TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

MỤC LỤC

TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

10. Ai là người tri kỷ

MỐI TÌNH TRI KỶ GIỮA THẦY VÀ TRÒ

THIỆN Ý MỘT MÌNH CHƯA ĐỦ TẠO MÙA XUÂN

PHẢI NHÌN VÀO CĂN CƠ CỦA NGƯỜI ĐỂ TRUYỀN ĐẠT

LINH CHÚ

NHỮNG CÂU LINH CHÚ LÀNG MAI


Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

10. Ai là người tri kỷ

MỐI TÌNH TRI KỶ GIỮA THẦY VÀ TRÒ

Tôi nhớ hồi thượng tọa Bảo Lạc sang tham dự Đại giới đàn Nến Ngọc ở Làng Mai, thầy có phát biểu một câu rất cảm động. Thầy nói rằng ngày xưa thầy cũng có thầy, nhưng không biết trân quý những giây phút được sống cạnh thầy. Nhiều khi thầy trò giận nhau, và bây giờ thì thầy không còn nữa! Qua đến đây, thấy thầy trò Làng Mai xúm xít bên nhau rất đầm ấm, vui vẻ thì thầy rất cảm động, rất tiếc và rất thương cho thầy của mình.

Thầy trò được sống bên nhau, được ngồi với nhau trong thiền trà, trong pháp đàm, trong pháp thoại là một điều hạnh phúc. Trong cuốn Bước tới Thảnh thơi, chúng ta có chương "Ngồi uống trà với thầy". Chúng ta học trong chương đó rằng được ngồi uống trà với thầy có thể là một hạnh phúc lớn trong cuộc đời của người xuất gia. Tôi không nghĩ rằng tổ Huệ Năng, tổ thứ Sáu của thiền Trung Quốc, đã từng được uống trà với tổ Hoằng Nhẫn tức là tổ thứ Năm. Có lẽ tổ Huệ Năng chỉ được gặp riêng thầy của mình một lần, mà lại gặp lén lút ở trong thất riêng của thầy!

Trong pháp hội của tổ Hoằng Nhẫn có rất đông thầy. Giáo thọ lớn là thầy Thần Tú, rất giỏi, rất đẹp, còn Huệ Năng được coi như là cá chốt lòng tong, tức là một người không có trí tuệ, không có học thức, chỉ đáng để chấp tác dưới bếp, để giã gạo, gánh nước, bổ củi mà thôi. Nhưng sau khi Huệ Năng can đảm làm bài kệ kiến giải và nhờ một vị hành giả viết lên trên tường, thì tổ Hoằng Nhẫn biết được đây là một người có căn cơ lớn. Cho nên hôm đó, tổ Hoằng Nhẫn mới đi xuống bếp để gặp Huệ Năng, tại vì bếp là chỗ duy nhất để có thể gặp anh chàng học trò cưng mà mình ít khi được gặp, được nói chuyện. Như vậy thì ai nói rằng chỉ có học trò mới đi tìm thầy? Thầy cũng đi tìm học trò!

Khi tổ Hoằng Nhẫn xuống tới bếp thì thấy mọi người đang làm việc, và anh chàng mình đi kiếm thì đang giã gạo, mồ hôi mồ kê đầm đìa. Thầy hỏi một câu bâng quơ: Gạo trắng chưa con? Rồi tổ đưa ngón tay gõ ba cái lên trên cối giã gạo bằng gỗ. Không biết tổ có nói gì thêm hay không! Đêm đó Huệ Năng đúng giữa canh ba, tức mười hai giờ khuya, tìm lên phương trượng của thầy, thì thấy cánh cửa mở hé một chút, chứng tỏ rằng thầy đang chờ con, con khỏi cần gõ cửa.

Tôi nhớ lại hôm dự hội nghị ở Genève. Đó là lần sau cùng mà tôi gặp mục sư Martin Luther King, vì sau đó mấy tháng thì mục sư bị ám sát. Trong hội nghị đó tôi được gặp nhiều người, nhưng nhớ rõ hai người. Một là Martin Luther King, và một là nhà tâm lý học nổi tiếng tên là Erich Fromm. Đây là một hội nghị về hòa bình, do tổ chức World Council of Churches tổ chức, và thúc đẩy. Mỗi bên đều có công việc quá nhiều. Mục sư King có khoảng 10 thị giả, vì ông là một nhà lãnh đạo nhân quyền rất quan trọng ở bên Mỹ. Còn tôi thì chỉ có một chàng thị giả thôi. Nhưng vị thị giả này làm việc bằng 10 lần những thị giả khác. Nào là tổ chức họp báo, nào là viết Press Release, đủ thứ hết. Hôm đó mục sư Luther King gọi điện thoại xuống phòng tôi và mời tôi lên để cùng ăn sáng. Vì bận quá tôi không lên được, cho nên tôi hứa để ngày mai. Sáng hôm sau lên được, nhưng lên trễ đến nửa tiếng!

Khi lên tới thì tôi thấy mục sư King còn giữ thức ăn sáng cho tôi, để trong một cái mâm có đèn cầy đốt ở bên dưới cho nóng. Mục sư cũng chưa ăn sáng, còn đợi tôi lên để cùng ăn.

Tôi rất mừng là hôm đó tôi đã nói với mục sư King được một câu. Tại vì nói được câu đó thì sau này tôi không còn ân hận, tiếc nuối, vì tôi đã nói được một câu đúng là chánh ngữ. Tôi nói rằng: Này mục sư! Mục sư có biết rằng ở Việt Nam người ta xem mục sư như là một vị Bồ tát hay không? Một người suốt đời tranh đấu cho nhân quyền, và đã đứng ra lên tiếng chống lại sự tàn sát ở Việt Nam. Vì vậy mà ở Việt Nam người ta coi mục sư là một vị Bồ tát, nghĩa là một người mang hết tất cả sức mình, hết năng lượng của mình để làm những việc có thể làm vơi được những đau khổ của chúng sanh.

Nhìn vào mặt ông ta, tôi thấy ông rất cảm động khi nghe câu nói đó. Nếu hôm đó không nói, thì sẽ không bao giờ tôi có cơ hội để nói với ông câu đó cả!

Vì vậy, hôm nay nếu gặp sư anh và mình muốn nói câu đó, thì mình phải nói liền, đừng đợi đến ngày mai. Gặp sư chị của mình cũng vậy. Nếu mình nói câu gì để biểu lộ sự trân quý của mình đối với sự có mặt của người kia, thì mình phải nói ngay ngày hôm nay, đừng đợi đến ngày mai. Tôi đâu biết đó là lần gặp chót giữa hai người! Mấy tháng sau thì nghe tin mục sư bị ám sát ở Memphis, tiểu bang Tennessee, Hoa Kỳ!

Người thứ hai mà tôi nhớ là Erich Fromm một nhà tâm lý học có nghiên cứu về Phật học. Ông cũng có mời tôi lên ăn sáng, nhưng tôi đã đề nghị: Thôi đừng ăn sáng nữa, lên chơi và uống trà thôi. Khi lên tới phòng của Erich Fromm thì thấy cửa hé ra, tức là khỏi gõ cửa, cứ đẩy cửa vào thôi.

