TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai
Trước đây chúng ta có nhắc đến ba kinh căn bản của thiền tập và đề nghị nên đưa vào trong chương trình học hỏi và thực tập ở các thiền viện tại Việt Nam. Đó là:
1. Kinh An Ban Thủ ý, ngày nay chúng ta gọi là kinh Quán Niệm Hơi Thở.
2. Kinh Niệm Xứ, dạy về phương pháp quán thân trong thân, quán thọ trong thọ, quán tâm trong tâm, và quán pháp trong pháp.
3. Kinh Người Biết Sống Một Mình, dạy chúng ta đừng tiếc nuối quá khứ, đừng lo lắng bồn chồn và sợ hãi về tương lai, trở về an trú trú trong hiện tại, quán chiếu những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại. Ta có thể nói rằng kinh này là văn bản xưa nhất về phương pháp an trú, sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại.
Chúng ta biết rằng giáo pháp sống an lạc, hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại là một giáo pháp rất căn bản, rất quan trọng. Tuy vậy tại nhiều chùa, trong nhiều đạo tràng, người ta không nói tới giáo pháp đó, và rất nhiều người tu tập là để mong từ bỏ hiện tại để đi tìm một hạnh phúc ở trong tương lai. Như vậy là họ vô tình đi ngược lại bản hoài của đức Thế Tôn.
Kinh Người Biết Sống Một Mình nhắc chúng ta điều đó. Khi chúng ta niệm Bụt A Di Đà để cầu mong về Tây phương, nếu chúng ta không thực tập theo tinh thần của kinh Người Biết Sống Một Mình thì chúng ta sẽ phạm vào lỗi lầm đó, nghĩa là chúng ta đang muốn từ giã, xa lánh cuộc sống trong giây phút hiện tại để mong ước về một tương lai có hạnh phúc. Đối tượng của sự mơ ước đó là một cõi cực lạc cách đây rất xa, và ta chỉ có thể tiếp xúc được sau khi ta chết. Vì vậy kinh Người Biết Sống Một Mình cần phải được học hỏi, cần phải được nghiên cứu và thực tập để cho những phép thực tập của chúng ta đừng lạc ra khỏi hướng đi đích thực của đạo Bụt.
Hiện pháp tiếng Phạn là Di((ha Dhamma, tức là những gì xảy ra trong giây phút hiện tại, những gì đang có trong lúc này. Danh từ Hiện Pháp là một danh từ rất quan trọng, chúng ta phải biết ý nghĩa của nó. Có một bài tụng mà các Phật tử Nam tông mỗi ngày đều được tụng, đó là bài ca ngợi về chánh pháp. Bài tụng có nói tới Bốn Tùy. Bài này chúng ta đã học trong khóa tu mùa Thu vừa qua, và chúng ta sẽ đưa bài này vào trong Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn.
Trong bài này chúng ta quán tưởng về Bụt, về Pháp, về Tăng và về Giới, cho nên đối tượng của bài này là bốn phép Tùy Niệm, Anusm(ti. Trong chúng hôm nay có vài sư cô thuộc lòng bài này bằng tiếng Pali, và tất cả chúng ta cũng đã từng tập nhiều lần bài kinh đó bằng tiếng Pali. Bản tôi dịch là như sau:
Diệu Pháp của đức Thế Tôn, con đường mà chúng con đang nguyện đi theo, là giáo pháp đã được nhiệm mầu tuyên thuyết; là giáo pháp có thể chứng nghiệm ngay trong giờ phút hiện tại; là giáo pháp có giá trị vượt thoát thời gian; là giáo pháp mọi người có thể đến mà tự thấy; là giáo pháp có công năng dẫn đạo đi lên; là giáo pháp có công năng dập tắt nhiệt não; là giáo pháp mà người trí nào cũng có thể tự mình thông đạt.
Đoạn văn đó rất là quan trọng.
Diệu Pháp của đức Thế Tôn, con đường mà chúng con đang nguyện đi theo, là giáo pháp đã được nhiệm mầu tuyên thuyết. Đã được nhiệm mầu tuyên thuyết, tiếng Hán Việt là Thiện thuyết, có nghĩa là đã được trình bày một cách khéo léo. Khéo léo là để cho người ta có thể hiểu được, hành trì được, tiếng Anh có thể dịch là well proclaim.
