TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

MỤC LỤC

TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

24. Những phương pháp đốn ngộ của Làng Mai

PHÁP MÔN SOI SÁNG

PHIÊN HỌP ĐỂ SOI SÁNG

PHƯƠNG PHÁP ÁN MA

NHỮNG PHÁP MÔN ĐỐN NGỘ CỦA LÀNG MAI

NGHI LỄ TRONG NHỮNG THỰC TẬP


Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

24. Những phương pháp đốn ngộ của Làng Mai

Như đã nói trước đây, sau mỗi khóa an cư, quý thầy, quý sư cô làm lễ tự tứ. Tự tứ có nghĩa là cầu xin được soi sáng. Nó cũng có nghĩa là tùy hỷ, tức là tùy lòng mình muốn như vậy, muốn cầu xin người khác soi sáng cho mình, để mình thấy những điểm tích cực và những điểm tiêu cực của mình, để mình có thể quán chiếu và hành trì theo cái thấy của mình. Tiếng Phạn là Prav(rana, phiên âm là Bát-hòa-la, dịch là Tự tứ.

Sáng ngày Tự tứ, tăng thân tập họp lại, các vị khất sĩ tập họp lại, các vị sa di tập họp lại, các vị tiếp hiện tập họp lại, và các vị thọ Năm giới cũng tập họp lại để làm lễ tự tứ.

Sau khi dâng hương và lạy Bụt, chúng ta làm Tác pháp Yết ma Tự tứ.

Cảnh tượng các thầy quỳ trước nhau mà cầu soi sáng là một cảnh tượng rất cảm động. Thấy cảnh đó mình có thể chảy nước mắt khi thấy sự thành khẩn của các thầy, của các sư cô. Họ lặp lại lời thỉnh cầu của họ ba lần theo nghi thức Tác pháp Yết ma. Các vị tiếp hiện, các vị thọ Năm giới cũng đều phải thực tập như vậy cả.

Tôi xin nhắc lại lời tác bạch tự tứ để quý vị nhớ. Khi một vị tì kheo muốn cầu soi sáng, vị đó đến quỳ trước mặt một vị tì kheo khác và nói: Xin bạch đại đức, hôm nay là ngày tất cả mọi người trong tăng thân tự tứ, tôi là tỳ khưu (Pháp danh) cũng xin tự tứ. Xin đại đức từ bi chỉ giáo cho tôi biết trong ba tháng an cư mùa Đông (hay mùa Hạ) vừa qua, đại đức có thấy gì, có nghe gì, và có nghi gì về sự hành trì, về những lỗi lầm và khuyết điểm của tôi, thì xin đại đức chỉ giáo. Sau khi quán chiếu, nếu nhận thấy rõ ràng đó là lỗi lầm, là khuyết điểm của tôi thì tôi xin phát nguyện sám hối và tu tập để chuyển hóa.

Trong lời tác bạch này có một câu rất hay là "Sau khi quán chiếu, nếu nhận thấy rõ ràng đó là lỗi lầm, là khuyết điểm của tôi" có nghĩa là mình cũng dùng sự quán chiếu của mình, chứ không phải người kia nói mình có lỗi là tự động mình có lỗi. Điều đó chứng tỏ rằng mình cũng tin vào khả năng của mình nữa. Rất là hay.

Đến buổi chiều, ta có buổi ăn mừng ngày hoàn mãn khóa an cư của chúng ta, ngày mừng tuồi.

PHÁP MÔN SOI SÁNG

Các thầy ở Xóm Thượng vừa mới soi sáng cho hai sư em "cây cam" tức là sư chú Pháp Độ và sư chú Pháp Khai. Hai sư em sắp được làm lễ thôi nôi sau một năm làm sư chú, nên cầu xin được soi sáng. Vì vậy các thầy đã họp nhau lại và soi sáng cho hai sư chú. Trong buổi họp đó không có mặt của hai sư chú.

Sau buổi họp, mỗi sư chú được nêu lên 17 hay 18 điểm. Trong 17, 18 điểm đó có hơn một nửa là những điểm tích cực, những điểm đáng được khen ngợi. Một nửa hay ít hơn một nửa là những điểm gọi là chưa giỏi lắm, để soi sáng cho các sư em. Phương pháp này đúng với phương pháp Làm Mới của chúng ta, tức là ban đầu tưới hoa, sau đó mới nói những khuyết điểm.

Các thầy và các sư anh ở Xóm Thượng làm việc rất có phương pháp. Sau khi đã họp với nhau, và đã soi sáng cho hai em rồi, thì gởi cả 18 điểm lên cho tôi, để nhờ tuệ giác của tôi, xem tôi có thêm bớt gì không. Xem xong tôi nói được rồi, quý vị có thể đưa cho các sư em.

