TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

MỤC LỤC

TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

5. Ai hay hát, ai hay nghe hát

GIÁO LÝ HIỆN PHÁP LẠC TRÚ TRONG KINH NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH

GIÁO LÝ VÔ CẦU TRONG KINH NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH

AI HAY HÁT, AI HAY NGHE HÁT

NGHĨA CỦA NIỆM

HƠI THỞ CHÁNH NIỆM GIÚP SỰ THỰC TẬP ĐƯỢC MIÊN MẬT

TỰ SĂN SÓC LÀ SĂN SÓC CHO KẺ KHÁC

TU LÀ GÌ?

TU HỌC VỚI TĂNG NHÃN

HỌC ĐI, HỌC ĐỨNG, HỌC NGỒI

MỘT THỰC TẬP LÀM MỚI GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI

NHÓM CON CÁI

NHÓM CHA MẸ

TU TẬP ĐỂ CHẤT THÁNH LỚN LÊN


Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

5. Ai hay hát, ai hay nghe hát

Chúng ta đã nói đến kinh Người biết Sống Một mình như một văn kiện cổ nhất, dạy về phương pháp an trú với hạnh phúc trong hiện tại. Trong kinh đó đức Thế Tôn đã nói rằng quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới, kẻ trí giã phải an trú vững chãi và thảnh thơi trong giây phút hiện tại.

GIÁO LÝ HIỆN PHÁP LẠC TRÚ TRONG KINH NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH

Khi đọc kinh đó, nghiên cứu kinh đó, và thực tập kinh đó thì chúng ta mới biết rằng giáo lý Hiện pháp Lạc trú là một giáo lý có liên hệ đến kinh đó, và có liên hệ đến tất cả các kinh khác. Nếu chúng ta không có khả năng có hạnh phúc trong giây phút hiện tại, nếu chúng ta đi tìm hạnh phúc ở tương lai, hay tiếc nuối hạnh phúc đã có trong quá khứ, thì chúng ta đang đi ngược lại những pháp môn của đức Thế Tôn đã từng giảng dạy.

Hiện pháp Lạc trú là một pháp môn cần được đề xướng. Chúng ta thường để cho tương lai lôi kéo, chúng ta hay nghĩ đến những thành tựu của tương lai. Làm chùa, chúng ta mong chùa được giấy phép, mong chùa được khởi công xây cất, và chúng ta nghĩ rằng chỉ khi xây cất xong thì chúng ta mới có hạnh phúc. Chưa đến mùa thi, chưa thi và chưa đậu, thì chúng ta nghĩ rằng chúng ta chưa có hạnh phúc. Vì vậy chúng ta đã không có khả năng an trú và có hạnh phúc trong hiện tại. Chúng ta giẫm đạp lên hiện tại để mơ ước một hạnh phúc trong tương lai!

Vậy thì giáo pháp Hiện pháp Lạc trú, nếu thực tập được thì chúng ta có thể có hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Mà có hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại thì cũng không khó khăn gì mấy, tại vì chúng ta đã có những điều kiện để có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Nhưng vì chúng ta không có mặt trong giờ phút hiện tại một cách sâu sắc, cho nên chúng ta không nhận diện được những điều kiện đó của hạnh phúc. Ta than phiền rằng ta không có đủ điều kiện để có hạnh phúc, cho nên ta mới mong cầu về tương lai.

Khi hai lá phổi mình còn tốt, khi không khí quanh mình đang trong sạch, và mình còn có thể thở vào, thở ra một cách thong thả, đưa dưỡng khí vào người, nếu thấy được đó là những điều kiện của hạnh phúc, thì mình có hạnh phúc liền lập tức. Khi hai mắt mình còn sáng, mở mắt ra mình còn thấy được trời xanh, thấy được khuôn mặt của những người thân thương, thì tự nhiên hạnh phúc nó có mặt.

Khi biết trái tim còn đập bình thường thì chúng ta tự nhiên có cảm giác biết ơn trái tim của chúng ta, và chúng ta có hạnh phúc. Có biết bao nhiêu người không có được một trái tim hoạt động bình thường. Họ có thể bị một cuộc khủng hoảng về tim bất cứ lúc nào. Điều mong ước sâu xa của họ là có được một trái tim bình thường. Họ nghĩ rằng khi có một trái tim bình thường như bao nhiêu người khác, thì họ sung sướng nhất đời. Nhìn quanh, họ thấy nhiều người có trái tim bình thường mà không có hạnh phúc.

Vì vậy, khi có khả năng nhận ra rằng mình có hai mắt còn sáng, có hai lá phổi không bị lao, không bị ung thư, có một trái tim đang hoạt động bình thường, thì hạnh phúc nó đến với mình một cách rất dễ dàng. Cái khả năng biết đó, đạo Bụt gọi là chánh niệm.

Lá phổi tốt, đôi mắt sáng, và trái tim bình thường là ba điều kiện của hạnh phúc mà chúng ta đang có. Nếu trở về giây phút hiện tại để quán chiếu, thì chúng ta có thể tiếp xúc được với hàng ngàn điều kiện hạnh phúc như vậy trong ta, và hàng vạn điều kiện hạnh phúc như vậy quanh ta. Vì vậy trong giáo pháp Hiện pháp Lạc trú này, chúng ta thấy những điều kiện hạnh phúc đang quá dư thừa để tạo hạnh phúc cho chúng ta trong giây phút hiện tại.

Cái chìa khóa để có hạnh phúc là sự trở về, thân tâm hợp nhất và an trú ngay trong hiện tại. Khi trở về trong giây phút hiện tại thì chúng ta có cơ hội và khả năng nhận diện được những điều kiện hạnh phúc đang có sẵn. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều biết rằng những điều kiện đó dư thừa để cho chúng ta có hạnh phúc. Khi đã tiếp xúc được với chúng mình sẽ không còn nôn nao, nóng lòng đi tìm cầu thêm những điều kiện khác mà mình nghĩ chỉ có thể đạt được trong tương lai.

Hiện Pháp lạc trú, Dwelling happily in the present moment là một giáo lý của Bụt mà chúng ta phải thực tập trong đời sống hàng ngày. Đi được cũng là hạnh phúc, ngồi được cũng là hạnh phúc, nấu cơm được, rửa nồi được, đốt lò được v.v..., đều là những điều có thể làm cho ta có hạnh phúc. Hạnh phúc tràn trề, nhưng vì chúng ta không an trú được trong giây phút hiện tại, không tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc đó, cho nên chúng ta nghèo khổ, chúng ta thiếu khả năng có hạnh phúc, và chúng ta mới bồn chồn, lo lắng, nghĩ đến tương lai, hay nghĩ tới một địa phương khác.

GIÁO LÝ VÔ CẦU TRONG KINH NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH

Hiện pháp Lạc trú và kinh Người Biết Sống Một Mình cũng có liên hệ mật thiết đến giáo lý vô đắc. Vô đắc có nghĩa là vô cầu, không cần phải đi tìm tòi thêm gì nữa. Tất cả những điều mình muốn, mình đều đã có rồi. Nếu có tuệ giác về vô đắc thì tự nhiên mình thực tập ngay được phép Hiện pháp Lạc trú một cách rất dễ dàng. Tại sao tôi phải đi tìm cầu một cái gì nữa? Tất cả đều đã có trong tôi, từ tính giác ngộ, từ bồ đề tâm, lòng thương yêu, tịnh độ của đức Di Đà, tất cả đều có sẵn trong tâm. Vì vậy tôi dù là một em bé mới sinh, hay tôi là một chàng thanh niên vừa mới xuất gia thọ mười giới, hay tôi là một người bảy mươi tuổi, trong trường hợp nào tôi cũng là một hiện hữu mầu nhiệm, như một cánh hoa, một cuống lá. Mình đừng tìm cách đổi mình thành một cái khác hay một người khác. Một bông hồng không cần biến mình thành một bông sen mới là mầu nhiệm. Một vị sa di đã có thể có hạnh phúc tràn trề, không cần phải thọ giới tỳ kheo mới có hạnh phúc.

Theo giáo lý vô đắc và vô cầu thì tự thân của mình đã là một mầu nhiệm rồi, đã là một phép lạ rồi. Mình đừng mong cầu trở thành một cái gì khác. I am already what I want to become. Đó là giáo lý vô cầu. Có chánh niệm thì mình thấy được điều đó, và thấy rõ ràng hay thấy mù mờ là tùy vào mức độ chánh niệm của mình sâu hay cạn. Khi biết rằng mình đã là cái mà mình đi tìm cầu, thì mình dừng lại được, và mình hưởng được cái hạnh phúc chân thật và sâu sắc.

Đang là người tập sự xuất gia tại Làng Mai, chúng ta có thể nghĩ rằng sau khi được xuống tóc, được thọ mười giới, được gọi là sư cô hay sư chú thì chúng ta mới được hạnh phúc, từ lúc này cho đến đó thì chúng ta chưa có hạnh phúc. Nghĩ như vậy là sai. Tóc mình còn, giới mình chưa thọ, nhưng tâm bồ đề mình đã có, tại sao mình không có được hạnh phúc ngay bây giờ, tại sao mình phải chờ đợi, đếm từng ngày, từng tháng? Vì vậy người đã thọ giới là người có hạnh phúc, mà người chưa thọ giới cũng là người có hạnh phúc.

