TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q2
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q2
Chương 00: Những Cây Đại Thụ Trong Vườn Thiền Việt Nam
Chương 01: Vài Chìa Khóa Căn Bản Của Người Tu
LÀNG MAI VÀ CÁCH THỰC TẬP ĐỂ ĐỪNG TRÔI LĂN
PHƯƠNG PHÁP THIỀN HÀNH CỦA TRUNG QUỐC
SỰ CẦN THIẾT CỦA MỘT THIỀN PHỔ
THIẾT KẾ Y BÁO BẰNG CÁCH NHẬN DIỆN NHU YẾU
CĂN NGUYÊN CỦA NHU YẾU GIẢ TẠO TRONG Y BÁO
THAY Y BÁO, ĐỔI CHÁNH BÁO BẰNG BA CÁI LẠY
TƯƠNG TỨC VÀ Y BÁO CỦA TĂNG THÂN
NĂM NGUYÊN TẮC CĂN BẢN CỦA SỰ TU TẬP
SỐNG VỚI TĂNG THÂN MỚI DỄ CHUYỂN HÓA
NẮM VỮNG PHƯƠNG PHÁP, THỰC TẬP TINH CHUYÊN MỚI TU HỌC THÀNH CÔNG
CHÁNH NIỆM LÀ TRÁI TIM CỦA THIỀN TẬP
NGƯỜI XUẤT GIA VÀ GIA ĐÌNH HUYẾT THỐNG
XUẤT GIA VÀ ĐỐI TƯỢNG THƯƠNG YÊU LỚN
Trình bày những Thiền phái lớn ở Việt Nam kể từ thế kỷ thứ Ba trở về sau. Nội dung gồm các phương pháp hành trì, những giáo pháp của chư tổ, cùng cách du nhập và phát triển của từng Thiền phái tại Việt Nam hồi đó.
Quyển 2 của bộ Truyền Thống Sinh Động Của Thiền Tập Đạo Bụt gồm những bài Pháp thoại của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh trong khóa An cư cuối mùa Đông 94-95 và toàn mùa Đông 95-96 tại Làng Mai, giảng về những danh Tăng và Thiền tông lớn của Việt Nam kể từ thế kỷ thứ 3.
Khi phiên tả và hiệu đính, đệ tử của Thiền Sư đã chú tâm đến cách bố cục "Xưa bày, nay làm", nghĩa là trình bày những thực tập mà Làng Mai sáng tạo dựa vào những giáo điển của vị Tổ mà thiền sư đang thuyết giảng trong bài pháp thoại.
Ngoài ra, những sử liệu và giáo điển đã in trong các sách khác như Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I, Thiền Sư Khương Tăng Hội v.v..., đều không được lặp lại ở đây, trừ khi cần để diễn bày khía cạnh sinh động của thiền tập ngày nay so với ngày xưa.
Nay cẩn bạch
Chúng ta nên biết rằng thiền tập trước hết là dừng lại. Dừng lại là một phép thực tập rất quan trọng. Tiếng Hán Việt gọi là "chỉ".
Tại sao chúng ta phải dừng lại, và chúng ta dừng lại cái gì? Trước hết mình có thể nói dừng lại là dừng lại sự đi hoang của mình, tại vì chúng ta có thể là đang đi hoang.
Mỗi chúng ta đều có quê hương, đều có tổ tiên, đều có cha mẹ, đều có gốc rễ, đều có cơ hội có hạnh phúc, có an lạc. Nhưng vì một biến cố nào đó, vì một lý do nào đó mà chúng ta đã đi hoang, running away from home. Cho nên trong việc tu hành, trước hết là dừng lại sự đi hoang của mình.
Khi đi hoang, mình thường vấp phải những khổ đau, những tai nạn, những hiểm nguy, và mình có thể tán thân thất mạng, nghĩa là mình có thể chết và mình phụ lòng yêu thương, lòng trông đợi của tổ tiên, của nòi giống, của gốc rễ mình.
Alfonse Daudet có viết một truyện ngắn tựa là Con dê con của ông Seguin (Le chèvre de Monsieur Seguin), đại ý như sau: Trong khu vườn của ông Seguin có rất nhiều hoa, nhiều cỏ và ông có nuôi một con dê con mà ông rất thương. Ông muốn dê con có hạnh phúc ở trong khuôn viên khu vườn của ông. Tuy vườn có thừa cỏ, dư nước, nhưng chú dê con ở lâu cũng thấy buồn. Cho nên một hôm nó nhảy rào để đi ra ngoài. Ông Seguinthấy nguy hiểm cho con dê của mình quá, tại đi ra ngoài thì thế nào cũng bị chó sói ăn thịt. Vì vậy ông mới đưa dê con vào vườn lại rồi nói với nó rằng: Con không được ra khỏi khuôn viên này, nguy hiểm cho con lắm!
Nhưng con dê con của ông không nghe lời, vì vậy mà ông quyết định phải nhốt chú dê con. Ông đưa dê con vào một căn phòng và đóng cửa lại, nhưng ông lại quên đóng cửa sổ! Vì vậy mà một chiều nọ dê con nhảy qua cửa sổ, tung tăng đi vào rừng!
Chiều hôm đó ông Seguin khám phá ra rằng dê con đã bỏ mình mà đi! Ông ra vườn cầm cái còi thổi để kêu dê con trở về. Trong khi đó thì dê con đang gặp chó sói, và một mình nó phải chống cự với chó sói. Nhà văn Alfonse Daudet nói rằng con dê này chiến đấu mãnh liệt, nó chiến đấu suốt đêm với con chó sói. Đến sáng hôm sau, khi mặt trời lên thì nó kiệt sức và chó sói ăn thịt dê con!
Daudet có tả rằng chiều hôm qua, khi chó sói xuất hiện, nó kêu "Hu, hu, hu", thì đồng thời lúc đó dê con cũng nghe tiếng còi của ông Seguin "U-va, u-va" như tiếng gọi "Con ơi trở về, con ơi trở về". Nhưng đã trễ rồi, chó sói lúc đó đã xuất hiện!
Trong mỗi chúng ta ai cũng đều có một con dê của ông Seguin. Chúng ta có khuynh hướng muốn bỏ nhà, bỏ tổ tiên, bỏ văn hóa, bỏ gốc rễ để đi hoang. Hạt giống cô hồn người nào cũng có. Có khi đi hoang rồi không có cơ hội để trở về! Vì vậy cho nên bước đầu của thiền tập, "chỉ" có nghĩa là dừng lại sự đi hoang.
Có thể chúng ta đi hoang là vì một nguyên do nào đó rất nhỏ. Đôi khi chỉ vì một con bướm, một đám mây, hay một mùa Xuân, một sợi tóc cũng đủ làm cho chúng ta bỏ gia đình, bỏ quê hương, bỏ ông bà, bỏ đất nước mà ra đi. Trong bài "Lỡ bước sang ngang", thi sĩ Nguyễn Bính có viết:
Một lần xẩy bước ra đi,
Là không hẹn một ngày về nữa đâu!
Lỡ bước tức là bước lầm lỡ, tiếng Pháp là Un faut pas. Chỉ cần một bước lỡ là mình đi luôn! Trong bài này Nguyễn Bính còn nói:
Em đừng khóc nữa em ơi,
Dẫu sao thì sự đã rồi nghe em,
Một đi bảy nổi ba chìm,
Trăm cay ngàn đắng con tim héo mòn.
Nàng Kiều của chúng ta cũng đi luôn 15 năm! May nhờ sư chị Giác Duyên đưa về. Còn chúng ta đi đã tới 15 năm chưa và chúng ta có sư chị Giác Duyên đưa về hay không?
Ngày người ta đem xe chở Thúy Kiều đi, cụ Nguyễn Du đã tiên đoán:
Đùng đùng gió dục mây vần,
Một xe trong cõi hồng trần như bay.
Mình đang sống một cuộc đời an lành, đột nhiên có một cơn gió nổi lên, bao nhiêu cát bụi tung trời, cuốn mình đi theo. Mình trở thành một kẻ đi hoang, mình luân lạc xứ người, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác!
Nếu nhìn lại, chúng ta thấy rằng quãng đời trong quá khứ của chúng ta giống như một giấc mơ, và sực tỉnh giấc mơ thì chúng ta trở về.
Ngày xưa có người học trò đi thi hỏng. Trên con đường trở về nhà anh ta vừa đói, vừa mệt, nên ghé lại nơi thảo am của một ông đạo vào một buổi chiều. Ông đạo thấy anh chàng sinh viên mệt nhoài, đuối sức, chán nản, nên khởi lòng thương và cho ở lại: Anh nằm đây nghỉ đi, tôi ra nấu một nồi cháo kê, khi chín tôi sẽ mời anh ăn một bát.
Ông đạo này sống rất đơn giản. Anh chàng ngủ thiếp đi và trong giấc mơ anh thấy anh thi đậu bằng tiến sĩ, thi đậu ông Nghè. Sau đó được vua thương, gọi gã cho công chúa, và được cất nhắc làm một chức quan rất lớn ở trong triều. Danh vọng, quyền hành rất lớn. Rồi một năm đó, giặc tới xâm chiếm ở biên cương, phò mã được lệnh vua thống lãnh quân đội ra ngăn giặc ở biên giới. Nhưng vì không tinh thông về binh bị, nên thua xiểng liểng! Vì vậy mà vua ra lệnh chém đầu!
Trong pháp trường khi quân lính dàn ra, đánh ba hồi trống trước khi chém đầu thì anh ta hét lên một tiếng! Lúc nghe anh hét trong giấc mơ như vậy, ông đạo đưa tay vỗ nhẹ vào vai và thức anh dậy. Khi thức dậy, anh thấy mình đang nằm trong cốc của ông đạo và nãy giờ ông đạo đang ngồi chăm nồi cháo kê. Ông đạo mỉm cười nhìn anh và nói: Anh ngủ say quá! Cháo chín rồi, thôi anh dậy cùng ăn cháo kê với tôi. Người sinh viên thi hỏng này mới thấy rằng chỉ trong một giấc mộng ngắn, thời gian để đủ nấu chín một nồi cháo kê mà anh đã trải qua không biết bao nhiêu lên xuống, thăng trầm, khổ vui: Đi thi đậu, được gã công chúa, được lên chức, đi ra đánh giặc, thua và bị đem ra pháp trường xử chém! Những công việc xảy ra đó rất là nhiều, vậy mà tất cả chỉ xảy ra trong khoảnh khắc của việc nấu một nồi cháo kê! Vì vậy mà anh mới giật mình, tự hỏi: Mình đang theo đuổi cái gì đây? Mình đã bị cái gì kéo đi?
Anh thấy rõ rằng một con bướm, một bông hoa, một đám mây, một sợi tóc, đều có thể kéo anh ra khỏi quê hương, khỏi gốc rễ, tổ tiên của mình. Mình đã đi hoang, và khi tỉnh dậy thì nhờ có ông đạo cho nên mình biết rằng đây là lúc mình phải trở về với gốc rễ, với tổ tiên, với cái true home của mình. Trở về với cái an lạc, cái hạnh phúc, cái thảnh thơi của mình.
Trong đạo Bụt có danh từ trầm luân tức là trôi lăn và chìm đắm. Trong cuộc đi hoang, chúng ta luôn luôn bị luân lạc, bị trôi lăn, bị chìm đắm. "Luân" có nghĩa là lăn tròn, mình có cái bánh xe, và mình lăn tròn. Khi lăn tròn thì mình đi lạc, gọi là luân lạc. Sự lăn tròn đó tiếp diễn trong mỗi giây phút của đời sống chúng ta. Nói nghe thì buồn cười, nhưng mỗi chúng ta đều đang lăn tròn như vậy.
Chụp hình thì không thấy, nhưng trong tâm thì ta đang lăn. Lăn từ nơi này sang nơi khác. "Trầm" có nghĩa là chìm xuống, chết đuối. Chìm đắm và trôi lăn thì gọi là trầm luân.
Ở Làng Mai, khi mở cửa bước vào thiền đường, chúng ta đọc bài kệ:
Vào thiền đường,
Thấy chân tâm,
Một ngồi xuống,
Dứt trầm luân.
Nghĩa là chúng ta bước vào thiền đường là để chấm dứt sự trôi lăn, chấm dứt trôi lăn trong tâm tưởng của chúng ta. Có khi chúng ta đang mặc áo tràng, mặc áo nhật bình, có khi chúng ta đang chắp tay, chúng ta đang đi, đang đứng, nhưng kỳ thực thì có sự trôi lăn đang xảy ra ở trong tâm của chúng ta.
Đại chúng đang đi thiền hành, theo nguyên tắc thì người nào cũng an trú trong chánh niệm, cũng bước những bước an trú và thảnh thơi, cũng được cái an và cái lạc ở trong tâm. Chúng ta cùng đi với đại chúng, nhưng chúng ta đang trôi và đang lăn. Chúng ta đang trầm luân ngay trong khi chúng ta đi thiền hành.
Đại chúng đang ngồi thiền tọa, mỗi người đang thực tập hơi thở chánh niệm. Thở vào ta biết ta đang thở vào, thở ra ta biết ta đang thở ra. Thở vào thấy tâm mình tỉnh lặng, thở ra miệng mình mỉm cười. Người ta đang thực tập như vậy. Còn mình cũng ngồi trên tọa cụ như người khác, cũng xoay mặt vào vách, nhưng mình đang trôi lăn ở ngay trên tọa cụ của mình!
Đại chúng đang ngồi ăn cơm im lặng, tâm để ý đến thức ăn, tặng phẩm của đất trời, tâm hoan hỷ vì thấy mình đang được bao vây bởi các sư anh, sư chị, sư em, và những người trong tăng thân. Cái an lạc, cái hạnh phúc nó có. Trong khi đó mình cũng ôm bình bát, mình cũng ăn im lặng, nhưng trong tâm, mình đang đi hoang, mình đang chìm đắm. Thành ra sự đi hoang đó, sự chìm đắm đó xảy ra trong từng phút từng giây trong con người của mình.
Vì vậy mà thực tập thiền quán trước hết là phải chấm dứt sự đi hoang.
Chỉ với một bước thôi là chúng ta trở về quê hương của chúng ta liền lập tức, và chúng ta chấm dứt sự đi hoang, dừng lại là một quá trình chuyển hóa tập khí. Chúng ta ở Làng Mai bảy ngày, mười ngày hay là ba tháng, thì bảy ngày, mười ngày hay ba tháng đó là để thực tập chấm dứt sự đi hoang. Chúng ta chấm dứt trong khi ăn cơm, chấm dứt trong khi đi thiền hành, chấm dứt trong khi làm chấp tác, chấm dứt trong khi ngồi thiền. Không giờ phút nào mà ta không thực tập sự trở về, thực tập sự chấm dứt đi hoang. Tổ tiên của chúng ta, gốc rễ của chúng ta luôn luôn kêu gọi chúng ta về, nhưng chúng ta không lắng tai nghe.
Ông Seguin đem còi ra thổi, ông rất cưng con dê con của ông, nhưng con dê con của ông không chịu nghe theo, cho nên nó gặp con chó sói. Và khi gặp chó sói rồi thì tiếng còi kia không còn hiệu lực nữa. Muốn về cũng không kịp. Thành ra trong những lúc sự trở về còn có thể thực hiện được, chúng ta phải thực hiện sự trở về đó.
Trong kinh Lăng Nghiêm, chương Bồ tát Thiết Ý Niệm Bụt có một câu rất hay: Bụt là tổ tiên của chúng ta, Bụt làcha mẹ của chúng ta. Bụt nhớ thương chúng ta như mẹ nhớ con. Nhưng nếu đứa con bỏ nhà ra đi, không thèm nghĩ đến mẹ thì dù mẹ có nhớ đến cách mấy cũng không có ích lợi gì. Trái lại nếu đứa con thức tỉnh, chợt nhớ lại mẹ, muốn trở về, thì phép lạ nó xảy ra. Nếu đứa con cũng nhớ mẹ như mẹ đã nhớ con thì mẹ con sẽ được đoàn tụ, và đời đời kiếp kiếp sẽ không xa nhau nữa.
Hồi còn nhỏ tôi đã thuộc lòng câu đó bằng chữ Hán:
Thập phương Như Lai linh niệm chúng sanh như mẫu ức tử, có nghĩa là mười phương các đức Như Lai thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con.
Nhược tử đạo thệ túy ức hà vi? Nếu đứa con trốn tránh, chạy đi thì nhớ như vậy có ích lợi gì đâu?
Tử nhược ức mẫu như mẫu ức thời, mẫu tử lực sinh, bất tương vi viễn, nhưng nếu đứa con nhớ mẹ như mẹ nó nhớ nó, thì đời này sang đời khác mẹ con sẽ được cùng ở chung với nhau, không bao giờ xa lìa.
Nhược chúng sinh tâm, ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai, nhất định kiến Phật, khứ Phật bất viễn. Nếu lòng của chúng sanh nhớ tới Bụt mà trở về thì sẽ có một sự gặp gỡ, đoàn tụ giữa chúng sinh và Bụt trong hiện tại và trong tương lai.
Đoạn kinh đó là để nói đến sự trở về. Sự đi hoang của chúng ta đã trở thành một thói quen, một tập khí, cho nên khi thực tập ta phải nhận diện cho được tập khí đó. Chúng ta đi như bị ma đuổi, ngồi ăn như ngồi trong nhà đang cháy. Chúng ta ngồi như có lửa đốt ở dưới bàn tọa, chúng ta luôn luôn muốn đứng dậy chạy. Điều đó trở thành một thói quen.
Khi nhất quyết phải trở về thì chúng ta phải nhận diện cái tập khí đó. Mỗi khi tập khí đi hoang, mỗi khi tập khí không có khả năng an trú trong hiện tại nổi lên thì chúng ta phải nhận diện nó, vì vậy cho nên sự thực tập dừng lại nó đi đôi với sự thực tập nhận diện thói quen xấu, nhận diện tập khí của mình.
Đi thiền hành là một phương pháp rất mầu nhiệm để thực tập dừng lại. Khi mới tới Làng Mai, quý vị hãy thực tập việc dừng lại bằng phương pháp đi. Tuy là đi nhưng mình phải dừng lại. Bất cứ đi đâu, mỗi khi có nhu yếu muốn đi từ chỗ này sang chỗ khác thì chúng ta đều thực tập phương pháp thiền hành, tại vì thiền hành là một pháp môn rất mầu nhiệm để dừng lại.
Thiền Hành tiếng Việt là Đi Thiền. Đi mà đi trong tư thế dừng lại. Từ phòng của chúng ta đi đến thiền đường, hay đi tới nhà bếp, nhà tắm, mỗi khi cần đi, dù chỉ cần đi bốn hay năm bước, chúng ta cũng phải áp dụng phương pháp gọi là đi thiền. Cố nhiên mỗi ngày chúng ta có một cơ hội để tập thiền hành chung với đại chúng, nhưng nếu chỉ thực tập mỗi ngày một buổi thì không đủ, tại vì thói quen trôi lăn của chúng ta rất lớn. Cho nên nếu chúng ta trôi 23 tiếng mỗi ngày, và chỉ thực tập thiền hành một tiếng thì làm sao chuyển đổi được 23 tiếng trôi lăn đó? Vì vậy chúng ta phải thực tập thiền hành cả ngày. Bất cứ lúc nào cần di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác là phải thực tập thiền hành. Sống tại Làng Mai là phải làm như vậy. Nếu ở đây bảy ngày là mình thực tập bảy ngày, ở đây mười ngày là thực tập mười ngày. Đừng bỏ một bước chân nào mà không thực tập, rất là uổng.
Chúng ta có bài Đã về đã tới-Bây giờ ở đây-Vững chãi thảnh thơi-Quay về nương tựa là một trong những bài rất dễ và rất mầu nhiệm để có thể áp dụng vào việc đi thiền. Khi bước một bước, chúng ta nói Tôi đã về. Khi bước bước thứ hai chúng ta nói Tôi đã tới. Đó là khi đi chậm hay đi kinh hành. Đã về là lúc mình thở vào; đã tới là lúc mình thở ra.
Lúc đi thiền hành, khi thở vào mình có thể đi hai hay ba bước, và mình nói đã về, đã về, đã về. Khi thở ra mình cũng có thể đi ba bước và nói đã tới, đã tới, đã tới. Mình lặp lại như vậy trong suốt chuyến đi.
Theo giáo lý của Bụt thì sự sống nằm ngay trong phút giây hiện tại. Nếu đi hoang thì mình lạc vào quá khứ, mình lạc vào tương lai và mình đánh mất sự sống trong hiện tại. Cho nên đã về đây có nghĩa là trở về với giây phút hiện tại, và chính giây phút hiện tại đó là chìa khóa mở cửa quê hương của mình. Sự trở về của mình không cần tốn nhiều giờ, chỉ cần có chánh niệm, chỉ cần nương vào hơi thở thì một bước chân thôi là đủ để đưa mình về với quê hương của mình. Nó hay như vậy đó. Nhưng phải thực tập thì sự trở về của mình mới trở nên vững chãi.
Sống ở Làng Mai, mỗi ngày mình đều phải đi như vậy. Cố nhiên là cái tập khí, cái thói quen xấu của mình tiếp tục đẩy mình đi như bị ma đuổi. Mỗi khi nhận ra được mình đang chạy theo ma, bị ma đuổi thì mình mỉm cười, trở về với sự thực tập đã về đã tới. Ma ở đây là ma thất niệm, ma quên lãng, ma thói quen. Nó là ma có thật, chứ không phải là ma trong các chuyện hoang đường. Chúng ta đối trị với ma bằng chánh niệm, bằng hơi thở. Chúng ta nhận diện con ma, chúng ta mỉm cười với nó thì ma không còn đuổi ta chạy được nữa.
Đã về, đã về; đã tới, đã tới. Về đâu? Tới đâu? Chúng ta biết rằng đã về với sự sống, đã về với quê hương, với tổ tiên. Sự sống, quê hương, và tổ tiên nằm ngay trong bây giờ và ở đây.
Bài tập thứ nhất "Bây giờ, bây giờ, bây giờ; Ở đây, ở đây, ở đây", nó cũng giống như bài tập thứ hai. Cùng một loại bài tập để trở về. Tại vì bây giờ và ở đây là điểm duy nhất mà mình có thể tiếp xúc được với quê hương, với tổ tiên, và hạnh phúc của mình là ở điểm bây giờ và ở đây. Thiền tập trước hết là tiếp xúc với điểm giao tiếp của không gian (ở đây) và thời gian (bây giờ) để thực hiện một sự trở về.
Thực tập ở trong tăng thân có lợi điểm là chúng ta luôn luôn được nhắc nhở, tại vì các sư anh, các sư chị, sư em, mọi người cùng đang thực tập như vậy. Nếu bị ma thất niệm kéo đi thì chúng ta có cơ hội thấy sư anh đang thực tập, thấy sư em, sư chị đang thực tập. Nhờ sự thực tập của những người đó mà ta trở về được với chánh niệm của chúng ta. Còn nếu chúng ta ở trong một căn nhà, ở một mình trong thành phố thì chúng ta cứ bị con ma thất niệm kéo đi dài dài, tại vì không có ai ở đó để nhắc cho mình, không có sư chị Giác Duyên. Giác duyên nghĩa là những điều kiện (duyên) để thức dậy (giác).
Ở Làng Mai, nhìn phía trước cũng thấy sư chị Giác Duyên, nhìn phía sau cũng thấy sư chị Giác Duyên, luôn luôn có những điều kiện nhắc nhở chúng ta. Cái chuông, cái đồng hồ, cái điện thoại v.v... tất cả đều đóng vai trò của sư chị Giác Duyên. Chúng ta có rất nhiều cơ hội để trở về với điểm chính yếu bây giờ và ở đây, chúng là chìa khóa để mở cửa thế giới của quê hương, thế giới của an lạc, để chúng ta có thể trở về.
Thiền hành là một phương pháp thực tập rất quan trọng tại Làng Mai. Có nhiều người nghĩ rằng thiền tập là chỉ ngồi thiền thôi, nhưng điều đó không đúng. Tại Làng Mai chúng ta thực tập thiền trong khi đi, trong khi ăn cơm, khi làm việc, nấu cơm. Chúng ta phải học những điều đó.
Có vài vị Thượng Tọa ở Huế, Hà Nội viết thư về cho biết rằng khi được xem những bộ băng giảng về Phật Pháp Căn Bản, về Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu thì họ rất lấy làm sung sướng, cảm thấy Phật Pháp rất là mầu nhiệm, rất là lợi lạc và họ ngỏ ý muốn xin thêm băng để học. Mình có khuynh hướng muốn trả lời cho họ biết rằng những bộ băng đó không phải là tinh ba của Làng Mai. Tinh ba của Làng Mai là được thực tập ở trong tăng thân. Thực tập trong tăng thân là mình thực hiện sự trở về, mà chuyện đó không thể nào thực hiện trong phòng của mình, trong ngôi chùa của mình bằng cách nghe cassette hay coi video được. Tại Làng Mai chúng ta có những cái mà không thể thâu được vào trong băng. Ví dụ như sự thực tập xây dựng tăng thân. Cái đó chỉ có thể thực tập khi chúng ta sống chung với nhau, làm việc chung với nhau, chung đụng với nhau, gặp những khó khăn với nhau. Và khi chúng ta sử dụng phương pháp thực tập trong khi làm việc và sống chung với nhau thì tự nhiên chúng ta có sự chuyển hóa, chúng ta trở nên chị em với nhau, anh em với nhau, chúng ta chấp nhận nhau. Chúng ta học được phương pháp tổ chức và xây dựng một tăng thân, một gia đình có hòa điệu, có hạnh phúc, và chỉ trong khung cảnh như vậy thì người thiền tập mới có thể có chuyển hóa mà thôi. Những cái đó không thể nào thu được vào trong băng nhựa. Thành ra những cuốn băng nhựa của chúng ta gởi đi mọi nơi, chỉ là những phó sản của sự tu tập ở Làng Mai mà thôi. Về Làng thì mới thấy được, mới tiếp xúc được, mới kinh nghiệm được sự thực tập ở trong tăng thân.
Nếu chúng ta đọc một cuốn sách về thiền hành và tự mình thực tập thiền hành, thì chúng ta cũng có thể đi tới một kết quả nào đó. Nhưng nếu ở trong một tăng thân mà tất cả mọi người đều biết đi thiền hành, không phải là một lần trong ngày, mà suốt cả ngày, thì thực tập như vậy trong vòng một tuần là đã có sự thay đổi ở trong con người. Nếu chúng ta thực tập một tháng cho hết lòng, hạ thủ công phu, thì sẽ có sự thay đổi lớn hơn trong con người của chúng ta. Những sư cô, sư chú ở Làng Mai khi đi ra ngoài thì người ta nhận ra được sự khác biệt với các sư cô sư chú không ở Làng Mai, tại vì trong thời gian ở Làng Mai họ có thực tập. Những người hạ thủ công phu, tiếng Anh là get down to the real practice, thì chỉ cần 7 ngày thôi là đã có sự thay đổi trong con người của mình rồi, huống hồ là mình ở hai năm hay là bốn năm.
Trong khi thực tập đi thiền hành, mình bắt đầu nắm lấy cái tập khí đi như bị ma đuổi của mình, và mình chuyển hóa nó. Hai mươi năm qua, ba mươi năm qua mình đã tập đi như bị ma đuổi, giờ đây về Làng Mai, mình có cơ hội trở về. Quý Phật tử mới đến Làng Mai lần đầu tiên, ngay cả các vị xuất gia mới đến làng lần đầu tiên, nhìn cách họ đi là mình biết những người này chưa biết thực tập thiền hành, mình thấy liền lập tức.
Những vị đó phải nhìn các người khác để thấy họ đi những bước thong dong, thảnh thơi, an trú trong hiện tại. Nếu thật tình có chí muốn tu học thì chỉ nội trong vài ngày là mình thấy được điều đó và những bước đi của mình bắt đầu có phẩm chất của sự dừng lại, của sự an trú trong hiện tại, và mình bắt đầu nuôi dưỡng được mình bằng cái an lạc, bằng cái hạnh phúc của sự thực tập. Nếu mình thực tập đi những bước chân vững chãi, đi những bước đi an trú trong chánh niệm, đã về đã tới, thì cố nhiên cái phẩm chất của những bước đi đó nó tăng tiến, nhìn vào, người ta thấy có những yếu tố của sự vững chãi, và yếu tố của sự thảnh thơi.
Ban đầu nó chỉ có sự lo âu, có sự hấp tấp, có sự vụt chạc, có sự không an tâm. Nhưng cứ thực tập đi thiền hành, thực tập những bước đi theo phương pháp đã dạy thì từ từ mình dừng lại được và tự nhiên trong bước chân của mình nó bắt đầu có yếu tố của sự vững chãi, của sự thảnh thơi. Và khi bước chân mình có yếu tố vững chãi, thảnh thơi rồi thì mình bắt đầu có an lạc, có hạnh phúc. Chỉ cần đi thôi là mình có được hai đặc tính đó rồi.
Trong kinh có nói rằng vững chãi và thảnh thơi là hai đặc tính của niết bàn. Niết bàn không phải là một cái gì trừu tượng, niết bàn được làm bằng vững chãi và thảnh thơi. Người không vững chãi, nhìn vào là mình biết liền. Lung lay từ thân thể cho đến tâm hồn, không vững được.
Thảnh thơi là yếu tố của tự do, có tự do thì mới có hạnh phúc. Tự do ở đây là có tự do ở trong tâm của mình, không bị ràng buộc vì ngũ dục, vì cái tưởng. Ngoài đời họ chỉ nói về cái tự do ở bên ngoài, tự do chính trị. Nhưng trong đạo chúng ta nhấn mạnh đến cái tự do của tâm linh, đến sự thảnh thơi, không bị ràng buộc.
Cái gì ràng buộc? Cái sợ hãi nó ràng buộc mình, cái lo lắng, cái giận hờn nó ràng buộc mình.
Có rất nhiều sợi dây trói buộc chúng ta, và chúng ta thực tập để tháo gỡ những sợi dây đó. Hoa trái của thực tập là sự thảnh thơi, không lo lắng, không giận hờn, không sợ hãi. Nó giúp ta có an trú, có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Càng thực tập thì những yếu tố vững chãi, thảnh thơi càng tăng tiến, nghĩa là chúng ta tiếp xúc được với niết bàn càng lúc càng sâu đậm.
"Tôi về" ở đây tức là trở về nhà, và "nương tựa" tức là an trú trong căn nhà đó, trong quê hương đó. Chúng ta biết rằng mỗi chúng ta đều có quê hương, quê hương tâm linh mà chúng ta đã đánh mất bằng sự đi hoang, và sự thực tập của chúng ta là đưa chúng ta trở về quê hương đó.
Phương pháp đầu tiên mà chúng ta thực tập là phương pháp đi. Mỗi bước chân đều đưa ta trở về với quê hương. Đi mà không cần tới. Nếu tới là tới trong mỗi bước chân. Cái đó gọi là thiền hành. Có một cuốn sách nhỏ gọi là Thiền Hành Yếu Chỉ, nó đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Trung Hoa. Chúng ta có thể đọc cuốn đó cho thật kỹ rồi đem ra thực tập. Thực tập với những người đang sống cạnh chúng ta, và chúng ta hãy thực tập bất cứ lúc nào chúng ta có nhu yếu muốn di chuyển từ điểm này sang điểm khác, dù chỉ đi ba bước cũng thực tập thiền hành. Trong khóa tu mùa Đông này tất cả chúng ta đều thực tập đi theo phương pháp đó để trở về, để chấm dứt sự đi hoang. Ba tháng hạ thủ công phu là nhiều lắm! Có phúc lắm mới có cơ duyên để thực tập với tăng thân trong ba tháng.