Là giáo pháp có thể chứng nghiệm ngay trong giờ phút hiện tại. Nghĩa là mình không cần nhiều năm tháng mới có thể thấy được hiệu lực của giáo pháp đó. Khi bắt đầu nắm lấy giáo pháp đó để hành trì thì tự nhiên mình thấy được hiệu quả của sự hành trì đó liền lập tức. Tiếng Pali là Samditthika. Ditthi có nghĩa là thấy. Nó chính là chữ Dittha ở trong danh từ Ditthadamma. Ví dụ phương pháp thiền hành hay Quán Niệm Hơi Thở. Nếu mình không hiểu hay chưa hiểu phương pháp thở hay là phương pháp bước chân thì thôi, nhưng nếu mình đã hiểu được rồi thì chỉ cần một hơi thở vào thôi, hay chỉ cần một bước chân trên đất thôi, thì hơi thở hay bước chân đó có thể đem lại sự lắng dịu và an lạc cho mình liền lập tức. Samditthika có thể dịch là thiết thực hiện tại, có thể chứng nghiệm ngay trong giờ phút hiện tại. Nếu giáo pháp có khả năng chuyển hóa và đem lại an lạc ngay trong giờ phút hiện tại, thì tại sao mình phải đi tìm hạnh phúc trong tương lai? Hiện tại là giờ phút duy nhất mà mình có thể chọc thủng được bức màn thương đau, bức màn vô minh để có thể tiếp xúc được ngay với an lạc, với hạnh phúc, với tuệ giác. Đó là ý nghĩa của chữ Samditthika, chứng nghiệm ngay trong giây phút hiện tại.
Đức Thế Tôn có nói rằng giáo pháp của ngài đẹp trong khúc đầu của nó, Lovely in the beginning, đẹp trong khúc giữa của nó, Lovely in the middle, và đẹp trong khúc sau của nó, Lovely at the end. Có nghĩa là trong tiến trình thực tập, giáo lý đó lúc sơ khởi nó có hiệu năng, ở giữa nó có hiệu năng, và sau đó nó cũng có hiệu năng.
Khi mình nắm lấy giáo pháp của đức Thế Tôn mà thực tập thì an lạc, hạnh phúc, và chuyển hóa nó có ngay từ phút đầu của sự thực tập, mình không cần lo lắng cho tương lai. Nếu trong hiện tại mà mình thực tập hay, và có hạnh phúc, thì tương lai là một cái gì có bảo đảm. Vì vậy cho nên lo sợ, thao thức về tương lai là chuyện không cần thiết.
Có biết bao nhiêu người trong chúng ta đang đau khổ trong giây phút hiện tại, đang muốn từ khước hoàn cảnh hiện tại để mơ ước về một tương lai, trong đó hạnh phúc có thể có thật. Đối với những người không tu thì họ nghĩ rằng tương lai thế nào cũng sáng hơn, dễ chịu hơn, và họ bám lấy cái hy vọng đó để sống. Đối với những người có tu nhưng tu sai lạc, thì nghĩ rằng phương cách vượt thoát khổ đau của hiện tại là cắn răng chịu đựng, và tu tạo công đức để mai này mình có thể đạt tới một giai đoạn có hạnh phúc, một chân trời có hạnh phúc. Chân trời đó có thể là một cõi trời, một cõi tịnh độ.
Đó là một sự trốn chạy, và tinh thần trốn chạy hiện tại là tinh thần đi ngược lại bản hoài của đức Thế Tôn. Do đó chúng ta phải phục hồi trên khắp đất nước của chúng ta cái tinh thần của giáo lý Hiện Pháp Lạc Trú. Điều này rất là quan trọng.
Trước đây chúng ta có nói đến thiền sư Tuệ Pháp, tọa chủ chùa Thiên Hưng. Ngài đã mở trường dạy học ở chùa Thiên Hưng và các vị lãnh tụ của nền Phật giáo hiện đại ở miền Trung Việt Nam, đều là học trò của ngài. Hòa thượng Tuệ Pháp vừa thông hiểu về thiền, mà cũng vừa thông hiểu về giáo. Ngài đã chọn sử dụng phương pháp Chỉ, Quán của tông Thiên Thai để dạy cho các đệ tử. Chính ngày nay chúng ta cũng chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của tông Thiên Thai, một tông phái tu thiền nhưng không mang danh hiệu thiền tông. Hòa thượng Tuệ Pháp cũng đã đồng thời duy trì phương pháp niệm Bụt.
Ta có thể hỏi: Thiền làm sao để có thể đi song đôi được với tịnh độ? Đó là một câu hỏi rất lớn mà quý vị phải cung cấp cho quốc dân một câu trả lời cho chính xác, cho thích hợp.
Thiền có chống tịnh không, và tịnh có chống thiền hay không? Điều này nếu nghiên cứu, nếu học hỏi trong lịch sử thiền tập của Việt Nam chúng ta có thể thấy được câu trả lời. Đây là một vấn đề lớn, cần phải có sự quán chiếu của từng người.