Chúng ta phải ngồi yên trong vị trí của chúng ta. Chúng ta phải thấy rõ rằng "là ta" đã là mầu nhiệm rồi. Nếu chúng ta bận rộn, nếu chúng ta không an trú được trong giây phút hiện tại, nếu lo lắng cho công việc của chúng ta, nếu sợ hãi vì không hoàn thành công việc, thì chúng ta sẽ không thể nào thọ hưởng được hiện pháp lạc trú.

Chúng ta bận rộn với công việc trong đời sống xuất gia, chúng ta là một người có trách vụ lớn như là giáo chủ của một sơn môn lớn, viện trưởng một viện đại học, và chúng ta dành hết thì giờ lo lắng sao cho công việc trôi chảy ở trong cơ sở của mình, nhưng nếu chúng ta quên mất mục đích chính của sự sống là thực tập hiện pháp lạc trú, thì chúng ta đã thất bại trong sự nghiệp xuất gia của mình. Tại vì mục tiêu của người xuất gia không phải là để thành tựu một sự nghiệp, như là sự nghiệp của một nhà bác học hay một người chủ trì một cơ sở lớn, một thiền viện lớn, một sơn môn lớn. Những cái đó không phải là mục đích của người xuất gia.

Mục đích của người xuất gia là để trở thành một người có hạnh phúc. Nhờ có hạnh phúc cho nên mình có thể giúp người khác có hạnh phúc. Nếu không có hạnh phúc thì chúng ta có gì để hiến tặng cho người khác? Mà hạnh phúc ở đây không phải là hạnh phúc làm bằng năm thứ dục lạc! Theo lời Bụt dạy, và theo kinh nghiệm của chúng ta, năm thứ dục lạc làm cho chúng ta điên đảo, khổ đau. Hạnh phúc ở đây là khả năng an trú trong giây phút hiện tại, và tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong ta và chung quanh ta. Mà khả năng có thể an lạc, khả năng có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm đó tức là giới, là định và là tuệ của chúng ta.

Khi ngồi xuống trên bãi cỏ chẳng hạn, chúng ta ngồi xuống như vậy để làm gì? Ngày nào mà chúng ta không ngồi xuống nhiều lần? Có khi ngồi trên tảng đá, có khi ngồi trên bãi cỏ, có khi ngồi trên tọa cụ, có khi ngồi trên ghế. Mình ngồi xuống thì phải ngồi như thế nào để cái ngồi của mình nó biểu lộ niềm hạnh phúc của mình. Cũng như khi đi, khi đứng và khi nằm, mình phải đi như thế nào, đứng như thế nào, nằm như thế nào để trong người có hạnh phúc. Tại vì hạnh phúc đó rất là quan trọng, không những cho bản thân mà còn cho tất cả những người thân thiết. Ngồi xuống là phải ngồi với chánh niệm. Ngồi mà biết mình đang ngồi, và ngồi như thế nào để chánh niệm đưa tới tuệ giác. Đưa tới tuệ giác thì với cái ngồi đó, mình tiếp xúc được với bản môn, tiếp xúc được cả với tịnh độ.

Trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, người ta dạy mình ngồi xuống bằng bài kệ:

Chánh thân đoan tọa,

Đương nguyện chúng sanh,

Tọa bồ đề tòa,

Tâm vô sở trước.

Có nghĩa là tôi ngồi ngay thẳng đây, tôi mong cho tất cả mọi người ai nấy đều có cơ hội ngồi dưới cội bồ đề và tâm tư hoàn toàn thảnh thơi, không vướng mắc. Đó là bài kệ để cho các sư chú, sư cô mới tu, học thuộc lòng mà thực tập khi ngồi. Con ngồi xuống đây, ngồi thẳng, và con nguyện cho con và cho mọi người, khi ngồi xuống, ai cũng ngồi như là ngồi dưới cội bồ đề, với tâm rất thảnh thơi, không vướng bận, để thành chánh giác.

Trong sách Bước Tới Thảnh Thơi chúng ta có một bài kệ mới:

Ngồi đây ngồi cội bồ đề,

Vững thân chánh niệm không hề lãng xao.

Khi ngồi xuống, chỗ nào, nơi nào mình ngồi xuống dù là một gốc cây, một bãi cỏ hay là một cái ghế, thì chỗ đó phải là cội bồ đề. Thi sĩ Nguyễn Công Trứ ngày xưa, chắc chưa được học phương pháp đó, nhưng không biết nhờ duyên nào mà thi sĩ cũng đã thấy được giá trị của cử động ngồi xuống. Có một lần ông viết:

Ngã kim nhật tại tọa chi địa.

Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi.

Ngàn muôn năm âu cũng thế ni.

Ai hay hát mà ai hay nghe hát.

Ngã kim nhật tại tọa chi địa, tức là miếng đất mà hôm nay tôi đang ngồi lên đây, chắc là thi sĩ đang ngồi trên bãi cỏ.

Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi. Nghĩa là người xưa đã từng ngồi ở đây. Mà ai là những người xưa đó? Trong khi ngồi xuống mình thấy có những lớp người, những thế hệ người đã sinh ra trước mình, và đã ngồi xuống ở đây. Ngồi như vậy đã không phải là cái ngồi tầm thường rồi. Quí vị có nhớ bài thơ của thi sĩ Trần Tử Nga không?

Ai người trước đã qua,

Ai người sau chưa đẻ,

Nghĩ trời đất vô cùng,

Một mình tuôn dòng lệ.

Ngồi đó và nhớ tới những người đã sinh ra trước mình mà họ đã ra đi rồi. Đồng thời nhớ tới những người sẽ sinh ra sau mình và mình chưa biết là ai.

Hôm trước đi thiền hành chúng ta có quán chiếu rằng khi giẫm một bước chân có chánh niệm lên trên cỏ, thì chánh niệm của chúng ta phải hùng hậu để chúng ta có thể tiếp xúc được với cái gọi là đất thật, tức là thật địa. Nếu chúng ta tiếp xúc được với mảnh đất đó, chúng ta sẽ thấy đó không phải chỉ là một mảnh cỏ hay mảnh đất, mà đó có thể là xương cốt của cha ông của chúng ta trong hình thái con người hay trong hình thái những con vật khác. Nếu lấy tuệ giác của một vị Bồ tát mà nhặt một hòn đất lên để nhìn, thì chúng ta thấy hòn đất không còn là hòn đất nữa, hòn đất đó là xương, là thịt của những chúng sinh đã từng sanh ra, lớn lên và tiêu diệt ở nơi đất này. Tất cả đều dính líu đến ta, tất cả đều là bà con, họ hàng, cha mẹ chúng ta. Gốc rễ của chúng ta không phải chỉ là loài người mà còn là những loài khác nữa. Gốc rễ của chúng ta không phải chỉ là loài hữu tình, mà còn là loài vô tình nữa. Cho nên khi cầm một hòn đất lên, nhìn cho kỹ thì chúng ta thấy sự có mặt của những người trong các thế hệ trước, những loài đã sinh ra trong những thế hệ trước. Họ đã sinh ra, lớn lên, già đi, và chết đi ngay tại chỗ này. Cho nên ta thấy hòn đất trong tay có liên hệ mật thiết với ta: Ta có trong hòn đất đó và hòn đất đó có ở trong ta.

Khi bước được một bước chân như vậy thì đại địa rúng động, là tại vì cái tuệ giác của chúng ta lớn quá. Chúng ta biết rằng mặt đất mà trên đó chúng ta bước, chính là tự thân của chúng ta. Nhìn thấy được như vậy thì mới nhìn thấy được sự thật. Chứ còn con đường ta đi hàng ngày, dù là đường đá hay đường đất mà không có chánh niệm, nó chẳng qua chỉ là một con đường trong ảo mộng, đi trong ảo mộng thôi! Đi mà không biết mình đang đi!

Vì vậy câu văn của Trần Thái Tông: Bộ bộ đạp trước thật địa, có nghĩa là mỗi bước chúng ta giẫm lên (đạp trước tức là giẫm lên) thật địa (tức là miếng đất của thực tại). Trong cơn mê, trong thất niệm thì tuy bước trên đất, nhưng kỳ thật chúng ta bước trên cõi mê, chúng ta không bao giờ tiếp xúc được với thật địa.