Lục tổ Huệ Năng cũng vậy, khi lên đến phòng thầy thì thấy cửa hé, chỉ đẩy cửa vào thôi. Đẩy cửa vào thì nghe tiếng thầy đang ngâm một bài kệ, chứng tỏ thầy đang thức để chờ mình. Tội nghiệp thầy thức tới 12 giờ khuya để chờ đệ tử, mà không biết đệ tử có biết thầy đang chờ mình hay không? Trong đêm tối, hai thầy trò bàn chuyện, và thầy làm lễ truyền đăng cho trò. Không có đèn, không có nhang, không có gì hết. Tổ thứ Năm đã truyền pháp cho tổ thứ Sáu vào lúc 12 giờ khuya. Đó là vì sự ganh tị của những người trong chúng.

Giữa thầy với trò thường có một mối tình. Mối tình này được làm bằng chất liệu gọi là tương ứng, tương cảm. Tình này không có chất liệu của sự vướng mắc. Tình này cũng có sự ngọt ngào, nhưng nó được làm bằng chất liệu của hiểu biết, của thông cảm. Khi một người hiểu được mình thì tự nhiên mình cảm thấy biết ơn người đó, dù người đó là học trò của mình, hay là con của mình. Từ cái hiểu đó nó phát sinh ra một thứ tình. Vì vậy mà ta nói tình đó được làm bằng chất liệu của sự đồng tâm tương ứng.

Trong thiền môn người ta thường dùng danh từ tâm ấn tâm. Nghĩa là dùng trái tim mà in vào trong trái tim. Một hình ảnh rất dịu ngọt mà cũng rất là thân thiết. Hai thầy trò đó đâu có nhiều giờ để uống trà với nhau, họ đâu có gặp nhau nhiều. Họ chỉ được gặp nhau hai lần thôi. Lần đầu là gặp ở dưới bếp, với sự có mặt của đông người, và chỉ hỏi vài ba câu bâng quơ, rồi thầy gõ ba tiếng lên cối giã gạo. Lần thứ hai là trong đêm khuya, hai thầy trò ngồi với nhau, và thầy có giảng cho trò một vài câu trong kinh Kim Cương. Vài câu thôi. Sau khi truyền pháp cho trò, thì thầy nói: Con không nên ở đây nữa mà nên đi về miền Nam để hành đạo. Tuy rằng thầy trò không được ngồi với nhau lâu, nhưng cái tình đó nó vô biên, nó bất diệt. Nếu trong thời gian mình ở với thầy, dù thời gian đó là dài hay ngắn, mà mình có được sự cảm thông, có được sự tương đắc thì sau này mình sẽ không hối hận. Mình sẽ không than phiền như thượng tọa Bảo Lạc đã than phiền. Cái tình đó quả thật là một mối tình, không thể nói ít hơn một mối tình!

Sau khi được đắc pháp thì Huệ Năng ra đi. Không xuống nhà tăng để lấy hành lý, mà nghe lời thầy, đi ra bến sông liền lập tức. Tổ Hoằng Nhẫn đã ân cần: Để thầy đưa con ra tới bờ sông!

Trong đêm khuya, hai thầy trò nhè nhẹ ra khỏi thiền viện và thầy đưa trò ra bến sông. Khi Huệ Năng xuống thuyền rồi và chắp tay chào thì thầy Hoằng Nhẫn lại nói: Để thầy ngồi trên thuyền với con một khúc. Những chi tiết này đã được ghi lại trong kinh Pháp Bảo Đàn.

Khi Huệ Năng cầm lấy mái chèo thì thầy Hoằng Nhẫn nói: Để thầy chèo cho con một khúc. Cái đó nếu không phải là tình thì là gì nữa? Đó là sự phát biểu của tình thương chân thật. Chèo đến một nơi đó, thầy nói: Thầy đã chèo cho con một khúc, thôi bây giờ con có thể tự chèo lấy. Huệ Năng thưa: Con có thể vượt qua những khó khăn, những bão tố đang chờ đợi con, xin thầy đừng lo. Khi tổ Hoằng Nhẫn nghe câu nói đó thì tổ yên lòng. Tổ trao tay chèo lại cho Huệ Năng. Huệ Năng cho thuyền cặp bến và tổ Hoằng Nhẫn bước lên bờ, đưa tay vẫy chào, rồi một mình trở về thiền viện, còn Huệ Năng thì một mình chèo về hướng Nam.

Mối tình đó đã sống ở trong thầy, sống ở trong học trò, và nó đã truyền lại cho đến ngày nay.

Khi con còn non yếu thì thầy dẫn dắt con đi, nhưng nay con đã vững chân vững tay, con có thể một mình chèo lái lấy. Con cám ơn thầy.

Nó đơn giản như vậy. Nhưng chưa hết, nếu đọc tiếp kinh Pháp Bảo Đàn rất hấp dẫn, thì mình thấy rằng sáng hôm sau thầy không ra ăn sáng. Thường thì thầy ra ăn sáng. Hôm đó thầy đã không ra ăn sáng, mà cũng không ra với đại chúng. Mãi cho đến chiều tối thì các thị giả mới tìm cách vào thăm thầy và hỏi: Bạch thầy, thầy có sao không? Ngài mới nói rằng: Ta không sao hết, nhưng y bát đã đi về phương Nam rồi. Tức là ngài cố ý đợi cho Huệ Năng đi rất xa, để người ta không đuổi kịp, rồi mới cho hay tin. Đó cũng là sự tiếp nối biểu hiện của mối tình thầy trò.

Ấy vậy mà cũng có một nhóm người chạy đuổi theo để dành lại y bát. Nếu quý vị muốn biết câu chuyện tiếp diễn như thế nào thì xin đọc tiếp kinh Pháp Bảo Đàn.

Trong kinh Pháp Hoa có câu chuyện một ông thầy thuốc rất giỏi, có nhiều con. Trong khi ông đi xa, ở nhà các con ông ăn nhằm những thức ăn độc nên lăn ra ngã bệnh. Đứa thì mửa, đứa thì ho, đứa thì đau bụng, đứa thì đau đầu, nhức mỏi, đủ hết các triệu chứng của độc tố. Khi người cha về, thấy các con đau đớn như vậy thì ông tùy theo bệnh trạng của từng đứa mà cho thuốc.

Có một số con của ông chấp nhận thuốc và uống thì lành bệnh. Những đứa khác không chịu uống thuốc, hỏi tại sao lại phải uống thuốc? Cha mình đang ở đây, nếu mình có mệnh hệ nào thì cha mình sẽ cứu, không cần uống thuốc! Cho nên chúng vẫn tiếp tục bị đủ thứ bệnh, và bệnh tình càng ngày càng nặng!

Cuối cùng ông cha nghĩ rằng: Có mình ở đây thì các con không chịu uống thuốc, chi bằng mình đi chỗ khác thì họa may chúng mới chịu uống. Vì vậy ông ra đi, và nhắn tin về là ông đã chết! Lúc đó mấy đứa con mới hết ỷ lại, mới chịu uống thuốc, và mới lành bệnh.

Có nhiều vị đệ tử cũng vậy. Khi thầy đang sống với mình thì không chịu thực tập những điều thầy dạy. Có người tiếp nhận và thực tập ngay những điều thầy dạy, nên đạt được sự chuyển hóa, và an lạc ngay trong thời gian ở với thầy. Có người lại nói thuốc của thầy mình hay thật, nhưng đâu cần uống bây giờ, mai mốt uống cũng được. Uống thuốc thì phải cữ ăn cái này, cữ ăn cái kia! Thôi, để hôm nay mình ăn cái này, ăn cái kia cho sướng miệng đã, rồi mai mốt uống cũng không muộn. Đó là lập luận của những người không chịu uống thuốc.

