TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai
25. Những hình thái hoằng hóa hiện đại
KHÓA TU CHO NGƯỜI BẬN VIỆC THỜI NAY
Chúng ta đã nhiều lần nói đến việc đức Thế Tôn là người đã tùy thuận căn cơ của hội chúng mà giáo hóa độ sanh. Là học trò của ngài chúng ta học được bài học đó, cho nên phương tiện và mô thức hoằng hóa của chúng ta cũng được biến chế để thích nghi với hoàn cảnh của con người trong thời đại mới.
Làng Mai đã bắt đầu thí nghiệm phương cách tổ chức khóa tu cho người bận việc ngày nay. Ngày 29 tháng 5 năm 2001, tại Luân Đôn đã có ba buổi chiều tu học ở ngay trung tâm thành phố. Nơi tổ chức là Thính đường Trung ương (Central Hall) của Giáo hội Methodist, nằm cạnh nhà thờ Wesminter. Trụ sở Quốc hội Anh cũng không cách xa đó bao nhiêu. Đây là khóa tu dành cho những người chuyên viên trong xã hội (professional), vì công ăn việc làm mà không nghỉ được vài ngày để bồi đắp cho thân tâm của họ, cho nên việc tổ chức khóa tu cũng tùy tiện theo thì giờ mà họ có.
Khóa tu gồm ba buổi chiều tu học, mỗi ngày thiền sinh tụ họp lúc 6giờ30 chiều, sau giờ làm việc của họ.
Mở đầu tất cả đi thiền hành vào công viên. Đây là lần đầu tiên có thiền hành ngay ở giữa trung tâm thành phố Luân Đôn. Cảnh sát đã sắp đặt để cho mọi người tham dự khóa tu có thể đi thiền hành được từ Central Hall tới công viên thành phố và trở về. Thiền sinh đi thiền hành vào công viên, rồi lên đồi và ngồi xuống để cùng ăn cơm chiều với nhau. Mỗi người đều tự đem cơm chiều của mình theo. Cố nhiên là cơm chay và ăn trong chánh niệm.
Sau đó mọi người đứng dậy để đi thiền hành trở về thính đường. Tại đây họ được ngồi thiền hướng dẫn, rồi được nghe pháp thoại. Ba đêm liên tiếp chương trình đều như vậy.
Chương trình dự định là năm ngày liên tiếp, nhưng Central Hall không thể cung cấp được 5 ngày vì có quá nhiều nhóm cần Hall, cho nên khóa tu này chỉ kéo dài 3 ngày. Hy vọng lần tới chúng ta sẽ có được 5 ngày tu.
Chúng ta đã dùng mô thức đó là vì tại thủ đô Luân Đôn có rất nhiều người muốn được tham dự khóa tu, nhưng vì công ăn việc làm khiến họ không thể nào bỏ được để tham dự khóa tu suốt ngày. Vì vậy chúng ta đã có ý định tổ chức 5 buổi chiều tu học để thiền sinh sau giờ làm, đi thẳng đến địa điểm tu học tham dự khóa tu. Sau buổi tu học họ đi thẳng về nhà trong không khí của sự tu học, nghĩa là đi về nhà trong sự im lặng hùng tráng và giữ sự im lặng đó cho đến sáng hôm sau.
Đây là một hình thái hoằng pháp mới cho thiền sinh các thành phố lớn.
Trong 20 năm qua, chúng ta chỉ tổ chức những khóa tu cho thiền sinh ở những địa điểm xa thành phố, những địa điểm có khung cảnh thiên nhiên rất đẹp, và thiền sinh ở chung với nhau trong vòng 5 ngày, 7 ngày, hay 21 ngày để cùng tu học. Với phương thức đó chỉ có một số người có thể ghi tên tham dự được thôi, còn đa số thì không có cơ hội. Cho nên ý kiến mở ra những buổi chiều tu học tại trung tâm thành phố là một ý kiến mới, để cho các thiền sinh bận bịu vì công việc vẫn có thể tham dự các khóa tu học.
Chúng ta hy vọng cũng sẽ tổ chức như vậy tại các thành phố lớn khác trên thế giới như Paris hay New York.
Nếu có được 5 buổi chiều, thì thế nào cũng có một buổi vấn đáp cho thiền sinh.
Giáo hội Methodist có một vị mục sư phái nữ tên là Elizabeth Harris. Vị này phụ trách về văn phòng Liên Tông, tức là có liên hệ với các tông phái và các giáo phái khác trên thế giới. Chính Reverend Elizabeth Harris đã hỗ trợ việc tổ chức và giới thiệu tôi trong buổi khai khóa.
