TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai
20. Sự vận hành của thân và tâm
SỰ CẦN YẾU CỦA VIỆC LƯU THÔNG MÁU HUYẾT
SỰ CẦN YẾU CỦA VIỆC LƯU THÔNG TÂM LÝ
NHỮNG HƠI THỞ LƯU THÔNG TÂM LÝ
CÁCH THỰC TẬP ĐỂ BỚT LO SỢ, KHỔ ĐAU
BUÔNG BỎ ĐƯỢC THÌ CÓ HẠNH PHÚC
BỐN GIAI ĐOẠN CỦA NGƯỜI THEO VĂN HÓA ẤN ĐỘ
Một trong những công năng của chánh niệm là giúp cho tâm lý của chúng ta vận hành một cách bình thường. Tâm cũng như thân của chúng ta, nếu trong đó có những vùng bế tắc, thì ta sẽ sinh bệnh. Ban đầu chúng ta thường chưa thấy bệnh, nhưng nếu có một sự bế tắc trong tâm, thì những triệu chứng của bệnh tâm thần sẽ từ từ phát hiện.
Nếu biết thực tập để sự bế tắc đó đừng xảy ra, chúng ta sẽ không bao giờ bị tai nạn mang bệnh tâm thần.
Trong cơ thể của chúng ta, sự lưu thông của máu huyết là hết sức quan trọng. Nếu máu huyết không lưu thông đều đặn, thì độc tố sẽ ứ đọng lại trong những phần của cơ thể, nhất là phần mà chúng ta ít hoạt động. Khi độc tố chứa chất nhiều, những vùng đó sẽ đau nhức, sẽ bệnh hoạn. Ví dụ trên đầu của ta, nếu máu không chảy đàng hoàng trong những huyết quản li ti, chúng ta sẽ bị nhức đầu. Khi bị nhức đầu như vậy, nếu có người xoa bóp đầu của chúng ta thì sự xoa bóp đó sẽ giúp cho máu huyết trên đầu lưu thông, và sau đó mười lăm phút hay nửa giờ, ta thấy bớt nhức đầu. Đó là nhờ sự lưu thông điều hòa của máu huyết ở trên đầu.
Khi máu huyết lưu thông thì những độc tố sẽ được máu huyết chuyền đi nơi khác, và sẽ được sa thải khỏi cơ thể bằng đường tiểu, đường hô hấp, hay bằng đường ruột. Vì vậy xoa bóp cơ thể là một hành động có tính cách trị liệu rất hay.
Phép xoa bóp, tiếng Hán Việt là Án Ma Pháp. Án là ấn xuống. Ma là xoa bóp. Khi ta ấn ngón tay xuống một vùng nào đó ở trong cơ thể, thì ta bắt buộc máu đi ra khỏi chỗ ta ấn xuống. Khi nhấc ngón tay lên, máu từ chỗ khác chảy về lại nơi đó. Nếu tiếp tục hành động đó nhiều lần thì ta tạo ra một sự lưu thông máu huyết tốt đẹp hơn. Ai cũng biết rằng khi máu huyết không lưu thông thì một trăm chứng bệnh sẽ phát sinh trong cơ thể. Vì vậy có những thứ thuốc uống vào để giúp máu huyết lưu thông, có những phương pháp thoa bóp để giúp cho máu huyết lưu thông, và cũng có những phương pháp vận động để giúp cho máu huyết lưu thông. Sự lưu thông của máu huyết trong cơ thể rất là quan trọng cho sự bình an của cơ thể.
Đứng về phương diện tâm lý cũng vậy. Tâm lý của chúng ta là một loại máu huyết, nó phải được lưu thông. Nếu tâm lý bị dồn nén, bế tắt thì nó cũng tạo ra những triệu chứng bệnh hoạn. Vì vậy phải có một phương pháp gọi là phương pháp xoa bóp tâm lý, để giúp tâm lý không còn kẹt, và có sự lưu thông trong tâm lý của chúng ta.
Ví dụ trong tâm lý của chúng ta có cái giận hay cái sợ mà ta không dám nghĩ tới, không dám nâng niu, không dám mời lên để nhìn mặt, thì những hiện tượng gọi là bế tắt của tâm lý bắt đầu xảy ra. Trong ta có hạt giống của sự sợ hãi. Mỗi khi tiếp xúc với hạt giống của sự sợ hãi thì ta không thấy dễ chịu chút nào, vì vậy ta có khuynh hướng đè nén sự sợ hãi xuống. Chúng ta cũng có thể sợ cô đơn, sợ bị hắt hủi; sợ chết, sợ xấu đi rồi người kia ruồng bỏ ta. Ta sợ già sống cô đơn trong một xó. Tất cả chúng ta ai cũng có những cái sợ đó. Nhưng chúng ta không muốn nghĩ tới, tại vì nghĩ tới nó là không dễ chịu! Vì vậy mà trong vùng đó của tâm lý, có sự bế tắt.
Chúng ta tưởng rằng cái sợ ngủ yên chỗ đó, không có ảnh hưởng gì tới đời sống hàng ngày của chúng ta, vì vậy chúng ta làm lơ. Chúng ta biết có cái sợ chôn sâu ở trong tâm thức, nhưng cứ làm lơ, giống như là ta không sợ. Kỳ thực hạt giống sợ rất lớn, nó sai sử chúng ta trong đời sống hàng ngày. Tại vì nó có mặt đó, và một cách gián tiếp nó ảnh hưởng tới hành sử trong ngày của chúng ta. Sở dĩ ta không làm cái đó, hay có làm cái đó là do hạt giống của sự sợ hãi trấn ngự trong góc đó của tâm lý chúng ta. Chúng ta không biết rằng sự sợ hãi đó đang điều khiển chúng ta, đang điều kiện hóa chúng ta. Nếu có chánh niệm thì chúng ta sẽ nhận ra rằng sở dĩ chúng ta không làm điều đó, hoặc chúng ta đã làm điều đó là vì cái sợ nó nằm trong tận cùng cơ thể ta.
Vì vậy cho nên đức Thế Tôn có dạy các thầy, các sư cô đừng nên để những hạt giống như vậy nằm yên và tạo ra sự bế tắt. Phải tìm tới, phải tiếp xúc với nó, phải nhận diện nó, phải làm sao để cho nó chuyển hóa, lưu chuyển.
Là người tu, mỗi ngày chúng ta phải xoa bóp để cho niềm đau, nỗi khổ kia chuyển hóa. Chúng ta đừng sợ. Cũng như khi xoa bóp cơ thể, khi đụng tới vùng đau nhức, thì chúng ta bị đau nhức hơn, nhưng sự đau nhức đó sẽ giúp điều trị vết thương. Trong tâm chúng ta cũng vậy, có những vùng bế tắt và đau nhức, chúng ta động tới thì nó đau nhức thêm. Nhưng những đau nhức đó nó cần thiết cho việc trị liệu. Cho nên tiếp xúc với cái giận, cái sợ của chúng ta, là điều mà chúng ta phải thực tập hàng ngày.
Tôi thế nào cũng phải già, tôi không thể nào trành khỏi sự già đi. Đó là tiếp xúc với hạt giống của sự sợ già.
Tôi thế nào cũng phải chết, tôi không thể nào tránh thoát cái chết. Đó là tiếp xúc với hạt giống của sự sợ chết.
Mai này khi tôi ra đi, tôi sẽ không đem theo được bất cứ một cái gì. Đó là tiếp xúc với hạt giống của sự sợ cô đơn.
Hiện giờ mình đang bám víu vào một người, hay hai người hay ba người. Đang bám víu vào một cái danh, một địa vị, một cái lợi, hay một hột xoàn. Mình nghĩ rằng tất cả những cái đó là cần thiết cho sự an ninh của mình, cần thiết cho hạnh phúc của mình. Nhưng sự thật là ngày mai khi mình ra đi, mình sẽ không đem theo được bất cứ một cái gì, bất cứ một người nào dù người đó là người thương yêu nhất của mình ở trên đời. Mình sẽ không đem theo được một bằng cấp, một địa vị, một trương mục. Mình sẽ đi với hai bàn tay trắng. Đó là những sự thật khách quan, sự thật rõ ràng, sự thật trắng trợn mà mỗi ngày mình phải đối diện với nó.
