TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q2
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q2
Chương 02: Các Môn Phái Và Giáo Điển Sinh Động
TRƯỜNG PHẬT HỌC NÊN THEO THỂ CHẾ TU VIỆN
TỔ THỨ II CỦA THIỀN PHÁI VÔ NGÔN THÔNG
TỲ NI NHẬT DỤNG THIẾT YẾU: TỔ ĐỘC THỂ DẪN NGƯỜI MỚI HỌC ĐẠO
TỪNG BƯỚC NỞ HOA SEN: THẦY NHẤT HẠNH DẮT NGƯỜI TẬP XUẤT GIA
GIA ĐÌNH TÂM LINH CỦA THẦY VÔ NGÔN THÔNG
NGUỒN GỐC CỦA SỰ ĐỐI LẬP NAM VÀ BẮC TÔNG
BÀI KIỂM ĐIỂM ĐẠI CHÚNG LÀNG MAI HAY THỜI THIỀN CÓ HƯỚNG DẪN ĐỂ TÌM "CHÂN NHÂN"
GIÁO PHÁP VÔ ĐẮC TRONG THIỀN PHÁP VÔ NGÔN THÔNG
VÔ ĐẮC VÀ LỜI CUỐI CỦA THẦY VÔ NGÔN THÔNG
GIÁO PHÁP ĐỐN NGỘ TRONG THIỀN PHÁI VÔ NGÔN THÔNG
GIÁO PHÁP TÂM ĐỊA TRONG THIỀN PHÁI VÔ NGÔN THÔNG
PHÁP MÔN THOẠI ĐẦU TRONG THIỀN PHÁI VÔ NGÔN THÔNG
PHÁP MÔN THIỀN CÔNG ÁN TRONG THIỀN PHÁI VÔ NGÔN THÔNG
LÀM VIỆC VỚI TÀNG THỨC MỚI ĐẠT GIÁC NGỘ
HÌNH ẢNH THI CA TRONG THIỀN PHÁI VÔ NGÔN THÔNG
PHƯƠNG PHÁP AN TRÚ CỦA LÀNG MAI
PHƯƠNG PHÁP THỰC TẬP VÔ ĐẮC CỦA LÀNG MAI
CÁCH THỰC TẬP PHÁP HOA TAM MUỘI CỦA LÀNG MAI
Thiền tập Sinh dộng Thế kỷ thứ 9: An Trú & Vô đắc-Đốn Ngộ-Tâm Địa (Thoại đầu & Công án)-Hình ảnh Thi ca-Bách Trượng Thanh Quy
Hồi còn là học sinh hay sinh viên, khi leo cầu thang, chúng ta nhảy một lần ba bốn bậc. Chúng ta không đi từng bước thảnh thơi như là khi chúng ta đi ở Làng Mai. Bước nhảy như vậy là vì chúng ta nghĩ rằng cái hạnh phúc nó nằm ở trong tương lai, và chúng ta không biết làm như vậy là bỏ đi sự sống trong giây phút hiện tại.
Trong khi đi thiền hành chúng ta biết cái quan trọng nhất là đi từng bước một, và bước một bước như thế nào để cho trong bước đó mình có sự sống, có sự thanh tịnh, có niềm vui, có thảnh thơi, có sự buông thả. Vì hạnh phúc không thể có được khi không có sự thảnh thơi, thong thả.
Khi còn có những dự án, những lo lắng, thì chúng ta vẫn chưa có thảnh thơi, vẫn chưa an trú được trong giây phút hiện tại.
Ở Làng Mai chúng ta thấy phương pháp thực tập rất là đơn giản: Nếu anh bước được một bước như vậy thì chứng tỏ là anh có giải thoát, anh có thảnh thơi, có hạnh phúc, và nhất là sự sống có ở trong anh.
Có những người có căn trí rất bén nhạy. Khi được đi thiền hành lần đầu với thầy, với tăng thân thì họ cảm thấy hạnh phúc liền lập tức, và từ đó trở về sau họ đi thiền hành rất vững chãi. Tôi cũng đã thấy có người ở với tăng thân tới năm, sáu năm mà vẫn chưa đi thiền hành được. Ngày nào cũng được nghe giảng về thiền hành, ngày nào cũng được thực tập thiền hành với tăng thân, vậy mà vẫn chưa dừng lại được trong khi đi.
Khi chúng ta đau khổ đã nhiều, khổ đau đó đã đến lúc chín muồi thì khi gặp được chánh pháp, khi được trao truyền pháp môn thì chúng ta lập tức có thể biến tất cả khối khổ đau đó thành hạnh phúc. Tại vì khổ đau quá nhiều thì mình học được bài học rất lớn, và nhờ đó mình hạ thủ công phu, mình hoàn toàn đầu tư đời của mình vào trong bước chân đó. Đó là vấn đề sống chết.
Cũng như một người bị bệnh ung thư và được thầy thuốc nói rằng bây giờ anh chỉ có cách ăn gạo lức muối mè và sống theo phương pháp này mới mong có con đường thoát, thì người đó đem hết tất cả thì giờ, tâm lực, trái tim của mình vào chuyện ăn gạo lức muối mè và sống một đời sống khác hẳn với trước. Phần lớn chúng ta được gặp chánh pháp, nhưng chúng ta không hết lòng hạ thủ công phu vào việc thực tập, và chúng ta thua xa những người được báo tin là mình bị ung thư và mình sẽ chết trong ba hay sáu tháng nữa. Những người đó buông thả hết tất cả những phù phiếm, những ưa thích tầm thường để quyết tâm hạ thủ công phu, tìm một đường thoát. Phần lớn chúng ta không được như vậy, dù có được cơ duyên gặp chánh pháp, gặp thầy, gặp bạn, nhưng chúng ta vẫn chưa chịu đầu tư hết tất cả thân mạng của mình vào chuyện thực tập. Vì vậy cho nên ta không bước được bước chân đầu tiên có thảnh thơi, an lạc, và hạnh phúc.
Có thể là chúng ta cũng đã khổ đau nhiều, nhưng khổ đau của chúng ta chưa chín, cũng như rác mà chưa ủ thành phân. Rác mà chưa ủ thành phân thì không dùng được. Vì vậy có khi ở trong chùa năm, bảy năm, được học về thiền hành, được thấy thầy đi thiền hành, được đi thiền hành cùng các bạn mà vẫn chưa có thể dừng lại để đi những bước như thầy mong, bạn mong.
Giây phút mà mình bước đi được bước đó nó sẽ xảy ra lúc nào? Và khi nó xảy ra được thì đó là một tin vui rất lớn cho thầy, cho bạn, cho Bụt, cho tổ tiên của chúng ta.
Ở trong quyển Từng Bước Nở Hoa Sen có những bài thi kệ để chúng ta thực tập định, tuệ và chánh niệm. Có một bài nói về việc bước một bước chân ở trên mặt đất:
Bước chân trên mặt đất,
Là thể hiện thần thông,
Từng bước chân tỉnh thức,
Làm hiển lộ pháp thân.
Mỗi bước chân tỉnh thức mà mình đặt lên mặt đất là nó làm hiển lộ cái pháp thân của chúng ta. Mỗi chúng ta đều có pháp thân, nhưng pháp thân đó nó lu mờ, nó yếu ốm là vì chúng ta sống không có chánh niệm. Chữ thần thông này làm cho chúng ta nhớ ngay tới thiền sư Lâm Tế, tức là tổ sư của phái thiền mà chúng ta đang thực tập. Lâm Tế tức là Linh Chi đọc theo tiếng Hoa, và Ring-Zai đọc theo tiếng Nhật Bản.
Thiền của chúng ta là thiền Tăng Hội, thiền Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi, thiền Vô Ngôn Thông, mà cũng là thiền Lâm Tế. Tại vì Lâm Tế là một dòng suối chảy vào dòng thiền Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ 12, 13. Trước đó thì chúng ta có thiền Tăng Hội, thiền Huệ Thắng, thiền Đạt Ma Đề Bà, thiền Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi, và thiền Vô Ngôn Thông. Thành ra khi nói chúng ta thuộc phái Lâm Tế không có nghĩa là chúng ta chỉ thuộc phái Lâm Tế mà thôi. Chúng ta cũng thuộc thiền Tăng Hội và những tông phái khác.
Chính thiền sư Lâm Tế đã nói một câu rất bất hủ: Phép thần thông là đi trên mặt đất. Nguyên văn của thầy trong tác phẩm Lâm Tế Lục là Địa thượng thần thông. Đối với thầy Lâm Tế, thần thông không có nghĩa là đi trên mây, đi trên nước, hay đi trên lửa đang cháy, mà mình bước những bước trên mặt đất cũng là thần thông rồi. Tại vì bước những bước tỉnh thức và thấy được rằng mình đang còn sống, thế giới và cuộc sống rất là mầu nhiệm, mình nuôi dưỡng được trí tuệ, nuôi dưỡng chánh niệm, nuôi dưỡng được thương yêu, mình mỉm được một nụ cười thì mỗi bước chân như vậy là đang thể hiện phép thần thông.
Vậy thì khi đi thiền hành với nhau là mình đang làm phép thần thông, và mình có thể làm phép thần thông thành công hay không là tùy theo lượng chánh niệm trong con người của mình. Một bước chân như vậy có thể đem trời đất và vũ trụ trở về trong con người của mình để nuôi dưỡng. Một bước chân như vậy nó làm cho pháp thân ở trong con người mình biểu hiện. Tất cả chúng ta, ai cũng có pháp thân, và pháp thân đó nó đồng đẳng với pháp thân của chư Bụt.
Chúng ta đã học bài kệ kỳ trước: Chúng sinh giữ Phật đồng, có nghĩa là thể tính của Bụt và của chúng sinh là một, cái đó gọi là pháp thân. Do sống không có chánh niệm, không có tỉnh thức, không có hiểu biết, không có thương yêu, không có buông thả mà cái pháp thân của chúng ta bị lu mờ. Bây giờ đi thiền hành là để cho pháp thân hiển lộ ra. Cũng như uống trà là để cho pháp thân hiển lộ ra. Ngồi thiền hay giặt áo cũng là để cho pháp thân hiển lộ ra.
Cái thân thể, cái nhục thân của chúng ta có dính líu tới pháp thân. Chúng ta có thể sờ mó nhục thân của chúng ta được. Chúng ta có cảm tưởng mình hiểu được nhục thân của mình là gì. Nhưng điều đó cũng chưa chắc lắm, đừng nói đến hiểu được pháp thân của chúng ta! Ấy vậy mà pháp thân là một cái gì rất cụ thể, nó cụ thể không kém gì nhục thân của chúng ta.
Theo kinh điển thì pháp thân được làm bằng năm yếu tố gọi là Ngũ phận pháp thân. Nếu thực tập cho đàng hoàng thì những thành phần đó của pháp thân mỗi ngày chúng càng lớn, càng rõ mà không cần phải Bụt hay thầy nói cho mình biết, mình vẫn tự mình biết rằng năm thành phần, năm chất liệu của pháp thân của mình đang tăng trưởng, đang hiển lộ.
♦ Năm chất liệu đó, chất liệu thứ nhất là Giới thân hay Giới Uẩn (((la K(ya hay là ((la Skandha). Nếu quý vị đã tiếp nhận Năm giới, và quý vị sống tỉnh thức hàng ngày, nương vào năm giới để thực tập thương yêu, thực tập công bằng xã hội, thực tập ái ngữ, thực tập bảo vệ thân tâm, thì giới thân nó lớn lên. Thành ra vị nào chưa tiếp nhận Năm giới thì nên lập tức đi tìm học Năm giới quý báu và tiếp nhận Năm giới. Tại vì từ giờ phút mình bắt đầu học về giới và đem giới ra để thực tập trong đời sống hàng ngày, thì giới thân của mình bắt đầu tỏa sáng. Giới ở đây có nghĩa là sống trong chánh niệm.
§ Giới thứ nhất là sống chánh niệm để bảo tồn sự sống. Bảo vệ sự sống trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, và nói năng, hành sử.
§ Giới thứ hai là công bằng xã hội, tức là mình sống đời sống hàng ngày như thế nào mà mình để cho các loài khác có cơ hội để sống. Mình không tước đoạt những điều kiện mà họ cần để sống.
§ Giới thứ ba là bảo vệ hạnh phúc của mình và của người, kể cả của trẻ em. Đừng để cho tà dâm phá hoại cơ cấu gia đình, cơ cấu hạnh phúc của gia đình, của đôi lứa, của cá nhân, và của trẻ em.
§ Giới thứ tư là học lắng nghe và học nói năng như thế nào để có thể tạo ra được sự thông cảm và tránh được những đổ vỡ giữa mình với người. Đổ vỡ trong liên hệ lứa đôi cũng như trong liên hệ cha mẹ, liên hệ cha con, liên hệ anh em, liên hệ tăng thân.
§ Giới thứ năm là bảo vệ thân và tâm mình, đừng cho những độc tố đi vào tàn phá thân mình, tàn phá cái hình hài của ông bà để lại, cái thân mà mình phải giữ cho con cháu. Đừng làm cho nó ô nhiễm cái tâm của mình bằng sự tiêu thụ không có chánh niệm. Tiêu thụ những sản phẩm gọi là văn hóa!
Thành ra sống đúng theo năm giới, sống đúng theo cây đèn soi đường cho mình, thì giới thân của mình càng ngày càng tỏa sáng. Giới thân là một phần quan trọng của pháp thân.
♦ Yếu tố thứ hai của pháp thân là Định thân (Samªdhi K(ya), tức là mình sống như thế nào mà có sự chăm chú để mình có thể sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày. Sống chăm chú để thấy được anh của mình, chị của mình, em của mình, với những niềm hạnh phúc, với những nỗi đau khổ của họ. Nếu mình bước những bước chân cẩn thận để đừng đạp lên những con kiến và sát hại thân mạng nó, thì khi mình hành sử, mình cũng cẩn thận theo. Nói năng cũng vậy, mình cũng cẩn thận để đừng tạo ra những đổ vỡõ, những khổ đau trong người đó, và cố nhiên là trong chính mình. Có giới tức là có niệm, và có giới tức là có định. Sống một cách chăm chú ta gọi là có định. Mà sống có chăm chú thì chúng ta mới tiếp xúc được với những cái mầu nhiệm, những cái đẹp đẽ của đời sống ngay trong chính thân thể ta, ngay trong tâm hồn ta, và chung quanh ta. Sống như vậy thì mới đáng sống.
Giới thân của mình vững chãi như thế nào thì mình tự biết. Định thân của mình vững chãi như thế nào thì mình cũng tự biết. Mình có sống chăm chú trong đời sống hàng ngày không thì mình cũng biết! Tất nhiên là càng thực tập thì hai yếu tố đó càng lớn lên.
♦ Yếu tố thứ ba là Tuệ thân (Praj((K(ya). Tuệ tức là cái hiểu biết, cái thấy. Ngày xưa khi còn lầm lạc, khi còn mê muội, chúng ta không thấy được chánh pháp, không thấy được ta, không thấy được những người chung quanh ta. Chúng ta đã tạo ra những đổ vỡ, những khổ đau. Bây giờ chúng ta thấy được rồi, hiểu được rồi, thấy được một phần nào, hiểu được một phần nào nên ta có thể tránh bớt những hành động, những lời nói, những ý nghĩ có thể gây đổ vỡ, gây đau khổ. Cái thấy đó gọi là tuệ giác.
Nếu chúng ta thực tập hơi thở chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Nếu chúng ta thực tập sống chăm chú thì cố nhiên là tuệ giác của chúng ta lớn lên. Đây là chuyện rất tự nhiên. Cũng như nếu quý vị ngồi nghe pháp thoại mà chăm chú thì quý vị sẽ hiểu pháp thoại sâu hơn người khác. Tại vì định lực của quý vị lớn hơn. Nghe pháp thoại không phải là chỉ tiếp xúc với pháp thoại mà còn tiếp xúc với cái kho tuệ giác ở trong bản thân của mình. Những lời của pháp thoại nó đánh động tới kho tuệ giác ở trong lòng mình. Do đó cho nên tuệ nó phát sinh.
♦ Yếu tố thứ tư là Giải thoát thân (Vimok(a K(ya. Giải thoát thân cũng là một yếu tố mà chúng ta có thể sờ mó được. Tức là yếu tố thảnh thơi của chúng ta. Chúng ta thảnh thơi đến mức nào thì chúng ta biết chứ! Chúng ta bị hệ lụy, ràng buộc đến mức nào thì chúng ta cũng biết. Ở đời người ta chỉ nói tới cái tự do chính trị, không bị áp bức, không bị cấm đoán. Nhưng ở trong đạo thì tự do là tự do đối với phiền não, đối với tham dục, đối với sân hận, đối với si mê, đối với kiêu mạn, đối với nghi ngờ. Khi chúng ta bị những sợi dây đó ràng buộc thì chúng ta biết rằng chúng ta không có giải thoát. Muốn có giải thoát chúng ta phải có tuệ, tức là chúng ta phải thấy. Người đau khổ nhiều là người thiếu giải thoát nhiều, mà người thiếu giải thoát nhiều tức là người thiếu tuệ giác nhiều. Giải thoát thân là mức độ thảnh thơi và tự do của chính chúng ta, và chúng ta biết được mức độ đó đã lên tới khoảng nào.
Ví dụ chúng ta cùng đi thiền hành với tăng thân. Hạnh phúc của ta trong lúc đi thiền hành tùy thuộc vào trình độ giải thoát của chúng ta. Nếu chúng ta thảnh thơi, không bị ràng buộc bởi những cái lo lắng, những cái giận hờn, những cái u sầu, thất niệm, thì trong khi đi thiền hành chúng ta hạnh phúc rất nhiều. Nếu chúng ta đi thiền hành mà bị vướng mắc những phiền não kia thì chúng ta biết chứ sao lại không biết? Đâu cần phải có Bụt hiện ra và nói con còn dở lắm, con chưa giỏi hay là con giỏi rồi! Mình có thể tự biết. Chúng ta có sẵn Bụt ở trong lòng. Bụt Hoa Nghiêm, Bụt Định Nghiêm, Bụt Pháp Ấn đủ sức để biết chứ không cần phải Bụt Thích Ca mới biết.
♦ Yếu tố thứ năm của pháp thân là Giải thoát tri kiến hay Tri kiến giải thoát thân, tức là cái trí tuệ và cái thấy do giải thoát đem lại. Khi đã thảnh thơi, đã giải thoát, đã tự do, thì chúng ta có cái biết và cái thấy của người giải thoát. Cái biết đó là cái biết có thể gọi là cao hơn hết, và không thể đem những cái thấy, cái biết tầm thường mà so sánh được. Đây là hiểu biết thật, tại vì chính những cái hiểu biết này nó đã đem tới giải thoát và nó có thể sử dụng để giúp cho những người khác cũng được giải thoát, gọi là tri kiến giải thoát.
Mỗi chúng ta đều có một tầm mức thảnh thơi nào đó. Đã tu thì thế nào cũng có một tầm mức thảnh thơi nào đó. Dù chưa xuất gia nhưng mình cũng phải có đủ nhân duyên lắm thì mình mới về được Làng Mai. Nếu còn hệ lụy, ràng buộc thì làm sao mà về đến Làng Mai cho được? Vậy thì mình đã có được một mức độ thảnh thơi, một mức độ tự do, và nếu cái đó có thì tri kiến cũng có. Nhưng cái tri kiến này là một thứ tri kiến vô lậu, một thứ tri kiến không có hình thức, tại vì cái tri kiến này giúp cho chúng ta vượt thoát những cái tri kiến tầm thường, những hình ảnh, những âm thanh, những khái niệm mà chúng ta có trước đó. Những cái đó có thể làm chướng ngại cho sự giải thoát. Còn tri kiến này không những nó không làm chướng ngại cho giải thoát, mà nó còn làm điều kiện để giúp người khác được giải thoát theo.
Cho nên trong quý vị đều có hai loại tri kiến, một loại tri kiến tích chứa do sự đọc sách, do sự suy nghĩ, do sự học hỏi, và do những thành kiến mà có. Những tri kiến đó cần được vượt thắng. Chúng ta có nhiều tri kiến đó lắm!
Loại tri kiến thứ hai là loại mà quý vị đang có trong lòng, tức là tri kiến giải thoát. Nó có thể có ít, còn yếu, nhưng mình vẫn có. Loại tri kiến này phát sinh từ sự thảnh thơi, từ hạnh phúc của mình. Tri kiến đó chính là yếu tố để giúp được ta đạt tới an lạc và giải thoát.
Ví dụ khi quý vị đã đi thiền hành có hạnh phúc rồi, quý vị đã biết bước những bước chân thảnh thơi, quý vị đã biết buông thả nổi buồn, niềm giận của quý vị rồi. Quý vị có thể tiếp xúc được với sự sống trong giờ phút hiện tại thì cố nhiên quý vị có cái tri kiến giải thoát, dù so với tri kiến giải thoát của Bụt thì nó còn nhỏ hơn nhiều. Nhưng chính cái tri kiến giải thoát đó của quý vị là cái mà sau này có thể giúp cho quý vị thành đạo, và giúp được những người chung quanh đạt tới an lạc, giải thoát và buông bỏ. Chính cái tri kiến giải thoát đó mình phải nuôi lớn. Còn những tri kiến kia là mình phải vượt thắng, tại chúng là những trở ngại cho tự do, cho giải thoát.
Khi nâng một cây hương lên để dâng Bụt và các vị Bồ tát, và chúng ta lạy xuống một lạy thì nó hiện ra một cái tướng gọi là tướng cung kính, tướng lễ lạy. Khi tiếp nhận tướng đó, chúng ta có thể tiếp nhận bằng tri kiến của chúng ta, chúng ta biết được sự dâng hương, sự lễ lạy đó là đẹp hay không đẹp.
Hôm tăng đoàn Làng Mai ở Moscow, khi đồng bào tụ tập tới để nghe pháp thoại thì tôi và các sư cô Chân Diệu Nghiêm, và Chân Không Nghiêm có tổ chức một khóa lễ ngắn để cho đồng bào được tham dự trước khi nghe pháp thoại. Hôm đó giới trí thức Việt Nam ở tại Moscow đến rất đông. Toàn là người trí thức thượng thặng cả, và vì họ đã ở miền Bắc Việt Nam lâu ngày nên họ không quen sự lễ lạy. Họ cảm thấy không thoải mái về sự lễ lạy là vì mấy mươi năm trời đã không được lễ lạy!
Sau khi nghe bài pháp thoại xong, họ nói rằng họ rất cảm động tại vì đây là lần đầu tiên họ được nghe trình bày Phật pháp với ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được. Họ thấy rằng tu tập không phải là sự mê tín, sự quỳ lụy cầu khẩn, mà tu tập là sự chuyển hóa, căn cứ trên đức tin của chính mình.
Có một vị trí thức đứng lên hỏi: Nếu đạo Phật đẹp như vậy, nếu đạo Bụt căn cứ vào sự thật như vậy, thì tại sao chúng ta lại phải lễ lạy lẩm cẩm như thế kia?
Tôi nói rằng: Này quý vị! Quý vị xuất phát từ nền văn hóa Việt Nam, quý vị quên rằng hồi bé, trước khi đi học chúng ta nói lạy bố con đi học, lạy mẹ con đi học. Khi đi học về chúng ta cũng nói lạy bố con đi học đã về. Lạy đây tức là như vậy. Lạy đây tức là thiết lập một liên hệ giữa mình với một người mà mình thương, mình kính, để thấy rằng mình và người đó là một chứ không phải là hai. Quý vị biết rằng tổ tiên của chúng ta đã thờ lạy ông bà hàng ngàn năm nay. Cha mẹ chúng ta cũng lạy, tại vì khi chúng ta lạy xuống một cái thì cái bản ngã của chúng ta bị xóa nhòa, và chúng ta cùng với ông bà, cha mẹ được hợp nhất lại trong dòng huyết thống. Chính nhờ vậy mới có sự thông cảm giữa các thế hệ với nhau. Nếu quý vị bỏ lễ lạy đi, không biết giá trị của cái lạy, thì quý vị đã bỏ đi một phần rất quan trọng của nền văn hóa dân tộc. Quý vị có cúng giỗ không?
-Dạ có.
-Quý vị cúng giỗ mà quý vị chỉ thắp nhang, rót nước trà, dâng thức ăn lên thì tuy là quý vị không lễ lạy nhưng quý vị cũng vẫn mê tín như thường. Tại vì nếu quý vị không thấy được cái giá trị của sự cúng vái tổ tiên, thì hình thức cúng lễ đó là mê tín.
Tôi đã có cơ hội để nói với những người trí thức đó về ý nghĩa của cái lạy. Lạy tức là mình buông bỏ cái bản ngã và hòa nhập vào với dòng sinh mạng của tổ tiên, tổ tiên tâm linh cũng như tổ tiên huyết thống. Lạy như vậy nó không mất nhân cách, mà trái lại nó giúp mình đạt tới cái nhân cách rất lớn. Theo những người trí thức này, lạy tức là làm mất nhân cách của mình, tại vì mình quỳ lụy!
Khi mình cầu nguyện Chúa, cầu nguyện Thượng Đế, thì mình cũng chỉ làm như vậy thôi. Mình bỏ bản ngã của mình để hòa nhập với cái thực tại mầu nhiệm của đại thể. Dù trong tư thế ngồi, hay tư thế quỳ, thì nó cũng là lạy. Lạy tức là buông bỏ cái bản ngã của mình. Khi buông bỏ như vậy thì mình buông bỏ những cái ngã mạn, ngã ái, ngã si, ngã kiến để đạt tới cái pháp thân rộng lớn của mình mà mình có.
Tôi không nhớ bài thuyết pháp cho đồng bào hôm đó có được thâu băng không. Đồng bào miền Bắc của chúng ta cần được nghe những bài thuyết pháp như vậy. Tại vì đã năm mươi năm được huấn luyện rằng lạy tức là làm mất nhân cách của mình, dù là lạy ông bà, lạy cha mẹ, lạy tổ tiên!
Vậy thì khi dâng hương và mình lạy xuống thì cái tướng lễ lạy nó hiện ra, nó được biểu lộ. Mình có thể có được tướng đó bằng tri kiến giải thoát hay tri kiến không giải thoát. Nếu dùng tri kiến không giải thoát thì mình không thể hiểu được cái tướng lạy. Nếu dùng tri kiến giải thoát thì mình thấy được tướng lạy, mình thấy được tất cả những cái đẹp của cái lạy.
Khi chúng ta muốn nói tới sự đối thoại giữa hai tôn giáo, chúng ta phải nói tới cái tri kiến giải thoát. Nếu anh chỉ đem cái tri kiến học hỏi của anh về tôn giáo ra, thì anh không thể nào đối thoại được. Anh phải có một trình độ giải thoát nào đó, một hạnh phúc nào đó trong truyền thống tôn giáo của anh, thì anh mới có khả năng đối thoại.
Tưởng tượng rằng chúng ta tới với nhau mà chỉ có cái tri kiến sách vở thôi, thì làm sao mà đối thoại tôn giáo cho được? Anh phải có tri kiến giải thoát, phải có tri kiến hạnh phúc sau một quá trình thực tập ở trong tôn giáo anh thì anh mới có cái gì để cống hiến cho chúng tôi. Tôi cũng vậy, nếu tôi không thực tập giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân để có cái tri kiến giải thoát thì khi tới với anh, tôi cũng chỉ là một cuốn sách hay một cuốn băng, một sự chứa chất những tri kiến khái niệm, tôi không có gì để cống hiến cho anh cả!
Khi có được cái tri kiến giải thoát đó rồi, nhìn vào hình tướng thực tập, mình mới có thể hiểu được. Nếu không thì mình sẽ lên tiếng chê bai, và mình ruồng bỏ sự thực tập đó! Rất uổng cho mình.
Trong cái tướng lễ lạy của đạo Bụt nó có một chiều sâu tâm linh rất lớn. Nếu không có tri kiến giải thoát, chúng ta không thể thấy được. Ví dụ như năm cái tri kiến nói trên, được coi là phẩm vật cúng dường đẹp nhất mà mình có thể dâng lên cho Bụt, cho tổ tiên. Cố nhiên mình có thể mua chuối, mua hoa, nấu chè, nấu xôi để cúng tổ tiên hay cúng Bụt. Nhưng lễ vật mà mình có thể đem ra cúng dường quý nhất là năm yếu tố của pháp thân. Vì vậy cho nên trong chùa có danh từ Ngũ phần hương. Tức là hương làm bằng năm yếu tố. Khi mình dâng hương thì hương làm bằng trầm không quý bằng hương làm bằng năm yếu tố gọi là ngũ phần hương. Năm yếu tố đó là gì? Là giới, là định, là tuệ, là giải thoát, và giải thoát tri kiến. Chúng ta có bài Niệm hương như sau:
Giới hương, định hương, dữ tuệ hương,
Giải thoát, giải thoát tri kiến hương,
Quang minh vân đài biến pháp giới,
Cúng dường thập phương vô lượng tôn.
Nam mô hương cúng dường Bồ Tát Ma Ha Tát.
Làm sao ta hiểu được tướng cúng hương và tướng lễ lạy đó nếu ta không thực tập?
Bài Niệm hương đó có nghĩa rằng cây nhang mà con đang cúng Bụt, được làm bằng giới thân của con, định thân của con, tuệ thân của con, giải thoát thân của con, và giải thoát tri kiến thân của con. Đó là cái quý nhất mà con nghĩ là có thể dâng lên để cúng dường Bụt. Mình có những thân đó không mà đem cúng hay mình chỉ đem cúng danh từ thôi? Người ta đâu có thể no bằng cách ăn danh từ? Vì vậy cho nên khi cúng dường, mình phải thực sự cúng dường yếu tố giới, định, tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến.
Dâng hương mỗi ngày và đọc bài kệ đó là nhắc nhở mình phải tu tập như thế nào để mỗi ngày giới thân, tuệ thân, định thân, giải thoát thân, và giải thoát tri kiến thân của mình phát triển thêm lên.
Khi đứng chắp tay trước đức Thế Tôn và chúng ta đọc:
Năng lễ, sở lễ tánh không tịch,
Cảm ứng đạo giao nan tư nghị,
Ngã thử Đạo tràng như Đế Châu,
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung,
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.
Chúng ta chỉ có thì giờ để cắt nghĩa hai câu đầu của bài kệ trên mà thôi.
Năng lễ, sở lễ tánh không tịch có nghĩa là: Bạch đức Thế Tôn, người đang lễ lạy là con, và người bị con lễ lạy là ngài, hai chúng ta đều không có tự tánh riêng biệt. Tức là con không phải là con, ngài không phải là ngài, con được làm bằng những yếu tố không phải là con, trong đó có ngài. Ngài được làm bằng những yếu tố không phải là ngài, trong đó có con. Như vậy là nói theo giáo lý cao siêu nhất của Bụt tức là giáo lý "Không". Chỉ khi nào con không là con, và ngài không là ngài thì sự cảm thông mới có thể thực hiện được một cách sâu xa, không thể nghĩ bàn được. Còn nếu con chỉ là con, và ngài chỉ là ngài thôi, thì làm gì có hy vọng hiểu nhau được? Nếu sư em chỉ là sư em, sư em không phải là sư anh, thì hết hy vọng hiểu nhau rồi!
Có tôn giáo nào mà tín đồ đứng trước đức Giáo Chủ và nói rằng: Thưa ngài, ngài có biết con không? Ngài cũng trống rỗng như con thôi. Ngài không có một cái thực tại riêng biệt! Chính nhờ cái thực tại đó cho nên sự cảm thông của con và ngài trở nên rất mầu nhiệm.
Khi lạy xuống một lạy với cái tuệ giác đó thì làm sao mà mất nhân cách của mình được? Nhân cách của mình chỉ có thể trở nên vĩ đại khôn lường. Không có cách gì mà nó bớt đi được!
Vì vậy mà tướng lễ lạy, chúng ta làm sao hiểu được nếu không có sự thực tập về giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến để có những tri kiến giải thoát?
Cố nhiên sau này các thầy, các sư cô sẽ phải làm công việc đối thoại với trong nội bộ Phật giáo cũng như với các tôn giáo khác. Mình phải nhớ rằng việc đối thoại chỉ có ích lợi cho đôi bên khi chúng ta có bản chất, có chất liệu để mà đối thoại, tức là có cái tuệ giác, cái tri kiến giải thoát, cái giới, định, tuệ của chúng ta mà thôi. Còn nếu anh có bằng tiến sĩ tôn giáo học, tiến sĩ Phật học, tiến sĩ Thần học, cũng không làm được gì cả, tại vì đó là những cái tri kiến để buôn bán mà thôi, không phải là tri kiến để thật sự đối thoại.
Trở lại với bài thi kệ mà chúng ta đã nêu ra trên đây, khi đi thiền hành, chúng ta đi như thế nào để giới, để định, để tuệ, để giải thoát và để tri kiến giải thoát nó có mặt. Chỉ cần một bước chân thôi, thì bước chân đó nó nuôi dưỡng giới, định, tuệ, giải thoát và tri kiến giải thoát, đem lại sự an lạc, đem lại sự mầu nhiệm. Mỗi bước chân như vậy nó có màu sắc của năm thành phần của pháp thân, và cố nhiên nó làm hiển lộ pháp thân.
Quý vị còn nhớ bài hô canh ngồi thiền buổi sáng không? Bài đó là:
Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai, ngồi như thế nào để pháp thân nó tỏa sáng. Ngồi như thế nào để có giới, có định, có tuệ, có thảnh thơi và có tri kiến của giải thoát. Cố nhiên khi thực tập như vậy thì niềm vui có mặt, niềm vui nuôi dưỡng mình. Dù cho chúng ta có những khối đau to lớn ở trong người, thì những niềm vui đó vẫn tiếp tục lớn. Khi niềm vui lớn thì nó biết cách đến ôm những nỗi khổ đau của chúng ta và nhờ đó mà niềm đau được chuyển hóa. Còn nếu ngày đêm chúng ta cứ ôm ấp, cứ tưới tẩm nỗi khổ đau đó, gặp một người bạn là cứ than thở: Em đau quá, anh đau quá! Muốn cho người ta nghe. Càng làm như vậy thì niềm đau lại càng được tưới tẩm, càng lớn hơn lên!
Khi than thở về niềm đau của mình thì mình làm hại mình, và mình làm hại người sư chị, sư em, sư anh của mình luôn. Trái lại, nếu mình thực tập nuôi dưỡng hạnh phúc, nuôi dưỡng thảnh thơi, nuôi dưỡng giới, định, tuệ thì niềm vui nó đến, nó lớn lên, nó giúp mình có thăng bằng trong tâm. Nhờ vậy mà mình sống sót được. Nếu tiếp tục thực tập thì niềm vui đó lớn lên thêm, và nó ôm ấp niềm đau hiệu quả hơn. Trong đêm tối khi mình yên giấc thì niềm vui vẫn tiếp tục làm việc, rất là lợi lạc cho mình.
Cho nên khi chúng ta tổ chức ăn Tết, tổ chức văn nghệ, hay tổ chức thiền trà, thiền hành, hoặc pháp đàm, chúng ta phải làm thế nào để cho niềm vui biểu lộ. Niềm vui này là niềm vui có màu sắc của giới, của định và của tuệ. Cố nhiên không phải là cái vui ồ ạt, không có chánh niệm, chúng ta phải phân biệt. Niềm vui này nó đằm, nó có sức mạnh lôi cuốn chúng ta và những người kia đi tham dự. Người đang ôm trong mình một tâm trạng đau khổ, họ nhờ niềm vui đó kéo lên. Khi đến tiếp xúc với bạn tu, với sư anh, sư chị, sư em, người đó quên niềm đau đi để làm một công việc cấp thiết nhất là chia vui và vươn tới niềm vui chung. Trong khi vươn tới niềm vui chung thì niềm đau riêng của mình từ từ nó giảm bớt, và niềm vui trong mình càng ngày càng lớn.
Nếu không thực tập con đường vui thì chuyển hóa những khổ đau rất khó. Cho nên trong bài Quy Nguyện chúng ta có câu:
Tăng là đoàn thể đẹp,
Cùng đi trên đường vui,
Tu tập giải thoát,
Làm an lạc cuộc đời.
Không phải có vui mình mới là thành phần của tăng thân được. Mình có thể mang khối đau của mình để nhập chúng, và khi vào trong đoàn thể tu học, mình phải thực tập con đường vui, mình phải chia sẻ với anh, với chị, với em của mình. Trong khi chia sẻ như vậy với tăng thân, mình được niềm vui kia kéo đi, và mình gây được cái vốn liếng về hỷ, về lạc trong con người của mình. Do đó mà niềm đau của mình từ từ nó mòn đi, nó được chuyển hóa.
Thiền sư Vô Ngôn Thông là một thiền sư lớn. Trước khi sang Việt Nam, ngài đã từng dạy cho thiền sư Ngưỡng Sơn, là người đã thiết lập một trong năm phái thiền lớn ở Trung Hoa, tức là phái Quy Ngưỡng.
Thiền sư Vô Ngôn Thông có trú tại chùa Nam Hoa ở Quảng Châu. Đây là ngôi chùa của Lục Tổ ngày xưa. Hồi đó thầy Ngưỡng Sơn mới làm chú tiểu, có thể nhỏ hơn sư anh Pháp Cảnh hiện giờ. Ngưỡng Sơn hồi đó mới 17 tuổi, và tại chùa Nam Hoa, thầy Vô Ngôn Thông có dạy cho sư chú Ngưỡng Sơn. Nhưng thầy dạy ít lắm, và khi dạy thầy không dùng ngôn ngữ nhiều.
Sách Thiền Uyển Tập Anh có kể lại chuyện một hôm ở chùa Nam Hoa, thầy Vô Ngôn Thông bảo chú Ngưỡng Sơn rằng:
-Này chú! Sư chú:
-Dạ. Thầy nói:
-Nhắc cái ghế đẩu bên kia đem qua để đây giùm thầy. Chú Ngưỡng Sơn nhắc ghế qua. Nhắc qua rồi thì thầy lại nói:
-Qua rồi há? Bây giờ nhờ chú nhắc về chỗ cũ. Chú Ngưỡng Sơn khiêng ghế đó lại chỗ cũ. Lúc đó thầy Vô Ngôn Thông mới chỉ chỗ trống và hỏi:
-Chú ơi! Bây giờ chỗ này có gì không? Chú Ngưỡng Sơn thưa:
-Dạ đâu có gì đâu? Rồi thầy chỉ sang chỗ có cái ghế bên kia và hỏi:
-Chú nghĩ bên kia có gì không? Thì may quá, chú Ngưỡng Sơn nói:
-Dạ cũng không. Chứ nói có cái ghế thì chắc là bị đòn rồi! Thầy Vô Ngôn Thông nói:
-Ngưỡng Sơn! Chú ngơ ngác thưa:
-Dạ. Thấy chú ngơ ngác như con nai nên thầy nói:
-Thôi chú đi đi. Ngày mai hẳn hay!
Nguy lắm đó! Mai mốt tôi hỏi mà đưa con mắt nai con ra nhìn như vậy là trượt rồi đó! Có thể là thầy đang kêu cái pháp thân ngũ phần của mình, mà mình dạ một cách ngơ ngác thì chắc là trượt.
Hồi mới đi tu, một hôm thầy Vô Ngôn Thông đang lạy Bụt thì có một thầy khác, có lẽ là một thiền sư đến hỏi rằng: Sư chú đang làm gì đó? Thầy Vô Ngôn Thông nói: Dạ con đang lạy Bụt. Thầy đó mới chỉ vào tượng Bụt và nói: Bụt là cái này đây há? Thầy Vô Ngôn Thông đang hơi luống cuống thì thầy kia bỏ đi! Thầy đó cũng hơi lạ, thấy mình đang lạy Bụt mà ông còn hỏi mình làm gì đó! Giống như ông không thấy gì hết vậy!
Nó cũng tương tự như khi tôi thấy sư chú đang xắt cà rốt mà tôi còn hỏi sư chú làm gì đó? Hỏi như là tôi không thấy vậy. Và sư chú trả lời: Dạ thưa con đang xắt cà rốt. Rồi tôi chỉ vào cà rốt và nói: Cà rốt là cái này đây hả? Như vậy thì hai thầy trò xa nhau quá chừng! Và như vậy là sư chú quên bài học của thầy Vô Ngôn Thông rồi. Ít nhất sư chú phải trả lời rằng: Con có đang làm gì đâu? Còn nếu trả lời rằng con đang xắt cà rốt thì cũng như là con cho thầy không có mắt! Con không cùng một tần số với thầy. Tại vì thầy đứng đó, thầy thấy rõ ràng mình đang xắt cà rốt mà thầy còn hỏi, và mình trả lời là mình đang xắt cà rốt thì giống như mình hỏi lại thầy có mắt hay không, tại sao thầy không thấy con đang xắt cà rốt? Như vậy là mình có thể vô tình mà phạm vào tội bất kính, và hơn nữa là không hiểu được ngôn ngữ của thầy. Nếu thầy hỏi thêm: Cái này là cà rốt đây hả? Thì con biết trả lời làm sao? Thành ra chi bằng con nói: Con có làm gì đâu? hoặc: Dạ con đang tập thở, cám ơn thầy đã nhắc con thở.
Những câu trả lời đó nó chứng tỏ có sự thông cảm giữa thầy và trò. Đó là ngôn ngữ thiền. Đôi khi không có ngôn ngữ cũng được, hoặc nếu con lớn mật hơn chút nữa thì con nói: Cà rốt này ngọt lắm, thầy thử một miếng coi, thì thầy sẽ vừa lòng hơn. Chứ còn trả lời: Dạ con đang xắt cà rốt thì mình đang dở quá, dở chịu không nổi!
Nhưng thầy Vô Ngôn Thông đã hết nợ với ông thầy kia đâu! Ông hỏi Bụt là cái này đây hả rồi ông bỏ đi! Sướng không!
Đêm hôm đó thầy Vô Ngôn Thông thắc mắc không yên, cho nên thầy mới lấy y khoác lên, đợi đến 12 giờ khuya, tới phòng thầy đó gõ cửa xin vào. Khi lạy ra mắt xong thầy nói: Hồi sáng thầy có nói một câu mà con không hiểu được ý của thầy. Bây giờ xin thầy giải thích giùm cho con. Vẫn còn cù lần nữa! Đến lúc đó mà chưa giác ngộ! Điều này cho thấy rằng mình đừng nên nản chí, tại vì tổ của mình mà cũng vậy, sức mấy mà lúc mới tu mình có thể khá hơn?
Trượt một lần rồi mà đắp y vào rồi còn trượt nữa thì ta thấy tội nghiệp cho những người mới đi tu. Rất là tội nghiệp, nếu không có thầy, có bạn hướng dẫn thì có thể lạc đường. Lúc đó thầy đó mới hỏi: Sư chú xuất gia đã được mấy năm rồi? Thầy Vô Ngôn Thông nói: Bạch thầy, con xuất gia được mười năm rồi. Thầy đó mới nhìn thẳng vào mặt chú, với cặp mắt sáng như điện quang: Như vậy thì chú xuất gia chưa? Thầy Vô Ngôn Thônghồi đó còn trẻ quá, nên không biết nói năng ra sao. Hỏi mình xuất gia mấy năm, mình nói mười, mà còn hỏi lại mình đã xuất gia chưa thì làm sao mình trả lời cho được! Thành ra thầy bàng hoàng, hoang mang, không biết nói gì hết.
Lúc đó vị thiền sư mới mở một nụ cười rất từ bi và nói: Có như vậy mà cũng không hiểu thì xuất gia 100 năm cũng vậy thôi. Đó là một cái roi ngựa quất vào rất mạnh, một cái roi tâm linh nó khiến cho thầy Vô Ngôn Thông lớn lên mau như thổi. Và khi thầy lạy xuống cầu cứu thì vị thiền sư kia mới nói: Thôi, sư chú sửa soạn áo quần rồi sáng mai đi với tôi.
Ngày hôm sau thầy đó đưa sư chú Vô Ngôn Thông đi Giang Tây, đến thọ giáo với thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất. Nhưng khi đến nơi thì mới hay tin thiền sư Mã Tổ đã tịch rồi. Cũng gian nan lắm! Thành ra vị thiền sư này mới đưa thầy tới một vị thiền sư khác là thiền sư Bách Trượng Hoài Hải.
Nghe nói tới Bách Trượng là mình phải nhớ đến một quyển Quy Luật của thiền môn rất hay, gọi là Bách Trượng Thanh Quy. Thanh quy tức là quy chế của tu viện. Khi thiền tông vừa được thành lập thì thiền giả ở chung trong Lục Viện, cho nên theo những quy chế của Lục Viện. Mãi tới thời của thiền sư Bách Trượng thì mới có Thanh Quy của thiền viện, và từ đó về sau thiền viện tách ra khỏi Lục Viện và có quy chế riêng.
Thầy Vô Ngôn Thông đã được trực tiếp học với thầy Bách Trượng cho nên thầy là người đầu tiên đem áp dụng Bách Trượng Thanh Quy vào trong thiền viện ở Việt Nam. Thiền viện Việt Nam đã có mặt từ đầu thế kỷ thứ 3 với thiền sư Tăng Hội, nhưng chúng ta không biết quy chế của thiền viện thời đó như thế nào, có thể là chịu ảnh hưởng của những quy chế của các thầy ở Ấn Độ. Mãi tới thế kỷ thứ 9, khi thiền sư Vô Ngôn Thông đến Việt Nam thì chúng ta mới bắt đầu chịu ảnh hưởng quy chế tu viện của thiền sư Bách Trượng Hoài Hải.
Theo quy chế này thì tất cả mọi người ở trong tăng thân đều phải chấp tác. Đây là một chi tiết của quy chế Bách Trượng. Cho đến bây giờ ở Việt Nam, những lề lối tổ chức thiền viện vẫn còn vâng theo quy chế đó. Ngày xưa khi tôi ở chùa hay ở Phật học đường thì sinh hoạt nó thăng bằng lắm. Tức là giờ làm việc và giờ học trong lớp rất thăng bằng. Không học mỗi ngày nhiều như ở trong trường Đại Học. Mỗi ngày có thể chỉ có một hay hai giờ học thôi. Còn những giờ khác thì dành cho thiền hành, thiền tọa, gánh nước, nấu cơm, bổ củi, giả gạo, cuốc đất, trồng rau v.v... Thành ra sinh hoạt về thân, về tâm nó có tính cách điều hòa, rất hay.
Chương trình bốn năm tại Làng Mai của chúng ta, khi gởi về cho các thầy, các sư bà ở bên nhà, chúng ta có ghi chú rằng mục đích của chương trình bốn năm này không phải là để đào tạo những nhà bác học về Phật học, mà để tạo ra những người có khả năng tu tập, và tổ chức, hướng dẫn tu tập. Chúng tôi thường gọi đùa Chương trình này là chương trình Kỹ sư Phật học (Buddhist Engineering). Tại vì người tốt nghiệp thì phải biết làm,biết thực tập, chứ không phải chỉ biết lý thuyết.