Vào ngày cuối khóa, 31 tháng 5 năm 2001, đại chúng đã được nghe một bài giảng khá sâu sắc về Tam Pháp Ấn: Vô thường, Vô ngã và Niết bàn.
Sau ba buổi chiều tu học ở Luân Đôn, chúng ta đã tổ chức một khóa tu năm ngày ở Đức. Một đặc điểm của khóa tu tháng 6 năm 2001 tại Đức là trong buổi pháp thoại cuối, tôi có mời hai cặp thiền sinh lên để diễn kịch. Đây là những Pháp kịch được đạo diễn trong tinh thần khế cơ, nhằm mục đích giúp đại chúng thấy cách áp dụng những điều đã học.
Trong khóa tu có một đám cưới, cho nên cô dâu chú rể được mời trình diễn pháp kịch. Chú rể được tôi hướng dẫn hỏi cô dâu một câu vào hôm sau ngày cưới một ngày:
-Em! Em có phải là em của ngày hôm qua không, hay là em đã là người khác rồi?
Câu hỏi đó phát xuất từ bài giảng về Vô thường. Vô thường có nghĩa là mình của giây phút sau đã không còn là mình của giây phút trước đó nữa. Câu hỏi phải phản chiếu được nhận thức của mình về vô thường và vô ngã. Câu hỏi mới nghe qua thì như vậy nhưng nó có nội dung của sự tu tập trong năm ngày vừa qua. Mình đã được học về vô thường và vô ngã, cho nên câu hỏi của mình chứa đựng tuệ giác về vô thường và vô ngã.
Thông thường khi thương nhau và không biết tu, người ta rất sợ người kia sẽ không thương mình nữa. Thành ra mỗi ngày mình cần người kia lặp lại: Có, còn thương, còn thương, thì mình mới yên tâm!
Người vợ, sau mới một ngày cưới nhau, sẽ nhìn người chồng, mỉm cười và trả lời:
-Anh hãy yên tâm, tuy em không phải là một với em hôm qua, nhưng em không phải là một người khác. Đó là giáo lý Phi nhất, phi nhị. Không phải một mà cũng không phải khác. Đó cũng là giáo lý của Niết bàn, tức là không sanh, cũng không diệt, không có cũng không không, không một cũng không khác, không tới cũng không đi.
Thành ra câu trả lời của cô nàng diễn tả được diệu lý Bát bất của đạo Bụt. Mới nghe qua thì thấy cũng thường thôi: Anh hãy yên tâm, tuy em không phải là một với em hôm qua, nhưng em không phải là một người khác! Not the same, but not different. Câu nói đó hiểu theo giáo lý Tam Pháp Ấn thì nó rất sâu.
Về phía người vợ, cô gái cũng được hướng dẫn để đặt câu hỏi:
-Anh là ai? Anh từ đâu tới? Tại sao anh chấp nhận đau khổ của em là đau khổ của anh, tại sao anh bằng lòng chấp nhận hạnh phúc của em là hạnh phúc của anh? Mai mốt anh sẽ về đâu?
Mới nghe qua thì câu hỏi có vẻ như là triết lý, nhưng kỳ thực đó là một sự mời mọc mình nhìn vào trong bản tính của người mình thương hay bản tính của chính mình, để thấy đó là một công án thiền. Những câu hỏi rất thiết thực, nhưng trong khi thương nhau mà không tu tập thì người ta đâu biết hỏi những câu như vậy? Vì vậy mà tình thương rất cạn cợt. Không thấy được tự tính vô thường, không thấy được tự tính vô ngã, tự tính niết bàn, cho nên tình thương nằm ở mức độ rất cạn.
Khi thương thì mình phải nhìn sâu, phải tập hỏi những câu như vậy. Nếu tìm luôn được câu trả lời thì mình sẽ đạt tới giác ngộ, mình sẽ đạt được giải thoát, hạnh phúc và mình giúp cho người thương của mình cũng đạt được giác ngộ và giải thoát.
Vì vậy thương là một cơ hội mà ghét cũng là một cơ hội. Khi ghét một người nào đó, ghét cay ghét đắng, ghét tới tận xương tận tủy, thì mình cũng có thể hỏi: Này anh! anh là ai? Anh từ đâu tới? Tại sao anh làm cho tôi điêu đứng, khổ sở một đời như vậy? Tại sao anh không cưới người khác mà anh lại cưới tôi? Ngày mai khi anh chết, anh đi về đâu? Tôi có còn cất giữ anh ở trong tim của tôi hay không?
