TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q1
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q1
CHƯƠNG 01: THIỀN TẬP THỜI NGUYÊN THỈ
3. Một thiền tập điển hình thời Bụt còn tại thế: Kinh Tư Lượng
Kinh Tư Lượng là một kinh có tính cách rất thực tiễn cho sự tu học của các thầy ở trong tăng đoàn của Bụt, cũng như cho mọi tăng thân ngày nay.
Kinh Tư Lượng có mặt ở trong tạng Pali và cũng có mặt trong Hán tạng. Trong tạng Pali, kinh nằm ở trong Trung Bộ, Majihimª-Nikaya số 15, có tên là kinh Anumana Sutta, mình dịch là kinh Tư Lượng. Đó là vì chữ tư lượng có xuất hiện trong kinh tương đương ở Hán Tạng, tức là kinh Tỳ Khưu Thỉnh trong bộ Trung A Hàm 89, kinh số 26 tạng kinh Đại Chánh.
Hiện nay tại Làng Mai chúng ta may mắn có được cả hai văn bản, một bằng tiếng Pali, tức là kinh Anumana, dịch là kinh Tư Lượng, và một bằng chữ Hán, tức là kinh Tỳ Khưu Thỉnh ở trong bộ Trung A Hàm của Hán Tạng.
Khi so sánh hai kinh, chúng ta thấy hơn 90% những điều hai kinh nói là rất phù hợp với nhau, chỉ có một vài chi tiết khác nhau. Thành ra ít nhất là 90% lời của Bụt đã được giữ lại trong hai kinh này. Những điều khác biệt thì không quan trọng lắm. Thật ra kinh này không phải do chính Bụt nói mà do một vị đệ tử lớn của ngài nói, đó là thầy Ma-ha Mục Kiền Liên, Mahamoggallana. Kinh này có tác dụng xây dựng tăng thân. Ngày xưa trong thời Bụt còn tại thế, các thầy, các sư cô đọc kinh này rất nhiều. Có thể nói rằng sau Giới bản thì đây là kinh đã được tụng đọc nhiều nhất trong tăng đoàn, tại vì nó có tác dụng xây dựng tăng thân. Nếu tăng thân không có hạnh phúc thì sự thực tập của tăng đoàn sẽ không thành công.
Tư lượng có nghĩa là so sánh, đo lường, quán chiếu. Đáng lý phải dịch là tỷ lượng, vì tỷ mới là so sánh, còn lượng là đo lường. Tuy vậy, "so sánh" ở đây là so sánh người khác với mình, đem hai người đặt gần nhau để xem có những điều nào giống và điều nào không giống, cho nên dịch là tư lượng. Ngoài ra, sở dĩ không dùng chữ tỷ lượng, lý do thứ nhất là vì tỷ lượng có màu sắc của Nhận thức luận (Espistemology) tương tự như Luận lý học. Lý do thứ hai là trong bản chữ Hán của Trung A Hàm các tổ cũng đã dùng chữ Tư lượng. Trong bản của Pali Text Society, người ta dịch là Discourse on measuring in accordance with, tức là lấy bản thân mình mà so sánh với bản thân của một người bạn đồng tu. Nhìn vào bản thân người bạn đồng tu rồi nhìn vào bản thân của mình để suy tưởng, để quán chiếu, để xem mình có thể học được điều gì, và không nên học điều gì từ người bạn tu. Thành ra mình có thể dịch là "The discourse on measuring and reflecting" và bỏ chữ "in accordance with" đi cũng được. Nó có nghĩa là trông người lại ngẫm đến ta.
Như đã nói ở trên, kinh này không phải do Bụt trực tiếp nói, mà do thầy Ma Ha Mục Kiền Liên nói. Chúng ta biết rằng trong thời đại của Bụt, có những thầy rất giỏi, những thầy đã đóng vai sư anh rất tuyệt diệu trong tăng đoàn Nguyên thủy. Hai vị sư anh lớn nhất, có uy tín nhất, hai cánh tay phải của Bụt là thầy Xá Lợi Phất và thầy Mục Kiền Liên. Chỉ hai năm sau ngày thành đạo, Bụt đã thu nhận hai vị đệ tử lớn này. Từ đó trở về sau, Bụt có hai thầy như là những bàn tay xây dựng tăng thân rất hữu hiệu. Hai thầy cũng gặp nhiều khó khăn, cũng đã bị ganh tị, nhưng hai thầy đã đóng vai trò huynh trưởng rất hay.
Trong một khóa tu chúng ta đã học một kinh do thầy Xá Lợi Phất nói, đó là kinh Thủy Dụ, và vị huynh trưởng của tăng đoàn đã dạy cho các sư em những phương pháp để đối trị với cơn giận. Ở đây, chúng ta học kinh Tư Lượng do thầy Ma Ha Mục Kiền Liên dạy.
Khi nghe nói đến thầy Mục Kiền Liên, chúng ta chỉ có một ý niệm là thầy rất thân với thầy Xá Lợi Phất, và thầy là một bậc đại hiếu. Chúng ta thường gọi thầy là Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát. Nhưng ít ai biết được thầy là một vị sư anh rất hiểu các sư em của mình, và đã cống hiến những lời dạy dỗ hết sức thực tế. Công trình xây dựng tăng thân của thầy Mục Kiền Liên rất lớn, và chúng ta sẽ thấy điều đó trong kinh này.
Do sự truyền thừa khác nhau, cho nên hai kinh này (Kinh Tư Lượng thuộc tạng Pali, và Kinh Tỳ Khưu Thỉnh thuộc Hán tạng) không đồng ý với nhau ở điểm kinh đã được nói tại đâu. Theo kinh Tư Lượng của tạng Pali thì kinh này được nói tại Sumsuma Ragirra. Hán tạng thì nói kinh này được nói tại tu viện Trúc Lâm. Tu viện Trúc Lâm này không phải là tu viện Trúc Lâm ở thành Vương Xá. Tuy vậy chi tiết này không quan trọng lắm. Điều quan trọng là lời kinh rất giống nhau, và nội dung kinh cũng rất giống nhau. Tên kinh trong bản Hán tạng có thể dịch là Lời thỉnh cầu của vị khất sĩ. Điều này cũng rất quan trọng, vì trong kinh Tư Lượng, tức là kinh thuộc về tạng Pali, cái ý niệm về sự thỉnh cầu của một vị khất sĩ cũng được nói rất rõ.
Giảng Luận Nội Dung Kinh Tư Lượng
Hôm đó là một ngày trong mùa An cư kiết Hạ, thầy Mục Kiền Liên ngồi dưới một bóng cây, chuyện trò cùng các sư em. Thầy gọi thêm các vị khác đến để dạy kinh này.
Bắt đầu bài pháp thoại, thầy Mục Kiền Liên nói rằng: Này các bạn đồng tu, giả sử có một vị khất sĩ thỉnh cầu các vị khất sĩ khác, và nói rằng: Xin các bạn đồng tu hãy chuyện trò với tôi, tôi mong rằng tôi được các bạn đồng tu thương tưởng và chuyện trò với tôi. Tại sao lại xảy ra chuyện một vị đồng tu phải yêu cầu các vị đồng tu khác nói chuyện với mình? Tại vì vị đó có cảm tưởng bị cô lập hóa trong đại chúng, có cảm tưởng không ai trong đại chúng muốn nói chuyện với mình.
