TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai
BẢO QUẢN ĐAU KHỔ ĐỂ CÓ HẠNH PHÚC
Tôi nhớ cách đây chừng 10 hay 12 năm, trong khi hướng dẫn một khóa tu ở Mỹ, miền Nam California, tôi thấy thiền sinh ở đó dâng một bình hoa lên bàn Phật. Bình hoa hôm đó vừa có hoa mà vừa có rác. Có lẽ một thiền sinh nào đã nghe giảng về tính cách tương tức giữa rác và hoa, cho nên hôm đó đã dâng lên bàn thờ Phật một bình hoa khá đẹp, trong đó có nhiều yếu tố rác.
Cố nhiên là có những cành hoa, nhưng có những thứ thật sự là rác. Ví dụ như có những chiếc lá khô, những vỏ trứng, một vỏ chuối, một ít bụi đất, và để ý cho kỹ thì thấy có một mảnh nylon ở trong bình hoa. Đây là một điều hết sức cách mạng! Vì khi dâng hoa lên đức Thế Tôn, mình chỉ dâng hoa thôi, ai mà dâng rác! Nhưng trong trường hợp này, vị thiền sinh đó đã dâng hoa và dâng luôn cả rác!
Có những thứ rác có thể được chuyển hóa thành hoa rất mau chóng, như những chiếc lá khô kia, hay những vỏ chuối kia. Chỉ trong vài tháng là chúng thành hoa. Nhưng có những thứ rác mình phải mất nhiều thì giờ hơn, nhiều công phu và tâm lực hơn, thì mới chuyển thành hoa được. Trong trường hợp một tờ Nylon thì không thể nào được chuyển thành hoa nhanh như là một vỏ chuối, hay một vỏ cà rốt. Khi chúng ta dùng những tấm tã làm sẵn để quấn cho em bé, những tấm tã có bọc nylon, disposable nappy, dùng xong thì liệng bỏ đi, thì chúng ta biết rằng ít nhất là 200 năm nữa, cái tã đó mới mục đi, mới trở thành đất, và sẵn sàng để trở thành hoa trở lại.
Có rất nhiều thứ rác mà khi đã tạo ra rồi thì chúng ta phải chờ đợi rất lâu mới có thể chuyển chúng thành hoa được. Vì vậy mà ta phải rất cẩn thận.
Ví dụ như rác nguyên tử. Không phải là cần 200 năm mà hàng chục ngàn năm, mới có thể được chuyển thành hoa. Mỗi lò nguyên tử, mỗi nhà máy biến điện chạy bằng nguyên tử, hàng năm sản xuất rất nhiều rác nguyên tử. Năm 1966 một lò nguyên tử thương mại được thành lập tại West Valley, New York. Chỉ sau 6 năm hoạt động, lò này đã sản xuất ra 600 ngàn gallons chất phế thải có độ phóng xạ cao (High-level Radioactive waste), và người ta phải dùng đến 20 ngàn thùng bằng thép để chất chứa. Đó là chưa kể những chất lỏng phóng xạ phế thải cũng từ lò này, mà người ta phải làm đông lạnh lại và cần rất nhiều ống thủy tinh để chứa. Vì vậy năm 1972 lò này bị đóng cửa, và vào cuối thế kỷ thứ 20, Hoa Kỳ không còn cho phép lò biến chế nguyên tử (Fuel reprocessing plants) được thành lập trên đất Mỹ.
Có những loại rác nguyên tử có thể đốt được, có thể rửa được, và có thể chứa chất trong những hầm bằng ciment chôn không cần sâu lắm ở dưới mặt đất. Những rác nguyên tử đó không thuộc loại độc hại nhất, nhưng cũng đủ làm cho chết người và ô nhiễm không khí. Còn những loại rác nguyên tử rất độc hại thì người ta chôn rất sâu trong lòng đất. Trước khi chôn, người ta phải cất kỹ những rác đó vào trong các ống thủy tinh, phòng khi nước chảy qua thì không thấm vào được trong rác đó và chuyển chất độc đi vào lòng đất. Trung bình, một máy biến điện nguyên tử, mỗi năm sản xuất khoảng 3 thước khối loại rác ác ôn đó!
Tuy rác nguyên tử được chôn rất sâu vào lòng đất, trong những thùng chứa bằng thếp, bằng bê-tông, bằng thủy tinh rất kiên cố, nhưng chúng ta đâu biết được? Có thể có một trận động đất, và sức nóng của hỏa diệm sơn có thể làm chảy chất thủy tinh, làm chảy đất đá rất dễ dàng, và con cháu của chúng ta sẽ lãnh hết hậu quả!
Hiện ở Âu Châu có biết bao nhiêu lò phát điện nguyên tử như vậy. Quý vị cứ tưởng tượng, hàng năm mỗi máy tạo ra cho chúng ta 3 thước khối thứ rác độc hại mà vài ngàn năm sau chưa chắc chúng đã được chuyển đổi thành đất! Đó là chưa kể những rác nguyên tử ít độc hại hơn, không phải chôn sâu mà chỉ nhốt chúng vào trong những thùng chứa bằng bê-tông.
Khi nghĩ tới những rác nguyên tử chôn sâu trong lòng đất đó, ta thấy tâm ta không an lạc. Tại sao? Tại đó là những món quà mà thế hệ của chúng ta đang để lại cho con cháu sau này. Những món quà quá độc hại và càng ngày càng nhiều!