Thực tập những hơi thở đó sẽ giúp ta tiếp xúc với hạt giống của sự sợ hãi, sợ bệnh tật, sợ cái chết, sợ sự cô đơn, sợ sẽ mất đi những gì mà hôm nay mình trìu mến, mình thương tiếc.
Chúng ta thấy có hai hiện tướng. Hiện tướng thứ nhất là sự sợ hãi, và hiện tướng thứ hai là chánh niệm tìm tới để tiếp xúc với sự sợ hãi đó, ôm ấp nó để chuyển hóa. Như vậy chánh niệm là bàn tay làm việc xoa bóp. Khi bàn tay tới, nó ấn xuống và thoa bóp, nó bắt buộc máu ở chỗ đó phải lưu thông. Ở đây, niềm đau, nỗi khổ kia ở trong cơ thể làm ứ đọng, tạo ra bế tắt, vì vậy chánh niệm phải đi tới, phải làm công việc của sự xoa bóp.
Trước hết là nhận diện: "Ta biết ngươi có đó". Nếu chúng ta để cho sự sợ hãi, sự đau buồn đó trở thành một khối bế tắt, thì nó sẽ có tác động trên đời sống hàng ngày của chúng ta. Vì vậy mà chúng ta phải tìm cách trị liệu.
KHÁCH CỦA TA
Chúng ta ai cũng biết rằng tâm thức có hai phần. Một phần gọi là ý, nằm ở trên, một phần gọi là tàng nằm ở dưới. Chúng ta có những niềm đau nỗi khổ nằm ở phần tàng. Chúng không nằm yên, chúng đẩy, chúng xô, chúng tìm cách phát hiện, và vì chúng ta sống đời sống hàng ngày không có chánh niệm, cho nên những niềm đau nỗi khổ đó càng ngày càng lớn thêm.
Những nỗi niềm nào? Những nỗi tuyệt vọng, sợ hãi, hận thù, thèm khát.
Những khối độc tố đó có ở trong tâm của chúng ta. Mỗi khi chúng phát hiện được trên bề mặt của tâm ý thì ta đau khổ. Cho nên chúng ta không muốn nó phát hiện.
Muốn cho những khối đau buồn sợ hãi này không xuất hiện thì chúng ta thường áp dụng những phương pháp gọi là đè nén hay ngăn chặn. Phần ý của ta cũng giống như là phòng khách, và phần tàng nó giống như nhà kho. Để cho những khối đau khổ này đừng lên ngồi trên phòng khách, chúng ta phải tìm cách chiếm cứ phòng khách bằng cách mời những thứ chúng ta muốn đưa vào phòng khách.
Ví dụ chúng ta tìm cách giải trí. Chúng ta đưa vào phòng khách một máy truyềøn hình và mở máy lên, chúng ta có một chuyện phim diễn ra. Hay chúng ta đọc một cuốn tiểu thuyết, và trong thời gian mải mê đọc cuốn tiểu thuyết đó, phòng khách của chúng ta bị chiếm cứ. Khi phòng khách bị chiếm cứ thì những người khách khác không vào được. Trong suốt thời gian chúng ta coi một chương trình vô tuyến cũng vậy, phòng khách cũng bị chiếm cứ thành ra những "anh chàng kia" không leo lên được. Nếu không có tiểu thuyết, hay TV thì chúng ta tìm những cách khác, ví dụ ta nhấc điện thoại lên nói chuyện. Trong khi nói chuyện với người khác thì mình để ý vào câu chuyện, cho nên những anh chàng kia cũng không leo lên được.
Nếu bạn ta không có nhà và ta không nói chuyện bằng điện thoại được, thì ta tìm cách khác. Ta vào nhà xe lấy xe hơi lái đi. Đi đâu cũng được, miễn là đừng ngồi đó một mình với phòng khách của ta trống vắng. Tại vì ngồi đó một mình như vậy thì những anh chàng kia sẽ trồi lên cắn xé ta. Đó là trường hợp của rất nhiều người ở trong xã hội ngày nay.
Nếu nhìn vào từng trường hợp của con người sống trong xã hội ngày hôm nay, chúng ta thấy rằng đó là cách sống của hầu hết mọi người. Chúng ta rất sợ phòng khách của chúng ta trống. Tại vì mỗi khi phòng khách của chúng ta trống thì những anh chàng ghê gớm ở dưới nhà kho sẽ tìm cách chui lên. Chui lên được và chễm chệ ngồi trong phòng khách thì chúng ta rất đau khổ. Những khối tuyệt vọng, những điều thèm khát, những sự sợ hãi, hận thù, ganh tị, những tư tưởng hắc ám ở trong ta trồi lên và bắt đầu tác quái, sai sử ta.
Vì vậy cho nên xâm chiếm phòng khách là phương pháp của hầu hết mọi người sống trong thời đại của chúng ta áp dụng để ngăn chặn, không cho những niềm khổ đau kia trồi lên. Chúng ta vô tình hoặc cố ý xây một hàng rào để ngăn chặn, không cho những khối đau khổ đó trào lên. Khi dồn ép như vậy thì chúng ta tạo ra một thế, một tình trạng gọi là bế tắc tâm lý.
Nó lên thì ta khổ, nhưng nó lên được thì ta đỡ, vì nó có sự lưu thông. Nhưng vì ta sợ khổ, không biết cách tiếp xúc với những cái đó, cho nên chúng ta đè nó xuống và tạo nên một tình trạng bế tắc của tâm lý. Đó là một điều rất nguy hiểm!
Có thể ban ngày chúng ta áp dụng được phương pháp chiếm cứ phòng khách, nhưng ban đêm thì ta ngủ, ta đâu thực tập được chuyện chiếm cứ phòng khách? Khi chợp mắt đi là những khối khổ đau này bắt đầu trồi lên, cho nên chúng ta có khát vọng, chúng ta đau khổ, chúng ta sợ hãi. Sợ luôn cả chuyện đi ngủ, tại khi ngủ ta không kiểm soát được phòng khách của mình. Vì vậy mà ta thức suốt sáng thâu canh để trông chừng đạo tặc!
Trong khi đó, những khối đau khổ dưới tàng thức vì bị bế tắc, chúng tạo ra đủ triệu chứng, trong đó có triệu chứng mất ngủ, triệu chứng trầm cảm (depression). Tất cả đều do sự kiện những hiện tượng tâm lý của chúng ta bị cấm cản, không được lưu thông.
Có những người sống thường trực trong sự sợ hãi. Mà sợ đây không phải là sợ ma hay sợ ăn cướp, sợ ăn trộm, sợ cảnh sát. Nghĩa là không sợ một đối tượng từ bên ngoài. Cái họ sợ nhất là cái ở trong chiều sâu của tâm thức họ. Những cái đó trồi dậy thì nguy cho họ lắm! Họ có thể đau khổ đến cùng cực, và trong những lúc đau khổ như vậy, họ chịu không nỗi, họ nghĩ rằng chỉ có một cách duy nhất để hết đau khổ, đó là đi tự tử! Những người có các khối đau buồn lớn lao trong chiều sâu tâm ý của họ mà có sự bế tắc, là rất lo sợ. Họ lo sợ chính cái tâm lý của họ, chính những khối đau buồn, đen tối ở trong chiều sâu tâm thức của họ. Ban ngày họ có thể dùng phương pháp cảnh sát để đè nén. Ban đêm thì lực lượng cảnh sát không còn hiệu nghiệm nữa, cho nên càng ngày họ càng đau khổ vì vấn đề của họ.
Những người mà họ mời vào trong phòng khách ban ngày là những phim ảnh, những tiểu thuyết, những câu chuyện, chúng thuộc về loại thức ăn. Thức ăn có thể giúp cho họ quên nỗi khổ niềm đau ở dưới tàng thức.
Chúng ta biết có những người tâm lý bất an, mỗi khi họ thấy những điều bất an bắt đầu cựa quậy, muốn trồi lên, thì họ làm gì? Có người vào bếp mở tủ lạnh, lấy thức ăn ra ăn. Tại vì trong khi ăn như vậy họ có việc để làm. Họ nếm, họ nhai, họ nuốt và họ bận rộn, cho nên họ sống qua được những giây phút đó. Trong thời đại của chúng ta, có nhiều người dư dả thực phẩm, trong nhà lúc nào cũng có thức ăn để trong tủ lạnh. Mỗi khi thấy bất an trong tâm, thì họ vào bếp mở tủ lạnh, lấy thức ăn. Trong khi ăn như vậy họ cảm thấy sự bất an đó nằm yên được trong một thời gian nào đó. Thực tập chuyện ăn đó, càng ngày họ càng mập ra. Ăn để đừng bị những khổ đau trong tâm trấn ngự. Ăn và không ngưng được. Đó là một chứng bệnh của rất nhiều người trong xã hội tiêu thụ ngày nay.
