TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

MỤC LỤC

TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

23. Căn bản của sự thực tập tại Làng Mai

KINH MÃ HUYẾT THIÊN TỬ

SỰ TUỘT DỐC CỦA GIÁ TRỊ TÔN GIÁO

CẮT TỈA NHỮNG PHẦN TIÊU CỰC TRONG TRUYỀN THỐNG

PHƯƠNG PHÁP CHIA SẺ ĐẠO BỤT VỚI NGƯỜI TÂY PHƯƠNG


Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

23. Căn bản của sự thực tập tại Làng Mai

Theo truyền thống của đạo Bụt, trong ngày hoàn mãn các khóa an cư, các thầy, các sư cô làm lễ Đối thủ Tự tứ. Tự Tứ là ngày chấm dứt một khóa tu ba tháng.

Ngày hôm đó các thầy sẽ quỳ trước mặt nhau, các sư cô sẽ quỳ trước mặt nhau để cầu xin sự soi sáng của người kia, xem thử trong ba tháng vừa qua mình đã thực tập như thế nào, mình đã thực hiện những tiến bộ nào, và mình còn mắc vào những lỗi lầm nào. Mỗi thầy quỳ trước một thầy, mỗi sư cô quỳ trước một sư cô để cầu xin soi sáng. Đối thủ Tự Tứ là một lễ rất cảm động.

Chúng ta biết rằng ngày tự tứ là một ngày vui mừng cho tăng đoàn. Theo truyền thống thì tất cả mọi người xuất gia, đến mùa an cư kiết Hạ hay kiết Đông đều trở về trú sở của mình để thực tập an cư ba tháng. Ngày Tự Tứ, do đó là ngày mừng tuổi, tức là ngày mình thêm một tuổi Hạ hay một tuổi Đông.

Theo truyền thống, khi tu tập và có được năm tuổi Hạ thì mình có đủ tư cách để làm Giáo thọ. Khi có được 10 tuổi Hạ, mình có tư cách để làm Hòa thượng, nghĩa là có thể truyền giới, tức là có thể thu nhận đệ tử trong đời sống tâm linh của mình. Đó là ý nghĩa của câu:

Ngũ Hạ di thượng tức Xà Lê vị,

Thập Hạ di thượng tức Hòa Thượng vị.

Nghĩa là từ năm Hạ trở lên, đó là địa vị của người giáo thọ; từ mười Hạ trở lên là địa vị của thầy truyền giới, của thân giáo sư. Đó là tập tục ở trong truyền thống.

Như vậy, dù mình chưa được truyền đăng thì sau 5 Hạ, mình tự khắc phải mang lấy trách vụ của người giáo thọ. Dù mình không được tôn xưng là hòa thượng, thì sau 10 Hạ mình cũng phải thu nhận đệ tử để cho thế hệ tương lai có thể tiếp tục sự nghiệp của Bụt và chư vị Bồ tát.

KINH MÃ HUYẾT THIÊN TỬ

Ngày xưa, hồi Bụt còn ở tại tu viện Cấp Cô Độc, một hôm có một vị hiệp sĩ tới thăm đức Thế Tôn. Vị này tên là Mã Huyết Thiên Tử, tiếng Phạn là Rohitassa.

Sau khi ngồi với đức Thế Tôn mấy phút, Rohitassa bạch rằng: Thế tôn! con thấy cõi nhân gian này đầy dẫy những khổ đau, đầy dẫy những sự bất trắc. Cõi có sinh có diệt, có thành có bại, có đắc có thất, có buồn có vui. Sống trong cõi này con không thấy thoải mái. Vì vậy con đã từng mơ ước đi tới một cõi mà nơi đó không có sinh không có diệt, không có đắc không có thất, không thành công không thất bại. Con muốn ở đó cho an ổn thân của con. Bạch đức Thế Tôn! Có cách nào để có thể du hành tới một cõi như vậy hay không?

Giả dụ mình có phương tiện chuyên chở rất tân kỳ, mình đi nhanh như một lằn chớp, thì trong bao lâu mình có thể đi ra khỏi cõi sinh tử này? Đó là câu hỏi của Rohitassa.

Đức Thế Tôn trả lời: Này Rohitassa, không có phương tiện chuyên chở nào có thể đưa ngươi ra khỏi cõi sanh tử này, dù ngươi có đi mau bằng tốc độ của ánh sáng.

Sau khi đức Thế Tôn nói vậy thì thiên tử Rohitassa chắp tay lại và nói rằng: Bạch đức Thế Tôn, ngài nói đúng, tại vì con nhớ lại trong những kiếp trước, con đã từng có ước mong đi khỏi cõi sanh tử này.

Sau khi Rohitassa kể lại câu chuyện trong một kiếp trước Rohitassa đã cố gắng đi đêm ngày không ngừng nghĩ, rốt cuộc cũng chết ở trên cõi này. Bụt nhìn Rohitassa rồi ngài nói:

Nhưng này Rohitassa, nói như vậy không có nghĩa là không thể nào ta vượt thoát cõi sinh tử. Ta có thể vượt thoát được. Ta có thể đi ra khỏi sinh tử, ta có thể tiếp xúc được với thế giới không sinh và không tử. Rohitassa biết là có một thế giới không sinh không tử, nhưng mình không thể đạt tới cõi đó bằng phương tiện di chuyển.

Rohitassa hỏi: Bạch đức Thế Tôn, nếu không thể đạt tới được bằng phương pháp di chuyển thì chúng ta đạt được bằng phương pháp nào, chúng ta tìm cõi không sinh, không tử đó ở đâu?

Đức Thế Tôn nói rằng: Ở trong tấm thân một thước bảy, thước tám của chúng ta, nó có chứa đựng thế giới không sinh không tử. Chỉ cần trở về cái hình hài của chúng ta và quán chiếu, tiếp xúc cho sâu sắc, thì ta có thể khám phá ra được cái thế giới của không sinh không tử ở trong đó. Ta tìm sự an lạc, hạnh phúc ngay ở trong cơ thể, trong tấm thân bảy thước này.

Chúng ta biết rằng trong kinh, Bụt có dạy những phương pháp quán chiếu thân thể trong thân thể, trở về cơ thể của chúng ta, tiếp xúc với cơ thể đó, và đi sâu vào sự quán chiếu để tìm ra được cái bản chất đích thực của cơ thể ta. Cơ thể ta là một hiện tượng có sinh có diệt, có còn có mất. Tuy nhiên nếu chúng ta tiếp xúc với cơ thể một cách sâu sắc, đi vào bản tính chân thật của thân thể ta, thì ta có thể khám phá ra được tính bất sinh bất diệt của thân thể ta. Câu nói này là một câu nói rất quan trọng. Ngay chính trong tấm thân bảy thước của quý vị mà quý vị có thể tìm được thế giới bất sinh và bất diệt.

Kinh Rohitassa Sutta từ tạng Pali là một kinh mà chúng ta phải học hỏi, phải khai thác, phải quán chiếu, và phải đem ra áp dụng vào đời sống hàng ngày của chúng ta. Theo tinh thần kinh đó, thế giới của an lạc, của bất sinh, bất diệt, thế giới của vô ưu nằm ngay trong cơ thể của chúng ta, nằm ngay trong cõi mà chúng ta gọi là cõi sinh tử, cõi buồn đau.

