TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q2
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q2
Chương 02: Các Môn Phái Và Giáo Điển Sinh Động
ĐẶC ĐIỂM CỦA THIỀN PHÁI THẢO ĐƯỜNG
Thiền tập Sinh động: Thế kỷ thứ 11: Thiền ngữ-Thi Kệ & Tụng Cổ
Ngày xưa ở phía Nam nước Đại Việt có một quốc gia tên là Chàm (Kingdom of Champa). Nước đó thường tổ chức những cuộc xâm chiếm quấy nhiễu hai nước lân bang. Nước phía Bắc là Đại Việt, và nước phía Tây là Chân Lạp. Thời đó những tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị và đi vào Nam đều không phải là lãnh thổ của nước Đại Việt, mà là lãnh thổ của nước Chàm. Người Chàm có một đội hải quân rất tinh nhuệ. Thỉnh thoảng họ hay tiến ra Bắc để đánh phá Đại Việt. Sự tranh chấp biên giới giữa Đại Việt và Chàm kéo dài thật lâu. Có một lần vào cuối đời Trần, Chế Bồng Nga, một tướng của Chàm, đem hải quân ra chiếm được thành Thăng Long, làm cho vua Đại Việt phải bỏ chạy. Vì vậy thỉnh thoảng các vua Đại Việt phải đem quân xuống miền Nam để dẹp giặc ở biên giới. Có khi đưa quân tiến sâu vào lãnh thổ Chàm để trừng phạt.
Năm 1069 một vị vua Đại Việt tên là Lý Thánh Tông đem một đạo quân tiến sâu vào nội địa Chiêm Thành, đuổi theo quân Chàm. Sách sử ghi chép rằng trong chuyến chinh phạt đó vua Lý Thánh Tông đã bắt được rất nhiều tù binh.
Khi đem các tù binh đó về kinh đô Thăng Long, nhà vua chia những tù binh đó cho các quan để làm gia nô trong nhà. Có một viên quan làm chức Tăng Lục, tức là lo về vấn đề giáo hội, vấn đề giấy tờ, học thức của các vị xuất gia, cũng lãnh một người tù binh về để đỡ đần việc nhà. Trong nhà vị Tăng Lục này cố nhiên có nhiều cuốn sách, cuốn kinh, trong đó có những cuốn gọi là Ngữ Lục, tức là những tập ghi chép lại lời nói, bài dạy, và pháp thoại của các vị thiền sư.
Một hôm vị Tăng Lục đi họp về, thấy những cuốn Ngữ Lục trên bàn mình có những trang bị chữa rất nhiều lỗi. Ngày xưa những kinh sách và Ngữ Lục thường được chép tay. Khi thấy những cuốn Ngữ Lục để trên bàn của mình bị chữa nhiều chỗ, viên Tăng Lục mới kêu vị đầy tớ tù binh lên hỏi:
-Ai đã chữa những chữ trong Ngữ Lục này vậy? Người đó nói:
-Dạ con chữa, tại vì con thấy viết sai quá, con chịu không nổi, nên nhân có cây viết ở bàn con đã chữa.
Sau khi nói chuyện với tên nô bộc một hồi thì quan Tăng Lục khám phá ra rằng đây là một vị thiền sư, đang hành đạo ở Chiêm Thành và đã bị bắt làm tù binh. Vị này có kiến thức về Phật pháp rất sâu sắc, tên là Thảo Đường, đệ tử của một thiền sư lớn ở bên Trung Quốc tên là thiền sư Tuyết Đậu.
Thiền sư Tuyết Đậu là một thiền sư nổi tiếng về một môn phái thiền học gọi là Vân Môn. Thiền sư Tuyết Đậu tịch năm 1052, và thiền sư Thảo Đường bị bắt về Đại Việt năm 1069. Có nghĩa là sau khi thiền sư Tuyết Đậu tịch thì thiền sư Thảo Đường mới lên đường về Nam để hành đạo, và ngài đi thẳng vào nước Chàm.