Chúng ta có liên hệ gì đến việc đó hay không? Có! Tại vì mỗi ngày chúng ta có sử dụng điện! Điều quan trọng nhất là chúng ta phải ý thức rằng chúng ta đang góp phần tạo ra những loại rác rến ghê gớm như vậy cho con cháu của chúng ta! Có thể một ngày mai, khi có cơ hội để chúng ta nói lên được, hay chúng ta làm được một cái gì để chận đứng đà phá hoại này, thì chúng ta nên mở miệng ra, nên hành động, và nên chọn lựa. Chúng ta nên có chánh niệm, nên có ý thức hiện chúng ta đang làm gì và đang để lại cho con cháu chúng ta những gì ở trong tương lai.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta chế tạo ra khá nhiều rác rến. Chúng ta biết loại rác nào có thể được chuyển hóa mau chóng thành đất, thành hoa, và loại rác nào phải đợi rất lâu mới có thể chuyển hóa ra đất, ra hoa. Cũng vì lý do đó mà tại Làng Mai chúng ta được học rằng phải có chánh niệm trong việc sử dụng các bao nylon khi mua phẩm vật. Ví dụ khi đi chợ, thay vì đi hai tay không, chúng ta đem theo một cái giỏ bằng vải, bằng mây để đựng những thức chúng ta mua, thay vì sử dụng túi nylon của người bán hàng.
Đứng về phương diện chất độc của tâm ý thì cũng vậy. Mỗi ngày chúng ta có thể tạo ra những rác rến. Chúng ta có những sợ hãi, những lo buồn, những hồi hộp, đủ để làm cho chúng ta khổ. Trong khi đó còn có những người chuyên môn tạo ra những sản phẩm gọi là "văn hóa", cung cấp thêm cho chúng ta sự sợ hãi, sự lo buồn, sự hồi hộp, sự thèm khát.
Ví dụ những sản phẩm phim ảnh. Có những phim được làm ra, bán rất chạy, những phim đó đầu độc tuổi trẻ, đầu đọc người lớn, tạo thêm những sợ hãi, những hồi hộp, những lo lắng, những giận hờn. Nhưng chúng ta lại rất thích tiêu thụ! Tại vì chúng ta thấy trống rỗng ở trong con người của chúng ta, chúng ta không chịu nổi, chúng ta bắt buộc phải mở máy để coi những phim như vậy. Chúng ta bắt buộc phải mua những cuốn video đó. Chúng ta bắt buộc phải mua những cuốn sách đó, và trong khi tiêu thụ, chúng ta làm cho tình trạng rác rến của chúng ta càng ngày càng lớn.
Chính sách của chúng ta để chăm sóc rác rến, không phải là một chính sách thông minh, và càng ngày khung cảnh sống của chúng ta càng nhỏ hẹp. Sống không chánh niệm thì chúng ta có thể vung vãi những đau buồn, những giận ghét, những thù hận, những đen tối ở trong ta ra chung quanh ta. Đó cũng là một hình thức làm ô nhiễm môi trường sinh sống của con người. Chúng ta làm ô nhiễm thân thể và tâm hồn chúng ta đã đành, nhưng chúng ta cũng làm ô nhiễm luôn môi trường sinh hoạt của những người đang sống quanh ta. Mỗi khi chúng ta có giận, có buồn, có ganh, có ghét, có tuyệt vọng, có bực bội là chúng ta đang vung vãi rác của chúng ta lên những người chung quanh. Như vậy là rất tội nghiệp cho họ. Vì vậy cho nên mỗi người trong chúng ta phải có một phương pháp, một chính sách bảo quản rác của chính mình, làm thế nào để rác đó đừng xâm chiếm, đừng tàn hại, đừng làm hư hỏng môi trường sinh hoạt của những người khác.
Chánh niệm giúp cho chúng ta nhận diện được cái gì là rác, cái gì là hoa. Cái nào là rác mình có thể quản lý được, mình có thể chuyển thành hoa được, và những rác nào mình không có khả năng chuyển hóa, không có khả năng quản lý, và mình phải cần tới tăng thân, cần tới thầy, tới bạn mới có thể quản lý và chế tác nó trở lại thành hoa.
Khi vị thiền sinh kia dâng lên đức Thế Tôn một bình hoa, trong đó có rác và có hoa, thì vị ấy có tâm niệm mà mình có thể diễn dịch như sau: Bạch đức Thế Tôn, con biết rằng bình hoa mà con dâng lên đức Thế Tôn hôm nay, có cả hoa lẫn rác. Những hoa này nếu không bảo tồn, ngày mai cũng thành rác, và những rác này, nếu biết phương pháp, thì ngày mai cũng sẽ thành hoa. Sở dĩ con hiến cúng lên đức Thế Tôn bình hoa vừa có hoa vừa có rác này, là vì con có chánh niệm, con không sợ hãi, con nghĩ rằng con biết rác là rác, biết hoa là hoa. Những hoa kia con cố gắng để làm cho nó còn là hoa càng lâu càng tốt. Và những rác kia con biết nó là rác và con sẽ tìm cách chuyển hóa nó để mai mốt nó trở lại thành hoa.
Đó là cái tuệ giác mà người thiền sinh kia dâng cúng lên đức Thế Tôn. Cái đó gọi là tuệ hương. Có giới hương, thì sẽ có định hương, rồi có tuệ hương. Khi cúng dường như vậy là mình cúng dường cái trí tuệ của mình và công đức sẽ vô lượng.
Khi trình diện trước mặt đức Thế Tôn, chúng ta chắp tay lại. Bên ngoài, chúng ta thấy rằng mình vừa đi tắm xong. rất thơm tho, áo quần rất sạch sẽ. Nhưng bên trong, ta không được thơm tho cho mấy, vì thế nào trong ruột ta cũng còn những chất không thơm tho. Vậy mà chúng ta dám trình diện trước đức Thế Tôn. Tại sao vậy? Tại vì đức Thế Tôn có một cái nhìn không có gì dơ cũng không có gì sạch.