Nhân loại đã từng khổ đau, chán nản, mệt mỏi, cho nên nhân loại đã từ lâu, cứ mơ ước một cõi trong đó chỉ có hạnh phúc mà không có khổ đau; cõi trong đó chỉ có sự sống mà không có sự chết; chỉ có sự trẻ mà không có sự già; chỉ có ngày mà không có đêm; chỉ có những cái tích cực mà không có những cái tiêu cực; chỉ có hạnh phúc mà không có khổ đau. Vì sự mệt mỏi của chúng ta, vì sự đau khổ, chán nản cho nên trong mỗi chúng ta đều có ước mơ đó.

Cõi đó có khi ta gọi là cõi thiên đường, cõi tịnh độ, hay nước Chúa. Các tôn giáo, tôn giáo nào cũng hứa hẹn hiến tặng cho ta một cõi như vậy, một cõi hứa! Vì đau khổ quá, cho nên chúng ta xếp hàng đợi mua!

Khi đau khổ quá, chán nản quá, sợ hãi quá thì chúng ta mong ước có một nơi nào đó để có thể xa lánh cõi khổ đau sinh tử này. Vì vậy chúng ta có những nhu yếu đích thực. Khi có nhu yếu đích thực thì mình chấp nhận, đăng ký, đặt mua món hàng đó. Có những người tu tịnh độ nói rằng cõi này đầy dẫy những phiền não, đầy dẫy những cạnh tranh, đầy dẫy những xấu xa, ganh tỵ, tôi chỉ muốn phát nguyện sinh về nước Tịnh độ, tại vì nơi đó không có những cạnh tranh, những nhỏ mọn, những ganh tỵ kia để cho khỏe thân. Mình hiểu được tâm trạng của những người đó. Tại vì chính mình cũng không ưa những ganh tỵ, những xấu xa, độc ác, dối trá của con người. Vì vậy chính mình cũng muốn cầu sinh về tịnh độ.

Cố nhiên khi về được với Phạm Thiên, hay về được với Thiên Chúa, thì ngồi với Phạm Thiên, ngồi với Thiên Chúa, ngồi với các bậc khấn thần thì cố nhiên mình sẽ không gặp những hoàn cảnh gọi là dối trá, lừa gạt, ganh tỵ, hay giận hờn. Vì vậy cho nên mình ấp ủ một ước mơ, và nhiều khi mình sống với ước mơ đó.

Không những các tôn giáo tìm cách bán cho chúng ta một cõi lý tưởng, mà các chủ nghĩa cũng vậy. Các chủ thuyết lớn, các đỉnh cao trí tuệ loài người, chủ thuyết nào cũng muốn bán cho chúng ta một thiên đường của tương lai. Nếu áp dụng theo chủ thuyết này, thì mai mốt, thiên đường đó là thiên đường có thật ở trên thế gian này. Chúng ta ai cũng mua, cũng đăng ký, cũng vào hội, vào đảng. Tại sao vậy? Tại vì tất cả chúng ta đều mong ước có một cõi như vậy. Một cõi mà trong đó người không bóc lột người, một cõi mà trong đó người chấp nhận người, một cõi đại đồng. Cái tư tưởng về đại đồng đã có từ 4000 năm về trước ở Á Đông.

Trong khi đó thì đức Thế Tôn dạy rằng chúng ta phải tìm cõi không sinh tử ngay ở trong cõi sinh tử. Một vị thiền sư Việt Nam đời Lý cũng đã từng dạy học trò như vậy. Thầy nói rằng các con hãy nỗ lực, tinh tấn tu tập để có thể đạt được cõi không sinh, không tử. Các con phải tìm cho được cõi không sinh, không tử. Nghe vậy, một thiền sinh hỏi: Bạch thầy cõi không sinh, không tử đó con phải tìm ở đâu? Thầy nói: Con tìm ngay trong cõi có sinh và có tử.

Chúng ta đã nghe những câu nói như vậy nhiều lần, và chúng ta biết rằng đây là chân tinh thần của đạo Bụt, đây là tinh thần của kinh Rohitassa: Hãy tìm cái an lạc của mình, cái bất sinh, bất diệt ngay ở trong cái sinh diệt. Điều này rất phù hợp với giáo lý duyên sinh của đạo Bụt. Tại vì theo giáo lý duyên sinh thì cái này có là do cái kia có. Rất đơn sơ, nhưng rất khoa học.

Tại Làng Mai chúng ta luôn luôn nhìn vào bông hoa và chúng ta biết rằng bông hoa này được làm bằng những yếu tố không phải là hoa, trong đó có yếu tố phân rác. Nhìn vào bông hoa một cách sâu sắc, ta có thể thấy được phân rác ở trong đó. Nếu không có rác thì không thể nào chúng ta có hoa. Nếu có hoa mà chúng ta không biết bảo quản, thì chỉ trong nửa ngày hay một ngày là hoa sẽ trở nên rác. Vì vậy rác và hoa tương tức.

Chúng ta có thể tưởng tượng một cõi trong đó chỉ có hoa mà không có rác được chăng? Lấy gì để làm ra hoa? Họa chăng là hoa plastic! Mà plastic thì cũng có ngày tàn lụi. Chúng ta không thể tưởng tượng được một cõi mà trong đó chỉ có hoa mà không có rác. Chúng ta biết rất rõ, rất thực tế, và trên căn bản quán chiếu, nhận xét của chúng ta thì nếu không có phân, không có rác thì không bao giờ có thể có hoa được. Vậy thì tại sao chúng ta lại đi tìm một cõi trong đó chỉ có hạnh phúc mà không có đau khổ? Chúng ta có biết hạnh phúc được làm bằng sự đau khổ hay không? Nếu chưa từng đau khổ, thì chúng ta không thể nào biết hạnh phúc là gì, và chúng ta sẽ không biết chế tác hạnh phúc bằng sự đau khổ của chúng ta.

Chúng ta đã học điều đó, và trong suốt mùa an cư năm nay chúng ta cứ lặp đi, lặp lại điều đó. Chính những khổ đau mà chúng ta đã đi qua, là chất liệu để làm ra sự an lạc, hạnh phúc của chúng ta. Mọi người trong chúng ta ngồi ở đây, ai cũng đều đã có kinh nghiệm đó. Vậy thì trong thâm tâm của quý vị, quý vị có muốn đi tìm cầu một cõi trong đó chỉ có hạnh phúc mà không có đau khổ hay không? Đó có phải là một điều thực tế hay không? Chúng ta là những con người đã trưởng thành chưa?

Nhìn lại thì thấy nhân loại chưa được trưởng thành! Mấy ngàn năm rồi mà vẫn ngây thơ, vẫn đi tìm những cái không thực tế. Biết bao nhiêu người trong chúng ta vẫn đang tiếp tục đi kiếm một cõi như vậy. Mơ ước đi tới một cõi như vậy, một cõi chỉ có sự sống mà không có sự chết, chỉ có hạnh phúc mà không có khổ đau. Một nhân loại trong đó đa số vẫn còn có những mơ ước ngây thơ như vậy, thì có thể gọi là một nhân loại trưởng thành hay chưa?