Đi thiền hành là tìm cách để mình có thể giẫm trên đất thật, và mảnh đất mình giẫm lên sẽ thành bản thể chân như, trở thành tịnh độ. Mỗi bước chân của người đi thiền hành phải trở thành tịnh độ. Ngồi cũng vậy, khi ngồi xuống, chúng ta đừng ngồi trong cảnh giới của mê mộng. Chúng ta phải ngồi trên đất thật, trên mảnh đất của thực tại. Thi sĩ Nguyễn Công Trứ nhờ có ý thức đó, nhờ có chánh niệm đó mà thấy rằng miếng đất trên đó thi sĩ đang ngồi là một miếng đất mà trước đây cổ nhân đã từng ngồi, nghĩa là đã từng tới đây, đã từng ngồi đây, đã từng bỏ đi. Đã từng sinh ra ở đây, đã từng chết đi ở đây.

AI HAY HÁT, AI HAY NGHE HÁT

Ngàn muôn năm âu cũng thế ni. Sự thật này không phải là sự thật của bây giờ, nó là sự thật của quá khứ, và nó sẽ là sự thật của tương lai.

Ai hay hát mà ai hay nghe hát. Người hát tức là người diễn bày ra, tức là người nói. Diễn nói một điều có trong trái tim, một điều mình đã có kinh nghiệm. Có những người có kinh nghiệm, có tuệ giác, nhưng họ biểu lộ tuệ giác của họ một cách khó khăn. Người có khả năng biểu lộ tuệ giác, biết truyền thông, có thể chia sẻ được tuệ giác của mình bằng thứ ngôn ngữ mà người khác có thể tiếp nhận được, có thể thấy hạnh phúc khi nghe, thì người đó gọi là "người hay hát". Dù anh có chân lý, dù anh có kinh nghiệm, dù anh có kho tàng nhưng nếu anh không có được ngôn ngữ thích hợp, khế cơ thì anh không thể nào chia sẻ cái kho tàng, cái tuệ giác, cái hạnh phúc của anh cho người khác, và anh không thể được gọi là người hay hát. Người hay hát tiếng Anh gọi là Agood singer. Hát được bằng một thứ ngôn ngữ có thể thiết lập được cảm thông và khiến cho người kia có thể tiếp nhận được, thì gọi là người hay hát. Đức Thế Tôn là một người hay hát, tại vì giáo lý của đức Thế Tôn được gọi là thiện thuyết. Theo danh từ đạo Bụt thì "hay hát" gọi là "thiện thuyết".

Ai hay hát mà ai hay nghe hát. Mình nói giỏi rồi, mình nói khéo rồi, mình thiện thuyết rồi, nhưng người kia nếu có vô số thành kiến ở trong đầu, người kia không có định tâm, không có sự thành khẩn, thì người kia cũng không tiếp nhận được, và người kia không phải là "người hay nghe hát", không phải là a good listener.

Ở đây chúng ta phải tự hỏi chúng ta có phải là người hay hát hay không? Mỗi chúng ta có phải là người hay hát hay không? Và có phải là người hay nghe hát hay không? Mình có khả năng nghe không? Có khả năng tiếp nhận không? Nhiều khi mình may mắn có một ông thầy giỏi, có tuệ giác, có tu học. Mình may mắn có một sư chị có đức hạnh, có thương yêu, có tuệ giác. Mình may mắn có một sư anh giỏi, có tuệ giác, có thương yêu, những người đó có thể có khả năng hay hát, có khả năng biểu lộ được tuệ giác, thương yêu của họ. Nhưng mình có khả năng tiếp nhận hay không? Mình có phải là người hay nghe hát không? Nếu không thì mình không tiếp nhận được và mình nói rằng thầy mình không thương mình, anh mình không hiểu mình, chị mình ghét mình! Ở đây người ta chỉ đầu tư vào những người trẻ thôi, còn mình già rồi, ai thèm đầu tư vào mình. Mình không có khả năng có hạnh phúc là tại vì mình không biết tiếp nhận.

Mỗi khi ngồi xuống, chúng ta phải ngồi như thế nào để cho chánh niệm có mặt, để chúng ta thật sự ngồi xuống. Khi ngồi xuống với chánh niệm đó thì tự nhiên ta an trú được ở nơi ta đang ngồi. Và như vậy ta thực tập được cái mà người ta gọi là an tọa. An tọa nó chỉ có nghĩa là ngồi yên thôi. Ngồi yên là pháp môn mà tất cả các sư cô, sư chú đều phải học. Không bồn chồn, không muốn chạy về tương lai, không muốn bỏ đi chỗ khác. Nếu chúng ta thấy trong lòng bồn chồn, không có khả năng an trú trong hiện tại, không có hạnh phúc trong hiện tại, nếu chúng ta thấy ở trong ta có một lực lượng, thúc đẩy chúng ta chạy trong thời gian và trong không gian, thì chúng ta không có khả năng an tọa.

An tọa là một thực tập lớn. Khi ngồi thiền, chúng ta an tọa. Khi ngồi ăn cơm chúng ta an tọa. Khi ngồi chơi ngoài bãi cỏ, chúng ta cũng an tọa. Ngồi mà tâm của ta an. Tâm an là điều kiện của hạnh phúc.

Muốn an thì phải đem thân tâm về một mối, và trú ở trong giây phút hiện tại.

Khi an tọa được rồi thì chúng ta mới bắt đầu tiếp xúc được, và thấy được những mầu nhiệm có mặt trong giây phút hiện tại. Tại vì trong niệm có mang theo năng lượng gọi là định. Chữ niệm ở trong đạo Bụt, trước hết có nghĩa là có mặt. Có mặt bây giờ và ở đây. Mình đang phiêu lưu trong thế giới của tư duy, của ước mơ, của dự án, của hận thù, của tham đắm. Có một tiếng chuông thỉnh lên là mình tỉnh mộng, trở về hợp nhất thân tâm, và có mặt.

Có mặt để làm gì? Có mặt để có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại.

NGHĨA CỦA NIỆM

Đầu tiên, niệm là một năng lượng giúp ta thật sự trở về, thật sự có mặt với giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Ngồi thiền nghĩa là có mặt. Đi thiền nghĩa là có mặt. Ăn thiền cũng có nghĩa là có mặt. Luôn luôn có mặt. Thất niệm là cái ngược lại. Thất niệm là khi ăn mình không thực sự ăn, khi ngồi mình không thực sự ngồi, thân mình ở đây mà tâm mình ở chỗ khác.

Kế đến, niệm cũng được định nghĩa là có ý thức về những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại. Khi uống nước mà tôi biết là tôi đang uống nước thì gọi là chánh niệm về uống nước. Khi đi mà biết là tôi đang đi thì gọi là chánh niệm về đi. Khi buồn mà biết là tôi đang buồn thì gọi là chánh niệm về buồn. Tuy cái buồn còn đó, nhưng chánh niệm đã có mặt. Khi giận mà biết là tôi đang giận thì tuy cái giận còn đó, nhưng chánh niệm đã có mặt. Mà chánh niệm có mặt tức là mình đang tu tập, đang hành trì.

Chúng ta phải nhớ hai định nghĩa sơ khởi của chánh niệm. Thứ nhất là năng lượng giúp mình có mặt trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Thứ hai là ý thức được, biết được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại trong thân, và chung quanh ta. Ví dụ có một sư em tới trước mặt mình ngồi xuống, mình biết rằng trước mặt mình có một người sư em. Đó là chánh niệm, mình biết mình đang có mặt, đồng thời biết người sư em mình đang có mặt. Như vậy trong giây phút đó sự sống có mặt.

Niệm là một năng lượng chuyên chở một năng lượng khác ở trong lòng, gọi là định. Khi có chánh niệm thì tâm mình định về một đối tượng. Ví dụ khi ngồi trong chánh niệm thì mình biết rằng mình đang ngồi, và đối tượng của định của mình là bản thân của mình, là giây phút hiện tại và sự sống đang có mặt. Trong giây phút đó mình hoàn toàn là một người linh động, đang sống. Nếu không có định và không có niệm thì mình là một người mê ngủ, không có sự sống. Một người đắm chìm trong tiếc nuối quá khứ, một người lo lắng vẩn vơ về tương lai.

Một người không trở về được với giây phút hiện tại, thì không phải là một người sống, một người đang chết, một người đang trầm luân. Đâu có phải chết rồi mới trầm luân? Trầm tức là chìm xuống, luân là trôi lăn. Chúng ta đừng nghĩ rằng khi chết rồi chúng ta mới trầm luân trong khổ ải. Trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày, chúng ta có thể đang trầm luân, đang trôi lăn. Chỉ có tiếng chuông của chánh niệm mới làm ta giật mình tỉnh mộng, và chấm đứt sự trôi lăn. Đó là nhờ năng lượng của chánh niệm.

Khi có chánh niệm, chúng ta thực sự có mặt, và vì có mặt cho nên chúng ta chuyên chú tới cái đang có mặt bây giờ và ở đây. Cái đó có thể là một bông hoa, là tự thân ta, là niềm vui của ta, hay niềm đau khổ của ta. Ta đang lấy nó làm đối tượng của niệm và của định.

