TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ KINH TẬP (425-847)

SỐ 479 - KINH ĐỒNG TỬ THIỆN TƯ

Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật- đa, người Thiên Trúc.

MỤC LỤC

QUYỂN THƯỢNG

QUYỂN HẠ


QUYỂN THƯỢNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Bà-già-bà (Thế Tôn) trú trong vườn Am-bà-la-ba-lê thuộc thành Tỳ-da-ly, cùng với chúng Thanh văn là tám ngàn Tỳ-kheo và một vạn Bồ-tát. Tất cả đại chúng như vậy đều biến hóa thành thân tướng chư Thiên.

Bấy giờ, vào sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y mang bát cùng với hóa chúng này vây quanh trước sau, thứ lớp vào đại thành Tỳ-da-ly khất thực, dần dần đi đến nhà của Ly-xa Tỳ-ma-la-cật. Trong nhà Ly-xa Tỳ-ma-la-cật có một đồng tử tên là Thiện Tư. Khi ấy, đồng tử đang được nhũ mẫu bồng đứng trên lầu gác của nhà mình, trong tay đang cầm một nhành hoa sen ngắm nghía vui đùa. Đồng tử này đã vua trồng các căn lành từ đời trước và nhờ sức thần thông của chư Phật nên khiến cho đồng tử bỗng nhiên dùng kệ thưa với nhũ mẫu:

Nay có tiếng vi diệu
Lấp các tiếng âm nhạc
Xin nhũ mẫu buông con
Để con rời lầu gác.
Ánh sáng này chiếu khắp
Quyết là Đại trượng phu
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vào cửa thành này.
Vi diệu khiến ý vui
Chim chóc thay nhau hót
Tai con chưa từng nghe
Chim chóc hót như vậy.
Ắt là Đấng Điều Ngự
Vì lợi ích thế gian
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vào cửa thành này.
Như mang các anh lạc
Tiếng khua vang khắp nơi
Âm hòa hợp vi diệu
Người nghe đều vui vẻ.
Hẳn chân ngàn bánh xe
Oai phước trang nghiêm thân
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vào cửa thành này.
Như đại địa chấn động
Cũng như đánh chuông đồng
Các âm thanh như vậy
Không có, không người nghe.
Người ấy là mặt trời
Thân quang minh Đại Thánh
Sắp vào đại thành này
Khiến chúng sinh hết sợ.
Như cỏ cây rừng núi
Nhiều loài hoa trang nghiêm
Mùi hương thơm vi diệu
Tùy sở thích chúng sinh.
Nhất định khéo an trú
Cùng nguyện đại Long vương
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vào trong thành này.
Như sáng chiếu hư không
Khắp đại địa đều sáng
Vượt ánh sáng mặt trời
Thế Tôn thân vàng ròng.
Ắt hoan hỷ quán sát
Đại oai phóng quang minh
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vào trong thành này.
Di mẫu hãy xem đây
Chúng trời tại hư không
Vui mừng nên ca hát
Hiện bày các y phục.
Quyết định lợi ích đời
Các chúng sinh tối thắng
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vào cửa thành này.
Nay trong đại thành ấy
Cùng nhau khởi tâm Từ
Mỗi mỗi đều vui mừng
Như cha mẹ thương con.
Đó là khối phước lớn
Các đức trang nghiêm thân
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vào cửa thành này.
Lại đủ cả nam nữ
Cầm các loại hương hoa
Đầy khắp cả bốn phía
Tâm sinh vui mừng lớn.
Đó là Đại Tự Tại.
Hoa phước đức trang nghiêm
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vào cửa thành này.
Hoa trời, người rải khắp
Hiện đầy cả hư không
Nơi nơi mưa các hương
Vi diệu càng vui thích.
Đó là Bậc Thiện Thệ
Đại trí tuệ vào thành
Vì lợi ích chúng sinh
Do vậy nay đến đây.

Bấy giờ, nhũ mẫu bồng Thiện Tư, nghe đồng tử tự mình nói kệ như vậy, tâm sinh khiếp sợ, thân nổi gai ốc, chân tay, đầu cổ rụng rời, đặt đồng tử ở trên lầu gác rồi liền suy nghĩ: “Đứa con này là ai vậy? Là Trời, là Rồng, là Dạ-xoa, là La-sát, Cưubàn-trà, Tỳ-xá-già, Khẩn-na-la hay là Ma-hầu-lagià? Những lời ấy đâu phải là lời nói của đứa bé ở thế gian!” Thấy rồi, nhũ mẫu quyết định đứng yên không dám di động, không dám bước đi, không dám nói lớn, như nín thở cúi đầu, im lặng lắng nghe.

Lúc này, Đức Thế Tôn từ từ đến nhà Đồng tử Thiện Tư, đi vào một ngõ rộng tới trước cửa nhà của đồng tử thì dừng lại. Từ xa, Thiện Tư nhìn thấy Đức Thế Tôn đứng bên dưới lầu gác, liền từ trên lầu cao cúi mình hướng về Đức Phật.

Đồng tử Thiện Tư nhờ thần lực của Phật, nên ở trong hư không an nhiên đứng yên, dùng kệ bạch Phật:

Thế Tôn trụ trong trí
Bậc tối thắng an trú
Vì lợi ích chúng sinh
Xin nhận hoa sen con.

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp Đồng tử Thiện Tư:

Ta trú trong thật tế
Chẳng phải cõi chúng sinh
Tế ấy không thật có
Là tế như thật tướng.

Đồng tử Thiện Tư lại dùng kệ bạch Phật:

Sao gọi Thế Tôn trụ?
Nơi chân thật tế ấy
Tế này đã không có
Không có, trụ chỗ nào?

Phật dùng kệ đáp:

Thật tế của Như tế
Tế kia là Như Lai
Như trú thật tế ấy
Ta trụ đó cũng vậy.
Chư Phật như thật tế
Thể ấy một không khác
Như chân thật tế ấy
Ta an trụ như vậy.

Đồng tử Thiện Tư dùng kệ bạch:

Phi tế, phi phi tế
Tế ấy có tướng sao?
Tạo những phương tiện gì
Được gọi là thật tướng.

Phật dùng kệ đáp:

Tế không thể chấp tế
Nên nói là thật tế
Tế ấy như hư không
Hư không cũng không tướng.
Đồng tử Thiện Tư lại
dùng kệ bạch Phật: Hiếm
có xứ chân thật Trú
chỗ trú tối thượng Nguyện
chúng sinh trú đó Như
chỗ trú chư Phật.

Đồng tử Thiện Tư nói kệ này rồi một lòng chắp tay bạch Phật:

–Xin Đức Thế Tôn thương xót con mà nhận hoa sen này.

Đức Thế Tôn vì thương xót Đồng tử Thiện Tư nên nhận hoa sen ấy. Phật nhận hoa rồi, bấy giờ Đồng tử Thiện Tư hết sức vui mừng, phát nguyện: –Nhờ căn lành này, đời sau con sẽ chứng được đạo quả Bồ-đề vô thượng, như nay Đức Thế Tôn vì tất cả chúng sinh mà thuyết pháp. Tuy nhiên trong pháp ấy, pháp của các phàm phu và A-la-hán, hết thảy Thánh pháp đều không thể thủ đắc.

Khi đó, Trưởng lão Xá-lợi-phất cùng ở trong đại chúng nghe nói lời ấy, liền hỏi Đồng tử Thiện Tư:

–Này Đồng tử Thiện Tư! Chỗ đồng tử vừa nói là mình sẽ chứng đắc pháp như vậy rồi, vì các chúng sinh thuyết giảng. Vậy pháp ấy như thế nào?

Làm sao nêu giảng?