Trong khi đó thì đức Thế Tôn đã dạy chúng ta ngay từ 2500 năm về trước, rằng chúng ta phải đi tìm hạnh phúc, an lạc, ngay trong cõi khổ đau. Ta phải tìm thế giới không sinh không diệt ngay trong cõi có sinh có diệt. Biết bao nhiêu người Phật tử, học trò trực tiếp và gián tiếp của đức Thế Tôn, cũng chưa trưởng thành, cũng vẫn đi tìm cầu một điều không tưởng như vậy! Bỏ thế giới này để đi tìm một thế giới khác, bỏ thế giới của rác để đi tìm thế giới của hoa, bỏ thế giới của khổ đau để đi tìm thế giới của an lạc, bỏ thế giới của sinh diệt để đi tìm thế giới của không sinh không diệt. Trong khi đó thì đức Thế Tôn đã nói một lần, mười lần, một ngàn lần rằng cái không sinh không diệt chỉ có thể tìm được ngay trong lòng của cái có sinh, có diệt.

Chúng ta có những vết thương, và chúng ta mong ước có được một chất kem để thoa lên vết thương đó cho nó dịu niềm đau, nỗi khổ của chúng ta. Có những người chuyên đi bán những giấc mơ, tại vì họ biết chúng ta cần những giấc mơ. Những người đi bán mộng, bán mơ, và hàng của họ bán rất chạy. Tại vì chúng ta ai cũng đau khổ, mà phần lớn lại không biết bảo quản nỗi đau khổ của mình, không biết ủ rác để làm hoa, cho nên chúng ta cứ mơ tưởng. Vì vậy cho nên chúng ta chạy theo những người bán mơ, những người bán mộng. Rốt cuộc cái mà chúng ta mua được chẳng qua là những giấc mơ mà thôi.

Trong khi đó thì đạo Bụt là đạo tỉnh thức, đạo Bụt không muốn bán cho chúng ta những giấc mơ. Bụt muốn cho chúng ta những cái ngược lại của giấc mơ, đó là sự tỉnh thức. Động từ Bud có nghĩa là thức dậy, và Buddha là người đã thức dậy. Người đã thức dậy thì có thể giúp những người khác thức dậy, và con đường để thức dậy gọi là Buddhism, tức là đạo Bụt.

Về phương diện này, sự thực tập của Làng Mai nói rất rõ. Ở đây chúng ta không đang mơ tưởng đi tìm một cõi an lạc, viễn vông, dù cõi đó gọi là cõi không sinh, không diệt, không khổ đau. Chúng ta đi tìm cõi đó ngay trong thế giới của khổ đau, của sinh diệt này. Tại vì chúng ta biết rất rõ rằng không có rác thì sẽ không bao giờ có hoa. Nếu không có sự chết thì không bao giờ có thể có sự sống, đừng nói sự sống miên viễn, sự sống đời đời.

Nhìn vào sự sống bằng con mắt của nhà khoa học, cũng như nhìn bằng con mắt của người đạo học, và quán chiếu, thì chúng ta thấy rất rõ sự sống được làm bằng sự chết, và sự chết chỉ là một khía cạnh khác của sự sống mà thôi. Nếu nhìn vào trong cơ thể thì chúng ta thấy cái sinh và cái diệt nó liên tiếp, nó đắp đổi nhau một cách rất miên mật. Cái sinh, diệt ở trong cơ thể của chúng ta nó tiếp diễn từng giây từng phút. Đứng về phương diện cơ thể cũng vậy mà đứng về phương diện tâm lý cũng vậy. Các hiện tượng sắc, thọ, tưởng, hành, và thức, chúng liên tục biến chuyển và sinh diệt trong ta. Chúng ta biết rằng cái chết đang xảy ra trong từng giây từng phút để làm cho cái sống có thể có mặt được, thì tại sao chúng ta lại nói ta chỉ muốn có cái sống mà không muốn có cái chết? Không muốn có cái chết tức là không muốn có cái sống!

Chúng ta biết rất rõ khi đưa một vật lên, chúng ta có thể phân biệt được bên trái và bên phải. Sở dĩ chúng ta có bên phải, là tại chúng ta có bên trái. Sở dĩ chúng ta có bên trái, là tại chúng ta có bên phải. Bây giờ ta nói tôi không muốn bên trái, tôi chỉ muốn bên phải thôi, thì có phải là chúng ta ngây thơ hay không? Chúng ta chưa phải là người trưởng thành, chúng ta là những đứa trẻ con.

Nhân loại của chúng ta là như vậy đó, nhân loại chưa trưởng thành, dù chúng ta có một người anh rất từng trải, đã chỉ cho chúng ta thấy rằng cái ý niệm bỏ trái để đi tìm phải, bỏ sinh tử để đi tìm niết bàn là một ý niệm rất là ngây thơ. Người anh đó là Bụt Thích Ca. Đó là người anh lớn của nhân loại, người đã tìm ra được sự thật, tìm ra được bản chất của sự sống. Giáo lý của ngài là giáo lý tương tức, giáo lý duyên sinh. Cái này có thì cái kia có.

Trong khi người ta nói thế giới này là do thần linh sáng tạo, hay thế giới này là do một cái "Big bang" mà sinh ra, thì đức Thế Tôn nói một cách rất đơn giản là thế giới này sở dĩ có mặt là tại vì cái này có cho nên cái kia có. Đó là một lời tuy rất bình dị nhưng rất là khoa học, cao siêu. Vạn vật nương nhau mà có.

Sự thực tập của Làng Mai được căn cứ trên một nền tảng hết sức là thực tế, hết sức vững chãi là chúng ta chấp nhận thế giới này là quê hương với tất cả những đau khổ, với tất cả những sinh diệt, và chúng ta quyết tâm tìm cái an lạc, cái không sinh không diệt ngay trong thế giới này.

Chúng ta có bài tụng Phòng Hộ Chuyển Hóa. Bài tụng được chấm dứt bằng những câu:

Cùng tăng thân xin nguyền ở lại.

Nơi cõi đời làm việc độ sanh.

Giờ phút này sông núi chứng minh.

Cúi xin đức Từ Bi nhiếp thọ.

Tuy đó là những câu nghe rất hiền, nhưng kỳ thực nó không được hiền lắm, tại vì những câu đó có tính rất cách mạng. Con xin ở lại đây, con không đi đâu hết, dù là đi về Tây phương, Tịnh độ, hay Niết bàn. Tại vì con nghĩ rằng Tây phương, Tịnh độ, và Niết bàn mà tách rời cõi này thì đó chỉ là những ảo tưởng. Tại vì đức Thế Tôn đã dạy con rằng Niết bàn nó nằm ngay tại đây, trong giờ phút hiện tại. Tây phương, Tịnh độ cũng nằm ngay tại đây trong giờ phút hiện tại. Con rất thực tế, con là học trò của đức Thế Tôn, con không phải là người mộng mơ.

Chúng ta thấy rằng trong hàng đệ tử của đức Thế Tôn cũng có rất nhiều người đang nằm mơ, và cũng có rất nhiều người đang bán mộng để lấy xôi, lấy chuối. Vì vậy chúng ta, nếu tự nhận là những người trưởng thành thì chúng ta đừng buôn mơ và đừng bán mộng nữa. Chúng ta phải hạ thủ công phu. chúng ta đi sâu vào sự sống trong mỗi giây phút để chúng ta có thể tiếp xúc được với bản môn. Khi tiếp xúc được với bản môn rồi, thì ta tiếp xúc được với tính không sinh không diệt của thực tại. Lúc đó ta đạt được cái vô úy, không sợ hãi. Ta chấp nhận được hoa, ta cũng chấp nhận được rác. Sinh ta chấp nhận, mà diệt ta cũng chấp nhận, tại vì ta biết quá rõ là nếu không có diệt thì sẽ không thể nào có sinh. Sinh diệt là hai mặt của một thực tại. Nếu đạt được tuệ giác đó thì khi gọi là chúng ta chết, chẳng qua chỉ là một sự bắt đầu trở lại, và thay vì đau khổ, sầu thương vì cái chết, chúng ta mỉm cười, và nói: Happy continuation!