Trong khi đó, ở các nước chậm phát triển, người ta đâu có tủ lạnh có sẵn thức ăn? Thành ra những lúc đói, họ phải đi kiếm việc, phải đi khuân vác, phải quét chợ, phải làm đủ thứ. Trong những lúc đó họ đâu có thì giờ để gậm nhấm niềm đau nỗi khổ của họ? Những lúc làm việc cực nhọc như vậy, họ tiêu xài năng lượng của thân thể, cho nên họ đỡ lắm.
Những người đang bị bệnh tâm lý, nếu được đưa ra làm công việc lao động thì họ sẽ được đỡ khổ rất nhiều. Nhưng nếu những người đó giàu, có tiền bạc, có thức ăn, thì họ lâm vào tình trạng khó khăn hơn.
Ở đây chúng ta không ăn những thức ăn gọi là đoàn thực, tức là ăn qua đường miệng. Chúng ta ăn những thức ăn gọi là xúc thực. Chúng ta coi phim, chúng ta đọc tiểu thuyết, đọc báo, chúng ta nói chuyện, chúng ta đi khiêu vũ, đi phòng trà, đi dự nhạc hội. Trong khi tiêu thụ những sản phẩm có độc tố như vậy thì chúng ta đưa vào trong tàng thức những độc tố đó, và càng ngày chúng càng làm cho những niềm đau, nỗi khổ kia càng tăng tiến thêm lên. Ví dụ trong khi coi phim, chúng ta ưa thích những cảm giác mạnh như sợ hãi, hồi hộp, thèm khát. Tại vì phim mà không đánh động được sự sợ hãi, hồi hộp, thèm khát, tuyệt vọng, hay hận thù của ta là phim không hay. Phim phải có những điều đó thì mới hay, mới hấp dẫn. Ta sống trong da thịt của những nhân vật chính. Khi người đó lâm vào tình trạng tuyệt vọng thì ta cũng tuyệt vọng. Khi người đó lâm vào tình trạng sợ hãi thì ta cũng sợ hãi. Khi người đó sống trong tình trạng thèm khát thì ta cũng thèm hát theo. Đó gọi là tiêu thụ văn nghệ. Trong khi tiêu thụ những sản phẩm văn nghệ như vậy, chúng ta liên tục đưa vào trong tàng thức của ta những độc tố để nuôi lớn những niềm đau nỗi khổ đang có sẵn trong ta. Vì vậy mà tình trạng càng ngày càng nặng nề, càng nguy kịch.
Phương pháp gọi là chiếm cứ phòng khách không có chánh niệm là một phương pháp rất nguy hiểm. Vậy mà những người đau khổ quanh ta họ đang làm như vậy!
Chúng ta không nên áp dụng phương pháp chiếm cứ phòng khách, vì đây chỉ là cách "trị liệu nhất thời", mà thật ra thì không phải trị liệu.
Theo phương pháp của Bụt thì mình phải giữ giới. Phải thực tập năm giới quý báu, nghĩa là thấy tình trạng của mình đã xấu như thế này rồi thì phải lập tức chận đứng những nguồn thực phẩm độc hại. Giới thứ Năm là giới rất quan trọng đứng về phương diện tiêu thụ. Giới thứ Năm dạy ta phải có can đảm chấm dứt nguồn thực phẩm đem độc tố vào trong cơ thể chúng ta. Giới thứ tư, thứ ba, thứ hai, thứ nhất đều cũng vậy. Tất cả năm giới đều có mục đích chận đứng những nguồn thực phẩm độc hại.
Nhưng nếu để cho phòng khách trống không thì nguy hiểm lắm. Do đó phải làm thế nào để cho phòng khách của chúng ta có được những người khách không ác hại, không tác quái trong ta. Ví dụ khi ngồi nghe pháp thoại, thì trong phòng khách của chúng ta có những người khách rất quý, đó là những tư tưởng, những ước nguyện lành mạnh mà ta tiếp nhận trong suốt thời gian nghe pháp. Pháp đàm cũng vậy, đi thiền hành cũng vậy, trong suốt thời gian đó chúng ta được tiếp xúc với tăng thân, tiếp xúc với thiên nhiên, và phòng khách của chúng ta đang tiếp những người khách rất quí. Ta có thể tiếp các vị Bồ tát, các vị giác ngộ ở trong tâm tưởng của chúng ta.
Ngồi nói chuyện với một sư cô, một sư chú có hạnh phúc, có chánh niệm tưới tẩm trong đời sống hàng ngày, thì mình được tiếp xúc với những loại thực phẩm nuôi dưỡng rất quỳ báu. Đó là thực tập Năm giới. Thực tập Năm giới là chấm dứt những nguồn thực phẩm độc hại, và bắt đầu tiếp xúc với những nguồn thực phẩm lành mạnh.
Trong ta có những hạt giống tốt như hạt giống của thương yêu, của từ bi, của chánh niệm, của tha thứ, của niềm vui. Nhưng những hạt giống này không được tưới tẩm, không được tiếp xúc, cho nên chúng càng ngày càng nhỏ. Trong khi đó, những hạt giống khổ đau mỗi ngày mỗi được tưới tẩm, nên càng lớn mạnh thêm. Vì vậy phương pháp là làm thế nào để tiếp xúc được với những hạt giống tốt chôn vùi trong tàng thức của chúng ta.
Chúng ta biết rằng hạt giống của chánh niệm có sẵn trong tàng thức ta. Nếu thực tập chánh niệm thì chúng ta làm cho hạt giống này càng ngày càng lớn. Thực tập hạt giống chánh niệm nghĩa là làm thế nào để hạt giống chánh niệm đó trở thành một tâm hành có mặt thường xuyên ở trong phòng khách của chúng ta. Nếuthực tập hơi thở có ý thức và chánh niệm về hơi thở có mặt một phút, mười phút, một giờ, thì trong suốt thời gian đó, trong phòng khách của chúng ta luôn luôn có một người khách quí. Người khách đó là Bụt, vì chánh niệm là Bụt. Thở và nhìn màu xanh của cây cỏ, thở và mỉm cười với trăng sao, thở và tiếp xúc với ánh sáng của bình minh, thở và tiếp xúc với những gì lành mạnh, tươi mát và mầu nhiệm của sự sống, thì chúng ta có thể mời những người khách quí đó vào trấn ngự trong phòng khách của chúng ta.
Chúng ta cũng có thể đặt mình vào một khung cảnh tốt như là khung cảnh của một tăng thân. Trong khung cảnh của một tăng thân chúng ta thấy nhiều người có hạnh phúc, không có những điều kiện xấu, không có những nguồn lương thực xấu. Trong một tăng thân như vậy, chúng ta không tiêu thụ những sản phẩm có độc tố. Chúng ta ăn chay, chúng ta không coi những phim ảnh độc hại, chúng ta không đọc những sách vở độc hại, chúng ta không nói những câu chuyện độc hại, chúng ta không tiếp xúc với những gì có tính cách bạo động, hận thù. Chúng ta tiếp xúc với những thực tập hàng ngày, với những thầy, những sư cô, những anh, những chị đang tu tập thiền hành, thiền tọa, hơi thở, nụ cười v.v... Như vậy là tự đặt mình vào trong một hoàn cảnh tốt của tăng thân. Đặt mình vào một hình thái tốt để rồi trong hoàn cảnh tốt đó ta có thể tiếp xúc được với những hạt giống tốt đẹp ở trong tàng thức của chúng ta. Chúng ta nuôi lớn hạt giống chánh niệm và chúng ta đốt sáng ngọn đèn chánh niệm cả ngày, cả đêm ở trong phòng khách của chúng ta.