Theo nguyên tắc thì khi tiếp nhận sự soi sáng đó, các sư em phải quỳ xuống và lạy ba lạy.

Theo truyền thống của Làng Mai, chúng ta phải soi sáng cho nhau trong suốt năm chứ không phải đợi cho đến ngày tự tứ thì mới soi sáng. Các "cây cam" sắp đến ngày thôi nôi nên xin được soi sáng, các sư em trước ngày thọ giới lớn, cũng cầu xin tăng thân soi sáng, rồi những cây bưởi, cây chanh, những cây khế v.v..., tất cả mọi người đều cần sự soi sáng. Đôi khi sự soi sáng đó được làm do sự yêu cầu của chúng trưởng, của thầy trụ trì, của vị giáo thọ, hay do chính các đương sự xin được soi sáng là đẹp nhất.

Thực tập này rất lợi lạc. Chúng ta tin rằng chúng ta sẽ chia sẻ phương pháp soi sáng này cho các thiền viện khác ở trên thế giới và ở quê nhà.

Ngày mai khi làm lễ tự tứ, cũng là một hình thức soi sáng, nhưng vì dồn hết vào để làm một ngày thì nó sẽ có tính cách hình thức nhiều hơn là nội dung. Nhưng nhờ có sự thực tập đó mà phương pháp tự tứ đã được truyền lại sau 2500 năm. Do đó chúng ta mới triển khai được và làm thành phương pháp soi sáng trong năm của chúng ta.

PHIÊN HỌP ĐỂ SOI SÁNG

Cố nhiên khi các thầy, các sư anh họp lại với nhau, thì cũng phải ngồi trong tư thế thật thoải mái, phải bỏ cái yêu, cái ghét, cái rụt rè ra thì mới có thể soi sáng cho em mình được.

Có hôm một sư anh ngồi trong giới các thầy mà không chịu soi sáng. Đó là điều không đúng. Sư anh nghĩ rằng không muốn nói khuyết điểm của người nên không đóng góp. Tuy vậy, đây không phải là nói xấu người khác, đây không phải là buộc tội người khác, đây là làm bổn phận của một người anh, một người thầy để soi sáng cho em mình, và mình có bổn phận phải mở miệng ra, phải nói sự thật trong trái tim mình, miễn là mình nói trên những đức căn bản của mình như: Không yêu, không ghét, không rụt rè, không ngại ngùng; biết quán chiếu; biết sử dụng ái ngữ, biết phương pháp làm mới. Mình phải làm bổn phận, chứ không thể trốn tránh nhiệm vụ làm anh, làm thầy của mình được. Người nào cũng phải thực tập để có những đức đó mà làm ngọn đèn soi sáng cho em mình, cho con mình, cho học trò của mình.

PHƯƠNG PHÁP ÁN MA

Tôi xin đề nghị bắt đầu từ nay chúng ta thêm thực tập xoa bóp, án ma mỗi ngày. Điều này chúng ta cần phải pháp đàm, tại vì phương pháp Án ma là một phương pháp rất hay, giúp cho chúng ta có nhiều sứ khỏe hơn. Quý vị đã nghe bài pháp thoại về vấn đề lưu thông của máu huyết và lưu thông của tâm ý thì biết rằng mỗi ngày chúng ta nên có nửa tiếng để làm việc xoa bóp cơ thể, tại vì xoa bóp cơ thể cho chúng ta nhiều sức khỏe, giúp chúng ta sống lâu, và chúng ta khỏi phải dùng nhiều thuốc men, nhiều hóa chất.

Tôi đã quán chiếu về việc này hơn cả năm nay, và cách đây mấy hôm thì có một yếu tố làm cho tôi quyết tâm hơn nữa. Đó là việc một sư chị bị bệnh. Bác sĩ cho thuốc trụ sinh, nhưng hình như sự lưu thông máu huyết không tốt, cho nên máu không đem trụ sinh vào tới thận của sư chị. Khi nghe như vậy, tôi đề nghị sư chị dùng phương pháp xoa bóp để cho máu lưu thông và có thể đem trụ sinh tới những chỗ khó tới. Hiện sư chị đang điều trị và thấy tình trạng càng ngày càng khá hơn. Mấy ngày sau sư chị nói rằng: Không trách gì mà sư bà rất khỏe dù năm nay đã chín mươi mấy tuổi rồi! Đó là vì ngày nào cũng có một vị sa di ni làm massage cho sư bà.