Trong số các đệ tử của tôi, có người cũng nghĩ như vậy. Ăn thua là mình học được pháp môn, mai mốt thực tập thì đâu có muộn! Hình như mình đã nắm được pháp môn đi thiền hành rồi, hình như mình đã nắm được pháp môn thở và làm mới rồi. Bỏ túi cái đã, mai mốt rồi thực tập. Vì vậy mà họ không chuyển hóa, không lành bệnh. Cho nên ông thầy rất rầu! Nhiều khi ông nghĩ giống hệt như ông thầy thuốc kia: Hay là mình phải đi nơi khác, hay mình phải chết đi thì học trò mình mới chịu thực tập!

Đó là tâm sự chung của những ông thầy. Nhưng có ai sẽ không phải là thầy? Tuy còn trẻ, tuy mình mới là sa di, sa di ni, hay tân tỳ khưu, tân tỳ khưu ni, nhưng "cái phần" của người tu nó bắt buộc mình phải lớn lên, rồi mình cũng phải thu nhận đệ tử, phải trở thành ông thầy. Mà hễ làm thầy là sẽ bị đau khổ vì học trò! Tại vì học trò có những người chịu thực tập những điều mình dạy, nhưng có những người không chịu thực tập. Có những người học trò chỉ cần những cái rất nhỏ, như sự chăm sóc, sự ngọt ngào của thầy thôi! Họ không biết rằng cái quan trọng nhất, quý hóa nhất mà mình có thể tiếp nhận từ thầy, không phải là sự chú ý, sự ngọt ngào, sự săn sóc nho nhỏ của thầy, mà là mối tình lớn kia, sự săn sóc lớn kia, sự ân cần, thương tưởng, sự tâm niệm mỗi ngày để cho học trò mình lớn lên, để cho học trò mình có thể nối tiếp được sự nghiệp của chánh pháp.

Họ không chịu tiếp nhận những cái đó để thực tập, mà chỉ đòi hỏi những cái nho nhỏ! Được thầy chú ý một chút, được thầy cưng thêm một chút, được thầy nói một câu ngọt ngào, được thầy săn sóc chút xíu. Mình chỉ cần những thứ thường tình, rơm rác như vậy thôi, mà không biết cái mà thầy muốn trao truyền cho mình, nó lớn hơn, nó quí trọng hơn cái đó nhiều lắm.

Vì vậy cho nên Huệ Năng tuy là làm việc suốt ngày ở dưới bếp, chưa bao giờ được hầu chuyện với thầy, nhưng đã là người tiếp nhận được tình thương cao cả nhất của thầy, và đã trở thành một người tri kỷ của thầy. Chữ tri kỷ ở đây có nghĩa là someone who really understands you.

Khi đọc kinh Pháp Bảo Đàn chúng ta thấy được mối tình tri kỷ giữa hai thầy trò. Họ đâu có nhiều thì giờ với nhau? Thời gian mà thầy gặp trò ở trong phòng lúc 12 giờ khuya, thời gian mà thầy đi bộ với trò ra bờ sông, thời gian mà thầy trò ngồi trên thuyền và thầy chèo cho trò một đoạn đường, thì đâu có lâu gì? Ấy vậy mà nó là tràn đầy, nó là muôn đời, nó còn sống mãi!

THIỆN Ý MỘT MÌNH CHƯA ĐỦ TẠO MÙA XUÂN

Trong hai buổi pháp thoại vừa qua, chúng ta đã diễn bày về pháp môn gọi là pháp môn nói. Nói là một pháp môn thực tập có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc cho chính bản thân mình và cho những người chung quanh mình. Chúng ta đã được trao truyền những phương pháp thực tập rất cụ thể để làm hạnh phúc cho mình và cho người ngay ngày hôm nay.

Nghe là một pháp môn khác. Trong hai buổi pháp thoại liên tiếp, chúng ta đã nói về nghe. Nếu biết thực tập phương pháp nghe, và chúng ta áp dụng những bài tập đã được trao truyền thì chúng ta cũng có thể tạo được hạnh phúc cho ta và cho người ngay trong ngày hôm nay.

Chúng ta cũng đã nói đến sổ công phu. Mỗi người trong chúng ta phải có một sổ công phu. Công phu đây là công phu thực tập. Hạ thủ công phu là phải đi vào sự thực tập chứ không phải lý thuyết suông. Hạ thủ tức là tay mình nắm lấy, đặt xuống việc thực tập.

Chúng ta biết rằng nghe có thể làm cho ta bớt khổ, nghe có thể thiết lập lại được nhịp cầu cảm thông, và thực tập lời quy nguyện: "Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ". Đó không phải là một lời phát nguyện suông, chúng ta có thể thực tập bằng nghe và bằng nói. Thành ra trong sổ công phu, ta phải nói ngày mai ta sẽ nghe ai, và phải nghe như thế nào; ngày mai ta sẽ nói với ai, và phải nói như thế nào; ngày mai ta sẽ viết cho ai, và phải viết như thế nào để tạo hạnh phúc cho người đó và cho ta, để thiết lập lại nhịp cầu truyền thông đã bị gãy đổ. Đó gọi là hạ thủ công phu. Mình phải thực tập như vậy mỗi ngày. Nếu chúng ta đợi đến khi học xong khóa mùa Đông hay chương trình 4 năm, thì e rằng trễ quá! Thực tập ngay từ bây giờ. Đức Khổng Tử cũng có nói: Học nhi thời tập chi, bất diệc lạc hồ? Vừa học mà vừa thực tập, đó há chẳng phải là niềm vui lớn hay sao?

Trước đây chúng ta cũng có trình bày về cái thể, cái tướng và cái dụng của lời nói. Trong Luận Đại Trí Độ, thầy Long Thọ có nói tới chánh ngữ như là sự thấu hiểu về bản chất của lời nói.

Thể là chất liệu làm ra lời nói. Nếu thật tình muốn lời nói của chúng ta là chánh ngữ, thì chúng ta phải biết cái thể(nA-ture, substance) của lời nói. Cũng như cái bánh làm bằng bột, thì bột là chất của cái bánh. Lời nói cũng có bản chất của nó, mình phải biết bản chất của nó là bản chất gì. Nói ra từ tình thương đích thực, nói ra từ sự hiểu biết đích thực, nói ra từ cái tư duy chân chính. Trong trường hợp đó, ngữ có thể có cơ hội trở thành chánh ngữ. Nghĩa là lời nói của ta có thể phát xuất từ tình thương và trí tuệ của ta. Nhưng cái đó chưa đủ, tại vì không phải phát xuất từ trí tuệ và tình thương mà nó trở thành chánh ngữ được. Nó là một điều kiện căn bản, nhưng chưa phải là tất cả những điều kiện cần để có chánh ngữ. Điều kiện đó cần, nhưng chưa đủ!

Muốn là chánh ngữ thì cái tướng của ngôn ngữ cũng phải đúng nữa. Có chất đó, nhưng lời nói phải khéo léo. Vì vậy cho nên nghệ thuật nói cũng phải có mặt. Mình phải tập thì mới làm được. Đôi khi mình thương người kia thật, nhưng mình nói sao đó mà người ta tưởng là mình ghét, mình khi dễ người ta! Tội nghiệp lắm!