Theo chương trình này thì phần chấp tác, phần thực tập nhiều gấp 10 lần thì giờ ở trong lớp. Điều này là điều mà các trường Phật Học Cơ Bản ở trong nước rất cần. Tại vì trong nước hiện nay các trường Cơ Bản Phật Học, các sư cô, sư chú chỉ được học nhiều thôi, học càng nhiều càng tốt, mà không có cơ hội để thực tập và chấp tác chung với nhau. Chấp tác ở đây có nghĩa là sinh hoạt bằng cách đem những điều mình đã học được, áp dụng ngay vào việc rửa chén, bổ củi, nấu cơm, lau nhà v.v...
Năm 1964 tôi được Giáo Hội giao phó cho việc mở Viện Đại Học Phật Giáo. Trường đầu tiên lập ra là Viện Cao Đẳng Phật Học. Tôi có làm một lầm lỗi mà bây giờ tôi phải sám hối! Tôi đã và đang sám hối trong mấy mươi năm nay rồi!
Đó là trong khi tổ chức Viện Cao Đẳng Phật Học, tôi đã tổ chức theo phương pháp Tây phương. Tức là thì giờ để học rất nhiều, học để có chứng chỉ, chứng chỉ Phật học Căn bản, chứng chỉ Duy thức học, chứng chỉ Bát Nhã học v.v... Chương trình có những chứng chỉ như vậy. Tuy rằng Viện Cao Đẳng Phật học sử dụng những cái hay của các trường Đại học Âu châu, và phối hợp những điểm hay của các trường đại học Mỹ châu, nhưng phần thực tập không có thì giờ tương đương. Vì vậy cho nên khi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Phật Học mình chỉ có một số chứng chỉ thôi, còn chuyện xây dựng tăng thân, nấu cơm trong chánh niệm, thiền hành, thiền tọa v.v..., sinh viên không nắm vững như ở trong một tu viện.
Cho nên khi thành lập Đạo Tràng Mai Thôn, tôi đã đổi lại theo phương pháp cổ điển của thầy Bách Trượng. Vì vậy cho nên tại Làng Mai thì giờ ở trong lớp học có ít, nhưng thì giờ sống chung, chấp tác, đem những điều mình học, mình hiểu vào đời sống hàng ngày thì nhiều. Cũng vì vậy tôi đã viết về Việt Nam và nói rằng trong chương trình bốn năm, thì giờ dành cho việc thực tập và sinh hoạt chung cần 10 lần nhiều hơn thì giờ trong lớp học. Hy vọng các Ni sư, các Thượng tọa ở nhà tiếp nhận được thông điệp đó mà cho phép các sư cô, sư chú học ít một chút, và thực tập nhiều hơn một chút trong đời sống tu học hàng ngày.
Làm sao để tổ chức trường Phật học theo thể thức tu viện thì mới thành công được. Tức là tất cả các tăng, ni sinh, đều phải ở nội trú, đều phải có thì giờ đi thiền hành chung, ngồi thiền chung, sinh hoạt chung, phân công chấp tác chung, thì cái học mới thấm được vào đời sống. Còn không thì những điều học được trong lớp, chỉ là một mớ kiến thức khái niệm, chỉ có thể đem buôn bán được thôi chứ không có ích lợi gì nhiều cho sự tấn đạo, nghiêm thân, không nuôi dưỡng được giới thân, tuệ mạng.
Tôi sám hối không phải chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, vì vậy cho nên ở Làng Mai chúng ta theo phương pháp đó. Phải xây dựng tăng thân, phải học chấp tác. Sau này các thầy, các sư cô, các sư chú lập Phật Học Viện thì nên nhớ điều này. Làm sao để những người thụ huấn có những tri kiến giải thoát chứ không phải là tri kiến sách vở.
Trong thời gian tu học với thiền sư Bách Trượng, một hôm thầy Vô Ngôn Thông nghe một vị xuất gia hỏi thầy Bách Trượng: Bạch thầy, con đường đốn ngộ là con đường gì? Đốn ngộ tức là giác ngộ một cách chớp nhoáng, không cần trải qua nhiều năm tháng. Giác ngộ thình lình!
Phương pháp đốn ngộ là một phương pháp mà thầy Vô Ngôn Thông đã đem giảng dạy ở Việt Nam. Thường thường người ta tin rằng tu hành thì phải đi từ từ, và sự giác ngộ cũng sẽ đến từ từ. Nhưng phái thiền Vô Ngôn Thông chủ trương rằng giác ngộ có thể tới một cách rất bất thần. Mình không chờ trước được, và nhiều khi năm tháng không phải là yếu tố quan trọng nhất để đạt tới sự giải thoát.
Điều này làm cho chúng ta nhớ tới lời nói của Bụt với vua Ba Tư Nặc. Nhà vua hỏi rằng: Ngài mới có ba mươi bảy, ba mươi tám tuổi mà đã được xưng tụng là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì có hơi quá hay không? Các vị lãnh đạo tôn giáo khác người ta bảy mươi, tám mươi, mà không ai nói như vậy cả. Ngài mới tuổi đó mà đã mang danh xưng đó thì có quá đáng không? Bụt mỉm cười và nói: Đại Vương, vấn đề giác ngộkhông phải là vấn đề năm tháng. Thành ra chúng ta biết rằng cái tư tưởng đốn ngộ nó có gốc rễ ngay từ trong đạo Bụt Nguyên thủy.
Khi vị xuất gia đó hỏi thầy Bách Trượng: Bạch thầy giáo lý đốn ngộ là giáo lý như thế nào? Thì thiền sư Bách Trượng trả lời rằng:
Tâm địa nhược thông,
Tuệ nhật tự chiếu.
Có nghĩa là nếu mảnh đất của tâm mà được thông suốt, nhược có nghĩa là nếu, và thông suốt có nghĩa là tự do, thì mặt trời của tuệ giác tự nó chiếu sáng, mình không cần phải tìm đâu hết. Chúng ta thấy danh từ tâm địa là rất hay. Tâm được ví với đất, mà trong đất thì có những hạt giống, trong đó có hạt giống bồ đề, hạt giống hạnh phúc v.v... Điều quan trọng là mình đừng lấy một tờ nylon mà phủ mảnh đất tâm của mình lại. Đó là tất cả bí quyết của sự tu tập. Những thành kiến, những cố chấp, những tri kiến sách vở, những ý niệm về hạnh phúc, về giải thoát của mình, mình phải lột bỏ hết. Có thể những điều mình đã học được đều chỉ là những cái trở ngại cho sự giải thoát. Nếu mỗi ngày anh chứa chất thêm một ít kiến thức như vậy, thì cũng như mỗi ngày anh kéo thêm nylon đắp lên miếng đất của anh, và không có cơn mưa nào có thể thấm vào lòng đất, cũng không có tia mặt trời nào có thể chiếu vào mảnh đất đó được.
Vậy thì nếu mặt đất của tâm mà được tháo gỡ, thảnh thơi, thông thương thì mặt trời của trí tuệ tự nó chiếu sáng, mình không phải đi tìm. Đó là câu nói của thầy Bách Trượng, và thầy Vô Ngôn Thông, bấy giờ đã chín, nghe câu nói đó thì bỗng hiểu ra. Tuệ giác của thầy bắt đầu lớn lên từ giờ phút đó!
Cho nên quý vị đi tìm chân lý, đừng đi như là đi lượm củi, hễ thấy có cành củi nào là lượm hết, một hồi lưng mình sẽ gù xuống vì bó củi của mình. Bí quyết của chân lý là tự do, là sự vất bỏ. Vất bỏ được gì thì vất bỏ, đừng tích chứa thêm. Nghệ thuật là ở chỗ liệng bỏ. Người ta liệng bỏ không hết, mình còn đi kiếm chác!
Không phải chỉ có sách Thiền Uyển Tập Anh là có nói tới thầy Vô Ngôn Thông, mà sách Cao Tăng Truyện (Tam Tập) của Thông Tuệ cũng có nói tới thầy Vô Ngôn Thông. Cũng chính sách này kể lại cho chúng ta nghe câu chuyện giữa thầy Vô Ngôn Thông với chú tiểu Ngưỡng Sơn.
Nghe nói hồi chưa qua Việt Nam, một hôm thầy đang ở tại ngồi chùa tên là Chùa Hòa An. Hôm đó có ông khách viếng chùa, và hỏi rằng: Bạch thầy, thầy có phải là thiền sư không? Thầy Vô Ngôn Thông nói: Thiền hả? Tôi có biết gì đâu! Người kia thất vọng quá, và ông không biết nói gì hơn! Nếu thầy nhận là thiền sư thì ông có thể hỏi được một vài câu, đằng này thầy nói không phải, thành ra ông không hỏi được. Cho nên ông cứ im lặng ngồi đó. Hai người ngồi lâu thật là lâu mà không nói năng gì thêm!
Khi nói chuyện với thiền sinh mình phải cẩn thận lắm, họ sẽ hỏi từ câu này đến câu khác. Mình bắt chước thầy Vô Ngôn Thông là dễ nhất!
Một lúc sau, thấy ngồi lâu tội nghiệp, thầy Vô Ngôn Thông mới chỉ cây gỗ gụ ở trước sân chùa mà không nói câu nào cả. Cóù lẽ cây đó đẹp lắm. Ông kia có thấy được hoặc không thấy được cây đó là do phước đức của ông ta. Tại vì thiền sư đã làm hết sức của người ta rồi. Người ta im lặng cho mình, người ta phá bỏ cho mình cái ý niệm thiền sư với không thiền sư rồi, giờ người ta còn đưa ngón tay ra chỉ cho mình một cây rất đẹp ở trước sân. Nếu mình không tiếp xúc được với cây đó thì đành chịu thua, mình không có duyên gì cả!
Thầy rất ít nói, cho nên danh từ Vô Ngôn Thông là do người đương thời tặng cho thầy.
Khi qua Việt Nam thầy tới một ngôi chùa gọi là chùa Kiến Sơ. Thấy ngôi chùa này dễ thương, nên thầy ở lại, nhưng thầy cũng chẳng nói tôi là thiền sư, nếu mấy anh muốn học thì tôi sẽ dạy, nếu mấy anh muốn chương trình bốn năm thì tôi sẽ cho chương trình bốn năm! Thầy chẳng nói gì cả! Nhưng cái phong thái của thầy rất đẹp cho nên ai cũng muốn thầy ở lại. Tuy ở lại nhưng thầy không nói gì hết, thầy ngồi thiền rất nhiều, và khi ngồi thì thầy chỉ nhìn vào vách tường mà thôi.
Chùa Kiến Sơ thuộc làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Lúc đó chùa cũng mới được thành lập, và thầy trụ trì là thầy Lập Đức, có nghĩa là lập chí để xây dựng đức độ của mình. Thầy Lập Đức là một thầy có bồ đề tâm rất lớn, có chí khí tu học rất lớn. Một người họ Lý (trong sách ghi là họ Nguyễn, nhưng thật ra là họ Lý, vì sau khi nhà Trần cướp ngôi nhà Lý thì bắt tất cả mọi người họ Lý đổi thành họ Nguyễn, vì lý do kỵ húy. Thành ra trong sách này chép là họ Nguyễn), có cái nhà rất đẹp và phát tâm biến nhà mình thành một ngôi chùa, tại vì khu đất rất đẹp. Sau khi biến nhà mình thành một ngôi phạm vũ, nguy nga thì Nguyễn mới tới cầu thầy Lập Đức về trụ trì. Thầy nói: Tôi đâu phải sinh ra để làm trụ trì? Tôi không thích trụ trì.
Có những người như vậy. Họ rất sợ làm trụ trì. Chúng ta nhớ thầy Đại Sáng của phái Tào Động bên Quảng Đông, qua truyền giới ở Thừa Thiên và Quảng Nam. Hồi thầy đó làm trụ trì thì chùa rất giàu, và thầy rất bận rộn. Một hôm có một nhóm văn nghệ sĩ đến thăm chùa, thầy than phiền: Tôi sao bận rộn nhiều công việc quá! Thì có một chàng thi sĩ nói: Thầy bận rộn vậy tại sao thầy không đi xuất gia đi! Rõ ràng thầy đã là một vị đại Hòa thượng, đã làm trụ trì một ngôi chùa rất lớn, mà còn nói người ta bận rộn vậy tại sao không xuất gia đi! Ông nhà văn đó tuy chưa được truyền đăng nhưng đích thực là một thiền sư. Xuất gia có nghĩa là có sự thảnh thơi, cho nên có một số người không ưa làm trụ trì là vì vậy.
Hồi còn ở Việt Nam tôi rất thích sự kiện là tôi không làm trụ trì. Tại vì đi đến chùa nào cũng được tiếp đón như một ông hoàng tử, rất là sướng, mà khỏi phải lo chùa, khỏi phải lo gì hết. Đi tới đâu cũng sướng thì tại sao mình phải dấn thân vào con đường khổ cực làm trụ trì làm gì?
Thầy Lập Đức có lẽ cũng có cùng tư tưởng. Nhưng mấy đêm sau thì thầy nằm mơ một giấc mơ rất là lạ lùng. Có một nhân vật hiện ra trong giấc mơ và nói rằng: Thầy nên nhận làm trụ trì chùa đó đi, tại vì sau này chùa sẽ trở nên một trung tâm tỏa chiếu hào quang cả nước. Khi thức dậy, thầy tin ở giấc mộng đó cho nên thầy nhận lời làm trụ trì và thầy tụ tập một số người xuất gia để tu học. Chính ngôi chùa đó là nơi thầy Vô Ngôn Thông tìm tới. Có lẽ thầy Lập Đức cũng còn trẻ, cũng không vướng víu vào chuyện chùa chiền. Vì vậy cho nên thầy Vô Ngôn Thông tới và trong vòng hai năm trời thầy không giảng dạy gì cả, thầy chỉ sống trong chúng và ngồi thiền mà thôi.
Thầy Lập Đức lại có nhận xét rất tinh vi. Thầy nói đây là một vị cao tăng. cho nên thầy tiếp đãi vị cao tăng đó với tất cả tấm thịnh tình của một người tri kỷ. Vì vậy mà đến năm thứ ba thì thầy Vô Ngôn Thông bắt đầu nói chuyện và dạy cho thầy này. Sau đó thì thầy Vô Ngôn Thông truyền pháp cho thầy Lập Đức, rồi đặt tên lại cho thầy là Cảm Thành, tại vì thầy Vô Ngôn Thông cảm tấm lòng rất thành khẩn của thầy Lập Đức.
Vì vậy mà thiền sư Cảm Thành là thế hệ thứ hai của thiền phái Vô Ngôn Thông. Hôm nay chúng ta nên đọc bài kệ truyền đăng của thầy Vô Ngôn Thông truyền cho thầy Cảm Thành. Bài kệ của thầy Vô Ngôn Thông làm mỗi câu gồm bốn chữ:
Chư phương hạo hạo, có nghĩa là mọi phía nó rộng rãi, nó lồng lộng (hạo hạo).
Vọng tự huyên truyền, vọng tức là dối, không thật. Huyên truyền là đồn đãi những tin thất thiệt. Bốn phương lồng lộng, mặc sức tuyên truyền.
Vị ngô thỉ tổ-Thân tự Tây thiên. Tuyên truyền rằng vị tổ đầu tiên của chúng ta là ở bên Tây thiên, tức bên Tây Trúc, bên Ấn Độ. Bản thân của người đó ở bên Ấn Độ.
Truyền pháp nhãn tạng-Viết vị chi "thiền", vị tổ đó đã truyền cho cái pháp gọi là nhãn tạng, và cái pháp đó được gọi là thiền. Mình thấy vị thiền sư này cũng ghê lắm, cho rằng chuyện thiền tông đã truyền qua 28 vị tổ, từ Bồ-Đề Đạt-Ma cho đến Huệ Khả, Tăng Xán..., chỉ là "huyên truyền". Nghe thì nghe thôi chứ đừng tin quá! Tin quá thì bị lầm! Mình thấy ngay trong mấy câu đầu mà thiền sư Vô Ngôn Thông đã có cái khí phách, cái ngôn ngữ khác người.
Nghe người ta nói lại là thầy Bồ-Đề Đạt-Ma đem chánh pháp nhãn tạng của Bụt mà truyền sang Trung Quốc, và câu chuyện đầu tiên mà thiền môn dùng là câu chuyện kể rằng có một hôm Bụt đứng ở trong hội Linh Sơn, cầm một cái bông và mỉm cười, không nói gì cả. Ngài im lặng thật lâu và mọi người đang nát óc suy nghĩ coi thử ngài muốn nói gì, thì tự nhiên ngài mỉm cười. Ngài mỉm cười là vì trong đại chúng có một người đang mỉm cười. Người đó là Ma Ha Ca Diếp.
Chuyện này không có trong kinh. Chuyện này được ghi chép trong một cuốn sách thuộc về luận mà không có trong kinh Nam tông cũng như Bắc tông. Thành ra huyên truyền có thể là đúng! Rồi khi BuÏt mỉm cười thì Bụt mới nhìn ngài Ca Diếp và nói: Ta có chánh pháp nhãn tạng. Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, bây giờ ta trao cho Ca Diếp. Không lý đức Thế Tôn mà dùng nhiều danh từ quá như vậy? Thường thường ngôn ngữ của đức Thế Tôn rất là đơn giản. Cho nên cũng có thể chuyện này là huyên truyền.
Ta có chánh pháp nhãn tạng, nghĩa là ta có kho tàng của cái thấy, của con mắt, con mắt làm kho tàng, cái này rất là đẹp! Khi Bụt nhập diệt, các thầy khóc và trong khi khóc, có người than vãn: "Chết rồi, con mắt của thế gian không còn nữa! Bụt đã tịch rồi, con mắt của thế gian không còn nữa!" Trong lời kêu khóc đó có nghĩa rằng chúng ta là học trò của Bụt, chẳng có ai tiếp nhận được con mắt đó cả, cho nên mình mới nói con mắt của thế gian đã mất rồi. Còn nếu mình đã tiếp nhận được kho tàng của con mắt đó thì mình đâu có than như vậy? Có phải là mình đã xử tệ với Bụt không? Suốt 45 năm hoằng pháp là để ngài trao con mắt. Vậy mà đến ngày ngài tịch diệt thì nói con mắt mất rồi! Như vậy thì nguy quá! Lỗ vốn của Bụt rồi!
Ta có kho tàng của con mắt chánh pháp, kho tàng của cái thấy, vì cái thấy này là cái thấy của tri kiến giải thoát. Ta có trái tim mầu nhiệm của niết bàn. Ta có cái thật tướng, nhưng mà vô tướng, bây giờ ta vừa mới trao cho Ca Diếp. Đó là câu chuyện mà trong giới thiền ai cũng biết.
Câu nói đó nó chính thức công nhận Ca Diếp là sơ tổ của thiền tông. Thầy Vô Ngôn Thông là một người đã đắc đạo thật, đã thấy được sự thật. Thầy cho những chuyện này không đáng để cho mình bám vào. Có cũng được mà không cũng được! Đó chỉ là phương tiện thôi, cho nên thầy nói rằng những chuyện đó có thể là tương truyền đặt ra, đừng kẹt vào những chuyện đó.
Riêng tôi thì tôi thấy câu này có vẻ khệnh khạng, nặng nề những danh từ, nó không có cái ngữ phong của Bụt. Danh từ nhiều quá, có lẽ là do học trò của Bụt tạo ra.
Nên nhớ rằng giáo lý của đạo Bụt Nguyên thủy rất là đơn giản, nhưng rất sâu sắc. Khi chúng ta diễn giải trong ngôn ngữ của Đại thừa, chúng ta làm cho nó trở nên phiền toái một cách kinh khiếp, khiến cho khi nghe, người học đạo không hiểu gì cả! Toàn là những danh từ như thế này thôi! Thật tướng rồi lại còn Vô tướng!
Nếu Bụt nói thì có thể Bụt đã nói: Ta có con mắt, ta đã truyền cho Ca Diếp, nhưng ta cũng có truyền cho những người khác nữa. Đừng tưởng là ta chỉ thương một mình Ca Diếp thôi.
Mà sự thật là vậy. Thầy Xá Lợi Phất, thầy Ca Chiên Diên, rất nhiều người giỏi, và chắc chắn là cái thấy của Bụt đã được trao truyền cho rất nhiều người, chứ đâu phải chỉ trao truyền cho thầy Ca Diếp mà thôi! Vì thầy Ca Diếp sau này làm Thượng thủ Giáo hội, cho nên nói thầy Ca Diếp làm sơ tổ thì nó có "giá" hơn. Tôi nói vậy mà thầy Ca Diếp không giận. Quý vị đừng có giận giùm thầy Ca Diếp!
Hồi đó thầy Ca Diếp cứ rầy thầy A Nan hoài. Bây giờ mình bênh vực thầy A Nan chút đỉnh. Có lần thầy Ca Diếp nói: Đồ con nít! Thầy A Nan mới nói: Trời ơi mình hai thứ tóc trên đầu rồi mà bị kêu là đồ con nít! Hồi đó Bụt đã nhập diệt rồi. Thầy Ca Diếp thiếu điều không cho thầy A Nan đi vào trong Đại hội Kết tập kinh điển! Nhưng thử tưởng tượng trong hội nghị kết tập kinh điển mà không có thầy A Nan thì làm sao mà kết tập cho được? Tại vì thầy A Nan là cái "máy ghi âm" tốt nhất ở trong thế gian. Người ta còn tuyên truyền rằng thầy A Nan bị ngủ ở ngoài. Cuối cùng thầy gõ cửa xin vào, thì thầy Ca Diếp hỏi: Sao? đã chứng quả A La Hán chưa? Thầy An Nan nói: Chứng rồi! Thầy Ca Diếp: Nếu chứng rồi thì vô chứ cần gì phải gõ cửa? Thầy A Nan mới chui qua cái lỗ khóa để đi vào! Đó cũng là Chư phương hạo hạo, Vọng tự huyên truyền, chuyện thêu dệt ra rất nhiều. Sư huynh gì mà khó quá như vậy!
Thành ra khi thầy nói tới nhãn tạng tức là thầy nói về thiền, và thầy nói với một tâm trạng rất tự do. Cái đó người ta gọi là "thiền", Viết vị chi "thiền". Thầy còn tiếp tục giọng đó trong những câu sau:
Nhất hoa ngũ diệp-Chủng tử miên miên, có nghĩa là một bông hoa có năm cánh và hạt giống của bông hoa đó nó sẽ kéo dài mãi về tương lai. Miên miên nghĩa là nó kéo dài dài về tương lai.
Câu này nhắc lại truyền thuyết về thầy Bồ-Đề Đạt-Ma, thầy tiên đoán rằng sau này sẽ có một bông hoa thiền nở ở Trung Quốc, và bông hoa đó sẽ có năm cánh, tức là năm phái thiền (Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Vân Môn, và Quy Ngưỡng).
Người ta cũng đồn rằng thầy Bồ-Đề Đạt-Ma có làm một bài kệ như sau:
Ngô bổn lai tư độ,
Truyền pháp cứu mê tình,
Nhất hoa khai ngũ diệp,
Kết quả tự nhiên thành.
Ngô bổn lai tư độ, độ là quốc độ, tư là này. Tôi vốn tới đất nước này mục đích là để truyền pháp và cứu độ những loài chúng sanh còn mê hoặc.
Truyền pháp cứu mê tình, tình này có lẽ là hữu tình. Mê là mê ngủ.
Nhất hoa khai ngũ diệp, một bông hoa nở ra thành năm cánh, và Kết quả tự nhiên thành.
Đó là truyền thuyết về bông hoa của thầy Bồ-Đề Đạt-Ma. Chúng ta biết có năm phái thiền lớn xuất hiện vào thời thầy Vô Ngôn Thông. Thầy Vô Ngôn Thông dạy thầy Ngưỡng Sơn. Thầy Ngưỡng Sơn có liên hệ với thầy Quy Sơn, và sau đó thành lập một phái thiền gọi là Phật Quy Ngưỡng. Ở Việt Nam hai phái này có nhiều người theo.
Tiềm phù mật ngữ-Thiên vạn hữu duyên. Mật ngữ tức là những lời nói có tính cách bí hiểm. Ví dụ như "Sư chú đang làm gì đó?" "Dạ con đang thở". Những câu đối đáp đó thì chỉ có thầy với trò hiểu được. Người ngoài nghe thì có thể họ không hiểu. Mình đang xắt cà rốt mà sao nói là mình đang thở? Ngôn ngữ đó có khi ăn khớp với nhau, có sự cảm thông. Ngôn ngữ đó có khi nó cũng trật chìa, thầy trò không cảm thông nhau được. Loại ngôn ngữ đó trong thiền môn gọi là một loại mật ngữ.
Có một lần tôi tham dự một cuộc diễn hành tại Philadelphia để chống bỏ bom ở Việt Nam. Lúc đó tôi đi đầu cuộc biểu tình. Có một nhà báo đến hỏi: Thầy là người Nam hay người Bắc? Trong ý của ông ta, người Nam là chống Cộng, còn người Bắc thì chống Mỹ. Mình đâu phải chống Cộng sản, mà mình cũng không chống Mỹ, cho nên tôi nói: Tôi là người Trung. Thành ra ông kia cụt hứng, tại vì ông không tưởng tượng được có thứ người gọi là người Trung. Một là anh chống Cộng, hai là anh theo Cộng chứ làm gì mà có thứ lưng chừng? Ông không hiểu được câu nói "tôi là người Trung" là một thiền ngữ, một mật ngữ. Nó giúp cho người kia đừng bị kẹt vào những cái hộc khái niệm, tại vì người ta chia ra những cái hộc và bắt tất cả mọi hiện tượng phải xếp hàng nằm trong hộc này, nếu không thì phải nằm trong hộc kia. Ngoài ra thì không có chỗ đứng! Đó là cách suy nghĩ của người đời. Ngôn ngữ đó người ta có thể cho là bí hiểm! Nhưng thật sự người tu ở trong thiền môn mà biết nghệ thuật tháo gỡ khái niệm về ngôn ngữ thì ngôn ngữ này rất dễ hiểu! Không khó gì hết! Miễn mình có chánh niệm cho nhiều nhiều thì mình hiểu được. Nếu không thì mình trượt. Chính ở trong chùa nhiều khi tu tập chánh niệm mà đến khi thầy nói mình cũng trượt như thường!
Tiềm phù mật ngữ, tiềm có nghĩa là ẩn, là chìm xuống, còn phù này không phải là nổi. Nếu nổi thì khỏe quá rồi, nó không nổi mình mới chết chứ! Chữ phù này có nhiều nghĩa. Trước hết nó có nghĩa là cái "bùa", cổ yếm đeo bùa, một đạo phù chú. Thứ hai nó có nghĩa nó thích hợp rồi. Thứ ba nó có nghĩa là một cái thẻ làm bằng tre. Những lời nói mật ngữ, hoặc nó ẩn dấu, hoặc nó có tính cách tín hiệu, nó phù hợp, nó có rất nhiều, thiên vạn hữu duyên. Nó cả hàng ngàn, hàng vạn lời như vậy, và nếu mình có duyên thì mình mới có thể nhờ những lời mật ngữ đó mà mình hé thấy được chân lý,
Chúng ta đọc thêm hai câu nữa.
Hàm vị tâm tông,
Thanh tịnh bản nhiên.
Hàm là đều. Đều được gọi là tông phái của trái tim. Tất cả những điều đó, những điều gọi là truyền pháp nhãn tạng; thiền; nhất hoa ngũ diệp; chủng tử miên miên; tiềm phù mật ngữ; thiên vạn ứng duyên v.v... Tất cả những cái đó đều được gọi là tông phái của trái tim.
Quý vị cũng biết rằng "Tâm tông" là tên của thiền tông. Thiền tông có thể gọi là Tâm tông, tức là truyền thống trong đó ông thầy lấy trái tim của mình mà in lên trái tim của học trò, và ghi lại một dấu ấn trên đó. Học trò tiếp nhận xong thì phải làm sao để truyền lại dấu ấn đó trên trái tim của người học trò của mình. Làm được là khi trái tim không bị bao plastic!
Thanh tịnh bản nhiên, và sự thanh tịnh đó vốn là sẵn có chứ không phải mình đạt được.
Vậy thì ở thế kỷ thứ 9, chúng ta đã dùng danh từ Tâm Tông rồi, tiếng Anh gọi là The School of the Heart. Tại vì truyền đạt lại (transformation) bằng trái tim chứ không phải truyền lại bằng các phương tiện khác.
Trước khi học tiếp bài kệ của thầy Vô Ngôn Thông chúng ta hãy ôn lại mấy câu đã học.
Chư phương hạo hạo,
Vọng tự huyên truyền,
Vị ngô thỉ tổ,
Thân tự Tây Thiên,
Truyền pháp nhãn tạng,
Viết vị chi "thiền",
Nhất hoa ngũ diệp,
Chủng tử miêm miên,
Tiềm phù mật ngữ,
Thiên vạn hữu duyên,
Hàm vị tâm tông,
Thanh tịnh bản nhiên...
Chúng ta hãy tóm lại ý nghĩa của những câu đó trước khi học tiếp: Bốn phương lồng lộng, mặc sức mà đồn đãi,huyên truyền một cách sai lạc rằng vị tổ đầu tiên của ta là ở bên Thiên Trúc đã truyền cái chánh pháp nhãn tạng gọi là "thiền". Một cái bông hoa nở ra năm cánh và hạt giống nó kéo dài vô tận tới tương lai, nó hàm chứa đến hàng ngàn, hàng vạn mật ngữ. Tất cả những cái đó đều được gọi là tâm tông. Trái tim đó vốn là tự nhiên, vốn là thanh tịnh. Đó là những điều người ta nói về thiền. Nào chánh pháp, nhãn tạng, niết bàn, diệu tâm. Nào các mật ngữ, nào sự truyền thừa, nào cái gọi là tông phái của trái tim.
Sau đây là những lời kế tiếp của thầy Vô Ngôn Thông:
Tây thiên thử độ,
Thử độ Tây Thiên,
Cổ kim Nhật Nguyệt,
Cổ kim sơn xuyên.
Tây thiên thử độ tức là Tây Thiên là đâu? Tây Thiên là đây. Tây thiên tức là trời Tây. Trời Tây có nghĩa là Ấn Độ, nơi Bụt và thầy Ca Diếp hành đạo. Đây là những lời nhắn nhủ của thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi. "Tây Thiên là đâu? Tây Thiên chính là đất nước này". Độ tức là quốc độ. Có thể đọc là thổ. Nhưng "đất" mình cày cấy mới gọi là thổ, còn "đất nước" thì phải đọc là độ, tuy cách viết giống nhau. Như là tịnh độ, có thể đọc là tịnh thổ.
Ấn Độ là đâu? Ấn Độ là đây. Bụt là đâu? Bụt là đây. Thầy Vô Ngôn Thông muốn phá cái ý niệm không gian và thời gian. Tại sao? Tại vì người ta có khuynh hướng vướng vào những sự kiện lịch sử, vướng vào ngôn từ và ý niệm. Có thể chúng ta bỏ phí gần hết cuộc đời chúng ta vào sự nghiên cứu và tìm hiểu những cái không quan trọng lắm. Chúng ta tìm hiểu thầy Ca Diếp làm gì, thầy A Nan làm gì, 28 vị tổ bên kia làm gì, thầy Bồ-Đề Đạt-Ma làm gì, thầy Huệ Khả làm gì? Đó là những điều mà nhiều người trong chúng ta đang làm bây giờ,
Ở Việt Nam cũng như ở Nhật Bản, ở Trung Quốc, ở Âu Châu, Mỹ Châu chúng ta đang học thiền theo kiểu đó. Chúng ta để rất nhiều thì giờ để nghiên cứu, đàm luận về sự truyền thừa. Chỗ nào có lỗ hổng thì chúng ta thiết lập ra một cái gì để trám vào lỗ hổng đó. Sự thiết lập thứ tự truyền thừa từ tổ này đến tổ kia có thể chỉ là một sự sáng tạo của tâm ý của chúng ta mà thôi. Đó là khuynh hướng của mọi người, tại vì trong mỗi chúng ta có cái nhu yếu đi ngược lại để thấy tổ tiên của mình là ai, ở chỗ nào v.v... Cách trình bày về truyền thừa của thiền tông phần lớn là do thiền sư Thần Hội thuộc tông phái miền Nam chủ xướng. Ở miền Bắc, sau Ngũ Tổ thì có thầy Thần Tú, miền Nam có thầy Huệ Năng.
Ở miền Bắc, sau khi Ngũ Tổ tịch diệt thì tổ Thần Tú cũng đã quản lý một đạo tràng rất hưng thịnh và truyền được hai ba đời rất hưng thịnh, được các nhà cầm quyền ủng hộ rất nhiều, oai danh cũng lừng lẫy lắm. Nhưng vì sự ghi chép thiếu sót cho nên chúng ta không biết nhiều về chi tiết của sự hưng thịnh này.
Trong khi đó, Nam tông của thầy Huệ Năng, qua công trình của thầy Thần Hội, đã được trình bày như là sự truyền thừa duy nhất và đáng kể của Ngũ Tổ. Làm như là sau khi Huệ Năng đã được trao y bát, và chạy về phương Nam rồi, thì miền Bắc là không còn gì nữa! Tất cả tinh hoa của thiền là chạy vào trong Nam hết! Đó là theo lời của Nam tông.
Chắc chắn thầy Vô Ngôn Thông đã thấy rõ những điều đó là quá đáng, và thấy người ta đã mất rất nhiều thì giờ để xây dựng một hệ thống như vậy, mà không để thì giờ quí báu để tu học thật sự. Cho nên trong bài kệ này thầy Vô Ngôn Thông mới nói rằng có sự huyên truyền, có sự vọng động, có sự tự đưa mình lên cao. Những câu kệ này nó phản chiếu được tình trạng đó và thầy không thích thú bao nhiêu. Đây là những lời của thầy:
Tây Thiên thử độ, Thử độ Tây Thiên. Rất là đơn giản. Ấn Độ là đâu? Ấn Độ là đây này. Nói Tây Thiên thử độ (Tây Thiên là đất này) chưa đủ, còn nhắc lại lần thứ hai, Thử độ Tây Thiên (đất này là Tây Thiên), Hãy trở về bây giờ và ở đây. Bụt cũng ở đây. Tổ cũng ở đây, tất cả đều nằm trên mặt đất của hiện tại.
Cổ kim nhật nguyệt-Cổ kim sơn xuyên. Mặt trời và mặt trăng của ngày xưa là mặt trời và mặt trăng của ngày hôm nay. Tại sao phải nói tới mặt trời ngày xưa cho mất công? Mặt trời đang rõ ràng trong giây phút hiện tại. Cổ kim sơn xuyên: Núi và sông (xuyên là sông) của ngày xưa nó còn đây, nó là núi và sông của ngày hôm nay. Đó là bốn câu mạnh nhất của thầy Vô Ngôn Thông, nó có nghĩa là: Hãy trở về và sống ngay trong giây phút hiện tại, Bụt ở đây, tổ cũng ở đây, đừng để trí của mình đi tìm tòi đâu xa trong quá khứ.
Tôi có kể câu chuyện sau đây trong một bài giảng hôm trước: Một hôm trong một buổi pháp đàm tổ chức tại Hòa Lan cách đây cũng mười mấy năm, có một vị linh mục đưa tay lên hỏi: Thưa thầy trong cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa thầy đã nói rằng... rồi ông lật cuốn đó ra và đọc một đoạn trong đó,... nghĩa là sao? Lúc đó mọi người trong chúng chờ đợi câu trả lời của tôi. Tôi nói: Tôi đâu có viết cuốn đó! Làm cho vị linh mục đó ngạcnhiên hết sức, tại vì ngoài bìa để Thích Nhất Hạnh rõ ràng. Ông linh mục khựng lại không dám hỏi thêm nữa, và ngay trong đại chúng hôm đó cũng có nhiều người không hiểu. Sự thật thì ông Nhất Hạnh viết cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa và ông Nhất Hạnh ngồi đây là hai người khác nhau. Và cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa là một dư âm của quá khứ. Hiện giờ mình đang trực tiếp với một ông Nhất Hạnh bằng xương bằng thịt trong giờ phút hiện tại, mình lại không chịu làm ăn với ông đó, mà mình lôi ra một tư liệu cách đây mấy chục năm để mà bàn luận!
Thành ra đó là thái độ của nhà học giả, không phải là thái độ của người tu tập. Trả lời rằng "Tôi đâu có phải Nhất Hạnh viết cuốn đó" là mình đã dùng ngôn ngữ giống như ngôn ngữ của thầy Vô Ngôn Thông. Tức là hãy tiếp xúc với tôi như là một thực thể linh động, đừng tiếp xúc với một bóng ma của quá khứ. Đó là ngôn ngữ của thiền mà thiết tưởng cũng không có gì khó hiểu.
Quý vị có nhớ câu chuyện "Cây tùng" của thầy Triều Châu không? Có một vị đệ tử lên hỏi: Bạch thầy, con ở đây đã ba năm rồi mà thầy chưa dạy cho con điều gì quan trọng hết, thầy mới dạy đi ra đi vào, thở ra thở vào mà thôi. Thành ra xin thầy dạy cho con một điều gì thật quan trọng. Tức là trong trí của sư chú là sư chú muốn thầy dạy về bản môn, tích môn, chân như, Bát Nhã v.v... Thầy Triều Châu mới nhìn ra ngoài cửa, và thầy chỉ: Này sư chú! sư chú có thấy cây tùng ở ngoài kia hay không? Sư chú quay ra và thấy cây tùng ở trước ngõ, rồi sau đó thầy Triều Châu không nói gì thêm nữa!
Cây tùng nó rất đẹp, nó không đẹp thua cây trúc ở Làng Mai. Cũng có thể nói cây trúc ở đây không đẹp thua cây tùng của thầy Triều Châu, hai cây bằng nhau. Cây tùng đó, sư chú đã đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần trong một ngày, và nếu tính ba năm thì sư chú đã đi ngang qua cây tùng cả ngàn lần. Mỗi lần đi qua cây tùng thì phải thấy đó là một thực tại rất mầu nhiệm. Nếu mình biết cách tiếp xúc với cây đó thì mình tiếp xúc được với Bụt, với tổ, với thầy, với chân như, với Bát Nhã. Còn nếu anh không tiếp xúc được với cây đó, nghĩa là anh không có chánh niệm thì anh còn cơ hội nào nữa để tiếp xúc với chân như? Anh muốn nghe những danh từ, những ý niệm về thực tại, mà anh không muốn tiếp xúc với thực tại. Đó là cái thông điệp của thiền sư Triều Châu. Nếu cây tùng đó đẹp, nó mầu nhiệm như vậy mà anh không có chánh niệm trong đời sống hàng ngày, anh không tiếp xúc được với nó thì anh hỏi về chân như, về Bát Nhã, về giải thoát làm gì mới được chứ? Đó là giáo lý sâu sắc nhất rồi mà chú còn đòi gì nữa?
Thầy Triều Châu rất nổi tiếng, vì vậy cho nên giai thoại về cây tùng được truyền ra trong chúng. Sư chú không được thông minh lắm. Sư chú còn kể lại cho chúng nghe: Mấy huynh biết không? Tôi lên hỏi vậy và thầy chỉ cây tùng như vậy thôi. Thầy không nói gì hết!
Rồi trong chẳng mấy chốc, giai thoại về cây tùng được đồn lan ra, đi về các tỉnh miền Bắc, miền Nam nước Tàu. Cho đến mấy mươi năm sau, có một người nghe tới giai thoại cây tùng, tìm tới thiền viện của thiền sư Triều Châu để hỏi. Khi đến nơi thì thiền sư không còn nữa! Rất là uổng! Vì nếu có ngài ở đó thì mình mới hỏi cho ra lẽ cây tùng nào mà nó nổi tiếng như vậy!
Khi vị thiền giả đó tới tu viện, được biết thiền sư Triều Châu đã tịch rồi thì buồn lắm. Cuối cùng có một thầy ở trong chùa nói rằng nếu thiền sư Triều Châu đã tịch rồi thì bây giờ đến hỏi một vị cao đệ, một thầy giỏi nhất, thì cũng có thể biết được câu chuyện. Vị đó tìm tới vị tọa chủ của thiền viện, và hỏi về cây tùng. Thầy tọa chủ nói: Cây tùng nào? Thầy tôi đâu có nói tới cây tùng hồi nào đâu?
Chúng ta biết giai thoại về cây tùng là một giai thoại rất nổi tiếng, nổi tiếng cho đến bây giờ bên Mỹ ai cũng biết hết! Thành ra câu nói của thầy tọa chủ là một thiền ngữ, có mục đích giết chết cây tùng, tại vì cây tùng còn thì sẽ làm khổ cho bao nhiêu người khác!
Tại sao chúng ta không thiết lập chúng ta trong giờ phút hiện tại để tiếp xúc với những gì mầu nhiệm nhất trong giờ phút hiện tại, mà chúng ta phải đi tìm những hình ảnh quá khứ, những công thức quá khứ?
Đầu tiên, cây tùng được đưa ra là để giúp sư chú, nhưng đã trở thành một cái bẩy nhốt không biết bao nhiêu người! Đó là vì họ đi tìm cây tùng như một ý niệm, như là một sự thực khách quan. Vì vậy mà họ không tiếp xúc được với cây tùng. Cây tùng thì ở đâu mà lại không có? Tại sao phải đi mấy ngàn cây số để tìm? Thầy tọa chủ đã rất thông minh, thầy nói nếu mình không giết cây tùng này đi thì có người còn bị vướng vào nó mà bỏ mất cuộc đời, nhưng thầy giết đâu được nữa? Tại vì cây tùng nó đã lên đường và hiện giờ cây tùng đó đang ở khắp nơi. Bên Mỹ, bên Đức, bên Anh, chỗ nào cũng có cây tùng của thầy Triều Châu hết! Rất là nguy hiểm!
Tôi còn nhớ hồi cuối mùa hè năm nay, khi cháu Thục Hiền chào tôi để về lại Anh, tôi có hỏi: Này con! Bên Anh có cây tùng nào không con? Cháu nói: Dạ thế nào cũng có! Không lý nào một nước lớn như nước Anh mà không có cây tùng sao? Tôi mới nói: Con về bên đó tìm cho ra nó, rồi con nhìn ngắm cho kỹ giùm cho Sư Ông. Cháu Thục Hiền đã tiếp nhận được cái thông điệp đó. Cháu đã viết thơ cho tôi và nói rằng con đã gặp được cây tùng, và con đang trân quý cây tùng trong hiện tại. Cháu tuy chưa xuất gia, nhưng cháu đã được tiếp xúc với cây tùng của thiền sư Triều Châu. Nếu không tiếp xúc được với cây tùng đó thì tất cả những cái khác, gọi là bản thể, chân như, niết bàn đều trở thành những cái hư tưởng cả. Cây bồ đề, cây trúc ở Xóm Thượng ngày hôm nay nó cũng mầu nhiệm như cây tùng ngày xưa.
Ngữ ngôn của thầy Vô Ngôn Thông cũng như vậy. Tây Thiên ở đâu mà cứ vọng tưởng về Tây Thiên? Tịnh độ ở đâu mà cứ vọng tưởng về tịnh độ? Tây Thiên là đây, và đây là Tây Thiên! Những ai chưa an trú được trong không gian và trong thời gian thì hãy biết tự an trú ngay đi.
Mặt trời và mặt trăng của ngày xưa, mặt trời mà Bụt đã nhìn, tổ đã nhìn, ông bà chúng ta đã nhìn, mặt trời đó là mặt trời ngày hôm nay. Chúng ta không cần trở về núi Thứu mới có thể nhìn thấy mặt trời mà Bụt đã nhìn. Chúng ta đứng ngay ở tại đây. Đây là núi Thứu, núi Thứu là đây. Và Bụt cũng vậy, Bụt có mặt tại chỗ này.
Tây Thiên thử độ,
Thử độ Tây Thiên,
Cổ kim nhật nguyệt,
Cổ kim sơn xuyên.
Đó là bốn câu hay nhất, đơn giản nhất của bài kệ. Các câu kế tiếp là:
Xúc đồ thành trệ,
Phật tổ hàm oan,
Sai chi hào ly,
Thất chi bách thiên,
Nhử thiện quán sát,
Mạc trám nhi tôn,
Trực nhiêu vấn ngã,
Ngã bản vô ngôn.
"Xúc" là gặp, "đồ" là bùn đất, rác rến; "trệ" là bị ứ đọng lại. Nếu chúng ta vấp vào rác rến, bùn đất thì chúng ta sẽ bị ứ đọng lại! Ghê không? Những cái người ta cho là triết lý cao siêu, mầu nhiệm mà gọi là rác rến!
Xúc đồ thành trệ-Phật tổ hàm oan, chúng ta nói oan cho Bụt và cho các vị tổ. Ngữ phong của thầy Vô Ngôn Thông rất là hùng vĩ!
Sai chi hào ly-Thất chi bách thiên, nếu chúng ta đi lệch ra ngoài một ly thôi (hào ly), "thất chi bách thiên", có nghĩa là chúng ta đi xa đến trăm ngàn dặm! Đây có ý nói các vị phải rất cẩn thận trong khi học và trong khi tu. "Thất" là mất, "bách thiên" là trăm ngàn.
Nhử thiện quán sát, là ngươi phải khéo léo mà tập quán sát.
Mạc trám nhi tôn, đừng đánh lừa con và cháu của các ngươi, tức là đừng đánh lừa đệ tử, và đệ tử của đệ tử các ngươi. Chuyện đó đã từng xảy ra trước ngài Vô Ngôn Thông cho nên ngài dặn thầy Cảm Thành phải cẩn thận. Ngươi hãy khéo léo mà quán sát, và chớ có lừa dối. Đôi khi mình không có ý lừa dối nhưng mình làm cho con (nhi) và cháu (tôn) đi lạc đường!
Trực nhiêu vấn ngả, "nhiêu" có nhiều nghĩa. Nghĩa thứ nhất là nhiều, nghĩa thứ hai là tha cho. Trực nhiêu vấn ngả là hãy thẳng thắn tha cho, đừng hỏi ta nữa!
Bản bản dịch bài kệ của thầy Vô Ngôn Thông có in trong Việt Nam Phật Gíao Sử Luận 1-Nguyễn Lang, Lá Bối Paris, 1977, trang 157-158. Ta thấy bài này có thiền phong, thiền khí rất mạnh.
Sách Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu là cuốn sách đầu tiên mà người xuất gia phải học thuộc lòng. Chú tiểu nào cũng phải học thuộc cuốn sách đó.
"Thiết yếu" có nghĩa là cần thiết nhất, "nhật dụng" là để sử dụng hàng ngày, và "tỳ ni" có nghĩa là luật, là giới.
Khi vào chùa tập sự xuất gia thì các thầy, các sư cô cho mình học hỏi, thực tập để đưa thân và tâm của mình vào trong chánh niệm ngay từ ngày đầu.
Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu là một cuốn rất mỏng, gồm mấy mươi bài thi kệ mà chúng ta phải học thuộc lòng. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta phải dùng những bài thi kệ đó để khép chúng ta vào trong nếp sống chánh niệm bằng lời kệ và bằng hơi thở.
Trong đời sống ngoài đời chúng ta không giữ thân và tâm trong chánh niệm. Chúng ta như là một con ngựa hoang, chưa được tập luyện. Một con ngựa hoang ở trên rừng chưa được tập luyện thì nó không thể làm được những công việc của một con ngựa thuần thục. Vì vậy cho nên có những nhà luyện ngựa. Họ nắm trong tay những kỹ thuật để họ luyện con ngựa trở thành những con ngựa có thể sử dụng được trong chiến trận hay trong đời sống hàng ngày.