Tất cả những câu hỏi đó làm cho mình thấy được những nỗi hận thù, nỗi đau xót của mình tan biến. Tại khi mình thấy được bản lai diện mục của người kia thì tất cả những đau khổ, thù hận của mình đối với người kia sẽ tan biến. Những câu hỏi đó nó đào xới, khai quật được sự thật nằm bên dưới. Khi tìm được những câu trả lời thì những vướng mắc, những tủi hờn cũng sẽ tan biến theo. Cho nên thương là một cơ hội mà hận thù cũng là một cơ hội.
Nếu tiếp tục như vậy thì những sở đắc, sở chứng của mình về Tam Pháp Ấn từ từ đi ra, và đại chúng ngồi bên dưới có dịp ôn lại tất cả những điều đã học. Đó là một phương pháp giảng dạy mới, rất hay.
Đến vở kịch thứ hai, cặp thứ hai đại diện cho những cặp vợ chồng đau khổ. Một bên đóng vai người đau khổ, một bên đóng vai người đã từng làm cho người kia đau khổ. Tôi hướng dẫn cho họ nói lên những điều có thể tạo được sự truyền thông và nhắc nhở cho mọi người phương pháp thực tập rất là đơn giản nhưng rõ ràng và hiệu nghiệm.
Người vợ bắt đầu:
-Anh là ai? Anh từ đâu tới? Tại sao anh làm cho em đau khổ như vậy? Người chồng trả lời:
-Anh không từ đâu tới cả. Khi những điều kiện, những nhân duyên tụ hợp lại đầy đủ thì anh phát hiện thôi, trong đó có điều kiện xã hội, điều kiện cha mẹ, điều kiện tổ tiên, điều kiện giáo dục. Sở dĩ anh có nhiều đau khổ là tại những hạt giống được trao truyền cho anh. Những hạt giống tốt thì chưa có ai tưới tẩm, ba má anh không biết tưới tẩm hạt giống tốt của anh, mà chỉ biết tưới tẩm những hạt giống giận hờn, tủi hổ của anh thôi. Thêm vào đó, hoàn cảnh xã hội tưới tẩm hạt giống bạo động, căm thù, vướng mắc của anh, cho nên anh đầy dẫy đau khổ. Anh không có thầy, không có bạn, không biết cách xử lý, ôm ấp và chuyển hóa những nỗi đau khổ của anh, cho nên anh đã làm khổ em, và anh cũng đã làm khổ rất nhiều người khác, trong đó có cả anh!
Khi nghe như vậy đại chúng nhớ lại tất cả những gì mình đã được học. Lúc đó người con gái nói:
-Như vậy thì tội nghiệp anh quá, bây giờ thì em thấy rõ ràng anh là một người cần được giúp đỡ chứ không phải bị trừng phạt. Vì vậy em quyết lòng sẽ không giận anh, em sẽ không trừng phạt anh, không làm khổ anh. Một khi em hiểu rồi thì em sẽ giúp anh ôm ấp và chuyển hóa những nội kết của anh. Em cũng nguyện sẽ tưới tẩm những hạt giống tốt của anh, để mai đây anh thiết lập được đời sống thăng bằng.
Những điều cô nói cũng diễn tả những gì đại chúng đã học như là Tứ Chánh cần, tức là tưới tẩm những hạt giống tốt và đừng mời mọc những hạt giống xấu. Nhờ đó mà đại chúng nhớ lại bài pháp thoại.
Đây cũng là một phương tiện hoằng pháp rất hay, mà mình có thể gọi là Dharma Drama, Pháp kịch.
Ngày 16 tháng 6 năm 2001, tăng đoàn tham dự Đại hội Liên Tôn do giáo hội Tin Lành tổ chức tại Frankfurt, Đức.
Trong bài thuyết trình, tôi có nói rằng Nước Chúa (The Kingdom of God) có mặt trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây và tôi mong các vị lãnh đạo, các bậc thầy, các vị mục sư giảng dạy cho tín đồ hãy cung cấp cho tín hữu của mình những giáo lý và những thực tập để giúp cho họ tiếp xúc ngay được với nước Chúa trong giờ phút hiện tại, đừng đợi chết rồi mới đi vào nước Chúa, phải tiếp xúc với nước Chúa ngay bây giờ. Cũng như trong đạo Bụt chúng tôi thực tập mỗi bước chân đi vào Tịnh độ trong giây phút hiện tại.