Thành ra mình phải học ăn, học nói, học gói, học mở. Gói lại sao cho nó gọn gàng, mở ra sao cho nó đẹp đẽ. Gói mở này tức là nghệ thuật diễn tả. Đừng tưởng đây là ăn bánh chưng! Đây là ngôn ngữ, đây là tài ăn nói. Khi có tài ăn nói thì anh gói rất gọn, và anh mở rất là nhẹ nhàng. Anh không tràng giang đại hải, anh nói thao thao bất tuyệt mà người ta không biết anh nói gì. Cái đó gọi là gói. Anh nói ít, nhưng anh nói rất hay, rất chính xác. Mở tức là anh diễn bày ra. Giáo pháp đức Thế Tôn được công nhận là diễn bày rất khéo. Đó gọi là thiện thuyết, khéo mở, khéo gói, tiếng Anh dịch là Well proclaimed, tiếng Pali là Swakkhato, tiếng Phạn là Svªkkhªta.

Đây không phải là khen cái thể của giáo lý. Thể của giáo lý là cái tuệ đã đành rồi, nhưng tuệ giác đó phải được diễn bày khéo léo, cái đó gọi là tướng.

Thành ra khi nói mà mình làm cho người ta đau khổ, và mình được sư anh hay sư chị nhắc, thì mình đừng gân cổ cãi rằng: "Em chỉ nói sự thật thôi"! Nói sự thật nhưng em nói thế nào để người kia đừng đau khổ, thì ngôn ngữ của em mới có cái thể tốt, và có cái tướng tốt. Nó là thiện thuyết. Vì vậy mà thiện ý của em, cái good intention của em là chưa đủ. Đừng tưởng rằng em có thiện ý là đủ rồi! Em phải có thiện xảo, phải khéo léo. Mà em phải học thì mới làm được.

Đức Thế Tôn rất khéo, khéo cho đến nỗi người ta gọi tiếng nói của ngài là viên âm, tức là tiếng nói tròn. Đức Thế Tôn nói như thế nào đó mà người nào cũng tưởng ngài nói riêng cho mình! Hôm nay đức Thế Tôn nói bài pháp này là riêng cho tôi thôi, và người nào cũng nghĩ như vậy. Đó là tài của đức Thế Tôn mà mình phải học cho được một phần ngàn, hai phần ngàn tiếng nói tròn của ngài.

Ngày xưa ở Huế có một tạp chí Phật học lấy tên là Viên Âm. Những người chủ trương có điều nguyện bắt chước đức Thế Tôn để giảng bày giáo lý đạo Bụt thế nào cho giáo lý đó thích hợp với thời đại, mang hạnh phúc lại cho người ta.

Sau khi có người công nhận cái chất của lời nói anh là tốt, là có trí, có bi, và cái tướng của lời nói anh là khéo rồi, thì anh khoan vui mừng, tại vì anh phải đem áp dụng để thấy rằng nó có công hiệu thật hay không! Nếu không công hiệu thì tuy chất của lời nói có tốt đến mấy, tướng của lời nói có tốt đến mấy thì lời nói đó cũng chưa phải là chánh ngữ. Vì vậy phải để ý đến cái dụng, cái công dụng, cái function, nghĩa là đem ra áp dụng xem nó thành công hay không. Nếu thành công, nếu nó tháo gỡ được cái kẹt của người kia, nó làm cho người kia bừng tỉnh, nếu nó làm cho người kia thiết lập được sự thông cảm, tạo dựng lại được niềm tin, thì cái dụng đó là cái hảo dụng. Lúc đó ngôn ngữ của anh mới thật sự là chánh pháp.

Khi anh có thiện thể và thiện tướng rồi; có hảo thể và hảo tướng rồi, và khi đem ra áp dụng vào trường hợp này thì thành công rồi. Nhưng, khi anh đem áp dụng vào trường hợp kia thì không thành công! Tại sao vậy? Tại sao cũng tâm niệm đó, cũng hình thức đó, mà đưa vào trường hợp kia lại không thành công? Không hành công tại vì đây là trường hợp khác! Như vậy nó chứng tỏ rằng trí tuệ quán chiếu của anh, cái tính cách khế cơ của lời nói anh chưa được viên mãn. Nói như vậy có nghĩa là cái phẩm chất của chánh kiến và chánh tư duy của anh còn thiếu kém. Tại vì nếu cái phẩm chất của chánh kiến và chánh tư duy đầy đủ thì tự nhiên cái tướng này sẽ thay đổi, và do đó cái dụng này sẽ thành công.

Biết bao nhiêu người thất bại khi có thiện chí. Có thiện chí muốn giúp người đó, nhưng rốt cuộc là không giúp được, có khi còn hại người đó nữa! Đó là vì không hiểu được người đó rõ ràng. Muốn hiểu thì phải có chỉ, có quán. Thể của ngôn ngữ là được làm bằng chất liệu của chánh kiến. Mà chánh kiến thì phải có chỉ và phải có quán.

Vậy thì sau khi chúng ta đã thử ngôn ngữ đó rồi và thấy không thành công thì chúng ta đừng trách rằng người kia không có khả năng thu nhận, người kia khép trái tim lại, không mở trái tim ra để đón nhận chân lý! Chúng ta thường trách như vậy, chúng ta hoàn toàn đổ lỗi cho người kia. Tôi đã làm hết sức tôi rồi, nhưng tôi chịu thôi! Không! Mình chưa làm hết sức mình đâu. Nếu làm hết sức thì mình không thất bại như vậy đâu.

PHẢI NHÌN VÀO CĂN CƠ CỦA NGƯỜI ĐỂ TRUYỀN ĐẠT

Làm hết sức mình nghĩa là quán chiếu vào căn cơ của người kia để thấy được cái tướng này của ngôn ngữ, tuy nó thành công với người này, nhưng không thành công với người kia. Những danh từ mình dùng rất khéo léo, những văn cú mình dùng rất là hay, mình nghĩ là không thể nào hay hơn được, nhưng đưa vào trường hợp này nó vẫn thất bại.

Đó là tại mình không thấy được cái quá trình, cái tâm lý của người này. Vì vậy mình phải quán chiếu nhiều hơn nữa. Người kia có thể vì sợ, hay vì mặc cảm mà không tiếp nhận được cái tướng của ngôn ngữ của mình, cho nên mình phải thay đổi cái tướng của ngôn ngữ để cho người kia, khi nghe những lời nói này thì cái sợ, cái mặc cảm không trồi lên, và không chận đường ngôn ngữ của mình.

Làm vậy ta sẽ có thể điều phục được những căn cơ rất khó khăn. Trong kinh có nói đến những loại chúng sinh khó điều phục. Cương cường nan điều phục. Nhưng đối với đức Thế Tôn thì ngài làm hết sức ngài để có thể điều phục được những cái khó điều phục nhất. Còn mình, cứ thấy những cái khó điều phục, là mình bỏ và đi tìm những chỗ dễ điều phục! Như vậy là mình chưa hay lắm!