Chúng ta phải thấy rằng trong ta có những cái dơ, có những cái sạch. Dơ thì mình biết là dơ, sạch thì mình biết là sạch. Sạch mà không biết bảo quản thì nó sẽ trở thành dơ, và dơ mà biết bảo quản thì nó sẽ trở thành sạch. Khi đứng trình diện trước đức Thế Tôn mà có cái tuệ giác đó, thì ta không còn sợ hãi.
Đó là đứng về phương diện cơ thể của chúng ta. Đứng về phương diện tâm hồn thì cũng vậy. Trình diện trước đức Thế Tôn, chúng ta biết rằng trong ta có cái thậm tâm, có sự cung kính, có sự quay về nương tựa, nhưng trong ta cũng có những phiền ảo, những buồn giận. Trình diện trước đức Thế Tôn chúng ta đâu có che dấu mấy cái đó được? Đức Thế Tôn nhìn và ngài biết hết, thấy hết! Ngài đang mỉm cười. Con dấu cái gì sau lưng đó? Mình có dám dấu gì đâu? Mình có tình thương, có niềm tin, nhưng mình cũng có những phiền não cần chuyển hóa. Điều quan trọng nhất là mình biết mình có những niềm vui nào, và mình có những đau buồn, những phiền não nào, mình trình bày hết lên đức Thế Tôn. Con không sợ, con có những niềm vui này làm cho con sống hạnh phúc ngày hôm nay, và làm cho những người chung quanh con có hạnh phúc. Nhưng con cũng có những cái rác này, con biết nó là rác, và con không sợ hãi, tại vì con đã học được từ đức Thế Tôn những phương pháp và con có trách nhiệm phải bảo quản cái rác của con, làm thế nào để những rác này trở thành hoa trong một tương lai rất gần.
Điều làm cho mình mắc cỡ, không phải là sự kiện mình có rác. Trong chúng ta ai cũng có rác hết! Sự thật là có hoa thì có rác. Điều không chấp nhận được là mình biết mình có rác, mà mình không làm gì để bảo quản rác đó, và để chuyển rác đó thành hoa. Đó mới là điều không chấp nhận được. Còn chuyện mình có rác, có thể được đức Thế Tôn chấp nhận, được thầy chấp nhận, được sư anh chấp nhận, sư em chấp nhận. Ai cũng chấp nhận rằng mình có quyền có rác, nhưng người ta không chấp nhận được chuyện người tu mà không thực tập để chuyển hóa rác. Chúng ta không chống đối rác, tại vì chúng ta biết rác đóng vai trò của nó trong sự nuôi hoa. Vì vậy chúng ta phải học phương pháp bảo quản rác để có thể sử dụng rác đó mà nuôi lớn những bông hoa của chúng ta. Đó là giáo lý về sự tương tức giữa rác và hoa.
Khi trong quá khứ chúng ta đã sống không có tình thương, chúng ta khao khát tình thương, thì ngày hôm nay, nếu có được tình thương thì chúng ta phải biết quí trọng tình thương đó. Mà sở dĩ chúng ta trân quí tình thương chúng ta đang tiếp nhận, là vì ngày xưa chúng ta đã sống côi cút, chúng ta đã sống lạnh lẽo không có tình thương. Thành ra chuyện ngày xưa sống không có tình thương nó là rác. Chính nhờ cái rác đó cho nên hôm nay chúng ta có thể nhận diện và trân quí tình thương mà chúng ta có được ngày hôm nay. Vì vậy hạnh phúc là do khổ đau trong quá khứ giúp phần tạo tác ra. Cho nên rác rất cần cho hoa.
Sáng nay nếu đi thiền hành mà chúng ta hạnh phúc tràn trề là vì đã có những lúc chúng ta đau ốm, chúng ta nằm liệt giường và nghĩ đến chuyện đi ra ngoài, thở không khí trong lành, nhìn trời xanh, mây trắng, nghe tiếng chim hót, và tiếp xúc với lá, với hoa. Chúng ta đã rất thèm, nhưng chúng ta đã không ra được. Còn sáng hôm nay chúng ta đi và chúng ta sung sướng cực kỳ là tại trong mấy ngày trước đây, đã có lúc chúng ta rất thèm chuyện được đi thiền hành. Đi mà lòng khỏi phải suy nghĩ, mà trong cơ thể không có những cơn sốt.
Khi ngồi thiền hay đi kinh hành, mức độ an lạc của sự ngồi thiền, hay của việc đi kinh hành, cũng tùy thuộc vào những khổ đau của chúng ta trong quá khứ. Chúng ta ai cũng đã từng đau ốm. Có khi chúng ta đau rất nặng, nhưng tin rằng chúng ta sẽ khỏi. Nếu không khỏi trong hai ba ngày thì sẽ khỏi trong một tháng, và ta không lấy làm đau buồn lắm. Tại vì tuy ta đang nằm liệt giường liệt chiếu như vậy, nhưng ngày mai hết bệnh, ta có thể tung chăn đi ra ngoài thiên nhiên để hít thở khí trời, mỉm cười và đi những bước thiền hành trở lại. Cho nên chúng ta không đau khổ. Nhưng giá dụ quý vị đang bị bệnh nặng, và quý vị biết rằng mình sẽ không bao giờ lành hết. Lần này là đi luôn, thì lúc đó quý vị có cảm tưởng gì? Mình đang còn trẻ, mình đã từng bệnh, nhưng mình chưa bao giờ nghĩ rằng bệnh này của mình là lần bệnh cuối cùng. Mình luôn luôn nghĩ rằng thế nào mình cũng lành!