Muốn trở thành pháp khí (tức là khí cụ của chánh pháp) thì chúng ta cũng phải được luyện tập, luyện tập như thế nào để cho thân và tâm của chúng ta an trú trong chánh niệm. Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu là cẩm nang đầu tiên, để chúng ta thực tập, đưa thân và tâm vào nếp sống chánh niệm. Nhờ đó mà chúng ta trở thành pháp khí.
Pháp khí tiếng Anh là The Instrument of the Dharma. Trong Cơ Đốc giáo có danh từ tương đương là The Instument of God. Mình thể hiện được chánh pháp bằng sự sống của mình, cho nên mình được gọi là pháp khí. Trong văn chương đạo Bụt, thỉnh thoảng mình đọc thấy có một vị thầy nhìn một chú bé, hay một cô bé, và vị thầy gật đầu nói: "Chú bé này, cô bé này có thể trở thành pháp khí". Đó là vì nhìn vào em bé đó, vị thầy thấy được những hạt giống pháp khí ở trong con người của em.
Sách Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu được một thiền sư tên là Độc Thể biên tập. Trong số mấy mươi bài kệ để thực tập chánh niệm đó, có những bài được lấy ra trực tiếp từ kinh Hoa Nghiêm, trong phẩm gọi là Tịnh Hạnh Phẩm. Những bài khác thì do thầy tự sáng tác.
Khi trở thành chú điệu, tôi được học sách này bằng chữ Hán, và phải thực tập bằng chữ Hán. Bây giờ thì chúng ta có cuốn Từng Bước Nở Hoa Sen bằng tiếng Việt.
Những bài thi kệ trong Từng Bước Nở Hoa Sen không được dịch trực tiếp từ Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, nhưng nó thâu tóm được tinh hoa của Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu. Tính chất thi ca của nó quan trọng hơn, và cuốn Từng Bước Nở Hoa Sen có những bài thi kệ mới mà chúng ta không thấy có tương đương trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu. Ngày xưa các sư chú, sư cô không đi xe đạp, không dùng điện thoại. Ngày nay ta có những bài thi kệ để thực tập trong khi đi xe đạp, khi lái xe hơi, hay khi dùng điện thoại.
Quý vị có biết rằng tôi là một trong sáu vị thầy đầu tiên ở Việt Nam đã đi xe đạp không? Trước đó ông thầy đi xe đạp thì nhìn không được! Không có oai nghi, người ta nghĩ như vậy. Nhưng sau đó thì người ta khám phá ra rằng đi xe đạp cũng có thể rất uy nghi, tùy theo cách mình đi. Lái xe hơi cũng vậy, chúng ta có thể lái xe hơi với cái uy nghi của người xuất gia. Biết đâu ngày mai một người xuất gia sẽ lái phi thuyền không gian, và cố nhiên là phải lái trong chánh niệm!
Nếu chúng ta so sánh danh từ Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu với danh từ Từng Bước Nở Hoa Sen thì chúng ta thấy tính chất thi ca của cuốn sau nó nhiều hơn cuốn trước, nó đẹp hơn.
Từng bước nở hoa Sen có nghĩa là mỗi giây phút trong đời sống, mình sống cho chánh niệm, và do sự thực tập chánh niệm đó mà sự giác ngộ của mình lớn lên và bừng nở như một bông Sen.
Sách Từng Bước Nở Hoa Sen có thể được bổ túc theo thời gian. Khi nào các thầy, các sư cô, sư chú thực tập mà tìm được những bài thi kệ cho đời sống hàng ngày và thấy hay, thì đề nghị thêm vào trong Từng Bước Nở Hoa Sen. Theo cách của Ca dao Việt Nam, kho tàng Ca dao Việt Nam càng ngày càng phong phú, là vì trong đời sống hàng ngày mình tiếp tục sáng tạo ca dao.
Kỳ trước chúng ta có học bài thi kệ:
Đặt chân trên mặt đất,
Là thể hiện thần thông,
Từng bước chân tỉnh thức,
Làm hiển lộ pháp thân.
Hôm nay chúng ta học thêm một bài nữa. Đó là bài "Thức dậy" trong cuốn Từng Bước Nở Hoa Sen:
Thức dậy miệng mỉm cười,
Hăm bốn giờ tinh khôi,
Xin nguyện sống trọn vẹn,
Mắt thương nhìn cuộc đời.
Chúng ta thử so sánh bài "Tảo giác" tức là sáng sớm thức dậy, trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, và bài "Thức dậy" trong Từng Bước Nở Hoa Sen. Mỗi bài có cái hay riêng của nó.
Bên Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu:
Thùy miên thủy ngộ,
Đương nguyện chúng sinh,
Nhất thiết trí giác,
Châu cố thập phương.
Thùy miên thủy ngộ tức là mình ngủ nghỉ mới dậy. Nó tương đương với hai chữ "thức dậy". Bên bốn chữ, bên hai chữ.
Đương nguyện chúng sinh là mong ước cho tất cả mọi loài. Đương là nên. Nên mong ước cho tất cả mọi loài.
Nhất thiết trí giác, có được tất cả giác ngộ, khai mở được cái nhất thiết trí, tức là cái trí tuệ cao tột. Nhất thiết là tất cả (Sarva), trí là JÔªna.
Châu cố thập phương, châu tức là cùng khắp, tiếng Bắc đọc là chu. Chu biến là cùng khắp. Cố tức là nhìn tới, đoái hoài tới, ôm lấy bằng ý thức của mình, chiếu cố. Thập phương là mười phương. Tức là giác ngộ được cái nhất thiết trí và có thể ôm trọn được mười phương trong trí tuệ của mình. Lấy cái trí tuệ của mình mà ôm trọn được mười phương, hiểu thấu được mười phương. Châu cố ở đây có nghĩa là hiểu thấu được một cách toàn vẹn.
Chúng ta thấy bài kệ rất hay. Sự kiện mình thức dậy nó đã có nghĩa là giác ngộ. Tại vì chữ thức dậy, tiếng Phạn là Bud. Bud là thức, người đã thức dậy là Buddha. Cho nên nhân cơ hội mình thức dậy mình muốn mọi người đều được thức dậy, và thức dậy trong cái nhất thiết trí, tức là sự mong ước cao tột. Ai cũng thành Bụt hết, và với cái trí tuệ vô lượng đó thì có thể hiểu thấu được cả mười phương. Khi hiểu được thì chúng ta sẽ thương được, và mọi loài sẽ có hạnh phúc.
Sang bài "Thức dậy" trong Từng Bước Nở Hoa Sen:
Thức dậy miệng mỉm cười. Ở đây chúng ta lời được nụ cười, vì khi thức dậy là chúng ta có sự tỉnh thức. Sự tỉnh thức đó chưa cần là nhất thiết trí. Sự tỉnh thức này có thể là sự tỉnh thức của mọi người thường thôi. Nhưng chúng ta vui mừng vì biết rằng chúng ta đang còn sống.
Hăm bốn giờ tinh khôi, thức dậy và biết mình đang còn sống, và trước mặt mình có hai mươi bốn giờ mới tinh để sống. Cái đó đủ là lý do để mình mỉm miệng cười rồi. Thức dậy miệng mỉm cười, tại sao anh lại cười? Tại vì anh thấy anh đang sống và anh có một ngày, có hai mươi bốn giờ tinh khôi trước mặt. Đó là một tặng phẩm lớn lao của đất trời. Tại vì trong sự thực tập của chúng ta, cái phép lạ mầu nhiệm, lớn hơn tất cả các phép lạ mầu nhiệm là sự kiện mình đang còn sống, và cuộc đời hiến dâng cho mình hai mươi bốn giờ mới tinh ngay khi mình vừa thức dậy! Hai mươi bốn giờ chưa bị hư hỏng, hao hụt, giống như một tờ giấy trắng tinh, chưa làm một lầm lỗi nào trên tờ giấy trắng đó hết. Hai sự việc đó đủ để cho mình mỉm cười, và nụ cười đó đã là nụ cười của sự giác ngộ, của sự tỉnh thức. Nụ cười đó là nụ cười của chánh niệm.
Đối với những người chưa quen thì thức dậy họ quên mỉm cười. Những người đó phải tìm cách làm sao để khi thức dậy mình nhớ mỉm cười. Ngày xưa ở Việt Nam tôi ngủ trong mùng vì có nhiều muỗi. Tôi cài một cái lá mùa Thu ở trên đỉnh mùng. Lúc thức dậy, nhìn thấy cái lá đó và biết rằng lá đó có mục đích nhắc cho mình cười buổi sáng, nên lúc thức dậy tôi luôn luôn mỉm miệng cười. Đó là một trong những cách nhắc cho mình biết mình phải mỉm cười. Mỉm cười như vậy nó chứng tỏ rằng mình tỉnh thức, mình có chánh niệm, mình biết giá trị của sự sống, biết giá trị của 24 giờ đồng hồ đã được trao tặng cho mình ngày hôm nay. Cứ sống 24 giờ đồng hồ, mỗi 24 giờ đồng hồ, đừng ham hố. Hãy quản lý 24 giờ đồng hồ của mình với tất cả tài năng của mình.
Trong kinh nghiệm thực tập cá nhân, tôi đã làm nhiều điều tương tự. Mình biết mình có thể bị thất niệm cho nên mình dùng những phương tiện để tự giúp mình trở về với chánh niệm.
Ví dụ như ở bàn đánh răng và súc miệng, thế nào nó cũng có một tấm kính, và tôi cũng dùng băng keo để dán lên tấm kính đó một tờ lá hoặc miếng giấy nhỏ màu đỏ, trên đó đề chữ "Mỉm cười đi", Smile! Mỗi khi tới súc miệng, nhìn lên thấy là mình mỉm cười và hình mình trong kính cũng mỉm cười trở lại! Không bao giờ nó phụ mình hết. Đó là nụ cười tỉnh thức.
Nơi tôi làm việc cũng vậy. Ngày xưa có những lúc tôi phải in sách, in kinh, và trong phòng in cũng có những phương tiện như vậy để cho mình được nhắc nhỡ, và mình an trú trong chánh niệm.
Trong một ngôi chùa, trong một trung tâm thực tập như Làng Mai, chúng ta cũng phải chế tác những phương tiện để giúp cho chúng ta nhớ trở về với chánh niệm, với nụ cười tỉnh thức. Ví dụ khi nghe tiếng chuông thì tuy biết rằng tiếng chuông đó báo hiệu giờ ngồi thiền hay là giờ ăn cơm, hoặc giờ đi thiền hành, nhưng chúng ta còn biết rằng tiếng chuông đó cũng có nhiệm vụ giúp cho chúng ta trở về với chánh niệm. Cho nên khi nghe tiếng chuông chúng ta luôn luôn dừng lại trong tâm tư, thở và chúng ta mỉm cười. Tại sao lại mỉm cười? Cười là để chứng tỏ rằng ta đang có mặt đó, ta đang có chánh niệm. Nụ cười là biểu hiệu sự có mặt của chánh niệm. Dù ta cười trong đêm tối đen, không ai thấy nụ cười của ta cả. Không có gì đẹp hơn một nụ cười trong đêm đen. Chỉ có mình biết có nụ cười đó. Nhưng biết đâu trăng sao cũng biết, vũ trụ cũng biết trên khuôn mặt mình có một nụ cười. Vậy thì thức dậy miệng mỉm cười là sự thực tập rất là cụ thể.
So với bài kệ bên Sen Búp Từng Cánh Hé, ta thấy bài bên Tỳ Ni Nhật Dụng có tính chất của sự mong ước nhiều hơn. Thức dậy tôi nguyện rằng tất cả chúng sanh sẽ đạt được cái trí giác cao tột của BuÏt để có thể ôm trọn lấy chúng sanh trong mười phương thế giới. Còn ở bên Sen Búp Từng Cánh Hé, chúng ta khiêm nhường hơn, chúng ta cụ thể hơn: Chúng ta thực tập nụ cười, thực tập hơi thở để ăn mừng sự kiện chúng ta đang còn sống và chúng ta vừa được hiến tặng 24 giờ tinh khôi. Cái tặng phẩm sự sống này, trong trạng thái tỉnh thức đó, chúng ta phát một lời nguyện, một lời nguyện không lớn bằng bên Tỳ Ni Nhật Dụng, nhưng chúng ta có thể thực tập được, có thể làm trọn được. Đó là: Xin nguyện sống trọn vẹn 24 giờ đồng hồ đó. Tại vì nếu không có chánh niệm, nếu không có sự khôn khéo, chúng ta sẽ làm hư 24 giờ đồng hồ đó. Chúng ta sẽ "dream" suốt 24 giờ đồng hồ. Chúng ta sẽ làm hư bột hư đường, chúng ta sẽ làm tiêu diêu 24 giờ đồng hồ đó. Chúng ta có nhiều chữ rất hay. Vậy thì ai là người hào kiệt có thể nắm lấy tình trạng để có thể sống được 24 giờ đồng hồ của mình một cách trọn vẹn và đừng làm hư một phần hay là toàn thể 24 giờ đồng hồ đó? Người hào kiệt không phải là người cần mang súng, mang gươm, cưỡi ngựa. Người hào kiệt chỉ cần mang theo nụ cười của chánh niệm mà thôi.
Có phải là một sự thật không khi chúng ta đi xuất gia là chúng ta muốn trở nên một người hào kiệt, một bậc trượng phu? Tại sao ta không làm chuyện đó? Tại sao ta cứ để tháng ngày trôi qua rất oan uổng? Tại sao chúng ta luôn luôn làm hư 24 giờ đồng hồ của chúng ta! Ý chí của chúng ta ở đâu? Tài năng của chúng ta ở đâu? Tuệ giác của chúng ta ở đâu mà chúng ta không sử dụng để cho 24 giờ của chúng ta bị tiêu ma? Chúng ta cô phụ ân đức của Bụt, của tổ, của cha, của mẹ khi chúng ta làm hư hoại ngày giờ của chúng ta.
Xin nguyện sống trọn vẹn. Mẹ ơi! Con sẽ sống 24 giờ trọn vẹn cho mẹ. Cha ơi! Con sẽ sống 24 giờ trọn vẹn cho cha. Bạch Bụt! Con sẽ sống 24 giờ trọn vẹn cho Bụt.
Mắt thương nhìn cuộc đời. Trong suốt 24 giờ đó con sẽ thực tập theo lời Bụt dạy là con sẽ sử dụng con mắt của từ, của bi để nhìn mọi loài chúng sanh, trong đó có anh, em, bạn bè của con. Mắt thương nhìn cuộc đời là năm chữ lấy trực tiếp từ trong kinh Pháp Hoa: Từ nhãn thị chúng sanh. Thị tức là nhìn, chúng sanh tức là tất cả mọi loài, tức là cuộc đời. Từ tức là Maitr(,Nhãn là con mắt. Từ nhãn là con mắt thương yêu. Chúng ta có con mắt đó không? Hình như có, nhưng chúng ta có dùng không? Hình như không dùng nhiều lắm!
Chúng ta biết rằng khi nhìn mà chúng ta hiểu được thì chúng ta thương được. Chứng cớ là trong quá khứ có những lúc chúng ta đã hiểu và chúng ta đã thương. Nó có nghĩa là chúng ta có khả năng hiểu và khả năng thương. Con mắt hiểu, chúng ta có, con mắt thương chúng ta cũng có nhưng chúng ta có tập luyện hàng ngày hay không để có thể mỗi ngày sử dụng được con mắt đó. Khi chúng ta biết nhìn bằng con mắt hiểu và con mắt thương thì người được thừa hưởng cái nhìn đó chính là chúng ta. Tại vì khi nhìn bằng mắt hiểu và mắt thương thì tâm hồn mình nhẹ nhàng, hạnh phúc một cách lạ lắm. Người hành từ là người tiếp nhận được hoa trái của từ bi trước hết, còn chúng sanh, người kia, cũng có thể tiếp nhận được, nhưng mà tiếp được sau đó. Khi trái tim của chúng ta nở ra như một đóa hoa thì hạnh phúc của chúng ta nó lớn lên. Hạnh phúc không thể có nếu không có tình thương. Khi trong trái tim của chúng ta ứa ra được những giọt cam lồ của tình thương thì chính con người của chúng ta có hạnh phúc trước hơn ai hết. Thực tập từ bi là một thực tập lớn ở trong đạo Bụt.
Câu tiếp theo câu Từ nhãn thị chúng sinh là Phước tụ hải vô lượng. Đó là hai câu trong phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa.
Tôi nhớ ngày xưa cách đây khoảng mười mấy năm, trong một chuyến viếng thăm một đạo tràng ở Tokyo, có một vị thiền sư Nhật Bản đem tới cho tôi một cái quạt và xin tôi viết vài chữ vào cái quạt ấy. Cầm cây bút, tôi viết liền xuống năm chữ Từ Nhãn Thị Chúng Sanh bằng chữ Nho. Ở Nhật nếu mình không biết nói tiếng Nhật thì 2nd best là viết chữ Nho thì họ cũng hiểu. Vị thiền sư đó mỉm cười rất sung sướng. Ông tiếp nhận cây bút và ông viết thêm câu thứ hai Phước tụ hải vô lượng.
Phước ở đây tức là hạnh phúc. Tụ có nghĩa là tập hợp lại, hải là biển, vô lượng là không thể nào đo được. Tức là hạnh phúc được tụ tập lại thành ra một biển lớn, biển hạnh phúc, không thể đo lường được. Chúng ta làm hạnh phúc bằng gì? Với chất liệu nào mà chúng ta tạo ra hạnh phúc? Tuệ giác đạo Bụt nói rằng chúng ta tạo hạnh phúc bằng tình thương, bằng từ và bằng bi. Khi anh biết nhìn mọi người và mọi loài bằng con mắt của tình thương, thì biển phước đức của anh bắt đầu được tạo dựng và càng ngày nó càng lớn, cho đến khi người ta không thể đo được hạnh phúc của anh! Hạnh phúc của anh lớn quá cho nên gọi là phước tụ hải vô lượng.
Đừng tưởng là phải có một trương mục bằng Mỹ kim hay Đức kim thì anh mới có hạnh phúc. Đừng tưởng rằng anh cần có xe hơi đắt tiền, nhà lầu tráng lệ, anh mới có hạnh phúc. Đừng tưởng là anh phải có bằng cấp này, bằng cấp kia, anh mới có hạnh phúc. Đừng tưởng anh phải làm chức này, chức kia, thì anh mới có hạnh phúc.
Tại vì hạnh phúc đích thực là được làm bằng tình thương. Giờ phút mà từ trái tim anh ứa ra những giọt nước cam lộ của từ và của bi là anh bắt đầu thấy thoải mái, anh thấy nhẹ nhàng, anh thấy hạnh phúc. Nếu anh đang đau khổ, nếu chị đang đau khổ thì có nghĩa là anh và chị đang thiếu giọt cam lộ ở trong trái tim của anh, của chị.
Các thầy, các sư cô, các sư chú có thể theo phương pháp đó mà viết chú giải cho cuốn Từng Bước Nở Hoa Sen. Hoặc lấy từ kinh nghiệm thực tập của mình để đưa ra những lời chú giải. Những lời chú giải như vậy khiến cho người ta học thuộc và thực tập được những bài thi kệ này một cách rất sâu sắc. Nếu không thì chúng ta chỉ học thuộc và đọc như những con vẹt thôi. Như vậy thì năng lượng và hoa trái của sự thực tập sẽ không lớn lắm.
Chúng ta nên biết ngày xưa các tổ rất ý thức về điểm này. Ở chùa có hai buổi công phu, gọi là Nhị khóa. Chú tiểu nào cũng phải học thuộc kinh kệ. Buổi sáng có Lăng Nghiêm, Đại Bi, Thập Chú. Buổi chiều có Di Đà, Hồng Danh, Thí Thực. Nhiều khi mình học rất thuộc kinh và chú, thuộc như cháo, mình tụng rất mau, không vấp váp chút nào hết. Mõ thỉnh rất mau, nhưng chúng ta không thể hiểu được tất cả cái mầu nhiệm ở trong lời kinh.
Trước đây chúng ta đã có cơ hội nghe giảng về hai câu trong bài Dâng hương:
Giới hương, định hương, dữ tuệ hương,
Giải thoát, giải thoát tri kiến hương,
Đó là năm thành phần của pháp thân mà mỗi người đều có. Chúng ta biết rằng những câu dâng hương, những bài xướng, bài tán, bài kinh có nghĩa lý rất sâu sắc như hai câu Từ nhãn thị chúng sinh, Phước tụ hải vô lượng. Chúng ta cần có người giải thích, dạy dỗ thì chúng ta mới hiểu được chiều sâu của những câu kinh như vậy. Cho nên ngày xưa các tổ có biên tập cuốn gọi là Nhị Khóa Hợp Giải. Tức là chú giải về nghĩa lý của hai buổi công phu, và hình như thầy Khánh Anh có dịch cuốn này ra tiếng Việt.
Bây giờ chúng ta có cuốn Nghi Thức Tụng Niệm mới, thì chúng ta cũng phải có người làm công việc đó, tức là cũng phải đem ra chú giải, để cho những sư cô, sư chú, phật tử vừa bắt đầu tu học, thấy được chiều sâu của những lời tụng, lời niệm ở trong Nghi Thức đó.
Các kinh như là kinh Thương Yêu, kinh Người Biết Sống Một Mình, kinh Trung Đạo Nhân Duyên v.v..., cũng đều cần được chú giải. Chúng ta biết rằng trong Nghi Thức Tụng Niệm in năm 1994, có Phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa, trong đó có hai câu mà chúng ta vừa nói đến là Từ nhãn thị chúng sinh, Phước tụ hải vô lượng.
Vậy thì mình là người tu, xuất gia hay tại gia, nếu quyết tâm tu học, thì mình phải tìm cách quản lý 24 giờ đồng hồ của mình một cách thông minh, và nhất quyết đừng làm cho 24 giờ đồng hồ đó hư hỏng. Rất là uổng phí. Hai mươi bốn giờ đồng hồ tinh khôi là một tặng phẩm của sự sống, của đất trời, và cha mẹ ta cũng như thầy tổ ta đều muốn ta sống 24 giờ đồng hồ đó một cách sâu sắc, trọn vẹn. Và phương pháp sống sâu sắc và trọn vẹn là phương pháp sống trong chánh niệm.
Chúng ta biết có những người trong đó có những người trẻ, suốt đời họ cảm thấy bơ vơ, thấy rằng chỗ mình đang đứng, không phải là chỗ của mình, thấy rằng chỗ mình đang ngồi không phải là chỗ của mình. Họ thấy mình chưa tìm ra chỗ của chính mình, và suốt đời họ chạy quanh, đi tìm cái gọi là chỗ đích thực của mình. Nhiều người trong xã hội này cảm thấy như vậy lắm. Đâu là chỗ đích thực của ta? Đây đâu phải là chỗ của ta? Tại vì ta đứng, ngồi không yên ở chỗ này!
Có một bài nhạc của Phạm Duy, trong đó có hai câu: Trăng ơi im lặng suốt đời, mà sao ta vẫn đứng ngồi không yên! Đứng bên Mỹ không yên, qua Pháp đứng cũng không yên, về Việt Nam đứng cũng không yên. Đứng không yên, ngồi cũng không yên, là tại vì chúng ta chưa học được phép an trú.
Chúng ta biết thiền của Bồ-Đề Đạt-Ma, Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín là thiền an tâm. Còn thiền Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi, Pháp Hiền là thiền an trú. Làm thế nào ngồi mà thấy chỗ ngồi này là chỗ ngồi đích thực của mình. Ngồi đây mình thấy an, mình thấy at home, mình thấy là mình đang ngồi ở trong nhà của mình. Tất cả bí quyết là ở chỗ đó. Đứng ở đâu là mình thấy thoải mái ở đó. Ngồi ở đâu là mình thấy thoải mái tại đó. Chỗ này là chỗ của tôi. Và chỗ của tôi là giây phút hiện tại, là bây giờ và ở đây. Sự thực tập chánh niệm đưa lại cho mình sự tỉnh thức, và nhờ sự tỉnh thức đó mà chúng ta biết trân quý sự sống 24 giờ tinh khôi, và chúng ta quyết không để cho sự sống đó tuột ra khỏi năm ngón tay của chúng ta. Do đó chúng ta có khả năng an trú, hạnh phúc bây giờ và ở đây. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần phải học cho mau để ra hành đạo, tức là chúng ta chưa an trú được. Nếu chúng ta nghĩ rằng chương trình bốn năm là hơi lâu thì chúng ta không an trú được.
Chúng ta biết rằng mỗi khi muốn đi picnic, chúng ta phải sửa soạn để có thể tới chỗ làm picnic. Chúng ta ở đó chừng một ngày, hay ít hơn một ngày, nhưng ta muốn sống an lạc và hạnh phúc suốt trong thời gian ở đó, phải không?
Vậy thì 24 giờ đồng hồ hiến tặng cho ta là thời gian ta phải sống trọn vẹn, từng giờ, từng phút. Chúng ta phải sống sâu sắc, và phải sống có hạnh phúc, có an lạc. Vì vậy cho nên sự thực tập tỉnh thức, sự thực tập tình thương phải được thực hiện ngay trong 24 giờ đồng hồ đó.
Nếu trong quá khứ chúng ta đã lơ là, chúng ta đã khinh suất mà không nhận ra được rằng 24 giờ đồng hồ đó là bảo vật quý nhất của đời ta, và ta đã từng để cho 24 giờ này trôi đi, 24 giờ kia cũng tiếp tục trôi đi, chúng ta đã từng làm một đứa con phá của, thì chúng ta phải kịp thời thức tỉnh lại, và đêm nay ta sẽ thức khuya thêm một chút để quán chiếu, để thiết kế, làm thế nào để cho 24 giờ đồng hồ sắp tới, phải là một sự thành công, để chúng ta đừng phụ lòng cha mẹ, phụ lòng tổ tiên, phụ lòng thầy, phụ lòng Bụt và tổ. Chúng ta phải là một nhà quản lý giỏi, quản lý 24 giờ của chúng ta. Chúng ta phải đem hết tài năng, hết thông minh của chúng ta, năng lượng của chúng ta ra để quản lý 24 giờ của chúng ta. Người tu phải là một Ma-nager, tức là một vị quản lý để quản lý 24 giờ đồng hồ của mình cho thông minh.
Trong khi tụng giới Sa di, Sa di Ni chúng ta nghe người thuyết giới nói Các vị Sa di, thì giờ thấm thoắt như tên bay, các vị phải chuyên cần tu học, đừng bỏ phí thời gian và tuổi trẻ. Quý vị được nhắc nhở mỗi 15 ngày chứ không phải không được nhắc nhở. Lời nhắc nhở này không phải chỉ hướng đến giới Sa di, Sa di Ni. Nó cũng hướng đến giới Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, hướng tới giới Tiếp hiện, tới những người thọ năm giới. Bắt đầu từ giờ phút này chúng ta đừng làm những đứa con phá của nữa mà phí đời ta!
Chúng ta biết rằng thiền sư Vô Ngôn Thông đã từng được học với thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, người đã viết quy luật về thiền môn gọi là Bách Trượng Thanh Quy.
Trên thầy Bách Trượng có thầy Đạo Nhất Mã Tổ. Trên Mã Tổ là thầy Nam Nhạc Hoài Nhượng. Thầy Nam Nhạc là một đệ tử lớn của thầy Tào Khê, tức là Huệ Năng.
Dưới thầy Bách Trượng có ba thầy: Thầy Vô Ngôn Thông, thầy Quy Sơn, sau đó thì có thầy Ngưỡng Sơn. Chúng ta biết rằng thầy Vô Ngôn Thông có dạy thầy Ngưỡng Sơn và thầy thứ ba là thầy Hy Vận Hoàng Bá. Thầy Hoàng Bá đào tạo ra thầy Lâm Tế.
Thầy Quy Sơn, Ngưỡng Sơn lập ra phái Quy Ngưỡng, và thầy Vô Ngôn Thông sáng lập ra phái Vô Ngôn Thông.
Cố nhiên thầy Huệ Năng còn có nhiều học trò khác, trong đó có thầy Thanh Nguyên Hành Tư, và Thạch Đầu Hy Thiên. Và thầy Thạch Đầu có hai học trò nhưng chúng ta không kê khai nhiều tên (xem Biểu đồ 1).
Thầy Thạch Đầu sản xuất ra những người học trò và lập ra hai tông phái khác. Một bên là thầy Vân Môn Văn Yển (864-949) khai tổ thiền tông gọi là Vân Môn, một bên là thầy Pháp Nhãn Văn Ích (885-958) khai tổ tông Pháp Nhãn (xem Biểu đồ 2).
Biểu đồ 2-
Ba tông phái từ đệ tử dòng Huệ Năng
Như vậy thì ba tông phái Tào Động (Tổ thứ nhất là Động Sơn Lương Giới, 807-869), tông phái Vân Môn và tông phái Pháp Nhãn là từ thầy Thanh Nguyên Hành Tư (660-740) học trò của Huệ Năng) mà ra. Rồi từ thầy Bách Trượng Hoài Hải (720-814) mà ra ba tông phái Quy Ngưỡng (Khai tổ là Quy Sơn Linh Hựu, 771-853), tông phái Vô Ngôn Thông (?-826), và tông phái Lâm Tế (?-866). Cộng lại là 6. Nhất Hoa Lục Diệp.
Nhưng tại sao người ta lại thường nói Nhất Hoa Ngũ Diệp? Tại vì thầy Vô Ngôn Thông cũng lớn lắm. Thầy rất nổi tiếng và đã từng dạy thầy Ngưỡng Sơn. Thầy Vô Ngôn Thông đã sáng lập ra một thiền phái lớn ở Việt Nam là thiền phái Vô Ngôn Thông mà người ta không nói đến (xem Biểu đồ 3). Người ta chỉ nói một bông hoa năm cánh, kỳ thực nó có sáu cánh, đó là tối thiểu. Nhất hoa sinh lục diệp hay Nhất hoa khai lục diệp.
Đã đành sau này ở Việt Nam hai phái Tào Động và Lâm Tế rất hưng thịnh, nhưng phái Vô Ngôn Thông cũng rất là hưng thịnh, và đã đóng một vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa, kinh tế, và chính trị của Việt Nam.
Sách Thiền Uyển Tập Anh cho biết trước khi thầy Vô Ngôn Thông về miền Nam thì thầy có đi miền Bắc. Thầy đã ở miền Bắc rất lâu và thầy đã tìm hiểu, làm quen với những giới tai mắt của thiền môn ở miền Bắc. Có lẽ thầy cũng đã chứng kiến những điều không mấy có thực chất ở các thiền viện, tức là hình tướng rất nhiều, mà thực chất thì không bao nhiêu. Cho nên thầy mới đi về phương Nam để tìm thiện tri thức. Chính trong thiền Uyển Tập Anh có nói rằng thầy đi về phương Nam là để cầu thiện tri thức. Rốt cuộc thì thầy đã tìm được thầy Cảm Thành, coi như là thiện tri thức của thầy.
Biểu đồ 3-
Thiền phái Vô Ngôn Thông
Trước đây chúng ta đã biết rằng phái Nam tông là coi như đối lập với Bắc tông. Tư tưởng này là sản phẩm của thầy Hà Trạch Thần Hội (686-760), đệ tử của thầy Huệ Năng. Thầy Thần Hội là một thiền sư, mà cũng là một người tổ chức rất khéo, quản lý rất giỏi. Chính thầy đã lập ra thế Nam Bắc đối lập, và chính thầy cũng đã cho những thế hệ tương lai cái cảm tưởng chỉ có truyền thống của Nam tông, tức truyền thống Tào Khê, mới đích thực là sự nối tiếp của truyền thống Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Việc thiết lập danh sách 28 vị tổ ở Ấn Độ và Đông Độ là công trình của thầy Thần Hội.
Chúng ta cũng nên biết qua về thầy Thần Tú của truyền thống Bắc tông. Hồi còn là sinh viên thầy đã học về triết lý Lão và Trang rất giỏi. Trước khi đi xuất gia thầy cũng đã học Tam Tạng kinh điển và cũng rất lão thông. Đến 50 tuổi thầy mới theo học với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Hồi đó Ngũ Tổ ở chùa Song Phong, núi Hoàng Mai. Thầy theo học và được phụ tá cho Ngũ Tổ tới sáu năm. Ngũ Tổ rất khen ngợi thầy Thần Tú, và Ngũ Tổ từng nói rằng giáo pháp của phái Đông Sơn, cái tinh túy của Đông Sơn Tông, tức là giáo phái của Ngũ Tổ, kết tụ ở thầy Thần Tú. Thầy Thần Tú đã đóng vai trò giáo thọ cho tăng thân. Mỗi khi ngồi thì ngồi chung với Ngũ Tổ. Thành ra địa vị của thầy Thần Tú rất lớn. Mải đến năm thứ sáu thì Huệ Năng mới nhập chúng.
Sau khi thầy Huệ Năng mang Y bát đi về phương Nam rồi thì thầy Thần Tú cũng đi. Thầy rút vào một miền núi gọi là núi Đương Dương, và ở tại một chùa gọi là chùa Ngọc Tuyền, tỉnh Hồ Bắc trong 15 năm. Thầy tu tập một mình trong đó. Về sau thầy mở đạo tràng dạy học, và học trò tới rất đông. Có khi có tới ba ngàn người đến nghe pháp thoại của thầy. Lúc đó thầy đã lớn tuổi. Trong số những người tới học với thầy có rất nhiều người giỏi.
Năm 701, Hoàng Hậu Võ Tắc Thiên ban chiếu, tìm hết tất cả các thầy giỏi trong nước, mời về kinh đô để dạy Phật Pháp. Thầy Thần Tú được triệu vào kinh.
Hoàng hậu Võ Tắc Thiên xuất thân từ giới bình dân, cho nên Hoàng hậu không thích giai cấp quý tộc. Vì vậy khi nắm quyền bính trong tay, Hoàng hậu tìm cách nâng đỡ cho con nhà dân giả, và học trò nghèo. Ở đâu nghe nói có giới trí thức xuất thân từ dân giả, ở đâu nghe nói có một vị cao tăng, là Hoàng hậu tìm cách triệu thỉnh. Tất nhiên Hoàng hậu có nghe tiếng thầy Thần Tú, cho nên cho triệu thỉnh thầy về kinh.
Năm 95 tuổi thầy được triệu vào trong nội. Dung mạo thầy rất đẹp, thầy ngồi như một vị Phật sống. Tất cả các quan trong triều, tất cả mọi người đến dự đều lạy thầy như lạy một vị Phật sống. Dáng điệu thầy rất trang nghiêm, phong thái thầy rất là uy nghi, tạo ra lòng quy ngưỡng của tất cả mọi người ở trong triều. Hoàng hậu quỳ lạy và nhận thầy làm bổn sư. Sau đó thầy được tôn xưng là Quốc sư. Hồi đó Võ Hậu chính thức nắm quyền bính, và kinh đô là Trường An. Kinh đô cũ là Lạc Dương. Thầy Thần Tú được sắc phong là pháp chủ của cả hai kinh đô, gọi là Nhị kinh Pháp Chủ.
Khi vua Đường Trung Tông lên nắm chính quyền thì thầy chính thức là Quốc sư, và đến khi vua Đường Duệ Tông lên ngôi thì thầy cũng là thầy chính thức của vua Duệ Tông, gọi là Tam Nhật Quốc Sư, tức là quốc sư của ba triều vua. Thầy hành đạo tại kinh đô được sáu năm trước khi tịch lúc thầy được 101 tuổi.
Giáo lý của thầy Thần Tú dạy rằng: Nếu chúng ta có thể xây dựng chánh niệm mà quét sạch những hôn trầm ở trong tâm, thì tâm của chúng ta sẽ trở nên một đài gương rất sáng và không có gì là không chiếu sáng. Khi những vọng niệm đã diệt rồi thì bản tánh giác ngộ được biểu hiện, và không có gì mà mình không hiểu được:
Ma phất hôn trầm,
Thỉ thị cảnh thể minh tịnh,
Vô xứ bất chiếu,
Vọng niệm diệt tận,
Tâm tính giác ngộ,
Vô xứ bất trí.
Theo những tài liệu còn lại ngày nay thì thầy đã sử dụng Luận Đại Thừa Khởi Tín để dạy về vấn đề giác ngộ, tu chứng. Thầy sử dụng kinh Pháp Hoa để dạy về vấn đề Khai thị ngộ nhập tri kiến của Bụt. Thầy cũng sử dụng kinh Duy Ma để nói về lập trường giải thoát, kinh Hoa Nghiêm để nói về Vô ngã giải thoát. Phật pháp trong thời đại ngài và thời đại các vị đệ tử của ngài là hưng thịnh một thời. "Lỗi" duy nhất của thầy là đã được triều đình yểm trợ! Dĩ nhiên điều đó có thể làm phát sinh những sự ganh tị ở những môi trường và tông phái khác.
Trong khi đó thì Hoàng hậu Võ Tắc Thiên cũng có triệu Lục Tổ về kinh, nhưng Lục Tổ không chịu đi. Ngài nói rằng con người của mình không được đẹp đẽ, con người của mình xấu xí, đi vào trong kinh, nhiều khi không có lợi cho chánh pháp!
Sự thực là khi Ngũ Tổ truyền đăng cho thầy Thần Tú và thầy Huệ Năng thì hai người là anh em với nhau, không hề có sự xích mích gì hết, không hề có hiện tượng gọi là Nam Bắc đối lập. Trong suốt thời gian thầy Thần Tú hành đạo ở phương Bắc và được hưởng sự yểm trợ của triều đình, không hề có dấu hiệu của sự kỳ thị với Phật giáo miền Nam.
Trong suốt thời gian tổ Huệ Năng hành đạo ở phương Nam cũng không hề có tư tưởng đối lập với phương Bắc. Hai bên rất là hài hòa.
Sự đối lập Nam Bắc, cho rằng Nam đốn Bắc tiệm, nghĩa là miền Nam theo con đường giác ngộ tức khắc (đốn ngộ), còn miền Bắc thì theo con đường giác ngộ từ từ, tạo nên thế đối lập Nam Bắc là bắt đầu từ thời của thầy Thần Hội.
Năm 45 tuổi thầy Thần Hội có mở một đại hội rất lớn, gọi là Hội Vô Già. Trong đại hội đó thầy đã nói về lập trường của Phật giáo miền Nam, như là đối lập với Phật giáo miền Bắc. Cũng trong đại hội đó có sự bênh vực là y bát đang nằm ở miền Nam, và chính miền Nam mới có truyền thống. Còn tuy miền Bắc được triều đình yểm trợ, nhưng miền Bắc không được chân truyền, và tổ Thần Tú tự xưng là Tổ Thứ Sáu là không được đúng lắm. Tại vì y nằm đây, bát nằm đây cho nên miền Nam mới là chân truyền! Chuyện đối lập Nam Bắc xảy ra sau khi thầy Huệ Năng đã tịch rồi.
Hồi thầy Thần Tú vào đại nội và ngồi xuống như một vị Phật sống thì Hoàng hậu Võ Tắc Thiên lạy sát đất và nói rằng từ xưa tới nay chưa thấy một vị cao tăng nào có tướng mạo như vậy: Cổ kim vô lệ. nghĩa là xưa nay không thể ai sánh kịp được. Vì vậy đạo Bụt được chính quyền yểm trợ một cách hết lòng.
Chúng ta thấy rằng việc chính quyền yểm trợ một cách hết lòng có những cái lợi, nhưng đồng thời cũng có những cái hại. Tốt hơn hết là đừng bao giờ nên dựa vào chính quyền để xây dựng nền tảng hành đạo của mình. Đó là vì trước hết mình sẽ bị mang tiếng. Thứ hai là khi chính quyền không còn nữa, thì mình có thể tan rã. Và đó là lý do khiến cho Bắc tông của thầy Thần Tú không kéo dài được như là Nam tông của thầy Huệ Năng. Đây là một bài học cho tất cả chúng ta, dù bất cứ ở nước nào.
Hôm trước đại chúng có tập họp lại để làm bài kiểm điểm cá nhân. Tôi đã đọc được khoảng 50% những bài viết và có những bài làm cho tôi rất vui.
Ngày hôm đó chúng ta có nhắc rằng đây không phải là một bài thi như ở trường học, mà là một bài kiểm điểm của thiền viện. Đó là một buổi thực tập như bất cứ một buổi thực tập nào khác của chúng ta, như một buổi pháp đàm, buổi thiền tọa hay thiền hành. Thì giờ chúng ta ngồi viết bài cũng là thời gian thực tập. Tại vì khi dùng định lực của mình để quán chiếu, để nhìn lại cho rõ tình trạng tu học hiện tại của mình, nó cũng giống như một thời thiền quán về "chân nhân" của mình.
Đó là mục đích thứ nhất, mình thấy mình rõ hơn sau khi làm bài xong. Trước đó mình có thể nghĩ rằng mình đã biết mình rồi, nhưng sau một hai tiếng đồng hồ thực tập viết bài, mình thấy mình rõ hơn.
Mục đích thứ hai của buổi khảo nghiệm là để giúp cho tôi biết thêm về tình trạng tu học của quý vị, để tôi có thể cống hiến những giáo lý và những pháp môn thích hợp cho chúng. Điều này rất là quan trọng, tại vì khi mình muốn chia sẻ giáo lý và sự thực nghiệm của mình với người khác thì mình phải có một cái nhìn khá rõ ràng về thính chúng, về người mình muốn giúp. Đây là nguyên tắc rất quan trọng ở trong đạo Bụt, gọi là nguyên tắc Khế Cơ. Vì vậy ít nhiều thì bài kiểm điểm cũng mang nội dung của một buổi Đại tham trong các thiền viện ngày xưa.
Tuần trước có hai người ký giả ở Hoa Kỳ qua thăm Làng Mai. Họ có dự định viết một bài về tôi. Cố nhiên là họ đã ở đây một ngày một đêm trước khi gặp tôi. Tuy chưa gặp tôi, nhưng họ đã gặp tăng thân của tôi. Tăng thân của tôi cũng là tôi.
Khi họ vào phỏng vấn thì tôi mời họ uống trà trước, và tôi nói tôi có thể hỏi quý vị một vài câu được không? Những câu tôi đã hỏi là: Tờ báo của quý vị viết cho ai? Độc giả là những người nào? Quý vị đã tới với đạo Bụt như thế nào, và quý vị thực tập theo pháp môn nào? Những câu hỏi đó rất cần trước khi mình mở miệng trả lời các câu hỏi của ký giả. Đó là một sự thực tập khế cơ.
Sau này quý vị sẽ ra giúp đời, quý vị phải học những cái đó. Mình không thể múa võ trong hư không được. Phải có đối tượng, và đối tượng đó mình phải nắm vững, mình phải biết mình đang nói với ai, căn cơ như thế nào, tầm hiểu biết của họ đến đâu.
Trong đại chúng thỉnh thoảng có người viết thư cho tôi, có thể một tháng hay hai tháng viết cho tôi một cái thơ. Có thể là thơ ngắn, có thể là thơ dài, nói về hạnh phúc, về sự đau khổ, về sự khó khăn, về những thực tập của họ. Như vậy giữa tôi và những người đó có sự liên lạc rất tốt, cho nên những người đó mới viết cho tôi một cách dễ dàng được.
Những vị khác đôi khi cảm thấy khó tiếp xúc với tôi tại vì những mặc cảm. Có khi lầm lẫn tôi với bố của họ, hay một người nào trong gia đình của họ, thành ra họ có cảm tưởng tiếp xúc hơi khó khăn. Vậy thì buổi khảo nghiệm này còn có mục đích để viết cho tôi một cái thơ nói về tình trạng tu học của mình, cái vui, cái buồn, cái thành công, cái thất bại của mình. Đó là một cơ hội để mình có thể thiết lập thêm sự thông cảm giữa mình với thầy. Điều này rất là quan trọng. Những người nào không viết thư thì hôm đó là cơ hội để viết một cái thư. Đồng thời là một cơ hội để cho tôi thăm hỏi. Thăm hỏi về tình trạng của đệ tử, thăm hỏi về sự tu học, về hạnh phúc của đệ tử.
Nếu quý vị còn nhớ bài khảo nghiệm thì thấy những câu trong bài khảo nghiệm là những câu có mục đích thăm hỏi, tạo điều kiện cho mình quán chiếu về mình. Nó là một thời thiền tập có hướng dẫn.
Nội dung bài khảo nghiệm gồm 10 câu là:
1. Nhìn Lại Tình Trạng Sức Khỏe Của Mình
Sức khỏe của sư chú, của sư cô như thế nào? Đó đích thực là một câu thăm hỏi. Nhất là trong câu đó có nói rõ là sức khỏe bây giờ so với trước đây ba tháng thì như thế nào.
2. Nhìn Lại Cách Ăn Uống
Câu thứ hai là về ăn uống. Có nhiều vị đã viết rất kỹ về việc ăn uống của họ. Tại vì chuyện ăn uống nó có liên hệ đến sức khỏe rất nhiều. Có những người thấy sức khỏe mình tăng tiến chỉ vì về Làng Mai họ không ăn ngoài giờ của chúng ăn cơm.
Trong gia đình, mình có tủ lạnh, khi buồn mình thường đến mở tủ lạnh lấy đồ ăn. Vì vậy cho nên sức khỏe của mình cũng bị ảnh hưởng. Sống ở Làng thì phải đợi tới giờ mới ăn cơm. Nội chuyện đó thôi cũng đã làm cho tình trạng sức khỏe của mình tăng tiến lên rồi. Huống hồ là mình ăn theo đúng phương pháp của Làng. Có vài người mới đến, chưa thấm tương chao, chưa thấm giáo lý thực tập của Làng, nên họ trả lời câu hỏi thứ hai vỏn vẹn có một hàng: Con ăn uống bình thường!
Ăn ở Làng Mai là một pháp môn thực tập, nếu mình chưa biết phương pháp ăn ở Làng Mai thì mình còn thiếu sót lắm! Trong khi ăn, mình phải thiết lập chánh niệm như thế nào, phải để ý đến cái gì, phải nhai như thế nào, và mình phải chọn lựa thức ăn như thế nào. Những cái đó Làng Mai dạy rất kỹ. Vì vậy cho nên nếu mình trả lời rằng: Bạch thầy, con ăn uống bình thường thì đó đâu phải là câu trả lời?
Hai câu hỏi đó có liên hệ với nhau. Câu thứ nhất là sức khỏe, câu thứ hai là sự ăn uống. Ví dụ như thầy Giác Viên viết rằng: Tình trạng sức khỏe của thầy nó thay đổi một cách rất là kỳ diệu. Những khổ đau thuộc về thân xác của thầy nó biến mất khoảng 90% là nhờ phương pháp ăn, và nhờ phương pháp rửa ruột. Thầy nói rất rõ về cách thầy ăn như thế nào, chọn lựa các thức ăn như thế nào. Thầy có nói rằng thầy ăn ít, nhưng thầy ăn rất ngon. Sức khỏe tăng tấn, nhưng thỉnh thoảng thầy có nhận thức rằng đôi khi mình ăn nhiều hơn lượng thức ăn mà mình cần đến. Và thầy nhất quyết thực tập để bớt lượng thức ăn mà mình ăn. Tại vì ăn quá lượng đó nó không ích lợi gì mà nó còn có hại.
