TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q1
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q1
CHƯƠNG 03: ĐẠO BỤT DU NHẬP VÀO VIỆT NAM VÀ TRUNG HOA
1. Sự phân phái của Tăng đoàn sau ngày Bụt Nhập diệt
Khoảng 140 năm sau ngày đức Thế Tôn nhập diệt thì giáo đoàn của ngài chia ra làm hai nhánh. Một phái gọi là Đại Chúng Bộ, tiếng Phạn là Ma-hasamghika, tiếng Pali là Ma-hasaaghika gồm đa số đông đảo; một phái gọi là Thượng Tọa Bộ, tiếng Phạn là Sthaviravada, tiếng Pali là Theravada gồm những vị lớn tuổi. Theo niên lịch, sự phân phái này xảy ra vào khoảng năm 340 B.C.
Sáu mươi năm sau ngày phân phái thì có một giáo phái mới, xuất hiện từ phía Thượng Tọa Bộ, gọi là Độc Tử Bộ (tiếng Phạn là Vataaputraya, phiên âm là Bố-đặc-già-la), chủ trương có ngã.
Điều này làm cho chúng ta ngạc nhiên vì giáo lý đạo Bụt luôn luôn dạy về vô ngã, mà giáo phái này lại nói rằng có ngã!
Nếu tìm hiểu một cách sâu sắc thì chúng ta thấy họ cũng có lý của họ. Tại vì nếu giáo lý vô ngã mà được diễn bày một cách máy móc, thì cũng không đúng với bản hoài của đức Thế Tôn. Bằng cớ là cho đến ngày nay, nhiều khi chúng ta nghe một vài người nói về vô ngã và chúng ta không thấy thoải mái với lời của họ. Đó là vì cách nói của họ là rất máy móc, rất khô khan. Thành ra vào thời đó (tức khoảng 280 năm trước ngày Chúa Kitô giáng sinh) có lẽ cái hoàn cảnh, cái tâm trạng nó cũng tương tự vậy.
Vào thế kỷ thứ 7 khi thầy Huyền Trang từ Trung Hoa sang Ấn Độ thỉnh kinh, thầy có gặp những thầy trong phái Độc Tử Bộ, và họ khá đông. Tuy hồi đó đã là thế kỷ thứ 7 mà tăng đoàn của Độc Tử Bộ có khoảng 60 ngàn vị! Thành ra mình biết đó là một học phái quan trọng.
Học phái đó chủ trương có cái gọi là person. Ví dụ trong kinh nói rằng có một người mà sự xuất hiện trên cõi đời này đem lại lợi lạc cho không biết bao nhiêu người. Người đó là ai? Người đó là đức Thế Tôn. Vậy thì nội chỉ câu nói đó là đã chứng tỏ rằng có một người. Còn nói rằng không có đức Thế Tôn thì đâu có đúng?
Chúng ta thấy rằng có biết bao nhiêu câu kinh như vậy, có thể được trích dẫn để chứng tỏ rằng có một cái ngã. Chúng ta hãy nghe câu chuyện sau đây, được ghi lại trong Kinh Luận:
Một hôm có một thầy đang ngồi thiền dưới gốc cây. Một người đi qua và hỏi: Bạch thầy, thầy có thấy một người đàn bà vừa đi qua đây không? Thầy nói: Không, tôi không thấy người nào đi qua đây hết. Người đó hỏi thêm: Thầy có chắc không? Thầy mới ngập ngừng nói: Tôi chỉ thấy có một tập hợp của xương, da, tóc, răng, nước bọt v.v... đi qua, chứ không thấy có người nào hết, không có đàn bà mà cũng không có đàn ông!
Vậy thì thầy đó là người đã theo chủ thuyết vô ngã một cách quá máy móc, mà chúng ta gọi là cơ giới vô ngã. Họ vô ngã luận, họ đi quá đà! Cũng vì vấp phải những thái độ như vậy trong tăng đoàn, cho nên phái Vataaputraya mới ra đời. Cho nên chúng ta cũng hiểu được lý do phát sinh của họ.
Đối với chúng ta, chúng ta hiểu rằng vô ngã có nghĩa là cái ngã được làm bằng những yếu tố không phải là ngã. Chừng nào chúng ta nhớ được điều đó, ý thức được điều đó thì việc dùng chữ ngã không còn nguy hiểm nữa.