Một người tu tịnh độ có thể quán tưởng rằng có một cõi nước cách đây rất xa, trong cõi nước đó có Bụt A Di Đà hiện đang thuyết pháp và đang hướng dẫn tu tập, và cõi đó hoàn toàn không có ở đây, nó chỉ có ở "bên đó". Đứng về phương diện không gian, nó có sự ngăn cách rất rõ ràng. Thập vạn ức Phật độ, tức là Mười vạn muôn cõi Bụt, nghĩa là nó xa, rất xa, và mình chỉ có thể đặt chân lên cõi đó sau khi mình đã lìa thế giới ô trược này mà thôi. Nếu một người thực tập tịnh độ như vậy thì người đó có đang đi trong giáo lý chính thống của đức Thế Tôn hay không?
Nếu tin tưởng như vậy, nếu thực tập như vậy là mình đang đi ngược lại với nguyên tắc Hiện Pháp Lạc Trú, tức là chối bỏ gia tài, ruồng rẫy hiện tại để mong ước đi tìm một cái gì đẹp đẽ, an lành trong tương lai! Đây cũng là vấn đề của các bạn Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo. Khi chúng ta đau khổ, lênh đênh, xơ xác thì chúng ta nghĩ rằng cõi đời này, cuộc sống này không phải là của ta. Chúng ta đầu thai lầm chỗ, và lầm thế kỷ, chúng ta muốn ruồng bỏ cõi này để tìm tới cõi đó. Cõi đó có thể là Thiên đường, cõi đó có thể là Tịnh độ.
Tôi còn nhớ có một lần tại Hoa Kỳ, đứng trước một thính chúng vào khoảng ba ngàn người Mỹ, và ngay trong một ngôi nhà thờ, tôi đã nói rằng: "Quý vị không cần phải chết mới đi vào được nước Chúa, sự thật là quý vị phải rất sống động mới đi vào được nước Chúa, chứ chết rồi thì khó đi vào nước Chúa lắm. Nếu quý vị biết thực tập chánh niệm, làm cho năng lượng của đức Thánh Linh có mặt trong trái tim của quý vị, thì trong trạng thái có giới, có định, có tuệ vững chãi đó, quý vị chỉ cần bước một bước là quý vị có thể đi vào nước Chúa liền lập tức, và ngay trong giờ phút hiện tại".
Chúng ta hãy lắng nghe lời dạy của Trúc Lâm Đại Sĩ, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo bằng chữ Nôm mà chúng ta đã học trong mùa Đông năm ngoái, ngài đã nói rằng:
Tịnh độ là lòng trong sạch,
Chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương,
Di Đà là tính sáng soi,
Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.
Mựa là tiếng thời xưa, có nghĩa là chớ, là đừng.
Tổ tiên của chúng ta đã có những tuệ giác như vậy. Đây đích thực là giáo lý Duy Tâm Tịnh Độ, nghĩa là giáo lý nói về tịnh độ nằm ngay trong trái tim của chúng ta.
Tịnh độ là gì? Trong bài phú trên đây, Trúc Lâm Thượng Sĩ đã định nghĩa: "Tịnh độ là lòng trong sạch". Khi tâm của chúng ta thanh tịnh, thì lúc đó ta tiếp xúc được với tịnh độ. Đó là chữ Duy tâm tịnh độä diễn dịch bằng ngôn từ của đời sống hàng ngày. Nếu tịnh độ nằm ngay trong trái tim thì tại sao lại nghĩ rằng ta phải đi trong không gian thì mới đến được cõi đó?
Chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương, không nghi ngờ gì nữa mà phải hỏi han, phải cầu khẩn.
Di Đà là tính sáng soi, A Di Đà là khả năng chiếu soi ở trong tâm của chúng ta. Vì vậy không cần phải chết đi thì chúng ta mới gặp được Bụt A Di Đà, tại vì Di Đà là bản chất của ánh sáng, có ngay trong con người của chúng ta. Ajita, A-Dật-Đa có nghĩa là ánh sáng vô lượng, hào quang vô lượng, và thọ mạng vô lượng. Ánh sáng đó còn mãi còn hoài, không ai dập tắt được, cho nên thọ mạng của Ngài mới là vô lượng. Ánh sáng đó có ngay trong tâm ta, nếu ta biết tiếp xúc với nó thì nó bừng cháy lên.
Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc. Chúng ta đừng đi tìm cực lạc ở trong không gian. Rất là rõ ràng. Đó là Trúc Lâm Đại Sĩ. Đây không phải là tư tưởng hoặc là tuệ giác riêng của Trúc Lâm Đại Sĩ. Đây cũng là tuệ giác của rất nhiều người đã chứng nhập được giáo lý tịnh độ. Thầy của Trúc Lâm Đại Sĩ là Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng có tuệ giác đó.