Nhưng ít nhất sẽ có một lúc nào đó mình sẽ nằm xuống, và mình biết trong cơ thể của mình lần này là lần chót, đau là đi luôn, không còn cơ hội có thể đứng dậy, lành bệnh và đi ra ngoài để đi thiền hành trở lại. Chắc chắn sẽ có một lần như vậy, ít nhất là một lần như vậy! Lúc đó thì những cơn đau kéo tới, và ta đau hơn là sức ta có thể chịu được! Cho nên ta rên siết.
Có những kinh trong đó Bụt dạy chúng ta phải chuẩn bị, tại vì vào giờ phút lâm chung, những cơn đau nhức nó kéo tới nhiều khi rất vũ bão. Cho nên mình phải chuẩn bị, phải thực tập để lúc đó mình có thể chịu đựng được. Nếu trong số thính chúng đây mà có một vài vị đã từng bệnh như vậy, đã từng nghĩ rằng đây là lần đau cuối cùng, và không có cơ hội lành như những lần trước, thì mỗi khi đi thiền hành hay ngồi thiền, quý vị đó có thể có hạnh phúc lớn lắm. Tại vì trong lúc ngồi thiền như vậy, lúc đi thiền hành như vậy, hai chân mình còn khỏe và mình chưa phải đối diện với giờ phút cuối cùng đó. Vì vậy cho nên lúc ngồi thiền, mình ngồi rất là hạnh phúc! Mình ngồi rất hạnh phúc là tại mình nghĩ tới lúc đó. Tới lúc đó rồi thì mình muốn ngồi dậy cũng không được nữa. Không đủ sức để ngồi dậy, nói chi đến ngồi thiền hay đi thiền hành!
Thành ra bây giờ mình nên ngồi thay cho lúc đó, tại vì thế nào lúc đó cũng sẽ tới! Nội việc liên tưởng đến giờ phút suy nhược đó là mình đã thấy an lạc rất nhiều trong khi ngồi thiền hay đi thiền hành. Vì vậy chúng ta rút ra một kinh nghiệm là nhờ dựng vào bối cảnh của rác mà chúng ta thấy hoa đẹp tới mức nào.
Chúng ta thấy sức khỏe quí giá là nhờ có những cơn đau. Chúng ta thấy hạnh phúc lớn lao, là tại chúng ta đã trải qua những giây phút đau khổ. Vì vậy khổ đau có liên hệ đến hạnh phúc, như một sư cô đã viết trong bài làm hạnh phúc của mình: Con biết hạnh phúc nó không tách rời ra khỏi khổ đau, cho nên con ôm lấy cả hai, con quán chiếu cả hai. Đó là tuệ giác của sư cô.
Cái đau khổ kia, cái rác rến kia mình phải có một biện pháp để bảo quản. Mình phải có khả năng chánh niệm để nhận diện, để chuyển hóa, và trong cuộc đời của chúng ta rác rến đóng một vài trò rất quan trọng, đau khổ đóng một vai trò rất quan trọng. Nếu không có rác thì không có hoa, nếu không đau khổ thì không có hạnh phúc. Nói như vậy không có nghĩa là rác thì kệ rác. Rác phải được nhận thức là rác. Chính nhờ sự có mặt của rác mà mình có thể chế tác ra hoa. Đây là một điều quan trọng.
Trong quá khứ chúng ta đã từng gây ra những vụng dại, lỗi lầm. Có những vụng dại lỗi lầm mà ta có thể chuộc lại được, có thể hàn gắn được. Nhưng có thứ vụng dại lỗi lầm chúng ta nghĩ rằng thật là khó có thể hàn gắn lại được. Chúng ta nói rằng giống như một cái dĩa đã bể, có tìm cách hàn gắn thế nào, thì cái dĩa cũng không còn như cũ. Đôi khi giữa tình anh em, giữa tình cha con, giữa tình vợ chồng, bè bạn, có sự nứt rạn đó, và ta nghĩ rằng khi nứt rạn rồi thì không thể nào trở lại được như ngày xưa, và rác này là rác bỏ đi, không bao giờ trở lại thành hoa được. Vì nghĩ vậy nên chúng ta buông xuôi, chịu thua, và chúng ta nói rằng chuyển hóa rác này là chuyện ngoài tầm tay của chúng ta.
Nhưng nhìn kỹ thì chúng ta thấy trong đạo Bụt không những lòng từ bi mà nguồn trí tuệ của đức Thế Tôn phóng hào quang cho chúng ta thấy không có lỗi lầm nào mà ta không chuộc lại được, không có rác rến nào mà lại không thể chuyển hóa thành hoa. Tại vì nhìn cho kỹ thì tất cả mọi sự, mọi vật ở trong đời này đều có tính cách hữu cơ. Mà nếu là hữu cơ thì có thể chuyển hóa được.
Cách đây vào khoảng 14 năm, tại phương Khê có một cây táo do tôi trồng. Táo thuộc loại gọi là Golden. Một hôm đi thăm cây táo, tôi thấy nó tiều tụy. Nhìn kỹ thì thấy cây bị sâu ăn trong thân rất sâu. Cây táo hồi đó chỉ cao khoảng một thước rưỡi. Tôi đã dùng một cây dao chuyên dùng giải phẫu cây để cắt vết sâu ăn đó đi. Càng cắt thì nó càng sâu. Tưởng là nó cạn nhưng cắt sâu vào mà vẫn còn thấy vết sâu ăn. Cho đến nỗi phải cắt rất nhiều mới lấy hết phần sâu ăn. Thân cây chỉ còn khoảng một phân rưỡi thôi! Sau đó tôi dùng thuốc diệt trùng để lau sạch, rồi băng thân cây lại. Trong lòng cũng không hy vọng nhiều lắm.
Nhưng cây táo đã sống. Từ từ vỏ cây lan ra, chất gỗ mọc lại trong thân cây. Cuối cùng nó chỉ còn một cái sẹo nhỏ xíu, chung quanh có đầy vỏ cây. Đến nay cây táo đã lên cao và dấu tích của vết sẹo coi như không còn nữa.
