Phật bảo trời Đế Thích rằng:
–Này thiện nam! Nếu có chúng sinh muốn cầu Bồ-đề, tu hành đạo ba thừa đạt được thiện căn, phát nguyện hồi hướng thì phải ngày đêm sáu thời ân cần trân trọng, chí tâm phát lời thệ rằng: “Con từ sinh tử vô thỉ đến nay, ở chỗ Tam bảo tu hành thành tựu, được các thiện căn, thậm chí thí cho loài súc sinh một nắm đồ ăn, hoặc dùng lời nói tốt lành hòa giải tranh cãi, hoặc thọ Tam quy và các học xứ, hoặc lại có được thiện căn nhờ sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ..., hôm nay con phát nguyện bao gồm tất cả để bố thí trở lại cho tất cả chúng sinh, không có lòng hối tiếc, là phần giải thoát nhờ căn lành đã bao gồm. Như tri kiến của Phật Thế Tôn là chẳng thể nghĩ bàn, thanh tịnh vô ngại, căn lành công đức có được như vậy, đều đem bố thí trở lại cho tất cả chúng sinh mà chẳng trụ tướng tâm, chẳng bỏ tướng tâm, con cũng như vậy, xin đem hết căn lành công đức bố thí trở lại cho tất cả chúng sinh, nguyện xin đạt được đôi tay như ý, khuấy đảo vào hư không tuôn ra các châu báu để thỏa mãn các ý nguyện của chúng sinh, giàu có, an vui vô tận, trí tuệ vô cùng, biện tài về diệu pháp đều luôn thông suốt, cùng với chúng sinh đồng chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, được Nhất thiết trí. Rồi nhờ căn lành này lại sinh ra vô lượng thiện pháp, cũng đem hồi hướng về Bồ-đề vô thượng.
Lại như các Đại Bồ-tát thời quá khứ khi tu hành, công đức căn lành đều đem hồi hướng về Nhất thiết chủng trí, Bồ-tát hiện tại, vị lai cũng như vậy. Nhưng căn lành công đức của con cũng đều hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Những căn lành này con nguyện cùng chung với tất cả chúng sinh đều thành Chánh giác. Như các Đức Phật khác, ngồi nơi đạo tràng dưới cây Bồ-đề, thanh tịnh vô ngại chẳng thể nghĩ bàn, trụ trong kho tàng pháp vô tận Đà-la-ni, định Thủ-lăngnghiêm, phá tan vô lượng binh chúng của ma Batuần, những điều thấy hiểu biết đều thông đạt... tất cả những điều như vậy chỉ trong một sát-na đều chiếu soi rõ biết. Rồi vào cuối đêm chứng được pháp cam lộ, chứng được nghĩa cam lộ... con và chúng sinh đều nguyện đồng chứng Diệu giác như vậy.
Các Phật Vô Lượng Thọ, Phật Thắng Quang, Phật Diệu Quang, Phật A-súc, Phật Công Đức Thiện Quang, Phật Sư Tử Quang Minh, Phật Bách Quang Minh, Phật Võng Quang Minh, Phật Bảo Tướng, Phật Bảo Diệm, Phật Diệm Minh, Phật Diệm Thịnh Quang Minh, Phật Cát Tường Thượng Vương, Phật Vi Diệu Thanh, Phật Diệu Trang Nghiêm, Phật Pháp Tràng, Phật Thượng Thắng Thân, Phật Khả Ái Sắc Thân, Phật Quang Minh Biến Chiếu, Phật Phạm Tịnh Vương, Phật Thượng Tính... những Đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri như vậy ở quá khứ, vị lai và cả hiện tại, thị hiện ứng hóa đạt Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển pháp luân vô thượng vì độ chúng sinh... con cũng nguyện được như vậy (như đã nói ở trên). Này thiện nam! Nếu người nam, người nữ nào có lòng thanh tịnh đối với phẩm Diệt Nghiệp
Chướng của kinh Kim Quang Minh Tối Thắng này mà thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ chẳng quên, vì người khác giảng nói rộng rãi thì được vô lượng, vô biên công đức lớn. Ví như chúng sinh của tam thiên đại thiên thế giới cùng một lúc đều được thành tựu thân người, được thân người rồi thành đạo Độc giác. Này thiện nam, thiện nữ nào trọn đời cung kính, tôn trọng cúng dường tứ sự cho mỗi một vị Độc giác, đều cúng dường bảy báu như núi Tu-di. Sau khi những vị Độc giác này vào Niết-bàn, người đó đều dùng châu báu để xây dựng tháp cúng dường. Tháp ấy cao rộng, mười hai do-tuần, người đó dùng những hoa hương, cờ phướn, lọng báu thường xuyên cúng dường. Này thiện nam! Ý ông thế nào? Người đó đạt được công đức có nhiều không?
Trời Đế Thích bạch rằng:
–Rất nhiều! Bạch Thế Tôn!
–Này thiện nam! Nếu lại có người đối với phẩm Diệt Nghiệp Chướng của kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này mà thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ chẳng quên, vì người khác giảng nói rộng rãi thì đạt được công đức mà công đức cúng dường nói ở trước chẳng bằng một phần trăm, một phần trăm ngàn vạn ức cho đến tính lường, thí dụ cũng không thể sánh kịp. Vì sao? Vì thiện nam, thiện nữ đó trụ ở trong chánh hạnh, khuyến thỉnh tất cả các Đức Phật mười phương chuyển pháp luân Vô thượng, đều được các Đức Phật hoan hỷ khen ngợi. Này thiện nam! Như lời ta nói, trong tất cả thí thì pháp thí là hơn hết. Vậy nên, này thiện nam! Ở chỗ Tam bảo thiết lập những sự cúng dường là không gì sánh bằng, khuyên thọ Tam quy, giữ tất cả giới không sai phạm, ba nghiệp chẳng rỗng không, là không gì sánh được. Tất cả chúng sinh của tất cả thế giới tùy sức lực, tùy khả năng, tùy sở nguyện ưa thích, ở trong ba Thừa khuyên họ phát tâm Bồđề, là không gì sánh được! Chúng sinh trong tất cả thế giới ở ba đời đều được vô ngại, mau chóng khiến cho họ thành tựu vô lượng công đức, là không gì sánh được! Tất cả chúng sinh trong cõi nước ba đời, đều khiến họ được không chướng ngại, được Tam-bồ-đề, là không gì sánh được. Tất cả các chúng sinh trong cõi nước ba đời, khuyên khiến cho họ mau chóng ra khỏi khổ của bốn đường ác, là không gì sánh được. Tất cả chúng sinh trong cõi nước ba đời, khuyên khiến cho họ được trừ diệt nghiệp ác sâu nặng, là không gì sánh được. Khuyên khiến họ giải thoát tất cả khổ não, là không gì sánh được. Tất cả sự sợ hãi của khổ não bức thiết, khiến cho họ được giải thoát tất cả, là không gì sánh được. Công đức của tất cả chúng sinh, ở trước chư Phật ba đời, khuyên khiến cho họ được tùy hỷ phát nguyện Bồ-đề, là không gì sánh được. Khuyên trừ ác hạnh, nghiệp nhục mạ, tất cả công đức đều nguyện thành tựu, ở trong cuộc sống, khuyến thỉnh cúng dường, tôn trọng, tán thán tất cả Tam bảo, khuyến thỉnh chúng sinh thanh tịnh tu hành hạnh phước đức, thành tựu viên mãn Bồ-đề, là không gì sánh được. Vậy nên, ông phải biết, khuyến thỉnh Tam Bảo của tất cả thế giới trong ba đời, khuyến thỉnh đủ đầy sáu pháp Ba-la-mật, khuyến thỉnh chuyển pháp luân Vô thượng, khuyến thỉnh trụ thế trải qua vô lượng kiếp, tuyên nói vô lượng pháp sâu xa vi diệu thì công đức không gì có thể so sánh được.
Bấy giờ, trời Đế Thích và Nữ thần sông Hằng, vô lượng Phạm vương, Tứ đại Thiên vương đều từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại áo bày vai phải, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay đảnh lễ, bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con đều được nghe kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, nay đều thọ trì, đọc tụng thông suốt, vì người khác phải nói rộng rãi và an trụ nương theo pháp này. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì chúng con muốn cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thuận theo nghĩa này đủ các tướng thù thắng, đúng như pháp mà tu hành.
Bấy giờ, Phạm vương, trời Đế Thích... Ở chỗ nói pháp đều dùng đủ thứ hoa Mạn-đà-la tung lên trên Đức Phật, đất của tam thiên đại thiên thế giới làm chấn động lớn, tất cả trống trời và các âm nhạc không đánh mà tự trổi lên và phóng ra ánh sáng màu vàng rồng chiếu khắp thế giới, phát ra âm thanh vi diệu. Trời Đế Thích bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Những sự kiện này đều chính là do sức uy thần của kinh Kim Quang Minh, Từ bi cứu giúp khắp nơi, vô số lợi ích, tăng trưởng vô số căn lành Bồ-tát, diệt các nghiệp chướng.
Đức Phật bảo:
–Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói! Vì sao? Này thiện nam! Ta nhớ thuở xưa, cách đây vô lượng trăm ngàn a-tăng-kỳ kiếp có Đức Phật hiệu là Bảo Vương Đại Quang Chiếu Như Lai Ứng Chánh Biến Tri xuất hiện ở thế gian, trụ thế sáu trăm tám mươi ức kiếp. Bấy giờ, Đức Như Lai Bảo Vương Đại Quang Chiếu vì muốn độ thoát Trời, Người, Đế Thích, Phạm vương, Sa-môn, Bà-lamôn... khiến cho tất cả chúng sinh đều được an lạc. Đang khi xuất hiện, hội thuyết pháp đầu tiên, Ngài hóa độ được trăm ngàn ức ức vạn người, tất cả đều đạt quả A-la-hán, các lậu đã hết, ba Minh, sáu Thông tự tại vô ngại. Ở hội thứ hai, lại hóa độ được chín mươi ngàn ức ức vạn người, tất cả đều chứng quả A-la-hán, các lậu đã hết, ba Minh, sáu Thông tự tại, vô ngại. Ở hội thứ ba, lại hóa độ được chín mươi tám ngàn ức ức vạn người, tất cả đều chứng quả A-la-hán, viên mãn như trên.
Này thiện nam! Lúc ấy ta làm thân người nữ tên là Phước Bảo Quang Minh, ở hội thứ ba, được gần gũi Đức Thế Tôn, thọ trì, đọc tụng kinh Kim Quang Minh này, vì người khác giảng nói rộng rãi, cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Khi ấy, Đức Thế Tôn đó thọ ký cho ta rằng: “Người con gái Phước Bảo Quang Minh này vào đời vị lai sẽ được làm Phật hiệu là Thích-ca Mâuni Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.” Sau khi xả bỏ thân nữ, từ đó về sau, ta vượt khỏi bốn đường ác, sinh ra trong cõi trời, người, hưởng sự an vui thượng diệu, tám mươi bốn trăm ngàn đời làm Chuyển luân vương... cho đến ngày hôm nay được thành Chánh giác, tiếng lành vang khắp thế giới.
Đại chúng bỗng nhiên đều thấy Đức Như Lai Bảo Vương Đại Quang Chiếu đang chuyển Pháp luân vô thượng, nói pháp vi diệu.
Đức Phật nói tiếp:
–Này thiện nam! Cách thế giới Ta-bà này về phương Đông, qua trăm ngàn hằng hà sa số cõi Phật, có thế giới tên là Bảo trang nghiêm, Đức Như Lai Bảo Vương Đại Quang Chiếu ấy, nay đang ở tại cõi đó, chưa vào Bát-niết-bàn và đang nói pháp vi diệu, hóa độ cho khắp quần sinh. Người mà các ông thấy chính là Đức Phật ấy!
Này thiện nam! Nếu có thiện nam, thiện nữ nghe danh hiệu Đức Như Lai Bảo Vương Đại Quang Chiếu này thì đối với địa Bồ-tát được không thoái chuyển, đến Đại Niết-bàn. Nếu có người nữ nghe danh hiệu Đức Phật này thì lúc sắp mạng chung được thấy Phật đến chỗ của mình, nhờ đã thấy Đức Phật nên không bao giờ thọ thân nữ nữa. Này thiện nam! Kinh điển vi diệu Kim Quang Minh này có vô số lợi ích, vô số căn lành Bồ-tát được tăng trưởng, diệt các nghiệp chướng.
Này thiện nam! Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, bất kỳ ở đâu mà vì người giảng nói kinh điển vi diệu Kim Quang Minh này thì ở cõi nước ấy đều đạt được bốn loại căn lành phước lợi. Những gì là bốn?
1. Quốc vương không bệnh, lìa khỏi các tai ách.
2. Tuổi thọ lâu dài, không có chướng ngại.
3. Không các oán địch, binh chúng hùng dũng.
4. Yên ổn thịnh vượng vui sướng, chánh pháp lưu thông.
Vì sao? Vì những vị vua cõi người như vậy thường được Đế Thích, Phạm vương, Tứ Thiên vương và chúng Dạ-xoa cùng nhau ủng hộ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Thiên chúng rằng: –Này những thiện nam, việc này thật chăng?
Lúc đó, vô số Đế Thích, Phạm vương, Tứ Thiên vương và chúng Dạ-xoa đều cùng lúc đồng thanh đáp Đức Thế Tôn rằng:
–Đúng vậy! Đúng vậy! Nếu ở cõi nước nào có giảng nói, đọc tụng kinh vi diệu này, đối với những vị vua các nước đó, Tứ Thiên vương chúng con sẽ luôn đến ủng hộ, cùng nhau đi đứng. Vua ấy, nếu có tất cả tai chướng và các oán địch thì Tứ Thiên vương chúng con đều khiến cho tiêu diệt hết, lo buồn, dịch bệnh cũng khiến cho trừ khỏi, tăng thêm tuổi thọ, cảm ứng điềm tốt lành, ước nguyện được thỏa lòng, tâm ý luôn luôn hoan hỷ. Chúng con cũng có thể khiến cho binh lính trong nước ấy đều luôn hùng dũng!
Đức Phật khen rằng:
–Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Đúng như lời nói của ông! Các ông phải tu hành! Vì sao? Vì các quốc vương này khi theo đúng như pháp hành sự thì tất cả nhân dân đều theo vua tu tập. Theo đúng như pháp tu hành thì các ông đều được nhờ uy lực thù thắng này mà cung điện được sáng, quyến thuộc được cường thịnh!
Đế Thích, Phạm vương... bạch Đức Phật rằng:
–Đúng vậy! Bạch Thế Tôn!
Đức Phật bảo:
–Nếu có chỗ giảng đọc lưu thông kinh điển vi diệu này thì Đại thần, quan lại ở trong nước ấy được bốn điều lợi ích. Những gì là bốn?
1. Hòa thuận thân nhau, luôn tôn trọng, yêu quý nhau.
2. Thường được sự sủng ái của vua, cũng được sự tuân kính của Sa-môn, Bà-la-môn, nước lớn, nước nhỏ.
3. Xem nhẹ tiền tài, coi trọng luật pháp, chẳng cầu lợi lạc ở đời, tiếng tốt vang khắp nơi, được mọi người kính ngưỡng.
4. Tuổi thọ kéo dài, yên ổn, vui vẻ.
Nếu ở cõi nước nào tuyên nói Kinh này thì Samôn, Bà-la-môn được bốn điều lợi ích thù thắng. Những gì là bốn?
1. Y phục, thực phẩm, đồ nằm, thuốc thang trị bệnh không có gì thiếu thốn.
2. Luôn được an tâm suy nghĩ đọc tụng.
3. Nương ở an vui trong núi rừng.
4. Tùy theo ước nguyện của lòng, đều được viên mãn.
Nếu ở cõi nước nào có tuyên nói kinh này thì tất cả nhân dân đều được thịnh vượng an vui, không có các dịch bệnh, thương buôn qua lại đạt được nhiều của cải quý báu, đầy đủ các phước thù thắng. Đó gọi là các loại công đức lợi ích.
Lúc bấy giờ, Phạm vương, Đế Thích, Tứ Thiên vương và các đại chúng bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Ý nghĩa sâu xa của kinh điển này, nếu còn tồn tại thì phải biết ba mươi bảy phẩm pháp trợ Bồ-đề của Như Lai trụ thế chưa diệt. Nếu khi kinh điển này diệt hết thì chánh pháp cũng diệt!
Đức Phật nói:
–Đúng vậy! Đúng vậy! Này thiện nam! Các ông đối với kinh Kim Quang Minh này, một câu, một bài tụng, một phẩm, một bộ đều phải một lòng đọc tụng chân chánh, nghe giữ chân chánh, tư duy chân chánh, tu tập chân chánh và vì các chúng sinh tuyên nói, lưu bố rộng rãi thì mãi mãi được an vui, phước lợi vô biên!
Khi ấy, các đại chúng nghe Đức Phật giảng nói xong, tất cả đều được lợi ích thù thắng, hoan hỷ thọ trì.
Bấy giờ, Bồ-tát Sư Tử Tướng Vô Ngại Quang Diệm cùng với vô lượng ức đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo bày vai phải, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay, cung kính đảnh lễ dưới chân Đức Phật, dùng các loại hương hoa, cờ, phướn và lọng báu để cúng dường rồi bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Phải nhờ bao nhiêu nhân duyên mới được tâm Bồ-đề? Thế nào là tâm Bồđề? Bạch Thế Tôn! Tức là đối với Bồ-đề, tâm hiện tại chẳng thể đạt được, tâm vị lai chẳng thể đạt được, tâm quá khứ chẳng thể đạt được, lìa khỏi Bồđề thì tâm Bồ-đề cũng chẳng thể đạt được. Bồ-đề là chẳng thể ngôn thuyết, tâm cũng không sắc, không tướng, không có sự nghiệp, chẳng phải có thể tạo tác, chúng sinh cũng chẳng thể đạt được, cũng chẳng thể biết. Bạch Thế Tôn! Nghĩa thậm thâm của các pháp làm sao lại có thể biết được?
Đức Phật bảo:
–Này thiện nam! Đúng vậy! Đúng vậy! Bồ-đề vi diệu, sự nghiệp tạo tác đều chẳng thể đạt được. Nếu lìa khỏi Bồ-đề thì tâm Bồ-đề cũng chẳng thể đạt được. Bồ-đề là chẳng thể nói, tâm cũng chẳng thể nói, không sắc, không tướng, không sự nghiệp, tất cả chúng sinh cũng chẳng thể đạt được. Vì sao? Vì Bồ-đề và tâm đồng với chân như, chủ thể chứng và đối tượng chứng đều bình đẳng, chẳng phải không có các pháp mà có thể rõ biết. Này thiện nam! Đại Bồ-tát biết như vậy thì mới được gọi là thông đạt các pháp, khéo nói Bồ-đề và tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại. Tâm cũng như vậy, chúng sinh cũng như vậy, trong đó, hai tướng thật sự chẳng thể đạt được. Vì sao? Vì do tất cả pháp đều không sinh vậy. Bồ-đề chẳng thể đạt được, tên Bồ-đề cũng chẳng thể đạt được; chúng sinh, tên chúng sinh chẳng thể đạt được; Thanh văn, tên Thanh văn chẳng thể đạt được; Độc giác, tên Độc giác chẳng thể đạt được; Bồ-tát, tên Bồ-tát chẳng thể đạt được; Phật, tên Phật chẳng thể đạt được; hành, chẳng phải hành chẳng thể đạt được; tên hành, chẳng phải tên hành chẳng thể đạt được. Do chẳng thể đạt được nên ở trong tất cả pháp tịch tịnh mà được an trụ. Điều này nương theo tất cả căn lành công đức mà được sinh khởi.
Này thiện nam! Ví như núi báu chúa Tu-di ích lợi cho tất cả, tâm Bồ-đề này làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Đó gọi là nhân thứ nhất Bố thí ba-lamật.
Này thiện nam! Ví như đại địa giữ gìn mọi vật. Đó gọi là nhân thứ hai Trì giới ba-la-mật.
Ví như sư tử có uy lực lớn, một mình bước đi không sợ hãi, lìa khỏi sự kinh sợ. Đó gọi là nhân thứ ba Nhẫn nhục ba-la-mật.
Ví như vầng gió năng lực Na-la-diên mạnh mẽ, nhanh chóng, lòng chẳng thoái lui. Đó gọi là nhân thứ tư Tinh tấn ba-la-mật.
Ví như lầu Bảy báu có đường bốn thềm bậc, gió mát thổi đến bốn cửa, cảm nhận niềm vui yên ổn, kho tàng pháp Thiền định tràn đầy. Đó gọi là nhân thứ năm Thiền ba-la-mật.
Ví như ánh sáng vầng mặt trời sáng chói chang, tâm này có thể nhanh chóng phá diệt tối tăm của vô minh sinh tử. Đó gọi là nhân thứ sáu Trí tuệ bala-mật.
Ví như vị thương chủ có thể khiến cho tất cả các ước nguyện đều thỏa mãn đầy đủ, tâm này có thể qua khỏi con đường hiểm nguy sinh tử, được châu báu công đức. Đó gọi là nhân thứ bảy Phương tiện thắng trí ba-la-mật.
Ví như mặt trăng tròn sáng trong, không bị che ngăn, tâm này có thể thanh tịnh đầy đủ đối với tất cả cảnh giới. Đó gọi là nhân thứ tám Nguyện bala-mật.
Ví như vị chủ binh Bảo Thần của Chuyển luân thánh vương tùy ý tự tại, tâm này có thể khéo léo làm trang nghiêm cõi nước Phật thanh tịnh, công đức không lường, lợi ích cho khắp các quần sinh. Đó gọi là nhân thứ chín Lực ba-la-mật.
Ví như hư không và Chuyển luân thánh vương, tâm này có thể đối với tất cả cảnh giới không có chướng ngại, đối với tất cả nơi chốn đều được tự tại đạt đến địa vị Quán đảnh. Đó gọi là nhân thứ mười Trí ba-la-mật.
Này thiện nam! Đó gọi là mười loại nhân của tâm Bồ-đề của Đại Bồ-tát. Mười nhân như vậy, các ông phải tu hành!
Này thiện nam! Nương theo năm pháp, Đại Bồtát thành tựu Bố thí ba-la-mật. Những gì là năm?
1. Tín căn.
2. Từ bi.
3. Tâm không ham muốn.
4. Giáo hóa tất cả chúng sinh.
5. Nguyện cầu trí Nhất thiết trí.
Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu Bố thí ba-la-mật.
Này thiện nam! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ-tát thành tựu Trì giới ba-la-mật. Những gì là năm?
1. Ba nghiệp thanh tịnh.
2. Không để tất cả chúng sinh tạo tác nhân duyên phiền não.
3. Đóng các đường ác, mở cửa đường thiện.
4. Vượt qua quả vị Thanh văn, Độc giác.
5. Đầy đủ tất cả công đức.
Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu Trì giới ba-la-mật.
Này thiện nam! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ-tát thành tựu Nhẫn nhục ba-la-mật. Những gì là năm?
1. Có thể điều phục tham, sân, phiền não.
2. Chẳng tiếc thân mạng, chẳng cầu an lạc, ngừng diệt các tưởng.
3. Tư duy về nghiệp quá khứ, gặp khổ có thể kham nhẫn.
4. Phát tâm Từ bi, thành tựu các căn lành cho chúng sinh.
5. Được pháp Nhẫn vô sinh sâu xa.
Này thiện nam! Đó gọi là Bồ-tát thành tựu Nhẫn nhục ba-la-mật.
Này thiện nam! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ-tát thành tựu Tinh tấn ba-la-mật. Những gì là năm?
1. Chẳng ưa ở chung cùng các phiền não.
2. Phước đức chưa đủ thì chẳng nhận sự an vui.
3. Đối với khổ hạnh khó thực hành chẳng sinh lòng chán nản.
4. Dùng đại Từ bi làm lợi ích cho tất cả, phương tiện làm cho tất cả chúng sinh đều thành tựu.
5. Nguyện cầu quả vị không thoái chuyển.
Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu Tinh tấn ba-la-mật.
Này thiện nam! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ-tát thành tựu Thiền ba-la-mật. Những gì là năm?
1. Bao gồm các thiện pháp khiến cho chẳng tản mất.
2. Thường nguyện giải thoát, chẳng chấp chặt vào Nhị biên.
3. Nguyện được thần thông, thành tựu các thiện căn cho chúng sinh.
4. Vì làm thanh tịnh pháp giới, nên diệt trừ tâm cấu bẩn.
5. Đoạn trừ phiền não căn bản cho chúng sinh.
Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu Thiền ba-la-mật.
Này thiện nam! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ-tát thành tựu Trí tuệ ba-la-mật. Những gì là năm?
1. Thường cúng dường, gần gũi tất cả các Đức Phật, Bồ-tát và các Bậc trí tuệ sáng suốt không hề nhàm chán.
2. Được các Đức Phật Như Lai nói pháp thậm thâm, lòng thường ưa nghe không biết chán.
3. Trí tuệ thù thắng khéo léo phân biệt về lý chân lẽ tục.
4. Nhanh chóng đoạn trừ các phiền não kiến tư hoặc.
5. Các nghề nghiệp thế gian, pháp năm minh đều thông đạt hết.
Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu Trí tuệ ba-la-mật.
Này thiện nam! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ-tát thành tựu Phương tiện ba-la-mật. Những gì là năm?
1. Thông đạt tất cả các ý ưa phiền não, tâm và hành động sai biệt của hết thảy chúng sinh.
2. Tâm hiểu rõ vô lượng các pháp môn đối trị.
3. Thiền định đại Từ bi ra vào tự tại.
4. Đối với các Ba-la-mật đều nguyện tu hành, thành tựu đầy đủ.
5. Tất cả Phật pháp đều nguyện thông hiểu và bao gồm không sót.
Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu Phương tiện thắng trí Ba-la-mật.
Này thiện nam! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ-tát thành tựu Nguyện ba-la-mật. Những gì là năm?
1. Đối với tất cả pháp từ xưa đến nay chẳng sinh chẳng diệt, chẳng phải có, chẳng phải không... lòng được an trụ.
2. Quan sát tất cả pháp nghĩa lý vi diệu, lìa cấu bẩn, thanh tịnh... lòng được an trụ.
3. Qua tất cả tưởng, là Chân như căn bản, không tạo tác, không vận hành, chẳng đổi khác, chẳng lay động, lòng được an trụ.
4. Vì muốn lợi ích việc của các chúng sinh nên ở trong tục đế, lòng được an trụ.
5. Đối với Xa-ma-tha (chỉ) và Tỳ-bát-xá-na (quán) đồng thời vận hành, lòng được an trụ.
Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu Nguyện ba-la-mật.
Này thiện nam! Lại có năm pháp, Đại Bồ-tát thành tựu Lực Ba-la-mật. Những gì là năm?
1. Dùng năng lực chánh trí có thể biết rõ tâm hành thiện ác của tất cả chúng sinh.
2. Có thể khiến cho tất cả chúng sinh thể nhập vào pháp vi diệu thậm thâm.
3. Biết rõ như thật tất cả chúng sinh luân hồi sinh tử theo duyên nghiệp của họ.
4. Đối với ba loại căn tánh của các chúng sinh, dùng năng lực chánh trí có thể phân biệt biết được.
5. Đối với các chúng sinh, theo đúng như lý vì họ giải nói, khiến cho họ gieo trồng thiện căn, được thành thục, độ thoát, đều là nhờ năng lực trí tuệ.
Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu lực Ba-la-mật.
Này thiện nam! Lại nương vào năm pháp, Đại Bồ-tát thành tựu Trí ba-la-mật. Những gì là năm?
1. Có thể đối với các pháp, phân biệt được thiện ác.
2. Xa lìa các pháp bất tịnh, gồm thâu các pháp thanh tịnh.
3. Không chán sinh tử, chẳng ham Niết-bàn.
4. Đủ hạnh phước trí, đến chỗ hoàn hảo.
5. Thọ nhân sự Quán đảnh, thù thắng có thể được những pháp Bất cộng của chư Phật và trí
Nhất thiết trí.
Này thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ-tát thành tựu Trí ba-la-mật.
Này thiện nam! Ý nghĩa của Ba-la-mật là gì? Đó là: Tu tập lợi ích thù thắng là nghĩa của Ba-lamật. Viên mãn vô lượng trí tuệ sâu xa là nghĩa của Ba-la-mật. Tâm không chấp thủ vào pháp tạo tác hay chẳng tạo tác là nghĩa của Ba-la-mật, Giác ngộ và quan sát chân chánh lỗi lầm của sinh tử, công đức của Niết-bàn, là nghĩa của Ba-la-mật. Giáo hóa tất cả kẻ ngu người trí là nghĩa của Ba-la-mật. Có thể hiện vô số pháp châu báu vi diệu là nghĩa của Ba-la-mật. Trí tuệ vô ngại giải thoát đầy đủ là nghĩa của Ba-la-mật. Phân biệt đúng đắn về pháp giới, chúng sinh giới là nghĩa của Ba-la-mật. Bố thí, trí tuệ đạt đến không thoái chuyển là nghĩa của Ba-la-mật. Khiến cho pháp nhẫn vô sinh được đầy đủ là nghĩa của Ba-la-mật. Khiến cho thiện căn công đức của tất cả chúng sinh được thành thục là nghĩa của Ba-la-mật. Có thể đối với Bồ-đề, thành tựu mười Lực của Phật, bốn Vô sở úy, những pháp Bất cộng... là nghĩa của Ba-la-mật. Sinh tử Niếtbàn biết rõ không có hai tướng là nghĩa của Ba-lamật. Cứu độ tất cả là nghĩa của Ba-la-mật. Tất cả ngoại đạo đến vấn nạn, có thể giải thích khéo léo khiến cho họ bị điều phục là nghĩa của Ba-la-mật. Có thể chuyển pháp luân mười hai hành vi diệu là nghĩa của Ba-la-mật. Không tham đắm, không kiến chấp, không bị các nạn là nghĩa của Ba-la-mật.
Này thiện nam! Bồ-tát Địa thứ nhất thì tướng này hiện trước tam thiên đại thiên thế giới, vô lượng, vô biên đủ loại kho báu không đâu chẳng tràn đầy, Bồ-tát đều thấy.
Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ hai thì tướng này hiện trước tam thiên đại thiên thế giới, đất bằng phẳng như bàn tay, được trang trí bằng vô lượng, vô biên các loại châu báu thanh tịnh, màu sắc đẹp đẽ, Bồ-tát đều thấy.
Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ ba thì tướng này hiện trước tướng mão hùng dũng, áo giáp và vũ khí trang nghiêm, thu phục tất cả oán địch, Bồtát đều thấy.
Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ tư thì tướng này hiện trước bốn phương có gió chuyển, các loại hoa đẹp tung rải khắp mặt đất, Bồ-tát đều thấy.
Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ năm thì tướng này hiện trước có diệu bảo nữ khắp thân trang sức bằng những chuỗi ngọc báu, đầu đội mũ hoa quý báu, Bồ-tát đều thấy.
Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ sáu thì tướng này hiện trước ao hoa bảy báu có bốn đường thềm, cát vàng trải khắp, thanh tịnh không bẩn, nước tám công đức tràn đầy, hoa Ôn-bát-la, hoa Câu-vậtđầu, hoa Phân-đà-lợi tùy chen nhau đua nở, đẹp đẽ, dạo chơi vui vẻ nơi ao hoa, mát mẻ không gì sánh bằng, Bồ-tát đều thấy.
Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ bảy thì tướng này hiện trước ở trước Bồ-tát có các chúng sinh đáng bị đọa địa ngục, do năng lực Bồ-tát, liền được sinh Thiên chẳng bị đọa địa ngục, không có tổn thương, cũng không kinh sợ, Bồ-tát đều thấy.
Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ tám thì tướng này hiện trước ở hai bên thân có Sư tử vương hộ vệ, tất cả mọi loài thú đều kinh sợ, Bồ-tát đều thấy. Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ chín thì tướng này hiện trước Thánh vương chuyển luân với vô lượng ức chúng vây quanh cúng dường, trên đỉnh che lọng trắng được trang trí bằng vô lượng châu báu, Bồ-tát đều thấy.
Này thiện nam! Bồ-tát ở Địa thứ mười thì tướng này hiện trước: thân Như Lai màu vàng ròng rực rỡ với vô lượng ánh sáng thanh tịnh đều viên mãn, có vô lượng ức Phạm vương vây quanh cung kính, Như Lai vận chuyển pháp luân vô thượng vi diệu, Bồ-tát đều thấy.
Này thiện nam! Vì sao Địa thứ nhất gọi là Hoan hỷ (Pīamuditā)? Nghĩa là mới chứng được tâm xuất thế, trước đây chưa được mà nay mới được, đối với việc lớn đúng như sở nguyện, đều thành tựu tất cả, sinh ra vô cùng vui mừng. Vậy nên, Địa thứ nhất gọi là Hoan hỷ. Những cấu uế vi tế, lỗi lầm phạm giới đều được thanh tịnh, nên Địa thứ hai gọi là Vô cấu (Vimalā). Vô lượng ánh sáng trí tuệ Tam-muội, chẳng thể lay động, không thể thu phục, Văn trì đà-la-ni làm căn bản, nên Địa thứ ba gọi là Minh địa (Prabhā-Karī). Dùng lửa trí tuệ thiêu đốt các phiền não, tăng trưởng ánh sáng, tu hành các pháp đưa đến giác ngộ, nên Địa thứ tư gọi là Diêm địa (Arcixmatī). Tu hành phương tiện thắng trí tự tại rất khó được, điều phục được phiền não kiến tư hoặc khó phục, nên Địa thứ năm gọi là Nan thắng (Sudurjayā). Hành pháp nối tiếp nhau tỏ rõ hiển hiện, tư duy vô tướng đều hiện tiền, nên Địa thứ sáu gọi là Hiện tiền (Abhimuktī). Tư duy vô lậu, không gián đoạn, vô tướng, Tam-muội giải thoát, tu hành cao vời, Địa này thanh tịnh không có chướng ngại, nên Địa thứ bảy gọi là Viễn hành (Dūraṃgamā). Tư duy vô tướng, tu đạt được tự tại, các phiền não chẳng thể khiến cho dao động, nên Địa thứ tám gọi là Bất động (Acalā). Nói tất cả pháp có vô số sai biệt đều được tự tại, không lo âu, không lệ thuộc, tăng trưởng trí tuệ, tự tại vô ngại, nên Địa thứ chín gọi là Thiện tuệ (Sādhamatī). Pháp thân như hư không, trí tuệ như vầng mây lớn có thể che phủ tất cả, nên Địa thứ mười gọi là Pháp vân (Dharma-maghā).
Này thiện nam! Vô minh chấp thủ có tướng ngã, pháp và vô minh sợ hãi được ác sinh tử, hai chướng vô minh này ở Địa thứ nhất. Vô minh phạm các học xứ vi tế và vô minh phát khởi các nghiệp hạnh, hai chướng vô minh này ở Địa thứ hai. Vô minh chưa được khiến cho được đắm nhiễm và vô minh chướng ngại Tổng trì thù thắng, hai chướng vô minh này ở Địa thứ ba. Vô minh vui mừng tham đắm Thiền và vô minh ưa thích pháp thanh tịnh, vi diệu, hai chướng vô minh này ở Địa thứ tư. Vô minh muốn quay lưng với sinh tử và vô minh mong đạt đến Niết-bàn, hai chướng vô minh này ở Địa thứ năm. Vô minh quan sát hành lưu chuyển, vô minh hiện ra tướng thô. Hai chướng vô minh này ở Địa thứ sáu. Vô minh các tướng hiện hạnh vi tế, vô minh vô tướng khởi ý an vui. Hai chướng vô minh này ở Địa thứ bảy. Vô minh quán công dụng của vô tướng, vô minh chấp tướng tự tại. Hai chướng vô minh này ở Địa thứ tám. Vô minh chưa đạt thiện xảo về Nghĩa vô ngại và Pháp vô ngại, vô minh đối với từ biện tài chẳng theo ý muốn. Hai chướng vô minh này ở Địa thứ chín. Vô minh đối với đại thần thông chưa được tự tại biến hiện, vô minh chưa thể hiểu rõ những vi tế bí mật. Hai chướng vô minh này ở Địa thứ mười. Vô minh hiểu biết chướng ngại đối với tất cả cảnh giới vi tế, vô minh nặng nề về các phiền não vi tế. Hai chướng vô minh này ở Phật địa.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát ở trong Địa thứ nhất thực hành Thí ba-la-mật, ở Địa thứ hai thực hành Giới ba-la-mật, ở Địa thứ ba thực, hành Nhẫn bala-mật, ở Địa thứ tư thực hành Tinh tấn ba-la-mật, ở Địa thứ năm hành Định ba-la-mật, ở Địa thứ sáu thực hành Tuệ ba-la-mật, ở Địa thứ bảy thực hành Phương tiện thắng trí ba-la-mật, ở Địa thứ tám thực hành Nguyện ba-la-mật, ở Địa thứ chín thực hành Lực Ba-la-mật, ở Địa thứ mười thực hành Trí bala-mật.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát ban đầu mới phát tâm giáo hóa có thể sinh ra Tam-ma-địa Diêu bảo, Bồ-tát ở Địa thứ hai phát tâm giáo hóa có thể sinh ra Tam-ma-địa Khả ái lạc, ở Địa thứ ba phát tâm giáo hóa có thể sinh ra Tam-ma-địa Nan động, ở Địa thứ tư phát tâm giáo hóa có thể sinh ra Tamma-địa Bất thoái chuyển, ở Địa thứ năm phát tâm giáo hóa có thể sinh ra Tam-ma-địa Bảo hoa, ở Địa thứ sáu phát tâm giáo hóa có thể sinh ra Tam-mađịa Nhật viên quang diệm, ở Địa thứ bảy phát tâm giáo hóa có thể sinh ra Tam-ma-địa Nhất thiết nguyện như ý thành tựu, ở Địa thứ tám phát tâm giáo hóa có thể sinh ra Tam-ma-địa Hiện tiền chứng trụ, ở Địa thứ chín phát tâm giáo hóa có thể sinh ra Tam-ma-địa Trí tạng, ở Địa thứ mười phát tâm giáo hóa có thể sinh ra Tam-ma-địa Dũng tiến. Này thiện nam! Đó gọi là mười loại phát tâm của Đại Bồ-tát. Này thiện nam! Đại Bồ-tát ở Địa thứ nhất này được Đà-la-ni tên là Y công đức lực.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói chú rằng:
Đát điệt tha, bô luật nĩ, mạn nô lạt thế, độc hổ, độc hổ, độc hổ, gia bạt, tô lợi du, a bà bà tát để, gia bạt, chiên đạt la, điêu đát để, đa bạt đạt lạc xoa mạn, đan trà bát lợi ha lam, củ lổ, tá ha, (Tadyathā pūrṇi mantrate tuhu tuhu yava-sūrya avabhāsati yava-candra cukuti tavata raksa maư caṇḍa pariharaṃ kuru svāhā).
Này thiện nam! Đà-la-ni này do các Đức Phật nhiều hơn số cát trong một sông Hằng nói để ủng hộ Đại Bồ-tát Địa thứ nhất. Nếu người nào đọc tụng thọ trì chú Đà-la-ni này thì được thoát tất cả những sợ hãi về cọp, sói, sư tử... các loài thú dữ, tất cả ác quỷ, người, chẳng phải người... oán thù, tai nạn và các khổ não... được giải thoát năm chướng và chẳng quên nghĩ đến Địa thứ nhất.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát ở Địa thứ hai được Đà-la-ni gọi là Thiện an lạc trụ:
Đát điệt tha, ôn xiển lí, chất lí, chất lí, ôn xiển la xiển la, nam thiện đổ thiện đổ ôn xiển lí, hổ lỗ hổ lỗ, tá ha (Tadyathā untali śiri śiri untali tannaṃ jant jantu untali huru svāhā).
Này thiện nam! Đà-la-ni này là của chư Phật nhiều hơn số cát trong hai sông Hằng nói để ủng hộ Đại Bồ-tát Địa thứ hai. Nếu người nào trì tụng chú Đà-la-ni này thì thoát khỏi những nỗi kinh sợ ác thú, ác quỷ, người, chẳng phải người... oán thù, tai nạn và các khổ não được giải thoát năm chướng và chẳng quên nghĩ đến Địa thứ hai.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát ở Địa thứ ba được Đà-la-ni gọi là Nan thắng lực:
Đát điệt tha, đan trạch, chỉ bát, trạch chỉ, yết lạt trí cao lạt trí, kê do lý, đan trí lý, tá ha (Tadyathā tantaki pautaki karati kaurati keyuri tantili svāhā).
Này thiện nam! Đà-la-ni này là của chư Phật nhiều hơn số cát trong ba sông Hằng nói để ủng hộ Đại Bồ-tát Địa thứ ba. Nếu có người trì tụng chú Đà-la-ni này thì thoát được những nỗi kinh sợ ác thú, ác quỷ, người, chẳng phải người... oán thù, tai nạn và các khổ não, được giải thoát năm chướng và chẳng quên nghĩ đến Địa thứ ba.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát ở Địa thứ tư được Đà-la-ni gọi tên là Đại lợi ích:
Đát điệt tha, thất lị thất lị, đà nhị nĩ đà nhị nĩ, đà lí đà lí nĩ, thất lị thất lị nĩ, tỳ xá la ba thế ba thế ná, bạn đà nhị đế, ta ha (Tadyathā śiri śiri damini damini dari-darini śiri-śirini vicara paci-pacina pandamite svāhā).
Này thiện nam! Đà-la-ni này là của chư Phật nhiều hơn số cát trong bốn sông Hằng nói để hộ trì Đại Bồ-tát Địa thứ tư. Nếu có người trì tụng chú Đà-la-ni này thì thoát khỏi những sự kinh sợ ác thú, ác quỷ, người, chẳng phải người... oán thù, tai nạn và các khổ não được giải thoát năm chướng và chẳng quên nghĩ đến Địa thứ tư.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát ở Địa thứ năm được Đà-la-ni gọi là Chủng Chủng công đức trang nghiêm:
Đát điệt tha, ha lý ha lý, nĩ già lý già lý nĩ, yết lạt ma, nĩ tăng yết lạt ma, nĩ, tam ba sơn nĩ chiêm bạt nĩ, tất đam bà nĩ mô hán nĩ, toái diêm bộ bệ, tá ha (Tadyathā hari hariṇi cariṇi kara-maṇi saṃkramaṇi sambasuni cambani stanvani mohani sija-buhe svāhā).
