TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai
14. Những phương pháp Hiện pháp Lạc trú
NGHE PHÁP THOẠI THEO HIỆN PHÁP LẠC TRÚ
LÀM VIỆC THEO HIỆN PHÁP LẠC TRÚ
NHẬN DIỆN HIỆN PHÁP THÌ SẼ LẠC TRÚ
THỰC TẬP VÔ TÁC LÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ LẠC TRÚ
MỘT THỰC TẬP NHẬN DIỆN HIỆN PHÁP
Phương pháp thực tập tại Làng Mai được gọi là phương pháp Hiện Pháp Lạc Trú, nghĩa là an trú một cách có hạnh phúc trong giờ phút hiện tại.
Đức Thế Tôn đã nói rằng giáo pháp của ngài là giáo pháp có tính cách vượt thoát thời gian. Nghĩa là không cần phải tu 10 năm, 20 năm mới có hạnh phúc, và mới đạt được một kết quả nào đó. Khi nắm lấy pháp môn của đức Thế Tôn mà thực tập, thì chúng ta đã bắt đầu có hạnh phúc. Đó gọi là vượt thoát thời gian.
Ví dụ trong phương pháp quán niệm hơi thở, nếu chúng ta biết cách thở vào và đặt hết tâm ý vào hơi thở vào, biết cách thở ra và đặt hết tâm ý vào hơi thở ra, thì ngay trong hơi thở vào, ra đầu tiên, chúng ta đã có pháp lạc, đã có hạnh phúc của sự thực tập. Nếu tiếp tục thì pháp lạc đó, hạnh phúc của sự thực tập đó càng lúc càng lớn hơn lên.
Điều mà đức Thế Tôn muốn nói là chúng ta không cần phải chờ đợi. Nếu chúng ta nắm được pháp môn và thực tập đúng phương pháp thì sự an lạc, niềm hạnh phúc có thể bắt đầu có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Đó là ý nghĩa của danh từ Akªlika. Ak(lika là tiếng Phạn, có nghĩa là vượt thoát thời gian, chữ Hán là Bất quản thời nhật, không để ý, không dính líu tới vấn đề năm tháng.
Vì vậy nếu chúng ta thực tập đúng phép thì ngày hôm nay chúng ta đã có hạnh phúc rồi, và ngày mai cố nhiên là hạnh phúc đó sẽ tăng tiến. Nếu ngày hôm nay thực tập mà thấy cực khổ, không có chút hạnh phúc nào, thì biết rằng chúng ta đang không thực tập đúng pháp. Khi mà hôm nay chúng ta chỉ có toàn khổ đau thôi, thì đừng mơ tưởng rằng ngày mai chúng ta sẽ có hạnh phúc, tại vì ngày mai sẽ được làm bằng ngày hôm nay, hạnh phúc của ngày mai sẽ được làm bằng những chất liệu hạnh phúc của ngày hôm nay. Đây là một nét rất quan trọng của giáo lý mà đức Thế Tôn để lại: Vượt thoát thời gian.
Chúng ta phải tổ chức việc tu học ở trong tu viện, ở trong chùa như thế nào để hạnh phúc có mặt ngay ngày hôm nay. Ví dụ ngồi nghe pháp thoại, chúng ta đừng tưởng rằng nghe pháp thoại là để có kiến thức để ngày mai đem ra thực tập. Không! Nghe pháp thoại cũng là một thực tập tạo tác hạnh phúc.
Khi nghe, chúng ta ngồi cho thoải mái và mở trái tim ra để cho những hạt mưa của chánh pháp rơi vào trong ruộng tâm của mình. Chúng ta biết rằng, khi trời nắng lâu ngày mà có mưa, thì đại địa tức là trái đất, đang có hạnh phúc. Trái đất đâu cần làm gì? Trái đất chỉ cần mở rộng lòng của mình ra để đón chờ những giọt mưa từ trên trời rơi xuống. Chúng ta cũng vậy, chúng ta rất đói khát về sự thật, chúng ta rất đói khát về chánh pháp, vì vậy cho nên ngồi đó, mở trái tim ra để cho những giọt mưa pháp rơi xuống, thấm vào trái tim của mình, đó là một hạnh phúc rất lớn rồi.
Trong đất tâm của chúng ta có những hạt giống của hạnh phúc, của niềm tin, của tình thương, của sự tha thứ. Những hạt giống tốt đó lâu ngày khô cằn, bị chôn sâu trong tâm thức, mà không có người nào đến để tưới tẩm cả. Khi đất tâm của chúng ta khô cằn thì làm sao những hạt giống đẹp đẽ như vậy có thể nẩy mầm và đem lại cho chúng ta hoa trái của hạnh phúc được? Cho nên khi ngồi nghe pháp là chúng ta phải làm như trái đất đang gặp cơn mưa, mở trái tim của chúng ta ra để cho mưa pháp tự do rơi xuống.
Mưa Xuân nhẹ hạt đất tâm ướt.
Hạt đậu năm xưa hé miệng cười.
Đó là hai câu thơ của tôi diễn tả điều này. Những hạt mưa Xuân rơi xuống nhè nhẹ, nếu chúng ta cứ để cho mưa tiếp tục như vậy thì một lúc nào đó nước mưa sẽ thấm vào lòng đất và nó sẽ động tới hạt giống hạnh phúc trong ta. Khi hạt đậu năm xưa mà thấm được nước mưa rồi thì nó sẽ hé miệng cười, nó bắt đầu nẩy mầm, và từ đó sẽ có hai lá non đầu tiên nhô ra khỏi mặt đất. Chúng ta cũng có rất nhiều hạt giống hạnh phúc trong tâm điền, trong ruộng tâm của chúng ta.