Vân Môn, một trong năm thiền phái lớn nhất của Trung Quốc gọi là Hoa sinh Ngũ diệp, một bông hoa nở ra năm cánh, trong đó có hai thiền phái Tào Động, và Lâm Tế. Thiền sư Tuyết Đậu rất nổi tiếng và đã được vua nhà Tống ban cho danh hiệu là Minh Giác Đại Sư. Ngài tịch năm 73 tuổi.
Thiền sư Tuyết Đậu đã chọn lọc những tinh yếu trong các bộ Lục để làm ra 100 bài tụng cổ. Trước đây tôi có giảng về công án và thoại đầu. Các danh từ công án, thoại đầu và cổ tắc chúng đi với nhau. Tôi nhắc lại sơ lược như sau:
Công án là những mẫu chuyện giữa các thiền sư và đệ tử mà ý nghĩa rất là thâm sâu. Người ta đem những câu chuyện đó ra làm đề tài cho thiền tập.
Thoại đầu là câu nói của một vị thiền sư, và trong câu nói đó cũng có những ý nghĩa rất sâu xa. Trong bộ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục người ta sao lục được khoảng 1700 cổ tắc, công án và thoại đầu. Thầy Tuyết Đậu đã rút những tinh yếu của 1700 cổ tắc đó để làm ra 100 bài tụng cổ.
Tụng cổ nghĩa là đọc lại những cổ tắc, những công án, và những thoại đầu. Những đề tài được thầy đưa ra cho đệ tử làm đề án tham thiền thì gọi là công án. Công án dịch tiếng Anh là Public cases. Trong khóa tu này mình sẽ duyệt qua một số công án đã được các thiền sư Việt Nam sáng tác và đã được thực tập trong đời Trần.
Đối với một công án hay cổ tắc, vị thiền sư cho ra một bài tụng để giúp người đệ tử có thể hiểu được công án đó, và bài đó gọi là tụng cổ.
Đời Trần có một vị vua tên là Trần Nhân Tông, cũng là một thiền sư. Vua Trần Nhân Tông cũng đã viết những bài tụng cổ để giúp cho các đệ tử tham thiền. Chúng ta hãy đọc một bài tụng cổ của vua Trần Thái Tông để biết tụng cổ là gì.
Bài tụng cổ thường thường có "cử" ("cử" mình có thể nói là xướng lên, là trích ra, cử lên). Nói cái công án lên thì gọi là cử. Đây là công án thứ 16 của vua Trần Thái Tông.
Lâm Tế sau khi xuất thế, chỉ dùng có phép bổng, yết để khai thị đồ chúng. Hễ thấy một vị tăng vào cửa là hét. Có nghĩa là thiền sư Lâm Tế sau khi ra dạy đạo thì dùng phép bổng và yết tức là dùng gậy và tiếng hét. Mình là con cháu của thầy Lâm Tế, nhưng ở Làng Mai các đệ tử của tôi không bị hai cái đó, rất là đỡ!
Lâm Tế sau khi xuất thế chỉ dùng có phép bổng và yết để khai thị đồ chúng. Khai thị tức là mở mang trí óc của đồ chúng, chỉ cho học trò thấy được sự thật. Thầy Lâm Tế đã chỉ bằng những phương pháp rất mạnh. Đó là cái gậy và cái tiếng hét. Hễ thấy một vị tăng vào cửa là hét. Sợ lắm. Sợ thầy như là sợ cọp vậy đó.
Hồi tôi đến Hạ Môn để hướng dẫn một khóa tu cho 600 vị xuất gia tại chùa Nam Phổ Đà thì có được hòa thượng Diệu Trạm mời vào trong phương trượng để uống trà. Các sư cô, các thầy đi theo tôi cũng được mời vào trong phương trượng của hòa thượng để uống trà. Trong phương trượng có treo hai chữ Sư Quật. Sư là sư tử; quật là cái hang, hang của sư tử. Thầy là con sư tử và phòng của thầy ở là hang sư tử. Vào đó lôi thôi thế nào cũng bị tiếng hét hay là cây gậy.
