TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ KINH TẬP (425-847)

SỐ 721-KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ - PHẨM 4

Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Đại sư Cù-đàm Bát-nhã-lưu-chi.

MỤC LỤC

QUYỂN 16

Phẩm 4: Ngạ quỷ (Phần 1)

QUYỂN 17

Phẩm 4: Ngạ quỷ (Phần 2)


QUYỂN 16

Phẩm 4: Ngạ quỷ (Phần 1)

Lại nữa, Tỳ-kheo biết quả báo của nghiệp rồi, quan sát khắp biển khổ trong tất cả địa ngục, đều bị dòng nước ái dục cuốn xoáy nhận chìm. Trong đại địa ngục, những người bị đọa vào như Phú-lanna, Mạt-ca-ly Câu-la-ly, Đề-bà-đạt-đa, những kẻ ấy như là loài cá bị cá ma-kiệt to lớn, nuốt ăn. Từ địa ngục Hoạt cho đến địa ngục A-tỳ rộng sâu đen ngòm cùng với các địa ngục khác, ở trong biển khổ lớn có cá đề-di, cá đề-di-nghê-la, cá na-ca-la, cá cưu-tỳ-la, cá thất-thâu-ma-la, rùa, ba ba… bị sức gió của tham dục, sân hận, ngu si đánh bạt cuốn trôi làm cho nước nổi sóng lớn cuồn cuộn đầy những bọt nước, khiến các loài cá kia chịu nhiều khổ bức, nước mắt như mưa, khóc lóc thảm khiết, đau đớn kêu gào giống như tiếng sóng lớn, sóng sầu lo phủ khắp. Sức mạnh của rồng phun ra mưa khổ não lớn đầy cả địa ngục. Địa ngục A-tỳ rất sâu, không có kẻ hở, lửa cháy dữ dội, giống như kiếp hỏa nổi lên đốt rụi đại kiếp, cháy hết núi Ca-ba-la (đời Ngụy dịch là núi Luân, tức núi Thiết vi), là biển khổ não lớn trong đại địa ngục. Ai yếu đuối không có sức mạnh của điều thiện thì không thể vượt qua được. Tỳ-kheo như vậy là quán xét về sự khổ lớn rồi sinh tâm nhàm chán.

Già-tha tụng:

Chúng sinh bị ngu si lừa gạt
Bị ái nhiễm luôn trói lấy thân
Dẫn đến đường hiểm nạn thế gian
Lo sợ tại bến ác lão tử.
Ba xứ thoái đọa vào địa ngục
Ra khỏi địa ngục, sinh lên trời
Ba xứ mạng chung vào ngạ quỷ
Ra khỏi ngạ quỷ vào súc sinh.
Bị mê mờ tạo nghiệp bất thiện
Các dục tác động sai chúng sinh
Bị lưới si buộc trói lấy thân
Lưu chuyển trôi trong biển ba cõi.
Vô thỉ lâu xa chịu khổ lớn
Vô số chúng sinh khổ sinh tử
Không có tâm nhàm chán tử sinh
Vô thỉ lâu xa tạo nhân duyên.
Chư Thiên phóng dật hoại tâm mình
Cõi người tìm cầu chịu các khổ
Ngạ quỷ thường bị đói khát thiêu
Súc sinh thì ăn nuốt lẫn nhau.
Trong địa ngục, lửa cháy hừng hực
Ngạ quỷ bị khổ não vì si
Tất cả chúng sinh trong sinh tử
Không có một hào ly được vui.
Trong các khổ lại tưởng là vui
Chúng sinh bị si, hoặc, ái gạt
Không có ai chỉ dạy chánh đạo
Không thoát khỏi những khổ não này.
Nếu ai xa lìa nơi pháp thiện
Luôn hành vọng ngữ không thành tín
Không chịu tu tập pháp thiền định
Luân hồi sinh tử chịu các khổ.
Chư Phật Như Lai đã nói pháp
Nếu đời hiện tại và vị lai
Lỗi nơi cha mẹ và thân tộc
Thường theo chúng sinh không lìa bỏ.
Chúng sinh chánh, tà, bất định tụ
Ba thứ tội ác thường thao túng
Đi trong ba cõi không dừng nghỉ
Lấy ba thọ để làm bạn lữ.
Chúng sinh mê lầm do ba nghiệp
Đi trong ba đường ác hiểm nạn
Luôn luôn ưa thích trong ba hữu
Bị luân chuyển mãi trong ba cõi.
Chúng sinh nào quy y Tam bảo
Tu hành tự tại Tam-bồ-đề
Đoạn trừ, loại bỏ ba kiến chấp
Đó là người bỏ các khổ não.
Trong ba thời thích hành chánh hạnh
Quán thấy như thật ba loại ấy
Trong ăn uống phải nên biết đủ
Người ấy có thể lìa não, ưu.
Ba khối lỗi lớn: Tham, sân, si
Khéo xét ba nghiệp không tạo ác
Người hành như vậy lìa sinh khổ
Vĩnh viễn đoạn trừ mọi nhiệt não.
Người nào hiểu được đạo, phi đạo
Trong có-không phải khéo tư duy
Nên khéo tu tập tâm Từ bi
Đó là đạo tối thắng bậc nhất.
Nếu có chúng sinh không loạn, đục
Tâm thường thanh tịnh, không cấu nhiễm
Thoát, lìa hết các pháp bất thiện
Nên biết người ấy được giải thoát.
Nếu có người thường hành chánh đạo
Chánh niệm đại lực luôn kiên cố
Thường thích xa lìa khỏi các hữu
Người ấy giải thoát không còn nghi.
Nếu ai đoạn trừ hết hữu, ái
Tâm mong muốn không khởi hữu, ái
Đối với các khổ sinh, lão, tử
Người ấy không vướng chút vi trần.
Nếu có người ngu tạo nghiệp ác
Tạo rồi, còn làm tăng trưởng thêm
Ái dục như độc không nên gần
Người có trí nên phải lánh xa.
Nếu ai xa lìa khỏi ái dục
Tâm thường vui cầu quả giải thoát
Người ấy diệt sạch các bất thiện
Như ánh mặt trời trừ tối tăm.
Như vậy, người thân cận pháp thiện
Thường lìa bỏ mọi nẻo bất thiện
Nên khéo tư duy tịnh, bất tịnh
Lược nói sơ qua, ngươi nên biết.

Tỳ-kheo ấy, nhờ lợi ích của trí tuệ nên nhớ được đời này, đời khác. Tâm nghĩ như vậy nên dùng trí tuệ để tạo lợi ích cho hết thảy chúng sinh trong thế gian. Quan sát các khổ nơi địa ngục, tư duy, nhớ nghĩ đến tất cả chúng sinh, khởi tâm thương xót tu tập Từ bi, đối với mọi nơi chốn khổ sở bức bách rất đáng sợ của địa ngục, đã quan sát đầy đủ rồi, vị ấy biết rõ quả báo của nghiệp. Biết nghiệp báo rồi, vị ấy sinh tâm nhàm chán xa lìa. Vị ấy lại quán như vầy: “Các chúng sinh này vì sao bị chìm vào những đường ác, với những nơi chốn rất đáng sợ hãi, đi trong đồng hoang sinh tử?”.

Tỳ-kheo ấy tư duy như thế, liền sinh tâm Từ bi, biết nghiệp hiểm ác trong đường ngạ quỷ, do tâm tham lam, ganh ghét, khinh khi, dối gạt mọi người, tham tiếc cất giữ của cải, muốn được giàu có, tích chứa nhiều việc ác, bị tham ác che phủ, không thực hành hạnh bố thí, không cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn, không bố thí cho những người đau ốm, đui mù, nghèo khổ. Có ai đến xin thì keo kiệt, nhất quyết không cho. Không khởi công đức, không giữ gìn giới cấm. Đời này và đời khác không tạo lợi ích, mà còn làm tổn hại vợ con, nô tỳ, tham tiếc không cho, bỏn sẻn, đố kỵ, dối gạt. Do nhân duyên ấy nên bị đọa vào cõi ngạ quỷ. Người nữ thường sinh nhiều trong đường ngạ quỷ. Vì sao? Vì tánh của người nữ phần nhiều có tâm ganh tỵ, người chồng chưa thuận hợp thì đã khởi ý đố kỵ. Do nhân duyên đó nên phần nhiều người nữ bị sinh trong đường ngạ quỷ.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết rõ quả báo của nghiệp rồi lại quán xét về đường ngạ quỷ. Ngạ quỷ ở những nơi chốn nào? Vị ấy quán xét như vậy rồi, liền dùng văn tuệ quan sát các loài ngạ quỷ. Lược có hai loại:

1. Ngạ quỷ trong cõi người.

2. Ngạ quỷ ở trong cảnh giới ngạ quỷ.

Quỷ ở trong cõi người: nếu người đi ban đêm thì có khi gặp nó.

Quỷ ở trong cảnh giới ngạ quỷ tức: Ở dưới cõi Diêm-phù-đề năm trăm do-tuần, rộng ba vạn sáu ngàn do-tuần, kể cả quyến thuộc của các ngạ quỷ khác trong đường ác, ấy là vô lượng với rất nhiều nghiệp ác, ở trong cõi Diêm-phù-đề có gần, có xa.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp, quan sát cõi ngạ quỷ có vô lượng loại. Vị ấy dùng văn tuệ quán xét sơ lược về ba mươi sáu loại ngạ quỷ. Tất cả ngạ quỷ đó đều do tham lam keo kiệt, ganh ghét mà sinh vào chốn đó, đem vô số tâm khác nhau, tạo ra vô số các loại nghiệp khác nhau, thực hiện vô số hành động khác nhau, ở những chỗ khác nhau, với vô số sự đói khát luôn tự đốt thân mình. Lược nêu có ba mươi sáu loại như sau:

1. Ca-bà-ly: Ngạ quỷ có thân hình như cái vạc.

2. Tô-chi-mục-khư: Ngạ quỷ miệng như lỗ kim.

3. Bàn-đa-bà-xoa: Ngạ quỷ ăn các thứ ói mửa.

4. Tỳ-sư-tha: Ngạ quỷ ăn phân nhơ.

5. A-bà-xoa: Ngạ quỷ không được ăn.

6. Kiện-đà: Ngạ quỷ ăn hơi.

7. Đạt-ma-bà-xoa: Ngạ quỷ ăn pháp.

8. Bà-lợi-lam: Ngạ quỷ ăn nước.

9. A-xa-ca: Ngạ quỷ hy vọng.

10. Xí-trá: Ngạ quỷ ăn đờm.

11. Ma-la-bà-xoa: Ngạ quỷ ăn vòng hoa.

12. La-ngật-trá: Ngạ quỷ ăn máu.

13. Mông-sa-bà-xoa: Ngạ quỷ ăn thịt.

14. Tô-kiện-đà: Ngạ quỷ ăn hương khói.

15. A-tỳ-già-la: Ngạ quỷ đi nhanh.

16. Sy-đà-la: Ngạ quỷ tìm lỗi.

17. Ba-đa-la: Ngạ quỷ ở dưới đất.

18. Hy-lợi-đề: Ngạ quỷ thần thông.

19. Xà-bà-lệ: Ngạ quỷ đốt cháy.

20. Xi-đà-la: Ngạ quỷ rình lỗi em bé.

21. Ca-ma: Ngạ quỷ ưa sắc dục.

22. Tam-mâu-đà-la-đề-ba: Ngạ quỷ ở bờ biển.

23. Diêm-la Vương sứ: Ngạ quỷ cầm gậy.

24. Bà-la-bà-xoa: Ngạ quỷ ăn trẻ con.

25. Ô-thù-bà-xoa: Ngạ quỷ ăn tinh khí của người.

26. Bà-la-môn: Ngạ quỷ La-sát.

27. Quân-trà hỏa lư: Ngạ quỷ ăn chất đã thiêu đốt.

28. A-thâu-bà-la-tha: Ngạ quỷ ở bờ ruộng, ngõ hẻm ô uế.

29. Bà-di-bà-xoa: Ngạ quỷ ăn gió.

30. Ương-già-la-bà-xoa: Ngạ quỷ ăn than lửa.

31. Tỳ-sa-bà-xoa: Ngạ quỷ ăn chất độc.

32. A-trá-tỳ: Ngạ quỷ ở đồng hoang.

33. Xa-ma-xá-la: Ngạ quỷ ở gò mả ăn than, đất nóng.

34. Tỳ-lợi-sai: Ngạ quỷ ở trong cây.

35. Già-đa-ba-tha: Ngạ quỷ ở ngả tư.

36. Ma-la-ca-da: Ngạ quỷ giết thân.

Đó là nói lược về ba mươi sáu loại ngạ quỷ, nếu nói rộng ra thì có vô lượng. Có nhiều thứ tâm tạo ác, nên hành nghiệp đều khác, do nhân duyên là tâm keo kiệt, tham lam, không thực hành bố thí mà phải chịu vô số các loại thân như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp rồi, quan sát các loại ngạ quỷ chịu đói khát dữ dội tự đốt thân mình. Do đời trước sinh nhiều đố kỵ, tâm ác phá hoại, gây tạo nhiều ba nghiệp ác về thân, khẩu, ý với mười thứ bất thiện nên sinh trong loài ngạ quỷ. Người kia do gây nhân là tạo mười thứ nghiệp đạo bất thiện mà chịu tất cả khổ. Vì nghiệp ác nên sinh trong loài ngạ quỷ. Do nghiệp ác lôi kéo, do nghiệp làm gốc mà bị đọa vào đường ác và bị trói buộc ở đấy. Do nhân duyên đó mà người kia không thoát khỏi sinh tử. Tâm khỉ vượn từ vô thỉ đến nay luôn nhảy nhót, quấy nhiễu, không đứng yên, đi vào nơi hiểm nạn, nhiều chướng ngại, leo trèo nơi vô số mạng lưới cành nhánh, qua lại mau chóng, ở nơi núi sinh tử, ngủ trong hang sâu, đi đến đâu không hề hay biết. Quán tâm khỉ vượn mãi lăng xăng không chịu đứng yên nên làm như vầy: Ban đầu phải điều phục tâm. Nếu tâm không được điều phục thì nó sẽ dẫn chúng sinh đến chỗ rất sợ hãi, chịu khổ não lớn. Tâm giặc như vậy nên khiến chúng sinh cứ luân hồi trong sinh tử. Tư duy về tâm như vậy, Tỳ-kheo lìa bỏ được dục uế trong sinh tử, nhàm chán khổ nơi sinh tử.