Tuệ Trung Thượng Sĩ nói rằng: Di Đà vốn thật Pháp thân ta, Pháp thân tiếng Phạn là Dharmak(ya. Không phải chỉ Bụt mới có Pháp thân, chúng ta ai cũng có Pháp thân, ai cũng có tăng thân. Chỉ cần đưa tay ra là ta tiếp xúc được với tăng thân. Bên trái, bên phải, trước mặt, sau lưng, chỗ nào cũng có tăng thân của ta cả, và tăng thân chính là thân của ta. Cho nên khi bỏ tăng thân là ta mất bản thân của ta, ta rũ liệt, chết dần chết mòn, không sao duy trì được Pháp thân và Phật thân của chính ta. Pháp thân là Di Đà, là cái có sẵn trong ta, không phải là một ý niệm mà là một cái gì rất cụ thể, mà ta có thể sử dụng được, giống như bàn tay, lỗ mũi. Chúng ta sử dụng lỗ mũi để thở mỗi ngày, chúng ta sử dụng bàn tay để nấu cơm, cầm đồ mỗi ngày.
Pháp thân cũng vậy, nó chỉ đường, dẫn lối cho chúng ta mỗi ngày. Nó chỉ cho chúng ta cách đi, cách đứng, cách nằm, cách ngồi, cách đối xử với mọi người. Pháp thân sáng hay không, Di Đà trong ta đã tỏ lộ một cách sáng rỡ hay chưa, là do sự thực tập hàng ngày của ta, là do ta có nương vào tăng thân hay không.
Quý vị đã từng nghe danh từ tự tính Di Đà, tức là Di Đà của chính mình. Chúng ta ai cũng có tự tính Di Đà cả, vì vậy cho nên nghĩ rằng phải đi máy bay, phải đi hỏa tiễn sang phía đó, gọi là phía Tây, mới có thể gặp được Người, mới có thể tiếp xúc được với Người là một quan niệm sai lầm.
Trong một bài kệ khác, Tuệ Trung Thượng sĩ còn nói:
Tâm nội Di Đà tử mã khô,
Đông, Tây, Nam, Bắc Pháp thân chu,
Trường không chỉ kiến cô luân nguyệt,
Sát hải trừng trừng dạ mạn thu
Bài thơ rất là hay. Thân của Di Đà nằm ngay trong trái tim của mình. Bốn phía Đông Tây Nam Bắc, ở đâu cũng có Pháp thân, "chu" có nghĩa là phổ biến. Vì vậy đừng nói Bụt Di Đà chỉ ở phương Tây mà thôi. Ngài ở khắp mười phương, và nhất là tại phương trung, tức là ngay chính trong cơ thể của ta.
Trường không chỉ kiến cô luân nguyệt, trong không gian mênh mông chỉ thấy có một vừng trăng sáng chói. Nhưng "Sát hải trừng trừng dạ mạn thu", đại dương của tất cả các cõi nước nếu lắng lại, thì ánh trăng đó sẽ hiện ra trong lòng nước. Dù nó là một biển lớn như Đại Tây Dương, dù nó là một biển nhỏ như Địa Trung Hải, dù nó là dòng sông lớn như sông Cửu Long, dù nó là dòng sông nhỏ như sông Hương, hay dù nó chỉ là một vũng nước bùn, nếu mặt nước của nó tĩnh lặng, thì nó có thể tiếp nhận được hình bóng mầu nhiệm của mặt trăng trên trời. Vì vậy Di Đà hay Tịnh Độ không phải là vấn đề không gian, không phải là vấn đề thời gian, mà là vấn đề tâm mình có lắng lại hay không, có đủ tĩnh lặng để phản chiếu thực cảnh hay không. Cái thấy đó về Tịnh độ giáo, gọi là cái thấy Cứu kính, hay là Đệ Nhất nghĩa.
Chúng ta đã biết có hai loại chân lý. Một là loại chân lý nữa vời, chân lý tương đối, danh từ đạo Bụt gọi là Thế tục đế. Thứ hai là loại chín muồi, chân lý tuyệt đối, đạo Bụt gọi là Đệ Nhất nghĩa đế, hay là Chân đế. Trong giáo lý Tịnh độ cũng vậy, chúng ta có thể tiếp nhận giáo lý tịnh độ như là một pháp môn phương tiện, hay chúng ta tiếp nhận giáo lý tịnh độ như một phép tu viên đốn.
Vấn đề tịnh độ và thiền là vấn đề rất lớn mà quý vị phải khai thông cho được ở trong tâm mình, đừng để nó trở thành một tình thế đối lập, không tốt chút nào cả.