Ở Làng Mai, khi thực tập rửa ruột xong thì trong thời gian đầu mình ăn rất ít, ăn bánh mì khô và nhai rất kỹ. Nhai một miếng bánh mì khô trộn với một phần ba muỗng cà phê sữa, và nhai tới 50 lần. Nhai như vậy thì miếng bánh mì trở thành rất ngọt, rất ngon. Cho đến độ mình có cảm tưởng rằng không có cái gì trên đời ngon bằng miếng bánh mì khô đó! Những vị đã từng thực tập ăn bánh mì khô sau khi rửa ruột thì thấy được điều đó. Chỉ cần một vuông bánh mì thôi mà ăn ngon như ăn thực phẩm ở trên cung trời Đao Lợi. Sau thời gian đó, mình từ từ ăn thêm, và cái bao tử của mình nó cho mình biết ăn bao nhiêu thì đủ, rất rõ ràng. Nhưng nếu mình không nghe nó mà ăn quá số lượng thực phẩm mà cơ thể mình cần, thì nội trong vài ba ngày là bao tử của mình sẽ không thèm nói chuyện với mình nữa! Đó là sự thật.
Có một hôm thầy Giác Viên thấy thầy ăn hơi nhiều, tức là thầy đã bắt đầu không nghe lời bao tử của mình. Nhưng may là thầy ý thức được điều đó và thầy quyết tâm trở lại số lượng thực phẩm mà thầy cần. Thành ra trong sự tu học nó có sự tiến, sự thối, và mình phải có chánh niệm để thấy rằng khi tiến thì mình biết là mình đang tiến, khi thối, mình biết là mình đang thối.
Trong những bữa cơm, chúng ta ngồi giống như chúng ta ngồi thiền, tại vì ăn cơm là một sự thực tập với tăng thân. Mình tiếp xúc với hai thực tại. Trước hết là thực phẩm của mình. Thứ hai là tăng thân của mình, ngồi rất đẹp. Ăn như là một chuyện quan trọng nhất ở trên đời.
Khi đưa một miếng thức ăn vào miệng thì mình phải biết mình đang đưa miếng thức ăn nào vào miệng. Có nhiều khi vì chánh niệm chưa lớn, cho nên mình phải gọi tên miếng đậu hũ hay cà rốt đó để cho nó hiện rõ ra. Khi mở miệng ra, mình chỉ bỏ miếng đậu hũ hay cà rốt đó vào thôi. Bỏ cái gì vào, mình biết cái đó. Chứ mình không bỏ vào bất cứ một cái gì khác, ví dụ như một tạp niệm, một lo lắng, hay một câu nói của sư anh. Khi nhai, mình thật sự nhai đậu hũ và mình biết mình nhai đậu hũ chứ mình không nhai những cái lo lắng, buồn khổ hay những ý tưởng của mình.
Thực tập ăn rất là quan trọng. Điều này Làng Mai dạy rất kỹ. Thường thường mình nhai ít nhất là từ 30 đến 50 lần rồi mới nuốt. Nếu ăn được như vậy thì số lượng thực phẩm đưa vào không cần phải nhiều, mà lượng chất bổ cung cấp cho thân thể có thể là nhiều hơn. Và thân thể mình sẽ nhẹ nhàng, khỏe mạnh hơn.
Trong sự thực tập của mình, thế nào cũng có lúc tiến, lúc lùi, mình có những kinh nghiệm. Vì vậy khi trả lời câu hỏi thứ hai mà trả lời rằng bạch thầy con ăn uống bình thường thì nó không có nghĩa gì hết! Trả lời như vậy là tại mình mới về Làng hai ba ngày, chưa ai chỉ cho mình phương pháp ăn là sao.
Chúng ta nên nhớ rằng ăn là một thực tập rất quan trọng, có liên heä ñeán söùc khoûe cuûa thaân vaø cuûa taâm.
3. Nhìn Lại Liên Hệ Gia đình Của Mình
Câu thứ ba là về liên hệ của mình với gia đình. Mọi người trong chúng ta đều biết rằng khi đi tu, không phải là mình đi tu cho cá nhân mình, mà mình đi tu cho cha mình, mẹ mình, cho gia đình mình, cho tổ tiên dòng họ mình. Vì vậy mà sự tu học của mình có dính líu tới tất cả những người khác. Và sự có mặt vững chãi và thảnh thơi của mình sẽ là một đóng góp rất lớn cho hạnh phúc của những người trong gia đình mình.
Viết thơ về nhà không hẳn là để dạy đạo. Viết về nhà là để nói cái hạnh phúc, cái vững chãi của mình. Chính nhờ những lá thư như vậy mà ở nhà có niềm tin, biết rằng mình có một đứa con, một người anh, người chị, người em đang tu học ở Làng Mai, và gia đình mình đã đầu tư người con vào trong tăng thân để làm hạnh phúc cho nhân loại. Cố nhiên điều đó có ảnh hưởng trên đời sống của gia đình. Họ nghĩ rằng trong gia đình cũng phải sống như thế nào để xứng đáng với người con, người em đã gởi tới tu viện. Đó là phương thức yểm trợ hữu hiệu nhất cho người con, người em đó. Vì vậy mà tôi đã nói rằng viết thơ về nhà, không hẳn là mình phải khuyên gia đình thực tập. Viết thơ trước hết là để nói về cái vui, cái hạnh phúc, sự vững chãi của mình. Chia sẻ những cái đó thì tự nhiên nó có ích lợi. Trong chúng ta đã có những người tuy chưa về thăm gia đình được, nhưng đã có thể thay đổi được gia đình của mình bằng chính sự tu học của mình ngay tại đây.
Câu hỏi đó cũng là lời thăm hỏi thứ ba của tôi, thăm hỏi về tình trạng gia đình của quý vị. Nếu mình cho thầy biết thì mình giúp cho thầy. Trong trường hợp mình chưa đạt được tiến bộ đáng kể, và liên hệ của mình với gia đình chưa được tốt đẹp, thì thầy sẽ giúp cho mình làm thế nào để cho liên hệ đó tốt đẹp hơn lên.
4. Nhìn Lại Sự Tiến Bộ Trong Việc Tu Tập Của Mình
Câu hỏi thứ tư là sự học và hiểu của mình như thế nào? Tôi không hỏi quý vị đã học được những gì và đã hiểu như thế nào. Đó là chuyện các giáo viên, giáo sư thường làm, tức là chuyện của trường học ngoài đời. Tôi chỉ muốn hỏi rằng quý vị có cảm tưởng rằng quý vị đã hiểu được giáo lý của đạo Bụt sâu sắc hơn hay không? Những pháp môn trình bày ở Làng Mai quý vị có nắm vững được hay không? Và trong khi thực tập quý vị có thấy nó hữu hiệu hay không? Đó là chủ đích của câu hỏi.
Câu hỏi này rất là quan trọng. Nếu về Làng Mai mà quý vị không nắm được phương pháp thở, phương pháp đi thiền, hay ngồi thiền, hoặc phương pháp ăn cơm, thì dù quý vị có nghe một triệu bài pháp thoại thì nó cũng không ích lợi gì cả! Những người đã nắm được thì trong bài trả lời của họ, nó hiển lộ ra rất rõ ràng là họ có thực tập thành công. Cố nhiên người này không thực tập giống hệt như người kia, tại vì trong sự thực tập mình phải có sự thông minh.
Mỗi người có một căn cơ khác nhau, có lá phổi không giống nhau, có lỗ mũi không giống nhau, có thân thể không giống nhau, cho nên mỗi người đã phải thích ứng phương pháp trong hoàn cảnh của mình. Những điều mình viết ra trong bài khảo nghiệm nó chứng tỏ là mình đã học, đã thấy, và đã đem ra thực tập như thế nào.
Theo đúng tinh thần tăng thân thì các vị mới tới ngày thứ nhất, ngày thứ hai thì còn được quyền nghỉ ngơi, nhưng đến ngày thứ ba là phải có một người ở trong tăng thân chỉ ngay cho vị đó phương pháp thiền hành, phương pháp ngồi thiền, rửa chén, ăn cơm. Tại vì nếu về Làng đã một tuần mà mình chưa học được những điều đó thì có nghĩa là mình chưa tới Làng Mai! Không lý mỗi khi có một người mới tới Làng thì tôi lại phải đích thân dạy thở như thế nào, đi như thế nào, ngồi như thế nào, ăn như thế nào! Tăng thân cũng là tôi và tôi có một niềm tin nơi tăng thân là khi có một người mới đến Làng thì người đó phải được săn sóc, phải được chỉ dẫn phương pháp thực tập liền lập tức, và điều này không được để trôi qua quá ba ngày.
Trong thực tế có vài vị viết bài khảo nghiệm chứng tỏ rằng họ chưa biết gì về những phương pháp thực tập đó.
5. Nhìn Lại Tâm Của Mình
Câu hỏi thứ năm: Cái buồn, cái lo, cái an, cái lạc bây giờ của mình ra sao? Đó là những điều rất thực tế. Trong đời sống hàng ngày, mình có cái buồn, cái lo, cái lạc, và mức độ của những cái đó ngày nay như thế nào? Đây là cơ hội mình ngồi xuống để tiếp xúc với những cái đó, và để thấy nguyên cớ của chúng. Chúng có bớt đi hay không. Những an tâm và niềm vui (lạc) có tăng tiến trong sự thực tập hay không. Nếu cái buồn và cái lo không bớt đi, và nếu cái an cái lạc không tăng tiến, dù là chậm, thì nó chứng tỏ có một cái gì không đúng trong cách sống của mình ở trong tăng thân. Tại vì nếu mình sống đúng theo những phương pháp đã được chỉ dạy, nếu mình thực tập được một phần nào những pháp môn đã chỉ dạy thì không thể không có tiến bộ được. Mình tự khảo nghiệm, mình tự thấy điều đó để bổ túc. Có thể rằng mình đi thiền hành chưa hay, hoặc mình chưa nắm vững được phương pháp thở, hay mình chưa biết cách hội nhập vào với tăng thân. Đọc bài của quý vị trong trường hợp này, tôi sẽ thấy và tôi cũng có thể giúp được một cách hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp.
6. Nhìn Lại Năng Lượng Chánh Niệm Của Mình
Câu hỏi thứ sáu: Phẩm chất chánh niệm trong đời sống hàng ngày của mình ra sao? Tức là giờ đây mình đi có chánh niệm nhiều hơn không? Mình đứng, mình ngồi, mình làm việc, nói năng có chánh niệm nhiều hơn hay không? Nếu thấy phẩm chất chánh niệm của mình không tăng tiến, thì đó là một tiếng chuông cảnh tỉnh, mình đang phí phạm cuộc đời của mình, mình đang phụ bạc những người đang trông đợi nơi mình, trong đó có cha, có mẹ, có anh, có em, có thầy. Tiếng Việt gọi là "uổng cơm". Và đó là một tiếng chuông chánh niệm rất lớn!
Khi thấy chánh niệm có tăng tiến thì tự khắc mình phát khởi tâm hân hoan, và tâm đó sẽ đẩy mình đi tới rất nhanh trong liên hệ với tăng thân, tại vì tăng thân là môi trường cho chúng ta tu học.
7. Nhìn Lại Tăng Thân Của Mình
Câu hỏi thứ bảy là về tăng thân. Chúng ta phải có đức tin ở nơi tăng thân, dù tăng thân đang có những yếu kém. Điều quý nhất của tăng thân là tất cả mọi người đều có ý chí, có tâm tư muốn đi cùng trên một con đường. Vì vậy cho nên tuy mang theo những yếu kém của mình, mà mọi người đều đồng ý với nhau là chúng ta phải hướng về con đường hướng thượng, con đường thực tập chánh niệm, và chánh niệm dù ít dù nhiều, nó cũng là phẩm chất của tăng thân. Nó là chất thánh ở trong tăng thân. Nhìn qua thì thấy những người rất là thường, nhưng nếu có biết bước đi một vài bước có chánh niệm, có một vài miếng ăn có chánh niệm thì người đó có chất thánh ở trong con người của họ. Chánh niệm là chất thánh, vì vậy tăng thân đó có chất thánh ở bên trong. Chính tăng thân đó, tuy có những yếu kém, nhưng đó là một trong ba bảo vật của chúng ta, tức là Tăng Bảo.
Nhìn tăng thân như vậy thì bao giờ mình cũng có sự kính trọng. Dù mình thấy những yếu kém ở trong tăng thân, mình vẫn thấy tăng thân là đối tượng của sự cung kính của mình. Mình biết rằng rời tăng thân thì mình sẽ đánh mất mình.
Quý vị chắc cũng biết rằng khi tăng thân đó ngồi lại pháp đàm, mỗi người đưa ra tuệ giác của mình, thì mình thấy rằng với tính cách cá nhân, không bao giờ mình có được đầy đủ những tuệ giác đó. Cũng những người coi tầm thường như vậy, nhưng đến khi ngồi lại, mỗi người đưa ra cái thấy riêng, thì mình thấy cái thấy đó nó đủ sức để hướng dẫn cho cuộc đời của mình. Không có thầy, chỉ có các anh, các chị, các em của mình thôi, nhưng quý vị cũng đã thấy trong pháp đàm chúng ta có thể gặt hái được những tuệ giác, dư sức để hướng dẫn chúng ta trong sự tu học, hướng dẫn đời sống hàng ngày của chúng ta. Vì vậy cho nên ta cúi đầu trước tăng thân, và nhận tăng thân làm chỗ nương tựa. Niềm tin và sự kính trọng của mình đối với tăng thân, rất là quan trọng cho bồ đề tâm của mình.
Trả lời câu này, có một vị sa di ni viết như sau: Bạch thầy, con thường thực tập chấp nhận các thành phần trong tăng thân. Họ như thế nào, con chấp nhận như thế đó, con không đòi hỏi họ phải như thế này hay như thế kia thì con mới chơi với họ. Con công nhận họ là một thành phần của tăng thân. Và khi con làm được như vậy thì con thấy hạnh phúc nó tràn trề ở trong con. Vị sa di ni đó tuy còn nhỏ tuổi, nhưng đã cung cấp cho chúng ta một cái thấy rất là cao viễn mà có thể một số các vị thọ giới lớn cũng chưa thấy được, cũng chưa làm được!
Khi đối diện với một sư anh, một sư chị hay một sư em, và mình nói sư anh như vậy thì mình chấp nhận sư anh như vậy; sư chị như vậy thì mình chấp nhận sư chị như vậy, thì tự nhiên một niềm hạnh phúc nó trào dâng lên, một sự an bình nó dâng lên, và mình thấy rất là hạnh phúc. Còn nếu mình nhìn bằng con mắt phê phán thì mình sẽ thấy có khuyết điểm nơi người này, nơi người kia, nơi người nọ. Làm sao mà hoàn hảo được? Rồi mình muốn người này phải như thế này, người kia phải như thế kia, người nọ phải như thế nọ thì mình mới có một tăng thân mà mình chấp nhận được. Nếu như vậy thì rõ ràng là mình không thể nào có hạnh phúc được!
Hạnh phúc rất là đơn giản, hạnh phúc có ở đó chứ không phải đi tìm trong không gian và trong thời gian. Trước hết, hạnh phúc là biết nhìn, và phải biết chấp nhận người kia như là người kia. Tại vì khi mình nhìn người ta như vậy thì người ta cũng có thể nhìn mình như vậy, và người ta cũng có thể đòi hỏi mình phải thay đổi thì người ta mới chấp nhận mình là một sư em, một sư chị, hay là một sư anh, thì đến lúc nào mình mới thật sự có hạnh phúc? Có những người còn nhỏ tuổi nhưng đã làm được những điều như vậy, thì đó là chuyện đem lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc.
Có một vị khác nói: Bạch thầy, con biết là mỗi người thường có khuyết điểm, nhưng con cũng biết mọi người đều có ưu điểm, và con có chánh niệm là mỗi người đều có phần hoa của họ, mà con phải thấy. Vì vậy cho nên trong khi thiền quán con nhìn rõ ở trong người đó, và con thấy người đó có những gì dễ thương, có những gì hay mà mình có thể tán thưởng, mình có thể học hỏi được, và con tìm ra rằng không có người nào mà không có những đức dễ thương, không có những cái hay, những cái tích cực. Do thấy được yếu tố hoa ở trong họ cho nên con rất có hạnh phúc, và con không có khuynh hướng chê bai những yếu tố rác ở trong họ nữa. Con nghĩ rằng những người đó phải có cơ hội, phải có thời gian để họ chuyển hóa những phần rác của họ. Giờ đây nếu con không thấy được phần hoa của họ thì chính con bị thiệt thòi! Nói như vậy là có tuệ giác, nói như vậy là có sự khôn khéo. Tùy theo con mắt của mình nhìn mà mình có hạnh phúc hay không có hạnh phúc mà thôi.
Xây dựng tăng thân là một pháp môn coi như đứng hàng đầu trong sự thực tập ở Làng Mai. Tại mình biết rằng nếu không có tăng thân thì chúng ta không thể nào tồn tại được, dù ta có tài giỏi cách nào, với tư cách của một cá nhân, một ngày kia ta sẽ bỏ cuộc, tại vì ta không có tăng thân để bảo vệ, để nâng đỡ.
Trong kinh có câu chuyện con chim Cút, nó rất sợ con chim Ưng. Tại con chim Ưng rất nhanh, sà xuống là bắt được con chim Cút để ăn thịt. Nhưng con chim Cút học được một điều là khi thấy bóng dáng con chim Ưng là nó liền núp dưới một mô đất. Chim Ưng sà xuống mà nếu chim Cút chun được dưới mô đất thì chim Ưng không làm gì được, và chim Ưng có thể va vào mô đất, bể ngực như chơi!
Tăng thân là mô đất đó. Tuy mình là con chim Cút, cuộc đời là con chim Ưng, nhưng nếu mình biết cách ẩn náu trong tăng thân, thì mình được an toàn. Người anh hùng không phải là người có vai u thịt bắp. Người anh hùng là người có trí khôn, có tuệ giác.
8. Nhìn Lại Phương Pháp Ngồi Thiền Của Mình
Câu hỏi thứ tám là câu hỏi về thiền ngồi. Có những người viết rất kỹ về thiền ngồi của họ. Về những điều họ làm trong khi ngồi thiền. Còn nếu mình viết rằng: Thưa thầy trong khi ngồi con thực tập theo dõi hơi thở, thì câu trả lời đó nó không có nghĩa gì cả. Tại vì ở Làng Mai ai cũng biết rằng ngồi thiền mình phải theo dõi hơi thở. Nhưng mình đã theo dõi hơi thở như thế nào, mình đã thành công, đã thất bại như thế nào, mình phải nói ra điều đó cho thầy biết và cho chính mình biết.
Có một vị viết như sau: Bạch thầy khi con sử dụng những bài kệ thì con nhất quyết không để cho bài kệ đi qua đầu con như là những từ ngữ. Ví dụ khi thở vào và con nói "Nước tỉnh lặng chiếu" mà con không hình dung được nước tỉnh lặng chiếu, và con không thấy mình là nước tỉnh đang lặng chiếu, thì nhất định con không đi qua câu kế tiếp. Con thở và con lặp lại câu đó cho đến khi nào cái cảm giác nó tới với con một cách rất là đích thực, con là nước tỉnh, đang phản chiếu được mây trời, đang phản chiếu được núi non, cây cối, và con an trú trong đó một thời gian, thì con mới đi qua câu kế là "Không gian thênh thang". Như vậy là vị đó nói rằng không sử dụng thi kệ một cách máy móc, không để cho thi kệ nằm trong phạm vi từ ngữ. Phải làm cho thi kệ trở thành sự thực, thành chất liệu nuôi dưỡng mình trong khi thiền tọa.
Vị đó còn nói: Ví dụ như khi con thở vào và nói "Đây là tịnh độ", thở ra con nói "Tịnh độ là đây" thì con phải làm sao để cho tịnh độ nó có mặt, và con thấy rất rõ rằng con đang ngồi ở trong tịnh độ thì con mới chịu. Nếu cần phải lặp lại câu đó 20 lần thì con lặp lại 20 lần để cho nó trở thành một sự thật. Viết cho thầy mà viết như vậy thì rất hay. Nó hay ở chỗ không phải là văn chương mình giỏi nhưng kỳ thực là mình có thực tập. Chính những chi tiết như vậy nó làm cho tôi rất có hạnh phúc khi đọc bài khảo nghiệm của quý vị.
Khi gặp những khó khăn nào trong khi ngồi thiền thì mình cũng nói cho thầy biết. Ví dụ có một vị sa di nói rằng: Có những lúc con cố gắng hết sức, nhưng những lúc đó ngồi thiền con không được an lạc. Con buồn ngủ, con đau chân. Con dùng hết mọi phương pháp thầy dạy, cho nên những lúc đó con không cố gắng nữa, con tháo chân ra, con ngồi chơi, con nhìn bàn Phật, con nhìn cái hoa, con nhìn cục đá, một hồi rồi con bắt đầu lại, thì con ngồi thành công. Viết những điều đó rất là hay. Tại mình đâu phải là người anh hùng, mình đâu phải là bậc toàn giác mà buổi ngồi thiền nào mình cũng thành công? Có những lúc cơ thể mình nó như thế này, có lúc tâm tư mình như thế kia, thì mình thành công ít, hoặc có khi mình không thành công. Những điều đó mình tự nhận và mình chia sẻ với thầy của mình. Rất là trung thực, rất là hay, những điều đó mình nên viết xuống.
Có một điều tôi kinh nghiệm là trước khi đi ngồi thiền, và trong khi ngồi thiền thì mình phải có cái tư tưởng, cái tâm niệm rằng ngồi thiền là một cơ hội mà hàng triệu người không có. Họ bận bịu suốt ngày, họ không có một phút để ngồi yên. Trong khi đó mỗi ngày mình có nhiều cơ hội để được ngồi yên và mình phải sử dụng những giây phút đó, một là để nuôi dưỡng mình, hai là để khám phá ra những điều mà mình chưa biết. Giống như ngày hôm nay không phải là ngày làm biếng, nhưng ngày mai là ngày làm biếng, nghĩ đến ngày làm biếng mình có cảm giác dễ chịu, thì khi nghĩ tới giờ ngồi thiền mình cũng phải có cảm giác dễ chịu như vậy, tại vì mình có thể làm được rất nhiều chuyện trong thời gian ngồi thiền. Đừng đánh mất mình thì tự nhiên thời gian ngồi thiền trở thành rất quý báu, rất ích lợi. Nếu làm được như vậy thì giờ ngồi thiền sẽ an lạc.
Có rất nhiều vị xuất gia viết cho tôi rằng nếu trong ngày mà đi thiền hành và thực tập chánh niệm nhiều thì đến giờ ngồi thiền, ngồi rất là an lạc, rất thành công. Còn nếu trong ngày mà không làm việc trong chánh niệm, không đi thiền hành, không thực tập hơi thở chánh niệm thì tối ngồi thiền nó không thành công lắm! Đây là kinh nghiệm của nhiều người chứ không phải là một hoặc hai người. Có người viết cho tôi biết có khi thời ngồi thiền thứ nhất nó thành công, nhưng thời thứ hai không thành công. Kinh nghiệm của riêng tôi là có khi tôi ngồi thiền không thành công trong thời thứ nhất, nhưng thời thứ hai thì thành công. Trong khi đi dạy tôi thường nói rằng nếu quý vị không thành công lắm trong thời ngồi thiền thứ nhất, thì quý vị còn có một cơ hội thứ hai, đừng bỏ đi mà uổng.
Ngồi thiền có hai mục đích. Thứ nhất là để làm cho thân tâm lắng xuống, tịnh lại để mình được nuôi dưỡng. Quý vị đã được trao truyền những phương pháp để tạo ra sự an tịnh của thân và sự hân hoan của tâm. Vị nào chưa nắm được những phương pháp đó thì phải cấp tốc nắm lấy qua những bài pháp thoại đã được ghi lại, hoặc nhờ sư anh, sư chị chỉ dạy, nhất là các vị vừa tới làng. Tại vì trong khi ngồi thiền, mình có thể rất hân hoan, rất hạnh phúc.
Ngồi thiền là một trong những tư thế đẹp nhất, vững chãi nhất của thân thể con người. Chính trong tư thế đó mà mình có thể đạt được mục đích thứ hai của việc ngồi thiền là tiếp xúc được với vũ trụ, với tổ tiên, với chính mình, với những châu báu mà mình có ở trong con người của mình, mà trước đây mình không biết, mình coi thường mình.
9. Nhìn Lại Phương Pháp Thiền Đi Của Mình
Câu trắc nghiệm thứ chín là thiền đi. Thiền đi cũng là một phương pháp rất quan trọng ở Làng Mai. Có người có cảm tưởng rằng họ thích hợp với thiền đi hơn là thiền ngồi. Có người nói ngược lại, thiền ngồi tiếp xúc được sâu sắc hơn là thiền đi. Có nhiều người lại nói trong thiền đi họ dùng thi kệ rất hay. Có người nói trong khi thiền đi họ chỉ theo dõi hơi thở mà không dùng thi kệ. Thiền sinh thực tập rất khác nhau, chúng ta không cần phải làm y hệt như nhau, đó là vì chúng ta có cơ thể, có trường hợp khác nhau. Tuy vậy chúng ta phải thí nghiệm nhiều phương pháp.
Có người nói rằng đi thiền hành rất là hạnh phúc, nhất là khi đi với tăng thân, nó là một cảnh tượng rất hùng tráng, nó như một đạo quân, không đi chinh phục ai cả, chỉ đi chinh phục thất niệm mà thôi. Đi như một ngày hội, đem lại rất nhiều hạnh phúc cho mình và cho tăng thân.
Có người nói rằng ban đầu thì người đó chỉ đi cho có mặt với người khác thôi, chứ không thấy hạnh phúc gì cả. Vì mọi người đi, thành ra mình cũng phải đi. Nhưng từ từ thì thấy đi thiền hành là một pháp môn rất là thần diệu.
10. Nhìn Lại Mình Trong Thời Gian
Câu hỏi thứ mười là cái thấy của mình về quá khứ, về hiện tại, và về tương lai. Có một vị sa di ni viết rằng: Khi nhìn lại quá khứ, con thấy những cái đau khổ, những lo sợ, những khó khăn của con. Khi nhìn lại hiện tại thì con thấy rằng nếu con đã không khổ đau như vậy, nếu con đã không lo lắng, không sầu thương như vậy thì bây giờ con không được như ngày hôm nay. Vị đó nói rằng chính nhờ những khổ đau trong quá khứ mà trong hiện tại mình được như vầy. Đó là chuyện chuyển rác thành hoa. Cũng vị đó nói rằng hiện bây giờ cũng có những lúc buồn, lúc lo, cái dư âm của những khổ đau trong quá khứ nó trở về. Nhưng vị đó không lo sợ, không tuyệt vọng nữa, là tại vì mình đã biết cách để săn sóc nó, để ôm ấp nó.
Lại có người nói với tôi rằng họ không nghĩ về tương lai, tại vì trong hiện tại nó mầu nhiệm quá, nó hạnh phúc quá rồi, thành ra không cần những cái tương lai, không nghĩ rằng ngày mai mình sẽ thành giáo thọ, mình sẽ đi dạy chỗ này, dạy tăng thân nơi kia. Hoàn toàn không nghĩ tới, tại vì thấy cái hiện tại nó quá mầu nhiệm rồi!
Có một vị viết rằng nội chuyện con biết thầy đang còn sống bên con và đang tu tập với con, và con có tăng thân, thì con đã hạnh phúc nhiều rồi. Tại sao con phải nghĩ tới tương lai?
Lại có người viết: Nếu trong tăng thân mà không có người này, người này, và người này thì buồn biết mấy! Kể ra tên ba hay bốn người.
Trong chúng ta người nào lại không thể làm như vậy? Ai cũng có thể nhận được rằng trong tăng thân có những người này, người kia, và cứ tưởng tượng nếu những người đó không có mặt ở đây thì buồn biết mấy! Và nếu cứ đà đó mà đi tới thì chúng ta thấy rằng vắng mặt một người cũng là một sự thiếu thốn của tăng thân rồi. Một sư chị đi, mình đã thấy thiếu vắng, một sư em đi mình cũng thấy thiếu thốn.
Sư anh đã đi hay sư chị đã đi, ai chịu trách nhiệm về người đó? Cố nhiên người đó có trách nhiệm nhưng mình cũng chịu trách nhiệm về cái hạnh phúc của người đó, mình đã không hiến tặng cho người đó đủ hạnh phúc để người đó có thể ở lại. Nói như vậy không có nghĩa là mình phải có một mặc cảm tội lỗi. Nói như vậy là chỉ để cho mình có chánh niệm rõ ràng rằng bất cứ người nào cũng là một phần của tăng thân, nghĩa là của mình. Khi cơ thể của mình là một rồi thì một chất bổ dưỡng đưa vào trong cơ thể là nó nuôi dưỡng không phải một phần của cơ thể mà nó nuôi dưỡng tất cả cơ thể. Nếu mình có an lạc thì sự an lạc đó không phải chỉ để cho riêng mình mà cho tất cả những thành phần khác của tăng thân. Nếu mình có chất độc của sân hận thì chất độc đó không phải chỉ phá hoại một mình mình, mà phá hoại luôn cả người kia, cả tăng thân. Vì vậy mà có chánh niệm, có cái thấy đó thì tự nhiên chúng ta sẽ phải thực tập như thế nào để trong chúng ta có chất liệu của niềm vui, của an lạc. Nếu có niềm vui của an lạc và sự khoan dung thì tự nhiên những thành phần khác họ sẽ được thừa hưởng dù chúng ta không nói điều đó ra. Sự thật là như vậy. Không có gì xảy ra trong tăng thân mà ta không chịu trách nhiệm.
Mười câu hỏi đó, xét lại là mười câu thăm hỏi, nó giúp cho mỗi thiền sinh có cơ hội ngồi xuống thực tập quán chiếu để thấy rõ về mình. Mục đích thứ hai như đã nói, là cũng để giúp tôi thấy được thực trạng tu học của quý vị để tôi có thể làm gì mà giúp cho quý vị. Tại vì giúp cho một người là giúp cho mọi người ở trong tăng thân, trong đó có cả chính tôi.
Quý vị thấy rằng bài khảo nghiệm đó không phải là một bài thi để cho điểm như là trường học ngoài đời. Đó là một phương pháp thực tập Làng Mai. Có thể sau này quý vị cũng sẽ làm như vậy đối với các học trò của quý vị. Nếu có chất chứa kiến thức hàng trăm hàng ngàn bộ kinh điển, và dùng nó để viết một bài khảo nghiệm như vậy, thì tất cả những kiến thức đó đều không có ích lợi gì cho bài khảo nghiệm đó hết. Chỉ có cái học, cái hiểu và cái thực tập mới có thể giúp cho mình viết được bài khảo nghiệm đó và mình là người biết những điều đó trước hết.
Tôi biết rằng thời khóa của quý vị khá đầy, cho nên tôi không đưa ra đề tài cho quý vị suy nghĩ và làm trong vòng 10 ngày hay một tuần. Tại vì khi quý vị lãnh đề tài đó đem về, thì giống như có cái nợ phải trả, và cảm giác đó kéo dài đến 10 ngày! Thành ra tôi muốn quý vị cùng tới ngồi chung một tiếng rưỡi đồng hồ, xong rồi là xong, là nó khỏe! Cái đó phát xuất từ lòng thương, không biết quý vị có thấy được hay không? Những chi tiết như vậy mình đều có thể học được.
Khi lên đưa bài cho tôi, thì cũng như đưa một lá thơ. Trong thực tế, có nhiều người đã viết bài khảo nghiệm dưới hình thức một lá thơ. Có người nói: Bạch thầy con viết bài này quá dài, nhưng tại vì lâu nay con chưa viết thư cho thầy, nên nhân dịp này con viết thư cho thầy luôn. Nghĩa là thay vì viết hai trang, người đó viết thành bốn trang, và coi bài đó như là bức thư tình viết cho riêng tôi.
Tôi thường quán niệm rằng: Nếu mình làm được gì cho chánh pháp, nếu mình giúp được người ta bớt khổ, thì đó không phải là do cái ngã của mình làm nên. Tất cả những điều mình đã làm được đều do uy lực của bậc giác ngộ, của các vị tổ. Mình chỉ là một đoạn rất ngắn nằm trong một sợi dây rất dài. Nếu không có Bụt, không có tổ thì làm sao có mình? Vì vậy cho nên mình chỉ đóng vai trò của một gạch nối, trao truyền những tinh hoa của Bụt và tổ. Nhờ vậy mà tôi thấy trong tôi không có một cái ngã.
Khi tôi làm ra 10 câu hỏi, đó là Bụt, là chư tổ hiến tặng 10 câu hỏi cho quý vị. Và khi quý vị ngồi xuống, quý vị cũng làm trong tinh thần vô ngã, quý vị cũng biết rằng quý vị thuộc về gia tài đó, thuộc truyền thống đó, quý vị cũng viết: "Thưa thầy", tức là quý vị cũng không làm việc đó với tư cách của một cái ngã. Vì vậy cho nên có những bức thư rất là thân thiết. Thầy với con thân thiết như là một người. Hai người nhưng chỉ là một. Như vậy mới là đúng. Tất cả những cái khó khăn, những cái thành công đều nói thật với thầy hết, không giấu diếm một điều gì. Đó là một điều rất quý. Nó chứng tỏ rằng cả thầy và trò đều thực tập vô ngã, không có sự giữ kẽ, không cần che dấu, tại vì thầy là mình, mình là thầy.
Trong bài khảo nghiệm vừa rồi, có những vị đã viết cho tôi rất thành thật, viết về những yếu kém của mình, về những thất bại của mình, những thành công của mình, những hạnh phúc của mình. Chính những điều đó làm cho tôi rất tin tưởng những người đó, tại vì những người đó đã coi tôi như là bản thân của họ. Niềm tin đó sẽ làm cho họ thành công trong tương lai. Tại vì niềm tin nơi thầy nó cùng một bản chất với niềm tin nơi Bụt.
Tôi cũng vậy, tôi thấy rằng tất cả những gì tôi đã làm được, đang làm được, và sẽ làm được, tất cả không phải là do cá nhân của tôi, do tài ba riêng của tôi. Tôi không thấy như vậy mà thấy tất cả những điều mình làm được là do uy đức của Bụt và chư Tổ qua các thời đại mà thôi. Mình là người học trò, mình cũng phải thấy như vậy. Nếu mình tu thành công được, đó cũng là nhờ uy đức của các vị tổ tâm linh, cũng như là huyết thống. Thấy được như vậy là mình đã sống trong cái chân lý vô ngã rồi. Mình không cần phải nói ra, nhưng mình thực sự đang sống được trong chân lý vô ngã. Mình thấy cái liên hệ mật thiết của mình với Bụt, với tổ, với tất cả mọi người chung quanh mình.
Thành ra nếu quý vị mới đến Làng có ba ngày hay năm ngày, thì quý vị chưa viết được bài khảo nghiệm, và quý vị ngồi đó, chỉ cần đọc 10 câu và thầm hỏi mình biết các pháp môn như thế nào.
Dứt khoát đây không phải là một bài thi, dứt khoát đây không phải là một bài kệ kiến giải, trình lên để được chức giáo thọ. Nó là chuyện quán chiếu để biết tình trạng của mình. Nó là chuyện thông thương giữa mình với thầy như là cùng một thực thể.
Tôi mong rằng sau này quý vị có thể học được phương pháp này của tôi, nó rất là con người và nó rất là thực tế.
Chúng ta học tiếp về thiền phái Vô Ngôn Thông. Trước hết là chủ trương "Vô đắc" của thiền phái này.
Vô đắc có thể dịch tiếng Anh là non-obtainment. Đắc là nắm được, đạt được cái gì đó, trở thành sở hữu chủ của một cái gì đó thì gọi là đắc. Đắc là một trong những pháp gọi là Tâm bất tương ưng hành, tiếng Phạn là Pr(ti. Trong một trường phái gọi là Pháp Tướng Tông thuộc đạo Bụt Đại thừa, các hiện tượng được chia ra làm 100 loại, gọi là Bách Pháp. Đắc là một trong 100 pháp đó. Nó có liên hệ tới pháp, nhưng không phải là tâm pháp mà cũng không phải là sắc pháp. Đó gọi là Tâm bất tương ưng hành pháp. Tiếng Việt dịch là được.
Ví dụ đi ngoài đường mình bắt được đồng bạc, sự kiện mình bắt được gọi là đắc. Cái "được" đó không phải là cái tâm của mình, được đó cũng không phải là cái thân của mình. Nó không phải là tâm pháp, cũng không phải là sắc pháp. Nhưng nó có liên hệ tới tâm pháp và sắc pháp.
Một ví dụ khác là một câu văn, hay một danh từ. Danh từ đó hay câu văn đó thì không phải là tâm, cũng không phải là thân. Danh từ đó là một pháp Tâm bất tương ưng. Câu văn đó cũng là một pháp Tâm bất tương ưng. Đắc ở đây cũng là một pháp Tâm bất tương ưng. Tâm bất tương ưng là một pháp không tương ứng với tâm như là cái giận, cái buồn, cái tri giác v.v...
Thường thường người ta nghĩ rằng đạo là một cái gì mình không có, và nếu tu hành lâu năm thì mình có thể nắm bắt được đạo, gọi là đắc đạo. Thiền phái Vô Ngôn Thông chủ trương không đắc, không có gì mà mình phải đắc hết. Giáo lý đó gọi là Vô đắc.
Chúng ta biết rằng tư tưởng vô đắc đã được hình thành trong kinh Bát Nhã, và thiền phái Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi là một thiền phái đã sử dụng kinh Bát Nhã một cách rất tích cực, và đã khởi đầu tại Việt Nam, trước ngày Lục Tổ giảng dạy rất lâu. Thiền phái Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi có thể có dính líu tới Tam Tổ, và là một thiền phái đã sử dụng Văn học Bát Nhã rất sớm.
Chúng ta nhớ rằng trong Tâm Kinh Bát Nhã đã có danh từ Vô đắc. Không khổ, không tập, không diệt, không đạo,không trí cũng không đắc. Vì không có gì để mà đắc cả (Dĩ vô sở đắc cố). Vì vậy cho nên đây không phải là một cái gì mới. Đây chỉ là sự nhấn mạnh mà thôi.
Vô đắc nghĩa là không có gì mà chúng ta phải đi tìm cầu ngoài chúng ta cả. Tất cả đều có trong con người của mình, không phải chạy đi tìm cầu trong không gian và trong thời gian. Vấn đề là phải trở về để khám phá ra cái mà mình đã có. Cái đó gọi là Phật tính, cái đó có thể gọi là chân tâm, cái đó có thể gọi là giác ngộ.
Chúng ta nhớ đêm Bụt thành đạo, ngài có tuyên bố một lời tỏ lộ sự ngạc nhiên của ngài.
Lúc đó là vào buổi sáng, khi sao Mai vừa mọc, nhìn sao Mai thì ngài đạt tới cái Trí giác Vô thượng, tại vì ngài đã quán chiếu suốt đêm. Khi nhận ra sự kiện mình đã giác ngộ hoàn toàn rồi, Bụt mới thốt lên một lời có tính cách ngạc nhiên và nói với chính mình thôi. Ngài nói rằng: Lạ quá, cái tuệ giác mà mình vừa khám phá, nó có sẵn trong tất cả mọi loài, vậy mà không ai biết tới, cứ chạy đi tìm ở đâu xa, và cứ để cho bản thân mình bị trôi lăn trong biển sinh tử và khổ đau. Thật là tội nghiệp!
Đó là lời của Bụt. Lời đó đã chứa đựng giáo lý vô đắc. Nghĩa là cái mình đi tìm tức là sự đạt đạo, sự giác ngộ, bồ đề, giải thoát, Phật tính, đều đã có sẵn trong tâm mình, đã có sẵn trong thân mình. Vì vậy nếu chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng ở trong ta không có gì cả, ta phải đi kiếm cái đó từ người ngoài, từ một bậc đạo sư thì ta đã lầm lẫn, ta không thấy được cái nguyên tắc vô đắc. Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh đến nguyên tắc Vô đắc đó.
Chúng ta hãy tưởng tượng một đám mây đang bay trên trời. Đám mây đó bay ngang qua dãy núi Pyrénées, nhìn xuống nó thấy tuyết lấp lánh ở trên đỉnh núi, rất là mầu nhiệm, rất là đẹp, và nó ước ao làm sao nó có thể là tuyết. Nhưng nó không biết rằng trong tự thân của nó, trong tự thân của đám mây đã có chất liệu của tuyết. Tuyết sẽ không thể nào có mặt được nếu không có mây. Cái mà đám mây tưởng nó không có, không là, chính thật nó có, nó là. Vì không biết cho nên nó mới mong ước. Nếu biết được tự thân của nó chính là tuyết thì nó sẽ không mong ước nữa, nó sẽ không đi tìm nữa. Thành ra những người đi tìm cầu là những người nghĩ rằng mình không có!
Khi đám mây kia bay qua đại dương, thấy đại dương hùng vĩ, xanh thẳm, vững chãi, thì đám mây cũng ao ước, cũng thầm nghĩ rằng mình có vẻ mong manh, còn đại dương thì rất hùng vĩ, rất sâu thẳm, ước gì mình được làm đại dương! Đám mây không biết rằng tự thân của nó có chứa đại dương ở trong đó, tại vì đại dương là nước, đám mây cũng là nước.
Khi đám mây thấy được điều đó thì đám mây có giác ngộ, đám mây có tự tin rằng cái màu tuyết óng ánh kia, vùng đại dương hùng vĩ kia, mình có trong bản thân của mình. Lúc đó đám mây sẽ không còn ước ao nữa, không còn ham muốn nữa, và đám mây thấy rõ ràng rằng mình không cần đi tìm tòi, chạy chọt. Là một đám mây, đó là một điều rất mầu nhiệm, mầu nhiệm không thua tuyết trên đỉnh núi, mầu nhiệm không thua đại dương hùng vĩ, mênh mông. Dù cho đám mây trong giây phút sẽ biến thành mưa, đám mây cũng không sợ hãi, tại vì đám mây biết rằng mưa là mầu nhiệm, nhưng đám mây cũng là mầu nhiệm; tuyết mầu nhiệm mà đại dương cũng là mầu nhiệm. Thành ra đám mây không có sợ hãi. Cái thấy đó gọi là cái thấy vô đắc.
Nếu mình có cảm tưởng mình không có gì, mình chỉ là giận hờn, tham đắm, si mê. Mình không có một chút giá trị nào của một bậc thánh nhân cả, mình có mặc cảm rằng mình nghèo khổ, đói kém về phương diện tâm linh, mình phải đi tìm một vị đạo sư, quỳ xuống để xin một chút giá trị làm người, thì lúc đó mình không biết được rằng mình có một kho tàng giác ngộ, mình có một kho tàng tuệ giác ở trong con người của mình, cho nên mình mới đi cầu xin, quỵ lụy cái giá trị làm người, cái giá trị làm Bụt từ một người khác.
Đó cũng là giáo lý Vô đắc.
Vô Đắc Và Thiền Sư Nguyện Học
Trong tông phái Vô Ngôn Thông có một thiền sư tên là Nguyện Học, tiếng Anh có thể dịch là I vow to learn more. Thiền sư này sống vào thế kỷ thứ 12, mất năm 1174. Thầy thuộc thế hệ thứ 11 của thiền phái Vô Ngôn Thông. Thầy có làm một bài kệ như sau:
Đạo vô hình tượng,
Xúc mục phi diêu (hay là phi giao),
Tự phản suy cầu,
Mạc cầu tha đắc.
Đạo vô hình tượng tức là cái đạo kia không có hình thể, không có hình tượng, không có dáng vẻ. Chữ đạo ở đây không phải là con đường, M(rga, mà là sự chứng ngộ, sự giác ngộ. Tại chúng ta biết rằng các vị tổ ngày xưa đã dùng danh từ của Lão giáo để dịch tư tưởng Phật giáo. Thành ra chữ đạo ở đây không phải là con đường, mà nó có nghĩa là sự chứng ngộ. Đạt đạo không phải là đạt con đường, mà là đạt sự giải thoát, đạt sự giác ngộ. Đạo là đối tượng của đắc, đắc đạo. Đạo đó không có hình tượng, nó không phải là một vật mà mình có thể nắm bắt được từ bên ngoài.
Xúc mục phi diêu. Xúc là tiếp xúc, mục là con mắt. Câu này có nghĩa là thế nhưng nếu mình có chánh niệm thì nó đập vào con mắt của mình, nó ngay ở trước mắt mình, chứ không phải xa. Phi diêu nghĩa là không phải xa.
Tự phản suy cầu, tự phản tức là mình trở về mình. Phản này là trở lại. Tự mình trở lại mà tìm ra nó.
Mạc cầu tha đắc, chớ đi theo người khác mà cầu mong đạt được. Đừng có chạy theo người ta mà năn nỉ, mà xin xỏ. Tha là người khác. Đắc là nắm lấy. Đừng đi theo người ta mà mong ước nắm lấy. Người ta ở đây tức là thầy, là tổ, là Bụt. Tại vì đạo đó nó có sẵn trong con người của mình.
Đạo không có hình tượng, nó ở ngay trước mắt ta, không gì làm cho xa cách, phải trở về từ tâm mà thực hiện, chứ không thể đi tìm nơi kẻ khác.
Sau khi thầy nói như vậy thì thầy nói tiếp: Nếu mình thấy mình có đắc đạo thì sự đắc đạo đó không phải là chân thật. Nếu mình thấy mình đắc đạo được từ một người khác, thì cái đắc đó không phải là chân đắc. Thầy kết luận sự trao truyền tâm ấn của Bụt và của tổ phải được hiểu theo nghĩa đó. Câu này quan trọng lắm.
Sở dĩ Tam thế chư Phật,
Lịch đại Tổ Sư,
Ấn thọ tâm truyền,
Diệt như thị thuyết.
Có nghĩa là vì vậy cho nên các vị Bụt trong ba đời và các vị Tổ sư trải qua các thời đại ("lịch" nghĩa là trải qua), khi trao truyền cái tâm của mình và in trái tim của mình vào trái tim của người khác, thì các vị đó cũng nói như thế. Diệt là cũng, thuyết là nói, như thị là như thế. Nghĩa là có sự trao truyền (tâm ấn), nhưng sự trao truyền đó phải được hiểu theo nguyên tắc vô đắc, tức không phải là ở ngoài truyền vào.
Trong truyền thống thiền người ta thường nói tới chuyện truyền tâm ấn hay là đắc pháp. Trong lễ đắc pháp vị thiền sư trao cho người đệ tử một bài kệ gọi là kệ đắc pháp. Có khi trao cho một cái y, một cái bát. Làng Mai thì trao cho một cái đèn. Đó là biểu tượng của sự truyền pháp từ người này sang người khác. Tuy nhiên đó chỉ là hình thức mà thôi. Còn bản chất của sự trao truyền nó không phải như vậy, nó không phải là từ thầy tới trò. Bản chất của sự trao truyền là vô đắc, nghĩa là trao truyền mà không trao truyền. Tại vì cái tối đa mà thầy có thể làm được cho trò là giúp trò khơi mở tuệ giác ở trong bản thân của trò. Cái đó gọi là vô đắc. Thành ra công việc tối đa của một ông thầy có thể làm cho đệ tử mình là giúp cho đệ tử của mình khai phá được bản tính giác ngộ trong tự tâm của mình, chứ thật ra không có gì trao truyền từ thầy tới trò cả.
