TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ KINH TẬP (425-847)

SỐ 809-PHẬT THUYẾT NHŨ QUANG PHẬT KINH

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi.


Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật cùng tám trăm Tỳ-kheo, ngàn vị Bồ-tát du hóa ở nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ quốc vương, đại thần, dân chúng và các hàng Trời, Rồng, Quỷ thần đều cùng tụ hội ở vườn cây Âm nhạc của Phạm chí Ma-điều để luận bàn kinh pháp. Lúc ấy Đức Phật trúng gió nên cần sữa trâu.

Bấy giờ, ở nước Tỳ-xá-ly, Phạm chí Ma-da-lợi có năm vạn đệ tử, lại được quốc vương, đại thần, nhân dân tôn kính. Phạm chí là người tài trí, giàu có, tham lam, ganh tỵ, không tin Phật pháp, không hoan hỷ bố thí nhưng tín ngưỡng đạo khác, thường dùng võng lưới che ở trên phòng và biệt thự của ông ta, làm cho chim không thể vào nhà ăn lúa. Ở chỗ ông ta cách vườn Âm nhạc không xa.

Lúc ấy, Đức Phật liền bảo A-nan đến nhà Phạm chí Ma-da-lợi xin sữa trâu cho Như Lai. A-nan vâng lời, đắp y, ôm bát đến cửa nhà ông ta. Phạm chí Ma-da-lợi cùng năm trăm đệ tử kỳ cựu sắp vào cung diện kiến vua. Vừa ra khỏi nhà gặp A-nan,

Phạm chí hỏi:

–Ông sáng sớm đến đây có việc gì?

A-nan đáp:

–Đức Phật Thế Tôn trong thân không được an ổn, sai tôi sáng sớm đến xin sữa trâu.

Phạm chí im lặng suy nghĩ: “Nếu ta không lấy sữa cho A-nan thì mọi người cho ta là keo kiết. Nếu đem sữa cho thì các Phạm chí khác bảo ta cung phụng đạo Cù-đàm.” Phân vân đôi đường, do đó ông ta chỉ đến con trâu hung dữ bảo A-nan tự đến lấy sữa. “Lại nữa, Cù-đàm với chúng ta cùng tranh luận công đức, ta thường muốn hơn ông ta thì phải khiến con trâu cái hung dữ này húc chết đệ tử ông ta, có thể làm nhục đạo ấy, làm cho ông ta trừ bỏ kiến chấp. Ta có thể trở lại được mọi người cung kính. A-nan có lấy được sữa hay không cũng làm cho mọi người biết ta không tiếc rẻ. Vì bị trâu giết hại nên không lấy được sữa. Ý ta đã rõ ràng, đối với ta không có lỗi gì.” Phạm chí Ma-da-lợi mưu tính việc ấy rồi liền bảo A-nan:

–Sáng sớm bò đã thả rồi, ông đến trong chuồng kia để tự lấy sữa con trâu ấy.

Ma-da-lợi lại ra lệnh cho người tớ nhỏ của ông ta:

–Ngươi dẫn A-nan đến chỉ chỗ con trâu ấy, cẩn thận chớ có vắt lấy sữa, thử xem A-nan có lấy được sữa hay không?

Lúc ấy, năm trăm đệ tử nghe lời này rồi đều rất vui mừng, liền cùng nghi ngờ về việc quái lạ. Vừa rồi nghe A-nan đã nói rõ sự việc nên họ nói:

–Sa-môn Cù-đàm thường tự khen mình “Ta là bậc tôn quý nhất trong thế gian, cứu độ già, bệnh, chết trong mười phương”, vì sao thân Phật lại bệnh?

Năm trăm Phạm chí cùng nói như vậy. Xong lúc ấy, Duy-ma-cật muốn đến chỗ Phật, trên đường đi ngang qua trước cửa nhà Phạm chí Ma-da-lợi, do thấy A-nan nên hỏi:

–Vì sao sáng sớm Tôn giả ôm bát đứng đây, muốn xin thứ gì?