Những hạt giống hạnh phúc đó gồm có hạt giống của thương yêu, của tin tưởng, của tha thứ, của sự rộng lượng v.v... Khi những hạt giống đó được tưới tẩm bởi mưa pháp, thì chắc chắn chúng sẽ nứt mầm và sẽ cho chúng ta hoa trái của giác ngộ. Vì vậy khi ngồi nghe pháp, chúng ta như đang được ăn tiệc, ăn tiệc pháp, cũng như đất đang ăn tiệc mưa.
Ngồi nghe mà đừng suy nghĩ, đừng ghi chép gì hết. Người nghe pháp giỏi là người không cầm một sổ tay, rồi ghi chép lia lịa những điều thầy nói. Không! Nghe pháp như vậy là chưa giỏi. Nghe pháp giỏi là ngồi đó và mở hết tâm ra, để cho những hạt mưa pháp từ từ thấm vào trong tâm của mình. Một khi nó thấm vào đến những hạt giống hạnh phúc và trí tuệ của mình, thì mình sẽ bừng nở như một đóa hoa.
Thường thường chúng ta quen học tại trường, cho nên chúng ta cứ tưởng rằng ngồi nghe pháp là để ghi chép những tư tưởng sâu xa. Nhưng đó là phương pháp ở ngoài đời, chúng ta thường dùng trí năng của chúng ta để so sánh, để phê phán, để ghi nhận. Trong khi đó, nghe pháp thì hoàn toàn khác hẳn. Chúng ta không dùng trí năng, trí năng tiếng Anh là Intellect, chúng ta cho trí năng đi nghỉ mát! Chúng ta để tâm thức của chúng ta đón nhận những lời pháp, mà không cần phải ghi chép, không cần phải suy nghĩ, không cần phải phán đoán. Như vậy thì mưa pháp mới đi sâu vào được trong tâm của chúng ta. Nếu dùng trí năng thì cũng giống như chúng ta đi tìm những cái chậu, những tấm nylon để chúng ta hứng nước mưa. Khi chúng ta đã trải tấm nylon ra hứng nước mưa rồi thì nước mưa không thể nào thấm vào lòng đất được nữa. Vì vậy cho nên khi ngồi nghe pháp là phải bỏ cái thông minh của mình đi, bỏ cái trí năng của mình đi, và mở tâm ra để cho mưa pháp đi vào một cách rất tự nhiên, đừng suy nghĩ gì hết. Đó mới là biết nghe pháp, và mới được lợi lạc khi nghe pháp.
Ngồi nghe pháp theo cách đó thì chúng ta không bao giờ mệt cả, tại vì chúng ta không dùng trí năng, không dùng sự suy đoán, sự phán xét của chúng ta. Chúng ta ngồi chơi vậy thôi, chúng ta đưa hết cả thân và tâm ra để hứng lấy mưa pháp, cho nên giờ ngồi nghe pháp là giờ hạnh phúc vô cùng. Tuy không cố gắng gì cả nhưng tự nhiên những hạt giống tốt ở trong ta được mưa pháp tưới đến cho nên chúng nở bừng ra!
Ngày xưa, khi đức Thế Tôn còn tại thế, thỉnh thoảng trong những buổi thuyết pháp của ngài có những người chứng ngộ, đạt đạo ngay trong khi nghe thuyết pháp. Kinh điển đã ghi chép lại những trường hợp như vậy, và chúng ta biết rằng những người đạt đạo trong khi nghe pháp đó là những người đã không sử dụng trí năng để phê phán, để phân tích, mà là những người đã mở hết trái tim ra để cho mưa pháp đi vào.
Vì vậy nghe pháp là một phép thực tập rất sâu xa. Trong khi nghe pháp chúng ta có thể có rất nhiều hạnh phúc. Nếu nghe pháp mà thấy mệt, thấy mình phải lao động, phải cố gắng tranh đấu với cơn buồn ngủ, cố gắng mở hai tai và hai mắt ra để nghe, để tiếp nhận những tư tưởng, thì không lợi ích gì cả. Trái lại khi nghe pháp mà đừng cố gắng gì hết, ngồi và cảm thấy rất an lạc, rất thoải mái, thì ta mới tiếp nhận được pháp.
Khi ăn cơm cũng vậy. Ngồi ăn cơm như thế nào mà trong suốt thời gian của bữa cơm mình có hạnh phúc. Tại Làng Mai, chúng ta ăn cơm rất thong thả. Chúng ta ăn cơm ít nhất là 45 phút. Trong khi ăn, chúng ta chỉ để ý đến hai đối tượng của tâm ta lúc đó, trước hết là thức ăn.
Trong Năm Quán Nguyện trước bữa ăn có câu: Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, và công phu lao tác. Thức ăn là một tặng phẩm của cả vũ trụ. Vũ trụ đã đến với nhau để nuôi dưỡng ta và trong khi ăn cơm, ta ăn từng miếng đậu hũ, từng miếng cà chua, từng hạt cơm với tất cả sự thành kính, với tất cả sự biết ơn. Biết ơn rằng chúng ta là những người may mắn.
Đối tượng thứ hai là tăng thân bao quanh. Nhìn quanh, chúng ta thấy có thầy, có sư anh, sư chị, sư em đang ngồi cùng ăn cơm với chúng ta. Khi tiếp xúc được với thức ăn, tặng phẩm của đất trời, và tiếp xúc được với tăng thân đang bao quanh mình, thì mình thấy rằng ăn một bữa cơm như vậy là hạnh phúc rất lớn.