Này thiện nam! Đà-la-ni này là của chư Phật nhiều hơn số cát trong năm sông Hằng nói để hộ trì Đại Bồ-tát Địa thứ năm. Nếu có người trì tụng chú Đà-la-ni này thì được thoát khỏi các nỗi kinh sợ về ác thú, ác quỷ, người chẳng phải người... oán thù, tai nạn và các khổ não được giải thoát năm chướng và chẳng quên nghĩ đến Địa thứ năm.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát ở Địa thứ sáu được Đà-la-ni gọi là Viên mãn trí:
Đát điệt tha, tỳ tỉ lí tỳ tỉ lí, ma lí nĩ ca lí ca lí, tỳ độ hán để, lỗ lỗ lỗ lỗ, chủ lỗ chủ lỗ, đổ lỗ bà đổ lỗ bà, xả xả thiết giả bà lí sái tai, tất để tát bà tát đỏa nam, tất điện đổ mạn đát la bát đà nĩ, tá ha (Tadyathā vitori vitorim ariṇi mariṇi kiri kiri vitohanti ruru-ruru curu curu durva duruva śaśa śaccha variśa svasti sasva-sattvānāṃ siddhyantu maya mantra padāni svāhā).
Này thiện nam! Đà-la-ni này là của chư Phật nhiều hơn số cát trong sáu sông Hằng nói để hộ trì Đại Bồ-tát ở Địa thứ sáu. Nếu có người trì tụng chú Đà-la-ni này thì được thoát khỏi những nỗi kinh sợ về ác thú, ác quỷ, người, chẳng phải người... oán thù, tai nạn và các khổ não được giải thoát năm chướng và chẳng quên nghĩ đến Địa thứ sáu.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát ở Địa thứ bảy được Đà-la-ni gọi là Pháp thắng hạnh:
Đát điệt tha, chước ha, chước ha, lỗ chước ha chước ha chước ha lỗ, tỳ bệ chỉ tỳ bệ chỉ, a mật lật đa đề hán nĩ, bột lí sơn nĩ, tỳ lỗ sắc chỉ, bà lỗ phạt để, tỳ đề hê chỉ, tần đà bệ lí nhĩ, a mật lí để chỉ, bạc hổ chủ dũ, bạc hổ chủ dũ, tá ha (Tadyathā jaha jaharu jaha viduke viduke amṛta khaṇi vṛṣṣaṇi vairu caṇi vairucike varuvatti vidhibike bhandin variṇi amṛtike bahujaja bahūjayu svāhā).
Này thiện nam! Đà-la-ni này là của chư Phật nhiều hơn số cát trong bảy sông Hằng nói để hộ trì Đại Bồ-tát Địa thứ bảy. Nếu người nào trì tụng chú
Đà-la-ni này thì được thoát khỏi những nỗi sợ hãi về ác thú, ác quỷ, người, chẳng phải người... oán thù, tai nạn và các khổ não được giải thoát năm chướng và chẳng quên nghĩ đến Địa thứ bảy.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát ở Địa thứ tám được Đà-la-ni gọi là Vô tận tạng:
Đát điệt tha, thất lị thất lị thất lị nĩ, mật để mật để, yết lí yết lí ế lỗ ế lỗ, chủ lỗ chủ lỗ, bạn đà nhị, tá ha (Tadyathā śiri śiri śiriṇi mite mite kari kari heru heru heru curu curu vadani svāhā).
Này thiện nam! Đà-la-ni này là của chư Phật nhiều hơn số cát trong tám sông Hằng nói để hộ trì Đại Bồ-tát Địa thứ tám. Nếu người nào trì tụng chú Đà-la-ni này thì được thoát khỏi những nỗi kinh sợ về ác thú, ác quỷ, người, chẳng phải người... oán thù, tai nạn và các khổ não được giải khỏi năm chướng và chẳng quên nghĩ đến Địa thứ tám.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát ở Địa thứ chín được Đà-la-ni gọi là Vô lượng môn:
Đát điệt tha, há lí chiên trà lí chỉ, câu lam bà lạt thể, đô lạt tử, bạt tra bạt tra tử thất lị thất lị ca thất lí ca tất thất lị, tá tất để, tát bà tát đỏa nam, tá ha (Tadyathā hari caṇdarike kulamābhate torisi bata batasi śiri śiri kapiśiri svasti sarva-sattvānāṃ svāhā).
Này thiện nam! Đà-la-ni là lời của chư Phật nhiều hơn số cát trong chín sông Hằng nói để hộ trì Đại Bồ-tát Địa thứ chín. Nếu người nào trì tụng chú Đà-la-ni này thì thoát được khỏi những sự kinh sợ ác thú, ác quỷ, người, chẳng phải người... oán thù, tai nạn và các khổ não, được giải thoát khỏi năm chướng và chẳng quên nghĩ đến Địa thứ chín. Này thiện nam! Đại Bồ-tát ở Địa thứ mười được Đà-la-ni gọi là Phá kim cang sơn:
Đát điệt tha, tất đề, tô tất đề, mô chiết nĩ mộc sát nĩ tỳ mộc để am mạt lệ, tỳ mạt lệ niết mạt lệ, mang yết lệ tê lan nhã yết bệ, hạt lạt đát na yết bệ, tam mạng đa bạt điệt lệ, tát bà át tha ta đan nĩ, ma nại tư mạc ha ma nại tư, át bộ để át, thất bộ để, a lại thệ tỳ lạt thệ át chủ để am mật lật để, a lại thệ tỳ lạt thệ, bạt lam mê, bạt la hám ma ta, lệ bộ lạt nĩ bộ lạt na, mạn nô lạt thế, tá ha (Tadyathā sidhi susidhe mocani mokṣaṇi vimukti amale nirmale mogale hiranyagarbhe ratnagarbhe samantabhadre sarvānte sthāni manasi ambuti antibuti acare virase anịti amṛta arase virase brahme brahmane pūrṇī puraṇā mautrate svāhā).
Này thiện nam! Câu cát tường quán đỉnh Đàla-ni là của các Đức Phật nhiều hơn số cát trong mười sông Hằng nói để hộ trì Đại Bồ-tát Địa thứ mười. Nếu người nào trì tụng chú Đà-la-ni này thì được thoát khỏi các nỗi sợ hãi về ác thú, ác quỷ, người, chẳng phải người... oán thù, tai nạn và tất cả độc hại đều được diệt trừ, giải thoát năm chướng và chẳng quên nghĩ về Địa thứ mười.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát Sư Tử Tướng Vô Ngại Quang Diệm nghe Đức Phật nói những Đà-la-ni chẳng thể nghĩ bàn này rồi liền đứng dậy, sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, nói kệ khen ngợi Đức Phật:
Lễ đấng không sánh bằng
Pháp vô tướng sâu xa
Chúng sinh mất chánh tri
Chỉ có Phật cứu độ
Tuệ nhãn Như Lai sáng
Chẳng thấy một pháp tướng
Dùng pháp nhãn chân chánh
Soi khắp chẳng nghĩ bàn.
Chẳng sinh ở một pháp
Cũng chẳng diệt một pháp
Do nhìn thấy bình đẳng
Được đến chỗ vô thượng.
Chẳng hoại trong tử sinh
Cũng chẳng trụ Niết-bàn
Chẳng nắm giữ nhị biên
Vì vậy, chứng viên tịch
Với thanh tịnh, bất tịnh
Thế Tôn biết một vị
Do chẳng phân biệt pháp.
Nên thanh tịnh bậc nhất
Thân Thế Tôn vô biên
Dù không nói lời nào
Cũng khiến các đệ tử
Được mưa pháp đầy đủ
Phật quán tướng chúng sinh
Tất cả đều vốn không.
Nhưng với người khổ não
Phật luôn luôn cứu giúp
Khổ lạc, ngã vô ngã
Thường và vô thường...
Chẳng một cũng chẳng khác
Chẳng diệt cũng chẳng sinh.
Nhiều các nghĩa như vậy
Tùy nói có sai biệt
Như tiếng vọng trong hang
Chỉ có Phật rõ biết.
Pháp giới không phân biệt
Nên không có Thừa khác
Vì hóa độ chúng sinh
Phân biệt nói ba Thừa.
Bấy giờ, vua trời Phạm Đại Tự Tại cũng đứng dậy, sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân Đức Phật mà bạch rằng:
–Bạch Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này thật hiếm có, khó lường, đầu, giữa, cuối đều thiện, văn nghĩa hoàn hảo, có thể thành tựu tất cả Phật pháp. Người nào thọ trì tức là báo ân chư Phật.
Đức Phật bảo rằng:
–Này thiện nam! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói! Này thiện nam! Người nào được nghe kinh điển này thì đều chẳng thoái lui đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Này thiện nam! Vì kinh này có thể làm cho căn lành thù thắng của Bồ-tát Bất thoái địa được thành tựu, là pháp ấn bậc nhất, là vua trong mọi kinh, nên cần lắng nghe, thọ trì, đọc tụng. Vì sao? Này thiện nam! Vì nếu tất cả chúng sinh chưa gieo trồng căn lành, chưa thành thục căn lành, chưa gần gũi các Đức Phật thì chẳng thể nghe được pháp vi diệu đó. Thiện nam, thiện nữ nào có thể nghe nhận thì tất cả tội chướng đều trừ diệt hết, được thanh tịnh bậc nhất, thường được thấy Phật, chẳng lìa khỏi chư Phật và bậc Thiện tri thức có hạnh thù thắng, nghe diệu pháp, trụ ở Bất thoái địa, đạt được các môn Đà-la-ni thù thắng không tận không giảm như là Đà-la-ni Hải ấn xuất diệu công đức không tận không giảm, Đà-la-ni Thông đạt chúng sinh ý hành ngôn ngữ không tận không giảm, Đà-la-ni Nhật viên vô cấu tướng quang không tận không giảm, Đà-la-ni Mãn nguyệt tướng quang không tận không giảm, Đà-la-ni Năng phục chư hoặc diễn công đức lưu không tận không giảm, Đà-la-ni Phá Kim cang sơn không tận không giảm, Đà-la-ni Thuyết bất khả thuyết nghĩa nhân duyên không tận không giảm, Đà-la-ni Thuyết bất khả thuyết nghĩa nhân duyên không tận không giảm, Đà-la-ni Thông đạt thật ngữ pháp tắc âm thanh không tận không giảm, Đà-la-ni Hư không vô cấu tâm hạnh ấn không tận không giảm, Đà-la-ni Vô biên Phật thân giai năng hiển hiện không tận không giảm.
Này thiện nam! Những Đà-la-ni môn vô tận vô giảm như vậy... đều được thành tựu. Đại Bồ-tát này có thể ở tất cả cõi Phật trong mười phương hóa làm thân Phật diễn nói vô số chánh pháp Vô thượng, đối vơi pháp Chân như chẳng động, chẳng trụ, chẳng đến, chẳng đi, có thể khéo léo thành thục căn lành của tất cả chúng sinh, mà chẳng thấy một chúng sinh nào được thành thục, tuy nói vô số các pháp nhưng ở trong ngôn từ chẳng động, chẳng trụ, chẳng đến, chẳng đi, có thể ở trong sinh diệt mà chứng pháp không sinh diệt. Vì nhân duyên gì mà nói các hành pháp không có đến đi? Vì do bản thể của tất cả pháp không khác.
Khi nói pháp này thì ba vạn ức Đại Bồ-tát được pháp Nhẫn vô sinh, vô lượng các Bồ-tát đạt được tâm Bồ-đề, không thoái lui vô lượng, vô biên Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni được Pháp nhãn thanh tịnh, vô lượng chúng sinh phát tâm Bồ-tát. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Pháp thù thắng ngược dòng sinh tử
Sâu xa, vi diệu, khó được nhìn Hữu tình bị tham dục che mờ Chẳng thấy nên chịu khổ vô cùng.
Bấy giờ, đại chúng đều đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, bạch rằng:
–Bạch Thế Tôn! Nếu ở đâu có giảng nói đọc tụng kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này thì chúng con, cả đại chúng, đều đi đến đó làm đại chúng nghe pháp, khiến vị thầy thuyết pháp ấy được lợi ích an lạc, thân không chướng ngại, ý được thư thái. Chúng con đều sẽ tận tâm cúng dường, cũng khiến cho thính chúng yên ổn, vui vẻ, ở trong cõi nước không có các khổ về oán thù kinh sợ, tai nạn đói kém, dân chúng luôn đông đúc. Nơi đạo tràng nói pháp này, tất cả những trời, người, chẳng phải người... tất cả chúng sinh đều không được giẫm đạp và làm ô uế. Vì sao? Vì chỗ nói pháp tức là tháp Phật (Caitya), phải dùng hương hoa, lòng phướn báu bằng lụa thêu đẹp đẽ để cúng dường. Chúng con sẽ luôn giữ gìn ủng hộ, khiến cho nơi ấy không bị suy tổn.
Đức Phật bảo đại chúng:
–Này các thiện nam! Các ông cần phải tinh tấn chuyên cần tu tập kinh điển vi diệu này, đó tức là làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài ở đời.
Bấy giờ, Đức Phật bảo thần cây Bồ-đề rằng:
–Này Thiện nữ thiên! Ngươi nay nên biết, ông Diệu Tràng nằm mơ thấy trống vàng vi diệu phát ra âm thanh lớn nhiệm mầu, khen công đức của Phật cùng pháp Sám hối. Do nhân duyên này, ta sẽ giảng nói việc ấy cho các ngươi. Các ngươi nên lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ càng. Thuở quá khứ có vị vua tên là Kim Long Chủ thường dùng ví dụ tán thán hoa sen để khen ngợi chư Phật ba đời trong mười phương.
Đức Phật liền vì đại chúng nói lời khen ấy rằng:
Phật quá khứ, vị lai, hiện tại
An trụ trong thế giới mười phương
Con nay chí thành cúi đầu lễ
Nhất tâm khen ngợi các Tối thắng
Đấng Mâu-ni thanh tịnh vô thượng
Thân sáng rực rỡ như vàng ròng
Âm thanh Phật, hơn hẳn tất cả
Như tiếng sấm vang trời Đại phạm
Tóc bóng đẹp như ong đen chúa
Uyển chuyển xoăn đều màu xanh biết
Răng trắng kín đều như kha tuyết
Bằng thẳng hiển hiện tỏa ánh sáng
Mắt thanh tịnh đẹp đẽ trang nghiêm
Giống như cánh hoa sen xanh lớn.
Tướng lưỡi rộng dài rất mềm mại
Ví như trong nước hiện sen hồng.
Giữa hai chân mày, tướng bạch hào
Màu pha lê, xoắn về bên phải
Làn mi dài nhỏ như trăng non
Màu sắc rực rỡ như ong chúa.
Mũi cao dài thẳng như đỉnh vàng
Tướng hoàn hảo tỏa sáng, thanh tịnh
Làn hương vi diệu cả thế gian
Khi nghe liền biết đang ở đâu
Thân Phật màu vàng ròng tối thắng
Tướng mỗi sợi lông đều giống nhau
Xoắn về phải, mềm mại, xanh biết
Ánh sáng vi diệu, không gì sánh.
Khắp thân tỏa sáng màu rực rỡ
Soi chiếu thế giới khắp mười phương
Diệt khổ cho chúng sinh ba cõi
Khiến tất cả họ đều an lạc.
Trong địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ
Đường A-tu-la, trời và người
Khiến họ trừ diệt mọi khổ sở
Luôn được tự nhiên vui yên ổn
Ánh sáng nơi thân thường chiếu khắp
Như nước vàng ròng không gì sánh.
Khuôn mặt tròn sáng như trăng rằm
Môi đỏ đẹp như quả Tần-bà
Bước đi uy nghi như sư tử
Thân sáng như mặt trời mới mọc
Cánh tay thon dài xuống quá gối
Giống như cành Ta-la buông rũ
Vầng sáng một tầm chiếu vô biên
Như trăm ngàn mặt trời rực rỡ
Đến được khắp tất cả cõi Phật
Tùy theo chỗ ở độ quần sinh
Lưới sáng thanh tịnh không gì bằng
Sáng soi đầy khắp trăm ngàn cõi
Chiếu khắp mười phương không chướng ngại
Tất cả tối tăm đều diệt tan.
Ánh từ Thiện thệ thường ban vui
Màu vi diệu núi vàng ròng
Chiếu đến tất cả trăm ngàn cõi
Chúng sinh gặp được đều giải thoát.
Thân Phật thành tựu vô lượng phước
Tất cả công đức cùng trang nghiêm
Là Bậc Tôn quý, vượt ba cõi
Thù thắng, thế gian không ai bằng.
Tất cả chư Phật đời quá khứ
Bằng số bụi trần trong đại địa
Phật mười phương vị lai, hiện tại
Cũng nhiều như bụi trần đại địa
Con xin chí thành thân, ngữ, ý
Cúi đầu quy y Phật ba đời
Khen ngợi biển công đức vô biên
Đủ loại hương hoa đều cúng dường.
Giả sử miệng con có ngàn lưỡi
Vô lượng kiếp tán thán Như Lai
Công đức Thế Tôn không thể bàn
Tối thắng sâu xa khó diễn bày
Giả sử con có trăm ngàn lưỡi
Khen một công đức một Thế Tôn
Trong một phần nhỏ con khó biết
Huống công đức chư Phật vô biên
Giả sử đại địa, các cõi trời
Cho đến Hữu đảnh đều là biển
Dùng sợi lông đếm biết giọt nước
Một công đức Phật rất khó lường.
Con xin chí thành thân, ngữ, ý
Lễ khen công đức Phật vô biên
Phước báo thù thắng khó nghĩ bàn
Bố thí chúng sinh mau thành Phật
Vua ấy khen ngợi Như Lai rồi
Tâm càng sâu xa phát thệ nguyện
Nguyện con sẽ ở đời vị lai
Sinh tại vô lượng, vô số kiếp
Trong mơ thường thấy trống vàng lớn
Được nghe âm thanh pháp Sám hối.
Ví hoa sen khen công đức Phật
Nguyện thành chánh giác, chứng vô sinh
Một lần chư Phật hiện ở đời
Trong năm ngàn kiếp khó được gặp.
Đêm mơ thường nghe tiếng trống mầu
Ngày thì theo đó luôn Sám hối
Con sẽ tu viên mãn sáu độ
Cứu vớt chúng sinh khỏi biển khổ
Sau sẽ được thành Vô thượng giác
Cõi Phật thanh tịnh không thể bàn
Trống vàng vi diệu dâng cúng Phật
Khen công đức chân thật Thế Tôn.
Nhờ đó sẽ gặp Phật Thích-ca
Thọ ký cho con thành Chánh giác.
Hai con: Kim Long và Kim Quang
Quá khứ từng là Thiện tri thức
Đời đời nguyện sinh vào nhà con
Được thọ ký Bồ-đề vô thượng.
Nếu chúng sinh không ai cứu giúp
Chịu khổ mãi mãi trong luân hồi
Con nguyện đời sau làm chỗ tựa
Khiến họ luôn luôn được an vui.
Các khổ ba cõi nguyện trừ diệt
Đều được chỗ an vui như ý
Ở đời sau tu đạo Bồ-đề
Đều như quá khứ, thành Thế Tôn.
Nguyện phước sám hối Kim Quang này
Cạn hẳn biển khổ, tội tiêu tan
Nghiệp chướng phiền não đều dứt sạch
Khiến con mau được quả thanh tịnh.
Biển cả phước trí không bờ bến
Sâu không đáy, lìa bẩn sạch trong
Nguyện con được biển công đức ấy
Mau thành đại Bồ-đề vô thượng.
Nhờ lực sám hối Kim Quang này
Được phước đức ánh sáng thanh tịnh
Đã được ánh sáng thanh tịnh rồi
Dùng ánh sáng trí soi tất cả.
Nguyện ánh sáng thân con bằng Phật
Phước đức trí tuệ như Thế Tôn
Bậc tôn quý trong mọi thế giới
Uy lực tự tại không ai bằng.
Nguyện siêu việt biển khổ hữu lậu
Biển vui vô vi, nguyện tự tại
Nguyện thường đầy biển phước hiện tại
Biển trí vị lai, nguyện viên mãn
Nguyện đất nước con vượt ba cõi
Công đức thù thắng được vô biên
Những người hữu duyên cùng sinh đến
Đều được mau thành trí thanh tịnh!
Diệu tràng, ông nên biết
Quốc vương Kim Long Chủ
Từng phát nguyện như vậy
Người đó là thân ông
Hai người con lúc trước
Kim Long và Kim Quang
Tức Ngân Tướng, Ngân Quang.
Đã được Ta thọ ký
Đại chúng nghe nói xong
Đều phát tâm Bồ-đề
Nguyện hiện tại, vị lai
Luôn nương sám hối này!
Bấy giờ, ở giữa chúng Đức Thế Tôn, bảo Đại Bồ-tát Thiện Trụ:
–Này thiện nam! Có Đà-la-ni tên là Kim Thắng. Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn gần gũi và muốn gặp các Đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại để cung kính cúng dường thì nên thọ trì Đà-la-ni này. Vì sao? Vì Đà-la-ni này chính là mẹ của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Vậy nên, ông phải biết người thọ trì Đà-la-ni này là đã đầy đủ phước đức lớn, đã ở chỗ vô lượng Phật đời quá khứ gieo trồng các căn lành nên nay mới được thọ trì, đối với giới thanh tịnh, chẳng hủy, chẳng khuyết, không có chướng ngại, chắc chắn thể nhập được vào pháp môn sâu xa.
Đức Thế Tôn liền nói phép trì chú: Trước hết là xưng danh hiệu chư Phật và Bồ-tát, chí tâm cung kính đảnh lễ, sau đó mới tụng chú:
Nam-mô Thập Phương Nhất Thiết Chư Phật.
Nam-mô chư Đại Bồ-tát Ma-ha-tát.
Nam-mô Thanh văn, Duyên giác Nhất Thiết Thánh Hiền.
Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật.
Nam-mô Đông Phương Bất Động Phật.
Nam-mô Nam Phương Bảo Tràng Phật.
Nam-mô Tây Phương A-di-đà Phật.
Nam-mô Bắc Phương Thiên Cổ Âm Vương
Phật.
Nam-mô Thượng Phương Quảng Chúng Đức
Phật.
Nam-mô Hạ Phương Minh Đức Phật.
Nam-mô Bảo Tạng Phật.
Nam-mô Phổ Quang Phật.
Nam-mô Phổ Minh Phật.
Nam-mô Hướng Tích Phật.
Nam-mô Liên Hoa Thắng Phật.
Nam-mô Bình Đẳng Kiến Phật.
Nam-mô Bảo Kế Phật.
Nam-mô Bảo Thượng Phật.
Nam-mô Bảo Quang Phật.
Nam-mô Vô Cấu Quang Minh Phật.
Nam-mô Biện Tài Trang Nghiêm Tư Duy Phật.
Nam-mô Tịnh Nguyệt Quang Xưng Tướng Vương Phật.
Nam-mô Hoa Nghiêm Quang Phật.
Nam-mô Quang Minh Vương Phật.
Nam-mô Thượng Quang Vô Cấu Xưng Vương
Phật.
Nam-mô Quan Sát Vô Úy Tự Tại Vương Phật.
Nam-mô Vô Úy Danh Xưng Phật.
Nam-mô Tối Thắng Vương Phật.
Nam-mô Quán Tự Tại Bồ-tát Ma-ha-tát.
Nam-mô Địa Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát.
Nam-mô Hư Không Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát. Nam-mô Diệu Cát Tường Bồ-tát Ma-ha-tát.
Nam-mô Kim Cang Thủ Bồ-tát Ma-ha-tát.
Nam-mô Phổ Hiền Bồ-tát Ma-ha-tát.
Nam-mô Vô tận Ý Bồ-tát Ma-ha-tát.
Nam-mô Đại Thế Chí Bồ-tát Ma-ha-tát.
Nam-mô Từ Thị Bồ-tát Ma-ha-tát.
Nam-mô Thiện Tuệ Bồ-tát Ma-ha-tát.
Rồi Đức Phật nói Đà-la-ni rằng:
Nam mô hát lại đát na đát lại dạ dã, đát điệt tha, quân đệ, quân đệ, củ chiết lệ, củ chiết lệ, nhất trất lí, mật trất lí, tá ha (Namo ratna-trayāya tadyathā kunte kunte kuśate kuśale kuśale icchili mitili svāhā).
Đức Phật bảo Bồ-tát Thiện Trụ rằng:
–Đà-la-ni này chính là mẹ của các Đức Phật trong ba đời. Nếu thiện nam, thiện nữ nào trí chú này thì có thể sinh ra vô lượng, vô biên công đức là đã cúng dường cung kính tôn trọng tán thán vô số chư Phật. Các Đức Phật ấy đều vì người này mà thọ ký đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu người nào trì chú này thì tùy theo mong muốn về y phục, thức ăn, của cải, học rộng, thông minh, trí tuệ, không bệnh, sống lâu được phước rất nhiều, theo điều cầu nguyện đều được như ý. Này Thiện trụ! Người trì chú này thì dù chưa chứng Bồ-đề vô thượng vẫn thường cùng ở chung với Bồ-tát Kim Thành Sơn, Bồ-tát Từ Thị, Bồ-tát Đại Hải, Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Diệu Cát Tường, Bồ-tát Đại Băng-dà-la... và được sự ủng hộ của các vị Bồ-tát. Này Thiện trụ! Ông nên biết, khi trì chú này thì làm phép như vầy: Trước nên trì tụng đủ một vạn lẻ tám lần để làm phương tiện trước. Tiếp đến, ở trong phòng tối, trang nghiêm đạo tràng, ngày mùng một đầu tháng, tắm gội sạch sẽ mặc áo tinh khiết, xông hương rải hoa cúng dường cùng những thức ăn thức uống. Rồi vào trong đạo tràng, trước phải xưng danh hiệu và đảnh lễ chư Phật, Bồ-tát như đã nói ở trước. Rồi chí tâm ân cần cẩn trọng sám hối tội trước đây đã làm, quỳ gối phải xuống đất mà tụng chú như trước đủ một ngàn lẻ tám lần rồi ngồi ngay ngắn để tư duy, nhớ đến thệ nguyện của mình. Khi mặt trời chưa mọc, ở trong đạo tràng, ăn thức ăn thanh tịnh và mỗi ngày chỉ ăn một lần, đến mười lăm ngày mới ra khỏi đạo tràng. Sự hành trì đó có thể khiến cho người này được phước đức uy lực chẳng thể nghĩ bàn, tùy theo sự nguyện cầu không gì chẳng viên mãn. Nếu nguyện cầu chưa được như ý, thì vào đạo tràng một lần nữa, đã được như ý rồi thì nên thường thọ trì đừng quên.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói chú này rồi, vì muốn lợi ích cho đại chúng các Đại Bồ-tát, trời, người, khiến cho tất cả được thấu đạt Đệ Nhất nghĩa chân thật thẳm sâu nên một lần nữa làm sáng rõ tánh Không mà nói kệ rằng:
Ta thấu rõ kinh sâu xa khác
Nói pháp vi diệu chân thật Không
Nay ở trong kinh đứng đầu này
Lược nói pháp Không không thể bàn
Đối với các pháp lớn, sâu xa
Hữu tình không trí, chẳng thể hiểu
Nên ta giảng nói lại cho họ
Khiến cho được khai ngộ pháp không.
Vì lòng đại Bi thương chúng sinh
Dùng phương tiện, nhân duyên thù thắng
Hôm nay ta ở trong đại chúng
Diễn nói khiến họ rõ nghĩa không.
Thân này như xóm làng trống không
Sáu trần nương tựa chẳng biết nhau
Sáu trần nương theo căn khác nhau
Đều chẳng biết nhau cũng như trên
Nhãn căn thường quan sát đến sắc
Không ngừng nghe tiếng là nhĩ căn
Tỵ căn luôn ngửi thấy các mùi
Thiệt căn luôn nếm đến vị ngon
Thân căn nhận xúc chạm êm ái
Ý căn rõ pháp không biết chán
Sáu căn tùy theo các việc khởi
Theo cảnh mỗi căn sinh phân biệt
Thức như huyễn hóa chẳng phải thật
Nương vào căn, cảnh, vọng tham cầu
Như người chạy trốn làng xóm trống
Sáu thức nương căn cũng như vậy.
Tâm chạy khắp cầu tùy theo cảnh
Nương cảnh, nhờ căn rõ các việc
Thường ái sắc, thanh, hương, vị, xúc
Tầm, tư các pháp không tạm dừng.
Tùy duyên biến hành đối sáu căn
Không ngại như chim bay trong không
Mượn các căn này làm chỗ nương
Mới phân biệt ngoại cảnh rõ ràng.
Thân này không biết, không tác giả
Thể chẳng bền chắc, mượn duyên thành
Sinh ra từ phân biệt hư vọng
Như máy móc do nghiệp chuyển vần.
Đất, nước, lửa, gió hợp thành thân
Tùy theo nhân duyên, quả khác nhau
Trái nhau, hại nhau cùng một chỗ
Như bốn rắn độc ở hòm rương.
Rắn bốn đại này tánh khác nhau
Tuy ở một chỗ, có thăng, trầm
Hoặc lên hoặc xuống khắp châu thân
Nhưng chúng đều trở về pháp diệt
Ở trong bốn loại rắn độc này
Hai rắn đất, nước: tính nặng, chìm
Hai rắn gió lửa, tính nhẹ nổi
Do chúng trái nhau, các bệnh sinh...
Tâm thức nương tựa vào thân này
Tạo tác các loại nghiệp thiện ác,
Sinh cõi trời, người, ba đường ác
Tùy theo nghiệp lực thọ thân hình.
Thân bị các bệnh, sau khi chết
Đại tiểu tiện lợi chảy tràn lan
Thối rữa, giòi bọ chẳng thể ưa
Như cây mục, bỏ rừng thây chết
Các ông phải quán pháp như vậy
Thì sao chấp có ngã, chúng sinh...
Tất cả các pháp đều vô thường
Từ năng lực vô minh khởi lên.
Các đại chúng ấy đều hư vọng
Vốn chẳng thật có, thể: không sinh
Nên, tánh đại chủng đều trống rỗng
Biết hư vọng này chẳng thật có.
Tự tánh vô minh vốn là không
Nhờ sức các duyên hòa hợp có
Ở tất cả thời mất chánh tuệ
Nên ta nói đó là vô minh.
Hành, thức vì duyên có danh sắc
Sáu nhập và xúc, thọ sinh theo
Ái, thủ, hữu duyên sinh, lão, tử
Ưu bi khổ não theo đuổi luôn.
Các khổ, nghiệp ác, thường trói buộc
Sinh tử luân hồi không lúc dừng.
Xưa nay chẳng có, thể vốn không
Do chẳng như lý, phân biệt sinh.
Ta đoạn tất cả các phiền não
Thường dùng hạnh chánh trí hiện tiền
Rõ nhà năm uẩn đều rỗng không
Cầu chứng Bồ-đề chỗ chân thật.
Ta mở cửa đại thành Cam lộ
Thị hiện pháp cam lồ vi diệu
Đã được vị cam lồ chân thật
Thường dùng cam lồ ban chúng sinh.
Ta đánh trống pháp lớn bậc nhất
Ta thổi loa pháp lớn tột cùng
Ta thắp đèn sáng lớn tối thắng
Ta tuôn mưa pháp lớn vô cùng.
Điều phục phiền não, các oán kết
Kiến lập Pháp tràng lớn vô thượng
Ở biển sinh tử cứu quần sinh
Ta đóng chặt cửa ba đường ác
Lửa dữ phiền não đốt chúng sinh
Không nơi nương tựa, không ai giúp
Ta ban cam lồ, được mát mẻ
Nóng bức thân tâm đều trừ tan.
Do đó, ta ở vô lượng kiếp
Cung kính cúng dường các Thế Tôn
Giữ giới kiên cố hướng Bồ-đề
Cầu chứng Pháp thân, chốn an lạc
Cho người tay, chân và tai, mắt
Vợ con, tôi tớ... lòng không tiếc.
Của quý, bảy báu... vật trang nghiêm
Tùy ý người xin đều cho hết.
Nhẫn nhục... các cõi đều tu hành
Mười địa viên mãn, thành chánh giác
Ta được tôn xưng Nhất thiết trí
Không chúng sinh nào suy lường được.
Giả sử cõi tam thiên đại thiên
Các vật sinh trưởng khắp đất đai
Tất cả các cây cối, rừng rậm
Lúa, mè, tre, sậy và nhánh cành...
Đều chặt lấy hết những vật này...
Đem nghiền nát vụn như bụi trần
Khó lường biết được chỗ chứa nhóm
Cho đến tràn đầy cõi hư không.
Tất cả các cõi nước mười phương
Đất đai cõi tam thiên đại thiên
Đều đem nghiền nát thành bụi trần
Số lượng bụi này chẳng thể tính.
Giả sử trí tất cả chúng sinh
Đem làm trí tuệ cho một người
Người trí như vậy đông vô số
Có thể biết số bụi trần trên.
Một niệm trí Thế Tôn Mâu-ni
Những người trí đó cùng suy lường
Dù trải qua nhiều ức các kiếp
Chẳng thể tính biết một phần nhỏ.
Khi các đại chúng nghe Đức Phật nói về tính Không sâu xa, có vô lượng chúng sinh có thể liễu đạt thể tính của bốn Đại, năm Uẩn đều Không; sáu Căn, sáu Cảnh hư vọng sinh ra trói buộc. Họ nguyện từ bỏ luân hồi, chân chánh tu hành giải thoát, vô cùng vui mừng, theo đúng lời dạy phụng trì.
Bấy giờ Thiên nữ Như Ý Bảo Quang Diệu, ở trong đại chúng, nghe nói pháp sâu xa, hớn hở vui mừng, đứng dậy, sửa lại áo vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Thế Tôn giảng nói cho con về pháp tu hành nghĩa lý sâu xa!
Rồi thiên nữ nói kệ:
Thưa Đấng Lưỡng Túc Tôn
Tối Thắng soi thế giới
Pháp Bồ-tát chánh hạnh
Nguyện xin Phật giảng nói!
Phật nói: “Thiện nữ thiên!
Nếu có điều nghi ngờ
Hãy tùy ý thưa hỏi
Ta sẽ phân biệt nói!”
Khi đó, Thiên nữ thưa Thế Tôn:
Làm sao các Bồ-tát
Tu chánh hạnh Bồ-đề
Lìa sinh tử Niết-bàn
Lợi ích mình, người khác?
Đức Phật bảo:
–Này Thiện nữ thiên! Nương vào pháp giới, thực hành pháp Bồ-đề, tu hạnh bình đẳng! Thế nào là nương vào pháp giới mà thực hành pháp Bồ-đề và Tu hạnh bình đẳng? Nghĩa là đối với năm uẩn có thể hiện pháp giới. Pháp giới tức là năm uẩn. Năm uẩn chẳng thể nói, chẳng phải năm uẩn chẳng thể nói. Vì sao? Vì nếu pháp giới là năm uẩn thì tức là đoạn kiến, còn nếu lìa khỏi năm uẩn thì tức là thường kiến. Lìa khỏi hai tướng, chẳng chấp thủ nhị biên, chẳng thể thấy, vượt khỏi đối tượng nhận thức, không danh, không tướng, đó gọi là nói đối với pháp giới. Này Thiện nữ thiên! Làm sao năm uẩn có thể hiện pháp giới? Như vậy năm uẩn chẳng từ nhân duyên sinh. Vì sao? Vì nếu từ nhân duyên sinh thì vì đã sinh nên sinh, vì chưa sinh nên sẽ sinh. Nếu đã sinh nên sinh thì cần gì nhân duyên? Còn nếu chưa sinh mà sẽ sinh được thì chẳng thể được sinh. Vì sao? Vì các pháp chưa sinh tức là chẳng có, không danh, không tướng, chẳng thể suy lường hay thí dụ được, chẳng phải là đối tượng sinh của nhân duyên! Này Thiện nữ thiên! Ví như tiếng trống là nhờ vào gỗ, vào da và dùi, tay... nên được phát ra tiếng. Như vậy tiếng trống quá khứ cũng rỗng không, vị lai cũng rỗng không, hiện tại cũng rỗng không. Vì sao? Vì âm thanh của trống này chẳng từ gỗ sinh ra, chẳng từ da và dùi, tay sinh ra, chẳng ở ba đời sinh ra, tức là chẳng sinh. Nếu chẳng thể sinh thì chẳng thể diệt. Nếu chẳng thể diệt thì không từ đâu đến. Nếu không từ đâu đến thì cũng không đi về đâu. Nếu không đi về đâu thì chẳng phải thường, chẳng phải đoạn. Nếu chẳng phải thường, chẳng phải đoạn thì chẳng một, chẳng khác. Vì sao? Vì đây nếu là một thì chẳng khác pháp giới. Nếu như vậy thì người phàm phu đáng lý phải thấy Chân đế, được Niết-bàn Vô thượng an lạc. Vì chẳng như vậy thì nên chẳng một. Nếu nói khác thì tất cả hành tướng chư Phật, Bồ-tát tức là chấp thủ, chưa được giải thoát sự trói buộc của phiền não, tức là chẳng chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì tất cả thánh nhân đối với hành, chẳng phải hành, đồng một tính chân thật, cho nên chẳng khác! Vì thế, nên biết, năm uẩn chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng từ nhân duyên sinh chẳng phải không từ nhân duyên sinh, chính là sự nhận biết của bậc Thánh, chẳng phải cảnh giới nào khác, cũng chẳng phải đối tượng diễn tả được của lời nói, không danh, không tướng, không nhân, không duyên, cũng không thí dụ, trước sau tịch tịnh, xưa nay vốn không. Vì thế, năm uẩn có thể hiện pháp giới.
Này Thiện nữ thiên! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác khác với chân đế, khác với tục đế, khó có thể nghĩ lường... thì đối với cảnh Phàm, Thánh, thể chẳng phải một, khác, chẳng bỏ tục đế, chẳng lìa chân như, nương vào pháp giới, tu hạnh Bồ-đề.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói lời này xong, Thiện nữ thiên vô cùng vui mừng liền đứng dậy, sửa lại áo vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, nhất tâm đảnh lễ, bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Lời nói về Chánh hạnh Bồ-đề như trên con nguyện sẽ tu học.
Lúc đó, vua trời Đại phạm, chủ cõi Ta-bà, ở trong đại chúng, hỏi Thiên nữ Như Ý Bảo Quang Diệu rằng:
–Hạnh Bồ-đề này khó có thể tu hành, nay làm thế nào để được tự tại đối với hạnh này?
Bấy giờ, Thiện nữ thiên đáp Phạm vương rằng: –Thưa Đại phạm vương! Như lời Đức Phật dạy thật là sâu xa, tất cả các chúng sinh, không thể hiểu ý nghĩa ấy, là cảnh giới của bậc Thánh, rất vi diệu, khó biết. Hôm nay, tôi nhờ vào pháp này mà được an lạc, nếu đây là lời nói chân thật thì tôi nguyện khiến cho tất cả vô lượng, vô số vô biên chúng sinh của đời ác năm trược đều được thân sắc vàng ròng với ba mươi hai tướng tốt, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, ngồi trên hoa sen báu, nhận được vô lượng niềm vui, mưa xuống hoa trời đẹp, âm nhạc chư Thiên chẳng đánh mà tự nhiên trỗi lên, tất cả đồ cúng dường đều đầy đủ.
Thiện nữ thiên nói lời đó xong thì tất cả chúng sinh trong đời ác năm trược đều có thân màu vàng rồng, đủ tướng của bậc đại nhân, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, ngồi trên hoa sen báu, nhận được vô lượng niềm vui giống như cung trời Tha hóa tự tại, không có các đường ác, cây báu thẳng hàng, hoa sen bằng bảy báu đầy khắp thế giới, lại mưa xuống hoa trời bảy báu vô cùng đẹp đẽ, trỗi lên âm nhạc cõi trời. Thiện nữ thiên Như Ý Bảo Quang Diệu liền chuyển thân nữ thành thân Phạm Thiên. Vua trời Đại Phạm hỏi Bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu rằng:
–Thưa Nhân giả! Ngài tu hành hạnh Bồ-đề như thế nào?
Đáp rằng:
–Thưa Phạm vương! Nếu trăng trong nước tu hành hạnh Bồ-đề thì tôi cũng tu hành hạnh Bồ-đề! Nếu trong mộng tu hành hạnh Bồ-đề thì tôi cũng tu hành hạnh Bồ-đề. Nếu dang nắng tu hành hạnh Bồ-đề thì tôi cũng tu hành hạnh Bồ-đề. Nếu tiếng vọng trong hang tu hành hạnh Bồ-đề thì tôi cũng tu hành hạnh Bồ-đề.
Nghe xong, vua Đại Phạm thưa Bồ-tát rằng:
–Ngài nương vào ý nghĩa nào mà nói lời nói này?
Đáp rằng:
–Thưa Phạm vương! không có một pháp nào là thật tướng tất cả, chỉ do nhân duyên mà được thành.
Phạm vương nói rằng:
–Nếu như vậy thì những tất cả những người phàm phu đúng lý đều được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác!