Do đó, tôi nghĩ rằng việc thực tập xoa bóp có chánh niệm có thể là một phần thực tập của chúng ta. Tùy đại chúng quyết định như thế nào trong pháp đàm, nhưng tôi nghĩ có thể là sau buổi thiền tọa tối, mình thêm vào chừng nửa giờ để làm massage. Người nào trong chúng ta cũng đều phải học để có thể làm massage cho người bạn tu của mình. Người nào không muốn người khác làm cho mình thì có thể tự xoa bóp cho mình. Chúng ta phải xoa bóp, nhất là cái đầu của chúng ta. Mỗi khi tôi làm việc trí óc hơi nhiều thì việc xoa bóp đầu nó giúp tôi rất nhiều. Nếu không làm việc trí óc nhiều mà xoa bóp đầu cho máu lưu thông thì nó cũng rất khỏe. Khi những mạch máu li ti trên đầu mình mà máu huyết không lưu thông, thì mình bị nhức đầu. Vì vậy mà xoa bóp đầu là chuyện mình có thể làm mỗi ngày. Rồi hai vai, lưng, và tay chân. Chúng ta phải họp những người giỏi về khoa xoa bóp, gọi là những tay tổ về nghề xoa bóp ở trong đại chúng, để dạy cách xoa bóp như thế nào để có thể đưa lại sự an lạc sau nửa tiếng thực tập. Chúng ta có thể xoa bóp cho nhau cùng một lượt, người này xoa đầu của người kia, rồi sau lưng mình có một người xoa đầu cho mình, gọi là "dây chuyền". Hoặc chúng ta để một người xoa bóp cho mình 15 phút, rồi mình ngồi dậy và xoa bóp cho người đó 15 phút. Điều đó hoàn toàn do đại chúng quyết định.

Chúng ta cũng có thể tự xoa bóp lấy, và trong khung cảnh tất cả đều làm thì chúng ta sẽ không làm biếng. Tất cả chúng ta ai cũng biết rằng xoa bóp là rất tốt, nhưng mấy ai đã tự làm được mỗi ngày? Do đó cho nên chúng ta phải có một giờ giấc chính thức để làm chuyện đó.

Nếu thấy sau buổi ngồi thiền tối không tiện, thì ta dùng thời gian khác, ví dụ trước buổi ngồi thiền sáng hay sau buổi ngồi thiền sáng. Có người nói rằng sau buổi ngồi thiền tối, không còn việc gì cần làm, nên nếu mình kéo dài năm ba phút thì cũng không sao. Chúng ta nên hội ý, nhất là với những người giỏi về án ma pháp để làm sao trong vòng nửa tiếng thì tất cả cơ thể chúng ta từ đầu tới gót chân đều được thoa bóp hết.

Những tuần lễ vừa rồi tôi được xoa bóp khá đều mỗi ngày, cho nên tôi thấy tình trạng sức khỏe của tôi tăng tiến rất dễ chịu. Mỗi ngày tôi cũng tự xoa bóp cái bụng của tôi khoảng nửa tiếng, cho nên tình trạng bụng của tôi càng ngày càng tốt lên.

Xin đại chúng tổ chức pháp đàm về vấn đề này để chúng ta có thể thực tập trong vòng vài hôm nữa, hay nếu muốn thì ngay chiều hôm nay.

NHỮNG PHÁP MÔN ĐỐN NGỘ CỦA LÀNG MAI

Ở tại Làng Mai chúng ta có những phương pháp thực tập rất dễ, rất mầu nhiệm, có thể đem lại sự chuyển hóa, đem lại hạnh phúc trong chớp nhoáng mà chúng ta phải biết.

Về những thực tập này của Làng Mai, có pháp môn mà chúng ta gọi là đốn ngộ. Đốn ngộ tức là giác ngộ tức thời, không phải chờ lâu. Giống như mì ăn liền vậy. Có những giác ngộ mà nếu muốn là chúng ta giác ngộ liền. Mà giác ngộ liền thì có hạnh phúc liền, có giải thoát liền lập tức. Những phương pháp đó đã có ở trong quý vị. Quý vị đã được trao truyền rồi, nhưng có thể vì không xài cho nên nó hơi sét rỉ một chút,

Ví dụ phương pháp tiếp xúc với bản môn khi mình giận:

Giận nhau trong tích môn.

Nhắm mắt nhìn mai sau.

Trong ba trăm năm nữa.

Ngươi đâu và ta đâu?

Theo phương pháp này thì khi giận, mình phải tiếp xúc với thời gian vô cùng và không gian vô tận. Khi giận người đó, mình nhắm mắt lại, quán chiếu và thấy mình và người đó trong vòng ba trăm năm nữa thì mình sẽ như thế nào và người đó như thế nào. Mình chỉ cần thở vào một hơi, thở ra một hơi, thấy được mình và người đó trong vòng ba trăm năm nữa, thì tự nhiên cơn giận nó lắng lại, và mình bớt giận đi. Điều duy nhất mà mình muốn làm lúc đó là muốn ôm người đó vào lòng. Tại vì sự có mặt của người đó rất là quí giá.