Cũng như một đám mây kia bay trên trời. Đến lúc mây phải biến thành mưa thì đám mây không sợ hãi. Tại vì mây biến thành mưa thì đâu phải mây chết đi, mây không còn nữa? Mây chỉ tiếp tục có mặt dưới một hình thức khác mà thôi. Thay vì sợ hãi, thì đám mây vừa biến thành mưa, vừa ca hát. Bay ở trên trời xanh, đi ngang qua đại dương, đi ngang qua đỉnh núi cao, tất cả đều rất vui, đều rất đẹp. Đám mây có niềm vui như vậy, nhưng khi biến thành mưa để rơi xuống thửa ruộng, rơi xuống đồng cỏ, rơi xuống cây cối; để thành những dòng nước trong cho loài người và các loài súc vật, cây cỏ uống, thì đó cũng là một sự nghiệp rất đẹp, đó cũng là hạnh nguyện của một vị Bồ tát. Làm mây tôi cũng hạnh phúc, làm mưa tôi cũng hạnh phúc, tại sao tôi phải sầu đau và sợ hãi? Như vậy là đám mây đã đạt tới cái thấy không sinh và không diệt. Sinh diệt chỉ là bề mặt, cái không sinh và không diệt mới là bản chất của sự sống.

Như vậy, chúng ta đến Làng Mai không phải là để mua một giấc mơ. Chúng ta không phải đến đây để mua một thứ kem thoa dịu niềm đau nỗi khổ của chúng ta. Chúng ta đến đây để học phương thức sống trở lại trong giây phút hiện tại, chấp nhận sự sống này, chấp nhận tất cả những khổ đau, những sinh tử của sự sống này, để chúng ta có thể có khả năng tiếp nhận và thấy được giá trị của sự sống trong mọi hình thức biểu hiện của nó.

Thấy hoa ta cũng hân hoan. Thấy rác ta cũng hân hoan. Chúng ta biết rằng một người làm vườn giỏi thì người đó có khả năng bảo quản rác của họ, và người đó biết rõ rằng họ cần rác, cũng như họ cần hoa. Tại vì họ đã biết phương pháp, cho nên họ biết trân quí rác rến của họ. Họ biết bảo quản rác rến của họ, và với phương pháp đã học được, họ có thể chuyển rác đó thành phân bón, và phân bón đó có thể trở nên hoa trái trong một thời gian ngắn mà thôi, Chúng ta đã học được bài học đó trong Pháp thoại chủ đề Mộ phần Thế kỷ trước đây.

Chúng ta không biết rằng trong thế kỷ thứ 21, nhân loại của chúng ta có thể trưởng thành được chăng, hay là nhân loại vẫn tiếp tục nằm mơ, vẫn tiếp tục đi bán những giấc mơ, vẫn tiếp tục đi mua những giấc mộng. Câu hỏi này cần được quý vị trả lời. Nếu quý vị trưởng thành được, nếu quý vị chấp nhận nơi này là quê hương để có thể tiếp xúc được với chiều sâu của sự sống ngay tại đất này, thì quý vị là những người trưởng thành, và quý vị sẽ giúp cho nhân loại trưởng thành, để nhân loại đừng tiếp tục ngủ mê như trong những thế kỷ vừa qua.

Trong giáo lý của Bụt, chúng ta đã nghe rất nhiều lần: Duy tâm tịnh độ. Hiện pháp Niết bàn. Duy tâm tịnh độ là gì? Duy tâm tịnh độ là cõi tịnh độ ngay trong trái tim của chúng ta. Trong Cơ Đốc giáo người ta cũng nói vậy: Nước Chúa nằm ngay trong trái tim. Không phải là không có tuệ giác, nhưng chúng ta không có khả năng sử dụng tuệ giác đó, và sống theo cái tuệ giác đó. Hiện pháp Niết bàn nghĩa là Niết bàn ngay trong giờ phút hiện tại. Ai là người anh hùng hào kiệt để có thể tiếp xúc và sống với Niết bàn trong giây phút hiện tại? Niết bàn là sự tắt ngấm, sự vắng mặt của tất cả những giấc mơ, vắng mặt của tất cả những ý niệm, trong đó có ý niệm về sinh diệt, để cho thực tại có cơ hội hiển lộ cho chúng ta như một sự sống mầu nhiệm.

Vậy thì đời sống tâm linh của chúng ta trong thế kỷ thứ 21 là như thế nào? Trong thế kỷ thứ 21 nhân loại có thể đứng dậy hay không? Và nhân loại có thể cùng nhau nắm tay và nói với nhau rằng quê hương của chúng ta là ngay tại đây, trên hành tinh này, và chúng ta phải làm thế nào để hành tinh này trở nên quê hương đích thực của chúng ta. Trong quê hương đích thực đó, chúng ta trở thành bất sinh và bất diệt. Chúng ta phải sống với tuệ giác, và khi chúng ta sống được với tuệ giác rồi, thì chúng ta thấy không phải thọ mạng của chúng ta là 70, 80 hay 100 năm. Thọ mạng của chúng ta là thọ mạng của trái đất!

Nếu thấy chúng ta là trái đất, là tất cả những sinh vật đang liên tiếp nhau sống trên trái đất, thì chúng ta sẽ sống một cách rất có tuệ giác, và chúng ta sẽ không gây những lầm lỗi để làm tàn hoại và tiêu diệt sự sống của thiên nhiên, cũng như là sự sống của muôn loài có mặt trên trái đất. Sở dĩ chúng ta gây nên những tàn hoại là vì chúng ta kẹt vào những ý niệm, trong đó có ý niệm ta chỉ sống ở trái đất này 80 hay 100 năm, và sau đó ta không chịu trách nhiệm gì nữa! Như vậy là chúng ta không có tuệ giác. Nếu có tuệ giác, chúng ta thấy rằng cây anh đào ở trước sân cũng là ta, mà dòng sông chảy quanh đồi cũng là ta. Ta có bổn phận phải tiếp nối, phải giữ gìn cho cây anh đào đó, cũng như cho dòng sông đó.

Ta có bổn phận phải bảo vệ cho em ta, cho con ta, cho cháu ta, cho thế hệ tương lai, tại vì những người đó là ta. Thái độ như vậy chỉ có thể phát xuất từ tuệ giác của ta. Có tuệ giác, ta biết thọ mạng của ta là thọ mạng vô lượng. Đó là thông điệp của kinh Pháp Hoa. Không những chư Bụt có thọ mạng vô lượng, mà chiếc lá kia, dòng sông kia, và bản thân của chúng ta cũng đều có thọ mạng vô lượng. Chúng ta chưa bao giờ từng sinh, và sẽ không bao giờ chết. Sự sống của chúng ta miên viễn. Tuệ giác đó là tuệ giác đạt được khi ta tiếp xúc được với thực tại gọi là không sinh, không diệt. Cái thực tại mà Rohitassa đang đi tìm, và nghĩ rằng phải đi tìm ở một cõi khác. Bụt đã kéo hiệp sĩ Rohitassa trở lại và nói: Anh hãy tìm cái đó ngay tại đây!