Bấy giờ, Đồng tử Thiện Tư liền dùng kệ đáp:

Pháp kia không có Phật
Và tất cả Thanh văn
Con sẽ chứng pháp ấy
Vì các chúng sinh thuyết.
Pháp ấy không xứ sở
Lại cũng không đến đi
Người trí biết như vậy
Thể tánh là gốc pháp.
Tất cả Phật quá khứ
Hiện tại vô thượng tôn
Đều nhận biết như vậy
Nhập tịch diệt rốt ráo.
Trong ấy không pháp giới
Chúng sinh giới cũng không
Biên vực là như vậy
Thế gian không người vào.
Pháp giới là tên chữ
Chữ từ phân biệt sinh
Phân biệt, không phân biệt
Rốt ráo không thủ đắc.

Trưởng lão Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử ở trong đại chúng dùng kệ hỏi Đồng tử Thiện Tư:

Đồng tử ông làm sao
Học hiểu được pháp ấy?
Sâu xa khó thí dụ
Chỗ mê các bậc Trí.
Ông nay chưa tự đi
Mà biện tài như vậy
Đối với bậc Trí tuệ
Đại Thanh văn hơn hết?
Thân ông như vàng ròng
Khéo hiểu biết rộng khắp
Nổi bật nơi thành này
Như trăng ở hư không.

Đồng tử Thiện Tư lại dùng kệ đáp:

Tôn giả nay nói sinh
Sinh này không có chốn
Vì các pháp không sinh
Sinh này là cái gì?
Các pháp đã không sinh
Sao gọi là chân thể?
Con nói bản tánh ấy
Tất cả các pháp không.
Pháp và bản tánh pháp
Cả hai không thủ đắc
Đều đã không thủ đắc
Chư Phật nói pháp này.
Đó là luân tối thượng
Trước chuyển ở Lộc uyển
Hư không thu giữ rồi
Khiến nhiều Thanh văn ngộ.
Chỉ nghe tiếng thuyết pháp
Chúng sinh nhiều lầm dối
Nương phương tiện để đạt
Sẽ nêu như chân thật.
Nói về sinh và tử
Là cảnh giới phàm phu
Đây là thấy điên đảo
Phú-lâu-na chưa thấu.
Sinh tử và đây kia
Ngôn ngữ của thế gian
Trong pháp không ngôn ngữ
Tạm dùng ngôn ngữ thuyết.

Trưởng lão Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử nghe kệ như vậy rồi vui vẻ tán thán, liền bạch Phật:

–Thật là hy hữu! Thưa Đức Bà-già-bà! Thật là hy hữu! Thưa Đức Tu-già-đà! Đồng tử Ly-xa Thiện Tư này có trí tuệ sâu rộng như vậy thật khó có thể lường tính.

Đức Phật bảo Phú-lâu-na:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Này Phú-lâu-na! Thật đúng như lời ông nói.

Đức Thế Tôn hỏi Đồng tử Thiện Tư:

–Này Đồng tử Thiện Tư! Nay ông nhằm vì ai mà chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Đồng tử Thiện Tư dùng kệ tụng thưa Phật:

Phật Thế Tôn tối thắng
Biết mà còn hỏi con
Vì ai mặc áo giáp
Nay sẽ nêu chân thật.
Con không chỗ vì người
Cũng không mặc áo giáp
Trong pháp sâu xa trên
Không chúng sinh nhận, hóa.
Chúng sinh không chúng sinh
Tất cả đều không có
Chỗ này không mê lầm
Gọi đó là Thế Tôn.
Rõ pháp sinh như vậy
Như thật tế xứ thường
Chẳng một, chẳng phải khác
Sâu xa tối thượng ấy.
Con sẽ khiến chúng biết
Chúng sinh kia cũng không
Thể chúng sinh đã không
Trong kia sao có trí?
Trí tuệ và chúng sinh
Tánh rốt ráo không có
Nếu biết rõ như vậy
Gọi là Bậc Thế Trí.

Đồng tử Thiện Tư nói kệ như vậy rồi, liền bạch Phật:

–Bạch Đại Thánh Thế Tôn! Nếu nơi đời vị lai con tự biết rõ pháp như vậy rồi thì vì các chúng sinh mà giảng nói như vậy.

Khi ấy, Trưởng lão Tỳ-kheo A-nan ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu! Bạch Đức Bàgià-bà! Thật là hy hữu! Bạch Đức Tu-già-đà! Đồng tử Thiện Tư này đã có thể nói rõ về pháp cú hết mực sâu xa vi diệu như vậy, không nhiễm chấp nơi cú, không nương tựa vào cú. Trong pháp sâu rộng này, tất cả hàng trời, người nơi thế gian thường mê mờ sợ hãi. Bạch Thế Tôn! Nơi thật tánh sâu xa của các pháp như vậy ai không muốn hành? Chỉ có người từ xưa có nhân duyên ở trong pháp sâu rộng ấy mới có thể sinh tâm tin tưởng.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan muốn nêu rõ nghĩa này nên nói kệ:

Giống như khối chân kim
Xa nhìn hiển bày rõ
Đồng tử Thiện Tư này
Đang ở trong đại chúng.
Ví như núi Tu-di
An trụ trong biển lớn
Khéo nói pháp như vậy
Trùm khắp thế gian này.
Không có, chẳng phải không
Đồng tử Thiện Tư nói
Thật tế kia như thế
Thật tế cũng là không.
Nay ông nói như vậy
Không từng sinh kinh sợ
Như thế, này Thiện Tư!
Ta làm sao biết được?

Ly-xa Thiện Tư dùng kệ đáp:

Con đã thề xả thân
Mặc áo giáp vô vi
Không mong nên cầu đạo
Đa văn nên nhận biết.
Vì năm dục làm mê
Đọa địa ngục đáng sợ
Nay thấy Đấng Vô Thượng
Làm sao con không vui.
Thế Tôn đại Từ bi
Hóa độ các chúng sinh
Thân con không tỳ vết
Nay đang ở trước Phật.
Hư không và thân con
Cả hai đều là không
Thân và không đã không
Sao phải sợ hư hoại?
Phật thân và thể không
Chân thật không thể phân
Nếu có tâm nhẫn này
Trong ấy không sợ hãi.
Hư không và đại địa
Trong chân như đều không
Con nay biết chân thật
Cho nên không sợ hãi.
Hư không khắp đại địa
Rốt ráo không thủ đắc
Vì không chân, không sinh
Chân thật không kinh sơ.
Hư không chẳng có cao
Chỗ thấp cũng không có
Người biết pháp như vậy
Không hề có sợ hãi.

Ly-xa Thiện Tư nói kệ như vậy rồi, Phật liền hỏi:

–Này Thiện Tư! Ông không sợ sao?

Thiện Tư bạch Phật:

–Lành thay! Bạch Thế Tôn! Con thật sự không sợ.

Phật lại hỏi:

–Ông không sợ sao?

Thiện Tư đáp:

–Lành thay! Thưa Thế Tôn! Con thật sự không sợ.

Phật lại hỏi:

–Này Đồng tử Thiện Tư! Ông không sợ hãi sao?

Thiện Tư đáp:

–Lành thay! Thưa Thế Tôn! Con thật không sợ hãi.

Bấy giờ, Thế Tôn khen ngợi:

–Lành thay! Lành thay! Này Ly-xa Thiện Tư! Nay ông mới đích thực có thể không khiếp, không sợ như vậy.

Phật vì việc này nên nói kệ:

Có Hữu nên sợ sinh
Hữu ấy không thủ đắc
Người nhẫn này tâm định
Liền đến gần Bồ-đề.
Chấp tướng nói chúng sinh
Nhưng chúng sinh không có
Thường thấu đạt như vậy
Kẻ ấy trú chân thừa.
Bồ-đề không người đắc
Chẳng đắc đắc, chẳng đắc
Lìa đắc, chẳng đắc ấy
Tâm sợ hãi tức không.
Có thể biết như vậy
Có không đều không trụ
Thiện Tư, ông nên biết
Đường này đến Bồ-đề.