Trong tạng Pali, nguyên văn đoạn mở đầu của kinh Tư Lượng là:
"Này các bạn đồng tu, giả sử có vị khất sĩ thỉnh cầu các vị khất sĩ khác, nói rằng: Các bạn đồng tu hãy chuyện trò với tôi, tôi mong rằng tôi được các bạn đồng tu thương tưởng và chuyện trò với tôi. Nếu vị khất sĩ ấy là người mà kẻ khác khó nói chuyện với được, nếu vị ấy là người có những tính nết làm cho kẻ khác không nói chuyện với được, nếu vị ấy là người thiếu kiên nhẫn, thiếu cởi mở, không có khảû năng tiếp nhận những lời phê bình, khuyên bảo và dạy dỗ của các bạn đồng tu phạm hạnh, thì các vị này xét rằng không thể nói chuyện với vị ấy, không thể dạy bảo vị ấy, không thể đặt niềm tin vào vị ấy".
Đó là chủ đề được nêu ra. Tại vì trong đại chúng thỉnh thoảng có một người có cảm tưởng cô đơn, có cảm tưởng các thầy khác, các sư cô khác không ai muốn nói chuyện với mình, vì vậy mà mình có cảm tưởng mình không được tăng thân chú ý và tin tưởng. Nói theo người ngoài đời là "bị tẩy chay".
Để so sánh, chúng ta hãy đọc đoạn mở đầu kinh Tỳ Khưu Thỉnh trong Trung A Hàm:
Bấy giờ tôn giả Ma-ha Mục Kiền Liên nói với các vị khất sĩ: "Các vị hiền giả, nếu có một vị khất sĩ thỉnh cầu các vị khất sĩ khác như sau: Xin các tôn giả hãy nói chuyện với tôi, hãy dạy dỗ tôi, hãy khiển trách tôi, xin đừng để tôi bị lâm vào tình trạng khó khăn. Tại sao có tình trạng ấy? Tại vì, thưa các hiền giả, nếu có một người quen lối nói ngang bướng, bị kéo đi bởi lối nói ngang bướng đó, thì các bạn đồng tu phạm hạnh sẽ không còn ưa nói chuyện với vị ấy, sẽ không dạy dỗ vị ấy, sẽ không khiển trách vị ấy, và vì thế vị ấy bị lâm vào tình trạng khó khăn, lý do vì thói quen nói ngang bướng đó.
Sự truyền thông bị cắt đứt là vì cách mình đối xử với tăng thân. Trong bản Hán văn có danh từ Nan ngã hay là Nạn ngã mà có người dịch là xin các vị đồng tu đừng "làm khó tôi". Nan là khó. Tôi thấy dịch như vậy có thể đưa đến sự hiểu lầm là các vị đồng tu muốn làm khó vị này, cho nên tôi đã dịch lại là: "Xin đừng để tôi lâm vào tình trạng khó khăn" để diễn tả ý chữ nan. Tức là khi mình có cảm tưởng là mình bị cô lập hóa, không ai muốn nói chuyện với mình thì mình lâm vào tình trạng khó khăn, chứ không phải các vị khác muốn làm khó mình, muốn cô lập mình vì một lý do nào đó. Chính mình xin các vị đó hãy giúp mình để mình khỏi bị rơi vào tình trạng khó khăn.
Sau đó, thầy Mục Kiền Liên nêu ra một số nguyên do khiến cho một vị khất sĩ không được các vị khất sĩ khác nói chuyện với, khuyên bảo cho, hay dạy dỗ giùm. Thầy Mục Kiền Liên khuyên tất cả mọi thành phần trong tăng đoàn nên quán chiếu lại mình, xem mình có những tánh tiêu cực nào khiến cho các thầy khác không thân cận được với mình. Đối tượng của kinh này không phải chỉ là một hay hai người trong tăng đoàn, mà là tất cả mọi người trong tăng đoàn, tại vì nếu không thực tập thì vị nào trong tăng đoàn cũng có thể lâm vào tình trạng khó khăn đó.
Chúng ta hãy đọc tiếp: Ở đây, này các bạn đồng tu, nếu một vị khất sĩ bị vướng vào tà dục, bị tà dục lôi kéo, thì đó là một tính nết khiến cho các bạn đồng tu khó nói chuyện với vị ấy. Khó nói chuyện ở đây có nghĩa là không có cơ hội để dạy bảo vị đó, không có cơ hội để khiển trách, để chỉ rõ những lỗi lầm của vị ấy, vì vậy mà không thể đặt niềm tin vào vị ấy.
Như vậy, nguyên do đầu tiên khiến cho một thầy hay một sư cô có thể bị cô lập hóa là vướng vào tà dục, và bị tà dục sai sử, lôi kéo.
Trong bản chữ Hán gọi là ác dục. Ở đây mình dịch là tà dục. Tà tức là không ngay thẳng. Ác có nghĩa là không lợi ích, nó có tính cách phá hoại. Dục là cái muốn. Có cái muốn tốt, có cái muốn xấu. Cái muốn tốt thì không gọi là tà dục. Những cái muốn xấu, những sự đam mê có thể phá hoại con người của mình, phá hoại tương lai của mình, thì gọi là tà dục hay ác dục. Trong bản dịch tiếng Việt mình dùng danh từ tà dục cho nó nhẹ nhàng hơn.
Khi mình có một cái muốn như muốn tu, muốn học, muốn độ đời, và cái muốn đó không có tính cách danh, tính cách lợi, tính cách thèm khát danh vọng, tiền bạc, hay sắc dục, thì cái muốn đó, cái dục đó không gọi là tà dục. Nhưng nếu một vị khất sĩ hay nữ khất sĩ vướng vào một tà dục ở trong tâm thì đó là một nguyên do khiến cho các bạn đồng tu không muốn nói chuyện với người đó, không có cơ hội dạy dỗ người đó, tại vì vị đó có sự ngoan cố trong cái tà dục của mình. Mặc tôi, tôi làm như vậy mặc tôi! Nói vậy, nghĩ vậy, hành động vậy một thời gian thì các vị đồng tu sẽ không đến với mình nữa. Cho nên kinh nói rằng: Khi một vị khất sĩ bị vướng vào tà dục, bị tà dục lôi kéo. Lôi kéo tức là bị sai sử, và khi bị đặt dưới sự lôi kéo và sai sử của tà dục rồi thì mình không có trí tuệ nữa, mình bắt đầu nói bướng. Và vì mình nói bướng cho nên các bạn đồng tu có cảm tưởng không thể nói chuyện với mình được, và họ không nói chuyện với mình nữa.
Thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy có vị khất sĩ hay nữ khất sĩ có tà dục, có sự ham danh, ham lợi, hoặc ham sắc, và vị đó có tính ngoan cố, để cho bản thân mình bị tà dục đó sai sử, lôi kéo, và nó biểu hiện ra trong ngôn ngữ, trong thái độ. Cho nên các bạn đồng tu khác, ban đầu thì có cố gắng giúp đỡ, dạy bảo, nhưng một thời gian sau thì không còn kiên nhẫn nữa. Kết quả là vị đó lâm vào tình trạng khó khăn của sự bị cô lập. Vị đó từ từ cảm thấy mình bị mất tăng thân, và một ngày nào đó sẽ thấy rằng tăng thân này không phải là của mình nữa, cho nên bỏ tăng thân mà đi!