Định là một thứ năng lượng trong đó có mang theo hạt giống của tuệ. Tại vì khi chúng ta chăm chú vào một đối tượng thì tự nhiên đối tượng đó sẽ trình bày ra chân tướng của nó cho chúng ta thấy. Nếu không thực sự có mặt, chúng ta lơ đễnh, nghĩa là không có niệm, thì cái đối tượng đó nó không thực sự có mặt. Khi ta hết lơ đễnh, có chánh niệm thì đối tượng đó hiện rõ ra.

Ví dụ như khi nhìn mặt trăng. Mặt trăng rất tròn, rất sáng, nhưng vì chúng ta không có niệm, chúng ta đang suy tư tới quá khứ, lo sợ cái tương lai, cho nên mặt trăng có đó mà cũng như không có đó. Nhưng khi người bạn vỗ vai nói: Này anh, mặt trăng sáng quá, thì ta giật mình tỉnh dậy, trở về với giây phút hiện tại, ta có niệm. Tự nhiên mặt trăng nó hiện ra rất sáng, rất tỏ. Mặt trăng trở thành đối tượng của định. Niệm đưa tới định, và định làm cho đối tượng đó bung ra, cho ta thấy rõ ràng cái bản chất của nó.

Thành ra khi Nguyễn Công Trứ ngồi xuống trên miếng đất đó, có chánh niệm, thì tất nhiên có chánh định và thấy được rằng đây là miếng đất đã có hằng hà sa số người từng tới, từng ngồi và từng đi. Thấy được như vậy thì cái ngồi của ông ta là một cái ngồi khá sâu, khá vững.

Mỗi ngày chúng ta có thể ngồi được như vậy không? Nếu chúng ta làm chủ chùa, làm tăng thống, làm trụ trì, mải lo công việc chùa, lo công việc của cơ sở, được người ta khen ngợi là thành công trong sự nghiệp đó. Nhưng nếu trong đời sống hàng ngày, chúng ta không biết ngồi, không biết đứng, không biết ăn, để tiếp xúc với mầu nhiệm của thực tại, để tiếp xúc với bản môn, với tịnh độ, với chân tâm của chúng ta, thì chúng ta đánh mất cái chí hướng cao đẹp của người xuất gia. Dù chúng ta đang có một chức vụ rất lớn và được mọi người cung kính, thì chúng ta đã cô phụ ước muốn sâu sắc nhất khi chúng ta cạo đầu để trở thành một tu sĩ.

HƠI THỞ CHÁNH NIỆM GIÚP SỰ THỰC TẬP ĐƯỢC MIÊN MẬT

Trước đây chúng ta có nói đến yếu tố miên mật trong việc thực tập tại Làng Mai. Miên mật có nghĩa là thực tập suốt ngày, không phải chỉ thực tập trong giờ ngồi thiền hay trong giờ công phu. Không phải khi vào thiền đường chúng ta mới thực tập. Chúng ta phải thực tập suốt ngày. Đi cũng thực tập, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, rửa bát, pháp đàm, nghe pháp thoại, chấp tác, tất cả mọi giây phút trong ngày đều phải thực tập hết. Những giờ phút thực tập đan vào nhau, sít sao với nhau, không có khoảng hở.

Chúng ta thấy có những trung tâm họ tổ chức những khóa tu, trong đó họ tu rất gắt, tu đến nỗi mình thấy mà sợ luôn. Có những nơi họ ngồi thiền suốt đêm, lâu lâu thì có một thời thiền ngồi từ đầu hôm cho đến sáng, không ngủ! Rồi ngày mai ngủ bù. Trong khóa tu thì rất gắt, nhưng sau khóa tu thì buông thả, không tu gì nữa, làm ngược lại những điều họ đã làm trong khóa tu. Đúng là khi thì thái quá, khi thì bất cập. Khi thì hành xác rất dữ, khi thì buông lung xác thân. Phương pháp tu đó không phải là thường xuyên, không phải là miên mật.

Tại Làng Mai, phép quán niệm hơi thở là rất quan trọng trong sự tu tập. Nhờ hơi thở có ý thức trong đời sống hàng ngày mà mình có thể suốt ngày ở trong chánh niệm. Nếu sư chú thật sự thương thầy, nếu sư chú tuyên bố là sư chú thương anh, thương các sư em, thì sư chú phải thực tập hơi thở chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Đó là một hình thái thương yêu rất cụ thể. Khi làm như vậy, mình dùng ánh sáng của chánh niệm để soi sáng mỗi giây phút của đời sống hàng ngày của mình, và mình làm chỗ nương tựa cho thầy, cho sư anh, cho sư em của mình, đó là tình thương đích thực.

Không phải nấu cho thầy một bát cháo hay xoa bóp cho thầy mới là thương thầy. Thương thầy là trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày mình thắp sáng chánh niệm. Thắp sáng bằng bước chân, bằng hơi thở, bằng nụ cười. Chúng ta có rất nhiều phương pháp để thắp sáng chánh niệm. Nếu tu tập như vậy thì chỉ trong một vài ngày là hạnh phúc tăng tiến. Một ngày là đã khác, một giờ là đã khác.

TỰ SĂN SÓC LÀ SĂN SÓC CHO KẺ KHÁC

Thương nhau trước hết có nghĩa là phải săn sóc bản thân của mình. Săn sóc bản thân của mình tức là săn sóc người khác. Tôi cũng thực tập như vậy. Tôi biết rằng mỗi khi tôi bước một bước không vững chãi, không chánh niệm là tôi không thương đệ tử, tôi phụ lòng các đệ tử của tôi. Cho nên tôi luôn luôn giữ gìn để cho mỗi bước chân của tôi, bước giữa đại chúng hay bước một mình, thì tôi cũng bước thật vững chãi để có thể xứng đáng với đệ tử, xứng đáng với tình thương của đệ tử, với sự tin cậy của đệ tử. Tôi thấy rằng bước một bước chân là một thực tập thương yêu.

Khi quý vị bước thì cũng phải làm như vậy. Nếu quý vị thật sự thương thầy, nếu thật sự thương chúng và thương muôn loài, thì với tư cách của một người xuất gia, mỗi khi quý vị bước là phải bước bằng bước chân của thương yêu, như lời trong một bài hát của chúng ta: Bước đầu ngày, xin bước bước thương yêu. Thức dậy, bước một bước đầu, phải là bước thương yêu, và suốt ngày mình cũng phải bước như vậy. Mà làm sao để bước được những bước thương yêu nếu trong bàn chân của mình không có năng lượng của chánh niệm? Vì vậy cho nên phải chế tác năng lượng chánh niệm, đưa vào trong bàn chân để bước.

Nếu chúng ta thương được như vậy thì không những các người được thương họ sẽ thừa hưởng, mà chính bản thân ta cũng được thừa hưởng. Khi thầy, khi sư anh, khi sư chị nhìn vào bước chân của mình thì các vị đó rất trân quý mình. Tại vì họ biết rằng sự có mặt của mình ở trong tăng thân là quá quan trọng. Mỗi bước chân của mình là một tiếng chuông chánh niệm cho thầy, cho bạn, cho anh, cho chị, cho em. Vì vậy mà bước chân của mình, hơi thở của mình, thế ngồi của mình rất là quan trọng.

Tại sao chúng ta cho những công việc hình thức của chúng ta như là ngôi chùa, cái cơ sở, cái tổ chức, hay buổi lễ là quan trọng? Tại sao ta phải luýnh quýnh để hoàn thành những cái đó? Những cái đó có phải là mục tiêu chính của đời ta hay không? Hay mục tiêu chính của đời ta là làm hạnh phúc cho ta và cho mọi người chung quanh ta? Làm hạnh phúc trước hết là cho thầy, cho chị, cho anh, và cho em của mình. Muốn làm hạnh phúc cho những người đó thì mình phải thương yêu. Thương yêu bằng cách bước những bước chân có chánh niệm.

Nếu ở đây lâu ngày mà bước chân của mình chưa có phẩm chất của chánh niệm, thì như vậy mình có thương thầy hay không? Mình đã thương anh, thương em, thương chị mình hay không? Những khổ đau của mình, những tập khí của mình, mình làm sao chuyển hóa được khi mình không biết ngồi, không biết đi và không biết thở? Điều mà thầy trông đợi nhất, cái mà tăng thân trông đợi nhất ở mình là cái đó chứ không phải là mình tổ chức giỏi, mình làm việc siêng năng đêm ngày. Tổ chức giỏi rất có ích cho tăng thân, làm việc siêng năng đêm ngày cũng có ích cho tăng thân, nhưng chính sự thực tập của mình, cái quyết tâm của mình, an trú trong chánh niệm, biết ngồi, biết đi, biết thở, biết mỉm cười là căn bản. Tại vì khi biết làm những thứ đó thì tự nhiên tâm tư mình bừng nở, mình biết nhìn bằng con mắt thương yêu, mình có hạnh phúc. Tự thân có hạnh phúc là một sự đền đáp cao cả nhất đối với ơn cha mẹ, đối với ơn thầy, đối với ơn chúng sanh, đối với ơn tăng thân.