Lại tư duy như vầy: “Tất cả sinh tử thảy đều khổ não”. Tỳ-kheo kia như thế là tư duy phân biệt: Trong loài ngạ quỷ có vô số loại. Tư duy như vậy rồi, vị ấy phân biệt từng loại và quán các nghiệp báo, biết: đều do nhân duyên sinh ra, có khổ–vui, đẹp–xấu, tịnh–bất tịnh, thiện–ác, sang–hèn, trên– dưới, sinh–diệt… Tất cả các loại ấy không phải tự nhiên sinh ra.

Tỳ-kheo quan sát các loài ngạ quỷ như vậy, biết quả báo của nghiệp rồi, dùng văn tuệ quán ngạ quỷ Ca-bà-ly thân hình như cái vạc, nên quán xét như thế nào?

Quỷ ấy thân dài, lớn hơn người gấp hai lần, không có mặt, mắt. Tay, chân lõm vào giống như chân cái vạc, lửa cháy đầy trong đó thiêu đốt thân hình giống như thiêu đốt cây, bị đói khát bức bách. Khi bị quả báo trói buộc thì không ai có thể cứu được, không có chỗ nương tựa, không có chỗ cậy nhờ, luôn ưu sầu khổ não, không ai cứu vớt.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy liền dùng văn tuệ, thấy chúng sinh kia, vào đời trước do tham lam của cải mà nhận làm người đồ tể giết thuê cho người, cắt băm mỡ, thịt, lòng không chút thương xót. Người kia do tâm tham mà sát sinh, giết rồi lại thích thú, tạo ra nhiều nghiệp ác, tâm không hề hối hận. Sau khi qua đời, người ác ấy bị đọa vào đường ác làm thân ngạ quỷ Ca-bà-ly ở sâu dưới đất năm trăm do-tuần. Từ đây, khi qua đời, liền sinh đến chỗ tối tăm rất kinh hãi. Sau khi sinh vào đó, hai núi trên dưới hợp lại cùng một lúc đè ép thân nó, phải chịu khổ não cùng cực. Thân nó chuyển lớn lên đầy cả một do-tuần, luôn bị đói khát thiêu đốt thân. Trong đường ngạ quỷ, nó phải trải qua năm trăm năm. Một ngày đêm ở đây tính theo ngày tháng năm nơi cõi Diêm-phùđề là mười năm. Như vậy, năm trăm năm gọi là một đời, giảm bớt ít nhiều mạng sống cũng không nhất định.

Nghiệp thứ hai bị đọa trong cõi ngạ quỷ: Có chúng sinh nào nhận giữ vật của người khác mà tìm cách khước từ, không chịu trả lại thì sinh vào loài ngạ quỷ ấy. Hoặc người nam hay nữ không thực hành ba loại bố thí: Bố thí của cải, bố thí pháp, bố thí vô úy, lại thường ôm lòng tham lam, bỏn sẻn thì sinh trong loài ngạ quỷ ấy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp rồi lại quan sát về ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán xét các ngạ quỷ Châm khẩu (miệng như lỗ kim).

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ quán loài ngạ quỷ Tô-chimục-khư (Tô-chi-mục-khư: Đời Ngụy dịch là miệng như lỗ kim), biết chúng sinh này đời trước dùng tiền của thuê người sát sinh, tham lam, keo kiệt, ganh ghét, không thực hành hạnh bố thí, không bố thí cơm áo, không bố thí pháp, không bố thí vô úy. Người ấy khi qua đời bị đọa làm thân ngạ quỷ miệng như lỗ kim. Do tạo nghiệp dối gạt, làm mê hoặc người nên thọ thân ngạ quỷ miệng như lỗ kim, bụng như núi lớn, luôn luôn đau khổ, bị đói khát đốt cháy hành hạ thân thể. Bên trong bị các khổ, bên ngoài bị lạnh, nóng, ruồi, muỗi loài trùng ác, các bệnh về nhiệt… Thân tâm như thế là chịu vô số các khổ bức. Một ngày một đêm trong địa ngục so với số ngày tháng năm của nhân gian trải qua là mười năm. Như vậy, thọ thân ngạ quỷ đủ năm trăm năm, mạng sống cũng không nhất định. Nếu người nam hoặc nữ gây tạo nghiệp thứ hai thì bị đọa vào loài ngạ quỷ miệng như lỗ kim ấy.

Hoặc có người chồng bảo vợ cúng dường một ít thức ăn cho các Sa-môn, Bà-la-môn, nhưng người vợ keo kiệt, tiếc của, có mà nói là không có, rồi nói với người chồng:

–Trong nhà không có gì cả thì lấy đâu để cúng dường Sa-môn và các đạo sĩ?

Người vợ ấy vì tham lận, tiếc của nên dối gạt chồng, không chịu cúng dường. Sau khi qua đời, bà ta bị đọa vào loài ngạ quỷ miệng như lỗ kim, vì đã tích chứa huân tập nhiều nghiệp ác. Thế nên phần nhiều người nữ sinh trong đường ngạ quỷ. Vì sao? Vì người nữ có nhiều tham dục, đố kỵ, không bằng đàn ông. Người nữ tâm nhỏ mọn, keo kiệt, không rộng rãi như đàn ông. Vì nhân duyên đó nên sinh trong loài ngạ quỷ. Cho đến khi nghiệp ác tâm đố kỵ không mất, không hoại, không hủy, thì không thể nào thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, nếu nghiệp hết thì mới được thoát. Từ đây, sau khi qua đời, lại sinh vào loài súc sinh, thọ thân loài quạ Già-trá-ca (Quạ này chỉ ăn nước mưa từ trời, ngửa miệng lên hứng đón lấy nước mưa để uống; ngoài ra không được uống nước gì khác), thường khổ sở vì đói khát, chịu nhiều khổ bức. Thoát thân súc sinh rồi sinh làm người, do nghiệp ác còn sót lại nên thường khốn khổ, đói khát, bần cùng, phải xin ăn để sống. Vì nghiệp ác còn sót lại nên phải chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết rõ quả báo của nghiệp, lại quan sát về các ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán loài ngạ quỷ ăn các thứ ói mửa.

Chúng sinh vì nghiệp gì mà làm thân ngạ quỷ ăn các thứ ói mửa?

Vị ấy dùng văn tuệ biết chúng sinh này vào đời trước làm thân người nữ, dối gạt chồng mình, tự ăn những món ngon ngọt, tâm bỏn sẻn, tham lam, ganh ghét con mình nên không cho. Hoặc có người chồng, vợ không phản bội, lại khởi ý ganh tỵ, một mình ăn những món ngon ngọt, không cho vợ con ăn. Do nhân duyên đó nên những người kia sau khi qua đời bị đọa vào loài ngạ quỷ Bàn-đa (Bàn-đabà-xoa, đời Ngụy dịch là ăn các thứ ói mửa). Làm thân ngạ quỷ này thường bị đói khát thiêu đốt khắp thân. Thân nó cao lớn hơn nửa do-tuần, ở trong vùng đồng hoang chạy đôn đáo khắp nơi để tìm kiếm nước uống, lớn tiếng kêu gào vì bị đói khát. Chúng sinh ấy do đời trước không đem của cải bố thí, không bố thí pháp, không bố thí vô úy, do nhân duyên ấy nên sinh trong loài ngạ quỷ này, thọ mạng lâu dài như trên đã nói. Trải qua năm trăm năm, nếu nghiệp ác chưa hết, chưa hoại thì trọn không thoát được. Loài ngạ quỷ ấy luôn tìm kiếm những thứ do ói mửa rất là khốn khổ nhưng cũng không có. Từ đấy sau khi qua đời, sinh vào loài súc sinh cũng thường ăn những thứ do ói mửa, chịu khổ vì đói khát. Thoát được thân súc sinh thì sinh làm người, do nghiệp ác còn sót lại nên luôn bị đói khát, ở bờ ruộng, ngõ hẻm, thường nhặt những thức ăn vứt bỏ của người đời để ăn. Hoặc theo các Sa-môn, Bà-la-môn xin ăn để sống. Vì nghiệp ác còn sót lại nên phải chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp lại quán các loài ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ nhận biết các chúng sinh này do đời trước nhiều tham lam, ganh ghét, thường ôm lòng keo kiệt, bỏn sẻn, không thực hành bố thí, đã đem các thức ăn bất tịnh bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn, khiến chư vị ấy không biết thức ăn bất tịnh nên đã thọ dụng. Do nhân duyên tạo nghiệp ác ấy, nên sau khi qua đời, người bỏn sẻn kia bị đọa vào đường ác. Sinh trong loài ngạ quỷ ăn phân nhơ, thọ mạng dài ngắn như trước đã nói. Cũng trải qua năm trăm năm đói khát đốt thân, luôn tìm kiếm những thứ phân nhơ nhưng vẫn không có. Do nghiệp lực nên luôn chẳng được vừa ý, các chỗ bất tịnh với sâu giòi phẩn uế mãi chạy xuôi ngược tìm kiếm nhưng vẫn không no đủ đến nỗi phải chết. Luôn bị khổ não như vậy mà nghiệp ác vẫn chưa hết, không hoại, không tan, nên không thoát được. Nếu nghiệp ác hết, sau khi qua đời, tùy theo nghiệp lưu chuyển thọ khổ theo sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm lỗ hổng nơi cây nổi, thân xấu ác thọ khổ khắp nơi. Nếu sinh làm người thì bần cùng nhiều bệnh, khốn khổ vì đói khát, thường xin thức ăn dư thừa để tự nuôi sống. Vô lượng suy nghĩ ác luôn đeo đuổi nơi thân. thân tướng lở lói, bất tịnh, uế tạp, bị mọi người khinh ghét, hơi miệng hôi hám, răng nướu đen sạm. Do nghiệp ác còn sót lại nên bị quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết rõ quả báo của nghiệp, lại quan sát về nơi chốn của loài ngạ quỷ keo lận, ganh tỵ. Tất cả loài ngạ quỷ đều do keo kiệt, đố kỵ làm gốc.

Các chúng sinh ấy vì nghiệp gì mà phải sinh trong loài ngạ quỷ không ăn?