Khi những khối đau buồn trong ta động đậy, đòi đi lên thì ta mở cửa ra, cho phép chúng lên, không sao cả. Ta cho phép chúng phát hiện. Có khi chánh niệm còn đi xuống tận hang cùng ngõ hẻm đó, vùng cấm địa đó, vùng đau nhức đó, vùng bế tắc đó để tiếp xúc với chúng. Có khi từ những vùng bế tắc đó chúng ta mở cửa để cho những khối đau đó trồi lên, chúng ta không sợ nữa tại vì chúng ta đã có chánh niệm, đã có Bụt hộ trì. Khi khối đau đi lên thì chúng ta phải có cam đảm nhận diện khối đau đó, ôm ấp khối đau đó ở trong vùng chánh niệm của chúng ta.
Trước đây chưa thực tập, chúng ta rất sợ những khối khổ đau này đi lên, tại vì khi lên chúng làm tan hoang! Nhưng bây giờ chúng ta đã biết cách rồi.
Cách của chúng ta là sao? Là chúng ta tu tập, chúng ta làm lớn lên cái năng lượng của chánh niệm. Khi năng lượng của chánh niệm có mặt ở trong phòng khách thì không có lý do gì mà chúng ta sợ hãi, chúng ta cứ mở cửa để cho những khối đau buồn này đi lên. Chúng ta không đè nén, không tranh đấu với chúng nữa. Chúng ta cho chúng đi lên và mở rộng hai vòng tay của chúng ta ra để ôm ấp lấy chúng, nhận diện chúng. Chúng nó chính là ta.
Năng lượng của chánh niệm càng mạnh thì sự ôm ấp vỗ về càng có hiệu nghiệm. Muốn cho năng lượng chánh niệm mạnh thì mỗi ngày ta phải thực tập thiền thở, thiền đi, thiền ngồi, thiền ăn, thiền làm việc. Đó là những phương pháp để nuôi lớn chánh niệm.
Khi chánh niệm có mặt rồi thì không có lý do gì mà ta sợ hãi, ta chỉ cần ôm ấp lấy niềm đau. Sau một thời gian ôm ấp lấy nó, năm phút, mười phút thì nó nhẹ đi và khối đau này trở về tàng thức. Nó chưa chuyển hóa, nhưng nó có nhẹ đi được một chút, ví dụ một phần ngàn. Tuy ít, nhưng thế nào nó cũng nhẹ đi! Tại vì trong khi năng lượng của chánh niệm ôm ấp nó thì thế nào cũng có một sự chuyển biến ở trong lòng nó, và nó mất đi một chút năng lượng trước khi về lại nguyên quán ở dưới chiều sâu của tâm thức.
Cho nên khi ông thầy tu mỗi ngày ngồi yên và nói rằng:
Tôi thế nào cũng phải già, tôi không thể nào tránh thoát cái già.
Tôi thế nào cũng phải bệnh, tôi không thể nào tránh được bệnh.
Tôi thế nào cũng phải chết, tôi không thể nào tránh thoát cái chết.
Thì những lúc đó ông thầy tu cho phép mời khối sợ đó lên và dùng năng lượng của chánh niệm để ôm ấp nỗi lo sợ đó, để rồi sau năm phút, mười phút thì khối sợ đó trở về lại trong chiều sâu của tâm thức, nhẹ hơn đi một chút. Miên mật làm việc đó, là lý do ông thầy tu ngồi nhiều lần trong một ngày, đi nhiều lần trong một ngày. Nếu làm ngược lại, tức là mình chận nó. Không cho nó lên thì càng ngày nó càng lớn, sức tác hại của nó càng cao.
Khi ngồi như vậy, một điều đã xảy ra là ông thầy tu đã cho phép tâm hành này lưu thông như máu huyết ở trong cơ thể.
Ngày hôm sau ông thầy tu lại cũng ngồi xuống và nói:
Tôi thế nào cũng phải già, tôi không thể nào tránh thoát cái già.
Tôi thế nào cũng phải bệnh, tôi không thể nào tránh được bệnh.
Tôi thế nào cũng phải chết, tôi không thể nào tránh thoát cái chết.
Đó là sự thực tập. Mà thực tập với gì? Với năng lượng của chánh niệm. Nếu không có năng lượng chánh niệm thì khi niềm sợ hãi trồi lên, nó làm cho mình đau khổ vô cùng. Nhưng nhờ có năng lượng chánh niệm, cho nên năng lượng chánh niệm ôm lấy cái sợ đó và sau một thời gian năm bảy phút thì cái sợ đó trở về lại vị trí của nó ở trong tàng thức, yếu đi một chút như đã nói trên đây.
Nhờ miên mật thực tập như vậy mà ông thầy tu tạo ra được tình trạng lưu thông tốt của tâm lý. Chính đức Thế Tôn đã thấy được điều này. Tại vì sự thực tập Yoga là giúp vận hành về cơ thể cũng như về tâm lý. Tâm hành là máu của tâm, nó phải có sự vận hành, phải có sự lưu thông. Ta phải làm thế nào để cho những tâm hành này có quyền lưu thông trong lĩnh vực của tâm lý.
Nếu chúng ta giữ lại niềm đau nỗi khổ này ở vùng ý thức lâu hơn một chút, ôm ấp nó lâu hơn một chút, và dùng năng lượng chánh niệm để nhìn sâu vào trong lòng của tâm hành này, thì chúng ta chuyển hóa nó được nhiều hơn, và khi đi trở về tàng thức, nó sẽ yếu đi nhiều hơn. Nội chuyện ôm lấy nó vài phút và nhận diện nó trước khi buông cho nó trở về, là đã có ích lợi nhiều rồi. Ích lợi đó gọi là tạo ra tình trạng lưu thông của tâm lý. Ai là người sắp bị bệnh tâm lý, thì hãy tập ngồi thiền, quán niệm hơi thở, thực tập nuôi dưỡng chánh niệm, và khi có chánh niệm rồi, mình mở cửa cho những khối đau đi lên, đừng sợ!
Sống chung với tăng thân lại còn có một điều lợi nữa là nếu mình chưa vững lòng, mình đã có một ít chánh niệm rồi, mình sẵn sàng mở cửa cho nó đi lên, nhưng mình còn hơi ngán, thì mình mời một thầy, một sư cô, một thiền sinh khác hiểu mình, thương mình đến ngồi chung với mình. Có thể mình vừa nắm tay người đó, vừa thở và mình mở cửa tâm của mình. Khi có một thiện trí thức ngồi bên mình và nói: Chị sẽ yểm trợ cho em, anh sẽ yểmtrợ cho em, em cứ mở cửa cho niềm đau đi lên đi, không sao hết. Năng lượng chánh niệm của em có thể đủ, nhưng nếu chưa đủ thì có chị đây, không sao hết. Đó là sự hộ niệm của tăng thân. Hộ niệm là một chánh niệm nó yểm trợ cho chánh niệm kia. Chánh niệm kia có thể chưa đủ mạnh thì chánh niệm của mình phát xuất ra sẽ tiếp sức để giúp cho nó mạnh hơn lên. Cũng như một bình điện không đủ hơi để làm sáng lên bóng đèn đó, thì bên cạnh, mình có một bình điện khác mạnh hơn, truyền điện sang cho bình kia. Cái đó gọi là hộ niệm.
Có những niềm đau nỗi khổ mà một mình, mình không chịu nổi. Nhưng khi ở trong một tăng thân có hiểu biết, có thương yêu, có liên đới, thì mình thấy mình mạnh hơn, mình có khả năng chịu đựng được những khổ đau, những khó khăn đó. Nếu đơn độc thì năng lượng của mình không đủ, nhưng vì không phải một mình, cho nên mình tiếp nhận được năng lượng của các bạn tu. Đó gọi là được hộ niệm.
Như trong trường hợp sư anh Pháp Trú, mẹ mất. Nếu mẹ mất trong tình trạng sư anh ở một mình thì chắc có thể sẽ khó khăn hơn. Nhưng có một tăng thân bao quanh, chăm sóc, nâng đỡ, yểm trợ, cho nên sư anh có thêm được sức mạnh để đối phó với tình trạng rất khó khăn. Khi sư chị Trí Giác điện thoại về Việt Nam thì ở Việt Nam, sư cô Giới Minh, thầy Quảng Hòa, thầy Minh Tánh gởi Fax qua cho hay rằng khi được tin, các vị bên đó tình nguyện đi về Trà Vinh để lo tang lễ. Sư anh Pháp Trú mới thấy rõ rằng mình không phải đơn độc. Mình được bao bọc bởi một tăng thân lớn, và tăng thân cho mình rất nhiều năng lượng. Vì vậy mà sư anh Pháp Trú đã đi qua những ngày khó khăn nhất của mình một cách dễ dàng hơn là khi sư anh đi một mình. Đó cũng gọi là hộ niệm.