Cho nên mỗi khi tôi thấy quý vị đi hấp tấp, lính quýnh, không có chánh niệm, thì tôi không được hạnh phúc lắm. Tuy tôi không la rầy, không trách móc, nhưng hạnh phúc của tôi không được tăng trưởng, và hạnh phúc của tăng thân cũng không được tăng trưởng. Có nhiều người chỉ cần tu một vài tháng mà bước chân, thế ngồi, và hơi thở của họ thay đổi hẳn. Những người đó tuy mới tu nhưng tạo nên hạnh phúc rất nhiều cho thầy, cho anh, cho em, cho chị. Đồng thời cho gia đình mình, cho tổ tiên mình, cho con cháu mình, con cháu tâm linh hay con cháu huyết thống cũng đều là con cháu. Đó là hành động thương yêu.

TU LÀ GÌ?

Tiếng Hán Việt "tu" có nghĩa là làm cho tốt đẹp hơn lên, hoàn hảo hơn lên, như trong danh từ tu bổ, hay tu sửa, hoặc tu chính. Tiếng Phạn là Bhavana, dịch là tu tập, có nghĩa là tạo ra, thực hiện. Chữ Bhava có nghĩa là Hữu, như chữ Tam hữu là Tribhava. Chưa có mà mình làm cho có thì gọi là tu. Người Pháp dịch chữ Bhavana rất hay, họ dịch là Culture. Culture tức là trồng trọt. Chữ Culture cũng có nghĩa là văn hóa, cái gì đẹp, cái gì thanh, cái gì có thể làm ra hạnh phúc. Ban đầu không có nhưng mình làm ra cho có.

Ví dụ trong mùa Đông này, đến thăm Làng Mai, chúng ta không thấy một cây hướng dương nào cả, nhưng đến mùa Hè, tháng Bảy, tháng Tám, đi chung quanh Xóm Hạ chúng ta thấy hoa hướng dương nở vàng rực! Mùa Đông không có gì cả, nhưng tại sao mùa Hè hoa đầy núi, đầy đồi? Đó là vì người nông dân đã gieo, đã tưới, đã chăm bón. Từ những tháng cuối Đông, người nông dân đã làm đất xong và họ đã gởi gắm trong lòng đất những hạt hướng dương. Nhìn vào đó ta chưa thấy, nhưng không có nghĩa là nó không có. Người nông dân nhìn một cánh đồi đã gieo hướng dương rồi, tuy không thấy hướng dương, nhưng ông ta biết rằng hướng dương đã có mặt.

Người tu cũng vậy. Chúng ta đến đây với thầy, với bạn, tuy chúng ta chưa có hạnh phúc, chúng ta chưa bắt đầu tu tập, nhưng hạt giống của chánh niệm, của hạnh phúc đã có rồi. Thầy và tăng thân, bằng bước chân của họ, bằng nụ cười của họ, bằng cách ngồi, cách đi, cách đứng, cách ăn cơm của họ, đang gieo những hạt giống hướng dương vào trong ta. Tới đây là để ta tiếp nhận hạt giống. Mở lòng đất của mình ra để tiếp nhận những hạt giống của hạnh phúc, của niệm, của định và của tuệ.

Tiếp nhận hạt giống xong, ta phải an trú tại đó để cho tăng thân tưới tẩm, để cho ánh sáng thực tập của tăng thân vun bón, và để tháng Tư, tháng Năm, những hạt hướng dương mọc mầm, trồi lên thành cây hướng dương. Như vậy thì đến tháng Bảy, tháng Tám thế nào cũng có hoa hướng dương đầy đồi, đầy núi. Chúng ta cũng phải bắt chước người nông dân. Từ cái không có, chúng ta gieo trồng và làm thành cái có.

Mỗi chúng ta là một mảnh đất, một khu vườn, một cánh đồi cần được gieo trồng hạnh phúc. Tu tập tức là gieo giống hạnh phúc, trồng giống hạnh phúc và tưới tẩm những hạt giống đó để cho hạnh phúc lên mầm. Khí cụ của chúng ta, hạt giống của chúng ta là chánh niệm. chánh định, và tuệ giác. Do đó chuyện quan trọng nhất của mình không phải là sử dụng máy vi tính mười tiếng đồng hồ mỗi ngày để làm việc cho tăng thân, không phải lái xe 10 tiếng một ngày đưa đón tăng thân, mà là phải làm sao để có chánh niệm trong từng giây phút của đời sống hàng ngày.

Sẽ có câu hỏi: Nếu không dùng máy vi tính thì ai làm công việc này đây? Nếu không lái xe để đưa đón thiền sinh, thì ai sẽ làm đây? Cố nhiên là mình phải làm! Nhưng mình phải nhìn lại, xem cách mình làm có thảnh thơi, có an lạc, có hạnh phúc, có chánh niệm hay không? Hay là mình hành sử như bị ma đuổi, như là sống trong mộng. Mỗi bước chân, mình có bước trên thực tại hay không? Mình đi đón sư bà ở ga, mình có biết đi đón như thế nào để đủ thì giờ mà lái xe cho thanh thản, để khi đến ga, mình có thể bước được những bước thảnh thơi hay không? Và khi gặp sư bà thì nét mặt mình có tỏa được cái hạnh phúc của sự tu tập hay không? Những câu nói của mình có thể hiến tặng cho sư bà niềm vui ngay khi vừa đến sân ga hay không? Tất cả những cái đó đều là tu cả. Không phải là vào thiền đường, ngồi trên tọa cụ, thẳng lưng lại mới gọi là tu.

Khi đến Làng Mai, người ta thấy các thầy, các sư cô, các sư chú có vẻ thong thả, thoải mái. Có nhiều người đi ngang qua Xóm Hạ hay Xóm Mới, họ thấy các vị làm cái gì cũng nhẹ nhàng, cũng thảnh thơi mà họ không gọi đó là nhẹ nhàng, thảnh thơi. Họ không biết được cái pháp lạc của sự nhẹ nhàng, thảnh thơi của chánh niệm. Họ cho rằng các vị đang sống như sống trong một thế giới khác! Thế giới bên ngoài nó xô bồ quá, nó động quá, và người ta quen với thế giới chạy và đuổi đó rồi. Cho nên khi thấy chúng ta đi thảnh thơi, thở thảnh thơi, nói cười thảnh thơi, thì họ thấy đó là điều bất thường! Cái gì là thường, cái gì là bất thường?

Thế giới này, xã hội này rất cần thảnh thơi, rất cần thoải mái, để người ta có cơ hội nhìn lại cuộc đời của mình, và để đừng đi sâu thêm vào những lầm lỗi tầy đình, phá hoại cuộc đời của mình, của gia đình mình, của xã hội mình, và của cả trái đất mình đang sống. Trong xã hội ngày nay, mấy ai thoát được chứng bệnh gọi là stress? Người nào cũng có một áp lực rất nặng trên lưng. Người nào cũng có quá nhiều công việc phải làm. Cái mà chúng ta gọi là thời hạn, deadline, là một khối nặng đè trên đời sống hàng ngày của chúng ta. Chỉ có phương pháp sống thoải mái và thảnh thơi thì mới trị được cơn bệnh đó. Nếu không có thoải mái và thảnh thơi trong thân thể và trong tâm hồn của chúng ta, thì chúng ta làm sao để giúp được những người ở bên ngoài? Nếu cô là một nhà tâm lý trị liệu, mà cô không có sự thoải mái, thảnh thơi và an lạc trong cô, thì làm sao cô có thể giúp được những người bệnh nhân đến trị liệu với cô? Vì vậy mà cô phải tu tập, cô phải làm cho cái chưa có trở thành có, cô phải gieo trồng.

Gieo trồng gì? Gieo trồng vững chãi, gieo trồng thảnh thơi, an lạc. Năng lượng để gieo trồng những cái đó là niệm, là định, là tuệ. Có tuệ thì mình tha thứ rất dễ dàng, có tuệ thì mình biết rằng những đau khổ của mình trong quá khứ, đều do những tri giác sai lầm của mình mà ra. Do những tri giác sai lầm đó mà mình trách móc người ta, lên án người ta, mình nói rằng tất cả những khổ đau, hư hỏng đều do người ta làm ra cả! Còn nếu có tuệ rồi thì mình biết rất rõ là chúng ta cùng chịu chung trách nhiệm, và nhất là những tri giác sai lầm ở trong mình nó chịu trách nhiệm về sự khổ đau của mình.

Tại sao cùng đi với mình bốn năm người, mà tất cả đều vui vẻ, chỉ có riêng mình là khổ đau, trách móc? Tại sao những người khác cũng cùng sống trong một môi trường mà họ có hạnh phúc? Tại sao mình có cảm tưởng là mình bị bỏ rơi, mình có cảm tưởng là mình không được thương yêu, mình bị kỳ thị? Tất cả những thứ đó đều do vọng tưởng của mình, nghĩa là cái tri giác sai lầm của mình mà ra. Tưởng là một danh từ cũ, dịch ra theo từ mới, ta dùng cụm từ tri giác sai lầm.