Sau khi cử ra công án thì tới niêm. Niêm là cầm ra, cầm lên như là niệm hương. Công án này đã được vua Trần Thái Tông cầm lên, nói một vài câu để giúp cho người học trò thấy được, khám phá được cái gì sâu sắc và bí hiểm trong công án đó. Vua niêm như sau:
Giữa trưa mồng Năm tháng Năm, Bao nhiêu độc địa trong lưỡi miệng đều tan biến.
Tết Đoan Ngọ nhằm ngày mồng Năm tháng Năm. Ngày Tết Đoan Ngọ là ngày mà ở nước ta (và bên Trung Quốc), chuyên môn ăn trái cây. Ngày hôm đó người ta ra vườn, ra rừng để hái lá về làm trà. Người ta tin rằng ngày hôm đó tất cả độc địa trong miệng lưỡi của mình đều tan biến hết. Giờ linh thiêng nhất là vào 12 giờ trưa mồng Năm tháng Năm. Đó là câu niêm của thiền sư đưa ra để giúp chúng ta hiểu được công án.
Kế đến là tụng. Tụng là một bài kệ, nhắm vào bài công án để giúp cho người thiền sinh có một cơ hội thứ hai. Trước hết là Cữ, cữ lên, thứ hai là Niêm, làm cho rõ bằng một câu nói. Và thứ ba là Tụng, tức là đưa ra một bài kệ bốn câu để giúp cho người đệ tử có thêm cơ hội. Như vậy là người đệ tử có tới ba cơ hội: Cữ công án; Niêm công án; và Tụng công án hay Tụng cổ.
Bài tụng cổ của vua Trần Thái Tông là như sau:
Vừa tới cửa ngoài nghe tiếng hét,
Tỉnh giấc hôn trầm lũ cháu con,
Một tiếng sấm Xuân vừa chấn động,
Khắp nơi cây cối nẩy mầm non.
Hai câu sau của bài kệ này chúng ta có chép lại và treo ở thiền đường Nến Hồng ở Xóm Hạ.
Vừa tới cửa ngoài nghe tiếng hét. Vừa mới tới cửa ngoài của hang sư tử thì đã nghe tiếng hét của sư tử,
Tỉnh giấc hôn trầm lũ cháu con. Lũ cháu con đây là đệ tử. Tác dụng của tiếng hét là làm tỉnh cơn mê của đệ tử.
Một tiếng sấm Xuân vừa chấn động. Chúng ta đang ở trong mùa Đông và chúng ta chịu sự lạnh lẽo. Tất cả cây cối đều không mọc lên được một ly nào. Nhưng khi có tiếng sấm của Chúa Xuân bắt đầu nổi dậy thì giống như một cái lệnh cho biết mùa Xuân đã đến. Từ lúc đó trở đi, tất cả cây cối bắt đầu nẩy mầm Xuân. Đó là tác dụng của tiếng hét của thiền sư. Tiếng hét của thiền sư không phải để la mắng mình mà để làm cho mình thức tỉnh, và tất cả năng lượng, tất cả những hạt giống tốt ở trong mình có cơ hội bộc phát, nẩy mầm.
Đó là bài tụng cổ của vua Trần Thái Tông đưa ra để giúp cho các đệ tử hiểu được công án: "Thiền sư Lâm Tế sau khi xuất thế chỉ dùng có gậy và tiếng hét để khai thị đồ chúng. Hễ thấy một vị tăng vào cửa là hét".
Thiền sư Tuyết Đậu đã làm được một trăm bài tụng cổ. Sau này có một vị thiền sư khác tên là Viên Ngộ đã căn cứ trên 100 bài tụng cổ đó để bình luận, để giải thích, để trang điểm. Những lời bình xướng, những lời giới thiệu đó gọi là Thùy thị.
Thiền sư Tuyết Đậu làm ra một tác phẩm gọi là Bích Nham Lục mà người tu thiền nào cũng biết. Bích có nghĩa là màu xanh, nham là triền núi, lục là những lời ghi chép. Bích Nham Lục đã được dịch ra tiếng Anh ít nhất là hai lần, tại vì đây là một tác phẩm rất quan trọng cho các thiền viện từ xưa cho đến nay. Có người đã tu 4 năm ở Làng Mai mà chưa bao giờ được tôi dạy về công án, và cũng chưa bao giờ nghe đến tác phẩm Bích Nham Lục. Đó là vì pháp môn tu ở Làng Mai rất khác với pháp môn tu ở các thiền viện khác.