Trong kinh Di Đà có những câu mà đứng về phương diện Đệ nhất nghĩa đế ta không chấp nhận được, nhưng đứng về phương diện Thế tục đế thì ta chấp nhận được. Ví dụ như câu: Này thầy Xá Lợi Phất, tại sao cõi nước kia được gọi là cực lạc? Tức là đang đi tìm một định nghĩa. Câu trả lời nó tới ngay: Kỳ độ chúng sanh, vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh cực lạc. Có nghĩa là tại vì tất cả chúng sanh sống trong cõi nước đó, không ai biết khổ đau là gì, họ chỉ hưởng an lạc, vì vậy mà cõi nước đó được gọi là cực lạc. Đó là định nghĩa của cực lạc trong kinh Di Đà.
Chúng ta đã học rất nhiều về giáo lý tương tức: Cái này có là vì cái kia có, cái này không là vì cái kia không. Đó là giáo lý căn bản của đạo Bụt, giáo lý nhân duyên, giáo lý tương tức.
Khi quý vị nhìn cây bút trên tay của tôi đây, thì quý vị thấy có bên phải và bên trái. Tại vì bên trái có mặt, cho nên bên phải có mặt. Khi tôi dựng đứng cây bút lên, thì quý vị thấy cây bút này có trên và có dưới. Tại vì có dưới cho nên có trên, và tại vì có trên cho nên có đưới. Cái "tại vì" đó nói lên được đạo lý nhân duyên, đạo lý tương đãi, hay đạo lý về tương đối. Đạo Bụt có một thuyết tương đối rất khác với thuyết tương đối của nhà bác học Albert Einstein. Thuyết tương đối của đạo Bụt là Tại cái này có, nên cái kia có. Tại vì có hoa cho nên mới có rác, và hoa thì cố nhiên sẽ trở thành rác. Nếu biết cách, rác sẽ là phân bón để tạo thành hoa. Rác và hoa tương tức, rác với hoa tương đãi, rác với hoa tương đối.
Chúng ta ăn mà biết ngon là tại vì chúng ta đói. Chúng ta mặc mà biết ấm là tại chúng ta lạnh. Chúng ta thở mà thấy khoan khoái là tại chúng ta đã từng bị nghẹt thở. Nếu không có cái khổ thì không thể nào có cái gọi là lạc được. Vì vậy cho nên đẩy hết cái khổ đi để mong ước có cái lạc hoàn toàn, là một quan niệm hết sức sai lầm. Nó chống đối với tư tưởng chính của đạo Bụt là thuyết nhân duyên. Không có Bụt thì làm gì có ma, mà nếu không có ma thì làm gì có Bụt? Sở dĩ chúng ta có khả năng đạt được hạnh phúc là vì chúng ta đã từng biết đau khổ là gì.
Tôi đưa ra một ví dụ mà mọi người có thể chứng nghiệm, ví dụ chúng ta đang thở. Người đau khổ đến đâu đi nữa, cũng đang thở, và người hạnh phúc cỡ nào đi nữa, cũng đang thở. Nhưng họ đau khổ hay hạnh phúc là vì chuyện khác, còn việc thở thì cả hai đều cho là không quan trọng! Bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng có một người không thở được. Có thể người đó bị nhốt vào một phòng thiếu dưỡng khí và sẽ bị chết trong vòng một hai phút. Hoặc có một người đang sắp chết đuối, không thở được nữa. Đối với những người đó, thở vào một hơi mà có dưỡng khí là niềm hạnh phúc vô biên! Người đang bị nhốt vào trong một căn phòng và sắp chết ngạt, chỉ còn chừng 3 giây nữa là chết ngạt, mà tự nhiên cửa sổ mở bung ra, dưỡng khí tràn vào và hít thở được dưỡng khí, thì hạnh phúc đó là cái hạnh phúc rất lớn. Còn chúng ta, chúng ta đang mãi lo về quá khứ, lo về tương lai, lo chuyện này chuyện kia, chúng ta đâu nghĩ rằng được thở là một hạnh phúc lớn? Vậy thì thở là hạnh phúc hay không hạnh phúc, điều đó tùy chúng ta. Nếu chúng ta thở trên ý thức rằng không được thở thì đau khổ vô cùng, thì cái thở đó trở thành rất hạnh phúc. Khi chúng ta thở và không ý thức được sự may mắn của người đang được thở, thì thở đâu có gì là hạnh phúc?