Thầy nói một câu, hay thầy đánh một gậy, hoặc thầy hét một tiếng, hay thầy trao một bài kệ, tất cả những cái đó là chỉ để kích thích, chỉ để giúp phương tiện cho người đệ tử có thể khai mở tuệ giác ở trong tự tâm của mình. Đó gọi là nguyên tắc vô đắc.
Thầy Nguyện Học đã nói rất rõ ràng: Phải trở về tự tâm mà khai mở cái đó chứ đừng lẽo đẽo chạy theo người ta mà xin xỏ, dù rằng người đó là Bụt, là tổ hay là thầy. Bụt, tổ và thầy làm đủ phương cách để giúp cho ta, và thầy trò chỉ thành công khi bản thân của người học trò có thể tự khai mở tuệ giác đó được ở trong con người của mình. Cũng như khi chúng ta vừa nghe tiếng đồng hồ điểm thì chánh niệm nó phát sinh ở trong lòng của chúng ta. Tiếng đồng hồ chẳng qua chỉ là phương tiện giúp chúng ta phát khởi chánh niệm mà thôi. Đồng hồ không trao truyền gì cả. Chúng ta chỉ cần nghe tiếng đồng hồ là chúng ta có thể tự làm phát khởi chánh niệm trong tâm chúng ta. Cái đó gọi là vô đắc.
Vậy thì bốn câu Sở dĩ Tam thế chư Phật, Lịch đại Tổ Sư, Ấn thọ tâm truyền, Diệt như thị thuyết, có nghĩa là sự trao truyền tâm ấn của Bụt và của Tổ phải được hiểu như vậy, nghĩa là hiểu trên nguyên tắc Vô đắc, non-obtainment.
Cách đây chừng 4, 5 năm tôi có hướng dẫn một khóa tu ở miền Bắc New York. Trời mưa luôn sáu ngày. Có một thiền sinh làm một bài kệ nói rằng:
It rains, it rains, it rains.
There is nothing to obtain.
Mưa, mưa, mưa. Không có gì để chứng đạt hết!
Chính tổ Vô Ngôn Thông trước khi tịch cũng đã nói về nguyên tắc vô đắc ở trong bài kệ của thầy mà ta vừa học trên đây. Đại ý thầy nói: Thiên hạ huyên truyền từ bốn phương, rằng thỉ tổ của mình ở Tây phương có truyền lại một chánh pháp nhãn tạng gọi là "thiền". Rằng có một đóa hoa nở ra năm cánh. Rằng thiền tông sinh trưởng ở Đông Độ và gieo hạt giống mãi mãi bất diệt về sau. Rằng có những mật ngữ có đến hàng ngàn, hàng vạn lời đều thuộc về truyền thống thiền, đều gọi là Tâm Tông. Nhưng ta tự hỏi Tây Thiên là đâu? Tây Thiên chính là đây chứ không là đâu khác. Mặt trời và mặt trăng năm xưa cũng là mặt trời và mặt trăng của hôm nay, tức là mặt trời và mặt trăng mà ta đang thấy đây. Hễ vướng mắc vào một từ ngữ là chúng ta sẽ bị kẹt và chúng ta làm oan cho các đức Bụt và các vị tổ. Chúng ta sai một ly là chúng ta đi xa một dặm. Vì vậy cho nên các vị phải cẩn thận để đừng lừa dối con cháu của quý vị.
Nói như vậy có nghĩa là đừng nghĩ rằng sự trao truyền đó là một sự trao truyền từ ngoài đi vào. Nếu bị kẹt vào cái y đó, vào cái bát đó, cái đèn đó, bài kệ đó thì ta đã không thấu hiểu được nguyên tắc vô đắc. Cho nên những người nào không nhận được bài kệ, không nhận được cái y, cái bát, cái đèn mà nổi lên lòng buồn bã, giận hờn, ganh tị, thì họ là những người không thấu hiểu được nguyên tắc vô đắc.
Nếu có sự trao truyền thì sự trao truyền đó được thực hiện trong từng giây từng phút, và sự trao truyền đó là một sự trao truyền không trao truyền. Nghĩa là những phương tiện để giúp ta thực hiện được sự giác ngộ, sự giải thoát đã nằm sẵn trong con người của chúng ta. Có ai cần trao truyền chất nước cho đám mây đâu? Tại vì đám mây đã có chất nước ở trong đó rồi!
Chúng ta biết rằng trong đạo Bụt Nguyên thủy có ba phép thiền quán gọi là Tam Giải Thoát Môn, ba cánh cửa giải thoát, The three doors of liberation. Trong ba cánh cửa giải thoát đó (tức là Không, Vô tướng, và Vô tác) chúng ta có thể thấy được nguyên tắc vô đắc.
Cánh cửa thứ nhất, "Không" nghĩa là không có một tự thể độc lập. Cái này là cái kia. Cái này nằm trong cái kia. Mà đã nằm sẵn trong đó rồi chứ không phải là cái này phải đi vào trong cái kia. Ví dụ như tuyết nó có sẵn trong đám mây, đại dương cũng có sẵn trong đám mây, chứ không phải nó cần đi vào trong đám mây. Cũng như đám mây nó có sẵn ở trong tuyết, chứ nó không cần phải đi vào trong tuyết. Cái đó gọi là tương tức, inter-being. Tôi có trong anh, anh có trong tôi. Nó hay hơn chữ tương nhập, Inter-penetration, tức là cái này nó đi vào trong cái kia, có chuyện đi vào và đi ra. Còn tương tức thì khỏi đi vào đi ra gì cả, trong đó có sẵn rồi. Mà nếu có sẵn rồi thì đâu cần đắc nữa?
Cánh cửa thứ hai, "Vô tướng" tức là không có một hình dạng độc lập. Thầy Nguyện Học vừa nói Đạo vô hình tượng, nghĩa là đạo không có một hình tượng độc lập. Ví dụ như chất mà chúng ta gọi là H2O, nó là vô tướng, tại vì có khi nó là tuyết, có khi nó là mây, có khi nó là sương, có khi nó là nước đá. Như vậy thì tướng nào là tướng của H2O?
Nếu nói là tướng nhẹ thì không đúng. Nhẹ như khi nó là mây, nhưng khi nó biến thành nước đá thì mình liệng có thể u đầu người khác. Vì vậy cho nên cái tướng nước đá cũng không phải là tướng của H2O. Đông cứng hay là trôi chảy cũng không phải là tướng của H2O. Cho nên bị kẹt vào một tướng là bị mất sự thật. Vì vậy Vô tướng là để giúp cho chúng ta xóa bỏ tri giác sai lầm về sự thật đó, tại vì sự thật không thể nào được chứa đựng trong một cái hình tướng.
Cũng như chúng ta lấy hai bàn tay mà bốc gió thì chúng ta không thể nào bốc gió được. Tri giác của chúng ta luôn luôn tìm một cái tướng để nắm, và khi nắm được cái tướng rồi thì mình nghĩ là mình nắm được sự thật! Kỳ thực khi mình nắm cái tướng thì sự thật tuột ra khỏi năm đầu ngón tay của mình!
Vì vậy cho nên Vô tướng cũng có cái khí vị của Vô đắc ở trong đó.
Trong kinh có nói rằng Chư pháp bất khả đắc. Tức là tất cả mọi hiện tượng đều không thể nào nắm bắt được bởi những khái niệm, những tri giác của chúng ta. Hễ nắm bắt bằng khái niệm là chúng ta chỉ nắm bắt được khái niệm thôi chứ còn bản thân của thực tại đó nó tuột ra khỏi tầm tay của chúng ta. Cái đó gọi là vô tướng.
Những phép quán niệm này, những phép thiền định này rất là sâu sắc.
Trong khoa học Vật lý ngày nay người ta cố tìm cái tướng của những đơn vị vật chất nhỏ nhất và người ta tạm gọi tên nó là Elementary particle, tiếng Việt dịch là "Chất điểm". Các nhà khoa học quán sát cái tướng của một chất điểm thì họ thấy rằng có khi chất điểm đó nó hiện ra, nó tự trình bày ra, biểu hiện ra như là một đợt sóng (wave), một ba động (vibration). Nhưng có khi nó cũng hiện ra cái tướng trạng như là một chất điểm(particle), một cái chấm. Nhưng theo nhận thức của người đời thì hai tướng trạng này chống đối nhau! Hoặc anh là một đợt sóng, hoặc anh là một điểm, làm sao anh là hai cái cùng một lượt được? Đó là một vấn đề nát óc của các nhà Vật lý học Nguyên tử. Tại vì khi họ nắm chất điểm đó mà nghiên cứu thì họ không biết tướng trạng đích thực của nó. Người ta phải kết luận chất điểm là một hòn bi cực nhỏ hay là một đợt sóng? Khi thì nó hiện ra như thế này, khi thì nó hiện ra thế kia, như là một con ma!
Đạo Bụt thấy rằng bản chất của chất điểm là vô tướng. Nếu anh nắm nó dưới hình tướng của một cái tướng thì anh mất nó. Vì vậy các nhà khoa học đặt ra một cái tên để gọi chất điểm là Wavicle, tức là họ ghép phần đầu của chữ Wave và phần cuối của chữ Particle để gọi tên chất điểm. Giống như mình ăn sáng (Breakfast) cùng lượt với ăn trưa (Lunch) thì mình gọi là Brunch. Các nhà khoa học cũng dùng phương pháp đó để khỏi bị kẹt vào tướng này hoặc tướng kia của chất điểm.
Ở trong Đạo Đức Kinh có câu:
Đạo khả đạo, phi thường đạo;
Danh khả danh, phi thường danh.
Có nghĩa là đạo mà có thể đàm luận được thì chưa phải là đạo thường còn. Tên mà có thể gọi được thì chưa phải là tên đích thực.
Đúng vậy! Gọi nó là sóng cũng không xong, mà gọi nó là điểm cũng không được. Cái đó gọi là Vô tướng, và khoa học ngày nay đã bắt đầu hé thấy cái tính chất vô tướng của sự vật. Khoa học đã thấy những khái niệm của con người về sự vật là sai lầm rất nhiều.
Tất cả các nhà khoa học nguyên tử đều biết sự thật này. Họ nói rằng khi đi vào trong thế giới của những chất điểm thì phải bỏ hết tất cả khái niệm của mình về sự vật trong đời sống hàng ngày, nếu không, ta không thể hiểu được một chút nào về thế giới của chất điểm cả.
Như vậy trong khi đi con đường nghiên cứu Vật lý, họ khám phá ra sự thật của con đường tâm linh. Cho nên những nhà Vật lý học nổi tiếng nhất trong thế giới hiện tại họ đều đang nghiên cứu về Phật học và giáo lý Hoa Nghiêm để có thể đi xa trên con đường khám phá khoa học của họ.
Cánh cửa thứ ba là "vô tác" hay "vô nguyện". Vô tác có nghĩa là không có cái gì mà mình phải thực hiện cả. Vô tác tiếng Phạn là Apra(ihita. Nó có nghĩa là không đặt một đối tượng trước mặt mình để chạy theo. Đối tượng đó có thể là lý tưởng. Lý tưởng quốc gia, lý tưởng giác ngộ. Mình đặt một đối tượng để thực hiện và mình chạy theo đối tượng đó thì gọi là "tác". Còn nếu mình thấy rằng không có cái gì để phải thực hiện hết, thì gọi là "vô tác". Và nó cũng có tính cách là "vô đắc", nghĩa là không cần chạy tìm cái gì hết, mình đã có tất cả rồi.
Ngày xưa, tháng Giêng năm 1964 tôi có làm bài thơ Bướm bay vườn cải hoa vàng. Tôi đã nói rằng Công trình xây dựng ngàn đời như công trình em ơi đã được ngàn đời hoàn tất. Đó là nói về tính cách vô tác. Mấy câu trước đó là: Đầu còn gối trên Thánh kinh, Sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai, vũ trụ đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng. Công trình xây dựng ngàn đời như công trình em ơi đã được ngàn đời hoàn tất. Tức là mình làm thì làm, mình xây dựng thì xây dựng nhưng mình phải thấy, mình phải có cái nhìn vô đắc, vô tác. Có như vậy thì mình mới có thể an trú trong hiện tại, mình mới chấm dứt được sự đeo đuổi, chạy theo. Cho nên tôi thường dịch "Vô tác" là La non poursuite, không có đuổi theo.
Khi ngồi thiền, thở vào và chúng ta nói: "Đây là tịnh độ". Thở ra chúng ta nói: "Tịnh độ là đây" thì sự cần thiết của việc thực tập là làm thế nào để thấy chỗ này, ngay giờ phút này là cái nhà của mình. Mình không cần đi đâu hết, mình không cần thực hiện cái gì nữa hết, tại vì cái thân của mình đã là mầu nhiệm, cái tâm của mình đã là mầu nhiệm, cái gối ngồi của mình đã là mầu nhiệm, tăng thân này đã là mầu nhiệm, căn nhà này đã là mầu nhiệm, cây cỏ trong ban đêm cũng đang rì rào mầu nhiệm, mình không có một mong ước nào nữa hết, mình không thiếu một cái gì nữa hết, mình không phải chạy theo một cái gì nữa hết. Khi ngồi như vậy mà an trú được trong giây phút hiện tại và tiếp xúc được với tất cả mầu nhiệm của sự sống, thì lúc đó mình đang thực tập vô đắc, hay là vô tác. Vô tác nghĩa là cái mà mình đang làm là làm không làm.
Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương gọi là Ngã pháp hành vô hành hạnh-Tu vô tu tu-Chứng vô chứng chứng.
Hành vô hành hạnh, ba chữ (Hán) tuy viết giống nhau nhưng chữ thứ ba có thể đọc là hành hay hạnh. Hành tiếng Anh là acting, còn hạnh là action. Đây là lời của Bụt: Pháp môn của tôi dạy (Ngã pháp), là thực hành cái hạnh vô hành. My practice is to practice the practice of non-practice. Cái pháp của tôi tu là pháp môn tu gọi là vô tu. Cái pháp của tôi chứng là chứng cái vô chứng. Tất cả những câu đó nó chỉ để nói một điều duy nhất là "vô đắc", hay "vô tác" mà thôi.
Vô tác có khi được dịch là vô nguyện, tức là không có cái ao ước nào nữa hết dù là ao ước học như là thầy Nguyện Học. Học thì học nhưng phải học theo tinh thần vô học.
Cho nên ba pháp gọi là Tam Giải Pháp Môn (Không, Vô tướng, Vô tác) là ba pháp môn tu tập rất mầu nhiệm, rất sâu sắc, đã có trong đạo BuÏt Nguyên thủy, và đạo Bụt Đại thừa đã khai thác ba giáo lý đó rất là rộng rãi.
Ngay trong khi chúng ta thực tập bài: Đây là tịnh độ, Tịnh độ là đây, Mỉm cười chánh niệm, An trú hôm nay, là chúng ta đã thực tập vô đắc, chúng ta đã thực tập vô hành rồi. Tôi đâu muốn thực hiện gì nữa đâu, tại vì chánh niệm soi sáng cho tôi thấy rằng cái cơ thể tôi đây rất là mầu nhiệm, cái tâm hồn tôi cũng rất là mầu nhiệm, cái giây phút này rất là mầu nhiệm, cái gối ngồi thiền này rất là mầu nhiệm, tăng thân này rất là mầu nhiệm, đất trời này rất là mầu nhiệm, thì tự nhiên tôi có hạnh phúc rất lớn.
Bụt là lá chín, Pháp là mây bay, Tăng thân khắp chốn, Quê hương nơi này. Tôi không chạy đi tìm nữa. Quê hương tôi bây giờ và ở đây. Bài đó có thể gọi là một bài thực tập Vô đắc, Hiện Pháp Lạc Trú.
Thành ra chúng ta thấy toàn bộ giáo lý của đạo Bụt nó đan vào nhau: Một phép thực tập hàm chứa tất cả những phép thực tập khác.
Có thể quý vị đã theo học 10 năm trong truyền thống của quý vị. Học đủ thứ kinh điển, nhưng các thầy không dạy cho quý vị thế nào là Không, thế nào là Vô tướng, và thế nào là Vô tác. Trong khi đó thì ba pháp môn này là ba cánh cửa mở tung con đường giải thoát cho chúng ta!
Có nhiều vị tu học trong truyền thống Nam tông 10 năm mà không được học về Không, Vô tướng, Vô tác. Có những vị học trong Bắc tông cũng vậy. Và khi người ta nói đến Không, Vô tướng, Vô tác thì giống như nói triết lý, không tưởng đâu đâu, không dính tới chuyện đời sống hàng ngày của mình, không dính tới chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện làm việc, chuyện thở, chuyện đi, chuyện đứng, chuyện ngồi của mình.
Như trên đây ta đã biết, trước hết thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh đến giáo pháp Vô đắc. Ngoài ra thiền phái Vô Ngôn Thông còn chủ trương đốn ngộ. Ngộ tức là giác ngộ, và đốn nghĩa là bất ngờ, là mau chóng, là tức thời. Dịch tiếng Anh là Sudden Enlighten. Tức là không phải đi qua những giai đoạn từ thấp tới cao, từ dễ đến khó. Tự nhiên giác ngộ một cách đột ngột. Đang nghèo đang khổ như vậy, tự nhiên ngồi xuống thực tập bài Đây là tịnh độ thì chợt thấy tại sao mình giàu quá như vầy, hạnh phúc quá như vầy, an lạc quá như vầy? Nó đến một cách đột ngột, không phải đi qua đệ nhất niên, đệ nhị niên, đệ tam niên, đệ tứ niên, đệ ngũ niên! Đó gọi là đốn ngộ.
Đốn ngộ là âm hưởng của Nam tông. Trong khi thầy Thần Hội nói về sự khác nhau giữa thiền miền Bắc và thiền miền Nam, thầy có nói rằng miền Bắc là đi từ từ, còn miền Nam chúng tôi là đi rất nhanh. Chúng tôi không cần phải năm tháng. Thầy dùng câu Nam đốn, Bắc tiệm. Nam đốn tức là miền Nam đi mau như chớp, còn Bắc tiệm là miền Bắc thì đi từ từ. Tiệm là đi từ từ. Ta nhớ rằng tông phái miền Bắc là do thầy Thần Tú, và miền Nam là của thầy Huệ Năng.
Nhưng đây là lời diễn tả của những thế hệ sau, chứ trong thời của thầy Thần Tú và thầy Huệ Năng người ta không đối lập hai phái Nam Bắc như vậy.
Thời đại ngày nay chúng ta cũng có khuynh hướng tu cho mau thành. Tu lâu mất công quá! Giống như cà phê, mình mua thứ gọi là Instant coffee. Và giác ngộ cũng vậy, mình muốn tu cách cho nhanh thôi, cho nên mình gọi là Instancy practice, và người ta quảng cáo rằng tu khóa này chỉ cần 15 ngày thôi là đã kiến tánh giác ngộ rồi. Ghi tên nhanh nhanh kẻo hết chỗ!
Đó là vì thời đại của chúng ta ai cũng muốn thực hiện cho nhanh, làm cho lẹ, đạt cho nhiều. Ở Mỹ người ta có mở những lớp dạy cho mình đọc sách cho nhanh. Khi đọc một trang theo cách này, mình đưa bàn tay của mình từ góc này sang góc kia của trang sách, xong là mình đọc xong trang sách! Rất là nhanh. Mình phải đọc rất nhiều để viết cho được một bài gọi là paper để đăng trong các sách báo khoa học nghiên cứu. Càng đọc nhanh thì càng tốn ít thì giờ, càng viết được nhiều papers, càng nổi danh trong giới đại học!
Nhưng cứ tưởng tượng có những bài văn rất hay mà một câu văn hoặc câu thơ nó cần phải nửa giờ hay một giờ để nghiền ngẫm, để thấy cái hay. Nếu đọc như vậy thì đâu có thưởng thức được! Cũng như bây giờ mình mua cây cà-rem, mình há miệng ra, bỏ vào và mình nuốt cái ực, thì thử hỏi ăn cà rem để làm cái gì mới được chứ?
Ấy vậy mà ngày nay chúng ta đều có khuynh hướng làm như vậy! Có người họ để ra ba năm để họ nghĩ ra hai câu thơ. Nếu mình đọc hai câu thơ của họ theo kiểu đọc nhanh đó thì tội nghiệp lắm cho họ, và cho cả mình!
Tôi còn nhớ bài thơ của một ông thi sĩ:
Ba năm mới nghĩ xong hai câu,
Cất ngâm một tiếng đôi hàng châu.
Ba năm mới nghĩ ra hai câu thơ mà khi cất tiếng lên ngâm là nước mắt ràn rụa. Nếu anh đọc hai câu thơ của tôi theo kiểu fast reading như vậy thì tủi cho tôi quá!
Cái khuynh hướng đó được thấy rõ khi người ta quảng cáo về một khóa tu. Thường thường họ nói rằng Intensivepractice. Tôi không thấy thoải mái lắm với lối quảng cáo này. Luyện thi cấp tốc, mà tu cũng cấp tốc luôn!
Vấn đề là tu hay không tu, chứ tu mà tu cấp tốc là tu làm sao? Tu cấp tốc thì làm sao an lạc được? Ngồi, đi, đứng phải thong thả thì mình mới nếm được cái thiền vị, cái an lạc của hành động. Cho nên chúng ta phải chống lại khuynh hướng của thời đại là khuynh hướng chạy tìm. Chúng ta phải đi theo truyền thống miền Bắc của thầy Thần Tú, đi chầm chậm.
Đốn ngộ được phát xuất từ tuệ giác vô đắc. Nếu chúng ta có kho tàng giác ngộ trong con người của chúng ta rồi, thì chúng ta đâu phải đợi rất nhiều ngày tháng mới có thể có giác ngộ? Một là có, hai là không. Nếu có thì nó có ngay một lần và có tất cả, chứ không phải chúng ta chỉ có một phần ba, rồi một phần ba nữa. Thành ra vô đắc có nghĩa là đốn ngộ.
Vấn đề là tuyết có ở trong mây hay không. Nếu có là có 100% chứ không phải có 1% rồi đám mây suy nghĩ thêm, tu tập thêm rồi nó có thêm 1% nữa. Không phải như vậy. Cho nên đốn ngộ ở đây có nghĩa là nếu ta có tuệ giác thì ta có tuệ giác 100% và sự khơi mở đó có thể đến một cách rất bất ngờ.
Ngày xưa Bụt có nói với vua Ba Tư Nặc: Giác ngộ không phải là vấn đề năm tháng. Vua Ba Tư Nặc nghe người ta xưng tụng Bụt là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho nên nhà vua hơi nghi hoặc, tại vì vua có nhiều vị quần thần nói ra nói vào, rằng trong nước ta có rất nhiều vị Hòa thượng tuổi cao, đức lớn, 70, 80 tuổi, họ được dân chúng kính nể vô cùng mà không ai tự xưng là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cả. Vậy mà vị thầy tu kia từ nước Ma Kiệt Đà tới, mới có ba mươi tám tuổi mà thiên hạ tôn xưng là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì làm sao mình tin được? Cho nên lần gặp Bụt đầu tiên nhà vua đã hỏi câu đó. Bụt mỉm cười nói rằng: Thưa đại vương, giác ngộ không phải là vấn đề năm tháng. Rồi Bụt đưa ra bốn thí dụ, nói rằng chúng ta đừng nên khinh thường những cái nhỏ, những cái trẻ.
Một vị Hoàng tử Đông cung, khi mới sanh thì em bé chỉ được ba bốn kí-lô thôi, nhưng đừng coi thường, tại vì trong em bé có chất liệu của một vị đế vương. Không thể đem chú bé đó mà so sánh với các babies hay các người lớn khác. Thành ra không phải tại chú bé đó nặng có 3 kí mà mình khinh khi được.
Ví dụ thứ hai là một đốm lửa. Hoàng thượng đừng khinh thường một đốm lửa dù nhỏ bằng đầu ngọn đũa. Nếu không cẩn thận, thì đốm lửa đó có thể đốt cháy trọn khu rừng, đốt cháy cả thành phố cùng kinh đô của đại vương.
Một con rắn bằng chiếc đũa cũng đừng khinh thường nó, cho rằng nó quá nhỏ. Bị nó cắn, có thể chừng một tiếng đồng hồ sau, mình sẽ chết.
Hình ảnh thứ tư là hình ảnh một vị thầy tu trẻ. Ông tuy trẻ nhưng trong ông có đủ chất liệu của giác ngộ.
Sau khi Bụt nói về bốn hình ảnh đó thì vua Ba Tư Nặc lạy xuống và vua thấy rõ ràng rằng giác ngộ không phải là vấn đề năm tháng.
Trong truyền thống của chúng ta có câu:
Sa di thuyết pháp, Sa môn thỉnh,
Bất tại niên cao, tại tánh linh.
Có nghĩa là một vị Sa di thuyết pháp và một vị tì kheo ngồi để nghe. Vấn đề không phải là vấn đề tuổi tác, mà là vấn đề giác ngộ.
Vì vậy cho nên khi có những điều kiện đầy đủ thì cái tuệ giác trong ta bừng nở một cách rất mau chóng. Và đốn ngộ là chuyện có thể xảy ra.
Giáo lý này cho chúng ta thêm niềm tin và thêm sự kiên nhẫn. Đôi khi mình thấy một người tu học năm này sang năm khác mà không có tiến bộ. Nhưng biết đâu vào một buổi sáng nào đó, hay một tối ngồi thiền nào đó, tự nhiên có một yếu tố mới nó đưa tới, và người kia có thể bừng tỉnh mà xoay chiều 100% và trở thành một con người khác. Cái đó gọi là đốn ngộ.
Thầy Vô Ngôn Thông đã từng được ở chung với thầy Bách Trượng Hoài Hải. Chúng ta nhớ rằng thầy Bách Trượng là người đã sáng tạo ra quy chế tu viện gọi là Bách Trượng Thanh Quy. Có một hôm thầy Vô Ngôn Thông nghe một thầy khách hỏi thầy Bách Trượng rằng: Có pháp môn Đại thừa nào giúp cho mình giác ngộ tức khắc không? Câu Hán chữ là:
Như hà thị Đại thừa đốn ngộ Pháp môn?
Có nghĩa là pháp môn đốn ngộ của Đại thừa là pháp môn nào? Làm thế nào để giác ngộ một cách tức khắc? Thầy Bách Trượng trả lời:
Tâm địa nhược thông, tuệ nhật tự chiếu.
Nghĩa là đất của tâm nếu được thông suốt thì mặt trời của tuệ giác tự nó bừng chiếu. Chữ tâm ở đây chúng ta phải hiểu là cái tâm nền tảng. Chúng ta nhớ rằng hồi thế kỷ thứ 3 thầy Tăng Hội đã ví tâm của ta là đất, và thầy đã sử dụng hình ảnh người gieo mạ trong buổi hoàng hôn. Ở đây chúng ta tiếp tục sử dụng hình ảnh đó. Tâm địa nhược thông nghĩa là nếu mặt đất của tâm mà được thông suốt. Thông ở đây có nghĩa là không bị kẹt vào một vấn đề nào đó.
Tất cả chúng ta người nào cũng có những chỗ kẹt ở trong tâm. Một vị thầy giỏi, một sư anh, một sư chị giỏi, một sư em giỏi là một người có thể chỉ cho ta thấy chỗ kẹt ở trong tâm của chúng ta, để chúng ta khai thông. Nếu tuệ giác chưa tới, nếu hạnh phúc chưa biểu lộ là tại trong tâm của chúng ta còn có chỗ kẹt. Kẹt về cảm thọ, kẹt về tri giác.
Tu học là để nhận diện những chỗ kẹt ở trong tâm mình. Tâm ở đây nó rất là cụ thể, nó là thọ, là tưởng, là hành, và là thức, trong đó có những thói quen, những tập khí, những tri giác sai lầm, những lề lối suy tư sai lầm, những nhận thức sai lầm. Tu tập tức là dùng chánh niệm soi ánh sáng vào để thấy được những chỗ kẹt đó. Khi khai thông được những chỗ kẹt đó rồi thì cái mặt trời trí tuệ không phải từ bên ngoài chiếu vào mà tự bên trong nó bừng chiếu ra, khỏi cần nói: Mặt trời ơi, đến đây chiếu giùm một chút! Tự chiếu là như vậy. Đó là tuệ giác, và đó là câu trả lời của thiền sư Bách Trượng.
Vậy thì mỗi chúng ta hãy đặt câu hỏi là có những chỗ kẹt nào ở trong tâm ta không? Chúng ta có thể nhờ tuệ giác của tăng thân để khai sáng. Chúng ta có thể nói: Sư anh! Sư anh thấy em còn có chỗ kẹt nào trong tâm em thì sư anh chỉ giùm. Có những điều mình không thấy, nhưng người khác thấy được. Những thói quen, những cử chỉ mình làm ra, những lời nói mình nói ra trong đời sống hàng ngày mà mình không chú ý, tất cả những cái đó đều tố cáo những chỗ kẹt của tâm. Mình không thấy nhưng một vị thiền sư có thể thấy, một người sư anh, sư chị, sư em có thể thấy. Vì vậy cho nên đừng loay hoay một mình. Phải hỏi sư anh, sư chị, sư em của mình. Đôi khi người đó chỉ cho mình thấy được chỗ mình bị kẹt. Tại vì những cử chỉ, những lời nói, những phản ứng trong đời sống hàng ngày của mình nó có thể tố cáo được chỗ kẹt trong tâm của mình. Nếu có chánh niệm thì chúng ta có thể khám phá những chỗ kẹt đó không khó khăn mấy. Trong khi ngồi nói chuyện với nhau, người này phát biểu ý kiến, người kia phát biểu ý kiến, nếu chúng ta ngồi đó, lắng nghe, nhận xét với chánh niệm thì có thể người kia chỉ nói một câu thôi, không cần nhiều, mà chúng ta đã có thể nhận diện trong tâm của người đó chỗ kẹt là đâu. Một vị thiền sư giỏi là người có khả năng khám phá ra chỗ kẹt ở trong tâm của người đệ tử, của người đối thoại. Thấy được rồi thì có thể giúp người đệ tử hoặc người thiền khách tháo gỡ điều đó được.
Ông thầy giúp bằng nhiều phương pháp, có khi là tiếng hét, có khi là một cây gậy, có khi là một câu nói.
Chúng ta biết rằng thầy Cảm Thành thuộc về thế hệ thứ hai của thiền phái Vô Ngôn Thông, đệ tử của thiền sư Vô Ngôn Thông, và thầy Cảm Thành cũng có nhiều đệ tử, trong đó có một người tên là Thiện Hội. Thiện Hội có nghĩa là khéo hiểu, skilfull in understanding. Một hôm thầy Cảm Thành nói với thầy Thiện Hội rằng: Trong tâm mình có giác tính, tức là có bản tính của giác ngộ ở trong đó. Vì vậy nếu bỏ tâm mình mà đi tìm Phật ở bên ngoài thì không khác gì người ngoại đạo cả. Nhưng nếu ôm riết lấy tâm của mình để tìm Phật thì cũng không thành công. Giống như mình đi trên con đường ma.
Đó là lời dạy vừa có tính cách vô đắc, vừa có tính cách vô trước của thầy Cảm Thành. Vô trước là không dính mắc. Bỏ tâm mà cầu Phật là ngoại đạo; dính vào tâm để cầu Phật là đi theo con đường ma!
Vì vậy thầy Thiện Hội mới nghĩ rằng trong tâm có Phật và có ma. Cho nên thầy mới hỏi: Bạch thầy, nếu vậy thì trong tâm này cái gì là Phật và cái gì không phải là Phật? Tức đã có sự phân biệt là trong tâm mình có những cái mình có thể đồng nhất với Bụt, có những cái mình có thể đồng nhất với ma, tức là có một cái nhìn nhị nguyên.
Thầy Cảm Thành mới kể một câu chuyện, thầy nói: Ngày xưa có người hỏi thiền sư Mã Tổ rằng: Nếu nói tâm này tức là Phật thì trong tâm đó cái gì là Phật, cái gì không phải là Phật? Giống hệt câu con vừa hỏi thầy. Thầy Mã Tổ đã trả lời rằng: Nhìn vào tâm anh đi, thấy cái gì không phải là Phật thì anh chỉ cho tôi xem.Người kia kẹt cứng không thể chỉ được. Lúc đó thầy Mã Tổ mới nói rằng: Khi mình chứng đạt thì cái gì cũng là Phật hết. Khi chưa chứng đạt thì cái gì cũng không phải là Phật hết. Câu chữ Hán là Đạt thời biến cảnh thị, Bất ngộ vĩnh quai sơ, có nghĩa là khi mình đạt rồi thì tất cả mọi cái khắp nơi đều là Phật hết. Thị nghĩa là to be. Còn nếu mình chưa giác ngộ thì mình vĩnh viễn đi ngược lại cái chân lý, mình vẫn còn sai lầm. Quai sơ tức là ngược lại, là sai lầm, sơ sót. Khi chưa tỉnh thức thì mình có thể phân biệt cái này là Phật, cái này là ma. Nhưng nếu mình tỉnh ngộ rồi thì cái gì cũng là Phật cả. Cũng như khi chưa biết làm vườn thì mình nghĩ rằng cái này là hoa, cái kia là rác. Nhưng khi biết làm vườn rồi thì mình thấy rác và hoa nó tương tức, ở trong hoa có rác, và trong rác có hoa. Thành ra mình đối xử đồng đều, và mình trân quý luôn cả hai.
Ngoài chủ trương Vô đắc, Đốn ngộ, tông phái Vô Ngôn Thông còn có pháp môn Tâm địa. Tâm địa có nghĩa là nhìn vào đất tâm để tìm ra những chỗ kẹt, và tháo gỡ những chỗ kẹt đó thì tự nhiên mặt trời tuệ giác chiếu ra.
Dưới đây là lời thiền sư Vô Ngôn Thông dạy thiền sư Cảm Thành:
Nhất thiết chư pháp giai tùng tâm sinh. Tất cả mọi hiện tượng đều phát hiện từ tâm.
Tâm vô sở sinh, pháp vô sở trú, Tất cả mọi hiện tượng, tất cả các pháp sông, núi, cây, cỏ, thân thể, cảm thọ đều từ tâm của mình mà sinh ra. Tâm này là nền tảng, là Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, những cái đó mình có thể gọi là tâm. Nhưng đó là những tâm hành. Những tâm hành đó phát xuất từ nền tảng gọi là tâm. Thành ra tâm đây tức là tâm nền tảng, tâm địa tức là đất nền tảng, cũng như là từ đất sinh ra tất cả mọi loài cây cỏ, cho nên tâm được gọi là địa.
Tất cả mọi pháp đều từ tâm mà sinh ra, nhưng chính cái tâm đó nó không sinh, và những pháp đó nó không có trú xứ nhất định, nó không có vị trí riêng của nó. Vì vậy cho nên tâm là nền tảng, còn pháp là sự biểu hiện trên nền tảng đó, nó không có căn cứ riêng biệt.
Cũng như tất cả các loài thảo mộc chúng từ đất mà sinh ra, tất cả đều dính líu tới đất. Vì vậy cho nên cây chuối với cây dừa, hai cây đó không có tự tánh riêng biệt. Chúng có cùng một mẹ, không thể nói rằng tôi là cây chuối, anh là cây dừa, chúng ta khác nhau.
Nhược đạt tâm địa, sở tác vô ngại. Nếu ta đi tới được đất tâm tức là nếu ta đi tới được cội nguồn của tâm mà ta không bị kẹt vào các pháp, thì hành động của chúng ta sẽ hoàn toàn tự do. Sở tác tức là hành động của ta. Sở tác vô ngại là hành động của ta hoàn toàn tự do, muốn làm gì cũng được.
Khi mình bị kẹt vào trong sự phân biệt giữa các pháp thì mình không được tự do. Chỉ khi nào mình trở về với đất tâm, mình thấy rằng tất cả những pháp đó đều do tâm biểu hiện ra, thì lúc đó mình mới có tự do. Cho nên hành động của ta là hành động của Bồ tát, rất tự do. Lúc đó không gian thênh thang vô cùng, không bị hạn lượng.
Đó là giáo lý thứ ba của thiền phái Vô Ngôn Thông, gọi là giáo lý Tâm địa.
Các sư cô, sư chú còn trẻ có thể có cảm tưởng rằng chuyện vượt thoát sinh tử là chuyện xa vời, không làm được. Nhưng quý vị đừng sợ. Đối với tôi chuyện vượt thoát sinh tử nó nằm ở trong bàn tay, chúng ta có thể làm được. Tại vì sinh tử trước hết chỉ là ý niệm về sinh tử. Mà phương pháp thực tập hơi thở thứ 16 của kinh Quán Niệm Hơi Thở, phóng khí xu mạng, là rất mầu nhiệm.
Để thành công, mình phải sử dụng những hình ảnh ví dụ như hình ảnh đợt sóng trên đại dương. Một đợt sóng có thể chết được hay khoâng? Khoâng! Ñôït soùng noù chæ khoâng bieåu hieän thoâi chöù noù khoâng theå cheát! Khoâng coù chuyeän maát ñi ñaâu hết. Khoa học cũng nói rằng "Không có cái gì sinh ra, cũng không có cái gì diệt đi".
Làm sao mà mất được? Một mảnh giấy khi mình đốt thành tro thì nó cũng không thể nào diệt được. Đốt thì nó thành tro, nó thành hơi nóng, đi vào vũ trụ nó thành mây, và tiếp tục sự sống của nó dưới một hình tướng khác. Tại sao mình lại sợ hư vô? Mình sợ chết? Chỉ tại vì mình không thấy mà thôi. Tu theo đạo Bụt là để thấy, và muốn thấy thì phải quán chiếu. Người đời họ bận rộn, lao động để nuôi thân, nuôi gia đình, họ không có thì giờ quán chiếu. Mình là người tu, thì giờ của mình để làm gì? Để mà quán chiếu! Và quán chiếu như vậy để vượt thoát sinh tử. Vượt thoát sinh tử là chuyện có thể làm được, mà đó là lý tưởng tối cao của người tu.
Chúng ta dùng thân thể này để có thể tiếp xúc với bản môn, tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm, với niết bàn. Không hẳn là phải dùng tâm mới tiếp xúc được với niết bàn. Với cái đầu của chúng ta, với hai tay của chúng ta, với cơ thể chúng ta khi lạy xuống, chúng ta có thể tiếp xúc với tổ tiên, với mọi loài, với bản chất của sự sống, do đó ta tiếp xúc được với niết bàn. Niết bàn tức là sự sống không có giới hạn, vượt ra khỏi mọi ý niệm, trong đó có ý niệm ta riêng biệt, ý niệm cô đơn, lạc lõng của chúng ta. Cho nên nếu ai trong chúng ta chưa biết lạy thì hãy tập lạy. Rất là mầu nhiệm. Tại vì trong khi lạy, cái tâm và cái thân nó hợp nhất lại. Thực tập không phải là chỉ thực tập bằng cái tâm, mà phải thực tập luôn bằng cái thân nữa.
Thực tập của chúng ta là thực tập tiếp xúc trở lại với truyền thống, tiếp xúc với ông bà, với tổ tiên tâm linh huyết thống, với con cháu tuy bây giờ chưa có mặt nhưng đang có mặt với tất cả mọi loài, mọi hình thức của sự sống, và tiếp xúc bằng thân của chúng ta chứ không phải chỉ bằng tâm mà thôi, tại vì chúng ta lạy xuống để tiếp xúc. Thân tâm hợp lại để làm việc tiếp xúc đó. Tiếp xúc được với tổ tiên, với con cháu, với sự sống trong vô lượng hình thức thì tất nhiên cái ý niệm về một cái bản ngã riêng biệt về sự cô đơn, về sự hờn tủi nó sẽ tan biến. Do đó chúng ta gọi phương pháp lạy này cũng là phương pháp tiếp xúc để nối liền lại với tổ tiên của sự sống. Và cũng có nghĩa là nối liền với bản thân của chúng ta. Chúng ta có thể đốn ngộ.
Học về thiền phái Vô Ngôn Thông chúng ta đã xét qua ba chủ trương của thiền phái này là Vô đắc, Đốn ngộ, và Tâm địa. Hôm nay chúng ta nói tới việc sử dụng pháp môn gọi là Thoại đầu.
Trong sự thực tập, Vô Ngôn Thông là thiền phái đầu tiên ở Việt Nam đã sử dụng cách tu gọi là tu thoại đầu. Thoại có nghĩa là mẫu chuyện nho nhỏ. Theo cách viết của người Trung Hoa, chữ "thoại" gồm có cái lưỡi và lời nói. Đầu có nghĩa là cái đầu của người thiền sinh, cũng có nghĩa là sự bắt đầu the head hay the beginning.
Thoại đầu có thể dịch tiếng Pháp là Un sable de conversation hay tiếng Anh là A piece of conversation. Trong những lần Bụt tiếp xúc với những người khách hay các vị đệ tử, thỉnh thoảng có những mẫu chuyện nho nhỏ được ghi chép lại. Những mẫu chuyện đó là nguồn gốc của phương pháp tu gọi là thoại đầu. Những câu chuyện ngắn xảy ra giữa các vị tổ sư và các vị đệ tử, nếu có ý nghĩa hay ho, nếu là quan trọng thì được chọn lọc và biên tập lại thành kinh sách. Những câu chuyện đó đều được gọi là thoại đầu, được dùng làm phương tiện để tu tập cho thiền sinh.
Ví dụ một hôm Bụt ngồi nói chuyện với một người khách, một nhà triết học. Ông ta hỏi Bụt một câu: Bạch đức Thế Tôn. làm thế nào mình có thể nói được về thực tại tối hậu, về chân lý tuyệt đối, mà mình không sử dụng hai danh từ có và không (being và non-being)? Nghe xong Bụt ngồi im lặng, không nói gì hết, vàngồi im lâu thật là lâu. Cuối cùng ông đó đứng dậy, xá Bụt ba cái thật sâu rồi từ giã ra về. Thầy A Nan ngạc nhiên nên hỏi: Bạch đức Thế Tôn, sao đức Thế Tôn chẳng nói gì hết mà ông ta lại tỏ lòng kính phục đức Thế Tôn một cách sâu sắc như vậy? Bụt mới nói rằng: Này A Nan! Đối với những con ngựa hay, con ngựa giỏi thì mình không cần tới cái roi.
Và câu chuyện giữa Bụt và thầy A Nan trở thành một thoại đầu.
Thiền sư Triều Châu một hôm được vị thị giả hỏi: Bạch thầy, con đến đây tu đã ba năm rồi mà thầy chưa dạy con điều gì quan trọng hết, thầy mới chỉ dạy sơ sơ. Bây giờ xin thầy nghĩ đến chuyện con đã ở đây được ba năm rồi mà từ bi dạy cho con một giáo lý gì thật quan trọng. Thiền sư chỉ ra ngoài sân trước và nói: Sư chú có thấy cây tùng ở ngoài sân hay không? Câu hỏi và câu trả lời kia trở thành một mẩu chuyện gọi là thoại đầu.
Các thiền sinh sau này có thể sử dụng những thoại đầu đó làm đề tài thiền quán.
Thầy Cảm Thành khi nói chuyện với học trò (tức là thầy Thiện Hội, thế hệ thứ ba), có nhắc lại câu nói của thầy Đạo Nhất, thiền tổ của Qui Ngưỡng Tông bên Tàu: Đạt thời biến cảnh thị, Bất ngộ vĩnh quai sơ, có nghĩa là khi mình đạt tới rồi thì cái gì cũng là Bụt hết, mà khi chưa đạt thì cái gì mình cũng sai lầm. Rồi thầy Cảm Thành hỏi tiếp: Cái thoại đầu đó sư chú có hiểu không? Như vậy danh từ thoại đầu (xuất hiện trong sách Thiền Uyển Tập Anh lần đầu tiên), cho chúng ta thấy rằng thiền phái Vô Ngôn Thông ở Việt Nam đã sử dụng những thoại đầu để thực tập về thiền học rất sớm. Trễ nhất là vào thế hệ thứ hai tức thế hệ thầy Cảm Thành.
Một hôm có vị đệ tử lên hỏi thiền sư, có lẽ cũng là thiền sư Triều Châu: Bạch thầy con chó có thể thành Phật không, con chó có Phật tánh hay không? Thiền sư nói: Không! Câu hỏi cùng câu trả lời đó đã được ghi chép lại và làm thành một thoại đầu.
Trong khi kinh điển nói rằng tất cả chúng sanh, hữu tình cũng như vô tình, đều có Phật tánh, vậy mà khi sư chú lên hỏi thì thầy trả lời là: Không có Phật tánh! Như vậy thì có vẻ như thầy không hiểu Phật pháp, hoặc thầy hiểu nhưng thầy nói sao đó, thầy có thể khinh thị mình sao đó!
Tại sao lại nói "không"? Tại vì mình tin chắc rằng lên hỏi thầy thì thầy nói có chớ sao không! Vậy mà thầy lại nói Vô! Vô có nghĩa là không, tiếng Nhật đọc là "Mu".
Từ đó cho đến bây giờ, biết bao nhiêu thế hệ thiền sinh đã quán chiếu về chữ "Vô" để tìm hiểu coi thử chữ vô đó nó có nghĩa gì và tại sao lại nói "Vô". Tại sao lại nói không có Phật tánh.
Nói đến thoại đầu chúng ta phải nói tới danh từ thường đi đôi với danh từ thoại đầu là công án. Công tức được công nhận là chính thức, tiếng Anh là Official. Ai cũng phải công nhận hết. Án tức là một án lệnh, một quyết nghị mà không ai có thể đi ngược lại được. Một văn kiện của nhà nước đã ban hành và không ai có quyền chống lại. Chữ công án là một danh từ có tính cách hành chánh, chính trị, nhưng khi được đem vào trong thiền môn thì nó có nghĩa là những tài liệu chính thức, official documents.
Công án là những lời tuyên bố của các thiền sư trong những câu chuyện giữa thiền sư và đệ tử. Câu chuyện đó có thể ngắn chừng hai, ba hay bốn hàng. Nội dung câu chuyện giữa hai người thì gọi là công án. Các chữ hoặc câu chìa khóa ở trong công án đó thì gọi là thoại đầu.
Công án có thể có ba câu, bốn câu, cũng có thể có nhiều chữ, nhưng trong công án có một chữ rất quan trọng hay một vài chữ rất quan trọng. Ví dụ như chữ Không!, hay Đạt thời biến cảnh thị, Bất ngộ viễn quai sơ. Hoặc là câu Đối với con ngựa hay thì không cần tới cái roi. Những chữ, những câu đó gọi là công án.
Trong thiền môn người ta đã sưu tầm được khoảng 1700 công án, tha hồ mà tu! Nhất là trong phái Lâm Tế của chúng ta, các thầy tu công án nhiều lắm!
Thực tế mà nói thì chỉ có khoảng 500 công án được học hỏi và thực tập mà thôi. Chứng ngộ thì chỉ cần một công án, không cần nhiều. Nhưng thường trong các truyền thống, người ta phải học nhiều công án.