Trong sự giao tiếp hàng ngày, các thầy thường chúc nhau: Xin chúc thượng tọa pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ. Tôi không biết chúc như vậy có hay không? Chúng sinh dị độ tức là chúng sinh dễ độ. Phải chúc ngược lại! Chúc thượng tọa pháp thể khinh an, chúng sinh khó mấy cũng độ được! Chúc chúng sinh dị độ thì hư thượng tọa của mình! Về lời chúc pháp thể khinh an cũng vậy. Pháp thể khinh an là đừng bệnh gì cả. Nhưng trong luận Bảo Vương Tam Muội chúng ta học rằng, phải có bệnh chút ít mới tốt. Lâu lâu phải có bệnh thì mình mới biết quí sức khỏe của mình. Cho nên cũng đừng nên chúc pháp thể khinh an. Nên chúc thượng tọa lâu lâu mới bịnh một lần thôi. Mỗi lần bệnh như vậy thì mới biết rằng những khi không bệnh là quí vô cùng.

LINH CHÚ

Nói về chánh ngữ để làm hạnh phúc cho người, Làng Mai đã sáng tác ra những câu gọi là linh chú rất nổi tiếng, và hiện đang được thiền sinh nhiều nước trên thế giới thực tập, kể cả trẻ em. Thực tập những câu thần chú này thì có hạnh phúc liền lập tức. Thực tập những câu này thì phải có chất liệu của niệm, của định, của tuệ thì mới thành công. Nó là chánh ngữ. Nếu thực tập bừa bãi thì nó không phải là chánh ngữ! Cũng là câu linh chú đó, nhưng nó sẽ không linh.

Trong buổi công phu sáng ở các tự viện có đầy linh chú. Công phu sáng mà chúng ta đang thực tập ở tại nhiều nước Á Châu, chịu ảnh hưởng một cách rất nặng nề của truyền thống Mật giáo. Bắt đầu chúng ta tụng năm Hội chú Lăng Nghiêm. Tiếp đó, chúng ta tụng mười thần chú, và Tâm kinh Bát Nhã cũng được coi như là một linh chú. Chúng ta tin rằng hễ tụng chú nhiều thì chúng ta sẽ thực hiện được phép lạ.

Có nhiều người tụng chú Lăng Nghiêm và nghĩ rằng tụng chú Lăng Nghiêm thì sẽ không bị những người như là cô Ma Lăng-già kéo đi. Nhưng tụng hai ba chục năm mà vẫn bị cô ta kéo đi như thường! Đó là ở Việt Nam, mà ở bên Cali. cũng vậy! Tại vì tụng chú mà khi tụng lại không có niệm, không có định, không có tuệ. Tụng như những con vẹt. Vì vậy cho nên tụng kinh là một vấn đề lớn cần phải đặt ra.

Khi tụng kinh chúng ta thường để ý nhiều đến âm điệu của sự tụng niệm, mà không thực tập được niệm, định và tuệ. Chúng ta chỉ sợ tụng sai rồi thầy rầy hay người ta cười. Như Tâm Kinh chẳng hạn, chúng ta tụng mỗi ngày một lần, hai lần. Ngày nào cũng tụng hết. Nhưng chúng ta phải nói sự thật, chúng ta tụng như những con vẹt. Tâm Kinh tuy ngắn, nhưng vẫn còn dài như thường! Tại vì trong Tâm Kinh chỉ có hai ba câu là tinh túy. Đó là những câu:... Chiếu kiến ngũ uẩn giai không;... Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị;... Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm... Vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức... Chỉ có những câu đó là quan trọng thôi. Còn từ đoạn "Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố"... là không quan trọng lắm. Mấy câu đó chỉ là để ca ngợi những câu ở trên kia mà thôi.

Trong khi đọc mấy dòng trên mà tâm của chúng ta có quán chiếu, có thấy được sắc tức là không, không tức là sắc, có thấu triệt được nghĩa lý của "không có đắc và vì không có sở đắc"... Nếu không thì chúng ta tụng bao nhiêu lần đi nữa, cũng không thành công!

Theo nguyên tắc của Mật giáo thì mỗi câu linh chú chỉ được đọc lên khi thân tâm hoàn toàn hợp nhất, có niệm, có định. Trong trạng thái thân tâm nhất như, vững chãi, mà thốt ra câu linh chú đó thì câu linh chú đó trở thành một lực lượng lớn, chuyển hóa cả thân tâm và cả thế giới. Đó là giáo lý căn bản của Mật giáo. Thân và ý mà là một khối thì lúc đó linh chú mới có hiệu nghiệm.

Đi từ trong nhà Thanh Phong hay từ nhà Linh Quy ra, sau khi khép cánh cửa lại và bước lên con đường ngập lá mùa Thu, thì lúc đó tâm của chúng ta nghĩ đến gì? Bàn chân của chúng ta bước như thế nào? Hai chân chúng ta chạm vào cái gì? Con mắt chúng ta chạm vào cái gì? Tâm của chúng ta chạm vào cái gì? Có phải là chúng ta đang đi trong giờ phút hiện tại hay không? Hay là tâm của chúng ta đang ở chỗ khác? Tâm ta có đang ở bên NewYork hay Los Angeles, hoặc Nha Trang hay Hà Nội? Đó là câu hỏi chính!

Bước chân của chúng ta phải đặt lên bây giờ và ở đây. Tâm của chúng ta cũng phải đi theo bước chân. Tất cả bí quyết của sự thực tập nằm ở chỗ đó. Mỗi bước chân đi như vậy nó làm rơi rụng không biết bao nhiêu là phiền não. Đi được ba bước như vậy thì có ba bông sen nở dưới chân. Đi được bảy bước như vậy thì có bảy bông sen nở dưới chân. Sen nở dưới chân không phải là chuyện huyền thoại. Không phải chuyện chỉ có đức Thế Tôn mới làm được. Tất cả chúng ta đều làm được. Nếu thân, ngữ, ý của chúng ta hợp nhất, thì bước lên lá sồi khô, lá sồi khô biến thành hoa sen, đem lại sự an lạc, nuôi dưỡng cho chúng ta ngay trong giờ phút hiện tại. Đó tức là chúng ta đang đọc câu thần chú bằng bàn chân của ta!

Thiền sư Lâm Tế nói: "Phép lạ là đi trên mặt đất", Địa thượng thần thông. Chúng ta là học trò của Lâm Tế, chúng ta phải đi được như thầy dạy. Mỗi bước chân trên mặt đất là thể hiện thần thông.

Từng bước chân tỉnh thức,

Làm hiển lộ pháp thân.

Ta chỉ có thể làm được cái đó ở đây thôi, nghĩa là trong giây phút hiện tại. Mỗi ngày chúng ta đi bao nhiêu bước, nhưng những bước chúng ta đi, có phẩm chất hay không? Cũng như mỗi ngày chúng ta tụng bao nhiêu câu thần chú, nhưng những câu thần chú chúng ta tụng có phẩm chất hay không? Nếu không có phẩm chất thì chúng ta có tụng hai mươi năm cũng vô ích thôi.