Đáp rằng:
–Ngài do ý gì mà nói lời đó? Người ngu si khác, người trí tuệ khác, Bồ-đề khác, chẳng phải Bồ-đề khác, giải thoát khác, chẳng phải giải thoát khác? Thưa Phạm vương! Như vậy các pháp bình đẳng không khác. Đối với pháp giới này, Chân như chẳng phải một, chẳng phải khác, không có trung gian nào có thể nắm giữ, không tăng, không giảm. Thưa Phạm vương! Ví như nhà ảo thuật và các đệ tử hiểu rõ các phương pháp ảo thuật, ở ngã tư đường lớn, nhặt lấy những đất, cát, cỏ, cây, cành lá... gom lại một chỗ, rồi làm các phép ảo thuật khiến cho mọi người nhìn thấy những voi, những ngựa, những xe cộ, binh chúng... và các kho tàng được đầy bảy báu... nếu chúng sinh ngu si vô trí, chẳng thể suy nghĩ, chẳng biết gốc huyễn hóa, hoặc thấy, hoặc nghe liền suy nghĩ: “Những voi, ngựa... mà ta đã thấy đây đều là thật có, còn những cái khác đều hư vọng.” Sau đó, chẳng suy nghĩ lại cho kỹ càng. Người có trí thì chẳng như vậy, biết rõ gốc huyễn hóa nên hoặc thấy, hoặc nghe đều suy nghĩ: “Những voi, ngựa... như ta đã thấy chẳng phải là chân thật, chỉ là việc huyễn hóa, mê hoặc mắt người, vọng cho là voi, ngựa... và các kho tàng, chỉ có tên không có thật. Như điều ta thấy nghe, chẳng chấp là thật.” Về sau, suy nghĩ biết sự hư vong ấy. Vì vậy, người trí biết rõ tất cả pháp đều không thật thể, chỉ theo thế tục như thấy như nghe tuyên bày việc ấy, suy nghĩ nghĩa lý chắc chắn thì chẳng như vậy, lại do giả định mà nói để hiển bày nghĩa thật.
Thưa Phạm vương! Chúng sinh ngu si, chưa đạt được mắt của Bậc Thánh tuệ xuất thế, chưa biết tất cả các pháp nên chân như chẳng thể nói. Những kẻ phàm phu đó hoặc thấy hoặc nghe hành pháp chẳng phải hành pháp, rồi như vậy mà tư duy liền sinh ra chấp thủ, cho đó là thật. Đối với Đệ nhất nghĩa, họ chẳng thể rõ biết các pháp Chân như là chẳng thể nói. Những hoặc thấy hoặc nghe hành pháp, chẳng phải hành pháp, rồi tùy theo sức của mình, chẳng sinh ra chấp thủ, cho là thật có, rõ biết tất cả các hành pháp không thật và chẳng phải hành pháp cũng không thật, chỉ vọng tưởng nghĩ suy ra tướng hành, hay tướng chẳng phải hành, chỉ có tên gọi, không có thật thể. Các bậc Thánh nhân tùy theo thế tục mà giảng nói để khiến cho họ biết nghĩa chân thật. Như vậy, thưa Phạm vương! Những Thánh nhân này dùng Thánh trí để nhận thức, thấy rõ pháp Chân như là chẳng thể nói, hành pháp hay chẳng phải hành pháp cũng vậy, vì khiến cho người khác chứng biết nên nói vô số, lời nói và tên gọi của thế tục.
Vua trời Đại Phạm hỏi Bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu:
–Có bao nhiêu chúng sinh có thể hiểu biết chánh pháp sâu xa như vậy?
Đáp rằng:
–Thưa Phạm vương! Mọi chúng sinh huyễn hóa có tâm, tâm sở đều có thể hiểu được chánh pháp sâu xa ấy.
Phạm vương nói rằng:
–Thể của người huyễn hóa này là chẳng phải có thì tâm sở này từ đâu mà sinh ra?
Đáp rằng:
–Nếu biết pháp giới chẳng có, chẳng không, các chúng sinh như vậy đều có thể hiểu được nghĩa lý sâu xa.
Bấy giờ, Phạm vương bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu thật không thể nghĩ bàn, thông đạt ý nghĩa sâu xa như vậy.
Đức Phật bảo:
–Đúng vậy! Đúng vậy! Này Phạm vương! Đúng như lời ông nói! Bồ-tát như Ý Bảo Quang Diệu này đã dạy các ông phát tâm tu học Vô sinh pháp nhẫn.
Lúc đó, vua trời Đại Phạm cùng các Phạm chúng đứng dậy, sửa lại áo vai phải, chắp tay cung kính đảnh lễ dưới chân Bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu, thưa:
–Hy hữu! Hy hữu! Hôm nay chúng tôi may mắn được gặp Đại sĩ, được nghe chánh pháp!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Phạm vương:
–Như Ý Bảo Quang Diệu này, vào đời vị lai, sẽ được làm Phật hiệu là Bảo Diệm Cát Tường Tạng,
Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hành Viên
Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngư Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Khi Đức Phật nói phẩm này, có ba ngàn ức Bồtát đối với được không thoái chuyển Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tám ngàn ức Thiên tử, vô lượng, vô số quốc vương, quan và dân chúng xa lìa trần cấu, được Pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ, trong hội có năm mươi Tỳ-kheo tu hành hạnh Bồ-tát muốn thoái tâm Bồ-đề, khi nghe Bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu nói pháp này thì đều được vững chãi không thể nghĩ bàn, viên mãn các nguyện trước đây, trở lại phát khởi tâm Bồ-đề, đều tự cởi y cúng dường Bồ-tát, một lần nữa phát tâm tinh tấn thù thắng Vô Thượng. Họ đều phát nguyện: “Nguyện cho chúng con công đức căn lành không thoái chuyển, hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Đức Phật bảo Phạm vương rằng:
–Này Phạm vương! Những Tỳ-kheo đó y vào công đức này, đúng như lời dạy tu hành, qua chín mươi đại kiếp, sẽ được giải thoát giác ngộ, lìa khỏi sinh tử.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền thọ ký:
–Này các Tỳ-kheo! Qua ba mươi a-tăng-kỳ kiếp, các ông sẽ được làm Phật, ở kiếp tên là Nan thắng quang vương, nước tên là Vô cấu quang. Các ông đồng thời đều được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều đồng danh hiệu là Nguyện Trang Nghiêm Gián Sức Vương với mười hiệu đầy đủ!
Đức Phật nói tiếp:
–Này Phạm vương! Kinh điển vi diệu Kim Quang Minh này, nếu được nghe và thọ trì thì có uy lực lớn. Giả sử có người ở trăm ngàn đại kiếp tu hành sáu pháp Ba-la-mật mà không có phương tiện. Nếu thiện nam, thiện nữ nào ghi chép kinh Kim Quang Minh như vậy, rồi mỗi nửa tháng đều chuyên tâm đọc tụng thì công đức này rất lớn, công đức trước chẳng bằng một phần trăm... cho đến suy tính thí dụ cũng chẳng thể sánh kịp.
Này Phạm vương! Cho nên, hôm nay khuyên ông nên tu học, nhớ nghĩ, thọ trì, vì người khác giải nói rộng rãi. Vì sao? Vào thuở xa xưa, khi ta tu hành đạo Bồ-tát, giống như dũng sĩ xông vào trận chiến, chẳng tiếc thân mạng, lưu thông kinh điển vi diệu như vậy, thọ trì, đọc tụng, vì người khác giảng nói.
Này Phạm vương! Ví như Thánh vương chuyển luân còn ở đời thì bảy báu chẳng diệt, nếu vua băng thì bảy báu tự nhiên diệt hết. Này Phạm vương! kinh vua vi diệu Kim Quang Minh này, nếu còn tồn tại ở đời thì pháp bảo Vô thượng đều chẳng diệt, còn nếu không có kinh này thì pháp bảo ở đâu cũng ẩn mất. Vậy nên, đối với Kinh vương này, phải chuyên tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, vì người khác giảng nói, khuyên cho họ ghi chép, tu hành Tinh tấn ba-la-mật, chẳng tiếc thân mạng, chẳng sợ mệt nhọc... được công đức thù thắng. Những đệ tử của ta cần phải tinh tấn, chuyên cần tu học như vậy.
Bấy giờ, vua trời Đại phạm cùng vô lượng Phạm chúng, Đế Thích, Tứ Thiên vương và các Dược-xoa đều đứng dậy, sửa lại áo vai phải, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay cung kính, bạch Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con nguyện giữ gìn, ủng hộ lưu truyền kinh điển Kim Quang Minh vi diệu này! Đối với thầy nói pháp, nếu có các hoạn nạn con sẽ trừ diệt, khiến cho đủ mọi điều lành, luôn luôn mạnh khỏe, biện tài vô ngại, thân ý như thái, người nghe trong pháp hội đều được an lạc. Nếu ở cõi nước, có đói kém, oán tặc, phi nhân làm não hại thì Thiên chúng chúng con, ủng hộ, khiến cho nhân dân nơi ấy được yên ổn, thịnh vượng, an vui, không có những điều oan uổng, ngang ngược... tất cả đều nhờ sức của Thiên chúng chúng con. Nếu có người cúng dường kinh điển này thì chúng con cũng sẽ cúng dường cung kính họ như Phật chẳng khác.
Bấy giờ, Phật bảo vua trời Đại phạm và các phạm chúng, cho đến Tứ Thiên vương, các Dượcxoa… rằng:
–Hay thay! Hay thay! Các ông được nghe pháp vi diệu, sâu xa, lại có thể đối với Kinh vương vi diệu này phát tâm ủng hộ và thọ trì, các ông sẽ đạt được phước thù thắng vô biên, mau chóng thành Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề!
Phạm vương... nghe Đức Phật nói xong, hoan hỷ kính nhận.
Bấy giờ, vua trời Đa văn, vua trời Trì quốc, vua trời Tăng trưởng, vua trời Quảng mục đều đứng dậy, sửa áo vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hướng về Đức Phật, lễ dưới chân Đức Phật rồi bạch rằng:
–Bạch Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này được tất cả chư Phật thường niệm quan sát, được tất cả Bồ-tát cung kính, được tất cả trời, rồng luôn cúng dường và được chư Thiên hoan hỷ, tất cả các vua trời Hộ thế xưng dương tán thán, Thanh văn, Độc giác đều cùng thọ trì, có thể soi sáng tất cả các cung điện của chư Thiên, có thể ban cho tất cả chúng sinh sự an vui thù thắng, chấm dứt địa ngục, ngã quỷ, bàng sinh, các đường khổ não, tất cả sự sợ hãi đều có thể diệt hết, oán địch liền rút lui, thời ác đói kém thì khiến cho được mùa thịnh vượng, bệnh dịch khổ sở đều khiến cho trừ khỏi, tất cả tai ương trăm ngàn khổ não đều tiêu diệt hết.
Bạch Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này có thể làm yên ổn lợi lạc như vậy! Ích lợi cho chúng con! Nguyện xin Đức Thế Tôn, ở giữa đại chúng, vì chúng con mà giảng nói! Bốn vua chúng con cùng các quyến thuộc nghe pháp vị cam lồ Vô thượng này, khí lực thật dồi dào, tăng thêm ánh sáng oai lực, tinh tấn, dũng mãnh, thần thông hơn bội phần.
Bạch Thế Tôn! Bốn vua chúng con tu hành chánh pháp, thường nói chánh pháp, đem chánh pháp giáo hóa thế gian. Chúng con khiến cho những Trời, Rồng, Dược-xoa, Kiền-thát-bà, A-tula, Yết-lộ-trà, Câu bàn trà, Khẩn-na-lạc, Mạc-hôlạc-già và các vua cõi người thường dùng chánh pháp mà giáo hóa ở đời, ngăn bỏ các điều ác, nếu có quỷ thần hút tinh khí người và người không có tâm Từ bi, đều khiến cho đi xa.
Bạch Thế Tôn! Bốn vua chúng con cùng hai mươi tám bộ đại tướng Dược-xoa cùng với vô lượng trăm ngàn Dược-xoa dùng Thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn mắt người đời quan sát ủng hộ Thiệmbộ châu này.
Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên này, các vua chúng con được gọi là bậc Hộ thế. Lại nữa, ở trong châu này, nếu có quốc vương bị giặc thù khác thường đến xâm lấn quấy nhiễu và nhiều dịch bệnh, đói kém khắp nơi, vô lượng trăm ngàn sự tai ách. Bạch Thế Tôn! Bốn vua chúng con cung kính cúng dường kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này. Nếu có Pháp sư Tỳ-kheo thọ trì đọc tụng thì bốn vua chúng con cùng đến để tỉnh thức và khuyến thỉnh vị ấy. Pháp sư đó nhờ sức thần thông giác ngộ của con nên đến cõi nước đó mà giảng nói và lưu bố rộng rãi kinh điển Kim Quang Minh sâu nhiệm này. Nhờ uy lực của kinh, vô lượng trăm ngàn sự suy não, tai ách đều tiêu trừ hết.
Bạch Thế Tôn! Các vị vua cõi người, nếu ở trong nước ấy, có Pháp sư Tỳ-kheo thọ trì Kinh này đến, nên biết, Kinh này cũng đến nước ấy.
Bạch Thế Tôn! Vua nước đó nên đến chỗ vị pháp sư để nghe vị ấy giảng nói. Nghe rồi hoan hỷ, đối với pháp sư, nên cung kính cúng dường, hết lòng ủng hộ khiến cho pháp sư không lo buồn để diễn nói kinh này, ích lợi cho tất cả.
Bạch Thế Tôn! Vì Kinh này nên bốn vua chúng con đều cùng một lòng ủng hộ vị vua đó và nhân dân trong nước, khiến cho họ lìa khỏi hoạn nạn, thường được yên ổn.
Bạch Thế Tôn! Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thọ kinh này, vị vua kia tùy theo sự cần dùng của họ, cung cấp cúng dường khiến cho họ không thiếu thốn, bốn vua chúng con khiến cho vị vua và cả dân chúng trong nước đều yên ổn, xa lìa hoạn nạn. Bạch Thế Tôn! Nếu có người thọ trì đọc tụng kinh điển này, vị vua đối với người này cúng dường cung kính, tôn trọng tán thán, chúng con sẽ khiến cho vị vua đó, ở trong các vị vua, được cung kính tôn trọng là vị đứng đầu, được các quốc vương khác cùng nhau khen ngợi.
Đại chúng nghe xong, hoan hỷ tín thọ, phụng trì.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nghe bốn vị vua trời cung kính cúng dường kinh Kim Quang Minh và có thể ủng hộ những người thọ trì kinh thì khen rằng:
–Hay thay! Hay thay! Bốn vua các ông đã ở chỗ vô lượng trăm ngàn vạn ức Đức Phật đời quá khứ, cung kính cúng dường tôn trọng khen ngợi, gieo trồng các căn lành, tu hành chánh pháp, thường nói chánh pháp, dùng chánh pháp giáo hóa đời. Các ông từ lâu thường nghĩ đến lợi ích cho các chúng sinh, khởi tâm đại Từ, nguyện ban cho họ sự an vui. Nhờ nhân duyên này, đời hiện tại, các ông được quả báo thù thắng. Nếu có vị vua cõi người cung kính cúng dường kinh điển Tối Thắng Kim Quang Minh này, các ông nên siêng năng ủng hộ, khiến cho họ được yên ổn. Bốn vua các ông và quyến thuộc cùng vô lượng, vô số trăm ngàn Dược-xoa ủng hộ kinh này tức là hộ trì chánh pháp của các Đức Phật quá khứ, vị lai và hiện tại. Bốn vua các ông và Thiên chúng khác cùng các Dượcxoa và A-tô-la khi chiến đấu với nhau thì nhóm các ông thường được thắng lợi. Các ông, nếu có thể hộ trì Kinh này, nhờ năng lực của Kinh nên có thể trừ các khổ như giặc thù, đói kém và các dịch bệnh... Vậy nên các ông, nếu thấy bốn chúng thọ trì đọc tụng Kinh Vương này thì cũng nên siêng năng dốc lòng cùng hộ trì, vì họ diệt trừ khổ não, ban cho họ sự an vui.
Bấy giờ, bốn vua trời liền đứng dậy, sửa lại áo vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, bạch:
–Bạch Thế Tôn! Kinh Tối Thắng Kim Quang Minh này, ở đời vị lai, nếu có cõi nước, thành ấp, xóm làng, núi rừng, đồng trống... bất cứ chỗ nào khi kinh này lưu truyền đến, nếu vua nước đó đối với kinh điển này, chí tâm nghe nhận, khen ngợi cúng dường, đồng thời, cung cấp cho bốn chúng thọ trì kinh đó, hết lòng ủng hộ, khiến cho họ không còn khổ não. Do nhân duyên này nên con ủng hộ vị vua đó và các dân chúng, khiến cho họ đều được yên ổn, xa lìa những lo khổ, tăng thêm tuổi thọ, uy đức đầy đủ.
Bạch Thế Tôn! Nếu vị quốc vương đó thấy bốn chúng thọ trì kinh nay mà hết lòng cung kính ủng hộ giống như cha mẹ, tất cả sự cần dùng đều cung cấp đầy đủ, bốn vua chúng con luôn luôn vì vua đó ủng hộ, khiến cho các loài hữu tình không loài nào chẳng tôn kính. Vậy nên chúng con cùng với vô lượng Dược-xoa, các thần, tùy theo chỗ lưu truyền của kinh vua thâm diệu này mà ẩn thân ủng hộ khiến cho không có gì trở ngại. Chúng con cũng sẽ hộ niệm những người và các quốc vương... nghe kinh này, diệt trừ hoạn nạn cho họ, khiến cho họ yên ổn, giặc thù phương khác, đều khiến lui tan. Nếu có vị vua cõi người khi nghe kinh này mà giặc thù nước bên cạnh khởi lên ý niệm: “Sẽ đem đủ bốn binh phá hoại đất nước kia.” Bạch Thế Tôn! Do sức uy thần của kinh vua này nên lúc đó kẻ địch bên cạnh lại bị oán thù khác đến xâm lấn quấy nhiễu biên giới của nước ấy, bị nhiều tai biến, dịch bệnh lan tràn. Vị vua nghe kinh này liền tập hợp bốn binh nhằm xuất phát đến chinh phục nước đó, bấy giờ, chúng con, sẽ cùng với quyến thuộc, vô lượng, vô biên Dược-xoa, các thần đều tự ẩn hình giúp đỡ cho vị vua này, khiến cho kẻ thù kia tự nhiên quy hàng, đi đến biên giới nước ấy còn chẳng dám, huống là đem binh đánh nhau.
Bấy giờ, Đức Phật bảo bốn vua trời:
–Hay thay! Hay thay! Bốn vua các ông mới có thể ủng hộ kinh điển như vậy! Vào thời quá khứ, hàng trăm ngàn ức vô số kiếp, ta tu các hạnh khổ, được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chứng Nhất thiết trí, hôm nay nói pháp này. Nếu có vị vua cõi người thọ trì kinh này, cung kính cúng dường thì được tiêu tan hoạn nạn, khiến cho họ yên ổn, lại ủng hộ thành ấp, xóm làng... cho đến giặc thù đều khiến cho lui tan, cũng khiến cho tất cả các vua trong Thiệm-bộ châu không hề bị khổ não về việc đấu tranh.
Này bốn vua! Các ông nên biết, Thiệm-bộ châu này có tám vạn bốn ngàn thành ấp, xóm làng, tám vạn bốn ngàn vị vua... đều ở đất nước của mình thọ nhận những sự an vui, đều được tự tại, có của báu đầy đủ, thọ dùng chẳng xâm chiếm nhau, tùy theo nhân đời trước mà thọ quả báo của mình, chẳng khởi ý niệm ác tham cầu nước của người khác. Họ đều ít ham muốn lợi lạc, không có các khổ về chiến đấu, trói buộc. Nhân dân nước ấy an vui tự nhiên, trên dưới hòa mục giống như nước sửa, luôn yêu thương và kính trọng nhau, hoan hỷ, tự tại, từ bi khiêm nhường, tăng trưởng căn lành. Do nhân duyên đó nên Thiệm-bộ châu này yên ổn, thịnh vượng, an vui, nhân dân đông đúc, đất đai mầu mỡ, lạnh nóng điều hòa, thời tiết chẳng trái mùa, mặt trời, mặt trăng, tinh tú chuyển động bình thường không khiếm khuyết, gió mưa thuận thời, không còn các tai nạn, tài sản của báu đều tràn đầy, lòng không bỏn sẻn, thường thực hành bố thí, đủ mười nghiệp thiện, những người này qua đời phần nhiều sinh lên trời làm tăng thêm Thiên chúng.
Này đại vương! Nếu đời vị lai có những quốc vương nghe nhận kinh này, cung kính cúng dường, đồng thời tôn trọng khen ngợi bốn bộ chúng thọ trì kinh này, lại muốn an lạc, lợi ích nhiều cho các ông và các quyến thuộc, vô lượng trăm ngàn các Dượcxoa chúng. Vậy nên vị vua kia thường phải nghe nhận kinh vua vị diệu này, do được nghe vị cam lộ vô thượng của nước pháp này nên tăng thêm thế lực thân tâm của các ông; tinh tấn dũng mãnh, ánh sáng phước đức uy lực đều được đầy đủ. Những quốc vương đó nếu có thể chí tâm nghe nhận kinh này, tức là sự cúng dường to lớn hiếm có cúng dường cho ta, Thích-ca Mâu-ni Ứng Chánh Đẳng Giác. Nếu cúng dường ta là cúng dường trăm ngàn ức vô số Đức Phật quá khứ, vị lai và hiện tại. Nếu có thể cúng dường ba đời các Đức Phật thì được công đức nhiều vô lượng chẳng thể nghĩ bàn. Do nhân duyên này nên các ông cần phải ủng hộ vị vua kia, hoàng hậu, cung phi và quyến thuộc khiến cho họ không còn khổ não và trong cung điện, nhà cửa thường được an vui, công đức khó nghĩ bàn. Nhân dân trong các cõi nước đó cũng luôn thọ nhận được vô số niềm vui năm dục, tất cả việc ác đều được tiêu trừ.
Bấy giờ, bốn vua trời bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Ở đời vị lai, nếu có vị quốc vương ưa nghe kinh Kim Quang Minh này vì muốn ủng hộ thân mình, hoàng hậu cung phi, vương tử cho đến các thể nữ trong cung... thành ấp, xóm làng, cung điện... đều được an lạc tịch tĩnh hoan hỷ tối thượng bậc nhất chẳng thể nghĩ bàn, trong đời hiện tại, ở ngôi vị vua tôn quý, tự tại hưng thịnh, thường được tăng trưởng. Vua ấy lại muốn có được vô lượng, vô biên phước đức khó nghĩ bàn, ở đất nước mình, khiến cho không có giặc giã và những việc khổ não, tại nạn.
Bạch Thế Tôn! Vị quốc vương này không nên buông lung để tâm tán loạn, phải cung kính chí thành ân cần tôn trọng nghe nhận Kinh vua tối thắng này. Khi muốn nghe kinh, trước hết nhà vua phải dốc lòng trang nghiêm phòng nhà trong cung, thật rõ ràng bậc nhất, nước thơm tưới đất, tung trải nhiều loại hoa quý, đặt pháp tòa Sư tử thù thắng, dùng những đồ trân bảo trang hoàng, giăng bày nhiều phướn, lọng báu, đốt hương thơm vô giá, trổi lên các âm nhạc. Vị vua ấy, bấy giờ phải tắm gội sạch sẽ, dùng hương thơm xoa thân, mặc áo mới sạch sẽ và đeo những chuỗi ngọc, ngồi tòa ngồi thấp nhỏ, chẳng nghĩ mình là người cao quý, xả bỏ ngôi vị tự tại, xa lìa tâm kiêu mạn, tâm giữ chánh niệm nghe kinh sâu nhiệm này, đối với vị Pháp sư, khởi tưởng xem như bậc Đại sư. Nhà vua lại đối với hậu phi, vương tử, thể nữ, quyến thuộc ở trong cung sinh lòng từ mẫn, vui vẻ nhìn nhau, nét mặt nhu hòa, lời nói êm dịu, thân tâm lan khắp niềm vui lớn, khởi ý niệm: “Ta nay đạt được sự ích lợi lớn thù thắng khó nghĩ bàn! Đối với kinh sâu nhiệm này, phải cúng dường thật nhiều.” Thiết bày lễ xong, thấy Pháp sư đến, nhà vua phải khởi lòng cung kính khát ngưỡng.
Bấy giờ, Đức Phật bảo bốn vua trời rằng:
–Không nên nghênh đoán đón Pháp sư như vậy! Vị quốc vương đó nên mặc y phục thuần tịnh tinh khiết, đeo các chuỗi ngọc để trang nghiêm, tự cầm lọng trắng báu và các hương hoa, chuẩn bị nghi thức l bái chỉnh tề, trổi nhiều loại âm nhạc, đi bộ ra cửa thành để nghênh đón vị Pháp sư đó, luôn luôn nghĩ đến tâm cung kính để làm việc cát tường. Này bốn vua! Do nhân duyên gì mà vị quốc vương đó gần gũi cung kính cúng dường như vậy? Do việc nhấc chân lên, hạ chân xuống của vị quốc vương đó, từng bước, từng bước đều là cung kính, phụng sự tôn trọng trăm ngàn vạn ức vô số các Đức Phật Thế Tôn, lại được vượt thoát số kiếp khổ sinh tử như vậy. Lại nữa, vào đời vị lai, trong các số kiếp như vậy vị vua đó sẽ nhận ngôi vị chuyển luân thù thắng. Theo từng bước, ở đời hiện tại, nhà vua được phước đức tăng trưởng, tự tại làm vua, cảm ứng khó nghĩ bàn, mọi người kính trọng, sẽ ở vô lượng trăm ngàn ức kiếp trời, người có được các cung điện bảy báu, sinh ra ở đâu cũng luôn được làm vua, tăng thêm tuổi thọ, lời nói luôn có tính thuyết phục, được trời, người kính tín, không hề kinh sợ, có tiếng tăm lớn, mọi người đều chiêm ngưỡng, ở cõi trời trong loài người đều được an vui thù thắng vi diệu, có thế lực, lực có đại uy đức, thân tướng trang nghiêm kỳ diệu không ai sánh bằng, được gặp Đấng Thiên Nhân Sư, gặp bậc Thiện tri thức, thành tựu đầy đủ vô lượng phước đức. Này bốn vua! Các ông nên biết những quốc vương đó được vô số, vô lượng công đức lợi ích như vậy... nên hãy tự đến nghênh đón Pháp sư, hoặc từ khoảng cách một do-tuần... cho đến trăm ngàn dotuần, đối với thầy nói pháp nên khởi tưởng xem như Phật. Về đến thành rồi, các vua ấy nên khởi ý niệm: “Hôm nay Đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vào trong cung của ta, nhận sự cúng dường của ta, vì ta nói pháp, ta nghe pháp liền được không thoái chuyển đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức là được gặp trăm ngàn vạn ức vô số các Đức Phật Thế Tôn. Hôm nay, ta dùng nhiều loại nhạc cụ thượng diệu thù thắng rộng lớn cúng dường chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại. Hôm nay ta đã dứt sạch vĩnh viễn những nỗi khổ của cõi Diệm-ma vương, địa ngục, ngã quỷ, bàng sinh, đã gieo trồng vô lượng trăm ngàn vạn ức hạt giống căn lành Chuyển luân thánh vương, vua trời Đế Thích, Phạm vương,... ta nên khiến cho trăm ngàn vạn ức chúng sinh ra khỏi khổ sinh tử, được niềm vui Niết-bàn, chứa nhóm vô lượng, vô biên phước đức chẳng thể nghĩ bàn. Hậu cung quyến thuộc và các dân chúng đều nhờ ân đức được yên ổn, đất nước thanh bình, không có những tai nạn, độc hại, người ác, giặc thù phương khác chẳng đến xâm lấn quấy nhiễu, không còn lo lắng.
Này bốn vua! Các ông nên biết, vị nhân vương đó nên tôn trọng chánh pháp như vậy, cũng nên tôn trọng tán thán các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bàtắc, Ưu-bà-di thọ trì kinh điển vi diệu này, đạt được các căn lành, trước đem phước thù thắng ban cho các ông và các quyến thuộc. Vị quốc vương đó có nhân duyên nghiệp thiện phước đức lớn, ở trong đời hiện tại được đại tự tại, tăng thêm ánh sáng oai đức, tướng an lành vi diệu trang nghiêm, đối với tất cả giặc thù, đều có thể dùng chánh pháp mà tiêu diệt, hàng phục tất cả.
Bấy giờ, bốn vua trời bạch:
–Bạch Thế Tôn! Nếu có vị quốc vương có thể cung kính chánh pháp nghe Kinh sâu vương này, như vậy cùng với tấm lòng cung kính cúng dường tôn trọng tán thán bốn chúng thọ trì kinh này, vị quốc vương đó muốn cho chúng con được hoan hỷ, phải ở một bên gần pháp tòa, lấy nước thơm tưới đất, rải các loại hoa quý, đặt ở chỗ đó bốn ngai vàng, chúng con với vị vua kia cùng nghe chánh pháp. Tất cả các căn lành tự lợi của vua ấy và phần phước đều ban cho chúng con. Bạch Thế Tôn! Vị quốc vương đó, khi thỉnh vị nói pháp lên tòa, liền vì chúng con đốt mọi loại hương thơm cúng dường kinh đó. Bạch Thế Tôn! Khói hương đó trong khoảng một niệm bay lên hư không, liền đến cung điện của các trời chúng con, ở trong hư không, khói hương biến thành lọng hương. Thiên chúng chúng con nghe hương thơm vi diệu đó, hương thơm có ánh sáng vàng ròng soi sáng cung điện của chúng con ở cho đến cung của Phạm vương và của Đế Thích, cung của trời Đại biện tài, trời Đại cát tường, chỗ ở của thần đất Kiên Lao, đại tướng Chánh Liễu Tri, hai mươi tám bộ thần Dược-xoa, trời Đại tự tại, chúa Kim Cang Mật Tích, đại tướng Bảo Hiền, quỷ tử mẫu Ha-lợi-đế với năm trăm quyến thuộc, vua rồng Vô Nhiệt Não Trì, vua rồng Đại Hải! Bạch Thế Tôn! Những chúng như vậy... ở tại cung điện mình thấy khói hương đó, trong khoảng một sát-na, biến thành lọng hương, nghe mùi thơm ngát, nhìn thấy ánh sáng tỏa màu đến khắp tất cả các cung của các Thiên thần.
Đức Phật bảo bốn vị vua trời rằng:
–Ánh sáng hương thơm đó chẳng phải chỉ đến cung điện này biến thành lọng hương, phóng ra ánh sáng lớn, do khi vị quốc vương đó tay bưng lò hương đốt các loại hương quý để cúng dường kinh, hơi khói hương ấy, ở trong khoảnh khắc một niệm, đến khắp tam thiên đại thiên thế giới, trăm ức mặt trời, mặt trăng, trăm ức núi chúa Diệu cao, trăm ức bốn châu, ở chỗ cung điện tất cả Trời, Rồng, Dượcxoa, Kiền-thát-bà, A-tô-la, Yết-lộ-trà, Khẩn-na-la, Mạc-hô-lạc-già của tam thiên đại thiên thế giới, trong hư không đều tràn đầy, đủ loại khói hương, biến thành lọng mây. Lọng mây ấy màu vàng ròng soi khắp thiên cung. Như vậy các loại mây hương, lọng hương của tam thiên đại thiên thế giới đều chính là sức uy thần của kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương. Các vị quốc vương này khi tay bưng lò hương cúng dường Kinh thì vô số mùi hương chẳng phải không những chỉ lan khắp tam thiên đại thiên thế giới này mà trong khoảnh khắc một niệm, cũng lan tỏa khắp trăm ngàn vạn ức các cõi nước Phật khắp mười phương, nhiều như số cát trong vô lượng, vô biên sông Hằng ở bên trên chư Phật, trong hư không biến thành lọng hương màu vàng ròng soi khắp nơi, cũng như vậy. Các Đức Phật đó ngửi thấy hương thơm vi diệu này, nhìn thấy lọng mây màu vàng ròng. Các Đức Phật Thế Tôn nhiều như cát sông Hằng ở mười phương thế giới hiện thần biến rồi, các Đức Thế Tôn đó đều cùng quan sát, đồng thanh khen pháp sư rằng: “Hay thay! Hay thay! Này Đại trượng phu! Ông có thể lưu bố rộng rãi kinh điển vi diệu sâu xa như vậy tức đã thành tựu vô lượng, vô biên phước đức, chẳng thể nghĩ bàn.” Nếu có người nghe kinh này, đạt được công đức còn rất nhiều! Huống gì là người ghi chép, thọ trì, đọc tụng, vì người khác diễn nói và theo đúng như lời dạy tu hành! Vì sao? Này thiện nam! Chúng sinh nào nghe kinh Kim Quang Minh Tối Thắng vương này, liền được không thoái chuyển đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lúc bấy giờ, mười phương có trăm ngàn ức vô lượng, vô số những cõi nước Phật nhiều như cát sông Hằng, tất cả các Đức Như Lai của những cõi nước đều đồng thanh, ở trên pháp tòa, khen vị pháp sư kia rằng: “Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Ông vào đời vị lai, bằng sức tinh tấn, sẽ tu vô lượng trăm ngàn hạnh khổ, đầy đủ tư lương vượt lên các Thánh chúng, ra khỏi ba cõi, làm đấng Tối Thắng, sẽ ngồi dưới cây Bồ-đề trang nghiêm thù thắng, cứu độ các chúng sinh có nhân duyên trong tam thiên đại thiên thế giới, có thể khéo léo tiêu diệt hàng phục quân chúng của các ma có hình dạng đáng sợ, giác ngộ các pháp thanh tịnh bậc nhất và Chánh đẳng Bồ-đề sâu xa vô thượng.
Này thiện nam! Ông sẽ ngồi ở tòa Kim cang, chuyển pháp luân mười hai hành sâu xa, vi diệu vô thượng mà chư Phật khen ngợi, có thể đánh lên trống pháp lớn vô thượng, thổi vang loa pháp cực diệu vô thượng, dựng lên pháp tràng thù thắng vô thượng, chiếu sáng đuốc pháp sáng vô thượng, mưa xuống mưa pháp cam lộ vô thượng, cắt đứt vô lượng oán kết phiền não, khiến cho vô lượng trăm ngàn vạn ức vô số hữu tình qua khỏi biển lớn không bờ bến đáng sợ, giải thoát sự luân hồi sinh tử không bờ cõi, gặp được vô lượng trăm ngàn vạn ức vô số Đức Phật.
Bấy giờ, bốn vị vua trời lại bạch:
–Bạch Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này có thể ở trong đời vị lai, hiện tại thành tựu được vô lượng công đức như vậy. Vậy nên, vị quốc vương, nếu được nghe kinh điển vi diệu này, tức là đã ở chỗ trăm ngàn trăm ngàn vạn ức vô lượng Đức Phật gieo trồng căn lành. Đối với vị quốc vương đó, con sẽ hộ niệm, cho vị ấy được vô lượng phước đức, lợi ích. Bốn vua chúng con và quyến thuộc vô lượng trăm ngàn vạn ức các thần khác, ở cung điện của mình, khi thấy các loại khói hương, mây hương, lọng hương thần biến, chúng con sẽ ẩn thân, vì nghe pháp nên sẽ đến chỗ trang nghiêm, thanh tịnh của vua ấy, dừng ở chỗ cung điện giảng pháp. Như vậy, cho đến Phạm vương, Đế Thích, trời Đại biện tài, trời Đại Cát tường, thần đất Kiên Lao, đại tướng Chánh Liễu Tri, hai mươi tám bộ Dược-xoa thần, trời Đại tự tại, Kim cang Mật Tích, đại tướng Bảo Hiền, Quỷ tử mẫu Ha-lợiđể với năm trăm quyến thuộc, vua rồng Vô Nhiệt Não Trì, vua rồng Đại Hải, vô lượng trăm ngàn vạn ức vô số chư Thiên, Dược-xoa... những chúng như vậy, vì nghe pháp nên đều chẳng hiện thân, đi đến cung điện thù thắng của vị quốc vương đó, chỗ tòa thuyết pháp cao trang nghiêm. Bạch Thế Tôn! Bốn vua chúng con và quyến thuộc, Dược-xoa, các thần đều sẽ một lòng cùng với vị quốc vương đó làm Thiện tri thức. Nhờ vị thí chủ pháp lớn Vô thượng này dùng vị cam lộ cho con đầy đủ, vậy nên, chúng con ủng hộ vị vua đó, trừ hoạn nạn cho vua ấy, khiến cho được yên ổn và các tai biến xấu ác của cung điện, thành ấp, cõi nước ấy đều khiến cho tiêu diệt.
Bấy giờ, bốn vua trời đều cùng chắp tay bạch:
–Kính thưa Thế Tôn! Nếu vị quốc vương nào ở cõi nước của mình, tuy có Kinh này, nhưng chưa từng lưu truyền, lòng sinh lìa bỏ, chẳng ưa lắng nghe, cũng chẳng cúng dường tôn trọng, khen ngợi, thấy người của bốn chúng thọ trì kinh điển sâu nhiệm này cũng chẳng tôn trọng cúng dường, khiến cho chúng con và quyến thuộc, vô lượng chư Thiên khác chẳng được nghe diệu pháp thậm thâm này, không được vị cam lộ, mất dòng chánh pháp, không có ánh sáng oai đức và cả thế lực, tăng trưởng đường ác, trời, người giảm ít, rơi vào sông sinh tử, ngược đường Niết-bàn. Bạch Thế Tôn! Bốn vua chúng con cùng các quyến thuộc và Dược-xoa... thấy việc như thế, liền bỏ đất nước ấy, lòng không ủng hộ. Chẳng phải chỉ mình chúng con rời bỏ vị vua đó mà vô lượng các vị đại thiện thần ủng hộ đất nước đều bỏ đi hết. Chúng con đã bỏ đi rồi, đất nước ấy sẽ bị nhiều tai họa, mất nước, mất ngôi, tất cả mọi người đều không có lòng lành, chỉ có sự trói buộc, giết hại, sân giận tranh cãi lẫn nhau, dèm pha, dua nịnh, chê bai và sống vô tội vạ, bệnh dịch lan tràn, điềm sao xấu thường xuất hiện, hai mặt trời mọc cùng lúc, nhật, nguyệt thực không thường, cầu vòng hai màu đen trắng biểu hiện tướng chẳng lành, sao băng, động đất, bên trong giếng phát ra tiếng, mưa, gió lớn chẳng thuận thời tiết, thường gặp đói kém, mùa màng thất bát, có nhiều giặc thù phương xa đến xâm lược, dân chúng trong nước chịu nhiều khổ não, đất đai không có chỗ nào đáng nương vào.
Bạch Thế Tôn! Khi bốn vua chúng con và vô lượng trăm ngàn Thiên thần, cùng các vị thiện thần hộ đất nước lìa bỏ đi, sinh ra vô lượng trăm ngàn việc ác tai quái như vậy... Bạch Thế Tôn! Nếu có vị vua muốn giữ gìn đất nước luôn được an vui, muốn khiến cho chúng sinh đều được yên ổn, muốn được tiêu diệt, thu phục tất cả giặc ngoại xâm, ở nước của mình luôn được hưng thịnh, muốn khiến cho chính pháp lưu truyền ở thế gian, pháp ác khổ não đều trừ diệt.
Bạch Thế Tôn! Các quốc vương đó nhất định phải nghe nhận kinh vua vi diệu này, nên cung kính cúng dường người thọ trì kinh này. Chúng con và vô lượng Thiên chúng khác nhờ uy lực căn lành của chính pháp này nên được uống pháp vị cam lộ vô thượng, tăng thêm quyến thuộc của chúng con, các Thiên thần khác đều được lợi ích thù thắng. Vì sao? Vì do vị quốc vương này chí tâm nghe nhận kinh điển này.
Bạch Thế Tôn! Như trời Đại Phạm, đối với các hữu tình, thường vì họ tuyên nói thế luận và xuất thế luận. Đế Thích lại nói vô số các luận. Các vị tiên đạt năm thần thông cũng nói các luận. Bạch Thế Tôn! Phạm vương, Đế Thích, các vị nhân đạt năm thông tuy có trăm ngàn ức, vô số vô lượng các luận, nhưng Đức Phật Thế Tôn từ bi thương xót, vì chúng trời, người nói kinh điển vi diệu Kim Quang Minh so với những luận nói ở trước hơn gấp trăm ngàn ức, vô số lần, chẳng thể lấy gì làm ví dụ. Vì sao? Vì kinh này có thể khiến cho các vị vua của Thiệm-bộ châu... dùng chánh pháp để giáo hóa thế gian, có thể ban cho chúng sinh sự an lạc, tự hộ vệ được thân mình và các quyến thuộc, khiến cho họ không khổ não, lại không bị giặc thù phương khác xâm hại, tất cả các điều ác đều đi xa, cũng khiến cho tai nạn của đất nước bị ngăn chặn, trừ diệt hết, dùng chánh pháp để giáo hóa, không có tranh cãi. Vậy nên, những quốc vương đó ở đất nước mình nên thắp đuốc pháp soi sáng vô biên, tăng thêm Thiên chúng cùng các quyến thuộc.
Bạch Thế Tôn! Bốn vua chúng con, vô lượng các Thiên thần, Dược-xoa và Thiên thần trong Thiệm-bộ châu, nhờ nhân duyên này, được uống vị pháp cam lộ Vô thượng, đạt được ánh sáng uy đức lớn thế lực lớn, không gì không đầy đủ, tất cả chúng sinh đều được yên ổn. Lại vào đời sau vô lượng trăm ngàn chẳng thể nghĩ bàn vô số kiếp, chúng con thường được an vui, lại được gặp gỡ vô lượng các Đức Phật, gieo trồng các căn lành, sau sẽ chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vô lượng, vô biên những lợi ích thù thắng như vậy đều chính là nhờ tâm đại Từ bi của Đấng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hơn hẳn các Phạm chúng, nhờ đại trí tuệ vượt trên Đế Thích, tu các hạnh khổ hơn các vị tiên đạt năm thông... gấp trăm ngàn vạn ức vô số lần, chẳng thể xưng kể. Chư Phật đã vì các chúng sinh giảng nói kinh điển vi diệu như vậy khiến tất cả quốc vương và dân chúng của Thiệmbộ châu thông rõ phép tắc của thế gian mà trị nước, dạy người và việc khuyên bảo dẫn đường. Nhờ năng lực lưu thông của kinh vương này nên khắp nơi đều được yên vui. Những phước lợi này đều chính là nhờ Đức Đại Sư Thích-ca, đối với kinh điển này, vì chúng sinh lưu thông năng lực từ bi. Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên này nên các vị quốc vương... đều nên thọ trì, cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi kinh vi diệu này. Vì sao? Vì các công đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn như vậy... đem lại lợi ích cho tất cả. Vậy nên, gọi là kinh vua Tối thắng.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo bốn vua trời:
–Bốn vua các ông và quyến thuộc, vô lượng trăm ngàn ức vô số đại chúng chư Thiên thấy những quốc vương đó, chí tâm nghe kinh này, cúng dường, cung kính, tôn trọng khen ngợi thì cần phải ủng hộ, trừ diệt các hoạn nạn cho họ, có thể khiến các ông cũng được an lạc. Nếu bốn bộ chúng có thể lưu truyền rộng rãi kinh vương này, ở trong hàng trời, người thực hành các Phật sự làm thể lợi ích cho khắp vô lượng chúng sinh. Người như vậy, bốn vua các ông thường nên ủng hộ. Bốn chúng như vậy, các ông không nên để cho những nhân duyên khác xâm hại quấy nhiễu, các ông phải làm cho thân tâm của họ tịch tịnh an lạc. Đối với kinh điển này, các ông phải tuyên dương lưu truyền rộng rãi khiến cho chẳng gián đoạn, lợi ích cho loài hữu tình đến tận đời vị lai!