Trong pháp tu công án, mỗi khi thầy thấy được cái cơ duyên, cái tâm lý của một đệ tử, thì thầy giao cho người đó một công án để nghiền ngẫm.
Vài ví dụ về công án là:
♦ Tất cả các pháp đều trở về một pháp, vậy thì một pháp đó trở về đâu?
♦ Chủ ý của tổ Bồ Đề Đạt Ma khi sang Á Đông là gì?
♦ Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay? Thường thì hai bàn tay mới vỗ được, còn một bàn tay thì vỗ như thế nào?
♦ Một công án khác mà chư tổ đã đưa cho đệ tử là một thiền sinh lên bạch với thiền sư Triều Châu rằng:
-Bạch thầy con chó có Phật tánh không? Thiền sư nói Không! Và chữ Không đó là một công án.
Trong các thiền viện không phải người ta chỉ giao cho thiền sinh một công án, mà người ta giao cho nhiều công án. Công án này xong thì tới công án khác.
Khi người thiền sinh tiếp nhận công án, theo nguyên tắc phải đem công án đó về chôn rất sâu trong tâm thức của mình, và mỗi ngày đều phải tưới tẩm công án đó để cho nó nở hoa. Chôn là vì công án đó không thể nào giải đáp được bằng lý trí của mình.
Chúng ta biết rằng tâm của mình gồm có hai phần. Phần dưới gọi là Tàng, phần trên là Ý. Tàng là chỗ cất dấu. Khi tiếp nhận một công án thì mình tiếp nhận qua ý thức, nhưng mình phải đem chôn xuống phần tàng, tại vì ý không đủ sức để phá vỡ công án. Khi nghe một câu hỏi thì ý có khuynh hướng giải đáp câu hỏi đó liền. Nhưng theo phương pháp của công án thì câu hỏi đó đừng vội đem ra trả lời. Mình phải mở cửa tàng thức cho câu hỏi chìm vào trong đó. Rồi mình mới dùng chánh niệm suốt ngày đêm. Biết công án nằm ở đó và mình đi đứng nằm ngồi trong chánh niệm, mình tin chắc một ngày mai công án đó sẽ bung ra, mình sẽ hiểu, và cái hiểu đó phát hiện trên phần ý như một bông hoa, mà ta gọi là bông hoa giác ngộ.
Công án là một món quà của thiền sư tặng cho đệ tử. Rất là nhức nhối. Nó giống như một mũi tên cắm vào bả vai của mình, không thể nào nhổ ra được, và mình phải sống với mũi tên đó cho đến khi nó chuyển hóa, nó trở thành cái hiểu biết, thì mình giác ngộ.
Phép tu này cũng có sự nguy hiểm của nó. Tại vì trong lịch sử thiền tập có nhiều thiền sinh không thành công với công án. Không biết cách phá vỡ công án và không thành công. Có thể là vị thiền sư không hiểu thấu cơ duyên, căn cơ của người thiền sinh, cho nên đưa một công án không thích hợp. Cũng có thể là người thiền sinh thiếu định, hoặc sử dụng trí năng nhiều quá mà không biết chôn công án đó vào chiều sâu của tàng thức, cho nên không thành công.
Ví dụ như công án: Thầy hãy nói cho tôi biết mặt mũi của thầy ra sao trước khi mẹ thầy sinh thầy ra. Hay là Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay? Nếu mình dùng ý thức mà soi rọi vào công án đó thì không bao giờ mình phá vỡ được công án. Tại vì công án được đưa ra như một cái gì để mình không thể nào giải thích được bằng ý thức.
Ý thức giống như một cái đầu xe lửa. Nó có một đường rầy trước mặt và nó có khuynh hướng lao mình trên hai đường rầy đó. Công án là một phương tiện, đưa cho mình để mình thấy rằng đường lối suy tư, phân tích của mình không bao giờ có thể tìm được điều bí ẩn của công án. Vì vậy công án thường giống như một bàn tay lấy hai đường rầy xe lửa đi và chiếc đầu tàu của ý thức không thể đi tới thêm được nữa! Đầu tàu bí lối!