Ví dụ như một cái hoa. Nhìn vào hoa một cách sâu sắc, chúng ta thấy không có cái ngã độc lập của bông hoa. Nhìn vào cái hoa, ta thấy toàn những yếu tố không phải là hoa, ví dụ như là mặt trời, đám mây, hạt giống, đất, nước, người làm vườn. Chúng ta còn thấy cái hoa sẽ không có mặt, không có cái ngã riêng biệt nếu chỉ thiếu một trong những yếu tố tạo nên nó. Cái ngã của hoa được làm bằng những yếu tố không phải hoa. Hiểu được như vậy, nắm được điều đó thì chúng ta nói "có cái hoa" cũng không sao cả. Có đức Thế Tôn, có tôi, có anh cũng không sao cả. Còn nếu không thấy được vậy mà dùng ý niệm ngã là nguy lắm! Vì vậy mà chúng ta đã nói rằng sự chống đối lại thái độ máy móc của truyền thống cũng có lý do.
Khoảng 236 năm sau ngày Bụt nhập niết bàn (tức là vào năm 244 B.C.), trong Thượng Tọa Bộ lại có một sự phân phái khác nữa, xảy ra trong thời đại của vua A Dục. Hai phái này, một gọi là Phân Biệt Thuyết Bộ, tiếng Phạn là Vibhajyavada, là phái chủ trương phải phân tích, phải tìm hiểu, phải chia chẻ ra cho rõ ràng. Cái khuynh hướng đó đã có từ lâu. Không phải phái này tự đặt ra một đường lối riêng, mà họ theo truyền thống phải chia chẻ, phải phân biệt ra mà nói cho rõ ràng. Ví dụ khổ thì có mấy thứ khổ, có năm hay mười thứ khổ. Mỗi thứ lại chia ra làm bao nhiêu loại, và mỗi loại chia ra làm bao nhiêu điều khổ v.v... Một sợi tóc họ chẻ ra làm bốn, rồi một phần tư lại chẻ ra làm tư nữa. Đó là khuynh hướng chung của thời đại Phân Biệt Thuyết Bộ.
Phái thứ hai gọi là Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada). Nhất thiết tức là tất cả, hữu là có mặt. Hai phái này đều thuộc truyền thống Thượng Tọa Bộ, tức là truyền thống bảo thủ.
Từ ngày Bụt thành đạo cho đến khoảng 240 năm sau ngày Bụt nhập diệt, địa bàn hoạt động của đạo Bụt có tính cách giới hạn, kể cả trong thời Bụt còn tại thế. Sinh hoạt đạo Bụt đã giới hạn trong vùng lưu vực sông Hằng, tức là tại một số nước ở miền Bắc và miền Nam sông Hằng. Nói rõ ra, thời đó đạo Bụt chỉ lưu truyền trong một phần nước Ấn Độ mà thôi. Đến khi vua A-Dục (Ashoka Emperor) lên ngôi thì hoàn cảnh thay đổi. Trong thời gian chinh chiến để thống nhất Ấn Độ, vua A-Dục đã trải qua nhiều trận đánh, tạo nên bao cảnh lầm than, và rất nhiều sinh mạng đã bị hại vì những cuộc chiến đó. Đến khi lên ngôi, vua A-Dục được tiếp xúc với đạo Bụt và thấy rõ con đường mình đi là con đường của từ bi, của trí tuệ. Vì vậy mà nhà vua sùng thượng đạo Bụt, và vua có ý muốn truyền bá đạo Bụt ra khắp bốn phương.
Trong tâm niệm sùng thượng đó, nhà vua truyền dựng lên những cột trụ, những bia đá để nói về cuộc đời và giáo lý của Bụt. Trong số đó có một cột trụ rất cao ở vườn Lâm Tỳ Ni, kiến trúc để kỷ niệm ngày vua A Dục đến thăm vườn Lâm Tì Ni, trong dịp kỷ niệm 20 năm trị vì. Trên trụ đó có khắc những câu bằng tiếng Phạn như "Đây là nơi Bụt Thích Ca Mâu Ni đản sanh". Những tấm bia và những trụ đá do A-Dục Vương dựng lên đã được các nhà khảo cổ chú tâm tìm kiếm, đào bới.