Đức Thế Tôn nói kệ rồi, bảo Đồng tử Thiện Tư: –Này Đồng tử Thiện Tư! Cho nên Đại Bồ-tát muốn mau chóng đạt an lạc, chứng được đạo quả Bồ-đề vô thượng, phải nên nhớ nghĩ đến tướng thường, tướng lạc, tướng ngã, tướng tịnh, tướng chúng sinh, tướng thọ mạng, tướng dưỡng dục Phú-già-la. Các tướng này là con đường thẳng chân chánh của đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Đồng tử Thiện Tư! Thuở xưa, lúc ta phát tâm hành trì hạnh Bồ-tát đã thường tâm niệm về con đường ấy. Vì ý nghĩa đó, nên ta nhân nơi con đường ấy mà đạt đến Bồ-đề. Nhưng con đường này không có một pháp nào có thể thủ đắc. Đây tức là Bồ-đề vô thượng của ta.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nêu rõ lại nghĩa này nên nói kệ:

Ta tuy nói tướng thường
Thường ấy chẳng phải có
Đã biết không có thường
Liền không có tranh cãi.
Nếu chấp trước tướng lạc
Lạc cũng không chân thật
Đó là kiến điên đảo
Phú-già-la phân biệt.
Nếu biết các pháp chân
Mỗi mỗi không xứ tập
Tất cả không tạo tướng
Mạng và Phú-già-la.
Đường chẳng phải Bồ-đề
Không đường cũng như vậy
Ta nói bản tánh ấy
Các pháp không xứ sở.
Bản tánh và các vật
Người trí không phân biệt
Thiện Tư, ông nên biết
Đường này đến Bồ-đề.
Nếu chấp đường như vậy
Phật kia không hành đạo
Nếu chấp trước có tướng
Không biết rõ các pháp.
Không thể nương các thừa
Chỗ Từ bi chư Phật
Không có người năng hành
Xứ ấy lắng sâu diệu.
Tất cả chỗ không vật
Vật kia không thủ đắc
Vì đã không có vật
Tướng lạc không chỗ sinh.
Các niềm vui, nỗi khổ
Đường ấy như hư không
Có thể biết như vậy
Tâm ấy được giải thoát.
Ta tuy nói tướng ngã
Pháp ấy cũng không có
Đã không có ngã sở
Cũng lại không có trí.
Đã không có trí biết
Đây tức cảnh giới trí
Thọ mạng phân biệt có
Tướng ấy rốt ráo không.
Không ngôn thuyết, người biết
Tiểu trí bị mê hoặc
Tướng ngã và thọ mạng
Bản tánh chẳng phải có.
Bản tánh và các vật
Cảnh giới ngu si này
Tất cả không thể gần
Phật thừa không nghĩ bàn.
Không nghe kinh điển rộng
Không thọ trì, đọc tụng
Không nói kinh điển này
Không có tướng các pháp.
Ta không đắc các pháp
Chỗ nói lại cũng không
Ta xưa ngồi đạo tràng
Không một trí có chứng.
Như vậy ngã, trí này
Bồ-đề không thủ đắc
Bồ-đề và đạo tràng
Cả hai không người chứng.
Chúng phàm phu phân biệt
Chư Phật nói các pháp
Đây là mượn danh từ
Chỗ chư Phật thâm diệu.
Thâm diệu và chư Phật
Đó là cảnh giới ma
Không nghe kinh điển này
Phật Thế Tôn đã nói.
Cùng đều không biết vị
Chỗ lợi ích các pháp
Bồ-tát hành khổ hạnh
Hạnh ấy vì không biết.
Cho rằng Phật, Bồ-đề
Cả hai không thể thấy
Suy nghĩ như vậy rồi
Vọng ngôn cho: Phật nói.
Khen có các cảnh giới
Dựa vào sinh chấp trước
Đã có chỗ nhiễm chấp
Nên cũng không thấy ta.
Nếu có các chúng sinh
Thành tựu trí thâm diệu
Tất cả cùng nói lớn:
Chư Phật không nghĩ bàn.
Cho nên, này Thiện Tư!
Muốn biết pháp sâu xa
Nên dụng tâm tinh tấn
Liền rõ pháp chân thật.
Pháp ấy thật vô ngại
Nên gọi là thâm diệu
Lúc nói điều như vậy
Gọi là không thủ đắc.
Chúng sinh thấy điên đảo
Cảnh giới đây khác kia
Không do cầu thiền định
Có thể rõ thật nghĩa.
Tam-muội phi Tam-muội
Trong không, không thủ được
Chẳng phải trí cảnh giới
Vô trí cũng như vậy.
Tuy khiến biết tế kia
Cũng không trí cảnh giới
Pháp này từ duyên có
Thâm diệu tức nên vào.
Nếu có vui tịch tĩnh
Thì không có đây, kia
Nếu tâm thường tín lạc
Chính chốn nói kinh này.
Cõi Phật không phải một
Xưa trồng các căn lành
Trong nhiều chỗ chư Phật
Mới có thể thọ trì.

Đức Thế Tôn nói kệ rồi bảo Đồng tử Thiện Tư: –Này Đồng tử Thiện Tư! Vì ý nghĩa ấy nên tất cả chư Đại Bồ-tát cần phải mặc áo giáp như vậy. Ở trong tất cả chốn sợ hãi kinh của thế gian không nên sinh tâm lo âu sợ hãi mà phải phát tâm mặc áo giáp như vậy.

Khi ấy, Đồng tử Thiện Tư liền bạch Phật:

–Bạch Đại Thánh Thế Tôn! Con tin như vậy, nhưng trong thế gian lại có chỗ không tin.

Đức Thế Tôn lại bảo Đồng tử Thiện Tư:

–Có các Đại Bồ-tát hành pháp sâu xa, có tướng như vậy, có điềm lành như vậy, có hình ảnh như vậy. Tất cả họ là các bậc trượng phu thiện, quán sát trong thế gian không có các pháp hơn kém. Đã thấy tất cả các pháp đều bình đẳng không có hơn kém, biết như vậy rồi nên tâm không sợ, không hãi, không kinh. Đoạn tất cả các pháp, biết như vậy rồi mà tâm không sợ hãi. Không đoạn tất cả các pháp, biết như vậy rồi mà không sợ hãi. Biết có tất cả các pháp như vậy rồi mà không sợ hãi. Biết không có tất cả các pháp như vậy rồi mà không sợ hãi. Biết tất cả các pháp hợp như vậy rồi mà không sợ hãi. Biết tất cả các pháp tan rã như vậy rồi mà không sợ hãi. Biết tất cả các pháp hòa hợp như vậy rồi mà không sợ hãi. Biết tất cả các pháp không hòa hợp như vậy rồi mà không sợ hãi. Biết tất cả các pháp không thích ý như vậy rồi mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp không phải không vừa ý như vậy rồi mà không hề sợ hãi. Biết sự nhớ nghĩ về tất cả các pháp như vậy mà không hề sợ hãi. Biết không nhớ nghĩ về tất cả các pháp như vậy mà không sợ hãi. Biết sự tạo tác nơi tất cả các pháp như vậy rồi mà không sợ hãi. Biết tất cả các pháp không tạo tác như vậy rồi mà không sợ hãi. Biết cảnh giới nơi tất cả các pháp như vậy mà không sợ hãi. Biết tất cả các pháp không phải cảnh giới như vậy mà không sợ hãi. Biết về sự hoan hỷ nơi tất cả các pháp như thế mà không sợ hãi. Biết sự không hoan hỷ nơi tất cả các pháp như thế mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp của thế đế như vậy mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp nơi phi thế đế như vậy mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp vắng lặng như vậy mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp không vắng lặng như vậy mà không sợ hãi. Biết về sự hiểu rõ tất cả các pháp như vậy mà không hề sợ hãi. Biết về sự không hiểu rõ tất cả các pháp như thế mà không sợ hãi. Biết về sự trì giới nơi tất cả các pháp như vậy mà không hề sợ hãi. Biết về sự phá giới nơi tất cả các pháp như vậy mà không hề sợ hãi. Biết sự sáng rõ nơi tất cả các pháp như vậy mà không hề sợ hãi. Biết sự không sáng rõ nơi tất cả các pháp như vậy mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp có tên như vậy mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp không tên như vậy mà không hề sợ hãi. Biết ra khỏi tất cả các pháp như vậy mà không hề sợ hãi. Biết không ra khỏi tất cả các pháp như vậy mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp lo sợ như vậy mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp không lo sợ như vậy mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp sinh như vậy mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp không sinh như vậy mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp tử như vậy mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp bất tử như vậy mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp là Bồ-đề như vậy mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp không phải là Bồ-đề như vậy mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp là Niết-bàn như vậy mà không hề sợ hãi. Biết tất cả các pháp không là Niết-bàn như vậy mà không hề sợ hãi.