Ngày xưa đức Thế Tôn cũng ngồi ăn như vậy. Có khi ăn với 1250 vị khất sĩ, và ăn rất chậm rãi. Trong khi ăn, tâm mình không suy tưởng tới việc này, việc nọ, dù là suy tưởng về giáo lý của đức Thế Tôn. Trong khi ăn, tâm mình chỉ tiếp xúc với thức ăn, định trên thức ăn. Đồng thời, mình có tâm niệm biết ơn, và mình tiếp xúc luôn với tăng đoàn đang bao quanh mình. Mình thấy rằng được ngồi ăn với đức Thế Tôn, được ngồi ăn với các vị khất sĩ, là một niềm hạnh phúc rất lớn. Vì vậy cho nên suốt 45 phút ngồi ăn cơm, hạnh phúc của mình được nuôi dưỡng rất nhiều. Đó gọi là hiện pháp lạc trú. Hiện pháp nghĩa là những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại. Lạc trú tức là sống một cách hạnh phúc.
Khi dọn dẹp trên chánh điện, khi giặt áo, hay nấu cơm cho đại chúng, chúng ta cũng phải làm như thế nào để trong những thời gian đó chúng ta có hạnh phúc. Ví dụ khi chùi một cái nồi, chúng ta đừng gấp gáp mong chùi nồi cho mau xong. Chúng ta phải chùi cái nồi như thế nào mà trong suốt thời gian chùi nồi chúng ta có hạnh phúc. Đó mới thật là hiện pháp lạc trú. Nếu chùi nồi mà trong tâm ta có sự phiền não, ví dụ ta phiền rằng mấy sư chị giờ này đi ngủ, mà sao mình phải chùi nồi một mình giờ này! Thì việc chúi nồi đó không có một chút công đức nào cả, và cũng không tạo một chút hạnh phúc nào cho ta và cho chúng cả.
Vì vậy ta phải làm sao thực tập phương pháp hiện pháp lạc trú để trong khi chùi nồi ta có rất nhiều hạnh phúc. Ta phải quyết tâm thực tập hơi thở và nụ cười trong khi chùi nồi, và chùi nồi cũng quan trọng như cắm hoa để cúng dường đức Thế Tôn. Khi chùi nồi mà có hạnh phúc là ta đang thực tập thành công pháp môn Hiện Pháp Lạc Trú.
Cho nên các thầy, các sư cô, quý vị tăng ni sinh, phải ngồi lại với nhau, phải thảo luận, phải pháp đàm, làm thế nào để tổ chức đời sống hàng ngày của mình, thế nào để cho mỗi giờ phút trong ngày, mình có an lạc, có hạnh phúc, thì lúc đó chúng ta mới thực tập đúng theo tinh thần giáo lý của đức Thế Tôn. Còn nếu chúng ta nói rằng hôm nay phải cực khổ, ngày mai mới chứng ngộ; hôm nay phải đau khổ, ngày mai mới có hạnh phúc, thì đó là ngược lại với tinh thần của đức Thế Tôn, chúng ta không biết an trú, không có hạnh phúc trong giây phút hiện tại.
Chúng ta phải đề cao nguyên tắc Hiện Pháp Lạc Trú, tại vì tuy chúng ta hiểu được lời dạy của đức Thế Tôn về Hiện Pháp Lạc Trú, nhưng để thực hiện được phương pháp này, chúng ta phải biết cách áp dụng phương pháp đó vào trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Khi đã học được phương pháp Hiện Pháp Lạc Trú rồi, chúng ta không chờ đợi một hạnh phúc hão huyền trong tương lai nữa, dù hạnh phúc đó là hạnh phúc của cõi tịnh độ hay của sự giác ngộ. Tại vì hạnh phúc, theo đức Thế Tôn, là có thể có mặt ngay bây giờ và ở đây. Vì vậy mà phải thực tập như thế nào để chúng ta có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Điều này rất là quan trọng. Chỉ cần hai ba ngày thôi, là chúng ta đã có thể kiểm soát và biết rằng chúng ta đang có tiến bộ trên con đường này hay không. Nếu để đến hai ba tháng thì nó hơi lâu. Nếu quyết tâm hạ thủ công phu thì chỉ trong vài ba ngày, chúng ta đã thấy có hạnh phúc nhiều hơn trước rồi. Tại vì những điều kiện hạnh phúc chúng ta đã có, nhưng vì chúng ta không nhận diện được những điều kiện hạnh phúc đó, cho nên chúng ta mới mơ ước một hạnh phúc trong tương lai.
Do đó dừng lại trong giây phút hiện tại để nhận diện những điều kiện mình đang có về hạnh phúc, thì tự nhiên hạnh phúc nó sẽ tới. Ví dụ ta nhận diện rằng ta không bị ốm đau quá mức, ta tạm có đủ sức khỏe để có thể mỉm cười, để có thể sống được đời sống hàng ngày của chúng ta, đó là một điều kiện của hạnh phúc. Ta có hai con mắt còn tốt, mở ra là thấy trời xanh mây trắng, thấy thầy thấy bạn, thấy anh, thấy chị. Đó là một điều kiện hạnh phúc khác. Ta có hai lá phổi không bị nám, không bị lao, đó là điều kiện khác nữa của hạnh phúc. Ta có một lỗ mũi có thể thở vào, thở ra để hấp thụ không khí trong lành; ta được sống trong một tăng thân, không bị lang thang, vất vưởng ở ngoài đời, được che chở bởi Bụt, bởi Pháp và bởi Tăng, tất cả đều là những điều kiện hạnh phúc mà ta đang có trong tay.
Chúng ta phải ngồi lại và phải nhận diện được những điều kiện hạnh phúc mà chúng ta đang có, rồi sống sâu sắc với những điều kiện đó, thì tự nhiên hôm nay chúng ta đã có hạnh phúc rồi, chúng ta không cần đòi hỏi thêm những điều kiện hạnh phúc khác nữa. Điều này rất là quan trọng.