Bấy giờ, vua trời Đa Văn đứng dậy bạch:
–Bạch Thế Tôn! Con có pháp Đà-la-ni Như ý bảo châu. Chúng sinh nào ưa thọ trì thì được công đức không lường. Con thường ủng hộ khiến cho chúng sinh lìa khổ được vui, có thể thành tựu phước và trí tuệ làm tư lương cho chính mình. Người muốn thọ trì thì trước phải tụng chú hộ thân này.
Liền nói chú rằng:
Nam mô bệ thất la mạt nả dã mạc a hạt la xà dã, đát điệt tha, la la la la, củ nộ củ nộ, khu nộ khu nộ, lũ nộ lũ nộ, táp phược táp phược yết la, yết la mạc ha tỳ yết lạt ma, mạc ha tỳ yết lạt ma, mạc ha hạt la xã, hạt lạc xoa hạt lạc xoa, đổ mạn (tự xưng tên của mình), tát bà tát đỏa nan giả, tá ha (Namo Vaiśravanāyamahārājāya tadyathā ra ra ra ra kunu kunu (bunu bunu) khunu khunu sapa sapa (kara kara vikāraṃ) mahāvikārama mahāvikārama (mahā kāla) mahārāja rakxa rakxantu nāṃ sarvasattvānāṃ svāhā).
Bạch Thế Tôn! Người tụng chú này phải dùng chỉ trắng mà chú vào đó bảy biến. Cứ mỗi biến thì buộc vào sau khuỷu tay một lần thì việc chắc chắn thành. Rồi nên lấy các thứ hương như chiên-đàn an tức, long não, tô hạp, đa-yết-la, huân lục (cỏ thơm, linh lăng hương) đều phải phân lượng bằng nhau, hòa hợp lại một chỗ. Tay bưng lư hương, đốt hương cúng dường. Phải tắm gội sạch sẽ, mặc áo tinh khiết, ở trong phòng nhà yên tỉnh thì có thể đọc thần chú.
Cung thỉnh con, Thiên vương Bệ-thất-la Mạtnả bằng lời chú rằng:
Nam mô bê thất la mạt nã dã.
Nam mô đàn na đà dã, đàn nê thuyết la dã, a yết xả, a bát lại nhị đá, đàn nê thuyết la, bát la ma, ca lưu ni ca, tát bà tát đỏa, tứ đá chấn đá, ma na (xưng tên mình), đàn na mạt nô bát lạt duệ xả, toái diêm ma yết xả, tá ha (Namo Vaiśravanāya namo Dānadāya Dāneśvarāya ākarśa aparimita daneśvara parama kāruṇika sarva-sattvahitacinta mama dāna vardhaparye svayaṃ ākarśa svāhā).
Tụng đủ chú này bảy lần rồi tiếp đến tụng lại bài chú cũ. Khi muốn tụng chú, trước phải xưng tên, kính lễ Tam bảo và Thiên vương Bệ-thất-la Mạt-nã, có thể bố thí của cải khiến cho sự cầu nguyện của các chúng sinh đều có thể thành tựu, ban cho họ sự an vui. Đảnh lễ như vậy xong, tiếp đến tụng thần chú Như ý mạt ni bảo tâm của vua trời Bệ-thất-la Mạt-nã.
Bấy giờ, vua trời Đa văn liền ở trước Đức Phật, nói thần chú Như ý ma ni bảo tâm:
Nam mô hạt lạt đát na, đát lạt dạ dã, Nam mô bệ thất la mạt nã dã.
Nam mô ha là xà dã, đát điệt tha, tứ nhị tứ nhị, tô mẫu tô mẫu, chiên trà chiên trà, chiết la chiết la, tát la tát la, yết la yết la, chỉ lý chỉ lý, củ lũ củ lũ, mẫu lũ mẫu lũ, chủ lũ chủ lũ, ta đại dã nghạch tham, xưng con tên là..., nậc điếm nghạch tha, đạt đạt đỗ tá ha, nam mô bệ thất la mạt na dã tá ha, đàn na đà dã tá ha, man nô lạt tha bát lợi bô lạt ca dã tá ha (Namo ratnatrayāya namo Vaiśramanāya mahārājāya tadyathā śimi śimi sumu sumu caṇḍa caṇḍa care care sara sara kara kara kiri kiri kuru kuru muru muru curu curu sādāya (dharma) ātmanaṃ nityaṃ antara dhātu svāhā; namo Vaiśramanāya svāhā dhanadāya svāhā manoratha paripūrikāya svāhā).
Khi thọ trì chú, tụng trước một ngàn lần, sau đó ở trong tịnh thất, dùng Cù-ma (Gomaya) trát lên đất làm đàn tràng nhỏ, ăn uống đúng thời, một lòng cúng dường, luôn đốt hương thơm khiến cho khói chẳng dứt, tụng tâm chú nói trước, ngày đêm giữ tâm chánh niệm, chỉ cho tai mình nghe, chớ khiến cho người khác hiểu. Có con vua Bệ-thất-la Mạtnã tên là Thiền Nị Sư (Sainniśi) hiện ra hình đồng tử đi đến chỗ người ấy hỏi rằng: “Vì sao phải gọi cha ta?” Liền có thể đáp rằng: “Ta vì cúng dường Tam bảo, việc cần của cải, nguyện xin được ban cho!” Thiền Nị Sư nghe lời nói đó rồi liền trở về chỗ của cha, thưa: “Nay có người tốt phát tâm chí thành cúng dường Tam bảo mà thiếu thốn của cải! Vì thế nên họ thỉnh cha.” Người cha đáp: “Con nên mau đi đến đó, mỗi ngày cho người ấy một trăm Ca-lợi-sa-ba-nả (Kārṣapaṇa) (đây là đơn vị lớn về của cải mà tùy theo địa phương chẳng nhất định, hoặc có nơi định là bối xỉ, hoặc có nơi định là tiền vàng, bạc, đồng...).
Người trì chú ấy thấy tướng này, liền biết việc được thành, phải một mình ở trong tịnh thất đốt hương mà nằm, có thể ở bên cạnh giường đặt một cái tráp thơm, mỗi sáng sớm, nhìn trong tráp ấy, thấy có được vật cần cầu, mỗi khi được vật thì ngay trong ngày phải cúng dường Tam bảo hương hoa, thức ăn thức uống, lại thêm bố thí cho người thiếu thốn, đều phải cho hết tất cả, không được để lại. Đối với các hữu tình, hành giả phải khởi ý tâm Từ bi, không được sân hận, lừa dối, dua nịnh, độc hại. Nếu người khởi lòng sân thì liền mất linh nghiệm, cho nên luôn giữ tâm không được sân giận. Lại nữa, người trì chú này, mỗi ngày, nhớ nghĩ đến con vua trời Đa văn cùng con trai, con gái, bà con xưng dương, tán thán, luôn dùng mười điều thiện giúp đỡ nhau, khiến cho các vị trời kia phước lực thêm sáng, thực hành điều thiện khắp nơi, chứng quả Bồ-đề. Những Thiên chúng kia thấy việc này rồi đều rất vui mừng nên cùng nhau đến ủng hộ bảo vệ người trì chú. Lại nữa, người trì chú được tuổi thọ lâu dài, trải qua vô lượng năm, lìa hẳn ba đường, thường không bị tai nạn, cũng khiến cho người đó đạt được ngọc báu Như ý và cả kho tàng quý, thần thông tự tại, ý nguyện đều thành tựu. Nếu cầu quan chức vinh hiển, người đó luôn luôn được vừa ý, cũng hiểu được ngôn ngữ của tất cả loài cầm thú.
Bạch Thế Tôn! Nếu khi trì chú, muốn được thấy thân con hiện ra, có thể vào mùng tám hoặc mười lăm của tháng, ở trên vải trắng vẽ hình tượng Đức Phật, phải dùng nhựa cây nhiều màu để trang trí bức tượng. Người vẽ tượng ấy phải giữ tám giới, ở bên trái Đức Phật vẽ tượng Thiên nữ Cát Tường, ở bên phải Đức Phật vẽ tượng của con là trời Đa văn, đồng thời vẽ cả bà con nam nữ ngồi nơi tòa cho đúng như pháp, rải đầy hoa rực rỡ, đốt nhiều loại hương thơm quý giá, thắp đèn sáng liên tục ngày đêm không dứt, đồ ăn thức uống thượng hạng, đủ loại quý hiếm... Rồi phát tâm ân cần kính trọng mà tùy thời cúng dường. Thọ trì thần chú này, không được khinh khi. Khi triệu thỉnh con nên tụng chú này:
Nam mô thất lợi kiện na dã, bộ đà dã, nam mô bệ thất la mạt nả dã, dược xoa la xà dã, mạc ha la xà a địa la xà dã, nam ma thất lị gia duệ, mạc ha đề tệ duệ, đát điệt tha, đát la đát la, đốt lỗ đốt lỗ, mạt la mạt la, tốt loan thổ tốt loan thổ, hán na hán na, mạt ni yết nặc ca, bạt chiết la bệ lưu li dã, mục để ca lăng ngật lật đa, thiết lị la duệ, bồ tát bà tát đỏa tứ đá ca ma bệ thất la mạt nả, thất lị dạ đề tỷ, bạt lạp bà dã, y tứ y tứ mà tỳ lam bà, cù lật nỏa cù lật nỏa mạt lạt ta mạt lạt ta, đạt đà tứ ma ma, a mục ca na mạt tả (tự xưng tên của mình), viễn lý thiết na ca mạt tả đạt lý thiết nam, ma ma mạt na, bát lạt hạt la đại dã, ta há (Namah Śrī-kaṇṇāya buddhāya namo Vaiśramanāya yakṣarājāya mahārājā(ya)adhirājāya namah śrīye mahādevye tadyathā tara tara turu turu bala bala suśuddhi hana hana maṇikanaka vajravaidūrya muktikālaṃkṛta śarīrāya sarvasattvā (nāṃ) hitakāma Vaiśramaṇaśrīya devipra-dhāya ehy ehi mavilamba ghurịa ghurṇa prasya prasya dadhahi mama amakanamaya darśana-kāmasya darśānan mama mama pariharadha (ra) ya svāhā ).
Bạch Thế Tôn! Con nếu thấy người tụng chú này, lại thấy sự cúng dường đầy đủ như vậy, con rất từ ái hoan hỷ, con liền biến thành đứa trẻ, hoặc làm người già, vị Tỳ-kheo tay cầm ngọc báu Như ý mạt ni, đồng thời cầm đãy vàng vào trong đạo tràng, hiện vẻ cung kính, miệng xưng danh hiệu Phật, nói với người trì chú rằng: “Theo sự mong cầu của ông đều khiến như ý nguyện.” Hoặc ẩn chốn rừng sâu, hoặc tạo ngọc báu, hoặc muốn mọi người yêu mến, hoặc cầu vàng, bạc... mà muốn trì các chú đều có linh nghiệm, hoặc muốn thần thông, tuổi thọ lâu dài và niềm vui thù thắng vi diệu... thì không gì chẳng được như ý. Con nay chỉ nói lên những việc như vậy. Nếu hành giả lại cầu những điều khác thì tùy theo sự ước nguyện, đều được thành tựu tất cả, kho báu vô tận, công đức vô cùng. Giả sự mặt trời, mặt trăng rơi rụng xuống đất, hoặc đại địa có lúc di chuyển nhưng lời nói chân thật này của con hoàn toàn chẳng hư dối vậy, luôn được yên ổn, tùy tâm an vui. Bạch Thế Tôn! Nếu người nào có thể thọ trì đọc tụng kinh sâu nhiệm này, khi tụng chú này chẳng tỏ ra mệt nhọc thì pháp được thành tựu nhanh chóng. Bạch Thế Tôn! Con nay vì những chúng sinh bần cùng nguy khốn khổ não kia mà nói thần chú này khiến cho họ đạt được lợi lớn, đều được giàu có an vui tự tại không hoạn nạn. Cho đến trọn đời con cũng sẽ ủng hộ, theo người này, diệt trừ tại nạn cho họ. Chúng con cũng lại khiến cho người thọ trì và lưu truyền kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này và người trì chú, ở trong vòng trăm bước được ánh sáng soi như đuốc. Con có hàng ngàn thần Dược-xoa cũng thường hầu hạ bảo vệ, tùy theo ý muốn của họ khiến cho họ luôn luôn được như ý. Con nói lời chân thật không có hư dối, nguyện xin Đức Phật chứng tri!
Vua trời Đa văn nói bài chú này rồi, Đức Phật nói rằng:
–Hay thay! Này Thiên vương! Ông có thể xé rách lưới khổ bần cùng của tất cả chúng sinh, khiến cho họ được giàu có an vui! Ông nói thần chú đó lại khiến cho kinh này lưu hành rộng rãi ở đời.
Bốn vua trời đều đứng dậy, sửa lại áo vai phải, đảnh lễ dưới chân Phật, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay cung kính dùng kệ khen công đức Đức Phật rằng:
Mặt Phật như trăng tròn thanh tịnh
Như ngàn mặt trời phóng ánh sáng
Mặt tịnh dài rộng như sen xanh
Răng như kha tuyết: đều, kín, trắng.
Đức Phật vô biên như biển cả
Vô hạn diệu bảo chứa bên trong
Nước đức trí tuệ hơn sông Hằng
Trăm ngàn định thù thắng viên mãn.
Dưới chân, tướng pháp luân trang nghiêm
Một ngàn nan hoa rất đều, bằng.
Tay, chân lưới da khắp trang nghiêm
Giống như tướng ngỗng chúa đầy đủ
Thân Phật núi vàng ròng sáng chói
Thanh tịnh thù thắng không ai bằng
Như núi Diệu cao đủ công đức
Nên con cúi đầu núi chúa Phật
Tướng tốt như hư không, khó lường
Vượt ngàn vầng trăng, phóng ánh sáng
Như lửa huyễn, không thể nghĩ bàn
Nên con cúi đầu, tâm không chấp.
Bấy giờ, bốn vua trời khen ngợi Đức Phật rồi, Đức Thế Tôn cũng dùng kệ đáp lại:
Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng này
Lời nói Đấng Thập Lực Vô Thượng
Bốn vua các ông thường ủng hộ
Hãy dũng mãnh, tâm không thoái lui
Kinh báu này vi diệu sâu xa
Có thể ban vui mọi hữu tình
Do hữu tình kia được an lạc
Kinh được lưu hành Thiệm-bộ châu
Tất cả các loài các hữu tình
Ở trong thế giới đại thiên này
Ngã quỷ, súc sinh và địa ngục
Đường khổ như vậy đều trừ tan.
Các quốc vương Nam Thiệm-bộ
Và tất cả các loài hữu tình
Nhờ uy lực kinh, thường hoan hỷ
Đều nhờ ủng hộ được bình yên.
Cũng khiến các hữu tình trong ấy
Không đạo tặc, binh khổ tiêu tan
Nhờ nước này lưu truyền kinh đây
Được giàu, an lạc, không phiền não.
Nếu người nghe nhận kinh vương này
Muốn cầu tài lợi và tôn quý
Đất nước thịnh vui không chiến tranh
Tùy tâm ước nguyện đều được thành.
Khiến giặc phương khác phải lui, tan
Trong nước của mình luôn yên ổn
Nhờ lực của kinh vua Tối thắng này
Lìa các khổ não, không lo buồn.
Như có cây chúa báu trong nhà
Sinh ra tất cả đồ ưa thích
Kinh vua Tối Thắng cũng như vậy
Hay ban công đức cho quốc vương.
Ví như nước lạnh lắng sạch trong
Trừ được đói khát và nóng bức
Vua kinh Tối thắng cũng như vậy
Khiến người ưa phước được mãn nguyện.
Như người trong nhà có hòm báu
Tùy ý sử dụng, rất vừa lòng
Kinh vua Tối thắng cũng như vậy
Phước đức tùy tâm, không thiếu thốn.
Thiên vương và Thiên chúng các ông
Nên phải cúng dường kinh vua này!
Nếu như lời dạy, phụng trì kinh
Trí tuệ, uy thần đều đầy đủ
Chư Phật mười phương hiện nói pháp
Đều cùng ủng hộ kinh vua này.
Thấy người thọ trì và đọc tụng
Khen ngợi: Lành thay! Thật hy hữu!
Nếu người có thể nghe kinh này
Thân tâm luôn vô cùng hoan hỷ
Thường được trăm ngàn chúng Dược xoa
Ở đâu cũng theo hộ người ấy
Các Thiên chúng ở thế giới này
Đông nhiều vô lượng, khó nghĩ bàn
Đều cùng nghe nhận kinh vương này
Hoan hỷ hộ trì không thoái chuyển
Người mà nghe nhận kinh vương này
Uy đức dũng mãnh, luôn tự tại
Lợi ích, tất cả chúng trời, người
Khiến lìa khổ não, được ánh sáng.
Bấy giờ, bốn vua trời nghe bài tụng này rồi vô cùng vui mừng, bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Con từ xưa đến giờ, chưa từng được nghe pháp vi diệu sâu xa như vậy!
Lòng họ sinh bi hỷ, nước mắt lưng tròng, toàn thân rúng động, chứng kiến việc hy hữu chẳng thể nghĩ bàn. Các vua trời dùng hoa Mạn-đà-la, hoa Đại Mạn-đà-la của trời mà rải trên Đức Phật. Làm việc cúng dường thù thắng này rồi, các vị bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Bốn vua chúng con đều có năm trăm Dược-xoa quyến thuộc, sẽ luôn ở khắp nơi nơi ủng hộ kinh này và vị thầy nói pháp, dùng ánh sáng trí mà trợ giúp, hộ vệ cho các vị. Nếu đối với kinh này, có câu và ý nghĩa nào bị quên mất thì chúng con đều khiến cho họ nhớ nghĩ chẳng quên, đồng thời cho họ pháp môn Đà-la-ni thù thắng, khiến cho họ được đầy đủ. Chúng con lại sẽ khiến cho kinh Tối Thắng này, bất cứ ở đâu cũng vì các chúng sinh tuyên dương lưu truyền rộng rãi, không để mai một.
Bấy giờ, khi Đức Thế Tôn ở trong đại chúng nói pháp này, vô lượng chúng sinh đều được đại trí, thông minh, sáng suốt, biện tài, bao gồm được vô lượng phước đức, lìa khỏi các lo buồn, phát tâm hỷ lạc, thông hiểu rõ các luận, bước lên đường giải thoát, chẳng còn thoái chuyển, mau chóng chứng Bồ-đề.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi Tử:
–Nay có pháp môn tên là Đà-la-ni Vô Nhiễm Trước chính là pháp tu hành của các Bồ-tát, các Bồ-tát quá khứ đã thọ trì, là mẹ của Bồ-tát.
Nghe nói lời này rồi, Tôn giả Xá-lợi Tử bạch:
–Bạch Thế Tôn! Đà-la-ni là câu nghĩa gì? Bạch Thế Tôn! Đà-la-ni là chẳng phải phương xứ, chẳng phải không phương xứ.
Đức Phật bảo Xá-lợi Tử rằng:
–Hay thay! Hay thay! Này Xá-lợi Tử! Ông đối với Đại thừa đã có thể phát khởi, đã tin chắc Đại thừa, tôn trọng Đại thừa! Đúng như lời ông nói, Đà-la-ni là chẳng phải phương xứ, chẳng phải không phương xứ, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp, chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại, chẳng phải sự, chẳng phải phi sự, chẳng phải duyên chẳng phải phi duyên, chẳng phải hành chẳng phải phi hành, không có pháp sinh cũng không có pháp duyệt, nhưng vì lợi ích cho các Bồ-tát nên nói lời như vậy. Đối với công dụng của Đà-la-ni này, nghĩa lý của chánh đạo được an lập tự tại, là công đức của chư Phật, là giới cấm của chư Phật, là đối tượng học của chư Phật, mật ý của chư Phật, là chỗ sinh ra chư Phật. Cho nên, gọi là pháp môn Đà-la-ni Vô nhiễm trước thù thắng vi diệu.
Ngài Xá-lợi Tử bạch:
–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Đức Thiện Thệ vì con nói pháp Đà-la-ni này! Các Bồ-tát nào có thể an trụ thì đối với Bồ-đề vô thượng chẳng còn thoái chuyển, thành tựu nguyện chân chánh, được Vô sở y, tự tánh biện tài, được việc hiếm có, an trụ đạo Thánh... đều do được Đà-la-ni này!
Đức Phật bảo Xá-lợi Tử rằng:
–Hay thay! Hay thay! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói! Nếu có Bồ-tát được Đà-lani này, nên biết người này như Phật không khác. Nếu ai cúng dường, tôn trọng, phụng sự cung cấp cho Bồ-tát này, phải biết, tức là cúng dường Phật. Này Xá-lợi Tử! Nếu có người khác nghe Đà-la-ni này rồi thọ trì, đọc tụng, sinh ra tin chắc thì cũng nên cung kính cúng dường người ấy như Phật không khác. Nhờ nhân duyên này nên đạt được quả vị Vô thượng.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói Đà-la-ni:
Đát điệt tha, san đà lại nĩ, ốt đa lạt nĩ, tô tam bát la để sắt sĩ đá, tô na ma, tô bát lạt để sắt sĩ đá tỷ thệ dã, bạt la, tát để dã, bát lạt để thận nhã, tô a, lô ha, thận nhã na mạt để, ốt ba thiền nĩ, a phạt na mạt để, a tỳ sư thiền nỷ, a ty tỳ gia ha la thâu bà, phạt để, tô ni thất lị đa, bạc hổ quận xã, a tỳ bà đa, tá ha (Tadyathā sandhāraṇi apadhāraṇi susaṃpratiṣthita sunāma supratiṣthita vijayabala satya(teja)pratiśñjā suroha śñjanamati (jñānprati) upadhani abanāmani abhiśigṇi abhivyākara śubhapati suniśitā bahūṃ gunja (guṃbha) abhipāda svāhā).
Đức Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Câu Đà-la-ni Vô nhiễm trước này, nếu Bồ-tát nào có thể khéo an trụ, có thể thọ trì đúng đắn, nên biết, người đó hoặc ở một kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc ngàn kiếp, hoặc trăm ngàn kiếp, phát nguyện chân chánh không cùng tận, thân cũng chẳng bị dao, gậy, thuốc độc, nước, lửa, thú dữ... làm tổn hại. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì Đà-la-ni Vô nhiễm trước này chính là mẹ của chư Phật đời quá khứ, mẹ của chư Phật đời vị lại, mẹ của chư Phật đời hiện tại.
Này Xá-lợi Tử! Nếu lại có người dùng bảy báu đầy trong mười phương vô số tam thiên đại thiên thế giới dâng cúng chư Phật và dùng vô số y phục, thức ăn thượng hạng để cúng dường trải qua vô số kiếp, nếu lại có người đối với Đà-la-ni này, thậm chí chỉ có thể thọ trì một câu thì phước sinh ra nhiều gấp bội đối với phước kia. Vì sao? Này Xálợi Tử! Vì pháp môn thậm thâm Đà-la-ni Vô nhiễm trước này chính là mẹ của các Đức Phật.
Tôn giả Xá-lợi Tử và các đại chúng nghe pháp này rồi đều rất vui mừng và nguyện thọ trì.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở giữa đại chúng, bảo A-nan-đà:
–Các ông nên biết! Có Đà-la-ni tên là Như ý bảo châu, xa lìa được tất cả các tai nạn, cũng có thể ngăn chặn những sấm chớp, được các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đời quá khứ đã từng tuyên nói. Hôm nay, ta ở trong kinh này cũng vị đại chúng các ông mà tuyên nói, có thể đối với trời, người làm lợi ích hơn, thương xót thế gian, ủng hộ tất cả, khiến cho được an lạc.
Đại chúng và A-nan-đà nghe lời Đức Phật nói rồi, đều chí thành chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn, nghe nhận thần chú. Đức Phật dạy rằng:
–Các ông hãy lắng nghe! Ở phương Đông có vua ánh chớp tên là A-yết-đa (Aghata), phương Nam có vua ánh chớp tên là Thiết-đê-lỗ (Satadru), phương Tây có vua ánh chớp tên là Chủ Đa Quang (Cyutaprabha), phương Bắc có vua ánh chớp tên là Tô-đa-mạt-ni (Sutamaịi). Nếu thiện nam, thiện nữ nào được nghe danh hiệu của những vua ánh chớp như vậy và biết phương hướng thì người này liền lìa xa tất cả những điều sợ hãi và các tai nạn đều tiêu hết. Nếu ở nơi nào viết tên vua ánh chớp bốn phương này thì nơi ấy không có nỗi sợ sấm chớp, cũng không có tai nạn và các chướng ngại phiền não, bất đắc kỳ tử cũng đều lìa xa.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói chú rằng:
–Đát điệt tha, nĩ nhị, nĩ nhị, nĩ nhị, ni dân đạt lý, thất lý lô ca, lô yết nĩ, thất lý thâu la ba nĩ, hạt lạc xoa, hạt lạc xoa.
Con tên là... và chỗ này là... tất cả sự khủng bố và các khổ não, sấm chớp, sét đánh thình lình... cho đến chết oan đều lìa xa hết, tá ha (Tadyathā nimini nimini nimiṅdharī triloka lokāni triśūrapāṇi rakṣa svāhā).
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Quán Tự Tại, ở giữa đại chúng, liền đứng dậy, sửa bày áo vai phải, chắp tay cung kính, bạch:
–Bạch Thế Tôn! Con nay cũng ở trước Đức Phật lược nói thần chú Như ý bảo châu, đối với trời, người làm lợi ích lớn, thương xót thế gian ủng hộ tất cả, khiến cho họ được an lạc, có đại uy lực, việc cầu xin được như ý.
Rồi liền nói chú rằng:
Đát điệt tha, hát đế, tỳ hát đế, nĩ hát đế, bát lạt thất thể kê, bát lạt để, mật thất lệ, thú đề, mục để tỳ mạt lê, bát lạt bà tá lệ, an trà lệ bát trà lệ, thuế đế, bát trà la bà tử nĩ, hát lệ yết trà lệ, kiếp tất lệ, băng yết la ố tỷ, đạt địa mục xỉ, hát lạc xoa, hát lạc xoa.
Con tên là... và chỗ ở này là... tất cả những sự sợ hãi, khổ não... cho đến chết oan đều lìa xa hết! Nguyện cho con không thấy việc tội ác, thường được sự hộ niệm của ánh sáng oai thần đại Bi của Bồ-tát Quán Tự Tại, tá ha. (Tadyathā gate vigate nigate pratyarthake pratimitre śuddhe mukte vimale prabhāsvare aṇḍare paṇḍare śvete Paṇḍaravāśini Hari Kaṇṭari Kapili Piṅgalākṣi Dadhimukhi rakṣa rakṣa... svāhā).
Bấy giờ, Bồ-tát Chấp Kim Cang Bí Mật Chủ liền đứng dậy, chắp tay cung kính bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Con nay cũng nói chú Đà-lani tên là Vô thắng, đối với trời, người làm lợi ích lớn, thương xót thế gian, ủng hộ tất cả, có đại thế lực, việc cầu xin được như ý nguyện.
Rồi liền nói chú rằng:
Đát điệt tha, mẫu ni mẫu ni, mẫu ni lệ, mạt để mạt để, tô mạt để, mạc ha mạc để, ha ha ha, ma bà, dĩ na tất để đế, ba hả, bát chiết la ba nĩ, ô hám điệt lật trà, tá ha (Tadyathā muni muni munine hare mati mati sumati mahāmati ha ha ha ha mabha iṇa (?) sthite pāpa vajrapāṇi ahaṃ ciri ca svāhā).
Bạch Thế Tôn! Thần chú này của con tên là Vô thắng ủng hộ. Nếu có người nam hay người nữ nào một lòng thọ trì, ghi chép, đọc tụng nhớ nghĩ chẳng quên thì con ngày đêm luôn luôn ủng hộ người đó, đối với tất cả những sự sợ hãi... cho đến chết oan đều lìa xa hết.
Lúc bấy giờ, vua trời Phạm, vị chủ của thế giới Ta-bà, liền đứng dậy, chắp tay cung kính bạch:
–Bạch Thế Tôn! Con cũng có Đà-la-ni Vi diệu pháp môn, đối với trời, người, làm lợi ích lớn, thương xót thế gian ủng hộ tất cả, có đại thế lực, đều cầu xin được như nguyện.
Ông liền nói chú rằng:
–Đát điệt tha, ê lí, nĩ lí, địa lí, tá ha, bạt la hám ma bố lệ, bạt la hám ma mạt mê, bạt la hàm ma yết tỳ bổ sáp bả tăng tất đát lệ, tá ha. (Tadyathā hili mili dhili svāhā Brahmapure Brahmamaṇi Brahma-garbhe puṣpasaṃsthire svāhā).
Bạch Thế Tôn! Thần chú của con tên là Phạm trị, có thể ủng hộ tất cả những người trì chú này, khiến cho họ lìa khỏi lo buồn và các nghiệp tội... cho đến chết oan đều lìa xa hết.
Bấy giờ, vua trời Đế Thích liền đứng dậy, chắp tay cung kính bạch:
–Bạch Thế Tôn! Con cũng có Đà-la-ni tên là Bạt-chiết-la Phiến-nĩ. Thần chú Đại minh này có thể trừ tất cả những sự sợ hãi, tai nạn... cho đến chết oan cũng đều lìa xa hết, cứu khổ, ban vui, lợi ích cho trời, người.
Rồi liền nói chú rằng:
Đát điệt tha, tỳ nĩ, bà lạt nĩ, bạn đà ma thiền trệ ma nhị nĩ trí, nhỉ cù lý, kiện đà lý, chiên trà lý, ma đăng kỳ, bốc yết tử, tát la bạt lại tỳ, tư na mạt đê, đáp ma, ốt đa lạt nĩ, mạc hô lạt ni, đát lạt ni, kế chước yết la bà chỉ, xả phạt lí, xa phạt lí, tá ha (Tadyathā vini variṇi vandhamadaṇḍe maṇinetini Gauri Caṇḍali Mātaṅgi Pukkasi sarap-rabha hinamatya tama uttaraṇi mahāraṇi dhāraṇiku cakravāke śavari śavari svāhā).
Bấy giờ, vua trời Đa văn, vua trời Trì quốc, vua trời Quảng mục, vua trời Tăng trưởng đều đứng dậy, chắp tay cung kính bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Con nay cũng có thần chú tên là Thí nhất thiết chúng sinh vô úy. Đối với các khổ não, thường vì chúng sinh ủng hộ, khiến cho họ được an vui, tăng thêm tuổi thọ, không có các nạn khổ... cho đến chết oan đều khiến xa lìa.
Rồi các trời liền nói chú rằng:
Đát điệt tha bổ sáp bế, tô bổ sáp bế, độ ma bát lạt ha lệ, a tạp gia bát lạt thiết tất đế, phiến đế niết, mục đến man yết liệt tốt đổ đế, tất đá tỵ đế, tá ha
(Tadyathā puṣpe supuṣpe duma parihare āryapariśasiddhe śāntini mukte maṃ-galye stute siddhavite svāhā).
Bấy giờ, lại có các đại Long vương như là Long vương Mạt-na-tư, Long vương Điển Quang, Long vương Vô Nhiệt Trì, Long vương Điển Thiệt, Long vương Diệu Quang đều đứng dậy, chắp tay cung kính bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng có Đà-la-ni Như Ý Bảo Châu có thể ngăn chặn chớp ác, trừ các sợ hãi, có thể đối với trời, người làm lợi ích lớn, thương xót thế gian ủng hộ tất cả, có đại uy lực, việc cầu xin đều như ý nguyện... cho đến chết oan đều lìa xa hết, tất cả các thuốc độc những việc làm sử dụng độc, chú thuật và việc chẳng an lành đều khiến cho trừ diệt. Chúng con nay đem thần chú này kính dâng lên Thế Tôn, nguyện xin Thế Tôn thương xót Từ bi nạp thọ, khiến cho chúng con lìa khỏi loài rồng này, vĩnh viễn xả bỏ xan tham. Vì sao? Vì do xan tham này mà chúng con ở trong sinh tử chịu các khổ não! Chúng con nguyện đoạn trừ chủng tử xan tham.
Các vua rồng liền nói chú rằng:
Đát điệt tha, a chiết lệ, a mạt lệ, a mật lật đế ố xoa duệ, a tuệ duệ, bôn ni bát lị gia lật đế, tát bà ba hả, bát lị khổ ma ni duệ, tá ha, a li duệ bát đậu, tô ba ni duệ, tá ha (Tadyathā acale amale amṛte akśye abhaye puṇya-paryāpte sarvapāpapraśamaniye svāhā aliye pānḍu suparṇiye svāhā).
Bạch Thế Tôn! Nếu thiện nam, thiện nữ nào miệng nói minh chú Đà-la-ni này, hoặc chép thành kinh quyển để thọ trì, đọc tụng, cung kính, cúng dường thì nhất định không bị sấm chớp sét đánh và các sự sợ hãi, khổ não, lo buồn... cho đến chết oan đều lìa xa hết, thuốc độc, yêu quái, yếm trù, các loài rắn độc, sư tử, cọp, sói hại người... cho đến muỗi, mòng đều không làm hại được.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo khắp đại chúng rằng:
–Hay thay! Hay thay! Những thần chú này đều có năng lực lớn, có thể tùy theo điều mong cầu của chúng sinh, khiến được thành tựu tất cả, được lợi ích lớn, trừ sự chẳng chí tâm. Các ông chớ nghi ngờ.
Đại chúng nghe lời nói của Đức Phật rồi, hoan hỷ tín thọ, phụng hành.
Bấy giờ, Thiên nữ Đại Biện Tài, ở giữa đại chúng, liền đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, bạch:
–Bạch Thế Tôn! Nếu có Pháp sư nói kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này thì con sẽ làm tăng thêm trí tuệ cho vị ấy, trang nghiêm đầy đủ các ngôn từ biện luận. Nếu vị Pháp sư đó, văn tự câu nghĩa ở trong kinh, có chỗ nào quên, con đều khiến cho nhớ được tất cả, có thể khai ngộ khéo léo, lại ban cho Đà-la-ni tổng trì vô ngại. Lại nữa, kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, được những hữu tình đã ở chỗ trăm ngàn Phật gieo trồng các căn lành, thường thọ trì thì ở Thiệm-bộ châu lưu hành rộng rãi, nên không bị mai một; lại khiến cho vô lượng hữu tình nghe kinh điển này đều được biện tài linh lợi chẳng thể nghĩ bàn, đại tuệ vô tận, hiểu biết rõ ràng về các luận và các nghề khéo, có thể ra khỏi sinh tử, mau đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, trong đời hiện tại, được tăng thêm tuổi thọ, những vật dụng sinh hoạt đều được đầy đủ. Bạch Thế Tôn! Con sẽ vì vị pháp sư thọ trì kinh này và các hữu tình khác ưa nghe kinh điển này mà nói cho họ phép tắm gội bằng thần chú và thuốc. Người đó có các sao xấu, tai nạn, cùng lúc mới sinh sao tùy thuộc trái nhau, khổ về dịch bệnh, chiến trận đấu tranh, ác mộng quỷ thần, bùa ngải, yểm mị, chú thuật, thây chết đứng lên… những điều ác làm chướng nạn như vậy đều khiến cho trừ diệt. Người có trí nên làm theo phép tắm gội như vậy, phải chọn lấy ba mươi hai vị thuốc thơm, như là xương bồ, ngưu hoàng, mục túc, xạ hương, hùng hoàng, hợp hôn thọ, bạch bì, khung cùng, câu kỹ căn, tùng chi, quế bì, hương phụ tử, trầm hương, chiên-đàn, linh lăng hương, đinh tử, uất kim, bà luật cao, vi hương, trúc hoàng, tế đậu khấu, cam tùng, hoắc hương, mao căn hương, sất chi, ngải nạp, an tức hương, giới tử, mã cần, long hoa tu, bạch giao, thanh mộc phân lượng đều bằng nhau.
Vào ngày của sao Bố sái (Pusya), trộn chung giã nát, lấy bột hương ấy, phải dùng chú này chú nguyện vào đó một trăm lẻ tám biến chú rằng:
Đát điệt tha, tô ngật lật đế, ngật lật đế ngật lật đế kiếp ma đát lý, thiệm nộ yết la trệ, hác yết lạt trệ, nhân đạt la xà lợi nhị, thước yết lại trệ-bát thiết điệt đệ, a phạt để yết tế, kế na củ đổ củ đổ, cước ca tỵ lệ, kiếp tỵ lệ kiếp tỵ lệ mạt để, thi la mạt để na để độ la mạt để lý, ba phạt trĩ bạn trĩ lễ, thất lệ thất lệ tát để tất thể đệ tá ha (Tadyathā sukṛti kṛti kṛti kāmatale jankarati ukarati indrajalini śakarante vācacile abant-i(ka)kasikena kudu (kudu)... khakavile kapile kapile kapilamati śīlamati sandhiduramati paba-(da)ka bhaṃcile Śire Śile satyasthite svāhā).
Nếu khi ưa như pháp tắm gội,
Làm đàn trắng tám khuỷu tay vuông
Nên ở chỗ tịch tịnh yên ổn
Tâm luôn nghĩ đến việc mong cầu.
Nên trát phân bò làm đàn tràng
Các hoa đẹp rải khắp lên trên
Phải dùng đồ vàng, bạc tinh khiết
Đựng đầy vị ngon, sữa, mật ong.
Ở chỗ bốn cửa đàn tràng ấy
Bốn người thủ hộ pháp như thường
Sai bốn đồng tử đẹp, trang nghiêm
Bưng bình nước đứng ở bốn góc
Ở đây thường đốt hương An tức
Năm loại âm nhạc trỗi chẳng dứt
Phướn, lọng trang nghiêm lụa ngũ sắc
Đặt ở bốn bên của đạo tràng.
Bên trong đàn tràng có gương sáng
Bốn góc đều có dao và tên
Chính giữa đàn tràng chôn chậu lớn
Nên dùng ván thấm đặt bên trên.
Dùng bột thơm đã hòa nước nóng
Cũng đặt ở bên trong đàn tràng
Sắp đặt đầy đủ như thế xong
Sau đó mới tụng chú kiết đàn.
Chú kết giới rằng:
Đát điệt tha, at lạc kế, na dã nê tứ lệ nhì lệ kỳ lệ, xí xí lệ tá ha (Tadyathā anrake nayane hile mile gile kikile svāhā).
Kết giới như vậy xong
Mới vào trong đàn tràng
Chú nguyện hai mốt biến
Rồi vẩy nước bốn phương.
Thứ đến chú nước thơm
Một trăm lẻ tám lần
Vây màn lại bốn bên
Sau đó tắm gội thân.
Chú nguyện vào nước và nước thuốc bằng chú rằng:
Đát điệt tha, tác yết trí, tỳ yết trí, tỳ yết trà phạt để, tá ha (Tadyathā sugati vigati vigaca vade svāhā).
Khi tắm gội xong, nước thuốc tắm gội ấy và thức ăn thức uống cúng dường ở trong đàn tràng đều đem bỏ bên trong sông, ao, phần còn lại đều gồm lấy. Tắm xong như vậy, mặc áo sạch sẽ, hành giả ra khỏi đàn tràng, vào trong tịnh thất, vị thầy chú nguyện dạy cho người ấy phát thệ nguyện rộng lớn: Đoạn trừ hẳn mọi điều ác, thường tu hành các điều thiện, đối với loài hữu tình, phát khởi lòng đại Bi. Do nhân duyên này hành giả đạt được vô lượng phước báo như ý nguyện.
Lại nói kệ tụng rằng:
Nếu có các chúng sinh bệnh khổ
Đủ loại phương thuốc trị chẳng lành
Nếu y pháp tắm gội như vậy
Đồng thời đọc tụng kinh điển này
Luôn luôn ngày đêm chẳng thất niệm
Chuyên tâm ân cần sinh lòng tin
Tất cả lo khổ tiêu trừ hết
Đủ của báu, giải thoát bần cùng
Mặt trời, mặt trăng, sao bốn phương
Uy thần ủng hộ được nhiều năm
Yên ổn các tường thêm phước đức
Nguy ách tai nạn diệt trừ tan.
Hành giả lại tụng chú hộ thân hai mươi mốt biến. Chú rằng:
Đát điệt tha, tam mê, tỳ tam mê, tá ha, tác yết trệ tỳ yết trệ, tá ha, tỳ yết tra phạt để, tá ha, ta yết la, tam bộ đã dã tá ha, tắc kiến đà, ma đa dã tá ha, ni la kiến đà dã, ta ha, a bát la thị đá, tỳ lê gia dã, tá ha, tứ ma bàn đá, tam bộ đa dã, tá ha, a nĩ mật la, bạc đát la dã, tá ha, nam mô bạc dà phạt đô, bạt la hám ma tả tá ha, nam mô tát la toan để, mạc ha đề tỵ duệ tá ha, tất điên đô mạn ( chỗ này nói lên thành tựu và con là...) mạn đát la bát tha tá ha, đát lạt đỗ tỷ điệt đá, bạt la hám ma nô mạt đổ, tá ha (Tadyathā samme visamme svāhā, sugate vigate svāhā. Vigata (pamgaci) vati svāhā,
Sāgarasaṃbuddhayā svāhā skandā mātaya svāhā, nilakaṇṭāya svāhā, aparajita vīryāya svāhā, himavantāya svāhā, animilavāktāya svāhā, namo bhagavate Brah maṇi svāhā, namo Sarasvati-mahā devye svāhā, siddyantu māṃ mantrapāda svāhādharata vacito Brahmānu manora(tha-vṛto) svāhā).