Định nghĩa của nước Chúa và của Tịnh độ là một cõi mà trong đó có hiểu và có thương. Hiểu và thương là năng lượng của Chúa; hiểu và thương là năng lượng của các vị Bồ tát, của Bụt. Vì vậy cho nên định nghĩa của Tịnh độ hay của Phật độ cũng như là định nghĩa của nước Chúa là nơi có hiểu biết và có thương yêu. Từ đó tôi phát triển đề tài và tôi nói rằng: Tôi không tin nước Chúa là một nơi không có đau khổ, tôi cũng không tin cõi tịnh độ là một nơi không có đau khổ. tại vì nơi không có đau khổ thì không thể nào có hiểu và có thương được. Chính nhờ có đau khổ mà mình mới hiểu được đau khổ và mình mới phát khởi được lòng thương.
Theo luật tương tức, theo lý nhân duyên, cái này có vì cái kia có. Không có cái này thì không có cái kia. Nếu không có trái thì làm gì có phải; nếu không có ngày thì làm gì có đêm; nếu không có đói thì làm gì có no? Cũng vậy, nếu không có đau khổ thì làm gì có hạnh phúc? Vì vậy cho nên nước Chúa có đau khổ! Nhưng cái đau khổ của nước Chúa là cái đau khổ giúp cho mình hiểu và mình thương, chứ không phải cái đau khổ làm cho mình chìm đắm hoài hoài trong tuyệt vọng.
Nước Bụt cũng vậy, có sự đau khổ! Trong kinh điển có những bằng cớ chứng tỏ rằng cõi Tịnh độ cũng có đau khổ. Ví dụ như trong giáo lý Tịnh độ có quan niệm gọi là Đới nghiệp vãng sinh, nghĩa là mình có thể đem theo "20kg" tham sân si mà vẫn vào được cõi cực lạc. Nếu đem 20kg tham sân si vào nước Chúa thì ít nhiều mình cũng sẽ gây khổ đau cho mình và cho vài người chung quanh. May thay tại cõi Tịnh độ các vị Bồ tát có đầy hiểu và thương cho nên các ngài có thể hộ niệm cho những đau khổ của mình, để giúp cho mình chuyển hóa. Chính nhờ có đau khổ người ta mới thực tập hiểu được, và thực tập thương được. Nếu ở cõi không có đau khổ thì làm sao thực tập hiểu và thực tập thương cho được? Vì vậy cõi không có hiểu và thương thì không thể gọi là cõi tịnh độ được.
Câu nói: "Theo tôi thì trong nước Chúa có sự đau khổ, vì nếu không có đau khổ thì không có cách gì mình có thể học hiểu và học thương được" đã được đài truyền hình của Đức ghi lại và tường thuật trong bản tin chiều hôm đó.
Những chia sẻ trên đây được dựa vào những thực tập Hiện Pháp Lạc Trú của chúng ta. Hiện Pháp Lạc Trú là một giáo lý rất quan trọng mà ta phải phục hồi, đem ra để giảng dạy và thực tập ở trong thời đại này.
Mệnh đề Hiện Pháp Lạc Trú có đầy đủ trong kinh điển đạo Bụt. Đức Thế Tôn dạy rằng ta có thể sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, ta không cần phải đi tìm cầu. Trong giây phút hiện tại ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống, ta có thể tiếp xúc được với niết bàn. Niết bàn trong giây phút hiện tại gọi là Hiện pháp Niết bàn. Vì vậy nếu nói Tịnh độ trong giây phút hiện tại hay nước Chúa trong giây phút hiện tại, cũng là thuận hợp với giáo lý căn bản này của đức Thế Tôn.
Khi mình an trú được trong hiện tại thì mình không còn chạy nữa, không còn ruổi rong nữa. Mà không còn ruổi rong nữa thì tất nhiên mình có thảnh thơi. Thành ra tất cả cái bí quyết là dừng lại. Dừng lại sự rong ruổi, dừng lại sự đi tìm cầu những điều kiện hạnh phúc mà mình nghĩ là mình đang không có. Trong những điều kiện đó có năm dục. Khi mình lo chạy theo năm dục thì mình không có khả năng an trú trong hiện tại để tiếp xúc với những cái mầu nhiệm của hiện tại. Mà cái mầu nhiệm căn bản là Hiện pháp Niết bàn, chứ không phải là Niết bàn của tương lai.
Các tôn giáo thường "bán" cho mình món hàng mà họ chỉ giao trong tương lai! Bây giờ mình phải trả tiền, và tương lai họ mới giao hàng. Món hàng đó là Thiên đường, là nước Chúa hay là Tịnh độ. Nhưng phương pháp thực tập ở Làng Mai mà mình thấy trong giáo lý đạo Bụt là "tiền trao cháo múc", tức là anh phải đưa Niết bàn cho tôi liền thì tôi mới chịu "trả tiền" bây giờ! Vì vậy cho nên giáo lý Hiện pháp Niết bàn rất là căn bản.
