TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ KINH TẬP (425-847)

SỐ 472 KINH ĐẠI THỪA THIỆN KIẾN BIẾN HÓA VĂN-THÙ-SƯ-LỢI VẤN PHÁP

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thiên Tức Tai.


Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Thế Tôn ở tại núi Thứu phong, thuộc thành Vương xá, cùng với chúng đại Tỳkheo và Đại Bồ-tát như Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi cùng đại chúng vây quanh.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Đồng tử Văn-thù-sư-lợi: –Này Phật tử! Nay ta sẽ vì các chúng sinh –là những người đối với bốn Thánh đế, tâm sinh điên đảo, thường phải ở mãi trong luân hồi, không thể lìa khỏi– mà thuyết giảng pháp bốn Thánh đế chân thật này.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác! Vì nhân duyên gì, các chúng sinh không thể xa lìa khỏi vòng luân hồi hư vọng như vậy, trong ấy chẳng hiểu chẳng biết gì cả?

Phật nói:

–Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Ta thấy chúng sinh chịu nhận lấy vòng luân hồi hư vọng như vậy.

Vì sao? Này thiện nam! Đó đều vì từ vô thủy đến nay, vọng sinh phân biệt chấp trước nơi cái ta - kia. Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Vì nhân duyên như vậy nên phải chịu nghiệp báo ngu si, chịu sự luân hồi hư dối này. Vì sao? Vì các chúng sinh ngu tối này, chẳng nghe, chẳng biết về pháp vắng lặng cao tột hơn hết thảy, chẳng tự mình suy nghĩ để hiểu rõ nơi ba nghiệp, lại buông lung thân, khẩu, ý, tạo các phiền não như tham, sân, si theo ngã.

Nay ta là Tỳ-kheo ở trong giáo pháp của Đức Như Lai, được xuất gia thọ giới thanh tịnh, tu tập giữ gìn phạm hạnh, xa lìa nẻo luân hồi, được đạo Niết-bàn, thoát vòng khổ não. Lại tự suy nghĩ: “Tánh của phiền não này tức là pháp thiện, tức là pháp hữu lậu, tức là pháp vô lậu, tức là pháp luân hồi, tức là thế gian, tức là xuất thế gian, tức là trí, tức là pháp dứt bỏ, tức là pháp quyết định, tức là trí quán pháp viên mãn, tức là quán pháp Khổ, Tập, Diệt, quyết định về Đạo, cho đến quyết định về pháp giới.”

Lại suy nghĩ: “Tất cả hành là hư giả, tất cả hành là khổ não, tất cả hành là vô tướng. Ta, nếu đạt được như vậy, tức là có thể xa lìa tất cả hư giả và được tùy ý thọ sinh.”

Nếu quán ngã, thấy chẳng lìa Đạo đế, tức là đạt được pháp kia và làm việc gì đều được tùy ý. Lại đối với pháp kia, ghi nhớ không lầm, ở nơi tất cả pháp, tâm không sai khác, có thể nhận biết như vậy, tức là được xa lìa bất tín, si, lầm, hủy báng, khen ngợi, được giải thoát tất cả cái khổ về ngã này và ngay khi ấy, ngã không còn một mảy may nào khó thực hành.

Nếu A-la-hán nào có thể nhận biết về ngã này, thì vị ấy, khi mạng chung, tự thấy chỗ thọ sinh, xả bỏ được tâm cũ, được Bồ-đề của Phật, tùy theo sự ưa thích mà tự tại đi đến, tức là được đến cảnh giới vô vi. Vị ấy đạt được khổ trí, pháp trí này.