Trong khi đi, chúng ta phối hợp hơi thở và bước chân. Đây là nói chuyện đi thiền hành ở ngoài trời. Nếu cần đi nhanh, chúng ta cũng có thể đi nhanh. Nhưng đi nhanh trong chánh niệm thì không giống như đi mà bị ma đuổi. Khi hơi thở vào được đo bằng số bước chân của mình, ví dụ khi thở vào mình đi hai bước, thì mình nói "Đã về, đã về". Khi thở ra, mình có thể đi hai bước kế và mình nói "Đã tới, đã tới". Tuy nhiên, những quán ngữ này chỉ là những phương tiện thôi. Chúng ta đừng nói "Đã về, đã về" trong khi chúng ta đang trôi lăn. Chúng ta cũng đừng nói "Đã tới, đã tới" trong khi chúng ta đang trôi lăn. Khi nói đã về thì chúng ta phải thật sự về. Khi chúng ta nói đã tới thì chúng ta phải thật sự tới, đó là bí quyết của sự thực tập. Nếu không thì cũng giống như mình đếm tiền giùm cho người khác, hay đếm cho nhà băng. Đếm suốt năm nhưng mình vẫn không có đồng nào dính túi!
Đã về thì mình phải về thật, mình phải trở về an trú trong hiện tại, mình phải buông bỏ sự lo lắng của quá khứ, phải buông bỏ sự sợ hãi ở tương lai. Tại vì bây giờ và ở đây là cái nhà, là quê hương của mình, trở về trong giây phút hiện tại. Giây phút hiện tại có sự sống, có tổ tiên, có Bụt, có cha mẹ, mình tiếp xúc lúc nào cũng được, với điều kiện mình phải trở về quê hương. Về đó ta có đủ hết. Từ sự sống cho đến tổ tiên. Mình có thể đi mau hay là đi chậm, tùy mình.
Đối với những người mới thực tập thì hơi thở vào thường ngắn hơn hơi thở ra. Cho nên khi thở vào mình có thể bước hai bước, nhưng khi thở ra mình có cảm tưởng rằng mình sẽ thoải mái hơn nếu mình bước ba bước. Trong trường hợp đó mình thực tập "Đã về, đã về; đã tới, đã tới, đã tới". Theo nhịp đó tức là hoặc hai-hai, hoặc hai-ba, hay ba-ba, là do nhu yếu của hai lá phổi của mình.
Có thể ban đầu mình thực tập hai-ba thì thấy rất thoải mái. Nhưng một hồi sau, lá phổi của mình nói với mình rằng bây giờ anh cho tôi ba-ba thì tôi thích hơn! Lúc đó mình chuyển thành "đã về, đã về, đã về; đã tới, đã tới, đã tới". Mình phải luôn luôn để ý tới nhu yếu của lá phổi của mình, nó muốn bao nhiêu, mình cho nó bấy nhiêu, mình đừng ép nó. Đừng tưởng rằng thở sâu hơn là tốt hơn, thở chậm hơn thì tốt hơn. Sau khi thực tập chừng mười, mười lăm phút thì hơi thở của mình sẽ tự động sâu hơn và chậm lại, và cái phẩm chất, cái an lạc của hơi thở sẽ tăng tiến.
Chúng ta đừng thực tập theo kiểu hình thức, chúng ta phải thật sự thực tập ở trong lòng, phải thực tập trở về trong mỗi bước chân. Quê hương đi về trên mỗi bàn chân có nghĩa là vậy. Bước chân nào chúng ta cũng giẫm trên quê hương của chúng ta cả. Quê hương đây là cái gốc rễ, cái cội nguồn của chúng ta. Trên sàn gỗ hay trên đường đất, trên bãi cỏ hay trên đường trải đá, chỗ nào cũng là quê hương cả, quý hồ là tâm mình có trở về trong giây phút hiện tại.
Khi đi như vậy, lâu lâu chúng ta ngừng lại, có thể chúng ta thấy một cây đẹp hay một tờ lá đẹp, hoặc chúng ta nghe tiếng chim hót, thì cây đẹp đó, tờ lá đó, tiếng chim hót đó cũng thuộc về lĩnh vực của quê hương ta. Chúng ta ngừng lại, thở, mỉm cười và nhận diện những hiện tượng mầu nhiệm đó. Ở trong cây đó, trong tờ lá đó, trong tiếng chim ca đó có Bụt, có tổ tiên, có quê hương. Chúng ta mỉm cười, chúng ta nhìn, chúng ta tiếp xúc, lúc đó tuy không có bước chân, nhưng chúng ta vẫn tiếp xúc với quê hương như thường.
Khi đi thiền hành chung, lâu lâu chúng ta nghe một tiếng khánh, ta dừng lại nhìn nhau, tiếp xúc với trời xanh, với mây trắng, với tiếng chim, với lá vàng. Trong giây phút đó chúng ta phải an trú với hiện tại. Nếu không thì trời xanh, mây trắng, lá vàng, tiếng chim hót sẽ biến mất, nhường chỗ cho sự trôi lăn của chúng ta: "Chà, ngày mai mình phải làm sao đây! Hôm qua mình quên làm điều đó!". Như vậy có nghĩa là mình đang trôi lăn.
Thở vào tôi thấy trời hôm nay xanh, thở ra tôi cảm thấy có hạnh phúc.
Thở vào tôi nhận diện sương mù buổi sáng, thở ra tôi mỉm cười với sương mù.
Mình dùng hơi thở để giữ tâm của mình lại trong giây phút hiện tại mà tiếp xúc với những gì đang xảy ra. Khi tiếng chuông đồng hồ điểm, đó cũng là một dấu hiệu để nhắc nhở chúng ta trở về với hơi thở và tiếp xúc với sự sống trong giây phút hiện tại.
Ở Làng Mai khi nghe tiếng điện thoại reo, chúng ta cũng thực tập. Chúng ta biết rằng hơi thở có ý thức là rất mầu nhiệm. Thở vào, biết mình thở vào. Thở ra, biết mình thở ra. Thở vào, mình thấy một ngọn lá vàng, thở ra mình mỉm cười với ngọn lá vàng. Mình tiếp xúc với ngọn lá vàng, thì hơi thở đó bảo hộ mình, duy trì chánh niệm của mình, giúp cho mình ở lại với giây phút hiện tại. Cho nên người tu mà không biết sử dụng phương pháp hơi thở chánh niệm, pháp An Ban Thủ Ý, thì không biết làm sao mà có thể tu được!
Đi thiền hành có thể đem lại rất nhiều an lạc và hạnh phúc. Chỉ cần đi là có an lạc liền. Có một thiếu nữ làm việc ở Paris. Buổi sáng sớm cô phải ăn sáng, rồi phải lấy xe điện hầm để đến nơi làm việc. Nhiều lúc cô phải chạy thì mới bắt kịp một chuyến Métro. Một hôm đi vào trong thang máy, cô gặp một bà cụ cũng đang đứng trong thang máy, cô chào bà và than rằng sống mà phải chạy thì thật không đáng sống! Thiên hạ khi gặp nhau thường nói một câu xã giao như vậy. Bà cụ mới đưa mắt nhìn cô từ đầu đến chân và nói: Nhưng cô còn có hai chân khỏe và cô chạy được. Tôi thì vô phương, tôi chạy là tôi té liền!
Sự thật là như vậy, có được đôi chân còn mạnh là một hạnh phúc rất lớn. Chỉ cần đi thiền hành, chỉ cần chạy được là có hạnh phúc rồi. Cái hạnh phúc đó nó vượt khỏi tầm tay hoặc tầm chân của bà cụ kia. Bây giờ cụ có muốn chạy, cụ chạy cũng không được.
Giả dụ có một phi hành gia không gian được gởi lên mặt trăng để nghiên cứu một điều gì đó, và phi thuyền của anh ta bị trục trặc, không trở về được, và bình chứa dưỡng khí chỉ đủ để anh sống được chừng ba, bốn ngày nữa. Anh biết mình sẽ chết, tại vì từ Houston người ta không thể nào kịp thời gởi lên mặt trăng một phi thuyền khác cho anh trở về! Đây chỉ là chuyện ví dụ thôi. Khi biết trước rằng trong ba ngày nữa mình sẽ hết dưỡng khí và sẽ chết, thì thử hỏi anh chàng ở trên mặt trăng đó nghĩ gì, ước mơ gì, điều kiện hạnh phúc của anh là gì?
Ở trên mặt trăng hình như mình không đi thiền hành được, tại vì hấp lực trên đó khác với quả đất, mình chỉ có thể nhảy thôi chứ không đi được! Anh chàng mới nhớ đến trái đất, nhớ đến hành tinh của mình. Từ mặt trăng mà nhìn về trái đất thì nó đẹp vô cùng. Màu biển xanh. Quí vị đã thấy hình trái đất chụp từ trên không gian chưa? Nó đẹp lắm. Nhìn cho kỹ thì mình sẽ thấy mình đang đi trên đó, mình thấy những con sóc đang leo lên cây, thấy những dòng suối chảy róc rách. Nếu nhìn sâu với chánh niệm, mình sẽ thấy biết bao nhiêu mầu nhiệm đang xảy ra trên hành tinh nhỏ bé đó mà trong quá khứ, ba mươi, ba mươi hai năm mình chưa bao giờ thực sự thưởng thức cái đẹp của hành tinh này. Mình luôn luôn chạy như bị ma đuổi; mình gây lộn với người này, ganh tị với người kia; chạy theo cái này, chạy theo cái kia. Chưa bao giờ mình thấy được cái đẹp, hưởng được hạnh phúc của một người thảnh thơi, bước những bước chân nhẹ nhàng trên ngôi hành tinh xinh đẹp này.
Nhà phi hành gia kia tự hỏi bây giờ mình muốn gì? Cái gì là quý nhất cho mình? Thì cái ước muốn duy nhất của anh là có thể trở về với trái đất. Anh không muốn làm gì nữa, không cần phải có một bằng tiến sĩ nữa hay một chức chủ tịch nữa. Anh chỉ muốn trở về trái đất để có thể bước được những bước chân thảnh thơi, nhẹ nhàng. Đối với chàng phi hành gia không gian thì đó là cái ước muốn sâu sắc nhất. Những ham muốn khác nó lạnh như tro tàn, chỉ còn một ham muốn duy nhất là được trở về với quê hương, trở về với hành tinh xinh đẹp đó, để bước những bước chân thảnh thơi trên đó là đủ để có hạnh phúc rồi. Anh chàng đã giác ngộ! May mắn thay cho anh chàng, Houston bày anh điều chỉnh được máy móc phi thuyền, và anh trở về được trái đất!
Tất cả chúng ta đều là những phi hành gia không gian đã từ mặt trăng trở về đây. Bây giờ chúng ta muốn gì? Chúng ta có khả năng bước những bước nhẹ nhàng, thảnh thơi, hạnh phúc trên hành tinh xinh đẹp này hay không? Hay chúng ta còn muốn đuổi theo, chạy theo một cái gì nữa?
Chỉ cần nghĩ như vậy là đi thiền hành có thể đem lại cho chúng ta hạnh phúc rất lớn, và mỗi bước chân nó nuôi dưỡng thân và tâm của chúng ta rất nhiều. Mỗi bước chân có thể chuyển hóa, có thể tháo gỡ được những khổ đau, những ràng buộc ở trong tâm.
Chỉ cần đi thiền hành thôi là đã đủ lắm rồi. Nhưng ta phải hạ thủ công phu, phải get down to the real practice thì mới được. Tại vì công phu này nó không khó khăn, không mệt nhọc. Công phu này đem lại hạnh phúc, an lạc trong từng phút từng giây cho chúng ta.
Chúng ta là những người giàu có, chúng ta có dư những điều kiện của hạnh phúc, nhưng chúng ta không có hạnh phúc, tại vì chúng ta đi hoang, chúng ta không có khả năng trở về, và thiền hành là một trong những phương pháp để trở về, và chúng ta có thể trở về bất cứ lúc nào. Đi Paris thì phải đi đến 3, 4 tiếng tàu TGV, nhưng trở về quê hương, chúng ta chỉ cần một hơi thở. Hơi thở phối hợp với bước chân.
Có người có thể bước được những bước chân chánh niệm mà không cần theo dõi hơi thở. Trong ta ai cũng có khả năng đó, bước một hai bước có chánh niệm mà không cần phải phối hợp với hơi thở. Phần lớn chúng ta đều có thể duy trì bước chánh niệm sau một số bước. Vì vậy cho nên nếu chúng ta nuôi dưỡng được hơi thở, phối hợp được hơi thở và bước chân thì chúng ta có thể tiếp tục bước được những bước chân chánh niệm, chúng ta có thể đi như vậy trong cả tiếng đồng hồ mà vẫn không đánh mất chánh niệm của bước chân. Còn nếu không biết sử dụng hơi thở ý thức thì bước chân chánh niệm của chúng ta có thể bị đánh mất. Một khi sự suy nghĩ trở về thì chúng ta trôi lăn. Trôi lăn thì hành tinh xinh đẹp sẽ mất đi, chính chúng ta cũng mất đi, chỉ còn sự suy nghĩ về quá khứ, về tương lai, chỉ có sự lo lắng, buồn khổ nó trở về, nó kéo ta đi. Con ma nó trở về!
Vì vậy cho nên hơi thở ý thức nó bảo vệ ta, nó giữ gìn ta ở tại quê hương, không để chúng ta đi hoang trở lại, vì sự đi hoang có thể xảy ra bất cứ giờ phút nào trong đời sống của bất kỳ ai trong chúng ta. Đó là pháp môn thiền hành của Làng Mai.
Tuy vậy thiền hành của Trung Quốc thì họ đi rất nhanh. Hồi sang giảng dạy tại Trung Hoa, tôi có được nói chuyện với Hòa Thượng Tịnh Huệ. Hòa Thượng nói rằng: Bắt buộc mình phải đi mau. Trong khi đi mau như vậy thì mình không có giờ để suy nghĩ, thành ra đi như vậy là thực hiện được chuyện không suy nghĩ, và đó là điều quan trọng nhất của việc thực tập. Chính trong những lúc không suy nghĩ mà tự nhiên một biến cố nào xảy ra, như một tiếng động, hay là một ly trà rớt xuống nền thiền đường và bể tan, thì mình có thể giác ngộ.
Cách cắt nghĩa đó chúng ta đã nghe từ nhiều vị thiền sư khác. Cố nhiên pháp môn nào cũng có cái hay của nó. Đâu đó, sử sách có ghi lại rằng phương pháp đi thiền hành mau bắt đầu từ một vị thiền sư ở chùa Cao Mân, Trung Quốc.
Hồi đó tại chùa Cao Mân có một vị thiền sư lớn tên là Ngọc Lâm Quốc sư. Chắc quý vị có người đã đọc cuốn Thoát vòng tục lụy của thầy Quảng Độ. Hòa Thượng Quảng Độ dịch lại một cuốn tiểu thuyết nói về cuộc đời của Ngọc Lâm Quốc sư. Ngài là một vị quốc sư nổi tiếng vào cuối đời Minh. Ngọc Lâm Quốc sư là đệ tử của thiền sư Thiên Ẩn Viên Tu, chùa Cao Mân.
Thầy Ngọc Lâm nổi tiếng lắm. Sau khi Quốc sư Ngọc Lâm viên tịch, người ta thấy có một khoảng trống rất lớn, cho nên vua đầu của nhà Thanh là vua Ung Chính, tức là vua Thế Tông đời nhà Thanh (1723-1735) muốn tìm một người để tiếp nối Quốc sư Ngọc Lâm.
Hồi đó có người trình rằng người có thể tiếp nối được Quốc sư Ngọc Lâm là thầy Thiên Tuệ Thật Tuyệt, hiện đang ở chùa Cao Mân. Lúc đó vua Thế Tông nhà Thanh mới mời thiền sư Thiên Tuệ vào cung.
Khi thiền sư vào cung, nhà vua hỏi:
-Bạch ngài, ngài có biết nguyên tắc chính của Quốc sư Ngọc Lâm không? Thiền sư nói rằng:
-Tâu Hoàng thượng cái đầu của bần tăng bây giờ nó hơi lộn xộn. Câu trả lời "Cái đầu của tôi còn hơi lộn xộn" làm cho nhà vua rất rầu! Nhà vua thấy rõ rằng một vị quốc sư nổi tiếng như vậy vừa mới tịch, mình cần có người nối tiếp mà cao đệ của quốc sư lại nói vậy thì thật là một sự mất mát rất lớn. Phải biết rằng vua là một người có tu, có học, có kiến thức, và trong cung điện, vua có thiền đường riêng để cho vua tọa thiền. Từ sự buồn rầu, vua chuyển sang cơn giận nên nói rằng:
-Nếu trẫm chặt đầu lộn xộn của thầy đi thì thầy làm sao? Thiền sư không trả lời được. Nhà vua nói:
-Trẫm cho thầy bảy ngày, nếu trong bảy ngày mà thầy không cho trẫm một câu trả lời thì trẫm sẽ chém đầu thầy! Đây không phải là chuyện nói chơi. Ở trong cung có một thiền đường mà trẫm hay sử dụng để thực tập ngồi thiền ngày đêm, thầy cứ vào trong đó để ngồi thiền đi. Nếu bảy ngày mà không thành công thì coi như hư hết. Quốc gia đang cần một vị quốc sư, nếu thầy không làm được chức vụ đó thì thầy không xứng đáng.
Thầy Thiên Tuệ vâng lời, đi vào thiền đường của vua để ngồi thiền. Ngài ngồi rất tinh chuyên, ngồi xong lại đi thiền hành, rồi lại ngồi thiền. Bỏ ăn bỏ uống vì đây là vấn đề sống chết.
Đến 12 giờ khuya của ngày thứ nhất thì có tiếng gõ cửa, một vị sứ giả vào nói: Bạch ngài đây là cuối ngày thứ nhất. Rồi ngày thứ hai thầy Thiên Tuệ cũng thực tập rất hết lòng như vậy, nhưng rốt cuộc không đi tới đâu. Rồi đến 12 giờ khuya, vị sứ giả lại gõ cửa vào và nói: Đây là cuối ngày thứ hai. Cứ như vậy, cuối ngày thứ ba, cuối ngày thứ tư, cuối ngày thứ năm, cuối ngày thứ sáu.
Tới ngày thứ bảy thì thiền sư ngồi không được nữa, tại vì cái chết nó đến gần quá. Cho nên thiền sư đứng dậy đi thật nhanh. Trong khi đi nhanh đó, đầu của thiền sư bị đụng vào một cái cột ở trong thiền đường kêu một tiếng "bốp" và tự nhiên thầy tìm ra được cách giải quyết. Thầy bước ra bảo quân hầu: Ngươi ra tâu với hoàng thượng rằng ta có câu trả lời rồi. Không biết câu trả lời của thiền sư là như thế nào, nhưng nhờ đó mà ngài được tôn lên làm quốc sư, thay thế cho Quốc sư Ngọc Lâm.
Câu chuyện đó được truyền ra và từ đó các thiền viện bắt đầu áp dụng phương pháp đi thiền hành nhanh mà tiếng Anh gọi là Sitting and Running.
Phương pháp này thật sự thuộc phái Lâm Tế, nhưng là phái Lâm Tế của thượng bán thế kỷ thứ 18. Trong khi đó thì thiền phái Lâm Tế đã đi vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 12, 13. Cho nên chúng ta cũng có Lâm Tế, nhưng không có Lâm Tế thiền chạy.
Nghe nói sư cô Định Nghiêm có một cuốn Thực Phổ những món ăn của người Pháp. Mỗi lần đến phiên sư cô nấu cơm thì sư cô thường kéo cuốn đó ra để tìm một vài món ăn.
Chúng ta cũng vậy, là người tu chúng ta phải có một cuốn Thiền phổ.
Thiền phổ là một tập sách trong đó có những chỉ dẫn về phương pháp thiền tập mà chúng ta phải sử dụng mỗi ngày. Nếu trong tuần, bảy ngày chúng ta mới có một lần thiền vào ngày chủ nhật, thì chúng ta sẽ dùng cuốn thiền phổ bảy ngày một lần thôi. Nhưng vì ở làng mỗi ngày chúng ta đều có thiền tập, nên chúng ta phải sử dụng thiền phổ của chúng ta hàng ngày, hai lần một ngày.
Thiền phổ đối với người tu cũng như là nhạc khí của người nhạc sĩ, luôn luôn cầm ở trong tay. Mình nhập thất hay không nhập thất thì mình vẫn cần thiền phổ như thường. Buổi sáng trước khi đi ngồi thiền, mình biết là mình sẽ thực tập theo bài thiền tập nào, biết bài thiền tập nào mình đang cần thực tập. Buổi tối đi thiền tọa, trước khi vào thiền đường mình đã biết trước hôm nay mình sẽ thực tập theo bài thiền tập nào.
Có thể là khi ngồi vào sẽ có sự thay đổi, tùy nhu yếu trong lúc đó. Nhưng trước đó chúng ta phải có một ý niệm rằng chúng ta sẽ thực tập bài nào. Cũng như trước khi nói một bài pháp thoại, chúng ta thường soạn trước. Hôm nay thính chúng là người Đức ở Dortmund hay ở Munchen. Thính chúng đó như thế nào? Do quán chiếu đó mà chúng ta có một ý niệm về nội dung và hình thức của bài pháp thoại.
Thiền tập cũng vậy, chúng ta biết tình trạng tâm lý và sinh lý của chúng ta trong ngày đó, và chúng ta nghĩ rằng sáng hôm nay đi thiền tọa thì mình sẽ thực tập bài tập này hay bài tập kia.
Chúng ta có một tài liệu về thiền phổ rất hay, đó là cuốn Sen Búp Từng Cánh Hé, vừa được phát hành bằng tiếng Đức. Chúng ta có bản tiếng Anh và nhiều bản dịch khác.
Người thiền giả cần phải có cuốn này trong tay. Quý vị phải đọc từ đầu tới cuối để nhận diện xem những bài tập nào là thích hợp với mình, và bài tập nào mình cần thực tập trước. Mỗi ngày chúng ta có thể sử dụng thiền phổ này nhiều lần.
Trước đây có nhiều người không biết trong khi ngồi thiền họ phải làm gì. Đến giờ thì đi ngồi thiền vậy thôi, không bao giờ chuẩn bị trước. Có người nói là phải theo dõi hơi thở, phải quán chiếu. Nhưng phải theo dõi hơi thở như thế nào, quán chiếu ra làm sao, những điều đó không được chuẩn bị và giãi bày một cách minh bạch.
Sự xuất hiện của tập thiền phổ này có thể tạo ra một sự thay đổi lớn trong giới thiền tập, tại vì trong thiền phổ này chúng ta có vào khoảng 40 bài hướng dẫn thiền tập, và có những bài có thể thực tập nhiều lần. Có những bài thực tập có thể chia ra làm ba, bốn đoạn, mỗi đoạn thực tập một lần. Mỗi lần có thể kéo dài một hay hai, ba tuần tùy nhu yếu.
Thiền phổ Sen Búp Từng Cánh Hé có những bài thực tập được phối hợp với hơi thở vào, hơi thở ra và nụ cười. Trong khi thở vào một hơi thì chúng ta duy trì một hình ảnh. Hình ảnh đó phải sống động và có mặt trong suốt hơi thở vào.
Ví dụ chúng ta thực tập: Tôi đang thở vào và thấy tôi là một đỉnh núi, thì trong tư thế thiền tọa, mình ngồi vững chãi, và chính sự vững chãi của thân mình là tính của núi, núi là vững chãi. Sự vững chãi của thân nó làm điều kiện tất yếu để đưa tới sự vững chãi của tâm. Thân ngồi vững thì tâm bắt đầu vững lại, tại vì thân tâm có ảnh hưởng tới nhau.
Tôi đang thở vào và tôi thấy tôi là núi. Đây không phải là một sự tưởng tượng tại vì mình đang thực tập mình là núi! Không phải như vậy. Trong suốt hơi thở vào đó, có thể là 15 hay 20 giây thì hình ảnh của trái núi nó được duy trì, mình biết mình làm gì trong khi mình thực tập: Mình duy trì hình ảnh trái núi đó, mà trái núi đó không phải là đối tượng từ bên ngoài. Trái núi đó chính là thân thể của mình, tại vì mình đang ngồi vững chãi. Núi không còn là một ví dụ nữa. Núi là một thực tại. Trong núi có mình, trong mình có núi. Khi thở ra, chúng ta có thể thấy được tính chất vững vàng của núi, cho nên khi thở ra mình cảm thấy vững vàng như núi. Đó là bài tập "Là núi vững vàng" nằm trong thiền phổ này. Nó chỉ là một phần của một bài thực tập, mà phần đó chúng ta có thể lấy riêng ra để thực tập trong vòng 10 hay 15 phút, không cần phải thực tập hết cả bài.
Vậy thì hơi thở vào và hơi thở ra trở thành một phương tiện, một dụng cụ để chúng ta duy trì hình ảnh của thiền quán trong ta, để ta quán chiếu hình ảnh đó, để ta thực hiện được hình ảnh đó trong ta.
Sau khi thở vào, tôi thấy tôi là núi, thở ra tôi cảm thấy vững vàng, chúng ta có thể bắt đầu lại hơi thở đó: "Thởvào là núi, thở ra vững vàng", và trong thời gian năm phút mà chúng ta thực tập đó, chúng ta đưa chất liệu của sự vững chãi vào trong cơ thể và vào trong tâm hồn của chúng ta. Sự thành công của chúng ta được đo bằng mức độ chánh niệm, mức độ định lực của chúng ta. Khi có niệm và có định thì thế nào cũng sẽ có cái thấy. Đừng trông đợi cái thấy, cái thấy nó có thể tới bất cứ lúc nào, dù là trong giấc mơ của chúng ta, cái thấy cũng có thể tới.
Thiền tập có nhiều công dụng.
♦ Công dụng thứ nhất là nuôi dưỡng. Người thiền giả phải biết nuôi dưỡng thân và tâm của mình, và chuyện nuôi dưỡng này phải được thực tập hàng ngày. Cho nên đi vào ngồi thiền hay đi ra thiền hành, đều là những động tác nuôi dưỡng. Cũng như chúng ta ăn cơm. Thiền tập là một thực tập ăn cơm, ăn cho thân và ăn cho tâm.
Trong chùa chúng ta có câu "Thiền duyệt vi thực" mà chúng ta đọc trong buổi cúng ngọ. Thiền duyệt vi thực nghĩa là niềm vui của thiền sử dụng như là thức ăn cho thân tâm. Mỗi buổi thiền tọa như vậy nên bắt đầu bằng sự nuôi dưỡng. Chúng ta có rất nhiều bài thi kệ với mục đích nuôi dưỡng thân và tâm của chúng ta. Ví dụ như bài:
Thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra,
Hơi thở vào đã sâu, hơi thở ra đã chậm,
Thở vào tôi thấy khỏe, thở ra tôi thấy nhẹ,
Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười,
An trú trong hiện tại, giây phút đẹp tuyệt vời.
Trong khi thực tập bài đó chúng ta cảm thấy khỏe, nhẹ, tĩnh lặng, hoan hỷ. Đó là một trong những bài có tác dụng nuôi dưỡng. Chúng ta có thể bắt đầu mỗi buổi thiền tọa bằng một bài như bài đó. Hoặc chúng ta có thể thực tập bài Đây là Tịnh độ.
Trong ta có khuynh hướng muốn chạy, muốn tới chỗ mà ta cảm thấy thoải mái, cảm thấy an lạc. Chỗ đó có thể là một địa vức khác, một thời gian khác. Tuần sau hay tuần sau nữa, hoặc bên Mỹ hay là bên Đức.
Cái khuynh hướng muốn đi tìm sự thoải mái, sự dễ chịu, sự an lạc trong tương lai, hay ở một địa phương khác, đã thâm căn cố đế có mặt ở trong ta. Vì vậy chúng ta phải tạo dựng một khuynh hướng mới, một khuynh hướng có khả năng có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Muốn vậy chúng ta sử dụng bài Đây là tịnh độ.
Trong giờ phút hiện tại chúng ta có thể tìm ra tất cả các điều kiện của hạnh phúc, từ không khí trong lành, màu trời xanh, lá Thu rụng, tiếng chim ca, người bạn tu, cho đến cái thân thể đang tương đối có sức khỏe của chúng ta. Những điều kiện đó chúng ta đang có, và chúng ta biết rằng chúng ta có thể có hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Cùng ngồi đây trên gối thiền với tăng thân, nếu có con mắt tuệ thì chúng ta sẽ thấy rằng những điều kiện của hạnh phúc đã được hội đủ, và chúng ta chỉ cần hưởng hạnh phúc mà thôi, không còn phải chờ đợi gì nữa cả.
Người Pháp có một bài hát tựa là "Anh đợi gì nữa mà không có hạnh phúc đi?" Qu'est-ce qu'on attend pour être heureux? Tựa đó rất hay. Khi ngồi trên gối thiền, mình thấy rằng tại sao mình phải chạy về tương lai, tại sao mình phải chạy đi một nơi khác? Vì vậy mình thở vào và nói: Đây là tịnh độ. Không có một tịnh độ nào khác ngoài cái tịnh độ của giây phút hiện tại. Khi thở ra mình nói Tịnh độ là đây. Rồi mình đem tịnh độ đặt ngay tại đây và an trú ở trong đó.
Mức thành công của chúng ta tùy thuộc vào sự sáng suốt của chúng ta, sự quán chiếu của chúng ta. Nếu khi thở vào và nói Đây là tịnh độ mà cái mặt của ta rầu rầu, cái miệng của ta méo xẹo, thì đó không phải là thiền quán, mà đó là một sự ép buộc, một sự tự kỷ ám thị, không thành công. Chúng ta phải thực sự thấy rằng những điều kiện hạnh phúc nó có đủ ngay bây giờ và ở đây. Cái thấy đó giúp cho chúng ta thiết lập được tịnh độ ngay trong giờ phút hiện tại.
Đây là tịnh độ, tịnh độ là đây. Ban đầu đó là một sự đề kháng, một sự chống lại khuynh hướng muốn chạy tìm hạnh phúc, tìm cái thoải mái ở nơi khác và lúc khác. Đối kháng với cái khuynh hướng đó để thực sự trở về mà tìm thấy cái an lạc ngay trong hiện tại.
Có những người lớn tuổi họ rất tiếc tuổi trẻ của họ. Trong khi đó mình còn trẻ, mình có muốn chạy như họ để ngày mai mình tiếc nuối tuổi trẻ của mình hay không? Thành ra tuổi trẻ là một phần tịnh độ của mình ngày hôm nay, và mình phải thấy được đó là một châu báu. Hơi thở của mình, nụ cười của mình, sự tươi mát của mình, gối ngồi thiền của mình, tăng thân của mình, ngày hôm nay của mình, 24 giờ tinh khôi, đó là những điều kiện hạnh phúc.
Riêng bài thiền tập này thì cách nói Đây là tịnh độ, tịnh độ là đây là truyền thống Phật giáo. Nói rằng "đây là tịnh độ" thì chưa đủ, phải nói xuôi lại "tịnh độ là đây" thì mới đủ. Cũng như câu "Sắc bất thị không", rồi lại nói "Không bất thị sắc". Cách nói đó rất có tính chất của đạo Bụt, lặp đi lặp lại thì mới nhớ, mới hiểu. Tụng có nghĩa là vậy, tụng là lặp đi lặp lại, niệm là nhớ lại. Tụng là để niệm, niệm là để tụng, và thiền tập cũng là một loại tụng niệm.