Như vậy thì quan niệm của chúng ta đối với giáo lý Tịnh độ là như thế nào? Chống hay không chống? Theo hay không theo?

Chúng ta thấy rằng vấn đề không phải là chống hay không chống, theo hay không theo, vấn đề là làm thế nào để có một nhận thức siêu việt được tính nhị nguyên. Tại vì giáo lý tịnh độ, theo chúng ta, là một phương pháp thiền tập để chúng ta có thể khám phá ra cái hạnh phúc, cái an lạc, cái vô lượng quang, cái vô lượng thọ ngay trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày.

SỰ TUỘT DỐC CỦA GIÁ TRỊ TÔN GIÁO

Chúng ta biết rằng đức Thế Tôn đã sinh ra tại Ấn Độ cách đây khoảng 2600 năm. Ngài quả là một người rất thẳng thắn, rất can trường, và có khả năng nói ra sự thật. Đối với uy quyền của Bà La Môn giáo thời đó, Đức Thế Tôn đã nhìn với tất cả sự can đảm, và ngài đã nói lên nhận xét của mình đối với tình trạng tôn giáo hồi đó.

Tình trạng tôn giáo hồi đó hư hỏng, thoái hóa, hủ hóa, không còn thích hợp với con người nữa. Đầy dẫy những mê tín, nặng nề hình thái, nghi lễ. Đức Thế Tôn đã không ngần ngại nói rõ ra như vậy. Tôn giáo của quý vị là một tôn giáo hư hỏng, không còn đạo đức, có sự tham nhũng, có sự lợi dụng trong hàng ngũ những vị lãnh đạo tôn giáo. Trong giới Bà La Môn, quý vị khai thác, quý vị lợi dụng, quý vị không có tuệ giác, quý vị ganh tị nhau, gièm pha nhau. Tôi nói quý vị không thể đóng vai trò lãnh đạo tâm linh cho con người thế giới hiện đại. Đức Thế Tôn đã nói hết ra như vậy!

Bây giờ chúng ta có cam đảm nói như vậy không? Chúng ta là những người tín hữu Cơ Đốc giáo, chúng ta là những người Phật tử, chúng ta nhìn vào giáo hội của chúng ta, giáo hội Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo hay giáo hội Phật giáo, chúng ta có cái can đảm của đức Thế Tôn để nói không? Hiện tình của tôn giáo ở cuối thế kỷ thứ 20 có giống như hiện tượng của Bà La Môn giáo trước đây 2600 năm không? Nó có hư hỏng, có tham nhũng không? Và ta có dám mở miệng nói quý vị hư hỏng, quý vị tham nhũng hay không?

Hiện tình tôn giáo ngày nay có còn thích hợp với tư trào, với sự sống mới không? Nó có làm thỏa mãn những nhu yếu tâm linh của tuổi trẻ, của những con người thao thức sống trong thời đại này hay không? Hiện tình của Thiên Chúa giáo cũng như Phật giáo, có còn thích hợp nữa không? Không! Vì vậy mà tuổi trẻ cũng như những nhà trí thức, những nhà nhân bản, những người có trái tim, họ đã bỏ đi. Không phải một hai người, họ bỏ đi cả hàng triệu người, tại vì tình trạng tôn giáo không còn thích hợp nữa.

Tình trạng tôn giáo bây giờ có phải đầy dẫy mê tín không? Có! Chúng ta đau khổ mà chúng ta không biết cách nào để chuyển hóa sự đau khổ, cho nên chúng ta đi tìm mua những món hàng mê tín, chúng ta đặt bùa và đọc chú. Chúng ta làm phù làm phép, chúng ta đọc chân ngôn để hy vọng có phép lạ hiển hiện!

Vì vậy tình trạng tôn giáo của cuối thế kỷ thứ 20 nó không khác gì tình trạng tôn giáo trong thời Bụt xuất thế. Nghĩa là đầy dẫy những mê tín, dị đoan, nặng nề hình thức, nghi lễ, những thứ nghi lễ rã rời, tơi tả, và cũ nát. Thời của đức Thế Tôn cũng vậy, Bà La Môn giáo cũng nặng nề hình thức nghi lễ, không có chất liệu tâm linh trong đó, mà chỉ có nghi lễ! Mà nghi lễ không có gì tươi mát, mới mẻ cả, đầy dẫy những mê tín. Đọc kinh người ta nghe không hiểu gì cả, đến độ người ta chán luôn. Lời kinh rất là cổ điển, đọc không hiểu, cho nên người trẻ không muốn nghe nữa. Những danh từ lặp đi lặp lại rỗng tuếch. Người đọc không thấy sinh khí từ những chữ mình đang đọc. Người nghe cũng không thấy sinh khí từ những câu mình đang nghe. Đó là tình trạng của tôn giáo của thời Bụt xuất thế. Vì vậy mà đức Thế Tôn đã đứng dậy để mở một con đường tâm linh mới cho nhân loại.

Là học trò của đức Thế Tôn, chúng ta có can đảm làm như vậy hay không? Chúng ta có thể hiến tặng gì cho thời đại của chúng ta?

Đức Thế Tôn đã dựng lên một nền đạo học mới, có sức sống rất mãnh liệt và có tính rất cách mạng. Đạo học do đức Thế Tôn dựng ra, không cần nương vào một giáo quyền nào cả. Đó là đặc điểm thứ nhất của đạo Bụt. Trong nền đạo học của đức Thế Tôn chỉ có thầy, có trò, và chỉ có tăng thân thôi. Không có một giáo quyền nào cả, không có ai quyết định mình sẽ làm gì và không làm gì. Không ai cấm cản mình được điều gì cả. Mình chỉ có Bụt, Pháp và Tăng, mình chỉ có giáo pháp, mình chỉ có tăng thân, mình chỉ có giới luật. Mình sống với nhau như thầy trò, và Bụt không phải là một vị giáo hoàng. Bụt là một người anh, một người thầy. Phận sự của người anh hay của người thầy là truyền đạt cái tuệ giác, cái hạnh phúc, cái vững chãi, cái thảnh thơi. Chỉ có vậy thôi. Bụt không bỏ tù mình, Bụt không rút phép thông công của mình, Bụt không đày mình xuống địa ngục, Bụt không lên án mình. Bụt chỉ khuyên nhủ, soi sáng và dạy dỗ. Đó là nguyên tắc của thầy trò, mà nguyên tắc của thầy trò cũng là nguyên tắc của anh em.

Thầy Xá Lợi Phất cũng vậy, thầy đóng vai của một người anh: Em nên làm như vầy, em không nên làm như kia. Đây là giới luật mà tất cả tăng thân đã chế biến ra. Nếu chúng ta sống đúng theo giới luật này, nếu chúng ta thực tập được phép Tăng già Yết ma này, thì trong tăng thân sẽ có sự hòa hợp, an lạc.

Ngoài ra không có một giáo quyền nào khác, không có ai buộc tội mình, trừng phạt mình, không có ai treo mình ngược lên tại vì mình đã không vâng lời giáo hội.