TU HỌC VỚI TĂNG NHÃN

Sống trong tăng thân chúng ta có cơ hội được con mắt của tăng thân soi sáng. Tăng thân có khả năng nhìn thấy, có khả năng thương yêu, có khả năng tha thứ. Tăng thân có thể thấy được những đức tính tích cực ở trong ta. Họ có thể nói ra cho ta mừng, cho ta phát triển thêm những đức tính đó. Tăng thân cũng có thể chỉ cho mình những điểm yếu trong đời sống hàng ngày, trong sự tu tập của mình để cho mình biết, để cho mình có thể tu tập mà chuyển hóa. Vì vậy cho nên mình phải hết lòng nương tựa tăng, mình phải có đức tin nơi tăng.

Mỗi khi người ta nói tới những đức tính tốt của mình, thì mình vui mừng. Mỗi khi người ta chỉ cho mình những khuyết điểm, những yếu kém của mình, thì mình đừng sợ hãi, và nhất là đừng nỗi giận. Nếu mình nỗi giận thì có ai dám chỉ cho mình những điểm yếu của mình nữa? Ai trong chúng ta lại không có những điểm yếu?

Hôm trước các sư em sắp được thọ giới lớn, được tăng thân soi sáng, tôi đã hướng dẫn cho các em rằng được tăng thân soi sáng là một hạnh phúc lớn. Tăng thân Làng Mai đã soi sáng cho tất cả các giới tử thọ giới lớn ở Làng. Chỉ có một số nhỏ các giới tử từ các đạo tràng khác tới thì không được soi sáng trước khi thọ giới lớn thôi. Đó là vì thời gian họ ở đây chỉ có hai ba tuần lễ, không đủ để cho tăng thân tiếp xúc và có tăng nhãn về họ.

Vì vậy mà tôi đã nói rằng những vị được soi sáng là những vị có hạnh phúc, tại vì các sư anh, các sư chị đã ngồi lại trong hai ngày liên tiếp để nhận diện những điểm tích cực của các em, các khuyết điểm của các em, rồi đưa ra những lời khuyên nhủ chung của các anh chị. Tất cả những việc đó, tăng thân đều làm với tình thương. Cho nên khi 25 người sắp được thọ giới lớn, lên tiếp nhận sự soi sáng, họ đã lạy xuống ba lạy để tỏ lòng biết ơn trước khi tiếp nhận.

Sau khi tiếp nhận, các em quán chiếu trở lại, lấy tuệ giác của riêng mình, cộng thêm với tuệ giác của tăng thân, để tự soi sáng một lần nữa, và cuối cùng thì trình bày lên những điểm phát nguyện để dâng lên Bụt, dâng lên các vị tổ sư, dâng lên chư vị Bồ tát, và dâng lên thầy. Rồi họ lạy xuống, coi như đó là lời cam kết hành trì của họ trước khi thọ giới lớn.

HỌC ĐI, HỌC ĐỨNG, HỌC NGỒI

Thọ giới lớn là một cơ hội rất lớn, tôi còn nhớ hôm đó tôi nói với quý vị rằng: Này các con, khi các con mới tới đây, các con đang còn trẻ dại, các con là những babies chưa biết đi. Dù các con đã 20 tuổi, 25 tuổi mà các con vẫn chưa biết đi. Các con chưa biết ngồi, chưa biết ăn, chưa biết thở, chưa biết nhìn, chưa biết nghe, chưa biết nói. Như một người mẹ, thầy đã dạy cho các con ngồi, thầy đã dạy cho các con đi, thầy đã dạy cho các con thở, dạy cho các con ăn, và thầy đã nuôi các con bằng sữa của chính thầy, nghĩa là kinh nghiệm tu học của chính thầy. Thầy không đem những điều trong sách vở ra để dạy cho các con, thầy đem những kinh nghiệm, những khổ đau, những hạnh phúc của thầy, để làm sữa nuôi các con. Ngày hôm nay các con sắp được thọ giới lớn, thầy rất vui mừng. Sữa đó nuôi các con lớn lên, các con phải tiếp tục chế tác để các con có thể nuôi được em và học trò của các con sau này.

Cho nên tập ăn, tập ngồi, tập thở, tập đi là rất quan trọng. Mình chỉ có thể lớn lên khi mình thực tập những điều đó. Mình sẽ không thực tập được nếu mình không có chánh niệm. Nếu không thực tập thì mình sẽ không lớn lên được. Mình vẫn chưa ngồi được, mình vẫn còn nằm như là một em bé chưa biết lật! Dù mình đã 30, 40 hay 50 tuổi, mình vẫn là một em bé chưa biết lật, chưa biết đứng dậy đi. Mình chưa biết ăn, chưa biết làm việc, chưa biết thở. Cha mẹ nuôi con là luôn luôn mong cho con mau lớn. Nguồn sữa của mẹ ban phát đồng đều cho tất cả các con. Không kỳ thị, không cho đứa này nhiều sữa hơn đứa kia. Vấn đề là các con có tiếp nhận như nhau hay không mà thôi.

MỘT THỰC TẬP LÀM MỚI GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI

Mùa Hè năm 1991 Làng Mai đã sáng tạo ra một phép tu quán chiếu để lấp cái hố ngăn cách giữa cha mẹ và con cái. Pháp môn đó đã thành tựu rất đẹp đẽ.

Năm đó tại Làng Mai có hai nhóm pháp đàm khác nhau. Một nhóm toàn là cha mẹ, một nhóm toàn là các con. Tại vì giữa cha mẹ và các con đã có một hố ngăn cách rất lớn, và họ làm khổ cho nhau.

Theo thời khóa tu học ở Làng Mai, mỗi ngày người nào cũng thức dậy ngồi thiền, ăn sáng trong chánh niệm, đi thiền hành, nghe pháp thoại v.v... Trong khung cảnh đó, tâm mình lắng lại. Mình học ngồi, học nghe, học thở, học ăn trong chánh niệm, cho nên từ từ tâm mình lắng lại, và mình bắt đầu thấy được tình trạng của mình, thấy được liên hệ giữa mình với con mình, với cha mẹ mình. Mình đã từng khổ đau với con mình, hay mình đã từng khổ đau với cha mẹ mình. Trong thời gian tu học tại Làng Mai, nhờ đi thiền, nhờ ngồi thiền, nhờ thở thiền, nhờ ăn thiền, nhờ tiếp xúc với tăng thân mà có được niệm, được định, và tuệ, đủ để nhận diện tình trạng hiện thời của cha con, hay mẹ con. Ngoài những buổi pháp thoại đó, ngoài những buổi thực tập đó, các bậc cha mẹ học pháp đàm với nhau, đưa ra những vấn đề khổ đau có thật của cha mẹ. Tại sao liên hệ giữa mình và các con mình khó khăn như vậy? Tại sao mình thương yêu hết sức, mình đã làm hết tất cả những điều mình có thể làm mà con mình không thấy được! Chúng làm ngược lại tất cả những điều mình muốn chúng làm. Mình đã có những ưu điểm nào, mình đã có những khuyết điểm nào, mình đã có những vụng dại nào để tình trạng đi đến như ngày nay? Đó là đề tài pháp đàm. Tất cả những người làm cha mẹ đều nói ra sự đau khổ của mình, những khó khăn của mình. Đồng thời thấy được những yếu kém của mình. Mình có biết lắng nghe hay không, mình có biết nói với các con bằng lời ái ngữ hay không, đó là những đề tài mà các thầy, các sư cô đưa ra để bậc cha mẹ quán chiếu.

Sau hai mươi ngày quán chiếu, họ đúc kết lại. Đó là họ tự soi sáng bằng cách pháp đàm. Họ ngồi yên, họ biết thở, họ biết nói, họ biết nghe, cho nên họ đạt được một tuệ giác khá lớn. Chung quanh họ còn có tăng thân, còn có các thầy, các sư cô luôn luôn hướng dẫn, giúp đỡ, và chỉ bày cho họ những pháp môn cần thiết. Cho nên sau hai mươi ngày thực tập pháp đàm, nhóm cha mẹ làm ra một văn bản, tương tự như văn bản mà các sư anh, sư chị đã làm để giúp cho các em sắp thọ giới lớn.

Trong văn bản của các cha mẹ, họ nói ra những điều ao ước của mình, những vụng dại và lỡ lầm của mình đối với con cái. Đây là một cuộc cách mạng đối với những người theo Khổng giáo. Nó là con mình, tại sao mình phải thú tội với nó! Tại sao mình phải xin lỗi nó! Ba xin lỗi con tại vì ba đã làm cái này bậy, cái kia sai! Nhiều bậc phụ huynh không có can đảm làm điều đó, nhưng đến Làng Mai thì họ học và họ làm được điều đó!