Ai đã lấy tăng thân ra khỏi tầm tay của mình? Chỉ có mình thôi, không có người nào có thể lấy tăng thân ra khỏi vòng tay của mình cả. Khi mình tự cô lập hóa đối với các bạn đồng tu, thì từ từ mình mất tăng thân, và mình có cảm tưởng rằng tăng thân này tẩy chay mình, tăng thân này không chơi với mình. Kỳ thực nó có một lý do nào đó khiến cho mình có cảm tưởng cô đơn. Cái đó là cách sống của mình, cách hành sử của mình trong đời sống hàng ngày, nó làm cho tăng thân không tới với mình được, không nói chuyện, dạy dỗ mình được.
Trong bản chữ Hán, điều này được nói rất rõ: Mình bị cô lập là vì cách nói ngang bướng của mình, thói quen nói ngang bướng của mình, và cách nói ngang bướng đó, thói quen nói ngang bướng đó phát xuất từ những nguyên do bên trong mà hiển lộ ra.
Chúng ta hãy dựa vào kinh Tư Lượng trước, nghĩa là kinh thuộc về tạng Pali, rồi thỉnh thoảng sẽ đối chiếu với kinh Tỳ Khưu Thỉnh ở trong Hán tạng.
Nguyên do thứ hai là vị ấy chỉ biết khen mình và chê người.
Tất cả những người trong tăng thân không có ai đáng làm sư anh, sư chị của mình hết. Nhìn vào người bạn đồng tu nào mình cũng thấy những tật xấu, không thấy điều nào tốt cả. Nó hàm chứa một điều là mình không thấy, mình không biết rằng chính mình cũng có những tật xấu của các sư anh, các sư em của mình. Vì mình nghĩ rằng chỉ có những sư em, sư chị, sư anh của mình mới có những tật xấu đó, cho nên các bạn đồng tu khó nói chuyện với mình, không có cơ hội dạy bảo mình, chỉ cho mình những lỗi lầm để mình sửa đổi. Họ chịu thua, không còn niềm tin ở mình nữa.
Nguyên do thứ ba là nổi giận và bị cơn giận chi phối.
Chúng ta là những người thường, chưa phải là những bậc thánh, thành ra việc nổi giận là việc có thể xảy ra. Khi chưa phải là bậc thánh, ai cũng có lúc nổi giận. Nhưng người tu thì phải biết cách để đối trị, săn sóc cơn giận của mình. Mình có quyền giận, nhưng đồng thời mình có bổn phận phải săn sóc cơn giận của mình, phải chuyển hóa cái giận của mình. Nếu biết cách chăm sóc và chuyển hóa cái giận của mình, thì mình sẽ không bị cơn giận chi phối. Chỉ khi nào mình không biết tu tập, không biết thở, không biết đi thiền hành, không biết quán chiếu thì mình mới bị cơn giận chi phối. Khi bị cơn giận chi phối thì mình vùng vằng, mình tỏ thái độ bằng con mắt, bằng cử chỉ, và bằng lời nói của mình. Vì vậy mà các bạn cùng tu có cảm tưởng không giúp mình được, không đến nói chuyện với mình được, không thể chỉ bảo cho mình được.
Có thể rằng khi giận, mình không biết mình giận, và khi mình có một cái nhìn thiếu thiện cảm, mình không biết mình đang có cái nhìn không có thiện cảm. Có thể là mình đang vùng vằng, không dễ thương mà mình không biết là mình đang vùng vằng, đang không dễ thương. Có thể là mình nói những câu nói không hòa dịu, có tính cách hạch hỏi, nạt nộ người khác, mà mình không biết lời nói của mình không có tính cách ái ngữ. Mình tưởng mình luôn luôn dịu dàng, nhỏ nhẹ. Đó là vì mình thiếu chánh niệm. Mình cần một cái gương để soi. Nếu không có gương để soi thì mình phải nhờ sư anh: "Mỗi khi mặt em đỏ lên, không dễ thương thì xin sư anh nói cho em biết đây là lúc em đang không dễ thương". Phải có một người chỉ cho, thì mình mới tiến được. Mỗi khi người kia có một cái nhìn không thiện cảm, thì mình thấy liền, mỗi khi người kia có một thái độ không dễ thương, thì mình cảm nhận liền, mỗi khi người kia có sự bực bội trong giọng nói, hoặc cáu kỉnh thì mình biết liền! Nhưng mỗi khi mình có những cái đó thì mình không biết, và mình tưởng rằng mình không có khuyết điểm của người kia. Kỳ thực là mình có, và đôi khi còn có nhiều hơn người kia nữa. Vì vậy người tu may mắn là người tu có sư anh, có sư em, có sư chị nhắc nhở, chỉ bày cho mình những lúc mình không tươi mát, mình cáu kỉnh. Có được những người như vậy thì mình được che chở, mình được nuôi dưỡng. Nếu không có người đến với mình, nói cho mình hay, chỉ cho mình thấy những điều lầm lỗi của mình, thì mình thiếu may mắn.
Nguyên do thứ tư, hoặc vị ấy vì giận mà ôm ấp một nỗi hiềm hận.
Giận là một điều mà hiềm hận là một điều khác. Có nhiều người giận nhưng sau khi giận thì không còn gì nữa, rất dễ chịu. Nổi trận lôi đình, nhưng sau khi hết giận thì cười nói với mình rất dễ thương. Nhưng nếu giận mà không ý thức rằng mình giận, không biết quán chiếu, không biết nhận diện, chuyển hóa cái giận của mình thì cái giận đó nó đi vào trong chiều sâu của tâm thức, và nó trở thành một khối gọi là hiềm hận. Nó trở thành một nội kết lớn! Cũng như lúc mình bị cảm. Mới bị cảm mà không chịu cạo gió hay uống thuốc, để cái cảm nó thấm sâu vào, thì sự chữa trị sẽ khó hơn.
Khi sự hiềm khích, sự hận thù bám sâu vào trong tâm ta, thì khối nội kết đó nó phát hiện dưới hình thức mình vùng vằng, mình khó chịu mà mình không biết. Điều nguy hại là ở chỗ mình không hay biết. Khi nghe nói "anh say rồi", thì người say rượu không bao giờ nhận thấy mình say. Tôi mà say? Tôi đâu có say! Đó là những câu trả lời đầu lưỡi của họ. Cũng vậy, khi nghe nói "anh giận rồi đó", thì mình sẽ khẳng định: Tôi đâu có giận? Nhưng kỳ thực thì mọi người đều thấy mình đang giận. Đó là tại mình không có gương để soi. Tăng thân có thể đóng vai trò của một tấm gương để cho mình soi. Không còn tấm gương đó thì nguy lắm cho đời tu học của mình.
Ai cũng có quyền giận, nhưng nếu không biết tu tập để chuyển hóa thì cái giận đó nó trở nên một khối nội kết trong ta, nó làm hại bản thân ta, và làm hại bạn tu của ta.
Nguyên do thứ năm, hoặc vì giận, vì hiềm hận mà trở nên cáu kỉnh.
Tiếng Anh gọi là bad mood. Lâu lâu cáu kỉnh một lần thì được, nhưng cáu kỉnh hai mươi bốn giờ trong một ngày thì nhiều quá, và khiến người ta thấy mình không dễ chịu, người ta rút lui, và mình có cảm giác bị tẩy chay.
Nguyên do thứ sáu, hoặc vì hiềm hận mà nói những lời có tính cách cáu kỉnh.