Nếu mình muốn tham dự giáo đoàn để làm một vị khất sĩ, thì mình tham dự. Chừng nào mình không còn muốn làm khất sĩ nữa, thì mình trở lại với giáo đoàn và nói rằng con xin xả giới. Mình không bị lên án là phải xuống địa ngục để sống muôn đời ở trong đó vì mình đã tu xuất. Con đường của đức Thế Tôn là con đường không chấp nhận một giáo quyền nào hết. Nó hoàn toàn ngược lại với tinh thần của Bà La Môn giáo.

Đặc điểm thứ hai, con đường của Thế Tôn không phải là con đường của nghi lễ. Con đường của Bà La Môn giáo là con đường của nghi lễ. Nếu không có sự cầu nguyện, nếu không có lễ lạc thì không có sự giải thoát, không có sự cứu chuộc, sự giúp đỡ của Thượng Đế, của Phạm Thiên. Vì vậy cho nên lễ lạc, lời kinh là chủ yếu, và nếu mình không biết tụng kinh, không biết lễ lượt thì mình không thể đạt tới giải thoát!

Đức Thế Tôn nói lễ lượt không quan trọng, không cần thiết, giáo đoàn Nguyên thủy không có lễ lượt. Đạo Bụt là một con đường tâm linh không dựa trên sự cúng bái, thờ phượng.

Nhưng tôn giáo bây giờ kể cả Phật giáo, chỉ có sự lễ lượt, chỉ có sự cầu xin.

Sáng hôm nay chúng ta đã làm gì? Có phải chúng ta lễ lượt không? Không! Sáng nay chúng ta đã đứng rất yên, nghe chuông và chúng ta thở. Trong khi nghe tiếng chuông như vậy, ta nhiếp tâm cho có định, cho có tuệ, ta thở và mỉm cười, rồi ta đọc những câu kệ:

Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới,

Xa xôi tăm tối mọi loài nghe.

Siêu nhiên vượt thoát vòng sinh tử.

Giác ngộ tâm tư một hướng về.

Nghe chuông, phiền não tan mây khói.

Ý lặng thân an miệng mỉm cười.

Hơi thở nương chuông về chánh niệm.

Vườn tâm hoa tuệ nở xanh tươi.

Chúng ta đâu có nói: "Dạ thưa Bụt con đau khổ quá, xin Bụt làm cho con bớt khổ, Bụt làm sao cứu con, tội nghiệp con lắm, con cắn cỏ ngậm vành lạy Bụt!" Chúng ta có năn nỉ ỷ ôi, lạy lục hồi nào đâu? Chúng ta chỉ thực tập giới, định và tuệ mà thôi. Chúng ta biết rằng khi đọc lên danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ tát thì trong lòng chúng ta, hạt giống của thương yêu, của hiểu biết được tưới tẩm. Đây là một sự thực tập, đây không phải là nghi lễ.

Khi chúng ta thực tập ba cái lạy hay năm cái lạy, chúng ta đâu có cầu xin "Tha cho con, tội nghiệp con lắm v.v...". Khi lạy, chúng ta không lạy với tính cách cầu xin. Chúng ta lạy xuống để thực tập buông bỏ cái ngã, buông bỏ cái vô minh, buông bỏ sự hận thù của chúng ta. Khi thực tập, chúng ta không bị kẹt vào nghi lễ.

Trong khi đó, Bà La Môn giáo vào thời đó, nghi lễ là căn bản. Ngoài nghi lễ, ngoài sự tụng niệm, ngoài sự cầu khẩn, hầu như không còn gì nữa! Nói như vậy không phải là không có những châu báu trong truyền thống của Bà La Môn giáo. Trong truyền thống của Bà La Môn giáo cũng có tuệ giác. Đức Thế Tôn đã biết sử dụng và thừa hưởng những tuệ giác đó, nhưng đức Thế Tôn không bao giờ bị kẹt vào những hình thái nghi lễ. Đức Thế Tôn không bao giờ cúi đầu trước quyền năng, độc tài của một giáo hội. Ngài nói một ngôn ngữ rất thẳng. Trong khi khi người ta nói rằng cái tiểu ngã của mình cần phải được hòa hợp với cái đại ngã thì đức Thế Tôn nói: Không có ngã thì cần gì phải hòa hợp?

Khi kẹt vào nghi lễ thì chúng ta kẹt vào một kiến chấp gọi là Giới công thủ kiến. Người Phật tử chân chính là một người tự do, không bị vướng vào nghi lễ, nếu chúng ta vướng vào nghi lễ, nhất là những thứ nghi lễ nặng nề, rã rời, tơi tả, cũ nát, không có sức sống, thì chúng ta bị kẹt vào kiến chấp. Đức Thế Tôn muốn phá tung tất cả những ràng buộc đó. Sự thực tập trong giáo đoàn của ngài là sự thực tập đích thực, thực tập có nội dung.

Giáo đoàn của đức Thế Tôn là một giáo đoàn thực tế, thực tập tinh chuyên để đạt tới kinh nghiệm tâm linh và tuệ giác, mà không chú trọng tới sự đàm luận, tới sự thiết tưởng và huyền đàm (Metaphysical speculations). Trong khi đó thì Bà La Môn giáo nói rất nhiều về kinh Vệ Đà, nói rất nhiều về triết lý mà không hạ thủ công phu vào chuyện thực tập.

Chúng ta nhớ có một vị đệ tử chuyên môn hỏi Bụt những câu về siêu hình. Người đệ tử đó còn ra điều kiện cho đức Thế Tôn: Đức Thế Tôn! Con đến đây để làm đệ tử ngài, là con muốn hiểu những vấn đề lớn của triết học: Thế giới này là thường hay vô thường; thế giới này là hữu hạn hay vô hạn; trước thế giới này có gì, và sau khi thế giới này tiêu hoại thì có cái gì v.v... Vị ấy hỏi không biết bao nhiêu câu hỏi có tính cách triết học và siêu hình như vậy. Đức Thế Tôn không trả lời. Ngài nói: Này sư chú, trước khi sư chú đi xuất gia, tôi có hứa với sư chú là nếu sư chú đi xuất gia thì tôi sẽ giải đáp những câu hỏi siêu hình của sư chú hay không? Không tôi đâu có hứa như vậy? Trước khi sư chú xuất gia tôi chỉ hứa với sư chú rằng, nếu sư chú xuất gia thì tôi sẽ dạy cho sư chú phương pháp thở, phương pháp thiền tọa, phương pháp thiền tập, phương pháp chuyển hóa những đau khổ hiện có của sư chú. Rồi Bụt hỏi thêm: Này sư chú Malunkya-Putta! Giá dụ có một người trẻ bị bắn một mũi tên vào lưng và mũi tên hình như có tẩm chất độc. Khi thấy vậy, người ta rất hoảng sợ. Họ nói: Này cháu, cháu đưa lưng đây để bác rút mũi tên ra, nặng máu bầm, và bôi thuốc cho cháu. Người trẻ đó đâu có nói: Khoan rút mũi tên ra, để tôi tìm hiểu trước đã. Người nào đã bắn mũi tên này, mũi tên đã được tẩm chất độc nào, người bắn, tên họ là gì, sanh năm nào và vì lý do gì mà đã bắn tên này vào lưng tôi! Bụt nói thêm: Nếu ngồi đó tìm hiểu và giải đáp tất cả những câu hỏi đó, thì chất độc đã thấm vào người, và người trẻ đó sẽ chết. Bây giờ sư chú cũng vậy. Những cái đau khổ của sư chú hiện có, sư chú không lo chữa trị, mà cứ ngồi đó để hỏi những câu siêu hình như vậy, thì sư chú sẽ chết trước khi sư chú có thể chữa trị những đau khổ của sư chú.