Vị ấy dùng văn tuệ biết các ngạ quỷ đó từ đời trước do bỏn sẻn, ganh tỵ, tự che lấp tâm mình, nói dối, lừa gạt, tự ỷ mình có sức mạnh, vu khống người lương thiện, cột trói họ trong nhà tù, cấm mọi người không được cho ăn, khiến người kia phải chết. Giết rồi, tâm hả hê, không hối hận mà lại sinh tâm tùy hỷ, sau còn dạy bảo người khác làm như vậy, tạo nghiệp ác rồi mà không hề cải hối. Người ác ấy, sau khi qua đời, sinh làm ngạ quỷ không ăn. Hoặc nam hoặc nữ sinh vào chốn đó luôn bị lửa đói khát đốt cháy hừng hực giống như nước trong núi được khởi thông, dòng chảy tung vọt lên cao. Lửa trong bụng bốc lên thiêu đốt thân người ác kia, không chừa một chút nào. Chết rồi thì sống trở lại, sống lại rồi bị thiêu đốt. Có hai loại khổ luôn bức bách thân họ: một là đói khát, hai là lửa đốt. Người ác ấy bị khổ bức nên kêu gào thảm thiết, chạy khắp nơi. Quả báo của nghiệp ác thật không thể lường tính như vậy, người kia bị khổ cả bên trong lẫn bên ngoài, toàn bộ thân thể bị lửa nghiệp thiêu đốt. Trong thân phát ra lửa rồi tự đốt lấy thân, cũng như trong thân cây lớn khô ráo có chỗ rỗng, người ta đem lửa đốt, khiến cây cháy dữ dội. Ngạ quỷ này bị thiêu đốt cũng giống như thế, khắp thân đều bị cháy, kêu gào thê thảm, miệng phát ra lửa, hai ngọn lửa phát ra cùng lúc thiêu đốt thân, khiến quỷ kinh hoàng, tìm đường chạy trốn. Khi chạy, trên đất mọc đầy gai gốc, tất cả đều bị lửa cháy xuyên qua hai chân, làm nó đau đớn cùng cực không chịu nổi. Khi kêu gào thì lửa đốt lưỡi, khiến nát rã giống như nấu sữa đặc. Chết rồi, sống lại. Do nghiệp ác nên giong ruổi khắp nơi để tìm nước. Khi đến ao, suối, nơi có nước thì hết thảy đều khô cạn. Vì nghiệp ác nên chỉ thấy toàn là lửa lớn dữ dội. Cây cối, đất đai, núi rừng đều bị đốt cháy. Nó chạy đến chỗ có nước thì nơi ấy có ngạ quỷ giữ nước, tay cầm binh khí đón đánh vào đầu nó. Bị khổ não tột cùng như thế đều do đời trước tham lam, bỏn sẻn, bị giặc tâm làm cuồng loạn, thọ mạng lâu dài trải qua năm trăm năm như trước đã nói. Vì nghiệp ác ấy nên luôn không được ăn. Nghiệp ác chưa hết nên khiến không chết. Nghiệp ác chưa hết, không hoại, không hủy thì vẫn không thoát được. Nếu nghiệp ác hết thì mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở đây qua đời, bị gió nghiệp ác thổi, theo nghiệp mà lưu chuyển, thọ khổ nơi sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu sinh làm người, khi ở trong thai thì làm cho mẹ không thể ăn được, khiến người mẹ thân tướng tiều tụy, xấu xí. Do nghiệp sát sinh nên bào thai bị sẩy. Giả sử thai không yểu thì lại tạo cho thân thể mẹ trở nên hôi hám, đáng ghét, lại còn thích làm điều bất thiện. Nếu được sinh ra thì mạng ngắn, nạn nhiều như nạn bị vua bắt trói, bị khổ nơi lao ngục, đói khát, chết đói… Do nghiệp ác còn sót lại nên thọ quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết rõ về quả báo của nghiệp, lại quan sát thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán xét các ngạ quỷ ăn hơi.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ biết chúng sinh do đời trước tự mình ăn nhiều món ngon, không cho vợ con và quyến thuộc. Vợ con chỉ được ngửi mùi thơm chứ không hề biết đến vị ngon của thức ăn ấy. Trước vợ con, người kia chỉ ăn một mình. Do tánh bỏn sẻn đối với người thân, quyến thuộc, đã không lấy cho mà còn sai bảo người khác không được cung cấp, lại sinh tâm tùy hỷ. Tạo ra nhiều tội lỗi như vậy mà người kia không cải hối, không hề sinh tâm xấu hổ. Sau khi qua đời, người ác ấy bị đọa vào loài ngạ quỷ ăn hơi, thường bị đói khát đốt thân, giong ruổi khắp chốn, kêu gào khóc lóc, chỉ nương vào tháp miếu. Khi có người tin tưởng cúng tế trời đất bày biện các món cúng thì quỷ nhờ vào mùi thơm của thức ăn và ngửi lấy các mùi khác để sống. Lại có các ngạ quỷ khác cũng ngửi mùi: Khi người đời bị nhiều bệnh hoạn, sắp bày các món tế lễ ở bên sông, trong rừng, bờ ruộng, các ngả đường, thì quỷ đó nhờ vào những mùi thơm này để sống. Như vậy, các ngạ quỷ ăn hơi có vô lượng khổ não. Vì nghiệp ác chưa hết nên khiến nó không chết. Bị khổ như thế nhưng nghiệp ác chưa hết, không hoại, không hủy thì vẫn không thoát được. Nếu nghiệp ác hết thì mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở đây qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển thọ khổ theo sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu sinh làm người thì nghèo khốn, nhiều bệnh hoạn, thân thể hôi dơ, do nghiệp ác còn sót lại nên bị quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán về thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán xét loài ngạ quỷ ăn pháp. Nhờ nhân duyên của pháp, khiến chúng đứng vững và có thể lực.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ quán thấy các ngạ quỷ ấy lúc làm người tánh nhiều tham lam, đố kỵ. Vì để nuôi sống thân mạng, vì cầu tài lợi, nói pháp cho người mà tâm không kính trọng, phạm giới, không có lòng tin, không vì mục đích giáo hóa, điều phục các chúng sinh mà lại nói pháp bất tịnh. Nói: Sát sinh được sinh Thiên, hưởng phước. Cưỡng bức đoạt của cải, cho là không có tội báo. Đưa con gái cho người khác để được phước đức cũng như thả một con trâu chúa… Đem những pháp bất tịnh ấy thuyết giảng cho người, được của cải thì tự mình thọ dụng, không chịu làm bố thí, lại đem chôn giấu, tích trữ. Do bỏn sẻn, ganh tỵ che lấp tâm, sau khi qua đời, người kia sinh vào đường ác, làm thân ngạ quỷ ăn pháp, mạng sống trải qua năm trăm năm, ngày tháng dài ngắn như trước đã nói. Ở các chỗ hiểm nạn cứ chạy xuôi ngược khắp nơi, tìm kiếm ăn uống, bị đói khát đốt thân, không ai cứu vớt, giống như cây khô. Quỷ ấy bị lửa thiêu đốt, đầu tóc rối bời, lông trên thân rất dài, thân thể gầy ốm, yếu ớt, mạch máu như sớ lưới, thịt mỡ tiêu tan, chỉ còn da bọc xương, đơ cứng, cao lớn, thô lậu, móng chân móng tay dài, bén. Do tạo nghiệp ác là lừa dối, nên mặt nhăn, mắt quầng sâu, nước mắt chảy như mưa, thân hình đen sạm giống như mây đen, toàn thân đều bị sâu ác khoét ăn, ruồi muỗi, trùng đen theo lỗ chân lông mà vào rúc rỉa thịt, làm cho nó sợ hãi, kinh hoàng bỏ chạy. Nếu đến chùa của chư Tăng, hoặc có người đến trụ xứ của chúng Tăng, thực hành hai loại bố thí, nhân đấy mà Thượng tọa thuyết pháp và được mọi người khen ngợi. Quỷ này nhờ đấy mà được sống còn, có sức lực, thân mạng được tồn tại, nhưng nghiệp ác vẫn chưa hết, chưa hoại, thì vẫn không thoát được kiếp ngạ quỷ. Nếu nghiệp dứt thì mới thoát khỏi. Ở đây mạng chung, do đời trước đem tâm tạo các nghiệp nên bị sinh vào các chốn. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu sinh làm người thì thường làm Bà-la-môn giữ đền thờ, giết dê để tế trời, làm thầy chú thuật, không được tự tại, thường theo người khác xin ăn để sống. Do nghiệp ác nên trở lại đọa vào địa ngục. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán xét các ngạ quỷ ăn nước.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ biết các ngạ quỷ ấy do đời trước bị tham ái che tâm, nấu rượu lừa gạt thế gian, thêm nước hòa than, hoặc ngâm loài giun, loài ngài để làm mê hoặc người ngu, không thực hành bố thí, không tu phước đức, không giữ giới cấm, không nghe chánh pháp, không hành theo chánh pháp, lại bảo người khác làm những việc tham ác, thấy họ làm rồi thì thích thú, làm rồi không hối hận. Do nghiệp ác ấy, sau khi qua đời, sinh trong loài ngạ quỷ ăn nước, thường bị đói khát thiêu đốt thân, buồn bã chạy đến đồng hoang, vùng hiểm nạn để tìm nước, rất khốn khổ, nhưng không được. Thân tướng quỷ ấy cứng rít, đáng ghét, giống như đất khô mặn. Thân thể lở loét, cựa thân thì bị đốt cháy, tóc dài che cả mặt mày, không thấy gì cả, luôn bị đói khát bức bách, chạy đến bên sông. Nếu có người qua sông, nơi chỗ chân họ đi qua còn sót lại chút nước dính đất bùn thì quỷ liền chạy nhanh đến ăn để sống. Hoặc có người nào ở bên sông lấy nước cúng cho cha mẹ đã qua đời thì nó được chút phần. Nhờ nhân duyên đó mà mạng sống của quỷ được tồn tại. Nếu tự lấy nước thì bị các ngạ quỷ giữ nước dùng gậy đánh đập, lột hết da trên thân, đau đớn không chịu nổi, kêu la khóc lóc chạy trốn. Do tạo nghiệp ác tự dối gạt, thân bị nghiệp trói buộc bất tận nên khiến không chết, nhưng mà nghiệp ác chưa hết, chưa hoại, chưa tan, thì vẫn chưa thoát được. Nếu nghiệp hết thì mới thoát khỏi. Ở đây qua đời, bị gió nghiệp thổi lưu chuyển trong sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu sinh làm người thì sinh nơi biên địa, bần cùng, khốn khổ, nơi không có cây cối, nước non để trú, thường bị khô hạn, luôn khốn khổ vì bệnh nóng, ngày đêm khát nước. Do nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ A-xa-ca (đời Ngụy dịch là ngạ quỷ Hy vọng).

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ biết các chúng sinh ấy do ganh tỵ, tham lam tự che tâm mình. Thấy người thiện được chút ít của cải, người ác kia mua bán với giá cả không theo đạo lý, lại dối gạt họ để lấy của. Làm rồi thích thú, không sinh tâm hối hận, lại bảo người khác làm việc ác như mình. Không thực hành bố thí, không tu phước đức, không giữ giới cấm, tâm không thành tín, không thuận với chánh pháp, tánh tình thô bạo, không thể điều phục được, không gần gũi bạn lành, thường ôm lòng ganh tỵ. Người ác ấy, sau khi qua đời bị đọa vào loài ngạ quỷ Hy vọng. Nếu người đời vì cha mẹ, tiên linh mất mà bày biện cúng tế thì ngạ quỷ này được ăn. Ngoài ra, những thức ăn khác thì không được ăn, nên luôn bị đói khát thiêu đốt lấy thân, giống như cây bị cháy, không ai cứu vớt. Sắc mặt đen sạm, nước mắt chảy ròng, tay chân đều bị rách nát, đầu tóc che trùm cả mặt, thân thể đáng ghét, giống như mây đen. Quỷ đau đớn kêu gào thảm thiết và nói kệ:

Không thí, không quả báo
Không thí quả, cũng không
Đèn không cháy thì tối
Không thí, không quả vui.
Như người mù không mắt
Không thể thấy gì cả
Không thí cũng như vậy
Vị lai không quả vui.
Hoặc sinh đường ngạ quỷ
Làm người luôn nghèo khổ
Luân hồi chịu khổ não
Là do tâm ganh tỵ.
Không thí tức không quả
Tạo nghiệp trọn không mất
Theo nghiệp dẫn đến quả
Chúng sinh theo nghiệp ăn.
Ta bị nghiệp ác thiêu
Sinh trong loài ngạ quỷ
Bị đói khát lớn này
Lửa dữ thường thiêu đốt.
Khi nào hết đói khát?
Khi nào được an vui?
Bị khổ rất đau đớn
Khi nào thoát ra được?
Không biết đạo, phi đạo
Không biết quả nghiệp thiện
Đói khát như lửa đốt
Chịu khổ não như vậy.
Tóc rối che cả mặt
Không ai cứu giúp được
Gân hiện như lưới bọc
Mạng sống khổ vô cùng.
Buồn bã vào đồng hoang
Thường bị các khổ bức
Đơn độc không ai cứu
Chịu đủ các thống khổ.

Ngạ quỷ hy vọng rên rỉ bỏ chạy, trốn núp khắp nơi. Tỳ-kheo quán như vậy rồi tư duy: Sinh tử luôn đốt cháy dữ dội làm cho Dục giới tăng thêm. Ngạ quỷ ấy nếu có người nào bày biện vật phẩm cúng tế người chết thì mới được ăn để sống, chỉ được ăn thức ăn này còn các thức ăn khác thì không được ăn. Vì nghiệp ác chưa hết nên khiến không chết. Bị khổ như vậy mà nghiệp ác chưa hết, chưa hoại, chưa tan thì vẫn không thoát khỏi. Nếu nghiệp ác hết, ở đây qua đời, bị gió nghiệp thổi lưu chuyển trong thế gian, thọ khổ nơi sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu sinh làm người thì sinh trong gia đình làm công, làm đầy tớ hèn hạ, bị người đánh đập, sai khiến. Do nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét về thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ăn đờm.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ biết các chúng sinh kia có người nam hay nữ bị tâm bỏn sẻn, ganh tỵ che lấp, đem thức ăn bất tịnh lừa gạt các đạo sĩ Sa-môn xuất gia, nói đó là thức ăn thanh tịnh, khiến họ tin dùng rồi lấy ăn. Hoặc có khi lấy những món không nên ăn đem bố thí cho người tịnh hạnh. Người kia luôn làm các việc như vậy rồi còn bảo người khác làm những việc lừa dối như thế nữa. Người kia không thực hành bố thí, không giữ giới cấm, không thân cận bạn lành, không thuận theo chánh pháp, lại thích lấy vật bất tịnh đem cho người. Sau khi qua đời, người ác kia sinh trong đường ác, làm thân ngạ quỷ Xí-trá (Xí-trá, đời Ngụy dịch là ngạ quỷ ăn đờm), bị lửa đói khát thiêu đốt khắp thân, ở những chốn bất tịnh như tường vách đất đá để tìm kiếm đờm dãi của người, ăn những thứ đó để sống, còn những thức ăn khác đều không được ăn. Nếu nghiệp ác chưa hết, chưa hoại, chưa tan thì vẫn không thoát được. Khi nghiệp ác hết thì mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở đây qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển thọ khổ theo sinh tử. Nếu sinh làm người thì sinh vào nhà dọn phân, bần cùng, hạ tiện, nhiều bệnh hoạn, gầy ốm, lở loét, chảy máu, hôi hám, hoặc đi xin thức ăn còn thừa của chúng Tăng để sống. Do nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán loài ngạ quỷ Ma-la là ngạ quỷ Ăn vòng hoa.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ biết chúng sinh kia do đời trước trộm vòng hoa của Phật và các bậc sư trưởng đáng tôn trọng. Lấy trộm hoa đó vì hoa thanh khiết, dùng để tự trang sức chứ không vì tâm ác. Do tâm của người kia tham lam, ganh tỵ, nên sau khi qua đời thì sinh nơi tháp Phật, hoặc sinh nơi tế lễ trời và có thần lực. Nếu người nào giận dữ hay tranh cãi, đi đến tháp cung kính tức được thuận hợp, thì quỷ có thể hiện ra các mộng ác để khủng bố mọi người. Nếu có người khác gặp các việc dữ ác mà cầu sức ân huệ của những quỷ thần này, thì có Dạxoa với oai đức và thần thông lấy vòng hoa dâng lên, nhờ dịp này mà được ăn vòng hoa, ít đói khát, không bị lửa đói khát thiêu đốt, người đời khen ngợi, quỷ thường vui vẻ. Quỷ ăn vòng hoa ấy nếu nghiệp ác chưa hết, chưa hoại, chưa tan thì vẫn không thoát được. Nếu nghiệp ác hết mới được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở đây qua đời, theo nghiệp mà lưu chuyển trong thế gian thọ khổ theo sinh tử. Nếu được sinh làm người thì làm người giữ vườn bán hoa để sống. Do nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét về thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ăn máu để sống.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ kia lúc xưa làm người ưa thích những thức ăn có máu thịt, tâm người ấy bỏn sẻn, ganh tỵ, vui cười tạo ác, sát sinh, ăn máu, không bố thí cho vợ con. Người ác ấy sau khi qua đời bị đọa vào đường ác, vì ưa thích ăn máu nên sinh trong loài ngạ quỷ La-ngật-trá (La-ngật-trá đời Ngụy dịch là Ăn máu). Khi thọ thân quỷ này rồi, mọi người đều gọi nó là Dạ-xoa. Người ta dùng máu bôi phết khắp để cúng tế. Ăn máu rồi quỷ còn làm cho người sợ hãi để luôn cầu tìm sự cúng tế. Mọi người đều cho là thần linh, cứ làm như thế để được sống. Thọ mạng của quỷ lâu dài như trước đã nói trải qua năm trăm năm. Ngạ quỷ ấy tạo các thứ yêu nghiệt nhưng nếu nghiệp ác chưa hết, chưa hoại, chưa tan thì vẫn không thoát được. Nếu nghiệp ác hết thì mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở đây qua đời rồi theo nghiệp mà lưu chuyển trong thế gian thọ khổ theo sinh tử. Nếu được làm người thì sinh vào nhà dòng Chiên-đà-la, ăn nuốt thịt người. Do nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ăn thịt.

Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ biết chúng sinh này do ganh tỵ tham ác tự che lấy tâm mình. Lấy thịt của chúng sinh làm thành từng khúc rồi bằm thái, đem cân, mua bán lừa gạt, ít nói nhiều, cho dở là ngon. Người ác ấy sau khi qua đời bị đọa vào đường ác, sinh vào loài ngạ quỷ ăn thịt. Quỷ Dạ-xoa ấy ở nơi ngã tư hoặc ngõ hẻm, bờ ruộng, chợ búa, quán xá, hoặc ở trong thành phố, chỗ chúng Tăng, sống nơi chỗ tế trời, hình tướng xấu ác, ai thấy đều hoảng sợ. Nhưng quỷ ấy có thần thông, tánh mềm dịu, không làm nhiều điều ác, hành thí bất tịnh, do nhân duyên đó nên được thần thông, dùng thịt lộn xộn của các chúng sinh như bò, dê, nai… để thiết đãi cho người, do nghiệp duyên này nên có thần lực. Nhưng nếu nghiệp ác chưa hết, chưa hoại, chưa tan thì vẫn không thoát được. Nếu nghiệp ác hết thì mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở đây qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển thọ khổ theo sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu có chút ít nghiệp thiện thì được sinh làm người, ở nơi biên địa, thuộc hàng Chiên-đà-la-man-di ăn thịt người. Do nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy. Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ăn khói hương.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ ấy?

Vị ấy dùng văn tuệ biết các chúng sinh này bị tâm đố kỵ, tham ác che lấp, đi buôn bán hương, thấy người cần mua hương gấp để cúng dường, kẻ kia không lấy hương tốt đưa cho họ, mà lại đưa hương tầm thường, bán không đúng giá, tâm không có tịnh tín, nói không có báo ác, không biết chư Phật là ruộng phước chân thật. Người ác ấy sau khi qua đời, sinh trong loài ngạ quỷ Dạ-xoa ăn khói hương nhưng có thần thông. Thân nó đeo vòng hoa thơm, ướp hương xoa, hương bột, ca múa để tự vui, hoặc sống trong các ngả tư, miếu thần, chùa chiền, nhà cửa, núi rừng, nơi vui chơi, lầu cao đẹp đẽ. Nó đều đi đến khắp. Người ngu trong thế gian thấy nó liền cung kính lễ bái, đốt các loại hương trầm thủy… để cúng dường. Do đời trước buôn bán hương bảo người cúng dường vào ruộng phước tối thắng, nhưng không phải là ruộng tâm. Nếu trong Phật, Pháp, Tăng mà thực hành một chút bố thí thì được quả báo lớn, giống như cây Ni-câu-đà, hạt rất nhỏ nhưng nếu trồng vào đất tốt thì thành cây rất cao lớn, cành lá sum suê. Nếu trong ruộng phước Phật, Pháp, Tăng có người hành bố thí thì được quả báo lớn. Cũng vậy, do sức lực của ruộng phước nên Dạ-xoa ấy có thần lực và được quả báo an vui, thoát ra khỏi thế giới quỷ. Ở đây qua đời rồi thì tùy theo nghiệp là lưu chuyển, thọ khổ theo sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu được làm người thì sinh vào nhà bần cùng, thân người ấy có mùi thơm giống như xoa ướp hương thơm. Do nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ đi nhanh.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ biết chúng sinh này bị tham lam bỏn sẻn che tâm, hoặc làm Sa-môn phá bỏ giới luật đã thọ, lại đắp pháp y đi vào các xóm làng để lừa gạt mọi người tìm cầu của cải, nói xin vì người bệnh. Thí chủ tùy theo bệnh mà cung cấp, nhưng khi được rồi không đem cho mà tự lấy ăn. Vì để có y phục trang sức mà xin cầu nơi các thành ấp, tìm đủ các vật cần dùng nhưng không cho người bệnh. Do nhân duyên đó, sau khi qua đời, người ấy sinh trong loài ngạ quỷ Tỳ-già-la (Tỳ-già-la đời Ngụy dịch là Đi nhanh). Thọ thân ngạ quỷ này, luôn ở chỗ bất tịnh, ăn đồ bất tịnh, thường bị đói khát thiêu đốt lấy thân. Nếu có chúng sinh làm điều bất tịnh thì ngạ quỷ đó gây não loạn cho họ, tự hiện thân ngạ quỷ khiến họ sợ hãi để tìm chỗ sơ hở của họ, hoặc hiện trong mộng ác khiến họ hoảng sợ. Ngạ quỷ ấy qua lại trong vùng gò mả, thích gần thây chết, thân nó bị lửa cháy, khói và lửa phát ra một lúc. Nếu thấy bệnh dịch lan tràn trong thế gian, số người tử vong rất nhiều thì tâm nó vui mừng. Nếu có thần chú ác gọi mời thì nó lại ngay, có thể tạo những điều không lợi ích cho chúng sinh. Quỷ đi rất nhanh, trong một niệm có thể đi trăm ngàn do-tuần, cho nên gọi là ngạ quỷ đi nhanh. Kẻ phàm phu ngu si cùng nhau cúng dường nên gọi đó là Dạ-xoa có đại thần lực. Như thế gây vô số tai ương cho con người, khiến người phải lo sợ. Nếu nghiệp ác chưa hết, chưa hoại, chưa tan thì vẫn không thoát được. Nếu nghiệp ác hết thì mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở đây qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển chịu khổ nơi sinh tử. Nếu sinh làm người thì sinh trong nhà thầy pháp, thuộc về các quỷ thần, giữ miếu quỷ thần. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ăn rình mò, thường tìm khuyết điểm của mọi người.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ biết chúng sinh kia bị tham lam, ganh tỵ che lấp tâm, vu khống, chê bai chúng sinh khác để lấy của cải. Hoặc tranh giành khủng bố cưỡng bức người để đoạt lấy của cải. Hoặc ở thành ấp, xóm làng cướp giật của cải người khác. Thường tìm kiếm chỗ sơ hở của người để cướp giật, không thực hành bố thí, không tu phước đức, không gần gũi bạn lành, thường ôm lòng ganh tỵ, tham lam trộm cắp, đoạt lấy của cải người khác, thấy của cải của họ thì ôm lòng ác độc, đối với các bạn lành tri thức, anh em quyến thuộc thì thường oán ghét, ganh tỵ. Mọi người thấy, cùng nhau chỉ rõ, nói là người xấu ác. Sau khi qua đời, người ấy bị đọa vào đường ác làm thân ngạ quỷ Sy-đà-la (Sy-đà-la đời Ngụy dịch là Tìm kiếm chỗ sơ hở) chân lông khắp thân tự nhiên phát lửa thiêu đốt lấy thân. Giống như lúc cây Chân-thúc-ca nở đầy hoa (Cây này hoa đỏ, giống màu đống lửa, cho nên lấy nó làm thí dụ). Quỷ bị lửa đói khát thiêu đốt lấy thân, rên rỉ, kêu gào thảm thiết, luôn chạy đây đó tìm kiếm thức ăn để sống. Đời có người ngu đi ngược tháp, nếu thấy miếu trời thì thuận hành cung kính. Người như vậy bị quỷ kia tìm được chỗ sơ hở, vào trong thân người đó để ăn khí lực. Hoặc lại có người ở gần phòng dơ bẩn, quỷ ấy tìm được chỗ sơ hở, vào trong thân người đó ăn khí lực để sống. Còn tất cả thứ khác đều không được ăn. Nếu nghiệp ác chưa hết, chưa hoại, chưa tan thì vẫn không thoát được. Nếu nghiệp ác hết mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở đây qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển trong thế gian thọ khổ theo sinh tử. Nếu được sinh làm người thì gặp nhiều hoạn nạn, như nạn ma, nước, lửa, giặc, đói, mất mùa. Thường sinh vào chỗ bần cùng, hạ tiện, nhiều bệnh khổ, thân thể yếu gầy. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét về thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ở chỗ tối tăm dưới đất. Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ biết các chúng sinh này do ngu si mà tạo nghiệp, bị tham lam, ganh tỵ che lấp tâm, chê bai pháp để cầu tài, trói cột người bỏ trong lao ngục khiến họ tối tăm, mắt không thấy gì cả, tiếng kêu dội lại nghe như ai oán. Bị trói trong ngục chịu ưu não gấp bội, không ai cứu vớt. Người ác ấy sau khi qua đời, sinh trong loài ngạ quỷ ở chỗ tối tăm dưới đất. Nơi ấy có rắn đại ác, thân lớn dài hai mươi dặm, bò đầy khắp chốn. Người kia bị gió lạnh run rẩy, đói khát đốt thân, đầu tóc rối bù, thân thể ốm yếu. Gió đánh vào thân người kia, làm cho tất cả thân thể đều bị phá hoại, đi vào chỗ tối tăm đại hiểm nạn, chịu khổ rất rùng rợn. Người ấy buồn bã chạy trốn một mình, không bạn bè. Gió độc cắt mạnh giống như dao cắt. Vì nghiệp ác mà có cầu chết cũng không được. Nhưng nếu nghiệp ác đã tạo chưa hết, không hoại, không tan thì không thoát được. Khi nào nghiệp ác hết mới có thể thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở đây qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển trong thế gian, thọ khổ nơi sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu được làm người thường ở chỗ núi sâu, tối tăm, hiểm nạn, ở bên bờ biển không thấy mặt trời, mặt trăng. Sinh vào cõi nước này, mắt người đó bị mù, không thấy biết gì cả, bần cùng, hạ tiện, đi xin ăn để sống. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét về thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ thấy có ngạ quỷ tên Thần thông đại lực quang minh. Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ biết các chúng sinh này do vọng ngữ dối gạt người, tham lam, ganh ghét, phá hoại, trộm cắp tài vật của người khác, lừa đảo người để lấy của, hoặc ỷ mình có thế lực, cưỡng đoạt người lấy của đem cho bạn ác. Không bố thí vào ruộng phước, tạo thí bất tịnh vì cầu ân nghĩa, vì cầu cứu, vì tiết hội, vì nạn gấp, vì xu phụ… vì những điều như vậy gọi là thí bất tịnh. Sau khi qua đời, người ấy sinh trong loài ngạ quỷ đại lực thần thông. Thọ thân quỷ rồi có nhiều ngạ quỷ bị vô lượng khổ não vây quanh, ở trong núi sâu hoặc nơi đầm bể, được sinh vào chỗ ấy thì có thần thông tự tại. chỉ có một ngạ quỷ này là được vui bậc nhất, còn các quyến thuộc khác, thân như cây bị đốt, lửa đói khát bức bách, đều cùng nhau nhìn ngắm. Quỷ thọ lạc ấy là quả báo của việc thí bất tịnh, nếu khi nào nghiệp ác hết thì mới được thoát. Ở đây qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển thọ các khổ nơi sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu được làm người thì thống lãnh quốc độ, hoặc làm đại thần vào thời đói nghèo. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét về thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ đốt cháy vào ban đêm, từ nơi thân lửa phát ra, kêu gào thảm thiết, vụt bỏ chạy đến các xóm làng, thành ấp, núi rừng, thân như đống lửa, bị đói khát thiêu đốt. Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết chúng sinh này do tham lam, ganh tỵ che lấp tâm, phá hoại người khác, nói dối, lừa gạt người, cướp đoạt của cải người, phá thành quách của người, giết hại dân chúng, khiến cho thân tộc, quyến thuộc của họ tan nát. Cướp được của cải rồi đem dâng vua, đại thần hoặc cho người hào quý. Dựa vào thế lực của vua, vua khen là có tài năng, được vua khen ngợi kẻ ấy càng hung bạo thêm nữa, như trước đã nói. Người ác ấy sau khi qua đời bị đọa trong loài ngạ quỷ Xàbà-lệ (Xà-bà-lệ đời Ngụy dịch là Đốt cháy dữ dội). Do đời trước, người ác kia cướp giật vào ban đêm, trói cột người lại để tra khảo, đánh đập khiến họ phải khổ sở. Vì nhân duyên đó mà nay vào ban đêm thì toàn thân bị lửa bốc cháy. Do đời trước từng trói cột người làm họ kêu gào, khóc lóc, nên nay bị lửa thiêu đốt khắp thân, kêu la đau đớn. Vì nghiệp ác chưa hết nên khiến quỷ không chết. Nếu nghiệp ác chưa hết, chưa hoại, chưa tan thì vẫn không thoát được. Ở đây qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển trong thế gian, thọ khổ nơi sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển cả tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu được làm người thì thường bị người khác phá hoại. Giả sử có của cải thì bị vua, giặc xâm chiếm cướp giật. Nếu đến chỗ cao nguy hiểm, hoặc leo lên cây cối thì bị rơi xuống làm tổn thương đến thân. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo kia biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét về thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ thấy các ngạ quỷ thường tìm kiếm chỗ sơ hở của người, rình kiếm chỗ dở của người, giết hại trẻ con.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia đời trước bị kẻ bạo ác giết trẻ con mình nên nổi giận, thề rằng: “Đời sau ta sẽ làm Dạ-xoa giết con ngươi để trả thù”. Người ác ấy sau khi qua đời, bị đọa vào đường ác làm ngạ quỷ Xi-đà-la (Xi-đà-la đời Ngụy dịch là Quỷ rình mò chỗ sơ hở), luôn nhớ oan gia, sân giận, ác độc, đi tìm nơi nào có đàn bà sinh đẻ thì rình cướp mạng sống của đứa trẻ đó. Quỷ này có thần thông thế lực, nghe có mùi máu, trong khoảnh khắc, nó liền đi đến chỗ đó và còn có khả năng đi trăm ngàn do-tuần. Nếu có phụ nữ sinh con thì quỷ dùng thân vi tế để tìm chỗ sơ hở. Với tâm sân hận, đi tìm chỗ sơ hở của người khác, nên tìm kiếm khắp nơi, cốt yếu muốn giết đứa con, nhưng tìm không có. Nếu mẹ phạm lỗi nuôi nấng con không đúng pháp thì quỷ tìm được chỗ sơ hở của đứa con. Nếu bất tịnh, ô uế thì quỷ tìm được chỗ sơ hở… Như trước đã nói, nếu tìm được chỗ sơ hở thì quỷ có thể hại đứa trẻ. Nếu không được thì đến mười năm, tìm nhiều cách để giết hại chứ không bỏ ý định kia. Kẻ bất thiện như thế tự trói lấy tâm mình, bị đói khát đốt thân nên không thể giết hại. Nếu đứa trẻ này có nhiều nghiệp lành, hoặc được thiện thần ủng hộ thì không thể giết nó được. Quỷ kia nổi sân hận và qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển thọ khổ nơi sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu được sinh làm người, do tập khí sân giận từ đời trước oán kết trói buộc nhau, nên sinh vào chỗ không đủ thuận duyên, tất cả giống như oan gia, dùng những phương tiện muốn người khác phải chết yểu, khuyết tật. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