Những tác phẩm sưu tập các công án nổi tiếng là có Bích Nham Lục. Lục ở đây là một tác phẩm thâu tóm, ghi chép, bảo tồn lại. Chúng ta phải biết chữ đó. Lục là nói tắt của chữ Ngữ lục. Ngữ tức là lời nói. Ngữ lục là ghi chép lại những lời nói, thường là của một vị Tổ sư. Ví dụ như thầy Lâm Tế có để lại một tác phẩm mà chúng ta gọi là Lâm Tế Lục, tức là những lời nói, những câu nói, những lời dạy của thiền sư Lâm Tế. Tác phẩm này bằng chữ Nho nhưng có bản dịch ra tiếng Pháp của một học giả người Pháp tên là Đới Mật Vi, Démiéville.
Ở Việt Nam chúng ta có những thiền sư cũng để lại những bộ Lục như thiền sư Tuệ Trung, tức là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Danh hiệu "Thượng Sĩ" cũng giống như danh hiệu Bồ tát, tức là một vị cao sĩ. Tuệ Trung Thượng Sĩ là một thiền sư nhưng không phải là người xuất gia. Tuy vậy thiền sư rất giỏi và dạy luôn cả người xuất gia.
Tuệ Trung Thượng Sĩ có để lại một tập gọi là Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, trong đó có những công án, những thoại đầu, những bài thơ, và những lời dạy của Tuệ Trung.
Về những tập sách ghi chép những lời của các vị thiền sư hay là những công án, chúng ta có Bích Nham Lục, Tụng Dung Lục, Vô Môn Quan. Quan là cửa ải, môn cũng là cửa. Vô Môn Quan là cửa ải không có nẻo vào, không có nẻo ra. Chúng ta còn có tác phẩm Chánh Pháp Nhãn Tạng, Cảnh Đức Truyền Tăng Lục, Nhân Thiên Nhãn Mục, Chỉ Nguyệt Lục. Đó là những bộ lục danh tiếng ở trong thiền môn. Trong những bộ lục này chúng ta tìm thấy tất cả vào khoảng năm sáu trăm công án.
Công án còn có khi được gọi là Cổ tắc. Cổ tức là xưa, từ xưa để lại. Tắc là những phép tắc, nguyên tắc. Những nguyên tắc thời xưa để lại làm mẫu mực cho đời nay gọi là cổ tắc.
Chúng ta là con cháu trong thiền môn, thành ra chúng ta phải biết ít nhất là tên của những bộ lục này. Khi có thì giờ rảnh, chúng ta sẽ đọc một vài bộ lục để xem trong đó có những công án nào, những cổ tắc nào, những thoại đầu nào hay để chúng ta có thể sử dụng.
Ở Làng Mai chúng ta có rất nhiều bài thực tập rất là mầu nhiệm, thành ra chúng ta để hết tâm ý vào việc thực tập những bài đó, như là bài Đã về, đã tới; Quay về nương tựa v.v...
Bây giờ chúng ta hãy đọc một mẩu chuyện giữa thiền sư Ngộ Ấn (mất năm 1090) và một người khách tăng, thuộc giới học trò. Thầy Ngộ Ấn sống vào thế kỷ thứ 11, thuộc thế hệ thứ 9 của thiền phái Vô Ngôn Thông.
Hôm đó có một thầy trẻ hỏi: Thế nào là đại đạo? Thầy Ngộ Ấn nói: Đại đạo là đường lớn.
Đại đạo là một danh từ rất là lớn, rất là kêu. Thường chúng ta ưa những danh từ rất lớn, cho nên vị này hỏi về đại đạo. Chắc là cũng chờ thầy nói đạo là gì vĩ đại lắm, như đạo là nguyên tắc lớn của vũ trụ, của thái hư, nó là nguồn gốc của hiện hữu, nó là cái gì không đi không đến, không có, không không v.v... Nghĩ rằng hỏi câu đó thì được nghe một mớ diễn thuyết về sinh diệt. Nhưng thầy lại nói đại đạo là đường lớn, thành ra vị xuất gia đó thất vọng quá. Chờ đợi mà không được gì hết! Ai lại không biết đại đạo là đường lớn!
Ở đây mình biết thầy Ngộ Ấn không muốn cho học trò ăn những khái niệm, những danh từ, cho nên trả lời như vậy để cắt đứt đường rầy xe lửa, để cho cái đầu xe lửa nó khỏi chạy. Nó chạy thì không về, không tới. Vị xuất gia đó mới nói rằng:
Con hỏi về đại đạo mà Hòa Thượng lại nói về đường lớn, vậy thì ngày nào con mới đạt tới đại đạo được?
Thầy không chịu dạy! Con hỏi đại đạo mà thầy nói đại đạo là đường lớn, vậy thì có ích lợi gì cho con đâu? Ngày nào con mới đạt đạo? Thầy Ngộ Ấn nói rằng:
Mèo con chưa bắt được chuột đâu! Có nghĩa là ta nói cái gì đi nữa thì cũng không ích lợi gì cho sư chú hết.
Nhưng vị thầy trẻ này không chịu thua. Nếu mình hiểu câu trả lời của thầy thì mình về thực tập thiền hành, quán chiếu để năm bảy tuần hay năm bảy tháng sau lên gặp lại thầy thì sẽ có cơ hội khác. Nhưng sư chú này không biết điều đó cho nên sư chú còn năn nỉ thêm. Thầy nói mèo con chưa bắt chuột được, nên chú hỏi:
Nhưng mèo con có Phật tánh không? Thầy đừng có khi con! Có lẽ chú nhớ tới câu Bụt nói "Đừng khi người trẻ tuổi". Thầy Ngộ Ấn nói rằng: Không!
Mình thấy rất rõ thầy là thiền sư! Thiền sư nói gì cũng được. Nói ngược cũng được mà nói xuôi cũng xong! Miễn là làm cho tâm của người nghe đừng có kẹt thì thôi. Có cũng được, không cũng được. Tuy vậy mình không nên nói càng rồi mong người khác cho rằng vì mình là thiền sư!
Vị xuất gia này mới viện kinh sách ra để nói: Bạch thầy trong sách nói rằng tất cả các loài hàm linh đều có Phật tánh. (Hàm linh tiếng Anh là living-being). Nhưng tại sao riêng Hòa Thượng lại nói con mèo không có Phật tánh? Có thể là Hòa Thượng không theo đường lối giáo pháp chánh thống, hoặc muốn đi tách ra. Thầy mới trả lời: Tôi không phải hàm linh! Mình thấy thầy rất là thầy, thiền sư rất là thiền sư! Chặt một lát, chặt thêm lát thứ hai, lát thứ ba để cho cái tâm của người đệ tử này đừng kẹt vào những khái niệm. Chú này vẫn chưa chịu thua:
Nếu Hòa Thượng không phải là hàm linh thì Hòa Thượng là Phật rồi chăng? Ghê không? Sư chú này là ai quý vị có biết không? Nhìn lại đi, thế nào mình cũng có cái tâm này ở trong lòng! Nếu bây giờ không thì chắc chắn thế nào trong quá khứ cũng đã có. Thầy tuyên bố những câu rất mạnh: Mèo con chưa biết bắt chuột đâu-Mèo con không có Phật tánh-Tôi không phải hàm linh! Sư chú mới hỏi thêm một câu nữa: Nếu Hòa Thượng không phải hàm linh (tức không phải là chúng sanh) thì Hòa Thượng là Phật rồi sao? Thầy Ngộ Ấn nói: Tôi không phải là Phật mà cũng không phải là hàm linh!
Mình thấy rất rõ là tất cả những lời của thiền sư đều có một tính chất là để chặt đứt cái tâm niệm đi tìm khái niệm, đi tìm danh từ của người đệ tử. Câu hỏi có nhiều, nhưng câu trả lời trước sau chỉ có một. Và câu chuyện giữa thầy Ngộ Ấn (thế hệ thứ chín thiền phái Vô Ngôn Thông) và vị tăng này (có lẽ là một vị thuộc thế hệ thứ 10) đã trở thành một tài liệu chính thức, một công án mà mình có thể sử dụng được trong công trình thiền tập của mình.
Nếu tâm mình còn rong ruổi, tìm kiếm theo kiểu đó, nếu mình vẫn có tập khí đi kiếm sự giác ngộ như đi kiếm những kiến thức, những cái sở tri, thì mình vẫn không khác gì vị xuất gia trẻ kia. Chặt chỗ này thì nó lòi ra chỗ kia; chặt chỗ kia thì nó mọc ra chỗ nọ! Chúng ta thấy rằng trong trường hợp này, người đối thoại với thiền sư Ngộ Ấn không thành công, và mình rất thương thiền sư Ngộ Ấn, tại vì thiền sư trước sau như một, muốn đập vỡ cái khái niệm của người kia, muốn chận đứng cái khuynh hướng đi tìm tòi kiến thức của người học trò. Người đối thoại với thiền sư Ngộ Ấn rất là thất vọng. Thầy nói ra câu nào cũng làm cho vị thiền giả đó thất vọng câu đó. Nhưng kỳ thật những lời thiền sư đưa ra là những cái quí nhất mà thiền sư có thể có.
Chúng ta thấy rất rõ đây là một thiền sư đã đạt đạo. Chỉ có những thiền sư đã đạt đạo mới nói ra những câu không cần phải phù hợp với giáo điều, như con mèo không có Phật tánh. Thầy Triều Châu ngày xưa cũng nói con chó không có Phật tánh, bây giờ thiền sư Việt Nam nói con mèo không có Phật tánh.
Nhưng chưa hết, câu nói của vị thiền giả nó hơi vô lễ. Nguyên văn câu nói đó là: "Tất cả các loài hàm linh, loàinào cũng có Phật tính cả, tại sao Hòa Thượng lại không có Phật tính? Không nói tại sao Hòa Thượng nói con mèo không có Phật tính, mà lại nói tại sao Hòa Thượng lại không có Phật tính? Đúng ra, theo lý luận thì phải nói rằng: Bạch Hòa Thượng, kinh sách dạy rằng tất cả các loài hàm linh đều có Phật tánh, vậy thì tại sao Hòa Thượng lại nói con mèo không có Phật tánh? Nhưng ở đây vị thiền giả đó nói hơi bất kính. Không nói con mèo, mà nói Hòa Thượng. Vì vậy mà thầy mới nói rằng: Tôi không phải hàm linh! Câu này phù hợp với kinh Kim Cương: "Hàm linh là được làm bằng những yếu tố không phải là hàm linh, chúng sanh được làm bằng những yếu tố phi chúng sanh". Ví dụ như mặt trời, đám mây, dòng sông đâu phải là chúng sanh, nhưng chính những cái đó làm ra chúng sanh. Không có mặt trời, đám mây, cây cối thì không thể có con người hay con mèo.
Vị thiền giả rất cứng đầu nên đã hỏi vặn lại: Nếu không phải là hàm linh thì Hòa Thượng là Bụt rồi chăng? Thầy cũng rất kiên nhẫn để tiếp tục dạy dỗ học trò, rất tội nghiệp, rất là từ bi: Này chú, tôi không phải Phật mà cũng không phải hàm linh. Làm như vậy là làm hết nước rồi, không thể nào làm hơn được nữa. Mà nếu ông kia không được hưởng chút nào từ cuộc nói chuyện này thì quả thật ông là một thiền giả gọi là cù lần.
Đó là một ví dụ. Ví dụ thứ hai là câu chuyện xảy ra trước thời thầy Ngộ Ấn, giữa thầy Vân Phong (mất năm 957) và thầy Thiện Hội (mất năm 900/901). Thầy Thiện Hội là thế hệ thứ ba, thầy Vân Phong là thế hệ thứ tư của thiền phái Vô Ngôn Thông. Ở đây thầy Thiện Hội đóng vai thầy, và thầy Vân Phong đóng vai trò.
Trong giới thiền môn ai cũng biết rằng mục đích đầu tiên của người xuất gia là để thoát ra khỏi ngục tù của sinh tử, để đi vào cửa vô sinh, chứ không phải đi làm chùa cho lớn. Cho nên danh từ Sinh tử sự đại là danh từ rất quan trọng trong thiền môn. Có nghĩa việc sinh tử là việc lớn nhất mà mình phải giải quyết. Vì vậy mà thầy Thiện Hội mới nói: Này Vân Phong, con phải nhớ rằng mục đích tối hậu của người xuất gia là thoát khỏi sanh tử. Thầy Vân Phong mới hỏi: Bạch thầy nhưng làm sao thoát khỏi sanh tử? Thầy Thiện Hội nói: Cách hay nhất để thoát sanh tử là đi ngay vào trong sanh tử. Muốn tìm sanh tử, mình đi ngay vào sinh tử để tìm. Câu này là một câu rất mạnh. Giống như khi mình học Tứ Diệu Đế, mình biết Khổ đế là sự thật thứ nhất, Diệt đế là sự thật thứ ba, tức là sự giải thoát. Đi tìm diệt ở đâu? Đi vào trong khổ để tìm diệt. Nếu không quán chiếu về khổ và không biết nguồn gốc, biết bản tính của khổ thì không thể nào tìm ra sự thoát khổ được. Cho nên muốn đi tới chỗ không sinh diệt thì phải đi vào trong lòng sinh diệt để tìm. Rất là mạnh, rất là đúng, rất là chính thống. Thầy Vân Phong hỏi:
-Chỗ vô sinh tử là chỗ nào?
-Nó nằm ngay ở trong chỗ sinh tử.
-Thầy nói như vậy làm sao con hiểu được?
-Thôi sư chú đi đi, ngày mai mình sẽ gặp lại.
Tức là cuộc tham vấn thất bại! Thầy đã đưa cho mình một cái chìa khóa, một cây sào mà mình không nắm được. Vì vậy có tiếp tục nói cũng vô ích, cho nên thầy bảo sư chú đi đi, mai sẽ đến gặp lại thầy. Hy vọng từ đây cho đến ngày mai, cái đầu của chú nó mở thêm chút nữa!
Lời thầy nói như là một lát búa, nhưng chưa làm bể được khối tri kiến của sư chú. Lời của thiền sư là những nhát búa, có mục đích đập nát, bổ chẻ sự u mê của người thiền sinh. Mình thấy rất rõ. Muốn đạt tới chỗ vô sinh tử thì mình đi vào chỗ sinh tử. Nghe vậy mà còn hỏi: "Làm sao con hiểu được chuyện đó. Tại sao đi tìm chuyện vô sinh tử mà lại đi vào chỗ sinh tử?" Cho nên thầy nói thôi đợi đến ngày mai, hy vọng sẽ có cơ hội mới! Không thấy Thiền Uyển Tập Anh ghi lại cơ hội ngày mai của sư chú là như thế nào.
Ví dụ thứ ba là ví dụ giữa thiền sư Định Hương (thế hệ thứ bảy, mất năm 1051) và đệ tử là Cửu Chỉ (mất năm 1067). Trong trường hợp này thầy Định Hương hỏi chứ không phải là đệ tử tức là thầy Cửu Chỉ hỏi:
-Nghĩa của cứu cánh là gì, ngươi có biết không? Cứu cánh là sự thật tuyệt đối, là chân đế Param(rtha. Cứu cánh đối nghịch với phương tiện. Phương tiện là những chân lý tương đối, những hướng dẫn có tính cách tương đối thuộc về tích môn, còn cứu cánh thuộc về bản môn. Thầy Cửu Chỉ nói:
-Dạ không, xin thầy dạy con. Thầy Định Hương nói:
-Là cái mà tôi vừa trao cho sư chú đó. Thầy Cửu Chỉ đang ngạc nhiên, thầm hỏi "Thầy đâu có đưa gì đâu, thầy chỉ hỏi một câu vậy chớ có đưa gì đâu!" Trong khi thầy Cửu Chỉ đang suy nghĩ thì thầy Định Hương mỉm cười và nói rằng:
-Thôi chú bước trượt qua mất rồi! Chú thi hỏng rồi. Đó cũng là một câu chuyện, một công án được ghi lại trong Thiền Uyển Tập Anh.
Chúng ta nên nhớ sách Thiền Uyển Tập Anh, ghi lại Những bông hoa đẹp nhất trong vườn thiền, và là cuốn sách quý nhất nói về lịch sử thiền học ở Việt Nam.
Trong ví dụ thứ ba này, thoại đầu là một con sào đưa ra để cho một người chết đuối nắm lấy, để có thể được kéo lên bờ. Có khi người kia nắm được, có khi người kia nắm không được. Giữa thầy và đệ tử thường có những cơ hội như vậy, thầy nói một câu, nếu căn trí của người đệ tử linh động, và tình trạng của người đệ tử đã chín rồi thì câu nói đó đập vỡ được, phá đổ được màn vô minh ở nơi người đệ tử. Còn nếu không thì tình có nhưkhông. Không ích lợi gì cả.
Trong thiền gia có những thoại đầu rất là phổ thông, như là Nhất thiết qui nhất, nhất qui hà xứ? Đó là một thoại đầu. Nhất thiết qui nhất có nghĩa là cái tất cả nó trở về cái một. Và câu hỏi là: Nhất qui hà xứ? Vậy thì cái một nó đi về đâu? Cái tất cả đi về cái một, mình đồng ý với nhau như vậy, mình tưởng mình nắm được chân lý tuyệt đối rồi, nhưng tôi thử hỏi anh: Nếu vậy thì cái một nó trở về với cái gì? Đó là một đề án để tham khảo, gọi là một thoại đầu.
Trong những thế hệ đầu của thiền phái Vô Ngôn Thông, chúng ta chưa thấy thiền phái Lâm Tế đi vào Việt Nam. Thiền phái Lâm Tế chính thức đi vào Việt Nam vào đời nhà Trần, trong thời vị vua đầu tiên của nhà Trần là Trần Thái Tông. Trước đó ở Việt Nam các thầy đã sử dụng phương pháp thoại đầu thiền để thực tập. Sau này phái Lâm Tế là một phái thiền rất chuyên môn về công án và về thoại đầu. Rồi các người chịu ảnh hưởng thiền Lâm Tế như vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ đều có sáng tạo những công án và những thoại đầu để thực tập, và cho đệ tử của các thầy thực tập.
Thoại đầu hay là công án là những dụng cụ thiền tập có mục đích đập phá vô minh của mình, nó hé mở giác ngộ của mình và những công án hay những thoại đầu đó không thể được thực tập bằng ý niệm, bằng lý trí của mình. Nếu sử dụng lý luận thì mình sẽ thất bại, tại vì con đường của thoại đầu, con đường công án không phải là con đường của lý luận.
Vì vậy khi thầy cho mình một cái thoại đầu hoặc cho mình một công án để tham khảo thì mình phải biết rằng đó không phải là một đề án có thể giải quyết bằng cách suy nghĩ, lý luận. Nó không phải là một bài toán như thầy dạy toán cho mình. Mình không thể sử dụng tri kiến của mình được.
Nó là một hạt giống mà thầy đã trao cho mình. Hạt giống đó, mang về không thể dùng một kính hiển vi để nghiên cứu được. Hạt giống đó mình phải ươm vào trong đời sống hàng ngày của mình, trong da thịt của mình, trong tàng thức của mình.
Tâm thức của mình có hai phần, phần dưới gọi là tàng thức, phần trên gọi là ý thức. Tàng thức là đất tâm. Hạt giống thì phải chôn xuống đất chứ đừng vùi sơ sơ trên phần ý thức mà hạt không nẩy mầm được. Cho nên tiếp nhận công án, tiếp nhận thoại đầu rồi thì mình phải đem chôn cho sâu trong đất tâm của mình, và mỗi ngày mình phải tưới tẩm, chứ không phải đem ra để phân tích, chia chẻ với kính hiển vi. Không dùng lý luận mà tu tập với thoại đầu được.
Trong khi ăn cơm, uống nước, hay làm việc là mình phải biết mình đang mang trong người mình một thoại đầu, một hạt giống. Thở vào thở ra, mình tự hỏi câu đó: Vạn pháp đi về một, vậy thì một đi về đâu? Hay: Đi tìm việc thoát sinh tử ở đâu? Không phải do suy nghĩ mà thoại đầu đó bung ra được. Phải do chánh niệm, phải do công phu nuôi dưỡng hàng ngày, làm thế nào để ngày nào cũng tưới rất nhiều lần, ngày nào cũng ấp ủ như con gà mẹ ấp trứng. Khi nào sức nóng đủ và trứng chuyển hóa thì gà con sẽ tự động mổ vỏ trứng chui ra. Công án và thoại đầu cũng vậy. Chúng ta không thể nào nghiên cứu, phân tích, lý luận về nó được. Mình phải chôn sâu nó trong đất tâm của mình, và phải tưới tẩm bằng cuộc sống hàng ngày rất có chánh niệm, thì một ngày đó tự nhiên nó sẽ nứt mầm mọc lên. Và sáng hôm đó tự nhiên mình thấy điều mà trong mấy tháng nay, trong mấy năm nay mình không thấy được! Đó gọi là thoại đầu thiền, hay coâng aùn thiền.
Trong khi học ở trung học, hay đại học chúng ta dùng phần trên của tâm thức, tức là ý thức để làm việc. Nhưng khi tu tập để đạt tới giác ngộ thì không phải ý thức có thể đem tới giác ngộ mà chính tàng thức mới đem đến giác ngộ. Cũng như một người làm vườn phải có đất mới làm được. Người làm vườn không phải là người làm ra hoa trái. Chính đất làm ra hoa trái. Người làm vườn chỉ làm vườn thôi. Người làm vườn chỉ xới đất, gieo hạt, tưới tẩm, chăm bón hạt giống mà thôi. Vì vậy cho nên sự giác ngộ của mình, sự giải thoát của mình không phải là công trình do ý thức cống hiến, mà do tàng thức cống hiến. Khi hoa trái giác ngộ bừng lên thì mình thấy, mình đạt, mình hiểu, mình ngộ. và mình biết đó là công trình của tàng thức.
Cho nên tu tập là mình phải có lòng tin ở nơi tàng thức. Mình đừng nghĩ rằng với ý thức này, với tri thức này mình có thể tìm ra được giác ngộ. Mình phải sử dụng ý thức như là một người làm vườn thôi, bao nhiêu hy vọng đều phải nương vào nơi tàng thức.
Tàng thức, trong giấc ngủ của mình nó vẫn làm việc. Ý thức, khi mình ngủ, ngoài những giấc mộng mị thì nó không phát hiện gì cả.
Ví dụ chiều hôm qua đi ngoài đường phố, mình thấy một khuôn mặt rất quen, mình biết chắc rằng mình đã gặp người này rồi, mình biết tên người này rồi, mình có chào và người kia cũng có chào lại. Từ đó cho đến khi bước vào nhà là cái đầu của mình làm việc nhiều lắm. Chà, người này tên gì đây? Chắc chắn mình đã biết, vậy mà đi bộ gần hai cây số về nhà, moi móc trí nhớ, mình vẫn không thể nào nhớ được tên của người đó!
Người làm công việc moi móc đó là anh chàng ý thức ở trên. Đào xới tìm kiếm không được thành ra đầu mình hơi nhức, cho nên mình nói rằng thôi, không nhớ được thì thôi, bỏ qua đi để ăn cơm cho ngon. Vì mình đã có cái đà đi kiếm rồi cho nên khi ngồi ăn, mình vẫn suy nghĩ! Giận quá!
Khi ăn cơm xong, mình đi tìm một băng nhạc hay một bài pháp thoại để mở ra nghe. May quá! Trong khi nghe bài pháp thoại đó hay băng nhạc đó thì mình quên chuyện đi tìm tên người kia. Nhờ vậy mà tối đó mình ngủ ngon.
Sáng hôm sau thức dậy, mình hoàn toàn quên chuyện gặp người hôm qua, và tâm mình không đi kiếm nữa. Nhưng đột nhiên trong khi đánh răng thì tên người đó nhảy ra, và lúc đó mình không tìm kiếm gì cả! Tự nhiên đang đánh răng không nghĩ đến nó mà cái tên đó nhảy ra một cái bộp!
Điều đó chỉ có nghĩa là ban đêm trong khi mình nghỉ ngơi, trong khi ý thức mình ngưng làm việc thì tàng thức mình đã nhận lệnh và đã tiếp tục làm việc suốt đêm! Đến sáng thì nó dâng cho mình cái kết quả làm việc ban đêm của nó.
Do đó mình biết rằng tàng thức đóng một vai rất quan trọng trong thiền tập và mình phải đặt đức tin nơi tàng thức của mình.
Có lúc trước khi đi ngủ mình nói rằng tàng thức ơi, ta muốn thức dậy lúc 5 giờ sáng, tại vì ta phải ra ga xe lửa! Đôi khi mình chỉ cần nói vậy thôi thì tàng thức biết, nó có cái đồng hồ riêng của nó. Cho nên khoảng 5 giờ là nó đánh thức mình dậy! Quý vị có kinh nghiệm đó chưa?
Hồi tôi mới ba, bốn tuổi, thường hay nhẫn nhơ đi ra sân trước chơi một mình. Có một lần nhìn vào trong lu nước mưa thấy có một cái lá vàng đỏ rất đẹp, nằm dưới đáy lu. Tôi rất muốn thọc cánh tay vào để lấy lá đó lên chơi. Nhưng cánh tay ngắn và nhỏ xíu, thành ra tuy thọc tay vào lu mà không thể nào với tới cái lá đó. Tôi bèn đi kiếm một cái que để khươi nó lên, nhưng khươi hoài mà không được. Mình rướn hết người lên mà cái que chỉ mới gần tới ngọn lá thôi. Quậy một hồi mà lá vẫn không lên, giận quá tôi bỏ đi.
Đi chơi một hai vòng, trở lại thì tôi thấy cái lá đó nổi lên trên mặt nước! Tại vì trong thời gian mình đi chơi một hai vòng đó thì nước trong lu vẫn tiếp tục xoáy, và nhờ vậy mà ngọn lá từ từ theo đường nước xoáy nổi lên trên mặt lu! Khi tới, tôi chỉ cần đưa tay là lượm ngọn lá lên được liền!
Như vậy có nghĩa là trong khi mình bỏ đi, không nhớ nghĩ tới cái lá nữa, thì nước trong lu vẫn tiếp tục xoay, vẫn tiếp tục làm việc giùm mình.
Tiềm thức của mình cũng như vậy. Chính cái tâm địa của mình nó cống hiến hoa trái của giác ngộ cho mình, chứ không phải là phần ý thức ở bên trên. Cho nên khi thầy cho mình một công án, một thoại đầu là mình phải biết đem về chôn nó thật sâu ở trong tâm, không cần phải suy nghĩ, nghiên cứu. Và chính công phu hàng ngày, chính nhờ việc nấu cơm, giặt áo, quét nhà, làm vườn trong chánh niệm, và luôn luôn ý thức về hạt giống đã gieo trong tâm thức, mà một ngày nào đó cái hiểu có thể tới. Chánh niệm và chánh định làm cho hạt giống nó chín, cũng như là sự ấp ủ hơi nóng của con gà mẹ lâu ngày, làm cho gà con tượng hình ở trong trứng, và một ngày kia gà con sẽ mổ vỏ trứng mà chui ra.
Nếu mình đã có niệm và định hùng hậu, nếu mình đã chín rồi thì đôi khi gặp thầy và thầy nói một câu thì thoát nhiên mình ngộ liền! Đã có những trường hợp đó xảy ra ngay trong thời của Bụt. Có những người đã chín rồi, trong khi nghe Bụt thuyết pháp thì tâm tư họ bừng nở và thấy được đạo ngay trong bài thuyết pháp.
Trong truyền thống Vô Ngôn Thông các thầy thường có thói quen dạy học trò bằng những câu thơ ngắn. Và những câu thơ đó, có khi người học trò phải đem về để sử dụng như những thoại đầu.
Thiền phái Vô Ngôn Thông là thiền phái đầu tiên ở Việt Nam, trong đó các thầy đã biết sử dụng hình ảnh thi ca trong sự thực tập. Trước đó các thầy có làm thơ nhưng những bài thi kệ đó không hẳn là để thực tập. Còn ở đây những bài thơ, những hình ảnh thi ca đưa ra là để làm thoại đầu, để thực tập.
Ngày xưa, trong thiền phái này có một thiền sư tên là Thiền Lão (Thế hệ thứ bảy, tịch năm 1037), cùng thời với thầy Định Hương. Thầy Thiền Lão ở chùa Thiên Phúc, huyện Tiên Du. Sau một thôøi gian ôû ñoù, thaày lui veà nuùi Töø Sôn ñeå daïy ñeä töû. Nghe noùi coù treân 1000 ñeä töû ñeán hoïc vôùi thaày, vaø chùa của thầy ở trên núi chứ không phải ở thành phố. Một hôm vua Lý Thái Tông nghe danh thầy, nên đi vào núi để thăm thầy. Sách Thiền Uyển Tập Anh có ghi lại câu chuyện tiếp xúc giữa hai người. Nhà vua hỏi:
-Bạch ngài, ngài ở trong núi này từ bao lâu rồi?
Thầy trả lời bằng hai câu thơ:
Đản tri kim nhật nguyệt,
Hà thức cựu Xuân Thu.
Thầy trả lời vua bằng mười chữ, có nghĩa là chỉ cần biết ngày và tháng hôm nay mà thôi. "Hà" là tại sao lại phải nhớ, tại sao phải biết những mùa Xuân và những mùa Thu đã đi qua rồi? Tôi dịch là:
Sống trong giờ hiện tại,
Ai hay năm tháng xưa?
Mình thấy rất rõ là tuy nói ít, nhưng thầy nói những điều quan trọng nhất.
Thật ra thì câu hỏi: "Thiền sư sống ở đây bao lâu rồi?" cũng không ích lợi gì nhiều. Hỏi để có chuyện vậy thôi. Chứ tôi sống ở đây ba năm, bốn năm cũng không khác nhau gì mấy. Cho nên thiền sư trả lời một câu mà vua có thể sử dụng được: Chỉ cần biết ngày hôm nay thôi, tại sao phải nhớ mình ở đây bao nhiêu năm để làm gì?
Chúng ta biết rằng đây là phương pháp mà tại Làng Mai chúng ta đang thực tập, gọi là Hiện Pháp Lạc Trú.
Vua hỏi thêm một câu nữa:
-Bạch ngài ở đây mỗi ngày ngài làm gì? Câu này cũng không hay gì hơn câu trước! Thầy trả lời:
Túy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh,
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân.
Hai câu rất hay. Dịch là:
Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh,
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.
Phi ngoại cảnh có nghĩa là không phải là cảnh ở ngoài. Ở Xóm Hạ mình có trúc, có hoa, ngày nào cũng có, và mình biết rằng cái hoa đó, bụi trúc đó không phải là cảnh vật có ở ngoài mình. Nó là biểu hiện chân tâm của mình. Nó là bản môn, nó là nền tảng của chính mình, và mình không thấy nó là cảnh ở bên ngoài của mình. Mỗi ngày sống như vậy, mỗi ngày tôi nhìn trúc màu xanh, tôi ngắm hoa màu vàng. Tôi nhìn ngắm và tiếp xúc như thế nào mà tôi có thể thấy được cái hoa vàng và bụi trúc tím đó là nền tảng của sự có mặt của tôi. Đó là một cái mầu nhiệm phát xuất từ cái bản môn của tôi. Như vậy thì hay quá!
Cho nên với câu hỏi mỗi ngày ngài làm gì mà trả lời là tôi ngồi thiền buổi sáng, rồi tôi đi thiền hành, tôi ăn sáng v.v... thì thường quá. Thầy đã nói mỗi ngày tôi tiếp xúc với trúc tím và hoa vàng, và tôi thấy nó là cái bản môn của chính tôi.
Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân. Có nghĩa là mây trắng và trăng trong làm hiển lộ cái thực tại mầu nhiệm tròn đầy, cái chân như, cái thể tánh, cái bản môn.
Sống như vậy là sống rất sâu sắc. Sống bây giờ, sống ở đây, tiếp xúc một cách sâu sắc với vạn pháp. Chỉ với bốn câu thơ, hai câu đầu năm chữ, hai câu sau bảy chữ mà thầy Thiền Lão đã nói ra được cái nguyên tắc thực tập mà thầy đi theo.
Nhà vua mới hỏi câu thứ ba:
-Như vậy có nghĩa là thế nào, xin ngài cắt nghĩa cho trẫm biết.
Vậy là ông vua này cũng trượt rồi! Thầy Thiền Lão mới nói:
-Từ đa vô hậu ích.
Có nghĩa là tâu Bệ Hạ, nói nhiều lời, sử dụng nhiều danh từ quá, thì sau này không có lợi. Danh từ nhiều, chữ nghĩa nhiều tức là nói nhiều, thì sau này sẽ không có lợi cho sự tu học của mình. Bệ Hạ chỉ cần nhớ bốn câu đó, về cung thực tập thì cũng đã dư xài!
Vì vậy cho nên mình biết rằng trong thiền phái Vô Ngôn Thông, ngoài việc sử dụng các thoại đầu để thiền quán, các thầy còn dùng những hình ảnh thi ca để dạy đệ tử, với ý niệm rằng nếu dạy nhiều thì đệ tử sẽ không nhớ, và đầu họ sẽ lộn xộn. Vì vậy cho đệ tử những câu thơ vắn tắt và hàm chứa thì có lợi hơn.
Những thi kệ mà mình có trong Từng Bước Nở Hoa Sen cũng nằm ở trong truyền thống này. Ví dụ như:
Thức dậy miệng mỉm cười,
Hăm bốn giờ tinh khôi,
Xin nguyện sống trọn vẹn,
Mắt thương nhìn cuộc đời.
Nói tóm lại, về thiền phái Vô Ngôn Thông chúng ta có thể nhớ những đặc điểm điểm sau đây:
1. Nguyên tắc vô đắc.
2. Nguyên tắc đốn ngộ
3. Nguyên tắc tâm địa, rất quan trọng. Chính nhờ nguyên tắc tâm địa đó mà mình biết nguyên tắc tu thoại đầu.
4. Cuối cùng là sử dụng những hình ảnh thi ca để truyền đạt.
Nhận được thoại đầu thì phải tu tập theo phương pháp thoại đầu. Nếu thoại đầu mà đem ra để phân tích, thì dù có phân tích hay mấy đi chăng nữa, nó cũng trở thành cái mà ta có thể gọi là thoại vĩ, có nghĩa là cái đuôi của câu chuyện. Đầu là beginning, vĩ là the tail, the end.
Vậy thì công án hay thoại đầu trước hết nó có công dụng của một công cụ tu tập để đạt tới sự ngộ đạo, công cụ để ngộ thiền.
Thứ hai là được sử dụng như là phương pháp khảo nghiệm. Tại vì muốn xem sư cô hay sư chú đó, tâm của họ đã bừng ra chưa, khối tập khí đã chuyển đổi chưa, thì chỉ cần hỏi một câu là mình biết liền!
Thứ ba là Phương tiện ấn chứng. Ấn chứng là để chứng thật rằng người đó đã thấy được, đã đạt được. Ví dụ như thầy Liễu Quán khi gặp bổn sư thì thầy trình ra một kiến giải, thầy nói một câu gì đó thì thầy bổn sư nói: Chưa được, đi ngủ đi, ngày mai gặp lại.
Thường thì chuyện này hay xảy ra lắm. Sáng hôm sau, trong khi thầy Liễu Quán đang làm bếp, thầy bổn sư đi qua và hỏi: Sao? Chuyện hôm qua đã đi tới đâu rồi? Nói tiếp coi! Không đợi đệ tử đi tìm, thầy đi vào bếp tìm đệ tử. Tại vì thầy muốn biết cả đêm đệ tử mình có làm được gì không. Lúc đó thầy Liễu Quán mới ngẩng lên, mỉm cười và thưa:
Tảo tri đăng thị hỏa,
Phạn thục dĩ đa thì.
Thầy bổn sư liền nói: Được quá, được quá! Thành ra hai thầy trò đều hoan hỷ, tại vì mười chữ đưa ra nó chứng tỏ rằng trò đã nắm được.
Tảo tri đăng thị hỏa có nghĩa là nếu con sớm biết rằng cây đèn chính là lửa, thì cơm đã chín lâu rồi (Phạn thục dĩ đa thì). Lâu nay con dỡ quá, con không biết cây đèn là lửa! Nếu con biết thì nồi cơm mà thầy bảo con nấu, nó đã chín từ lâu rồi!
Công dụng chót của thoại đầu là chỉ điểm cái cứu cánh. Chỉ điểm cứu cánh tức là sử dụng thoại đầu đó, công án đó, những câu thơ đó, để chỉ cho người ta thấy cái quan trọng nhất mà người ta sẽ đạt tới. Thành ra hai câu đầu của thiền sư Thiền Lão có mục tiêu chỉ điểm cứu cánh mà không phải chỉ là một câu hỏi. Nếu là câu hỏi để trắc nghiệm người đệ tử, thì nó cũng là một thoại đầu, một công án. Còn ở đây là chỉ điểm cứu cánh.
Nội bốn câu đó thôi mà nếu thực tập cho tinh chuyên thì mình có thể đạt đạo được. Hai câu đầu nói về phương pháp Hiện Pháp Lạc Trú, đã về đã tới, sống thật sâu sắc trong những giây phút trong hiện tại. Hai câu sau nói nếu mình sống như vậy, mình tiếp xúc sâu sắc như vậy thì nền tảng đời sống của mình, nền tảng sự hiện hữu của mình sẽ biểu lộ ra cho mình. Niết bàn, tịnh độ, bản môn, nó trình bày ngay trong giờ phút hiện tại.
Vì vậy cho nên khi vua nói rằng xin thầy giải thích thêm, thì thiền sư nói: Thôi, nói nhiều nó sẽ không có lợi. Vì vậy mà câu thơ của thầy Thiền Lão được coi là một phương tiện để chỉ điểm cái cứu cánh.
Đây là lúc chúng ta tóm lược giáo điển của chư tổ mà chúng ta đã học trong mấy tháng qua, để kiểm lại cách hành trì của chúng ta trong thời đại ngày nay.
Chúng ta đã bắt đầu khóa học về thiền sư Khương Tăng Hội, đi qua thiền sư Đạt Ma Đề Bà, Huệ Thắng. tới thiền phái Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi, rồi qua thiền phái Vô Ngôn Thông.
Chúng ta biết rằng thiền tập mà thầy Tăng Hội dạy là sử dụng những kinh điển thiền của Nguyên thủy, nhưng đã được Đại thừa hóa. Kinh An Ban Thủ Ý cũng được coi như là kinh Đại thừa, và thầy Tăng Hội cũng đã dịch kinh Đạo Hành Bát Nhã.
Đến thầy Huệ Thắng, chúng ta đã có phương pháp thực tập về Pháp Hoa Tam Muội. Pháp Hoa Tam Muội là một cái lệnh phát xuất từ kinh Pháp Hoa. Thầy Huệ Thắng đã đem pháp môn đó sang giảng dạy ở Trung Quốc.
Thiền phái Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi có thể được diễn tả như là thiền phái dạy chúng ta phương pháp An trú. An trú tức là ở yên, mình cảm thấy thoải mái, bây giờ và ở đây, mình đã tìm ra quê hương của mình là giây phút hiện tại và ở địa phương này.
Với thiền Bồ-Đề Đạt-Ma, ta có thể nói rằng thiền Bồ-Đề Đạt-Ma là thiền An tâm.
Chúng ta biết rằng tâm của chúng ta chỉ an được khi chúng ta có thể trú được.
Sáng nay tôi hỏi thị giả là tâm của con có an không? Thị giả trả lời: Bạch thầy con thấy an, mà con chưa an lắm. Tôi nói: Nếu con muốn an thì con phải trú. Đó là giáo lý của thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi. Trở về quê hương của mình, quê hương tâm linh của mình, quê hương đích thực của mình, và cảm thấy được che chở, có hạnh phúc ở trong quê hương đó. Đó là thực tập an trú. Có an trú thì tất nhiên có an tâm. An trú là cơ bản của sự an tâm.
Chúng ta nhớ câu chuyện giữa thầy Bồ-Đề Đạt-Ma và thầy Huệ Khả. Khi thấy thầy Huệ Khả đứng chờ, thầy Bồ-Đề Đạt-Ma hỏi:
-Ông đứng làm gì đó? Thầy Huệ Khả nói:
-Tâm của con không an, con muốn đến để thầy an cái tâm giùm cho con. Thầy Bồ-Đề Đạt-Ma nói:
-Đưa cái tâm đây coi. Thầy Huệ Khả trả lời:
-Con tìm cái tâm không được. Thầy Bồ-Đề Đạt-Ma mới nói:
-Ta đã an tâm cho ông rồi đó!
Chúng ta chỉ nghe nói vậy thôi, còn không biết là thầy Huệ Khả có an tâm hay không. Điều đó không thấy ghi lại.
Tôi có cảm tưởng nếu tôi nói với học trò của tôi rằng: "Con đưa tâm đây thầy an giùm cho", thì chắc là không thành công, tại vì tôi cho rằng phương pháp rất cụ thể để mình có thể an được tâm của mình là an trú, tức là trở về với giây phút hiện tại, trở về nơi này và ở đây để nhận nó là quê hương của mình. Lúc đó tâm mình mới an được.
Nếu ở Xóm Hạ còn có vài người tâm chưa được an, nếu Xóm Thượng có vài người tâm chưa được an, thì những người đó phải thực tập an trú, tức là phải tìm về quê hương tâm linh của mình. Phải thấy đó là quê hương đích thực của mình. Khi mình an trú được trong đó thì tất nhiên tâm của mình sẽ an.
Nếu có một người nào thỉnh thoảng muốn sống lại kiếp cô hồn ngày xưa, muốn ra đi, thì người đó chưa ở yên, chưa an trú được, và mình biết tâm của người đó không an. Những người nào đã về, đã tới, đã thấy được giây phút hiện tại là quê hương của mình, nơi này là quê hương của mình, thì người đó an trú, và cố nhiên những người đó có tâm an.
Khóa tu mùa Thu năm nay là một khóa tu để tạo an trú rất kỳ diệu. Chủ đề của khóa tu là Quê Hương, là Hạnh Phúc, là Tình Thương. Thành ra các vị nào chưa được may mắn theo học khóa đó, thì nên tìm cách tổ chức để có thể cùng nhau học lại khóa đó với tư cách một tăng thân nhỏ, năm bảy người cùng nghe lại những bài giảng, và cùng thực tập pháp đàm với nhau. Khóa tu đó là một khóa tu có thể gọi là để dành cho những người xuất gia trẻ. Nói như vậy không có nghĩa là những người khác không thừa hưởng được. Tại vì những chủ đề đó là những chủ đề rất lớn: Quê hương đích thực của mình, lý tưởng của mình, hạnh phúc của mình, và tình thương của mình.
Khi đi sang thiền Vô Ngôn Thông thì danh từ ta nhớ đến đầu tiên là Vô Đắc. Vô đắc nghĩa là không cần phải chạy tìm một cái gì nữa, tại vì trong giây phút hiện tại, trong tự tâm của chúng ta, đã có đủ những cái mà ta muốn đi tìm. Ta đã là cái mà ta muốn trở thành. Cho nên mình không chạy tìm một cái gì khác ngoài bản thân của mình, ngoài cái hoàn cảnh hiện tại của mình. Đó gọi là vô đắc.
Khi không còn chạy đi tìm nữa thì cố nhiên ta an trú được, và an trú được thì tâm an được. Vì vậy cho nên thiền vô đắc cũng là thiền an trú. Cố nhiên trong thiền phái Vô Ngôn Thông chúng ta còn được học nguyên tắc Đốn Ngộ và Tâm Địa. Nhưng Đốn Ngộ cũng như Tâm Địa đều phát xuất từ tư tưởng Vô Đắc.
Hôm hội Thủy Tiên chúng ta có học bài Đã về đã tới, một bài thực tập rất mầu nhiệm. Nhưng chúng ta chưa học hết.
Đã về, đã tới, Bây giờ ở đây, Vững chãi, thảnh thơi, Quay về nương tựa. Quay về đâu? Quay về quê hương đích thực của mình, và nương tựa vào quê hương đích thực đó của mình. Quê hương đó mình có thể đem đi bất cứ nơi nào. Tại vì quê hương đó nó nằm ở trong lòng của mình. Quê hương đó mình có thể tìm thấy ở trong hải đảo của tự thân.
Trong mỗi chúng ta có một hải đảo rất đẹp, rất tươi, rất mát. Có cây, có suối, có chim, có hoa, có lá, có tất cả tổ tiên tâm linh và huyết thống của chúng ta. Hễ chúng ta trở về hải đảo đó là chúng ta trở về quê hương, và chúng ta tìm gặp được tất cả những gì thân thiết nhất. Vì vậy thực tập quay về nương tựa là thực tập của tất cả đại chúng Làng Mai.
Bài thực tập Đã về đã tới cũng là bài thực tập Quay về nương tựa. Đã về tới hải đảo, đã về tới quê hương. An trú ở đó, an trú bây giờ. Và nhờ trở về quê hương, thấy mình đang an trú trong quê hương cho nên mình không lao đao lận đận, mình không chạy dáo dác tìm kiếm nữa, vì vậy mà mình đạt tới sự vững chãi và thảnh thơi. Đó là hai đặc tính của niết bàn.
Quê hương đó nó không nằm ở trong thời gian, không nằm ở trong không gian. Nó nằm ở trong trái tim của chúng ta. Có khi chúng ta gọi nó là bản môn. Tại vì khi đi sâu vào lòng quê hương chúng ta tiếp xúc được với thế giới bản môn, không sinh cũng không diệt. An trú ở trong đó, chúng ta hoàn toàn không có sự sợ hãi, hoàn toàn không có cảm tưởng bấp bênh, mong manh. Chừng nào cái cảm tưởng bấp bênh và mong manh còn, chừng đó chúng ta chưa an trú. Chưa an trú có nghĩa là chúng ta chưa được trở về quê hương. Chính bài "Đây là tịnh độ" cũng cùng một phương pháp thực tập như vậy.
Đây là tịnh độ,
Tịnh độ là đây,
Mỉm cười chánh niệm,
An trú hôm nay,
Bụt là lá chín,
Pháp là mây bay,
Tăng thân khắp chốn,
Quê hương nơi này.
Vẫn quanh quẩn với chủ đề quê hương.
Thở vào hoa nở,
Thở ra trúc lay.
Tôi thở vào thì hoa nở, tôi thở ra thì trúc nó lay, tại vì khi có chánh niệm thì tôi tiếp xúc được với tất cả những cái mầu nhiệm đang xảy ra trong quê hương đó.
Tăng thân khắp chốn,
Quê hương nơi này.
Cây trúc cũng là một phần của tăng thân, bông hoa cũng là một phần của tăng thân. Và tất cả những gì mình tiếp xúc trong đời sống hàng ngày đều thuộc về tăng thân, đều thuộc về tịnh độ, thuộc về bản môn cả.
Thành ra pháp môn của chúng ta, chúng ta có sẵn, đó là pháp môn An trú, pháp môn Trở về, trở về với hải đảo mầu nhiệm của tự thân, nơi đó chúng ta tìm thấy tất cả tổ tiên, tìm thấy nguồn gốc, tìm thấy quê hương, hạnh phúc của chúng ta.
Kinh Pháp Hoa trình bày cho chúng ta thấy hai mặt của cùng một thực tại. Một mặt gọi là tích môn, một mặt gọi là bản môn. Tích môn tức là phương diện lịch sử, còn bản môn là phương diện cứu cánh. Tích môn tức là phương diện hiện tượng, còn bản môn là phương diện bản thể.