CẮT TỈA NHỮNG PHẦN TIÊU CỰC TRONG TRUYỀN THỐNG

Giáo lý của Bụt là giáo lý rất thực tiễn. Bụt nói: Ta chỉ dạy về khổ đau và phương pháp chuyển hóa khổ đau mà thôi. Bụt lặp lại câu đó hàng trăm lần. Vì vậy cho nên trong truyền thống, trong giáo đoàn của Bụt không có cái gọi là huyền đàm. Huyền tức là huyền bí (Metaphysics), đàm là bàn thảo (speculation). Đây là một nét đặc thù của giáo đoàn Nguyên thủy, nổi bật lên trên bối cảnh của Bà La Môn giáo thời đó. Giáo đoàn của Bụt không bị kẹt vào bất cứ một truyền thống nào. Tại vì truyền thống có thể chuyên chở những châu báu, nhưng nó cũng có thể chuyên chở những rác rến, những rong rêu cũ kỷ, mốc thếch của quá khứ.

Tại Làng Mai chúng ta có 1250 cây mận, và mỗi năm chúng ta đều phải tỉa mận. Tại vì trên các cây mận thường mọc ra những cành, làm hại cây mận. Những cành đó chỉ cho cũi thôi. Nếu ta không cắt tỉa những cành đó mỗi năm thì cây mận sẽ mất thăng bằng và sẽ bị gãy. Vì vậy tỉa mận là một nghệ thuật mà tất cả nông dân trong vùng này đều phải học. Có tỉa mận mỗi năm một lần thì cây mận mới có thể đứng vững và cho nhiều trái.

Một truyền thống cũng vậy. Một truyền thống luôn luôn mọc ra những cành rất nguy hiểm, rất vô ích. Nếu không có những người thực tập thông minh, những bậc đạo sư có lưỡi kéo thật sắc bén để trở về truyền thống của mình mà cắt tỉa, thì chính truyền thống của mình sẽ đổ nát, sẽ hư hỏng.

Truyền thống của đạo Bụt cũng vậy. Cho nên chúng ta phải có rất nhiều can đảm để trở về truyền thống của mình, phải chịu sự đau nhức trong giáo hội, trong truyền thống, và nói rằng: Cành này phải được tỉa! Dù người ta có la ó, có phản đối, có chưởi mắng, có tiêu diệt ta, thì ta cũng phải làm công việc tỉa mận đó. Nếu không thì truyền thống sẽ sản xuất ra nhiều hư hỏng, nhiều hủ nát, mê tín, và bản hoài của người sáng lập truyền thống đó sẽ bị tiêu diệt.

Vì vậy, nếu yêu thương Bụt, yêu thương giáo đoàn Nguyên thủy, yêu thương Pháp, ta phải "tỉa mận" truyền thống Phật giáo của chúng ta. Quý vị có cái can đảm của đức Thế Tôn hay không? Quý vị có can đảm nói rằng trong truyền thống của chúng ta, cành này hư hỏng cần phải cắt bỏ; cành này cần phải chùi rửa, sự việc này cần phải chấm dứt hay không? Cố nhiên đức Thế Tôn cũng đã dạy rằng trong truyền thống có những cái tích cực cần được bảo vệ và phát triển, nhưng cũng có những cái tiêu cực cần phải được chấm dứt và hủy bỏ.

Một hôm đức Thế Tôn tới thị trấn Kesaputta, có rất nhiều người trẻ của dòng họ KA-lama ra đón ngài. Những người trẻ KA-lama nói rằng: Nghe thầy tới, chúng con mừng quá, tại vì nghe tiếng thầy là một người rất cởi mở. Thường ở vùng này có nhiều vị đạo sư đi qua, và người nào cũng nói giáo lý của họ là giáo lý chân chính, tuyệt đối, còn giáo lý của những người khác là tà đạo. Bạch đức Thế Tôn, chúng con nên nghe ai, nên theo ai và bỏ ai, tại vì ai cũng tự nhận mình là chính giáo, và các giáo pháp kia là tà giáo.

Sau khi nghe các người trẻ KA-lama đặt ra câu hỏi đó, đức Thế Tôn đã dạy một kinh rất nổi tiếng, gọi là kinh KA-lama. Trong kinh đó Ngài dạy rằng: Này các em, đừng vội tin tưởng một điều gì, dù điều đó là điều mà người ta cứ lặp đi lặp lại hàng ngày. Đừng vội tin tưởng một điều gì, dù điều đó là điều do một vị đạo sư rất nổi tiếng nói ra. Đừng vội tin tưởng một điều gì, dù điều đó là do truyền thống truyền đạt lại.

Rất rõ ràng. Không phải tại truyền thống có nói như vậy, có làm vậy, mà ta phải nghe theo và phải làm theo. Xưa bày-nay làm, đó không phải là thái độ của đức Thế Tôn. Xưa bày, nay chưa chắc mình đã làm. Mình phải quán chiếu, phải coi nó có thích hợp với thời đại mới, có thích hợp với căn cơ của người hôm nay hay không, thì mình mới làm. Đừng vội tin tưởng điều gì dù điều đó đã được đa số người ta công nhận là đúng. Đa số công nhận là đúng mà vẫn sai như thường! Đó là những tiếng sét rất lớn mà đức Thế Tôn đã tạo ra. Kinh KA-lama là một kinh mà tất cả những người trẻ đều phải học.

Nghe những điều, đọc những điều trong kinh điển, mình phải dùng trí tuệ để quán chiếu, và phải đem ra để thí nghiệm. Nếu nó có thể chuyển hóa những khổ đau, đem lại an lạc, thì mình mới chấp nhận điều đó là sự thật.

Kinh KA-lama có thể gọi là hiến chương (the Charter) của những người tôn trọng tự do tư tưởng và tự do tín ngưỡng.

Giáo đoàn của đức Thế Tôn là một giáo đoàn chú trọng về tự lực công phu trong việc đi tìm giải thoát, mà không cầu khẩn một thế lực siêu nhiên từ bên ngoài. Đức Thế Tôn nói: Các con hãy ngồi xuống, có một căn nhà trống, có một gốc cây, có một tọa cụ, các con hãy ngồi xuống, và các con hãy tự tìm lấy sự giải thoát từ chính bản thân của các con. Đừng cầu đảo, đừng cầu nguyện, đừng nương nhờ vào một thế lực siêu nhiên ở ngoài mình. Đó là đặc tính của giáo đoàn Nguyên thủy.

Chúng ta không cầu khẩn, chúng ta không chờ đợi một sự cứu rỗi ở trên trời rơi xuống, hay ở phương xa đi tới, mà chúng ta phải tìm cho được sự giải thoát, sự cứu rỗi trong công phu tu tập của chúng ta. Chúng ta có thầy, có bạn, chúng ta có tăng thân. Thầy và tăng thân có thể hướng dẫn cho chúng ta, soi sáng cho chúng ta. Với chánh niệm, họ có thể nâng đỡ, họ có thể bảo hộ, họ có thể hộ niệm cho chúng ta, nhưng cái chính là công phu tu tập của cá nhân chúng ta. Nếu không có công phu cá nhân thì tất cả những sự yểm trợ chung quanh, sẽ không có ích lợi gì cả. Nếu mình không tự giúp thì chính trời cũng không thể nào giúp mình được, người Pháp cũng thường nói như vậy.