Tại sao vậy? Tại cây táo là một loại hữu cơ, mà vật hữu cơ là có khả năng làm lành được những vết thương. Tâm của mình cũng vậy. Tâm của mình cũng là một loài hữu cơ. Tâm thức của mình, dù là tàng thức, hay ý thức đều thuộc về hữu cơ. Những phần tử làm ra tâm thức gọi là tâm hành, và những tâm hành đó chuyển biến, nghĩa là những rác rến có thể trở thành hoa được. Dù mình làm những tội lỗi, dù mình có những vụng về lớn, mình làm gãy đổ trong sự liên hệ giữa mình với người đó, nhưng nếu mình biết phương pháp gọi là làm mới của đạo Bụt, thì mình có thể chữa lành được, và có thể nó tốt đẹp hơn ngày xưa.
Điều này mình phải nhớ, đừng bao giờ chịu thua hết. Đây là một thông điệp rất quan trọng của đức Thế Tôn: Không có lầm lỡ nào, không có vụng dại nào, không có tội lỗi nào mà không mua chuộc, không sám hối, không làm mới lại được.
Đó là nói về cây táo và tâm thức của ta. Còn với tấm kính bể thì sao? Khi so sánh tấm kính bể và một cây táo, mình thấy rằng có thể tấm kính đó không còn hàn gắn được nữa, mình tưởng là mình chịu thua. Nhưng không! Tấm kính bể đó nếu mình lượm hết tất cả những mảnh vụn, đem nấu lại, thì mình làm ra một tấm kính có thể mới và đẹp hơn tấm kính trước! Tại vì nhìn cho kỹ thì kính cũng là một vật hữu cơ. Tất cả mọi sự, mọi vật ở trên trái đất này, dù là thực vật, động vật hay khoáng chất, đều cùng một bản chất. Hữu tình, hay vô tình đều có Phật tính. Tình dử vô tình đồng viên chủng trí. Hạt sỏi kia, giọt nước kia đều có linh hồn. Nó có thể biến hóa một cách rất mầu nhiệm. Tất cả đều có tính chất hữu cơ.
Khi học kinh Hoa Nghiêm, chúng ta được dạy rằng tất cả vũ trụ này là một đóa hoa. Hình ảnh của vũ trụ trong kinh Hoa Nghiêm là hình ảnh của một đóa sen ngàn cánh. Người ta gọi là Hoa tạng thế giới. Tạng có nghĩa là kho tàng. Đó là cái thấy của đạo Bụt về thế giới. Dù nó là những tinh hà, dù nó là những chất khí, chất sương, là gió, là lửa, hay là mây, là núi, tất cả đều thuộc về một cơ thể. Cơ thể đó gọi là Hoa tạng thế giới. Cái này có thể chuyển hóa thành cái kia. Vì vậy cho nên vũ trụ trong đạo Bụt có tính cách hữu cơ, và tâm lý của chúng ta cũng có tính cách hữu cơ. Tâm tư của chúng ta, từ ý thức cho tới Mạc-na thức, A lại gia thức đều có tính cách hữu cơ. Vì vậy đừng nói rằng gương vỡ thì không lành lại được, gương vỡ vẫn có thể lành được!
Tổ tiên của chúng ta, ông bà chúng ta, cha mẹ chúng ta đã tạo ra những sự nghiệp mà chúng ta được thừa hưởng. Nhưng tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta cũng có thể đã có những lầm lẫn, vụng về. Những lầm lẫn, những vụng về đó, tổ tiên ta đã gánh chịu. Là con cháu, chúng ta cũng đang tiếp tục gánh chịu. Có điều chúng ta nên biết, chúng ta có khả năng chuyển hóa những cọng rác đó.
Trong ngày đầu năm, chúng ta thường dâng lên những lời cầu nguyện, chúng ta ý thức được những gì mà tổ tiên chúng ta đã dày công xây dựng: Một nền văn hóa, một nếp sống đẹp đẽ và hạnh phúc mà chúng ta tiếp nhận được từ tổ tiên, từ ông bà cha mẹ. Trong khi khấn nguyện, chúng ta nói rằng chúng con sẽ nỗ lực để bảo tồn, để gìn giữ, để phát triển những giá trị của văn hóa, của hạnh phúc mà quý vị đã trao truyền cho chúng con. Những cái mà quý vị chưa thành tựu được, những lỗi lầm, những khuyết điểm mà quý vị chưa chuyển hóa được, chúng con cũng xin tiếp nhận để nhận diện chúng là những khuyết điểm, những lỗi lầm, và đến thế hệ của chúng con, chúng con sẽ làm hết sức, để có thể chuyển hóa được những lỗi lầm, những khuyết điểm đó. Đó là sự thực tập của chúng ta trong ngày đầu năm.
Mỗi khi có cơ hội lên chánh điện, chúng ta dâng lên một bình hoa. Mỗi khi có cơ hội đứng chắp tay trước Tam Bảo, chúng ta thấy mình như một cành hoa. Mỗi khi lên chánh điện với tư cách của một tăng thân, chúng ta cũng trình bày tăng thân của chúng ta như một bình hoa để cúng dường lên Tam Bảo. Tuy biết trong hoa có rác. nhưng chúng ta không bị mặc cảm.