Mỉm cười chánh niệm, khi mình mỉm cười, thì mình mỉm cười với cái gì mới được chứ, và tại sao mình mỉm cười? Thứ nhất là cười đối với mình. Mình có khuynh hướng muốn chạy, mình nhận diện được khuynh hướng muốn chạy của mình cho nên mình mỉm cười. Nụ cười này không phải là một chế nhạo, mà là một sự hoan hỷ, một lòng từ bi đối với mình. Nụ cười này là một sự chiến thắng, mỉm cười được một cái là mình chấm dứt được sự chạy hoang của mình.
An trú hôm nay, lúc đó mình thấy được tất cả những thứ mình đi kiếm từ muôn ngàn kiếp cho đến bây giờ nó có mặt ngay tại đây.
Bụt là lá chín. Đi đâu mà không gặp những tờ lá chín của mùa Thu?
Pháp là mây bay, chỉ cần nhìn vào trong lá mùa Thu, chỉ cần lắng tai nghe tiếng mây bay là chúng ta nghe được pháp. Bụt và pháp không ở đâu xa, không ở Tây phương. Bụt, pháp ở ngay tại đây.
Tăng thân khắp chốn, quê hương nơi này, chỗ nào cũng có tăng thân, và quê hương của chúng ta là nơi đây. Ở đâu cũng là quê hương cả. Trong giờ này quê hương là ở đây.
Thở vào hoa nở, thở ra trúc lay, tâm không ràng buộc, không ràng buộc bởi những cái lo lắng, những cái vấn vương, sầu não, thao thức muốn đi tìm hạnh phúc ở nơi khác và lúc khác.
Tiêu dao tháng ngày, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi giây phút đều có thể có hạnh phúc cả, và đó là chúng ta nuôi dưỡng chúng ta bằng thiền tập.
♦ Hiệu năng thứ hai của thiền tập là tác dụng trị liệu. Trị liệu tức là chữa lành những vết thương của chúng ta, những vết thương trong thân, và những vết thương trong tâm. Khi chúng ta cảm thấy bồn chồn, khi chúng ta cảm thấy ngồi như ngồi trên đống lửa, không ngồi yên được bất cứ ở trên ghế hay trên tọa cụ của mình, hoặc trên bãi cỏ này, thì chúng ta phải biết ôm lấy nỗi bồn chồn đó bằng chánh niệm của chúng ta. Chúng ta phải thở vào và nói rằng: Thở vào tôi biết là tôi đang bồn chồn, bất an, Thở ra tôi mỉm cười với sự bồn chồn, bất an của tôi. Không trách móc gì cả.
Mình là con người, mình bồn chồn, mình bất an là chuyện có thể xảy ra. Vấn đề không phải là tự trách móc hay là tự chê bai, vấn đề là phát khởi chánh niệm để ôm lấy nỗi bồn chồn đó, niềm bất an đó, tại vì chánh niệm là Bụt. Bụt ơi tới giúp con với! Bụt sẽ tới và mỉm cười, Bụt ôm mình trong lòng của Bụt, ôm cái bồn chồn, ôm cái bất an của mình. Nếu mình thực tập như vậy năm bảy phút thì nó có chuyển hóa của sự bồn chồn, bất an.
Hoặc khi sư anh nói một câu gì làm mình giận, sư chị nói một câu gì làm mình giận, và trong cái giận đó mình co rúm lại, mình rút vào trong cái vỏ ốc của mình, mình không muốn nhìn trời nhìn đất gì cả. Trời xanh thì mặc trời xanh, mây trắng thì mặc mây trắng, không có gì đẹp cả, chỉ có nỗi khổ niềm đau của mình mới là quan trọng, mình rút lui vào, gậm nhấm niềm đau đó để nó làm tiết ra những độc tố cho thân, cho tâm của mình.
Thiền tập là phương pháp để đối trị với niềm đau đó, để trị liệu cho niềm đau đó. Cố nhiên trong khi ngồi hay đi, nằm hay đứng, mình phát khởi chánh niệm, nuôi dưỡng chánh niệm đó bằng hơi thở vào, hơi thở ra. Thở vào tôi biết tôi đang buồn đau, thở ra tôi ôm ấp niềm đau của tôi. Không có ai buộc mình phải đánh đuổi niềm đau của mình. Không có ai bắt buộc mình phải dày vò, phải trách móc niềm đau của mình. Phương pháp của đạo Bụt là mình phát khởi chánh niệm, chánh niệm là sự tỉnh thức, là tình thương. Sự tỉnh thức và tình thương đó ôm lấy niềm đau kia mà nâng niu, thoa dịu.
Người tu mỗi khi có một niềm đau, mỗi khi có một cơn giận, cơn buồn, có sự lo sợ là phải biết tự săn sóc mình, tự chữa trị mình bằng năng lượng của chánh niệm. Chánh niệm trong khi ngồi, trong khi đi, trong khi đứng. Tôi đang thở vào và biết rằng tôi đang buồn, tôi đang thở ra và tôi mỉm cười với cái buồn trong tôi. Cứ ôm lấy nỗi buồn của mình một cách rất dịu dàng, rất tha thiết, rất thương yêu, thì tự nhiên nỗi buồn đó sẽ dịu đi. Nếu tiếp tục thì mình thấy được cội nguồn của cơn buồn đó. Đôi khi cội nguồn của nỗi buồn đó là sự vụng dại của mình, sự u mê của mình.
Thường thường cái giận, cái buồn của mình nó phát xuất từ sự u mê của mình, nhưng mình không chấp nhận điều đó, mình nói nguồn gốc niềm đau của mình là do người kia, chứ không nhận diện rằng do tại mình. Người kia nói gì thì nói, người kia làm gì thì làm, nhưng nếu mình là con người giải thoát, nghĩa là nếu mình có trí tuệ, có tình thương, thì những lời nói đó, những hành động đó không động được tới mình. Mình vẫn mỉm cười được như thường. Bụt có nói hầu hết những khổ đau của chúng ta là do chính chúng ta tạo ra.
♦ Thiền quán lại có mục đích chuyển hóa. Trước tiên là chuyển hóa khối u mê của mình nhờ đó mà những cái khác từ từ được chuyển hóa. Vô minh là nội kết lớn nhất trong tất cả các nội kết.
Trong tất cả các nội kết, nếu phân tích ra chúng ta đều thấy chất vô minh ở trong đó. Khi mới tu, mới đọc kinh sách, mình nghe nói chuyện siêu thoát sinh tử nó giống như chuyện trên trời dưới biển. Mình như vậy mà siêu thoát sinh tử sao cho được! Nhưng nếu mình thực tập với niềm tin thì chỉ trong một thời gian ngắn là mình khám phá ra được rằng chuyện siêu thoát sinh tử là chuyện mình có thể làm được, nó nằm trong tầm tay của mình.
Sau khi mình đã điều phục hơi thở rồi, điều phục thân và tâm của mình rồi, mình có thể dùng một bài thiền quán như bài Quán tưởng về duyên sinh. Những bài đó có rất nhiều trong cuốn thiền phổ Sen Búp Từng Cánh Hé. Ví dụ "Tôi đang thở vào và thấy yếu tố đất trong tôi". Điều đó ai mà không làm được? Mình thấy yếu tố đất không phải trên những cáu bẩn ở trên da mình sau mấy ngày không tắm, mà mình thấy yếu tố đất ở trong mình, tại vì mình được làm bằng bụi đất. Cơ Đốc giáo họ cũng nói Thiên Chúa đã lấy đất sét để tạo ra con người. Đất bụi, ngươi sẽ trở về đất bụi. Cọng rau của chúng ta ăn là do đất làm ra. Khi ăn rau vào là chúng ta ăn đất vào.
Thở vào tôi thấy yếu tố đất ở trong tôi, thở ra tôi mỉm cười với yếu tố đất ở trong tôi. Mỉm cười để làm gì? Để nhận diện rằng hóa ra tôi là đất. Và ai cấm mình thực tập hơi thở đó 10 hay 20 lần? Hơi thở đó không khó gì cả.
Một hồi sau mình chuyển sang nước. Thở vào tôi thấy yếu tố nước trong tôi, thở ra tôi mỉm cười với yếu tố nước trong tôi. Nước trong mình nhiều lắm, đến bảy, tám mươi phần trăm. Mình chỉ là nước.
Sau đó mình tiếp tục: Thở vào tôi thấy yếu tố không khí trong tôi, có khó gì đâu? Nếu không có không khí thì làm sao mình có mặt đây được? Thở ra tôi mỉm cười với yếu tố không khí trong tôi. Chính hơi thở tôi cũng được làm bằng yếu tố không khí.
Thở vào tôi thấy yếu tố sức nóng trong tôi, Không có sức nóng thì mình không phải là một cơ thể sống. Sự sống là một sự đốt cháy. Các tế bào trong ta được đốt cháy trong từng giây từng phút bằng dưỡng khí chúng ta hít vào. Sự đốt cháy đó tạo ra sự sống, sự đốt cháy đó nó tạo ra thán khí, vì vậy mà ta phải thở ra. Nếu không thở ra thì thán khí biết thoát ra bằng đường nào? Cho nên thở ra tôi mỉm cười với yếu tố sức nóng trong tôi. Trong khi thở những hơi thở như vậy mình có tuệ giác, mình thấy rõ hơn mọi sự mọi việc.
Rồi mình tiếp tục: Thở vào tôi thấy yếu tố đất ngoài tôi. Yếu tố đất ngoài tôi là nhiều lắm. Trong sư anh tôi, trong sư em tôi đều có yếu tố đất. Trong cây sồi ở sân trước cũng có yếu tố đất. Yếu tố đất ở cùng khắp thế giới, trong vũ trụ, trong ta và ngoài ta. Cũng giống như yếu tố Bụt, có ở trong, có ở ngoài, đầy đủ hết, không khó gì hết. Không cần có một kiến thức khoa học nào hết mà chúng ta vẫn thấy được yếu tố đất cùng khắp ở trong vũ trụ. Thở ra tôi mỉm cười với yếu tố đất quanh tôi. Thì ra trong mình có yếu tố đất mà ở ngoài mình cũng có yếu tố đất. Vậy thì tại sao yếu tố đất trong mình lại quan hệ hơn yếu tố đất ngoài mình? Đó chỉ vì cái tưởng của mình mà thôi.
Khi quán chiếu về bốn đại như vậy, mình có thể quán chiếu tiếp thêm đại thứ năm là yếu tố không gian (Địa, thủy,hỏa, phong, không, thức). Thở vào tôi thấy yếu tố không gian trong tôi. Không gian này nó khác hơn không gian mình gọi là thênh thang. Không gian này là đối với vật thể. Các nhà khoa học cho chúng ta biết rằng vật thể chỉ gồm toàn là không gian mà thôi. Trong một điện tử, trong một chất điểm, không gian chiếm hầu hết thể tích của nó. Vật thể gần như là không có. Cái bàn này chẳng hạn, nó được làm bằng không gian. Nếu mình có cách lấy không gian ra khỏi cái bàn, thì cái bàn còn lại nhỏ hơn một hạt bụi. Mình thấy mình rắn chắc, có những bắp thịt, những đốt xương, nhưng kỳ thực không gian chiếm hầu như gần hết con người của mình. Thở ra tôi mỉm cười với yếu tố không gian. À hóa ra mình là không gian. Rồi mình nhận diện không gian ở ngoài mình.
Sau đó thì: Thở vào tôi thấy yếu tố tâm thức trong tôi, thở ra tôi mỉm cười với yếu tố tâm thức trong tôi. Tại vì cả năm đại đều là đối tượng của nhận thức, và năm đại đó ở trong mình cũng như năm đại đó ở ngoài mình đều là đối tượng của tâm thức. Thức ở trong cây sồi, thức ở trong đám mây, trong nước biển, trong không gian, trong bầu trời xanh. Tâm thức có mặt ở trong tất cả, cho nên cái mình gọi là vật vô tri là không bao giờ có, mình tưởng nó vậy thôi.
Trong khi quán chiếu như vậy mình tìm thấy mình với vũ trụ quanh mình nó đan vào nhau, nó là một, không có cái này thì không có cái kia. Vì vậy ý niệm về sự có mặt riêng biệt của mình sẽ biến mất. Cùng với sự biến mất của ý niệm ngã, sự có mặt riêng biệt của mình cũng sẽ biến mất, biến mất ý niệm về sinh, về diệt.
Mỗi ngày chúng ta đều thực tập ba cái lạy. Trong cái lạy thứ nhất chúng ta phá tan cái bản ngã, cái thấy về bản ngã riêng biệt để chúng ta thấy rằng ta là tổ tiên ta, ta là con cháu của chính ta. Ta hòa nhập vào dòng sinh mệnh của tổ tiên. Tổ tiên tâm linh, tổ tiên huyết thống.
Trong cái lạy thứ hai ta làm tan biến ý niệm về ngã, tại vì ta thấy ta ở trong các vị Bồ tát, có đủ sự an bình, vững chãi, thảnh thơi, không bị chìm đắm trong biển khổ mênh mông. Ta cũng thấy ta là vạn loài chúng sanh đang đắm chìm trong biển khổ mông mênh.
Trong cái lạy thứ ba, ta thấy ta không phải là cái hình hài nhỏ bé này. Hình hài của tổ tiên ta cũng là ta, hình hài của con cháu ta cũng là ta, hình hài của các vị Bồ tát đang sống trong giây phút này quanh ta cũng là ta, hình hài của những chúng sanh đang đau khổ quanh ta cũng là ta.
Sự quán chiếu đó mỗi ngày đóng góp vào sự làm tiêu tán đi, làm bốc hơi đi ý niệm về một cái ngã riêng biệt. Chúng ta hãy thấy chúng ta là một đợt sóng trên biển cả, một đợt sóng đang vươn lên. Chúng ta là một đợt sóng hiện tượng, đó là điều chắc chắn, chúng ta đang vươn lên để rồi chúng ta sẽ sụp xuống.
Nếu biết quán chiếu thì chúng ta thấy rằng sự vươn lên và sụp xuống của một đợt sóng nó được điều khiển, được quyết định bởi những đợt sóng khác ở trên mặt biển. Nhìn sâu vào một đợt sóng mình biết rằng tất cả những đợt sóng khác ở trên biển đều có mặt ở trong đó. Nhìn vào ta cho kỹ thì chúng ta thấy tổ tiên của chúng ta đang có mặt trong ta, thấy con cháu của chúng ta cũng đang có mặt. Chúng ta thấy những yếu tố xã hội, văn hóa, tôn giáo, kinh tế đều đang có mặt trong ta. Đợt sóng của ta được làm bằng tất cả những đợt sóng khác trên đại dương. Và ta mang trong ta tất cả vũ trụ. Bụt cũng đóng góp vào sự hình thành của ta. Ta có Bụt trong ta.
Thở vào tôi thấy tất cả những đợt sóng khác đều có trong đợt sóng tôi. Thở ra tôi mỉm cười với tất cả các đợt sóng đang có mặt ở trong tôi.
Thở vào tôi thấy tôi có mặt trong tất cả các đợt sóng. Nếu tất cả các đợt sóng đều có mặt trong "đợt sóng tôi", thì đợt sóng tôi cũng có mặt trong tất cả các đợt sóng khác. Đó là cái thấy trùng trùng duyên khởi của kinh Hoa Nghiêm. Trong cái một nó có cái tất cả, và trong cái tất cả nó có cái một.
Cứ thực tập như vậy. Thở vào tôi thấy tất cả các đợt sóng khác trong tôi. Thở ra tôi mỉm cười với tất cả các đợt sóng trong tôi. Thở vào tôi thấy tôi trong tất cả các đợt sóng khác. Thở ra tôi mỉm cười chào tôi trong tất cả các đợt sóng. Mỗi ngày nếu chúng ta thực tập như vậy thì tại sao cái ý niệm về sinh, về diệt nó không tan biến? Có cái gì không tan biến đâu?
Cũng như khi chúng ta chơi với một ống kinh vạn hoa. Mỗi cử động của ngón tay tạo ra một cảnh tượng huy hoàng tráng lệ ở trong kính. Chúng ta biết cảnh tượng đó do gì tạo ra. Chúng ta chỉ cần quay một chút là cảnh tượng đó tan biến, rồi một cảnh tượng huy hoàng khác, mầu nhiệm khác hiện ra. Cái trước có mất hay không? Cái sau có sinh hay không? Hay là tất cả chỉ là một đợt sóng biểu hiện, và cái bản chất của sự biểu hiện đó nó không sinh, không diệt. Vì vậy mỗi khi đưa ngón tay quay một cái thì cảnh tượng mầu nhiệm biến mất, và chúng ta không buồn, tại vì cảnh tượng mầu nhiệm này biến mất thì cảnh tượng mầu nhiệm kế tiếp hiện ra.
Cho nên cái lạy thứ ba giúp chúng ta thấy được ta không phải chỉ là một cảnh tượng. Cảnh tượng này ẩn đi thì cảnh tượng khác hiện ra trong thời gian cũng như trong không gian. Ta thấy ta trong tất cả các đợt sóng, và sự quán chiếu đó làm ta vượt thoát được sinh tử.
Nếu thực tập những bài như vậy, chúng ta sẽ không còn nói rằng vấn đề siêu thoát sinh tử là vấn đề trên trời dưới biển. Nó nằm ở trong tầm tay của chúng ta. Nếu quý vị chưa có cuốn Sen Búp Từng Cánh Hé thì phải có cuốn này, tại vì thiền giả mà không có thiền phổ này thì cũng như một nhạc sĩ mà không có đàn. Các vị thường trú người nào cũng có quyền có một tập, bằng tiếng Anh, tiếng Việt, hoặc tiếng Đức. Xin các vị tri sự điều đình với những người có trách nhiệm để người nào chưa có thì phải có để mà thực tập.
Trong đạo Bụt chúng ta có nói tới hai chữ "quả báo". Tiếng Phạn là Vipaka, tiếng Anh là Retribution.
Quả báo có hai thành phần, một là chánh báo, hai là y báo. Chánh báo tức là thân và tâm của ta, và y báo là cái hoàn cảnh của chúng ta. Ví dụ khi trồng hoa hướng dương, ta sẽ gặt được hoa hướng dương. Gặt hoa hướng dương tức là cái báo.
Trong quá khứ mình đã sống như thế nào, mình đã có những hành động nào về thân, về miệng và về ý, cho nên hôm nay mình có cái thân thể như thế này, và cái tâm thức như thế này. Đó gọi là chánh báo. Như vậy cái hình hài mình, cái thân thể mình, cái tâm tư mình là chánh báo của mình.
Ngoài ra, cái hoàn cảnh bao quanh chánh báo đó, gọi là y báo. Y là chỗ mình nương tựa vào. Hoàn cảnh tiếng Anh có thể dịch là Environment. Mình đừng tưởng rằng hoàn cảnh này nó ở bên ngoài, không thuộc về mình. Hoàn cảnh này cũng do chính mình tạo ra. Cả y lẫn chánh đều là báo hết.
Làng Mai này cũng là hoa trái mà quý vị đã tạo ra trong quá khứ. Vì vậy mà hôm nay nó ôm lấy quý vị, nó làm thành môi trường trong đó quý vị đang sống. Nếu trong quá khứ mình không gieo trồng những hạt giống thì ngày hôm nay mình sẽ không ngồi ở đây, và mình cũng không được bao bọc bởi cái khung cảnh này. Cho nên khung cảnh này cũng là y báo, và y báo cũng là mình. Chính do con người, do hành động trong quá khứ của mình mà tạo ra chánh báo và y báo của mình. Cả hai đều là của mình, và mình có bổn phận nâng cao chất liệu của cả hai.
Nâng cao chất liệu của thân thể, mình làm cho mình mạnh khỏe, vững chãi hơn. Nâng cao chất liệu của tâm thần, mình làm cho mình nhẹ nhàng, vững chãi, an vui hơn. Mình cũng nâng cao chất liệu của hoàn cảnh để cho nó thuận lợi hơn trong sự tu tập.
Giữa chánh báo và y báo có sự liên hệ mật thiết, không thể tách rời ra được. Cái mà mình gọi là ngã, có dính líu tới cái mình tưởng là phi ngã, chúng là một. Chúng ta không thể chia ra giới hạn giữa cái ta và cái không ta, cái chánh báo và cái y báo, cái con người của ta và cái hoàn cảnh của ta.
Ví dụ ở Làng Mai có một người, người này chia sẻ cùng một y báo với chúng ta. Ta trở nên một thành phần y báo của người đó. Thành ra ta vừa là chánh báo của ta, vừa là y báo của người sư anh của ta. Vì vậy cho nên phẩm chất tu học của ta có liên hệ tới phẩm chất đời sống của người sư anh ta. Khi nhìn vào thì mình thấy không có ranh giới giữa y báo và chánh báo. Mình là chánh báo, nhưng đồng thời mình cũng là y báo của người sư anh của mình. Người sư anh mình là chánh báo của người đó, nhưng đồng thời cũng là y báo của chính mình. Vì vậy xây dựng cho mình, xây dựng cho người sư em mình cũng là xây dựng cho y báo của cả hai.
Vậy thì vào một giây phút nào đó mà ta có cảm tưởng y báo này không thích hợp với ta, ta muốn đi tìm một hoàn cảnh khác, thì chúng ta nên nhớ rằng y báo nó luôn luôn đi theo chánh báo như bóng theo hình. Chúng ta đi đâu thì cái y báo đó nó cũng đi theo, không thoát ra được. Tại vì y báo là một phần quả báo của mình. Đi đâu chúng ta cũng sẽ gặp những điều kiện tương tự. Tốt hơn hết là nên chuyển hóa thân tâm mình để tìm cách chuyển hóa cái y báo của mình ngay bây giờ và ngay ở đây. Đừng chạy quanh!
Ngày nay chúng ta nói rất nhiều tới cái hoàn cảnh, cái sinh môi của con người, tại vì chúng ta biết rõ rằng cái hoàn cảnh, cái sinh môi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của thân tâm, tức là của chánh báo.
Người kiến trúc sư vẽ ra một kiểu nhà, phải có những kiến thức về khoa học, phải biết về những nhu yếu của cơ thể, của tâm hồn người sử dụng để có thể tạo ra một ngôi nhà trong đó ta cảm thấy thoải mái. Có khi bước vào một căn nhà chúng ta thấy ngộp thở, chúng ta thấy những khối bê tông rất nặng nề, chúng ta cảm thấy tù túng và chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ không có hạnh phúc khi sống trong đó. Vì vậy cho nên là kiến trúc sư thì phải thấu được nhu yếu của sinh lý, tâm lý, nhu yếu về kinh tế, về xã hội của con người để có thể vẽ ra một ngôi nhà, trong đó người cư trú có thể cảm thấy thoải mái và an lạc. Kiến trúc sư là một người chuyên môn thiết lập về y báo.
Chúng ta biết rằng trong mỗi thành phố lớn phải có ít nhất một công viên. Nếu chúng ta là một nhà thiết kế đô thị thì chắc chắn chúng ta phải thiết lập ít nhất là một công viên trong mỗi thành phố, nếu không thì dân trong thành phố sẽ bị bế tắc, không những đứng về phương diện cơ thể, mà còn đứng trên phương diện tâm thần nữa. Không có công viên, không có cây thì chúng ta sẽ chết về cả cơ thể lẫn tâm thần! Có những lúc không vào công viên được, chúng ta cảm thấy ngộp thở. Cho nên những nhà thiết kế đô thị cũng phải biết về khoa học sinh lý, khoa học tâm lý, để hiểu thấu nhu yếu tinh thần và thể chất của con người.
Các nhà chuyên môn thiết kế những trục giao thông cũng vậy. Giao thông như thế nào để cho sự liên hệ giữa những đô thị và vùng quê được dễ dàng. Phải có những con đường cho người ta thoát ra khỏi đô thị để đi về miền quê một cách mau chóng, tại vì nhu yếu của người dân đô thị là rất cần không gian. Chúng ta biết rằng cứ mỗi cuối tuần là những con đường từ thành phố Paris đi ra ngoại ô thường rất bị kẹt xe, là vì lý do đó.
Chúng ta biết rằng sự an vui, cái hạnh phúc của chánh báo, rất tùy thuộc vào lề lối tổ chức y báo của chúng ta. Cho nên những nhà thiết kế, những người có phận sự trông coi, sắp đặt lãnh thổ, là phải có những kiến thức vững chãi về nhu yếu đích thực của con người.
Con người có những nhu yếu gọi là đích thực, mà cũng có những nhu yếu không phải là đích thực, gọi là nhữngham muốn. Hai cái đó rất khác nhau. Tất cả chúng ta ai cũng đều có những nhu yếu đích thực, và chúng ta phải khám phá ra đâu là những nhu yếu đích thực của chúng ta, và chúng ta thực hiện những nhu yếu đích thực đó thì tự nhiên chúng ta có sức khỏe, có sự an vui về cơ thể cũng như về tinh thần.
Trong đời sống hiện đại, ít người trong chúng ta thấy được những nhu yếu đích thực của mình. Chúng ta chỉ sống theo sự ham muốn. Chúng ta ham muốn cái này, ham muốn cái nọ. Và những đối tượng của ham muốn đó không phải là những nhu yếu đích thực.
Một kiến trúc sư có thể nghĩ ra chuyện làm thỏa mãn những cái ham muốn, tức là những nhu yếu không đích thực của chúng ta. Ví dụ ngày nay người ta nghĩ đến chuyện khi chủ nhà về thì chỉ cần nói với cánh cửa: "Ta là chủ nhà đây" thì cửa sẽ mở ra. Còn nếu giọng nói đó không phải là giọng của ông chủ thì cánh cửa không mở ra. Khỏi cần dùng chìa khóa. Lối kiến trúc ngày nay đang đi theo chiều hướng đó.
Ngày nay chúng ta cũng không giặt áo quần nữa, mà chỉ nhờ máy giặt. Nấu cà phê, chúng ta cũng không nấu nữa, chúng ta giao cho máy nấu. Chúng ta còn thiết kế để cho đúng vào giờ đó thì máy nấu cà phê tự động bật lên, để đúng lúc chúng ta cần uống thì cà phê xong! Đó là cái nhu yếu của thời đại.
Ngày xưa có nhiều người ra bờ sông để giặt lụa như là nàng Tây Thi. Hình ảnh một cô thiếu nữ ở bờ sông giặt áo là rất đẹp. Các cô có thể chuyện trò, đùa giỡn và khoát nước lẫn nhau. Những hình ảnh đó ngày nay mình không còn thấy nữa, tại vì nhà nào cũng có máy giặt giùm cho mình. Chúng ta đi tìm cái gọi là tiện nghi, nhưng nhiều khi chúng ta đi quá đà. Có những cậu bé ăn thịt bò mà chưa bao giờ tận mắt gặp được con bò. Có những cô bé ăn cá nhưng chưa bao giờ thấy được con cá, chỉ nghĩ rằng con cá là một giống vật hình vuông, tại vì con cá bán ở siêu thị nó hình vuông! Và sự kiện chai sữa tới trước cửa nhà mình mỗi buổi sáng, không còn là một điều làm cho cậu bé ngạc nhiên nữa. Nghĩ rằng đó là chuyện dĩ nhiên!
Trong khi đó thì những nhu yếu đích thực của chúng ta, chúng ta không thể làm thỏa mãn, chúng ta không có để mà thỏa mãn. Vì vậy cho nên trong nếp sống hàng ngày chúng ta phải thường xuyên dùng chánh niệm để soi chiếu, để thấy được những nhu yếu nào là những nhu yếu đích thực, và những cái nào là những hình ảnh, những đối tượng của ham muốn mà chúng ta quả thật không cần tới.
Kỹ nghệ quảng cáo của thời đại đã tạo ra cho chúng ta những ý niệm về những gì chúng ta cần. Trong khi đó chúng ta thật sự không cần cái đó mà khi quảng cáo người ta phải nói dối! Đôi khi họ biết điều đó không phải là sự thật, nhưng họ vẫn nói. Tại vì mục đích của họ là bán hàng.
Có một phật tử tham dự khóa tu, trước khi thọ giới, có lên tâm sự với tôi rằng con rất khó chấp nhận giới thứ tư, tức là giới nói sự thật. Tại vì nói sự thật thì con sẽ mất việc. Công việc của con là đi bán hàng và con phải nói những cái hay, cái đẹp về món hàng con bán. Nhưng con không được nói những cái hại khi người ta sử dụng món hàng con bán. Nếu nói ra thì ông chủ sẽ không cho con làm việc đó nữa.
Khi một nhà quảng cáo về máy truyền hình và máy điện toán nói rằng: "Chúng tôi đưa người ta lại với nhau", We bring people together. Nghe rất là hấp dẫn! Nhờ có máy truyền hình, nhờ có máy điện toán mà người ta tới được với nhau. Điều đó mình chỉ cần nhất tâm quán chiếu một chút xíu là mình thấy nó không đúng. Máy truyền hình không đưa người tới gần nhau. Cứ nhìn hai cha con thôi, một người đi học về, một người đi làm về, ăn cơm xong mở máy truyền hình ra. Hai cha con suốt ngày không được gần nhau, không được nói chuyện với nhau, không được tâm sự với nhau, mà bây giờ cả hai cha con có chút thì giờ trước khi đi ngủ, mở máy truyền hình lên rồi hai người dán mắt vào máy truyền hình, thì thử hỏi cái máy đó nó đưa hai cha con tới gần nhau hay nó chia rẽ hai người? Thành ra quảng cáo thì rất hay nhưng sự thật thì nó ngược lại!
Trong thời đại chúng ta tin tức tới tấp bay tới mỗi ngày. Mỗi giờ đều có một bản tin mới. Có khi mỗi mười lăm phút có bản tin mới. Tại Pháp có đài gọi là France Info., chuyên môn nói tin. Chúng ta có thể ngồi suốt ngày để nghe tin, nhưng nghe những tin đó đâu có đưa chúng ta đến gần với nhau?
Vì vậy những nhu yếu đó là những nhu yếu không đích thực, những nhu yếu giả dối, chúng ta phải làm việc như trâu, như ngựa để có tiền mà thỏa mãn những nhu yếu không chánh đáng đó, những ước muốn đó!
Chung quanh ta, nghĩa là trong cái y báo của chúng ta, người ta tạo ra những ý niệm về hạnh phúc, những ý niệm về nhu yếu để chúng ta chạy theo và làm cho chúng ta không thấy những nhu yếu đích thực của chúng ta. Vì vậy, là người tu chúng ta phải đề cao sự tỉnh thức, đề cao chánh niệm để biết rằng hạnh phúc của mình là ở chỗ mình có thể thỏa mãn được những nhu yếu đích thực của mình và đừng chạy theo những cái người ta mô tả là hạnh phúc. Kỳ thật chúng là những nhu yếu giả tạo, có tác dụng làm hư hoại thân và tâm của ta.
Khung cảnh trong đó mình tu học, mình phải biết nhận định đâu là những nhu yếu đích thực cho sức khỏe hình hài, và sức khỏe tâm linh của mình, và mình chỉ muốn thỏa mãn những nhu yếu đó mà thôi.