A-nan đáp:

–Như Lai trúng gió, cần sữa nên sai tôi đến đây. Duy-ma-cật liền bảo A-nan:

–Chớ nói lời này! Thân Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác giống như Kim cang, mọi xấu ác đều đoạn tận. Thân Như Lai chỉ có các công đức lành hội tụ, nên có bệnh gì? Im lặng đi! Chớ nói như thế để ngoại đạo chê bai Như Lai. Cẩn thận! Chớ nên nói! Chớ để chư Thiên, Long thần nghe lời này. Chớ để Bồ-tát, A-la-hán mười phương nghe lời này. Chuyển luân thánh vương, pháp luân hiện tại do vô số công đức nên được tự tại. Huống chi từ vô số kiếp, Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh

Giác bố thí cho tất cả chúng sinh, vô lượng phước báu hợp thành thân Như Lai. A-nan! Chớ để cho Phạm chí ngoại đạo nghe lời nói không thuận hợp này. Hơn nữa, thân Thế Tôn có bệnh mà không thể chữa lành bệnh thì làm sao có thể cứu độ tất cả già, bệnh, chết. Thân Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác là Pháp thân, chẳng phải thân chưa giải thoát. Phật là Bậc Tối Tôn của trời, người. Phật không có bệnh, đã diệt sạch bệnh. Thân Như Lai có vô số công đức nên tất cả các bệnh tật đã bị trừ diệt. Bệnh ấy có nhân duyên không phải như thế. A-nan! Chớ có xin sữa! Hổ thẹn quá! Hãy nhanh chóng đi đi. Cẩn thận! Chớ nhiều lời!

A-nan nghe rồi, vô cùng hổ thẹn, lo sợ, bỗng giữa hư không có tiếng nói:

–Này A-nan! Đúng như lời Trưởng giả Duyma-cật nói. Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện tại thế gian, ở đời ác năm trược, dùng nhân duyên này thị hiện để độ thoát tất cả những chúng sinh hành tham dục, sân nhuế, ngu si trong mười phương. Khi đi lấy sữa, Duy-ma-cật có nói lời ấy, chớ nên hổ thẹn.

Lúc ấy, A-nan cảm thấy kinh sợ, quái lạ, cho là mình nghe sảng, liền suy nghĩ: “Đây hoàn toàn là do oai thần của Như Lai cảm động nên.”

Bấy giờ, năm trăm Phạm chí nghe giữa không trung nói lời như thế nên không còn tâm hồ nghi, đều rất vui mừng, phát tâm Bồ-đề Vô thượng chánh chân. Quyến thuộc Ma-da-lợi cùng ngàn người trong tụ lạc đều theo A-nan đến xem trâu. Anan đến đứng bên cạnh con trâu, niệm thầm: “Nay ta phụng sự Đạo Sư, theo pháp Sa-môn không được tự tay vắt sữa trâu”. Vừa nói dứt lời, tòa Thiên đế Đao-lợi ở tầng trời thứ hai lay động. Từ trên trời Thiên đế hạ xuống nhân gian hóa làm Phạm chí trẻ tuổi, y phục chỉnh tề, đứng bên cạnh con trâu. A-nan thấy vậy rất vui mừng, bảo Phạm chí lấy giùm sữa. Phạm chí ấy đáp:

–Tôi chẳng phải là Phạm chí mà là Thiên đế Thích ở tầng trời Đao-lợi thứ hai. Tôi nghe Như Lai muốn có được sữa trâu nên rời trú xứ đến nơi này muốn làm phước.

A-nan nói:

–Thiên đế ở ngôi vị tôn quý, vì sao đến gần chỗ trâu hôi tanh, ô uế này?

Đế Thích đáp:

–Sự hào kiệt của tôi làm sao sánh bằng sự tôn quý của Như Lai không biết mỏi mệt tạo lập công đức, huống chi Thiên đế nhỏ bé này. Ngôi vị của tôi vô thường rồi sẽ mất đi. Ngày nay không biết tạo lập công đức, phước báo sẽ mòn dần, sau không biết nương tựa vào đâu.