Mỗi khi có một tác phẩm vừa in xong, như cuốn Con đường chuyển hóa hay Trái tim mặt trời, hoặc Đường xưa mấy trắng, tôi thường có truyền thống đem đặt tập sách đầu tiên mình nhận được từ nhà in, lên một cái khay, rồi đem dâng lên bàn Phật như là một cái hoa của tôi cúng dường Tam Bảo, rồi tôi lạy xuống ba lạy. Đó cũng như mình cúng cơm mới. Nông dân khi gặt những thửa ruộng đầu tiên về, thì họ cúng cơm mới, để tỏ lòng chí thành của mình đối với tổ tiên, với đất nước. Ở đây cũng vậy, mỗi khi có một cuốn sách mới tôi thường đem dâng cúng Tam Bảo. Khi lạy xuống ba lạy, mình biết rằng phẩm vật mình dâng hiến lên đây, thế nào cũng có hoa ở trong đó, và thế nào cũng còn rác ở trong đó. Tuệ giác của mình làm sao so được với tuệ giác của đức Thế Tôn? Vì vậy cho nên ngoài những bông hoa trong tác phẩm đó, có thể còn một vài rác rến, và mình phải thực tập như thế nào để ngày mai, nếu mình dâng cúng lên một phẩm vật khác, thì cái giá trị của phẩm vật đó sẽ cao hơn cái giá trị ngày hôm nay. Khi lạy xuống như vậy, mình thấy được điều đó, và đúng là mình đang cúng dường vừa hoa, vừa rác.
Khi đi lên chánh điện một mình, chắp tay lại, mình thấy rất rõ ràng trong mình có hoa, và trong mình có rác. Điều quan trọng nhất là mình biết hoa là hoa, và rác là rác mà không có mặc cảm. Lạy xuống vừa với hoa, vừa với rác, mình được chấp nhận một cách hoàn toàn. Điều quý giá là mình nói rằng: Bạch đức Thế Tôn con biết đây là hoa, con biết đây là rác. Con biết hoa con phải giữ gìn, con biết rác con phải nỗ lực chuyển hóa. Chừng đó là đủ rồi.
Khi trình diện trước đức Thế Tôn như một tăng thân, mình là chúng trưởng, mình là trụ trì thì mình nói rằng: Bạch đức Thế Tôn, con hiến tặng tăng thân này lên đức Thế Tôn. Trong tăng thân này có rất nhiều an lạc, có rất nhiều hạnh phúc, nhưng thỉnh thoảng chúng con cũng có bất đồng ý kiến, cũng có đau khổ, nghĩa là cũng có rác, nhưng chúng con không có mặc cảm. Tại vì chính tăng thân của đức Thế Tôn hồi đó cũng còn như vậy huống hồ tăng thân của chúng con ngày hôm nay! Với tất cả lòng thành, với tất cả ngần ấy hoa và ngần ấy rác, mình dâng lên đức Thế Tôn, mình nói đây là hoa, chúng con trân quý, và đây là rác, chúng con nguyện bảo quản cho đàng hoàng, và thực tập để chuyển hóa, để ngày nào cũng có thể có nụ cười, ngày nào cũng có thể có ánh mắt thương yêu, ngày nào cũng có thể có sự tha thứ, sự chấp nhận lẫn nhau.
Chúng ta đã nghe một vài bài pháp thoại nói về thế kỷ thứ 21, như là bài Leo Đồi Thế Kỷ. Còn ba năm nữa thì chúng ta bắt đầu cùng leo lên đồi thế kỷ. Chúng ta sẽ cùng nhau leo, nhưng leo chung với ý thức nào? Với ý thức tất cả những rác rến mà chúng ta đã tạo ra trong thế kỷ thứ 20, chúng ta phải biết bảo quản, và nguyện sẽ không tạo ra cùng một thứ rác đó cho thế kỷ thứ 21. Tại vì chúng ta thương con cháu của chúng ta, thương đàn em của chúng ta, chúng ta nguyền không tiếp tục chế tạo những thứ rác ác ôn mà chúng ta đã chế tạo trong thế kỷ thứ 20.
Muốn vậy chúng ta phải đến với nhau, phải có cái nhìn rất sáng, phải có cái quyết tâm rất mạnh thì mới có thể chấm dứt được việc tạo ra những thứ rác ác ôn mà chúng ta đã tạo ra trong thế kỷ thứ 20.
Chủ nghĩa Phát-xít (Fascism) chẳng hạn, là một thứ rác ác ôn mà chúng ta đã chế tạo trong thế kỷ thứ 20. Với rác đó người Nazis đã giết gần 6 triệu người Do Thái trên nhiều nước ở Âu Châu trong thế chiến 1939-1945. Những chủ nghĩa mà chúng ta gọi là chủ nghĩa tuyệt vời, ai không nghe thì tội đáng chết, đều cũng là những thứ rác mà chúng ta đã sáng tạo trong thế kỷ thứ 20. Chúng ta sáng tạo ra cái gọi là chân lý tuyệt đối, ai không theo thì đáng tội chém đầu!
Đã tiếp nhận giới Tiếp hiện, đang hành trì giới Tiếp hiện, quý vị thấy giới đầu tiên của Tiếp hiện là Không được thờ phượng bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào như là một chân lý tuyệt đối. Tại vì nhân danh chân lý tuyệt đối mà chúng ta đã giết nhau, chúng ta đã đưa hàng triệu người vào sự chém giết lẫn nhau. Vì vậy giới Tiếp hiện là một bông hoa nở lên trong sự đau khổ cùng cực của thế kỷ thứ 20. Đó là sự cuồng tín vào những chủ thuyết. Chúng ta nguyện rằng trong thế kỷ thứ 21 chúng ta không còn cuồng tín vào một chủ thuyết nào nữa. Chúng ta phải biết rằng sự sống của con người, của vạn vật, sự an nguy của trái đất này nó quan trọng hơn bất cứ một chủ nghĩa nào. Những tư tưởng gọi là tư tưởng thanh lọc chủng loại, Ethnic purification, những loại rác rến như vậy, chúng ta nhất định đừng cho nó len lỏi, đừng cho nó được chế tạo trong thế kỷ thứ 21.