Cố nhiên ở tại một trung tâm tu học chúng ta cũng muốn có những tiện nghi. Ai mà không muốn có tiện nghi? Nhưng những tiện nghi nào đích thực là tiện nghi? Ở đây chúng ta có thật sự cần trước khi vào cửa mình nói "tôi đây", Tuệ Nghiêm đây mở cửa cho tôi vào! Chúng ta đâu có cần vậy? Chúng ta cũng không cần bàn chải đánh răng bằng điện, không cần có dao cắt cà-rốt chạy bằng batteries. Chúng ta phải thức tỉnh lắm mới được. Chúng ta không nhìn theo người khác, và không nói rằng người khác có cái đó mà tôi không có cái đó thì tôi không có hạnh phúc! Cái đau khổ của con người phần lớn là nhìn người khác và mong ước những cái người khác có mà mình không có. Chưa chắc những cái người khác có đã làm cho người đó hạnh phúc. Có thể những cái người khác có, đang làm cho họ thất điên bát đảo!
Cách đây mấy năm, ở Làng Mai, Xóm Thượng cũng như Xóm Hạ, mỗi mùa Đông chúng ta đi từ xóm này sang xóm kia, và đôi guốc của chúng ta dính toàn là bùn. Đi đâu cũng có bùn. Tôi nhớ có một thiền sinh ở Hoa Kỳ sang đây tu học ba tháng, trước khi về lại Mỹ anh ta muốn đem theo một vật để kỷ niệm. Anh chọn một gói bùn ở làng để đem về. Tại vì bên Mỹ làm gì có bùn đó? Đường rất sạch, toàn tráng nhựa. Ngày nay chúng ta trải đá một số đường ở làng, nhưng may mắn thay, chúng ta vẫn còn có những con đường đất. Tại vì nếu không đi trên những con đường đất có bùn thì làm sao chúng ta thấy cái hạnh phúc đi trên những con đường trải đá? Cho nên tại Làng Mai chúng ta đừng nên trải đá hết các con đường, chúng ta phải để lại một số con đường bùn. Những con đường đó đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Cái đó nó rất là quan trọng.
Tiện nghi nhưng không đẩy tiện nghi tới mức quên lãng. Chúng ta đã từng vào những ngôi chùa mà từ ngoài đi vào đến trong đều tráng cement, không thấy một cọng cỏ. Nó sạch cho đến độ chúng ta cảm thấy không thoải mái. Vì vậy cho nên chúng ta mong ước rằng ở Làng Mai sau này đừng có cảnh từ cổng đi vào là đều lát gạch, lát đá hoặc tráng nhựa hay cement.
Chúng ta ao ước có lò sưởi ở trong tất cả các phòng và hệ thống lò sưởi trung ương, Central heating. Có thể mai mốt chúng ta sẽ bỏ hết những lò củi và chúng ta sẽ khỏi phải cưa củi, bỏ củi vào lò, khỏi phải thổi lửa. Rồi chúng ta quên đi cái hạnh phúc trong phòng được ấm là vì ban đầu nó lạnh, nhưng nhờ ta đốt lò lửa lên nên từ từ nó ấm. Nếu mỗi khi đi vào phòng là ấm không thôi, thì chúng ta đâu thấy cái ấm là niềm hạnh phúc?
Ở Làng Mai đôi khi chúng ta có cảm tưởng có vài cái thiếu tiện nghi. Nhưng dưới ánh sáng của sự quán chiếu, chúng ta nên đặt câu hỏi chúng ta có nên duy trì những cái thiếu tiện nghi đó không, hay chúng ta nên lấy nó đi hết để cho thật tiện nghi? Câu trả lời là rất rõ ràng: Không nên, vì nếu chúng ta làm cho cái gì cũng thành tiện nghi hoàn toàn hết, thì chúng ta sẽ mất hết hạnh phúc.
Cố nhiên chúng ta có tập khí hay so sánh và hay than phiền rằng người khác có những điều kiện này còn mình thì không có. Vì vậy mà chúng ta bực bội, ganh tị, tức tối và chúng ta mất hạnh phúc. Chúng ta nên nhớ một điều là khi chúng ta đang ở trong cùng một môi trường, một y báo, chúng ta phải quán chiếu để thấy rằng những nhu yếu đích thực của chúng ta có được thỏa mãn trong môi trường đó hay không, chứ đừng nghĩ tới những ham muốn, những tiện nghi mà người khác có.
Trước hết chúng ta thấy ở Làng Mai có không khí tốt, và có những nẻo thiền hành rất đẹp, Xóm Thượng cũng như Xóm Hạ. Đó là những tiện nghi có thể thỏa mãn được những nhu yếu đích thực của chúng ta, và người kia, người mà chúng ta ganh tị với, họ cũng chỉ có bằng ta mà không có hơn ta được. Người đó cũng chỉ có không khí đó mà thôi. Không khí mà người đó thở không có phẩm chất cao hơn không khí của ta thở. Những con đường họ đi, ta cũng đang có quyền đi, ta hoàn toàn bình đẳng với người đó. Người đó có thì giờ để vào tham dự buổi thiền tọa sáng, đi kinh hành và tụng kinh, thì ta cũng có thì giờ thiền tọa sáng, đi kinh hành và tụng kinh. Ta với người đó hoàn toàn bình đẳng. Người đó mỗi tuần được nghe hai bài pháp thoại, và được dự hai buổi pháp đàm, thì ta cũng có quyền nghe hai buổi pháp thoại và dự hai buổi pháp đàm. Người đó có quyền đi thiền hành với chúng mỗi ngày một lần, ta cũng có quyền đi thiền hành với chúng mỗi ngày một lần.
Nói tóm lại nếu thắp sáng ngọn đèn chánh niệm lên thì chúng ta thấy cái khung cảnh của chúng ta có đủ những điều kiện để chúng ta thỏa mãn những nhu yếu đích thực của chúng ta. Đó là điều quan trọng. Những cái khác chỉ là những chi tiết không quan trọng.
Ví dụ như ngồi thiền hay đi thiền hành, đó là thức ăn hàng ngày của chúng ta. Nếu chúng ta coi đó là một bổn phận hay một sự bắt buộc thì việc ngồi thiền hay đi thiền hành nó trở thành không dễ chịu. Cũng như chuyện đánh răng, bắt buộc phải đánh răng hay là được đánh răng trước khi đi ngủ, đều tùy thuộc vào cái nhận thức của chúng ta.
Có một sư em được giao phó công việc giúp cho con nít đói ở nhà. Khi giao, sư chị nói rằng: Em nên làm việc có chừng mực thôi để em còn có thì giờ tham dự vào các buổi thiền tọa, thiền hành và pháp đàm, chứ đừng dùng hết thì giờ vào chuyện con nít đói mà bớt đi sự tham dự thực tập hàng ngày. Sư em trả lời rằng: Chuyện thiền hành, thiền tọa là sự sống hàng ngày của con mà, làm sao con bỏ được? Nói như vậy thì làm cho sư chị rấtấm trái tim, tại vì mình thấy chuyện thiền hành, thiền tọa, thiền tập là sự sống, là thức ăn của mình, mà không phải là những điều bắt buộc. Điều đó làm cho tôi, cho các sư anh, sư chị rất là sung sướng.
Có một sư em khác ngồi sắp hết tất cả những băng giảng của tôi trong 10 năm qua để góp lại thành từng khóa, khóa mùa Đông, mùa Hạ, mùa Xuân, khóa bên Đức, bên Anh, khóa bên Mỹ v.v... Sư em làm việc từ 8 giờ rưởi sáng cho tới 6 giờ chiều, không nghĩ ngơi. Tôi mới hỏi rằng: Ở đây sao con làm việc từ sáng tới chiều vậy? Sư em nói rằng: Trong khi lục những bộ băng như vậy, con thấy con đang đi thăm cái gia tài trong bao nhiêu năm nay. Có những khóa mà con chưa được học như khóa Đại Tạng Nam Truyền. Ngày xưa chị Đoan Nghiêm sau khi được học khóa Nam Truyền thì chị xin xuất gia. Con thấy bộ băng Nam Truyền này con cảm động quá. Con thấy đó là cái kho tàng của con, vì vậy mà trong khi làm việc con không thấy mệt gì cả. Cái thấy đó nó giúp cho sư em làm việc từ 8 giờ rưởi sáng cho đến 6 giờ chiều mà vẫn không mệt. Vì vậy cho nên tất cả đều tùy thuộc vào cái tri giác của mình.
Cái y báo của mình cũng vậy. Y báo của mình nó đẹp hay không, nó thuận lợi hay không thuận lợi, nó thích hợp cho mình hay không thích hợp cho mình, một phần lớn là do cách mình tiếp nhận cái y báo đó. Nếu có một tri giác sâu sắc hơn, cởi mở hơn thì mình khám phá ra rằng trong môi trường đó mình có thể thỏa mãn những nhu yếu đích thực của thân và của tâm, thì tự nhiên mình cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy an toàn trong cái y báo đó, trong hoàn cảnh đó. Và mình hăng hái góp công xây dựng cái y báo đó cho càng ngày càng đẹp để nó nuôi dưỡng mình. Nhờ vậy mà cái tư tưởng bỏ chốn này để đi chốn khác, để tìm một nơi thích hợp hơn, sẽ không bao giờ tới với mình.
Khi vẽ cái hình trong đó chánh báo nằm giữa và y báo nằm chung quanh thì chúng ta biết rằng đó chỉ là một cách vẽ thôi, nó không đúng lắm. Tại vì y báo này là như thế nào thì nó cũng do cái nhận thức của mình tạo ra, cho nên tâm của mình nó trùm lên cái y báo. Vậy thì mình ở bên trong hay bên ngoài? Thật ra mình ở cả hai nơi. Tại vì chính mình đã sinh ra y báo này, chính cái nhận thức của mình đã tạo ra y báo này. Mà cũng chính cái nhận thức của mình đang nâng cao phẩm chất của y báo mình, với sự cọng tác của những người khác.
Cũng như căn nhà có một TV, và chúng ta thường nói nhà này có chứa cái TV. Nhưng kỳ thật cái TV nó trùm nguyên căn nhà. Vì sao vậy? Tại TV là cái y báo nó làm cho căn nhà rất ồn ào, nó làm cho người ở trong đó không có cơ hội để trở về với mình. TV là một dụng cụ kéo mình đi ra khỏi nhà!
Ban đầu chúng ta thấy cái nhà nó đang chứa cái TV, nhưng nhìn cho kỹ thì thấy cái TV nó chứa cái nhà. Và TV này giống như những con ngựa đi vào trong thành phố Troy để làm cho thành phố mất vào tay giặc. Người ta tưởng bắt con ngựa đó vào thành là nó thuộc về mình, nhưng không ngờ khi bắt con ngựa đó vào thì mình mất luôn cả thành phố!
Ngày xưa có một ông vua nước Ngô tên là Ngô Phù Sa, nước rất là lớn. Có một nước khác tên là nước Việt, vua nước Việt là Câu Tiễn. Việt vương Câu Tiễn có một người đẹp tên là Tây Thi và Câu Tiễn đã đành lòng đem Tây Thi cống hiến cho vua Ngô. Nụ cười, tiếng khóc của Tây Thi nó ghê gớm lắm. Vua Ngô nghĩ rằng đã chiếm được Tây Thi vào trong mình, trong gia đình mình, trong quốc gia mình. Nhưng khi Tây Thi vào ngồi trong vương quốc của Ngô Phù Sa thì nàng làm cho nước Ngô tan nát, và Câu Tiễn đã chiến thắng được nước Ngô.
Cái TV này cũng vậy. Chúng ta đem TV vào trong nhà với mục đích đem niềm vui, đem hạnh phúc cho ta và cho cả các con của ta. Nhưng thật ra chúng ta đem giặc vào nhà, và chính cái TV đó nó phá tan cửa, tan nhà của chúng ta. Cái TV đó chuyên chở tất cả những lực lượng phá hoại của các đài truyền hình! Đài truyền hình tạo cho chúng ta những đối tượng của ham muốn, chúng ta chạy theo những cái đó, và chúng ta bỏ những người thương của chúng ta, chúng ta bỏ những nhu yếu đích thực của hạnh phúc. Cha chạy theo đường của cha, mẹ chạy theo đường của mẹ, con chạy theo đường của con. Tuy chúng ta sống trong một nhà nhưng chúng ta không gần nhau gì hết, mỗi người đi tìm một nẻo hạnh phúc khác nhau, và cái bóng dáng hạnh phúc đó là do những đài truyền hình tạo ra.
Vậy thì tại sao anh lại dám quảng cáo rằng TV của các anh chế tạo nó đưa người ta lại với nhau? Sự thật thì nó làm chuyện ngược lại. Ở Làng Mai tuy chúng ta có TV, nhưng chúng ta chỉ dùng để nghe pháp thoại, và "quân giặc" không làm gì ta được. Chúng ta có chánh niệm giữ gìn, chúng ta bắt mấy cái máy TV của chúng ta tu chung với chúng ta!
Theo tôi, nếu chúng ta thực tập ba cái lạy chừng ba tháng thì cái hoàn cảnh của chúng ta, cái y báo của chúng ta sẽ thay đổi, và cái hạnh phúc của chúng ta sẽ tăng tiến.
Chúng ta biết rằng ba cái lạy của chúng ta được biểu tượng bằng một trục ngang, một trục dọc và một vòng tròn. Chúng ta bắt đầu bằng con đường thẳng đứng, rồi tiếp đến con đường nằm ngang. Nó hơi giống những người bạn Công giáo khi họ làm dấu thánh giá: Nhân danh Cha, và Con, và Thánh thần, Amen. Nhưng chúng ta còn có cái vòng tròn nữa.
Tôi muốn trong khóa tu mùa Đông này mỗi tối mình đều lạy ba lạy hết. Rồi quý vị sẽ thấy sau khóa mùa Đông mình sẽ an lạc hơn, sẽ hạnh phúc hơn, và có thể có an lạc và hạnh phúc rất nhiều trước khi chúng ta chấm dứt khóa tu.
Chúng ta có bản bằng tiếng Đức, bằng tiếng Việt, tiếng Anh. Tối nào tôi cũng lạy hết.
Trong khi lạy cái lạy đầu, chúng ta phải thấy tổ tiên của chúng ta. Khi lạy mình nên lạy mọp xuống, càng sát đất chừng nào càng tốt chừng đó. Hai chân, hai tay của mình sát xuống, và trán của mình dính vào đất thì rất tốt. Tức là mình phải buông hết để mình hòa nhập vào dòng sinh mạng của tổ tiên, trong đó có mình. Con có tổ tiên tâm linh của con là Bụt, các vị Bồ tát, các vị thánh tăng. Có nhiều vị đã đạt tới mức trí tuệ cũng như mức thương yêu, nhưng cũng có vị chưa đạt tới mức đó, vẫn còn những yếu kém, những khó khăn, những lên xuống. Về phía gia đình huyết thống cũng vậy. Con có những vị tổ tiên rất cao, rất đẹp, nhưng cũng có những vị còn đau khổ, còn lên xuống.
Nhìn vào con, con cũng thấy con có những cái rất hay, rất tốt, nhưng con cũng có những cái yếu kém, những cái nhu nhược, những lỗi lầm, khuyết điểm của con. Vì vậy con là ai mà dám không chấp nhận tổ tiên của con. Cho nên con chấp nhận tất cả quý vị là tổ tiên của con và con hòa đồng với quý vị. Tự nhiên mình hòa giải được với tất cả tổ tiên của mình. Nếu mình có giận thầy, giận cha hay giận mẹ; giận anh hay giận chị thì cái lạy này là cái lạy để hòa giải với tất cả. Tại vì tổ tiên của mình trong đó có cha, có mẹ, có chú, có bác, có cô, có dì mà cũng có anh, có chị nữa. Tất cả những người sanh ra trước mình đều là tổ tiên của mình.
Đối với người xuất gia cũng vậy. Người thọ giới trước mình là anh của mình, là chị của mình dù người đó ít tuổi hơn, có dở hơn mình về phương diện học hỏi cũng như về phương diện tu tập thì người đó vẫn là anh của mình, là chị của mình, và mình chấp nhận họ là anh, là chị của mình, chứ mình không nói người đó giỏi hơn tôi cái gì mà làm anh, làm chị tôi! Mình không nói như vậy.
Tổ tiên của mình cũng vậy. Tổ tiên mình có những người rất xuất sắc, toàn bích, nhưng cũng có những người yếu kém, nông nổi. Tuy vậy họ đều là tổ tiên của mình, mình phải chấp nhận họ. Các anh, các chị mình, cha mẹ mình đều cũng vậy. Trong họ có những cái rất hay rất tốt, trong họ cũng có những cái yếu kém. Mình biết rằng trong mình cũng có những cái hay cái đẹp, trong mình cũng có những yếu kém. Vì vậy mình chấp nhận anh mình, chị mình, và mình cũng chấp nhận luôn mình.
Trong truyền thống đạo Bụt thì những người xuất gia được coi là trưởng tử và trưởng nữ của Bụt. Tại vì khi họ phát tâm xuất gia, họ bỏ gia đình của họ, gia nhập vào gia đình của tăng đoàn, thì họ đóng vai trò người anh, người chị của giáo đoàn, Vì vậy, tuy họ nhỏ tuổi hay học dở, họ có phạm giới, họ vẫn là anh, là chị của mình. Cho nên khi nói rằng những người xuất gia đó tuổi họ nhỏ hơn tôi, họ học Phật pháp chưa bằng tôi, họ tu chưa đến đâu, tại sao họ lại ngồi trước, ngồi trên, họ làm anh làm chị tôi được? Nói như vậy tức là chưa hiểu cái nghĩa thế nào là tổ tiên, thế nào người xuất gia là trưởng tử của đức Như Lai.
Trong truyền thống là nó như vậy. Họ là trưởng tử, mình có thể giúp họ, nhưng mình không thể nói họ không phải là sư phụ của mình, là sư thúc của mình, là sư bá của mình, sư anh của mình, sư chị của mình. Họ là, nhưng vì chưa có điều kiện, chưa có nhân duyên cho nên họ chưa giỏi đó thôi.
Trong khi lạy, từ đó mà mình đi xuống tới các em, các con mình. Những người mà giận em, ganh với em, thấy em mình dở, em mình cứng đầu, em mình khó chịu, em mình hỗn. Những người giận con, ghét con, muốn từ con, từ cháu, những người đó phải thực tập cái lạy thứ nhất.
Lạy đức Thế Tôn, trong con có những điểm rất gần với sự đạo đức, trong con cũng có những yếu kém, những lên xuống, những nội kết, những khổ đau. Vậy thì con có quyền gì mà không chấp nhận các em của con, các con của con khi chúng nó có những yếu kém, có những cái lên xuống, những cứng đầu, những khổ đau? Con chấp nhận tất cả đều là em của con, và con của con, cháu của con.
Trong cái lạy thứ nhất mình phải làm cho được điều đó, nghĩa là mình tập việc hòa giải với những người trên mình, và những người dưới mình. Nếu cha mẹ mình đã sinh ra mình, đã chấp nhận mình là con, thì mình phải chấp nhận cha mẹ là cha mẹ, mình phải chấp nhận anh mình là anh của mình, chị mình là chị của mình, em mình là em của mình. Mình phải ôm lấy hết, phải chấp nhận hết dù họ có hư hèn, ương ngạnh, dù họ có khó khăn, có khổ đau. Là tại vì chính ở trong mình cũng có những điểm tiêu cực đó.
Nếu thầy mình đã sinh ra mình, nếu thầy mình đã chấp nhận mình là học trò, thì tại sao mình lại không chấp nhận người sư chị của mình là chị của mình, người sư anh của mình là anh của mình, người sư em của mình là em của mình? Dù sư anh đó, sư chị đó, sư em đó có những yếu kém, có những lên xuống, có những trồi sụp thì họ vẫn là sư anh của mình, vẫn là sư chị của mình, vẫn là sư em của mình. Mình phải chấp nhận, phải hòa giải với người đó. Và chỉ có điều đó, chỉ có con đường đó mới có thể giúp được những người đó.
Cái lạy đầu là như vậy và mình phải lạy hàng ngày, nhất là khi mình có vấn đề với cha mẹ, với thầy, với tổ, với sư huynh, sư đệ, sư em, thì mình phải lạy cho thật hết lòng, phải năm vóc sát đất, phải thực hiện cho được điều này. Đêm nào cũng phải lạy.
Lạy thứ hai là cái lạy trong lúc mình tiếp xúc với những con người, những chúng sanh có mặt cùng thời với mình trong giờ phút hiện tại.
Cũng như trong cái lạy đầu, mình phải mọp xuống, mình phải làm cho cái gọi là "ngã" của mình nó hòa nhập với dòng sinh mạng của thế giới trong giây phút hiện tại. Có thể trước hết mình hướng tới những vị Bồ tát, những vị Ma ha tát, (Ma ha tát dịch là đại nhân) đang có mặt trên thế giới, và chung quanh ta trong giây phút hiện tại. Họ đang có mặt. Ta gọi họ là Bồ tát hay không gọi họ là Bồ tát thì họ vẫn là các vị Bồ tát. Họ mang danh hiệu Bồ tát hay không mang danh hiệu Bồ tát thì họ vẫn là Bồ tát, vì trong họ có yếu tố của sự vững chãi, có yếu tố của sự tự do, thảnh thơi, của sự thương yêu. Họ ở khắp nơi.
Có thể trong tổ chức Médecins Sans Frontiers có những vị Bồ tát như vậy. Đây là một tổ chức thiện nguyện đi làm việc khắp nơi trên thế giới, họ đem lòng thương, đem sự vững chãi, đem sự thảnh thơi của họ để cứu trợ, để làm vơi bớt sự khổ đau đang tràn ngập cả thế giới. Trong những người đi làm việc như vậy, họ có chất liệu của sự vững chãi, chất liệu của sự thảnh thơi, của sự an lạc. Vì vậy cho nên khi làm việc, họ không bị chìm đắm trong biển khổ. Nếu không có chất liệu của an lạc, của thảnh thơi, của vững chãi thì khi làm công việc xã hội, giúp đỡ người khác, mình có thể chìm đắm theo luôn, mình sẽ giận hờn, ghét bỏ người khác.
Các tổ chức thiện nguyện có mặt khắp nơi. Ngay tại Làng Mai cũng có những vị đó. Mở mắt ra là chúng ta tiếp xúc với họ, chúng ta hòa nhập với họ. Tôi với các vị là một, tôi nương vào các vị và tôi được hưởng chất liệu vững chãi, thảnh thơi, an lạc của quý vị. Mình phải hòa nhập với họ nếu không thì mình yếu lắm. Mình phải dựa vào họ mà đừng đi tìm đâu xa, họ ở ngay tại đây. Các vị đại nhân đó, các vị Bồ tát đó không cần phải là lớn tuổi, nhiều khi họ còn nhỏ, và mình có thể nhận thấy trong họ chất liệu của sự vững chãi, chất liệu của sự thảnh thơi, của sự an bình mà mình rất cần đến. Trong cái lạy thứ hai mình phải hòa nhập với họ để mình có năng lượng đó của họ. Mình biết rằng họ có đó là đỡ cho mình lắm.
Sau khi tiếp xúc với họ và tiếp nhận được năng lượng từ họ, mình mới tiếp xúc với những loài chúng sanh đang chìm đắm, lặn ngụp trong biển khổ. Những người đang đau khổ vì chiến tranh ở Bosnia, những em bé đói ở Uganda, những người đang bị học tập cải tạo ở Việt Nam, những người đang khổ đau, đang bị áp bức, đang bị bóc lột, những em bé lớn lên không được đi học mà phải đi làm, phải đi lượm đồ ở những hầm rác, tất cả những người đó đều là mình hết. Mình phải thấy họ là mình. Mình phải thấy những con ếch đang bơi thảnh thơi trong hồ Thu, mình cũng thấy mình là con rắn nước trườn đi để tìm thức ăn và đớp con ếch đó, tại vì con rắn nước cũng cần ăn để sống.
Trong cuộc đời có những cái khổ đau như vậy, và mình tiếp xúc với tất cả những khổ đau đó, mình đau niềm đau của tất cả chúng sanh, mình là một với họ, nhưng mình không chìm đắm trong biển khổ, tại vì mình đã có chỗ nương tựa nơi các vị Bồ tát và các bậc đại nhân.
Trong cái lạy thứ hai mình phải làm cho được chuyện đó. Những người có hạnh phúc, có an lạc, có thảnh thơi không cần phải đi tìm xa, họ nằm ngay ở trong tăng thân. Những người đau khổ cũng vậy, họ nằm ngay ở trong tăng thân. Khi nhận diện ra họ rồi, con mắt mình nhìn họ chứng tỏ mình thấy được cái đau khổ của họ, mình thương xót họ, mình có lòng từ bi đối với họ. Và họ cảm nhận được điều đó liền lập tức.
Cái lạy thứ hai đem lại hạnh phúc cho chúng ta ngay trong thời gian chúng ta thực tập. Cái lạy thứ hai cũng cho chúng ta nhận diện được những người có chất liệu vững chãi, thảnh thơi và thương yêu để chúng ta nương vào họ, chúng ta là một với họ. Cái lạy thứ hai cũng giúp cho chúng ta nhận diện những kẻ đang đau khổ vì nhận thức sai lầm, vì những nội kết trong quá khứ, vì những cái không may mắn đã xảy ra cho họ trong quá khứ, để chúng ta có thể ôm lấy họ trong hai vòng tay, chúng ta có thể đồng nhất với họ.
Khi mình là một thành viên của hội đồng quyết định việc người này được ở hay người kia không được ở làm thường trú trong làng, thì chúng ta phải dùng cái trí tuệ và trái tim của chúng ta mà nhìn người đó. Chúng ta không thể làm một cách máy móc. Ví dụ vì người đó không đi ngồi thiền đều, người đó tạo ra một vài khó khăn cho tăng thân, rồi chúng ta quyết định ngay rằng người đó phải ra đi, chúng ta phải có một cái nhìn rất sâu. Chúng ta phải tự hỏi người đó đi, nhưng đi đâu? Sẽ trở thành cái gì? Ví dụ như anh Hạnh ở Xóm Thượng. Anh chỉ vì không bỏ thuốc được mà bị hội đồng cho ra ngoài. Cố nhiên ở Mai Thôn chúng ta không hút thuốc, không uống rượu. Người nào hút thuốc và uống rượu ở Mai Thôn thì cố nhiên không được chấp nhận là một thành phần của tăng thân. Tuy đó là luật, nhưng đó chưa phải là pháp. Pháp tức là nhìn sâu, nhìn kỹ để thấy tại sao người đó lại như vậy, và mình có cho người đó một cơ hội, một thời gian để bỏ những nết tật của họ hay không.
Một lời cảnh cáo rằng nếu trong bốn tuần lễ mà anh không bỏ thuốc thì anh đi khỏi nơi này, là không đủ! Cần phải có cặp mắt của mình, cặp mắt nhìn thương yêu. Cần có bàn tay của mình, bàn tay dỗ dành, khuyến khích, thì người đó mới bỏ thuốc được. Và bất đắc dĩ lắm thì mới để cho người đó ra đi. Khi phải quyết định cho người đó ra ngoài thì mình phải đi tìm chỗ để người đó sau khi rời làng, họ không trở thành một cô hồn vất vưỡng. Nếu người đó trở thành một cô hồn vất vưởng thì mình chịu trách nhiệm.
Ngày anh Hạnh biết tin không ở được nữa thì anh ta bắt đầu hút thuốc trở lại, và rất bừa bãi. Chúng ta phải nhìn vào những người thực tập, người đó so với những người khác thì thực tập chưa hay bằng, chưa tới mức trung bình, nhưng chúng ta phải nhìn sâu hơn để thấy người đó có chuyển hóa hay không, từ khi người đó đến làng cho đến bây giờ có khá hơn hay không. Chính trình độ chuyển hóa của người đó là nền tảng của quyết định của chúng ta. Bây giờ đem so sánh với những người khác thì người đó không đi ngồi thiền đều, người đó không thường tham dự những sinh hoạt của tăng thân. Nhưng nếu nhìn cho kỹ thì có thể là người đó từ khi tới làng cho đến bây giờ đã chuyển hóa rất nhiều. Chúng ta phải căn cứ trên cái đó để có thể đi đến một kết luận là có cho người đó một cơ hội hay không.
Nói tóm lại, quyết định đó có được đưa tới bằng lòng từ bi của chúng ta hay không. Từ bi đó làm sao có? Nó có được là do chúng ta nhìn và chúng ta thấy, chúng ta hiểu. Cái thấy đưa đến cái thương.
Trong cái lạy thứ hai, ta nương tựa, ta hòa nhập chúng ta với những người mạnh khỏe, an lạc, vững chãi, thảnh thơi. Và chúng ta cũng hòa đồng với người có những khó khăn, có những đau khổ. Chính cái thấy đó, chính sự hòa đồng đó, chính cái lạy đó nó giúp cho chúng ta phát khởi được tâm từ bi. Khi có tâm từ, tâm bi rồi thì tâm đó biểu hiện nơi ánh mắt, trên bàn tay, trên bước chân của chúng ta. Và cái đó đã bắt đầu giúp được người kia.
Giúp người kia là một chuyện, nhưng giúp được mình là một chuyện khác. Tại vì khi chúng ta bắt đầu có chất lượng của từ bi ở trong lòng thì chúng ta bắt đầu có hạnh phúc. Cái đối tượng của từ bi là người kia, không biết đã nhận được hạnh phúc chưa, nhưng khi mà giọt nước cam lồ của từ bi ứa ra từ trái tim thì ta là người đầu tiên được hưởng. Người nào không có từ bi thì không có hạnh phúc. Đó là điều mà ta học được tại Làng Mai. Chất liệu từ bi càng lớn thì hạnh phúc của mình càng lớn. Cái lợi thứ ba là nó bao trùm thời gian và không gian. Lạy xuống, con buông bỏ ý niệm rằng con chỉ là cái hình hài này. Tại vì mình thường nghĩ rằng cái hình hài này là mình.
Một số các phụ nữ ở Pháp vừa tổ chức biểu tình để đòi quyền phá thai. Trong khi đó, một số phụ nữ khác tổ chức biểu tình để chống lại cuộc biểu tình này. Họ biểu tình đòi không được phá thai. Các phụ nữ đòi quyền phá thai đưa ra những lý luận như sau: Thân này là của tôi. Tôi có chủ quyền trên thân tôi, tôi muốn làm gì thì làm. Nhiều người nghe câu đó, họ nói: Đúng! Nhưng theo tuệ giác của đạo Bụt thì không đúng! Thân này không phải của mình. Thân này là của tổ tiên, của cha mẹ, của con cháu mình, của nhân loại, của vũ trụ. Mình cần có sự quán chiếu. Tại vì sự an vui của thân này nó liên hệ tới sự an vui của những thân khác, của xã hội, nhân quần.
Trong cái lạy thứ ba thì mình thấy rằng mình không phải chỉ là thân này, mình không phải chỉ là cái hình hài sinh ra vào ngày đó, tháng đó, năm đó và nó sẽ không còn nữa vào ngày đó, tháng đó, năm đó. Trong kinh Bụt nhắc lại sự thật này ít ra là vài ngàn lần! Thân này không phải là tôi. Tại vì trong cái lạy đầu nếu mình lạy đàng hoàng thì mình đã thấy sự thật đó rồi. Tổ tiên của con, cha mẹ của con, anh của con, chị của con, em của con, con của con, tất cả đều là con hết. Vậy thì tại sao mình lại nói cái này mới là con? I am larger than what I think I am. Trong cái lạy thứ ba mình hòa nhập với dòng sinh mạng, mình thấy cái mà mình gọi là mình nó vượt thoát cái hình hài này. Tức là trong cái lạy thứ nhất đã có cái lạy thứ ba rồi.