Mấy tuần này tôi đã tìm được cách dịch danh từ Vô nguyện. Vô nguyện hay Vô đắc là một trong ba cánh cửa giải thoát gọi là Tam giải thoát môn, ba cánh cửa đi vào giải thoát, đi vào thảnh thơi. Sự giải thoát, Làng Mai gọi là sự thảnh thơi. Thảnh thơi là không bị ràng buộc, ràng buộc bởi phiền não, bởi công việc, dù là công việc chùa. Ba cánh cửa đi vào thảnh thơi là Không, Vô tướng, và Vô tác.
Ở đây chúng ta nên nói sơ lược về Vô tác. Vô tác tiếng Phạn là Apra(ihita, có nghĩa là mình không đặt một đối tượng nào để chạy theo cả. Trong đời sống, thường thường chúng ta để một ước mong trước mặt làm đối tượng, và chúng ta chạy theo đối tượng của ước mong đó. Đó là đi ngược lại với tinh thần vô tác. Vô tác có nghĩa là ta thấy rằng tất cả những điều kiện của hạnh phúc, tất cả những cái gì ta mong ước, đều có sẵn trong giờ phút hiện tại rồi. Vì vậy mà ta dừng lại được, ta không chạy đuổi theo một đối tượng nào nữa cả. Đó gọi là vô tác. Vô nguyện cũng có nghĩa như vậy.
Người có được vô tác, có được vô nguyện là người đã bắt đầu có hạnh phúc. Còn nếu chưa được vô tác, chưa được vô nguyện thì những người đó đang còn chạy theo một đối tượng của ham muốn. Họ nghĩ rằng nếu không có điều kiện đó thì họ không thực sự có hạnh phúc. Mỗi chúng ta hãy quán chiếu lại xem mình có đang đuổi theo một cái gì hay không? Mình có an trú được trong cái thảnh thơi của vô tác hay không? Hay là mình nghĩ rằng chưa làm xong được ngôi chùa thì mình chưa được hạnh phúc. Hay nghĩ rằng chưa thi đậu bằng cấp đó thì chưa có hạnh phúc. Hoặc chưa có những điều kiện này, những điều kiện kia, thì hạnh phúc không thể có được. Mình thử xét lại con người của mình xem mình đã dừng lại chưa. Nghĩa là mình đã có sự thảnh thơi của Vô tác hay chưa.
Mình là người đã dừng lại, hay mình là người đang còn chạy theo, đuổi theo một ước mơ? Nếu còn chạy theo là chưa có sự thảnh thơi của vô tác. Chúng ta, mỗi người đều phải quán chiếu. Ngay ngày hôm nay chúng ta phải để 24 giờ đồng hồ để quán chiếu xem chúng ta là người đang còn chạy theo một đối tượng hay chúng ta là người đã ngừng lại rồi. Một người mới thọ giới Sa di, Sa di ni cũng có thể có hạnh phúc đầy đủ. Đừng nghĩ rằng khi mình được thọ tì kheo rồi, thì mình mới có hạnh phúc. Một người mới thọ giới tì kheo thì nên thấy rằng được thọ giới tì kheo đã là hạnh phúc lắm rồi, không cần phải lên chức giáo thọ mới là hạnh phúc.
Trong nấc thang ngoài xã hội, người ta không bao giờ bằng lòng với những gì mình đang có, và người ta luôn luôn nhìn theo, chạy theo một đối tượng kế tiếp. Vì vậy mà sự chạy đua không bao giờ dừng nghỉ, cho nên không bao giờ người ta có hạnh phúc. Nếu theo đức Thế Tôn mà thực tập thì được thọ năm giới cũng có thể tràn đầy hạnh phúc rồi, được thọ 10 giới cũng đã tràn đầy hạnh phúc rồi, đừng chờ đợi, đừng tìm tòi, đừng đuổi theo.
Danh từ mới mà tôi vừa tìm được để dịch chữ Vô tác là Non-expectation. Trước đây chúng ta dịch Vô tác làAimlessness, tức là không cần có mục đích, không cần có đối tượng để chạy theo. Chúng ta cũng đã dịch Vô tác là Wishlessness. không có sự ước mong. Nhưng chúng ta thấy rằng Vô tác bao trùm một đối tượng hành trì rất lớn, và Non-expectation nó hàm ý không chờ đợi kết quả, không mong cầu cái gì hết khi hành động cũng như khi không hành động. Cho nên Vô tác mà dịch là Non-expectation thì sát nghĩa hơn.
Ví dụ mình thương một người, và mình làm mọi điều cho người đó. Người đó cần gì thì mình làm cho điều đó, và làm với tinh thần vô tác, tức là mình không trông đợi gì cả. Người đó biết ơn hay không biết ơn, điều đó không cần thiết. Người đó dễ thương hay không dễ thương với mình, cái đó cũng không quan trọng. Cái quan trọng là mình có dễ thương với người đó hay không, mình có làm được tất cả những gì mình có thể làm cho người đó hay không. Làm xong rồi thì yên tâm, không chờ đợi gì hết. Đó gọi là Non-expectation, không trông chờ một kết quả nào cả. Chúng ta thường nghe nói Bồ tát là những người chỉ chú ý tới nhân, còn chúng sanh thì không chú ý tới nhân mà chỉ chú ý tới quả.
Thế nào gọi là chú ý tới nhân? Chú ý tới nhân là mình biết rằng có những cái mình có thể làm được ngày hôm nay. Nếu làm được những cái đó và mình làm ngày hôm nay, thì ngày mai hoa trái có thể tới với mình. Vì vậy hễ làm được cái gì thì mình làm hết sức mình, và mình không chờ đợi gì cả.