Trong bản văn này, các bậc phụ huynh nói ra ba điều: Thứ nhất là những ước mơ, thứ hai là những lỡ lầm, khuyết điểm, và thứ ba là những điều cam kết của họ đối với con cái. Ba má hứa sẽ không làm cái này, không làm cái kia đối với các con nữa. Ví dụ như khen con người ta khi dạy dỗ con mình. Con người ta thì như vậy mà con mình thì như kia! Làm cho con đau khổ rất nhiều khi thấy cha mẹ thấy giá trị con của người khác và trách sao mình không làm được như vậy! Con hàng xóm nó cũng bằng tuổi con, sao nó vào được y khoa, còn con lại chỉ đủ điểm vào âm nhạc? Bộ mày tưởng mày có thể sống bằng nghề âm nhạc của mầy há? Những điều như vậy là những lỗi lầm rất lớn của cha mẹ.

Sau khi các bậc cha mẹ làm ra bản này, đúc kết lại, rồi đọc cho nhau nghe, và biết rằng đây là ái ngữ, đây không phải là lời trách móc, la mắng mà là ngôn từ của thương yêu, thì lúc đó mới đem ra sử dụng.

Trong khi đó, giới con cháu, họ cũng thực tập tương tự như vậy. Họ được sự hướng dẫn của các sư cô và sư chú trẻ. Họ không muốn các thầy lớn tuổi, "quá già", ngồi chung trong nhóm của họ, họ không tin rằng cái "thế hệ kia" có thể hiểu được mình! Họ đã đau khổ vì thế hệ kia rồi, họ không nghĩ rằng thế hệ xưa, già, có thể hiểu được họ, cho nên mỗi khi có một người già ngồi vào là họ cứng họng, không muốn nói nữa.

Trong pháp đàm, các em cũng bàn những vấn đề tương tự, nói ra những khổ đau của mình, những ước mơ của mình. Cuối cùng thì các em có những lời thỉnh nguyện, và những lời cam kết. Chúng con xin ba má đừng làm cái này, đừng làm cái kia, tội nghiệp con quá. Chúng con xin cam kết với ba má sẽ không làm điều này, không làm cái kia để cho ba má đừng lo sợ cho chúng con. Ví dụ như con gái đi tới 12 giờ khuya mà chưa về thì thế nào ba má cũng lo. Đó là cái luật tự nhiên trong mọi nền văn hóa. Con hứa rằng trước khi con đi đâu thì con để lại một tờ giấy, ghi rằng thưa ba má, con đi công chuyện này, và khoảng giờ nào thì con về. Con hứa con sẽ làm chuyện đó. Hứa những điều rất cụ thể như vậy, và ba má cũng hứa những điều cụ thể như vậy. Đọc tài liệu đó, rất là cảm động

Hôm hai nhóm pháp đàm họp lại với nhau để tổng kết thì có mặt tất cả các thầy, các sư cô và toàn thể đại chúng. Cả hai bên trình bày ra, và cả hai bên đều khóc. Sau đó họ làm thiền ôm, cha ôm con, mẹ ôm con và họ hòa giải được với nhau trong buổi sinh hoạt đó. Khi trở về, họ bắt đầu lại một giai đoạn mới của đời sống gia đình, đời sống của cha con và mẹ con.

Dưới đây là hai văn bản do những thiền sinh cha mẹ và con cái trong hai nhóm làm trong khóa tu năm đó:

NHÓM CON CÁI
I. Những Cầu Xin Và Đề Nghị Của Giới Con Em Đối Với Cha Mẹ

Chúng con xin có 13 điều thỉnh cầu và đề nghị sau đây kính trình lên cha mẹ:

1. Xin cha mẹ mở rộng lòng cởi mở với người Tây phương hơn, đừng kỳ thị họ.

2. Xin đừng điều tra, nên thăm hỏi và nói năng ôn tồn với con.

3. Xin đặt nhiều tin tưởng nơi con cái hơn.

4. Xin cho con được quyền lựa chọn tối hậu về tương lai và nghề nghiệp của con.

5. Xin khen con nhiều hơn, và đừng trách móc hoài.

6. Xin làm bạn với con và đừng lạm dụng quyền uy làm cha mẹ.

7. Xin đừng chờ đợi, đòi hỏi quá nhiều, hay đặt hy vọng quá cao nơi con, khi vẫn coi con mình còn là con nít.

8. Xin có khả năng lắng nghe con khi con phê bình những điều không đúng của cha mẹ. Xin có thái độ dân chủ và có can đảm nhận lỗi của mình.

9. Xin giải thích cho rõ ràng khi không muốn con làm một điều gì.

10. Xin chấp nhận con mình, đừng so sánh con mình với con người khác.

11. Xin kể cho con nghe về thời thơ ấu của cha mẹ, về văn hóa và phong tục Việt Nam.

12. Xin cha mẹ nên có lòng mong muốn tìm hiểu về văn hóa Tây phương và môi trường sinh hoạt của con (như trong trường học hay ở sở làm).

13. Xin cố gắng giữ lời đã hứa với con.

II. Những Điều Con Cái Có Thể Làm Để Giúp Cha Mẹ Thực Hiện Những Yêu Cầu Trên

Về phần chúng con, chúng con xin nguyện cố gắng làm cho được 12 điều sau đây:

1. Cho cha mẹ biết trước về lịch sinh hoạt của mình để cho cha mẹ tiện sắp xếp chương trình sinh hoạt của gia đình.

2. Nói năng ôn tồn, đừng bắt bẻ cha mẹ. Chúng con sẽ viết lên bảng những chi tiết cần thiết cho cha mẹ đỡ lo trước khi chúng con rời nhà.

3. Hiểu là có sự không hợp giữa hai nền văn hóa mà thông cảm cho nhau; đừng che dấu cha mẹ dù với mục đích làm cho cha mẹ khỏi lo; mời cha mẹ cùng đi chơi với mình.

4. Tìm hiểu quan niệm của cha mẹ về gia đình; hỏi ý kiến của cha mẹ trong những quyết định lớn trong đời mình; tôn trọng những sở thích đời sống của cha mẹ.

5. Hỏi thẳng: "Con có điểm nào tốt?" Nhắc cha mẹ về những điểm tốt của mình một cách khéo léo, dùng ái ngữ thật lễ phép. Giảng nghĩa cho cha mẹ biết rằng người Tây phương biết khen nhiều. Mình phải khen cha mẹ. Hỏi ý cha mẹ về cách mình xử sự.

6. Giải thích cho cha mẹ biết rõ về khả năng, sở thích, và những khuyết điểm và ưu điểm của mình để cha mẹ bớt đòi hỏi những điều quá tầm tay mình.

7. Học ăn nói khéo léo để cha mẹ dễ thấy và dễ chấp nhận những sai lầm, vụng về của cha mẹ. Nên biết rằng theo phong tục Việt Nam thì đừng đòi hỏi cha mẹ phải thốt ra lời là họ đã làm điều sai. Khi đàm luận, nên trình bày những điều mình thấy không ích lợi sẽ xảy ra nếu mình làm theo lời cha mẹ.

8. Cho cha mẹ thời gian để chuẩn bị cách giải thích bằng cách hỏi ý kiến của cha mẹ trước khi xin phép làm một việc gì.

9. Cần chấp nhận cha mẹ trong tình trạng hiện thời của cha mẹ và nên góp ý kiến để giúp cha mẹ; đừng so sánh cha mẹ mình với cha mẹ người khác.

10. Nên chú ý khi cha mẹ nêu ra những việc cha mẹ đã từng làm trong thời thơ ấu và bắt vào đó mà hỏi thêm để cha mẹ có dịp chuyện trò với mình. Nên khéo léo khi hỏi chuyện.

11. Kể cho cha mẹ nghe về những cuộc đi chơi của mình và về kinh nghiệm cá nhân của mình.

12. Giữ lời đã hứa với cha mẹ.

Ghi nhận những ý kiến được phát biểu thêm:

♦ Muốn chuyển hóa cha mẹ thì chính con cái cần thay đổi tính xấu của mình trước.

♦ Nếu con cái có cố gắng thay đổi mà cha mẹ không thấy được sự cố gắng ấy, thì con nên thỉnh băng hay sách về những bài giảng của Sư Ông để làm quà cho cha mẹ.

♦ Nên nhớ rằng không ai có thể thay đổi trong một ngày một buổi. Không nên đòi hỏi mà nên thực tập để cha mẹ có thể thấy được.

Nếu cha mẹ vẫn không thấy thì nên ôn tồn nói cho cha mẹ biết về những điều xấu mà mình đã sửa đổi được.

♦ Giúp cha mẹ trong công việc nhà như dọn dẹp, sắp đặt bàn ăn, nấu sẵn nồi cơm v.v...

NHÓM CHA MẸ
I. Những Lỡ Lầm, Khuyết Điểm Của Cha Mẹ

Các con, cha mẹ biết trong quá khứ cha mẹ đã làm một vài điều để cho các con phải khổ, thí dụ như:

♦ Đã bất hòa, to tiếng, gây gổ nhau trước mặt các con.

♦ Đã ít dành thì giờ cho các con quá, nên đã không nghe được lời tâm sự của các con.

♦ Đã rầy rà các con lớn tiếng, đã sử dụng quyền lực cha mẹ hơi quá để xử ép các con...