Con lạy xuống và con buông bỏ ý niệm hình hài này là tất cả những gì của con, hình hài này là con, con chỉ là hình hài này. Buông bỏ cái ý niệm đó. Con lạy xuống và con thấy rằng thọ mạng của con không phải là 70 hay 80 năm. Con có từ trước khi con sinh ra và con sẽ tiếp tục có sau khi con chết đi. Thọ mạng của con là vô lượng. Thọ mạng của con không bị giới hạn vào thời gian. Đó là cái lạy thứ ba, mà cái lạy thứ ba chẳng qua là cái lạy thứ nhất và cái lạy thứ hai đưa tới mà thôi. Nghe như cái lạy thứ ba nó khó hơn cái lạy thứ nhất và thứ hai. Kỳ thật nếu mình thành công trong cái lạy thứ nhất và cái lạy thứ hai thì cái lạy thứ ba đương nhiên là thành công. Nó không khó.
Buổi sáng khi chúng ta tập họp lại theo tiếng chuông và đi thiền hành, thì phải biết rằng cùng đi thiền hành với nhau là một hạnh phúc rất lớn. Điều đóng góp của chúng ta cho cái hạnh phúc đó là chánh niệm của chúng ta.
Giả sử chúng ta là một số người tạo nên một tăng thân. Khi một người trong tăng thân đó có chánh niệm, bước được một bước đi cho thật tỉnh thức, thì người đó bao trùm mình và bao trùm luôn cả tăng thân bởi chánh niệm của chính người đó. Có một người có chánh niệm đi trong tăng thân là một điểm tích cực cho tăng thân. Chỉ cần có một người có chánh niệm đi trong tăng thân là không khí của buổi thiền hành đã thay đổi. Khi chế tác ra được chánh niệm thì người đó nuôi dưỡng mình bằng chánh niệm đó và đồng thời nuôi dưỡng tăng thân cũng bằng chánh niệm đó.
Bây giờ giả dụ có một người thứ hai, chịu ảnh hưởng hay không chịu ảnh hưởng người thứ nhất mà chế tác được năng lượng chánh niệm trong mình, và bước những bước rất vững chãi, rất an lạc, rất thảnh thơi, thì người đó bao bọc lấy mình bằng năng lượng của chánh niệm đó, đồng thời cũng trùm lên tăng thân cái năng lượng chánh niệm của mình.
Khi hai người trong tăng thân có chánh niệm thì năng lượng tích cực đó nó vững chãi hơn, mạnh mẽ hơn. Nếu có người thứ ba cũng làm như vậy thì cố nhiên năng lượng của người thứ ba làm ra sẽ bao quanh người đó và bao quanh tăng thân.
Thành ra sự có mặt của mình trong tăng thân nó đem đến một sự chuyển hóa. Dù mình không nói gì hết, không làm gì hết, nhưng sự có mặt của mình nó đem tới sự vững chãi, sự thảnh thơi, sự an lạc, đem lại hạnh phúc cho tăng thân, và cố nhiên là cho chính mình. Một mặt thì mình được thừa hưởng, và mặt khác, tất cả mọi người trong tăng thân cũng được thừa hưởng. Đó là nguyên tắc gọi là tương tức. Ngoài thế gian người ta gọi là tâm thức cộng đồng.
Trong thời gian một tiếng đồng hồ đi thiền hành, chúng ta tạo ra một cõi tịnh độ, một địa đàng. Nào cây, nào cỏ, nào hoa, nào lá, nào chim, nào khí trời, đều tập họp lại để tạo ra một tăng thân của chúng ta, tạo ra một địa đàng, một tịnh độ cho chúng ta, và chúng ta sống an lạc, thảnh thơi trong khung cảnh đó.
Cố nhiên khi thực tập như vậy, chúng ta có mặt thật sự bây giờ và ở đây, và khi chúng ta thật sự có mặt tức là chúng ta đã là một con người tự do tới một mức độ nào đó, tại vì có tự do mình mới thực sự có mặt. Nếu không có tự do thì mình đang bị lôi kéo bởi quá khứ, bởi tương lai, bởi đau buồn, bởi những dự án của mình, cho nên tuy hiện diện đó mà mình không có mặt ở đó. Thân mình ở đó, nhưng tâm mình không có ở đó.
Mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi chúng ta có thật sự có mặt trong tăng thân hay không? Có thật sự có mặt ở đây và bây giờ hay không? Nếu thật sự có mặt thì chúng ta đã có được tự do và chúng ta có thể đo được mức tự do của chúng ta bằng sự có mặt của chúng ta. Ai nói tự do là cái gì không thể đo được? Chúng ta nói tự do là cái gì có thể đo được, và cái thước để đo tự do của chúng ta là sự có mặt của chúng ta.
Ta có mặt không? Am I really there? Nếu không có chánh niệm thì chúng ta không thể nào có mặt được. Thành ra chánh niệm cũng có thể được đo bằng sự có mặt. Có mặt của thân và của tâm.
Chúng ta có mặt cho ai? Cho chúng ta, cho tăng thân, cho người thương của chúng ta. Khi đi thiền hành mà anh đi những bước chân rất vững chãi, rất thảnh thơi, là anh đi cho anh, nhưng anh cũng đi cho tôi, đi cho tất cả tăng thân. Nếu có một người đang đau ốm không đi được, đang nằm trong phòng, thì anh cũng đang đi cho người đó. Người đó đang bị cảm nặng, đang nằm trong phòng, nhưng người đó có thể biết rằng sư anh của mình đang đi cho mình, sư chị của mình, sư em của mình, thầy của mình đang đi cho mình.
Khi có mặt, ta cũng có mặt cho tổ tiên của chúng ta nữa. Tại vì nếu ta thực sự có mặt thì tổ tiên của chúng ta cũng thực sự có mặt. Đi từng bước thảnh thơi và có chánh niệm thì ta cũng có mặt cho Bụt, cho các vị tổ sư. Nghĩa là ta có mặt cho tổ tiên trong cả hai gia đình, tại vì chúng ta mang trong ta tất cả những thế hệ tổ tiên, tâm linh cũng như huyết thống.
Khi sư chị ngồi thiền ở trong thiền đường, sư chị thấy thiền đường hơi vắng vẻ, không đủ mặt mọi người. Hoặc sư em ngồi thiền ở Xóm Thượng, sư em thấy có những sư anh không có mặt thì sư em hay sư chị có thể có cái buồn hay có sự mất mát năng lượng. Nhưng nếu biết thực tập theo cách nhìn này thì chúng ta không bị mất năng lượng đó, chúng ta không buồn: Sư anh không đến ngồi thiền được, thì mình ngồi cho sư anh!
Mỗi tối tôi ngồi thiền ở Sơn Cốc cũng vậy. Khi ngồi tôi nghĩ tôi ngồi cho tất cả các con của tôi, thành ra có đệ tử nào làm biếng không ngồi thiền thì người đó cũng được cứu độ. Chúng ta dầu là còn trẻ, chúng ta dầu là cá con, chim con hay khỉ con, nếu tối hôm đó không đi ngồi thiền thì nên nhớ rằng thầy đang ngồi cho mình, không sao đâu. Khi mình đi ngồi thiền, mình nói mình ngồi cho thầy, cho các bạn, cho sư chị, thì trong người mình nó sẽ khỏe lắm, không có sự bức rức, giận hờn, trách cứ tại sao "người đó" không chịu đi ngồi thiền!
Tùy theo cách nhìn của mình mà đời sống nó dễ chịu hay là ít dễ chịu hơn. Khi làm như vậy, khi thấy theo cách đó thì trong lòng mình nó thảnh thơi hơn. Ta đang ngồi, ta đâu có ngồi riêng cho ta, cho nên cảm giác ta sẽ lâng lâng.
Phép tu của chúng ta, nhìn vào thì rất đơn giản. Ta tu là để thấy được (Looking), nghe được (Listening), hiểu được (Understanding), và để thương được (Loving). Bốn điều này có dính líu tới nhau.
Thấy mà thấy cho rõ, thấy cho tận nguồn cơn, thì cái ghét không thể nào ở lại được mãi, cái giận không thể nào ở lại được mãi. Nghe cũng vậy. Nghe mà nghe cho tận nguồn cơn thì cái ghét không thể nào ở lại, cái giận không thể nào ở lại, nó phải đi và nhường chỗ cho cái thương.
Vậy thì thấy mà thấy cho sâu thì không thể nào không thương được. Nghe mà nghe cho thấu thì không thể nào còn ghét được. Hiểu mà hiểu cho rõ thì thế nào ta cũng sẽ thương.
Hai câu đối chúng ta treo ở Xóm Thượng là:
Trúc tím, hoa vàng, mắt chánh niệm truyền trao-Càng ngắm, càng nhìn càng hiểu rõ.
Thông reo chim hót, tai chân tâm tiếp thọ-Biết nghe, biết lắng, biết thương sâu.
Sự thực tập của mình là để thấy, để nghe, để hiểu và để thương. Nhưng làm sao để thấy, làm sao để nghe, làm sao để hiểu, và làm sao để thương?
Phải có mặt thường xuyên mới có thể thấy, mới có thể nghe, mới có thể hiểu, mới có thể thương.
Đời sống ở thế gian là đời sống trong đó người ta ít có mặt. Tại vì họ lo lắng, họ sầu khổ, họ đánh mất mình. Vì vậy cho nên sự thực tập của chúng ta ở đây là sự thực tập có mặt trong từng giây từng phút.
Sư cô biết, sư chú biết, các anh các chị biết phải làm thế nào để mỗi giây phút trong đời sống hàng ngày chúng ta thực sự có mặt. Đi phải có mặt. Đứng phải có mặt. Nằm, ngồi phải có mặt. Ăn uống, dọn dẹp, nấu cơm đều phải có mặt. Nó đơn giản tới mức đó!
Để có mặt, chúng ta có rất nhiều phương pháp. Bài pháp thoại nào cũng để nói về phương pháp làm sao để có mặt. Bài hát nào của Làng Mai cũng đều dạy làm sao để có mặt. Buổi pháp đàm nào cũng đều giúp ta thấy được phương pháp giúp chúng ta có mặt. Phải có mặt 24 giờ đồng hồ một ngày.
Mình có mặt cho ai? Mình có mặt cho mình, cho tổ tiên, cho thế giới, cho tăng thân. Hễ tu là mình chỉ có thể tu Đại thừa thôi, không thể tu Tiểu thừa được, tại vì hễ mình có mặt thì tất cả mọi người đều được hưởng sự có mặt của mình. Có mặt mới thấy được, có mặt mới nghe được, có mặt mới hiểu được, có mặt mới thương được. Để thấy, để nghe, để hiểu, để thương, chúng ta thực tập đi thiền hành, chúng ta thực tập ngồi, chúng ta thực tập ăn, thực tập làm việc. và chúng ta thực tập nghỉ ngơi (nghỉ ngơi theo kiểu có mặt cũng khó lắm).
Cho nên khi về tới Làng Mai, câu hỏi hay nhất mà quý vị nên hỏi là: Đi như thế nào? Ngồi như thế nào? Ăn như thế nào? Nghĩ như thế nào? Làm việc như thế nào?
Làng Mai có ngày làm biếng. Mình đừng tưởng ngày làm biếng là dễ. Làm biếng là phải học từ những người đã biết thực sự làm biếng!
Chúng ta biết rằng khi đang ở trong bụng mẹ, thì mẹ thở giùm ta, mẹ đi giùm ta, mẹ ăn giùm, mẹ nghĩ giùm, mẹ làm việc giùm, ta khỏi phải làm gì hết. Nhưng khi ra đời thì chúng ta phải tập từ từ. Việc đầu tiên mà chúng ta phải làm là chúng ta phải thở. Nếu không thở thì không được. Rồi từ từ chúng ta học ngồi, học đi, học ăn, học nghĩ, học làm việc. Đó là cha mẹ huyết thống sinh ra.
Bây giờ sinh ra trong đời sống tâm linh, làm cá con, chim con, hay khỉ con, thì chúng ta phải học lại hết. Chúng ta phải học thở trở lại, học đi trở lại, học ăn trở lại, học ngồi, học làm việc, học nghỉ ngơi trở lại. Chúng ta học trong sự có mặt đích thực của mình.
Nếu quý vị muốn thấy, muốn nghe, muốn hiểu, muốn thương, thì quý vị phải thực tập sáu điều đã nói:
1. Phải thở cho đúng pháp-
2. Phải đi cho đúng pháp-
3. Phải ngồi cho đúng pháp-
4. Phải ăn cho đúng pháp-
5. Phải nghỉ cho đúng pháp-và
6. Phải làm việc cho đúng pháp, thì mới có tuệ giác, mới có từ bi.
Hiểu đây tức là tuệ giác. Do ngồi mà có tuệ giác. Do đi mà có tuệ giác. Nếu không biết cách ngồi thì mình ngồi một ngàn năm cũng không có tuệ giác. Nếu không biết cách đi thì đi một ngàn dặm cũng không có tuệ giác. Cho nên đến Làng Mai là phải học ngồi như pháp tọa; phải học đi như pháp hành; phải học ăn như pháp thực.
Thành ra mỗi chúng ta hãy tự hỏi là ta đã biết, đã nắm được nghệ thuật đi hay chưa? Cái quý báu nhất mà thầy có thể trao truyền cho mình là chỉ cho mình cách đi, cách thở, cách ngồi, cách ăn, cách làm việc.
Theo cách thực tập của chúng ta thì đi thiền hành là đi mà không có biên giới. Mình nghĩ đi thiền hành là khác, còn thường thường đi là khác. Nhưng trong thực tập của Làng Mai thì đi có nghĩa là đi thiền hành, và đi thiền hành có nghĩa là đi. Không phải đi với tăng thân thì mình đi có chánh niệm, còn lúc xong một tiếng đồng hồ thiền hành thì mình đi thế nào cũng được! Phân bậc cách thực tập có hình tướng và thực tập không có hình tướng (Formal practice và informal practice) là không đúng cách thực tập Làng Mai. Cho nên ở làng, khi đi thiền hành, mình đi có chánh niệm, nhưng khi không đi thiền hành, mình cũng đi có chánh niệm. Như vậy "đi" và "đi thiền hành" là một.
Thầy mình làm như vậy thì mình phải làm như vậy. Sư chị mình làm như vậy thì mình phải làm như vậy. Sư anh mình làm như vậy mình phải làm như vậy. Tại vì thầy mình làm là không phải làm riêng cho thầy mình mà làm cả cho mình nữa. Mình làm như vậy không phải làm riêng cho mình, mà làm cho thầy mình, cho em mình, cho chị mình, cho anh mình nữa.
Chúng ta sống với tư cách một tăng thân. Chúng ta mỉm miệng cười là chúng ta thực tập cho tất cả tăng thân. Thành ra sự tu của chúng ta không thể được đo lường bằng ngày, bằng năm, bằng tháng. Tôi ở đây được bốn năm rồi! Tại vì số bốn là một con số rất giả tạo. Mình học chương trình Đại học bốn năm, cho nên khi vào đây mình mang theo ý niệm "ra trường"!
Trong Thiền Uyển Tập Anh có câu chuyện của một thầy đến đảnh lễ một vị thiền sư. Vị thiền sư hỏi:
-Thầy xuất gia được mấy năm rồi?
-Bạch thầy con xuất gia được 12 năm rồi.
-Thầy xuất gia được 12 năm rồi nhưng thầy đã xuất gia chưa? Vị thiền sư hỏi lại. Thầy đó không biết trả lời ra sao, còn vị thiền sư thì không nói thêm gì nữa. Cho nên tối hôm đó, lúc 12 giờ khuya, vị thầy đó đắp y và tìm tới phòng của vị thiền sư, gõ cửa vào lạy và xin lãnh giáo.
Mười hai năm rồi mà đã xuất gia chưa có nghĩa là trong những năm tháng đó anh có biết thở, biết đi, biết ngồi, biết ăn, biết nghĩ, biết làm việc không? Nếu anh còn giữ tập khí của anh khi ở ngoài đời thì anh chưa phải là người xuất gia. Anh chỉ là người xuất gia khi anh bỏ được tập khí ngoài đời để anh đi như pháp, thở như pháp, đứng như pháp, làm việc như pháp, có tăng thân bên cạnh để giúp anh, và anh có mặt đó để giúp tăng thân.
Cho nên cái kiến thức của mình, cái biện tài của mình, tài tổ chức của mình không phải là thiết yếu. Cái thiết yếu nhất là cách đi của mình, cách ngồi, cách thở của mình. Nếu mình hạ thủ công phu thì mình mới có thể gặt hái hoa trái của sự thực tập, mình mới có tuệ giác được. Nếu anh muốn có tuệ giác, anh phải đi cho đàng hoàng. Nếu anh có tuệ giác thì anh phải ngồi cho đàng hoàng, ăn cho đàng hoàng. Tại vì ngoài đời, trong cuộc sống hàng ngày, thiên hạ chỉ bay bổng mà thôi. Cái đầu của mình nó bay bổng, nó là một con khỉ, một con vượn leo cành. Mình không có định, chân đi không chấm đất.
Khi đi thiền hành, quý vị đi như thế nào để chân chấm đất, cột con khỉ đó lại, bắt nó chấm chân xuống đất. Làm sao để hai chân của mình dính vào cái bây giờ và ở đây. Bước một bước, bước hai bước là sự thực tập đem mình tiếp xúc với sự sống bây giờ và ở đây. Đó là sự thực tập căn bản. Ngồi cũng vậy. Ngồi là phải tiếp xúc với sự sống bây giờ và ở đây.
Hơi thở giúp cho mình làm chuyện đó. Hơi thở còn mầu nhiệm hơn nữa, hơi thở làm cho mình tiếp xúc được với những cái mầu nhiệm của sự sống, tiếp xúc được với niềm vui và hạnh phúc mà mình có thể có ngay trong khi ngồi hay đi. Vì vậy mà về Làng Mai là phải biết thực tập hơi thở.
Mục đích của sự tu tập là để có hạnh phúc. Mà hạnh phúc là do ở cách sống của chúng ta. Tôi xin đưa ra một vài nét để quí vị nhớ mà thực tập cho thành công.
♦ Nguyên tắc thứ nhất là nguyên tắc con đường thẳng. Giữa hai điểm ở trong không gian thì con đường ngắn nhất để tới điểm kia là con đường thẳng. Chúng ta đừng đi đường quanh.
Khi nghe một ai nói gì, nghe một người nói rằng có người nói gì về mình, thì tức khắc chúng ta phải áp dụng phương pháp này. Người đó có thể nói một câu rất đúng hay rất sai. Nhưng nếu ta muốn đừng bị tri giác sai lầm thì chúng ta đừng bằng lòng với sự thuật lại của người thứ ba. Tại vì như vậy là tội cho người kia lắm. C kể rằng B đã nói gì đó thì chúng ta đừng vội tin ở C dù lời nói đó là một lời khen hay chê. Chúng ta phải trực tiếp đi tới B bởi vì con đường này là con đường ngắn nhất. Phương pháp này tuy đơn giản nhưng rất hiệu nghiệm.
Tôi nguyện từ đây về sau tôi áp dụng nguyên tắc con đường thẳng. Tôi tới hỏi trực tiếp người đó. Thưa anh, anh có nói như vậy không? Chị có nói như vậy không? Nói lại cho em nghe với.
♦ Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc nước tĩnh lặng chiếu. Khi tâm của mình yên lặng thì mình có thể phản chiếu được sự thật. Mặt trăng nó sẽ tròn, cây dương liễu sẽ có màu xanh. Mình thấy rất rõ. Còn nếu tâm mình không được tĩnh thì dù mình đang trực tiếp với B nhưng vì mình có hơi bực bội, có thể có thành kiến rồi, mà thành kiến có thể là do C đưa ra, cho nên nước của mình không tĩnh, thì dù mình trực tiếp ngồi với B mà mình vẫn có thể hiểu lầm B. Tại vì B nói như thế này mà mình hiểu như thế khác. B nói "Đường Xưa Mây Trắng", mình tưởng là "Áo sơ mi trắng!" Thành ra tuy mình ngồi đối diện với người kia, không qua một trung gian nào mà mình vẫn có thể hiểu lầm người kia, là tại vì có thể mình đang có một cái giận, hay đã có một thành kiến trước rồi. Vì vậy mà mình bóp méo câu của B nói!
Đây là một bình diện thực tập sâu hơn, gọi là nước tĩnh lặng chiếu. Nếu mình là B, mình thấy người đối thoại A không được bình tĩnh thì mình phải cẩn thận, mình phải giúp người đó, mình phải nói như thế nào để người đó có thể thấy được ý của mình. Tại vì có khi mình nghĩ như thế này mà mình nói như thế khác, và không phải mình giả dối! Có khi trong đầu của mình nghĩ rằng Pháp Cảnh, mà cái miệng mình nói ra Pháp Niệm. Mình tưởng hai cái đó đi đôi với nhau, nhưng kỳ thật cái miệng của mình có khi nó nói những điều không phải ở trong lòng của mình.
Chúng ta ai cũng có thể có những lầm lỗi hết. Mình nói rằng chính lỗ tai tôi nghe mà, nói rằng người đó không nói câu đó đâu có được! Mà mình nói đúng, chính tai mình nghe, nhưng vì tâm mình không tĩnh, thành ra mình hiểu lầm.
Cho nên cả hai bên đều phải rất cẩn thận, không bên nào giả dối hết! Đừng vội kết án rằng người kia không thành thật, nói như vậy nguy hiểm lắm! Một điều tôi xin quí vị nhớ là đừng bao giờ nói người kia không thành thật. Câu nói đó rất là nặng!
Có thể là cả hai bên đều thành thật. Thường là như vậy, nhưng tại hai bên có thể có nhận thức sai lầm. Hai bên đều có thể có những cái vụng về. Tất cả chúng ta người nào cũng có thể vụng về hết. Biết như vậy thì chúng ta tha thứ cho nhau.
Chúng ta phải cẩn thận, điều này rất là quan trọng, hạnh phúc của người kia nó rất cần cho hạnh phúc của ta. Nếu người kia không hạnh phúc thì ta khó có hạnh phúc lắm! Hạnh phúc của ta lệ thuộc vào hạnh phúc của người kia, cho nên ta cầu cho người kia có hạnh phúc.
♦ Thứ ba là không khinh thường một hạt sỏi, hay một hạt cát! Tại vì giữa ta với người kia có xảy ra một việc gì đó, nhưng ta nói: Ồ không quan trọng. Nghĩ vậy là nguy hiểm lắm. Tại chúng ta biết rằng nếu muốn có hạnh phúc, chúng ta đừng để một hạt sỏi nào vướng vào trong chiếc giày của chúng ta cả. Vì vậy cho nên giữa hai anh em mà có gì thì phải lập tức giải quyết liền chứ đừng để quá 24 giờ đồng hồ. Đừng nói rằng cái đó không quan trọng. Đó là một điều sai lầm rất lớn. Hễ có chuyện gì là phải đến với người em hay người anh, người chị của mình, ngồi xuống, tháo chiếc giày, lấy viên sỏi đó ra. Làm vậy tức là thương thầy, thương chúng, thương tăng thân. Không làm như vậy là không thương ai cả! Điều này cũng rất quan trọng, tại vì hạnh phúc của biết bao nhiêu người đều tùy thuộc vào chuyện này.
Mỗi người đều phải làm như vậy. Mình thực tập thương yêu 24 giờ một ngày, không thể ít hơn. Do đó nếu có một điều gì hơi gợn lên trong lòng, một niềm thiếu hạnh phúc là mình phải biết quán chiếu, phải tới với người đó, phải giải quyết. Đó là tình thương đích thực, không phải tình thương chỉ đối với người đó, hay đối với mình mà thôi, mà đối với tất cả mọi người. Làm cho thầy, cho chúng, cho gia đình mình, cho các thế hệ tương lai.
♦ Nguyên tắc thứ tư là he or she is there for me. Tuy ta học được những phương pháp, những pháp môn rồi, ta có thể giải thích về phương pháp đó rất hay nhưng ta áp dụng chưa được trong trường hợp của chính ta. Trường hợp này thường xảy ra lắm. Pháp môn mình học, mình nắm vững, mình thuộc lòng, nhưng mình chưa áp dụng được cho chính mình. Mình nói có một hạt sỏi nằm trong chiếc giày vậy mà hai anh em ngồi hoài mà lấy không ra, tại mình dở quá! Rồi mình cứ để như vậy, mỗi ngày nó nặng thêm lên. Cái giận, cái buồn, cái bực nó càng ngày càng nặng, rồi vấn đề nó trở thành càng ngày càng khó. Rất tội cho chúng, cho thầy.
Nếu hai anh em mà không giải quyết được, nó đã ba bốn ngày, năm sáu ngày rồi mà chưa giải quyết được thì đừng có chịu chết, phải đi tìm một người anh, một người chị, hay là đi tìm thầy. Tại vì anh của mình, chị của mình, thầy của mình có mặt đó cho mình. He is there for me, she is there for me. Phải tới cầu cứu chứ đừng có chịu chết. Đừng bao giờ nói: Chuyện như vậy mà nói cho thầy nghe để thầy phải buồn thì tội nghiệp thầy! Vì vậy mà cả hai bên đều bí mật cam kết rằng đừng nói chuyện này cho thầy biết!
Đứng về phương diện hình thức thì đó là vì mình nghĩ mình thương thầy, hay thương anh, thương chị. Nhưng kỳ thực là mình làm hại hạnh phúc của cả tăng thân! Cho nên mình đừng núp sau cái chiêu bài "sợ thầy buồn tội nghiệp". Chính việc mình không nói, không giải quyết với nhau mà cứ để tình trạng kéo dài mới là tội nghiệp cho thầy, mới là tội nghiệp cho đại chúng.
Có thầy, có anh, có chị để làm gì? Chính những lúc đó mình mới cần tới thầy, mới cần tới anh, tới chị! Có một người mà mình biết rằng có thể giúp được hai đứa mình, thì mình phải nhờ. Tại sao không nhờ mà cứ để ngày này sang ngày khác, tuần này sang tuần khác, rất là tội nghiệp. Có vấn đề nào là vấn đề riêng của mình đâu? Không có! Tất cả các vấn đề của chúng ta đều là vấn đề hạnh phúc của tăng thân hết. Nếu làm được như vậy thì hạnh phúc của mình nó tăng tiến rất nhiều, hạnh phúc của đại chúng sẽ tăng tiến rất nhiều.
♦ Phương pháp chót là ta là ai? Mình phải thử hỏi mình là ai ở trong tăng thân này. Trong ngôn ngữ của người Tây phương thì chữ "I", chữ "You" hay chữ "him" hoặc "her" nó chỉ một đối tượng độc lập, riêng rẽ. Chữ "I" mình thường dịch là "tôi". Nhưng trong ngôn ngữ Việt Nam không có chữ nào để dịch chữ I của Tây phương cả! Nếu có học tiếng Việt thì quý vị biết rằng "tôi" là luôn luôn có liên hệ nào, thuộc vai vế gì của người kia, chứ không thể nào mình là một cái tôi không dính dấp tới người kia. Mình phải là anh, là chị hay là em, là cháu v.v... của người kia.
Ví dụ ra đường gặp một người và mình hỏi: Bác có biết nhà dây thép đâu không, xin bác chỉ cho cháu với. Như vậy là trước hết, mình phải thiết lập một liên hệ gia tộc thì mình mới nói chuyện được. Nếu không là bác, thì là anh, là chị, chỉ đường ra nhà dây thép giùm em với.
Mình không nói chuyện được nếu mình không thiết lập một liên hệ gia tộc. Đó là tiếng Việt. Không có một chữ nào để dịch chữ I bên tiếng Anh hay chữ Je bên tiếng Pháp hết. Mình là gì của người đó chứ mình không thể nào riêng rẽ được.
Vì vậy nếu mình là chị, thì mình biết rằng cái đau khổ của em mình, mình chịu trách nhiệm, mình không thể đối lập với em mình được. Nó là em mình thì nó là mình. Những nỗi buồn của nó, những niềm vui của nó là của mình, mình có bổn phận phải giải quyết. Chỉ cần nhớ mình là chị là có thể giải quyết được rồi. Mình chịu trách nhiệm. Nếu mình nhớ mình là anh của nó, và chỉ cần nhớ thôi thì mình biết rằng mình không thể nào đối lập với nó được. Nó là em của mình. Nó vui, nó buồn, nó thành, nó bại, mình chịu trách nhiệm hết. Thành ra Who am I? là một phương pháp thực tập rất hay. Sẽ không có chuyện đối lập nữa. Giống như Thiền không đối lập với Giáo. Chỉ cần nhớ như vậy là đủ rồi. Cái đó đủ soi sáng cho mình, đủ chỉ cho mình biết mình phải làm gì và mình không nên làm gì để cho đứa em của mình có hạnh phúc trở lại.
Hôm trước trong lễ xuất gia, sư em Bích Nghiêm ngồi trong buổi lễ thì tự nhiên có một tư tưởng nó tới: Bây giờ mình phải làm sư chị rồi! Đúng như vậy. Chúng ta có pháp thực tập tôi thế nào cũng già, tôi không thể nào tránh thoát cái già. Thì ở đây cũng vậy, tôi thế nào cũng phải thành sư chị, tôi không thể chạy trốn cái trách vụ sư chị của tôi. Nếu biết mình là sư chị, đó là hay lắm rồi. Mình biết rằng mình chịu trách nhiệm về tất cả những sư em của mình, những cái thành công, những điều thất bại, những khổ đau của họ, mình đều chịu trách nhiệm, mình không thể nào đối lập với họ được.
Mình là em cũng vậy. Người kia là sư anh, mình không thể nào đối lập với anh của mình được. Những cái kẹt, những cái khổ, những cái bực dọc của anh mình, mình chịu trách nhiệm, thành ra mình phải tới giúp người sư anh của mình. Mình không thể đối lập với sư anh của mình được. Cũng vậy, ví dụ như thầy giận học trò của thầy. Một ông thầy mà giận học trò của mình là vô minh lắm, tại vì nó là học trò của mình, nó dở hay nó hư, mình đều lãnh đủ hết. Thành ra đối lập với nó, không thèm nhìn mặt nó là chuyện rất dại dột. Tại vì nó là mình.
Cho nên nếu thầy không có quyền giận học trò, thì mình là sư anh, làm sao mình có quyền giận sư em của mình? Mình là sư chị, mình không có quyền giận sư em của mình.
Là sư em cũng vậy, mình không có quyền giận sư anh, sư chị của mình. Là học trò cũng vậy, mình không có quyền giận thầy. Tại vì thầy cũng cần mình lắm! Mình nuôi thầy. Cái hạnh phúc của mình là thức ăn của thầy, nếu mình không có hạnh phúc thì thầy không sống được lâu. Do đó mà mình phải có hạnh phúc để nuôi thầy. Nếu mình giận thầy, mình trách thầy là hư hết bột đường! Cũng như nếu thầy giận mình, thầy trách móc mình thì cũng hỏng luôn!
Xin chúc đại chúng thành công trong việc tu tập. Nếu chúng ta áp dụng được năm pháp môn này thì hạnh phúc của chúng ta sẽ tràn trề, không cần lặn lội mà chúng ta sẽ tới được bảo sở, và không cần Magic city mà chúng ta vẫn có an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc như thường.