Vì vậy cho nên chỉ khi nào thấy được cái khổ, biết cái khổ là gì thì chúng ta mới có khả năng thưởng thức và biết quý cái gọi là hạnh phúc. Vì vậy cái định nghĩa về cực lạc ở trong kinh Di Đà không phải là một định nghĩa Đệ nhất nghĩa đế. Đó là một pháp môn phương tiện. Trên phương diện Đệ nhất nghĩa đế, câu nói đó trong kinh Di Đà là trái chống với giáo lý căn bản của đạo Bụt.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không nên tụng kinh Di Đà nữa, chúng ta không nên niệm Bụt nữa, chúng ta không nên tu Tịnh độ nữa! Không phải như vậy! Nói như vậy chỉ có nghĩa rằng chúng ta nên chấp nhận kinh Di Đà như là một pháp môn phương tiện, hay là tiếp nhận như là một chân lý cửu kính, tùy theo mình chọn. Tại vì chúng ta có thể phân đạo Bụt ra hai thứ: Đạo Bụt bình dân và đạo Bụt bác học; một thứ đạo Bụt cạn, và một thứ đạo Bụt sâu. Tuy vậy cả hai đều là đạo Bụt. Đừng nói cái này là đạo Bụt, cái kia không phải là đạo Bụt. Nói vậy tức là trái tim mình còn đang nhỏ bé.
Cái khuynh hướng của con người là khi gặp nhiều đau khổ, mình muốn trốn tránh hoàn cảnh đau khổ đó, muốn thoát ly, muốn đi tìm một hoàn cảnh mà mình nghĩ là tốt hơn. Đó là hạt giống "trốn chạy", nó có trong tất cả chúng ta.
Trong gia đình, khi cơm không ngon, canh không ngọt, khi nào có vấn đề với ba, với má, với anh chị, với các em thì mình luôn luôn muốn thoát ly gia đình. Khi nào không có hạnh phúc với tăng thân, thì mình muốn trốn đi chỗ khác. Đó là một tâm tình rất là con người trong tất cả các nền văn hóa.
Hai người sống với nhau, một cặp vợ chồng, hai cha con, hai mẹ con, hoặc hai chị em, khi gặp khó khăn với nhau, khi tạo đau khổ cho nhau, thì ai cũng nghĩ rằng sống xa nhau chắc là sẽ hạnh phúc hơn. Ly dị, từ con v.v..., là những thảm cảnh bắt nguồn từ cái khuynh hướng trốn chạy đó.
Chúng ta sống trên trái đất này, trong thế giới mà lúc tâm tư buồn chán, ta gọi nó là cõi ta bà! Lúc vui mừng hớn hở, ta gọi nó là hành tinh xanh, và mỗi khi đau khổ là chúng ta mơ tưởng tới những cõi khác. Mơ được lên cung trời Đa Lợi, được lên cung điện của chị Hằng, dù chưa biết cung trời Đa Lợi ra sao, cung điện chị Hằng như thế nào! Có nhiều người muốn uống thuốc trường sinh để lên trên mặt trăng mà sống. Họ không biết lên trên đó còn khổ hơn ở đây: Lạnh thấy trời ban đêm, nóng thấy trời ban ngày, nhất là không có không khí để thở, và không có siêu thị nào ở gần hết! Vậy mà cứ chạy trốn cái thế giới hiện tại là yên chí rồi!
Vì biết được tâm tính trốn chạy đó của chúng sanh, đạo Bụt đã dùng nhiều phương tiện, nhiều trình độ để giáo hóa. Đạo Bụt Nguyên Thủy nói rằng: Nếu anh, nếu chị tu tập theo phương pháp này, phương pháp kia, thì sau khi chết có thể được sinh lên cõi trời này cõi trời kia. Đó đã là một sự trốn tránh rồi. Đó đã là ly khai một phần nào cái tinh thần Hiện Pháp lạc trú rồi. Sau này chúng ta lại có rất nhiều cõi tịnh độ khác nữa. Ở phương Tây, chúng ta có cõi cực lạc của Bụt Di Đà. Ở phương Đông có cõi Diệu Hỷ của Bụt A Súc. Cõi Diệu Hỷ của Bụt A Súc cũng hấp dẫn lắm, nhưng không hiểu tại sao mọi người đều có xu hướng tìm về cõi tịnh độ của Bụt Di Đà. Chúng ta cũng còn có cõi tịnh độ của đức Bụt Di Lặc, cũng rất hấp dẫn. Chúng ta có nhiều cõi tịnh độ là vì các thầy, các tổ thấy cái nhu yếu đó trong con người, cho nên tạo cho họ những cõi như vậy để họ có thể trốn thoát được cái đau khổ trong hiện tại.