Khi ngồi thiền, chúng ta cũng có hai bài thực tập đốn ngộ. Bài thứ nhất là:

Ngồi thiền trong tích môn.

Nơi nào không thành đạo?

Sinh tử trải bao lần.

Phút giây này độc đáo.

Anh ngồi để làm gì vậy? Anh đang mài một miếng ngói bể hay anh đang làm một vị giác ngộ, anh đang tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm? Được ngồi đó đã là một phép lạ rồi. Khi ngồi thiền, mình thấy rằng chỗ mình ngồi tại đây, là chỗ mình có thể thành đạo được, và chính giây phút hiện tại này là giây phút chứa đựng sự giác ngộ, sự giải thoát. Nếu muốn thì mình có thể ngồi như một vị Bụt trong giờ phút này, không mong cầu gì hết. Tại vì có mặt ở đó với sự sống, tiếp xúc với không gian vô cùng, và thời gian vô tận ở trong giây phút đó, đã là mục đích lớn nhất của đời mình rồi.

Bài thứ hai:

Ngồi thiền trong bản môn.

Giây nào cũng thành đạo.

Cội nào cũng Bồ đề.

Tòa nào cũng Đa Bảo.

Đây là sự thực tập Vô nguyện, Vô đắc. Ngồi thiền chính nó đã là một cái rất đẹp rồi, Ngồi thiền để không làm gì cả. Ngồi thiền chỉ để ngồi thiền, cũng như ăn cơm là chỉ để ăn cơm thôi; uống trà là để uống trà thôi, nhìn trời là để nhìn trời thôi. Vậy thì ngồi thiền là chỉ để ngồi thôi, và mình phải đạt tới cái hạnh phúc tuyệt đối khi mình ngồi thiền. Ngồi và mình thành Phật ngay trong giây phút đó, cho nên gọi là đốn ngộ. Tòa nào cũng Đa Bảo, ngồi đâu cũng là ngồi trên sư tử tòa của Bụt Đa Bảo. Ngồi ở đâu thì chỗ đó là cội Bồ đề, và giây phút nào mình cũng đắc đạo.

Chúng ta nên biết giác ngộ luôn luôn là giác ngộ về một cái gì. Những giác ngộ đó ta có thể đạt tới nhiều lần trong một ngày, mà cái thấy đó có thể tới với ta như một lằn chớp. Như chuyện giận nhau trong tích môn, mình giận người kia, tại sao có pháp môn mà mình không dùng? Nhắm mắt lại, thở và mình nói:

Giận nhau trong tích môn.

Nhắm mắt nhìn mai sau.

Trong ba trăm năm nữa.

Ngươi đâu và ta đâu?

Chỉ cần 10 năm nữa thôi là mình đã khác! Mười năm nữa thì có thể mình thành sư bà rồi, mình thành sư cụ rồi, mình đâu còn được như thế này nữa! Thì tại sao trong giờ phút quí giá như thế này mà mình lại dùng giây phút đó để giận nhau? Nó uổng phí quá!

Chúng ta biết rằng giận nhau là cũng vì thương nhau. Vì thương nhau cho nên mới giận nhau. Mà vì giận nhau cho nên ta phá hư hết! Vì vậy chỉ cần nhìn rộng ra một chút thôi trong không gian và trong thời gian thì thấy ngay là uổng cái giây phút hiện tại này. Có những người không bao giờ có khả năng sống trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, để mà tận hưởng những gì đang có mặt. Những người đang đi vòng quanh để tìm hạnh phúc, những người đó nên ngồi lại, nên đứng lại, nên thở và nên thấy rằng hạnh phúc có rồi, có thật rồi, nhưng tại vì mình không tiếp nhận nó mà thôi.

Trong khi đi tiểu, tại sao mình phải suy nghĩ chuyện khác? Chính chuyện đi tiểu nó cũng là rất mầu nhiệm.

Đi tiểu trong bản môn

Đổi trao nào kỳ diệu

Ta và ngươi không hai

Không dư mà không thiếu

Nếu có thể thì mình đi tiểu ở ngoài thiên nhiên. Đây là một trao đổi rất mầu nhiệm. Mình đang tiếp nhận nước và mình đang trả lại nước. Nước mình tiếp nhận cần phải như thế này, nhưng nước mà cây cỏ muốn tiếp nhận, có thể như thế kia.

Khi đi cầu cũng vậy. Đó cũng là một sự đổi trao:

Không dơ cũng không sạch

Không bớt cũng không thêm

Trí tuệ Ba La Mật

Không có pháp nào trên

Mình không cần chất đó nhưng vũ trụ vạn hữu đang cần chất đó. Vũ trụ vạn hữu không cần chất kia nhưng mình đang cần chất kia. Nhờ quán chiếu vậy mà trong khi đi tiểu, đi đại mình đều có thể an trú trong giây phút hiện tại và thấy rằng mình đang làm việc đổi trao rất mầu nhiệm.