Tôi còn nhớ hồi sang Trung Quốc, tại chùa Nam Phổ Đà tôi có tuyên bố với 600 vị xuất gia gồm 300 thầy và 300 sư cô rằng: Khi trồng một cây cam, người ta mong đợi cây cam có hoa cam và trái cam. Tặng phẩm quý nhất mà một cây cam có thể dâng hiến cho đời là hoa cam, và trái cam. Hoa cam trắng muốt, thơm lừng. Trái cam vàng tươi, mọng nước. Nếu cây cam không chế biến được hoa cam và trái cam, thì cây cam đó chưa phải là một cây cam giỏi.
Người tu cũng vậy. Người tu phải chế tác ra những hoa trái của mình. Người tu phải chế tác ra sự hiểu biết, sự thương yêu, sự vững chãi, sự thảnh thơi. Chúng ta là những cây cam, chúng ta có những điều kiện tốt để chế biến ra hoa cam và trái cam. Chúng ta là những người tu có hoàn cảnh, có phương tiện, chúng ta phải sống đời sống hàng ngày như thế nào để có thể cống hiến được hoa trái cho cuộc đời. Cuộc đời rất cần sự an ạc, rất cần sự vững chãi, thảnh thơi của chúng ta.
Trong giới tu học người ta thường nói đến sự giác ngộ. Người ta tin rằng mỗi khi đạt được giác ngộ thì mình hết khổ đau. Nhưng sự đạt ngộ đó có dính líu gì tới thế gian hay không? Sự đạt ngộ đó có thể chuyển hóa con người của mình hay không? Con người có nhiều thất vọng, có nhiều hận thù, sầu đau. Con người có nhiều tập khí xấu thành ra con người có hy vọng sẽ có tươi mát, an lạc, vững chãi, thảnh thơi. Nhưng câu hỏi đặt ra là sự chứng ngộ đó có dính líu tới sự chuyển hóa của con người hay không?
Cũng như người nông dân khi sử dụng một loại hạt giống hay một thứ phân bón. Nếu trong hai ba năm liên tiếp mà thất bại thì người nông dân đó phải từ bỏ loại hạt giống đó, loại phân bón đó, phương pháp canh tác đó, để đi tìm loại hạt giống khác, loại phân bón khác thích hợp hơn. Đó là một quá trình học hỏi.
Người tu cũng vậy. Nếu trong thời gian một năm, hai năm mà chúng ta không thấy chuyển hóa, không thấy những khối nội kết trong lòng ta chuyển hóa, chúng ta không thấy có sự an vui, sự vững chãi, sự thảnh thơi tăng trưởng nơi con người của chúng ta, thì chúng ta biết rằng phương pháp của chúng ta chưa phải là phương pháp hay, hoặc là chúng ta chưa nắm vững phương pháp đó. Vì vậy chúng ta phải nhờ thầy, nhờ bạn để có thể kiểm lại lề lối, kiểm lại phương pháp thực tập của chúng ta. Chúng ta không thể chịu chết! Thực tập như thế nào mà mỗi ngày đều có thêm một ít an vui, một ít vững chãi, một ít thảnh thơi. Như vậy thì niềm tin của chúng ta mới lớn lên, và trên cơ bản của niềm tin đó chúng ta sẽ có nhiều sức mạnh, nhiều hạnh phúc.
Trong giới tu hành có rất nhiều người tin rằng khi đóng cửa phòng mình lại trong ba năm, không tiếp xúc với ai thì mình có thể tu tập mau chóng hơn. Hoặc giả mình lên núi, vào một hang động và sống một mình trong nhiều năm, không gặp loài người, thì mình sẽ có cơ hội chuyển hóa nhiều hơn. Quan niệm đó vẫn còn rất vững chãi trong tâm tư của nhiều người trong xã hội chúng ta.
Tu tập có nghĩa là chuyển hóa, nhưng chuyển hóa cái gì? Chuyển hóa những cái buồn, cái giận, cái ganh ghét, cái tuyệt vọng, cái sợ hãi, cái tham đắm.
Khi chúng ta chung dụng với con người thì những hạt giống của cái buồn, cái giận, cái sợ hãi, ganh tị mới được tưới tẩm và phát hiện để chúng ta có dịp nhận diện nó, rồi tu tập mà chuyển hóa nó. Nếu chúng ta ở trong hang ba năm, không gặp một người nào cả thì làm sao những hạt giống kia được tưới tẩm? Vì vậy cho nên sống, chúng ta không thể sống một mình, mà tu chúng ta cũng không thể tu một mình!
Chúng ta phải thực tập "Con về nương tựa tăng". Tu là phải có tăng thân. Người tu là phải thông minh. Ít nhất là phải thông minh bằng một cây cam, tại vì cây cam có đủ trí tuệ. Chúng ta đừng khinh cây cam không có trí tuệ. Nó có rất nhiều trí tuệ. Nó biết gởi đi những chiếc rễ về hướng nào để có thể có nhiều chất bổ. Nó biết vươn lên vùng không gian nào để gặp được ánh nắng. Trí tuệ của cây cam là một chuyện mà chúng ta không thể không chấp nhận là có.
Chúng ta cũng phải như vậy. Chúng ta cũng phải đưa những cái rễ của chúng ta về phía có chất bổ dưỡng. Sống, chúng ta cần tình thương, cần niềm tin, cần chánh niệm. Chúng ta còn cần không gian, cần ánh sáng, cần tình bạn, cần tăng thân để nuôi dưỡng mình, giống hệt như một cây cam. Vì vậy cho nên người tu cần phải sử dụng tuệ giác của mình, sử dụng thông minh của mình để tu học.
Chúng ta biết rằng sống trong một tăng thăn thì chúng ta là một thành phần của tăng thân, một thành phần của thân thể mà ta gọi là tăng thân. Trước đây các thầy chỉ dùng danh từ Phật thân và Pháp thân. Nhưng tại Làng Mai chúng ta sử dụng danh từ Tăng thân rất nhiều. Tại vì tăng thân quan trọng không thua gì Phật thân và Pháp thân.
Phật thân là thân của ta, Pháp thân là thân của ta. Ta có thân Phật, ta có thân Pháp, nhưng ta cũng có thân Tăng. Một người không có thân Tăng thì nhục thân của mình không thể nào sống được, không thể nào chuyển hóa, không thể nào lớn lên được. Cho nên chúng ta phải nương vào tăng thân. Đi đâu chúng ta cũng phải đem tăng thân đi theo. Chính nhờ sống ở trong tăng thân, nhờ đụng chạm với những thành phần của tăng thân mà chúng ta được học hỏi, chúng ta được mài giũa. Có những người ưa sống một mình, lâu lâu mới tới với tăng thân. Như vậy cơ hội chuyển hóa của họ rất ít. Có người chỉ sống một mình trong một cõi, ít ưa chung đụng với tăng thân, trong trường hợp này sự chuyển hóa cũng không có cơ hội nhiều.
Khi sống chung phòng với một sư anh, sư em, sư chị thì mình có cơ hội tiếp xúc với thành phần đó của tăng thân. Có thể đứng về phương diện vật chất, những tiện nghi sẽ ít hơn một chút. Nhưng đứng về phương diện tu học thì sự sống chung phòng với anh em, với chị em là một phương pháp thực tập rất tốt. Khi sư chị đi ngủ thì mình biết rằng mình không thể thức khuya để đọc sách được, và mình cũng được đi ngủ. Do đó mà mình thừa hưởng được sự có mặt của tăng thân. Nếu sư em dậy ngồi thiền thì mình thấy rằng mình nằm nướng nhìn không được, cho nên mình cũng thức dậy để đi ngồi thiền. Đó là những lợi lạc đầu tiên mà chúng ta đạt được khi sống chung với tăng thân.
Khi rửa một bó đũa, chúng ta không xát xà phòng và rửa riêng từng chiếc, mà chúng ta lấy nguyên cả bó để xát với nhau, và xát một hồi thì tất cả các chiếc đũa đều sạch bong! Thành ra sự cọ xát giữa những thành phần trong tăng thân với nhau, sẽ đưa tới sự tròn trịa, bóng loáng, sáng chói, đẹp đẽ của từng thành phần của tăng thân. Chúng ta đừng ngại chuyện đó.
Nếu quý vị rửa khoai lang hay khoai tây, thì quý vị có thể để vài mươi củ trong cái rổ, ngâm vào nước rồi lắc qua lắc lại một hồi thì tất cả các củ khoai đều sạch. Tại vì củ khoai này sẽ rửa cho củ khoai kia.
Sư anh, sư em, sư chị sẽ giúp nhau và chúng ta đừng ngại, chúng ta đừng theo khuynh hướng muốn có sự gọi là privacy, và có những tiện nghi vật chất. Nếu chúng ta thiên trọng những tiện nghi vật chất thì chúng ta mất đi những cái lợi lạc của sự sống chung trong tăng thân.
Trong tăng thân có những người đối với mình thì rất dễ thương, rất dễ sống với, nhưng cũng có người ít dễ thương hơn, khó khăn hơn. Chúng ta đừng tìm cách lẩn tránh những người khó khăn hơn, ít dễ thương hơn. Chính nhờ gần gũi những người khó khăn đó, những người ít dễ thương đó mà chúng ta có thể thực tập và chuyển hóa. Họ là cơ hội cho chúng ta chuyển hóa. Nếu có tu tập thật sự, thì ta cũng là cơ hội để cho họ chuyển hóa.
Tu không phải là vấn đề cá nhân, tu là vấn đề tập thể. Tôi tu cho sư anh của tôi, cho sư em của tôi, cho sư chị của tôi. Sư chị của tôi tu cho tôi và cho thầy tôi. Bất cứ một hơi thở, một bước chân, một nụ cười nào của chúng ta, cũng đều có tác dụng chuyển hóa cho tăng thân hết. Một sự càu nhàu, một ánh mắt giận hờn, một cử chỉ bực bội của ta đều có ảnh hưởng trên tăng thân. Ảnh hưởng tích cực hay ảnh hưởng tiêu cực là tùy phẩm chất của chánh niệm trong khi chúng ta có những ánh mắt đó, cử chỉ đó, nụ cười đó.
Làng Mai có pháp môn gọi là Làm Mới, có nghĩa là chuyển hóa, hòa giải. Hòa giải nghĩa là khi có một sự mâu thuẫn, một sự chống báng, sự tranh chấp, giận hờn giữa mình với một người khác, thì mình phải thực tập hòa giải. Tiếng Anh gọi là Reconsideration. Nhưng hòa giải ở Làng Mai nó ngộ lắm, rất là đặc biệt, tại vì không cần sự có mặt của người kia mà mình vẫn có thể hòa giải được như thường.
Ở ngoài đời khi nghe tới chữ hòa giải, là phải nghỉ đến triệu tập một hội nghị, trong đó hai hay vài người ngồi xuống thì mới hòa giải được. Còn ở Làng Mai thì không cần như vậy. Mình hòa giải với người kia trong khi mình đi thiền hành, mình hòa giải với người kia trong khi mình ngồi thiền tọa. Phương pháp này có khi mình gọi là Giải giới đơn phương, tiếng Anh là Unilateral disarmament. Thành ra không ai tốn tiền máy bay!
Nếu có một người mà mình rất giận, người đó có thể ở rất xa, bên châu Mỹ hay bên châu Á, người đó đã làm cho mình điêu đứng thì mình cứ an trú bây giờ và ở đây, rồi mình thực tập hòa giải với người đó. Hòa giải đây không phải là bằng lời nói, mà bằng sự quán chiếu của mình. Mình dùng năng lượng của chánh niệm để mình nhìn sâu, nhìn kỹ vào lòng của mình, vào cái bản chất của sự giận hờn, của sự thù hận của mình, và mình chuyển hóa nó. Khi thành công thì tuy là chưa gặp người kia mà mình đã trở thành một con người tự do. Mình đã hết giận rồi, hết hờn oán, mình thảnh thơi, mình hạnh phúc.
Mình biết rằng nếu mình có thảnh thơi, có hạnh phúc, có từ bi thì một mai kia, người kia gặp được mình, họ sẽ nhận được điều đó, họ thấy được ánh mắt của mình, họ nghe được lời nói của mình, họ thấy được hạnh phúc của mình, họ thấy rằng mình đã giải giới, mình đã buông hết khí giới xuống. Họ không còn là đối tượng của sự giận dữ của mình nữa. Vì vậy sớm muộn gì người đó cũng sẽ thay đổi, tại vì mình đã thay đổi. Sự thay đổi nơi một người sẽ đưa tới sự thay đổi nơi người kia.
Người kia không có mặt nơi đây, nhưng niềm hận thù của mình, niềm đau của mình có mặt ở trong mình, và mình chịu trách nhiệm về niềm hận thù, niềm đau xót đó.
Quán chiếu về nó, mình có thể thấy rằng niềm đau đó, niềm hận thù đó được làm bằng những chất liệu của vô minh, của tri giác sai lầm. Và người kia, ban đầu mình tưởng không bao giờ có thể thương được, không thể tha thứ được, nhưng nhờ sự quán chiếu mà ta tìm ra rằng ta thương được người đó, ta tha thứ cho người đó một cách dễ dàng, tại vì trong quá khứ cả ta và người đó đều là đối tượng, đều là nạn nhân của tri giác sai lầm, của tưởng.
Cách đây mấy năm có một nữ Phật tử xin được làm đám cưới tại Làng Mai. Sau khi đã được chấp nhận, cô đó và người bạn đường tương lai của cô đến làng tu học hai tuần trước khi làm lễ. Luật ở Làng Mai là phải tu tập để thân tâm chuyển hóa mới có khả năng cùng đi trên một chuyến du hành rất nguy hiểm như là đời sống lứa đôi. Đám cưới là một cuộc phiêu lưu rất mạo hiểm.
Hai mươi bốn giờ trước giờ làm đám cưới, hai người đã lên Cốc Ngồi Yên của tôi để xin tham vấn. Câu hỏi duy nhất mà họ đưa ra là: Bạch thầy, chỉ còn 24 giờ đồng hồ nữa là tới ngày cưới của chúng con, thầy nghĩ chúng con cần làm gì để được sẵn sàng trước giờ cưới? Giờ cưới nó quan trọng lắm. Ký kết một hiệp ước như vậy có thể là rất nguy hiểm!
Sau khi mời mỗi người một chén trà, tôi nói rằng: Điều quan trọng nhất là quý vị quán chiếu lại, thấy rằng mình chưa hòa giải với ai trên cuộc đời này, thì phải tìm cách hòa giải với người đó trước khi làm đám cưới. Có một người bạn hay một người thân nào mà mình đang có sự căng thẳng, sự giận hờn, sự mâu thuẫn, oán trách thì đó là công việc cần làm và làm cho sâu sắc trước giờ làm lễ cưới. Sau khi nói câu đó, tôi không muốn họ mất thì giờ nên tôi nói: Bây giờ quý vị còn gần 24 tiếng đồng hồ, quý vị hãy làm công việc đó đi, và tôi chấm dứt buổi nói chuyện.
Thì giờ rất là quý báu cho họ. Làm thầy thì phải có khả năng nhìn vào trong trái tim của người học trò để thấy. Sở dĩ hôm đó tôi nói câu đó là vì tôi biết họ còn có ít nhất là một người cần được hòa giải. Vì vậy cho nên tôi không giữ họ lâu hơn, tôi cho họ thời gian còn lại để làm công việc quan trọng đó.
Hòa giải theo phương pháp của đạo Bụt thì không cần sự có mặt của cả hai người, không cần phải ngồi trước mặt người kia, không cần ngồi trong bàn tròn để đàm luận. Sự thực tập hòa giải trong đạo Bụt bắt đầu và hoàn tất ngay trong chính cơ thể và tâm hồn của mình. Phương pháp đó có khi chúng ta gọi đùa là Giải giới đơn phương.
Hơi thở, bước chân thiền hành, và sự quán chiếu giúp cho chúng ta có thể giải giới được. Chúng ta làm sao cho những buồn giận, những bực tức, những ganh tị của chúng ta đối với người kia được giải tỏa, và giải tỏa bằng sự hiểu biết, bằng sự thương yêu.
Sau khi chúng ta thực tập giải tỏa được rồi thì hạnh phúc đến với chúng ta, sự hòa giải đến với chúng ta. Còn sự hòa giải của người kia, cái hạnh phúc của người kia, cũng như sự chuyển hóa của người kia chỉ là vấn đề thời gian mà thôi, tại vì khi chúng ta đã có thương yêu, đã có hòa giải, khi chúng ta đã có khả năng nhìn người đó với lòng từ bi, với lòng rộng lượng, hiểu biết thì thế nào người đó cũng sẽ thay đổi. Chỉ sợ chúng ta không thay đổi thì người đó sẽ như vậy suốt đời.
Thương yêu cũng vậy. Người thương mà biết thương đích thực thì có sự hòa giải, có sự chuyển hóa, có hạnh phúc liền lập tức, còn người kia chẳng qua chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Chúng ta không cần lo lắng.
Trong phương pháp hòa giải của chúng ta có phương pháp thở, phương pháp thiền hành, ngồi thiền và cũng có phương pháp ngồi xuống để viết một lá thư. Lá thư viết xong thì tuy chưa gởi nhưng sự bình an đã tới với trái tim của mình rồi. Không cần người kia đọc xong thì mình mới có bình an. Không cần người kia chuyển hóa thì mình mới chuyển hóa. Vì vậy phương pháp này gọi là phương pháp giải giới đơn phương. Lá thư này là một lá thư mình viết với tất cả trái tim, với tất cả thân thể của mình. Nó không phải là một lá thư hòa giải tầm thường, nó là hoa trái của sự thực tập. Khi mình đã có sự chuyển hóa trong lòng, chuyển hóa bằng cái thấy, bằng cái thương thì tự nhiên những cái đó nó sẽ được thực hiện trên lá thư.
Khi đọc lá thư đó, người đó sẽ chuyển đổi. Tại vì mình chỉ nói những điều thật đã xảy ra cho mình mà thôi. Mình không cần phải văn chương khéo léo, không cần phải có kiến thức tâm lý học sâu sắc. Mình chỉ cần viết ra những cái gì đã thật sự xảy đến cho thân và tâm mình trong thời gian quán chiếu, thì lá thư đó đủ để cho người kia thay đổi thái độ và chuyển hóa rồi. Từ đó họ sẽ có hạnh phúc.
Sự thực tập của mình cũng là sự thực tập của người kia. Tôi thực tập cho anh, luôn luôn là đúng.
Dù người kia là một người đã chết, chúng ta vẫn có thể thực tập được. Ta không nói rằng người kia đã chết rồi, trễ quá cho chúng ta thực tập. Nói vậy là chưa hiểu giáo nghĩa của đạo Bụt. Người kia đã chết nhưng người kia còn sống ở trong lòng mình. Người mình giận, người mình ghét, mình thù, luôn luôn có mặt và mình luôn luôn có thể mỉm một nụ cười với người đó. Khi mình đã thực tập chuyển hóa trong lòng mình thì người đó sẽ mỉm cười trong ta, và mình thấy được nụ cười đó. Người đó sẽ tha thứ cho ta khi ta đã tha thứ cho người đó. Ông bà cha mẹ nếu đã qua đời rồi, nếu mình đã có những vụng về hay những giận hờn, hay chính người đó đã có những vụng về, lỗi lầm đối với mình, thì mình vẫn còn có thể thực tập hòa giải được với người đó. Tại vì người đó luôn luôn còn ở trong mình. Đây là cái thấy của đạo Bụt.
Trong Thánh Kinh có nói trước khi anh đem lễ vật đặt lên bàn thờ Chúa, thì hãy suy nghĩ xem có người anh em nào mà anh còn giận, còn ghét, còn hận thù hay không. Nếu còn một người mà anh đang ghét, đang hận thù thì anh khoan dâng lễ vật đó lên bàn thờ đã. Anh hãy về hòa giải với người đó trước khi anh đặt lễ vật lên bàn thờ. Giáo lý Cơ Đốc cũng dạy như vậy, rất thực tế.
Chúng ta mỗi khi cầu giới dù là năm giới hay 10 hoặc 14 giới, 250 giới thì nên biết rằng chúng ta sắp đi ngang qua một ngưỡng cửa quan trọng. Vì vậy cho nên chúng ta thực tập sám hối, làm mới và chuyển hóa. Lễ sám hối đó, quá trình đổi mới đó có thể mất 10 ngày, có thể mất nữa tháng, ba tháng tùy theo nhu yếu của chúng ta. Chúng ta chỉ cần tới với thầy, với tăng thân và nói: Bạch thầy, bạch tăng thân, trước khi con được thọ giới con muốn có một thời gian để con chuẩn bị cho sẵn sàng, và thời gian đó là thời gian con thực tập đổi mới. Xin thầy, xin đại tăng chứng minh cho con.
Không hẳn người đó phải ra cốc, đóng cửa lại. Người đó vẫn có thể sống với tăng thân, và nhất là gần gũi với người mình đang có những khó khăn để thực tập, tại vì nếu không có mặt người đó thì mình không có cơ hội để thực tập. Chính người đó là cơ hội của mình để thực tập. Chính những khó khăn của cuộc đời nó làm cho mình lớn lên.
Nếu thực tập cho đàng hoàng thì chúng ta biết rằng mỗi tối là một cơ hội để chúng ta thực tập. Tại vì lên giường nằm ngủ là giống như chúng ta đi qua ngưỡng cửa để sinh ra trong một ngày mới, đó là ngày mai. Chúng ta không muốn đi ngủ trước khi chúng ta hòa giải với người sư em, sư anh, sư chị của chúng ta. Cũng như người tín hữu Cơ Đốc, trước khi đặt lễ vật lên bàn thờ thì phải tìm cách để hòa giải với người kia. Chúng ta, những người tu cũng vậy, đừng đi ngủ trước khi chúng ta hòa giải được với người bạn tu của mình.
Cái lợi trước mắt là chúng ta sẽ ngủ ngon hơn, và đôi khi nó chỉ cần một câu nói, một ánh mắt, một cử chỉ thân ái như rót một ly trà và nói: Hồi sáng em vô ý, đã nói cho sư anh buồn, bây giờ em thấy rõ điều đó, em xin lỗi. Nói xong thì cố nhiên sư em sẽ ngủ ngon hơn, mà sư anh cũng ngủ ngon hơn. Vì vậy cho nên đi ngủ cũng là một cơ hội để cho chúng ta thực tập.
Chúng ta đừng tưởng rằng khi làm hòa với sư anh, với sư chị, sư em là để làm vui lòng thầy, để làm cho yên cửa yên nhà. Không! Đó không phải là mục tiêu chính của sự thực tập. Mục tiêu chính của sự thực tập là sự chuyển hóa của thân tâm mình. Tại vì làm như vậy là mình có an, và có lạc.
Tôi còn nhớ ngày xưa ở Phương Vân Am, một thời có nhiều em thiếu nhi sống chung với tôi. Có một bé tên là Long, con trai. Một bé tên là Thủy, con gái, và một bé tên Tâm, cũng con gái. Bé Thủy được nhiều người biết đến là nhờ cuốn Trái Tim Mặt Trời và cuốn Ly Nước Táo. Lúc đó có một người khách cư trú tại Phương Vân Am, đó là anh Hoan. Anh Hoan xin cư trú tạm để chờ cơ hội đi qua tị nạn ở Hoa Kỳ. Bé Long thường mời bác Hoan đánh cờ. Mỗi khi bé Long đánh cờ và thắng bác Hoan thì cháu vui lắm. Nhưng khi thua thì nó càu nhàu! Một bữa đó, bé Thủy năn nỉ với Bác Hoan rằng: Bác ơi bác, bác để cho anh Long thắng đi để cho yên nhà yên cửa! Hồi đó hình như cháu chưa được 9 tuổi, nhỏ xíu thôi mà đã có tư cách của một người nội trợ!
Sự thực tập của chúng ta, chúng ta viết một lá thư cho sư anh, sư em hay cho sư chị, không phải là để làm vui lòng thầy, không phải để cho vui nhà vui cửa. Thầy vui, nhà cửa yên thì cũng tốt lắm, nhưng đó chỉ là phó sản của sự thực tập. Mục đích chính của sự thực tập là đem lại cái an, cái lạc, cái chuyển hóa cho tự thân mình. Tại vì cái an, cái lạc, sự chuyển hóa của tự thân mình là món quà lớn nhất mà mình có thể tặng cho tăng thân và cho cuộc đời. Thành ra mỗi khi thầy nói với các con của thầy nên thực tập, đó không phải là để cho thầy vui lòng, hay là để cho yên nhà yên cửa, mà chính là vì thầy muốn các con có sự an lạc, có hạnh phúc, có sự tươi mát, để cho tất cả mọi người trong tăng thân được thừa hưởng và cũng là để cho nhân loại chung quanh được thừa hưởng.
Chúng ta có đủ những phương pháp thực tập, nếu chúng ta chưa thành công, không phải là tại chúng ta không có phương pháp, mà tại vì chúng ta hoặc chưa nắm vững phương pháp đó, hoặc chưa thực tập tinh chuyên. Khi chúng ta thấy được niềm vui và hạnh phúc của những người trong tăng thân là niềm vui và hạnh phúc của chúng ta, thì chúng ta biết rằng chúng ta thực tập cho cả tăng thân chứ không phải chúng ta chỉ thực tập cho cá nhân của chúng ta. Cá nhân là cái gì? Tất cả kho tàng giáo điển đồ sộ của đạo Bụt là chỉ để nói một chuyện, đó là không có chuyện cá nhân.
Trong đạo Bụt chúng ta học về năm nguồn năng lượng nó làm cho cuộc đời chúng ta đẹp, sáng, tươi vui, có ích lợi cho đời. Năm nguồn năng lượng đó gọi là Ngũ lực, The five powers.
Nguồn năng lượng đầu tiên là Tín, Faith. Ngày nay chúng ta có thể dịch là niềm tin. Niềm tin rất là quan trọng, tại vì chúng ta không thể sống nếu không có một niềm tin. Chúng ta phải tin vào một cái gì thì chúng ta mới có thể sống được. Nếu không, chúng ta sẽ hủy hoại cái hình hài và tâm hồn của chúng ta. Mỗi cá nhân cần có một niềm tin, tin ở một cái gì đẹp, một cái gì thật, và tin ở một cái gì lành, thì ta mới sống được. Nếu ở đời không có cái gì đẹp thì sống để làm gì? Chán nản vô cùng!
Có rất nhiều người trẻ, nhìn quanh họ thấy không có cái gì đẹp hết, con người rất xấu, không có một cái gì thật sự là đẹp về thể chất cũng như về tinh thần, Triết gia Jean-Paul Sartre (1905-1980) của nước Pháp có nói Con người là địa ngục của kẻ khác, L'homme est enfer des autres. Nói như vậy thì nó đen tối quá! Thấy tất cả những người chung quanh là những con chó sói, tại vì trước đó Jean-Paul Sartre đã có câu "Con người là chósói của con người". Câu nói này của Jean-Paul Sartre chẳng qua cũng chỉ lặp lại hoặc thêm cường độ cho tư tưởng kia mà thôi.
Có người nhìn chung quanh thì thấy tất cả những người khác đều là những con chó sói, sẵn sàng để cắn xé mình, để bóc lột mình, để khai thác mình. Vì vậy con người là địa ngục của kẻ khác. Muốn có hạnh phúc, mình phải thoát ra khỏi con người. Mình phải đọc thần chú, phải đọc "Phá địa ngục chân ngôn". Nhưng không có con người thì chúng ta sống với ai? Trong câu nói đó nó đã hàm chứa tư tưởng trong xã hội, trong con người, khôngcó gì đẹp cả. Như vậy thì chúng ta mất niềm tin, làm sao ta sống được? Triết học của Jean-Paul Sartre là Thuyết Hiện Sinh, nó có hay cách mấy, nó có được diễn tả như là một nền nhân bản, thì nó cũng vô ích! Khi mình còn có cái thấy như vậy, thấy con người chỉ là chó sói của người, con người chỉ là địa ngục của người thì làm sao mà có được niềm tin? Vì vậy nên mới có sự nhàm gớm, có sự nôn mửa. Ta nên biết rằng Jean-Paul Sartre đã có một tác phẩm tên là "Sự Buồn Nôn", La nausée.
Biết bao nhiêu thanh niên đã chịu ảnh hưởng của cái thấy đó. Không phải chỉ của Jean-Paul Sartre, mà còn của những nhà tư tưởng khác, những nhà triết học khác nữa: Con người là địa ngục của con người! Trong khi đó thì chúng ta biết rằng con người tuy ác độc, tuy vô minh nhưng với sự chuyển hóa thì con người có thể trở thành rất hiền, rất đẹp, rất lành.
Bụt chẳng hạn, Ngài là một đóa hoa tuyệt diệu đã nở trong vườn hoa nhân loại, và Bụt nói rằng "Tôi không phải là một thiên thần, một vị thần linh. Tôi là một người như quý vị, nhưng tôi đã tìm thấy con đường. Nếu quý vị tìm thấy con đường để đi thì quý vị cũng sẽ trở thành một đóa hoa như tôi, một đóa hoa Ưu Bát".
Như vậy, nếu nhìn chung quanh ta cho kỹ, chúng ta sẽ thấy những con người đi trên con đường của Bụt hay của các bậc hiền nhân tương tự, thì chúng ta sẽ thấy con người ở đây không phải là con chó sói. Con người ở đây không phải là địa ngục, mà là sự tươi mát, là tình thương, sự dịu dàng, từ ái.
Chúng ta phải thực tập như thế nào để cho con người trở nên thiên đường của con người, thay vì con người là địa ngục của con người. Đó là con đường của chúng ta. Chúng ta biết rằng con đường đó có thể thực hiện được, tại vì có những người đã đi con đường đó, đã thành tựu trên con đường đó và ta được nhắc nhở rằng ta cũng có thể đi trên con đường đó, và ta cũng có thể thực tập để trở thành những con người đó. Như vậy là ta có một niềm tin.
Khi có niềm tin đó, chúng ta sẽ có một nguồn năng lượng vô biên ở trong trái tim. Khi có năng lượng rồi thì con mắt ta sáng lên, dáng đi và bước chân của chúng ta vững chãi hơn. Người khác nhìn thấy mình đi đứng nằm ngồi, người ta biết mình có năng lượng của niềm tin.
Đó là lực thứ nhất trong ngũ lực. Tin ở đây không phải là tin ở một thần linh mà mình chưa bao giờ thấy được, mình không hy vọng thấy được. Một thần linh mà mình nghĩ rằng quyết đoán hết tất cả mọi sự, một thần linh đã sáng tạo ra vũ trụ. Hoặc tin vào những ý niệm có thể là mơ hồ, những chủ thuyết có thể là không thực tế. Tại vì có những người có niềm tin nhưng họ tin ở những thực tại mà họ không kiểm soát được. Họ tin vào những chủ thuyết chưa được đem ra thí nghiệm. Tuy họ có sức mạnh của tín, nhưng cái tín đó chưa phải là chánh tín. Tại vì một ngày mai có thể chúng ta sẽ thấy sâu hơn, rõ hơn. Và đối tượng niềm tin của chúng ta sẽ tan vỡ. Lúc đó tất cả năng lượng trong người ta đều tiêu tan hết, và chúng ta sẽ trở thành một cái xác không hồn!