Trong nguyên do thứ năm, sự cáu kỉnh chỉ có thể thấy qua bộ điệu thôi. Nhưng trong trường hợp thứ sáu thì sự cáu kỉnh được biểu lộ qua lời nói. Nên biết rằng khi nói, nếu chúng ta có một cảm xúc thì tự nhiên lời nói của chúng ta có những âm ba rung động khiến cho người đối thoại biết ta đang có cảm xúc. Khi chúng ta sợ, thất vọng, buồn khổ hay giận hờn thì những cảm xúc đó thể hiện ra trong lời nói của mình. Người đối thoại biết, mà đôi lúc chính mình lại không biết! Đó là vì mình thiếu chánh niệm. Chỉ cần một câu nói ba bốn chữ thôi, là đủ làm cho mình mất một sư anh, một sư chị, hay một sư em, và vị đó không muốn nói chuyện với mình nữa. Gặp mình, vị đó có thể chào vì lễ phép, nhưng vị đó không còn muốn nói chuyện với mình nữa. Mình đâu có nói gì nhiều, chỉ ba bốn chữ thôi, nhưng mình phải trả một giá rất đắt: Mất một người bạn tu! Nếu mình nói với mỗi người trong tăng thân hai ba chữ như vậy, thì mình sẽ đánh mất cả tăng thân!
Vì vậy mình phải tự hỏi: "Ai làm cho mình mất tăng thân, tại sao tăng thân từ từ tuột khỏi vòng tay của mình?" Câu trả lời là: "Chính mình!" Mất tăng thân là mất chỗ nương tựa!
Có thể mình thấy rất rõ bằng trí năng của mình, rằng tăng thân này là cái mình cần nhất ở trên đời, là cái nhu yếu quan trọng nhất trong đời mình, vậy mà mình vẫn đánh mất tăng thân đó như thường. Đôi khi trí tuệ của mình thấy rõ điều đó, nhưng vì mình quá yếu, mình thiếu tu tập, cho nên mình phản lại trí tuệ của mình, mình làm ngược lại điều mà trí tuệ của mình thấy rõ, cho nên mình rơi vào hoàn cảnh cô đơn.
Tại Làng Mai, sự thực tập xây dựng tăng thân được xem là quan trọng bậc nhất. Nếu muốn thành công trong sự hành đạo trong tương lai thì ngay giờ này chúng ta phải học pháp môn xây dựng tăng thân cho thật đàng hoàng. Một người không có khả năng xây dựng tăng thân thì sẽ không có khả năng độ đời. Tại vì không có tăng thân thì không làm được gì hết. Chúng ta biết rằng trong quá trình tu tập, chúng ta chuyển hóa là nhờ tăng thân. Một ông thầy giỏi cách mấy mà không có tăng thân thì cũng không làm được gì nhiều. Bụt là một ông thầy có khả năng xây dựng tăng thân rất lớn. Vì vậy mà đã có lần Vua Ba Tư Nặc đã nói: Bạch đức Thế Tôn, nhìn vào tăng đoàn của ngài, con có đức tin nơi Thế Tôn. Vì vậy trong thời gian thụ huấn và thực tập ở Làng Mai, quý vị phải học cho được phương pháp xây dựng tăng thân.
Xây dựng tăng thân không phải bằng ý kiến riêng của mình, bằng cách sống riêng của mình. Mỗi người đều có ý kiến riêng, nhưng nếu chúng ta không có cái nghệ thuật sống chung trong tăng thân thì chúng ta không thể xây dựng tăng thân được. Chúng ta có những thói quen có tính cách tiêu cực. Do những thói quen đó, chúng ta làm cho những thành phần của tăng thân xa lánh ta. Chúng ta đánh mất tăng thân. Một vị đạo sư giỏi là một vị đạo sư có khả năng xây dựng tăng thân. Từ bi và trí tuệ của vị đạo sư đó phải được biểu hiện trong hành động xây dựng tăng thân. Nếu không có tăng thân thì sự chuyển hóa rất khó có thể xảy ra, vì vậy cho nên xây dựng tăng thân là xây dựng cơ sở, xây dựng hoàn cảnh mà trong đó mọi người có thể tu tập để chuyển hóa được.
Nguyên do thứ bảy, hoặc vì vị ấy lên án người bạn đồng tu đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm.
Lỗi này đôi khi chỉ là một sự vụng về, chỉ là một tri giác sai lầm của mình thôi, nhưng tại mình cố chấp, cho nên khi người bạn đồng tu chỉ cho mình những lỗi lầm kia, thì mình nổi giận và mình lên án người đó. Người đó có thể là vì thương mình nên chỉ cho mình lỗi kia, bạn bè thì ai cũng phải giúp nhau như vậy, nhưng vì mình không có khả năng tiếp nhận, không có khả năng lắng nghe, vì vậy mà mình ruồng bỏ tấm gương soi của bạn cho mượn, mình giận luôn tấm lòng tốt của người bạn tu, mình nổi giận nên mình trả đũa bằng cách lên án họ.
Nguyên do thứ tám, hoặc vị ấy miệt thị người bạn đồng tu đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm.
Tức là mình không còn muốn nhìn người đó nữa, thấy người đó không còn là bạn của mình, không còn là tri kỷ của mình nữa. Tri kỷ gì mà chỉ trích người ta! Thực ra thì người hiểu mình, người có đủ thương yêu để chỉ cho mình những yếu đuối của mình, thì mới đúng là người tri kỷ của mình. Vậy mà mình đã đánh mất người bạn, đã đánh mất cây đuốc soi đường cho mình!
Nguyên do thứ chín, hoặc vị ấy chỉ trích trở lại người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm.
Chính anh là người đã phạm lỗi đó chứ không phải là tôi! Chính anh sân si, chính anh khó chịu, chính anh cáu kỉnh, chứ không phải tôi! Tại vì trong lòng mình đã có khối hiềm hận, cho nên khi nghe người chỉ lỗi, chẳng những mình đã không chịu lỗi mà còn chỉ trích ngược lại.
Nguyên do thứ mười, hoặc vị ấy chất vấn trở lại người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm.
Chất vấn tức là đặt ra những câu hỏi tới tấp để cho người kia sợ mà lần sau không dám nói ra lỗi của mình nữa.
Nguyên do thứ mười một, hoặc vị ấy tránh né vấn đề bằng cách hỏi người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm những câu hỏi khác, không ăn nhập gì đến những vấn đề của người kia nêu ra hết.
Nói rõ ra là vị ấy trả lời ngoài vấn đề, để lộ sự bực bội, giận dữ và bất mãn.
Nguyên do thứ mười hai, hoặc vị ấy không giải thích được một cách thỏa đáng hành động của mình khi người kia chỉ lỗi cho mình.
Tại sao anh làm vậy? Mình không trả lời được một cách thỏa đáng, mình nói vòng quanh.
Nguyên do thứ mười ba, hoặc vị ấy thô tháo và có ác ý.
Thô tháo tiếng Pháp là Grossière, và ác ý là Mauvaise intention.
Nguyên do thứ mười bốn, hoặc vị ấy ganh ghét và keo kiệt.
Cho mà tiếc, nói mà cũng hà tiện, giúp mà không hết lòng.
Nguyên do thứ mười lăm, hoặc vị ấy mưu mô và lường gạt.
Nguyên do thứ mười sáu, hoặc vị ấy cứng đầu, ngoan cố và tự kiêu.
Nguyên do thứ mười bảy, hoặc vị ấy vướng vào thế tục.