A-nan nói:

–Nếu muốn lấy sữa giúp tôi, xin lấy giùm cho.

Đế Thích đáp:

–Vâng.

Đế Thích cầm lấy bình bát đi đến chỗ trâu. Trâu đứng lặng yên, không dám nhúc nhích. Những người đến xem đều kinh ngạc:

–Phạm chí trẻ tuổi này thuộc đẳng cấp nào lại vì đệ tử Cù-đàm mà lấy sữa, hay là muốn con trâu hung dữ này đạp chết? Tại sao không để Sa-môn đến lấy sữa?

Lúc ấy, Đế Thích vì A-nan mà xin sữa nên nói kệ:

Nay Phật bị trúng gió
Ngươi cho ta xin sữa
Để cho Phật thọ dụng,
Thì được vô lượng phước
Phật là Thầy trời, người
Từ tâm thương tất cả
Loài côn trùng nhỏ nhít
Cũng đều muốn độ thoát.

Lúc ấy, con trâu mẹ nói kệ:

Tay ấy sờ mó ta

Nhất định vui thích lắm
Lấy hai bầu sữa ta
Đến lúc còn dư thừa
Để lại cho con ta
Từ sáng chưa được bú
Dù biết có nhiều phước
Phải bình đẳng tác ý.

Lúc ấy trâu nghé liền nói kệ:

Vô số kiếp đến nay
Con mới nghe danh Phật
Nên đem hết phần con
Cúng dường Đức Thế Tôn
Phật là Thầy muôn loài
Rất khó mà gặp lại
Con ăn cỏ, uống nước
Đủ no ngày hôm nay
Xưa kia lúc làm người
Con uống rất nhiều sữa
Lúc làm loài cầm thú
Cũng uống nhiều như vậy
Người ngu si ở đời
Cũng nhiều như thế đó
Không biết việc bố thí
Sau ăn năn được gì?
Con ở trong đời trước
Tham lam và keo kiệt
Chạy theo bạn xấu ác
Không tin giới kinh Phật
Đọa làm thân trâu ngựa
Cho đến mười sáu kiếp
Nay mới gặp được Phật
Như bênh gặp lương y,
Nên đem phần sữa con
Dâng cúng đầy bát đi
Mong đời sau có trí
Đắc đạo giống như Phật.

Bấy giờ, Thiên đế Thích lấy sữa đầy bát cho Anan rồi đi. A-nan có được sữa, rất vui mừng. Phạm chí từ trong ấp đi ra xem, nghe được lời nói này của hai mẹ con trâu thì vô cùng kinh ngạc. Họ nói với nhau:

–Con trâu cái này, thường luôn hung dữ, người không dám gần, tại sao hôm nay hiền lành thuần thục như thế? Chắc là được A-nan cảm hóa. Đệ tử Cù-đàm còn có khả năng thế đó, huống chi Phật có đủ công đức, oai thần, biến hóa nhưng mà chúng ta lại không tin giáo pháp của Ngài.

Ngay lúc ấy họ hết sức tin hiểu Phật pháp. Phạm chí Ma-da-lợi, những người lớn nhỏ trong nhà, nam nữ trong ấp gồm có hơn vạn người đều rất vui mừng, xa lìa trần cấu, đắc Pháp nhãn tịnh.

A-nan đem sữa trở về chỗ Phật, gặp lúc Phật đang thuyết pháp cho hàng ngàn người nghe. Anan đến phía trước, sửa sang y phục, quỳ gối chắp tay bạch Phật:

–Vừa rồi con vâng lời Thế Tôn đến nhà Phạm chí Ma-da-lợi xin sữa. Trâu mẹ, trâu con đều nói tiếng người. Con nghe lời nói ấy thì rất kinh ngạc và lấy làm lạ.

Phật bảo A-nan:

–Hai mẹ con con trâu này đều nói, tại sao ông lại nghi ngại?