QUYỂN 17

Phẩm 4: Ngạ quỷ (Phần 2)

Lại nữa, Tỳ-kheo biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét về thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ Ca-ma (Ca-ma-lưỡng-lôba, đời Ngụy dịch là Ham sắc). Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết chúng sinh kia hoặc là nam nữ, hoặc là hoàng môn, mặc các thứ y phục để tự tạo vẻ đẹp đẽ, mặc y phục người nữ, làm theo việc dâm nữ. Có kẻ ham dục liền kết hợp với người đó, nhân việc ấy mà được của cải đem cho kẻ phàm phu, chẳng phải chỗ ruộng phước, người đem bố thí với tâm bất tịnh. Do nhân duyên đó, sau khi qua đời, sinh trong loài ngạ quỷ ham sắc. Làm thân quỷ rồi, trang sức đủ cách, muốn gì được nấy. Muốn đẹp được đẹp, muốn xấu thì xấu, muốn tạo ra màu sắc đáng ưa hay không đáng ưa, đều có thể làm được. Như làm đàn ông thì dung mạo tuấn tú, hoặc làm người nữ thì đẹp đẽ, dịu dàng, hay làm súc sinh thì thân tướng nổi bật. Nó có thể làm ra đủ các thứ trang sức thượng diệu, có thể du hành đến khắp cả mọi nơi. Nếu được đồ ăn uống thì quỷ ăn không bị bệnh, nên ít bố thí, có thể dùng thân nhỏ nhắn để lẻn vào nhà người tìm kiếm thức ăn uống. Người đời bắt được, nói:

–Quỷ Tỳ-xá-già kia! Mi trộm cắp thức ăn uống của ta?

Hoặc làm thân người, tham dự vào các buổi lễ hội của người khác, hay làm thân chim, ăn cơm cúng tế của người. Thân nó rất nhỏ, người đời không thể thấy được. Loài quỷ này là như thế, tùy theo ý muốn mà có thể hiện ra vô số hình sắc. Người đời gọi chúng là Dạ-xoa Như Ý. Hoặc làm thân nữ giao kết với người, trang sức đủ cách như vậy là để lừa gạt mọi người. Sống trong đường ngạ quỷ, đi lại nơi nhân gian, nếu nghiệp ác chưa hết, không hoại, chưa tan thì vẫn không thoát được. Nếu nghiệp ác hết thì mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Sau khi ra khỏi thân ngạ quỷ, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển, chịu khổ trong sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu được làm người thì sinh trong hạng đào hát, mặc đủ loại y phục, tạo ra mọi sự phóng túng vui đùa để nuôi sống, tự đem vợ mình theo hầu người khác để được của cải. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét về thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ở bãi biển. Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia ở đời trước thấy người định qua vùng đồng trống nhưng bị bệnh mỏi mệt. Người kia lấy đồ vật của những người bị bệnh đó vốn có giá trị cao rồi đưa lại tiền thì rất ít không tương xứng. Do tham ác, xảo quyệt, lừa gạt người đi xa đang bị đói khổ nơi đồng trống hoang vắng mà người ác kia sinh nơi vùng bãi biển thọ thân ngạ quỷ. Vùng ấy không có cây cối, sông, ao và nóng nực, kể cả mùa đông cũng rất nóng, lại có nhiều độc hại. Nóng gấp mười lần cái nóng mùa hè ở các nơi khác, nên quỷ dùng sương mai để sống. Tuy ở bãi biển nhưng quỷ không được uống nước, do nghiệp ác nên thấy biển đều khô cạn, còn như thấy cây cối thì thấy toàn là lửa dữ cháy hừng hực, không chút hy vọng, bị những thứ ác bao vây, không được an ổn, đói khát luôn thiêu đốt thân, kêu la thảm thiết. Do tâm tự lừa gạt nên chạy trốn khắp nơi, gào đến tắt tiếng mà chẳng được cứu vớt, không chỗ nương nhờ, đầu tóc rối bù, thân thể gầy còm, tất cả gân mạch đều hiện lên giống như võng lưới. Quỷ đi tới đâu cũng đều khô kiệt, không ai cứu giúp, không chốn nương tựa, không nơi nhờ cậy. Nhưng nếu nghiệp ác ấy chưa hết, không hoại, không tan thì nó vẫn không chết. Nếu nghiệp hết thì mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Thoát khỏi thân ngạ quỷ rồi, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển, chịu khổ trong sinh tử.

Thân người khó được, giống như con rùa trong biển cả tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu được sinh làm người, thì sống nơi vùng bãi biển, hoặc chỉ có một chân, hoặc bị chân ngắn, khốn khổ vì thiếu nước. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét về thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán ngạ quỷ Diêm-la cầm gậy. Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia do tham lam, bỏn sẻn, ganh tỵ, tự hủy hoại tâm mình, được gần gũi quốc vương, đại thần hoặc hạng người hào quý để chuyên quyền, làm điều bạo ác, không có lòng Từ bi, không thực hành đúng lý nên bị các hiền sĩ khinh chê. Người ác ấy, sau khi qua đời, bị đọa làm ngạ quỷ diêm la cầm gậy, ở thế giới của quỷ bị vua Diêm-la xua đuổi, sai khiến. Nếu có chúng sinh gây ra các nghiệp xấu ác thì vua Diêmla liền sai quỷ này đoạt lấy tinh thần của chúng sinh đó. Thân tướng của quỷ ấy xấu xí, đáng sợ, đầu tóc rối bù, dài che cả thân. Môi xệ xuống, tai dài lòng thòng, bụng lớn, kêu la to tiếng, thường dùng đao bén đánh đập các tội nhân, rồi nắm tay họ lấy dây buộc trói lại dẫn đến chỗ Diêm-la vương, tâu:

–Đại vương! Người này ở đời trước gây tạo nghiệp bất thiện thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp đều bất thiện. Xin vua xử trí hắn!

Vua Diêm-la liền dùng kệ quở trách:

Ngươi là kẻ ngu trong cõi người
Tự kết buộc bằng các nghiệp ác
Trước kia sao ngươi không tu thiện
Như đến ao báu trở về không!
Do làm nghiệp thiện được quả vui
Có quả vui nên sinh tâm thiện
Hết thảy các pháp theo tâm chuyển
Luân hồi sinh tử không gián đoạn.
Tất cả các hành đều vô thường
Giống như bọt nước không lâu bền
Ai chuyên tu chánh pháp như vậy
Đương lai người ấy được thắng báo.
Nếu người nào chuyên tu điều thiện
Lìa bỏ tất cả các nghiệp ác
Người ấy sẽ không đến chỗ ta
Đi lên bậc trên, thọ báo trời.
Nếu người ngu si, không giác ngộ
Ưa thích nghiệp ác, đến chỗ ta
Ai bỏ được nghiệp ác, bất thiện
Là người thực hành đạo bậc nhất.
Nếu thấy các nghiệp quả thế gian
Lại thấy những thú vui trên trời
Vậy mà vẫn còn tâm phóng dật
Người ấy không gọi: Tự yêu mình.
Vì lợi gạt nên tạo nghiệp ác
Buông lung tất cả thân, khẩu, ý
Người ấy gây nhiều nghiệp khác nhau
Ngươi nay đối nghiệp đến chỗ ta.
Ngươi bị các nghiệp ác lừa gạt
Nhất định đi đến đường hiểm ác
Nếu ai ưa thích tạo nghiệp ác
Vị lai, thân người rất khó được.
Nếu ai xa lìa các nghiệp ác
Thích làm pháp thiện, tâm ái lạc
Hiện tại người ấy luôn an vui
Ắt được Niết-bàn quả giải thoát.
Nếu người nào huân tập hạnh thiện
Là người thù thắng trong thế gian
Nếu ai học, tạo nghiệp bất thiện
Là kẻ ác nhất trong thế gian.
Người có trí tuệ hành việc thiện
Đều bỏ pháp ác đầu, giữa, cuối
Nếu ai tạo tập các nghiệp ác
Thì vào địa ngục chịu khổ báo.
Dùng pháp thiện điều phục các căn
Được pháp thù thắng, tịnh, thế gian
Sau khi người ấy đã qua đời
Sinh lên cõi trời thọ diệu lạc.
Nghiệp trói buộc ngươi rất bền chặt
Bị sứ giả Diêm-la bắt giữ
Đưa đến đường ác đầy sợ hãi
Thế giới Diêm-la rất khổ não.
Đời trước ngươi tạo nhiều nghiệp ác
Nghiệp này nay ngươi tự gánh lấy
Mình làm mình chịu không ai khác
Người khác làm, mình không chịu quả.

Vua Diêm-la quở trách kẻ tội nhân rồi sai sứ giả dắt đi. Vì tội nhân này tự mình tạo ra nghiệp ác, do nghiệp tự dối gạt dẫn đến phải chịu các quả báo khổ não: Trừng trị, tra khảo, bị đói khát bức bách, chỉ ăn hơi gió mà thôi. Vì nghiệp ác chưa hết nên khiến tội nhân không chết. Thoát được thân ngạ quỷ rồi, theo nghiệp mà lưu chuyển, chịu các khổ não nơi sinh tử. Nếu được làm người thì sống nơi biên địa hay trong hang tối, núi thẳm, bờ cao, sông sâu, đầy nguy nan, sợ hãi. Có người quyền hành đi qua vùng này thì sai những người ấy dẫn đường.

Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, quán xét các pháp. Tỳ-kheo kia làm thế nào để quán năm địa?

Vị ấy dùng văn tuệ với minh nhãn, quan sát về mười loại sắc nhập. Mười sắc nhập là:

1. Nhãn nhập.

2. Sắc nhập.

3. Nhĩ nhập.

4. Thanh nhập.

5. Tỷ nhập.

6. Hương nhập.

7. Thiệt nhập.

8. Vị nhập.

9. Thân nhập.

10. Xúc nhập.

Tỳ-kheo quán nhãn (mắt) duyên với sắc tướng như thế nào? Tỳ-kheo quán nhãn duyên với sắc sinh ra thức, do ba pháp hòa hợp mà sinh xúc. Xúc cùng với thọ, tưởng, tư, thức. Xúc đưa đến xúc giác, giác đưa đến cảm thọ. Tư đưa đến tưởng tượng như: dài, ngắn; ưa thích hay không ưa thích. Chúng hiện có với tư tưởng tương đối. Thức nhận biết về một duyên nhưng chúng đều có tướng khác và có mỗi tự thể khác, giống như mười pháp của đại địa. Mười pháp của đại địa:

1. Thọ.

2. Tưởng.

3. Tư.

4. Xúc.

5. Tác ý.

6. Dục.

7. Giải thoát.

8. Niệm.

9. Định.

10. Tuệ.

Một duyên nhưng mỗi mỗi tướng nơi thức… khác nhau.

Mười một pháp cũng như vậy. Giống như ánh sáng của mặt trời xuất hiện là một thì tự thể của ánh sáng đều khác nhau. Như tự thể của thức thì khác, cho đến tư cũng như vậy.

Tỳ-kheo kia nhận biết đúng như thật về sắc nhập, quán về nhãn là không, không thật có, không bền vững, không thật. Như vậy, Tỳ-kheo biết đúng như thật về đạo và đã xa lìa được tà kiến, tâm an vui trong chánh kiến, mắt lìa được si-cấu. Vị ấy thấy đúng như thật về mắt mình chỉ là cục thịt, nhưng vì ngu si nên không biết. Nó chỉ là chỗ để nước mắt chảy ra. Nhận biết đúng như thật như vậy rồi thì sẽ xa lìa lòng tham muốn. Quán mắt là vô thường, biết vô thường rồi vì nó chỉ là cục thịt ở trong hốc mắt. Nhận biết đúng như thật về mắt có gân, mạch bao xung quanh, nên biết do các duyên hòa hợp mà có nhãn nhập. Như vậy mắt là không thật có, là vô ngã, vô tri, cho đến khổ cũng như vậy. Quán nhãn nhập rồi, vị ấy lìa được lòng ham muốn.