Lúc bấy giờ, Thiện nữ Đại Biện Tài nói chú tắm gội pháp đàn tràng rồi, đảnh lễ dưới chân Đức Phật mà bạch rằng:
–Bạch Thế Tôn! Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nào thọ trì, đọc tụng, ghi chép lưu hành kinh vua vi diệu này, theo đúng lời dạy tu hành, hoặc ở tại thành ấp, xóm làng, đồng trống, núi rừng, chỗ ở của tăng ni, con vì người này, đem những quyến thuộc trổi lên âm nhạc cõi trời, đi đến chỗ người ấy ủng hộ cho họ, trừ các bệnh khổ, sao băng quái lạ, dịch bệnh, đánh nhau, bị phép vua câu thúc, ác mộng, thần ác làm chướng ngại, đầu độc, yếm bùa... đều diệt trừ hết, đem lại nhiều lợi ích cho những người trì kinh. Tỳ-kheo... và những người nghe kinh này đều mau qua khỏi biển sinh tử, Bồ-đề không thoái chuyển.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nghe lời nói này rồi khen Thiên nữ Biện Tài:
–Hay thay! Hay thay! Này Thiên nữ! Người có thể đem an lạc lợi ích cho vô lượng, vô biên loài hữu tình, nói thần chú này và pháp thức đạo tràng nước thơm, quả báo thật khó nghĩ bàn! Ngươi phải ủng hộ kinh vua Tối thắng chớ để mai một mà phải được lưu thông rộng rãi!
Bấy giờ, Thiên nữ Đại Biện Tài lễ dưới chân Đức Phật rồi trở lại tòa ngồi của mình.
Khi ấy, Pháp sư thọ ký, Bà-la-môn Kiều-trầnnhư nương thần lực Phật, ở trước đại chúng, khen Thiên nữ Biện Tài rằng:
Trời Biện Tài thông minh dũng mãnh
Đều nên thọ trời, người cúng dường
Tiếng lành lan khắp cả thế gian
Cho tất cả chúng sinh mãn nguyện
Ở đỉnh núi cao, nơi thù thắng
Lấy tranh làm nhà ở trong đó
Luôn kết cỏ mềm làm áo mặc
Tại chỗ ở thường kiễng một chân.
Đại chúng chư Thiên đến tập họp
Đều đồng một lòng thỉnh, ngợi khen
Nguyện xin trời Biện Tài trí tuệ
Ban lời vi diệu cho tất cả.
Lúc bấy giờ, Thiên nữ Biện Tài liền nhận lời mời vì họ nói chú rằng:
Đát điệt tha mộ lệ chỉ lệ, a phạt đế a phạt tra phạt để, hưởng ngộ lệ danh cụ lệ, danh cụ la phạt để, ương cụ sư, mạt lị chỉ tam mạt để, tỳ tam mạt để ố cận, lị mạc cận lị đát la chỉ, đát la giả phạt, để chất chất lí thất lí mật lí, mạt nan địa, đàm mạt lị chỉ, bát la noa tất lị duệ, lô ca thệ sắt thế, lô ca thất lệ sắt chỉ, lô ca tất lị duệ, tất đà bạt lị đế, tỳ ma mục xỉ thâu chỉ chiệt lị, a bát lị để hát đế, a bát lị để yết đá bột địa, nam mẫu chỉ, nam mẫu chỉ, mạc ha đề tỵ bát lị để cận lị hôn noa, nam ma tắc ca la, con tên là... bột địa, đạt lí xa tứ, bột địa, a bát lạt để hát đá, bà bạt đổ, ba mê tỳ thâu điệt đổ, xá tất đát la thâu lộ ca, mạn đát la tất đắc ca, ca tỳ gia địa sổ, đát điệt tha, mạc ha bát lạt bà tỵ, tứ lí mật lí tứ lí mật lí, tỳ chiết lỵ đổ mê bột địa, con tên là, bột địa thâu đề, bạc dà phạt điểm, đề tỳ diệm, tát la toan điểm yết la trệ kê do lệ kê do la mạt để, tứ lí mật lí tứ lí mật lí, a bà ha gia nhị, mạc ha đề tỵ bột đà tát đế na, đạt ma tát đế na, tăng già tát đế na, nhân đạt la tát đế na, bạt lũ noa tát đế na, duệ lô kê tát để bà địa na, đê câm tát đế na, tát để phạt giả nê na a bà ha gia nhị, mạc ha đề tỵ, tứ lí mật lí tứ lí mật lí, tỳ chiết đạt đổ, con tên là... bột địa, nam mô bạt dà phạt để mạc ha đề tỵ, tát la toan để, tất điện đổ, mạn đát la bát đà nhĩ, tá ha. (Tadyathā miri cyore avate avjevati hingule miṅgule piṅgalevati ankhuṣa māricye saṃmati visaṃmati (daśamati) agrati makhye taraci taracivati cirsi ciri śirimiri manadhi damakhe mārīcye praṇāpārye lokajyeṣṭhā loka śneṣṭhī lokāvīrye siddha parate bhīmamukhi śucicarī apratihate apratihatābuddhi namuci (mahā) namuci mahādevye prati-graha namas-kāra mama buddhi daśabi (drasiki) buddhi apratihata bhavatu sirahame viśuddha cito śāstraślokamantra-piṭaka kapiyadiśo tadyathā mahāprabhava hili mili vicaratu vibuddhi mama buddhi (vi)śuddhi bhagavatye deveyaṃ Sarasvatiṃ karati keyuramati hiri miri hiri miri abhaya me mahādevi buddha-satyena dharma-satyena saṅghasatyena Indrasatyena Varuṇasatyena yelokyesatya satyena texāṃ satyena satyavacāniya abhaya me mahādevi hili mili hilimili vicaratu mama bu ddhi no namo bhagavati mahādeve Sarasvatya siddhyantu mantra pada me svāhā).
Bấy giờ, Thiên nữ Biện Tài nói bài chú này rồi, bảo vị Bà-la-môn rằng:
–Hay thay! Thưa Đại sĩ! Ngài có thể vì chúng sinh mà cầu biện tài vi diệu và những trí tuệ thần thông quý báu, lợi ích rộng rãi cho tất cả, mau chứng Bồ-đề! Như vậy thì nên biết hãy thọ trì chánh pháp.
Thiên nữ liền nói kệ rằng:
Trước nên tụng Đà-la-ni này
Khiến cho thuần thục không sai lầm
Qui kính Tam bảo, các Thiên chúng
Thỉnh cầu gia hộ, nguyện tùy tâm
Kính lễ chư Phật và Pháp bảo
Chúng Bồ-tát, Độc giác, Thanh văn
Tiếp đến lễ Phạm vương, Đế Thích
Và trời hộ thế, Tứ Thiên vương
Tất cả những người tu Phạm hạnh
Đều chí thành kính trọng ân cần.
Nên ở chỗ Lan-nhã tịch tịnh
Tụng chú nói trên, khen ngợi pháp
Nên ở trước trời, rồng, tượng Phật
Những gì mình có, dâng cúng dường
Đối với tất cả các chúng sinh
Phát khởi lòng Từ bi xót thương
Thế Tôn tướng hảo thân vàng ròng
Giữ tâm chánh niệm, không tán loạn
Thế Tôn hộ niệm nói giáo pháp
Theo căn cơ khiến tu tập định,
Đối với văn nghĩa, khéo tư duy
Nương theo tính không để tu tập.
Nên ở trước hình tượng Đức Phật
Nhất tâm chánh niệm mà ngồi yên
Liền được Tam-ma-địa diệu trí
Và được Đà-la-ni tột cùng
Kim khẩu Như Lai diễn nói pháp
Tiếng vi diệu điều phục trời, người
Tướng lưỡi tùy duyên hiện hy hữu
Rộng dài che phủ cõi ba ngàn
Âm thanh Phật vi diệu như vậy
Chí thành nhớ nghĩ, lòng không sợ
Chư Phật đều nhờ phát nguyện lớn
Được tướng lưỡi không thể nghĩ bàn,
Tuyên nói các pháp đều chẳng có
Ví như hư không, không nắm giữ
Âm thanh chư Phật và tướng lưỡi
Chánh niệm thệ nguyện được viên mãn
Nếu thấy cúng dường trời Đại biện
Hoặc đệ tử theo lời thầy dặn
Trao pháp mầu này khiến tu học
Tôn trọng, tùy tâm đều được thành.
Nếu người muốn được trí tối thượng
Nên phải nhất tâm trì pháp này
Tăng trưởng phước trí các công đức
Nhất định được thành tựu, không nghi
Nếu cầu của thì được nhiều của
Cầu tiếng thơm thì được tiếng thơm
Cầu xuất ly thì được giải thoát.
Nhất định thành tựu, đừng nghi ngờ!
Vô lượng, vô biên các công đức
Tùy theo sở nguyện ở trong lòng
Nếu theo như vậy mà thực hành
Ắt được thành tựu, không nghi ngờ!
Phải ở chỗ sạch, mặc áo sạch
Nên lập đàn tràng tùy to, nhỏ
Dùng bốn bình sạch đựng mỹ vị
Đúng thời, cúng dường các hoa hương
Treo lụa ngũ sắc cùng phướn, lọng
Hương xoa, hương bột, trang nghiêm khắp
Cúng dường Phật và trời Đại biện
Cầu thấy thân trời được toại nguyện
Nên hai mốt ngày tụng chú trên
Được diện kiến Thiên Thần Đại Biện
Nếu như chẳng thấy Thiên thần ấy
Nên gắng chí tâm chín ngày nữa
Về sau, trong đêm, còn chẳng thấy
Lại cầu chỗ thanh tịnh thù thắng
Vẽ trời Biện Tài đúng như pháp
Trì tụng cúng dường, không rời tâm
Ngày đêm tinh tấn không biếng trễ
Tự lợi, lợi tha không tận cùng
Cho quần sinh phước báo thu được
Những điều cầu nguyện đều viên thành.
Nếu chẳng như ý, trải ba tháng
Sáu tháng, chín tháng hoặc một năm
Ân cần cầu thỉnh, lòng chẳng đổi
Thiên nhãn, Tha tâm đều đạt được.
Bấy giờ, Bà-la-môn Kiều-trần-như nghe lời nói này rồi, trong lòng rất vui mừng, khen là chưa từng có, nói với các đại chúng:
Trời, người, tất cả đại chúng các ông, như vậy, nên biết, đều phải một lòng lắng nghe! Tôi nay lại muốn nương theo pháp thế đế khen ngợi Thiên nữ Biện Tài thù thắng vi diệu!
Vì Bà-la-môn liền nói lời kệ:
Kính lễ Thiên nữ Na-la-diên
Ở trong thế giới được tự tại
Hôm nay, tôi ngợi khen Tôn giả
Đều như thuở xưa tiên nhân nói.
Thành tựu cát tường, lòng yên ổn
Thông minh, tàm quý, có tiếng thơm
Làm mẹ hay sinh ở thế gian
Dũng mãnh thực hành đại tinh tấn.
Ở chỗ quân trận luôn chiến thắng
Nuôi lớn diều phục lòng từ nhẫn
Hiện làm chị cả vua Diêm-la
Thường mặc áo tơ tằm xanh biếc.
Hình dáng xấu đẹp đều có đủ
Mắt có thể khiến người thấy sợ
Vô lượng thắng hạnh vượt thế gian
Những người kính tin đều nhiếp lấy.
Hoặc tại núi cao, chỗ rừng xâu
Hoặc ở bờ sông hay hang động
Hoặc tại cây lớn, các tòng lâm
Thiên nữ vương ở những nơi này.
Giả sử núi rừng, các dã nhân
Thường hay cúng dường cho Thiên nữ
Dùng lông Khổng tước làm cờ hiệu
Ở tất cả thời, luôn hộ đời.
Sư tử, cọp, sói luôn vây quanh
Trâu, dê, gà... cũng hay nương cậy
Rung chuông lớn phát ra âm thanh
Núi Tần-đà chúng đều nghe.
Hoặc cầm ba kích, đầu hình tròn
Trái, phải luôn nắm cờ nhật nguyệt
Ngày chín, ngày mười một hàng tháng
Phải nên cúng dường vào lúc ấy
Hoặc hiện đại Thiên nữ Ba-tô
Thấy có chiến tranh, lòng xót thương,
Quan sát trong tất cả hữu tình
Thiên nữ trên hết không ai qua
Bò đen Hoan hỷ (Gopinandā) quyền hiện lên
Cùng thời chiến đấu luôn được thắng
Có thể trụ lâu ở thế gian
Cũng làm hòa nhẫn và bạo ác.
Bốn pháp minh Đại Bà-la-môn
Huyễn hóa, chú thuật...đều thông hết
Được tự tại ở trong Thiên tiên
Có thể làm chủng tử, đại địa.
Khi các Thiên nữ tập hội đông
Như hải triều lên sẽ ứng hiện.
Với chúng Dược-xoa, các rồng thần
Đều làm thượng thủ, hay điều phục
Phạm hạnh bậc nhất hàng nữ nhân
Nói lời giống như chủ thế gian
Ở chỗ ngôi vua như hoa sen
Nếu ở bến sông, như cầu nối
Khuôn mặt giống như vầng trăng tròn
Đầy đủ đa văn làm chỗ dựa
Biện tài xuất chúng như núi cao
Ai niệm, đều làm bến cho họ.
A-tô-la và chúng chư Thiên
Đều cùng khen ngợi công đức ấy
Cho đến Đế Thích ngàn mắt nhìn
Dùng lòng ân cần mà quan sát
Chúng sinh nếu có điều cầu mong
Đều khiến cho họ mau thành tựu
Đầy đủ thông tuệ, pháp Văn trì
Là người bậc nhất trong đại địa
Trong khắp thế giới mười phương này
Như đèn sáng lớn thường soi chiếu
Cho đến các cầm thú, quỷ thần
Mọi điều mong cầu đều toại nguyện
Giữa các người nữ như núi cao
Như tiên nhân xưa lâu đời
Thường lìa dục như thiếu nữ thiên
Lời chân thật như Đại thế chủ
(Mahāprajāpati)
Thấy khắp các loài ở thế gian
Cho đến các cung trời cõi Dục
Chỉ có Thiên nữ, bậc duy nhất
Chẳng hữu tình nào có thể hơn
Nếu ở chỗ chiến trận sợ hãi
Hoặc thấy bị rơi vào hầm lửa
Khi bị nạn bến sông, trộm cướp
Đều khiến cho họ trừ kinh sợ.
Hoặc bị gông cùm theo phép vua
Hoặc bị oán thù muốn giết hại
Nếu tâm chuyên chú chẳng đổi đời
Nhất định giải thoát các lo khổ.
Ủng hộ cả người thiện, người ác
Từ bi thương nghĩ thường hiện tiện
Vậy nên tôi đem lòng chí thành
Cúi đầu quy y đại Thiên nữ.
Bấy giờ, vị Bà-la-môn lại dùng chú khen Thiên nữ rằng:
Kính lễ! Người tôn quý ở thế gian
Người đứng đầu trong những người mẹ
Ba loại thế gian đều cúng dường
Hình dáng, khuôn mặt người ưa nhìn
Vô số diệu đức dùng nghiêm thân
Mắt như cánh sen xanh dài rộng
Ánh sáng phước trí, trọn tiếng thơm
Ví như ngọc Mạt-ni vô giá.
Tôi nay ngợi khen Đấng Tối Thắng
Lòng được toại nguyện điều mong cầu
Công đức chân thật diệu cát tường
Ví như hoa sen rất thanh tịnh.
Thân sắc đoan nghiêm đều ưa nhìn
Các tướng hy hữu khó nghĩ bàn
Phóng ánh sáng trí tuệ Vô cấu.
Ở trong các niệm luôn đứng đầu
Trong loài thú như sư tử chúa
Thường trang nghiêm bằng tám cánh tay
Đều cầm dao, giáo, búa, cung tên
Chày dài, vòng sắt, dây tơ buộc.
Đoan chánh ưa nhìn như trăng tròn
Ngôn từ thông suốt, âm hòa nhã
Nếu có chúng sinh, lòng nguyện cầu
Việc thiện tùy niệm khiến viên mãn.
Đế Thích, chư Thiên đều cúng dường
Đều cùng khen ngợi và quy y
Sinh ra công đức khó nghĩ bàn
Tất cả mọi thời luôn cung kính.
Tá ha.
(Bài chú tụng trên đây là chú cũng là bài tán. Nếu khi tụng chú thì nhất định phải tụng bài đó trước.)
Nếu muốn cúng thỉnh trời Biện tài
Nương theo bài chú khen ngợi này
Sớm chiều thanh tịnh tụng chí thành
Thì điều mong cầu, đều toại nguyện
Bấy giờ, Đức Phật bảo vị Bà-la-môn rằng:
–Hay thay! Hay thay! Ông có thể làm lợi ích chúng sinh như vậy, ban cho an lạc bằng cách khen ngợi Thiên nữ đó, thỉnh cầu gia hộ, được phước vô biên.
(Phẩm chú pháp này có lược, có rộng, hoặc mở, hoặc hợp, trước sau chẳng đồng. Bản kinh chữ Phạm đã nhiều, nhưng chỉ y vào một bản, sau khi dịch lại so sánh định lại mới biết được).
Bấy giờ, Bà-la-môn Kiều-trần-như nói lên lời khen ngợi như trên và chú tán thán pháp để khen ngợi Thiên nữ Biện Tài xong, bảo các đại chúng:
–Thưa chư vị! Nếu muốn thỉnh Thiên nữ Biện Tài thương xót gia hộ, ở đời hiện tại được biện tài vô ngại, thông minh đại trí, ngôn từ thiện xảo, tài năng đặc biệt bao quát tất cả, văn sức luận nghị, tùy ý thành tựu, không hề trở ngại,… thì nên phải chí thành ân cần kính trọng triệu thỉnh rằng:
Nam-mô Phật-đà. Nam-mô Đạt-ma. Nam-mô Tăng-già. Nam-mô chúng chư Bồ-tát, Độc giác, Thanh văn, tất cả Thánh chúng, chư Phật quá khứ, hiện tại, trong mười phương... đều đã quen tập lời nói chân thật, hay nói lời tùy thuận, hợp với căn cơ nói lời chân thật, không có lời nói hư dối, đã ở vô lượng ức đại kiếp thường nói lời chân thật. Người nào nói lời chân thật con đều tùy hỷ. Do chẳng nói dối nên lưỡi dài rộng có thể che phủ mặt, che phủ châu Thiệm-bộ và bốn thiên hạ, có thể che phủ một ngàn, hai ngàn, ba ngàn thế giới, che phủ khắp mười phương thế giới, viên mãn cùng khắp chẳng thể nghĩ bàn, có thể trừ tất cả phiền não nóng bức.
Kính lễ! Kính lễ! Tất cả chư Phật có tướng lưỡi như vậy! Nguyện cho con tên là... đều được thành tựu biện tài vi diệu! Chí tâm quy mạng:
Kính lễ chư Phật biện tài vi diệu.
Chư Đại Bồ-tát biện tài vi diệu.
Bậc Thánh, Độc giác biện tài vi diệu.
Bốn hướng, bốn quả biện tài vi diệu.
Lời bốn Thánh đế biện tài vi diệu.
Chánh hạnh, Chánh kiến biện tài vi diệu
Phạm chúng, chư tiên biện tài vi diệu.
Đại thiên Ô-ma (Ūmā) biện tài vi diệu
Tắc-kiền-đà thiên biện tài vi diệu
Ma-na-tư (Manasi) vương biện tài vi diệu
Thông minh dạ vương (Rātridevata) biện tài vi diệu
Tứ đại Thiên vương biện tài vi diệu
Thiên tử Thiên Trụ biện tài vi diệu
Kim Cang Mật Chủ biện tài vi diệu
Trời Phệ-suất-nộ (Viṣṇu) biện tài vi diệu
Thiên nữ Tỳ-ma (Bhīmā) biện tài vi diệu
Thiên thần Thị Sổ (Saṃkhyāyana) biện tài vi diệu
Thiên nữ Thất-lị (Śisumatā) biện tài vi diệu
Thất-lị-mạt-đa biện tài vi diệu
Ê-lí (Heli) ngôn từ biện tài vi diệu
Mẹ lớn của các mẹ biện tài vi diệu
Quỷ mẹ Há-li-để (Harītī) biện tài vi diệu
Các thần Dược-xoa biện tài vi diệu
Các vua ở mười phương biện tài vi diệu
Hỗ trợ cho con được các nghiệp thù thắng
Khiến được biện tài vi diệu vô cùng.
Kính người không giả dối
Kính lễ bậc giải thoát
Kính lễ người ly dục
Kính người bỏ buộc ràng
Kính bậc lòng thanh tịnh
Kính lễ đấng ánh sáng
Kính bậc chân thật ngữ
Kính bậc không trần cấu,
Bậc trụ nghĩa thù thắng
Kính lễ đại chúng sinh
Kính lễ trời Biện tài
Cho con lời vô ngại
Nguyện điều con mong cầu
Đều mau chóng thành tựu!
Không bệnh thường an lạc
Được tuổi thọ lâu dài
Hiểu rõ các thần chú
Siêng tu đạo Bồ-đề
Làm lợi ích quần sinh
Nguyện cầu sớm toại nguyện
Con nói lời chân thật!
Con nói không lừa dối!
Thiên nữ Diệu Biện Tài
Khiến con được thành tựu
Nguyện xin đấng Thiên nữ
Khiến lời con vô ngại
Mau nhập vào miệng, thân
Thông minh, biện tài đủ!
Nguyện cho lưỡi của con
Được biện tài Như Lai
Nhờ uy lực ngôn ngữ
Điều phục các chúng sinh.
Con nói ra lời nào
Theo việc đều thành tựu
Người nghe, tâm cung kính
Việc làm chẳng luống uổng.
Nếu con cầu biện tài
Mà chẳng được thành tựu
Lời Thiên nữ chân thật
Đều trở thành hư vọng!
Có tạo tội Vô gián
Lời Phật khiến điều phục
Và lời nó báo ân
Của bậc A-la-hán
Xá-lợi Tử, Mục-liên...
Đứng đầu đệ tử Phật
Lời chư vị chân thật
Nguyện con đều thành tựu!
Con nay cung kính thỉnh
Chúng Thanh văn của Phật
Nguyện xin chóng đến đây
Thành tựu lòng con cầu!
Nguyện cầu lời chân thật
Đều nguyện không hư dối
Trên từ Sắc cứu cánh
Đến cõi trời Tịnh cư
Đại Phạm và Phạm phụ
Tất cả chúng Phạm vương
Cho đến khắp ba ngàn
Chủ thế giới Ta-bà
Đều cùng với bà con...
Con nay đều triệu thỉnh!
Nguyện rũ lòng Từ bi
Thương xót và cứu giúp
Trời Tha hóa tự tại
Và trời Lạc biến hóa
Chúng trời Đâu-suất-đà
Từ Thị sẽ thành Phật
Các chúng trời Dạ-ma
Và trời Tam thập tam
Chúng trời Tứ Thiên vương
Tất cả chúng chư Thiên
Thần đất, nước, lửa, gió
Nương ở núi Diệu cao
Các thần bảy núi biển
Và tất cả quyến thuộc
Mãn tài (Pūrṇa-bhadra) và Ngũ đỉnh (Pañic-aśikhi)
Mặt trời, mặt trăng, sao
Các Thiên chúng như vậy
Khiến thế gian yên ổn.
Những vị Thiên thần ấy
Chẳng tạo nghiệp lỗi lầm!
Kính lễ mẹ con quỷ
Và con nhỏ yêu thương
Chúng Trời, Rồng, Dược-xoa
Càn-thát, A-tô-la
Và cả Khẩn-na-la
Mạc-hô-lạc-già nữa...
Con nhờ lực Thế Tôn
Đều cúi mình triệu thỉnh!
Nguyện rũ lòng Từ bi
Cho con vô ngại biện!
Tất cả chúng trời, người
Biết rõ tâm người khác
Đều nguyện thêm sức thần
Cho con biện tài diệu!
Cho đến tận hư không
Cùng khắp cả thế giới
Có loài chúng sinh nào
Đều cho con biện tài!
Bấy giờ, Thiện nữ Biện Tài nghe lời thỉnh này rồi thì bảo vị Bà-la-môn rằng:
–Hay thay! Thưa Đại sĩ! Nếu có người nam, người nữ nào có thể y theo chú và chú tán như vậy, thọ trì pháp thức như đã nói trước, quy y Tam bảo, giữ tâm chánh niệm, đối với sự mong cầu đều chẳng luống uổng, lại thêm thọ trì, đọc tụng kinh điển vi diệu Kim Quang Minh này nên những điều nguyện cầu đều có kết quả toại nguyện, mau được thành tựu, trừ khi mất tín tâm.
Vị Bà-la-môn vô cùng hoan hỷ chắp tay kính nhận.
Bấy giờ, Đức Phật bảo Thiên nữ Biện Tài:
–Hay thay! Hay thay! Ngươi có thể lưu truyền Kinh vương vi diệu này, ủng hộ người thọ trì kinh và có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, khiến cho họ được an lạc, nói pháp như vậy, ban cho biện tài chẳng thể nghĩ bàn, được phước không lường, những người phát tâm mau chóng đi đến Bồ-đề.
Bấy giờ, Thiên nữ Đại Cát Tường liền đứng dậy, đảnh lễ trước chân Đức Phật, chắp tay cung kính, bạch Đức Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn! Nếu con thấy có Tỳ-kheo, Tỳkheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nào thọ trì, đọc tụng vì người giảng nói kinh vua Tối Thắng Kim Quang Minh này, con sẽ chuyên tâm cung kính, cúng dường các vị Pháp sư này... như thức ăn, thức uống, quần áo, đồ nằm, thuốc thang và tất cả đồ cần dùng khác... đều khiến cho đầy đủ không thiếu thốn. Hoặc ngày, hoặc đêm hành giả đối với câu cú, ý nghĩa của kinh vua này, quán sát, tư duy, trụ trong an vui, khiến cho kinh điển này được lưu hành rộng rãi ở Thiệm-bộ châu. Vì hữu tình đã ở chỗ vô lượng trăm ngàn Đức Phật gieo trồng căn lành, thường khiến cho họ được nghe, chẳng bị mai một. Lại ở vô lượng trăm ngàn ức kiếp, họ sẽ nhận được nhiều niềm vui thù thắng của trời, người gặt hái mùa giàu thịnh, trừ hẳn sự đói kém, tất cả hữu tình luôn luôn được an lạc, cũng được gặp gỡ các Đức Phật Thế Tôn, vào đời vị lai mau chóng chứng quả đại Bồ-đề vô thượng, chấm dứt hẳn nạn khổ trong ba đường luân hồi.
Bạch Thế Tôn! Con nhớ vào đời quá khứ, có Đức Lưu Ly Kim Sơn Bảo Hoa Quang Chiếu Cát Tường Công Đức Hải Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác... đầy đủ mười hiệu. Con ở chỗ Phật đó gieo trồng căn lành. Nhờ năng lực uy thần từ bi mẫn niệm của Đức Như Lai đó nên khiến cho con ngày hôm nay, nghĩ đến nơi nào, nhìn thấy chỗ nào và đi đến nước nào cũng có thể khiến cho vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh được nhiều an lạc, cho đến y phục, thức ăn uống, đồ dùng sinh hoạt, các vật báu như vàng, bạc lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu... đều khiến cho sung túc. Nếu lại có người chí tâm đọc tụng kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này thì cũng phải ngày ngày đốt nhiều loại hương thơm và những loài hoa đẹp vì con mà cúng dường Đức Lưu Ly Kim Sơn Bảo Hoa Quang Chiếu Cát Tường Công Đức Hải Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Lại phải mỗi ngày ở trong ba thời, hành giả xưng niệm danh hiệu của con, đặc biệt dùng hương hoa và những món ăn ngon cúng dường cho con, cũng thường nghe nhận kinh vua vi diệu này, được phước như vậy. Rồi nói kệ rằng:
Do trì kinh sâu nhiệm như vậy
Quyến thuộc, tự thân lìa suy kém
Y, thực, đồ cần không thiếu thốn
Uy quang tuổi thọ khó tận cùng.
Hay khiến vị đất thường tăng trưởng
Các trời tuôn mưa thuận thời tiết
Khiến cho Thiên chúng đều hoan hỷ
Cùng với thần rừng, thần ngũ cốc
Rừng rậm, cây trái đều tươi tốt
Tất cả lúa má đều thành tựu
Muốn cầu châu báu đều mãn nguyện
Nghĩ đến điều gì đều như ý.
Đức Phật bảo Thiên nữ Đại Cát Tường rằng:
–Hay thay! Hay thay! Ngươi có thể nghĩ nhớ được nhân duyên xưa như vậy, là báo ân cúng dường, lợi ích an lạc cho vô biên chúng sinh, lưu truyền kinh này vô tận.
Lúc bấy giờ, Thiên nữ Đại Cát Tường lại Bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thành của Thiên vương Bệthất-la Mạt-noa ở phương Bắc tên là Hữu tài (Aḷkavatī), cách thành chẳng xa có khu vườn tên là Diệu hoa phước quang (Puṣpakuṣumaprabha), bên trong có thắng điện làm bằng bảy báu. Bạch Thế Tôn! Con thường ở đó. Nếu lại có người muốn cầu cho ngũ cốc ngày ngày thêm nhiều, kho lẫm tràn đầy thì nên phát khởi lòng kính tin, dọn sạch một phòng, dùng cù-ma tô lên đất, nên vẽ hình tượng của con, nhiều loại chuỗi ngọc trang trí xung quanh. Sau đó, tắm gội thân thể, mặc quần áo sạch sẽ, dùng hương thơm xoa khắp, vào trong tịnh thất, phát tâm vì con, mỗi ngày ba thời, xưng danh hiệu Đức Phật đó và danh hiệu kinh này cung kính đảnh lễ Nam-mô Lưu Ly Kim Sơn Bảo Hoa Quang Chiếu Cát Tường Công Đức Hải Như Lai. Rồi mang những hương hoa và nhiều thức ăn thức uống hảo hạng mà hết lòng cúng dường và cũng dùng hương hoa và cả những thức ăn thức uống hiến dâng hình tượng của con. Rồi lại đem thức ăn thức uống tung rải các phương khác cúng thí cho các thần..., dùng lời chân thật mời gọi trời Đại Cát Tường, nói lên lời cầu nguyện. Nếu như lời nói là chẳng hư dối thì đối với con, lời thỉnh cầu chớ khiến cho rỗng không vậy! Khi ấy Thiên nữ Cát Tường biết việc này rồi, liền sinh ra ý niệm thương xót khiến cho trong nhà ấy của cải, lúa gạo tăng trưởng. Hành giả liền phải tụng chú triệu thỉnh con: Trước tiên xưng danh hiệu Phật và Bồ-tát. Nhất tâm kính lễ:
Nam-mô Nhất thiết Thập Phương Tam Thế
Chư Phật
Nam-mô Bảo Kế Phật.
Nam-mô Vô Cấu Quang Minh Bảo Tràng Phật.
Nam-mô Kim Tràng Quang Phật.
Nam-mô Bách Kim Quang Tạng Phật. Nam-mô Kim Cái Bảo Tích Phật.
Nam-mô Kim Hoa Quang Tràng Phật.
Nam-mô Đại Đăng Quang Phật.
Nam-mô Đại Bảo Tràng Phật.
Nam-mô Đông Phương Bất Động Phật.
Nam-mô Đông Phương Bảo Tràng Phật.
Nam-mô Tây Phương Vô Lượng Thọ Phật.
Nam-mô Bắc Phương Thiên Cổ Âm Vương
Phật.
Nam-mô Diệu Tràng Bồ-tát
Nam-mô Kim Quang Bồ-tát
Nam-mô Kim Tạng Bồ-tát
Nam-mô Thường Đề Bồ-tát
Nam-mô Pháp Thượng Bồ-tát Nam-mô Thiện An Bồ-tát.
Lễ kính chư Phật, Bồ-tát như vậy rồi, tiếp đến phải tụng chú triệu thỉnh con Thiên nữ Đại Cát Tường. Nhờ năng lực của chú này nên điều mong cầu của hành giả đều được thành tựu.
Thiên nữ liền nói chú rằng:
Nam mô thất lị mạc ha thiên nữ, đát điệt tha, bát lị bô luật noa chiết lệ, tam mạn đa, đát lị thiết nê mạc ha tỳ ha la yết đế, tam mạn đá tỳ đàm mạt nê, mạc ha ca lí đã, bát lị để sắt sá bát nê, tát bà ác, tha ta đạn nê, tô bát lạt để bô lệ, a gia na đạt ma đa mạc ha tỳ câu tỷ đế, mạc ha mê đốt lỗ, ổ ba tăng tứ đê, mạc ha hiệt lị sử, tô tăng cận lí tứ đê, tam mạn đa át tha, a nô ba lạt nê, tá ha (Namo śri-mahādevī tadyathā paripūrṇa-care Samanta-darśanī mahāvihāra-gate samanta pitamamati mahākarya prativiṣṭhapani sarvānthasama-mtanu(?)supratipure ayanadharmata mahābhāgena mahāmaitri upas-aṃhete mahākleśa susamgṛhite anupulana svāhā).
Bạch Thế Tôn! Nếu người nào trì tụng thần chú như vậy triệu thỉnh con thì con nghe thỉnh rồi, liền đến chỗ người ấy mà khiến cho ước nguyện của họ được như ý. Bạch Thế Tôn! Câu pháp quán đỉnh này là câu quyết định thành tựu, là câu chân thật, là câu không hư dối, chính là hạnh bình đẳng, đối với các chúng sinh là căn lành chân chánh. Nếu có người thọ trì đọc tụng chú thì nên bày ngày bảy đêm thọ tám quan trai giới, vào buổi sáng sớm, trước tiên đánh răng, rửa mặt sạch sẽ và đến quá trưa, dâng hương hoa cúng dường tất cả chư Phật, tự sám hối tội lỗi, vì thân mình và các loài chúng sinh mà hồi hướng phát nguyện. Để khiến cho sự cầu mong chóng, được thành tựu, nên dọn sạch sẽ một căn phòng, hoặc ở nơi thanh tịnh vắng vẻ, lấy cù-ma làm đàn tràng, đốt hương chiên-đàn mà cúng dường, đặt một tòa ngồi thù thắng vi diệu với phướn, lọng trang nghiêm, dùng các loài hoa quý trải khắp nơi bên trong đàn tràng. Rồi hành giả nên phải chí tâm trì tụng chú nói trên để cầu con đến. Bấy giờ, con liền hộ niệm quan sát người đó, liền vào nhà, lên tòa ngồi và nhận sự cúng dường của người ấy. Từ đó về sau, con sẽ khiến cho người kia trong giấc ngủ, mơ thấy được con. Người đó cầu, điều gì, con đều dùng sự thật bảo cho biết, nếu ở xóm làng, rừng sâu và chỗ ở của Tăng... cầu xin điều gì, con đều khiến cho viên mãn. Vàng, bạc, của báu, trâu, dê, lúa, mì, thức ăn, thức uống, quần áo... đều được nhận những niềm vui vừa ý. Đã được quả báu thù thắng vi diệu như vậy thì phải dùng phần thượng hạng để cúng dường Tam bảo và cúng thí cho con, tu sửa pháp hội, thiết bày những đồ ăn uống, sắp đặt hương hoa khắp nơi, lấy những đồ cúng dường đã cúng dường rồi lại vì con cúng dường, con sẽ trọn đời luôn ở đây để ủng hộ người này, khiến cho họ không thiếu thốn, cầu mong điều gì đều được như ý. Hành giả cũng phải mọi lúc cung cấp, cứu giúp những người nghèo thiếu, chẳng nên xan tham, tiếc rẻ, riêng vì thân mình, thường đọc tụng kinh này, thường xuyên cúng dường chẳng dứt, phải đem phước này thí khắp tất cả, hồi hướng về đạo Bồ-đề, nguyện ra khỏi sinh tử, mau chóng được giải thoát.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen rằng:
–Hay thay! Này Thiên nữ Cát Tường! Ngươi có thể lưu truyền kinh này như vậy, người và mình đều được lợi ích, không thể nghĩ bàn.
Bấy giờ, thần đất Kiên Lao liền ở giữa đại chúng, đứng dậy chắp tay cung kính, bạch:
–Bạch Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, nếu đời hiện tại, hoặc đời vị lai, hoặc ở thánh ấp, xóm làng, cung vua, lầu đài và Alan-nhã, núi non, rừng sâu... mà có kinh này lưu hành, bạch Thế Tôn, con sẽ đi đến chỗ ấy cúng dường cung kính, ủng hộ lưu thông. Nếu địa phương nào vì thầy nói pháp, đặt bày tòa cao để diễn nói kinh thì con dùng thần lực, chẳng hiện thân ra, ở tại tòa ngồi, đội vị ấy trên đầu con được nghe pháp, vô cùng vui mừng, được nếm vị pháp, tăng thêm ánh sáng uy đức, vui mừng không lường. Tự thân con đã được lợi ích như vậy, cũng khiến cho đất đai sâu hơn mười sáu vạn tám ngàn do-tuần đến giới hạn của Kim cang luân, vị đất những nơi ấy đều tăng thêm, cho đến đất trong bốn biển cũng phì nhiêu, ruộng lúa mầu mỡ gấp bội hơn ngày thường, cũng lại khiến cho sông ngòi, ao hồ trong Thiệm-bộ châu cùng những cây cối, cỏ thuốc, rừng rậm, các loại hoa quả, rễ thân, cành lá và những giống lúa... có hình dạng đáng ưa, mọi người ưa nhìn, hương sắc đầy đủ, đều đáng thọ dụng. Nếu các hữu tình thọ dụng đồ ăn, thức uống thù thắng vi diệu như vậy rồi thì sống lâu, sắc lực, các căn yên ổn, tăng thêm ánh sáng, không có những đau khổ, tâm tuệ dũng kiện, không gì mà chẳng đủ khả năng đảm nhận. Lại nữa, đại địa này hễ có việc cần đến, dù trăm ngàn sự nghiệp cũng đều hoàn thành. Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên này nên Thiệmbộ châu yên ổn, thịnh vượng an vui, nhân dân đông đúc, không có các suy kém, tất cả chúng sinh đều được an vui. Đã được thân tâm an lạc như vậy thì họ đối với kinh vua này càng thêm kính tin sâu sắc.
Bất cứ ở đâu mọi người đều nguyện thọ trì, cúng dường, cung kính, tôn trọng và tán thán.
Lại nữa, tất cả các chỗ pháp tòa của Đại sư nói pháp kia, con đều đến đó, vì các chúng sinh, khuyến thỉnh nói kinh Vương Tối Thắng này. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì nhờ nói kinh này, tự thân con cùng các quyến thuộc đều được lợi ích, khí lực sáng rỡ, uy thế dũng mãnh, dung mạo đẹp đẽ gấp bội ngày thường.
Bạch Thế Tôn! Con, thần đất Kiên Lao nhờ ân pháp vị đã khiến cho đất của Thiệm-bộ châu ngang dọc bảy ngàn do-tuần đều thêm mầu mỡ... cho đến như trước, tất cả chúng sinh đều được an vui. Vì thế, bạch Thế Tôn! Những chúng sinh đó vì báo ân con nên khởi ý niệm này: “Ta sẽ nhất định nghe ghi nhận kinh này với lòng cung kính cúng dường, tôn trọng, tán thán.” Khởi ý niệm này rồi, họ liền từ ở chỗ như thành ấp, xóm làng, nhà cửa, đất trống... đi đến chỗ pháp hội, đảnh lễ Pháp sư, tin nhận kinh này. Đã nghe rồi, họ đều trở về chỗ cũ, lòng rất vui mừng, cùng nhau nói rằng: “Chúng ta hôm nay được nghe diệu pháp vô thượng sâu xa tức là đã bao gồm được các công đức chẳng thể nghĩ bàn. Nhờ năng lực của kinh, chúng ta sẽ gặp vô lượng, vô biên trăm ngàn ức vô số Đức Phật, phụng sự cúng dường, lìa khỏi hẳn những chỗ khổ cực trong ba đường.
Lại nữa, vào đời vị lai, trong trăm ngàn đời thường sinh lên cõi trời và ở cõi người được nhiều niềm vui thù thắng vi diệu.” Những người đó đều trở về chỗ cũ, vì mọi người nói kinh vương này, hoặc một ví dụ, một phẩm, một nhân duyên xưa, một danh hiệu Như Lai, một danh hiệu Bồ-tát, một bài tụng bốn câu, hoặc chỉ một câu mà vì các chúng sinh nói kinh điển này, thậm chí chỉ là danh tự của đầu đề. Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh ấy ở chỗ nào thì đất nơi đó đều trở nên mầu mỡ, phì nhiêu hơn chỗ khác, hễ những vật sống trên đất đai đó đều được tăng trưởng sum suê to rộng khiến cho các chúng sinh đều được an lạc. Họ có nhiều của cải quý báu, ưa làm việc bố thí, lòng kính tin Tam bảo luôn sâu sắc và giữ vững lòng tin.
Thần đất nói lời này xong. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo thần đất Kiên Lao:
–Chúng sinh nào nghe kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, thậm chí chỉ một câu, sau khi mạng chung cũng sẽ được vãng sinh cõi trời Tam thập tam và các cõi trời khác. Nếu có chúng sinh vì muốn cúng dường kinh vương này mà trang nghiêm nhà cửa, thậm chí chỉ giăng lên một cái táng che, treo một dải phướn lụa ngũ sắc, do nhân duyên này, muốn sinh lên sáu cõi trời thì đúng như ý niệm được thọ sinh, cung bảy báu vi diệu tùy ý thọ dụng, mỗi mỗi đều tự nhiên có bảy ngàn Thiên nữ cùng chung nhau vui vẻ, ngày đêm luôn được niềm vui thù thắng chẳng thể nghĩ bàn.