Khi ăn cơm:

Ăn cơm nơi tích môn

Nuôi sống cả tổ tiên

Đây là một thực tập rất hay. Trong khi ăn, mình thấy mình đang nuôi cả cha, cả mẹ, cả ông, cả bà. Tại vì cha, mẹ, ông, bà có mặt trong giờ phút này, và ngay ở trong ta. Một muỗng cơm mình nhai, là nhai cho cả ông bà và cả con cháu nữa. Lúc đó, mình đang thực tập vô ngã, một giáo lý vô cùng mầu nhiệm.

Giáo lý Vô ngã là giáo lý mà mới nghe, người ta không thể nào hiểu được. Nhưng càng thực tập thì càng thấy đó là giáo lý mầu nhiệm nhất ở trong đạo Bụt. Nội chuyện ăn cơm, khi ăn, không phải mình ăn cho một mình mình đâu! Khi ăn cơm là mình ăn cho tổ tiên, cho dòng họ, cho con cháu, và cho cả vũ trụ. Quán chiếu được vậy, mình vượt khỏi ý niệm về ta. Mình đang nuôi cả dòng họ, cho nên mình phải nuôi cho thật đàng hoàng. Khi đút thức ăn cho một em bé, mình biết rằng nên cho em bé ăn như thế nào để em có sức khỏe, để em đừng đau, đừng yếu. Khi ăn cho mình thì cũng vậy. Mình đang nuôi sống tổ tiên, mình đang nuôi sống tương lai. Chỉ cần ăn thôi là đã có thể có tương lai rồi.

Ăn cơm nơi tích môn

Nuôi sống cả tổ tiên

Mở đường cho con cháu

Cùng tìm hướng đi lên.

Ăn cơm nơi tích môn

Nhai đều như nhịp thở

Nhiệm mầu ta nuôi nhau

Từ bi nguyền cứu độ.

Bài kệ này có một lịch sử mà hôm nay tôi mới có cơ hội để chia sẻ cùng quý vị.

Ăn cơm nơi tích môn

Nhai đều như nhịp thở.

Mỗi tuần ta có hai buổi ăn cơm có tính cách nghi lễ. Chúng ta ngồi chung, chúng ta quán niệm. Nhưng nghi lễ nhiều quá thì không tốt, cho nên chúng ta tìm cách sống để có thực chất của nghi lễ mà không cần hình thái của nghi lễ. Vì vậy cho nên bữa ăn nào chúng ta cũng cần ăn trong chánh niệm. Chúng ta phải có hạnh phúc, phải có an lạc, phải có tuệ giác ngay trong khi ăn.

Ăn cơm nơi tích môn

Nhai đều như nhịp thở

Nhiệm mầu ta nuôi nhau

Nếu vũ trụ đang nuôi mình thì mình cũng đang nuôi vũ trụ. Câu "Nhiệm mầu ta nuôi nhau" nguyên tác của nò là "Nghẹn ngào ta nuôi nhau". Tại vì chúng ta là chúng sanh, chúng ta ăn nhau, mà không ăn thì không được. Chúng ta phải ăn nhau! Nhìn vào trong cuộc đời chúng ta thấy như vậy. Chúng sanh đang bắt buộc phải ăn nhau để sống. Con cọp phải ăn con nai. Con cá lớn phải ăn con cá nhỏ. Chúng ta phải ăn thịt, phải ăn rau. May mắn thay, chúng ta được ăn chay, nghĩa là chúng ta tránh được ăn thịt, nhưng chúng ta vẫn phải ăn nhau. Vì vậy mà dòng chữ nó tuôn ra từ trái tim tôi: "Nghẹn ngào ta nuôi nhau. Từ bi nguyền cứu độ". Ăn mà hai dòng nước mắt chảy xuống! Cho nên mình phát sinh ra lòng từ bi, và nguyền cứu độ.

Nhưng sau đó tôi thấy câu này nặng quá đối với những người mới tu tập, cho nên tôi sửa chữ "Nghẹn ngào" lại thành chữ "Nhiệm mầu". Tại vì nó là nhiệm mầu thật. Ăn như thế nào để trong lòng có chất liệu từ bi ứa ra. Hôm nay tôi mới có dịp nói hết cho quý vị biết.

Lúc Pháp đàm ta có bài kệ:

Pháp đàm trong bản môn

Ta nhìn ngươi mỉm cười

Ngươi chính là ta đó

Nghe cũng là nói rồi.