A-nan bạch Phật:

–Ông Ma-da-lợi ấy có một con trâu rất hung dữ muốn đạp chết người. Người trong nhà không ai dám gần. Người chủ dù không lấy được sữa nhưng muốn nó sinh con. Con trâu ấy sinh trâu nghé rất hiếu thảo hơn trăm ngàn lần các con nghé khác. Phạm chí âm thầm sai người cai quản không được cho con lấy sữa. Con suy nghĩ: “Pháp của Sa-môn không nên tự tay vắt sữa” thì đột nhiên ở tầng trời Đao-lợi thứ hai Đế Thích hạ xuống, hóa làm trai trẻ, mặc y phục Phạm chí, đứng gần trâu cái. Con nói: “Nhờ ông lấy giùm sữa”. Đế Thích trả lời: “Vâng”. Đế Thích liền đến lấy sữa và bảo trâu mẹ: “Nay, Đức Thế Tôn bị trúng gió nên cần sữa. Ngươi cho Như Lai sữa thì được phước vô lượng.” Trâu đáp: “Lấy hai bầu sữa của ta thì còn gì cho con ta”. Trâu nghé đứng bên cạnh mẹ, nghe danh hiệu Thế Tôn thì rất vui mừng, liền nói với mẹ: “Đem hết phần sữa của con cúng dường Thế Tôn. Như Lai là Bậc Đạo Sư của trời, người, rất khó được gặp. Lúc con làm người đã uống rất nhiều sữa. Khi làm súc sinh cũng lại như thế. Ở đời rất nhiều người ngu si, không biết bố thí đời sau sẽ được phước. Đời trước con theo bạn ác đánh nhau, không tin kinh pháp cho nên con phải đọa làm thân trâu ngựa, trải qua mười sáu kiếp mới được nghe danh hiệu Phật. Vậy mẹ hãy đem tất cả phần sữa cúng dường Như Lai, nguyện đời sau có được trí tuệ, đắc đạo như Phật.” Hai mẹ con con trâu nói như vậy.

Phật bảo A-nan:

–Đúng như lời của hai mẹ con con trâu đã nói. Hãy lắng nghe, ta sẽ giảng nói. Hai mẹ con con trâu này đời trước là trưởng giả, giàu có, sung sướng, rất nhiều của báu nhưng tham lam, keo kiết, không chịu bố thí, không tin giới kinh Phật, không biết nguồn gốc sinh tử, thường ưa xuất tiền cho người vay lấy lãi. Đến hẹn ưa lấy lãi thật nhiều, không có đạo lý, đã trả đủ tiền lại lừa dối người nói chưa trả đủ. Do sống như vậy nên đọa làm súc sinh trong mười sáu kiếp. Nay nghe danh hiệu Phật, hoan hỷ như thế nên tội báo súc sinh cũng không còn. Do nghe danh hiệu Phật liền có Từ tâm, dâng sữa cúng Phật. Nhờ nhân duyên này nên được giải thoát.

Bấy giờ, Đức Phật mỉm cười, từ miệng Phật phát ra ánh sáng năm màu, trời đất chấn động. Ánh sáng chiếu khắp mười phương, trở về vòng quanh thân Ngài ba vòng rồi phân làm hai phần: Một phần đi vào trong rốn, một phần đi vào đỉnh đầu rồi ẩn mất.

A-nan liền quỳ gối chắp tay bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn không mỉm cười vô cớ, chắc chắn sẽ có nguyên do?