Trong thế kỷ thứ 20 chúng ta đã tạo ra thế chiến thứ nhất, khiến cho không biết bao nhiêu người bị giết! Chúng ta cũng đã chế tạo ra đệ nhị thế chiến, cũng làm chết không biết bao nhiêu là người. Chúng ta chế tạo ra chủ thuyết này, chủ thuyết khác, những cái đó chúng ta phải công nhận chúng là rác rến, chúng ta phải chôn nó vào lòng đất, phải tìm mọi cách để chuyển hóa chúng trở thành hoa. Công việc này không phải là công việc của một người. Tất cả nhân loại phải tới với nhau mới có thể làm được chuyện đó.
Nhạc sĩ Phạm Duy có làm một bài nhạc, bài Mộ phần thế kỷ, để diễn đạt tâm tư đó. Ý của bài này là chúng ta phải đem hết tất cả những rác rến mà chúng ta đã tạo ra trong thế kỷ thứ 20, đặt vào một hầm mộ, rồi phải gấp rút phủ đất lên! Chôn những rác rến đó để cho những rác đó có thể biến thành phân bón cho những bông hoa mà chúng ta gieo trồng và làm đẹp cho thế kỷ thứ 21, làm đẹp cho con cháu của chúng ta.
Lời của bài hát bắt đầu bằng một cảnh rất thê lương:
Người đi trong mùa Đông, lòng bâng khuâng như làn sương, theo người phu đi dọn xác chiến trường.
Người phu sau thời gian một trăm năm đã gần xong, anh bình tâm đi lượm xác trên đường. Những xác úa, một thời có bóng dáng triệu người phiêu diêu nơi thế chiến một, thế chiến hai. Hết thế chiến lại là anh em trong một nhà lấy chém giết để giải hòa trong quốc gia.
Sau khi hai thế chiến chấm dứt, trong các nước như Việt Nam, Cao Ly, người ta vẫn tiếp tục giết nhau. Giết nhau vì nhân danh những ý thức hệ, những chủ nghĩa, và tiếp tục những khổ đau đã nhận chịu trong hai thế chiến hãi hùng đó.
Người đi trong mùa Đông, đội khăn tang, mang tình thương, theo người phu đi đào lỗ bên đường. Người phu trong chiều buông, lòng hân hoan chôn mộ xong, nghe mùa Xuân đang rộn rã tới gần.
Chôn hết rồi, chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là mùa Xuân sẽ tới.
Nghe bên mấm mồ có tiếng đàn trẻ nhỏ, lưng trâu, bé ngồi đã cùng nhau hát chơi, mai đây nấm mộ một nụ vàng sẽ hé. Hoa ơi! Tên gì? Có phải hoa hướng dương?
Ngồi bên ngôi mộ tập thể đó mà cảm thấy những thây ma ở trong nấm mộ đã tan rã, và bây giờ mình nghe như có một đàn trẻ nhỏ sinh ra, lớn lên và ngồi trên lưng trâu, ca hát vui đùa. Đây là một thế hệ mới, thế hệ của thế kỷ thứ 21. Hy vọng rằng trên ngôi mộ tập thể này, có những bông hoa sẽ mọc lên từ những xác chết kia. Hoa ơi, ngày mai hoa sẽ mọc, nhưng hoa tên là gì? Có phải là hoa Hướng Dương không?
Vùi sâu trong mộ chung, hoặc vùi nông trong mộ hoang, anh hùng rơm hay chủ nghĩa phi thường. Vùi chôn bao lầm than, một trăm năm bao trẻ em mang bộ xương theo thần đói lên đường.
Chúng ta hãy tưởng tượng thần đói đi trước, và hàng triệu trẻ em, đứa nào cũng là một bộ xương, đang đi như một đoàn quân đói. Quý vị cứ nghĩ rằng mỗi ngày trên thế giới này có đến 40 ngàn trẻ em chết vì không có ăn, thì đạo quân trẻ con, da bọc xương đó sẽ đông và dài biết chừng nào! Thần đói cầm một lưỡi liềm đi trước, là một bộ xương lớn. Đi theo bộ xương đó, trẻ con hai tuổi, ba tuổi, năm tuổi, mười hai tuổi, tất cả đều là những bộ xương nối đuôi theo thần chết mà đi! Anh hùng rơm hay chủ nghĩa phi thường, đều là rác hết, phải chôn đi, phải để nó tan hoại và chuyển hóa thành hoa.
Những ác chúa từng miền, những xác ướp của bạo quyền, chôn ngay đi, vất chúng vào hố lãng quên. Vất Phát-xít vào mộ, ném Mác-xít vào mộ, hãy lấp kỹ cả tội hèn trong chúng ta.
Tất cả những chủ thuyết, nguyên do của thế chiến một, thế chiến hai, và những trận chiến sau đó, đều là những rác rến, chúng ta phải vùi lấp, chúng ta phải làm cho những chủ thuyết đó biến thành hoa. Nhất là sự sợ hãi của chúng ta, sự nhát gan của chúng ta, chúng ta đã không dám nói lên sự thật trong những giai đoạn bi hùng đó, đều là những thứ rác rất lớn, chúng ta phải liệng chúng xuống hố để cho chúng trở thành một cành hoa.
Khi thấy đồng bào giết nhau mà mình không dám mở miệng! Khi nói mình ăn chay, mình giữ giới, mình là người tu, vậy mà khi anh em trong một nhà giết nhau, mình không dám mở miệng ra nói tôi không chấp nhận cuộc chiến tranh này, đó là vì mình nhát gan, mình sợ bị bắt, sợ bị giết. Mình sợ chống lại quyền lực của các phe lâm chiến, không dám nói ra sự thật, rằng mình muốn anh em trong một nhà chấm dứt sự tương tàn, tương sát. Sự nhát gan đó là một thứ rác rất lớn, và loại rác đó cũng phải bỏ vào nấm mộ để làm cho nó trở thành hoa.