Tuy xuất gia, nhưng trong đời sống hàng ngày mình vẫn còn vướng những thế tục ngoài đời, không có khả năng buông bỏ lề thói ô trược. Anh đã đi tu nhưng điều anh làm có vẻ "đời" quá! Đời sống anh không có phẩm chất tự tại, giải thoát, thanh thản của người tu. Cách nói năng, cách hành sử còn có tính cách thế tục quá!
Đó là mười bảy nguyên do khiến cho mình bị cô lập hóa, làm cho các bạn đồng tu không đến với mình được, không nói chuyện với mình được, không dạy bảo mình được, không chỉ bày cho mình những lỗi lầm của mình được, và cuối cùng thì mất niềm tin nơi mình.
Tất cả những điều đó chứng tỏ rằng thầy Ma-ha Mục Kiền Liên biết rất rõ những gì đã xảy ra trong tăng thân. Hóa ra ngày xưa cũng giống hệt như ngày nay! Trong tăng đoàn của Bụt ngày xưa cũng đã có những vấn đề giống hệt như trong tăng đoàn của chúng ta ngày hôm nay.
Sau khi đã nói qua mười bảy nguyên do khiến cho một vị khất sĩ cảm thấy bị cô lập, cảm thấy mình đang từ từ đánh mất tăng thân của mình, thầy nói đến mười bảy đức tính khiến cho tăng thân càng ngày càng thương mến mình, các bạn trong tăng thân có thể đến nói chuyện với mình một cách dễ dàng, dạy bảo cho mình những lỗi mình phạm, và đặt niềm tin lớn ở nơi mình. Mười bảy đức tính đó, chẳng qua là sự vắng mặt của mười bảy tính không tốt mà thôi.
Này các bạn đồng tu, vì những đức tính, những nguyên do nào mà một vị khất sĩ được nhận thức là một người mà kẻ khác có thể dễ dàng tới với và dễ dàng nói chuyện với được? Ở đây, này các bạn đồng tu, nếu một vị khất sĩ không vướng vào tà dục, không bị tà dục lôi kéo, thì đó là một đức tính khiến cho các bạn đồng tu có thể dễ dàng tới với vị ấy và nói chuyện với vị ấy. Và đây là những đức tính khác khiến cho các bạn đồng tu có thể dễ dàng tới với mình và nói chuyện với mình:
Hoặc vị ấy không tự khen mình chê người;
Hoặc vị ấy không dễ nổi giận và không bị cơn giận chi phối, rồi vì không giận cho nên không ôm ấp một nỗi hiềm hận;
Hoặc vị ấy vì không hiềm hận cho nên không cáu kỉnh;
Hoặc vị ấy không vì hiềm hận cho nên không nói những lời có tính cách cáu kỉnh;
Hoặc vị ấy không lên án người bạn đồng tu đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm;
Hoặc vị ấy không miệt thị người bạn đồng tu đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm;
Hoặc vị ấy không chỉ trích trở lại người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm;
Hoặc vị ấy không chất vấn trở lại người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm;
Hoặc vị ấy không tránh né bằng cách hỏi người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm bằng những câu hỏi khác, không trả lời ngoài vấn đề, không để lộ sự bực bội, giận dữ và bất mãn của mình;
Hoặc vị ấy giải thích được một cách thỏa đáng hành động của mình cho người đã hỏi mình về lỗi lầm mình đã phạm;
Hoặc vị ấy không thô tháo và không có ác ý;
Hoặc vị ấy không ganh ghét và xan tham;
Hoặc vị ấy không mưu mô và lường gạt;
Hoặc vị ấy không cứng đầu và tự kiêu;
Hoặc vị ấy không có vẻ thế tục, không vướng vào thế tục và lại có khả năng buông bỏ.
Này các bạn đồng tu, đó là những đức tính làm cho một vị khất sĩ được nhận thức là một người mà kẻ khác có thể dễ dàng tới với được, và dễ dàng nói chuyện với được.
Xin quý vị đọc tiếp những câu rất quan trọng sau đây, nói về lĩnh vực quán chiếu tự thân:
Này các bạn đồng tu, vị khất sĩ cần phải đối chiếu tự ngã với tự ngã (nghĩa là tự ngã của người đó và tự ngã của mình) mà tư lượng như sau: Người ấy vì có tà dục và bị tà dục lôi kéo cho nên ta thấy người ấy không dễ chịu và ta không ưa thích người ấy. Cũng như thế, nếu ta có tà dục và bị tà dục lôi kéo thì kẻ khác sẽ thấy ta không dễ chịu và họ sẽ không ưa thích ta.
Đây là những lời dạy bảo rất cụ thể. Khi mình thấy một người có tà dục và đang bị tà dục sai sử, thì mình biết rằng người đó không dễ chịu và mình khó đến với người đó. Vì vậy mình hãy quay cái nhìn đó về mình, và mình tự hỏi rằng nếu bản thân ta có tà dục, và đang bị tà dục sai sử, thì ta cũng sẽ không dễ chịu và người khác cố nhiên sẽ không thích ta.
Mình phải làm công việc tự vấn này đối với mười sáu điều còn lại. Nghĩa là khi thấy một người ưa tự khen mình và chê tất cả mọi người khác, thì mình thấy người đó không dễ chịu và mình không ưa người đó. Nếu mình cũng ưa khen mình và chê người khác, thì mình cũng không dễ thương, và người khác cũng sẽ không thể ưa mình.
Nếu người đó nổi giận và bị cơn giận chi phối thì người đó không dễ thương, và mình không ưa được người đó. Vậy thì nếu mình nổi giận và bị cơn giận chi phối, thì mình cũng không dễ thương, và người khác cũng sẽ không thương được mình.
Nếu người đó vì giận mà ôm ấp một nỗi hiềm hận thì người đó không dễ chịu và vì vậy cho nên ta khó thương người đó. Nếu ta vì giận mà ôm ấp một nỗi hiềm hận thì ta cũng không dễ chịu và người khác cũng sẽ không ưa ta v.v...
Cứ như vậy mà quán chiếu từ điều thứ nhất cho đến điều thứ mười bảy.
Tài liệu trong kinh diển có nói rằng: Kinh này ngày xưa được xem như là Ba La Đề Mộc Xoa, tức là Giới bản, và đã được các thầy trong tăng đoàn Nguyên thủy tụng đọc rất nhiều.
Khi tụng, các thầy đi từ điểm đầu đến điểm cuối, tụng các lời quán chiếu về bạn đồng tu, rồi tụng những lời quán chiếu về bản thân mình để cho mọi người có cơ hội thực tập quán chiếu cả hai chiều. Quý thầy tụng thường xuyên, tụng đến câu nào thì quán chiếu đến câu đó: Người đó vì như vậy cho nên ta không ưa thích người đó, nếu ta cũng như vậy thì những người khác cũng sẽ không ưa thích ta.
Chúng ta hãy nghe thầy Ma-ha Mục Kiền Liên dạy bước kế trong việc thực tập quán chiếu này:
Này các bạn đồng tu, vị khất sĩ cần phải đối chiếu tự ngã với tự ngã mà tư lượng như sau: Trong giờ phút này ta có đang ôm ấp tà dục và ta có đang bị tà dục lôi kéo hay không?