Vì vậy cho nên phương cách duy nhất là mở cửa tàng thức, đưa nó xuống và đợi. Trong khi đó thì ý thức phải vun tưới, phải trông đợi tàng thức làm công việc mà ý thức không làm được.
Ý thức là người làm vườn, và tàng thức là khu vườn. Người làm vườn thật ra không thể nào chế tạo được hoa lá, cây trái. Người làm vườn chỉ có thể giúp cho khu vườn chế tạo hoa lá và cây trái.
Sự hiểu biết, sự giác ngộ cũng vậy. Giác ngộ chỉ có thể do tàng thức cống hiến. Ý thức chỉ làm công việc vun bón, tưới tẩm mà thôi. Công án là vậy.
Khi đã có một công án mà cứ ngồi pháp đàm về công án thì không thể nào thành công được. Công án không phải là đối tượng của pháp đàm. Công án là đối tượng của sự chôn dấu, sự tưới tẩm. Nhờ sự thực tập chánh niệm hàng ngày mà một ngày kia tự nhiên mình hiểu. Đôi khi thức dậy mình hiểu, hay là đôi khi đi ra vấp một cục đá thì mình hiểu. Cái hiểu nó đến rất là bất ngờ.
Tác phẩm Bích Nham Lục hiện có tiếng Việt, tiếng Anh thành ra quý vị có thể tham khảo được. Có những trường hợp trong đó người tham khảo công án thành công. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp người tham khảo công án không thành công. Trong trường hợp không thành công thì nó có thể sinh ra nhiều biến chứng bế tắt, bực bội.
Mùa Xuân năm nay ở Tokyo, trong khi gặp báo chí tôi có nói rằng: Những công án như "Tiếng vỗ của một bàn tay", hoặc "Bồ-Đề Đạt-Ma từ Ấn Độ sang với chủ đích gì?" phải được cống hiến cho thiền sinh theo phương pháp nào, phải được tu tập theo cách nào để nó có thể đáp ứng được những khổ đau đích thực của chúng ta, đáp ứng được những lo lắng, sợ hãi, những buồn rầu, những giận hờn, những vướng mắc của con người, thì mới đáng công tu học. Còn nếu tu tập các công án đó mà không dính líu gì đến những đau khổ đích thực của chúng ta và của xã hội, thì theo tôi những công án đó không có ích lợi gì cả. Tôi cũng đã nhắc lại lời tuyên bố đó ở Hán Thành, thủ đô của Đại Hàn. Tại vì ở Nhật Bản cũng như ở Đại Hàn, trong phái Lâm Tế, người ta vẫn tiếp tục tu theo thiền công án.
Ở Làng Mai thỉnh thoảng chúng ta cũng có công án nhưng mà dễ ợt, ví dụ như thiền sinh đang gọt cà rốt, khi đi ngang qua, tôi hỏi: Con đang làm gì đó? Nếu thiền sinh hiểu được thì nhìn thầy mỉm cười hoặc trả lời: Dạ con đang thở, con đâu có làm gì đâu? Còn nói rằng con đang gọt cà rốt, thì đã không hiểu được lời của tôi.
Một hôm tôi thấy một cô thiền sinh đẩy một chiếc xe ba bánh chở thực phẩm đi vào trong kho. Tôi hỏi: Con đang làm gì đó? Cô trả lời: Con đang chở đồ vào kho. Tôi thêm vào một câu để giúp: Good luck (Chúc cô may mắn). Tại vì cô đã trượt lần thứ nhất rồi, lần thứ hai này là một cơ hội, "chúc cô may mắn". Cố nhiên nếu mình chở thức ăn từ nhà bếp đi vào nhà kho thì đâu cần may mắn nhiều. May mắn đây là chỗ cô có thể hiểu được, cô có thể thực tập được trong khi cô làm việc. Còn nếu cô làm việc hì hục như người ở ngoài đời thì tại sao lại phải vào chùa làm gì? Vào chùa chùi nhà tắm, cưa củi, gánh nước, là phải làm trong chánh niệm. Chính nhờ làm trong chánh niệm mà cái tuệ của mình nó mới bung ra. Còn nếu làm hì hục như ở ngoài đời, chỉ lao động tốt thôi thì không đi đến đâu hết.