Khi nhìn xuống đại dương và thấy những đợt sóng lên xuống trong đại dương, chúng ta thấy cái sinh diệt của các đợt sóng; cái có, không của các đợt sóng, thì mặt biển với những đợt sóng kia tượng trưng cho thế giới hiện tượng. Nhưng nếu nhìn sâu vào lòng đại dương thì chúng ta thấy bản chất của biển hiện tượng đó là nước. Nước cũng là sóng, sóng cũng là nước. Đứng về phương diện hiện tượng, chúng ta thấy sóng, đứng về phương diện bản thể, chúng ta thấy nước. Đứng về phương diện tích môn chúng ta thấy sóng, và đứng về phương diện bản môn thì chúng ta thấy nước.
Hôm trước khi học về Ba cái lạy chúng ta đã thấy rằng trong cái lạy thứ ba, khi lạy xuống chúng ta quán tưởng chúng ta là một đợt sóng. Ban đầu chúng ta hỏi đợt sóng từ đâu tới? Tại vì tất cả chúng ta đều là những đợt sóng. Và đợt sóng sẽ đi về đâu?
Rõ ràng có những đợt sóng chứ không phải là không. Đợt sóng vươn cao lên, nhưng trong chốc lát thì mình không thấy đợt sóng đó nữa, và mình nói đợt sóng đó không còn. Trước đó mình nói đợt sóng có, và sau đó thì mình nói đợt sóng không có. Sự thật có phải là một cái từ không mà trở thành có, rồi từ có mà nó trở thành không hay không? Đâu có lẽ có chiều qua mà không sáng nay? Đó là một câu thơ của Vũ Hoàng Chương.
Khi chúng ta tiếp xúc với thế giới hiện tượng, thì lúc đầu chúng ta thấy có sinh có diệt, có có, có không. Nhưng nếu chúng ta tiếp xúc với thế giới hiện tượng một cách sâu sắc thì chúng ta bắt đầu thấy được, tiếp xúc được với thế giới bản thể, tại vì thế giới hiện tượng nó không tách rời khỏi thế giới bản thể. Thế giới của tích môn nó không tách rời khỏi thế giới của bản môn. Và nhờ tiếp xúc với thế giới hiện tượng một cách sâu sắc mà ta tìm thấy rằng những đợt sóng hiện tượng kia, bản chất của chúng là không sinh cũng không diệt, không có, cũng không không.
Bản chất của mỗi con người chúng ta cũng vậy, không sinh cũng không diệt, không có cũng không không. Điều đó chúng ta có thể tiếp xúc được nếu chúng ta biết cách quán chiếu.
Pháp Hoa Tam Muội là một phương pháp sống, trong đó ta có thể tiếp xúc thật sâu sắc với thế giới hiện tượng để mình có thể đồng thời tiếp xúc với thế giới bản thể.
Thí dụ, nhìn bông hoa là mình tiếp xúc với hiện tượng, nhưng chỉ khi nào mình nhìn với tất cả chiều sâu của bông hoa thì mình mới tiếp xúc được với bản thể của bông hoa. Muốn nhìn như vậy ta phải có chánh niệm, phải có định. Nhìn sâu vào trong lòng bông hoa thì mình mới có thể tiếp xúc được với bản môn của bông hoa.
Có một sư cô, một sư chú, nếu mình muốn tiếp xúc với bản môn của người đó thì mình phải nhìn cho sâu. Tiếng Anh gọi là Deep looking. Nhìn sâu thì có thể vượt khỏi những cái tướng, tại vì kinh dạy rằng nơi nào còn tướng là nơi đó còn có sự đánh lừa. Tại vì tướng nó đánh lừa mình: Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Vì vậy cho nên nhìn mà đừng kẹt vào tướng thì mới thấy được bản chất của sự vật.
Trong khi lạy cái lạy thứ ba, chúng ta hãy hình dung chúng ta là một đợt sóng. Chúng ta nghĩ đợt sóng này có phải từ không mà có hay không. Và khi tiếp xúc sâu sắc, chúng ta thấy không phải như vậy. Đợt sóng không phải từ không mà trở thành có. Chúng ta hỏi đợt sóng đang có này sẽ trở thành không phải không? Chúng ta cũng sẽ thấy không phải như vậy. Không có gì tự nhiên không mà thành có, cũng không có gì tự nhiên có mà thành không cả! Hãy hình dung đợt sóng và hãy hình dung cái tướng của đợt sóng, tướng có, rồi tướng không, rồi tướng có, rồi tướng không...
Quán chiếu đợt sóng, chúng ta thấy sau khi đợt sóng đã đi xuống rồi, sau khi mọi người nói rằng không còn đợt sóng nữa, thì đợt sóng đó đã mất hay chưa? Chúng ta thấy không có cái gì mất hết. Đợt sóng đó nó còn nguyên vẹn, chỉ vì ta không biết nhận ra nó mà thôi.
Chúng ta bị kẹt vào một cái tướng. Vì vậy khi cái tướng đó không biểu hiện nữa, chúng ta không thể nhận diện ra đợt sóng. Là vì ta bị kẹt vào cái tướng của đợt sóng cho nên ta không thấy nó. Nếu ta không bị kẹt vào tướng thì đợt sóng luôn luôn có mặt đó.
Định Pháp Hoa là một cái định trong đó chúng ta an trú trong tích môn để có thể tiếp xúc được với bản môn và để có thể an trú ở trong bản môn.
Danh từ tích môn và danh từ bản môn đã được tông phái Thiên Thai của Trí Giả Đại Sư đưa ra. Chúng ta hãy thực tập. Tôi đã sáng tác một số thi kệ để thực tập Pháp Hoa Tam Muội. Khi ngồi thì mình tập ngồi trong bản môn, khi đi mình tập đi trong bản môn. Đi trong tích môn cho sâu sắc thì mình có thể đi trong bản môn. Ngồi trong bản môn thì rất an nhàn, rất thảnh thơi. Đi trong bản môn cũng rất an nhàn, rất thảnh thơi, không có sự vội vàng, hấp tấp, tất tả.
Tiếng Việt có danh từ Mời anh ngồi chơi, mà cũng có danh từ Mời anh đi chơi. Với tiếng Anh ta có thể nói là Please sit and enjoy sitting, Please walk and enjoy walking. Dịch ra thì nghe rất dài dòng, kỳ thực ngồi chơi là ngồi với sự thảnh thơi, không có mục đích gì hết. Đi chơi thì cũng vậy.
Bây giờ chúng ta sáng tác thử một bài kệ, bài gọi là "Đi chơi":
Đi chơi chốn bản môn,
Nên đi bằng hai chân,
Không nên đi bằng đầu,
Đi bằng đầu sẽ lạc!
Vậy thì ban ngày ở Xóm Thượng hay Xóm Hạ, nếu mình muốn đi chơi, muốn tiếp xúc với bản môn thì mình tập đi bằng hai chân. Nếu đi bằng cái đầu thì mình tiếp tục suy nghĩ. Suy nghĩ về quá khứ, suy nghĩ về tương lai, rồi mình sẽ đi lạc, 15 phút để đi chơi đó mình đánh mất! Vì vậy ta nên đi cho hai chân chấm đất, đừng đi như một bóng ma. Trên thế gian này có rất nhiều người đang đi như một bóng ma. Chúng ta không đi như vậy. Chúng ta phải đi trong bản môn, đi và tiếp xúc rất sâu sắc với tích môn. Chỉ có những người hát xiệc thì mới đi bằng đầu. Khi thấy sư em đi, mình có thể hỏi: Sư em đi bằng gì đó? Nhờ câu hỏi đó mà sư em sẽ được đưa về với thực tại.
Đi chơi chốn bản môn,
Tay ta nắm tay Người,
Ngàn xưa và ngàn sau,
Trở về cùng một lối.
Tay ta nắm tay Người, tay Người đây là tay ai? Trong bản môn thì ta đã thành Bụt rồi, vì vậy mà Người ta nắm tay để cùng đi là một đức Bụt. Quý vị có nghe các vị thiền sư nói không? Hãy nắm tay đức Như Lai để cùng đi. Ở trong tích môn chúng ta thấy có người này chưa thành Bụt, người kia đã thành Bụt rồi. Có người cần cả trăm ngàn ức kiếp nữa mới thành Bụt. Nhưng trong bản môn thì không thành cũng không không thành. Trong bản môn, ta đã là cái mà ta muốn trở thành.
Hôm ngồi chơi ở Cốc Ngồi Yên, tôi nói với các vị thiền sinh rằng: Hôm nay chúng ta thực tập về Vô đắc, nghĩa là các vị đã là những cái mà các vị muốn trở thành rồi, đừng chạy dáo dác đi kiếm nữa. Vì vậy cho nên đi thiền hành trong bản môn, tay mình nắm tay Bụt cùng đi, không có mặc cảm gì cả. Hơn nữa chúng ta đã biết rằng trong tích môn người nào cũng là Bụt, người là Bụt đã thành, người là Bụt sắp thành. Nhưng trong bản môn thì không có chuyện đã và sắp nữa. Trong bản môn là hoàn toàn bình đẳng. Vì vậy cho nên hãy nắm tay Bụt mà đi.
Nắm tay Bụt mà đi không phải là chuyện mơ tưởng hão huyền, mà là chuyện mình phải thực hiện ngay cho được ngày hôm nay. Không có mặc cảm gì cả. Không phải là người tu ba năm, năm năm hay mười năm mới làm được chuyện đó. Mới tu một ngày thôi cũng đã làm được chuyện đó. Nếu người đó tiếp xúc được với tích môn một cách sâu sắc thì người đó tiếp xúc được với bản môn. Ta là Bụt, và ta nắm tay một vị Bụt khác cùng đi. Chuyện đó là chuyện có thể làm được.
Tay ta nắm tay Người. Có năm chữ mà rất là hùng tráng,
Ngàn xưa và ngàn sau. Ngàn xưa tức là quá khứ. Ngàn vạn kiếp của quá khứ. Ngàn vạn kiếp của tương lai là "ngàn sau". Hai hướng đó quay về một lối, đó là giây phút hiện tại. Một giây phút là cả thiên thu. Khi chúng ta an trú được ở trong giây phút, là chúng ta có được cả thiên thu. Chính trong khung cảnh đó, ta mới nắm được tay Bụt để cùng đi.
Bây giờ chúng ta học về ngồi chơi. Đi chơi rồi, bây giờ ngồi chơi.
Ngồi chơi chốn tích môn,
Dựa lưng trên ghế đá (ngồi cho thật thoải mái),
Con bướm ấy vẫn còn,
Đóa hoa này không lạ.
Khi đi xuống hồ hay khi chúng ta đi trên đường thiền hành Xóm Thượng, ngồi xuống bãi cỏ, ngồi xuống gốc cây, chúng ta hãy ngồi như thế nào để có thể tiếp xúc được với tích môn một cách sâu sắc. Con bướm mà ta trông thấy đó là con bướm nào? Bông hoa mà ta đang thấy có phải là một bông hoa mới hay không? Chỗ nào mà không có con bướm, chỗ nào mà không có bông hoa? Nơi mà chúng ta gặp gỡ với con bướm đó, với bông hoa đó là quê hương của chúng ta, là giây phút hiện tại. Chúng ta còn nhớ bài nhạc của Phạm Duy. Tác giả ngồi ở Tây phương mà nhớ nhà, khóc sướt mướt, nhớ ngày xưa ngồi trên ghế đá công viên rồi không biết con bướm mà mình thấy năm xưa còn đó không? Con chim năm xưa nó hót cho mình nghe, bây giờ nó còn không? Con chim nào thường hay hót, Con bướm nào thường hay bay. Người hát cũng như người nghe đều thổn thức, đều khổ đau, đều tiếc nuối, là vì nghĩ rằng con chim đó đã mất rồi! Con bướm đó không còn nữa!
Trong khi đó ngồi chơi ở chốn tích môn, tiếp xúc được với tích môn một cách sâu sắc, ta thấy con bướm ấy vẫn còn kia. Con bướm ở trong giây phút hiện tại luôn luôn có đó. Chỉ khi nào không có chánh niệm, chỉ khi nào chúng ta đánh mất chúng ta, thì chúng ta mới đánh mất con bướm đó, mới đánh mất bông hoa đó.
Ngồi chơi chốn tích môn,
Ta gọi ta về đủ,
Mở cửa bản môn rồi,
Nhìn nhau cười thích thú.
Trong phẩm Hiện Bảo Tháp của kinh Pháp Hoa, chúng ta đọc rằng trong khi Bụt Thích Ca Mâu Ni đang ngồi trên Núi Thứu và nói kinh Pháp Hoa cho các đệ tử nghe, thì tự nhiên có tiếng vọng trên hư không: Mầu nhiệm thay, mầu nhiệm thay! Bụt Thích Ca Mâu Ni, Người giảng kinh Pháp Hoa hay lắm, hay lắm!
Khi thầy trò nhìn lên, thì thấy xuất hiện trong không trung một cái bảo tháp bằng châu báu. Mọi người đều không hiểu cái bảo tháp nào từ đâu tới, cho nên họ hỏi Bụt Thích Ca. Bụt Thích Ca nói rằng trong bảo tháp đó có một vị Bụt tên là Đa Bảo, và Bụt Đa Bảo có lời phát nguyện rằng ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào có người thuyết kinh Pháp Hoa thì bảo tháp của tôi sẽ hiện ra và tôi sẽ nói lên lời khen ngợi: Mầu nhiệm thay, mầu nhiệm thay!
Thính chúng của Bụt Thích Ca rất tò mò, muốn biết Bụt Đa Bảo là ai, và muốn thầy mình dùng phép thần thông làm cho tháp Đa Bảo mở cửa ra để cho tất cả đại chúng có thể trông thấy Bụt Đa Bảo. Bụt Thích Ca nói khó lắm, mở cửa bản môn thì hơi khó. Muốn cho cửa tháp Đa Bảo mở ra, tôi phải gọi tất cả các hóa thân của tôi trong mười phương thế giới về đây, thì mới đủ sức mở cánh cửa này.
Ngồi chơi chốn tích môn. Ta gọi ta về đủ. Bụt Thích Ca có vô lượng vô số hóa thân đang hành đạo, đang thuyết pháp, đang độ đời trong khắp mười phương trên thế giới. Một trong những điều kiện để Bụt Thích Ca có thể mở được cửa tháp Đa Bảo là phải gọi hết tất cả những hóa thân của ngài về tại chỗ thì lúc đó mới có thể mở được tháp Đa Bảo.
Lúc đó Bụt Thích Ca nói: Thầy sẽ chiều ý các con, thầy sẽ gọi tất cả hóa thân của thầy về để mở cửa tháp Đa Bảo cho các con. Rồi Bụt dùng hào quang ở nhục kế, quét một vòng chung quanh, và tất cả thính chúng đều thấy hằng hà sa số cõi Bụt, mỗi cõi đều có Bụt Thích Ca đang giáo hóa. Khi hào quang chiếu tới thì các vị đó biết rằng mình đang được triệu thỉnh về.
Đây là lần đầu tiên các đệ tử của Bụt Thích Ca biết rằng ngài không phải chỉ là một con người nhỏ bé, cao một thước mấy đang ngồi trên núi Thứu, Bụt Thích Ca lớn hơn vậy nhiều lắm! Cái tướng của Bụt Thích Ca làm cho chúng ta không thấy được cái bản chất của Bụt Thích Ca. Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhìn Bụt Thích Ca làm sao để chọc thủng được cái tướng của Bụt Thích Ca thì lúc đó mới đi vào được bản môn của Bụt Thích Ca. Chúng ta nhớ rằng Bụt Thích Ca nói rất rõ: Điều kiện tiên quyết để có thể mở cửa tháp Đa Bảo, tức bản môn, là ta phải gọi ta về đủ.
Khi đi thiền hành hay ngồi thiền, quý vị thực tập bài Đã về, đã tới tức là quý vị gọi hết tất cả những hóa thân của quý vị trở về giây phút hiện tại, về nơi này và ở đây. Nhưng quý vị gọi được bao nhiêu? Có khi quý vị thở vào và nói đã về, khi quý vị thở ra và nói đã tới, nhưng quý vị đã về được bao nhiêu, đã tới được bao nhiêu? Có khi mình về được có 30%, còn 70% là làm cô hồn, lang thang ở những phương trời khác, bị kẹt ở trong quá khứ, bị kẹt ở trong tương lai, và hồn vía của mình chưa về đủ.
Theo tín ngưỡng của dân Việt Nam thì con gái có ba hồn và chín vía, con trai có ba hồn và bảy vía. Phải gọi hết cả ba hồn và chín vía về thì mới an trú được trong giây phút hiện tại. An trú bây giờ và ở đây.
Thành ra nếu mình thực tập khơi khơi trên gối ngồi thiền hay trong khi đi thiền hành, mình nói đã về, đã tới, nhưng đôi khi mình mới về có 30, 40 phần trăm, thì cũng không đi đến đâu! Ta gọi ta về đủ, đó là bí quyết của sự thành công. Nếu anh muốn đi vào bản môn, thì anh phải gọi anh về đủ.
Trong pháp môn quán chiếu, chúng ta phải thấy ta qua những hình tướng khác nhau. Tại vì nếu ta còn bị kẹt vào một cái tướng thì chúng ta chưa thấy được bản môn của chính chúng ta. Cũng như là các đệ tử của Bụt ngồi trên núi Thứu, lâu nay tưởng Bụt là một cái thân nhỏ bé, đã từng ngồi ăn cơm với mình, đi thiền hành với mình, uống trà với mình. Có khi rầy la mình chút đỉnh. Bây giờ là lần đầu tiên mới thấy được tầm vóc của thầy mình. Nhìn ra trong mười phương thế giới, thấy thầy mình có mặt khắp nơi, thấy thầy mình làm ra một phép lạ để đưa muôn vạn hóa thân đó trở về. Cái phép lạ đó thầy mình đã làm, và mình cũng phải làm trong đời sống hàng ngày của mình. Khi mình đi thiền hành, khi mình ăn cơm im lặng, khi mình ngồi thiền, mình phải gọi mình về đủ. Nếu không, không thể nào mở được cửa bản môn.
Chúng ta biết rằng khi đi chơi nơi chốn bản môn thì tay ta có thể nắm tay Bụt. Đi chơi chốn bản môn, tay ta nắm tay Người. Ta chỉ có thể nắm tay Bụt khi ta đã là ta thật sự, nghĩa là ta đã an trú được, ta đã gọi ta về được đầy đủ, và Người mà ta nắm tay đó chình là một vị Bụt. Nắm tay Bụt cùng đi là thực tập hàng ngày của chúng ta, và một trong những điều kiện để nắm tay Người, là ta gọi ta về đủ.
Mở cửa bản môn rồi,
Nhìn nhau cười thích thú!
Hóa ra lâu nay ta tưởng ta là ta, nhưng bây giờ ta thấy ta là tất cả, ta không phải là ta, và ta nhìn ta để cười, tại vì sư anh của mình, sư chị của mình, cũng là mình luôn. Con sâu, cái kiến, đám mây cũng đều là mình cả.
Ngồi chơi chốn tích môn,
Ta mời nhau cùng ngồi.
Ta tuy hai mà một,
Tháp Đa Bảo đây rồi.
Ban đầu thì các môn đệ của Bụt nghĩ rằng Bụt có sinh có diệt, Bụt chỉ được sinh ra cách đây mới năm mươi năm ở thành Ca Tỳ La Vệ, và trong khoảng ba bốn chục năm nữa thì Bụt sẽ bỏ mình mà đi. Học trò của Bụt chỉ có thể thấy được Bụt ở trong tích môn như vậy. Nhưng sau khi thấy Bụt gọi các hóa thân về đầy đủ thì mới biết rằng, mới thấy được lần đầu tiên rằng thầy của mình không phải như vậy. Thầy của mình vượt thoát thời gian, vượt thoát không gian. Ta không thể bị kẹt vào cái tướng, và ta nhốt thầy của ta vào trong cái tướng nhỏ bé đó.
Trở lại với kinh Pháp Hoa, khi tất cả các hóa thân của Bụt đã trở về rồi, Bụt đưa tay làm dấu một cái thì cửa tháp Đa Bảo mở ra. Tuy vậy tháp lại ở cao quá! Nhìn lên thấy tháp mở nhưng không thấy Bụt Đa Bảo ngồi trong đó. Các vị hóa thân của Bụt, các vị Bồ tát được triệu tập về họ đều ngồi trên không trung hết, thành ra họ nhìn vào và thấy Bụt Đa Bảo rất rõ ràng. Còn thính chúng là những người trần mắt thịt, ngồi trên những tảng đá, trên những thảm cỏ, nhìn lên thì không thấy Bụt Đa Bảo đâu cả! Vì vậy mà ai nấy đều buồn vì cửa bảo tháp đã mở mà mình không thấy được! Lúc đó Bụt nhìn đại chúng, ngài hiểu, và ngài thương. Cho nên Bụt dùng bàn tay của mình đưa đại chúng đang ngồi ở núi Thứu, lên cao cùng một điều kiện với các vị Bụt và các vị Bồ tát để cho đại chúng trên núi Thứu có thể thấy được Bụt Đa Bảo đang ngồi ở trong tháp. Nếu anh muốn tiếp xúc với bản môn mà anh còn bị kẹt vào những cái tướng của tích môn thì anh không thể nào tiếp xúc được. Vì vậy cho nên phải rời cái tướng của tích môn mới có thể thấy được cái vô tướng của bản môn.
Lúc đó mọi người mừng rỡ vì thấy được Bụt Đa Bảo. Bụt Đa Bảo là Bụt thuộc về bản môn, mà Bụt Thích Ca, thầy của mình là Bụt thuộc về tích môn. Họ vẫn còn có một sự phân biệt như vậy. Bụt Đa Bảo thành Bụt đã vô số kiếp, còn Bụt Thích Ca mới thành Bụt cách ngày ngài thuyết pháp kinh Pháp Hoa mới bốn, năm chục năm thôi. Hồi nãy nhìn vào hóa thân của Bụt Thích Ca thấy chưa thỏa, muốn nhìn cho được Bụt ở trong ngôi tháp kia. Như vậy thì trong lòng vẫn có sự phân biệt rằng đây là Bụt tích môn, nhìn chưa đã, phải nhìn cho được Bụt bản môn thì mới thấy vui! Tâm của chúng sanh nó là vậy. Mà hễ là Bụt thì thấy tâm chúng sanh một cách rất rõ ràng, giống như thấy một trái xoài ở trong lòng bàn tay của mình.
Cho nên lúc đó Bụt Đa Bảo mới ngồi qua một bên để pháp tọa của mình còn chỗ và mời Bụt Thích Ca lên ngồi một bên. Ngồi chơi chốn tích môn, Ta mời nhau cùng ngồi. Bụt Đa Bảo ngồi xích ra một chút để có chỗ mời Bụt Thích Ca đến cùng ngồi. Tình không?
Bụt Thích Ca nhận lời leo lên tháp và ngồi một bên Bụt Đa Bảo. Điều đó chỉ có một nghĩa thôi, đó là Bụt tích môn và Bụt bản môn là một, không có một nghĩa nào khác nữa. Trong tâm mình thường kỳ thị, Bụt bản môn khác với Bụt tích môn, sóng không phải là nước! Đó vẫn là vô minh, đó vẫn là kỳ thị, đó vẫn là vụng dại, cho nên Bụt khai mở ra cho chúng ta thấy sự thật là Bụt tích môn và Bụt bản môn là một.
Thích Ca Mâu Ni là gì? Thích Ca Mâu Ni là Đa Bảo. Kinh Pháp Hoa mầu nhiệm như vậy, nói những chân lý rất tuyệt vời bằng những hình ảnh thi ca rất tuyệt diệu. Nếu không có những hình ảnh đó thì làm sao nói được sự thật đó?
Ngồi chơi chốn tích môn,
Ta mời nhau cùng ngồi.
Ta tuy hai mà một,
Tháp Đa Bảo đây rồi.
Ở Xóm Thượng hay Xóm Hạ mỗi khi chúng ta ngồi xuống, chúng ta có thể ngồi ngay vào bản môn với tư cách của một vị Bụt, và người bạn đồng tu của chúng ta có thể ngồi bên ta. Người đó cũng là Bụt Đa Bảo.
Phép tu đó, nếu nói là phép tu đốn ngộ thì có gì là khó hiểu đâu? Chỉ tại anh không muốn thôi, chứ nếu anh muốn thì anh có thể ngồi xuống trong bản môn liền lập tức! Muốn ngồi trong bản môn thì phải có con mắt xuyên thủng được cái màn gọi là tướng. Ngã tướng, nhân tướng. chúng sanh tướng, và thọ giả tướng. Muốn xuyên thủng thì chúng ta đã có thanh gươm gọi là quán chiếu để thấy được cái tướng sinh, tướng diệt, tướng có, tướng không là những cái giả tướng.
Khi chúng ta lạy xuống cái lạy thứ ba, phóng khí xu mạng, là chúng ta chém đứt cái ảo ảnh đợt sóng này là ta, thân thể này là ta, giai đoạn này là sinh mạng của ta. Đó là ngã tưởng và thọ giả tưởng. Đó là hơi thở thứ 16 ở trong kinh Quán Niệm Hơi Thở.
Vậy thì tháp Đa Bảo ở đâu? Ở ngay trong giờ phút hiện tại. Nếu mình muốn ngồi với Bụt Thích Ca ngay bây giờ thì mình ngồi. Nếu mình muốn ngồi với Bụt Đa Bảo ngay bây giờ thì mình ngồi, không đợi phải để đến sang năm hay sang năm nữa, tại vì bản môn nó nằm sát tích môn. Bản môn là tích môn. Sóng không cần phải đi tìm nước, tại vì bản thân của nó chính là nước. Nếu nói rằng tôi là đợt sóng, tôi đang đau khổ tại vì tôi chưa tìm ra được nước, thì nghe rất là buồn cười! Vậy mà chúng ta vẫn đi tìm.
Ngồi chơi chốn tích môn,
Nếu bạn nghe sốt ruột
Hãy nhìn bản môn cười,
Ba đời cùng thông suốt.
Nếu ngồi mà chúng ta thấy nóng ruột, chúng ta thấy xôn xao, chúng ta thấy không an tọa là vì chúng ta không an trú, chúng ta đang ngồi trên đống lửa. An tọa là ngồi yên. tức là một hình thức của an trú.
Ở Xóm Thượng có một cái cốc tên là Cốc Ngồi Yên. Không phải mỗi khi đến đó mình mới ngồi yên. Mình phải ngồi yên, phải an tọa ở bất cứ chỗ nào mà mình đang ngồi. Xin mời đại chúng an tọa, xin mời sư anh an tọa. Chúng ta dùng danh từ đó mỗi ngày mà chúng ta không thấy được giá trị của danh từ đó.
Mình có thể nói với người Tây phương: Please sit down peacefully. Đó gọi là mời an tọa. Mời anh ngồi xuống và anh ngồi cho yên một chút! An tọa tức là mời anh, mời chị ngồi cho có hạnh phúc, nghĩa là mời anh ngồi xuống trong bản môn, đừng ngồi trên đống lửa. Khi chúng ta không an trú được trong giây phút hiện tại thì chỗ nào chúng ta ngồi cũng là ngồi trên lửa hết. Và mỗi khi thấy lửa đốt ở dưới bàn tọa thì mình phải nhìn bản môn mà cười. Khi nhìn bản môn mà cười thì ta hết có cảm giác là lửa đang đốt ở dưới bàn tọa của ta.
Ba đời cùng thông suốt. Quá khứ, hiện tại và vị lai trở thành một giây phút duy nhất, đó là giây phút hiện tại. Giây phút hiện tại là giây phút duy nhất có chứa đựng niết bàn, chứa đựng bản môn, chứa đựng tất cả những gì mà ta đang đi tìm, trong đó có Bụt Đa Bảo, Bụt Thích Ca, và có cả hải đảo của chúng ta.
Đến đây chúng ta học những bài thi kệ thuộc về phạm vi thực tập Pháp Hoa Tam Muội.
Pháp Hoa Tam muội là một pháp môn rất mầu nhiệm, một pháp môn đốn ngộ. Nếu tu mà không được nếm pháp môn này thì rất uổng! Tại Làng Mai chúng ta có nhiều bài thi kệ để thực tập Pháp Hoa Tam Muội. Ví dụ như bài:
Nhổ cỏ nơi tích môn,
Nhớ đến Lý Huệ Tông,
Ta nhổ cỏ giùm vua,
Hiến tặng đời sự sống,
Nhổ cỏ ở sân chùa là một công tác rất đẹp. Không có chú tiểu nào mà không nhổ cỏ trước sân chùa. Trong khi nhổ cỏ mình phải thực tập tiếp xúc với bản môn.
Bây giờ tôi nhớ lại tất cả những lối đi trong chùa Từ Hiếu, từ lối đi chung quanh Hồ Bán Nguyệt, cho đến những lối đi bọc chung quanh các cư xá, chỗ nào tôi cũng đã từng nhổ cỏ và từng quét lá. Quét lá và nhổ cỏ là sự thực tập của tất cả các chú tiểu.
Tôi nhớ có một hôm tôi đang nhổ cỏ ở trước Hồ Bán Nguyệt thì có một ông Phật tử đi vào. Ông có vẻ trí thức, mặc áo quần lớn, đi vào và dáng đi rất tất tả. Khi ông ta thấy tôi đang nhổ cỏ một cách thảnh thơi, tại vì cỏ nhiều lắm, không nhổ thảnh thơi thì không bao giờ nhổ xong được hết. Nhổ xong chỗ này thì nó mọc chỗ khác, nhổ suốt đời. Vì vậy cách nhổ cỏ hay nhất là nhổ thảnh thơi. Nấu cơm cũng vậy, ngày nào cũng phải nấu cơm, nấu cơm suốt đời, hoặc là chùi phòng tắm. Hay hơn hết là làm cho thảnh thơi. Khi thấy tôi thì ông ta dừng lại, và ông ta trở nên khá hơn, ông từ từ ngồi xuống, và bắt chước chú tiểu ông nhổ vài cọng cỏ. Chú tiểu cũng để ông nhổ chung với mình, không nói gì hết. Sau khi nhổ được ba bốn bụi cỏ, ông nhìn lên nói: Chú ơi, chú vừa nhổ cỏ, vừa niệm Phật cho con tôi với. Con ông đang đau thập tử nhất sinh. Ông đến chùa để làm lễ, để cầu cứu, tâm ông không an. Chú tiểu nói: Dạ, để tôi vừa nhổ cỏ vừa niệm Bụt cho con của bác. Rồi chú tiểu không nói chuyện thêm, tại chú đã hứa sẽ vừa nhổ cỏ vừa niệm Bụt. Cái hình ảnh của chú tiểu vừa nhổ cỏ, vừa niệm Bụt làm cho ông cảm động, cho nên thay vì đi lên chùa để lạy Bụt thì ông ngồi lại, để cùng nhổ cỏ và niệm Bụt với chú tiểu. Cố nhiên nhờ vậy mà tâm của ông được an hơn.
Nhổ cỏ trong tích môn, Nhớ đến Lý Huệ Tông. Lý Huệ Tông là cha của Lý Chiêu Hoàng. Lý Chiêu Hoàng là vị vua cuối cùng của nhà Lý. Trần Thủ Độ đã sắp đặt để cho chú bé Trần Cảnh vào chơi ở trong cung với Lý Chiêu Hoàng. Rốt cuộc thì làm đám cưới cho hai đứa bé, và viết chiếu để cho Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Vua là một cô bé, và lấy chồng là một chú bé! Tất cả đều do người lớn sắp đặt để chuyển từ nhà Lý sang nhà Trần.
Lý Huệ Tông đi xuất gia, tu ở chùa Chân Giáo, và biết số mạng của mình nằm trong tay của Trần Thủ Độ. Các tôn thất khác của nhà Lý nhiều người bị sát hại. Có một vị hoàng tử của vua Lý đã xuất hiện, cùng với thân nhân vượt biển đi lên miền Bắc và tỵ nạn ở nước Cao Ly. Ngày nay dòng dõi họ Lý đó được gọi là Lý Hoa Sơn.
Năm ngoái, con cháu họ Lý tị nạn ở Cao Ly đã tìm về quê hương ở Đình Bản. Tháng Năm này họ sẽ gởi phái đoàn 100 người, hậu duệ của nhà Lý về thăm làng Đình Bản và làm lễ tổ tiên của họ. Người ở lại là vua Lý Huệ Tông, đã cạo đầu xuất gia, nhưng tánh mạng cũng không được bảo tồn.
Một hôm Lý Huệ Tông, dưới hình thức của một vị xuất gia, đang ngồi nhổ cỏ trước sân chùa Chân Giáo thì Trần Thủ Độ đi ngang qua. Vua nhổ cỏ nhưng trong lòng vua rất đau xót, rất sợ hãi. Tại vì tất cả sự nghiệp đều đã bị tan tành. So với chú tiểu thì vua đau khổ hơn nhiều lắm. Vua không có an. Khi đi ngang qua nơi vua đang nhổ cỏ, Trần Thủ Độ nói: Nhổ cỏ thì phải nhổ cho tận gốc! Cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã ghi lại câu nói đó của Trần Thủ Độ. Lý Huệ Tông nói: Ta hiểu rồi! Vua đi vào rửa tay, lấy ra một tấm lụa và treo cổ tự tử! Tại vì Trần Thủ độ muốn nhổ cỏ tận gốc, không để lại một cơ hội nào cho nhà Lý có thể trung hưng trở lại.
Một hai tiếng đồng hồ sau đó thì người ta được tin Lý Huệ Tông đã thắt cổ tự tử trong chùa! Nhổ cỏ trong tich môn, nhớ đến Lý Huệ Tông mà trái tim của chúng ta nó thổn thức. Chất liệu từ bi ở trong trái tim của chúng ta nó ứa ra. Ngày xưa cũng có người nhổ cỏ, và bây giờ mình cũng đang nhổ cỏ, nhưng mình nhổ cỏ trong an lạc, trong giải thoát. Người xưa đã không có được cái diễm phúc được nhổ cỏ trong an lạc. Nhổ cỏ mà không được nhổ cỏ, mà phải vào để thắt cổ tự tử. Thành ra nhớ đến Lý Huệ Tông thì ta thấy thương xót. Thương xót Lý Huệ Tông thì thấy rằng mình có quá nhiều hạnh phúc. Trong khi nhổ cỏ trước thiền đường Nến Hồng, nhổ cỏ trong nhà Mặt Trời để cho rau húng, rau tía tô mọc lên, thì vẫn có hạnh phúc nhiều hơn gấp bội việc nhổ cỏ của nhà vua.
Nhổ cỏ nơi tích môn, Nhớ đến Lý Huệ Tông, Ta nhổ cỏ giùm vua. Ngày xưa vua đã không được nhổ cỏ. Niềm đau của vua cũng là niềm đau của ta. Vậy thì ngay bây giờ ta phải nhổ cỏ cho đàng hoàng, ta nhổ cỏ cho thật sâu sắc, thật an lạc để sống giùm cho vua, tại vì vua đã không được sống. Hiến tặng đời sự sống, vì sự sống là tặng phẩm lớn nhất mà ta có thể hiến tặng cho đời.
Nhổ cỏ nơi tích môn,
Nhớ đến Trần Thái Tông,
Nhổ cỏ giùm Chiêu Hoàng,
Cho nụ cười trở lại.
Tất cả mọi việc đều do Trần Thủ Độ sắp đặt, và đám cưới Trần Thái Tông với Lý Chiêu Hoàng cũng do Thủ Độ lo toan.
Khi Chiêu Hoàng mới 20 tuổi thì Trần Thủ Độ đã nóng ruột. Tại sao tám, chín năm lấy chồng mà chưa có con! Làm sao bảo đảm được sự tiếp tục của nhà Trần! Trần Thủ Độ muốn Trần Thái Tông có một đứa con liền lập tức! Trong đầu của Trần Thủ Độ thì nói rằng Chiêu Hoàng già quá rồi! Bảy tám năm mà chưa có con thì có lẽ không có con được! Cho nên Trần Thủ Độ ép Trần Thái Tông phải bỏ Chiêu Hoàng để cưới người chị của Chiêu Hoàng. Người chị đó lúc bấy giờ đang có thai và là vợ của anh ruột vua, tức là Trần Liễu, Chỉ cần cưới độ chừng bảy, tám tháng là có em bé để có thể bảo đảm sự trường tồn của nhà họ Trần! Lúc đó Thái Tông với Chiêu Hoàng thương nhau lắm, tại vì hồi còn nhỏ thì đâu đã biết thương là gì? Nhưng bây giờ vào lứa tuổi 20 thì hai người thương nhau lắm! Vì bị bắt buộc phải chia lìa nhau, cho nên một đêm đó Trần Thái Tông đã bỏ kinh thành, trốn lên núi để đi tu! Tại niềm đau trong lòng vua lớn quá. Làm vua mà không có chủ quyền! Người mình thương nhất trên đời, bây giờ mình phải giáng xuống làm thứ phi, và phải cưới vợ của anh ruột mình đang có thai! Phải vâng theo mệnh lệnh của nhà chính trị rất là bất nhân.
Lên núi rồi, ở với thầy được vài hôm thì Trần Thủ Độ tìm lên, và Trần Thủ Độ buộc vua phải trở về để nhậm chức lại! Trần Thái Tông nói rằng: Cháu đang còn nhỏ, mà nhiệm vụ giữ gìn xã tắc là nhiệm vụ rất lớn, cháu không đủ khả năng để cáng đáng nhiệm vụ đó. Cháu muốn đi tu, cháu nhất định không về! Trần Thủ Độ nói hoài không được mới gọi các quan và binh lính đến và nói rằng: Vua không về thì mình phải thiết lập cung điện ngay ở đây! Theo nguyên tắc, vua ở đâu thì cung điện phải được thiết lập ngay ở đó! Rồi ông kêu các nhà kiến trúc dặn rằng chỗ này làm diện Cần Chánh, chỗ kia làm điện Thái Hòa v.v... Chuẩn bị làm ngay cung điện trên núi Yên Tử!
Lúc đó thiền sư Đạo Viên mới mời vua vào và nói: Thôi bệ hạ về đi, nếu không thì núi này sẽ hư hại hết! Về đi và tìm cách tu học trong đời sống của một vị vua, và bần tăng sẽ giúp cho bệ hạ. Khi đã là vua thì mình không được thích cái thích của riêng mình. Mình phải lấy cái thích của cả thiên hạ làm cái thích của mình. Sau khi nghe thầy nói như vậy, Trần Thái Tông khóc, rồi mới chịu đi về với Trần Thủ Độ.
Cho nên khi ngồi nhổ cỏ, mình biết rằng một ông vua như Trần Thái Tông mà cũng không được phép ở lại trên núi để nhổ cỏ với thầy! Niềm đau nó quá lớn, đi tìm sự an vui trong việc nhổ cỏ mà cũng không được!
Trần Liễu sau khi bị người ta cướp vợ, đã phẫn uất và đã tổ chức quân đội, hải quân để đánh lại. Trần Thủ Độ ra lệnh bắt Trần Liễu để chém chết, và buộc Trần Thái Tông phải cầm quân để đi diệt trừ anh ruột của mình!
Trần Thái Tông đã thông minh sử dụng thám tử và sắp đặt để hai anh em gặp nhau. Khi gặp nhau trên thuyền, hai anh em ôm nhau khóc! Vừa ôm nhau khóc được vài phút, chưa kịp kể lể thì Trần Thủ Độ xuất hiện với quân đội, nhảy lên thuyền, rút gươm ra định chém Trần Liễu. thì Trần Thái Tông nói: Nếu chú muốn chém anh con thì chú hãy chém con trước! Trước mặt các vị tướng lãnh, Trần Thủ Độ đã không dám chém. Cho nên phải nghe lời vua Trần Thái Tông, tha tội cho Trần Liễu, cấp đất cho ở riêng, và phong tước là An Sinh Vương, tức là ở yên chỗ đó, không được cựa quậy!
Vậy thì các sư chú khi có dịp được tưới nước, được nhổ cỏ, thì nên nhớ là mình nên tưới nước, nên nhổ cỏ trong bản môn, mình phải có an, có lạc, mình dâng sự sống cho những người thiếu may mắn cho đến nỗi muốn nhổ cỏ mà cũng không được nhổ cỏ, muốn được tưới nước mà cũng không được tưới nước!
Nhổ cỏ trong tích môn,
Ta nhớ chú điệu xưa.
Bụt che chở ngàn đời,
Cho muôn ngàn cậu bé.
Bài này tôi làm ra để thực tập. Hôm nay đưa ra đây để chia sẻ cùng quý vị. Khi nhổ cỏ tôi nhớ lại hồi còn làm chú tiểu.
Trên cốc Ngồi Yên có hình của tôi hồi 16 tuổi, mới đi tu. Mỗi lần nhìn vào hình đó tôi thấy rất cảm thương, tại vì thấy chú bé còn dại lắm. Tuy đi tu nhưng chưa biết gì hết, chưa biết được giáo lý, chưa biết được con đường, chỉ có một tấm lòng, một trái tim muốn tu thôi. Chưa biết rằng có những khó khăn, những trở lực sẽ xảy ra trên con đường tu của mình. Nếu cậu bé vượt được những khó khăn, những trở lực đó để có ngày hôm nay, chắc chắn là có sự gia hộ, bảo trì của Bụt, của Pháp, và của Tăng. Cho nên mỗi lần nhớ tới chú điệu năm xưa, mỗi lần nhìn vào hình của chú điệu 16 tuổi là cái cảm thương nó trào dâng và mình lạy Bụt cho tất cả những cô bé, những chú bé vào tuổi đó được Bụt che chở, được Bụt nâng đỡ, được tăng thân che chở, được tăng thân nâng đỡ để được đi suốt cuộc đời, và thành tựu sự nghiệp của người tu.
Còn nhiều bài thực tập trong lãnh vực này lắm, nhưng chúng ta chỉ học thêm vài bài nữa thôi. Thực tập rất là hay, rất là tươi mát:
Quét lá chốn bản môn,
Lá nào cũng thị hiện (thị hiện tức là giả đò hiện ra),
Chơi đi trốn đi tìm,
Chẳng đi mà chẳng đến.
Khi quét lá, cái đối tượng chánh niệm của ta là những chiếc lá. Chiếc lá gọi là lá chết, chiếc lá gọi là lá rụng, lá khô. Mỗi khi đi hộ niệm, chúng ta thấy cái xác của một người nó cũng có thể khô đét như một chiếc lá, thì khi tiếp xúc với chiếc lá khô, chúng ta nhìn sâu vào trong lòng lá để có thể vượt thoát cái tướng của lá. Tướng sinh, tướng diệt, tướng có, tướng không của lá. Người ta nghĩ rằng chiếc lá đó đã được sinh ra vào một ngày trong cuối tháng ba, và nó đã nhởn nhơ trên cành, đón tiếp ánh nắng, đón tiếp những cơn mưa, nó đã ve vẩy, nó đã ca hát, nó đã nuôi sống cây, nó đã sống qua mùa Xuân, mùa Hạ, và mùa Thu. Giờ đây nó rụng xuống.
Khi quét lá chúng ta quét 10 cái lá, 20 cái lá, 200 cái lá, dồn lại thành đống.
Quét lá trong bản môn, lá nào cũng thị hiện. Thị hiện là một danh từ trong kinh Pháp Hoa. Trong bản môn thì Bụt chưa bao giờ sanh, và sẽ không bao giờ diệt. Bụt chưa bao giờ không, chưa bao giờ có tại vì bản thân của Bụt là vượt thoát sinh diệt; có, không; tới, đi. Chiếc lá cũng vậy. Bụt là lá chín. Lá đó mình có thể gọi là lá chín hay lá chết cũng vậy. Một cái lá sống, già thì nó chết như một người, như một trái cây, chín thì rụng. Cái lá đó, nếu mình không cẩn thận thì mình bị kẹt vào tướng sinh, tướng diệt, tướng có, tướng không của cái lá. Nhưng nếu có chánh niệm, có quán chiếu thì mình có thể chọc thủng được cái màn tướng và mình thấy cái lá trong tính chất bất sinh, bất diệt của nó.
Có một lần đi thiền hành, tôi sắp đạp lên một tờ lá, nhưng tự nhiên tôi có cái thấy nó tới, cho nên tôi ngừng lại, không đạp lên chiếc lá, và ngồi xuống để ngắm lại cho kỹ tờ lá, thì thấy tờ lá này nó đang thị hiện. Nó giả đò sinh ra, nó giả đò chết đi, nó giả đò chơi trò đi trốn và đi tìm với mình! Đố thầy tìm ra được con! Chúng ta, ai hồi thơ ấu mà không chơi trò đi trốn đi tìm? Chiếc lá nó cũng như vậy. Trong thiền môn chúng ta thường nghe công án gọi là Bản lai diện mục, có nghĩa là "xưa nay mặt mũi thật của chúng ta". Anh nói cho tôi biết cái mặt của anh như thế nào trước khi bà nội của anh ra đời. Đó là một lời mời thỉnh chúng ta đi tìm cái bản lai diện mục của chúng ta, nghĩa là đi tìm bản môn của chúng ta. Thành ra nếu mình có mặt đích thực, nếu mình có chánh niệm, có quán chiếu, thì tiếp xúc với tờ lá, có lúc mình sẽ thấy được tính cách thị hiện của tờ lá, nó cũng đang chơi trò đi trốn đi tìm với mình. Thật ra thì nó không sinh, cũng không diệt; không có cũng không không. Tờ lá nó nói: Đố anh tìm được tôi. Mình nói: Dễ ợt, có gì đâu mà không tìm được? Lá giả đò chết, nhưng mà mùa Xuân năm sau thế nào mình cũng thấy được lá trở lại trên cành. Chẳng qua là chuyện đi quanh, chơi đi trốn và đi tìm mà thôi. Bản thân của lá không có sinh, không có diệt, không có đi, không có đến, không có, cũng không không. Khi mình thấy được cái lá như vậy rồi thì mình cũng có thể thấy được mình, và mình thấy được Bụt mà không còn bị kẹt vào cái tướng.
Quét lá trong bản môn, tại vì đến trung tâm tu học đâu phải là để mình quét lá như mình quét ở ngoài đời? Tới chùa mình cũng nấu cơm, mình cũng trồng rau, bổ củi, gánh nước. Nhưng cách nấu cơm, trồng rau, bổ củi, gánh nước ở trong chùa nó rất khác với ở ngoài đời. Mình làm trong sự quán chiếu. Làm như thế nào mà mình tiếp xúc được với bản môn. Quét lá trong bản môn, phải quét như thế nào để thấy rằng lá nào cũng thị hiện,pretending to be, pretending not to be. Đó là chuyện giả đò mà danh từ chuyên môn gọi là thị hiện. Chơi đi trốn đi tìm nhưng thật ra thì thấy được tánh cách chẳng đi, chẳng đến, no coming, no going.
Khi mới tu, mình được học những bài thi kệ ở trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, trong Từng Bước Nở Hoa Sen. Thực tập những bài thi kệ đó, mình tập tiếp xúc với các hiện tượng trong tích môn một cách sâu sắc hơn. Đến khi chánh niệm của mình đã vững rồi thì lúc đó mình có thể tập ngồi trong bản môn, tập đi trong bản môn, tập quét lá trong bản môn, tập nấu cơm trong bản môn. Và chuyện "nắm tay Bụt cùng đi", "chia ghế ngồi với Bụt" là chuyện chúng ta có thể làm được, không phải là những chuyện xa vời.