Ở Việt Nam có một bà đó, khoảng 50 tuổi, rất chăm niệm Bụt, nhưng tính bà cũng rất dữ. Nam Mô A Di Đà Phật, bà niệm suốt ngày. Bà thỉnh chuông, thỉnh mõ, đốt nhang rất nhiều, nhưng tánh nào vẫn tật đó, rất dữ. Chưởi người ta thì chưởi động đến cả tổ tiên dòng họ người ta. Vì vậy có một ông hàng xóm nghĩ rằng: Hôm nay mình phải dạy cho bà ta một bài học! Ông đợi bà lên chuông mõ, bắt đầu tụng niệm thì ông tới trước ngõ kêu: Bà ơi! Bà ta giật mình. Đến giờ người ta tụng kinh niệm Bụt mà đến ngõ réo như vậy là không dễ thương! Cho nên bà thỉnh mỏ lớn hơn, thỉnh chuông lớn hơn, để chứng tỏ ta đang tụng kinh, không được làm ồn. Nhưng ông này vì đã cố ý cho một bài học, nên ông làm lơ, càng lúc càng réo bà ta lớn hơn. Ban đầu bà ta nén xuống, nhưng vì chịu không nổi, cuối cùng bà liệng chuông, liệng mõ, ra đứng chống nạnh, nổi sân si lên, chưởi bới um sùm. Lúc đó ông ta mới bước vào nói: Bà ơi! Tôi mới kêu bà chưa tới 20 tiếng mà bà giận như vậy, còn bà đêm nào cũng kêu Bụt, ngày nào cũng kêu Bụt biết bao nhiêu ngàn tiếng, chắc Bụt giận bà dữ lắm!

Niệm Bụt mình cũng có thể làm như con vẹt, và mình có thể nghĩ rằng niệm như vậy thì có sự chuyển hóa, nhưng thật sự thì không có chuyển hóa gì cả! Tại vì tâm của mình không ở đó, thân của mình không ở đó khi mình niệm Bụt.

Khi giẫm lên con đường được trải bằng một thảm lá sồi, thì mình thấy hóa ra hạnh phúc của mình nó ở ngay đây! Giẫm trên thảm lá sồi mà đi như vậy, lòng không vướng bận, hạnh phúc hóa ra chỉ có như vậy thôi! Mình không cần có một ngôi chùa, mình không cần có một địa vị, một bằng cấp, mình chỉ cần biết đi là có hạnh phúc. Nhìn lên trời thấy có một ngôi sao Mai hay mặt trăng chưa lặn, mình mỉm cười, tại vì ngôi sao Mai kia, cũng như mặt trăng kia nó cũng mầu nhiệm vô cùng. Nhìn lên trời và mình nói: Sao ơi, tôi biết sao đang có mặt đó và tôi rất có hạnh phúc.

Ngày xưa đức Thế Tôn đã nhìn ngôi sao Mai đó. Chính ngôi sao đó, và ngài đã thấy được sự thật. Giờ đây mình cũng có hai con mắt, mình cũng nhìn ngôi sao đó. Đức Thế Tôn đã trao truyền cho mình cách nhìn. Cách nhìn đó đã được trao truyền lại cho mình qua bao nhiêu thế hệ của tổ sư. Mình có con mắt đó, nhưng mình không đem ra dùng. Mình chỉ muốn dùng nhục nhãn thôi, con mắt thịt thôi. Còn cái pháp nhãn, cái tuệ nhãn mà thầy đã trao truyền cho mình, mình không xài! Giống như chàng dũng sĩ trong Cửa Tùng Đôi Cánh Gài, xuống núi với tấm kính Mê Ngộ Cảnh thầy trao cho để giúp biết rõ thiện ác, chính tà. Kính tuy có trong túi nhưng chàng không đưa ra xài, cho nên mới lạc vào những nẻo tăm tối của các loài ác quỷ, và chàng cũng thành quỷ luôn!

Có một lần sang dạy ở Hàn quốc, tôi được mời cư trú trong một cư xá, chung quanh trồng toàn hoa ngọc lan trắng. Hoa nở lớn gần bằng hoa sen. Lúc tôi sang là mùa Xuân. Buổi sáng đi thiền hành lúc mặt trời sắp lên, đi dưới những cây ngọc lan nở trắng như vậy, mầu nhiệm vô cùng! Tôi thấy như là lan nở cho mình. Lan có nở cho mình hay không? Nếu mình nói lan nở cho mình thì mình có chủ quan quá không? Trong một bài hát của Phạm Duy, chúng ta nghe Phạm Duy nói hoa nở vì ai? Có thể là hoa không nở vì ai cả, nhưng nhờ mình có chánh niệm cho nên mình thấy hoa nở cho muôn loài, nở cho mình. Mình cũng là hoa, và mình cũng nở cho hoa. Tại sao hoa nở cho mình, mà mình lại không nở cho hoa? Sư cô không phải là một đóa hoa sao? Sư chú không phải là một đóa hoa sao? Tại sao không chịu nở, tại sao hà tiện? Tại sao sáng nay không chịu nở cho thầy, không chịu nở cho anh, cho chị, cho em?

Trong thơ tiền chiến có câu:

Huyền Trân ơi, Huyền Trân ơi!

Mùa Xuân đến rồi.

Giờ đây tám vạn bông trời nở,

Duy có tình ta khép lại thôi!

Tội nghiệp vô cùng. Anh bị ngọn gió độc nào, anh bị chất độc nào động tới mà trái tim anh co rút lại, không nở ra được như vậy? Giờ đây tám vạn bông trời nở, Duy có tình ta khép lại thôi! Sao mà tội nghiệp như vậy!

Sáng nay chúng ta phải nở ra, tại vì ngôi sao Mai kia là một bông hoa đang nở cho chúng ta. Nó đã nở cho đức Thế Tôn, và sáng hôm nay nó chờ ta. Ta đã ra tới sân, ta đang nhìn thấy nó, nó đã nở cho ta, tại sao ta không nở cho nó? Ta phải mở trái tim ra, ta phải nhìn ngôi sao, ta thở và nói: Sao ơi, cám ơn sao có mặt ở đó, tôi rất hạnh phúc. Lúc đó ta nở ra như một ngôi sao.

NHỮNG CÂU LINH CHÚ LÀNG MAI

Ở đời ai lại không có những người thương? Chúng ta có cha, có mẹ, có anh, có chị, có em, có bạn, có thầy. Khi có chánh niệm thì ta nhận rõ được sự có mặt của những người đó là quí giá cho ta lắm. Họ là những bông hoa, họ đang nở cho ta. Còn ta đang co rút lại, ta phải nở ra cho họ! Vì vậy cho nên câu linh chú thứ nhất của Làng Mai là công nhận sự có mặt của người kia, nhìn người đó bằng chánh niệm, bằng khả năng có thể trân quí sự có mặt của người đó và mở miệng ra đọc một câu thần chú bằng tiếng Việt, không cần bằng tiếng Phạn:

"Bố ơi, con biết là bố đang còn sống bên con, nên con rất là hạnh phúc", rồi xá một cái. Đó là một câu thần chú, và ta phải đọc câu thần chú đó trong trạng thái thân tâm nhất như. Thân và tâm ta phải có mặt 100% thì ta mới nên mở miệng đọc câu thần chú đó.

Nghe vậy thì người kia sẽ có hạnh phúc, sẽ nở ra như một đóa hoa. Lúc đó mình cũng là một đóa hoa, mình nở cho người kia, hạnh phúc có mặt liền lập tức. Nó là một thứ hạnh phúc có liền. Hạnh phúc trong khi thực tập câu linh chú thứ nhất nó còn mau hơn là làm cà phê uống liền, tại vì khỏi phải xé bọc cà phê ra, khỏi bỏ vào ly, khỏi chế nước sôi.