Lúc có thể nói pháp như vậy đó gọi là Bồ-tát không sợ, không khiếp, không kinh hãi.

Đức Thế Tôn nói lời như vậy rồi, muốn nêu rõ lại nghĩa ấy nên nói kệ:

Tất cả pháp không có
Chân như không mê lầm
Vì không có các pháp
Tướng kia liền vắng lặng.
Các pháp không hơn kém
Đây, kia đều là không
Vì tất cả pháp không
Chân thật cũng là không.
Các pháp có hơn kém
Đây, kia cũng đều không
Các pháp đã đều không
Thì không có tranh cãi.
Tất cả pháp đã không
Bản tánh sao có tánh
Vì tánh ấy không có
Sao lại có hoại diệt?
Các pháp có đoạn sao?
Người trí không nghĩ vậy
Chỉ giả có tên đoạn
Tìm chỗ đoạn không được.
Muốn đoạn tất cả pháp
Vi tế tìm không thấy
Chút ít và vô số
Các pháp đều không có.
Các pháp là không có
Đó cũng là ngôn thuyết
Trong kia không như vậy
Chỉ thị hiện trong ấy.
Tất cả pháp vô hình
Chỉ có hiện trong tướng
Có có và không có
Tất cả đều giả danh.
Tất cả pháp hòa hợp
Thị hiện không hòa hợp
Chân như không hòa hợp
Rốt ráo không có vật.
Các pháp không hòa hợp
Không tạo và không diệt
Như vậy cũng không đắc
Các pháp mỗi mỗi không.
Các pháp không thủ đắc
Tất cả tiền tế không
Vì bản tế đã không
Nên gọi là thật tế.
Tất cả pháp hoan hỷ
Hoan hỷ không thủ đắc
Đã không có các pháp
Điều ấy không thể nói.
Các pháp không hoan hỷ
Cả hai cũng đều không
Trong chân như không vật
Đó là tướng thâm diệu.
Tất cả pháp không hiềm
Trong chân như không ngã
Vì chân như không có
Nên không có chỗ hiềm.
Không tán thán Niết-bàn
Pháp ấy không thủ đắc
Vì các pháp không có
Nên gọi là Niết-bàn.
Các pháp không có tên
Trong chân như thị hiện
Đó là giả danh nói
Nên gọi là suy nghĩ.
Các pháp không suy nghĩ
Pháp này không Định xứ
Cho nên không chúng sinh
Đó là thể các pháp.
Tất cả pháp như huyễn
Huyễn ấy không thủ đắc
Vì các pháp bất đắc
Nói các hành hữu vi.
Các pháp đã vô vi
Thể chân như đây, kia
Không có chốn các pháp
Nên nói không biên vực.
Tuy nói có cảnh giới
Cảnh giới thật không có
Vì phàm phu mà nói
Nên gọi là cảnh giới.
Các cảnh giới hư vọng
Nên nói không cảnh giới
Nói không có cảnh giới
Là chân tướng cảnh giới.
Nói thể tất cả pháp
Tất cả không số lượng
Tất cả đã không có
Các ông biết tịch định.
Vô đắc nói hữu đắc
Thị hiện có chỗ đắc
Chỗ của đắc vô đắc
Thị hiện nên có đắc.
Chỗ ấy không trì giới
Và phá giới cũng không
Không hành và không giới
Các pháp tướng như vậy.
Tất cả pháp đều không
Nên gọi là vô minh
Vì không có các pháp
Ông nên biết là sáng.
Các pháp là danh tự
Danh kia thật không có
Đã không có tên pháp
Biết vậy là Niết-bàn.
Nói có thọ nhận tên
Vì thọ nên thị hiện
Chỗ ấy không có thọ
Nên nói thị hiện thọ.
Không có là có tướng
Thị hiện gọi là có
Trong các pháp lìa có
Nên nói thường không có.
Như thấy huyễn hóa rồi
Ngu si nói có tướng
Biết có có không có
Chỗ ấy trí không lầm.
Không biết chỗ sinh pháp
Cả hai không thủ đắc
Vì người ngu si nói
Nói đó là chỗ sinh.
Các pháp nếu có sinh
Nên nói sẽ có tử
Chỗ sinh và chỗ tử
Cả hai không thủ đắc.
Tất cả pháp đều không
Các pháp không thủ đắc
Thiện Tư, ông nên biết
Ta nói pháp như vậy.
Bồ-đề không tạo tác
Chỗ đó không người tạo
Nếu sẽ đắc Bồ-đề
Thì liền thấy tam giới.
Nếu phân biệt Bồ-đề
Ấy không hành Bồ-đề
Hành hạnh cùng Bồ-đề
Tất cả không phân biệt.
Tất cả có chân thật
Chân thật không có chỗ
Vì chân thật không đắc
Đó là tướng Niết-bàn.
Rốt ráo không vượt ngoài
Ấy không chỗ thủ đắc
Vì không có các vật
Không sinh lại không diệt.
Nếu biết được nghĩa này
Các pháp không chân thật
Tất cả không thể sinh
Tức không cùng tranh cãi.
Nói pháp thâm diệu này
Lúc không hề sợ hãi
Ông nên biết người kia
Là Bồ-tát chân thật.

Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, Đồng tử Thiện Tư dùng kệ bạch Phật:

Phật lợi lạc cho con
Xuất hiện ở thế gian
Lúc nói tướng pháp này
Con không có nghi hoặc.
Con nay được đầy đủ
Phật nói khó nghĩ bàn
Lưới các kiến trói buộc
Nay thoát được lưới ma.
Con đã đoạn sinh tử
Đã trụ nơi đạo tràng
Khi Như Lai nói tướng
Con đoạn trừ nghi kết.
Vì con nói chỗ đắc
Diệt trừ hết các kiến
Vô úy ích thế gian
Con khéo trừ tâm cấu.

QUYỂN HẠ

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đồng tử Thiện Tư:

–Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh không hư vọng.

Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh Từ bi.

Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh không lo sợ, vì có thể đoạn trừ tất cả các lỗi lầm, vì thương xót tất cả các chúng sinh.

Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh vô tướng hết sức sâu xa vi diệu.

Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh chân thật, có thể xa lìa tất cả dục tưởng. Hành không dục ấy là không yêu ghét.

Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành với tâm hạnh xem tất cả chúng sinh đều bình đẳng, vì tâm ấy rốt ráo không chỗ thủ đắc.

Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh đại Từ bi, vì nơi tất cả pháp không có chỗ thủ đắc. Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh đại bố thí, vì thật không có bố thí.

Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh không hư dối, vì không thọ quả báo nơi tất cả thân sau.

Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh nhẫn không não hại, hiện rõ sự không cạnh tranh.

Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh phát thệ nguyện, vì xả bỏ mọi sự lười biếng.

Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh Tam-muội, vì ưa thích vắng lặng.

Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh trí tuệ, vì ở trong tất cả pháp không chỗ thủ đắc.

Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh vô úy, vì tâm không hề lo sợ.

Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh vô ngại, vì thành tựu các trí lực của Như Lai.

Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh tăng ích, vì vào cửa trí tuệ không có chấp trước.

Này Đồng tử Thiện Tư! Bồ-tát này hành hạnh quán khắp mười phương, vì không nhiễm đắm.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Đồng tử Thiện Tư, nhằm nêu rõ lại nghĩa này nên nói kệ:

Người hành hạnh không nghi
Vì các Bồ-tát nói
Nghi hoặc và các hành
Cả hai không thủ đắc.
Vì các Bồ-tát nói
Xứ có hành, không hành
Nếu biết hành xứ này
Tất cả không cạnh tranh.
Thâu nhận tất cả pháp
Vì các Bồ-tát nói
Chỗ đắc không thật có
Hạnh này là tối thượng.
Ta hành hành xứ này
Ấy là hành điên đảo
Đã trụ hành điên đảo
Thì không có chỗ sợ.
Tuy gọi là hạnh tranh
Tranh ấy không thủ đắc
Nếu biết được như vậy
Hạnh ấy thừa tối thượng.
Thừa này không có sợ
Phật thừa là tối thượng
Sợ hãi, không sợ hãi
Tất cả pháp giả danh.
Tuy nói các hành xứ
Tất cả không thủ đắc
Hết thảy đã không đắc
Hạnh ấy là tối thượng.
Hành này hành sâu xa
Thương yêu tất cả pháp
Thương yêu hành sâu xa
Đều từ phân biệt sinh.
Sâu xa và các hành
Hai chỗ ấy đều không
Nếu biết biên vực ấy
Không chìm đắm nơi pháp.
Các pháp không thể nhiễm
Phi pháp lại cũng vậy
Bản tánh các pháp này
Nên nói không chỗ nhiễm.
Không chắc và không bền
Đó chỉ là hiện có
Không có danh tự xứ
Cú này là tối thượng.
Ta tuy nói có ái
Không sợ hãi chỗ ấy
Vì không có sự vật
Chỗ ấy không sinh tranh.
Hành các chúng sinh ấy
Chỗ này không có thật
Nếu có biết điều này
Là người khéo nói hành.
Chỗ ấy không chúng sinh
Nên ta nói chúng sinh
Chúng sinh, pháp bình đẳng
Đường này là tối thượng.
Tâm cùng chúng sinh có
Rốt ráo không thủ đắc
Đó gọi là tối từ
Ta trước nói đại Từ.
Đại thí chủ thế gian
Cũng gọi đại chúng sinh
Thường vui hành bố thí
Nên gọi đại thí chủ.
Pháp còn không thủ đắc
Huống là có biên vực
Các Bồ-tát đại trí
Nên gọi là thí chủ.
Phật đã không thủ đắc
Pháp cũng không nghĩ bàn
Giới này không khuyết phạm
Các pháp không chỗ dựa.
Tất cả không nghĩ bàn
Giới Phật không nghĩ bàn
Giới hạnh không phân biệt
Vì các Bồ-tát nói.
Nhẫn hướng các chúng sinh
Chúng sinh rốt ráo không
Đó là nhẫn tối thắng
Ta nói trong pháp hành.
Vì tâm không thủ đắc
Cạnh tranh không chỗ sinh
Đó là nhẫn tối thượng
Các pháp không thủ đắc.
Bồ-tát không biếng trễ
Không bị người hủy nhục
Đó là tinh tấn nhất
Gọi là không lấy, bỏ.
Thân tâm thiện chất trực
Có thể hành hạnh này
Đó là tinh tấn nhất
Vì các Bồ-tát nói.
Bồ-tát nếu lười biếng
Không phát khởi các hành
Không lấy cũng không bỏ
Trụ đó tinh tấn nhất.
Cõi tâm không thủ đắc
Hoặc ngoài hoặc ở trong
Nên gọi tâm tịch định
Tâm ấy không xứ sở.
Duyên dựa và tâm hành
Trong chân như không có
Tam-muội ấy khó bàn
Thị hiện định như vậy.
Ta nói Tam-muội này
Tu-già-đà tự tại
Có thể hành hạnh ấy
Ta nói đạt định ấy.
Không dùng trí biết được
Có các pháp chân như
Chân như và trí tuệ
Hai biên này không có.
Pháp này không thủ đắc
Đó là cảnh giới thức
Pháp không do thức biết
Tịch xứ ấy chân thể.
Người biết được như vậy
Người ấy đạt chân niệm
Bồ-tát hành chân như
Người đời không thể hành.
Thù thắng tất cả chúng
Vì chúng sinh thuyết pháp
Đã không tướng chúng sinh
Huống là có đồ chúng.
Chúng sinh như huyễn hóa
Huyễn hóa cũng không có
Người hay nói như vậy
Là người không sợ hãi.
Hoặc ta, hoặc thân khác
Cả hai đều không có
Có thể đạt trí này
Không hề có kinh sợ.
Ở trong và ở ngoài
Hữu tướng rốt ráo không
Tâm không chỗ khiếp nhược
Vượt hẳn tất cả đời.
Các pháp không tự thể
Giống như hành hư không
Đã như hành hư không
Pháp chân như cũng vậy.
Trí này khéo biết rõ
Bồ-tát không chỗ sợ
Khéo biết tất cả pháp
Là biết hành chúng sinh.
Đã biết không chúng sinh
Tất cả pháp cũng vậy
Biết rõ về trí, cõi
Cõi ấy không thủ đắc.
Nếu vào pháp môn này
Đường ấy là tối thắng
Có thể từ đường này
Liền biết hành chúng sinh.
Cảnh giới và chúng sinh
Cả hai không có vật
Muốn biết các pháp môn
Cần biết thắng trí này.
Hoặc trong, hoặc ở ngoài
Trí tuệ không xứ tập
Trong các pháp vô ngại
Nên gọi là thật tế.
Các pháp khó nghĩ bàn
Nên gọi là pháp Phật
Kia không có nơi chốn
Chỗ ấy lại cũng không.
Nếu có thể hành vậy
Thế gian không chướng ngại
Trí đã không có ngại
Nên gọi là trí Phật.
Các pháp khó nghĩ bàn
Chúng kia không chân chánh
Các pháp đã không Thể
Là biết pháp chư Phật.
Phật và pháp chư Phật
Cả hai đều không có
Vì không có Bồ-đề
Đó gọi là Phật đạo.
Người nương Đại thừa này
Đến chỗ pháp an lạc
Đời này là tối thắng
Người đời không thủ đắc.
Phàm chỗ có thế gian
Chúng sinh tất cả chốn
Bồ-tát là hơn hết
Người hành thắng trí này.
Hay cầu các pháp ấy
Pháp Phật khó nghĩ bàn
Đạt được các pháp này
Ấy liền gần Bồ-đề.
Bồ-đề và các pháp
Cả hai rốt ráo không
Có thể hành như vậy
Liền gần pháp chư Phật.
Hành giả có thể hành
Không nhiễm các thế gian
Đã không có tâm nhiễm
Thì gần đến Bồ-đề.