Phương pháp của Bụt ngay từ bài thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, là mình phải đối diện với đau khổ, nắm lấy cái đau khổ đó, nhìn thẳng vào nó, và chọc thủng nó. Đó là phương pháp Tứ Diệu Đế: Đối diện với khổ đau, nhìn sâu vào khổ đau để thấy được bản chất của nó, và khi thấy được bản chất của khổ đau thì đồng thời sẽ thấy được con đường thoát khổ. Thoát khổ bằng phương thức chuyển hóa nó chứ không bằng lối trốn chạy nó. Cái khổ ở ngay trong tâm ta như bóng với hình, làm sao ta chạy trốn nó được? Chuyển hóa nó, biến rác thành hoa, là phương thức duy nhất để diệt khổ cho mình và cho người.
Vì vậy khi chúng ta thực tập đạo Bụt như là một phương pháp trốn chạy, thì chúng ta đã vô tình đi ngược lại giáo Pháp của đức Thế Tôn. Đó không phải là con đường cứu cánh. Trong đời sống hàng ngày, có lúc mình thấy mệt quá, chán quá, bực quá với sư anh, với sư chị, sư em. Mình có thể đi thiền hành để nuôi dưỡng thêm chánh niệm, để có dịp nhìn kỹ sự việc. Cuối cùng thì phương cách tu học hữu hiệu nhất của mình vẫn là trở về đối diện với sự thật thứ nhất của Tứ Diệu Đế: Khổ đau là điều có thật trong cuộc đời. Vì vậy chúng ta phải phục hồi tinh thần Hiện Pháp lạc trú, nghĩa là tu tập như thế nào để có thể có được hạnh phúc ngay bây giờ và trong hoàn cảnh này.
Giáo lý của Bụt đã được diễn tả là một giáo pháp mầu nhiệm, có thể đem lại an lạc ngay bây giờ và ngay ở đây. Tự mình đến mà thấy, vượt thoát thời gian và thiết thực hiện tại, nghĩa là Dealing with the present moment, dealing with the here and now, chứ không phải là hứa hẹn một tương lai.
Khi nắm được tinh thần đó của đạo Bụt, chúng ta sẽ thấy có những người tu tịnh độ, mà họ có khả năng tiếp xúc được với tịnh độ ngay bây giờ và ở đây, như là Trần Nhân Tông: "Tịnh Độ là lòng trong sạch", hay Tuệ Trung Thượng Sĩ: "Di Đà vốn thật Pháp thân ta". Đó là những người tu tập theo pháp môn tịnh độ trong tinh thần Đệ Nhất Nghĩa Đế, cho nên không có gì trái chống với Thiền cả.
Nhưng nếu có những người đang muốn chối bỏ, ruồng rẫy hiện tại để tìm cầu về một cõi trong tương lai, thì chúng ta phải biết rằng những người này đang đi theo một pháp môn phương tiện. Chúng ta phải để cho họ thực tập như vậy, và từ từ hướng dẫn để càng ngày họ càng đi về với chân tinh thần của đạo Bụt. Như vậy ta mới có từ bi, như vậy ta mới có hiểu biết.
Ở Làng Mai, thỉnh thoảng chúng ta hát: Đây là tịnh độ, tịnh độ là đây. Câu đó cũng làm cho những người kia giận lắm! Trong khi họ cương quyết tin rằng tịnh độ là ở phía Tây, mà mình dám nói tịnh độ là đây, thì đó là chọc giận họ! Nhưng đôi khi nhờ bài hát đó mà một ngày kia, họ có cơ năng tiếp xúc được với Đệ nhất Nghĩa đế của kinh Di Đà, và họ sẽ thấy rằng đức Di Đà là cái họ đang có bây giờ. Tịnh độ là cái họ có bây giờ rồi, không cần phải đợi tới chết, không cần phải đợi "qua bên kia"!
Nhân đây chúng ta cũng nên nói một vài câu về cõi tịnh độ ở phương Đông, tức là cõi Diệu Hỷ. Diệu Hỷ là niềm vui mầu nhiệm. Tên của nước này không phải là Cực lạc, mà là Diệu Hỷ, Wonderful Joy. Trong nước Diệu Hỷ đó, chắc người ta cười cũng khá nhiều. Cười khúc khích hay là cười rộ thì còn tùy. Chỉ có điều đích thực Diệu Hỷ là nơi có rất nhiều nụ cười, tại vì có niềm hoan hỷ. Bụt A-súc Ak(obhya, là vị đạo sư ở đó, săn sóc, dạy dỗ, hướng dẫn và tạo hạnh phúc cho nhân dân trong cõi đó. A-súc có nghĩa là bất động. Bất động có nghĩa là vững chãi. Nếu cái đặc sắc của Bụt A Di Đà là ánh sáng vô cùng, và thọ mạng vô lượng, thì đặc sắc của Bụt A-súc là sự vững chãi hay bất động. Bất động đây không có nghĩa là ngồi yên không làm gì hết. Bất động đây tức là rất vững chãi,
Dù ai nói ngã nói nghiêng,
Thì ta cũng vững như kiềng ba chân.