Cả một đất nước đầu tư vào một niềm tin, vào một chủ nghĩa và trong 70 năm đã cố tình tiêu diệt những người chứng tỏ không có niềm tin nơi chủ thuyết đó, đã giam cầm, đã thủ tiêu, đày ải những người đó, và đã tạo ra những nhà tù, nhà thương điên để nhốt những người không đồng ý với niềm tin của mình. Một niềm tin như vậy đã tạo ra không biết bao nhiêu bi kịch trên đất nước mình. Cuối cùng, sau hơn 70 năm, thức dậy thì mới biết rằng cái chủ thuyết đó không phải là niềm tin đích thực, và tự nhiên trong nước phát sinh ra một vùng trống vắng, một khoảng trống mênh mông! Tầng lớp thanh niên không biết tin vào gì và họ bắt đầu tin vào những điều rất là kỳ quái. Những giáo phái kỳ lạ, mê tín, hỗn độn. Những giáo phái như giáo phái Aum ở bên Nhật.
Chúng ta không thể sống mà không có niềm tin. Một đất nước cũng vậy, một đất nước không thể nào một ngày mà không có niềm tin.
Nhưng niềm tin nào mới là chánh tín? Bụt đã dạy chánh tín được làm bằng kinh nghiệm trực tiếp của chúng ta, chứ không phải làm bằng những ý tưởng, những hy vọng mơ hồ. Bụt dạy rằng có những cái đau khổ nó thực sự có mặt, và chúng ta phải trực tiếp đối diện với những đau khổ đó, đừng trốn chạy.
Người tu là người phải biết tự đặt câu hỏi: Ta đang khổ vì những niềm đau nào? Người ta thương đang khổ vì những nỗi đau nào? Thế hệ ta đang đau khổ vì những nỗi khổ đau nào, đất nước ta đang đau khổ vì những nỗi khổ đau nào? Đó là bước khởi đầu của người tu.
Đó cũng là sự thật thứ nhất trong bốn sự thật mà ta phải tiếp xúc. Sự thật đó rất mầu nhiệm, rất quan trọng. Nếu chúng ta dời mắt đi, không dám trực tiếp nhìn vào niềm đau khổ trực tiếp của chúng ta, thì chúng ta không thể nào tu được. Phải nhìn vào cái khổ đau đích thực, đừng trốn tránh. Vì sự thật đó quá quan trọng, nó không phải chỉ là lý thuyết, mà nó là một sự thực tập tiếp xúc và quán chiếu, cho nên sự thật đó được gọi là sự thật cao quý, Holly truth, Tứ Thánh Đế, The Four Noble Truths.
Có người hỏi: Khổ có gì mà nói nó là một sự thật linh thiêng? Khổ đau là một sự thật rất linh thiêng, tại vì nếu chúng ta nắm được sự thật đó, nếu chúng ta thấy được bản chất khổ đau của chúng ta thì chúng ta mới có thể giải thoát cho chúng ta được. Cho nên sự thật về khổ mới được gọi là Thánh Đế thứ nhất.
Nếu có thì giờ quán chiếu, chúng ta sẽ thấy đông đảo những người trẻ trong xã hội hôm nay không có niềm tin. Họ không tin vào gia đình của họ, tại vì gia đình của họ tan nát. Tan nát vì nạn tà dâm, vì nạn nghiện ngập, rượu chè. Rất nhiều gia đình trong xã hội chúng ta tan nát vì hai tệ nạn đó. Những đứa trẻ lớn lên từ những gia đình đó, thấy cha mẹ không có hạnh phúc, thấy cha mẹ làm khổ nhau, và các em lớn lên như những cây hoang dại, thì làm sao các em có hạnh phúc được? Cho nên các em trở thành những con ma đói, đi lang thang trong xã hội ngày hôm nay. Các em không đi nhà thờ, các em không tin chùa. Tại vì nhà thờ bắt ép các em làm những điều chúng không hiểu. Chùa bắt ép các em tụng những kinh chúng không hiểu. Các em không hiểu tại sao phải đốt hương, tại sao phải quỳ, tại sao phải lạy 108 lạy?
Khi các em không chịu thì cha mẹ lại la mắng, cho nên các em ghét luôn cả nhà thờ lẫn chùa chiền. Khi mình không tin ở gia đình, không tin ở nhà thờ, không tin ở chùa, không tin ở xã hội thì mình còn tin vào chỗ nào nữa? Bạn bè mình không tin, thầy mình cũng không tin, thì mình trở thành một con ma đói, một cô hồn và mình đi lang thang. Rồi mình chỉ đi về một hướng, đó là hướng đi tìm thỏa mãn những dục lạc. Thanh niên trong xã hội chúng ta đang đi tìm những thứ đó. Tại vì đời không còn nghĩa lý gì cả. Chỉ có tiền để mua được những thú vui vật chất. Phải có nhà sang, phải có xe hơi tốt, phải có TV lớn, tủ lạnh, du thuyền, và đó là mục đích của những người không có niềm tin.
Trong khi họ đắm mình trong dục lạc, trong tiền tài, trong danh vọng, trong thú vui nhục dục, trong rượu chè, ma túy thì họ phá hoại hình hài của họ, phá hoại tâm hồn của họ. Họ đưa vào những chất độc để phá hoại hình hài mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã trao truyền nguyên vẹn cho họ. Tâm họ cũng vậy, họ tàn hoại bằng cách đưa vào những độc tố. Vì vậy cho nên chúng ta thấy họ đau khổ, đau khổ da diết, triền miền, và lưu truyền lại cho các thế hệ tới.
Khi có thì giờ để quán chiếu như vậy tức là chúng ta đang thực tập quán chiếu về Khổ Đế, và chúng ta thấy được một trong những sự thật của cái khổ đó, tức là sự thiếu niềm tin.
Tuổi trẻ Việt Nam chẳng hạn. Giờ này họ không tin vào chủ nghĩa Mác-xít nữa. Không những tuổi trẻ không tin vào chủ nghĩa Mác-xít, tuổi không trẻ cũng không tin! Những người trong đảng Cộng sản cũng không còn tin ở chủ nghĩa Mác-xít. Nhưng họ giả vờ còn tin để được yên thân mà thôi. Đây là một sự thật, một sự thật cần được vạch rõ ra. Nếu họ không có gì để tin tưởng nữa thì họ cũng sẽ như người trẻ. Nghĩa là họ sẽ đi về hướng tìm tòi, thỏa mãn những nhu yếu về tài, về sắc, về danh, về lợi, và họ cũng phá hoại thân thể và tâm hồn của họ như người trẻ. Vì vậy cho nên công tác yêu nước căn bản của chúng ta là công tác đem lại cho quốc dân một niềm tin.
Tuổi trẻ mất niềm tin không phải chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà là vấn đề của nhiều nước ở trên thế giới. Muốn cho tuổi trẻ có một niềm tin, có một nguồn năng lượng, chúng ta không thể giảng dạy, không thể cống hiến cho họ những lý thuyết, những chủ thuyết, tại vì họ đã ngán những lý thuyết, những chủ thuyết lắm rồi!
Vậy thì làm sao để họ có được niềm tin? Câu trả lời cũng đơn giản thôi: Chúng ta phải đến với họ với tư cách một người có niềm tin. Niềm tin của chúng ta sớm muộn gì họ cũng sẽ thấy không phải là một niềm mê tín. Mê tín ở thần quyền hay mê tín ở một chủ thuyết, mà là một niềm tin căn cứ trên kinh nghiệm trực tiếp của chúng ta.
Nhìn vào sự thật thứ nhất, khổ, chúng ta thấy sự thật thứ hai, là tập. Tập là những nguyên do xa gần đã đưa tới niềm đau khổ đó. Ví như nhìn vào cái khổ của người trẻ chúng ta thấy cái tập là thiếu niềm tin. Tiếp tục nhìn chúng ta thấy có những người có niềm tin thì họ không đau khổ. Cho nên chúng ta biết rằng có một sự thật thứ ba là hạnh phúc. Hạnh phúc có thể có thật. Ngày xưa gọi sự thật này là diệt, nhưng nói cho đầy đủ là khổ diệt.
Khổ diệt tức là sự vắng mặt của đau khổ, nghĩa là sự có mặt của hạnh phúc. Vậy thì khi nhìn vào sự thật thứ nhất, chúng ta thấy được sự thật thứ hai. Khi nhìn vào sự thật thứ nhất chúng ta cũng thấy được sự thật thứ ba. Ví dụ nhìn vào cái răng đang đau của chúng ta. Sự thật thứ nhất đang có mặt là răng tôi đang đau, tôi biết rằng răng tôi đang đau. Nhìn sâu vào thì thấy răng đau là tại vì tôi không chịu đánh răng, tại vì tôi ưa ăn kẹo! Đó là sự thật thứ hai. Tiếp tục nhìn vào sự thật thứ nhất, ta tự hỏi tại sao trước đây tôi không đau răng? Sự "không đau răng" có hay không có? Có chứ! Không đau răng là một sự thật, và sự có mặt của không đau răng là sự thật thứ ba, đó là hạnh phúc. Vị nào đang ngồi trong giảng đường này mà không đang đau răng thì hãy sung sướng đi.Thở vào tôi biết tôi không có cái răng nào đau cả-Thở ra tôi mỉm cười hạnh phúc. Quý vị đang chứng thực sự thật thứ ba đó.
Khi biết sự thật thứ ba có mặt thì mình bắt đầu có niềm tin. Nhưng mình sẽ hỏi làm thế nào để thực hiện sự có mặt của sự thật thứ ba? Làm thế nào để sự thật thứ ba biểu hiện? Có một con đường, một phương pháp để làm cho khổ vắng mặt, và diệt khổ có mặt. Đó là Đạo. Phương pháp đó đã được trình bày, nhưng không được trình bày trên lý thuyết mà được trình bày trong con người của tôi và của anh, những người hành đạo.
Như vậy thì mình đi tới với họ không phải với một tập lý thuyết dày cộm như là Tư bản luận. Mình tới với họ với con người của mình, con người đã trải qua sự thực tập về Khổ, Tập, Diệt và Đạo. Con người của mình chứng tỏ có sự có mặt của bốn sự thật. Con người của mình chứng tỏ sự thật thứ ba có thể có, sự thật thứ tư nó đang có. Tôi là một người đang có niềm tin, đang có hạnh phúc, an lạc, và tôi đem tặng cho anh, cho bạn, cho bố mẹ, cho gia đình, cho nhà thờ, cho chùa, cho quốc dân, cho tuổi trẻ cái quý nhất của tôi, là niềm tin của tôi, hạnh phúc của tôi, sự an lạc của tôi. Mình phải về với quốc dân bằng con người của mình chứ không phải với một chủ thuyết.
Bụt dạy rằng bất cứ một cái gì cũng phải từ thức ăn mà có. Một cây cam cũng phải có thức ăn, đó là những chất bổ dưỡng ở trong đất, như phân bón, nước mưa. Niềm tin của chúng ta cũng vậy, nó không phải từ trên trời rơi xuống, nó phải bắt gốc rễ, nó phải được nuôi dưỡng từ cái gì.
Làm sao chúng ta có được một đức tin? Ngày hôm qua ta đi vất vưởng như một cô hồn, ngày hôm nay ta có một đức tin, ta có một sức sống. Thử hỏi đức tin đó do đâu mà sinh ra?
Đức tin đó theo cái nhìn của Bụt là do tuệ giác, do sự quán chiếu của chúng ta mà hình thành. Tuệ tức là sự hiểu biết, tức là cái thấy. Tin ở đây là do mình thấy, mình kinh nghiệm trực tiếp nên mình tin, chứ không phải nghe người ta nói mà mình tin. Nghe nói tới cái đó, được tuyên truyền về cái đó mà tin thì đó chưa phải là chánh tín. Đem ra thực tập, đem ra thí nghiệm, thấy rõ mà tin thì đó mới gọi là chánh tín.
Ví dụ khi quý vị được nghe giảng về thiền hành, quý vị thấy hay, và nói rằng hay thật, mình đem ra thực tập thử xem. Hoặc khi quý vị nghe nói về một thực phổ làm bánh da lợn, mình nói thực phổ này hay quá. Nhưng mình nói hay thì hay thật nhưng phải đem ra làm thử.
Khi đem cái mà mình đã học được để làm, và nếu mình làm thành công thì mình sẽ có đức tin về cái đó. Đó gọi là chánh tín. Trong ví dụ về thiền hành, quý vị nghe giảng rằng thiền hành là phối hợp bước chân và hơi thở, làm cho thân tâm hợp lại để tiếp xúc với những mầu nhiệm của đất trời và để buông bỏ những năng lượng tiêu cực ở trong con người (như sự giận hờn, bực bội) và để nuôi dưỡng thân tâm, thì quý vị thấy hay quá, ham quá, rồi quý vị đem ra thực tập.
Thực tập lần thứ nhất có thể chưa thành công lắm. Thành công chỉ 5 hay 10%, nhưng mình kiên nhẫn thực tập chừng ba, bốn lần thì sau đó mình thấy quả thật thiền hành giúp cho mình rất nhiều. Mỗi khi giận và mình có được 20 phút để đi thiền hành thì thế nào nó cũng bớt.
Người giận, đi thiền hành 20 phút mà chưa bớt hay không bớt gì hết, thì người đó quả thật chưa nắm được phương pháp thiền hành. Hễ giận mà đi thiền hành, thế nào cũng bớt, hễ buồn mà đi thiền hành, thế nào cũng bớt, nếu không bớt là tại mình thực tập chưa giỏi. Nếu thấy có bớt, có chuyển hóa, có an lạc thì đức tin nó sinh ra từ cái thấy đó. Cái thấy đó là cái thấy trực tiếp bằng kinh nghiệm, không phải là thấy lý thuyết.
Chữ tuệ ở trong đạo Bụt là cái biết, cái kinh nghiệm. Kinh nghiệm về tâm linh, kinh nghiệm về thể xác của mình. Mình phải lấy thân xác của mình mà tiếp xúc với sự thật. Mình phải lấy tâm linh của mình ra mà tiếp xúc với sự thật, đừng dùng trí năng. Trí năng chưa đủ. Tâm linh không phải chỉ là trí năng. Tâm của chúng ta gồm có thọ, tưởng, hành, và thức chứ không phải chỉ có ý. Vậy thì tuệ, kinh nghiệm trực tiếp làm phát sinh ra tín. Càng tu tập, càng thực nghiệm, thì cái thấy của chúng ta càng lớn. Cái thấy của chúng ta càng lớn thì niềm tin của chúng ta càng vững.
Có người đến chùa thực tập với thầy, họ chỉ tin vào thầy thôi. Họ tin thầy như là tin trời, tin thần vậy đó. Thầy nói bất cứ điều gì họ cũng tin hết, dù là nói bậy. Rồi khi thầy uống rượu mình cũng tin luôn! Mình nghỉ người giải thoát thì chắc uống rượu được! Rồi khi thầy ngủ với nữ đệ tử thì mình cũng nghĩ rằng thầy giải thoát rồi chắc thầy làm chuyện đó được. Tin càng tin quấy, cho đến một ngày nào đó tất cả sụm xuống một cái, thì tan nát hết! Cái tin đó là mê tín.
Còn nếu tới với thầy mà dùng trí tuệ để quán sát, thì mình sẽ thấy thầy có làm những điều thầy nói hay không, thầy có vững chãi, thầy có thảnh thơi, thầy có an lạc không, thầy có thương, thầy có hiểu hay không? Mình phải dùng trí tuệ của mình để thấy cho sâu. Đức tin của mình nơi Bụt, nơi thầy, nơi tăng thân, nơi sự thực tập, nơi pháp, phải được căn cứ trên kinh nghiệm trực tiếp của mình, trên sự quán chiếu của mình mà không được căn cứ trên lý thuyết suông. Đó mới gọi là chánh kiến. Mà cái thấy, cái kinh nghiệm càng lớn thì niềm tin càng lớn.
Tuệ là nguồn năng lượng thứ hai mà chúng ta phải có trong khi tu học. Tại vì chính nguồn năng lượng đó nó nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Ở trong đạo Bụt cũng như trong đạo Cơ Đốc, nếu quý vị không thực tập thì niềm tin đó sẽ mòn mỏi, nó chỉ là lý thuyết, và một ngày nào đó quý vị sẽ mất niềm tin đó.
Tại sao chúng ta có cái thấy sáng mà nó đưa tới niềm tin? Thức ăn nào đã làm ra tuệ? Bụt trả lời và chúng ta cũng có thể trả lời: Định làm ra tuệ. Định (Concentration) tức là nếp sống chăm chú, không lơ đãng, mình sống sâu sắc cuộc đời của mình thì gọi là định. Mỗi giây phút của cuộc đời, mình sống rất là sâu sắc. Khi ăn cơm mình thực tập định cơm (tức là định trên thức ăn); khi uống trà mình thực tập định trà; khi đi mình thực tập định đi. Sống từng giây phút của mình cho thật sâu sắc với sự yểm trợ của tăng thân, tại vì những người trong tăng thân họ cũng làm như vậy.
Cũng như khi nghe pháp thoại chúng ta phải có định. Nghe pháp thoại là chỉ nghe pháp thoại thôi, không nên vừa nghe vừa nghĩ rằng chiều nay đến lượt mình tổ chức thiền trà, không biết có đủ khay hay không, có bánh chưa v.v... Như vậy là không có định. Nghe pháp thoại là chỉ nghe pháp thoại thôi, one thing at a time, cái đó gọi là định, cái đó gọi là sống sâu sắc. Chính sự sâu sắc đó nó giúp chúng ta thấy được sự thật. Có những điều người ta nhìn vào thì không thấy, nhưng tại sao mình nhìn thì mình thấy được? Là tại vì mình có hai con mắt có thể chọc thủng được sự thật. Con mắt có thể chọc thủng được sự thật và thấy được sự thật bên trong, đó là con mắt định. Người tu là phải luyện cho có con mắt như vậy để thấy được những điều người thường không thấy.
Ví dụ mình thấy được tuổi trẻ đang đau khổ, đang đi như những con ma đói. Nếu không thấy được thì mình trách chúng là vô trách nhiệm, không biết thương cha, thương mẹ, thương chùa, thương nhà thờ. Nhưng nếu mình có con mắt định để nhìn thì mình sẽ hiểu, sẽ thương chúng. Mình nói là tại gia đình tan nát, tại vì chùa và nhà thờ không cải cách, không chuyển hóa, không biết sử dụng ngôn ngữ nào để nói với tuổi trẻ, không có khả năng chỉ cho tuổi trẻ con đường tâm linh, mà chỉ bắt ép chúng nó thôi. Sở dĩ mình thấy được những điều đó là nhờ mình có con mắt của định, và nhờ có định cho nên mình thấy rõ, và thấy rõ cho nên mình mới thương tuổi trẻ, và mình mới có thể đến với tuổi trẻ để giúp họ.
Vậy thì cái phẩm chất, cái chiều sâu của một đời sống là do ở định. Trong tăng thân có những người có định lực lớn hơn những người khác, và chúng ta biết rằng những người có định lực lớn là những người có tuệ nhiều hơn, tại vì định lực đưa tới tuệ lực; tuệ lực đưa tới tín lực. Lực là sức mạnh, tiếng Anh là Energy.
Chúng ta thử hỏi thức ăn nào đã đưa tới định? Làm sao để có thể sống được vững chãi, sống được sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày? Đó là nhờ niệm, và chánh niệm là sự thực tập của chúng ta ở tại Làng Mai.
Chúng ta biết rằng muốn có định chúng ta phải thực tập chánh niệm. Chánh niệm trong khi ăn, trong khi đi, trong khi ngồi, trong khi làm việc. Chúng ta đã nói với nhau nhiều lần rằng chánh niệm là khả năng có mặt thật sự trong giây phút hiện tại. Có mặt thật sự thì mới sống được giây phút đó một cách sâu sắc. Có niệm mới có định. Thành ra sự thực tập chánh niệm là sự thực tập có mặt, cho nên chúng ta có thể nói bằng tiếng Anh là Thepractice meditation is the practice of being there in the here and the now: Sự thực tập thiền quán là sự thực tập có mặt bây giờ và ở đây. Nếu đang ngồi ở Làng Mai mà quý vị nghĩ đến Texas hay Hannover, quý vị không có mặt tại đây, thì quý vị đang không có chánh niệm.
Trong khi ăn cơm, chúng ta ăn cơm hết mình, nghĩa là chúng ta có mặt trong bữa cơm 100% từ đầu cho tới cuối, để tiếp xúc với thức ăn và với tăng thân. Trong khi đi thiền hành chúng ta có mặt 100% với tăng thân trong mỗi bước chân, mỗi hơi thở. Đến Làng Mai là chỉ để thực tập cái chánh niệm đó mà thôi.
Niệm là một nguồn năng lượng rất cần thiết để làm phát sinh ra định. Vì vậy cho nên trong công phu tu tập hàng ngày, chúng ta phải đem niệm về trong mỗi giây phút của đời sống.
Niệm trước hết là sự có mặt, có mặt cho mình và có mặt cho tăng thân. Chúng ta nói rằng The practice of meditation is the practice of be in there. Be in là thật sự có mặt. Ở Làng Mai chúng ta cũng có danh từ being nghĩa là chúng ta có mặt với nhau.
Trong thời gian chiến tranh Mỹ Việt, có phong trào chống đối chiến tranh phát xuất từ giới đại học và giới tôn giáo. Thường thường thầy trò gặp nhau, ngồi với nhau để nghe thêm tin tức về chiến tranh, để chia sẽ những nhu yếu, những ý tưởng, những đề nghị, những đòi hỏi chấm dứt chiến tranh. Những buổi sinh hoạt chung như vậy gọi là "Be in". Đôi khi họ không ngồi thiền nhưng đến ngồi chung với nhau để chứng tỏ họ muốn chấm dứt chiến tranh, thì gọi là Sit in. Khi đến để học hỏi với nhau về tình trạng thì họ gọi là Teach in. Những người đã trải qua chiến tranh Việt Nam thường đã từng tham dự những buổi Sit in, Teach in đó.
Bây giờ chúng ta thực tập Being, chúng ta có mặt nhưng không phải là có mặt một mình, mà có mặt với tăng thân. Thành ra chúng ta thực tập being khi chúng ta ăn cơm, khi chúng ta thiền hành, khi chúng ta làm việc. Càng gần gũi tăng thân chừng nào thì càng hay chừng đó. Tăng thân như một cái hồ tắm, chúng ta tắm ở trong đó. Chúng ta luôn luôn phải tắm ở trong dòng suối của tăng thân thì chúng ta mới tu thành được, mới có thể chuyển hóa được. Và chữ Being ở đây nó mang nghĩa "Tu tập với tăng thân". Ai là người hào kiệt muốn viết cuốn sách tựa đề là Meditation is being and be in?
Chúng ta thử hỏi cái năng lượng hùng hậu gọi là chánh niệm, giúp cho chúng ta đi đứng nằm ngồi trong tỉnh thức, trong an lạc; đem tới định, đem tới tuệ đó, do đâu mà có? Thức ăn của nó là gì?
Câu trả lời là Tấn. Tấn tức là sự siêng năng. Ngay trong ngày gọi là ngày làm biếng ở Làng Mai, cái năng lượng tấn nó vẫn có. Nếu chúng ta có năng lượng tinh tiến ở trong ngày làm biếng thì ngày làm biếng là một ngày rất mầu nhiệm, rất ngọt ngào, sâu sắc, tại vì ngày đó là ngày ta cũng phát khởi năng lượng chánh niệm rất nhiều. Nếu ta không có đức tin thì ta sẽ không có nguồn năng lượng gọi là tinh tấn, không có sự siêng năng, sự thao thức muốn thực tập, muốn thành đạt. Thực tập thành đạt để thương yêu, để chuyển hóa, để đem lại hạnh phúc cho mình và cho người, cái đó là tấn. Còn khi chúng ta cảm thấy rã rời, không muốn đi ngồi thiền, không muốn đi thiền hành, không có niềm vui làm việc với tăng thân, lúc đó là lúc ta không có năng lượng của tấn. Nếu chúng ta uể oải, chúng ta rã rời thì chúng ta không có năng lượng của chánh niệm.
Mà tại sao chúng ta không có năng lượng của chánh niệm? Tại sao chúng ta uể oải, rã rời, không muốn làm gì hết? Là tại chúng ta không có niềm tin. Niềm tin là một năng lượng rất lớn. Hễ có niềm tin thì dù mình có hơi yếu một chút, hơi nhức đầu một chút, mình cũng vẫn nhổm dậy như thường. Niềm tin nó làm cho cơ thể của mình mạnh lên. Cơ thể mình tuy không được mạnh lắm, nhưng nếu có niềm tin thì cơ thể được giúp đỡ rất nhiều. Đừng nói rằng niềm tin chỉ có ảnh hưởng trên phương diện tinh thần, nó ảnh hưởng cả trên phương diện vật chất.
Người kia uể oải, lười biếng, rã rời, không muốn làm gì hết là tại vì sao? Tại vì trong người đó không có năng lượng của niềm tin. Vậy thì anh phải đến với người đó, anh làm sao để cho người đó có năng lượng của niềm tin. Muốn cho người kia có năng lượng của niềm tin thì anh phải dùng bốn năng lượng đó ở trong anh. Người kia làm sao có năng lượng của niềm tin nếu anh không chỉ cho họ thấy được cái họ cần thấy.
Thường thường khi nói về ngũ lực chúng ta theo thứ tự Tín, Tấn, Niệm, Định rồi Tuệ. Nhưng hôm nay chúng ta nói ngược lại. Chúng ta thấy rằng trong nguồn năng lượng tín nó có bốn nguồn năng lượng khác. Cái này được làm bằng cái kia, đó gọi là tương tức. Tuệ càng lớn thì tín càng lớn. Định càng lớn thì tín càng lớn. Niệm càng lớn thì tín càng lớn. Tấn càng lớn thì tín càng lớn. Điều đó cũng đúng với bốn nguồn năng lượng khác, đó là phép tương tức trong đạo Bụt. Cho nên thức ăn của tín không phải chỉ là Tuệ, mà còn là Định, Niệm, và Tấn. Không những tín như vậy mà tuệ cũng như vậy. Đó là phép tương tức của giáo lý đạo Bụt.
Chánh niệm là một loại năng lượng. Loại năng lượng này có thể giúp cho chúng ta ý thức được điều gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Đó là một định nghĩa rất dễ, chúng ta có thể sử dụng. Đó là chìa khóa của thiền tập, của sự tu học. Công việc chúng ta phải làm hàng ngày là làm cho năng lượng đó phát sinh, và có mặt trong mỗi giây phút.
Chúng ta có danh từ niệm lực. Niệm lực tức là sức mạnh, là năng lượng của chánh niệm, tại vì niệm là một trong năm nguồn năng lượng gọi là ngũ lực: Tín, tấn, niệm, định, và tuệ.
Trước đây chúng ta đã học về danh từ nhận diện đơn thuần, tức là chúng ta nhận ra sự có mặt của cái đó. Và chúng ta chỉ nhận diện thôi chứ không phê bình, không bám víu, không xua đuổi, không khen ngợi, mà chúng ta cũng không chê trách. Đó gọi là nhận diện đơn thuần. Đó là vai trò của chánh niệm. Nếu chúng ta tham đắm hay xua đuổi, ghét bỏ, hay đàn áp thì tự nhiên trong ta có một giằng co, có chiến tranh xảy ra. Cho nên phương pháp của chánh niệm là nhận diện đơn thuần mà thôi.
Ví dụ khi ta đánh răng một cách hấp tấp như đang bị ma đuổi. Buổi sáng đôi khi thức dậy hơi trễ rồi mình đánh răng hấp tấp. Chuyện này có thể xảy ra với tất cả mọi người. Ta đang đánh răng hấp tấp mà ta không biết là ta đang đánh răng hấp tấp. Đó là không có niệm. Nửa chừng trong khi đang đánh răng hấp tấp, tự nhiên niệm nó phát khởi, ta đang đánh răng hấp tấp và ta biết ta đang đánh răng hấp tấp. Cái đó là đủ rồi, đủ có chánh niệm rồi. Chúng ta không nên nói: Mình tồi quá, mình đánh răng gì mà hấp tấp vậy? Không cần phải nói như vậy. Chỉ cần mỉm cười, nhận diện rằng ta đang đánh răng hấp tấp vậy thôi, chỉ chừng đó là đủ rồi. Lúc đó năng lượng chánh niệm nó yểm trợ mình, và tự động nó dẹp hết mọi cái. Ta không cần làm gì hết.
Trong khi đi đứng cũng vậy, đi không có chánh niệm, có vẻ hấp tấp, có vẻ hướng về tương lai, có vẻ bỏ đi cái hạnh phúc của giây phút hiện tại, thì đột nhiên chánh niệm phát sinh, và ta thấy được ta đang đi đứng hấp tấp. Chừng đó là đủ rồi. Tất cả những cái cần làm và không cần làm tự nhiên chúng tới, ta không cần làm gì cả. Đó là công hiệu của nhận diện đơn thuần.
Sở dĩ chúng ta nhận diện được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta là nhờ có năng lượng gọi là chánh niệm. Ta biết rằng thực tập chánh niệm không phải chỉ thực tập trong khi chúng ta ngồi thiền. Chúng ta thực tập suốt 24 giờ của một ngày. Ví dụ như chúng ta ngồi ăn cơm. Thực tập ăn cơm nó cũng dễ lắm. Ăn cơm và biết rằng mình đang ăn cơm, mình an trú trong chuyện ăn cơm là đủ rồi. Nếu có chánh niệm thì mình sẽ ăn cơm rất là sâu sắc. Trong khi ăn cơm mình có hạnh phúc rất lớn, mình có tuệ giác rất lớn, tuệ giác càng sâu thì hạnh phúc càng lớn.
Khi thực tập chánh niệm, chúng ta nuôi dưỡng ta, nuôi dưỡng cha mẹ ta, nuôi dưỡng các thế hệ tổ tiên của chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng nuôi dưỡng con cháu của chúng ta nữa, dù con cháu của chúng ta chưa phát hiện, nhưng chúng nó có đó rồi.
Chúng ta đi tới một điểm đã đưa ra trước đây, đó là khi thực tập ta không thực tập cho một mình ta, mà ta thực tập cho mọi người.
Một người đi xuất gia là cả gia đình đầu tư vào người đó. Đây là một cuộc đầu tư rất thông minh. Có những người chỉ đầu tư vào tiền bạc, vào nhà cửa, vào dự án tương lai. Nhưng ở đây chúng ta đầu tư vào tình thương, vào sự hiểu biết, đầu tư vào chánh niệm.
Gia đình có một người xuất gia cũng như là gia đình có một viên đại sứ ở trong nước của Bụt. Tất cả những thành quả của người đó là những thành quả chung cho cả gia đình, không phải chỉ gia đình nhỏ của mình, mà còn cho đại gia đình, cho dòng họ, cho tổ tiên của chính người đó. Nếu tu học thành công thì chắc chắn chúng ta sẽ độ được gia đình của chúng ta. Nếu không độ được cho gia đình của chúng ta thì chúng ta sẽ không độ được cho những người khác. Tại vì gia đình chúng ta có những người mà ta biết rõ hơn những người khác.
Tu tức là quán chiếu, tu tức là nhìn vào từng người, nhìn vào cha, vào mẹ, vào anh, vào chị, vào em. Nhìn vào cái quá trình sinh trưởng và hoạt động của người đó, để thấy những ước mơ, những hy vọng, những hạnh phúc, những khổ đau, những lo lắng, những thất bại của người đó.