Trong trường hợp mình có những niềm đau, nỗi khổ lớn mà mình thực tập chánh niệm một mình, thấy chậm chạp, chưa vững vàng, thì mình phải tìm tới một tăng thân để nhờ sức hộ niệm đó, nhờ hoàn cảnh đó. Sau một thời gian thực tập như vậy, chánh niệm của mình lớn thêm, và mình có thể bắt đầu mở cửa để cho những niềm đau, nỗi khổ đi lên. Nếu không có chánh niệm mà mình để cho nó đi lên, thì mình có thể ngã quỵ, mình có thể bị đè bẹp bởi những nỗi khổ, niềm đau đó. Nhưng bây giờ mình đã có chánh niệm, và nhất là mình đã có hộ niệm, thành ra mình vững tâm mở cửa cho những niềm đau, nỗi khổ đó đi lên. Khi nó lên, mình nói tội nghiệp quá và mình ôm lấy nó. Tại vì nó chính là mình. Đó là nguyên tắc bất nhị. Chánh niệm này, tình thương này, cái hiểu biết này là mình. Mà cái tuyệt vọng kia, cái sợ hãi kia, cái hận thù kia, cũng là mình. Cho nên chính mình ôm lấy mình như một bà mẹ ôm lấy con của bà. Mẹ với con là một.
Có thể trong những ngày đầu, mình chỉ ôm được nỗi khổ niềm đau của mình một hai phút, rồi nó đi xuống. Sau đó mình đọc kinh hay mình nghe pháp. Ngày mai mình cho nó lên một lần nữa, mình ôm lấy nó thêm ba phút, năm phút nữa, rồi mình cho nó đi xuống. Ngày mốt mình ôm nó lâu hơn chút nữa. Mỗi ngày mình đều tiếp nhận thêm chất bổ dưỡng của chánh pháp, của an lạc, mỗi ngày mình chế tác thêm năng lượng chánh niệm, và mỗi ngày mình trở thành mạnh hơn, có khả năng hơn để ôm ấp và chuyển hóa những niềm đau nỗi khổ của mình hơn. Như vậy là mình tạo được tình trạng lưu thông tâm lý của chính mình.
Nếu làm vậy được một tuần, hai tuần, ba tuần thì những triệu chứng của bệnh tâm thần sẽ từ từ giảm bớt. Những triệu chứng của trầm cảm cũng sẽ từ từ giảm bớt. Chúng giảm bớt là vì phép lạ nào? Không phải nhờ sự cầu nguyện, mà nhờ mình mở cửa được và mình cho phép những hiện tượng tâm lý, tức là những tâm hành của mình được tự do luân lưu và chuyển hóa.
Trong khi ngồi thiền, mình có thể theo phương pháp thiền hướng dẫn. Mình có một bài tập mà mình muốn làm theo. Nhưng nửa chừng bài tập, nếu niềm đau nỗi khổ trồi dậy, nếu mình có thể tiếp tục được bài thiền hướng dẫn đó thì mình tiếp tục, nhưng nếu niềm đau nỗi khổ này lớn quá, nó đòi mình phải cho nó phát khởi, thì mình có thể để bài tập thiền hướng dẫn sang một bên, mình ôm lấy nó: Thôi được rồi, ta sẽ chăm sóc cho ngươi. Cũng như bà mẹ trong khi đang say sưa làm cái bánh ngon, nhưng đứa con khóc lớn quá, thì bà mẹ đành buông cái bánh xuống để đến ẵm em bé vào lòng.
Ngày hôm kia có một ông thợ đến sửa máy photocopy ở Phương Khê. Ông ta còn trẻ nhưng giỏi lắm. Ông đã sửa máy đó hai lần, và mỗi lần đều tốt hết. Tôi mới nghĩ rằng mình cũng phải như vậy mới được. Mình là người tu, và khi mình được nhờ tới chữa một máy hư, tức là một người có những niềm đau nỗi khổ không giải quyết được và cần đến mình, thì khi tới, mình cũng phải có đủ khả năng để trị liệu và giúp đỡ cho người kia. Mình ở đây, mình đến đây là để học công việc đó. Sau khi chuyên viên đó sửa xong máy và tôi in được rồi, tôi nói rằng: Anh giỏi quá! Anh đã được huấn luyện tại đâu? Japan hay ở Pháp? Vì máy này do Nhật Bản chế tạo. Anh trả lời: Tôi được huấn luyện tại Pháp.
Nếu sư cô, sư chú được một người cầu cứu. Sư cô, sư chú tới và có thể tháo gở, chùi rửa và làm mới được cho người đó, thì sư cô, sư chú là một chuyên viên giỏi.
Mình phải có đủ tài nghệ của một chuyên viên. Trong những năm tháng thụ huấn tại đây, mình phải nắm cho vững những phương pháp trị liệu.
Nên nhớ rằng mình chỉ có thể trị liệu cho người khác khi mình trị liệu được cho chính bản thân của mình. Nếu bản thân của mình có những niềm đau nỗi khổ, có những sự bế tắc thì mình phải dùng bàn tay chánh niệm của mình để tháo gỡ những bế tắc đó, để tái lập sự lưu chuyển về tâm lý của mình.
Cũng như trong máy Photocopy có kẹt một chỗ nào, thì bàn tay của chuyên viên sẽ phải động tới, tháo ra, chùi rửa, và cuối cùng làm cho máy hoạt động trở lại một cách bình thường. Chúng ta cũng vậy. Nếu trong tâm của chúng ta có những chỗ kẹt, nếu chúng ta có những niềm đau, nỗi khổ như sự giận hờn, sự ganh tị, sự sợ hãi hoặc mặc cảm tự tôn, tự ti, tất cả những điều đó, nếu chúng ta cứ để y nguyên thì không được. Chúng ta phải tiếp xúc với nó, phải nhận diện nó, phải chuyển hóa nó, phải tạo ra tình trạng lưu thông tốt đẹp của tâm lý. Khi tạo ra được tình trạng đó rồi thì chúng ta sẽ có sức khỏe của tâm lý. Mà có sức khỏe của tâm lý thì ta có an lạc, có hạnh phúc. Có an lạc, hạnh phúc thì chúng ta mới có thể chia sẻ cái an lạc, hạnh phúc đó cho người khác được.
Trong 16 hơi thở mà đức Thế Tôn chỉ dạy, có những hơi thở nhằm mục đích ôm lấy những niềm đau, nỗi khổ của mình và làm cho chúng êm dịu lại. Ví dụ như:
An tịnh tâm hành, tôi thở vào. An tịnh tâm hành, tôi thở ra.
Tâm hành đó có thể là tâm hành sợ, tâm hành tuyệt vọng, tâm hành giận dữ, tâm hành ganh tị. Những tâm hành đó mình phải ôm lấy nó. Khi ôm lấy, đừng nghĩ rằng chúng ta phải tranh đấu với nó. Nó là một vùng đau khổ, và chúng ta phải ôm lấy vùng đau khổ đó bằng năng lượng chánh niệm của chúng ta. Cũng như khi trời nóng, mồ hôi mồ kê chảy đầm đìa, chúng ta cầm quạt và quạt. Chúng ta đâu cần đánh đuổi cái nóng? Quạt rất thương yêu, rất nhẹ nhàng mà cái nóng bớt đi, lui dần.
Tâm hành đó có thể ví như nắm tay của tôi đây, nó là cái giận, là cái bực bội, là cái lo buồn, và mình dùng bàn tay kia để ôm lấy nó. Chỉ cần ôm thôi, chỉ cần nhận diện nó thôi. Trong khi đó thì mình thở. Giống như cái quạt vậy. Nếu đã từng thực tập thì quý vị đã thấy rõ rằng mình đang thực tập chánh niệm, đang thực tập thở, và hơi thở vào, ra của mình giống như làn gió từ cái quạt phát ra, nó phe phẩy, nó ôm ấp, nó mơn trớn, nó vuốt ve nỗi khổ niềm đau mà mình đang có. Tuy rằng nỗi khổ niềm đau vẫn còn đó nhưng mình không khổ đau như khi mình chưa thực tập.