Bây giờ chúng ta trở lại với thiền sư Thảo Đường.
Sau khi khám phá ra được người tù binh là thiền sư Thảo Đường, vị tăng lục đó mới lên chầu vua và tường thuật tất cả những sự việc đã xảy ra. Nhà vua mới cho mời thiền sư Thảo Đường vào cung, và sau một hồi tiếp kiến thì vua Lý Thánh Tông rất khâm phục và Vua đã cúi đầu đảnh lễ rồi tôn thầy làm Quốc sư, tức là thầy của vua, đồng thời thỉnh thầy ở lại ngôi chùa sang trọng nhất ở kinh đô để trụ trì, đó là chùa Khai Quốc. Từ đó về sau chúng ta có thêm một phái thiền ở Việt Nam tên là Thiền phái Thảo Đường.
Thiền phái Thảo Đường có những đặc sắc riêng của nó. Đặc sắc đầu tiên là thiên trọng giới trí thức. Trong thiền phái này chỉ có người trí thức tham dự thôi, rất khác với các thiền phái đã từng có trước đây ở Việt Nam.
Thứ hai là đặc tánh dung hợp đạo Bụt và đạo Nho. Thiền phái Thảo Đường chuyên sử dụng những bài tụng, những bài thi kệ trong sự thực tập. Do đó chú trọng rất nhiều tới phương diện văn chương của thiền tập.
Chúng ta biết rằng trước khi có phái Thảo Đường thì đã có những thiền phái như Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi, và Vô Ngôn Thông. Các thiền sư của phái Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi và phái Vô Ngôn Thông cũng đã từng dùng thi kệ, từng dùng những bài thơ trong lúc đối đáp giữa thầy và đệ tử, không phải đợi đến phái Thảo Đường thì mới làm chuyện này. Tuy vậy từ ngày có phái Thảo Đường thì hai phái kia bị ảnh hưởng, các thầy, các sư cô trong hai phái kia bắt đầu sử dụng thiền ngữ, thi ca và tụng cổ nhiều hơn.
Chúng ta có thể nói rằng thiền phái Thảo Đường là một thiền phái được thiết lập tại Việt Nam từ năm 1069, do một vị thiền sư Trung Hoa sang hành đạo tại nước Chàm và bị bắt về Đại Việt với tư cách một tù binh. Lịch sử Đại Việt dính liền với lịch sử Trung Quốc và lịch sử nước Chàm. Ngày xưa chúng ta bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nhưng cũng chịu ảnh hưởng văn hóa Chàm rất nhiều.
Vương quốc Chàm hiện nay không còn nữa, nhưng người Chàm hiện nay vẫn còn ở Việt Nam. Đa số người Chàm đã đồng hóa với người Việt, nhưng cũng có vào khoảng 50 hay 60 ngàn người Chàm chưa đồng hóa với người Việt. Hiện nay cũng còn vài nàng công chúa Chàm, khoảng 90, 95 tuổi rồi. Nếu về Việt Nam sớm thì quý vị có thể gặp những nàng công chúa Chàm của hiện đại. Người Chàm có khi chúng ta gọi là người Hời. Văn hóa Chàm hiện cũng còn dấu tích rất nhiều trong văn hóa Việt Nam. Những điệu hát như Nam Ai, Nam Bình ở Huế là những điệu hát lấy từ nhạc Chàm, ảnh hưởng nhạc Chàm rất sâu đậm.
Trong đời nhà Trần nước ta và Vương Quốc Chàm có nhiều mối giao thiệp có liên quan đến thiền sư Trần Thái Tông, công chúa Huyền Trân, thượng tướng Trần Khắc Chung v.v..., mà chúng ta sẽ nói đến trong chương Thiền Phái Trúc Lâm sau này.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]