Người đi trong mùa Đông, đội khăn tang, mang tình thương, theo người phu đi vùi hết mộ phần. Rồi tan trong mộ sâu, một thây ma mang buồn đau, thế kỷ sau sẽ dùng bón hoa mầu.
Tất cả những thứ rác mình chôn vào trong mộ đó, mình phải làm thế nào để chúng tan hoại cho thật mau để làm phân bón cho những cành hoa của thế kỷ thứ 21. Chúng ta phải biết cách bảo quản, chúng ta phải biết cách nhận diện, phải biết cách chuyển hóa những rác rến mà chúng ta đã chế tác trong thế kỷ thứ 20.
Đi qua nấm mồ sẽ thấy ngọn cỏ mềm, cho êm cõi đời, cho tình nhân ngã lên. Khi trên nấm mộ còn nở rộ bông hoa mới. Hoa ơi! Tên gì? Hoa tình yêu đó em.
Trên nấm mộ tập thể đó, trên đống rác vĩ đại đó của thế kỷ, sẽ mọc lên một lớp cỏ rất mềm. Những người thương nhau, những người không muốn giết nhau, những người có lòng từ bi, sẽ ngả lưng trên lớp cỏ mềm đó. Hạnh phúc của chúng ta được tạo ra bởi khổ đau. Ngôi mộ kia là mộ của hận thù, của kỳ thị, nhưng rác đã chuyển thành hoa, thì trên phân bón đó, sẽ mọc ra những lá cỏ mềm mại và những đóa hoa đẹp của tình thương. Những tình nhân, tức là những người biết thương nhau, người có từ bi, có thể nằm dài trên bãi cỏ non đó. Cỏ mềm đó là do rác kia làm ra, và bông hoa vàng rực, nở rộ ngút ngàn đó là hoa của từ, của bi, của hỷ, và của xả, hoa của tình yêu. Đây là Bụt của thế kỷ thứ 21. Nếu chúng ta tạo được một tăng thân có thương yêu, có khả năng chuyển hóa, thì bông hoa này là Bụt Di Lặc, Bụt của thế kỷ mới.
Đây là một bài hát rất hay của nhạc sĩ Phạm Duy. Ngày xưa ông đã làm 10 bài tâm ca dựa vào những ý của tôi. Bài này cũng được cảm hứng bởi giáo lý tương tức giữa rác và hoa của đạo Bụt.
Còn vài tiếng đồng hồ nữa là tới giờ Giao thừa ở Việt Nam. Chiều nay chúng ta cũng sẽ làm lễ đón Giao thừa cùng lúc với quê nhà.
Quý vị nên nhớ rằng để đón chào năm mới, trong tâm chúng ta phải thanh tịnh, có điều gì buồn, giận, chúng ta nên nhân dịp này, theo dõi hơi thở mà bỏ đi. Năm mới là một cơ hội để chúng ta làm mới. Cũng vì vậy cho nên tại Á Đông chúng ta luôn luôn nghĩ rằng ngày đản sinh của Bụt Thương Yêu là ngày mồng Một Tết. Muốn ngày mồng Một Tết Bụt Thương Yêu trở về trong trái tim mình, thì ngày hôm nay mình phải chuẩn bị, phải làm cho trái tim của mình lắng lại những nỗi buồn, những cơn giận, những khổ đau, mình phải chuyển hóa chúng, mình phải làm cho chúng trở thành hoa.
Mình có một người thương vừa qua đời và mình biết rằng người đó đang còn sống ở trong mình, người đó đã làm tròn bổn phận của người đó, làm tròn giai đoạn của người đó, người đó đã làm được tất cả những gì mà người đó có thể làm, và làm như vậy là làm cho mình, cho thế hệ tương lai. Về phần người đó là yên rồi. Bây giờ đến lượt mình. Ngày hôm nay mình phải sống như thế nào để xứng đáng với người đó. Mình tiếp tục sự nghiệp của người đó. Người đó là tổ tiên, là ông bà, là cha mẹ của mình, và mình giữ người đó trong trái tim mình, mình đem năng lượng của những người đó lên đường, và trong cuộc sống hàng ngày, mình xây dựng cho thế hệ tương lai, xây dựng cho thế kỷ mới. Tại vì nếu người đó đã thương mình, đã xây dựng cho mình, thì mình cũng có bổn phận xây dựng cho em mình, cho con mình, cho cháu mình.
Vì vậy trong thế kỷ thứ 21 mục đích của chúng ta, chủ đề tu tập của chúng ta là làm thế nào để chúng ta có thể quản lý, chăm sóc, chuyển hóa những rác rến của thế kỷ 20 để cho con cháu của chúng ta, em út chúng ta trong thế kỷ 21 đừng phải đi qua những giai đoạn quá tàn khốc, quá khổ đau như chúng ta đã phải đi qua trong thế kỷ thứ 20.
Đừng khai thác thế giới này quá, đừng làm chết đi những dòng sông, những biển cả, những vùng không khí, những khu rừng. Tất cả những thứ đó là bạn của chúng ta. Sống như thế nào để cho thiên nhiên có một cơ hội, thì sự sống của mọi loài mới bền vững được. Mình phải coi tất cả sự sống trong lĩnh vực động vật, thực vật, và khoáng vật là bạn của mình. Đó là thái độ của con người văn minh.
Đi vào ngưỡng cửa của thế kỷ 21, phải có ý thức sáng suốt đó thì chúng ta mới có một tương lai. Ta là người có hậu, ta không phải là người vô hậu.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]