Nếu biết rõ ngã tập hợp tất cả pháp, tức sinh tâm bất tín, nghi ngờ, chê bai, cùng các thứ sợ hãi. Nếu chẳng tin pháp này, dứt hết tập này, vị đó khởi lên suy nghĩ như vầy: “Diệt đế quyết định”. Vị đó lại suy nghĩ: “Pháp này nên thực hành như vậy, thì đạt được Diệt đế.” Pháp ấy nếu tạo quyết định diệt, quyết định như thế thì tâm ý vị đó sinh nghi hoặc và sau khi chết bị đọa trong địa ngục lớn.

Thế nào là tư duy như thật sinh tất cả pháp?

Khi ấy, Đồng tử Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là tâm thấy bốn Thánh đế?

Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Nếu người nào thấy được tất cả pháp chẳng sinh tức là Khổ đế. Nếu thấy tất cả pháp sinh ra bị tiêu trừ tức là Tập đế. Nếu thấy tướng của tất cả pháp là vắng lặng, Niết-bàn cao tột tức là Diệt đế.

Nếu thấy tánh của hết thảy các pháp đều rốt ráo, tức là Đạo đế.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu vị kia thấy bốn Thánh đế này là chẳng phải thật, chẳng phải hư; là pháp thiện, là pháp bất thiện; là hữu lậu, là vô lậu; là thế gian, là xuất thế gian; là trí hữu vi, là trí vô vi; là pháp không biến đổi, là pháp trí quán khổ tập thấy rõ, tức quyết định về diệt đế, cho đến quyết định về pháp giới, Đạo đế chẳng thể thay đổi. Vậy do đâu tất cả chúng sinh ngu mê lại tham đắm dục lạc? Ở trong pháp thật tướng ấy lại sinh lầm lạc? Các chúng sinh kia, đối với pháp vắng lặng không biết tư duy đúng, cho đến tự tánh của hết thảy pháp vắng lặng đều không được hiện tiền, không biết pháp này là chẳng phải thủ, chẳng phải xả, chẳng phải lìa thủ xả. Ngay nơi cảnh giới tham cũng hiện bày Niết-bàn. Cảnh giới sân, cảnh giới si, cho đến cảnh giới luân hồi cũng đều có thể hiện bày cảnh giới Niết-bàn vắng lặng.

Nếu người nào, đối với tất cả pháp, có thể hiện bày tự tánh bình đẳng như vậy, thì sẽ được tự tại vô ngại trong tất cả pháp.

Thế nào là chẳng biết pháp chân thật kia? Nếu người nào, đối với pháp bất sinh, bất diệt, tâm đồng như hư không, thì đối với Phật bình đẳng không thể nắm bắt được, Pháp bình đẳng không thể nắm bắt được, Tăng bình đẳng không thể nắm bắt được, cho đến Niết-bàn vắng lặng bình đẳng cũng không thể nắm bắt được. Như vậy, đối với tất cả pháp chưa từng có, chẳng còn sinh nghi ngờ, liền được xa lìa si, không sinh, không xuất, đạt đến tất cả cảnh giới Niết-bàn vắng lặng cao tột.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Tất cả pháp của chân đế như thế, chẳng thể thấy được, cho nên Tubồ-đề mới không đi đảnh lễ Như Lai. Như Tu-bồđề hãy còn đạt được vô ngã, huống là Như Lai làm sao mà thấy có? Đừng nên hiểu như vậy.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Như vậy, trong tất cả pháp bất sinh nếu có chỗ thấy, tức chẳng phải là thấy bốn Thánh đế.

Bấy giờ, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là thấy bốn Niệm xứ?

Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Tu-bồ-đề sẽ quán được thân bất tịnh, thấy niệm xứ của thân. Quán thọ là khổ, thấy niệm xứ của thọ. Quán tâm vô thường, thấy niệm xứ của tâm. Quán pháp vô ngã, thấy niệm xứ của pháp.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Thật tướng như vậy làm sao thuyết giảng? Vả lại, làm thế nào để thấy được bốn Niệm xứ chân thật?

Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Hãy dừng lại ở đây. Đế chân thật mà Như Lai thuyết giảng là khó hiểu, khó biết.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa:

–Cúi xin Thế Tôn, hãy nói về việc đó, phân biệt diễn giảng rộng về bốn Niệm xứ chân thật kia.

Phật bảo:

–Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu ông thấy thân cũng như hư không, tức là thấy Thân niệm xứ trong thân này.

Lại nữa, này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với nội, ngoại trung gian, ở trong thọ mà có chỗ để đạt được tức là thấy Thọ niệm xứ.

Lại nữa, này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu thấy tâm trí này, có vuông, tròn, lớn, nhỏ, tức là thấy Tâm niệm xứ trong tâm này.

Lại nữa, này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu ở trong các pháp thiện, bất thiện, hữu lậu, vô lậu, cho đến phiền não thế gian, xuất thế gian, mà có chỗ để đạt được, tức là chẳng phải thấy Pháp niệm xứ trong pháp này.

Lại nữa, này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Bốn Niệm xứ chân thật ấy, nên hiểu như vậy.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là thấy bốn Chánh cần?

Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Nếu người nào quán mười hai duyên sinh là hoàn toàn vắng lặng, cho đến vô tánh, đối với tất cả pháp, chẳng thể nắm bắt, thì vị kia sẽ phát khởi tâm tinh tấn khen ngợi pháp, diệt trừ tất cả nghiệp bất thiện đã sinh; với tất cả pháp bất thiện chưa sinh, khiến cho không sinh; pháp thiện chưa sinh, phát khởi tâm tinh tấn khiến cho sinh; pháp thiện đã sinh, khiến cho được tồn tại lâu dài, không bỏ mất; sẽ phát khởi tâm tinh tấn tròn đầy, như tất cả pháp lìa thủ, lìa xả, chẳng phải là lìa thủ xả. Nếu người nào được sự nhớ nghĩ chân chánh như vậy, thì vị đó tâm sẽ không còn phát khởi trở lại nữa và liền đạt được hạnh Tam-ma-địa này.

Vị kia tư duy như thế nào để đắc thần túc? Làm thế nào để trụ nơi tất cả pháp bình đẳng? Này Bồtát Văn-thù-sư-lợi! Phải nên thấy bốn Chánh cần như vậy.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là thấy năm Căn?

Phật nói:

–Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu vị nào, thấy tất cả pháp là hoàn toàn không sinh, tức là hiểu được Tín căn. Vì lẽ gì? Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Vì vị này đối với Tín căn hoàn toàn không sinh, nên ở nơi tất cả pháp, tâm không thể thủ đắc, vì vốn đã lìa danh tự.

Lại nữa, này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với tất cả pháp, lìa được nhớ nghĩ, không hướng cầu, không dừng lại ở nơi chốn, thì đó gọi là Tinh tấn căn.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với tất cả các pháp, trước mắt lìa bỏ sự thông tỏ rõ ràng, xa lìa sai biệt, tâm không còn phát khởi, thì đó là Niệm căn.

Lại nữa, này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với các pháp, có thể lìa sinh diệt, tánh của chủ thể, đối tượng nhận biết, tánh không, tánh chẳng phải là không, thì đó là Định căn.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu tánh hoặc có, hoặc không, đối với tất cả pháp không thể thủ đắc, thì đó là Tuệ căn.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nên hiểu như vậy để biết rõ về năm Căn.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là thấy năm Lực?

Phật nói:

–Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu thấy được tất cả tâm pháp rộng lớn này đều lìa tánh, lìa tướng, thì đó là Tín lực.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với đạo Bồ-đề tinh tấn cầu công đức, có thể lìa thủ, xả, cũng chẳng phải là lìa thủ, xả, thì đó là Tấn lực.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với tất cả pháp, lìa các việc nhớ nghĩ, không mang sự tính toán, thì đó là Niệm lực.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đạt đến nơi tất cả pháp đều là vô tướng, thì đó là Định lực.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu có thể xa lìa tất cả mọi đối tượng nhận thức cho đến Niết-bàn, thì đó là Tuệ lực.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nên hiểu như vậy để biết rõ về năm Lực.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là thấy bảy Giác phần?