♦ Đã không giải thích rõ ràng cho các con khi yêu cầu các con làm một việc gì.

♦ Đã thỉnh thoảng quên giữ lời đã hứa với các con.

♦ Đã so sánh các con với con của những người khác làm cho các con tự ái.

♦ Đã không theo sát sinh hoạt ở học đường và các sinh hoạt khác của các con.

II. Những Cam Kết Của Cha Mẹ

Nay đã hiểu qua pháp thoại, pháp đàm và các buổi thực tập quán chiếu, cha mẹ đã thấy, cha mẹ muốn ôm các con vào lòng để hứa với các con những điều như sau:

1. Cha mẹ sẽ cố gắng là tăng thân để tu tập chuyển hóa và muốn cùng với các con là tăng thân tu tập.

2. Cha mẹ sẽ cố gắng tu tập để tạo không khí giữa cha mẹ và trong gia đình.

3. Cha mẹ sẽ cố gắng thu xếp để có nhiều thì giờ mà nghe và hiểu các con.

4. Cha mẹ hứa từ nay sẽ là những đóa hoa tươi mát khi tiếp xúc với các con.

5. Cha mẹ sẽ cố gắng giải thích rõ ràng cho con khi cần các con làm việc gì.

6. Cha mẹ đã hứa điều gì thì sẽ cố gắng giữ lời.

7. Cha mẹ sẽ cố gắng không đem các con so sánh với con người khác, để không làm chạm tự ái các con.

8. Cha mẹ sẽ cố gắng hứa quan tâm giúp đỡ các con và ráng tôn trọng tự do quyết định của các con.

9. Cha mẹ sẽ cố gắng học hỏi thêm văn hóa Tây phương và công nhận những cái hay cái đẹp của nó mà không chỉ đề cập tới những cái xấu của nó.

III. Những Ước Mơ Của Cha Mẹ

Sau đây là những điều cha mẹ yêu cầu các con:

1. Thành thật và cởi mở với cha mẹ về những ước muốn và thao thức liên quan đến tình cảm, học hành của các con.

2. Dành thì giờ với cha mẹ để học hỏi văn hóa và cung cách Việt Nam.

3. Làm xong bổn phận về học hành, trước khi nghĩ đến việc giải trí.

4. Chia xẻ công việc trong gia đình với tỷ lượng thời gian hợp lý.

5. Cố gắng tham dự những sinh hoạt chung với gia đình, càng nhiều càng tốt.

6. Biết thảo luận với cha mẹ bằng giọng nói ôn hòa và lễ độ.

Văn bản A-Tài liệu Tự tỉnh và Đề nghị của con cái và cha mẹ

Đó gọi là làm mới, Beginning Anew. Làm mới tức là nguyện không làm những lỗi lầm cũ nữa, và sẽ theo đó để tránh những lỗi lầm ngày xưa. Danh từ ngày xưa là Sám hối. Nhưng chữ sám hối nó rất nặng nề. Có nhiều người nghĩ rằng sám hối là đi xưng tội. Mình cứ lạy như tế sao thì tự nhiên ở "trên kia" sẽ xóa đi những lỗi lầm của mình. Giống như khi mình viết chữ sai rồi mình tẩy xóa nó đi!

Sám hối không phải là cầu xin tha tội. Sám hối là một phương pháp rất nhiệm mầu ở trong đạo Bụt. Sám hối tức là cương quyết nhờ chánh niệm mà ý thức được những lầm lỗi trong quá khứ và quyết tâm chấm dứt, hứa không làm lại như vậy nữa, với sự chứng minh của thầy, của tổ và của các bạn trong tăng thân. Sau khi đã phát lộ, hứa rằng từ nay về sau con sẽ không làm như vậy nữa. Đó gọi là làm mới.

Phương pháp soi sáng và làm mới này là một trong những pháp môn mà Làng Mai sẽ cống hiến cho những trung tâm tu học khác. Tại vì một đoàn thể tu học mà có hạnh phúc là rất quan trọng. Nếu chúng ta làm ra được một đoàn thể tu học có hạnh phúc thì chúng ta làm nền tảng cho niềm tin của không biết bao nhiêu người! Chúng ta phải có hạnh phúc, và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Đó là ý nghĩa của pháp môn Hiện Pháp Lạc Trú. Chúng ta không đợi về cõi tịnh độ mới có hạnh phúc, tại vì tịnh độ không phải là ở nơi nào khác, mà ở tại ngay đây, đó là theo chiều sâu của giáo lý tịnh độ, Duy tâm tịnh độ: Di Đà vốn thực pháp thân ta, đó là một câu của Tuệ Trung Thượng Sĩ.

TU TẬP ĐỂ CHẤT THÁNH LỚN LÊN

Chúng ta thường nói đến danh từ thánh. Các bậc thánh là ai? Thỉnh thoảng chúng ta tôn xưng một người là thánh, ví dụ như đức Đạt Lại Lạt Ma, chúng ta gọi là His Holiness. Đức Giáo Hoàng chúng ta cũng gọi là His Holiness. Holiness là chất thánh, mà chất thánh đó là cái gì mới được chứ? Tại sao người đó có chất thánh, họ có chất thánh thật hay không? Nếu họ có chất thánh đó thì chúng ta có chất thánh đó hay không? Câu trả lời trong đạo Bụt rất rõ: Chúng ta ai cũng có hạt giống của chất thánh đó.

Khi chúng ta biết uống nước trong chánh niệm, biết ăn cơm trong chánh niệm, biết ngồi, biết thở trong chánh niệm, là chúng ta đang làm, đang chế tác chất thánh đó ở trong ta. Nhìn vào cách viết chữ thánh bằng chữ Hán, phần trên, chữ thánh gồm có cái lỗ tai, cái lỗ miệng, và phần dưới có chữ vương nghĩa là vua. Đó là nhìn vào trong tâm của người xưa để thấy họ hiểu chữ thánh như thế nào. Thánh, theo họ là làm chủ được, làm vua được lỗ tai và lỗ miệng của mình. Nếu mình biết lắng nghe trong chánh niệm, để có thể hiểu được những đau khổ và những ước mơ sâu sắc của người kia, nếu mình có thể nói được lời ái ngữ mà dẫn đường cho người kia ra khỏi nẻo tăm tối, thì mình là thánh.

Là một sư em, sư chú có khả năng lắng nghe sư anh hay không, lắng nghe sư chị hay không? Nếu sư chú có khả năng lắng nghe để hiểu thấu được những đau khổ của sư anh, hay của sư chị thì sư chú có chất thánh ở trong người của sư chú. Đây là một điều rất rõ ràng, không nghi ngờ gì cả, và thầy sẵn sàng chắp tay để gọi sư chú là Your Holiness. Tại vì sư chú có khả năng lắng nghe và hiểu được những khổ đau, cùng những ước vọng của sư anh mình, hay sư em mình, hay là người khác. Sư chú có khả năng nói lời ái ngữ không? Nói lời ái ngữ không có nghĩa là không nói sự thật, mình có quyền nói sự thật, và mình có bổn phận phải nói sự thật. Nhưng nói sự thật lúc nào, và như thế nào để người kia có thể tiếp nhận được, chứ nói sự thật mà để người kia nổi sân đùng đùng lên, không thể chấp nhận được, và thù hận mình suốt đời, thì đó chưa phải là nghệ thuật của ái ngữ, của chánh ngữ.

Có khi tôi có một điều muốn nói với một người đệ tử, nhưng tôi phải đợi ba tháng sau tôi mới nói. Tại vì tôi biết rằng nói trước ba tháng thì chưa phải là chánh ngữ! Vì vậy trong thương yêu nó cần sự kiên nhẫn, cần sự chấp nhận.

Vì vậy chữ khẩu ở trong chữ thánh này là cái khả năng nói được sự thật, có thể hướng dẫn được người kia, có thể làm cho người kia có niềm tin, có hạnh phúc. Nếu sư chị có khả năng nói được như vậy thì trong sư chị có chất thánh, và thầy cũng sẵn sàng chắp tay lại gọi sư chị là Your Holiness.

Tu tập có nghĩa là làm cho chất thánh trong mình lớn lên, phát triển nó trong đời sống hàng ngày. Trong danh từ Phật học, khi tu tập là chúng ta thuộc về dòng dõi của các bậc thánh. Tất cả chúng ta khi phát tâm tu học theo chánh niệm là chúng ta đi vào trong dòng dõi của các bậc thánh, và chúng ta phải làm cho dòng dõi đó tiếp nối. Danh từ chuyên môn là Thiệu long thánh chúng, tức là làm cho chủng loại của các bậc thánh được tiếp nối và được sáng lên, lớn lên. Thiệu long thánh chúng là bổn phận của các sư chú, bổn phận của các sư cô. Mình là học trò của Bụt, mình là học trò của tổ, mình là học trò của thầy, mình phải biết sứ mạng của mình. Sứ mạng đó là làm nối tiếp và sáng rỡ lên dòng giống của các bậc thánh.


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][]