Ngày mai hoa trái có thể tới, nhưng hoa trái có thể chưa tới hay không tới. Vì sao vậy? Tại vì những nhân mà mình đã làm có thể chưa đủ, cần thêm một vài nhân khác mà chúng nằm ngoài tầm tay của mình. Vì vậy nếu kết quả đó chưa tới, thì mình đừng buồn, đừng khổ. Trái lại mình phải hoan hỷ, tại vì những gì mình cần làm về phần của mình, mình đã làm rồi. Nếu không làm thì mình mới hối hận, mới tự trách mình. Chứ mình đã làm rồi thì mình hoàn toàn có thể yên tâm được. Nếu hoa trái kia chưa tới là tại nó thiếu một, hoặc hai, hoặc ba điều kiện nào đó, chúng nằm ngoài tầm tay của mình!
Ví dụ việc tạo dựng một tăng thân, mình đem hết tâm lực của mình để tạo dựng tăng thân, làm cho tăng thân có hạnh phúc. Nhưng tăng thân đó có những dấu hiệu của sự thiếu hạnh phúc. Mình đòi hỏi người này trong tăng thân, người kia trong tăng thân phải thế này thế kia, nhưng những người đó không làm được như mình trông đợi, cho nên mình đau khổ. Ví dụ này cho thấy khi nào mình còn sự trông chờ thì sự đau khổ có thể có. Do đó Non-expectation đích thực là tinh thần của vô tác, tức là sự thảnh thơi thứ ba của Tam giải Pháp Môn.
Mình là cha mẹ, khi nuôi một đứa con, mình mong cho nó nên người. Mình làm tất cả mọi điều để cho đứa con thành người. Cố nhiên mình có trông đợi nó thế này, nó thế kia. Vì có trông đợi cho nên mình mới thất vọng, mình mới đau khổ. Còn nếu là cha, là mẹ, mình biết con mình cần gì và mình làm hết cho con mình tất cả những điều mình có thể làm, mà nếu nó chưa được như mình mong ước, là tại vì còn thiếu những điều kiện, những lý do nào đó. Nếu tìm hiểu để mình bổ túc thì tốt, còn nếu mình thấy hoàn toàn mình không còn có thể làm gì thêm được nữa, thì mình phải kiên tâm, phải vui vẻ chờ đợi. Có thể là vì thời gian, không gian, hay những điều kiện chót nào khác để đưa lại hoa trái đó, nó chưa hội đủ. Nhờ thấy như vậy mà mình tránh khỏi đau khổ.
Khi mình có những người đệ tử tu học có hạnh phúc, thì hạnh phúc của những người đệ tử đó nuôi dưỡng mình, làm cho mình thêm hạnh phúc. Nhưng đôi khi mình cũng có những người đệ tử mà mình đã đầu tư rất nhiều, mình đã lo lắng, đã chăm sóc, đã thương yêu, đã hướng dẫn hết sức, nhưng người đệ tử đó vẫn chưa đạt được hạnh phúc, chưa thành công trong sự tu học. Nếu mình ước muốn thì mình có thể đau khổ. Mình đau khổ là tại sao? Tại mình còn chờ đợi, còn đòi hỏi. Mình nói rằng tôi đã làm cái này, cái này, cái này và tôi có quyền đạt tới kết quả này, này, và này. Cho nên khi kết quả đó chưa tới thì mình đau khổ. Đó là tại mình chưa thực tập được cái thảnh thơi thứ ba, chưa biết dùng cái chìa khóa thứ ba, gọi là thảnh thơi vô tác.
Thế nào trong số các đệ tử của sư bà, của thượng tọa, của sư ông cũng có những đệ tử mà quý vị chưa bằng lòng. Nếu những đệ tử đó chưa làm chư vị vui lòng và hạnh phúc, thì xin chư vị đừng buồn, xin chư vị vô tác. Cái vô tác đó, hạnh phúc đó, và sự thảnh thơi đó của chư vị, sẽ giúp rất nhiều cho những người đệ tử kia. Còn nếu mình đòi hỏi như thế này, đòi hỏi như thế kia, đưa điều kiện này, điều kiện kia, dùng những biện pháp trừng phạt này, trừng phạt kia thì không những kết quả nó lâu tới, mà đôi khi nó sẽ không tới!
Vì vậy cho nên cánh cửa giải thoát thứ ba, vô tác là một cách thực tập của mọi chúng ta trong đời sống hàng ngày. Ví dụ như sư anh Nguyện Hải làm trụ trì ở Xóm Thượng. Cố nhiên sư anh sẽ trông đợi các sư em mình, trông đợi nào chúng trưởng, nào tri đường, nào tri xa, tri khách phải làm thế này, phải làm thế kia. Và các vị đó không làm được như mình mong muốn thì buổi sáng mình sẽ rầu một ít, buổi trưa mình rầu một ít, buổi tối mình rầu một ít. Và như vậy chỉ làm trụ trì được vài ba năm thì mình tiêu hao, mòn mỏi luôn! Muốn làm trụ trì cho được lâu dài, mình phải thực tập phương pháp gọi là vô tác. Lúc đó trong tâm mình sẽ nhẹ nhàng, thoải mái, mình mới có thể giúp được cho những người kia. Sư chị Trung Chính ở Xóm Mới cũng vậy, phải thực tập vô tác thì mới sống hạnh phúc được.
Hiện giờ tôi cũng đang thực tập như vậy, và cố nhiên tôi muốn các đệ tử của tôi cũng nên thực tập như vậy. Đừng đòi hỏi. Đừng đặt điều kiện, mình chỉ cần làm hết những gì mà mình có thể làm hôm nay mà thôi, và không chờ đợi, thì tự nhiên mình sẽ không đau khổ, mình sẽ tươi mát.
Điều quan trọng là nếu ngày hôm nay mình có đủ hạnh phúc, thì mình không cần phải đòi hỏi thêm những điều kiện khác của hạnh phúc nữa. Nếu kỳ thực mình có thể an trú được trong giây phút hiện tại thì mình có thể khám phá ra rằng, ngay ngày hôm nay mình đã có đủ điều kiện để có hạnh phúc rồi.