Và nếu trong khi tư lượng mà vị khất sĩ thấy được rằng trong giờ phút này ta đang có ôm ấp tà dục và ta đang bị tà dục lôi kéo thì vị khất sĩ ấy phải tinh tiến để đoạn trừ những tâm hành bất thiện ấy. Và nếu trong khi tư lượng mà vị khất sĩ thấy được rằng trong giờ phút này ta không đang ôm ấp tà dục, và ta đang không bị tà dục lôi kéo, thì vị khất sĩ ấy hãy sống với tâm niệm hân hoan, và biết mình cần tu học tinh tiến để nuôi dưỡng thêm những tâm hành tốt đẹp như thế.
Đó là thực tập nhìn sâu vào bản thân mình. Ngay trong giờ phút này ta có đang bị một cái đam mê nó sai sử hay không?
Đoạn kinh này được lặp lại với điều thứ hai là khen mình, chê người. Sau đó đến điều thứ ba là nổi giận và bị cơn giận chi phối.
Này các bạn đồng tu nếu trong khi quán chiếu, một vị khất sĩ thấy rõ rằng trong tâm mình các tâm hành bất thiện chưa được đoạn trừ thì vị ấy phải nỗ lực tinh tiến để đoạn trừ. Còn nếu trong khi quán chiếu, vị khất sĩ thấy rõ ràng trong tâm mình các tâm hành bất thiện đã được đoạn trừ thì vị ấy hãy sống với tâm niệm hân hoan, và biết mình cần tu học tinh tiến để nuôi dưỡng thêm những tâm hành tốt đẹp như thế.
Này các bạn đồng tu, cũng như một người thanh niên hay một cô thiếu nữ, tuổi còn thanh xuân, còn ưa trang điểm, thường ưa nhìn mặt mình trong một tấm gương thật trong, thật sáng. Hoặc nếu không có gương thì nhìn vào một bát nước thật trong, thật sáng, nếu thấy một vết dơ nào ở trên mặt thì người ấy phải lập tức lau rửa vết dơ ấy đi. Còn nếu không thấy một vết dơ nào trên mặt, người ấy sẽ lấy làm bằng lòng và sẽ tự bảo: Tốt lắm mặt ta rất sạch. Cũng như thế, này các bạn đồng tu, trong khi tư lượng thấy các tâm hành bất thiện còn chưa được đoạn trừ, vị khất sĩ sẽ tinh tiến đoạn trừ chúng. Còn nếu trong khi tư lượng thấy các tâm hành bất thiện đã được đoạn trừ, vị khất sĩ sẽ được sống trong tâm niệm hân hoan, và biết mình cần tu học tinh tiến để nuôi dưỡng thêm những tâm hành tốt đẹp như thế.
Tôn giả Ma-ha Mục Kiền Liên nói như thế xong, các vị khất sĩ hân hoan, tin tưởng và tiếp nhận những lời dạy ấy của thầy.
Đó là kinh Tư Lượng.
Nếu chúng ta dịch kinh này theo đúng nguyên văn thì kinh sẽ dài gấp mười bảy lần. Vì vậy mà chúng ta dịch vắn tắt, nghĩa là chúng ta chỉ liệt kê mười bảy điểm tiêu cực làm cho một khất sĩ bị lâm vào tình trạng khó khăn mà thôi. Khi liệt kê cả mười bảy điểm, điểm nào cũng phải có lời hướng dẫn cả ba trường hợp. Ví dụ khi quán chiếu về thói quen hay lên án, tức là điểm thứ bảy trong kinh, ta bắt đầu:
Hoặc vì vị ấy lên án người bạn đồng tu đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm, vì vậy cho nên các vị đồng tu khó có thể đến với người đó, nói chuyện với người đó, dạy dỗ người đó, và chỉ cho người đó những lỗi người đó đã phạm. Vì vậy cho nên người đó lâm vào tình trạng khó khăn.
Kế đó, vị khất sĩ phải quán chiếu rằng:
Nếu người đó là một người quen lên án người đã chỉ cho mình lỗi mình đã phạm, thì người đó không phải là người dễ thương, và ta sẽ không ưa thích người đó. Trong trường hợp ta là người ưa lên án người đã chỉ cho ta lỗi lầm ta đã phạm, thì ta cũng sẽ là một người không dễ thương, và những người khác sẽ không ưa thích ta.
Sau cùng, vị khất sĩ phải quán chiếu rằng:
Trong giờ phút này ta có tật xấu hay lên án người đã chỉ cho ta lỗi ta đã phạm hay không? Nếu có thì ta phải tinh tiến tu tập để diệt trừ điều đó. Nếu không có, ta hãy hân hoan biết rằng mình đang đi trên con đường tốt, và mình phải thực tập thêm để nuôi dưỡng tánh tốt mà mình đang có trong tâm của mình.
Như đã nói ở trên, sau khi thầy Ma-ha Mục Kiền Liên dạy kinh này, các thầy trong giáo đoàn Nguyên thủy đã tụng đọc kinh này thường xuyên để mọi người có cơ hội thực tập quán chiếu. Đây là một kinh rất quan trọng trong việc xây dựng tăng thân, vì vậy chúng ta nên phối hợp kinh này với tư tưởng Đại thừa, để sáng tạo những thực tập thích hợp với hoàn cảnh mới, và tạo cơ hội để cả tăng thân cùng tụng đọc. Đó là một lợi điểm của Làng Mai.
Ngoài ra tôi nghĩ các vị giảng sư cũng nên đưa kinh Tỳ Khưu Thỉnh vào chương trình giáo dục trong các Học viện Phật giáo để tất cả tăng ni sinh được hưởng lợi lạc của những điều dạy dỗ quý giá này.
Đối Chiếu Văn Bản Chữ Hán Và Văn Bản Pali
Đến đây chúng ta hãy xét tới bản dịch từ Hán Tạng tức là kinh Tỳ Khưu Thỉnh, để xem mười bảy điểm trên có được liệt kê đầy đủ hay không.
Này các hiền giả, lối nói ngang bướng, thói quen nói ngang bướng là gì mà khiến cho những vị đồng tu phạm hạnh không ưa nói chuyện với người ấy, không dạy dỗ người ấy, không khiển trách người ấy, và vì thế khiến cho người ấy lâm vào tình trạng khó khăn?
Này các vị hiền giả, nếu có một vị khất sĩ ôm ấp tà dục và bị tà dục ấy sai sử, thì vị này sẽ nói lời ngang bướng và học thói quen nói ngang bướng.
Đó là điều thứ nhất, và điều này giống với kinh Pali. Tuy vậy, những điều sau đó có điều giống, có điều không giống.
Điều này cũng đúng khi một vị khất sĩ có tâm nhiễm ô và hành động nhiễm ô, hoặc có nội kết mà không nói ra được, hoặc có tâm niệm dối trá, dua nịnh, hoặc có tâm niệm xan tham, ganh ghét, hoặc không biết hổ, không biết thẹn, hoặc giận dữ và có ác ý, hoặc giận dữ và nói ra những lời giận dữ, hoặc khiển trách vị khất sĩ khi vị này khiển trách mình, hoặc la mắng vị khất sĩ không kính phục mình, hoặc la mắng vị khất sĩ phát giác ra tội lỗi mình, hoặc nói lảng ra ngoài để tránh né, hoặc tuy không nói ra sự nóng giận của mình nhưng sự ganh ghét cháy bừng, hoặc chỉ chơi với bạn xấu, hoặc vô ơn.