Hôm trước đi với sư anh Pháp Ứng ở Xóm Thượng, sư anh đưa cánh tay cho tôi vịn để đi xuống dốc cho có an ninh. Tôi quay lại nói rằng: Pháp Ứng ơi! Có con ở đây thầy sướng quá. Đó là tôi đọc câu thần chú thứ nhất: "Có con ở đây thầy rất là hạnh phúc". Tôi nói câu đó không phải là một câu nói ngoại giao, mà câu đó nó được làm bằng bản chất của chánh niệm, thấy sự có mặt của sư chú là quí giá cho tôi. Biết sư chú đã cho tôi hạnh phúc, đang cho tôi hạnh phúc và sẽ cho tôi hạnh phúc, cho nên tôi chỉ cần nói sự thật đúng lúc thôi, đó là nhờ chỉ, quán và niệm. Thân tâm tôi nhất như, tuy là đang đi, nhưng nhờ an trú trong hiện tại, tôi biết sự có mặt của sư chú, nên tôi đã đọc được câu linh chú thứ nhất của Làng Mai. Sư chú đáp lại liền: Có thầy ở bên con, con cũng rất hạnh phúc. Thành ra hai thầy trò cùng thực tập linh chú!

Có cần lặp lại 100 lần mỗi buổi sáng không? Đã nói được một lần, thì sau này mình không tiếc nữa. Huống hồ mình lấy đó làm sự thực tập hàng ngày của mình?

Cho nên hôm đó ở thủ đô Hán Thành tôi đã mỉm cười nhìn những hoa ngọc lan nở rộ và tôi nói: Hoa ngọc lan ơi, tôi biết hoa đang có đó và tôi rất hạnh phúc! Đi một mình giữa những đóa ngọc lan như vậy, mình thấy được tất cả những mầu nhiệm của sự sống, mình sống những giờ phút của buổi sáng đó, không tiếc nuối gì cả. Không những hoa ngọc lan nở cho mình, mà lúc đó mình cũng là một bông hoa nở ra cho hoa ngọc lan nữa. Giữa hoa và mình có một mối tình tri kỷ, cũng như giữa hai thầy trò Huệ Năng và Hoằng Nhẫn.

Cho nên những giây phút mà quý vị sống ở Xóm Thượng, có thể là những giây phút quan trọng nhất trong đời của quý vị. Dù quý vị sống ở đó một tuần, hai tuần hay hai năm, thì mỗi giây phút của quý vị ở đó phải là những giây phút như vậy. Nếu không thì uổng phí quá. Những giây phút của quý vị ở Xóm Hạ, Xóm Trung, Xóm Mới cũng phải như vậy. Những phương pháp đó tôi đã trao truyền. Nay đến lượt quý vị. Như những người chơi bóng chuyền, khi trái bóng đến tay, thì quý vị phải hành động. Không thể giữ bóng mà không chuyền lại cho người khác.

Đối với cha, với mẹ, với anh, với chị mình, đối với người chung quanh mình, đối với hoa đào, với ngôi sao, với con đường thiền hành, mình phải thực tập nhìn những thứ đó như là nhìn Huệ Năng của mình, nhìn tri kỷ của mình. Chúng ta thực tập để nâng đỡ cho những người chung quanh cùng thực tập. Nếu ta không thực tập thì những người chung quanh ta sẽ không được nâng đỡ, khuyến khích. Sự thực tập của mình có công hiệu tổng quát, nghĩa là mình làm điều này không phải chỉ cho mình, mà làm cho tất cả những người chung quanh mình. Công tác xây dựng tăng thân lớn lao nhất là công tác đó, nghĩa là phải biết nở ra trong từng giây từng phút trong sự sống hàng ngày.

Như vậy, câu linh chú đầu tiên của Làng Mai là:

Bố ơi, con biết bố còn đang sống đó và đang ngồi bên con, nên con rất hạnh phúc-

Mẹ ơi, con biết mẹ còn đang sống đó và đang ngồi bên con, nên con rất hạnh phúc-

Và "công thức" của câu linh chú thứ nhất là:

(((() ơi, (((() biết (((() còn đang sống đó và đang ngồi bên (RRR),nên (((() rất hạnh phúc-

Nếu trong đời anh, đời chị, mà chưa từng nói được câu đó, thì đó là điều đáng tiếc. Nếu chưa nói thì lát nữa phải đi gọi điện thoại. Nói điện thoại trong tinh thần pháp môn thực tập của chúng ta thì dù là điện thoại viễn liên cũng đáng để cho mình sử dụng.

Câu thần chú thứ hai, có khi mình đảo ngược lại, lấy câu thứ hai làm câu thần chú thứ nhất. Điều này không quan trọng mấy. Điều quan trọng là chúng ta phải thực tập những câu thần chú này. Câu thần chú thứ hai là:

Bố ơi, con đang có mặt thật sự bên bố đây-

Mẹ ơi, con đang có mặt thật sự bên mẹ đây-

Thầy ơi, con đang có mặt thật sự bên thầy đây-

(((() ơi, (((() đang có mặt thật sự bên (((() đây-

Thương yêu trong giáo lý của đạo Bụt, trước hết là phải có mặt. Tại vì nếu không có mặt thì làm sao anh thương? Nhiều khi sống 24 giờ đồng hồ với người đó, nhưng anh không có mặt, không bao giờ có mặt bên người đó. Anh sống như là trong một quán trọ Y Pha Nho, trong một chung cư mà mình không cần biết người ở phòng bên cạnh là người thuộc quốc tịch nào, có những hạnh phúc nào, những đau khổ nào!

Có thể mình sống với bố, với mẹ, với những người anh, người chị của mình, nhưng mình chưa bao giờ có mặt với họ. Mình đi, mình về như là những mũi tên, cho đến khi người đó chết, người đó đi xa. Sống như chưa bao giờ mình đã từng gặp người đó. Người đó là ai mà mình nói mình thương?

Có một ông đó, ông nói với đứa con trai 12 tuổi của ông: Này con, mai là ngày sinh nhật của con, con muốn gì, nói cho bố biết, bố sẽ mua cho con. Nhưng chàng con trai đó không có hạnh phúc. Nó là con nhà giàu, và ông bố là giám đốc của một công ty rất lớn, muốn gì ông cũng mua cho được hết. Nhưng những quà cáp không làm cho nó hạnh phúc, vì bố nó chưa bao giờ có mặt với nó hết. Bố nó bận rộn quá. Tại vì sao? Tại vì khi mình giàu thì mình không muốn mình không giàu nữa! Đó là bệnh của chúng sanh. Hễ đã giàu rồi thì không thể chấp nhận được chuyện mình không giàu! Mà muốn tiếp tục giàu thì phải đổ hết thì giờ và tâm lực vào việc làm giàu. Vì vậy mà không có thì giờ để thở, không có thì giờ để ăn, không có thì giờ để nhìn con, nhìn vợ, và cứ đi về như một mũi tên. Nhiều khi ở lại một thành phố lạ đến năm bảy ngày. Không có thì giờ gọi điện thoại về cho vợ, cho con. Thành ra vợ con của ông nhà giàu đó không có hạnh phúc.