Hôm nay tôi muốn trao cho quý vị một bài tập. Bài tập này quý vị chỉ cần làm trong nửa giờ hay một giờ là nhiều. Đó là ghi lại xem ngày hôm nay mình có những niềm vui nào mà nếu trong tương lai mình không có, thì mình sẽ rất tiếc.
Như một ví dụ, tôi ghi lại đây lá thư tôi nhận được của một sư em mới xuất gia không lâu, nhưng phải trở về Mỹ làm giấy tờ, để quý vị thấy vài điều hạnh phúc của một người đã sống trong tăng thân mà nay đang không được thực tập với các sư chị.
Kính thưa Sư Ông, con về chùa Đức Viên sau khi rời làng. Mấy ngày đầu con khó ngủ lắm và nếu có ngủ được thì con hay thức giấc lúc hai, ba giờ sáng. Bây giờ thì con đã quen được với giờ ở San Jose.
Trong hai ngày đầu, sáng thức dậy công phu, tụng kinh Lăng Nghiêm, con không đọc theo kịp, trong khi đó thì quí sư cô đọc nhanh như là xe TGV chạy! Nước mắt của con nó cứ tuôn ra làm cho con thèm được trở về thiền đường, được ngồi thiền chung với các sư chị trên Xóm Mới của con quá chừng luôn. Quí sư cô tụng kinh nhanh lắm, còn con thì ngồi đó! Sau khi khóc, con vẫn còn ngồi đó và thở. Thời khóa hàng ngày ở đây gồm có: Sáng năm giờ thức dậy, năm giờ rưỡi tụng kinh Lăng Nghiêm, và lạy 48 lạy. Bảy giờ rưỡi thì ăn sáng. Chín giờ tụng kinh Ngũ Bách Danh, lạy 200 lạy, và 11giờ rưỡi ăn trưa. Ba giờ chiều tụng kinh Lương Hoàng Sám hoặc Bảo Tích, và 5 giờ chiều niệm Phật đến 6 giờ, và 9 giờ tối tụng kinh A Di Đà.
Con về thăm nhà hai lần. Đi bộ về nhà chỉ chừng năm phút. Má con vẫn còn lo lắng quá nhiều cho các em con. Con kể cho má con nghe những niềm vui con có được khi ở làng, và con có tụng kinh, lạy sám hối chung với má và chị của con. Gia đình con rất cần sự tươi mát và vững chãi của con. Má con rất vui và nói rằng con giống như chú tiểu, và là người rất vô sự.
Sư Ông ơi! Sao mà mọi người ở đây họ lăng xăng quá chừng! Con nhìn ra được nỗi lo lắng của từng người đến chùa. Trên khuôn mặt, cử chỉ, bước chân của họ thể hiện sự bất an. Thứ Bảy và Chủ nhật có rất nhiều người đến chùa. Nếu có một Làng Mai ở Cali thì sẽ giúp cho nhiều người thanh thiếu niên và người lớn chọn đúng con đường mình đi.
Con thèm được trở lại làng càng sớm càng tốt. Con đang làm tiêu hao những năng lượng mà sư Ông, các thầy, các sư chị trao truyền cho con trong sáu tháng vừa qua. Con thèm được nghe pháp thoại của sư Ông, và mỗi ngày được ngồi thiền với các sư chị, được ăn cơm với các sư chị của con. Xa làng, năng lượng chánh niệm của con bị đi xuống! Ở đây không có thực tập giống như ở làng, nhưng con muốn cho mọi người biết được, học được pháp môn của làng. Và chỉ có cách duy nhất là con thể hiện qua hành động và bước chân của con, và sự im lặng của con.
Sáng Chủ nhật chùa có mở lớp tiếng Việt và có 360 em đến học. Sư cô Như Phước muốn con vào dạy các em hát. Con dạy bài Quay về Nương tựa. Các em rất thích hát và sáng hôm sau, mẹ của một em tới chùa và nói với con: Em bé học lớp giáo lý hôm thứ Bảy, về nhà đã đòi qua Làng Mai!...
Cái tâm trạng hiện giờ của sư em là rất nhớ những giờ ngồi thiền, những giờ ngồi ăn cơm với các sư chị, và những giờ đi thiền hành với tăng thân.
Khi đi khỏi trú xứ của mình, mình có thể thấy được rằng thời gian ở trong trú xứ đó, mình có những điều kiện của hạnh phúc mà có thể mình không sống sâu sắc được những giây phút đó. Đó là tâm trạng của rất nhiều người.
Năm 1989, nhạc sĩ Phạm Duy có làm một bài hát, làm cho tôi chú ý. Hồi đó nhạc sĩ Phạm Duy cũng như một số người đi tị nạn, có cảm tưởng là không bao giờ sẽ có cơ hội để về Việt Nam được nữa. Vì vậy mà tuy sống ở Mỹ, ông cứ mơ tưởng những hạnh phúc mà mình đã có ở Việt Nam, và mình đã không sống cho sâu sắc. Đây là bài Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, tức là niềm mơ ước của những người tị nạn.
Bài hát có những câu như: Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà. Nhà của đôi ta xinh xinh nhỏ bé, có vườn rau xanh ngát ngoại ô, có mùa mưa hay nắng mộng mơ. Bây giờ ngồi ở bên Mỹ, mình nhớ tới những căn nhà ở ngoại ô. Căn nhà tuy nhỏ bé lụp xụp, nhưng bây giờ nhớ tới mà thương quá chừng! Có vườn rau xanh ngát ngoại ô. Có mùa mưa hay nắng mộng mơ. Ở đâu mà lại không có mưa, không có nắng, mà phải về tới chỗ đó mới có mưa, có nắng mà mộng mơ?
