TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

MỤC LỤC

TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3

Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

26. Trao truyền


Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai

26. Trao truyền

Nhắc đến việc trao truyền, chắc quý vị biết rằng trong mỗi kỳ Đại Giới Đàn tại Làng Mai, chúng ta đều tổ chức lễ truyền đăng cho những vị giáo thọ mới.

Truyền đăng là một danh từ rất hay ở trong đạo Bụt. Nó có nghĩa là trao truyền lại cái đèn, và cái đèn này mang theo ánh sáng chánh pháp.

Những lễ truyền đăng đó có tính cách nghi lễ, tại vì trong lễ truyền đăng có sự chứng minh của một tăng thân lớn, cho nên nó tạo ra một ấn tượng rất sâu đậm trong lòng của mọi người, nhất là trong lòng các vị tân giáo thọ.

Tuy nhiên, tôi đã nhiều lần nhắc rằng vấn đề trao truyền không phải chỉ được thực hiện trong buổi lễ. Trao truyền là vấn đề được thực hiện trong từng giây từng phút, giữa liên hệ thầy trò. Mỗi khi thầy đi một bước thảnh thơi và có định lực, đó là lúc thầy đang trao truyền cho mình. Nếu mình không thấy được bước chân đó, nếu mình không cảm nhận được cái an lạc và sự vững chãi đó, thì mình không tiếp nhận được sự trao truyền. Sự trao truyền này không phải chỉ bằng lời, mà còn bằng hành động, bằng sự tu tập, bằng pháp thân. Vì vậy cho nên chúng ta có thể nói sự trao truyền ánh sáng chánh pháp giữa thầy và trò được thực hiện trong từng giây, từng phút.

Truyền đăng có thể nói là mình lấy cây đèn tâm của mình, đem đến để tiếp nhận ngọn lửa đèn tâm của thầy. Ánh sáng từ ngọn đèn của thầy được truyền sang ngọn đèn của mình, và cố nhiên mình có bổn phận phải truyền lại ánh sáng đó cho những người khác, những người con, những người em, những người bạn của mình. Vì vậy truyền đăng là một danh từ rất hay và được dùng rất nhiều trong truyền thống thiền tập.

Chúng ta có những tác phẩm như là Truyền Đăng Lục, ghi chép sự trao truyền những ngọn đèn chánh pháp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vào khoảng thế kỷ thứ 11 có một thầy tên là Đạo Nguyên đã biên tập một cuốn sách tựa đề Cảnh Đức Truyền Đăng Lục. Trong đó thầy ghi lại sự trao truyền ngọn đèn từ các vị Bụt, cho đến thầy Ca Diếp, thầy A Nan, thầy Bồ Đề Đạt Ma, rồi đến các thầy Huệ Khả, Tăng Xáng, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng v.v...

Ở Việt Nam chúng ta cũng có một tác phẩm tên là Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục, cũng nói về sựtruyền đăng và cũng có ghi chép các vị thiền sư Việt Nam đã tiếp nhận ngọn đèn chánh pháp như thế nào.

Nếu mình có chánh niệm, nếu mình có chí hướng và quyết tâm tu tập, thì trên nguyên tắc, khi vượt trùng dương để đến Làng Mai, mình phải có ý chí tiếp nhận đó. Với ý chí đó, trong mỗi giây, mỗi phút được sống chung với thầy, sống chung với tăng thân là mình có thể tiếp nhận được, chứ không phải đợi đến bốn hay sáu năm sau thì mới có lễ truyền đăng. Lễ truyền đăng chỉ là chính thức hóa việc truyền đăng mà mình tiếp nhận trong mỗi giây mỗi phút mà thôi. Nếu mình không tiếp nhận việc truyền đăng trong mỗi giây mỗi phút thì sẽ không có giây phút của buổi lễ chính thức.

Vấn đề không phải là thầy có truyền cho mình hay không, vấn đề là mình có tiếp nhận hay không. Ví dụ về Làng Mai, chúng ta sống trong tăng thân của làng trong ba bốn tuần lễ, mà khi rời làng, chúng ta chưa nắm vững được pháp môn thở, hay pháp môn thiền hành, thì có nghĩa là chúng ta chưa đến Làng Mai, hay có đến mà không tiếp nhận được gì cả. Chúng ta đến với hai tay không và từ giã với hai tay không. Đó là một điều rất đáng tiếc!

Vì vậy mà trong ngày đầu, ngày thứ hai, ngày thứ ba mình phải tìm, phải tiếp nhận, phải đem pháp môn ra để thực tập. Thực tập ở Làng Mai thì dễ hơn thực tập một mình tại địa phương của mình rất nhiều, vì ở làng, ai cũng thực tập cả, cho nên trong khung cảnh đó sự thực tập của mình sẽ trở nên rất dễ dàng.

Theo nguyên tắc thì tại Làng Mai ngoài phương pháp thiền hành, chúng ta không đi bằng phương cách nào khác. Từ trong bếp ra vườn rau, chúng ta đi thiền hành; vào phòng tắm, về phòng ngủ, đến thiền đường v.v..., đi đâu chúng ta cũng theo dõi hơi thở, cũng bước những bước thiền hành an lạc, thảnh thơi. Trong ba, bốn hay năm ngày thì tự nhiên có sự thay đổi trong mình. Thay đổi mau hay chậm, ít hay nhiều là tùy ta có hạ thủ công phu (get down to the practice), có chuyên cần hay không. Phải nói rằng chỉ cần một bước chân có chánh niệm là đã có sự chuyển đổi trong người của mình rồi, chứ không cần phải đi nửa giờ hay một giờ đồng hồ. Mỗi bước chân có chánh niệm là có sự chuyển đổi trong mình, dù nhỏ bé, nhưng chắc chắn có chuyển đổi. Khi mình quyết tâm thì một ngày, hai ngày, ba ngày; một tuần, hai tuần, ba tuần, thế nào cũng có sự chuyển đổi lớn hơn. Nếu lúc rời Làng Mai mà mình thấy mình không tiếp nhận được gì hết, không có sự chuyển đổi nào hết, là tại mình đã không khôn khéo thừa hưởng sự có mặt của tăng thân, của giáo pháp, của thầy, và đã để thì giờ đi qua một cách rất oan uổng. Tội nghiệp cho mình, cho tăng thân, cho thầy, cho bạn, và cho cả chánh pháp.

Trong tăng thân có người đã thực tập và đã nắm vững các pháp môn thực tập Làng Mai, nếu mình chưa nắm được những pháp môn đó, thì mình phải đến hỏi những người bạn tu này.

Ví dụ Mười động tác Chánh niệm của Làng Mai. Không phải thấy người khác làm là mình làm được liền. Mình phải học hỏi, đừng nghĩ nó dễ, chỉ cần nhìn là làm được! Mười động tác Chánh niệm có nội dung rất sâu sắc, cho nên ta cần phải học mới hiểu và mới làm đúng được. Thực tập hơi thở chánh niệm, thực tập thiền hành và thiền tọa, đều cũng vậy.

Tóm lại, một ngày ở Làng Mai chúng ta không thể để nó trôi qua một cách oan uổng. Phải biết sử dụng thời giờ quý báu mà chúng ta có tại Làng Mai, phải biết lợi dụng sự có mặt của tăng thân, phải biết tiếp nhận những trao truyền xảy ra từng giây từng phút trong những ngày sống tại làng, thì chúng ta mới không phí phạm quãng đời mà ta may mắn có được.


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][]