Đó là bản liệt kê những tật xấu, những nguyên do làm cho một vị khất sĩ bị cô lập hóa, dịch từ trong Hán tạng. Nói rõ ra, các điều liệt ra trong Hán tạng là:
Thứ nhất, hoặc là ôm ấp tà dục, bị tà dục sai khiến.
Thứ hai, hoặc là tâm nhiễm ô và hành động nhiễm ô.
Thứ ba, hoặc là có nội kết mà không nói ra được.
Như vậy khi có nội kết, mình nên nói ra. Ở Làng Mai chúng ta đã có phương pháp chuyển hóa nội kết, chúng ta đã được dạy rất rõ về cách làm thế nào để nói nội kết của mình ra, và tăng thân hay người kia phải cho mình một cơ hội để mình diễn bày nội kết đó ra. Nói như thế nào để cả người nói, lẫn người nghe đều giữ được chánh niệm.
Người nghe sẽ không trả lời liền, mà phải quán chiếu chừng ba bốn hôm. Khi nghe, phải tập nghe với lòng từ bi, tại vì nghe như vậy tức là giúp cho người kia nói hết nội kết của mình. Không phải nghe để đôi chối. Nếu thấy một người có nội kết mà không nói ra được, thì mình phải giúp người đó bằng cách tạo cơ hội cho người đó diễn bày được khối nội kết của họ. Đó là vì lòng từ bi mà mình làm. Cố nhiên trong phương pháp hóa giải nội kết của chúng ta, nói nội kết ra là để chữa trị cho mình chứ không phải nói ra để buộc tội người khác trước mặt mọi người. Tại vì nói ra để buộc tội người khác thì có hại lắm. Nếu có thể thì mình tạo cơ hội cho người đó nói nội kết của người đó ra với người có liên hệ thôi. Những người không liên hệ đến nội kết đó mà mình nói cho họ nghe là mình có ý muốn buộc tội người kia chứ không phải muốn giãi bày nội kết của mình theo phương pháp hóa giải nội kết của Làng Mai. Vì vậy, khi giúp một người bạn nói ra nội kết của họ để chữa trị, mình phải nắm cho thật vững Pháp môn Chuyển hóa Nội kết, rồi mới hành động. Đừng để cho sự thực tập đó vụng về, không gây được thành quả mà trái lại nó còn gây nên những nội kết khác. Không hóa giải được nội kết mà còn tạo thêm những nội kết khác thì nguy lắm!
Thứ tư, hoặc có tâm niệm dối trá, dua nịnh,
Thứ năm, hoặc có tâm niệm xan tham, ganh ghét. Điều này cũng có trong kinh thuộc tạng Pali.
Thứ sáu, hoặc không biết hổ, không biết thẹn, tức là không có tàm, không có quý.
Điều thứ bảy và thứ tám, hoặc vì giận dữ và nói ra những lời có tính cách giận dữ. Hai điều này cũng có trong kinh tiếng Pali. Ác ý ở đây tức là hiềm hận,
Thứ chín, hoặc khiển trách vị khất sĩ khi vị này khiển trách mình.
Thứ mười, hoặc la mắng vị khất sĩ không kính phục mình.
Mười một, hoặc la mắng khất sĩ phát giác ra lỗi lầm của mình.
Mười hai, hoặc nói lảng ra ngoài đề để tránh né.
Mười ba, hoặc tuy không nói ra sự nóng giận của mình nhưng sự ganh ghét cháy bừng.
Mười bốn, hoặc chỉ chơi với bạn xấu.
Bạn xấu ở đây là những người chế dầu vào lửa, không giúp mình được gì hết trong sự tu tập, chỉ theo hùa với mình để chỉ trích người khác thôi.
Mười lăm vô ơn, không nhớ ơn.
Những điều liệt kê trong kinh thuộc Hán tạng chấm dứt ở đây.
Chúng ta hãy đọc tiếp một vài đoạn trong Hán tạng để thấy ý của kinh này cũng giống như ý kinh trong tạng Pali.
Này các vị hiền giả, giả sử có vị khất sĩ không có nhu yếu thỉnh cầu các vị khất sĩ khác: "Xin các tôn giả hãy nói chuyện với tôi, hãy dạy dỗ tôi, hãy khiển trách tôi, xin đừng để tôi lâm vào tình trạng khó khăn". Tại sao vị ấy không có nhu yếu như thế? Tại vì thưa các hiền giả, vị ấy là một người dễ bảo, biết nghe, có thói quen biết nghe lời nói phải, cho nên các vị đồng tu phạm hạnh dễ đến với vị ấy, nói chuyện được với vị ấy, dạy dỗ vị ấy, khiển trách vị ấy, và không bao giờ để cho vị ấy lâm vào tình trạng khó khăn.
Này các vị hiền giả, thế nào gọi là dễ bảo? Thế nào gọi là biết nghe? Đó là đức tánh khiến cho các vị đồng tu phạm hạnh dễ tới với vị ấy để nói chuyện, để dạy bảo, để khiển trách, và để cho vị ấy không lâm vào tình trạng khó khăn.
Này các vị hiền giả, giả sử có một người không ôm ấp tà dục và không bị tà dục ấy sai sử thì người ấy có đức tính dễ bảo, biết nghe. Điều này cũng đúng trong các trường hợp có tâm nhiễm ô và hành động nhiễm ô, v.v...
Này các vị hiền giả, vị khất sĩ nên tự mình quán chiếu như sau: Nếu có ai ôm ấp tà dục và bị tà dục sai sử thì ta sẽ không ưa thích người ấy, và nếu ta ôm ấp tà dục và bị tà dục sai sử thì những người khác cũng sẽ không ưa thích ta. Vị khất sĩ nên quán chiếu như vậy, không ôm ấp tà dục, không hành động theo tà dục. Đó là phương pháp thực tập. Điều này cũng đúng trong các trường hợp khác như có tâm nhiễm ô, và hành động nhiễm ô, v.v...
Này các vị hiền giả, nếu có vị khất sĩ quán chiếu như sau: Nếu có ai không ôm ấp tà dục và không bị tà dục sai sử, thì ta sẽ ưa thích người ấy. Và nếu ta không ôm ấp tà dục và không bị tà dục sai sử, thì những người khác cũng sẽ ưa thích ta. Vị khất sĩ nên quán chiếu như vậy, không ôm ấp tà dục, không hành động theo tà dục. Đó là phương pháp thực tập. Quán chiếu như vậy sẽ đạt tới nhiều lợi ích. Điều này cũng đúng trong các trường hợp khác như không có tâm nhiễm ô và không hành động nhiễm ô, v.v...
Này các vị hiền giả, vị khất sĩ nên quán chiếu như sau: Ta có đang ôm ấp tà dục hay không? Ta có đang bị tà dục sai sử hay không? Nếu quán sát mà thấy mình đang ôm ấp tà dục và đang bị tà dục sai sử, thì vị khất sĩ ấy không thể hân hoan được, do đó vị ấy sẽ quyết tâm thực tập để đoạn trừ tà dục. Nhưng nếu quán sát mà thấy mình đang không ôm ấp tà dục và đang không bị tà dục sai sử thì vị ấy sẽ cảm thấy hân hoan, tự nói: Ta có sự thanh tịnh, ta đang cầu học chánh pháp tôn quý cho nên ta hân hoan. Điều này cũng đúng trong các trường hợp khác như không có tâm nhiễm ô và không hành động nhiễm ô, v.v...