Hình 3-Trụ đá đánh dấu nơi Bụt Thích Ca đản sanh tại vườn Lumbini
Vào ngày 4 tháng 2 năm 1996, đoàn khảo cổ gồm các nhà khảo cổ từ các nước Nepal, India, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Japan đã chính thức công bố rằng họ "đã tìm được nơi đản sanh của Prince Siddhartha Gautama, người sau này được gọi là Bụt Thích Ca Mâu Ni". Họ đã chờ đến chín tháng kể từ ngày đào bới được trụ đá, để kiểm nhận những chi tiết với các chuyên viên nghiên cứu đạo Bụt, trước khi công bố tin này với thế giới. Trụ đá tọa lạc tại Maya Devi Temple trong vườn Lumbini, thuộc Nepal, cách Kathmandu (thủ đô Nepal) 350Km về phía Tây Nam, rất gần biên giới giữa Nepal và Ấn Độ. Ngày nay di tích này đang được UNESCO bảo quản.
Lời tạc trên trụ đá đã được dịch ra tiếng Anh và đã được công bố trên toàn thế giới qua tài liệu phim ảnh, cũng như qua các sách báo nghiên cứu, khảo cổ. Chính nhờ những chứng tích và tài liệu như vậy mà giới Tây phương ngoài đạo Bụt, các nhà khảo cổ và các sử gia ngày nay đều công nhận Bụt là một nhân vật có thật trong lịch sử, chứ không phải là một nhân vật tưởng tượng, một nhân vật thần thoại. Đó là những bằng chứng vững chãi nhất đối với người Tây phương, vì họ có khuynh hướng chỉ tin vào những gì có thể chứng minh được bằng khoa học. Trước đây, Tam tạng kinh điển vẫn chưa đủ để chứng minh sự có mặt của Bụt.
Các nhà khảo cổ đã nhờ những lời của thầy Huyền Trang ghi lại trong Đại tạng kinh điển, mô tả rất chi tiết và chính xác về vị trí của thành Ca Tỳ La Vệ, nên họ cũng đã khai quật và tìm được cung điện ngày xưa của vua Tịnh Phạn. Chứng tích của thành Ca Tỳ La Vệ đã là một minh chứng cụ thể khác, giúp cho mọi giới ở ngoài đạo Bụt tin rằng Bụt Thích Ca Mâu Ni là một nhân vật có thật trong lịch sử.
Khi lên ngôi, vua A-Dục gởi nhiều phái đoàn hoằng pháp đưa đạo Bụt đi khắp bốn phương. Lên miền Bắc, đi tới Gandhara và Kashmir; xuống miền Nam; qua miền Tây; sang miền Đông. Một người con trai của vua A-Dục tên là Mahinda đã xuất gia và thầy đã đi về Tích Lan để hành đạo. Người con gái của vua tên là Mahi-na cũng được mời qua Tích Lan, mang theo một cây bồ đề con. Khi được xuất gia, công chúa có pháp danh là Tăng Hữu, Sanghamitta.
Sau khi truyền xuống Tích Lan, đạo Bụt vượt biển đi sang Nam Dương, Miến Điện, và người ta đưa đạo Bụt đến tận Pakistan. Có một vương quốc thuộc miền Bắc Afghanistan gọi là Bactria, ngày xưa thuộc lĩnh vực văn hóa của Hy Lạp, cũng theo đạo Bụt. Vì vậy mà chúng ta có nhiều hình tượng Bụt tạc theo nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp. Những tượng Bụt ngồi thiền tìm thấy ở Pakistan cũng có nhiều tượng được tạc theo nghệ thuật của Hy Lạp.
Như vậy, trong thời vua A-Dục đạo Bụt mới bắt đầu bành trướng và sự truyền bá đạo Bụt ra khắp bốn phương, một phần lớn là nhờ công sức của vua A-Dục.