Tỳ-kheo ấy quan sát đúng như thật về nhãn nhập rồi thì phân biệt quán sắc. Sắc ấy dù ưa thích hay không ưa thích đều là vô ký, do phân biệt mà có. Pháp nào có thể thấy được? Cái gì là tịnh, cái gì là thường, cái gì là đáng tham? Tỳ-kheo ấy tư duy, quán xét như vậy rồi, thì nhận biết đúng như thật về sắc. Nó là phi hữu, phi lạc. Như thế là tư duy quan sát về sắc tướng thì biết rằng sắc không lâu bền, không thật có, chỉ do phân biệt sinh ra mà thôi. Ưa thích hay không ưa thích đều không thật có. Do tham đắm hư vọng mà chúng sinh ưa thích hay không ưa thích. Sắc này không có tự thể, là vô thường, không thực có, không chân thật, không vui thích. Không một pháp nào là không bị hư hoại, đều không lâu bền, không có ngã, chỉ do tham, sân, si che lấp tâm mình mà sinh ưa thích hay không ưa thích, chứ không phải sắc vốn có ưa thích hay không ưa thích. Tất cả đều do nhớ nghĩ sinh ra. Tỳkheo quán sắc nhập như vậy thấy danh sắc rồi thì không tham đắm, không đắm nhiễm, không mê muội, không chấp giữ, biết sắc là không bền chắc. Tỳ-kheo ấy quán xét nhãn như vậy, quán sắc nhập rồi nên không đắm nhiễm vào nhãn thức, lìa bỏ được dục uế. Nhãn thức ấy không phải là ta, ta không là nhãn thức. Xúc, thọ, tưởng, tư cũng đều như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét về thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ăn trẻ con. Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia dùng chú thuật của rồng ác để trừ tai họa mưa đá, dối gạt, mê hoặc người bệnh, dùng chú thuật Dạxoa để lấy của cải người, hoặc lại giết dê. Người ấy sau khi qua đời bị đọa vào địa ngục Hoạt chịu vô lượng khổ. Ra khỏi địa ngục, lại sinh trong loài ngạ quỷ Bà-la-bà-xoa (Bà-la-bà-xoa đời Ngụy dịch là Ăn trẻ con). Lại có chúng sinh có dư báo về sát sinh thì khi làm người bị ngạ quỷ này bắt trộm để ăn, hoặc đến chỗ sản phụ bắt đứa trẻ mới biết bò hay mới biết đi. Ngạ quỷ ấy bắt trộm đứa trẻ rồi ăn từ từ. Nếu gặp thuận tiện thì nó giết luôn. Nếu ai không có nghiệp sát sinh thì không bị hại.

Kệ tụng nêu:

Nghiệp ác trói buộc chịu quả khổ
Nếu tạo nghiệp thiện được quả vui
Dây nghiệp cứng, dài trói buộc người
Trói chặt chúng sinh không thoát được.
Không được an ổn đến Niết-bàn
Trôi dài ba cõi chịu các khổ
Hãy dùng dao trí chặt nghiệp ấy
Ắt được giải thoát khỏi khổ bức.
Do dứt nên nghiệp không trói buộc
Được đến chốn tịch diệt, vô vi
Như cá vào lưới bị người bắt
Ái buộc chúng sinh chết cũng vậy.
Như nai hoang trúng mũi tên độc
Nai ấy kinh hoàng chạy khắp nơi
Thuốc độc đã thấm, không sao thoát
Ái cột chúng sinh cũng như vậy.
Luôn theo chúng sinh không lìa bỏ
Quán ái như độc, cần xa lìa
Kẻ ngu si kia bị ái đốt
Giống như lửa dữ đốt cây khô.
Ái ấy ban đầu nhiễm khó biết
Quả báo như lửa tự đốt mình
Nếu muốn được vui, tâm an ổn
Nên bỏ dây ái, lìa đắm vướng.
Như cá nuốt câu, chết không lâu
Dây ái trói người cũng như thế
Đẩy các chúng sinh vào đường ác
Đọa làm ngạ quỷ, đói bức bách.
Thế giới ngạ quỷ nhiều khổ não
Trốn tránh và bỏ chạy khắp nơi
Người trong địa ngục chịu các khổ
Đều do dây ái làm nhân duyên.
Có các chúng sinh nghèo bệnh khổ
Tự sống bằng cách kiếm sương mai
Đều do ái kết làm nhân duyên
Bậc Thánh nói chịu khổ báo này.

Quán xét đầy đủ về mọi quả báo đều do tham lam, ganh tỵ làm nhân duyên, vị ấy sinh tâm nhàm chán, lìa bỏ các dục.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ăn tinh khí của người. Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia đời trước xảo quyệt lừa gạt người, dối trá với bạn thân, nói:

–Tôi sẽ đến cứu giúp bạn.

Người bạn nghe vậy, lòng thêm phấn chấn, dũng mãnh. Lúc đó, kẻ xảo quyệt bảo người bạn vào chỗ có kẻ địch, nhưng khi người bạn sắp tan thân, mất mạng thì kẻ xảo quyệt kia bỏ đi, không cứu giúp, lại muốn vua lấy hết tài sản của bạn và người bạn bị hắn lừa gạt đành chết nơi chiến trận. Do nhân duyên bất thiện này mà kẻ xảo quyệt kia, sau khi qua đời bị đọa làm ngạ quỷ ăn tinh khí người, chịu mọi sự đói khát tự thiêu đốt thân, bị đao cắt cứa thân thể cho tan nát. Mưa đao từ trên không trung rớt xuống, ngạ quỷ kia phải bỏ chạy khắp mọi nơi, không chỗ trốn tránh. Nếu gặp người làm ác, không có lòng tin, không phụng thờ Tam bảo, thì quỷ tìm được cơ hội đó để vào trong thân kẻ ác kia, ăn nuốt tinh khí để sống. Nhưng tìm kiếm điều đó là rất khó, đến nỗi chịu nhiều khốn khổ cũng không được, cho đến mười năm hoặc hai mươi năm mới được một cơ hội. Nó luôn chịu khốn khổ, đói khát, vì tự tạo nghiệp ác thì phải chịu báo ác. Nhưng nếu nghiệp ác chưa hết, thì quỷ không chết. Nghiệp ác chưa hết, không hoại, không tan nên không được thoát. Nếu nghiệp ác hết thì mới thoát kiếp ngạ quỷ. Thoát được thân ngạ quỷ, sinh làm người thì thường giữ việc cúng tế trời, phải chịu bần cùng, nguy khốn, không được tự tại, ăn những thức ăn cúng tế dư thừa. Vì nghiệp ác còn sót lại nên phải sống nhờ vào người khác.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ thấy có ngạ quỷ tên Phạm La-sát. Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia đời trước do giết hại sinh mạng để tổ chức hội lớn, nói rằng thức ăn uống mua bán rất hiếm, lấy cái dở để đãi, còn cái ngon đem bán, bị tâm tham lam hủy hoại. Chúng sinh ấy khi qua đời bị đọa vào loài ngạ quỷ tên ngạ quỷ La-sát Bà-la-môn, luôn bị lửa đói khát thiêu đốt, luôn giong ruổi rất mau, rồi hiện lên tướng người để giết hại chúng sinh. Hoặc ở đầu đường, ngả tư, vệ đường, ngõ hẻm để chờ đợi cơ hội. Các Bà-la-môn sát sinh để thết đãi thì phần nhiều sinh vào loài này, hoặc giấu thân để giết hại người, hoặc vào trong thân người để cướp mạng sống họ. Người chú thuật nói:

–Quỷ thần bám vào người và đã nhập vào thân người rồi, thì làm cho người ấy điên loạn, mê cuồng, không biết gì cả.

Gây nghiệp ác như vậy nên luôn bị đói khát đốt thân, chịu vô số khổ não, ở trong cảnh giới của ngạ quỷ, nhưng nếu nghiệp ác không hết, không hoại, không tan thì vẫn không thoát được. Khi nghiệp ác hết, qua đời, do nhân duyên của nghiệp còn lại, nên được sinh làm người, thường ăn thịt người hoặc uống máu người. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ăn trong lò lửa. Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia xa lìa bạn lành, bị tham lam ganh tỵ che lấp tâm, thích ăn thức ăn của chúng Tăng. Người này sau khi qua đời bị đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Ra khỏi địa ngục thì sinh vào loài ngạ quỷ Quân-trà (Quân-trà đời Ngụy dịch là Lò lửa), luôn bị đói khát thiêu đốt thân, giống như cây bị cháy phải chạy trốn khắp nơi để tìm kiếm thức ăn. Do tạo nghiệp dối gạt nên ở trong chùa lớn, bị thiêu đốt, lấy thức ăn dư thừa trộn chung với lửa để ăn, tâm luôn nhớ nghĩ đến lò lửa và thức ăn dư thừa, luôn bị đói khát bức bách. Hai thứ lửa phát ra cùng một lúc khiến phải rên rĩ kêu la. Do tạo các nghiệp ác nên phải chịu quả báo. Thế nhưng nghiệp ác ấy không hết, không hoại, không tan thì vẫn không thoát. Nếu nghiệp hết thì mới thoát kiếp. Do nghiệp còn lại nên được sinh vào cõi người làm người bần cùng, nhiều bệnh, sống ở đâu cũng bị lửa đốt, ở nơi đồng trống cũng bị lửa thiêu đốt. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ thấy người gây nhiều hành động ganh tỵ, tạo đủ các nghiệp, nghiệp đã thành thục nên bị đọa vào đường ngạ quỷ, sống trong ngõ hẻm nhơ nhớp. Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, thấy các chúng sinh kia do keo kiệt, tham lam ganh tỵ che lấp tâm, lấy thức ăn bất tịnh cho người phạm hạnh thanh tịnh. Do nhân duyên này, sau khi qua đời, sinh trong loài ngạ quỷ bất tịnh La-tha (La-tha đời Ngụy dịch là Ngõ hẻm). Ban ngày người ta không thấy nó, nhưng ai đi đêm thì thường gặp. Sống ở đám đông nơi xóm làng, thành ấp, hoặc ở đồng trống, hay sống nơi hầm xí nhơ nhớp, đầy sâu giòi hôi thối, bất tịnh, nếu ai thấy đều gớm ghiếc không muốn nhìn, nhổ nước miếng bỏ đi. Ngạ quỷ này do đời trước lấy thức ăn bất tịnh đem cho chúng Tăng, do nhân duyên ấy mà sinh vào chỗ bất tịnh, chịu nhiều thứ khổ não. Tuy ở trong các chỗ đó nhưng thường không được ăn, vì có các loại quỷ ác khác tay cầm dao nhọn, mũi phát ra lửa sáng rực đứng giữ một bên. Quỷ kia luôn chịu đói khát, khốn khổ, một tháng hay nửa tháng mới được ăn một bữa, cũng không được no, giả sử được ăn no thì bị quỷ dữ phân kia đánh mạnh khiến mửa ra hết. Nó luôn bị đói khát bức bách nên rên rĩ, kêu la, chạy rông khắp nơi, sầu não khóc than, nói kệ:

Do nhân duyên chủng tử bất thiện
Mà bị quả báo sầu khổ não
Tánh tướng của nhân quả giống nhau
Tạo ra nghiệp ác chịu khổ báo.
Bị nghiệp ác móc kéo dẫn đi
Như cá nuốt câu vào đường ác
Cá nuốt câu còn mong ra khỏi
Nhưng người không sao thoát nghiệp ác.
Sức mạnh các nghiệp kéo chúng sinh
Bị dây nghiệp bất thiện trói chặt
Dẫn đến cảnh giới của ngạ quỷ
Chịu đủ các khổ, đói khát dữ.
Khổ đói khát trong loài ngạ quỷ
Quá hơn lửa, dao và thuốc độc
Như vậy đói khát có sức lớn
Vô lượng đói khát hại chúng sinh.
Không một chút nào được dừng nghỉ
Khổ não ngày đêm không gián đoạn
Cho đến chút vui cũng không có
Thường chịu vô số các khổ dữ.
Vì đã tạo nhiều nhân nghiệp ác
Mà đọa đường ác chịu khổ báo
Khổ báo ở đây khó thoát được
Khi nào mới hưởng được an vui.
Nếu thấy các suối thì không nước
Tất cả ao hồ đều khô kiệt
Chạy khắp các nơi tìm nước uống
Chạy đến các sông không thấy nước.
Chỗ ta sống cần phải có nước
Đi khắp núi rừng cùng đồng trống
Đến chỗ nào đều mong nước uống
Tìm kiếm chút nước cũng không ra.
Lửa đói khát thiêu đốt thân ta
Thọ khổ lớn không ai cứu giúp.