Giáo lý của đức Thế Tôn là rất khoa học. Đức Thế Tôn có một trái tim rất nồng ấm, tại vì đức từ và đức bi tràn đầy trong trái tim của ngài. Nhờ trái tim đầm ấm đó cho nên ngài nhìn mọi loài với một con mắt thương yêu và hiểu biết. Đầu của ngài luôn luôn rất mát, nghĩa là cái trí tuệ của đức Thế Tôn, cái nhận thức của đức Thế Tôn rất là khoa học. Trí tuệ của ngài không bao giờ bị ảnh hưởng bởi cái buồn, cái vui, cái giận, cái tiếc. Đó là bộ óc của một nhà khoa học. Ngài nhìn vào cái gì thì ngài nhìn bằng tất cả trí tuệ để thấy rõ được bản chất của cái đó. Nào sắc, nào thọ, nào tưởng, nào hành, nào thức. Nếu có giận là vì cái này, cái kia, cái nọ hình thành, cho nên cái giận mới xảy ra. Nếu mình biết cách làm thế này, làm thế kia, làm thế nọ thì cái giận đó nó sẽ lắng lại và chuyển hóa.

Phương pháp của đức Thế Tôn là một phương pháp rất khoa học. Ngài nói rằng cái này có, vì cái kia có; cái này không, cho nên cái kia không; cái này sinh, cho nên cái kia cũng sinh; cái này diệt cho nên cái kia cũng diệt. Ngài nói về tương tức, ngài nói về vô ngã. Tất cả những nhận xét của ngài đều có thể được kiểm chứng bằng khoa học. Mà không phải bằng thứ khoa học lạnh lẽo, tại trái tim của ngài là trái tim của thương yêu, và đức Thế Tôn là sự tổng hợp của một khối óc rất khoa học, và một trái tim rất nồng ấm. Hai cái đó tạo thành giá trị con người của đức Thế Tôn.

PHƯƠNG PHÁP CHIA SẺ ĐẠO BỤT VỚI NGƯỜI TÂY PHƯƠNG

Cánh cửa của đức Thế Tôn mở cho chúng ta là cánh cửa của tâm học. Thiền sư Thường Chiếu của thế kỷ thứ 13 tại Việt Nam có nói rằng: Nếu biết được tâm ý của chúng ta vận hành như thế nào, thì chúng ta sẽ tu tập thành công dễ dàng hơn. Nếu không biết tâm của chúng ta vận hành như thế nào, thì tu học rất cực khổ mà không đạt được ích lợi. Đó là điều chính đức Thế Tôn đã dạy. Nếu quán sát tâm và biết đường lối vận hành của tâm thì ta mới có thể chuyển hóa được tâm, và mới thành đạt được việc tu học. Vì vậy cho nên cánh cửa mở ra cho chúng ta đi vào sự thực tập là cánh cửa của tâm học. Tâm học mà không phải là tâm lý học. Tâm học sâu sâu sắc hơn nhiều, tại vì tâm học gồm những phương pháp quán chiếu và kinh nghiệm trực tiếp, còn tâm lý học là chỉ dùng lý luận mà thôi.

Vì vậy khi đem đạo Bụt sang Tây phương để chia sẻ với các bạn người Tây phương, chúng ta phải mở cánh cửa nào? Chúng ta phải mở cánh cửa tâm học. Chúng ta không thể mở cánh cửa của đức tin, tại vì Tây phương đã có những cánh cửa của đức tin rồi. Ki-tô giáo, Do Thái giáo đều có đức tin cả. Vì vậy cho nên qua đây, chúng ta phải hiến tặng pháp môn tâm học, chúng ta phải đưa các bạn của chúng ta đi vào cửa ngõ của Duy Biểu Học, để giúp cho các bạn thấy rõ tâm của họ. Thấy được tâm của họ rồi thì họ mới bắt đầu điều phục tâm, và họ mới chuyển hóa được, an lạc được.

Chúng ta không đi được vào cửa ngõ của đức tin. Các bậc đạo sư từ Á Châu sang đây, nếu muốn nắm bắt được tình trạng và tâm lý bên này, thì phải thấy được điều đó. Tây phương không cần một cửa ngỏ của đức tin, devotion. Tây phương đã có cánh cửa đó. Nhưng những cái đó chưa làm cho Tây phương thỏa mãn, cho nên chúng ta phải mở những cánh cửa khác. Chúng ta có tám vạn bốn ngàn cánh cửa, trong đó có cánh cửa của tâm học, một cánh cửa rất quan trọng.

Ngày xưa khi còn là sư chú tôi đã được nghe một vị cao tăng ở Trung Hoa, Thái Hư Pháp Sư nói rằng: Thời đại mới chúng ta phải mở cánh cửa Duy Thức Học thì chúng ta mới dễ độ người. Từ đó trở đi, tôi đã cố tâm nghiên cứu và thực tập về Duy Thức Học, và tôi thấy rằng ngài Thái Hư đã nói đúng. Cho nên tôi đã dạy 50 bài Duy Biểu. Nếu quý vị nắm vững được 50 bài Duy Biểu thì quý vị có thể soi sáng được cho sự thực tập của quý vị, và quý vị cũng mở được cánh cửa tâm học cho các bạn người Tây phương đi vào với Phật giáo. Tại vì cánh cửa tâm học là cánh cửa Vương đạo, rất thâm sâu.

Tâm học ở trong đạo Bụt rất là sâu sắc. Tây phương hiện nay đang có rất nhiều nhà tâm lý trị liệu và ngành tâm lý trị liệu của Tây phương đang còn trẻ, chỉ có trên dưới 100 tuổi. Tâm học của Phật giáo đã hơn 2500 năm, và chúng ta có những kho tàng châu báu về phương diện phân tích, tổng hợp, nhất là về phương diện thực tập. Cho nên chúng ta có thể đóng góp và làm giàu cho ngành tâm lý trị liệu của Tây phương rất nhiều. Tại vì nắm được đường lối vận hành của tâm ý, thấy được tâm của chúng ta, thì chúng ta thực tập một cách dễ dàng hơn, để chuyển hóa những nội kết, những chỗ mà chúng ta bị kẹt, và chúng ta có thể vượt thoát những đau buồn, những sợ hãi của chúng ta nhờ những phương pháp thực tập đã có từ 2500 năm nay trong đạo Bụt, như ngồi thiền, đi thiền, thở, nhận diện nội kết, chuyển hóa nội kết v.v... Tất cả những cái đó là những công phu của chúng ta. Khi nấu nước, pha trà, rửa bát, bổ củi hay tắm rửa, chúng ta đều có những phương pháp thực tập để quán chiếu, để tiếp xúc với bản môn, để nhận diện được sự có mặt của thế giới không sinh không diệt ngay trong thế giới có sinh, có diệt.

Đó là tinh thần thực tập ở Làng Mai, mong quý vị nuôi dưỡng để mỗi người sau này trở nên một cánh tay của đức Thế Tôn mà làm mới lại nền đạo lý cổ truyền đã hơn 2500 tuổi.

Nếu thành công, chúng ta có thể cống hiến cho thế kỷ thứ 21 những yếu tố rất thiết thực cho một đời sống tâm linh mới mà nhân loại đang cần tới.


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][]