Đức Thế Tôn nói kệ này rồi lại bảo Đồng tử Thiện Tư:

–Này Thiện Tư! Nay ta nêu rõ: Nếu có Đại Bồtát nào khéo mặc áo giáp, ở trong kinh điển sâu xa như vậy có thể khéo thuyết giảng. Khi khéo giảng nói pháp tối diệu, vi mật, người ấy nghe rồi không kinh hãi, không sợ sệt, không hối hận, không chìm đắm. Đại Bồ-tát như vậy liền được trú nơi đạo tràng Bồ-đề, liền được nhập vào cảnh giới của chư Phật, liền chứng vô ngại, liền trụ trong pháp môn giải thoát vô vi. Lại nữa, có thể khéo trụ trong hành vô đắc, tức có thể quán sát tất cả mười phương, tức có thể chứng được đại Từ, đại Bi, liền đắc mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, liền đắc bậc Quán đảnh tối đại vô thượng. Lúc giảng nói pháp sâu xa vi diệu này, có thể có người tin làm, có thể có người tư duy về pháp như vậy. Chư Phật đã quán sát thấy những vị Bồ-tát ấy, tất cả chư Phật đã hộ trì họ. Hoặc có Bồ-tát có thể tin hành, hoặc có người không tin hành, thì tất cả chư Phật cũng đều thấu rõ. Nếu người nào có thể nhập nơi pháp môn ấy thì chư Phật cũng đã biết rõ. Nếu người nào có thể tin làm pháp môn ấy thì ta sẽ vì các người ấy mà làm thầy, tất cả họ đều theo ta xuất gia.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Đồng tử Thiện Tư, nhằm nêu rõ lại nghĩa này nên nói kệ:

Bậc này chứng đạo tràng
Đạo tràng tức là không
Nếu không thủ Bồ-đề
Bậc kia liền trụ trí.
Các pháp không có ngại
Rốt ráo không thủ đắc
Pháp đã không thủ đắc
Giải thoát cũng như vậy.
Người hành trí chư Phật
Nơi tất cả các pháp
Và với các pháp hành
Thế Tôn nói như vậy.
Chỗ có ngại, không ngại
Ngu si khởi tâm ấy
Phật cùng Đại Bồ-tát
Không phân biệt như vậy.
Tuy quán pháp thế gian
Thế gian rốt ráo không
Trí hay quán thế gian
Trí ấy cũng không có.
Chúng sinh và chư Phật
Một loại không phân biệt
Đã không chỗ phân biệt
Từ bi là tối thắng.
Tánh pháp giới rộng lớn
Chúng sinh giới cũng vậy
Các Bồ-tát đại trí
Không tư duy như vậy.
Tuy muốn khởi tâm Từ
Từ ấy không tự thể
Thể từ và vô tánh
Phi cảnh giới chúng sinh.
Năm ngón lường hư không
Trước không nay cũng không
Các thế gian cũng vậy
Từ bi là tối thắng.
Bậc vô thượng các pháp
Gọi là pháp chư Phật
Chư Phật không chỗ đắc
Đó tức là chân thể.
Thế Tôn đại Từ bi
Không có hình và sắc
Pháp không sắc như vậy
Hành ấy gọi thế gian.
Hư không không bờ bến
Cảnh giới không thể nắm
Pháp chư Phật như vậy
Người trí hành thuận theo.
Đó là trí vô thượng
Mà trí không thủ đắc
Trí đã không chỗ đắc
Chỗ ấy thật không có.
Bờ này và bờ kia
Hoặc tư duy, hoặc thấy
Bậc ấy không hành này
Thâm diệu là gọi tướng.
Nếu rõ pháp bình đẳng
Tất cả chỗ bình đẳng
Trong pháp hành của ta
Không nhờ cầu tri thức.
Nếu tâm có lấy, bỏ
Phân biệt nơi hai kiến
Người nói có việc này
Chẳng phải tri thức thiện.
Nếu nói pháp này thành
Hoặc nói pháp này diệt
Thiện Tư, Tỳ-kheo ấy
Chẳng phải đệ tử ta.
Người nói chứng khổ diệt
Rốt ráo không thủ đắc
Pháp sư nói như vậy
Không thể nói pháp ta.
Các pháp không chỗ khởi
Sao nói các pháp tập
Không chỗ khởi nói diệt
Chúng ấy xa pháp ta.
Trong pháp tịch như vậy
Không có chỗ phân biệt
Các pháp đã không có
Chỗ diệt lại cũng không.
Nếu có tâm cạnh tranh
Sao nói là tịch diệt?
Thiện Tư, ông nên biết
Đây không phải chân thật.
Nói đạo với nói pháp
Đấy là thị hiện có
Đã có chỗ thị hiện
Nên giả hiện có đường.
Ta nói các Bồ-tát
Đại trí đời vị lai
Có thể hành như vậy
Là nương cảnh giới này.
Hành giả có thể hành
Chư Phật nói thâm diệu
Họ đã cúng dường ta
Lợi ích cho muôn loài.
Có thể trì kinh này
Các Bồ-tát đại trí
Trong đời vị lai kia
Vì gìn giữ các pháp.
Ta đã nói các pháp
Thường trụ không phân biệt
Đó tức là Bồ-đề
Lìa đó không đạo khác.

Lúc Đức Thế Tôn giảng nói pháp này rồi, Đồng tử Thiện Tư liền chứng đắc thuận Nhẫn vô sinh ở trong các pháp. Đã chứng đắc Nhẫn vô sinh nên vĩnh viễn xa lìa tất cả buồn vui của thế gian, được niềm vui lớn, liền bay trên hư không cách mặt đất bảy cây Đa-la.

Đức Thế Tôn liền mỉm cười. Khi các Đức Thế Tôn có pháp mỉm cười như vậy thì từ nơi diện môn phóng ra các loại ánh sáng, đó là: tím, xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, vừa xanh vừa trắng, xanh biếc, màu lục, pha lê. Ánh sáng ấy chiếu khắp vô lượng, vô biên các thế giới của chư Phật, cho đến cung điện nơi cõi Hữu đảnh, Đại phạm thiên, rồi trở về chỗ Phật, nhiễu quanh ba vòng và nhập vào đảnh Phật. Bấy giờ, đại địa hiện đủ sáu cách và mười tám tướng chấn động. Lúc này, trong hư không, trên thượng giới, trời mưa các loại bột Chiên-đàn, trầm thủy, hương bột, mưa các loại hoa trời, các loại âm thanh nơi cõi trời vi diệu tự nhiên phát ra, tam thiên đại thiên thế giới trở nên thanh tịnh, trang nghiêm, giống như cõi nước Uất-đan-việt nơi phương Bắc không khác. Cũng vậy, tam thiên đại thiên thế giới này cũng không khác.

Bấy giờ, Trưởng lão Tỳ-kheo A-nan, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày áo vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch:

–Thật là hy hữu! Bạch Thế Tôn! Con chưa rõ vì nhân duyên gì khiến Như Lai mỉm cười, phóng ra hào quang? Chư Phật Thế Tôn không phải không có nhân duyên mà phóng ra ánh sáng. Tôn giả A-nan liền dùng kệ thưa Phật:

Chư Phật, Bậc Tối Thắng thế gian
Mỉm cười, phóng quang ắt có việc
Chỗ lợi ích đó xin Phật dạy
Vì nhân duyên gì hiện điềm lành?
Hư không trời mưa hoa
Để cúng dường Thế Tôn
Hoan hỷ đều ca tụng
Khen ngợi thuyết kinh này.
Trong tam thiên thế giới
Thanh tịnh và trang nghiêm
Giống như Uất đan-việt
Ánh sáng chiếu mười phương.
Như xưa các Thế Tôn
Trong ấy hành thọ ký
Phật phóng quang chiếu xong
Trở vào nơi đảnh Phật.
Thế Tôn đã phóng quang
Ánh sáng nhiều loại sắc
Từ diện môn Phật xuất
Vì con nói nhân này.

Đức Thế Tôn liền dùng kệ bảo Trưởng lão Anan:

Đồng tử Thiện Tư này
Xưa trồng căn lành sâu
Ở trong đời vị lai
Thành Phật Lưỡng Túc Tôn.