Ông có đem tiền về thật, nhưng hạnh phúc đâu phải được làm bằng tiền? Tiền có thể giúp được một phần nào, nhưng hạnh phúc là sự thương yêu, và thương yêu là phải có mặt cho nhau. Ông ta không có thì giờ ăn cơm với con, ngồi chơi với con, nắm tay con đi dạo. Vì vậy mà lúc nghe bố hỏi, cậu bé đã trả lời: Con chỉ muốn bố! Ông ta có thức tỉnh được không thì không thấy nói!

Trong chúng ta có biết bao nhiêu người bị kẹt vào cái thế đó. Cho nên ta phải thực tập. Phải biết nói tội nghiệp quá! Trong quá khứ mình chưa bao giờ có mặt với con mình, có mặt với vợ mình! Chắc là mình phải thay đổi! Ông ta phải thả đi một số bò, để trở lại với vợ, với con, với cuộc sống trong hiện tại.

Trong số những người thiền sinh đến Làng Mai để tu học, có những người đã chứng tỏ khả năng thả bò của họ. Họ thấy cuộc sống của họ không có hạnh phúc, họ đã chạy theo sự thành công về sự nghiệp của họ, mà họ không thật sự sống sâu sắc những giây phút của đời sống của họ. Họ không có thì giờ để thương, để làm hạnh phúc, cho nên khi về lại nhà, họ đã thả những con bò rất bự. Đừng nói rằng sự giác ngộ không có. Nếu không giác ngộ thì làm sao người ta chịu thả những con bò bự như vậy? Nếu nghé mà không thả được thì bò làm sao thả cho được?

Nhiều khi trong phạm vi các thầy, các sư cô, mình nói đùa rằng ngôi chùa của mình cũng là một con bò, vướng vào con bò đó mình không có thì giờ để thở, để đi thiền hành, để ngồi uống trà; để sử dụng con mắt của Bụt, lỗ tai của Bụt, cái mũi của Bụt, hai bàn chân của Bụt.

Những thứ đó đã được thầy trao truyền rồi, nhưng vì "rét", mình không thả được. Thành ra ở Làng Mai, chúng ta phải dùng lỗ tai của thầy trao truyền, phải dùng con mắt của thầy trao truyền, cái mũi của thầy trao truyền, bàn tay của thầy trao truyền, hơi thở của thầy trao truyền. Đó là có hiếu. Cái dòng giống thánh, cái thánh chủng, mà nối tiếp được là do những thứ đó, chứ không phải là do chúng ta làm được ngôi chùa lớn, không phải vì chúng ta làm được những "Phật sự" lớn. Phật sự lớn nhất là có mặt và sống sâu sắc những giây phút của đời sống hàng ngày để có thể tỏa chiếu được cái an lạc, cái hạnh phúc. Pháp thân là bài thuyết pháp lớn nhất.

Thành ra nếu người cha đó giác ngộ, thả được những con bò, một hôm nào đó, ngồi xuống bên con, thở và nói: Con ơi! con biết không? Bố thật sự đã ngồi với con, và thật sự anh ta làm được. Tâm anh ta đang không nghĩ đến business. Tâm của anh hiện giờ đang có mặt với con. Trời ơi, mấy ai có đứa con trai dễ thương như vậy? Hai cha con nắm tay nhau, thì chợt nhiên nơi đó trở thành thiên đường, và đứa bé chợt nhiên có hạnh phúc.

Mỗi khi lên Xóm Thượng, tôi đi trên Xóm thượng như đi trên một thiên đường. Những người con của tôi, tôi nắm tay cùng đi rất hạnh phúc. Mỗi khi đi ở Xóm Mới, Xóm Hạ tôi đều thấy như vậy hết. Mình phải có mặt cho nhau. Mình phải có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Đó là cách thức hay nhất để đầu tư cho tương lai. Tại vì tương lai chỉ được làm bằng một chất liệu thôi, đó là hiện tại. Làm cho chất liệu của hiện tại cóphẩm chất, thì tự nhiên mình có tương lai sáng. Còn lo lắng cách mấy cũng không có tương lai. Tại chất liệu lo lắng, bồn chồn không thể nào làm nên một tương lai đẹp. Chỉ có chất liệu hạnh phúc bây giờ thì mới làm được một tương lai đẹp mà thôi.

Đây là một quá trình rèn luyện và thực tập. Cho nên khi quý vị về Làng Mai, và nghĩ rằng mình chỉ nghe pháp thoại rồi đem về nhà mới thực tập, thì không được. Tại vì Làng Mai là môi trường thuận tiện nhất để thực tập chuyện này. Tức là làm thế nào để nó trở thành một thói quen, rồi đến khi về trú xứ, mình mới thực tập được. Còn nếu trong thời gian ở tại Làng Mai mà mình không làm được những điều này cho thành thói quen, thì khi về thành phố của mình, mình sẽ không làm được. Ở thành phố mình khó làm lắm. Tại vì tất cả mọi người đều chạy, không ai có khả năng an trú. Ít có người biết sống sâu sắc trong giây phút hiện tại.

Do đó nếu quý vị ở được hai tuần hay hai tháng, thì trong thời gian đó mình phải quyết tâm tập cho được nếp sống này để nó trở nên một thói quen tốt, một tập khí tốt. Trong khi tập luyện như vậy, mình có hạnh phúc liền lập tức. Tại vì đó là giáo pháp Hiện pháp Lạc trú. Và cái quê hương đích thực của mình, cái tịnh độ của mình nó nằm ngay tại đó, trong giây phút đó, chứ không phải trong không gian khác, hay trong thời gian khác. Bây giờhay là sẽ không bao giờ hết. Đó là nguyên tắc của chúng ta.

Nhắc lại câu linh chú thứ nhất: Bố ơi, mẹ ơi, con biết là bố đang có mặt đó, và con rất có hạnh phúc. Quý vị cứ làm đi, nếu làm không thành công thì tôi sẽ bồi thường! Khi tam nghiệp hợp nhất thì chắc chắn thành công, nó tạo ra một sự biến chuyển lớn liền lập tức, hạnh phúc sẽ có liền lập tức. Hãy thực tập với ngôi sao Mai, với trăng Rằm; hãy thực tập với lá sồi, với sư anh, sư chị.

Cũng nhắc lại câu thần chú thứ hai là Mẹ ơi, con đang thật sự có mặt một bên bên mẹ đây. Tại vì tặng phẩm lớn nhất mà mình có thể trao cho người thương của mình là sự có mặt đích thực của mình. Nếu không có mặt thì làm sao anh thương? Mà có mặt không phải là chuyện dễ. Phải thực tập mới có mặt được. Phải biết nghệ thuật thở chánh niệm, phải có nghệ thuật thả bò, buông bỏ những lo lắng, suy tư, tham vọng, khổ đau, giận hờn thì mới thật sự có mặt cho người mình thương được.

Trong những buổi pháp đàm, chúng ta phải bàn với nhau, phải chia sẽ cho nhau, người này đã làm như thế này, đã thành công như thế kia, người kia chưa thành công được là tại vì kẹt cái này, kẹt cái khác. Chúng ta phải tới với nhau như một tăng thân để chia sẻ kết quả của những thực tập đó. Và chiều hôm đó sau buổi pháp đàm, chúng ta đem ra thực tập liền. Có như vậy thì chúng ta mới xứng đáng với cái hoài vọng, cái trông đợi của Bụt, của tổ và của thầy.


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][]