Nhìn vào cha tôi, nhìn vào mẹ, vào anh, chị, em của tôi, tôi thấy được những ước mơ, những hy vọng, những hạnh phúc, những khổ đau, những cái khó khăn của từng người trong suốt mấy mươi năm, thì tự nhiên tôi thấy được tôi là ai. Tại vì tôi là kết tinh của tất cả những cái đó. Khi biết được tôi là ai rồi thì tôi biết con đường chuyển hóa, là nhờ tôi biết thở, biết đi, biết ngồi, biết cười, biết cách đối phó với thân thể tôi, với cảm thọ, với những vui buồn, với những hy vọng của tôi. Và càng ngày tôi càng đạt được sự thảnh thơi, sự tự do, do sự thực tập đem tới. Những thảnh thơi, những tự do đó cho tôi một cái nhìn rất sâu sắc, rất rộng rãi, không có thành kiến về những người tôi thương. Tôi biết tôi nên nói gì và không nên nói gì, sẽ làm gì và sẽ không nên làm gì để cho người tôi thương có cơ hội chuyển hóa mà có hạnh phúc.
Nếu nhận xét kỹ thì chúng ta thấy những người tu, xuất gia hay tại gia cũng vậy, qua một hai năm tu học, đạt được sự chuyển hóa của mình, và tuy người đó chưa được về thăm nhà, tại vì mới một năm thì sớm quá để về thăm nhà, nhưng cái ảnh hưởng, cái kết quả của sự có mặt của mình ở trong tu viện đã được cảm thấy rõ ràng trong đời sống gia đình của mình.
Ban đầu lúc người đó đi tu, có gia đình thấy giống như họ mất đi một người con. Điều đó đã xảy ra. Vua Tịnh Phạn cũng đã nói vậy, đã nghĩ vậy. Ban đầu mình có thể nói rằng "Con gái ơi, tại sao con đi tu?". Tại vì nếu con ở nhà và con lấy chồng thì ba mẹ thay vì mất một đứa con, lại có thêm một người con nữa, đó là rể của gia đình. Con đi tu thì ba mẹ đã lỗ vốn chú rể, mà còn mất luôn con nữa! Đó là cách lý luận của cha mẹ không muốn cho con đi tu.
Nhưng sau đó thì họ thấy khác, họ thấy rằng người con đi tu còn ở lại với gia đình lâu dài hơn, sự có mặt của người con đi tu trong gia đình nó rõ ràng hơn, cụ thể hơn. Khi mình đi lập gia đình, có thể là mình đi luôn. Mình đâu có muốn đi luôn, nhưng tất cả những giây nhợ nó trì níu, nó kéo mình đi. Mình có thể không còn có mặt đó cho cha, cho mẹ, cho cháu, cho em của mình.
Đi tu là để giữ lại cái tự do của mình. Chỉ khi nào mình có tự do thì mình mới có thể có mặt được cho những người mình thương. Nếu mình vững chãi, mình thảnh thơi trong tăng thân tu học của mình, thì sự vững chãi, thảnh thơi đó đã bắt đầu có hiệu quả trông thấy trong gia đình của mình. Cha, mẹ, các anh, các chị, các em chỉ cần nghĩ tới rằng mình có một người ở trong tu viện, đang tu học, đang có sự vững chãi, đang có sự thảnh thơi thì tự nhiên gia đình có một nơi nương tựa. Theo nhận xét của tôi thì những người xuất gia hầu hết đã có thể làm chỗ nương tựa tinh thần cho gia đình của mình. Có người đã trở nên vị lãnh đạo tinh thần của gia đình, dù người đó không phải là anh cả hay chị cả, nhưng nói ra thì tất cả mọi người trong gia đình đều nghe, tại vì người đó có một chiều cao tâm linh lớn hơn tất cả mọi người trong gia đình.
Người đi tu còn là một gạch nối giữa gia đình và tu viện. Nhờ sự có mặt của mình ở trong tăng thân mà gia đình mình mới có cơ hội trở về với tăng thân nhiều hơn. Nếu không thì họ có thể bỏ tăng thân vĩnh viễn.
Em của mình bây giờ nó đang làm gì ở trong tu viện? Sáng nay thế nào nó cũng đi thiền hành với các bạn, nó bước những bước thảnh thơi, nó thở vào, thở ra, nó thực tập hơi thở có ý thức. Em mình lúc 6 giờ 30 ở trong tu viện nó đang thực tập ngồi vững chãi, thảnh thơi với tất cả những người sư anh, sư chị của nó. Nếu nhớ tới như vậy thì mình đã thấy an tâm, mình đã thấy có sự vững chãi và thảnh thơi cho chính mình.
Người tu thì làm gì cũng phải làm trong chánh niệm. Nấu cơm thì nấu trong chánh niệm, ăn cơm cũng ăn trong chánh niệm, quét nhà cũng quét trong chánh niệm. Viết thư cũng viết trong chánh niệm. Tại vì chỉ có làm trong chánh niệm thì mới có định, và chỉ có định mới đem tới tuệ giác. Tuệ giác là cái thấy của con người tự do, cái thấy không làm cho mình bị ràng buộc vào những tình huống, hệ lụy, và tự đánh mất mình. Cái thấy đó là cái quý báu nhất của sự tu học.
Khi một người xuất gia viết một lá thư về nhà, người xuất gia viết với chánh niệm của mình, biết rằng mỗi chữ, mỗi câu mình viết, nó phải phản chiếu nếp sống tâm linh, hạnh phúc, và an lạc của mình. Lá thơ của mình viết có thể có hơi hưởng như một tiếng chuông chánh niệm, giúp cho gia đình trở về với chánh niệm, và có thể gỡ được nội kết của từng người ở trong gia đình. Viết thư về gia đình cũng là một pháp thực tập rất sâu sắc.
Cho nên những người mới tu khi viết thư về nhà, cần phải đem chia sẻ với sư anh, sư chị, để coi thử thư mình viết như vậy là đã có đủ chánh niệm chưa, đã bắt đầu có tuệ giác trong đó chưa. Cho đến một người đã thành thạo trong cuộc đời như bác Tư, mà khi viết thư, bác cũng đem cho sư chị Chân Không coi lại, xem thư viết như vậy đã có chánh niệm chưa. Điều đó giúp mình biết rằng viết thư là một phép thực tập rất là quan trọng.
Có những lá thư nó giải phóng được cho người nhận thư và đọc thư, nó đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người nhận thư và đọc thư. Người viết thư muốn viết được một lá thư như vậy thì phải thực tập rất vững chãi, phải có cái thấy rất sâu sắc. Trước khi có một cái thấy vững chãi và sâu sắc, thì mình hãy khoan viết thư. Tại vì nếu viết thì những lá thư đó không diễn tả được cái tuệ giác, cái thấy nào của mình cả!
Làm sao để có tuệ giác, để có cái thấy sâu sắc hơn? Trong tu viện ngày nào mình cũng thực tập chánh niệm, cũng thực tập hơi thở, cũng thực tập bước chân, cũng thực tập thiền tọa. Tất cả những cái đó là để cho mình có định, cho mình thấy sâu hơn. Vì vậy mà khi quét nhà, ngoài đời mình cũng quét nhà, vào tu viện mình cũng quét nhà, nhưng quét nhà ở trong tu viện nó rất khác. Nấu cơm, ở ngoài đời người ta cũng nấu cơm, nhưng trong tu viện mình nấu cơm cũng khác ngoài đời.
Quét nhà là một phép thực tập, nấu cơm là một phép thực tập, đặt bàn cũng là một phép thực tập. Vì vậy cho nên ở trong tu viện 24 giờ trong một ngày là để thực tập sự có mặt đích thực của mình. Sự có mặt đó sẽ giúp cho mình thấy sâu, nhìn kỹ và thâu hồi cái tự do mà mình đã đánh mất trong cuộc đời.
Các thầy, các sư cô, các sư chú thực tập theo thiền phổ Sen Búp Từng Cánh Hé trong một tháng, trong hai tháng thì nên viết một bản báo cáo cho tôi. Đó là công phu của chúng ta, và mỗi ngày chúng ta có mấy thời để làm công việc đó. Chúng ta có thể ghi lại những cái thấy, những kinh nghiệm, những cái khó khăn, những vấp váp, và những thành công của chúng ta trong một cuốn sổ.
Có một sư em sau hai năm tu dưới hình thức xuất gia, trở về nhà để thăm và được phép ở lại nhà khoảng 10 ngày. Trong thời gian đó, sư em đã được nghe kể lại về đời sống của ông bà, của tổ tiên mình, và kỳ này nghe với tất cả trái tim của mình, tại vì trước đó sư em đã được học về năm cái lạy, ba cái lạy, biết rằng mình có gốc rễ sâu sắc nơi tổ tiên, nơi ông bà của mình, và biết rằng hạnh phúc của mình nằm ở chỗ mình thấy mình có gốc rễ. Cho nên lần này khi được nghe kể chuyện về ông bà, bên nội, bên ngoại, dòng họ tổ tiên thì sư em rất chú ý, không như những lần trước. Sư em có sự đói khát tìm hiểu, có sự ước muốn tiếp nối, liên hệ, cái ước muốn được trở về nguồn, được nối lại sợi dây liên lạc với tổ tiên.
Trong khi nghe với tất cả trái tim, với tất cả khao khát của mình thì cái năng lượng của tổ tiên được truyền lại cho mình, và mình thấy chuyện mình đi tu không phải là chuyện của cá nhân mình. Mình đi tu là tu cho tất cả mọi người, cho cha mình, cho mẹ mình, cho tổ tiên ông bà mình, và cho những thế hệ tương lai. Tự nhiên sư em thấy được vai trò của mình, vai trò của một người xuất gia. Vì vậy năng lượng trong người tự nhiên phát sinh ra một cách rất là rào rạt.
Sau khi trở về với tăng thân, sư em có viết thơ cho tôi, trong đó có câu: Con đã trở về làng với một bồ đề tâm mới. Thật ra thì không phải là bồ đề tâm mới mà là bồ đề tâm của ngày xuất gia, bây giờ được tưới tẩm, được phục sinh, được nuôi dưỡng. Có bồ đề tâm đó thì chuyện đi, đứng, nằm, ngồi, học hành, thực tập, ăn uống trở thành vững mạnh hơn, tại vì mình biết là mình đang làm gì, mình biết là mình đang sống cho ai, đang tu cho ai.
Bồ đề tâm tức là tâm hiểu biết, bồ đề tâm cũng là tâm thương yêu. Mình tu là tại mình thương cho nên mình đi tu, chứ không phải là tại mình giận, mình ghét mà mình đi tu. Đi tu không phải tại mình buồn cha, buồn mẹ, không thương cha, không thương mẹ, mà đi tu chính là vì mình thương cha, thương mẹ, thương tổ tiên, thương ông bà của mình. Và tình thương này là tình thương đích thực.
Mỗi bước chân của mình trên đường thiền hành là một cử chỉ của yêu thương. Mỗi miếng cơm mình nhai trong chánh niệm là một cử chỉ yêu thương, và mình yêu thương 24 giờ trong một ngày. Mình làm những cái đó cho tất cả tổ tiên, dòng họ, đất nước của mình. Một người tu có hạnh phúc, có tuệ giác là một người có thể đem lại rất nhiều an bình, hạnh phúc và vững chãi cho rất nhiều người.
Yêu thương không phải là vấn đề học tập, không phải là vấn đề vội vã. Yêu thương cần phải có sự vững chãi, phải có sự thảnh thơi, có tự do và có tuệ giác, cho nên khi mình ý thức được rằng mình đang đánh răng hấp tấp thì tự nhiên nó có sự chuyển hóa liền lập tức. Chánh niệm can thiệp vào, nó nhận diện rằng mình đang có sự hấp tấp thì tự nhiên sự hấp tấp đó dừng lại và mình không cần phải chê trách, hay đàn áp. Tự nhiên bàn tay của mình nó thanh thản trở lại, nó vững chãi trở lại, và chánh niệm đưa tới sự tự tồn, vững chãi, thảnh thơi. Vì vậy đánh răng cũng là một hành động thương yêu.
Khi nhìn người em, người anh, hay người chị trong đạo của mình bằng con mắt thương yêu và mỉm cười được với người đó, thì đó cũng là một hành động thương yêu. Hành động thương yêu đó không phải chỉ hướng về người sư em đó, người sư anh đó, người sư chị đó, mà nó hướng về tất cả tổ tiên của mình, tất cả con cháu của mình. Đối tượng tình thương của mình là một đối tượng rất lớn, vì khi đi tu là mình muốn có một tình thương rất lớn, mình không bằng lòng với một đối tượng thương yêu nhỏ bé, cho nên mình mới đi tu.
Sư em mà ta nói đến trên đây, trong thời gian ở lại với gia đình, biết rằng mình có thể đem cái tươi mát, cái hạnh phúc, cái vững chãi của mình như là những quà tặng quý giá nhất mà mình có thể hiến tặng cho cha, cho mẹ, cho anh, cho chị, cho những người thương của mình. Sư em cũng biết rằng vì không có tăng thân với mình trong lúc này, mình có thể yếu hơn khi mình đang ở với tăng thân, cho nên sư em đã rất cẩn thận. Trong mười ngày ở với gia đình, sư em không bỏ thiền tọa, thiền hành, tụng giới, nghe chuông và ăn cơm im lặng.
Sở dĩ sư em không bỏ những thực tập đó là tại trong gia đình có những cái vui lắm. Khi được gặp lại những người thương của mình thì tíu ta tíu tít, kể hết chuyện này đến chuyện khác. Cố nhiên là đem lại rất nhiều niềm vui, nhưng sư em rất ý thức rằng nếu mình không nắm vững sự thực tập của mình, thì mình sẽ yếu đi rất mau chóng. Cho nên trong thời gian ở với gia đình, sư em không bỏ một buổi thiền tọa nào, không bỏ một buổi thiền hành nào, và thực tập nghe chuông, thực tập ăn cơm im lặng, ngồi thật thẳng, ăn trong chánh niệm. Đó là thực tập thương yêu. Đó là hành động thương yêu, tại vì nếu mình đánh mất mình, đánh mất năng lượng chánh niệm của mình, thì mình không còn có gì để hiến tặng cho người thương của mình.
Biết rằng mình sẽ yếu đi nếu không có tăng thân, cho nên sư em đã cương quyết nắm lấy sự thực tập hàng ngày đó để giữ vững tự thân của mình. Giữ vững được thì mình còn vững chãi, còn thảnh thơi, còn an lạc để cống hiến cho những người mình thương.
Trong gia đình, người ta không quen thực tập nghe chuông, thì sư em nói: Thôi để con lãnh trách nhiệm trả lời điện thoại cho. Mỗi khi có tiếng chuông reo là sư em ngồi thẳng và thực tập hơi thở. Những người khác, ban đầu thấy hơi lạ, nhưng hai ba ngày sau thì cũng đều thực tập theo!
Ngày đầu trong những buổi thiền tọa sáng hay tối, thì cũng có một số người trong gia đình tham dự, nhưng vài ba ngày sau thì họ bỏ cuộc. Nhưng sư em không bỏ. Buổi sáng, buổi tối thực tập rất đều và sau đó mấy ngày thì tất cả những người khác lại trở về ngồi với sư em. Sư em có sự vững chãi, có sự kiên trì. Sự vững chãi đó, sự kiên trì đó là chứng tích của thương yêu. Sự thương yêu có mặt.
Sư em báo cáo với tôi rằng sư em không nói pháp, không thao thao bất tuyệt lặp lại những điều thầy đã giảng dạy trong các bài pháp thoại, sư em chỉ chơi thôi, và hiến tặng cho những người trong gia đình của mình sự có mặt tươi mát của mình thôi. Sư em báo cáo thêm: Hai năm tu với tư cách người xuất gia, trở về thì sư em thấy mình rất khác. Nhờ soi mình vào tấm kính của gia đình cho nên mình thấy khác. Khi có những người trong gia đình về Làng Mai để thăm thì sư em không thấy mình khác, và không thấy những người thương của mình ở tại Làng Mai khác mình. Là tại Làng Mai có một nếp sống có tăng thân và mọi người đều đi theo nếp sống đó, cho nên không thấy sự khác biệt nhiều.
Đến khi về lại gia đình để thăm thì sư em mới thấy mình đã thay đổi một cách lớn lao. Thấy được như vậy là nhờ mình soi vào tấm gương của gia đình. Thấy bây giờ mình rất khác những người trong gia đình. Cách nhìn, cách nhận thức, cách nói năng, cách đi đứng, cách phản ứng đối với những gì đang xảy ra trong đời sống hàng ngày, là rất khác với những người trong gia đình. Sư em nhận thấy rằng ngày xưa mình cũng sống trong gia đình 24 giờ trong một ngày, nhưng mình không thấy được những điều đó, mình không thấy được những cái khổ đau, những cái hấp tấp, những cái vướng mắc nho nhỏ của những người trong gia đình. Bây giờ sư em thấy rất rõ, là tại sư em có con mắt tuệ, con mắt của sự thực tập.
Vì thấy được như vậy cho nên sư em mới biết cách để giúp cho từng người, nói chuyện với từng người, đưa từng người đi thiền hành và sư em đã giúp được cho tất cả mọi người trong đại gia đình của sư em. Mười ngày đó trở thành mười ngày của một sứ mạng độ được cho gia đình của mình, chứ không phải mười ngày nghĩ ngơi, đi chơi, thăm nhà mà thôi. Cái kết quả đó không phải là do thuyết pháp, mà do sự có mặt đích thực của mình, do con mắt tuệ của mình.
Sư em có báo cáo thêm rằng: Có một lần sư em được phái đi tới một cộng đồng người Công giáo, và ở lại đó mấy ngày. Những người đó cũng là những người tu và họ rất khao khát muốn biết được bên đạo Bụt tu như thế nào. Sư em đã trả lời những câu hỏi, đã hướng dẫn thiền hành, đã tổ chức thiền trà, và sư em rất lấy làm ngạc nhiên. Ngạc nhiên ở chỗ mình đã học được quá nhiều trong hai năm qua mà mình không biết! Mình tưởng mình là một baby! Đến khi sống trong một cộng đồng người xuất gia bên kia, trả lời những câu hỏi của họ, chia sẻ những kinh nghiệm tu học, và cái thấy của mình, thì sư em mới nhận ra rằng trong hai năm mình đã học được rất nhiều. Sư em có cảm tưởng rằng tất cả những điều mình nói là thầy đang nói, những điều mình đang làm là thầy đang làm.
Nhưng khi trở về với gia đình thì sư em không có cảm tưởng như vậy nữa. Sư em thấy những điều mình đang nói là mình nói, những điều mình đang làm là mình làm, chứ không phải thầy làm. Mình với thầy đã trở thành một.
Khi đi học trong trường đại học, chúng ta cũng học, chúng ta cũng tập, nhưng cái học ở trong trường đại học nó rất khác cái học ở trong một tu viện. Trong tu viện chúng ta sống 24 giờ đồng hồ trong cái học và trong cái tập của mình. Cho nên có thể nếu trái tim của chúng ta tràn đầy thương yêu, tràn đầy chất liệu của tâm bồ đề thì chỉ trong vòng sáu tháng hay một năm là chúng ta đã tiếp nhận được rất nhiều. Chúng ta đã chuyển hóa con người của chúng ta rất nhiều. Mà sự chuyển hóa con người của chúng ta, cũng là sự chuyển hóa của tổ tiên, của ông bà chúng ta. Sự chuyển hóa này nó liên hệ tới cả dòng họ, cả tương lai của chúng ta. Vì vậy cho nên tu học hai năm là nhiều lắm. Chúng ta biết rằng sự tu học đó không phải là cho danh lợi hoặc cho tương lai của một người. Chúng ta tu học là cho tất cả mọi người, mọi loài.
Có thể khi chúng ta phát tâm xuất gia học đạo thì người trong gia đình nghĩ rằng ta không thương họ cho nên ta mới đi tu. Dù chúng ta có cắt nghĩa cách gì đi nữa thì người đó vẫn không hiểu được. Không hiểu được không phải tại người đó không muốn hiểu, mà tại người đó chưa thấy được. Có nhiều sư em đã đi qua con đường đó. Nhưng sau một hoặc hai năm tu học, sư em đó đã có thể chuyển hóa được cái thấy của những người thương, và những người trong gia đình của sư em đã thấy rất rõ rằng tu học là thực tập thương yêu, và sự tu học của mình có thể đem lại hạnh phúc cho mọi người trong gia đình của mình.
Ngày trước có những người đã không đồng ý chuyện mình xuất gia, nhưng sau này tất cả những người đó đều thay đổi cái nhìn và đã chấp nhận một cách hoàn toàn và rất có hạnh phúc về chuyện mình đi xuất gia. Điều này đúng với tất cả những sư em ở Làng Mai, dù trai hay gái.
Chúng ta biết rằng bồ đề tâm là tâm hiểu biết. Chúng ta cũng biết rằng bồ đề tâm là tâm thương yêu. Bồ đề tâm là một khối năng lượng rất lớn, nó nuôi dưỡng chúng ta trên con đường lý tưởng. Chừng nào tâm bồ đề còn vững chãi thì chừng đó ta còn rất nhiều năng lượng để thương yêu, để thực tập, năng lượng để đem lại hạnh phúc cho mình và cho tất cả những người mình thương.
Bồ đề tâm cần phải được nuôi dưỡng, bồ đề tâm cần phải được làm mới. Với kinh nghiệm của mình, mình biết phải làm thế nào để bồ đề tâm càng ngày càng được nuôi dưỡng, càng ngày càng lớn lên, càng ngày càng đổi mới. Trong khi đánh răng, chúng ta hãy đánh răng như thế nào để hạnh phúc có mặt, để sự vững chãi, sự thảnh thơi, sự an lạc có mặt. Đó là sự thực tập mà chúng ta có thể làm được. Nếu chánh niệm phát sinh là ta làm được. Khi chúng ta bước từ nhà bếp trở về liêu xá, chúng ta bước như thế nào để trong thời gian đó chúng ta có sự vững chãi, có sự thảnh thơi, có sự an lạc. Đó là thực tập thương yêu, đó là thực tập nuôi dưỡng bồ đề tâm. Khi chúng ta nấu một nồi cơm cho đại chúng, chúng ta rửa một rổ rau cho đại chúng, chúng ta nấu nồi cơm đó như thế nào, chúng ta rửa rổ rau đó như thế nào để cho sự thanh thản, thảnh thơi và vững chãi có mặt trong lòng của chúng ta. Đó là hành động của thương yêu. Tu là như vậy chứ không phải chỉ là lễ lạy hay là ngồi thiền ở trong thiền đường mới gọi là tu.
Tất cả quý vị đều biết rằng những chuyện đó mình có thể làm được. Lặt rau, nấu cơm, quét nhà đều có thể là những hành động thực tập thương yêu. Chúng ta nuôi dưỡng chúng ta trong nếp sống thực tập đó, và nuôi dưỡng ta có nghĩa là nuôi dưỡng cha mẹ ta, ông bà ta, tổ tiên ta và con cháu ta.
Có thể những người thương của mình chưa thấy được tình thương đó của mình. Nhưng nếu tình thương của mình là một tình thương lớn, một tình thương rất sâu sắc thì mai mốt họ sẽ thấy, họ sẽ vui mừng. Sự thật thì không phải chỉ cha mẹ mới nuôi con, sự thật là con cháu cũng nuôi cha mẹ, nuôi cả tổ tiên nữa.
Khi nhìn vào một cội cây, chúng ta có cảm tưởng cây là mẹ, còn lá là con. Chỉ có cây nuôi lá thôi. Nhưng kỳ thật nhìn cho kỹ thì chúng ta thấy rằng lá nó nuôi cây. Lá là con nhưng nó nuôi mẹ và lá làm việc rất nhiều. Lá tiếp thu ánh sáng, lá tiếp thu những chất khí trong không gian, lá biến nhựa nguyên của rễ cây đưa lên thành ra nhựa luyện. Nhựa luyện đó lá gởi trở về để nuôi thân cây. Vì vậy cho nên lá với tư cách người con, đóng vai trò nuôi dưỡng cây tức là mẹ. Chúng ta cũng vậy, chúng ta còn trẻ, chúng ta là con, nhưng khi tu học thì chúng ta là những chiếc lá chuyển hóa nhựa nguyên thành nhựa luyện, nuôi dưỡng cha mẹ của chúng ta, nuôi dưỡng bằng sự an lạc, bằng sự thảnh thơi, bằng sự vững chãi.
Chúng ta biết rằng cha ta rất cần được chúng ta nuôi, mẹ ta rất cần được chúng ta nuôi. Anh, em của ta rất cần được chúng ta nuôi. Vì vậy cho nên mỗi ngày ở trong tu viện, chúng ta ý thức được sứ mạng thương yêu của chúng ta. Chúng ta thực tập như thế nào để có thể nuôi dưỡng họ được, không phải trong tương lai, mà ngay trong giây phút hiện tại.
Đó là vì nếu chúng ta sống những giây phút an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc ở đây là chúng ta đang nuôi họ. Còn nếu chúng ta khóc thương, chúng ta lo lắng, chúng ta buồn khổ thì chính bản thân của chúng ta, chúng ta nuôi còn không được, làm sao để có thể nuôi được những người khác? Đời sống đâu phải chỉ được làm bằng bánh mì hay cơm gạo? Con người phải được nuôi dưỡng bằng sự an lạc, sự vững chãi, sự thảnh thơi. Và an lạc, vững chãi, thảnh thơi là hoa trái của sự thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày.
Nếu thực tập cho vững chãi, cho sâu sắc, thì chúng ta sẽ thấy rằng không có một động tác nào, một cử chỉ nào, một cái nhìn nào mà không có hoa trái của nó. Mỗi cái nhìn, mỗi hơi thở, mỗi nụ cười, mỗi động tác của tay chân đều có hoa trái cả. Vì vậy đưa chất liệu chánh niệm vào trong những nụ cười đó, những động tác đó, là công tác trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Các sư em tương lai nên nhớ trong khi học luật Sa di và uy nghi thì mình biết rằng luật cũng như uy nghi đều là hoa trái của chánh niệm. Khi đi xuất gia, chúng ta thọ 10 giới. Mười giới là sự biểu hiện cụ thể của việc thực tập chánh niệm. Và những uy nghi mà chúng ta được học trong 24 thiên cũng là những biểu hiện của cuộc sống chánh niệm.
Trong chùa chúng ta nói tới Tam thiên Uy Nghi, Bát vạn Tế hạnh. Tam thiên là ba ngàn; bát vạn là tám mươi ngàn. Ba ngàn hay tám mươi ngàn chỉ là những con số tượng trưng.
Uy nghi là tác phong, là cách thức của chúng ta khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống v.v... Mà uy nghi đó do cái gì làm ra nếu không phải là chánh niệm? Đi mà biết là mình đi, đứng biết là mình đứng, ngồi biết là mình ngồi, thì tự nhiên cái uy nghi nó phát hiện, nếu không thì mình đang chỉ đóng kịch mà thôi! Không có chánh niệm bên trong làm chất liệu, thì uy nghi bên ngoài là đóng kịch, là giả trang thiền tướng.
Vậy thì không những mười giới biểu lộ chánh niệm, mà ba ngàn uy nghi nó cũng biểu lộ chánh niệm. Chúng ta ý thức rằng nếu giết hại những sinh mạng như con ốc, con sên thì chúng ta sẽ gây đau khổ cho chúng nó. Vì vậy mà "Ý thức rằng sự giết hại đem lại rất nhiều đau khổ, con nguyện không giết hại, con nguyện thực tập chánh niệm để có thể bảo vệ được sinh mạng của mọi người và mọi loài". Đó là giới thứ nhất. Giới đó là từ chánh niệm mà ra, và là sự biểu hiện của một hành động thương yêu.
Học mười giới theo cách đó, chúng ta thấy giới nào cũng phát xuất từ chánh niệm mà ra cả. Chính nhờ có chánh niệm mà chúng ta giữ được mười giới. Còn nếu giữ giới mà không có chánh niệm thì chúng ta chỉ đóng kịch mà thôi. Nên nhớ kỹ rằng bản chất của giới là niệm.
Đứng về phương diện uy nghi (Fine manners, Beautiful manners) thì đời sống của một vị Sa di hay Sa di ni nó được tô điểm bằng những uy nghi. Nếu một sư cô hay một sư chú mà đẹp là nhờ có uy nghi. Đi đứng nằm ngồi, nói cười rất là đoan nghiêm, rất là vững chãi, rất là thảnh thơi. Đó gọi là uy nghi và chúng ta nhớ rất rõ bản chất của uy nghi cũng là chánh niệm. Có chánh niệm thì tự nhiên có uy nghi. Còn nếu không có chánh niệm mà giả đò uy nghi, đó gọi là giả trang thiền tướng. Đây là một danh từ trong nhà thiền. Giả trang tức là mình khoát một bộ áo giả, trang điểm một cách giả dối bằng thiền tướng, tức là cái hình tướng thiền bên ngoài, chứ không phải là thiền tướng thật.
Còn tế hạnh là gì? Tế là nhỏ nhặt, vi tế. Hạnh là những hành động. Những cái movements, những cái gestures, những actions rất nhỏ nhặt. Có sự có mặt của người khác hay không thì những cữ chỉ nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày của chúng ta nó vẫn biểu lộ tính chất chánh niệm ở trong đó, gọi là Bát vạn Tế hạnh. Cầm lên một cây nhang, quẹt một cây diêm, đốt cây nhang, chắp tay lạy, tất cả những cái đó đều là những tế hạnh. Những tế hạnh đó cần được hướng dẫn, cần được hình thành bởi loại năng lượng bên trong gọi là chánh niệm.
Chánh định càng vững thì năng lượng của chánh niệm càng hùng hậu, và tám mươi ngàn tế hạnh cũng sẽ biểu lộ được năng lượng chánh niệm hùng hậu đó, và tế hạnh sẽ đẹp.
Chúng ta thường nghe các bà mẹ dạy con gái rằng: Con gái thì đi, đứng, nằm, ngồi phải có ý có tứ. Mà ý tứ đây là gì? Ý tứ tức là chánh niệm. Bà mẹ không biết danh từ Phật học, nhưng bà mẹ cũng thuyết pháp được. Bà không thuyết pháp từ sách vở, nhưng hồi còn nhỏ bà cũng đã được bà ngoại dạy như như vậy. Con gái thì đi đứng nằm ngồi, làm việc phải có ý, có tứ nghe con! Tức là phải có chánh niệm, mà có chánh niệm thì tự nhiên cô gái đẹp lên rất nhiều, gấp trăm, gấp ngàn lần.
Nếu cô gái mà vụt chạc, hấp tấp, đụng đâu đổ tới đó thì cô gái đó không có cái đẹp. Dù cô có mua phấn, mua sáp, mua đủ thứ áo lụa, áo là về mặc, cô vẫn không đẹp như thường. Cái làm cho một cô gái đẹp là cái ý, cái tứ nghĩa là cái chánh niệm.
Nhưng các bà mẹ quên không dạy con trai, tưởng chỉ con gái mới cần ý tứ. Con trai cũng rất cần ý tứ, tại con trai cũng cần đẹp lắm, mà con trai cũng có thể dùng chất liệu làm đẹp đó như con gái, tức là ý và tứ, nghĩa là chánh niệm.
Tam thiên Uy nghi, Bát vạn Tế hạnh cũng như Mười giới, 14 giới, 250 giới hay 348 giới, tất cả đều phải biểu hiện chất liệu của chánh niệm ở bên trong, biểu hiện niệm lực ở bên trong thì mới đúng là giữ giới theo tinh thần đạo Bụt.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]