Đức Phật nói kệ rồi, lại bảo Tôn giả A-nan:

–Này A-nan! Đồng tử Thiện Tư từ nay trở đi cung kính cúng dường ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp chư Phật Như Lai, thừa sự, phụng hành, không làm trái lời dạy của chư Phật ấy. Lại nữa, còn cúng dường chư Thế Tôn ấy đầy đủ tứ sự: Y phục, thuốc thang, phòng ốc, ngọa cụ. Sau khi các Như Lai ấy diệt độ, sẽ cúng dường xá-lợi, dùng nhiều loại châu báu để xây tháp, mỗi một tháp đều cao trăm ngàn do-tuần. Trong tất cả các bảo tháp ấy đều an trí Xálợi, dùng các loại danh hương để cúng dường. Lại dùng tất cả các loại tràng hoa để tạo vẻ trang nghiêm, tất cả các báu, tất cả các loại cờ phướn, vô số loại hoa đẹp và bột hương chiên-đàn, bột hương trầm thủy… rải lên trên ấy để cúng dường. Lại dùng các loại âm thanh thượng diệu để cúng dường. Cúng dường chư Như Lai Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ấy rồi, thì xả bỏ thân sau cùng, thành Phật hiệu là Tịnh Nguyệt Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, xuất hiện ở đời.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Tôn giả A-nan và chư đại chúng, nhằm nêu rõ lại nghĩa này nên nói kệ:

Các châu báu diệu kỳ
Đầy khắp mười phương cõi
Cúng dường Phật Thế Tôn
Và các chúng Bồ-tát.
Được nghe pháp tướng này
Như Đại Thánh đã nói
So công đức tài thí
Phước này nhiều hơn trước.

Khi ấy, Trưởng lão Xá-lợi-phất nghe Đức Thế Tôn đối chiếu về công đức liền dùng kệ bạch Phật:

Thế Tôn nói kinh này
Sâu xa tối vi diệu
Mà không nói danh tự
Sao chúng con thọ trì?
Kinh điển này nói rõ
Các pháp đều bình đẳng
Không có đắc, chẳng đắc
Hy hữu, Phật khéo nói!
Hữu lậu và hữu vi
Pháp vô lậu, vô vi
Kinh này không phân biệt
Thế Tôn khéo giảng nói.
Thế gian, xuất thế gian
Đệ nhất nghĩa, Thế đế
Hai cõi không sai khác
Kinh này nói như vậy.
Phật nói về các hạnh
Phương tiện vì chúng sinh
Chân lý thảy đều không
Từ kim khẩu Phật nói.
Chư Phật và các pháp
Tất cả vốn là không
Năng, Sở thừa đều không
Hy hữu, Phật khéo nói!
Chư Thế Tôn mười phương
Nói về các pháp tướng
Chúng vốn không chơn thể
Kinh này hành như vậy.
Lành thay! Đại Thánh Tôn!
Lành thay! Trí Tối Thắng!
Kinh này tên là gì
Vì chúng con nói rõ!
Trí tuệ nói vậy rồi
Ngày nay trừ các nghi
Đủ tám tướng công đức
Âm thanh bảo với họ.
Muốn biết tên kinh này
Gọi là Quán Đảnh Vương
Tuy nói Quán Đảnh Vương
Quán đảnh cũng không có.
Người thọ trì kinh này
Chư Phật nói người ấy
Nơi trời, người, thế gian
Sẽ là như tháp báu.
Chỗ ta nói kinh này
Thính chúng có tám ngàn
Các căn lành nhiều loại
Phát ý đạo vô thượng.
Chúng ấy ở đời sau
Tất thành bậc Vô thượng
Được nghe kinh diệu này
Phước đức khó nghĩ bàn.
Dừng trú nơi an ổn
Trong căn lành sâu mầu
Người ấy mới có thể
Thọ trì kinh điển này.
Buộc niệm, chuyên đọc tụng
Kinh pháp Quán Đảnh Vương
Những người này nơi ấy
Không nghi hoặc các pháp.
Đây không nói nhẫn đầu
Đệ nhị nhẫn cũng không
Tướng các pháp đã không
Sao lại có chỗ nói.
Nếu người nào thọ trì
Kinh điển Quán Đảnh Vương
Người làm những việc ấy
Biện tài nơi các pháp.
Nếu người nữ có trí
Thọ trì kinh điển này
Mau xả thân tạp uế
Thân bất tịnh nghiệp tội.
Một trí biết tất cả
Tất cả trí biết một
Đó là nắm các pháp
Trong kinh này nói đủ.
Pháp kinh này nêu giảng
Chỗ vào như hư không
Con nói vào đạo này
Làm sáng rõ các pháp.
Biết nhiều sự sáng tỏ
Có nhiều loại khắp nơi
Tuy nói về các pháp
Pháp ấy không thủ đắc.
Thể vô ngôn hiện có
Tướng ấy rốt ráo không
Biết các pháp môn này
Đó là thọ trì pháp.
Nói không có các pháp
Chỗ ấy không có, không
Đó là tướng thể pháp
Gọi là Đà-la-ni.
Nếu người muốn vô biên
Ánh sáng chiếu tất cả
Nên thọ trì kinh này
Khéo nói Quán Đảnh Vương.
Muốn cầu bờ pháp giới
Trong đó đã nói đủ
Giới ấy không thủ đắc
Nên gọi Đà-la-ni.
Tất cả pháp sâu mầu
Pháp là chốn vô đắc
Pháp đã không chốn đắc
Chốn ấy không cũng không.
Nếu thành tựu biện tài
Trí sâu xa vô ngại
Mới biết được nghĩa này
Là kinh không chỗ chấp.
Như rồng A-nậu-đạt
Ở trong không làm mưa
Nó không có tâm tưởng
Gọi không thể nghĩ bàn.
Nếu muốn nói rộng nhiều
Vô số biện tài thuyết
Y trong kinh này học
Không dựa tất cả pháp.
Pháp ấy không chỗ đến
Khéo nói như kinh này
Các pháp không có sinh
Như kinh này nêu rõ.
Như mặt trời chiếu sáng
Sáng ấy không chỗ đến
Kinh này sáng như vậy
Ánh pháp thường chiếu khắp.
Đời sau, thiện nam tử
Muốn biện tài vô tận
Nên học Quán Đảnh Vương
Khéo nói gốc pháp ấy.
Mau được biện vô ngại
Thâm diệu khó nghĩ bàn
Nếu học Quán Đảnh Vương
Nhiều lợi ích cho đời.
Nếu không tu pháp này
Quán Đảnh Vương vô thượng
Người ấy không thọ trì
Như vậy không thí dụ.
Tất cả bốn bộ chúng
Xa lìa nơi pháp hành
Người không rõ nghĩa này
Không nghĩa ấy là nghĩa.
Nếu có bốn bộ chúng
Khi thực hành hạnh này
Vô thượng trong các pháp
Tức là mắt thế gian.
Như cung điện Đao-lợi
Hiển hiện cao lồng lộng
Kinh điển này cũng vậy
Là tối thắng thế gian.
Như đứng đỉnh Tu-di
Nhìn thấy người thế gian
Trụ kinh này cũng vậy
Nhìn thấy tất cả pháp.
Như người trong đêm tối
Cầm cây đuốc cao lớn
Người ấy đi đến đâu
Trọn không còn bóng tối.
Kinh này đã chiếu sáng
Thấy rõ tất cả pháp
Người thọ trì kinh này
Thì không còn mê tối.
Như mặt trời chiếu khắp
Tất cả chốn đều sáng
Kinh điển này cũng vậy
Xuất sinh nhiều loại pháp.
Như trăng trong hư không
Lưu chuyển phóng ánh sáng
Kinh điển này cũng vậy
Chiếu khắp mười phương cõi.
Ấn này ấn các pháp
Ấn trong tất cả ấn
Nên để lại ấn này
Vì các bậc Bồ-tát.
Như muốn ấn hư không
Gốc không cũng không trụ
Hư không cùng với ấn
Cả hai đều phân biệt.
Phật và pháp như vậy
Trong kinh này đã nêu
Chư Phật không thể nói
Các pháp cũng như thế.
Như khi vua băng hà
Ân cần khéo phó chúc
Bảo các quan đại thần
Tài sản giao con ta.
Thánh pháp tài cũng vậy
Xưa ta tu tập được
A-nan, ông đời sau
Phó chúc các Bồ-tát.
Ta đã nói kinh này
Vì các vị Bồ-tát
Người thọ trì kinh này
Người ấy phước rất lớn.
Hay tin nhận kinh này
Dựa Quán Đảnh Vương nói
Người ấy nếu còn nghi
Ta sẽ không thành Phật.
Người muốn tự tại biện
Nơi các pháp vô ngại
Nên phải học kinh này
Ta khéo nói Quán đảnh.
Nói các pháp thế gian
Ấy là đạo Bồ-đề
Biết rồi chớ biếng trễ
Phải đọc tụng kinh này.
Những người chánh tín ấy
Trong thế gian không mê
Đã đọc tụng kinh này
Vì người khác giảng nói.
Đó là pháp chư Phật
Vì các Bồ-tát nói
Được nghe kinh này rồi
Sâu xa khó nghĩ bàn.
Khi đang nói kinh này
Mười phương tất cả Phật
Mỉm cười phóng ánh sáng
Đều nói: Khéo nêu giảng.
Giữ vững cờ đại thắng
Cờ pháp khó nghĩ bàn
Kệ bốn câu kinh này
Vì đại chúng diễn nêu.
Khéo hành nhiều phương tiện
Trong pháp khó nghĩ bàn
Người thọ trì kinh này
Lại vì người khác nói.
Người ấy cùng Phật ngữ
Chứng pháp bậc Vô thượng
Người thọ trì kinh này
Quán đảnh khó nghĩ bàn.