Phật bảo A-nan:

–Lời ông vừa nói rất hay. Vì sao? Vì mẹ con con trâu này sau khi chết đi thì bảy lần được sinh vào cõi trời Đâu-suất và Phạm thiên, bảy lần sinh ở thế gian được làm con nhà giàu có, không bao giờ sinh vào ba đường ác. Tại chỗ sinh ra thường biết được kiếp trước, nên dùng tràng phan, cờ xí, rải hoa, đốt hương cúng dường chư Phật, thọ trì kinh pháp. Do nhân duyên này, trâu mẹ cuối cùng sẽ được gặp Phật Di-lặc, xuất gia làm Sa-môn, tinh tấn tu hành không lâu sẽ chứng quả A-la-hán. Trâu con cũng sẽ như vậy, trải qua hai mươi kiếp xong sẽ được thành Phật hiệu là Nhũ Quang. Cõi nước tên là Tràng phan quang minh. Khi Như Lai Nhũ Quang làm Phật sẽ độ vô số trời, người và các loài côn trùng nhỏ nhiệm, số ấy như cát sông Hằng. Nhân dân trong nước sống lâu đến bảy ngàn tuổi. Y phục, vật thực tôn quý như ở cõi trời phương Bắc. Phật giáo hóa ở đời đến bốn vạn năm. Sau khi Niết-bàn, kinh pháp tồn tại ở đời đến vạn năm mới dứt.

Phật bảo A-nan:

–Mẹ con con trâu này nhờ có tâm ý tốt cúng dường sữa cho Như Lai nên đều được độ thoát. Loài súc sinh như thế còn có tâm tốt, huống chi loài người đầy đủ sáu căn, có thể phân biệt được tốt xấu mà không biết được từ đâu sinh đến, chết đi về đâu, lại không biết giới kinh Phật, không tin bố thí đời sau có phước. Con người chỉ sống bằng sự keo kiết, tham lam nên trở lại tự khinh khi mình, tâm niệm ác, lời nói ác, việc làm ác. Những kẻ ngu si đều do đó mà không được giải thoát.

Lúc nói kinh này xong, ở trong hội chúng năm trăm Trưởng giả đều phát tâm Bồ-đề Vô thượng Chánh giác, ba ngàn tám trăm Phạm chí vốn không tin Phật pháp nghe xong vui mừng, hoan hỷ liền đắc đạo Tu-đà-hoàn năm trăm người vốn không tin sinh tử, tội phước, thấy Phật biến hóa đều thọ trì năm giới làm thiện nam, tín nữ.

Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo, Trưởng giả, Phạm chí, nhân dân đều rất hoan hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui ra.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Kinh tập][426][427][428][429][430][431][432][433][434][435][436][437][438][439][440][441][442][443][444][445][446][447][448][449][450][451][452][453][454][455][456][457][458][459][460][461][462][463][464][465][466][467][468][469][470][471][472][473][474][475][476][477][478][479][480][481][482][483][484][485][486][487][488][489][490][491][492A][492B][493][494][495][496][497][498][499][500][501][502][503][504][505][506][507][508][509][510][511][512][513][514][515][516][517][518][519][520][521][522][523][524][525][526][527][528][529][530][531][532][533][534][535][536][537][538][539][540][541][542][543][544][545][546][547][548][549][550][551][552][553][554][555][556][557][558][559][560][561][562][563][564][565][566][567][568][569][570][571][572][573][574][575][603][604][605][606][607][608][609][610][611][612][613][614][615][616][617][618][619][620][621][622][623][624][625][626][627][628][629][630][631][632][633][634][635][636][637][638][639][639][640][641][642][643][644][645][646][647][648][649][650][651][652][653][654][655][656][657][658][659][660][661][662][663][664][665][666][667][668][669][670][671][672][673][674][675][676][677][678][679][680][681][682][683][684][685][686][687][688][718][719][720][721][721][722][723][724][725][726][727][728][729][730][731][732][733][734][735][736][737][738][739][740][741][742][743][744][745][746][747A][747B][748][749][750][751][752][753][754][755][756][757][758][759][760][761][762][763][764][765][766][767][768][769][770][771][772][773][774][775][776][777][778][779][780][781][782][783][784][785][786][787][788][789][790][791][792][793][794A][794B][795][796][797A][797B][798][799][800][801][802][803][804][805][806][807][808][809][810][811][812][813][814][815][816][817][818][819][820][821][822][823][824][825][826][827][828][829][830][831][832][833][834][835][836][837][838][839][840][841][842][843][844][845][846][847]


[Mục lục tổng quát]