Đó là vững chãi. Mình có một niềm tin nơi pháp môn tu học của mình, vì vậy những người nói ra nói vào, nói lên nói xuống, đều không làm cho niềm tin của mình lung lay. Sự thực tập của mình vững chãi, niềm hạnh phúc của mình vững chãi. Có vững chãi mình mới có thể làm chỗ nương tựa cho người khác được.
Khi mình vững chãi thì không ai có thể làm cho mình nghi ngờ được. Không ai có thể làm cho mình nổi giận lên được, vì vậy cho nên Ak(obhya có khi dịch là Bất Động, có khi dịch là Vô Sân, có khi dịch là Vô Nộ. Không nổi giận lên, đó là nhờ có sự vững chãi.
Chúng ta biết rằng hai thuộc tính của Niết bàn là Bất động và Tự tại. Chúng ta dịch là Vững chãi và Thảnh thơi. Vững chãi và thảnh thơi là hai điều kiện của hạnh phúc. Nhìn vào một người, chúng ta có thể thấy được mức vững chãi, mức thảnh thơi của người đó tới đâu. Vững chãi thảnh thơi là thước đo hạnh phúc của một người, và tu tập là để làm lớn lên hai chất liệu đó ở trong ta. An lạc là cái hoa nở trên mảnh đất vững chãi và thảnh thơi. Nhờ vững chãi cho nên không bao giờ chúng ta đi vòng quanh, không bao giờ chúng ta bỏ chỗ này để đi chỗ khác, không bao giờ chúng ta làm như một con cóc được bỏ vào dĩa. Nhờ vững chãi cho nên ta không nổi giận, ta không nghi ngờ, và ta có thể làm chỗ nương tựa cho không biết bao nhiêu người. Vì vậy ở cõi Ak(obhya, nhờ thực tập vững chãi mà tất cả chúng sanh đều có niềm vui rất lớn.
Còn cõi tịnh độ của Bụt Di Lặc là tịnh độ của tình thương, Maitri là tình thương, là từ bi. Trong tịnh độ đó chúng ta thực tập thương. Thương như thế nào mà đừng bị vướng mắc, đừng có trầm luân, đừng gây khổ đau cho nhau. Thương như thế nào mà mỗi người đều giữ được tự do, thảnh thơi của mình. Đó là đặc điểm trong cõi tịnh độ của đức Di Lặc.
Tại Làng Mai chúng ta đang tu tập như vậy. Chúng ta đang làm cho cõi tịnh độ của đức Di Lặc có mặt ngay trên quả đất này. Mỗi người trong chúng ta, xuất gia cũng như tại gia, trong khi tu học, phải có một ước muốn là mình phải tạo nên được một tịnh độ, tức là một cõi trong đó có sự vững chãi, có sự thảnh thơi, có an lạc, có tình thương. Tùy theo khả năng tu học của chúng ta mà tịnh độ của chúng ta có hạnh phúc nhiều hay ít.
Nếu không tu học đàng hoàng thì dù chúng ta có ý muốn thiết lập tịnh độ, thì tịnh độ của chúng ta cũng sẽ không phải là tịnh độ. Sống trong đó, mỗi ngày người ta đều khóc, mỗi ngày người ta đều giận, đều buồn, và tịnh độ sẽ tan rã rất mau chóng. Vì vậy nếu chúng ta có ánh sáng vô lượng, có sự vững chãi vô lượng, có tình thương vô lượng, thì chúng ta có thể tạo ra tịnh độ, một miền tịnh độ ban đầu còn nhỏ, gọi là mini tịnh độ. Nếu mình thành công trong cái mini tịnh độ của mình, thì mình có thể làm cho nó ngày càng lớn lên và có mặt khắp nơi. Do đó các cô, các chú, các thầy, các vị cư sĩ, người nào cũng nên có cái ước muốn tạo nên một cõi tịnh độ để làm hạnh phúc cho nhiều người. Muốn taïo tònh ñoä thì phaûi hoïc caùch laøm ra tònh ñoä, taïi vì tònh ñoä ñöôïc làm bằng những chất liệu mà mình đã thấy: Chất liệu của sự vững chãi, của ánh sáng, của thảnh thơi, của thương yêu.
Chúng ta đã xét về yếu tố Hiện pháp Lạc trú trong việc thực tập, và thấy rõ rằng nguyên tắc hiện pháp lạc trú có thể soi sáng cho chúng ta, có thể giúp chúng ta nhìn sâu và thấy rõ hơn bản chất của những pháp môn, bản chất của giáo lý mà chúng ta đang học, đang thực tập, và đang tuyên dương.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]