Đức Phật nói lời này xong. Bấy giờ, thần đất Kiên Lao bạch:
–Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên này nên nếu khi có bốn chúng lên pháp tòa nói pháp này thì con sẽ ngày đêm ủng hộ người đó, tự ẩn thân mình ở tại chỗ tòa ngồi, đội vị ấy lên đầu. Bạch Thế Tôn! Kinh điển như vậy được những chúng sinh đã ở chỗ trăm ngàn Đức Phật gieo trồng căn lành lưu truyền chẳng diệt ở Thiệm-bộ châu. Những chúng sinh đó nghe kinh này thì ở đời vị lai vô lượng trăm ngàn ức vô số kiếp, trên trời, trong loài người, luôn được niềm vui thù thắng, được gặp các Đức Phật, mau chóng thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng chịu sự khổ sinh tử trong ba đường.
Bấy giờ, thần đất Kiên Lao bạch:
–Bạch Thế Tôn! Con có “tâm chú” có thể lợi ích cho trời, người, an lạc cho tất cả. Nếu có người nam, người nữ và bốn chúng nào muốn được gần gũi thấy thân thật của con thì nên chí tâm trì tụng Đà-la-ni này, người ấy ước nguyện gì đều được mãn nguyện, như là của cải, châu báu, kho tàng. Và nếu cần thần thông, thuốc sống lâu mầu nhiệm, cùng thuốc trị mọi bệnh, thu phục kẻ địch, chế ngự các ngoại đạo..., hành giả phải ở trong tịnh thất, an trí đạo tràng, tắm gội thân rồi mặt áo tinh khiết, ngồi trên tòa ngồi bằng cỏ, ở nơi có xá-lợi, trước hình tượng tôn quý, hoặc chỗ có tháp thờ xá-lợi, đốt hương, rải hoa, bày đồ ăn thức uống cúng dường. Vào mùng tám có trăng, hợp ngày sao Bố sái thì tụng chú triệu thỉnh:
Đát điệt tha chỉ lí chỉ lí, chủ lỗ chủ lỗ, cú lỗ cú lỗ, câu trụ câu trụ, đổ trụ đổ trụ, phược ha, phược ha, phạt xả phạt xả, tá ha (Tadyathā ciri ciri curu curu kuru kuru kutu kutu totu totu bhaha bhaha śavari śavari svāhā).
Bạch Thế Tôn! Thần chú này, nếu có bốn chúng tụng một trăm linh tám lần để triệu thỉnh con thì con vì người đó liền đến đó.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh muốn được thấy con hiện thân cùng nói năng thì cũng nên an trí pháp thức như trước mà tụng thần chú này:
Đát điệt tha, át chiết nê, hiệt lực sát nê thất ni đạt lí ha ha tứ tứ khu lỗ, phạt lệ, tá ha (Tadyathā acani griliga kṣanati śiri śiddhari ha ha hi hi kuru bhāre svāhā).
Bạch Thế Tôn! Nếu người khi trì chú này, nên tụng một trăm lẻ tám lần, đồng thời tụng chú trước thì con nhất định hiên thân khiến cho người ấy ước nguyện gì đều được thành tựu, hoàn toàn không luống uổng. Khi muốn tụng chú này, trước phải tụng chú hộ thân:
Đát điệt tha nĩ thất lí mạt xả yết trí, nại trí củ trí, bột địa, bột địa, bột địa lệ, tỳ trí tỳ trí, củ cú trí, khư bà chỉ lí, tá ha (Tadyathā niśiri maśakani nati kuti buddhi buddhire biti biti kukuti baciri svāhā).
Bạch Thế Tôn! khi tụng chú này, lấy chỉ ngũ sắc, tụng hai mươi mốt biến thì làm hai mươi mốt nút buộc sau khuỷu tay trái, liền hộ thân không có nỗi sợ hãi. Nếu có người chí tâm tụng chú này thì điều cầu xin nhất định được như ý, con chẳng nói dối! Con đem Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo mà làm bằng cớ chứng biết sự thật này.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo thần đất:
–Hay thay! Hay thay! Ngươi có thể dùng thần chú thật ngữ đó hộ trì Kinh vương này và người nói pháp! Do nhân duyên này khiến cho ngươi đạt được vô lượng phước báo.
Bấy giờ, đại tướng Dược-xoa Tăng-thận-nhĩ-da cùng với hai mươi tám bộ các thần Dược-xoa, ở trong đại chúng, đều đứng dậy, sửa lại áo vai phải, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay hướng về Đức Phật bạch:
–Bạch Thế Tôn! Kinh Vương Tối Thắng Kim Quang Minh này, nếu đời hiện tại và đời vị lai ở đâu có tuyên nói lưu hành hoặc ở thành ấp, xóm làng, núi non, rừng sâu, hoặc cung điện vua, hoặc chỗ Tăng ở, bạch Thế Tôn! Con đại tướng Dượcxoa Tăng-thận-nhĩ-da cùng với hai mươi tám bộ Dược-xoa, các thần đều đi đến chỗ ấy, đều tự ẩn hình để theo ủng hộ thầy nói pháp, khiến cho vị ấy lìa khỏi khổ não, thường được an lạc. Và người nghe pháp, hoặc nam hoặc nữ, hoặc đồng nam, đồng nữ, ở trong kinh này, cho đến thọ trì một bài tụng bốn câu, hoặc trì một câu, hoặc danh hiệu đầu đề của kinh vua này và đối với danh hiệu một Đức Như Lai, danh hiệu một vị Bồ-tát trong kinh mà phát tâm xưng niệm thì con sẽ cứu hộ, giúp đỡ khiến cho hành giả không bị tai nạn, lìa khổ được vui.
Bạch Thế Tôn! Vì sao tên con là Chánh Liễu Tri? Nhân duyên này chính Đức Phật chứng biết. Con biết các pháp, con hiểu tất cả pháp, theo tất cả pháp đúng như thật, chủng loại, thể tính sai biệt của tất cả các pháp ấy. Bạch Thế Tôn! Các pháp như vậy con đều có thể biết rõ. Con có ánh sáng trí khó nghĩ bàn, con có đuốc trí khó nghĩ bàn, con có hành trí khó nghĩ bàn, con có trí tuệ khó nghĩ bàn! Con đối với cảnh giới trí khó nghĩ bàn mà vẫn có thể thông đạt.
Bạch Thế Tôn! đối với tất cả pháp, con có thể biết, hiểu, giác ngộ và quán sát đúng đắn.
Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên này, con, đại tướng Dược-xoa, tên là Chánh Liễu Tri! Do nghĩa này nên con có thể khiến cho thầy nói pháp kia nói ra lời biện luận rõ ràng, đầy đủ, trang nghiêm, cũng khiến cho tinh khí theo lỗ chân lông mà vào, thân lực sung mãn, uy thần dũng kiện, ánh sáng trí khó nghĩ bàn, đều được thành tựu, được nhớ nghĩ đúng đắn, không thoái lui, thân được lợi ích, khiến không suy giảm, các căn an vui luôn hoan hỷ. Do nhân duyên này, những hữu tình kia đã ở chỗ trăm ngàn Đức Phật, gieo trồng những căn lành tu nghiệp phước nên ở Thiệm-bộ châu tuyên giảng kinh này, lưu hành rộng rãi, chẳng để mai một. Những hữu tình đó nghe kinh này rồi, được ánh sáng đại trí chẳng thể nghĩ bàn và vô lượng phước trí tụ. Ở đời tương lai, họ sẽ ở vô lượng ức vô số kiếp được niềm vui thù thắng của trời, người chẳng thể nghĩ bàn, thường được gặp gỡ chư Phật, mau chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không bị những cực khổ ở cõi Diêm-la và trong khổ ba đường.
Bấy giờ, đại tướng Dược-xoa Chánh Liễu Tri bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Con có Đà-la-ni, nay đối trước Đức Phật, xin tự nói lên, vì muốn làm ích lợi, thương xót các loài hữu tình.
Đại tướng Dược-xoa liền nói chú:
Nam mô phật đà dã, nam mô đạt ma dã, nam mô tăng già dã, nam mô bạt la hám ma dã, nam mô nhân đạt la dã, nam mô chiết đốt nẩm, mạc hát la xà nẩm, đát điệt tha, tứ lí tứ lí, nhị lí nhị lí, cù lí, mạc ha cù lí, kiền đa lí, mạc ha kiền đà lí, đạt la nhị trĩ, mạc ha đạt la nhị trĩ, đan trà khúc khuyến đệ, ha ha ha ha ha, tứ tứ tứ tứ tứ, hô hô hô hô hô hô, hán lỗ đàm mê cù đàm mê, giả giả giả giả, chỉ chỉ chỉ chỉ, chủ chủ chủ chủ, chiên trà nhiếp, bát la, thi yết la, thi yết la, ốt để sắt tra tứ, bạc già phạm, tăng thân nhĩ gia, tá ha (Namo Buddhāya, namo dharmāya, namah saṃghāya, namo Brahmāya namo Indrāya, namah caturnāṃ mahārājānāṃ, tadyathā hiri hiri mili mili Gaurī Mahā-gaurī Gandhārī Draviḍi Mahādraviḍi daṇḍa khukunte hahahhhahaha hi hi hi hi hi ho ho ho ho ho haja dhama kudame ca ca ca ca ci ci ci ci cu cu cu cu caṇḍeśvara śikhara śikhara uttiṣṭahi bhagavan saṃciñjāya svāhā).
Nếu lại có người đối với minh chú này có thể thọ trì thì con sẽ cấp cho đồ dùng sinh hoạt an vui, thức ăn uống, y phục, hoa quả, trân châu kỳ lạ, hoặc cầu trai, gái, đồng nam, đồng nữ, vàng bạc, châu báu, các chuỗi ngọc... con đều cung cấp tùy theo sự nguyện cầu khiến cho họ không thiếu thốn. Minh chú này có uy lực lớn, khi người nào tụng chú thì con sẽ mau chóng đến chỗ người ấy, khiến cho họ không có chướng ngại, thành tựu như ý. Khi trì chú này thì nên biết pháp như sau: Trước vẽ bày một hình tượng Dạ-xoa Tăng-thận-nhĩ-da cao hai mươi thước, tay cầm mâu và thuẫn. Ở trước tượng này tạo lập đàn tràng bốn phương, rồi đặt bình đựng nước mật, hoặc nước đường cát, hương hoa, hương bột, hương đốt và những vòng hoa. Lại, ở trước đàn làm cái lò lửa bằng đất, trong lò để lửa than, lấy hạt cải tô-ma đốt ở trong lò, miệng tụng chú đã nêu trước một trăm linh tám lần, cứ mỗi lần là một lần đốt, cho đến khi đại tướng Dược-xoa, là con tự đến hiện thân hỏi người tụng chú rằng: “Ý ông cầu mong điều gì?” Rồi liền theo lời vị ấy đáp, họ mong điều gì, con đều khiến cho họ được đầy đủ; hoặc cầu vàng, bạc và các kho tàng, hoặc muốn như thần tiên cưỡi hư không mà đi, hoặc cầu Thiên nhãn thông, hoặc muốn biết điều trong tâm người khác... Đối với tất cả loài hữu tình, con đều cho họ tự tại như ý, khiến cho đoạn trừ phiền não, mau được giải thoát, đều được thành tựu.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo đại tướng Dược-xoa Chánh Liễu Tri:
–Hay thay! Hay thay! Ông có thể lợi ích cho tất cả chúng sinh như vậy, nói thần chú này, ủng hộ chánh pháp, lợi lạc vô biên!
Bấy giờ, nữ thần đất này tên là Kiên Lao, ở trong đại chúng, đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, chắp tay cung kính, bạch:
–Bạch Thế Tôn! Ở trong các nước, người làm quốc vương, nếu không có chánh pháp thì không thể trị nước, làm an ổn, nuôi dưỡng chúng sinh và bản thân được ở lâu dài ngôi tối thắng. Nguyện xin Thế Tôn từ bi rủ lòng thương, con nói về điều cốt yếu trị nước của chánh luận vương pháp, khiến cho các vị quốc vương được nghe pháp rồi, theo đúng như lời dạy tu hành và giáo hóa chân chánh cho đời, có thể khiến cho ngôi vị được bảo tồn lâu dài, trong nước được an ninh, nhân dân đều nhờ ân lợi ích.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn, ở trong đại chúng, bảo địa thần Kiên Lao:
–Người hãy lắng nghe, thuở quá khứ có vị vua tên là Lực Tôn Tràng, nhà vua ấy có người con tên là Diệu Tràng đã được nhận ngôi Quán đảnh thời gian chưa lâu. Bấy giờ, vua cha bảo Diệu Tràng rằng: “Có vương pháp chính luận tên là Thiên chủ Giáo Pháp (Devendra-samaya) lúc trước khi ta nhận ngôi Quán đảnh rồi lên làm vua, vua cha tên là Trí Lực Tôn Tràng đã vì ta nói chính luận vương pháp đó. Ta y theo luận này, ở hai vạn năm khéo léo trị nước, ta không hề khởi lên một ý niệm làm điều phi pháp, đến ngày hôm nay, ngươi cũng nên như vậy, chớ lấy điều phi pháp mà trị nước. Sao gọi là Chánh luận vương pháp? Con hãy lắng nghe!
Ta sẽ vì con mà nói.”
Bấy giờ, vua Lực Tôn Tràng liền vì người con ấy, dùng kệ nói Chánh luận rằng:
Ta nói luận vương pháp
Lợi ích các hữu tình
Đoạn trừ nghi thế gian
Diệt trừ mọi lỗi lầm.
Tất cả các vua trời
Và các vua cõi người
Phải sinh lòng hoan hỷ
Chắp tay nghe ta nói
Thuở xưa các Thiên chúng
Nhóm tại núi Kim cang
Bốn vua liền đứng dậy
Thưa hỏi Đại Phạm vương:
Bậc Phạm Chủ Tối Thắng
Tự tại trong chư Thiên
Nguyện thương xót chúng con
Đoạn dứt các nghi hoặc
Vì sao ở cõi người
Mà được gọi là trời?
Lại vì nhân duyên gì
Danh hiệu là Thiên tử?
Sao sinh ở nhân gian
Riêng được làm quốc vương?
Vì sao ở cõi trời
Lại được làm Thiên vương?
Như vậy, trời Hộ thế
Thưa hỏi Phạm vương xong.
Bấy giờ, Phạm thiên vương
Liền vì họ nói rằng:
Hộ thế! Ông nên biết
Vì lợi ích hữu tình
Hỏi ta phép trị nước
Ta nói, hãy lắng nghe!
Do lực nghiệp lành trước
Sinh thiên được làm vua
Nếu ở tại cõi người
Thống lĩnh làm quốc vương.
Các trời cùng gia hộ
Sau đó vào thai mẹ
Đến trong thai mẹ rồi
Chư Thiên lại giữ gìn.
Tuy sinh tại cõi người
Tôn thắng nên gọi thiên!
Do chư Thiên giữ gìn
Cũng được gọi Thiên tử!
Chủ Tam thập tam thiên
Góp sức giúp nhân vương
Và tất cả chư Thiên
Dùng năng lực tự tại
Trừ diệt các phi pháp
Nghiệp ác, khiến chẳng sinh,
Dạy hữu tình tu thiện
Khiến được sinh cõi trời.
Người và chúng Tô-la,
Càn-thát-bà, cả thảy
Chiên-trà-la, La-sát
Đều đem nửa lực mình
Một nửa lực cha mẹ
Khiến bỏ ác tu lành
Chư Thiên cùng hộ trì
Thị hiện phước báo lành.
Nếu tạo các nghiệp ác
Khiến trong đời hiện tại
Chư Thiên chẳng hộ trì
Hiện bày quả báo ác
Dân chúng tạo nghiệp ác
Vua bỏ chẳng cấm ngăn
Ấy chẳng thuận chánh lý
Đúng như pháp sửa trị.
Nếu thấy ác chẳng ngăn
Phi pháp liền tăng thêm
Liền khiến ở trong nước
Gian trá ngày nhiều thêm.
Vua thấy người trong nước
Tạo ác chẳng ngăn chặn
Chúng trời Tam thập tam
Đều sinh tâm giận tức.
Nhân đây bỏ quốc chính
Dua nịnh khắp thế gian
Bị kẻ địch xâm lược
Phá hoại cõi nước ấy,
Nhà ở và của cải
Dành dụm đều mất tan,
Sinh dua nịnh lừa dối
Lại chiếm đoạt của nhau.
Nhờ chánh pháp có vua
Mà chẳng thành pháp ấy
Dân chúng bị phá tan
Như voi đạp ao sen
Gió bão nổi bất thường
Mưa to chẳng phải lúc
Yêu tinh biến lạ lùng
Nhật, nguyệt thực tối tăm.
Ngũ cốc, các hoa quả
Kết quả đều chẳng thành
Đất nước bị đói kém
Do vua bỏ chánh pháp.
Nếu vua bỏ chánh pháp
Dùng pháp ác dạy người
Chư Thiên ở cung điện
Nhìn thấy sinh lo buồn.
Những vị Thiên vương đó
Cùng nhau mà nói rằng:
Vua này làm phi pháp
Thân gần bè đảng ác
Ngôi vua chẳng yên lâu
Chư Thiên đều giận hờn.
Do các trời luôn giận
Nước ấy sẽ bại vong.
Dùng phi pháp dạy dân
Lưu hành trong cả nước
Chiến tranh, lắm gian nguy
Dịch bệnh sinh các khổ.
Vua trời chẳng hộ niệm
Trời khác cũng bỏ luôn
Đất nước sẽ diệt vong
Thân vua thọ khổ sở
Cha mẹ và vợ con
Anh em cùng chị em
Thương yêu phải chia lìa
Cho đến khi chết mất.
Biến quái, các sao rơi
Hai mặt trời cùng mọc
Giặc thù phương khác đến
Dân chúng bị tán loạn
Đất nước, những trọng thần
Bị ruồng bỏ mà chết
Voi, ngựa yêu vân vân...
Cũng lại đều tản mất.
Nơi nơi giặc nổi lên
Nhiều người chết oan uổng
Ác quỷ liền vào nước
Dịch bệnh lan tràn khắp.
Đại thần lớn nhất nước
Và cả các quan lại
Ai ai cũng dua nịnh
Cùng đều làm phi pháp.
Thấy người làm phi pháp
Thì sinh tâm yêu thích
Còn người làm pháp lành
Trị phạt khổ cực hình.
Do yêu kính người ác
Trị phạt những người thiện
Nên các sao, mưa gió
Vận hành chẳng đúng thời.
Ba điều xấu sinh ra
Chánh pháp sẽ ẩn mất
Chúng sinh không ánh sáng
Mầu mỡ đất không còn.
Do kính ác, khinh thiện
Có ba thứ lỗi lầm
Mưa đá tuôn phi thời
Khổ, đói, dịch, lan tràn.
Những trái cây, lúa gạo
Đều giảm mất vị ngon.
Ở trong đất nước ấy
Chúng sinh bệnh nhiều thêm.
Những cây cối trong nước
Trước sinh trái ngọt ngon.
Do đây đều tổn giảm
Đắng chát, không vị ngon.
Trước có vườn rừng đẹp
Chỗ du ngoạn hữu tình
Bỗng nhiên đều khô héo
Người thấy sinh lo buồn.
Gạo, mì, những quả trái
Dần tiêu mất vị ngon
Lòng chẳng thích khi ăn
Làm sao tăng các đại?
Giảm ánh sáng chúng sinh
Suy vi hết thế lực
Ăn uống tuy nhiều hơn
Mà chẳng thể no đủ.
Tất cả các chúng sinh
Ở trong cõi nước ấy
Ốm yếu, không kiên cường
Việc làm chẳng kham nổi.
Dân chúng nhiều bệnh tật.
Các khổ bức ngặt thân
Ma quỷ tràn lan khắp
Đâu cũng sinh La-sát.
Nếu vua làm phi pháp
Gần gũi với người ác
Khiến ba loại thế gian
Nhân đó bị suy tổn.
Như vậy vô số lỗi
Sinh ra trong nước ấy
Đều do thấy người ác
Mà bỏ, chẳng nghiêm trị.
Do chư Thiên gia hộ
Được làm đến quốc vương
Mà chẳng dùng chánh pháp
Giữ gìn cõi nước mình.
Nếu người tu hạnh lành
Thì sẽ được sinh Thiên
Nếu người tạo nghiệp ác
Chết sẽ đọa ba đường.
Vua để người trong nước
Mặc chúng tạo lỗi lầm
Cõi trời Tam thập tam
Đều vô cùng bực tức.
Chẳng thuận chư Thiên dạy
Và mẹ cha bảo răn
Đây là người phi pháp
Chẳng hiếu tử, chẳng vua.
Nếu ở trong đất nước
Thấy người làm phi pháp
Theo đúng phép trị phạt
Chẳng nên bỏ qua suông.
Vậy nên các Thiên chúng
Đều hộ trì quốc vương
Do diệt các pháp ác
Hay tu các căn lành
Nên vua ở cõi đời
Được phước báo hiện tiền.
Khuyên chúng sinh tu thiện
Từ bỏ các nghiệp ác
Chỉ bày quả thiện, ác
Nên được làm quốc vương.
Chư Thiên cùng hộ trì
Tất cả đều tùy hỷ
Nhờ lợi mình, lợi người
Dùng chánh pháp trị nước
Thấy có người dua nịnh
Phải đúng, phải trị liền.
Giả sử mất hương vị
Nhân duyên bị hại mạng
Cũng không làm pháp ác,
Hay thấy ác bỏ luôn.
Tai hại nặng nề nhất
Không gì hơn mất ngôi
Đều do kẻ dua nịnh
Bọn này phải nghiêm trị.
Nếu người nịnh lừa dối
Sẽ mất ngôi quốc vương
Do đó pháp vua mất
Như voi vào vườn hoa.
Thiên vương đều giận dữ
A-tô-la cũng vậy
Do người làm quốc vương
Trị nước chẳng dùng pháp
Vậy nên đúng như pháp
Mà trị phạt người ác
Pháp lành dạy chúng sinh
Chẳng thuận theo phi pháp.
Thà bỏ đi thân mạng
Cũng không theo phi pháp
Đối với người thân, sơ
Xem bình đẳng tất cả.
Nếu làm vua đúng pháp
Trong nước không phe phái
Pháp vương được tiếng thơm
Nghe khắp trong ba cõi.
Chúng Tam thập tam thiên
Hoan hỷ mà nói rằng:
Pháp vương Thiệm-bộ châu
Tức chính là con ta
Dùng thiện dạy chúng sinh
Dùng chính pháp trị nước
Khuyên thực hành chánh pháp
Sẽ sinh vào cung ta
Thiên tử và chư Thiên
Cùng chúng A-tô-la
Được vua dạy Chánh Pháp
Thường được tâm hoan hỷ
Thiên chúng đều hoan hỷ
Cùng hộ trì quốc vương
Sao mọc đúng vị trí
Nhật, nguyệt không trái thường
Gió hòa hợp thời tiết
Mưa ngọt tuôn thuận thời
Mùa màng đều bội thu
Không còn ai đói kém
Tất cả những Thiên chúng
Ở đầy nơi cung điện.
Vì vậy, này quốc vương!
Quên mình hoằng chánh pháp,
Nên tôn trọng pháp bảo
Cho dân chúng lạc an
Nên thường gần chánh pháp
Công đức tự trang nghiêm
Quyến thuộc thường hoan hỷ
Xa lìa các điều ác.
Dùng pháp dạy chúng sinh
Luôn khiến được yên ổn
Khiến tất cả mọi người
Tu hành mười điều lành.
Lãnh thổ thường thịnh vượng
Đất nước được an ninh.
Vua dùng pháp dạy người
Khéo điều phục các ác
Thường được nhiều tiếng thơm
An lạc các chúng sinh.
Bấy giờ, tất cả các quốc vương trong đại địa và các đại chúng nghe Phật nói toát yếu vấn đề nhà vua xưa kia trị nước, được chưa từng có đều rất hoan hỷ, tín thọ, phụng hành.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì các đại chúng nói chính luận Vương pháp rồi, lại bảo đại chúng rằng:
–Các ông nên lắng nghe! Ta nay vì các ông nói về nhân duyên phụng hành pháp thuở xa xưa ấy.
Khi đó Đức Phật nói kệ:
Xưa ta từng làm Chuyển luân vương
Bỏ đại địa này cùng biển lớn
Bốn trân châu báu đều tràn đầy
Đem dâng cúng dường các Đức Phật.
Ta vào thuở xưa, vô lượng kiếp
Cầu Pháp thân chân thật thanh tịnh
Những vật yêu thích đều buông bỏ
Cho đến thân mạng cũng không tiếc.
Lại, kiếp quá khứ khó nghĩ bàn
Có Đấng Chánh Biến Tri Bảo Kế.
Sau khi Như Lai đó Niết-bàn
Có vua tên Thiện Sinh ra đời
Làm vua Chuyển luân dạy bốn châu
Tận bờ biển cả đều quy phục.
Có thành tên là Diệu âm thanh
Khi ấy, vua Chuyển luân ở đó.
Đêm mơ nghe nói Phước trí Phật
Thấy có Pháp sư tên Bảo Tích
Ngồi tòa trang nghiêm như mặt trời
Diễn nói kinh Kim Quang vi diệu.
Bấy giờ, từ mơ vua tỉnh giấc
Khắp châu thân vô cùng hoan hỷ
Đến trời sáng, ra khỏi cung vua
Đi đến chỗ chúng Tăng Tỳ-kheo
Cung kính cúng dường thánh chúng xong
Vua liền thưa hỏi các đại chúng:
Pháp sư Bảo Tích có đây không
Công đức thành tựu dạy chúng sinh.
Bấy giờ, đại Pháp sư Bảo Tích
Ngài đang ở trong một tịnh thất
Chánh niệm tụng kinh vi diệu này
Thân thẳng chẳng động, tâm an lạc.
Có Tỳ-kheo dẫn đường quốc vương
Đến chỗ ở của ngài Bảo Tích
Thấy ngồi ngay thẳng trong tịnh thất
Tướng ánh sáng vi diệu khắp thân
Thưa vua: Đây chính là Bảo Tích
Thọ trì các hạnh Phật sâu xa
Gọi là Kim Quang Minh vi diệu
Trong các kinh, là kinh bậc nhất
Vua liền đảnh lễ ngài Bảo Tích
Cung kính chắp tay mà cầu thỉnh:
Nguyện đấng trang nghiêm như trăng rằm
Nói pháp Kim Quang Minh vi diệu!
Pháp sư Bảo Tích nhận lời vua
Hứa khả giảng thuyết kinh Kim Quang.
Khắp cùng trong tam thiên thế giới
Chư Thiên, đại chúng đều hoan hỷ
Vua chọn nơi rộng rãi thanh tịnh
Trang trí nhiều châu báu diệu kỳ
Nước thơm thượng hạng vẩy bụi trần
Vô số loại hoa tung rải khắp
Đem tòa trải bày chỗ cao nhất
Treo nhiều phướn, lọng để trang nghiêm
Các loại hương bột và hương xoa...
Mùi hương lan tỏa khắp mọi nơi.
Tu-ha, Khẩn-na-la, Trời, Rồng
Mạc-hô-lạc-già và Dạ-xoa...
Chư Thiên rưới mưa hoa mạn
Đều đến cúng dường tòa cao đó
Lại có ngàn vạn ức chư Thiên
Thích nghe chánh pháp đều vân tập.
Pháp sư từ chỗ ngồi đứng lên
Tất cả dùng hoa trời cúng dường
Lúc ấy đại Pháp sư Bảo Tích
Tắm gội sạch rồi mặc áo mới
Đến chỗ pháp tòa, đại chúng đông
Chắp tay bền lòng mà kính lễ
Vua trời chúng trời và Thiên nữ
Đều cùng tung rải hoa mạn đà
Trăm ngàn nhạc trời chẳng nghĩ bàn
Ở giữa hư không vang tiếng hay.
Bấy giờ, đại Pháp sư Bảo Tích
Liền lên tòa cao ngồi kiết già
Niệm ngàn vạn ức đấng Đại từ
Trong các cõi nước khắp mười phương.
Và khắp tất cả khổ chúng sinh
Đều khởi niệm từ bi bình đẳng
Rồi vì người thỉnh, vua Thiện Sinh
Diễn nói Kim Quang Minh vi diệu.
Vua đã được nghe pháp như trên
Chắp tay một lòng, rất hoan hỷ
Nghe pháp hy hữu lệ tuôn rơi
Khắp cả thân tâm đều hoan hỷ.
Đến lúc ấy, quốc vương Thiện Sinh
Vì muốn cúng dường kinh điển này
Tay dâng ngọc Mạt-ni như ý
Phát nguyện vì tất cả chúng sinh:
Có thể ở Thiệm-bộ châu này
Mưa xuống chuỗi ngọc bảy báu khắp,
Tất cả những người nghèo thiếu thốn
Đều được như ý và an lạc.
Trời liền mưa bảy báu khắp nơi
Trong bốn châu đều thành sung túc
Theo nhu cầu, chuỗi ngọc nghiêm thân
Áo quần, ăn uống đều không thiếu.
Bấy giờ, đại quốc vương Thiện Sinh
Thấy bốn châu này mưa châu báu
Đem cúng dường chúng Tỳ-kheo Tăng
Thọ trì di giáo Phật Bảo Kế.
Nên biết Vua Thiện Sinh quá khứ
Chính là Ta, Thích-ca Mâu-ni.
Vì thuở trước từ bỏ đại địa
Và bốn châu đầy ắp châu báu
Đại Pháp sư Bảo Tích thuở xưa
Vì vua Thiện Sinh nói diệu pháp
Nhờ ông khai diễn nói Kinh vương
Hiện, phương Đông, thành Phật Bất Động.
Do ta đã từng nghe Kinh vương
Chắp tay, một lời nói tùy hỷ
Nhờ công đức bố thí bảy báu
Đạt được thân Kim cang tối thắng.
Tướng Kim Quang trăm phước trang nghiêm
Tất cả người thấy đều hoan hỷ
Mọi hữu tình, không ai chẳng thương
Hàng ức Thiên chúng cũng như vậy.
Quá khứ từng làm Chuyển luân vương
Trải chín mươi chín ức ức... kiếp
Cũng ở nước nhỏ làm quốc vương
Lại trải vô lượng trăm ngàn kiếp.
Làm Đế Thích trải vô lượng kiếp
Cũng lại từng làm vua Đại phạm
Cúng dường Đấng Thập Lực Đại Từ
Số lượng đó khó mà cùng tận.
Xưa Ta nghe kinh khéo tùy hỷ
Đạt được phước đức khó suy lường
Do phước ấy chứng đắc Bồ-đề
Đạt được Pháp thân trí vi diệu.
Bấy giờ, đại chúng nghe Đức Phật giảng nói như thế xong, khen ngợi chưa từng có, đều nguyện phụng trì kinh Kim Quang Minh, làm cho lưu thông không ngừng.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Thiên nữ Đại Cát Tường:
–Nếu có thiện nam, thiện nữ có lòng tin thanh tịnh muốn đối với các Đức Phật quá khứ, vị lai và hiện tại, dùng các thứ cúng dường vi diệu rộng lớn chẳng thể nghĩ bàn để dâng cúng và muốn hiểu rõ các hạnh sâu xa của các Đức Phật ba đời, người đó cần phải quyết định hết lòng theo chỗ nào có kinh này, hoặc tại thành ấp, xóm làng, hoặc trong rừng... vì các chúng sinh mà diễn nói lưu truyền. Những người nghe pháp ấy nên trừ bỏ loạn tưởng, lắng nghe và ghi nhớ!
Đến đây, Đức Thế Tôn liền vì vị trời kia và các đại chúng mà nói kệ:
Muốn đối với chư Phật
Cúng dường chẳng nghĩ bàn,
Rõ cảnh giới sâu xa
Của chư Phật Thế Tôn
Nếu nghe thấy diễn nói
Kim Quang Minh Tối Thắng
Nên đi đến phương đó
Nơi có kinh điển này.
Kinh này khó nghĩ bàn
Phát sinh các công đức
Vô biên biển khổ lớn
Giải thoát các hữu tình
Ta xem kinh vua này
Trước, giữa, sau đều thiện
Rất sâu, đo chẳng được
Ví dụ không sánh bằng.
Giả sử cát sông Hằng
Bụi đại địa, nước biển
Đá các núi, hư không...
Không thể ví phần ít.
Muốn thể nhập pháp giới
Trước nên nghe kinh này
Trong tháp của pháp tánh
Khéo an trụ sâu xa.
Ở bên trong tháp ấy
Thấy Phật Ta Mâu-ni
Âm thanh hay vui vẻ
Diễn nói kinh điển này.
Trải qua hàng ức kiếp
Số lượng khó nghĩ bàn
Sinh ở cõi trời, người
Thường được vui vi diệu
Người nghe kinh Kim Quang
Nên khởi tâm như vầy:
Ta được chẳng nghĩ bàn
Vô biên các công đức.
Giả sử đám lửa lớn
Lan hàng trăm do-tuần
Nhờ nghe kinh điển này
Thẳng qua không lời khổ.
Đã đến trú xứ kia
Được nghe kinh như vậy
Có thể diệt nghiệp tội
Và không còn ác mộng.
Sao xấu, những biến quái
Độc, tà mị hết thảy
Khi được nghe kinh này
Các ác liền lìa xa.
Bày tòa cao trang nghiêm
Tịnh diệu như hoa sen
Pháp sư ở trên tòa
Ngồi giống như rồng lớn.
An tọa trên đó xong
Nói kinh sâu xa này
Ghi chép và trì tụng
Vì người giảng nghĩa kinh.
Pháp sư rời tòa này
Đi đến nơi phương khác
Ở trong tòa cao này
Tướng thần thông rất nhiều
Hoặc thấy tượng Pháp sư
Vẫn còn trên tòa cao
Hoặc khi thấy Thế Tôn
Và cả các Bồ-tát.
Hoặc làm tượng Phổ Hiền
Hoặc như Diệu Cát Tường.
Hoặc thấy Đấng Từ Thị
Hiện thân trên tòa cao
Hoặc thấy tướng hy hữu
Và cả tượng chư Thiên...
Vừa được nhìn dung nghi
Bỗng nhiên lại biến mất.
Thành tựu những cát tường
Mọi việc đều như ý
Công đức đều viên mãn
Thế Tôn nói như vậy.
Tối Thắng có danh thơm
Diệt trừ các phiền não
Phá tan giặc nước khác
Chiến đấu luôn được thắng.
Không hề thấy ác mộng
Và tiêu các độc hại
Nếu tạo ba nghiệp tội
Nhờ sức kinh diệt tan
Ở tại Thiệm-bộ châu
Danh thơm vang lừng khắp
Tất cả các oán kết
Đều luôn luôn lìa bỏ
Giả sử kẻ địch đến
Nghe danh liền lùi tan
Không cần động binh đao
Hai quân đều vui mừng.
Phạm vương và Đế Thích
Tứ Thiên vương Hộ thế,
Đại tướng Chánh Liễu Tri,
Và Dược-xoa Kim Cang
Long vương Vô Nhiệt Trì
Và Ta-yết-la nữa,
Nhạc thần Khẩn-na-la,
Tô-la, chim cánh vàng
Thiên nữ Đại Biện Tài,
Cùng trời Đại Cát Tường...
Những vị trời đứng đầu
Thống lãnh chúng chư Thiên
Thường cúng dường chư Phật,
Pháp bảo chẳng nghĩ bàn
Tâm luôn luôn hoan hỷ
Cung kính các kinh điển.
Những chúng chư Thiên này...
Đều cùng chung suy nghĩ,
Xem người nào tu phước
Rồi cùng nói lên rằng:
Nên xem hữu tình này
Đều là đại phước đức
Lực tinh tấn căn lành
Sẽ sinh lên trời ta.
Vì nghe kinh sâu xa
Tâm cung kính đến đây
Cúng dường tháp thờ pháp
Và tôn trọng chánh pháp.
Thương xót các chúng sinh
Làm điều lợi ích lớn.
Đối kinh điển sâu xa
Làm pháp khí quý báu
Nhập vào pháp môn này
Là thể nhập pháp tánh
Với Kim Quang Minh này
Nên nghe nhận hết lòng.
Người đó từng cúng dường
Vô lượng trăm ngàn Phật
Nhờ căn lành cúng dường
Được nghe kinh điển này
Như vậy các Thiên vương
Thiên nữ Đại Biện Tài
Và Thiên nữ Cát Tường
Cùng với Tứ Thiên vương
Vô số thần Dược-xoa
Có thần thông, dũng mãnh
Đều ở khắp bốn phương
Thường đến mà ủng hộ.
Trời Nhật nguyệt, Đế Thích
Các thần gió, nước, lửa
Phệ-suất-nô, Đại Kiên
Diêm-la và Biện tài...
Tất cả các Hộ thế
Dũng mãnh uy thần đủ
Ủng hộ người trì kinh
Ngày, đêm thường không rời.
Vua Dược-xoa Đại Lực
Na-la-diên, Tự Tại,
Chánh Liễu Tri đứng đầu
Hai mươi tám Dược-xoa
Trăm ngàn Dược-xoa khác
Có đại lực thần thông
Những nơi nào sợ hãi
Thường đến hộ người đó.
Vua Dược-xoa Kim Cang
Cùng năm trăm quyến thuộc
Vua Dược-xoa Bảo Vương
Các chúng Đại Bồ-tát
Thường đến hộ người này
Và cả vua Mãn Hiền
Kim-tỳ-la, Khoáng dã.
Tân-độ-la, Hoàng sắc
Những vua Dược-xoa ấy
Có năm trăm bà con
Thấy người nghe kinh này
Đều cùng đến ủng hộ
Kiền-thát-bà Thải quân
Vi vương, Thường Chiến Thắng
Châu cảnh và Thanh cảnh
Cùng Bột-lý-sa vương
Đại Tối Thắng Đại Hắc
Tô-bạt-noa Kê-xá
Bán-chi-ca, Dương túc
Cùng với Đại Bà-già
Tiểu Cừ và Hộ pháp
Và cả Nhĩ Hầu vương
Châm-mao và Mục-chi
Bảo Phác đều đến hộ.
Đại Cừ, Nặc-câu-la
Chiên-đàn, Dục Trung Thắng
Xá-la và Tuyết Sơn
Và cả Bà-đa sơn...
Đều có đại thần thông
Hùng mạnh đủ đại lực
Thấy người trì kinh này
Đều đến mà ủng hộ
A-na-bà-đáp-đa
Và cả Ta-yết-la
Mục-chân Ế-la-diệp
Nan-đà, Tiểu Nan-đà
Trong trăm ngàn loài rồng
Thần thông đủ uy đức
Cùng hộ người trì kinh
Ngày đêm chẳng rời khỏi.
Bà Trỉ, La-hầu-la
Tỳ-ma-chất-đa-la
Mẫu-chi Thiêm-bạt-la
Đại Kiên và Hoan Hỷ
Và A-tô-la vương
Cùng vô số Thiên chúng
Sức lớn, có dũng cường
Đều đến hộ người đó.
Thần A-lợi-để mẫu
Năm trăm chúng Dược-xoa
Người đó thức hay ngủ
Thường đến mà ủng hộ.
Chiên-trà Chiên-trà-lợi
Dược-xoa Chiên-trỉ nữ
Côn Đế, Câu-thác-xỉ
Hút tinh khí chúng sinh
Những chúng thần như vậy
Có thần thông, đại lực
Thường hộ trì người kinh
Ngày đêm chẳng rời khỏi.
Trời Biện tài đứng đầu
Vô lượng các Thiên nữ,
Trời Cát tường lớn nhất
Cùng với các quyến thuộc,
Và Nữ thần Đại Địa,
Thần vườn rừng quả trái
Thần cây, thần sông ngòi
Các vị thần giữ tháp
Những Thiên thần như vậy
Tâm vô cùng hoan hỷ
Đều đi đến ủng hộ
Người đọc tụng kinh này
Thấy có người trì kinh
Thêm tuổi thọ, sức khỏe
Phước đức và uy quang
Tướng vi diệu trang nghiêm
Tinh tú hiện tai biến
Khổ nạn người này bị
Mơ thấy dữ, ít lành...
Đều khiến cho trừ diệt.
Nữ thần này, đại địa
Có uy thế kiên cố
Nhờ năng lực kinh này
Pháp vị luôn đầy đủ.
Đất mầu mỡ lan tràn
Hơn hàng trăm do-tuần
Địa thần khiến vị trên
Thấm nhuần vào đại địa.
Đất này dày sáu mươi
Hơn tám ức thiện-na
Đến giới hạn Kim cang
Vị đất đều trồi lên.
Do nghe kinh vua này
Được công đức rất lớn
Hay khiến các Thiên chúng
Đều nhờ lợi ích đó.
Lại khiến các Thiên chúng
Uy lực có ánh sáng
Thường an lạc hoan hỷ
Không còn tướng suy giảm
Ở châu Nam Thiệm-bộ
Thần lúa, gạo, trái, rừng
Nhờ uy lực kinh này
Lòng thường được hoan hỷ.
Mùa màng đều thành tựu
Nơi nơi hoa tươi đẹp
Quả trái luôn sum suê
Đầy khắp nơi đất đai
Tất cả các cây trái
Và cả mọi vườn rừng
Đều ra hoa tươi đẹp
Luôn tỏa ngát mùi hương.
Mọi loài cỏ, cây cối
Đều trổ hoa xinh đẹp
Và kết trái ngon ngọt
Khắp nơi đều lan tràn.
Ở châu Nam Thiệm-bộ
Vô lượng các long nữ
Tâm vô cùng hoan hỷ
Đều cùng vào trong ao.
Gieo trồng Phân-đà-lợi
Và hoa Bát-đầu-ma
Hai loài sen xanh, trắng
Mọc đầy khắp trong ao
Do uy lực kinh này
Nên hư không trong sạch
Mây, mù đều trừ hết
Tối tăm được sáng lên.