Như đã nói trên đây, cuộc phân phái của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ và Phân Biệt Thuyết Bộ xảy ra vào năm 244 B.C., trong thời A-Dục vương. Hình như nhà vua yểm trợ phái Phân Biệt Thuyết Bộ nhiều hơn cho nên phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ mới di cư lên miền Bắc, và lập địa bàn hoạt động tại vùng Kashmir. Vùng này rất nổi tiếng về len, và phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ đã đóng đô và dùng địa bàn đó để hoạt động, kéo dài tới trên 1000 năm! Họ đã tổ chức những cuộc kết tập về những kinh luận của Phật giáo vào đầu kỷ nguyên Tây lịch.
Từ Phân Biệt Thuyết Bộ có một bộ phái tên là Xích Đồng Diệp Bộ. Xích là đỏ, đồng là một chất kim loại, diệp là áo. Đây là một bộ phái trong đó các thầy mang áo cà-sa màu đồng đỏ, Tamrasatiya. Đó chính là bộ phái đã được con trai của vua A-Dục đưa về Tích Lan. Tuy vậy, ngày nay chúng ta không gọi là Tamrasatiya mà gọi là Theravada.
Trong khi đó thì Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ cũng phát triển rất mạnh và lưu truyền những kinh điển mà chúng ta đang được thừa hưởng, ví dụ như bộ Trung A Hàm, tiếng Phạn là Madhyamagama, gồm khoảng 222 kinh, đã được một thầy tên là Gautama Sanghadeva, phiên âm tiếng Việt là Tăng-già-đề-bạt, dịch từ tiếng Sanskrit ra chữ Hán vào cuối thế kỷ thứ tư sau Chúa Kitô giáng sinh.
Những kinh như Tỳ Khưu Thỉnh giảng dạy tại Làng Mai là được trích từ bộ Trung A Hàm thuộc Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Đồng thời chúng ta cũng đã so sánh với kinh Tư Lượng thuộc Trung Bộ của Xích Đồng Diệp Bộ. Như vậy chúng ta đã may mắn được thừa hưởng cả hai văn bản thuộc hai bộ phái khác nhau.
Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ còn truyền lại một bộ kinh gọi là Tạp A Hàm, tiếng Phạn là Samyuktagama, đã được dịch ra chữ Hán từ đầu thế kỷ thứ năm. Người dịch là Gunabhadra, tức Cầu-Na-Bạt-Đà-La. Bộ kinh này rất quan trọng. Tuy nó mang danh từ "Tạp" tức là đủ thứ, nhưng bộ kinh này chứa đựng rất nhiều nguyên liệu rất thuần túy, chưa bị pha trộn, dàn xếp, chưa bị sắp đặt nhiều.
Trong bốn bộ A Hàm, bộ chứa đựng nhiều nhất những nguyên liệu nguyên thủy của đạo Bụt, ta phải kể Tạp A Hàm, tương đương với Samyuttanikaya, tức là Tương Ưng Bộ bên tiếng Pali. Còn bộ gọi là Tăng Nhất A Hàm, tiếng Phạn là Ekottaragama, thì được dịch từ Đại Chúng Bộ, tương đương với Aaguttara-nikaya bên tạng Pali, và chúng ta có bản dịch tiếng Hán, nhưng không phải của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ mà là của Đại Chúng Bộ. Về Trường A Hàm Dirghagama tương đương với Diga-nikaya trong tạng Pali, thì chúng ta có bản tiếng Hán dịch từ Pháp Tạng Bộ, tiếng Phạn là Dharmaguptaka. Pháp Tạng Bộ cũng từ Phân Biệt Thuyết Bộ mà ra.
Ở Việt Nam ngày nay, các thầy các sư cô thọ giới lớn sử dụng Luật Tứ Phần của Pháp Tạng Bộ. Ngày xưa vào thế kỷ thứ năm, thứ sáu thì các thầy, cô ở Việt Nam thường dùng Thập Tụng Luật của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ.
Chúng ta học kinh Pali của Xích Đồng Diệp Bộ, chúng ta học kinh A Hàm và Tạp A Hàm của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, chúng ta còn học Tăng Nhất A Hàm của Đại Chúng Bộ. Thành ra tổ tiên của chúng ta rất đông. Chúng ta không tới từ một nhánh mà tới từ rất nhiều nhánh.