Khi ngồi trong pháp đàm, dù ta là người nói hay là người nghe, thì chúng ta cũng là một với nhau. Người kia chính là mình, mình chính là người kia. Mình là người nói nhưng đồng thời mình cũng là người nghe. Tại vì nói hay nghe cùng là để quán chiếu, để tưới tẩm những hạt giống tốt đẹp. Người kia nói điều đúng thì hay, nhưng nếu người kia nói chưa đúng thì vẫn hay như thường. Quí hồ là có sự có mặt của quán chiếu ở trong ta.

Khi có sự quán chiếu thì người kia nói đúng hay chưa đúng, đều tốt cả, chúng ta không cần phải cải lại, Quý hồ là chúng ta coi lại tuệ giác ở trong ta. Chúng ta nuôi tuệ giác không phải chỉ bằng cách nghe những cái đúng, mà đôi khi bằng cách nghe những cái chưa đúng, thì tự nhiên những cái đúng ở trong ta càng sáng hơn lên. Đôi khi chúng ta còn có thể học được từ người đang nói không đúng, tại vì có những lý do gì đó, những bối cảnh nào đó khiến cho người kia thấy như vậy và nói như vậy. Trong khi nghe, chúng ta cũng quán chiếu được chúng ta là người đó.

Khi thảnh thơi thiền hành:

Đi chơi chốn bản môn

Tay ta nắm tay Người

Ngàn xưa và ngàn sau

Cùng về chung một lối.

Người ở đây tức là Bụt. Chúng ta biết rằng khi đi thiền hành là chúng ta đi chơi. Đi như vậy, chúng ta nói rằng không nên đi bằng đầu của ta.

Đi chơi nơi bản môn

Nên đi bằng hai chân

Không nên đi bằng đầu

Đi bằng đầu sẽ lạc.

Có nghĩa là lúc đi, đầu mình suy nghĩ. Trong khi mình suy nghĩ thì đi thiền hành là vô bổ. Phải đi bằng hai chân mới có hiệu quả!

Như vậy ở Làng Mai chúng ta có những phương pháp thực tập gọi là đốn ngộ. Đốn ngộ không phải là những gì quá khó hiểu. Đốn ngộ là giác ngộ liền lập tức. Mà giác ngộ liền lập tức thì có hạnh phúc và có giải thoát liền lập tức. Giải thoát khỏi cái đau, giải thoát khỏi cái buồn.

Có một hôm tôi nói với một vị đệ tử rằng: Hãy giả định rằng hình hài của con chỉ là một cái nhà mà con thuê để ở thôi, thì con thấy như thế nào? Câu đó, bây giờ tôi đưa ra để quý vị quán chiếu cho thật sâu.

Trong kinh có nói rằng thân này không phải là tôi. Có thể thân này chỉ là một cái nhà mình thuê. Sau này có thể mình trả nhà này lại để thuê một cái nhà khác, mình đừng đồng nhất mình với cái nhà này!

Có nhiều người rất hãnh diện với cái nhà của mình. Nhà tôi đẹp quá. Nhà tôi chắc lắm, có thể đứng vững cả trăm năm. Có thể cũng có người bi quan hơn, nói rằng nhà tôi nó rệu rồi, chỉ vài năm nữa chắc là tiêu luôn. Phải quán chiếu để thấy rằng cái nhà không phải là mình, mình không bị kẹt vào cái nhà đó. Có nhiều người mất nhà họ tự tử luôn! Tại vì họ nghĩ lầm rằng họ là cái nhà đó.

Nếu mình không phải là thân của mình thì mình là cái gì? Ngoài sắc ra, thì còn có thọ, tưởng, hành, và thức. Nếu mình không phải là sắc, thì có phải mình là thọ, là tưởng, là hành, hay là thức không? Đó là câu hỏi đặt ra cho mọi người.

Mình cứ tưởng rằng trong ngôi nhà mình thuê đó, chỉ có một người ở. Có một người ở hay hai người ở, hay có nhiều người hơn? Cái cảm nhận thông thường của chúng ta là trong ngôi nhà đó chỉ có một người ở, đó là ta. Nhưng quán chiếu lại thì ta thấy ý niệm đó rất sai lầm. Trong một mái nhà tranh có một trái tim vàng, đôi khi có hai trái tim vàng, và ta nghĩ rằng nếu ngôi nhà tranh đó cháy thì vẫn còn một hay hai trái tim vàng!

Nhưng không phải vậy! Cái ý niệm về một cần phải được lấy ra. Tại vì ở trong nhà này, không phải chỉ có một. Một đó tức là cái ngã. Chúng ta đã từng được dạy rằng, đã từng thực tập rằng tất cả tổ tiên của chúng ta đang có mặt trong ta. Không những tất cả tổ tiên của chúng ta đang có mặt ở trong ta, mà tất cả con cháu của chúng ta đều đã có mặt trong ta rồi, dưới một hình thái nào đó.