Quý vị có thấy như vậy không? Ví dụ khi sư em nói một câu gì đó, mình bực nhưng mình không nói gì hết, mình chỉ đứng thở. Nếu mình thở như vậy được chừng một vài phút thì tự nhiên cái bực mình nó tan biến, không ở lâu được, và mình thấy nó hiệu nghiệm rõ ràng. Chỉ cần đứng đó hay ngồi đó im lặng để thở thôi, là nó có hiệu nghiệm rồi.
Trong những bài sưu tập hạnh phúc mà quý vị làm nạp cho tôi, có những ý đó:
Con rất hạnh phúc tại vì con có những phương pháp thực tập để trong túi. Con không áp dụng thì thôi, nhưng nếu đem ra áp dụng thì thế nào cũng có hiệu quả.
Những câu như vậy làm cho tôi rất ấm phổi! Nó chứng tỏ rằng người viết đã có thực tập, và sự thực tập đã có hiệu quả. Vấn đề là mình có chịu đem ra thực tập hay không mà thôi. Bất cứ một niềm đau, nỗi khổ nào mà nếu mình chấp nhận nó, ôm lấy nó và thở ở trên nó, thì thế nào nó cũng đỡ. Nếu tiếp tục làm chuyện đó thì thế nào nó cũng chuyển hóa.
Phương cách là nhận diện đơn thuần trước, rồi ôm ấp lấy nó, thở trên nó. Khi năng lượng chánh niệm của mình lớn lên rồi, mạnh lên rồi thì nhìn sâu vào nó, và có thể trong khi nhìn sâu vào nó, mình bật cười. Cười ai? Cười chính mình! Trời ơi! Có như vậy mà mình cũng giận nữa! Tự nhiên cái giận của mình nó tan thành mây khói! Tại vì tất cả khổ đau của mình là do vô minh của mình mà ra hết.
Có những hơi thở đức Thế Tôn dạy để cho ta nuôi lớn hạnh phúc trong ta. Hạnh phúc trong ta là rất cần thiết, nó cho ta năng lượng để ta có thể ôm ấp niềm đau nổi khổ:
Thở vào tôi cảm thấy mừng vui.
Thở ra tôi cảm thấy mừng vui.
Mừng vui vì cái gì? Tại sao mừng vui? Làm sao mừng vui được? Tại có những sự thật, có những điều đã xảy ra mà nếu mình nhận diện thì mình thấy quả thật mình rất may mắn. Đó là đối tượng của bài sưu tập hạnh phúc mà tôi đã yêu cầu quý vị làm trong mấy tuần nay.
Không có chánh niệm thì thôi, nhưng nếu có chánh niệm, thì chúng ta nhận ra là chúng ta rất may mắn: Được sinh ra làm người, được gặp chánh pháp, được sống trong tăng thân, được thực tập mỗi ngày, được có hai con mắt sáng, được có hai chân còn khỏe v.v... Biết bao nhiêu là điều kiện của hạnh phúc! Nhờ có chánh niệm, mà ta nhận ra những hạnh phúc đó, và chánh niệm như là một nguồn năng lượng, đem lại cho mình không biết bao nhiêu là niềm vui. Niềm vui đó rất cần cho sự tu tập. Nó là một năng lượng để ta có thể ôm lấy những khổ đau mà chuyển hóa chúng.
Trong 16 phương pháp thở của kinh An Ban Thủ Ý, chúng ta thấy có đủ tất cả những điều để chúng ta thực tập nuôi dưỡng chánh niệm, nuôi dưỡng niềm vui, ôm ấp nỗi khổ đau, quán chiếu vào trong bản chất của khổ đau, và cuối cùng Bụt dạy chúng ta buông bỏ. Hơi thở cuối trong 16 hơi thở là hơi thở về sự buông bỏ, gọi là phóng khí. Buông bỏ là chìa khóa của hạnh phúc chân thật, hạnh phúc sâu sắc nhất.
Mình đừng bắt buộc người ta phải buông bỏ. Người ta chỉ buông bỏ được khi người ta có tuệ giác. Ta phải thực tập, ta phải tu tới một mức độ nào đó thì ta mới có khả năng buông bỏ. Ta có thể buông bỏ sớm hay buông bỏ rất trễ, đều tùy ta. Trong cuộc sống, nhiều người còn trẻ, họ có cảm nghĩ rằng không thể nào họ buông bỏ được. Tại vì con đường họ đang đi là con đường của sự ham muốn, con đường dục. Ham muốn là điều rất tự nhiên trong con người của chúng ta.
Chúng ta ham muốn gì? Chúng ta ham ăn ngon, chúng ta muốn mặc đẹp, muốn có nhiều tiền, muốn được khen ngợi, muốn thỏa mãn những sắc dục của chúng ta.
Là người trẻ chúng ta thường nghĩ rằng hạnh phúc là khi chúng ta được ăn ngon, được mặc đẹp, có tiền nhiều, được khen ngợi, và có thể thỏa mãn những ái dục của chúng ta. Bây giờ đối với người trẻ chưa tu học, chưa nếm những khổ đau của ngũ dục, thì ta nói rằng em phải buông bỏ, em không nên theo con đường đó, tại con đường đó đưa tới những khổ đau cho em, thì có thể chúng ta không thành công. Chúng ta phải để cho người trẻ đó vấp váp, khổ đau tới một mức nào đó, thì người trẻ đó mới có thể buông bỏ được. Tại sao có những người trẻ 16, 18, 20, 25 tuổi mà đã buông bỏ được? Có phải vì những người đó đã được thuyết phục bằng lời nói hay bằng sự cám dỗ hay không? Hay là vì những người đó tuy trẻ, nhưng đã có đủ tuệ giác để thấy rằng những con mồi này đưa lại nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc. Sự buông bỏ của người đó đã xảy ra, là tại người đó đã thấy được những dục vọng kia đem lại đau khổ.
Có thể người đó còn trẻ, nhưng đã thấy được những đau khổ, những nhiêu khê, những vướng mắc, những trần lụy của sự đuổi theo những đối tượng của dục vọng này, cho nên người đó, từ cái tuệ giác đó, đã đi tới quyết định buông bỏ.
Khi Bụt hiến tặng cho chúng ta Năm giới quí báu thì Bụt mong ước chúng ta đã có một tuệ giác tối thiểu nào đó, để có thể thấy rằng ta đã có thể bắt đầu thực tập được sự buông bỏ, buông bỏ tới một mức độ nào đó. Đứng về phương diện con đường của sự ham muốn, có thể người kia còn vẫn đang đi trên đường đó. Tuy vậy, có thể người ấy bắt đầu có được tuệ giác. Tại vì trong lúc hấp tấp đi tìm sự hưởng thụ những dục lạc này, thế nào người đó cũng va chạm với những khổ đau. Vì vậy mà càng va chạm với khổ đau chừng nào, thì càng thấy cái giá trị của Năm giới quý báu chừng đó. Đối với những người đó Bụt nói rằng: Nếu anh muốn đi trên con đường của sự ham muốn, thì anh cứ đi. Nhưng nếu anh bị đau khổ, thì đây là cẩm nang cho anh. Đó là Năm giới.
Chúng ta hãy lấy thí dụ của một thức ăn nào đó mà chúng ta rất ưa thích, rất thèm ăn, nhưng cơ thể của chúng ta không chịu được thức ăn đó. Nếu chúng ta ăn thức đó hơi nhiều, thì cơ thể của chúng ta sẽ phát hiện những đau khổ. Những chất béo, những chất ngọt, chúng ta ai cũng ưa. Nhưng có trường hợp nếu chúng ta ăn những chất béo đó hơi nhiều, ăn chất ngọt đó hơi nhiều, thì chúng tạo ra những đau khổ trong cơ thể của chúng ta. Vì vậy ta biết rằng mỗi ngày ta chỉ nên ăn một lượng chất béo nào đó, và một lượng chất ngọt nào đó mà thôi. Khi người ta đưa tới nhiều quá, ta có khả năng buông bỏ không? Ví dụ mình mời một hộp chocolat, người kia sau khi ăn một miếng chocolat rồi, mình mời miếng thứ hai, người đó nói: Dạ thôi, một miếng đủ rồi. Người đó đã có khả năng buông bỏ, tại vì người đó có tuệ giác, biết rằng mình ăn miếng thứ hai, thứ ba, thì bây giờ cái miệng mình dễ chịu, nhưng chỉ cần tối nay là đã bắt đầu thấy được hậu quả của miếng chocolat thứ hai và thứ ba rồi. Người đó là người chưa hoàn toàn buông bỏ con đường của sự ham muốn, nhưng người đó đã bắt đầu có tuệ giác, và người đó đã có khả năng buông bỏ tới một mức nào đó.