Điều chúng ta phải ghi nhớ là từ giữa thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, đạo Bụt đã được truyền bá một cách rộng rãi trong toàn cõi Ấn Độ, đồng thời vượt khỏi biên giới Ấn Độ, và trở thành một truyền thống quốc tế. Mấy trăm năm trước đó thì đạo Bụt chỉ hoằng hóa giới hạn trong những nước thuộc lưu vực sông Hằng mà thôi.
Đây chỉ là những nét chính. Quí vị muốn tìm hiểu thêm, có thể tham khảo những tài liệu, sách vở do các nhà xuất bản Lá Bối và Parallax Press ấn hành, hay những bộ băng và CD/DVD ghi những bài pháp thoại tôi giảng trong các khóa tu do Làng Mai tổ chức.
Sự phát sinh của đạo Bụt Đại thừa cũng không phải do một nguồn gốc duy nhất mà có nhiều nguồn gốc. Sau khi Bụt nhập diệt, đã có nhiều học phái mọc lên, mỗi học phái chủ trương những phương pháp tu tập và những chủ thuyết khác nhau, có tính cách trăm hoa đua nở, nhưng họ đã không cạnh tranh hay hạ bệ lẫn nhau. Mỗi tông phái đều có tự do để phát triển thực tập của mình và giáo lý mình theo. Vì vậy cho nên tông phái này chịu ảnh hưởng của tông phái khác, rất là lợi lạc, rất là hay.
Đây cũng là sự việc đang xảy ra ở Âu châu và Mỹ châu. Đạo Bụt ở Âu châu và Mỹ châu ngày nay đang có rất nhiều giáo phái. Nếu chúng ta giữ thái độ cởi mở, không thành kiến thì chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, rất nhiều điều hay từ những truyền thống khác. Ví dụ chúng ta có thể học được những cái hay của thiền Nhật Bản, của Phật giáo Tây Tạng, của Phật giáo Theravada v.v...
Sự xuất hiện của đạo Bụt Đại thừa cũng vậy, cũng là do cái nhìn cạn cợt và hẹp hòi của một số những người truyền giáo và giảng giải Phật Pháp. Do nhu yếu cấp thiết của xã hội, đòi hỏi những phương pháp diễn bày mới, cho nên đạo Bụt Đại thừa đã xuất hiện với những kinh điển mới, những phương pháp thực tập mới. Hồi đó có hai chủ thuyết rất nổi tiếng là chủ thuyết Số Luận, Sankhya, và chủ thuyết Vệ-Lăng-Đà. Đạo Bụt phải đổi mới, phải có sinh lực mới, vì vậy cho nên việc đạo Bụt Đại thừa ra đời là một chuyện tất nhiên, không thể không có trong thời đại đó.
Vào thời đó ngành kịch nghệ của Ấn Độ phát triển rất mạnh. Những vở kịch lớn và nổi tiếng mà ngày nay vẫn còn nổi tiếng, như vở kịch Ramayana, mỗi khi trình diễn là hàng chục ngàn người đến xem. Vì vậy mà sự ghi chép kinh điển thời đó cũng chịu ảnh hưởng của sự phát triển văn hóa. Những kinh như kinh Pháp Hoa, hay kinh Duy Ma Cật, đều viết theo bối cảnh của những màn kịch. Khi đọc, chúng ta thấy mỗi chương của kinh Pháp Hoa hay kinh Duy Ma, là một màn kịch. Màn này tiếp nối màn kia, đọc rất là hấp dẫn.
Nếu không hiểu được bối cảnh văn hóa và lịch sử xã hội Ấn Độ thời đó thì chúng ta không hiểu tại sao đạo Bụt Đại thừa được phát triển với một sức lôi cuốn ào ạt như vậy.
Thành ra thời đại mới, chúng ta cần những phương thức hành đạo mới, những giáo lý mới, được chế tạo ra bằng những nguyên liệu có sẵn trong truyền thống. Cũng cùng những nguyên liệu đó, nhưng cách trình bày giáo lý khác đi, để phù hợp với con người của thời đại hơn, thì đạo Bụt mới nhập thế và giúp người được. Cũng như việc nấu thức ăn chay, vẫn những nguyên liệu đó, nhưng chúng ta thay đổi cách nấu, sáng chế ra những món ăn mới, thích hợp với địa phương hơn.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]