Khi nhìn cây chanh vào mùa Đông, quý vị chưa thấy hoa chanh, cũng chưa thấy trái chanh. Nhưng hoa chanh và trái chanh đã có sẵn trong cây, dưới một hình thức nào đó. Nó chưa biểu hiện, nhưng vẫn có trong đó. Nghĩa là trong quý vị đã có con cháu rồi. Con cháu tâm linh hay con cháu huyết thống, đều đã có rồi. Chúng chỉ chờ những nhân duyên để phát hiện mà thôi. Trong cơ thể của chúng ta cũng như trong tâm hồn của chúng ta, đang tồn tại tất cả dòng họ huyết thống và tâm linh của chúng ta.

Đừng bao giờ tưởng rằng ở trong ngôi nhà chúng ta thuê chỉ có một mình ta ở. Không! Một mình ta không bao giờ có thể có được. Cái mà gọi là ta không bao giờ có được một mình. Cũng như nhìn vào cái hoa thì mình thấy có mặt trời, có đám mây, có đại địa, có đủ hết ở trong đó. Đừng tưởng cái hoa là đơn độc. Làm gì có cái hoa đó nếu không có tất cả những cái khác? Vậy thì trong ta có tất cả những yếu tố không phải là ta, trong đó có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy, Bụt. Khi chúng ta làm gì thì tất cả các vị cùng làm với chúng ta! Khi ta mỉm cười thì Bụt trong ta mỉm cười, ông ngoại trong ta cũng mỉm cười, ông cố, mẹ, cha đều mỉm cười hết. Chúng ta phải thực tập để thấy như vậy.

Khi nhìn tôi thì quý vị đừng nghĩ rằng có một cái ta đang ngồi trước quý vị. Không! Đây không phải là cái ta biệt lập đối với quý vị. Đây là cả một dòng sinh mạng tâm linh và huyết thống. Đây không phải là một người. Khi quý vị ngồi đó nhìn lên thì quý vị đừng nghĩ rằng quý vị đang ngồi đó với tính cách của một con người cá biệt. Không! Quý vị đang ngồi đó với tư cách của một dòng hiện hữu, tất cả các vị tổ tiên tâm linh, huyết thống, tất cả tương lai đều đang ngồi đó để nhìn lên. Phải thực tập như vậy, phải thấy được như vậy. Cái ảo tưởng có một trái tim dù là trái tim vàng ở trong túp lều tranh là sai lầm vô cùng! Ta không phải là ta, ta là tất cả. Vì vậy cho nên ta mới là ta. Phải thấy như vậy.

Thành ra khi nhìn từng vị ở đây thì tôi quán chiếu để thấy như vậy chứ tôi không thấy như một cá nhân để thương, để ghét. Tôi thấy thực tại nhiệm mầu trong vị đó. Mỗi vị là một dòng sinh mệnh rất là mầu nhiệm, rất là quý giá. Ở Làng Mai chúng ta có vô số cơ hội để thực tập như vậy. Khi thấy một sư chị, một sư anh, sư em chúng ta hãy tập quán chiếu để thấy sư chị không phải là sư chị, sư anh không phải là sư anh, sư em không phải là sư em, mà là những cái gì vĩ đại hơn nhiều, nhưng vì vô minh cho nên ta không thấy được điều đó mà thôi.

Khi tôi bị nhức đầu, và nói: Con xoa đầu giúp thầy. Sư chú chắp tay lại, đưa hai bàn tay lên để xoa đầu cho tôi, thì tôi bắt đầu quán chiếu. Tôi nói: Đây không phải là một sư chú, và cái đầu này không phải là đầu của tôi. Có lần tôi nói với một sư chú rằng: Cái đầu mà con đang xoa bóp là cái bình bát của Bụt đó. Bình bát của Bụt và con đang cầm trong tay.

Trong khi đó tôi tiếp tục quán chiếu và thấy rằng hai bàn tay này là hai bàn tay của bao nhiêu thế hệ tổ tiên đang xoa bóp cái đầu cho tôi, và tôi thấy có một sự mầu nhiệm xảy ra: Tôi không phải là tôi, sư chú không phải là sư chú. Cái thấy đó rất sâu, rất sáng. Trong tôi có một sự kính ngưỡng rất lớn. Không phải khi sư chú xoa đầu của tôi, sư chú chắp tay lại mà tôi có sự kính ngưỡng. Khi cái đầu của tôi đang được xoa thì trong trái tim của tôi có sự kính ngưỡng. Tại vì người xoa bóp cho tôi không phải là một vị sa di, mà là một vị Bụt rất lớn, rất nhiệm mầu.