Này các vị hiền giả, một người có hai mắt tốt, khi soi vào gương có thể thấy được mặt mình sạch hay dơ. Nếu thấy trên mặt mình có vết dơ, người ấy sẽ không hân hoan, và sẽ có mong muốn lau rửa cho sạch. Nếu thấy trên mặt mình không có vết dơ người ấy sẽ hân hoan và sẽ nói: Mặt mày ta sạch sẽ cho nên ta hân hoan. Này các vị hiền giả, cũng như thế, khi quán chiếu mà thấy trong tâm mình có ôm ấp tà dục và mình đang bị tà dục sai sử thì vị khất sĩ sẽ không hân hoan và sẽ mong muốn đoạn diệt tà dục ấy. Nếu khi quán chiếu mà thấy trong tâm mình không ôm ấp tà dục và mình đang không bị tà dục sai sử thì vị khất sĩ sẽ cảm thấy hân hoan và sẽ nói: Tâm ta đang thanh tịnh, ta đang cầu học chánh pháp tôn quý nên ta hân hoan. Điều này cũng đúng trong những trường hợp khác như trường hợp không có tâm nhiễm ô và không có hành động nhiễm ô, v.v...
Dưới đây là đoạn cuối của bản kinh chữ Hán mà chúng ta không thấy phần tương đương trong bản tiếng Pali:
Này các vị hiền giả, nhờ cảm thấy hân hoan mà vị khất sĩ cảm thấy thân được an chỉ, do thân được an chỉ mà cảm được lạc thọ, do có lạc thọ mà đạt tới định tâm. Này các vị hiền giả, những vị thánh đệ tử có học, nhân vì có định tâm nên cái thấy của họ đúng với thực tại, cái biết của họ đúng với thực tại. Nhờ thấy và biết được bản chất của thực tại nên họ biết nhàm chán tà dục; nhờ biết nhàm chán tà dục mà họ đạt tới được trạng thái vô dục; nhờ đạt tới trạng thái vô dục cho nên chứng được giải thoát. Giải thoát rồi, các vị ấy biết rằng mình đã giải thoát, rằng bản chất sinh tử đã hết, đời sống phạm hạnh đã thành, điều cần làm đã làm xong, không còn bị sinh tử ràng buộc nữa.
Tôn giả Ma-ha Mục Kiền Liên nói như thế, các vị khất sĩ nghe xong đều hoan hỷ làm theo.
Như vậy chúng ta thấy hai kinh rất giống nhau. Điều này cho chúng ta một niềm tin rất lớn. Một tông phái được truyền xuống Tích Lan, vào thế kỷ thứ ba trước chúa Ki-tô giáng sanh, và một tông phái khác, thành lập ở Kashmir, cách nhau cả mấy ngàn năm, vậy mà còn giữ được bản kinh mà giờ đây khi so sánh thì mình thấy nội dung gần như giống nhau. Đó là niềm hạnh phúc và là điều may mắn, vì nó giúp chúng ta có thêm niềm tin vào sự truyền thừa giáo pháp.
Khi đọc kinh này chúng ta thấy rằng đây đích thực là những lời giảng dạy của thầy Ma-ha Mục Kiền Liên, không còn nghi ngờ gì nữa, và lời dạy đó đã được tăng đoàn trong thời của Bụt đem ra thực tập và quán chiếu.
Nếu chỉ học những kinh nói về lý thuyết, thì chúng ta cũng có hạnh phúc vì chúng ta được phiêu lưu trong thế giới của những tư tưởng uyên áo. Đối với những kinh rất thực tế như kinh Tỳ Khưu Thỉnh, tức là kinh mà trong đó có những lời giảng dạy thực tế, giúp cho chúng ta biết phương cách chuyển hóa, thì đây là kinh mà chúng ta rất cần cho việc thực tập hàng ngày.
Tu học thông minh là biết nương vào lời dạy thực tế của kinh điển để thực tập mà trị liệu cho những căn bệnh về thân và tâm của mình. Có người không biết uống thuốc khi có bệnh, và khi thuốc được dâng hiến thì tìm cách trốn chạy. Có người sợ nghe pháp thoại, tại vì ngồi chung với thính chúng để nghe pháp thoại thì pháp thoại có thể động tới những niềm đau trong họ. Pháp thoại có tính cách thực tế, nó chỉ cho mình những vấn đề có thật trong mình, và khi nó động tới những vấn đề có thật của mình, thì mình cảm thấy mất hạnh phúc, mình chỉ muốn trốn chạy, mình chỉ muốn nghe những lý thuyết cao viễn mà thôi.
Có khi trong pháp thoại mình tìm được loại y dược mà mình đang cần tới. Điều này xảy ra rất thường. Trong khi nghe pháp thoại thì bài pháp có thể đang cống hiến cho mình môn thuốc mà mình đang cần để trị bệnh của mình, nhưng mình lại không thể tiếp nhận được thứ thuốc đó, rất là uổng, và chuyện này xảy ra rất thường!
Khi nghe pháp thoại, có thể mình thấy tâm của mình bị đánh động, tức là những niềm đau của mình bị chạm tới. Thay vì đem hết tâm hồn ra để tiếp nhận món thuốc quý báu, để chữa bệnh cho mình, mình lại nghĩ quanh, nghĩ quẩn. Có khi mình nói rằng hình như có sư em nào vừa học lại với thầy, cho nên hôm nay thầy nói vậy là để rầy mình, và những lời thầy nói đó là chỉ nhắm riêng một mình mình thôi, mình là đối tượng của bài pháp thoại này! Do tâm trạng đó mà mình không có khả năng tiếp nhận môn thuốc mà chính mình đang cần đến.
Lời dạy của Bụt có khi gọi là viên âm. Viên âm có nghĩa là lời nói có tính cách tròn đầy, có khả năng đánh động tới tất cả mọi căn cơ. Viên âm còn có nghĩa là khế cơ. Khế cơ là phù hợp với tình trạng của đối tượng. Chính vì nó là viên âm cho nên nó đánh động được tới vấn đề đích thực của mình. Nếu mình không cởi mở, không nhân cơ hội đó để tiếp nhận những phương thuốc mà chính bản thân mình cần đến hơn ai hết, thì lúc đó tâm mình không thanh thản, không sẵn sàng, không đủ thanh tịnh để tiếp nhận món thuốc quý báu mà bài pháp thoại có thể cống hiến cho mình.
Tôi đã thấy có những người sợ nghe pháp thoại, không dám vào nghe pháp thoại vì họ mang tâm trạng đó. Đó là những trường hợp rất đáng thương.
Kinh Pháp Hoa có câu chuyện của ông thầy thuốc vì công việc mà phải đi xa. Ở nhà các con ăn nhằm phải chất độc, đứa nào cũng lăn ra kêu khóc. Khi về đến, vì là một thầy thuốc giỏi nên ông đưa ra những phương thuốc cho các con uống. Có một số chịu uống, và có một số không chịu uống. Tại sao mình lại phải uống thuốc quá đắng này? Vì vậy mà các người con đó không lành bệnh được! Nếu mình là người được phước của ông bà cha mẹ để lại, thì khi gặp những phương dược cần cho thân thể và tâm hồn, thì mình có thể tiếp nhận được. Ngược lại nếu mình thiếu cơ duyên thì tuy thuốc có đó nhưng mình bỏ mất cơ hội, cho nên những khổ đau của mình không được dịp để chuyển hóa.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]