Đức Thế Tôn nói kệ đáp Tôn giả Xá-lợi-phất rồi, lại bảo Trưởng lão A-nan:

–Này A-nan! Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, ở trong đời vị lai có thể có tâm tin nghe kinh này, thọ trì, đọc tụng thì người ấy sẽ được phước đức rất lớn. Phước đức ấy không thể lường tính, không có biên vực, ví như cõi hư không, không người nào có thể lường tính để biết được giới hạn.

Đúng vậy, đúng vậy! Này A-nan! Trong gốc pháp này, nếu người nào có thể thọ trì, hoặc tự mình đọc tụng, hay vì người khác nói, dù chỉ một bài kệ bốn câu, thì người ấy sẽ được nhiều căn lành công đức không thể lường xét, không thể nói hết, không có giới hạn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Tôn giả A-nan và đại chúng, nhằm nêu rõ lại ý nghĩa này nên nói kệ:

Nếu đọc tụng kinh này
Thân phương tiện vô biên
Lợi ích nhiều chúng sinh
Quán Đảnh Vương thương xót.
Giả sử nay ta nói
Hư không có thể lường
Muốn so sánh kinh ấy
Không thể nào cùng tận.
Tất cả Phật mười phương
Bậc Vô thượng trong đời
Nếu thọ trì kinh này
Là cúng dường chư Phật.
Tất cả Phật mười phương
Vua pháp đoạn sinh tử
Người thọ trì kinh này
Là cúng dường chư Phật.
Các thế giới mười phương
Đoạn trừ gốc mười ác
Người nghe kinh điển này
Là cúng dường chư Thánh.
Hoặc chư Phật vị lai
Và Như Lai quá khứ
Hiện tại trong mười phương
Lưỡng Túc Tôn vô thượng.
Thường làm Sư tử gầm
Hẳn đáng được cúng dường
Hay thọ trì kinh này
Chỗ chư Phật thuyết giảng.
Đem tài, vật cúng dường
Chẳng phải người chánh trí
Nếu thọ trì kinh này
Là cúng dường trên hết.
Tất cả mười phương cõi
Đủ Bồ-tát hành thí
Dùng cúng chư Thế Tôn
Thua phước trì kinh này.
Nếu học kinh điển ấy
Quán Đảnh Vương nhất như
Cung kính chư Như Lai
Trong Như chân thật hiện.
Ta đã nói các pháp
Chư Phật không thủ đắc
Người nghe không sợ hãi
Tức là cúng dường Phật.
Là cúng dường sâu xa
Thế gian không người rõ
Chẳng thủ và chẳng xả
Là cúng dường tối thắng.
Chư Phật và các pháp
Tất cả không thủ, xả
Cúng dường tối thắng ấy
Chư Phật Thế Tôn khen.
Thuở xưa Phật Định Quang
Ta cúng dường pháp này
Cúng dường tối thắng ấy
Vì các Bồ-tát nói.
Lúc ở bên Phật đó
Ta giữ cúng dường này
Phật thọ ký cho ta:
Ông sẽ được làm Phật.
Nếu muốn sẽ làm Phật
Vì chúng sinh trên hết
Nên thành tựu đường này
Gọi là cúng dường Phật.
Ta cúng dường như vậy
Nay được thành Phật đạo
Thông suốt tất cả pháp
Đáng được trời, người cúng.
Tất cả pháp chư Phật
Bậc Vô thượng thế gian
Cúng dường này tối thắng
Trong các pháp cúng dường.
Chứng nơi cảnh giới Phật
Trí tuệ khó nghĩ bàn
Hay gầm tiếng sư tử
Như ta nay không sợ.
Gầm tiếng sư tử rồi
Đạt các pháp tự tại
Giải thoát các chúng sinh
Vào Niết-bàn vô lậu.

Đức Thế Tôn giảng nói kinh này xong, Đồng tử Thiện Tư và tất cả đại chúng, các chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Nhân phi nhân… ở trong thành Tỳ-da-ly, nghe Phật giảng nói rồi đều hoan hỷ tán thán và tin nhận, phụng hành.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Kinh tập][426][427][428][429][430][431][432][433][434][435][436][437][438][439][440][441][442][443][444][445][446][447][448][449][450][451][452][453][454][455][456][457][458][459][460][461][462][463][464][465][466][467][468][469][470][471][472][473][474][475][476][477][478][479][480][481][482][483][484][485][486][487][488][489][490][491][492A][492B][493][494][495][496][497][498][499][500][501][502][503][504][505][506][507][508][509][510][511][512][513][514][515][516][517][518][519][520][521][522][523][524][525][526][527][528][529][530][531][532][533][534][535][536][537][538][539][540][541][542][543][544][545][546][547][548][549][550][551][552][553][554][555][556][557][558][559][560][561][562][563][564][565][566][567][568][569][570][571][572][573][574][575][603][604][605][606][607][608][609][610][611][612][613][614][615][616][617][618][619][620][621][622][623][624][625][626][627][628][629][630][631][632][633][634][635][636][637][638][639][639][640][641][642][643][644][645][646][647][648][649][650][651][652][653][654][655][656][657][658][659][660][661][662][663][664][665][666][667][668][669][670][671][672][673][674][675][676][677][678][679][680][681][682][683][684][685][686][687][688][718][719][720][721][721][722][723][724][725][726][727][728][729][730][731][732][733][734][735][736][737][738][739][740][741][742][743][744][745][746][747A][747B][748][749][750][751][752][753][754][755][756][757][758][759][760][761][762][763][764][765][766][767][768][769][770][771][772][773][774][775][776][777][778][779][780][781][782][783][784][785][786][787][788][789][790][791][792][793][794A][794B][795][796][797A][797B][798][799][800][801][802][803][804][805][806][807][808][809][810][811][812][813][814][815][816][817][818][819][820][821][822][823][824][825][826][827][828][829][830][831][832][833][834][835][836][837][838][839][840][841][842][843][844][845][846][847]


[Mục lục tổng quát]