Thật ra ở Xóm Thượng mình có Hiên Nghe Mưa. Ở Phương Khê mình có Hiên Thủy Tinh. Ngồi trong đó mà nghe tiếng mưa rơi thì rất hay. Ngày hôm nay nếu không biết hưởng, không có khả năng ngồi trong Hiên Nghe Mưa, hay ở Hiên Thủy Tinh để nghe mưa thì ngày mai chúng ta sẽ tiếc giống như người đã tiếc mùa mưa hay nắng mộng mơ vậy. Nghe mưa thì chúng ta có thể nghe ngay trong giờ phút hiện tại, chứ đâu phải đợi tới ngày mai mới nghe được?
Cây me già trong ngõ, hoa lá đổ về khuya, mùi hương lối xóm bay đi tràn trề. Ở trong xóm chỉ có một cây me thôi, và về khuya thì hoa, lá rụng xuống, và mùi hương của hoa me bay khắp xóm. Giờ đây ngồi mà mơ tưởng lại cái đó, làm như ở đất Cali không có cây nào hết, và không có cái đẹp nào hết. Chỉ có cây me mới đáng cho mình thưởng thức mà thôi. Nhưng cây me đã mất rồi cho nên bây giờ mình mới thấy nhớ cây me. Còn khi đang sống bên cây me thì mình đâu có để ý đến cây me? Chừng nào mất cây me rồi thì mình mới tiếc cây me.
Ở đây chúng ta đang có cây gì? Chúng ta có cây sồi, có rất nhiều cây đẹp ở Xóm Thượng, Xóm Hạ, cũng như ở Xóm Mới, Xóm Trung, Xóm Đoài. Chúng ta đừng đợi khi mất những cây đó rồi thì mới mơ tưởng về nó. Chiều nay khi về tới xóm, ta hãy đi thăm những cây của xóm mình. Cây nào cũng là cây me của nhạc sĩ Phạm Duy cả.
Rồi đây anh sẽ đưa em trở về, về nơi công viên yên vui lặng lẽ. Nhớ công viên tức là nhớ vườn Tao Đàn, tại vì nhạc sĩ đã ngồi trên ghế đá ở vườn Tao Đàn. Paris cũng có vườn Luxembourg, New York cũng có Central Park, Los Angeles cũng có Mile Square Park!
Về nơi công viên yên vui lặng lẽ, hãy ngồi đây ghế đá ngày xưa. Ghế đá ngày xưa ngồi mới thích chứ ghế đá ngày nay ngồi có thích gì đâu? Đó là vì mình không biết quý những điều kiện hạnh phúc hiện tiền.
Dưới hàng thông có gió lững lơ. Ở đâu mà không có những hàng thông, và có những ngọn gió thổi qua hàng thông? Khi chúng ta có mặt thì có gió thổi, có thông reo.
Con chim nào thường hay hót, con bướm nào thường hay bay. Bây giờ rất tiếc những con chim đó, những con bướm đó, toàn là nhớ những quá khứ thôi, còn những con chim ở đây, con bướm ở đây thì chúng không có mặt, không đẹp!
Tại sao chúng ta không thương yêu nhau ngày hôm nay? Tại sao chúng ta không dâng tặng hạnh phúc cho nhau ngày hôm nay? Tất cả đều đang nằm ở trong tầm tay của chúng ta. Chúng ta có thể ngồi trên ghế đá ngày hôm nay. Chúng ta có thể để ý tới gió thổi qua đọt thông ngày hôm nay, chúng ta có thể nhận diện được con bướm đang bay trước mặt ta ngày hôm nay. Chúng ta có thể nghe được con chim hót mầu nhiệm như ở trên thiênđường, như ở cực lạc thế giới ngay ngày hôm nay. Tại sao chúng ta không biết mỉm cười, không lắng nghe, không săn sóc người chị của ta, người anh của ta, người em của ta ngày hôm nay. Tại sao ta không làm hạnh phúc cho người đó ngày hôm nay?
Về đây với những bước chân trìu mến, những bước chân êm trên phố phường quen. Nghĩa là đi trên những đại lộ ở Paris không có hạnh phúc bằng đi trên đường Lê Lợi ở Saigon.
Nếu mưa rơi sẽ mát lòng em. Về đây ta sẽ tới ngôi chùa cũ, gióng tiếng chuông xưa nghe tiếng tình tơ bến đò xưa cô lái vẫn chờ. Toàn những hình ảnh của quá khứ! Ở Việt Nam có những bến đò, có cô gái chèo đò. Ngày nay chắc không còn cô gái chèo đò. Và đi tới chùa là một hạnh phúc, rồi thỉnh tiếng chuông lên là một hạnh phúc. Tất cả những hạnh phúc đó, ngày hôm nay ta có thể có được.
Rồi đây ta sẽ đưa nhau về nhà, về miền quê ta thơm tho mùi lúa. Có cầu ao yên giấc ngủ trưa. Có đồi non êm ái cỏ hoa, con sông nào đưa lối. Tiếng hát nào chơi vơi. Biển Đông vỗ sóng ru ta bồi hồi!
Bài hát này là một bài hoài niệm quá khứ. Nghĩ rằng trong quá khứ chúng ta đã có hạnh phúc, và bây giờ hạnh phúc đó mất rồi!