Vì vậy cho nên Năm giới quý báu đã có thể được áp dụng cho những người đang đi trên con đường của sự ham muốn. Anh nghĩ anh phải đi trên con đường đó anh mới có hạnh phúc? Anh cứ đi đi, nhưng đây tôi tặng cho anh một cẩm nang. Trên con đường đó nếu anh gặp phải những đau khổ thì anh đem cẩm nang này ra để áp dụng. Đức Thế Tôn không nói phải hoàn toàn buông bỏ con đường của ham muốn khi bắt đầu thực tập giáo pháp của ngài. Nhưng thực tập Năm giới quý báu là ngay trong khi đang đi trên con đường của sự ham muốn, mình đã có thể bắt đầu thực tập được sự buông bỏ rồi.
Ở Ấn Độ người ta chia cuộc đời của con người làm bốn giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất là chúng ta có thể đi trên con đường của sự ham muốn, để làm thỏa mãn năm dục là tài, sắc, danh, thực, và thụy. Theo tôi thì ở ngoài đời họ có bốn thứ thôi. Tài, sắc, danh, và thực. Còn thụy thì đặc biệt nói về những người có lý tưởng, như những ông thầy tu mà ngủ nhiều quá thì không được.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn của sự thành công. Tại vì ăn ngon, mặc đẹp, có nhiều tiền để xài, được khen ngợi, có sắc dục. Những thứ đó chưa làm thỏa mãn người ta lắm. Người ta muốn thành công, người ta muốn có danh, có địa vị lớn trong xã hội, người ta muốn có sự khen ngợi. Cái đó là sự thành công.
Giai đoạn thứ ba là không thấy hạnh phúc nhiều trong hai giai đoạn đầu, cho nên đi tìm hạnh phúc của mình trong việc phụng sự. Trong khi phụng sự như vậy, mình quên cái ngã của mình, quên cái dục riêng của mình, cái danh riêng của mình, mà mình muốn phụng sự một cái ngã lớn hơn, đó là đoàn thể của mình, dân tộc của mình, nhân loại của mình. Lúc đó niềm vui của mình không phải là dồn chứa cho cái ngã, mà là cái hiến tặng. Trước kia là cái ước muốn thâu tóm cho mình. Đến giai đoạn này là cái ước muốn phụng sự. Mình dùng cuộc đời của mình, dùng sức khỏe của mình, dùng tài năng của mình, dùng sự sáng tạo của mình để phục vụ cho một đoàn thể. Mình tìm hạnh phúc trong đoàn thể đó. Con đường này là con đường phụng sự. Niềm vui của mình nó lớn hơn, nó dài hơn. Nhưng cuối cùng, giai đoạn chót của đời một con người là giai đoạn mình đi tìm một cái gì vĩnh cửu hơn, bất diệt hơn. Cái đó là con đường của sự buông bỏ. Buông bỏ tất cả để được tất cả.
Tại vì trong hai giai đoạn đầu mình chỉ muốn phụng sự cho thân thể, cho đời sống có giới hạn của mình. Tại vì thân thể này tối đa là nó có thể tồn tại được khoảng 100 năm. Những cái ham muốn kia, và những sự thành đạt kia nếu có được thì cũng chỉ có được trong thời hạn tối đa là 100 năm. Có khi ít hơn nhiều. Đó là nói đến sự thành đạt. Nhưng phần lớn trong các trường hợp thì không có sự thành đạt. Sau khi buông bỏ được hai cái đó, người ta đi tới con đường phụng sự, là người ta bắt đầu bỏ cái ngã nhỏ để đi tìm một cái ngã lớn. Nhưng cái ngã lớn đó nó vẫn còn nằm trong vòng vô thường. Tại vì không có một chế độ nào, không có một đoàn thể nào có thể tồn tại mãi mãi được.
Vì vậy mà trong giai đoạn thứ tư, người ta buông bỏ để đi tìm một cái gì thật sự miên viễn, trường cửu, và có hạnh phúc hoàn toàn. Đó là cái ước muốn tối hậu của con người: Đi tìm sự bất diệt, sự vĩnh cửu, niềm hạnh phúc vượt khỏi những biến thiên, lên xuống, có không, và còn mất.
Vì vậy sau khi đã đi trên con đường ham muốn, người ta muốn đi trên con đường thành công, và nhờ những tuệ giác đạt được trong hai con đường đó, người ta chuyển sang con đường phụng sự. Người ta có thể để hết tâm tư, để hết đời sống của mình vào con đường phụng sự. Người ta cũng có thể có hạnh phúc, nhưng rốt cuộc người ta thấy rằng cái mà người ta thực sự mong muốn là một cái gì không nằm trong phạm vi sinh diệt, một cái gì có giá trị tuyệt đối. Vì vậy cho nên chỉ có buông bỏ tất cả ba con đường đó, thì mới có thể đạt tới đối tượng cao quí và vĩnh cửu này mà thôi.
Trong khi đó thì trong truyền thống đạo Bụt, mình không phân ra bốn giai đoạn của đời sống như vậy. Tại vì cái buông bỏ đó mình đã thực tập ngay khi mình đang đi trên đường của sự ham muốn. Nếu có chánh niệm, nếu có tuệ giác, thì ngay trong khi mình đi trên con đường ham muốn, mình vẫn đã có thể thực tập sự buông bỏ từ từ rồi. Năm giới quí báu, tuy gọi là nguyên tắc để sống cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhưng trong đó, nếu chúng ta quán chiếu và thực tập sâu sắc thì trong năm giới, đã có yếu tố của sự buông bỏ. Trong khi đi trên con đường của sự ham muốn, người ta muốn thỏa mãn những dục vọng này. Nhưng khi đi tìm sự thỏa mãn những dục vọng đó, người ta vấp phải những đau khổ. Vì vấp phải những đau khổ cho nên người ta biết rằng người ta phải đi theo một nguyên tắc nào đó. Nguyên tắc đó có thể thấy được rõ ràng trong Năm giới quí báu.
Chúng ta đang quán chiếu để thấy rằng bốn giai đoạn này của một đời người có thể tìm thấy ngay trong một giai đoạn. Một người xuất gia trẻ đang thực tập buông bỏ, người xuất gia trẻ này có ước muốn đạt tới bản môn, tức là thế giới của sự không sinh, không diệt. Tuy người xuất gia trẻ này mới có 20 tuổi hay 25 tuổi, nhưng người xuất gia trẻ này có thể thấy được những cái mà những người khác đang đi tìm trên con đường dục, trên con đường thành công, trên con đường phụng sự, dù nó có sự tiến bộ sâu sắc mà vươn lên, nhưng rốt cuộc thì cái ước muốn thâm sâu nhất của mình là tiếp xúc được với thế giới không sinh, không diệt, để đưa tới một trạng thái vắng lặng, an ổn tuyệt đối. Điều này, người xuất gia trẻ đã có thể thấy được mình đang đi trên con đường đó. Sự buông bỏ này, người xuất gia trẻ cũng có thể thực tập được ngay trong những lĩnh vực của sự ham muốn, của sự thành công, và của việc phụng sự. Tại vì trong khi người xuất gia trẻ nhận thức rằng mục tiêu tối hậu của mình là đạt tới bản môn không sinh không diệt, nhưng người xuất gia trẻ cũng tìm thấy niềm vui trong bước đường phụng sự.