Khi biết nhìn như vậy rồi thì thái độ của mình hoàn toàn thay đổi. Cũng như khi tôi nói với sư anh Nguyện Hải về nghệ thuật làm trụ trì. Khi nhìn một sư em, mình phải thấy đó không phải là sư em. Có thể mình thấy đó là một vị đạo sư của tương lai. Bây giờ sư em có thể hơi làm biếng, có thể hơi cứng đầu, nhưng trong ta ai lại không có một ít chất liệu của sự làm biếng, của sự cứng đầu? Nếu những điều kiện thuận lợi thì sư em đó ngày mai sẽ là một vị đạo sư lớn cho thế giới. Phải nhìn thấy như vậy mới được. Cái thiền đường của mình nhỏ xíu, không đẹp, nhưng đừng khinh thường thiền đường đó, tại vì có thể từ thiền đường đó, sẽ có những vị giáo thọ xuất thân. Họ là những người có khả năng chuyển hóa được khổ đau của hàng ngàn, hàng trăm ngàn người. Vì vậy mà đừng thấy thiền đường đó là thiền đường đó. Đó có thể là sư tử tòa của Bụt Đa Bảo.

Một vị trụ trì phải thực tập để có con mắt của tuệ giác. Khi thấy được như vậy thì thấy tất cả những gì xảy ra quanh mình đều là mầu nhiệm. Với sự cung kính như vậy, mình có thể trân quí được tất cả những hình thái, những biểu hiện bao quanh mình. Tất cả đều trở thành mầu nhiệm, và như vậy mình làm cho tất cả lớn lên một cách rất mau chóng. Những điều này chúng ta đừng để cho chúng nằm trong phạm vi của giáo thuyết, của mạn đàm. Chúng ta phải đem ra thực tập, chúng ta phải thực tập nhìn nhau, phải thực tập tiếp xúc với nhau như những biểu hiện mầu nhiệm của pháp thân. Vì vậy cái mà chúng ta gọi là đốn ngộ nó không phải là một ý niệm. Nó là cái có thật. Nếu chúng ta có tuệ giác về vô ngã, và về tương tức, thì tự nhiên cái tuệ giác đó tới, nó tháo chúng ta ra khỏi cái giận, cái buồn, cái si mê, cái ganh tị liền lập tức trong giây phút này. Quý vị thường nghe danh từ đốn ngộ. Đốn ngộ là như vậy, là sự giác ngộ cấp tốc, tức thời có thể tới. Sự giác ngộ này mình có thể thực chứng nhờ những thực tập rất đơn giản như đã nói trên đây.

NGHI LỄ TRONG NHỮNG THỰC TẬP

Nhân đây tôi nói thêm về khía cạnh nghi lễ của sự thực tập ở Làng Mai. Đứng về phương diện nghi lễ, xin nhắc đại chúng rằng, đối với các bạn mới tới, chúng ta đừng đưa họ đi qua nghi lễ quá nhiều trong những buổi thiền trà, trong những buổi làm mới. Chúng ta trao cho họ cái tối thiểu của nghi lễ. Chúng ta phải hiểu họ.

Đối với chúng ta, nghi lễ không còn là nghi lễ, mà là một sự thực tập. Khi lạy xuống là chúng ta thực tập Yoga. Không có một đấng linh thiêng nào mà chúng ta cầu khẩn hết. Nhưng các bạn mới tới họ không biết được chuyện đó, họ tưởng chúng ta đang quỳ lụy cầu xin. Họ đã đau khổ vì việc cầu xin trong truyền thống của họ. Đến đây, nhìn thấy vậy, họ sẽ tưởng là họ bị đưa vào lại trong khuôn đó nữa! Cho nên có thể họ sẽ đau khổ.

Vì vậy có những buổi thiền trà tôi chỉ dâng hương vắn tắt bằng một bài thơ, rồi tôi chỉ xướng danh hiệu của một vị Bụt và tôi xá, rồi ngồi xuống, thì người ta cảm thấy rất thoải mái. Còn nếu thiền trà mà mình lạy từ Bụt Thích Ca cho đến đức Địa Tạng, rồi qua các vị Tổ sư, thì e nhiều quá đối với các người mới.

Thành ra xin đại chúng châm chước nghi lễ trong những lúc có các người bạn mới. Điều này là do từ bi mà ra. Sau khi các vị đó đã biết được thực chất của nghi lễ, khi họ biết nghi lễ chỉ là sự thực tập, và họ biết được giá trị của ba cái lạy, của năm cái lạy, họ biết lạy này không phải là nhắm tới đối tượng của một vị thần linh, mà chỉ là sự thực tập Yoga, thì lúc đó họ sẽ chấp nhận nghi lễ một cách dễ dàng hơn.


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][]