Bài tập của quý vị là bài tập này. Nếu quý vị là dân thường trú của Làng Mai thì quý vị sẽ đi thăm hết tất cả những hiện pháp ở Làng Mai, và nhận diện những giây phút nào là giây phút hạnh phúc của mình ngay tại Làng Mai. Nếu quý vị là những thiền sinh khách, thì quý vị hãy nhận diện những niềm hạnh phúc mà quý vị có được trong đời sống hàng ngày của quý vị, ngay trong địa phương của quý vị. Bây giờ quý vị đang xa trú xứ của mình, và quý vị đang nhớ cái đó, nhớ cái home sweet home đó. Nhớ những cái mà quý vị không muốn cho nó mất đi, những cái mà quý vị muốn sống trở lại để nhận diện điều kiện đó của hạnh phúc.
Tất cả các vị thường trú cũng như thiền sinh khách của Làng Mai đều được phát một tờ giấy. Trên tờ giấy đó mình sẽ ghi lại những giây phút, những điều kiện hạnh phúc của mình. Trong bài hát của Phạm Duy, ông ta ghi ra căn nhà vùng ngoại ô mà ngày xưa ông đã ở, có một vườn rau nho nhỏ, và nhớ lại thì rất thèm, rất quý những thứ đó. Bây giờ quý vị có cái tương đương ở đây không? Có căn phòng nào mà mỗi khi về nằm nghỉ thì mình thấy khỏe không? Cái giường của mình ra sao? Cái tủ nho nhỏ của mình ra sao, cái bàn của mình ra sao? Cái ghế của mình ra sao? Người bạn sống trong phòng của mình ra sao? Khu vườn mà mình có thể ra hái rau ngò, rau tần ô ra sao? Có nắng không, có mưa không? Có cây nào, có ngõ nào (như con đường thiền hành mà thầy trò mình đi trên Xóm Thượng chẳng hạn) mà mình nghĩ rằng nếu không có ở đó thì mình buồn không? Những thứ đó có quí không? Ngày mai nếu xa làng, mình có nhớ những cái đó không? Ghi hết xuống.
Những giây phút ngồi uống trà với thầy, có vui không? Những giây phút đi thiền hành với chúng có quí hay không? Những lúc lấy bình trà nhỏ xíu của mình để đãi sư anh một chén và ngồi nói chuyện có phải là những giây phút thần tiên của sự sống xuất gia của mình không? Ghi xuống hết để thấy rằng hạnh phúc nó có thể có mặt trong ngày hôm nay, và nếu mình sống sâu sắc với những giây phút đó thì mình sẽ không còn tiếc nuối một mai này mình sinh hoạt ở một địa phương khác.
Mình đã thương nhau như thế nào, mình đã làm khổ nhau như thế nào. Ngày hôm nay mình có thể làm hạnh phúc cho anh mình được không? Cho em, cho chị, cho thầy mình được không? Mình có khả năng, tại sao mình không làm? Tại sao mình không nuôi nhau bằng tình thương?
Nói về những con đường của Xóm Thượng, những con đường ở Xóm Hạ, riêng tôi, tôi rất thương con đường ở cốc Ngồi Yên, thoai thoải đi lên. Bất cứ lúc nào tôi đóng cửa thất Ngồi Yên và bước những bước chậm rãi, leo lên dốc là tôi luôn luôn giẫm trên những lá sồi. Những lá sồi đó là những lá sồi rất mầu nhiệm. Cũng là lá sồi, nhưng bước lên những lá sồi đó thì tôi thấy rất là sâu sắc trong bản môn của chúng.
Thường thường khi bước những bước chân chánh niệm như vậy, thì ra khỏi con đường tôi luôn luôn thấy một ngôi sao. Sao đó là ngôi sao riêng của tôi! Những người cùng đi, không nhận diện được. Có khi lên tới đó thì không có ngôi sao nhưng có một mảnh trăng. Nhìn mặt trăng mình nói rằng: Trăng ơi! ta biết ngươi có mặt đó và ta đang có hạnh phúc. Những giây phút đó không thể nào quên được. Những giây phút đó làm cho mình có rất nhiều năng lượng. Có khi tôi đi với một sư chú, có khi tôi đi với một sư cô làm thị giả, tất cả những giây phút đó đều là những giây phút mầu nhiệm, những giây phút hạnh phúc rất lớn của tôi mà tôi không bỏ qua, và hạnh phúc của tôi được làm bằng những giây phút như vậy. Tất cả đều chỉ là những giây phút mà thôi.
Khi được đi thiền hành với tăng thân, tôi thật sự đi những bước đi của một người thiền sinh, của một người biết thưởng thức thiền hành, hoàn toàn không đi hình thức. Khi được ngồi ăn cơm với tăng thân, tôi cũng ăn với tất cả tấm lòng của tôi. Được ăn cơm với tăng thân, được nhìn thấy các sư cô, được nhìn thấy các sư chú, và khi ngồi với nhạc sĩ Anh Việt, với những người trong nhóm Sounds True Recordings, thì đó đều là những giây phút rất mầu nhiệm của tôi.
Giây phút nào cũng có hạnh phúc cả. Vấn đề là mình có khả năng an trú trong đó để có hạnh phúc hay không. Nếu thấy được hạnh phúc trong giây phút hiện tại rồi thì tại sao mình phải khắc khoải, phải trông chờ một hạnh phúc nào khác ở trong tương lai? Tại sao mình phải làm giáo thọ, mình phải làm viện chủ, mình phải thọ tỳ kheo thì mới có hạnh phúc? Vì vậy Hiện Pháp Lạc Trú là một phương pháp thực tập rất là mầu nhiệm.
Quý vị có thể để ra nửa giờ hay một giờ để ghi lại những hạnh phúc của mình. Sau khi xong, xin quý vị nộp cho tôi. Tôi có ý định ghi lại những hiện pháp lạc trú của chúng ta trong một đoản văn, để thỉnh thoảng chúng ta đọc, và chúng ta thấy mình có dư hạnh phúc trong khi sống với nhau. Tôi sẽ dùng những bài đóng góp của quý vị để viết đoản văn đó.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]