Căn cứ vào điều đó tôi đã đề nghị với các bạn ở Cơ Đốc giáo rằng, quý vị hãy đến hỏi mục sư, hỏi cha xứ của mình và đòi nước Chúa liền bây giờ! Con theo giáo hội, con yểm trợ giáo hội, con chấp nhận tu tập, với điều kiện cha đưa nước Chúa cho con ngay bây giờ và ở đây! Nếu ngài không có nước Chúa ở trong tâm thì làm sao ngài cho mình nước Chúa được?
Trong bài diễn thuyết của tôi ở Frankfurt trong dịp tăng đoàn Làng Mai tham dự đại hội nói trên của giáo hội Tin Lành, tôi cũng đã nói một câu rất mạnh: Các vị lãnh đạo tâm linh phải thể hiện được giáo lý và sự thực tập Hiện pháp Niết bàn trong đời sống hàng ngày. Đó là một sự đòi hỏi, một sự thách đố, một sự cầu khẩn: Người đứng ra giảng dạy phải có khả năng an trú trong hiện tại, phải có khả năng tiếp xúc được với tịnh độ, với niết bàn ở trong hiện tại.
Chúng ta cũng vậy, không cần phải thọ giới lớn thì chúng ta mới thực tập được điều đó. Chúng ta mới thọ giới sa di hay sa di ni hay chúng ta mới thọ năm giới thôi, nhưng chúng ta phải có khả năng an trú trong hiện tại, chúng ta phải có khả năng tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong giờ phút hiện tại, chúng ta phải có hạnh phúc ngay trong lúc thực tập bây giờ. Đó là cách chúng ta tiếp xúc với niết bàn, nhờ vậy mà niết bàn càng ngày càng hiển lộ.
Hiện pháp niết bàn là một danh từ có sẵn trong kinh A Hàm chứ không phải đợi đến kinh Đại thừa mới có giáo lý đó. Đợt sóng không cần chết rồi mới trở thành nước!
Trong đời sống ngày nay vì không biết thực tập Hiện pháp Niết bàn, cho nên người ta bị một chứng bệnh gọi là căng thẳng, stress. Chứng bệnh này đưa tới bệnh trầm cảm (depression) đầy dẫy trong xã hội.
Phương thuốc của đạo Bụt đã có sẵn: Nếu mình cắt đứt sự chạy theo, cắt đứt được những hoài niệm, những tiếc thương trong quá khứ, những lo lắng, sợ hãi về tương lai, mà an trú được, tiếp xúc được với hiện pháp, thì mình có tự do và móng vuốt của áp lực cuộc sống sẽ buông mình ra. Mình sẽ lành bệnh trầm cảm.
Những nhà tâm lý trị liệu, những bác sĩ y khoa muốn chữa trị cho chứng bệnh phổ thông nhất của thời đại mình, tức là bệnh stress, thì phải học phương pháp Hiện Pháp Lạc Trú.
Ham muốn và sợ hãi là hai "tên thủ phạm" của chứng bệnh căng thẳng của thời đại chúng ta.
Sự sợ hãi bắt nguồn từ cái lo lắng là không biết tương lai của mình sẽ ra sao! Không biết ngày mai mình có thất nghiệp không! Hôm nay đang có công ăn việc làm, vậy mà mình cứ lo lắng biết đâu ngày mai công ty của mình sẽ sa thải nhân viên! Cái lo lắng đó nằm ở dưới đáy lòng, đôi khi nó chưa phát hiện, nhưng âm thầm mình vẫn lo! Chỉ cần đừng đòi hỏi mình phải có địa vị cao ở trong xã hội, đừng đòi mình phải có công ăn việc làm hạng nhất, the best kind of job, mình chỉ cần đồng lương đủ sống một cách đơn giản mà đạo Bụt gọi là thiểu dục tri túc, thì tự nhiên mình thoát ra khỏi móng vuốt của "hai con quỷ" ham muốn và sợ hãi đó. Nhờ vậy mà áp lực kia không còn có mặt trong cơ thể và tâm hồn của mình nữa, và mình hết bệnh!
Như vậy, mình không cần phải học nhiều giáo lý thâm sâu mới giúp được đời, mình chỉ cần nắm vững Hiện Pháp Lạc Trú và giáo pháp Thiểu dục Tri túc là mình có thể cứu độ được rất nhiều người rồi.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]