Mặt trời ngàn tia sáng
Không bẩn, sáng sạch trong
Do uy lực kinh này
Tỏa sáng quanh bốn phương
Lực uy đức kinh này
Giúp đỡ cho Thiên tử
Đều dùng vàng Thiệm-bộ
Xây dựng các cung điện.
Mặt trời vừa mới mọc
Thấy châu này vui mừng
Thường dùng ánh sáng lớn
Soi sáng khắp mọi nơi.
Ở trong đại địa này
Có những ao hoa sen
Lúc mặt trời vừa soi
Không đâu chẳng nở hoa
Ở Thiệm-bộ châu ấy
Các quả, thuốc, ruộng đồng
Đều khiến cho tươi tốt
Khắp đất đai đầy đủ.
Do uy lực Kinh này
Nơi nhật, nguyệt chiếu đến
Tinh tú không trái thời
Gió mưa đều thuận thời.
Khắp nơi ở Thiệm-bộ
Cõi nước đều thịnh vượng
Chỗ nào có kinh này
Thù thắng hơn mọi phương.
Nếu Kim Quang Minh này
Nơi kinh điển lưu hành
Có người nào giảng, tụng
Đều được phước như trên.
Bấy giờ, Thiên nữ Đại Cát Tường và chư Thiên... nghe lời Đức Phật dạy, đều rất vui mừng. Đối với Kinh vương này và người thọ trì, họ đều nhất tâm ủng hộ, khiến cho người ấy không còn lo buồn, thường được an lạc.
Bấy giờ, Đức Như Lai ở giữa đại chúng, giảng nói pháp xong, vì Bồ-tát Diệu Tràng và hai người con của ấy là Ngân Tràng và Ngân Quang, thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Có mười ngàn Thiên tử do Tối Thắng Quang Minh làm thượng thủ, đều từ Tam thập tam thiên đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, lui về ngồi một bên, nghe Đức Phật nói pháp. Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Diệu Tràng:
–Ông vào đời sau, qua vô lượng, vô số trăm ngàn vạn ức kiếp, ở thế giới Kim quang minh, sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hiệu là Kim Bảo Sơn Vương Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời. Sau khi Đức Như Lai này Bát-niết-bàn và giáo pháp của Như Lai cũng đều diệt hết thì người con lớn tên Ngân Tràng liền ở cõi này được bổ xứ thành Phật tiếp theo. Thế giới này bấy giờ đổi tên là Tinh Tràng, vị ấy sẽ được làm Phật hiệu là Kim Tràng Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Sau khi Đức Như Lai này Bát-niết-bàn và các giáo pháp cũng đều diệt hết thì người con thứ Ngân Quang liền được bổ xứ thành Phật. Trở lại cõi này, vị ấy sẽ được làm Phật hiệu là Kim Quang Minh Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Lúc đó, mười ngàn Thiên tử nghe ba vị Đại sĩ được thọ ký rồi, lại được nghe kinh vua Tối thắng như vậy, lòng rất vui mừng, thanh tịnh không cấu bẩn giống như hư không. Bấy giờ, Đức Như Lai biết thiện căn của mười ngàn vị Thiên tử đã thành thục nên liền thọ ký Đại Bồ-đề cho họ:
–Thiên tử các ông vào đời vị lai, qua vô lượng, vô số trăm ngàn vạn ức vô số kiếp, ở thế giới Tối thắng nhân-đà-la cao tràng, sẽ được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cùng một dòng họ, lại cùng một danh hiệu là Diện Mục Thanh Tịnh Ưu-bát-la Hương Sơn với mười hiệu đầy đủ. Cứ như vậy theo thứ tự mười ngàn Đức Phật xuất hiện ở đời.
Bấy giờ, thân cây Bồ-đề bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Mười ngàn Thiên tử này từ cõi trời Tam thập tam vì nghe pháp nên đi đến chỗ Đức Phật, vì sao Đức Như Lai liền thọ ký cho họ sẽ được thành Phật? Bạch Thế Tôn! Con chưa từng nghe những Thiên tử này tu tập đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật-đa, hạnh khó, hạnh khổ, xả bỏ tay chân, đầu, mắt, tủy não, quyến thuộc, vợ con, voi ngựa, xe cộ, nô tỳ, tôi tớ, cung điện, vườn rừng, vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, bích ngọc, kha bối (ngọc), thực phẩm, y phục, đồ nằm, thuốc thang... như vô lượng trăm ngàn Bồ-tát khác dùng những đồ cúng dường mà cúng dường vô số trăm ngàn vạn ức vô số Đức Phật đời quá khứ. Như vậy Bồ-tát phải trải qua vô lượng, vô biên kiếp rồi sau đó mới được thọ ký đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bạch Thế Tôn! Những Thiên tử này do nhân duyên gì? Tu hành hạnh thù thắng nào? Gieo trồng căn lành gì? Mà từ cõi trời kia đến, chỉ vừa nghe pháp, liền được thọ ký! Nguyện xin Đức Thế Tôn vì con giảng nói, đoạn trừ lưới nghi ngờ? Đức Phật bảo:
–Này thần cây Thiện nữ thiên! Đúng như lời ngươi nói! Họ đều từ nhân duyên căn thiện thù thắng vi diệu, cần khổ tu hành, rồi mới được thọ ký. Những Thiên tử này, ở thiên cung vi diệu, xả bỏ niềm vui năm dục nên đến nghe kinh Kim Quang Minh này. Đã nghe được pháp rồi, đối với Kinh này, họ phát tâm ân cần, tôn trọng, thanh tịnh như lưu ly, không hề có lỗi lầm. Họ lại còn được nghe việc thọ ký của ba vị Đại Bồ-tát này và cũng do nhân duyên thệ nguyện tu hành hạnh chân chánh đã lâu trong quá khứ. Vậy nên hôm nay ta thọ ký cho họ vào đời vị lai sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Vị thần cây nghe Đức Phật nói rồi, hoan hỷ kính tin.
Đức Phật bảo thần cây Bồ-đề rằng:
–Này Thiện nữ thiên! Hãy lắng nghe! Lắng nghe và khéo suy nghĩ điều đó! Hôm nay ta vì người nói về nhân duyên bản nguyện của mười ngàn Thiên tử đó. Này Thiện nữ thiên! Thuở quá khứ, vô lượng chẳng thể nghĩ bàn a-tăng-kỳ kiếp, bấy giờ có Đức Phật xuất hiện ở đời, hiệu là Bảo Kế Như Lai, Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều
Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Này Thiện nữ thiên! Sau khi Đức Thế Tôn đó Bátniết-bàn và chánh pháp diệt rồi, ở trong đời Tượng pháp, có vị vua tên Thiên Tự Tại Quang, thường dùng chánh pháp giáo hóa dân chúng giống như cha mẹ. Trong vương quốc này có một vị trưởng giả tên là Trì Thủy giỏi về y thuật, thông suốt tâm thuật trị bệnh khổ của chúng sinh, bốn đại không được an ổn đều có thể cứu chữa trị liệu. Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, trưởng giả Trì Thủy chỉ có một người con trai tên là Lưu Thủy, tướng mạo khôi ngô, mọi người ưa nhìn ngắm, bẩm tính thông minh, giỏi thông các luận, thư, họa, toán, ấn, không gì chẳng thông đạt. Khắp trong nước khi ấy, có vô lượng trăm ngàn các loài chúng sinh đều gặp phải dịch bệnh, mọi khổ bức ngặt, thậm chí không còn chút an vui. Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, ông trưởng giả Lưu Thủy thấy vô lượng trăm ngàn chúng sinh chịu các bệnh khổ, khởi lên lòng đại Bi mà nghĩ như vầy: “Vô lượng chúng sinh bị những cực khổ bức ngặt, trưởng giả cha ta tuy giỏi các phương thuốc, thông suốt tám thuật có thể chữa trị mọi bệnh bốn đại tăng giảm, nhưng ông đã suy nhược, già cả, ốm yếu, cần sự nâng đỡ mới có thể bước đi được, không thể đi đến những thành ấp, xóm làng để cứu những bệnh khổ được nữa. Nay lại có vô lượng trăm ngàn chúng sinh đều gặp phải bệnh nặng không ai có thể cứu được. Ta nay phải đến chỗ cha ta, vị thầy thuốc giỏi, để học hỏi pháp bí truyền của các phương thuốc trị bệnh. Nếu được thông suốt rồi, ta sẽ đi đến chỗ thành ấp, xóm làng, cứu chữa các loại bệnh tật của các chúng sinh, khiến cho họ được an lạc lâu dài.” Người con của trưởng giả nghĩ vậy rồi, liền đi đến chỗ cha, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, chắp tay cung kính, lui về đứng một bên, liền dùng kệ xin cha:
Xin cha hiền thương xót
Con muốn cứu chúng sinh
Thưa hỏi y phương
Nguyện cha vì con nói.
Vì sao thân suy hoại
Các đại có tăng giảm
Vào lúc nào chúng sinh
Bị phát sinh tật bệnh?
Phải uống ăn thế nào
Để luôn được an lạc?
Có thể khiến trong thân
Hơi nóng chẳng suy giảm?
Chúng sinh có bốn bệnh:
Bệnh phong và bệnh nhiệt,
Bệnh tổng tập, đàm âm
Làm sao mà trị liệu?
Khi nào khởi bệnh phong
Lúc nào bệnh nhiệt phát?
Khi nào động đàm ấm?
Lúc nào sinh tổng tập?
Ông trưởng giả đó nghe con nói rồi, lại dùng kệ đáp:
Ta y các tiên xưa
Có các pháp trị bệnh
Lần lượt nói cho con
Lắng nghe cứu chúng sinh!
Ba tháng là mùa Xuân
Ba tháng là mùa Hạ
Ba tháng gọi mùa Thu
Ba tháng gọi mùa Đông
Đây tính theo một năm
Mỗi mùa có ba tháng
Nếu mỗi mùa hai tháng
Thì một năm sáu mùa
Giêng, hai là mùa hoa
Ba, tư là mùa nóng
Năm, sáu là mùa mưa
Bảy, tám gọi mùa thu
Chín, mười là mùa lạnh
Hai tháng cuối băng tuyết
Đã biết rõ như vậy
Cho thuốc chớ lầm lẫn!
Nên tùy theo các mùa
Điều chỉnh việc ăn uống
Vào bụng cho tiêu hóa
Mọi bệnh chẳng sinh được.
Thời tiết nếu biến đổi
Bốn đại cũng đổi theo
Lúc này không thuốc men
Nhất định sinh bệnh khổ.
Thầy thuốc rõ bốn mùa
Lại biết sáu mùa ấy
Bảy thành phần của thân
Ăn, uống thuốc không sai
Là vị giới, cao, xương
Máu, thịt và não, tủy.
Khi bệnh nhập vào trong
Biết có trị được không?
Bệnh có bốn loại khác
Là phong, nhiệt, đàm âm
Và cả bệnh tổng tập
Nên biết lúc phát lên
Mùa Xuân, đàm âm động
Mùa Hạ bệnh phong sinh
Mùa Thu tăng hoàng nhiệt
Đông cả ba khởi lên.
Xuân ăn chất cay nóng
Hạ nóng mặn, chua thêm
Mùa Thu lạnh, ngọt béo
Chua, béo, ngọt... mùa Đông
Ở trong bốn mùa ấy
Uống thuốc và ăn uống
Nếu đúng vị như vậy
Các bệnh không thể sinh.
Sau ăn, bệnh do âm,
Khi ăn tiêu, do nhiệt
Sau tiêu, bệnh do phong
Định bệnh phải biết rõ.
Biết nguyên do bệnh xong
Tùy bệnh mà cho thuốc
Như bệnh trạng lạ lùng
Trước phải trị gốc bệnh.
Dầu, mỡ trị bệnh phong
Bệnh nhiệt uống đồ mát
Bệnh âm khiến ói mửa
Phải cả ba thứ thuốc.
Có đủ âm, nhiệt, phong
Gọi là bệnh tổng tập.
Tuy biết bệnh phát khởi
Nên xem tính gốc bệnh.
Xem biết xong như vậy
Tùy lúc mà cho thuốc
Không sai thuốc, uống, ăn
Đó là thầy thuốc giỏi.
Tám thuật phải biết thông
Bao quát các phương thuốc
Nếu thông suốt điều này
Bệnh chúng sinh trị được.
Châm cứu, chữa vết thương
Bệnh thân, bệnh quỷ thần
Bị độc bệnh trẻ con
Kéo dài thêm khí lực
Thì trước xem hình sắc
Lời nói và tính tình
Hỏi nằm mộng thấy gì
Biết phong, nhiệt, ấm lạ.
Đầu ít tóc, ốm gầy
Thì tâm không ổn định.
Nói nhiều, mộng thấy bay
Người ấy có tánh phong.
Tuổi trẻ, mọc tóc trắng
Nhiều mồ hôi, hay giận
Mơ thấy lửa, thông minh
Người ấy có tính nhiệt.
Tâm định thân ngay ngắn
Nghĩ ngợi, đầu thấm ướt
Mơ thấy vật nước trắng
Nên biết là tính âm
Người có tính tổng tập
Hoặc hai hoặc đủ ba.
Cứ có một tăng trội
Nên biết là tính ấy.
Đã biết tánh tình xong
Định bệnh rồi cho thuốc.
Nghiệm không bị tướng chết
Mới là người đáng cứu.
Cảnh đảo lộn các căn
Người phải nhờ thầy thuốc
Bạn bè lại giận hờn
Nên biết là tướng chết.
Mắt trái đổi màu trắng
Sống mũi lệch, lưỡi đen
Vành tai thay đổi khác
Môi dưới trể xuống luôn.
Ha-lê-lặc một loại
Có đầy đủ sáu vị
Có thể trừ mọi bệnh
Không kỵ các thuốc hay
Ba vị cay, ba quả
Trong các thuốc dễ tìm
Đường cát, mật, tô, sữa.
Có thể trị mọi bệnh.
Từ những vị thuốc khác
Tùy theo bệnh tăng thêm
Trước khởi lòng từ mẫn
Chớ tham lam tài lợi.
Ta đã vì con nói
Việc cần trong chữa trị
Lấy đây cứu chúng sinh
Được phước báo vô biên.
Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, trưởng giả tử Lưu Thủy tự thân thưa hỏi cha mình điều cốt yếu của tám thuật, bốn đại tăng giảm, thời tiết chẳng đồng, phương pháp ăn uống trị bệnh. Đã biết rõ ràng, tự nghĩ có thể đủ sức, có thể cứu chữa trị liệu mọi bệnh, ông liền đến khắp thành ấp, xóm làng... bất cứ chỗ nào có trăm ngàn vạn ức chúng sinh bệnh khổ ông đều đi đền chỗ ấy, khéo léo dùng lời an ủi dỗ dành, nói như vầy: “Tôi là thầy thuốc! Tôi là thầy thuốc! Tôi biết rõ các phương thuốc! Hôm nay vì các người, trị liệu mọi bệnh, đều khiến cho trừ khỏi.” Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, mọi người nghe trưởng giả tử nói lời khéo léo an ủi dỗ dành và hứa vì họ trị bệnh, có vô lượng trăm ngàn chúng sinh bị bệnh rất nặng nghe lời nói này rồi, thân tâm rất vui mừng, được điều chưa từng có. Do nhân duyên này nên các bệnh khổ của họ đều được tiêu trừ, sức lực đầy đủ, bình phục như cũ. Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, lại có vô lượng trăm ngàn chúng sinh bệnh khổ trầm trọng rất khó chữa trị thì liền cùng nhau đi đến chỗ trưởng giả tử, một lần nữa xin được trị bệnh. Trưởng giả tử liền dùng thuốc hay cho uống, tất cả đều được khỏi bệnh. Này Thiện nữ thiên! Trưởng giả tử, ở trong nước này, trị bệnh khổ cho trăm ngàn vạn ức chúng sinh đều được trừ khỏi.
Bấy giờ, Đức Phật bảo thần cây Bồ-đề:
–Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, trưởng giả tử Lưu Thủy vào thuở xa xưa, trong nước của vua Thiên Tự Tại Quang, trị các bệnh khổ của các chúng sinh, khiến cho họ được bình phục, được niềm vui yên ổn. Các chúng sinh do được khỏi bệnh nên tu nhiều phước đức, thực hành bố thí rộng rãi. Do được an vui nên họ liền cùng nhau đi đến chỗ trưởng giả tử, tất cả đều tôn kính thưa: “Hay thay! Hay thay! Ngài Đại trưởng giả tử khéo có thể làm tăng trưởng các việc phước đức làm tăng thêm cho chúng con sự yên ổn và tuổi thọ! Ngài quả thật là bậc Đại Lực Y vương, bậc Bồ-tát Từ bi, bậc Diệu Nhàn y dược, giỏi chữa trị vô lượng bệnh khổ của chúng sinh!” Cứ như vậy, họ xưng dương, tán thán cùng khắp các thành ấp.
Này Thiện nữ thiên! Vợ của trưởng giả tử tên là Thủy Kiên Tạng, có hai người con, một tên là Thủy Mãn, hai tên là Thủy Tạng. Lúc đó, ông Lưu Thủy đem hai đứa con ấy lần lượt dạo qua các thành ấp, xóm làng, đi qua chỗ rừng sâu núi thẳm thấy các cầm thú thuộc loài ăn thịt như chó sói, chồn, diều hâu... đều chạy, bay về một hướng. Trưởng giả tử nghĩ rằng: “Những loài cầm thú này vì nhân duyên gì mà bay, chạy về một hướng? Ta phải theo đến đó để quan sát!” Ông liền đi theo thì thấy có cái ao lớn tên là Dã Sinh, nước trong ấy sắp hết. Ở trong ao này có rất nhiều cá, ông Lưu Thủy nhìn thấy, phát khởi lòng đại Bi. Có vị thần cây thị hiện một nửa thân hình nói rằng: “Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Ông có tên thật nghĩa là Lưu Thủy thì hãy thương xót những con cá này, nên cho chúng nước! Có hai nhân duyên tên là Lưu Thủy, một là có thể làm nước chảy, hai là có thể cho nước. Ông nay cần phải theo tên mà làm!” Lúc đó ông Lưu Thủy hỏi thần cây rằng: “Số cá này có bao nhiêu?” Thần cây đáp rằng: “Số tròn mười ngàn.”
Này Thiện nữ thiên! Ông trưởng giả tử nghe con số này rồi thì càng khởi lòng Bi thương bội phần. Cái ao lớn này bị mặt trời thiêu đốt, nước không còn bao nhiêu, mười ngàn con cá đó sắp bị chết, vùng vẫy lung tung, thấy ông trưởng giả, lòng có điều hy vọng nên đuổi theo ngắm nhìn, mắt nhìn không rời. Trưởng giả tử thấy việc vậy rồi, chạy đi bốn phương tìm kiếm dòng nước, nhưng rốt cuộc chẳng thể được. Lai trông về một bên, thấy có cây đại thọ, ông liền leo lên chặt lấy cành lá để làm bóng mát cho đàn cá. Ông lại tìm kiếm nguồn nước trong ao này từ đâu đến? Tìm kiếm mãi thì thấy một dòng sông lớn tên là Thủy Sinh. Bên bờ sông này có những người đánh cá, vì bắt cá nên ở chỗ thượng nguồn của sông, họ tháo bỏ nước chẳng cho chảy xuống ao. Ở chỗ đã tháo, rốt cục rất khó tu bổ, trưởng giả liền nghĩ rằng: “Ven rừng núi cao sâu này, giả sử có trăm ngàn người, trải qua ba tháng làm việc cũng chưa có thể xong, huống là một mình ta mà đủ sức hoàn thành ư?” Trưởng giả tử mau chóng trở về thành cũ, đến chỗ vị đại vương, đầu mặt lễ dưới chân, lui về đứng một phía chắp tay cung kính, thưa: “Tôi vì dân chúng trong cõi nước của đại vương chữa trị các loại bệnh đều khiến cho yên ổn, lần lượt đi đến rừng sâu, thấy có một cái ao tên là Dã sinh, nước ao ấy sắp khô cạn, có mười ngàn con cá bị sự thiêu đốt của mặt trời chẳng bao lâu nữa sẽ bị chết. Nguyện xin Đại vương từ bi mẫn niệm cho hai mươi con voi lớn chở nước đến để cứu mạng những con cá đó như tôi đã đem lại mạng sống của những người bệnh.” Bấy giờ, vị đại vương liền sai vị đại thần tức tốc cho vị thầy thuốc này voi lớn. Vị đại thần đó vâng lệnh vua, thưa với trưởng giả tử rằng: “Hay thay! Hay thay! Thưa Đại sĩ! Nay ngài có thể tự đến trong chuồng voi, tùy ý tuyển chọn lấy hai mươi con voi lớn để làm lợi ích cho chúng sinh, khiến cho chúng được an vui.” Lúc đó, ông Lưu Thủy và hai người con đem hai mươi con voi lớn, lại mượn từ nhà bán rượu nhiều túi bằng da, đi đến chỗ tháo nước, dùng túi da đựng nước cho voi chở đến ao, đổ vào trong ao, nước liền đầy khắp trở lại như cũ. Này Thiện nữ thiên! Ông trưởng giả tử, ở bốn bờ ao, đi giáp vòng mà nhìn. Những con cá kia lại men theo bờ mà đi theo. Trưởng giả tử lại nghĩ rằng: “Những con cá vì sao theo ta mà đi? Nhất định chúng bị sự đói bức ngặt nên lại muốn theo ta để xin thức ăn, ta phải cho chúng.” Bấy giờ, trưởng giả tử Lưu Thủy bảo con mình rằng: “Con chọn lấy một con voi mạnh nhất, mau chóng về nhà, trình bày với trưởng giả cha ta, những đồ vật ăn được có ở trong nhà, cho đến phần ăn của cha mẹ và cả phần của vợ con, nô tỳ đều thâu lấy hết mang đến đây ngay.” Bấy giờ, hai người con vâng lời cha dạy bảo, cưỡi con voi mạnh nhất, mau vội vã về nhà, đến chỗ ông nội, thưa lại những việc như trên và lấy những đồ vật ăn được trong nhà đặt trên lưng voi, vội vàng trở lại chỗ cha, đền bờ ao đó. Lúc đó, ông Lưu Thủy thấy con mình đến, thân tâm rất vui mừng, liền lấy thức ăn tung rải khắp trong ao. Cá được ăn rồi, tất cả đều no đủ. Ông liền nghĩ rằng: “Ta nay bố thí đồ ăn khiến cho cá được toàn mạng, nguyện đến đời sau sẽ bố thí những món ăn pháp cứu giúp đầy đủ vô biên.” Ông lại nghĩ suy: “Ta trước đã từng ở chỗ rừng thanh vắng, thấy một vị Tỳ-kheo tụng kinh Đại thừa, nói pháp cốt yếu sâu xa của mười hai duyên sinh. Lại nữa, trong kinh còn nói, nếu có chúng sinh khi sắp qua đời mà được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Bảo Kế thì liền được sinh lên cõi trời. Nay ta phải vì mười ngàn con cá này diễn nói mười hai duyên khởi sâu xa và cũng nên xưng nói danh hiệu Đức Như Lai Bảo Kế. Tuy nhiên, ở Thiệm-bộ châu có hai loại người, một là người tin sâu vào Đại thừa, hai là người chẳng tin, chê bai Đại thừa, nhưng ta cũng phải vì những con cá kia khiến chúng tăng trưởng lòng tin.” Trưởng giả tử lại tự nghĩ như vầy: “Ta vào trong ao, có thể vì tất cả các con cá nói pháp sâu xa vi diệu.” Nghĩ thế rồi, ông liền vào trong nước xướng lên rằng: “Nam-mô quá khứ Bảo Kế Như Lai, Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, Đức Phật này thuở xưa khi tu hạnh Bồ-tát đã phát nguyện: Tất cả các chúng sinh ở các cõi khắp mười phương, khi sắp qua đời, được nghe danh hiệu của ta thì sau khi qua đời được sinh lên cõi trời Tam thập tam.” Bấy giờ, ngài Lưu Thủy lại vì đàn cá trong ao diễn nói pháp vi diệu sâu xa như vầy: “Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh! Đó gọi là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên sinh danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử ưu bi khổ não! Cái này diệt nên cái kia diệt! Đó gọi là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục xứ diệt, lục xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử diệt, lão tử diệt thì ưu bi khổ não diệt. Như vậy, các khổ uẩn đều trừ diệt.” Nói pháp này rồi, ông lại vì cá nói Đà-la-ni Mười hai duyên khởi tương ứng rằng:
Đát điệt tha, tỳ chiết nĩ, tỳ chiết nĩ, tỳ chiết nĩ, tăng tắc chỉ nĩ, tăng tắc chỉ nĩ, tăng tắc chỉ nĩ, tỳ nhỉ nĩ, tỳ nhỉ nĩ, tỳ nhỉ nĩ, tá ha, đát điệt tha, na nhị nĩ na nhị nĩ, na nhị nĩ, sát trỉ nĩ, sát trỉ nĩ, sát trỉ nĩ, táp bát lí thiết nĩ, táp bát lí thiết nĩ, táp bát lí thiết nĩ, tá ha, đát điệt tha, bệ đạt nĩ bệ đạt nĩ, bệ đạt nĩ, thất lí sắt nĩ nĩ, thất lí sắt nĩ nĩ, thất lí sắt nĩ nĩ, ổ ba địa nĩ, ổ ba địa nĩ, ổ ba địa nĩ, tá ha, đát điệt tha, bà tỳ nĩ, bà tỳ nĩ, bà tỳ nĩ, xà để nĩ, xà để nĩ, xà để nĩ, xà ma nĩ nĩ, xà ma nĩ nĩ, xà ma nĩ nĩ, tá ha (Tadyathā vicani vicani vicani saṃścani saṃścani saṃścani bhiśini bhiśini bhiśini svāhā, tadyathā nāmini nāmini nāmini svāhā, śatini śatini śatini svāhā, spṛśani spṛśani spṛśani svāhā, tadyathā vedani vedani vedani svāhā, tṛṣṇi tṛṣṇi tṛṣṇi upādhini upādhini upādhini svāhā, tadyathā bhavini bhavini bhavini svāhā, tadyathā jatini jatini jatini svāhā, jammanini jamamnini jammanini svāhā).
Bấy giờ, khi Đức Thế Tôn vì các đại chúng nói về nhân duyên thuở xưa của trưởng giả thì các chúng trời, người đều khen chưa từng có. Tứ đại Thiên vương đều ở chỗ của mình, cùng nói kệ:
Hay thay! Đức Thích-ca
Nói diệu pháp, minh chú
Sinh phước, trừ các ác
Mười hai chi tương ứng
Chúng con cũng nói chú
Ủng hộ pháp như vậy.
Nếu người nào trái ngược
Chẳng khéo tùy thuận theo
Thì đầu vỡ bảy phần
Như Lan hương tiêu vậy.
Chúng con ở trước Đức Phật cùng nói thần chú rằng:
Đát điệt tha, tứ li mêm, yết đệ kiện, đà lí, chiên trà lí địa lệ, tao phạt lệ, thạch tứ phạt lệ, bổ la bố lệ củ củ mạt để, kỳ la mạt để, đạt địa mục khế, củ lỗ ba, mẫu lỗ bà, cụ trà mẫu lỗ kiện đề, đỗ lỗ đỗ lỗ, tỳ lệ, y nên tất tất nên đạp, côn đạt đạp côn, ổ tất đát lí, ô suất tra la phạt để, át lạt ta phạt để, bát đổ ma phạt để, câu tô ma phạt để, tá ha (Tadyathā hirini gate gandhārī candāri dhiri jāṃvare śhibhare pure pure gugumati khiramati dadhimukhi laurubha murubha kucamurukante duru duru duru vrya aidhisi dadheve dadhave uṣṭri uṣṭravati arsaprahati padmavati kusumavate [usumavati] svāhā).
Đức Phật bảo rằng:
–Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, ông trưởng giả tử Lưu Thủy và hai người con vì cá trong ao đó, cho nước, cho thức ăn và nói pháp xong, đều cùng nhau trở về nhà. Trưởng giả tử Lưu Thủy này, thời gian sau đó, nhân có tụ họp tổ chức vui chơi âm nhạc, nên say rượu nằm ngủ. Mười ngàn con cá đồng thời qua đời và sinh lên cõi trời Tam thập tam. Chúng khởi ý nghĩ: “Chúng ta do nhân duyên nghiệp lành gì mà sinh lên cõi trời này?” Chúng liền nói với nhau rằng: “Trước đây, chúng ta ở trong Thiệm-bộ châu, đọa trong loài súc sinh, cùng chịu thân loài cá. Ông trưởng giả tử Lưu Thủy cho chúng ta nước và đồ ăn, lại vì chúng ta nói pháp sâu xa, mười hai duyên khởi và Đà-la-ni, lại xưng danh hiệu Đức Như Lai Bảo Kế. Do nhân duyên đó khiến cho chúng ta được sinh lên cõi trời này. Vậy nên chúng ta hôm nay đều đi đến chỗ trưởng giả tử đó mà báo ân cúng dường!”
Bấy giờ, mười ngàn vị Thiên tử liền biến mất ở cõi trời, hiện đến chỗ của vị thầy thuốc giỏi ấy ở Thiệm-bộ châu. Trưởng giả tử yên ổn nằm ngủ ở trên lầu cao, mười ngàn Thiên tử cùng nhau đem mười ngàn chuỗi ngọc trân châu đặt bên trên đầu nằm, lại đem mười ngàn chuỗi ngọc đặt ở chân ông ấy, lại đem mười ngàn chuỗi đặt ở hông phải, lại đem mười ngàn chuỗi đặt bên hông trái. Rồi mưa xuống hoa Mạn-đà-la, hoa Đại Mạn-đà-la ngập đến đầu gối, ánh sáng soi khắp, các loại nhạc trời phát ra âm thanh vi diệu khiến cho ở Thiệm-bộ châu mọi người đang ngủ nghỉ đều tỉnh giấc. Ông trưởng giả tử Lưu Thủy cũng thức dậy. Lúc đó mười ngàn Thiên tử cúng dường xong, liền lên không trung bay đi. Ở bên trong nước của vua Thiên Tự Tại Quang, đâu đâu cũng đều mưa xuống hoa sen đẹp cõi trời. Các Thiên tử đó lại đi đến nơi ở cũ, trong cái ao nơi rừng sâu mà rải xuống nhiều loại hoa cõi trời. Rồi các Thiên tử biến mất ở đây, trở về cung điện trời, tùy ý tự hưởng thụ niềm vui năm dục. Sáng sớm vua Thiên Tự Tại Quang, hỏi các đại thần rằng: “Đêm qua vì nhân duyên gì mà bỗng nhiên hiện tướng điềm hy hữu như vậy? Còn phóng ra ánh sáng lớn?” Đại thần đáp rằng: “Thưa Đại vương! Có các vị Trời ở trong nhà của ông trưởng giả tử Lưu Thủy, mưa xuống bốn mươi ngàn chuỗi ngọc trân châu và hoa mạn-đà-la cõi trời ngập đến đầu gối.” Nhà vua bảo vị đại thần rằng: “Ngươi hãy đến nhà ông trưởng giả gọi con ông ấy đến đây cho ta!” Vị đại thần tuân lệnh vua, liền đi đến nhà ấy, tuyên đọc Thánh chỉ gọi con ông trưởng giả. Trưởng giả tử liền đi đến chỗ vua. Nhà vua nói rằng: “Vì nhân duyên gì mà đêm qua hiện ra tướng điềm hiềm có như vậy?” Trưởng giả tử đáp: “Như suy nghĩ của thảo dân thì nhất định là điềm ứng với những con cá trong cái ao kia. Trong kinh đã nói, sau khi qua đời, chúng được sinh lên cõi trời Tam thập tam, chúng đến đền ân nên hiện tướng kỳ lạ hiếm có như vậy.” Nhà vua nói rằng: “Làm sao ngươi biết được?” Ông Lưu Thủy đáp: “Đức vua nên sai sứ cùng với hai con của tôi đi đến chỗ cái ao kia kiểm nghiệm việc ấy là dối hay thật. Mười ngàn con cá kia đã chết hay còn sống.” Nhà vua nghe theo lời nói đó, liền sai sứ và con trưởng giả tử đi về bên bờ ao đó. Họ thấy trong ao ấy có nhiều hoa Mạn-đà-la gom thành một đám lớn, các con cá đều chết. Thấy rồi, họ vội vàng trở về tâu mọi việc với nhà vua. Nhà vua nghe vậy rồi, lòng rất hoan hỷ khen là việc chưa từng có.
Bấy giờ, Đức Phật bảo thần cây Bồ-đề rằng:
–Này Thiện nữ thiên! Ngươi nay phải biết, ông trưởng giả tử Lưu Thủy thuở xưa chính là thân ta; ông trưởng giả Trì Thủy là Diệu Tràng; hai người con kia, con lớn Thủy Mãn tức là Kim Tràng, con thứ Thủy Tạng tức là Ngân Quang, vua Thiên Tự Tại Quang kia chính là thần cây Bồ-đề; mười ngàn con cá chính là mười ngàn Thiên tử. Nhân thuở xưa ta dùng nước cứu giúp đàn cá, cho chúng được ăn no đủ, vì chúng nói mười hai duyên khởi sâu xa cùng chú Đà-la-ni tương ứng này, lại còn vì chúng xưng danh hiệu Đức Phật Bảo Kế. Nhờ căn lành này, chúng được sinh lên trời, hôm nay họ đến chỗ của ta, hoan hỷ nghe pháp. Ta đều sẽ thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho tất cả nói ra danh hiệu của họ. Này Thiện nữ thiên! Như thuở xưa, ta ở trong sinh tử, luân hồi trong các cõi, vì lợi ích cho khắp tất cả vô lượng chúng sinh và khiến cho tất cả họ theo thứ tự được thọ ký thành Vô thượng giác. Các ngươi đều nên siêng năng cầu giải thoát, không được buông lung!
Bấy giờ, đại chúng nghe Phật nói vậy rồi, đều hiểu rằng: “Chỉ có dùng đại Từ bi cứu giúp tất cả, siêng tu khổ hạnh, mới có thể chứng được Vô thượng Bồ-đề”, tất cả đều kính tin sâu xa và vô cùng hoan hỷ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đã vì đại chúng nói về nhân duyên thuở xưa của mười ngàn Thiên tử này, rồi lại bảo thần cây Bồ-đề và các đại chúng rằng:
–Ta ở đời quá khứ, khi thực hành đạo Bồ-tát, chẳng những chỉ bố thí nước và đồ ăn cứu giúp mạng sống của những con cá đó mà còn xả bỏ tấm thân đáng yêu quý của mình nữa! Những nhân duyên như vậy, các ông có thể cùng nhau quan sát! Bấy giờ, Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, bậc Thiên Thượng Thiên Hạ Tối Thắng Tối Tôn phóng ra trăm ngàn ánh sáng soi khắp các cõi ở mười phương, đầy đủ Nhất thiết trí, công đức viên mãn... cùng các Tỳ-kheo và đại chúng đến làng Bát-già-la, vào trong một khu rừng. Đất rừng ấy bằng phẳng, không có gai gốc, hoa đẹp, cỏ mềm trải khắp nơi. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan-đà rằng: –Ông hãy bày tòa ngồi cho ta nơi gốc cây này! Ngài A-nan-đà vâng lời, bày tòa xong liền bạch:
–Bạch Thế Tôn! Tòa ngồi đã bày xong! Kính thỉnh Thế Tôn an tọa!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền lên tòa, ngồi kiết già, thân ngay thẳng chánh niệm, bảo các Tỳ-kheo: –Này các Tỳ-kheo! Các ông muốn thấy xá-lợi của ta khi ta làm Bồ-tát tu khổ hạnh thuở xưa không?
Các Tỳ-kheo thưa:
–Chúng con rất muốn thấy!
Đức Thế Tôn liền dùng cánh tay tướng tốt trăm phước trang nghiêm vỗ xuống đất nơi ấy. Tức thời, đất đai chấn động sáu cách liền nứt toạt ra, một ngôi tháp bảy báu vọt ra với lưới báu trang nghiêm ở bên trên. Đại chúng thấy vậy rồi, sinh lòng hy hữu. Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền đứng dậy, đảnh lễ, đi nhiễu quanh bên phải tháp, rồi trở lại tòa ngồi, bảo A-nan-đà rằng:
–Ông hãy mở cửa tháp này ra!
A-nan-đà liền mở cửa ngôi tháp ấy, nhìn thấy cái hộp bảy báu được trang trí tuyệt đẹp, bạch rằng:
–Bạch Thế Tôn! Có cái hộp bảy báu được trang trí bằng nhiều châu báu!
Đức Phật bảo:
–Ông hãy mở hộp ra!
Ngài A-nan-đà vâng lời, mở ra, thấy có xá-lợi trắng như ngọc kha tuyết, như hoa Câu-vật-đầu, liền bạch Đức Phật rằng:
–Thưa, trong hộp có xá-lợi màu sắc đẹp lạ thường!
Đức Phật nói:
–Này A-nan-đà, ông có thể mang xương của vị Đại sĩ này lại!
A-nan-đà liền lấy xương ấy dâng lên Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nhận rồi, bảo các vị Tỳ-kheo rằng:
–Các ông hãy quan sát xá-lợi của Bồ-tát tu khổ hạnh để lại đi!
Rồi Đức Phật nói lời tụng rằng:
Tuệ Bồ-tát tương ứng phước đức
Tinh cần dũng mãnh sáu độ đủ
Vì Bồ-đề, thường tu chẳng dứt
Không mệt, chẳng bỏ tâm kiên cố.
Này các Tỳ-kheo! Các ông đều nên lễ kính thân xưa của Bồ-tát! Xá-lợi này mới chính là sự xông ướp hương thơm của vô lượng hương giới, hương định, hương tuệ, là ruộng phước tối thượng rất khó gặp gỡ!
Các Tỳ-kheo và đại chúng đều chí tâm chắp tay cung kính đảnh lễ xá-lợi, khen chưa từng có! Anan-đà đảnh lễ dưới chân Đức Phật, bạch rằng:
–Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai Đại Sư vượt lên trên tất cả, được sự cung kính của các loài hữu tình thì vì nhân duyên gì mà Thế Tôn đảnh lễ xương cốt này?
Đức Phật bảo:
–Này A-nan-đà, ta nhờ cốt xương này mà mau thành tựu được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì báo ân xưa nên hôm nay ta đảnh lễ!
Đức Phật lại bảo A-nan-đà:
–Ta nay vì ông và các đại chúng đoạn trừ nghi hoặc mà nói về nhân duyên thuở xưa của xá-lợi này. Các ông hãy khéo suy nghĩ, một lòng lắng nghe!
A-nan-đà bạch:
–Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con rất muốn nghe! Nguyện xin Phật vì chúng con mà giảng nói: –Này A-nan-đà, thuở quá khứ có một vị quốc vương tên là Đại Xa, giàu có, nhiều của cải, kho tàng đầy ắp, quân binh dũng mãnh, mọi người khâm phục, thường dùng chánh pháp để giáo hóa dân chúng, nhân dân đông đúc, không có oán địch. Hoàng hậu của vua sinh ba người con, dung mạo khôi ngô, mọi người đều ưa nhìn. Thái tử tên là Ma-ha Ba-la, kế đến tên là Ma-ha Đề-bà, người con út tên là Ma-ha Tát-đỏa. Lúc đó, vị đại vương vì muốn dạo chơi ngắm cảnh núi rừng nên ba vị vương tử ấy cũng đều đi theo. Vì tìm hoa quả nên họ bỏ xa cha, đi lại cùng khắp, đến khu rừng trúc lớn, trong lúc dừng nghĩ, thái tử nói như vầy: “Ngày hôm nay ở trong rừng này, lòng ta rất kinh hoàng! Chắc sẽ có thú dữ tổn hại đến ta.” Vương tử thứ hai nói: “Ta đối với thân mình không tham tiếc, chỉ sợ đối với sự yêu thương phải có khổ biệt ly.” Vương tử thứ ba bạch với hai anh rằng:
Đây là chỗ ở của thần tiên
Ta không kinh sợ buồn ly biệt
Khắp cả thân tâm đều hoan hỷ
Sẽ được các công đức thù thắng.
Các vị vương tử đều nói việc suy nghĩ của lòng mình rồi tiếp tục đi về trước, thấy có một con hổ sinh bảy hổ con vừa trải qua bảy ngày, các hổ con vây quanh, đang bị đói khát bức ngặt, thân hình gầy yếu, chẳng lâu nữa sẽ bị chết. Vị vương tử thứ nhất nói rằng: “Thương thay! Con hổ này sinh đã bảy ngày, bảy con vây quanh, nên không thể đi tìm đồ ăn, bị đói khát bức ngặt, nhất định sẽ quay lại ăn thịt con.” Vương tử Tát-đỏa hỏi rằng: “Con hổ này thường ăn vật gì?” Vương tử thứ nhất đáp rằng:
Hổ, báo, sói, sư tử
Chỉ ăn máu thịt tươi
Không uống ăn gì khác
Có thể đỡ yếu gầy.
Vị vương tử thứ hai nghe lời nói này rồi, nói rằng: “Con hổ này gầy yếu, bị đói khát bức ngặt, mạng sống không còn được bao lâu thì chúng ta làm sao có thể vì nó tìm đồ ăn thức uống khó được như vậy. Ai lại có thể vì nó tự bỏ thân mạng mà cứu giúp sự đói khổ ấy?” Vị vương tử thứ nhất nói rằng: “Tất cả sự khó bỏ không gì hơn thân mình.” Vương tử Tát-đỏa nói: “Chúng ta hôm nay đối với thân mình đều sinh tâm luyến ái, lại không trí tuệ nên chẳng thể đối với người khác làm điều gì lợi ích. Nhưng có bậc Đại sĩ có lòng đại Bi thường vì lợi tha mà quên thân cứu giúp vật.” Chàng lại nghĩ rằng: “Thân này của ta hàng trăm ngàn đời nay là rỗng không, bỏ đi, hoại rữa, không hề ích lợi gì, sao hôm nay chẳng thể xả bỏ như nhổ bỏ nước dãi để cứu giúp đói khổ.” Các vị vương tử bàn luận xong, đều khởi lên lòng Từ, nghĩ ngợi xót thương, cùng nhau quan sát con hổ gầy yếu, mắt chẳng tạm rời, bồi hồi lúc lâu, rồi đều bỏ đi. Bấy giờ, vương tử Tát-đỏa liền khởi lên ý niệm này: “Ta xả bỏ thân mạng, hôm nay chính là lúc! Vì sao? Vì:
Ta giữ thân này từ lâu lắm
Bẩn hôi mũ chảy chẳng đáng yêu
Cung cấp đồ dùng, sự ăn mặc
Voi ngựa, xe cộ và của cải
Thân thể vô thường, pháp biến hoại
Hằng cầu khó được, khó giữ gìn
Tuy cung dưỡng nhưng oán hại
Cuối cùng bỏ ta, chẳng biết ân.