Phật nói:

–Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu thấy tất cả pháp là không có tự tánh, không nhớ nghĩ, thì đó là Niệm giác phần.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với tất cả pháp, tâm chẳng thể lường xét, nói là thiện hay bất thiện và được thọ ký, thì đó là Trạch pháp giác phần.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với tất cả pháp, có thể lìa thủ, xả, chẳng phải là lìa thủ, xả, lại đối với các pháp lìa bỏ sự lo nghĩ, thì đó là Tinh tấn giác phần.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với tất cả pháp, chẳng sinh sự vướng mắc tham ái, hiểu tất cả pháp là vô sinh, thì đó là Hỷ giác phần.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với tất cả pháp, tâm sinh tin ưa, hiểu tất cả pháp không thể thủ đắc, thì đó là Khinh an giác phần.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với tất cả pháp, tâm không trạo cử, thì đó là Định giác phần.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với tất cả pháp không trụ, không chấp, không thể giác quán, ở nơi hết thảy các pháp cũng không sinh tham đắm, nếu đạt được xả như vậy, thì đó là Xả giác phần.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Bảy Bồ-đề phần này, nên hiểu như vậy, để có thể thấy rõ.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là thấy tám Chánh đạo?

Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

–Nếu không chấp nơi chỗ thấy đúng, cho đến không chấp vì thấy tất cả đều là không tánh, pháp không có hai tướng, tâm không trở ngại, thì đó là Chánh kiến.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu thấy tất cả pháp lìa các trở ngại, cũng chẳng phải lìa các trở ngại, tâm không chỗ vướng mắc, thì đó là Chánh tư duy.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu thấy tất cả pháp không có giới hạn, nêu rõ cái không giới hạn, khéo giảng nói về bình đẳng, thì đó là Chánh ngữ.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu thấy tất cả pháp không có động tác, lìa tâm thương xót, vốn chẳng sinh, thì đó là Chánh nghiệp.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với tất cả pháp không vui mừng, không sân giận, vì các pháp không sinh, thì đó là Chánh mạng.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với tất cả pháp không có sự khởi, diệt, không có dụng sức, thì đó là Chánh tin tấn.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với tất cả pháp, niệm niệm chẳng sinh, không có hiểu, biết, lìa mọi suy nghĩ, thì đó là Chánh niệm.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu đối với tự tánh, phi tánh của tất cả pháp mà có thể xa lìa, không có sự vướng mắc, thì đó là Chánh định.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Tám Chánh đạo này, nên hiểu như vậy, tức là có thể biết rõ.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu người nào thấy tâm của bốn Thánh đế như vậy, tức là được thấy bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Bồ-đề phần, tám Chánh đạo phần. Tâm chân thật chính là cầu sang bờ bên kia, đến cõi thật tế, được an lạc lớn, đặt được gánh nặng xuống, xa trần, lìa cấu, quán thân vô tướng, đạt đến Nhẫn vô sinh. A-la-hán, Sa-môn, Bà-lamôn đến được bờ thanh tịnh bên kia, gọi là học rộng, là chân Phật tử, là con của bậc Năng Nhân, có thể thắng mọi oan gia, trừ bỏ được phiền não, được sự vững vàng, không già nua, không lo sợ, không nghi hoặc, cũng không luận bàn vô ích, không đây không kia, thì gọi Tỳ-kheo này là ngọn cờ của Thánh pháp.

Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu được pháp nhẫn như vậy, thì được lợi ích rất lớn, đáng được tất cả thế gian, Trời, Người, A-tu-la… cúng dường. Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Cho nên người này, đối với tất cả các quốc độ, không hề vô ích nên được thọ nhận sự cúng dường các thức ăn uống thanh tịnh, vì đã xa lìa nẻo luân hồi, đến được bờ Niết-bàn, thoát khỏi các vòng khổ, cho đến đạt được Nhất thiết Chánh biến tri, Chánh đẳng Chánh giác. Người phát khởi tâm pháp này, cầu nguyện điều gì cũng đều đạt được.

Khi Đức Thế Tôn thuyết giảng pháp này, có ba vạn hai ngàn Thiên tử đều đắc pháp ấy. Chúng chư Thiên đó, ở trước Đức Như Lai Thế Tôn Ứng Chánh Đẳng Giác và Đại Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, cùng tung rải hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha mạn-đàla để cúng dường và thưa:

–Những vị nào ở trong pháp Phật của Như Lai đã được xuất gia thọ giới thanh tịnh, nếu khi nghe thuyết giảng pháp này, một lòng lắng nghe, lãnh thọ thì sẽ chứng đắc đạo Bồ-đề.

Lại có chúng Tỳ-kheo gồm đủ tám ngàn một trăm vị, tâm dứt sạch các lậu, đạt được giải thoát, không còn thọ sinh.

Lại có bốn vạn hai ngàn Bồ-tát được pháp Nhẫn vô sinh.

Bấy giờ, tất cả cung điện của ma vương, núi rừng, đất đai rộng lớn trong tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động đủ sáu cách. Nơi hư không mưa xuống các loại hoa trời và có lời tán thán:

–Lành thay! Lành thay! Khéo giảng nói pháp này! Thật là hy hữu!

Âm thanh phát ra như vậy, mười phương đều nghe.

Phật thuyết giảng kinh này xong, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi và chúng Đại Bồ-tát, các Tỳkheo, chư Thiên, dân chúng nơi thế gian, A-tu-la, Càn-đạt-bà... nghe Phật thuyết giảng đều rất vui vẻ, đảnh lễ Phật rồi lui ra.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Kinh tập][426][427][428][429][430][431][432][433][434][435][436][437][438][439][440][441][442][443][444][445][446][447][448][449][450][451][452][453][454][455][456][457][458][459][460][461][462][463][464][465][466][467][468][469][470][471][472][473][474][475][476][477][478][479][480][481][482][483][484][485][486][487][488][489][490][491][492A][492B][493][494][495][496][497][498][499][500][501][502][503][504][505][506][507][508][509][510][511][512][513][514][515][516][517][518][519][520][521][522][523][524][525][526][527][528][529][530][531][532][533][534][535][536][537][538][539][540][541][542][543][544][545][546][547][548][549][550][551][552][553][554][555][556][557][558][559][560][561][562][563][564][565][566][567][568][569][570][571][572][573][574][575][603][604][605][606][607][608][609][610][611][612][613][614][615][616][617][618][619][620][621][622][623][624][625][626][627][628][629][630][631][632][633][634][635][636][637][638][639][639][640][641][642][643][644][645][646][647][648][649][650][651][652][653][654][655][656][657][658][659][660][661][662][663][664][665][666][667][668][669][670][671][672][673][674][675][676][677][678][679][680][681][682][683][684][685][686][687][688][718][719][720][721][721][722][723][724][725][726][727][728][729][730][731][732][733][734][735][736][737][738][739][740][741][742][743][744][745][746][747A][747B][748][749][750][751][752][753][754][755][756][757][758][759][760][761][762][763][764][765][766][767][768][769][770][771][772][773][774][775][776][777][778][779][780][781][782][783][784][785][786][787][788][789][790][791][792][793][794A][794B][795][796][797A][797B][798][799][800][801][802][803][804][805][806][807][808][809][810][811][812][813][814][815][816][817][818][819][820][821][822][823][824][825][826][827][828][829][830][831][832][833][834][835][836][837][838][839][840][841][842][843][844][845][846][847]


[Mục lục tổng quát]