Khi nấu cơm cho tăng thân, khi chẻ củi cho tăng thân, quét nhà cho tăng thân, mình có niềm vui. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta sống trong một tăng thân, chúng ta có một lý tưởng, những công việc ta làm trong đời sống hàng ngày không phải là để chất chứa, để phụng sự cái ngã của chúng ta, mà để biết rằng chúng ta đang làm những cái đó để gây niềm vui và sự thành công cho một tăng thân. Đó là chúng ta cũng đang đi trên con đường phụng sự. Chúng ta thấy rất rõ rằng trên con đường phụng sự này, chúng ta đang thực tập vô ngã. Thay vì làm việc đó cho bản thân, chúng ta làm cho tăng thân, cho đoàn thể của chúng ta. Rõ ràng từ cái The will to get, chúng ta đi tới cái The will to give.
Quý vị cứ nghĩ đi, lúc đầu thì mình đi kiếm cho bản thân, mình tranh đấu, đoạt những cái đó cho bản thân mình, the will to get. Nhưng tới với tăng thân thì niềm hạnh phúc của mình không phải là to get mà là to give. Lúc đó niềm vui của mình đã lớn hơn. Trong khi đeo đuổi lý tưởng của sự buông bỏ, mình vẫn có thể sống được trong niềm vui của việc phụng sự, căn cứ trên tuệ giác vô ngã. Hai cái này không chống đối nhau. Tuy rằng chúng ta vẫn đã có cái thao thức không sinh không diệt, nhưng chúng ta cũng vẫn muốn thành công. Tuy vậy thành công này không phải là thành công cho cái ngã nhỏ bé, mà thành công cho một lý tưởng, cho một tăng thân. Ví dụ chúng ta muốn cho mọi người đều được tiếp xúc với chánh pháp, chúng ta muốn cho mọi người có cơ hội để tu tập, để chuyển hóa, chúng ta muốn cho những bạo động, những căm thù, những ích kỷ, những kỳ thị ở trong xã hội bớt đi. Những cái muốn đó cũng là muốn. Nhưng sự thành công đó không phải là sự thành công cho cái ngã riêng ta, mà cho xã hội, cho cả nhân loại.
Thành ra tuy đang đi trên con đường thứ tư, nhưng chúng ta vẫn còn đi trên con đường thứ ba, và chúng ta vẫn đi trên con đường thứ hai là con đường của sự thành công, the will to success. Trong khi đó thì trong chúng ta, người xuất gia trẻ đó vẫn có thể đang đi trên con đường của ham muốn, con đường thứ nhất. Nhưng cái ham muốn này nó không còn là cái ham muốn của người không biết chánh pháp. Chúng ta có ham muốn, có hạnh phúc, có điều là những hạnh phúc này nó không đưa tới sự phá đổ thân thể và tâm hồn của chúng ta. Cái dục kia là cái dục làm cho rã rời, cho tan nát thân và tâm của người hành lạc. Còn cái dục này của người tu, của người đã dấn thân vào con đường tìm kiếm sự bất sinh bất diệt, thì gọi là Hiện pháp lạc trú. Thở vào một hơi, chúng ta cảm thấy ta đang còn sống, chúng ta mỉm cười, thấy sự sống mầu nhiệm. Đó cũng là sự hưởng thụ, đó cũng là sự an lạc. Chúng ta rất cần sự an lạc đó. Chúng ta biết đi thiền hành, biết ngồi ăn cơm im lặng, chúng ta có thể thưởng thức được vị ngọt của một trái cam. Nhưng tất cả những điều đó đều được soi sáng bởi chánh niệm. Vì trong khi ngắm cảnh mặt trời lặn, chúng ta thấy tất cả những cái đẹp của mặt trời lặn. Chúng ta được nuôi dưỡng bởi cảnh đẹp của mặt trời lặn đó, nhưng chúng ta cũng được soi sáng bởi chánh niệm về vô thường. Cảnh mặt trời lặn này là vô thường, vì vậy mà ta không tham đắm và mắc kẹt vào những cái mà người đời gọi là "cảnh huy hoàng của mặt trời lặn". Khi ăn một trái cam, chúng ta biết trái cam ngọt. Nhưng chúng ta cũng biết rằng trái cam này không tạo ra những đau nhức ở trong cơ thể. Nếu chúng ta có một bao tử không chịu được chất chua, thì chúng ta nói rằng trái cam này mình không nên ăn, và chúng ta không đau khổ gì cả. Tại vì trên con đường dục đó, ta đã bắt đầu thực tập sự buông bỏ.
Hiện pháp lạc trú cũng là dục, nhưng dục nầy không phải là thứ dục tạo ra tan nát, hư hỏng, bệ rạc của cơ thể và của tâm hồn. Vì sao? Tại vì ở đây ta có chánh niệm, có tuệ giác. Nhờ tuệ giác, nhờ chánh niệm mà cái dục không đưa chúng ta đi vào khổ đau. Nhờ tuệ giác và chánh niệm, mà sự thành công này không phải là sự thành công của cái ngã, mà của Bồ đề tâm. Nhờ tuệ giác và chánh niệm mà ta phụng sự, và ta tìm thấy hạnh phúc của việc phụng sự. Tại vì trong khi phụng sự như vậy, chúng ta không chờ đợi sự báo đáp đối với cá nhân mình, và niềm vui của chúng ta hoàn toàn do chỗ hiến tặng mà không đòi hỏi gì trở lại cho cá nhân mình.
Vậy thì con đường của chúng ta đây không phải là một con đường trái ngược với thiên nhiên. Trong ta có những ước muốn. Ta muốn có sự thành công, ta có ý nguyện phục vụ, và trong ta cũng có hạt giống của sự buông bỏ. Tại vì chỉ khi nào buông bỏ thật sự thì chúng ta mới có hạnh phúc lớn, và sự buông bỏ này được thực hiện ngay trên bước đường thứ nhất.
Chúng ta nên biết rằng quan niệm một cuộc đời chia làm bốn giai đoạn này là một quan niệm rất là Ấn Độ, nằm trong Ấn Độ giáo. Theo quan niệm này thì người ta chỉ nên đi tu khi đã trải qua ê chề với hai con đường đầu. Nhưng thực sự có nhiều người đi tới con đường thứ ba mà vẫn đau khổ ê chề như thường. Tại vì họ nghĩ là họ đang phụng sự, nhưng kỳ thực là họ đang phụng sự cho cái ngã của họ, chứ không phải phụng sự cho tăng thân, cho đoàn thể.
Đôi khi mình tin rằng mình đang làm phận sự, mình đang phục vụ nhân loại. Kỳ thực, mình đang phục vụ cho cái danh, cái lợi của chính bản thân mình mà mình tự đánh lừa là mình đang phục vụ cho mọi người. Cho nên với chánh niệm, với tuệ giác, chúng ta có thể đi một lần trên bốn con đường, và không có con đường nào trái chống với con đường nào cả. Trong khi buông bỏ, chúng ta vẫn có hạnh phúc. Chúng ta buông bỏ, chúng ta vẫn thành công được. Chúng ta buông bỏ, chúng ta vẫn phụng sự được, là tại sao? Tại vì tất cả những thứ này chúng ta đều thực hiện trên nguyên tắc vô ngã. Buông bỏ ở đây nó có nghĩa là buông bỏ một cái ta riêng biệt. Buông bỏ cái ta đó rồi, nhưng hạnh phúc vẫn có, thành công vẫn có, phụng sự vẫn có, mà buông bỏ cũng có luôn.
Trong bài học này chúng ta cần ghi nhớ một điểm chính là khi nghe nói tới con đường của sự buông bỏ, Renunciation, thì người ta, nhất là người Tây phương họ thường nghĩ đây là quay lưng lại với cuộc đời, buông bỏ hết. Cho nên họ thấy thực tập sự buông bỏ có tính cách yếm thế.
Nhưng sự thật buông bỏ ở đây là buông bỏ để có hạnh phúc. Từ hạnh phúc nhỏ, tới hạnh phúc lớn. Nếu không có sự buông bỏ thì ta không thể nào có hạnh phúc được. Những cái mà người đời gọi là hạnh phúc, nó chỉ là dục, và cái dục đó được căn cứ trên ngã chấp. Còn khi chúng ta bắt đầu có tuệ giác, có chánh niệm rồi thì chúng ta có thể buông bỏ được ngay trong đời sống hàng ngày. Vì vậy cho nên đạo Bụt của chúng ta mới được gọi là đạo Bụt nhập thế, Engaged Buddhism.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]