Ngạ quỷ ấy do nghiệp tự dối gạt mà rên rĩ, kêu la, sầu khổ, thế nhưng nghiệp ác không hết, không hoại, không tan thì vẫn không thoát được. Lúc quả báo hết, do nghiệp còn lại, sau khi qua đời được sinh làm người, làm thân đàn bà dâm nữ. Nếu được làm thân nam thì sinh trong nhà dọn phân, mặc áo quần người nữ, làm việc người nữ. Do nghiệp ác còn sót lại nên mắc quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết rõ quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ ăn gió?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia đời trước thấy các Sa-môn, Bà-la-môn, người bần cùng, bệnh tật đến xin thì hứa cho các vị ấy thức ăn. Nhưng khi các vị ấy đến thì người kia nhất định không cho, khiến cho các Sa-môn, Bà-la-môn, người bần cùng, tật bệnh ấy đói khát, thiếu thốn, giống như gió lạnh chạm vào thân. Người vọng ngữ kia sau khi qua đời bị đọa vào ngạ quỷ Bà-dibà-xoa (Bà-di-bà-xoa đời Ngụy dịch là Ăn gió), luôn bị đói khát khổ não, giống như trong các địa ngục Hoạt… phải giong ruổi khắp nơi không chút hy vọng, không người cứu giúp, không chỗ nương thân. Do tâm mê cuồng nên chỉ thấy thức ăn uống ở đằng xa, ở trong rừng, nơi chúng Tăng ở, khốn khổ mệt mỏi, đói khát bội phần, há miệng muốn ăn thì gió thổi vào miệng để làm thức ăn uống. Vì nghiệp ác nên khiến quỷ không chết. Do nghiệp ác giữ lấy thân nên vọng tưởng thấy thức ăn giống như con nai khát thấy dợn nắng cho đó là nước, nhưng thật ra là trống không, hoàn toàn không có nước, giống như vòng lửa quay tròn. Vì đời trước dối gạt, hứa cho người thức ăn, nhưng cuối cùng không cho nên bị quả báo này, tuy thấy thức ăn nhưng không thể ăn được.

Kệ tụng:

Đức Phật nói nhân quả giống nhau
Nhân thiện thì đưa đến quả thiện
Nhân thiện thì không thọ quả ác
Nhân ác không đưa đến quả thiện.
Nhân duyên tùy thuận trói chúng sinh
Sinh tử nối nhau như móc xích
Sinh tử trói buộc hết muôn sinh
Luân hồi các nẻo không thể thoát.
Nếu ai chặt dứt các dây trói
Móc xích nghiệp phiền não cứng chắc
Người ấy sẽ đến nơi tịch tĩnh
Dứt trừ tất cả mọi ưu não.

Khi người ấy bị khổ não giống với nhân như vậy thì tâm bị cuồng loạn, giong ruổi khắp nơi, thường ăn hơi gió để sống. Nếu nghiệp ác không hết, không hoại, không tan thì vẫn không thoát được. Nếu nghiệp hết thì sau khi qua đời, được sinh nơi cõi người, làm người bần cùng, hạ tiện, bị người khác khinh thường, nếu được mọi người hứa cho nhà cửa, thức ăn uống, áo quần, nhưng cuối cùng thì không cho. Khi nghe người ta hứa cho thì tâm vui mừng, mong muốn được những vật đó, đến khi không được thì trở lại sầu não. Bị hai thứ khổ: một là đói khát, hai là sầu não, nên luôn chịu thống khổ. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Kệ tụng:

Như vậy, chúng sinh gây nghiệp ác
Chịu đủ tất cả các khổ não
Như bị phân dính rất gớm ghiếc
Cho nên cần xả bỏ nghiệp ác.
Huân tập pháp lành rất tối thắng
Vĩnh viễn xa lìa khổ đường ác
Như hoa Chiêm-bặc ướp mùi thơm
Tuy hoa héo nhưng thơm còn mãi.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ăn than lửa. Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia đời trước làm chủ hình ngục. Do tham lam, ganh ghét, che lấp tâm mà đánh trói chúng sinh, cấm không cho ăn uống, khiến họ bị đói khát, phải ăn bùn đất để sống. Người chủ ngục này do nhân duyên ấy nên sau khi qua đời bị đọa làm ngạ quỷ Ăn than lửa, thường tới vùng gò mà ăn nuốt lửa thiêu tử thi nhưng vẫn không đủ. Người tạo nghiệp ác ấy khi tạo nhân thì thích chí, vui thú, đến khi mắc quả báo thì rất khổ não, không ưa thích, bất tịnh, đáng ghét. Do sức mạnh của ái độc hòa hợp với nhân duyên mà làm thân ngạ quỷ ăn lửa. Nếu được ăn lửa thì trừ đi chút khổ não đói khát, giống như người thế gian lấy nước để dập tắt lửa. Khi Tỳ-kheo quán xét như vậy thì đối với nhiễm dục ở thế gian sinh tâm nhàm chán, lìa bỏ, tất đều không ưa thích, liền nghĩ như vầy: “Kẻ phàm phu ngu si bị ái dục sai khiến nên không tự tại, phải ăn lửa để trừ đói khát, không có gì để ví dụ được. Làm thân ngạ quỷ như vậy mà nghiệp ác nếu không hết, không hoại, không tan thì vẫn không thoát được. Nếu nghiệp hết, khi qua đời sinh làm người thì sinh nơi biên địa, bị đói khát, ăn các thứ thô xấu không chút ngon ngọt, không biết mùi vị của muối. Vì nghiệp ác còn sót lại nên mắc quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ Ăn chất độc. Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia do tham lam, ganh ghét che lấp tâm, dùng thuốc độc bắt người khác ăn, khiến họ chết để đoạt lấy của cải. Do nhân duyên đó, nên sau khi qua đời, kẻ ác kia bị đọa vào địa ngục Hoạt,… chịu đủ các khổ. Ra khỏi địa ngục, lại sinh vào loài ngạ quỷ Ăn chất độc, ở trong hang núi Dân-đà, hoặc trong núi tối tăm, hiểm trở Ba-lê-da-đa, hoặc sinh trong núi băng lạnh, hoặc núi Ma-la-da nhiều hiểm nguy, nạn dữ, nhiều chỗ không có nước uống, nhiều chất độc. Mùa lạnh thì đóng băng, mùa nóng thì rất độc, đáng sợ. Những tảng đá cao vút là chỗ ở của sư tử, mãnh hổ, nhưng loài quỷ này cũng sống ở đấy. Khổ về lạnh lẽo hoặc nóng bức đều hơn thế giới bên ngoài hàng trăm lần. Có năm ngày nóng nhất của mùa hè, trời thì mưa lửa thiêu đốt thân quỷ, mùa đông có năm ngày mưa đao lại rất lạnh. Do nghiệp ác mà trời có mưa lửa, mưa dao, ở chỗ hiểm nạn luôn bị đói khát bức bách, kêu gào bi thương, lấy viên thuốc độc để ăn, ăn rồi chết ngay, vì nghiệp ác nên sống trở lại thì bị đói khát gấp đôi lúc trước, lại kêu gào thảm thiết. Có con chim mỏ nhọn đến mổ vào mắt quỷ sau đó mắt lại sinh ra. Chịu khổ như vậy nhưng nếu nghiệp ác không hết, không hoại, không tan thì vẫn không thoát được. Nếu nghiệp hết, qua đời được sinh làm người thì sống ở ngã tư để tự kiếm sống. Do nghiệp ác làm thuốc độc nên trở lại bị đọa vào các đại địa ngục: Hoạt… nghiệp ác còn sót lại nên phải chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ở đồng hoang. Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia do đời trước ở chỗ đồng hoang đầy hiểm nạn, không có nước, khí hậu rất nóng, có người cầu phước đã trồng cây cối và đào ao hồ để cung cấp bóng mát, nước uống cho khách qua đường. Nhưng rồi có bọn giặc tháo nước nơi ao hồ, khiến người qua đường mỏi mệt bị đói khát, sức lực yếu ớt, nhân đấy mà cướp bóc, chiếm đoạt của cải họ. Do ganh tỵ che lấp tâm nên không chịu bố thí, người ác như vậy, sau khi qua đời bị đọa vào loài ngạ quỷ A-trá-tỳ (A-trá-tỳ đời Ngụy dịch là Đồng hoang), luôn bị lửa dữ thiêu đốt, thân giống như cây bị cháy. Ánh nắng rất nóng, quỷ phải chạy vào đồng hoang kêu gào tìm nước và thức ăn để sống rất khốn khổ. Ngạ quỷ ấy do nghiệp ác nên từ xa thấy sóng nắng cho là vũng nước, trong suốt, phẳng lặng, vội vàng chạy tới mong được uống, không kể gì mệt mỏi, nhưng đến nơi thì chỉ là khoảng đất trống, hoàn toàn không có nước. Vì sao? Vì trong sóng nắng ấy tự tánh nó không phải là nước thì làm sao có nước được! Quỷ ấy kinh hoàng chạy vào đồng hoang, bị gai gốc bén nhọn đâm thủng cả chân. Vì sức mạnh của nghiệp ác nên chết rồi thì sống trở lại, bị đói khát bức bách gấp mười lần lúc trước. Lúc chưa kịp đứng dậy thì có các loài quạ, kênh kênh tranh giành mổ mắt quỷ để ăn thịt. Chúng xé rách thân thể ra từng mảnh, phá tan cả xương cốt, phải chịu khổ não tột cùng không người cứu vớt, không chỗ nương thân, đau đớn nói kệ:

Các loài diều hâu, kên kên ác
Mỏ cứng bén nhọn mổ thân ta
Xé tan nát hết cả thân thể
Chịu đủ các khổ, không ai cứu.
Các nghiệp như bóng không rời thân
Theo nghiệp ác xưa, nay chịu quả
Chúng ta trước hại người đi đường
Cho nên nay phải chịu khổ lớn.
Lưới nghiệp cột, quấn, trói lấy nghiệp
Không chỗ nào có thể trốn tránh
Chỉ có khi nào nghiệp ác hết
Mới thoát được đại khổ não này.
Nghiệp ác thường dắt các chúng sinh
Lôi kéo vào chỗ đầy sợ hãi
Nghiệp ác dù có đi đến đâu
Đến khi nghiệp chín chịu quả ác.
Nghiệp trói chúng sinh trong ba cõi
Luân chuyển vô cùng không dừng nghỉ
Ai làm nghiệp thiện, bỏ nghiệp ác
Lìa được các khổ không lợi ích.
Nếu ai không ưa các nghiệp ác
Quán nó như lửa, không tham đắm
Người ấy không đọa vào ngạ quỷ
Không bị lửa đói khát đốt thân.
Ở trong chốc lát luôn tăng trưởng
Đói khát thống khổ niệm niệm sinh
Thân thể cháy sáng cả hang sâu
Giống như lửa dữ đốt núi rừng.
Lửa hoang thiêu đốt cả núi rừng
Rồng lớn phun mưa có thể tắt
Kiếp hỏa khởi lên nước biển khô
Lửa cháy thân ta không diệt được.
Vì do củi nghiệp sinh lửa này
Bị gió ái dục thổi bùng lên
Lửa nghiệp ác này đốt thân ta
Bao phủ khắp thân không chỗ trống.
Dùng bình bố thí để mà đựng
Nước trì giới, tinh tấn, trí tuệ
Bậc đại tịch diệt dùng nước ấy
Để dập tắt lửa nghiệp ba cõi.
Nếu ai bị ba nghiệp sai khiến
Ba nghiệp quay tròn khắp các chốn
Người ấy luân hồi trong ba cõi
Và bị ba pháp này dối gạt.
Bị ba mươi sáu nghiệp sai khiến
Không thể xa lìa bốn mươi hành
Chín mươi tám các thứ kết sử
Vì các pháp ấy trôi ba cõi.
Dùng một trăm lẻ tám minh trí
Tư duy nghĩa sâu mười hai duyên
Nếu ai biết pháp và phi pháp
Thì người ấy được vô lượng vui.
Nếu ai biết được hai loại tướng
Tư duy hai tám hạnh thù thắng
Tư duy mười sáu pháp thắng rồi
Người ấy xa lìa các đường ác.
Nếu ai thấy được hai loại đạo
Là người am hiểu về bốn pháp
Được rồi vượt qua bốn biển Hữu
Là người giác ngộ hết phiền não.
Ai khéo tu hành tám Thánh đạo
Thấy biết hoàn toàn nghĩa mười lực
Biết rõ nhân duyên của hai khổ
Là người đạt đến nẻo vô sinh.
Nếu ai khéo đạt nghĩa nhị đế
Và khéo tư duy bốn Niệm xứ
Hay quán đời quá khứ, vị lai
Không bị lưới ma làm chướng ngại.
Ta bị nghiệp ác luôn sai khiến
Xa lìa các pháp thiện thanh tịnh
Đọa vào thế giới loài ngạ quỷ
Đều do nghiệp ác si mê hoặc.

Như thế, các ngạ quỷ có lợi căn hiểu biết, có chút nghiệp thiện, nhớ nghĩ đến những việc làm trước kia, luôn quở trách các loài ngạ quỷ kia. Tuy bị quở trách nhưng do nghiệp ác nên các ngạ quỷ vẫn không thoát được. Vì nghiệp ác chưa hết, không hoại, không tan, nên vẫn không được thoát kiếp. Nếu nghiệp ác hết thì sau khi qua đời sinh làm người, thường theo bầy nai đi vào núi hiểm nạn. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ thấy các ngạ quỷ ở nơi gò mả. Vì nghiệp gì mà sinh trong loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia do tham lam, ganh tỵ che lấp tâm, thấy người có lòng tin đem hoa cúng Phật, người ấy lấy trộm đem bán, hoặc đem về nhà cúng. Do nhân duyên này, nên sau khi qua đời, người ác ấy bị đọa vào loài ngạ quỷ ở nơi gò mả, bị đau khổ vì đói khát, thường ăn đất nóng, than nóng nơi chỗ thiêu đốt tử thi. Mỗi một tháng mới được ăn một lần, nhưng có lúc không được ăn. Đầu quỷ đội vòng hoa bằng sắt, lửa phát ra cùng lúc làm cho đầu, mặt đều bị cháy sém. Bị đốt rồi, quỷ sống trở lại, vòng hoa sắt tròng tiếp lên cổ, lửa phát ra thiêu đốt cổ, hông và ngực. Toàn bộ thân thể, từ bên trong phát ra lửa đốt cháy khắp thân. Do đời trước trộm cắp vòng hoa Phật cho nên nay bị quả báo thọ thân xấu ác ấy. Trên thân lửa phát ra và bị các trùng ăn nuốt. Có loài La-sát khác đi đến cầm gậy đánh đập, lấy dao chặt vào thân quỷ làm nó hết sức đau đớn, kêu gào. Nó bị ba thứ khổ:

1. Bị đói khát.

2. Đeo vòng hoa sắt.