Lại nữa, thân này chẳng bền, đối với ta vô ích, đáng sợ như giặc, chẳng sạch như phân. Hôm nay ta sẽ khiến cho thân này tu hành nghiệp rộng lớn, ở trong biển sinh tử làm chiếc thuyền lớn, từ bỏ ra khỏi luân hồi. Chàng lại nghĩ rằng: “Nếu ta xả bỏ thân này tức là xả bỏ vô lương bệnh dữ ung thư, trăm ngàn sợ hãi! Thân này chỉ có đại, tiểu tiện lợi, chẳng bền, như bọt nước, chỗ tập trung của các loài trùng, do mạch máu, gân xương... cùng nối liền nhau rất đáng chán ngại! Vậy nên ta nay cần phải xả bỏ để cầu Niết-bàn Vô thượng hoàn hảo, vĩnh viễn lìa khỏi sự sợ hãi lo buồn vô thường, khổ não, chấm dứt sinh tử, cắt đứt các trần lụy, dùng sức định tuệ huân tu viên mãn, trăm phước trang nghiêm thành Nhất thiết trí, Pháp thân vi diệu được chư Phật khen ngợi, đã chứng đắc rồi thì thí cho các chúng sinh vô lượng pháp lạc.” Lúc đó, vương tử phát thệ nguyện dũng mãnh rộng lớn, niệm đại Bi càng tăng thêm. Nghĩ đến hai người anh chàng lo sợ, lòng khó xử mà chẳng đạt kết quả việc mình muốn thực hành, vương tử liền thưa: “Hai anh đi trước, còn em sẽ đi sau.” Bấy giờ, vương tử Tátđỏa trở vào trong rừng, đến chỗ con hổ kia, cởi bỏ quần áo, mắc lên cành trúc, rồi thề rằng:
Ta vì pháp giới, các chúng sinh
Chỉ cầu đạo Bồ-đề vô thượng
Khởi tâm đại Bi, không dao động
Xả bỏ thân phàm phu ưa thích
Bồ-đề không lo, không phiền não
Niềm vui của những người có trí
Chúng sinh ba cõi khổ mênh mông
Ta nay cứu vớt khiến an lạc.
Lúc đó, vương tử nói lời này rồi, để thân nằm yên trước hổ đói. Nhưng do uy lực từ bi của Bồ-tát nên con hổ không thể làm gì. Bồ-tát thấy vậy liền lên núi cao gieo mình xuống đất, nhưng các thần tiên đỡ lấy vương tử nên không bị thương tổn. Vương tử lại nghĩ: “Hổ đã gầy yếu chẳng thể ăn thịt được ta.” Ông liền đứng dậy tìm dao, rốt cuộc cũng chẳng thể được, nên liền dùng tre khô đâm vào cổ cho chảy máu, rồi tiến gần đến bên hổ. Lúc đó, đại địa chấn động sáu cách như gió tuông, nước trào, chìm đắm chẳng yên, mặt trời không ánh sáng giống như chướng La-hầu, các phương bóng tối bao phủ không còn ánh sáng nữa, trời mưa nhiều hoa quý và bột thơm vi diệu rơi xuống đầy khắp trong rừng. Bấy giờ, trong hư không, có các Thiên chúng thấy việc này rồi, tâm rất tùy hỷ, khen chưa từng có, đều cùng khen rằng: “Hay thay! Bậc Đại sĩ.” Rồi liền nói kệ:
Đại sĩ cứu giúp, khởi tâm Bi
Nhìn chúng sinh bình đẳng như con
Dũng mãnh, hoan hỷ, không tham tiếc
Xả thân cứu khổ, phước khó bàn
Nhất định đạt chân thường thù thắng
Lìa hẳn sinh tử, các buộc ràng
Chẳng lâu sẽ đạt Đạo Bồ-đề
Lạc an, tịch tịnh ngộ vô sinh.
Lúc đó, cọp đói đã thấy cổ Bồ-tát chảy máu, liền liếm và ăn thịt cho đến hết, chỉ còn lại xương.
Bấy giờ, vương tử thứ nhất thấy đất chấn động, bảo người em thứ rằng:
Sông núi, đất đai đều chấn động
Các phương tối, mặt trời không sáng
Hoa trời rơi đầy khắp hư không
Nhất định em ta bỏ thân tướng.
Vị vương tử thứ hai nghe anh nói, liền nói kệ:
Ta nghe lời Tát-đỏa Từ bi
Thấy hổ đói kia thân yếu gầy
Sợ nó ăn con vì đói khổ
Ta nghi em đã bỏ thân rồi.
Hai vị vương tử vô vùng buồn khổ, khóc lóc thở than, liền cùng theo nhau trở lại chỗ con hổ, thấy quần áo của em ở trên cành trúc, hài cốt và tóc tại chỗ dọc ngang, máu chảy thành bùn thấm bẩn cả đất. Thấy rồi ngất đi, không còn tỉnh táo, gieo thân mình lên xương, hồi lâu mới tỉnh lại, họ liền đưa tay lên khóc thương thảm thiết, rồi cùng than rằng:
Dung mạo em tuấn tú
Cha mẹ rất yêu thương
Sao cùng nhau đi dạo
Mà chẳng về, bỏ thân
Nếu khi cha mẹ hỏi
Chúng ta đáp sao đây
Thà nên cùng bỏ mạng
Còn hơn giữ thân mình
Hai vương tử buồn khóc áo não, bỏ đi. Những tùy tùng của hoàng tử út nói với nhau rằng: “Vương tử ở đâu? Chúng ta phải cùng nhau tìm kiếm!”
Bấy giờ, hoàng hậu ngủ trên lầu cao, bà nằm mơ thấy tướng chẳng lành, bị cắt hai vú, răng bị rụng, có ba con chim bồ câu mà một con bị chim ưng bắt, hai con bị kinh sợ. Khi động đất, phu nhân liền thức dậy, lòng rất sầu não, nói lời như vầy:
Vì sao hôm nay đất chấn động
Chấn động cả sông núi cây rừng
Mặt trời không sáng như che phủ
Khi mắt nháy, vú động lạ thường
Lòng như tên bắn, ưu khổ bức
Khắp thân rúng động không yên ổn
Giấc mơ của ta, điềm chẳng tốt
Ắt có điều tai biến không thường.
Hai vú của hoàng hậu bỗng nhiên chảy ra sữa, bà nghĩ điều này nhất định có việc khác lạ. Có thị nữ nghe người ngoài nói rằng, tìm kiếm vương tử đến nay còn chưa được, lòng rất kinh sợ, liền vào trong cung, thưa với hoàng hậu rằng: “Thưa nương nương! Nương nương có biết không? Bên ngoài nghe nhiều người đi khắp nơi tìm kiếm vương tử, tìm khắp mà chẳng được.” Hoàng hậu nghe rồi, vô cùng lo buồn, nước mắt lưng tròng, đi đến chỗ vị đại vương tâu rằng: “Thưa đại vương! Thiếp nghe người ngoài nói như vầy, đã mất đứa con yêu quý nhỏ nhất của thiếp rồi.” Nhà vua nghe lời này rồi, kinh hoàng, thất sắc, nghẹn ngào nói: “Khổ thay! Hôm nay ta đã mất đứa con yêu.” Nhà vua liền gạt nước mắt an ủi dỗ dành hoàng hậu, bảo rằng: “Này Hiền thê! Nàng chớ lo buồn! Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm kiếm đứa con yêu.” Nhà vua cùng đại thần và các dân chúng liền cùng nhau ra khỏi thành, mọi người phân tán đi khắp nơi tìm kiếm. Không lâu sau, có một đại thần tâu vua rằng: “Nghe nói các vương tử còn sống, xin bệ hạ chớ lo buồn. Vương tử nhỏ nhất thì hiện nay chưa tìm thấy.” Nhà vua nghe nói, buồn than rằng: “Khổ thay! Khổ thay! Mất đứa con yêu quý của ta.
Khi mới có con, ít vui mừng
Sau khi mất con, nhiều lo khổ
Nếu khiến con ta được sống lại
Dù mất thân ta chẳng thấy khổ.
Hoàng hậu nghe rồi, buồn khổ đau đớn như bị trúng tên, bà than rằng:
Con ta ba đứa và tùy tùng
Cùng nhau đi dạo ở trong rừng
Con yêu nhỏ nhất chẳng trở lại
Nhất định có việc gặp tai ương.
Thứ đến, người bề tôi thứ hai đi đến chỗ nhà vua. Nhà vua hỏi người bề tôi: “Con yêu của ta ở đâu?” Vị đại thần thứ hai khóc lóc áo não, miệng nghẹn ngào, lưỡi khô cứng chẳng thể nói lời đáp lại. Phu nhân hỏi rằng:
Con út ta đâu? Hãy báo nhanh!
Thân ta phiền não cháy khắp cùng
Mê man buồn loạn, mất bản tâm
Chớ khiến ngực ta bị vỡ tan.
Vị đại thần thứ hai đem việc vị vương tử xả thân tâu đầy đủ cho nhà vua biết. Nhà vua và hoàng hậu nghe rồi, vô cùng bi thương nghẹn ngào, trông về chỗ xả thân, cho xa giá đi về phía trước. Đi tới chỗ rừng trúc, đến vùng đất xả thân của Bồ-tát, nhìn thấy hài cốt lăn lóc khắp nơi, vua và hoàng hậu gieo mình xuống đất, ngất đi sắp chết như gió mạnh thổi ngã cây đại thọ, tâm ý mê loạn, không còn biết gì nữa. Các vị đại thần dùng nước tưới khắp người vua và hoàng hậu, hồi lâu mới tỉnh lại, đưa tay lên mà gào khóc, than rằng: Họa thay! Con yêu tướng khôi ngô Do đâu khổ chết đến trước tiên? Nếu ta được thay con chết trước Đâu thấy việc khổ xé lòng này.
Bấy giờ, hoàng hậu hơi bớt mê man, đấu tóc rối bù, hai tay đấm ngực, lăn lộn dưới đất như cá lên mặt đất, như trâu mất con, buồn khóc nói rằng:
Con ta ai giết hại
Mà trên đất xương còn?
Con ta yêu đã mất
Thật đau đớn, lo buồn
Khổ thay! Ai giết con?
Đem đến việc ưu phiền
Lòng chẳng phải kim cang
Làm sao mà chẳng vỡ?
Điều ta thấy trong mơ:
Hai vú đều bị cắt
Tất cả răng đều rụng
Bị khổ đau lớn này.
Mộng thấy ba chim câu
Một bị chim ưng bắt
Thì nay mất con yêu
Tướng ác, chẳng sai chạy.
Bấy giờ, vị đại vương và hoàng hậu cùng hai con đau buồn khóc lóc thảm thiết, chuỗi ngọc chẳng mang, cùng với mọi người cùng nhau thu nhặt xá-lợi thân còn lại của Bồ-tát và đặt trong tháp để cúng dường. Này A-nan-đà! Các ông nên biết, đây chính là xá-lợi của Bồ-tát. Này A-nan-đà! Đức Phật lại bảo ta thuở xưa, tuy còn đủ phiền não, tham, sân, si... nhưng có thể ở trong... năm đường địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh; tùy duyên cứu giúp khiến tất cả được giải thoát. Huống gì hôm nay, phiền não đều hết, không còn tàn dư, hiệu Thiên Nhân Sư, đủ Nhất thiết trí mà ta chẳng thể vì mỗi một chúng sinh qua nhiều kiếp ở trong địa ngục và những chỗ khác, thay thế chúng sinh chịu đủ các khổ, khiến cho họ ra khỏi sinh tử phiền não luân hồi ư?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại ý nghĩa này nên nói kệ:
Ta nhớ đời quá khứ
Vô số kiếp không lường
Hoặc khi làm vương tử
Hoặc lại làm quốc vương
Thường hành bố thí lớn
Và bỏ thân yêu quý.
Nguyện ra khỏi sinh tử
Đến đạo tràng Bồ-đề.
Thuở xưa có nước lớn
Quốc vương tên Đại Xa
Vương tử tên Dũng Mãnh
Bố thí không tham tiếc
Hai anh của vương tử
Hiệu Đại cừ, Đại thiên
Ba người cùng dạo chơi
Lần đến chỗ núi rừng.
Thấy cọp bị đói khát
Liền khởi tâm như vầy:
Hổ bị lửa đói đốt
Không có gì để ăn.
Đại sĩ thấy như thế
Sợ hổ sắp ăn con
Bỏ thân không nuối tiếc
Cứu con chẳng tổn thương.
Đất đai và các núi
Đồng thời đều chấn động
Sông biển đều cuồn cuộn
Sóng sợ, nước ngược dòng
Trời đất mất ánh sáng
Tối tăm không thấy gì,
Các cầm thú, rừng hoang
Bay, chạy mất chỗ nương.
Hai anh sợ chẳng về
Rất lo buồn, thương xót
Liền cùng các tùy tùng
Tìm kiếm khắp núi rừng
Anh em cùng bàn bạc
Quay lại chỗ rừng sâu
Nhìn khắp chẳng thấy gì
Thấy cọp còn tại rừng.
Bảy con cùng cọp mẹ
Miệng chúng còn dính máu
Xương tàn cùng với tóc
Vương vải khắp mặt đất
Lại thấy có máu chảy
Lan khắp chỗ rừng cây.
Hai anh đã nhìn thấy
Lòng vô cùng kinh hoàng
Ngất xỉu lăn ra đất
Mê man chẳng hay biết.
Thân họ lắm bụi đất
Sáu căn đều loạn động
Tùy tùng của vương tử
Gào khóc lòng buồn rầu.
Rưới nước cho tỉnh lại
Giơ tay gào khóc than.
Khi Bồ-tát bỏ thân
Thì hoàng hậu trong cung
Cùng năm trăm thể nữ
Đang cùng nhau vui vẻ
Hai vú của hoàng hậu
Bỗng nhiên sữa chảy ra
Khắp thân như kim chích
Đau khổ chẳng thể yên
Sinh ý tưởng mất con
Mũi tên lo đâm lòng
Liền thưa đại vương biết
Trình bày việc khổ phiền
Buồn khóc khó cầm lòng
Thảm thiết tâu vua rằng:
Đại vương nay phải biết,
Thiếp vô cùng khổ phiền
Hai vú bỗng chảy sữa
Không làm sao ngăn được
Khắp thân như kim chích
Lo sợ ngực vỡ tung.
Thiếp trước mộng điềm ác
Ắt sẽ mất con yêu
Xin vua cứu mạng thiếp
Biết con còn hay mất.
Ba chim câu mơ thấy
Chim nhỏ là con út
Bỗng bị chim ưng bắt
Sầu bi khó trình bày
Thiếp chìm biển lo âu
Chẳng lâu, chắc sẽ chết
Sợ con chẳng toàn mạng
Nguyện ngài mau tìm kiếm!
Lại nghe người ngoài nói
Con út tìm chẳng thấy
Trong lòng thiếp chẳng yên
Xin bệ hạ thương xót
Hoàng hậu thưa vua xong
Toàn thân lăn ra đất
Lòng buồn đau tột cùng
Mê man, chẳng hay biết.
Tỳ nữ thấy hoàng hậu
Ngất xỉu ngã xuống đất
Đều cùng nhau khóc lớn
Lo lắng mất chỗ dựa.
Vua nghe lời nói trên
Càng lo âu, rối rắm
Nhân đó lệnh quần thần
Đi tìm kiếm hoàng tử.
Họ đều ra khỏi thành
Đi tìm kiếm khắp nơi
Khóc lóc, hỏi mọi người:
Vương tử nay ở đâu?
Hôm nay mất hay còn
Chỗ ngài đi ai biết
Làm sao ta được thấy
Thì lòng hết lo buồn
Mọi người cùng truyền nhau
Đều nói vương tử chết.
Ai nghe cũng tiếc thương
Buồn than, khổ khó dứt.
Bấy giờ, vua Đại Xa
Buồn kêu khóc đứng dậy
Liền đến chỗ hoàng hậu
Lấy nước rưới thân bà
Hoàng hậu nhờ như vậy
Hồi lâu mới tỉnh dậy
Buồn khóc mà hỏi vua:
Con thiếp còn hay không?
Vua bảo hoàng hậu rằng:
Ta đã sai mọi người
Tìm con khắp bốn phương
Còn chưa có tin tức!
Vua lại bảo hoàng hậu
Nàng đừng quá não phiền
Nên tự an ủi mình
Cùng ta đi tìm kiếm!
Vua liền cùng hoàng hậu
Lên xa giá lên đường
Tiếng kêu gào thê lương
Lòng lo như lửa cháy.
Trăm ngàn vạn sĩ, dân
Cũng ra thành theo vua
Muốn tìm con của vua
Tiếng bi thương chẳng dứt.
Vua vì tìm con yêu
Mắt nhìn khắp bốn phương
Thấy có một người đến
Máu thấm tóc, quần áo
Toàn thân lấm đầy bụi
Buồn khóc đang đi đến.
Vua thấy tướng chẳng lành
Càng tăng thêm lo buồn
Vua đưa hai tay lên
Kêu thương không thể dứt.
Có một vị đại thần
Vội vàng đến chỗ vua
Và tâu rằng: “Đại vương!
Xin Ngài chớ buồn tiếc
Đứa con yêu của Ngài
Nay tuy tìm chưa được
Chẳng lâu sẽ tìm ra!”
Để an ủi đại vương
Vua lại tiến lên trước
Tiếp thấy đại thần đến
Đại thần tới chỗ vua
Rơi nước mắt tâu rằng:
Hai vương tử hiện còn
Bị lửa lo bức ngặt
Con thứ ba của vua
Đã bị vô thường cướp
Thấy cọp đói mới sinh
Sắp muốn ăn con nó.
Vương tử Tát-đỏa thấy
Liền khởi lòng đại Bi
Nguyện cầu đạo Vô thượng
Sẽ độ mọi chúng sinh.
Chánh niệm về Bồ-đề
Rộng lớn sâu như biển
Liền lên trên đỉnh núi
Gieo thân trước cọp đói
Cọp yếu chẳng ăn được,
Dùng tre cứa cổ mình
Cọp liền ăn vương tử
Chỉ còn lại phần xương
Khi vua và hoàng hậu
Nghe rồi liền ngất luôn
Lòng chìm biển buồn đau
Lửa phiền não thiêu đốt.
Thần đem nước chiên-đàn
Rưới lên vua, hoàng hậu
Tỉnh dậy khóc thảm thương
Giơ tay đấm ngực mình.
Đại thần thứ ba đến
Tâu lên đức vua rằng:
Thần thấy hai vương tử
Ngất xỉu ở trong rừng
Thần dùng nước lạnh rưới
Vừa mới tỉnh lại xong.
Quay nhìn khắp bốn phương
Như lửa mạnh khắp nơi
Đã đứng lên, hồi phục
Gào khóc rất bi thương
Giơ tay, lời bi thiết:
Khen em, thật hiếm có!
Vua nghe nói như vậy
Lửa lo buồn tăng thêm
Hoàng hậu gào khóc lớn
Gào lớn tiếng như vầy:
Con nhỏ mà ta yêu thương nhất
Đã bị La-sát vô thường nuốt
Nay chỉ còn lại có hai con
Lại bị lửa lo buồn thiêu đốt
Ta phải mau đến dưới chân núi
An ủi khiến mạng chúng bảo toàn!
Liền lên xa giá, về phía trước
Một lòng đến chỗ con bỏ thân.
Trên đường gặp hai con khóc lóc
Đấm ngực áo não, dáng tiều tụy
Cha mẹ nhìn thấy càng buồn thương
Đều đến rừng núi chỗ bỏ thân.
Đã đến đất Bồ-tát xả thân
Khóc lóc bi thương, rất khổ sở
Cởi bỏ chuỗi ngọc, tỏ lòng thương
Thâu nhặt xương cốt thân Bồ-tát
Cùng mọi người xây tháp bảy báu
Để cùng lễ bái và cúng dường
Đem xá-lợi đó đặt trong hộp
Lên xa giá, đau buồn về cung.
Phật lại bảo A-nan:
Ông Tát-đỏa thuở xưa
Đó chính là thân ta
Đừng nghĩ là ai khác
Vua là Tịnh Phạn vương
Mẫu hậu là Ma-gia
Thái tử là Từ Thị
Thứ: Mạn-thù-thất-lị
Cọp là Đại Thế chủ
Năm con, năm Tỳ-kheo
Một là Đại Mục-liên
Một là Xá-lợi-phất.
Ta vì các ông nói
Nhân duyên lợi tha xưa
Như vậy hạnh Bồ-tát
Nên học nhân thành Phật
Bồ-tát khi xả thân
Phát nguyện lớn như vầy:
Nguyện xương thân ta còn
Đời sau lợi chúng sinh.
Đây là chỗ xả thân
Ngôi tháp bằng bảy báu
Trải thời gian không lường
Nên chìm sâu trong đất.
Do lực xưa thề nguyền
Tùy duyên nổi, cứu độ
Vì lợi ích trời người
Từ đất mà vọt lên.
Bấy giờ, khi Đức Thế Tôn nói nhân duyên thuở xưa, vô lượng, vô số trời, người, đại chúng đều rất bi hỷ khen chưa từng có, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đức Phật lại bảo thần cây rằng:
–Ta vì báo ân nên đảnh lễ cung kính!
Đức Phật thu thần lực lại, ngôi tháp ấy trở lại biến mất vào trong đất.
Bấy giờ, khi Như Lai Đức Thích-ca Mâu-ni nói kinh này, ở thế giới mười phương có vô lượng trăm ngàn vạn ức các Bồ-tát đều từ cõi nước của mình đi đến núi Thứu phong. Tới chỗ Đức Thế Tôn, năm vóc sát đất, đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi một lòng chắp tay, đồng thanh khen ngợi:
Thân Phật vi diệu màu vàng ròng
Ánh sáng chiếu khắp như núi vàng
Như hoa sen thanh tịnh mềm mại
Vô lượng ánh sáng đẹp rực rỡ!
Ba mươi hai tướng khắp trang nghiêm
Tám mươi vẻ đẹp đều viên mãn
Ánh sáng tỏa chiếu không ai bằng
Thanh tịnh như trăng rằm sáng tỏ
Tiếng Phật trong suốt rất vi diệu
Như sư tử rống tiếng rền vang
Tám loại vi diệu, ứng căn cơ
Hơn hẳn tiếng Ca-lăng-tần-già
Diệu tướng trăm phước tự trang nghiêm
Ánh sáng đầy đủ, rất thanh tịnh.
Trí tuệ lắng sáng như biển cả
Công đức rộng lớn như hư không
Hào quang chiếu sáng cõi mười phương
Tùy duyên cứu giúp các hữu tình.
Phiền não, ái nhiễm... đều trừ hết
Luôn thắp đuốc pháp chẳng nghỉ dừng
Xót thương, lợi ích các chúng sinh
Hiện tại, vị lai ban an lạc
Thường vì tuyên nói Đệ nhất nghĩa
Khiến chứng chân tịch tịnh Niết-bàn.
Phật nói pháp cam lộ thù thắng
Ban cho nghĩa cam lộ vi diệu
Dẫn vào thành Niết-bàn cam lộ
Khiến được vui vô vi cam lộ.
Thường ở trong biển cả sinh tử
Giải thoát khổ tất cả chúng sinh
Khiến họ được ở đường yên ổn
Luôn ban vui như ý, khó bàn!
Biển Đức Như Lai rất sâu rộng
Chẳng thể thí dụ mà biết được!
Thường khởi đại Bi đối chúng sinh
Tinh tấn, phương tiện, luôn chẳng dừng.
Biển trí Như Lai không bờ bến
Tất cả trời, người cùng suy lường
Giả sử trong ngàn vạn ức kiếp
Chẳng thể được biết một ít phần.
Con nay lược khen công đức Phật
Chỉ một giọt trong biển Đức Phật!
Hồi hướng phước ấy cho chúng sinh
Nguyện quả Bồ-đề mau chứng thành!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Bồ-tát rằng:
–Hay thay! Hay thay! Các ông có thể khéo léo khen ngợi công đức của Phật, lợi ích cho hữu tình, thực hành các việc Phật rộng rãi, có thể diệt các tội, sinh ra vô lượng phước.
Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Tràng liền đứng dậy, sửa lại áo vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hướng về Đức Phật khen ngợi rằng:
Mâu-ni tướng trăm phước viên mãn
Vô lượng công đức tự trang nghiêm
Rộng lớn, thanh tịnh người ưa nhìn
Giống như ánh sáng ngàn mặt trời
Chói lọi vô biên, sáng rực rỡ Như nhiều châu báu, tướng trang nghiêm
Như mặt trời mọc ánh lên không
Hồng, trắng rõ ràng, xen sắc vàng
Như ánh sáng vàng soi chiếu
Có thể khắp cùng trăm ngàn cõi
Diệt vô lượng khổ chúng sinh
Ban vô biên an lạc thắng diệu
Các tướng đầy đủ đều nghiêm tịnh
Chúng sinh ưa nhìn, không nhàm chán
Đầu tóc mềm mại, màu xanh biếc
Như trên hoa đẹp nhiều ong đen
Thanh tịnh, trang nghiêm, đại Hỷ, Xả
Đại Từ, đại Bi đều đầy đủ
Tướng tốt vi diệu tự trang nghiêm
Thành tựu nhờ pháp phần Bồ-đề
Như Lai ban cho nhiều phước lợi
Khiến họ thường được an lạc lớn.
Các đức vi diệu cùng trang nghiêm
Ánh sáng soi khắp ngàn muôn cõi
Ánh sáng Như Lai rất viên mãn
Như mặt trời sáng khắp hư không
Phật như Tu-di công đức đủ
Hay thị hiện khắp cùng mười phương
Kim khẩu Như Lai đẹp trang nghiêm
Răng trắng, đều, kín như ngọc tuyết.
Nét mặt Như Lai không ai bằng
Tướng bạch hào xoay về bên phải
Sáng thuần tươi trắng, như pha lê
Giống như trăng rầm giữa hư không.
Đức Phật bảo Bồ-tát Diệu Tràng:
–Ông có thể khen ngợi công đức của Phật chẳng thể nghĩ bàn như vậy, làm lợi ích cho tất cả, khiến cho những người chưa biết đều thuận theo tu học.
Bấy giờ, thần cây Bồ-đề cũng dùng kệ khen ngợi Đức Thế Tôn rằng:
Kính lễ Như Lai Tuệ thanh tịnh
Kính lễ tuệ thường cầu chánh pháp
Kính lễ tuệ xa lìa phi pháp
Kính lễ tuệ luôn không phân biệt
Hy hữu Thế Tôn vô biên hạnh
Hy hữu khó thấy như Ưu-đàm
Hy hữu như biển trấn núi chúa
Hy hữu Thiện Thệ sáng vô lượng
Hy hữu Điều Ngự nguyện Từ lớn
Hy hữu dòng Thích hơn mặt trời
Giảng nói kinh điển quý báu này
Thương xót lợi ích cho quần sinh
Mâu-ni Tịch Tịnh, các căn định
Nhập vào thành Niết-bàn tịch tịnh
An trụ môn Thiền định tịch tịnh
Biết rõ cảnh giới sâu tịch tịnh
Đấng Lưỡng Túc Tôn trụ Tịch không.
Thân đệ tử Thanh văn cũng không
Thể tính tất cả pháp đều không
Tất cả chúng sinh đều không tịch
Con thường nhớ nghĩ các Thế Tôn
Con thường ưa thấy các Đức Phật
Con thường phát khởi lòng ân cần
Thường được gặp gỡ mặt trời Phật
Con thường đảnh lễ đấng Thế Tôn
Nguyện luôn khát ngưỡng, lòng chẳng bỏ
Buồn khóc rơi lệ, không gián đoạn
Thường được phụng sư, chẳng biết chán
Nguyện sinh Thế Tôn khởi tâm Bi
Cho con thấy dung nhan hòa dịu
Phật và Thanh văn chúng thanh tịnh
Nguyện thường cứu giúp khắp trời, người
Thân Phật thanh tịnh như hư không
Như huyễn, dợn nắng, trăng đáy nước
Nguyện nói pháp cam lộ Niết-bàn
Sinh ra tất cả các công đức
Cảnh giới thanh tịnh của Thế Tôn
Từ Bi, chánh hạnh chẳng nghĩ bàn
Thanh văn, Duyên giác chẳng thể lường
Đại tiên Bồ-tát chẳng đo được
Nguyện xin Như Lai thương xót con
Thường cho con thấy thân đại Bi
Ba nghiệp không mệt phùng từ tôn
Mau thoát sinh tử, về chân tế.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nghe lời khen này xong, dùng âm thanh Phạm bảo thần cây rằng:
–Hay thay! Hay thay! Này Thiện nữ thiên! Người có thể đối với Pháp thân thanh tịnh, chân thật không hư dối của ta mà tự lợi, lợi tha tuyên dương tướng vi diệu. Công đức này sẽ khiến cho ngươi mau chứng Bồ-đề vô thượng. Tất cả hữu tình đồng tu tập, nếu ai được nghe đều vào cửa pháp Cam lộ vô sinh.
Bấy giờ, Thiên nữ Đại Biện Tài liền đứng dậy, chắp tay cung kính, dùng ngôn từ chính trực, khen ngợi Đức Thế Tôn rằng:
–Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác! Thân Phật màu vàng ròng, yết hầu như vỏ ốc xoắn, mặt như trăng tròn, mắt như cánh hoa sen, miệng môi đỏ đẹp như màu pha lê, mũi cao, dài, thẳng như cắt đĩnh vàng, răng trắng, đều, kín như hoa Câu vật đầu, ánh sáng nơi thân soi chiếu khắp nơi như trăm ngàn mặt trời, tia sáng ánh lên như vàng Thiệm-bộ, lời nói của Phật không hề sai lầm, chỉ bày ba cửa giải thoát, mở ba đường Bồ-đề, lòng thường thanh tịnh, ý an lạc cũng vậy, chỗ an trụ và cảnh giới tu hành của Đức Phật cũng thường thanh tịnh, lìa những điều chẳng phải oai nghi, tiến, dừng không sai lầm, sáu năm khổ hạnh, ba pháp chuyển luân hóa độ chúng sinh khổ khiến cho họ về đến bờ kia, thân tướng viên mãn như cây Câu-đà, sáu độ huân tu, ba nghiệp không lỗi, đủ Nhất thiết trí, tự lợi, lợi tha viên mãn, lời nói ra thường vì chúng sinh, nói chẳng bịa đặt hư dối, ở trong dòng họ Thích là Đại Sư Tử, kiên cố dũng mãnh đủ tám giải thoát! Con nay theo sức mình xưng tán một phần ít công đức của Như Lai giống như con muỗi uống nước của biển cả! Con nguyện đem phước hồi hướng đến tất cả các loài hữu tình, vĩnh viễn lìa khỏi sinh tử, hướng đến đạo Vô thượng!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo trời Đại Biện Tài rằng:
–Hay thay! Hay thay! Người tu tập đã lâu, đủ đại biện tài, nay lại đối vời ta nói lời khen ngợi, ngươi sẽ được mau chứng pháp môn Vô thượng, tướng tốt ánh sáng viên mãn, làm lợi ích khắp tất cả.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với khắp vô lượng Bồ-tát, chúng trời, người và tất cả đại chúng rằng:
–Các ông phải biết, ta đã ở vô lượng, vô số đại kiếp, siêng tu khổ hạnh, đạt được pháp sâu xa, nhân chánh Bồ-đề ta đã vì các ông giảng nói! Các ông, ai có thể phát tâm dũng mãnh cung kính giữ gìn? Sau khi ta Niết-bàn, đối với pháp môn này, tuyên nói rộng rãi, lưu truyền khắp nơi có thể khiến cho người chánh pháp tồn tại lâu dài ở thế gian?
Bấy giờ, trong chúng có sáu mươi ức các Đại Bồ-tát, sáu mươi ức đại chúng chư Thiên, đồng thanh thưa:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con đều có lòng vui mừng và ưa thích, đối với Đức Phật Thế Tôn ở vô lượng đại kiếp siêng tu khổ hạnh, đã được pháp vi diệu sâu xa, nhân chánh Bồ-đề, chúng con sẽ cung kính hộ trì, chẳng tiếc thân mạng. Sau khi Đức Phật Niết-bàn, đối với pháp môn này, chúng con sẽ tuyên dương rộng rãi, lưu truyền khắp nơi, sẽ khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài ở thế gian.
Bấy giờ, các vị Đại Bồ-tát liền ở trước Đức Phật nói kệ rằng:
Thế Tôn, lời chân thật
An trụ trong pháp thật
Do sự chân thật đó
Nên hộ trì kinh này
Đại Bi áo giáp, mũ
An trụ trong đại Từ
Do lực Từ bi đó
Để giữ gìn kinh này.
Của cải phước viên mãn
Sinh khởi của cải trí
Do tư lương đầy đủ
Để giữ gìn kinh này.
Hàng phục tất cả ma
Phá tan các tà luận
Đoạn trừ các ác kiến
Hộ trì cho kinh này
Hộ thế cùng Thích, Phạm
Cho đến A-tu-la
Long thần và Dược-xoa…
Hộ trì cho kinh này.
Mặt đất và hư không
Người trụ lâu ở đó
Do vâng lời Phật dạy
Hộ trì cho kinh này!
Bốn Phạm trụ tương ưng
Bốn Thánh đế trang nghiêm
Điều phục cả bốn ma
Để hộ trì kinh này
Hư không thành trở ngại
Trở ngại thành hư không
Sự hộ trì của Phật
Không ai lay động được!
Bấy giờ, bốn vị Đại Thiên vương nghe Đức Phật nói diệu pháp hộ trì này đều phát tâm hoan hỷ ủng hộ chánh pháp, đồng thanh nói kệ rằng:
Đối với kinh này, con
Và quyến thuộc nam nữ
Đều một lòng ủng hộ
Khiến lưu thông khắp nơi.
Nếu có người trì kinh
Tạo dựng nhân Bồ-đề
Con sẽ ở bốn phương
Phụng sự để ủng hộ.
Bấy giờ, trời Đế Thích chắp tay cung kính, nói kệ rằng:
Chư Phật chứng pháp này
Vì muốn đền ân nên
Lới ích chúng Bồ-tát
Ra đời, nói kinh này
Con đối chư Phật ấy
Thường cúng dường đền ân
Hộ trì kinh như vậy
Và cả người trì kinh.
Bấy giờ, Thiên tử Đổ-sử-đa chắp tay cung kính nói kệ rằng:
Phật nói kinh như vậy
Nếu có người giữ gìn
Sẽ trụ vị Bồ-đề
Sau sinh trời Đâu-suất
Thế Tôn, con vui sướng
Bỏ phước báo cõi trời
Mà xuống Thiệm-bộ châu
Tuyên nói kinh điển này
Bấy giờ, chủ thế giới Ta-bà, Phạm Thiên vương chắp tay cung kính nói kệ rằng:
Các Thiền định không lường
Các thừa và giải thoát
Đều từ kinh này sinh
Vậy, nên nói kinh này
Nếu có chỗ nói kinh
Con bỏ vui trời Phạm
Được nghe kinh như vậy
Và cũng thường ủng hộ.
Bấy giờ, con của ma vương tên là Thương Chủ chắp tay cung kính, nói kệ rằng:
Nếu có người thọ trì
Kinh tương ứng chánh nghĩa
Chẳng theo việc làm ma
Trừ sạch nghiệp ma ác.
Chúng con đối kinh này
Cũng sẽ siêng ủng hộ
Phát tâm đại tinh tấn
Lưu thông kinh khắp nơi!
Bấy giờ, ma vương chắp tay cung kính, nói kệ rằng:
Nếu ai trì kinh này
Điều phục các phiền não
Các chúng sinh như vậy
Ủng hộ khiến an lạc
Nếu ai nói kinh này
Các ma chẳng làm gì
Nhờ uy thần của Phật
Con sẽ ủng hộ họ.
Thiên tử Diệu Cát Tường cũng ở trước Đức Phật nói kệ rằng:
Chư Phật Bồ-đề diệu
Giảng nói trong kinh này
Nếu người trì kinh này
Là cúng dường chư Phật.
Con sẽ thọ trì kinh
Nói cho vô số trời
Người cung kính lằng nghe
Khuyên đến đạo Bồ-đề
Bấy giờ, Bồ-tát Từ Thị chắp tay cung kính, nói kệ rằng:
Nếu thấy trụ Bồ-đề
Cùng là bạn chẳng thỉnh
Cho đến bỏ thân mạng
Vẫn hộ trì kinh này
Con nghe pháp như vầy
Sẽ đến trời Đâu-suất
Được Thế Tôn gia hộ
Giảng nói cho trời, người.
Bấy giờ, Thượng tọa Đại Ca-diếp chắp tay cung kính, nói kệ rằng:
Phật đổi thừa Thanh văn
Nói con trí tuệ giỏi
Con nay tùy sức mình
Hộ trì kinh như vậy.
Nếu có người trì kinh
Con sẽ giúp đỡ họ.
Trao cho lực từ biện
Thường khen ngợi: “Lành thay!”
Bấy giờ, Tôn giả A-nan-đà chắp tay hướng về Đức Phật nói kệ rằng:
Con được theo Phật nghe
Vô lượng các kinh điển
Chưa từng nghe như vầy
Vua pháp sâu, vi diệu
Con nay nghe kinh này
Được nhận ở trước Phật
Những người ưa Bồ-đề
Con sẽ giảng cho họ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn thấy các Bồ-tát, đại chúng trời, người, mỗi người đều phát tâm không ngừng, ủng hộ kinh điển này, để khuyến tấn Bồtát, làm lợi ích rộng rãi cho chúng sinh, Đức Thế Tôn khen rằng:
–Hay thay! Hay thay! Các ông có thế nói với Kinh vương vi diệu, thành kính lưu truyền như vậy, cho đến sau khi ta vào Bát-niết-bàn, chẳng để kinh tản mất chính là nhân chánh Bồ-đề vô thượng đạt được các công đức nói đến các kiếp nhiều như cát sông Hằng cũng chẳng thể hết. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và thiện nam, thiện nữ khác... cúng dường cung kính, ghi chép, lưu truyền, vì người giảng nói thì công đức đạt được cũng như vậy. Vậy nên các ông phải siêng năng tu tập.
Bấy giờ, có vô lượng, vô biên đại chúng nhiều như số cát sông Hằng nghe Đức Phật nói rồi, đều rất hoan hỷ tin nhận phụng hành.
Ghi chú 1:
Sách Phạm kinh này tàng trữ ở hiệp hội Á Tế Á của vua nước Anh lập, so sánh với những bản đang dịch có chỗ khiếm khuyết như Đà-la-ni chẳng còn thì rất nhiều, liền nương theo bản dịch Tây Tạng của Tôn Giáo Đại Học Đồ Thư Quán mà đối chiếu so sánh rút ra. Trong số kinh Kim Quang Minh cất giữ nhiều đó, có hai bộ mà một bộ thật nguyên là bản chữ Hán của ngài Nghĩa Tịnh. Chúng tôi có hợp liền lạc những chỗ ấy rồi mà vẫn còn xen có khác chút ít xin đọc giả biết cho vậy. (Theo bản của Đại Chánh Tân Tu-Nhật Bản ).
Ghi chú 2
Những bài chú trong kinh này chúng tôi có căn cứ theo Đại Chánh Tân Tu ghi lại bằng tiếng Phạm theo mẫu tự La tinh (Người dịch).
[Mục lục bộ Kinh tập][426][427][428][429][430][431][432][433][434][435][436][437][438][439][440][441][442][443][444][445][446][447][448][449][450][451][452][453][454][455][456][457][458][459][460][461][462][463][464][465][466][467][468][469][470][471][472][473][474][475][476][477][478][479][480][481][482][483][484][485][486][487][488][489][490][491][492A][492B][493][494][495][496][497][498][499][500][501][502][503][504][505][506][507][508][509][510][511][512][513][514][515][516][517][518][519][520][521][522][523][524][525][526][527][528][529][530][531][532][533][534][535][536][537][538][539][540][541][542][543][544][545][546][547][548][549][550][551][552][553][554][555][556][557][558][559][560][561][562][563][564][565][566][567][568][569][570][571][572][573][574][575][603][604][605][606][607][608][609][610][611][612][613][614][615][616][617][618][619][620][621][622][623][624][625][626][627][628][629][630][631][632][633][634][635][636][637][638][639][639][640][641][642][643][644][645][646][647][648][649][650][651][652][653][654][655][656][657][658][659][660][661][662][663][664][665][666][667][668][669][670][671][672][673][674][675][676][677][678][679][680][681][682][683][684][685][686][687][688][718][719][720][721][721][722][723][724][725][726][727][728][729][730][731][732][733][734][735][736][737][738][739][740][741][742][743][744][745][746][747A][747B][748][749][750][751][752][753][754][755][756][757][758][759][760][761][762][763][764][765][766][767][768][769][770][771][772][773][774][775][776][777][778][779][780][781][782][783][784][785][786][787][788][789][790][791][792][793][794A][794B][795][796][797A][797B][798][799][800][801][802][803][804][805][806][807][808][809][810][811][812][813][814][815][816][817][818][819][820][821][822][823][824][825][826][827][828][829][830][831][832][833][834][835][836][837][838][839][840][841][842][843][844][845][846][847]