3. Bị La-sát cầm dao gậy đánh, chém.

Do tạo nghiệp ác nên chịu quả báo như vậy. Nó khổ não, ưu sầu, nói kệ:

Ta bị các nỗi khổ đói khát
Vòng sắt tròng thân, lửa đốt cháy
Dao chặt, gậy đánh là ba khổ
Chịu đủ các ưu não như thế.
Ta bị tâm ta lừa gạt ta
Và các nghiệp si làm mê hoặc
Ta nay chịu khổ ngạ quỷ này
Xa lìa bạn tốt và dòng họ.
Chẳng phải bạn lành và vợ con
Cũng chẳng phải quyến thuộc trai, gái
Mà cứu được ta khỏi nghiệp này
Nghiệp ấy rất mạnh, không thể đoạt.
Khổ, vui do nghiệp, chẳng ai làm
Nay ta chịu khổ ba nghiệp này
Bố thí, trì giới và nghe pháp
Ta được nghe rồi không chịu tu.
Vì ta bị lưới si che lấp
Gây ra tất cả các nghiệp ác
Nhân duyên nghiệp ác là thứ nhất
Nay ta chịu quả khổ dữ này.
Nếu ta thoát được ra khỏi đây
Chốn khổ dữ thế giới ngạ quỷ
Thế nên đời sau các nghiệp ác
Dù có mất mạng thề không làm.

Nói như vậy rồi, tâm ngạ quỷ nhàm chán, hối hận về những nghiệp đã tạo xưa kia. Vậy mà nghiệp ác chưa hết, không hoại, không tan thì vẫn không thoát được. Nếu nghiệp hết, sau khi qua đời được sinh làm người, sinh vào nhà đồ tể Chiên-đàla, mang vác thây chết. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét về thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán các ngạ quỷ ở trong cây. Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia vào đời trước thấy người trồng cây cối để tạo phước đức, vì người đi xa và cho những người bệnh khốn khổ. Do tâm tham lam, ganh tỵ nên người ác kia chặt cây lấy củi, trộm cắp cây cối, hoặc cây cối của chúng Tăng. Do nhân duyên bất thiện ấy, nên sau khi qua đời bị đọa vào loài ngạ quỷ Tỳ-lợi-sai (Tỳlợi-sai đời Ngụy dịch là Cây) sống trong cây. Vì nghiệp ác đã tạo nên lạnh thì rất lạnh, nóng thì rất nóng, luôn bức bách khắp thân quỷ giống như sâu mọt đục cây, chịu khổ não dữ dội. Thân thể rã rục, bị loại sâu kiến rúc rỉa, nếu ai muốn cho thức ăn thì quăng vào cây để nó ăn, tự nuôi sống. Chịu nhiều thống khổ cùng cực nhưng nếu nghiệp ác chưa hết, không hoại, không tan thì vẫn không được thoát kiếp. Nếu nghiệp hết, sau khi qua đời được sinh làm người, thường bán dược thảo, cây cối, hoa lá để sống, bị người khác sai khiến nên không được tự do, chịu nhiều khổ cực. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ thấy có loài ngạ quỷ ở ngã tư đường. Vì quỷ ở nơi ấy nên nhân đó mà đặt tên. Do nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh kia do tham lam, ganh tỵ che lấp tâm mà trộm cắp lương thực của người đi đường, lấy rồi cùng nhau cười đùa rồi bỏ đi. Người mất lương thực kia phải đi vào vùng đồng hoang vắng phải chịu đói khát dữ dội. Do nghiệp ác ấy nên kẻ trộm cắp kia sau khi qua đời bị đọa vào ngạ quỷ Già-đa-ba-tha (Già-đa-batha đời Ngụy dịch là Ngã tư). Do nghiệp ác nên bỗng nhiên có cưa sắt cưa ngang dọc thân thể quỷ làm bốn đường, bị đói khát đốt thân. Nếu ở thế gian có nhiều bệnh tật, ngã tư đường thường bày biện các đồ cúng tế, kẻ phàm phu ngu si không biết nhân quả, do ác kiến mà cúng tế ở những nơi ấy như vậy, về sau bệnh hết thì cho là nhờ ân của quỷ. Quỷ ở ngã tư đường nhờ đó mà được ăn đồ cúng tế để sống, còn những thức ăn khác thì không được ăn. Do nghiệp ác chưa hết nên khiến quỷ không chết, nên nếu nghiệp ác chưa hết, không hoại, không tan thì vẫn không thể thoát kiếp. Nếu nghiệp hết, sau khi qua đời được sinh làm người thì làm kẻ bần cùng, hạ tiện, sinh vào nhà đồ tể giết dê. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ thấy các chúng sinh làm những việc ác theo đạo tà, dua nịnh, gây nhiều nhân ác, cho pháp của đạo tà là chân đế, không tin chánh pháp. Người như vậy sau khi qua đời bị đọa vào loài ngạ quỷ Ma-la, làm thân quỷ dữ. Khi các Tỳ-kheo đi kinh hành, ngọ trai hay ngồi thiền thì quỷ Ma-la ấy làm trở ngại khiến tâm loạn, hoặc phát ra âm thanh rùng rợn khiến các vị ấy sợ hãi, hoặc tạo những mộng ác. Loài ngạ quỷ này được ma giúp đỡ, oán ghét chánh pháp, làm điều bạo ác, gây ra các hiện tượng ấy. Do nghiệp ác đang tạo đó nên nó bị thỏi sắt nóng chạy ùa vào miệng giống như tội nhân nơi địa ngục không khác. Nuốt hòn sắt nóng, quỷ phải chịu khổ não dữ dội không bao giờ dừng nghỉ. Từ trong loài quỷ Ma-la-ca-da, qua đời lại bị đọa vào địa ngục chịu thống khổ trải qua đủ mười kiếp hay hai mươi kiếp. Như vậy, phải chịu quả báo nơi ba đường ác như bị thiêu đốt, bị đánh đập, bị người khác ăn nuốt. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu được sinh làm người thì bị đui mù, câm điếc, không biết gì, tất cả đều suy sụp, có vô lượng bệnh khổ vây chặt lấy thân, bần cùng, hạ tiện. Vì nghiệp ác còn sót lại nên chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét thế giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ để quán xét nên tóm lược về chỗ ở của các ngạ quỷ, nếu nói riêng biệt thì có vô lượng ngạ quỷ quyến thuộc. Có ngạ quỷ ở trong biển, ở bãi biển, ở cõi Diêm-phù-đề, cõi Cù-đà-ni, cõi Phất-bà-đề hay cõi Uất-đan-việt. Ngạ quỷ ở giữa hai châu thì chỉ dùng một tên gọi để nói về vô số tên. Ngoài ra, còn có nhiều tên, như có quỷ La-sát, quỷ Cưu-bàn-trà, quỷ Tỳ-xá-già. Vị ấy đã biết rõ về hành nghiệp vi tế của các quỷ thần kia, đều do nghiệp gì mà sinh vào chốn đó? Chúng ăn gì? Sống bằng cách nào? Ham thích gì?

Những ngạ quỷ như vậy là nhân duyên gì mà sinh vào nơi này? Tất cả đều do không điều phục được tâm khỉ vượn, các hành động không thuận hợp, giống như tai voi không bao giờ đứng yên, như chim trên cây bị người bắn, phải chuyền từ cành này qua cành khác, từ chỗ này sang chỗ khác. Đối với tất cả các cảnh giới luôn rình rập, không dứt, giống như gió lớn thổi động làm tung cát bụi. Tâm ấy thật đáng sợ. Các loài thú như sư tử, hổ, beo, rắn độc… còn có thể điều phục được, nhưng tâm khỉ vượn thì khó chế ngự, lại còn quá hơn đấy nữa. Theo nghiệp đã tạo thì thọ nhận quả báo cũng như vậy. Tâm ấy như thế là khó nhận biết. Tâm nhiễm ấy trói buộc các chúng sinh. Nếu ai với tâm thanh tịnh thì người đó được giải thoát. Tâm như vua, các căn vây quanh như quyến thuộc. Do tâm tạo nghiệp, do nghiệp làm nhân sinh ra quả. Vì nhân duyên của quả mà có năm đường. Tâm như máy dệt, các căn như chỉ tơ. Tâm và năm căn không khéo chế ngự thì sẽ đi vào đường ác. Nếu khéo điều phục mà tạo các nghiệp thiện thì được sinh vào cõi trời, người, cho đến chứng đắc được quả Niết-bàn bất động. Tỳ-kheo quán xét về tâm hành vi tế, tùy thuận quan sát rồi, nên đối với sinh tử vô cùng nhàm chán, quyết lìa bỏ. Tỳ-kheo ấy trước quán xét về khổ trong địa ngục nên nhàm chán sinh tử rồi, tiếp đến quán các khổ não nơi thế giới của ngạ quỷ, đã hội nhập khổ thánh đế, chứng được hành vô ngại của khổ đế nhưng chưa chứng đạo vô ngại.

Lại nữa, người tu hành trong tâm quán các pháp, tùy thuận theo pháp mà tu hành. Tỳ-kheo kia quán đúng như thật về quả báo của nghiệp. Trước tiên phân biệt, sau đó quán xét các địa ngục, tiếp đến quán từng trú xứ riêng biệt của ngạ quỷ. Vị ấy thấy đúng như thật về các hoạn nạn nơi sinh tử rất là ác, dữ. Quán như vậy rồi, vị ấy lìa được cảnh giới ma, nhàm chán xả bỏ sinh tử, khởi sức tinh tấn để cầu đạt Niết-bàn, thành tựu đầy đủ, chứng được Địa thứ mười lăm. Đã thành tựu rồi, bấy giờ các Dạ-xoa trên đất biết được nên rất vui mừng, nói với Dạ-xoa hư không. Dạ-xoa hư không nghe được lại rất vui mừng tâu với Tứ đại Thiên vương. Tứ đại Thiên vương vui mừng tâu với trời Tam thập tam. Quyến thuộc của Đế Thích nghe vậy, hoan hỷ nói với trời Dạ-ma, trời Dạ-ma hoan hỷ nói với trời

Đâu-suất, trời Đâu-suất vui mừng nói với trời Hóa lạc, trời Hóa lạc vui mừng nói với trời Tha hóa tự tại. Ở cõi dục, tuần tự nói với nhau như vậy. Âm thanh ấy lần lượt từ trời Phạm cho đến trời Quang âm như vầy:

–Trong cõi Diêm-phù-đề, ở nước…, thôn…, ấp… thuộc dòng họ… có thiện nam đã cạo bỏ râu tóc, đem lòng tin xuất gia, lìa xa cảnh giới ma, nhằm phá trừ quân ma, khiến sứ giả của ma sinh lòng sợ hãi, có thể làm lay động tất cả núi phiền não, vào chánh đạo, sắp phóng ánh sáng, nay đã chứng được Địa thứ mười lăm.

Khi nghe nói như vậy, trời Quang âm rất vui mừng, nói với các chư Thiên khác:

–Này chư Thiên! Phải nên sinh lòng vui mừng, chánh pháp được tăng trưởng, quân ma và quyến thuộc của chúng bị tổn giảm, khiến sông chánh pháp chảy suốt không gián đoạn, ao tà kiến bị khô kiệt, điều phục được tham dục, sân hận, ngu si, tiêu diệt mọi thứ tà kiến, nối dõi và làm hưng thịnh chánh pháp, muốn phá tan sinh tử.

Thiên tử nơi Dục giới nghe vậy nên rất vui mừng. Tiếng khen ngợi lần lượt truyền cho nhau đến tất cả thiên chúng trời Quang âm. Tỳ-kheo như thế là nên siêng năng tinh tấn, tâm không dừng nghỉ, ngay thẳng, không dua nịnh, xa lìa nẻo tà để cầu đạt thành Niết-bàn.


[Đầu trang][Mục lục][Phẩm 1][2][3][4][5][6.1][6.2][6.3][7]


[Mục lục bộ Kinh tập][426][427][428][429][430][431][432][433][434][435][436][437][438][439][440][441][442][443][444][445][446][447][448][449][450][451][452][453][454][455][456][457][458][459][460][461][462][463][464][465][466][467][468][469][470][471][472][473][474][475][476][477][478][479][480][481][482][483][484][485][486][487][488][489][490][491][492A][492B][493][494][495][496][497][498][499][500][501][502][503][504][505][506][507][508][509][510][511][512][513][514][515][516][517][518][519][520][521][522][523][524][525][526][527][528][529][530][531][532][533][534][535][536][537][538][539][540][541][542][543][544][545][546][547][548][549][550][551][552][553][554][555][556][557][558][559][560][561][562][563][564][565][566][567][568][569][570][571][572][573][574][575][603][604][605][606][607][608][609][610][611][612][613][614][615][616][617][618][619][620][621][622][623][624][625][626][627][628][629][630][631][632][633][634][635][636][637][638][639][639][640][641][642][643][644][645][646][647][648][649][650][651][652][653][654][655][656][657][658][659][660][661][662][663][664][665][666][667][668][669][670][671][672][673][674][675][676][677][678][679][680][681][682][683][684][685][686][687][688][718][719][720][721][721][722][723][724][725][726][727][728][729][730][731][732][733][734][735][736][737][738][739][740][741][742][743][744][745][746][747A][747B][748][749][750][751][752][753][754][755][756][757][758][759][760][761][762][763][764][765][766][767][768][769][770][771][772][773][774][775][776][777][778][779][780][781][782][783][784][785][786][787][788][789][790][791][792][793][794A][794B][795][796][797A][797B][798][799][800][801][802][803][804][805][806][807][808][809][810][811][812][813][814][815][816][817][818][819][820][821][822][823][824][825][826][827][828][829][830][831][832][833][834][835][836][837][838][839][840][841][842][843][844][845][846][847]


[Mục lục tổng quát]