Chúng ta cũng có một bài nữa để thực tập việc quét lá:
Quét lá nơi bản môn,
Ta cùng Người thị hiện,
Đi về phía mặt trời,
Hẹn nhau cùng lên tiếng.
Ta cùng Người thị hiện, Người ở đây tức là Bụt. Không phải chỉ có Bụt mới làm công việc thị hiện, mà chiếc lá cũng thị hiện, thị hiện có sinh có diệt. Bụt thì thị hiện có bát tướng thành đạo, có ngày sinh, có ngày xuất gia, có ngày thành đạo, có ngày nhập niết bàn. Ta cũng vậy, ta cũng phát hiện từ bản môn, ta cũng giả đò sinh, ta cũng giả đò diệt, ta cũng giả đò đi xuất gia, nhưng trong bản môn thì ta cũng như Bụt, ta đã là cái mà ta muốn trở thành. Đây là một giáo lý rất sâu sắc. Chỉ khi nào thấy được điều đó thì ta mới chấm dứt được sự rong ruổi, chạy tìm. Đây là điểm rất đặc sắc của giáo lý đạo Bụt, tức là giáo lý Vô Nguyện, Vô Tác. Không có cái gì cần phải làm nữa hết.
Đi về phía mặt trời. Mặt trời tượng trưng cho ánh sáng. Trong kinh điển thường nói tới đức Thế Tôn là dòng dõi của mặt trời, dòng dõi của giác ngộ, của tuệ giác.
Hẹn nhau cùng lên tiếng. Lên tiếng giống như Bụt Đa Bảo lên tiếng ở trong tháp Đa Bảo: "Nhiệm mầu thay, nhiệm mầu thay, Bụt Thích Ca Mâu Ni ngài giảng kinh Pháp Hoa hay quá!". Thành ra ở nơi nào có Bụt là có ta. Bụt lên tiếng thì ta lên tiếng. Ở nơi nào có ta thì có Bụt, ta lên tiếng thì Bụt lên tiếng, như là bóng theo hình. Ta và Bụt là một đôi bạn rất thân thiết, chúng ta có thể nắm tay cùng đi thiền hành.
Rửa bát trong tích môn,
Ta rửa bát ngàn đời,
Bát dơ rồi bát sạch,
Đều trên đường rong chơi.
Trong khi rửa bát có chánh niệm thì mình biết rằng rửa bát như thế này không phải hối hả cho xong. Tại vì rửa xong rồi bát lại dơ, rồi mình sẽ rửa hoài! Khi mình thấy được chuyện đó thì mình nghĩ rằng tốt hơn hết là rửa bát như thế nào mà mình có an lạc, có hạnh phúc ngay trong khi rửa bát. Trong sách Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thứccó một bài thực tập để ta thấy rằng khi rửa bát thì giống như mình đang tắm cho một vị Bụt sơ sinh. Đó là một vinh dự rất lớn. Sức mấy mà anh được tắm cho một vị Bụt sơ sinh. Nhưng nếu anh có chánh niệm thì lúc anh rửa một cái bát cũng mầu nhiệm không kém gì là cơ hội anh tắm cho một đức Bụt sơ sinh. Cố nhiên là tắm cho con của mình, mình cũng có thể quán chiếu như vậy.
Rửa bát trong tích môn,
Ta nhìn ta mỉm cười.
Trong khi rửa bát ta có nhìn vào ta không? Ta có thấy ta đang hối hả muốn rửa cho mau xong hay không? Nếu trong tích môn ta có thể nhìn ta để mỉm cười trong khi rửa bát, thì ta lập tức bước vào bản môn, không cần một thời gian tập luyện nào cả. Ta đang làm gì đó? Nếu ta thấy ta đang hối hả hoặc đang bực bội, càu nhàu rằng sư em tại sao không rửa bát với mình? Giờ này có lẽ đang nằm ngủ! Ta đang làm chi đó vậy? Khuôn mặt ta có tươi không? Kìa nụ hồng đang tươi. Đây là ta đang soi gương. Nụ hồng đang tươi còn ta thì không tươi gì cả. Khi thấy được điều đó, tự nhiên mình tươi lên liền, không thua gì nụ hồng hết. Tại vì giác ngộ, tại vì chánh niệm đến để cứu mình. Và cũng cái bát đó, cũng cái chậu nước xà phòng đó, nhưng bây giờ mình có hạnh phúc. Trước đó thì mình không có hạnh phúc, nhưng chánh niệm tới thì tự nhiên mình có hạnh phúc. Rất là kỳ diệu!
Chồng bát có chất cao,
Lên tới tận cung Hằng,
Cũng không cần hối hả,
Ta mỉm cười thong dong.
Cung Hằng tức là cung Quảng Hằng, cung điện của Hằng Nga. Ở chùa Từ Hiếu ngày xưa có khi mình rửa bát cho cả 100 người ăn, hoặc 200 người ăn. Mình không có nước nóng thành ra mình phải nấu một nồi nước nóng để rửa cho ấm, đừng bị cóng tay, nhất là vào mùa Đông. Cũng không có xà phòng, xà phòng nước hay xà phòng cục đều không có. Hồi đó chỉ sử dụng tro bếp và võ dừa để rửa bát mà thôi. Mình phải rửa như thế nào để những chồng bát đó sạch và mình cũng được an lạc, tại vì chuyện rửa bát là chuyện mỗi ngày. Chú tiểu nào cũng phải làm.
Ngày nay cái bếp ở chùa Từ Hiếu vẫn còn như cũ. Vẫn ngồi xuống đất, vẫn dùng củi và lá thông để đốt. Chỉ có khác là bây giờ đã có nước máy. Ngày xưa lúc tôi còn là chú tiểu thì phải đi gánh nước từ giếng.
Rửa bát nơi tích môn,
Chồng lên ba vạn cái,
Nhìn qua cửa bản môn,
Bát rửa hoài không ngại.
Ở Pháp có nhiều người làm nghề rửa bát, tiếng Pháp gọi là Plongeurs, mỗi ngày rửa hàng ngàn cái, nếu họ học được giáo lý của Pháp Hoa Tam Muội này chắc họ đỡ khổ lắm. Bây giờ họ chế ra máy rửa bát, thành ra chúng ta mất dịp để thực tập rửa bát trong bản môn.
Cách đây mấy tháng có một bà thiền sinh người Ấn Độ, đến làng dự khóa tu và muốn cúng dường cho Xóm Hạ một máy rửa bát. Nhưng không biết tại sao mà cái mộng đó không thành. Cũng đỡ quá!
Giận nhau trong tích môn,
Thở, nhìn bản môn cười,
Trò ghét thương đắp đổi,
Sông nước cứ đầy vơi.
Giận nhau trong tích môn,
Nhắm mắt nhìn mai sau,
Trong ba trăm năm nữa,
Em đâu và ta đâu.
Bản môn là chất liệu làm ra mình, là cái nền tảng của mình. Cũng như nước là nền tảng của sóng.
Phương pháp của Pháp Hoa Tam Muội là làm thế nào để sống mỗi giây phút của đời mình mà tiếp xúc được với bản môn thì tự nhiên cái tích môn nó sẽ nhẹ nhàng, ta sẽ thảnh thơi. Rất là thâm diệu.
Khi mà sóng nhớ được mình là nước thì tất cả sự buồn phiền lo lắng, hờn ghen của sóng, những cái mặc cảm xấu, đẹp, hơn, thua đều tan biến hết. Khi mình thấy được mình là nước, khi mình thấy rằng những đợt sóng khác cũng là nước, và tất cả đều chia sẻ chung một bản thể, thì lúc đó tất cả sự buồn phiền lo lắng, hờn ghen, những cái mặc cảm xấu, đẹp, hơn, thua đều tan hết.
Tiếp xúc với bản môn không phải là chuyện khó khăn. Tất cả chúng ta đều có thể làm được. Chỉ có một điều là ta muốn làm hay không mà thôi, chứ chúng ta ai cũng có thể làm được.
Ví dụ một người Pháp giận một người Tây Ban Nha, hay giận một người Đức. Mình có ý niệm về nước Pháp, một nước Pháp trong lịch sử, nước Pháp trong tích môn. Nước Pháp là một thực tại độc lập, nước Pháp đã từng khai chiến với nước Anh, nước Đức, đã từng đánh nhau với Tây Ban Nha. Người ta nói rằng bên này dãy núi Pyrénées sự thật nó khác với bên kia. Là vì đứng trên nước Pháp thì mình nhìn nước Pháp với con mắt khác, và nhìn người Tây Ban Nha, người Đức bằng con mắt khác. Những cái thấy đó là những cái thấy hoàn toàn bị kẹt vào cái tưởng của tích môn. Cho đến ngày nay mà vẫn có những người Pháp còn ghét và không tha thứ được cho người Đức, hoặc cho người Anh! Nếu có chánh niệm, khi đọc báo hay khi nghe nói chuyện, chúng ta thấy sự thù hận đó vẫn còn trong những người Pháp, người Đức hay người Anh.
Ở cạnh chùa Phương Am có một ông, giờ này cũng đã ngoài 60, hồi nhỏ bị một trái bom của Đức rơi gần nhà thành ra anh chàng gần như bị điên, giờ này vẫn còn điên điên. Mỗi khi nghe nói đến người Đức là anh ta chịu không nổi! Giữa người Việt và người Miên cũng có những người mang tâm trạng đó. Nhưng khi đứng đây và mình có chánh niệm, mình biết rằng mình đang đứng trên quả địa cầu, và quả địa cầu thì không phải chỉ có nước Pháp. Quả địa cầu là có cả nước Đức, nước Anh, nước Tây Ban Nha, nước Tàu, nước Việt, và mình thấy được trái đất của mình là một thực thể, một quê hương của tất cả mọi người. Nếu thấy được tất cả mọi người đều có bổn phận phải chăm lo cho trái đất, thì tự nhiên mình có tinh thần trách nhiệm. Không những mình chỉ lo cho nước Pháp mà mình còn lo cho nước Đức, nước Anh. Tại vì những gì xảy ra trên mảnh đất không phải là đất nước của mình, thì nó cũng sẽ có ảnh hưởng đến mình.
Cái nhìn đó gọi là cái nhìn bao quát. Và khi cái nhìn bao quát đó đến với mình thì những kỳ thị, những giận hờn, chia cách tự nhiên mình thoát được liền. Chỉ cần thấy được mình đang đứng trên trái đất thôi, chỉ cần thấy trái đất là quê hương là mình có cái nhìn bao quát.
Người Tây phương họ dùng chữ See things globally hay Think globally. Đó cũng là nằm trên hướng thực tập Pháp Hoa Tam Muội, tức là nhìn tổng quát. Ví dụ mình ở trong tăng thân, mình nên lấy chánh niệm của mình để ôm lấy cả tăng thân như là một thực thể. Tăng thân là thân của mình thì tự nhiên những kỳ thị, những giận hờn, những trách móc, những phân bì nó tiêu tan liền lập tức.
Nếu người kia không đi ngồi thiền, và mình đi ngồi thiền được thì mình nói ta ngồi thiền không phải cho riêng ta, mà cho cả người kia nữa, thì tự nhiên trong lòng mình nó nhẹ nhàng, nó thanh thoát. Em ngồi thiền cho chị, anh ngồi thiền cho em. Rất là hay, rất là đẹp, và nó làm cho con mắt của mình, cái miệng của mình, cái tai của mình, con người của mình tỏa ra chất liệu của hiểu biết, của thương yêu, của bao dung. Và người vui sướng nhất, đầu tiên là mình chứ không phải là người kia! Người kia cũng sẽ được hưởng cái đó, nhưng chính mình là khỏe nhất, tại vì mình đã biết nhìn cái toàn thể, đứng về phương diện không gian cũng như thời gian.
Hôm nay thương, ngày mai giận, mốt lại thương trở lại. Chuyện giận và thương nó chồng chất lên nhau. Đôi khi giận xong thì lại thương nhiều hơn trước! Thành ra cái giận đôi khi cũng là chất liệu của cái thương. Rồi thương nhau quá chừng, đến khi giận thì cũng giận nhau quá xá! Hai cái đó có dính líu đến nhau, cho nên mình đừng cư trú trong một cái, đừng cư trú trong cái thương, hoặc trong cái giận. Mình phải thấy cái giận và cái thương nó đắp đổi cho nhau, mình phải ôm lấy cả hai cái. Đôi khi mình giận một người như vậy, nhưng ngày mai mình lại thương, thành ra khi thấy được như vậy rồi thì mình có thể cười với cái giận của mình. Nó như là nước thủy triều, lên rồi xuống, xuống rồi lên! Mình đừng lên xuống theo thủy triều đó, mình phải ôm lấy hết tất cả những cái đó thì tự nhiên mình khỏe.
Bài Giận nhau 1 thuộc về không gian, và bài Giận nhau 2 thuộc về thời gian. Mai sau hay là trước kia cũng vậy, ba trăm năm trước thì em ở đâu, và tôi ở đâu?
Đây là một phương pháp thực tập rất hay. Khi tự nhiên mình thấy giận người đó, hoặc giận sư anh, sư chị hay sư em của mình, thì phương pháp của Pháp Hoa Tam Muội là mình nhắm mắt lại, mình thở, và quán chiếu mình và người mình giận trong 300 năm sau. Chỉ cần thở một hơi để quán chiếu trong 300 năm sau thì mình sẽ ra sao, cái sắc, thọ, tưởng, hành, thức của mình nó ra sao. Rồi cái sắc, thọ, tưởng, hành, thức của người mình đang giận nó ra sao. Chỉ cần thở một hai hơi như vậy, khi mở mắt ra là ta thấy người kia bằng con mắt khác liền.
Trước đó thì muốn thoi một cái, nhưng bây giờ thì thấy hay nhất là mình ôm người đó, tại vì 300 năm sau người đó không còn như vậy, và mình cũng không còn như vậy nữa. Em đâu và tôi đâu. Thành ra khi hai người giận nhau mà thực tập Pháp Hoa Tam Muội thì ít nhất là một người nhắm mắt lại, thở và quán chiếu cái thân mình, cái tâm mình, cái ngũ uẩn của mình trong ba trăm năm nữa thì nó như thế nào, nó rất là vắng lặng. Lúc đó không phải mình không có, nhưng mình không phải như thế này, mình không bị ràng buộc bởi những cái giận hờn như thế này. Thành ra tự nhiên mình có tự do, mình thênh thang, nhẹ nhàng hết sức. Mà chỉ cần một hai hơi thở thôi, thì khi mở mắt ra mình thấy sự tình nó hoàn toàn khác! Mình thấy rằng 300 năm có nghĩa gì đâu mà nó đã thay đổi cục diện rất nhiều rồi, huống hồ là 3000 năm hay ba triệu năm! Nó không có nghĩa lý gì cả. Và cái giận hờn của mình cũng không nghĩa lý gì cả. Tự nhiên cái giận tức là một vùng năng lượng rất tiêu cực, nhờ quán chiếu trong vòng nửa phút hay một phút mà nó biến thành một cái tự giác rất lớn, và mình thấy rằng cái hay nhất mà mình có thể làm bây giờ là ôm người đó vào trong vòng tay của mình, tại vì mình biết rằng nếu không làm vậy thì ngày mai có thể là trễ.
Ba trăm năm sau, tôi ở đâu, sư anh ở đâu, sư em ở đâu? Tại sao ngày hôm nay mình không thương nhau, không cho nhau hạnh phúc? Đừng nói rằng: Thưa thầy pháp môn này khó quá! Không, nó dễ ợt à! Nó là pháp môn đốn ngộ. Nói theo Tây phương là See it globally. Khi mình có một cái nhìn rộng hơn, bao quát hơn, thì mình biết rằng mình đang đi trên con đường thực tập bản mục. Có những người không phải là Phật tử, nhưng nhờ cách nhìn của họ mà họ được thảnh thơi rất nhiều, có nghĩa là họ cũng đang thực tập Pháp Hoa Tam Muội mà họ không biết đó thôi.
Đừng nói rằng giác ngộ là cái gì ở trên trời dưới biển, giác ngộ là một thoáng của sự tỉnh thức nó cho mình thấy được sự thật. Và chánh niệm là chìa khóa để mở cửa sự thật.
Cô đơn trong tích môn,
Hãy ôm niềm hờn tủi,
Đưa nhẹ lời ca dao,
Tuyết hoa rơi đầy núi.
Thiên hạ đông như vậy đó mà có ai hiểu được mình đâu, mình thiệt là cô đơn! Làng Mai có một bài thực tập gọi là Thiền Sinh Ru Nội Kết. Nếu quý vị mới đến Làng, chưa thuộc thì nên học thuộc bài đó. Nội kết tức là những niềm đau, nỗi khổ trong lòng của mình. Một trong những phương pháp thực tập là đừng chống báng niềm đau nỗi khổ đó mà phải ôm lấy nó và ru cho nó ngủ. Ru bằng chánh niệm, ru bằng từ bi.
Phương pháp của thế gian có thể là tranh đấu, đánh dẹp niềm đau của mình, nhưng phương pháp của đạo Bụt là không tranh đấu, không đánh dẹp niềm đau của mình, trái lại mình ôm lấy niềm đau của mình, rất là nhẹ nhàng, rất là trìu mến, và mình ru nó:
Mưa rơi nhè nhẹ bên trời,
Lắng nghe thổn thức đầy vơi nỗi lòng,
Ngủ đi nội kết mông lung,
Để cho hơi thở mấy từng vào ra,
Sớm khuya gieo hạt từ hòa,
Mai này lòng đất nở hoa cho đời.
Lòng đất này là tâm của mình. Mình chỉ thở vào, thở ra và mình nhớ gieo những hạt giống từ, bi và hòa đồng vào trong đất tâm của mình thì ngày mai thế nào những hạt giống đó cũng sẽ nở thành hoa như là tháng Tư ở Xóm Thượng và Xóm Hạ. Hễ có gieo thì tới tháng Tư chúng sẽ mọc. Những niềm đau cứ để đó, ru cho chúng ngủ, trong khi đó mình vẫn gieo hạt giống của niềm vui bằng thiền hành, thiền tọa, bằng nụ cười, bằng thiền trà, và tiếp xúc với các sư chị, sư anh, sư em của mình ở trong tăng thân. Một ngày mai lúc trời ấm thì tất cả các hạt giống mình gieo mỗi ngày sẽ nở hoa, và niềm đau đó chúng tự động tan biến, chứ không cần phải đem ra để mổ xẻ, để tranh đấu. Đó là một phương pháp rất hay.
Chúng ta có hai bước, một là ru cho nội kết ngủ, hai là gieo trồng những hạt giống tốt. Khi nội kết nằm yên rồi, và những hạt giống tốt được tưới tẩm rồi, thì những nội kết đó sẽ yếu đi rất nhiều tại vì những hạt giống tốt tới và âm thầm chuyển hóa trong tiềm thức, trong a-lợi-gia mà chúng ta không biết.
Bây giờ nếu chúng ta mời nó lên thì rất dễ chuyển hóa vì nó đã yếu lắm rồi, nó đã được chuyển hóa nhiều rồi, chúng ta chỉ cần mỉm cười với nó là nó tan đi thôi. Thành ra ru cho nội kết ngủ để nó yếu đi trong khi chúng ta gieo hạt từ hòa là một bước thực tập. Bước thứ hai là khi nó yếu rồi, ta mời nó lên và nhìn tận mặt nó mà quán chiếu thì nó tan luôn.
Ru nội kết là một pháp môn rất mầu nhiệm ở Làng Mai. Trong bài Vào Ra Sâu Chậm của chúng ta, hai câu chót là:
Cửa vô sinh mở rồi,
Trạm nhiên và bất động.
Nội dung hai câu đó là sự thực tập tiếp xúc với bản môn, tại vì vô sinh là một đặc tính của bản môn, vô sinh, vô diệt. Cái thế giới không sinh không diệt là thế giới của bản môn, thế giới của nước. Thế giới của diệt là thế giới của sóng. Khi chúng ta nói "Cửa vô sinh mở rồi", tức là cửa đó chúng ta có thể bước vào bất cứ lúc nào.
Phương pháp thực tập là trong đời sống hàng ngày, chúng ta phải sống cho thật sâu sắc mỗi giây phút và khi chúng ta tiếp xúc được với tích môn một cách sâu sắc, thì chúng ta chạm tới được bản môn. Bản môn tức là niết bàn.
Ăn cơm nơi tích môn,
Nuôi sống cả tổ tiên,
Mở đường cho con cháu,
Cùng tìm hướng đi lên.
Khi ăn cơm chúng ta phải thấy được rằng chúng ta ăn cho tổ tiên của chúng ta, và chúng ta cũng ăn cho con cháu của chúng ta. Chuyện này là nó thật, chuyện này là tiếp xúc với bản môn, tại vì khi tiếp xúc với bản môn thì mình thấy rằng cha của mình hay ông nội của mình thật sự là đang sống trong mình. Nói rằng ông nội hay cha đã mất rồi là không đúng, là có cái nhìn không phổ biến. Mình phải thấy rằng mình là tiếp nối của ông nội, ông ngoại, tổ tiên, cha mình, mẹ mình. Dù các vị còn sống hay đã lìa đời thì mình cũng vẫn là tiếp nối của các vị. Vì vậy khi ăn vào một miếng cơm thì mình thấy rằng mình đang nuôi không phải chỉ một mình mình mà mình đang nuôi cả tổ tiên, dòng họ, con cháu của mình.
Vì vậy miếng cơm mình ăn phải có tính cách nuôi dưỡng, phải có tác dụng ngăn ngừa tật bệnh. Mình không nên ăn những thứ có thể làm hại cho tổ tiên, cho cha mẹ mình, và cho con cháu mình. Tại vì tất cả những gì có hại mà mình ăn, con cháu mình, ông bà mình đều sẽ lảnh đủ!
Ăn cơm tại Làng Mai là một phép thực tập rất quan trọng. Về Làng Mai chỉ cần thực tập ăn cơm cho đàng hoàng là đã có thể chuyển hóa rồi, đừng nói đến những thực tập khác.
Ở Làng Mai, nếu làm thống kê thì mình thấy rằng mỗi tuần mình ngồi thiền có 10 thời thôi, nhưng mình ngồi ăn cơm tới 21 thời. Vì vậy 21 thời ăn cơm, mình phải làm cho thật đàng hoàng, cọng với 10 thời ngồi thiền nữa là 31 thời thực tập ngồi. Cho nên ăn sáng, chúng ta ăn cho thật đàng hoàng, chúng ta ngồi ở trong bản môn mà ăn. Ăn trưa cũng vậy, ăn tối cũng vậy. Đừng nói ăn cơm là không quan trọng, ăn cơm là quan trọng nhất! Mỗi tuần 21 thời ăn cơm phải trở thành 21 thời thực tập, thì mới không uổng thời gian tu học của ta. Trong khi ăn cơm thì thân, khẩu và ý phải ở trong chánh niệm.
Trong phòng ăn mình phải sắp đặt cho đẹp, phải có bình hoa. Phòng ăn phải giống như một thiền đường, và chúng ta ăn thong thả, ung dung như chúng ta ngồi thiền. Nếu cần có thêm 10 hay 15 phút để cho bữa ăn được thoải mái, để cho bữa ăn trở thành một thực tập vững chãi, thì chúng ta vẫn có thể lấy thêm thì giờ, tại vì đây là một phương pháp thực tập rất hay.
Ăn cơm tiếng Pháp là senourir, có nghĩa là tự nuôi mình. Nhưng trong cái nhìn của bản môn thì tự nuôi mình cũng có nghĩa là nuôi tổ tiên, nuôi ông bà mà cũng là nuôi con cháu của mình. Vì vậy mà nội dung của thức ăn rất là quan trọng, chánh niệm về thức ăn rất là quan trọng, cách mình ngồi ăn cũng rất quan trọng.
Tôi xin nhắc lại một lần nữa là đến Làng Mai, chỉ cần ngồi ăn 21 thời trong một tuần cho đàng hoàng là đã có thể đủ để chuyển hóa rồi, đừng nói đến ngồi thiền, đi thiền hành và thực tập những pháp môn khác như pháp thoại, pháp đàm, chấp tác. Xin đại chúng nhớ điều đó. Hai mươi mốt thời thiền ăn, cọng với mười thời thiền tọa, như vậy những thời ngồi nhiều hơn là đứng, là đi.
Ăn cơm nơi tích môn,
Nuôi sống cả tổ tiên.
Trong khi ăn mình phải thấy mình đang ăn cho tổ tiên. Tôi nhớ trong một khóa tu ở Làng cây Phong, Canada, cách đây chừng mười mấy năm. Hôm đó tăng thân đang ăn cơm ở trong rừng, vì khóa tu được tổ chức trong một khu rừng. Khi đi ngang qua một thiền sinh, tôi hỏi: Anh Chân Cơ đang làm gì đó? Anh trả lời: Dạ con đang nuôi thầy.
Nhận xét đó là một nhận xét phát xuất từ sự thực tập tích môn. Anh Chân Cơ là một trong những vị giáo thọ của Làng Cây Phong ở Montreal.
Chuyện nuôi tổ tiên và nuôi con cháu nó phát xuất từ chuyện ăn của mình, vì vậy cho nên ăn là một phương pháp thực tập rất vững chãi. Xin đại chúng nhớ ăn là thực tập, phải làm cho thật đàng hoàng. Phải làm sao để trong giờ ăn mình có an lạc, có thảnh thơi, có giải thoát.
Ăn cơm nơi tích môn,
Nhai đều như nhịp thở.
Nhiệm mầu ta nuôi nhau,
Từ bi nguyền cứu độ.
Trong khi nhai, chúng ta thực tập chánh niệm cũng giống như chúng ta thở. Nếu quán sát những con bò nhai cỏ thì ta thấy bò nhai rất chậm rãi, rất thảnh thơi. Ít nhất chúng ta cũng phải bằng những con bò!
Nhiệm mầu ta nuôi nhau là khi ăn như vậy, ta ăn đúng chánh pháp, thì ta tự nuôi thân thể và nuôi tuệ mạng của chúng ta. Tuệ mạng là mạng sống của trí tuệ. Mỗi người có một nhục thân, tức là cái thân thể, là hình hài bằng xương bằng thịt, nghĩa là mỗi người có một đời sống của nhục thân. Nhưng mỗi người cũng có một tuệ thân, một tuệ mạng, một đời sống của trí tuệ, cần được nuôi dưỡng. Mình phải ăn như thế nào để nuôi sống được cả tâm lẫn thân, và nuôi sống được thân tâm của những người mình thương, của các loài chúng sinh. Vì vậy mà ăn là một thực tập rất quan trọng.
Nhiệm mầu ta nuôi nhau. Khi ngồi nhai thì chúng ta thấy tất cả các loài sinh vật ở trên trái đất đều đang nhai hết. Chúng ta nhai cái gì? Chúng ta nhai nhau, chúng ta ăn nhau, chúng ta nuôi nhau. Trong khi ăn rau, ăn cỏ, ăn trái thì có những loài sinh vật nó cũng đang ăn mình, và chúng ta mang trong người của chúng ta rất nhiều loài sinh vật, chúng cùng sống với chúng ta, chúng cũng ăn chúng ta. Chúng sống ở trong ruột chúng ta, chúng sống trên da thịt của chúng ta. Chúng ta là một khách sạn rất lớn, trong ruột của chúng ta có hàng trăm triệu chúng sinh khách sống chung với chúng ta.
Mỗi khi uống thuốc trụ sinh là nhiều khách của chúng ta ở trong khách sạn chết lăn quay. Có hàng triệu con vi khuẩn không độc hại, sống trong ruột của chúng ta, nương nhờ vào thức ăn của chúng ta, và có khi giúp cho chúng ta thêm những loại sinh tố như sinh tố B. Đôi khi những loài vi khuẩn đó có ích lợi cho chính chúng ta, thành ra trong chúng ta có sự nương vào nhau để sống.
Ở ngoài chúng ta cũng vậy. Những con chim, những con trùn, những loài chúng sanh khác cũng giúp chúng ta một cách trực tiếp hay gián tiếp. Có những con chim ăn sâu, ăn những con độc hại cho loài người, chúng giữ gìn mùa màng cho chúng ta. Thành ra chúng ta nương nhau rất nhiều mà sống, và chúng ta chỉ có thể thấy được điều đó khi chúng ta quán chiếu mà thôi. Ta sống đây không phải là nhờ tài riêng của ta.
Ta sống đây là nhờ tất cả muôn loài. Đám mây kia, dòng sông kia, đỉnh núi kia, những loài chim chóc, sâu bọ sống ở trong nước, trong vỏ cây, trong lòng đất, đều có trách nhiệm gần xa nuôi ta hết. Nhiều khi chúng ta ăn luôn những loài đó.
Trong bài này, nguyên thủy của chữ nhiệm mầu là chữ nghẹn ngào. Khi làm bài kệ này tôi viết là Nghẹn ngào ta nuôi nhau, tại vì biết rằng chúng ta nhai nhau, chúng ta ăn nhau. Nhìn sâu vào trong sự sống thì chúng ta thấy các loài chúng sinh ăn nhau. Khi thấy được điều đó thì lòng từ bi trong ta không thể không phát khởi ra được, không nở ra được. Vì vậy cho nên có sự nghẹn ngào nào đó trong khi mình nhai thức ăn.
Sự sống đòi hỏi chúng ta phải ăn, phải đoàn thực. Vì vậy cho nên các loài chúng sanh đều phải nương nhau mà sống. Ngày hôm nay tôi ăn anh, ngày mai anh sẽ ăn lại tôi. Khi mình được chôn vào lòng đất thì thân thể mình sẽ rữa ra và có những loài trùn ăn lại mình. Điều đó rất là bình thường, rất là tự nhiên. Mình phải thấy được điều đó. Trong khi ăn có chánh niệm thì tự nhiên lòng từ bi của mình phát triển, và từ bi phát triển thì nó có thể làm vơi bớt một phần buồn đau trong sự sống.
Hôm trước tôi có nhờ sư chị Chân Định Nghiêm nghiên cứu và tìm một vài nông trại trồng rau bằng phương pháp hữu cơ, để chúng ta có thể mua rau, trái từ những nông trại đó mà ăn, để cho lòng từ bi của chúng ta ít bị thương tổn. Tại vì một cây xà lách hay một bông cải trồng ở những nông trại thường, tức là không trồng theo phương pháp hữu cơ thì những rau trái đó mọc lên bằng một giá khá đắt. Họ dùng những thuốc diệt sâu và những phân hóa học, không những làm chết đất mà còn chết luôn rất nhiều loại sâu. Chúng ta có trồng rau ở Xóm Thượng và chúng ta biết, có những con Limace, một đêm có thể đến ăn sạch những luống rau chúng ta trồng. Có những đêm chúng ta phải ra vườn lấy đũa gắp những con Limace ra, đưa đi thật xa, để chúng ăn những cây khác và chừa những cây rau để chúng ta có ăn. Các sư chị, các sư em, sư anh đã từng trồng rau thì biết chuyện đó. Ở thị trường họ có những loại thuốc gọi là anti-Limace bằng chất hóa học, ăn vào rất là ngon, rất hấp dẫn đối với những con Limace. Ngửi được mùi đó là Limace bỏ rau và đi sang ăn thuốc đó. Ăn xong thì chúng bể ruột mà chết liền tại chỗ! Trong những luống rau người ta trồng, họ rải đầy thuốc anti-Limace, nên buổi sáng ra thì thấy những con Limace nằm chết lăn, hàng mấy trăm con!
Cho nên khi ăn một cây rau cãi, nếu biết quán chiếu thì mình biết rằng có những loại chúng sanh đã hy sinh để hôm nay chúng ta có cây xà lách này. Tuy chúng ta ăn chay, nhưng vẫn không hoàn toàn chay, tại vì cách trồng của người ta có dính líu đến sinh mạng của những loài khác.
Những người có nhiều giác ngộ, họ tìm cách làm sao để cho những loài chúng sanh kia không bị giết hại trong khi người ta trồng. Vì vậy chúng ta có phương pháp trồng gọi là Organic farming, không làm hại sự sống của quá nhiều sinh vật khác. Vì vậy khi ăn chúng ta không phải nghẹn ngào nhiều.
Sư chị đã tìm ra một vài nông trại như vậy và tôi nói rằng Làng Mai nên giao kèo với những nông trại đó, chúng ta trở nên một khách hàng quan trọng của họ, và cố nhiên họ có thể tính cho chúng ta một giá đặc biệt, chúng ta không phải mua đắt hơn ở những siêu thị như là Leclerc, mà chúng ta vẫn có được lượng rau tương đương. Chúng ta phải luôn luôn đối thoại với những nông trại đó để họ biết nhu yếu của chúng ta. Và vì chúng ta là một khách hàng lâu dài, cho nên họ có thể tìm cách trồng cho chúng ta những rau trái mà chúng ta muốn tiêu thụ. Họ có thể bán cho chúng ta theo giá của những siêu thị khác, hay dù có đắt hơn chút đỉnh, chúng ta vẫn cố gắng trả cho họ.
Sự thực tập của chúng ta là sự thực tập đi trên con đường tỉnh thức, chánh niệm, do đó lòng từ, lòng bi phát xuất trong khi chúng ta quán chiếu, và nó đưa tới những hành động như vậy. Những nông trại trồng tỉa theo phương pháp hữu cơ họ cũng có những lao đao lận đận của họ, họ có sự giác ngộ, họ muốn đi theo con đường đó, và họ cần người yểm trợ. Nếu ta không yểm trợ họ thì thử hỏi ai là người yểm trợ cho họ?
Trong khi chúng ta mua thực phẩm từ những nông trại đó thì chúng ta thể hiện được tuệ giác của chúng ta, thể hiện được cái từ bi của chúng ta, và chúng ta nói lên tiếng nói yểm trợ đường lối bảo vệ trái đất, bảo vệ sinh môi, bảo vệ các loài chúng sinh. Thỉnh thoảng chúng ta có thể tổ chức những buổi thăm viếng và nói chuyện với các nông trại cung cấp rau cải và thực phẩm cho chúng ta.
Xin đại chúng pháp đàm về vấn đề này, tại vì đây là một điều tôi canh cánh ở trong lòng. Chuyện ủ phân rác, chuyện sử dụng bao nylon, sử dụng những chất hóa học, thêm vào đó còn có chuyện tiêu thụ thực phẩm hàng ngày, tất cả đều nằm trong phạm vi thực tập chánh niệm của chúng ta.
Vì vậy trong bài kệ này thay vì viết "nghẹn ngào ta nuôi nhau" tôi sửa lại "nhiệm mầu ta nuôi nhau". Nhưng ta thấy vẫn có sự nghẹn ngào ở trong đó. Tại vì đời sống có đầy khổ đau, và khổ đau cũng là mầu nhiệm. Trong đạo Bụt Tiểu thừa người ta nhấn mạnh đến khía cạnh khổ đau, còn ở trong đạo Bụt Đại thừa thì nhấn mạnh đến khía cạnh mầu nhiệm. Một bên nói về khổ đau, một bên nói về mầu nhiệm. Hai điều đó là hai mặt của cuộc đời. Trong khi đó thì khổ đau cũng là mầu nhiệm. Sự sinh cũng mầu nhiệm, mà sự tử cũng là mầu nhiệm.
Khi thực tập tiếp xúc với bản môn thì chúng ta thấy được những điều mà người khác không thấy. Nhờ thấy vậy cho nên tâm từ và tâm bi phát triển, và ta nguyện sống đời sống hàng ngày như thế nào để cho những loài bé nhỏ kia cũng được thừa hưởng ân đức của sự sống hàng ngày của chúng ta.
Vì vậy mà chúng ta đã quyết định làm như vậy với tư cách của một tăng thân đang thực tập chánh niệm. Đại chúng muốn được giải thích thêm thì hỏi các sư anh, sư chị lớn, và nhất là những người có liên lạc và nghiên cứu lâu năm về chuyện trồng tỉa theo phương pháp hữu cơ. Chắc chắn chúng ta phải tổ chức những buổi thăm viếng các nông trại đó, hỏi cho kỹ phương pháp họ làm việc, và nếu cần, chúng ta soi sáng cho họ, giúp cho họ thành công nhiều hơn trong chuyện sản xuất nông sản cho chúng ta.
Nói pháp trong bản môn,
Lá thu rụng đầy trời.
Từng chiếc lá rơi rơi,
Bay vèo ngập cả trời,
Đỏ au hay vàng tươi.
Chúng ta nhớ trong kinh hay nói mỗi khi Bụt thuyết pháp, vì những lời pháp vi điệu quá cho đến nỗi chư thiên tung hoa ca ngợi. Chư thiên của chúng ta ở đây là những hàng cây. Khi chúng ta đi thiền hành cũng là nói pháp, và cây đổ xuống rất nhiều lá đẹp.
Những chiếc lá đó là những bông hoa của chư thiên rải xuống để ca ngợi pháp mầu của Bụt.
Nói pháp trong bản môn,
Lá thu rụng đầy trời,
Trăng Thu đầy lối cũ,
Pháp không đầy không vơi.
Lối cũ là lối mà ta thường đi thiền hành mỗi ngày. Lên núi đi thiền hành thấy rất vui, nhưng trở về thấy con đường thiền hành trong xóm cũng rất là mầu nhiệm, rất là đẹp. Trăng thu đầy lối cũ, giờ phút hiện tại rất là mầu nhiệm.
Pháp lúc nào cũng có. Khi chúng ta ngồi cũng là thuyết pháp, khi đi cũng là thuyết pháp, khi thở cũng là thuyết pháp. Pháp đó gọi là pháp linh động-living Dharma.
Nói pháp trong bản môn,
Ta nhìn ngươi mỉm cười.
Ngươi chính là ta đó,
Nghe cũng là nói rồi.
"Ngươi", không phải là "người". Trong Bông Hồng Cài Áo có một vài chữ "ngươi" mà bị in là "người". Ví dụ như trong câu: Dù ngươi có ba, bốn mươi tuổi.
Một điều tôi khám phá ra là khi mình nói đúng pháp, nói pháp cần thiết, thì thính chúng mà mình đang nói với, chính thính chúng đó đang nói chứ không phải mình đang nói. Tại vì nhờ thính chúng đó mà có bài pháp.
Một bài pháp hay là một bài pháp khế cơ, tức là đáp ứng được nhu yếu của nhóm người đó. Khi nói một bài pháp, dù có lưu loát bao nhiêu đi nữa, dù có văn chương, nhiệm mầu bao nhiêu đi nữa, mà không đáp ứng lại được nhu yếu đích thực, không trị được cái bệnh của thính chúng đó, thì bài đó chưa phải là bài pháp đích thực, tại vì nó không có tính cách khế cơ.
Vì vậy cho nên trước khi thuyết pháp là phải quán cơ. Quán cơ nghĩa là phải thấy được nỗi khổ, niềm đau, và nhu yếu của người sẽ nghe pháp. Khi mình nói ra và những người ngồi trong thính chúng nghĩ rằng bài pháp này là bài nói riêng cho một mình họ, thì bài pháp đó mới là bài pháp khế cơ. Như vậy bài pháp đó không phải chỉ do người nói pháp nói ra, mà cũng do người nghe nói ra.
Khi đọc kinh điển chúng ta thường thấy Bụt hay nói kinh cho một nhóm người đặc biệt, hay một người đặc biệt. Ví dụ có một lần Bụt nói pháp cho những người trong bộ tộc KA-lama. Tại vì những người trong bộ tộc này có hỏi: "Bạch đức Thế Tôn, các vị đạo sư khi đi ngang qua đây, vị nào cũng nói rằng đạo lý của họ là đạo lý chính thống. Cho nên chúng con mờ mịt, không biết ai là chính thống. Như vậy thì chúng con phải làm sao?" Vì câu hỏi đó cho nên Bụt mới nói kinh KA-lama. Bụt nói rằng đừng vội tin một điều gì dù điều đó là điều người ta thường nhắc tới. Đừng vội tin một điều gì dù điều đó được nói ra bởi một vị đạo sư nổi tiếng. Đừng vội tin một điều gì dù điều đó là điều trích ra từ kinh điển. Bất cứ một điều nào mình nghe, mình phải quán chiếu, mình phải đem ra thí nghiệm, nếu nó đem lại sự an lạc, sự chuyển hóa thì mình mới cho đó là chánh đạo.
Kinh KA-lama được coi như một hiến chương về tự do tư tưởng, tự do tìm hiểu.
Mình biết nếu không có những người KA-lama hỏi câu đó thì làm sao giờ này mình có được kinh này? Vì vậy kinh đó tuy do Bụt nói, nhưng chính những người trong bộ tộc KA-lama đã đóng góp một phần rất quan trọng cho kinh. Thường thường các kinh là đều như vậy. Cho nên người nghe cũng là người nói. Nếu không có người nghe thì không có bài pháp thoại đó.
Vì vậy những băng thuyết pháp như băng của khóa tu mùa Thu, trong đó chúng ta học về chủ đề Quê hương, chủ đề Lý tưởng, chủ đề Thương yêu, học kinh Samiddhi, đó không phải là chuyện ngẫu nhiên, tại vì trong thính chúng của khóa tu mùa Thu có nhiều người xuất gia trẻ, vì vậy cho nên kinh Samiddhi đã được đem ra giảng dạy, cũng như chủ đề Lý tưởng, chủ đề Thương yêu, chủ đề Hạnh phúc đã được đem ra giảng dạy. Mà không phải tôi là người duy nhất nói pháp trong khóa mùa Thu, thính chúng có mặt trong khóa tu đó cũng đóng góp vào những bài pháp thoại đã nói.
Nghe cũng là nói rồi. Thành ra nghe là một nghệ thuật.
Chúng ta đã có ngồi chơi, chúng ta đã có đi chơi, chúng ta cũng có nằm chơi.
Nằm chơi trong bản môn,
Gối đầu trên núi tuyết,
Hai tay ôm mây hồng,
Thành núi đồi trùng điệp.
Khi mình nằm chơi, gối đầu lên cái gối của mình, thì gối của mình là một trái núi, và hai tay mình thì ôm những đám mây màu hồng. Trong khi nằm như vậy, mình thấy mình trở thành trái đất, trở thành núi đồi trùng điệp.
Thầy Thái Hư ở Trung Quốc có làm một bài thơ trong đó có câu Thiên nhai lẫm chẫm bảo vân miên, có nghĩa là "Bên trời gối đầu lên trên lạnh và ôm lấy mây mà ngủ một mình", rất là đẹp. Bài bài kệ "Ngồi chơi" này có ít nhiều âm hưởng câu thơ của Thái Hư Đại Sư.
Thành ra khi mình nằm ở trên Xóm Thượng, ở dưới Xóm Hạ, gối đầu lên một rễ cây thì mình quán chiếu rằng thân của mình không phải chỉ là thân này. Thân của mình nó dàn trải ra, nó là thân của các loài chúng sanh khác nữa. Nó là đồi, là núi, là mây, là tuyết, nó là những loài côn trùng. Chúng ta cùng có mặt chung với nhau. Cũng như chúng ta thấy các loài chúng sanh sống trong người của chúng ta vậy. Đó cũng là một thực tập Vô ngã, không có cái ta riêng biệt.
Đi tiểu trong bản môn,
Đổi trao nào kỳ diệu,
Ta và ngươi không hai,
Không dư và không thiếu.
Theo lễ giáo thì khi đi tiểu hay đi cầu, mình phải rất kín đáo, nếu không thì thất lễ. Trước tháp, trước miếu, trước những chỗ uy nghiêm thì không được đi tiểu, cho nên nó thành ra một tập quán. Đôi khi mình thấy đi tiểu giống như một hành động không được lịch sự. Đó chỉ là tập quán thôi. Chúng ta dấu bãi nước tiểu, dấu bãi phân của chúng ta, nghĩ rằng để cho người khác thấy tức là một vi phạm. Loài mèo thường hành động như vậy!
Khi làm một cầu tiêu, chúng ta đưa hết tất cả nước tiểu và phân vào hầm biến chế hay trong lòng biển sâu, để cho những thứ đó không thể trở về với cây, với cỏ. Như vậy là chúng ta đã đi sai luật tương tức. Khi có sự giác ngộ, ta thấy mình phải làm thế nào để phân và nước tiểu của chúng ta có thể trở về lưu hồi trong vạn vật, đừng đi mất luôn, rất là uổng, rất trái với thiên nhiên.
Mọi loài đều phải đổi trao. Nước tiểu và nước phân của chúng ta có rất nhiều chất bồi dưỡng cho các loài khác. Có nhiều loài đang cần đến các chất dinh dưỡng đó. Ví dụ như phân của con bò, phân của con tê giác, khi nó thải ra thì có rất nhiều loài chúng sanh khác cần đến phân này.
Có một lần xem phim tài liệu về các loài sinh vật, tôi thấy những con cánh cam, sau khi con tê giác thải phân ra, chúng tới liền và tìm cách lăn những viên phân tròn về tổ để tiêu thụ trong nhiều tháng.
Thành ra nhìn vào tích môn thì thấy đó là một sự đóng góp của mình cho sự sống của vạn loài, và sự đi cầu hay đi tiểu trở nên một nghi lễ, một bổn phận. Chúng ta phải xét lại việc chúng ta đi cầu hay đi tiểu vào trong một hố bằng ciment và không cho trở về với các loài. Điều đó không đúng đạo lý, không hợp với sự tuần hoàn của thiên nhiên. Nếu chúng ta làm những hố tiêu, gọi là fosse septique, khi đầy người ta có thể đem máy đến hút về, chế biến thành phân rác để trồng rau cỏ, cây cối thì đó là chuyện đúng với đạo lý. Còn nếu chúng ta cho phân đi luôn vào lòng đất, không thể trở về luân hồi được, thì đó là chuyện sai với đạo lý.
Ở các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa đồng bào luôn luôn sử dụng nước tiểu và phân người để trồng trọt. Họ có những phương pháp để làm như vậy mà không gây ra bệnh tật. Tại vì nếu không biết cách thì trong phân người có thể có những con vi khuẩn rất độc hại.
Ở Tây phương ngày nay cũng có những người đã giác ngộ, họ tìm cách sử dụng những khối lượng phân người rất lớn, vào những việc rất cần thiết cho trái đất.
Ngày xưa tôi cũng thường mang tâm thức đó của cộng đồng, cho nên mỗi khi vào rừng đi tiểu, tôi rất là bối rối. Cây đẹp như vậy mà mình đứng tiểu lên nó thì thấy mình vô lễ với cây quá. Tôi luôn luôn có lòng cung kính đối với các loài. Một tảng đá, một lùm cây, mình đều kính trọng. Thành ra mình thấy tội nghiệp, vô lễ với chúng, và mình quay sang hướng khác. Nhưng quay sang, mình cũng thấy một cây khác rất đẹp. Đã vào rừng, không ai thấy mình rồi, nhưng nhìn các cây và các tảng đá và thấy chúng cũng đẹp, cho nên không dám thất lễ.
Nhưng sau khi quán chiếu thì thấy rõ ràng đây không phải là một hành động bất lịch sự. Đây là một sự trao đổi rất thiêng liêng, đây là một sự thực tập. Vì vậy từ đó trở về sau tôi không còn tránh né nữa, nghĩa là tôi được tháo gỡ! Từ đó, khi đại tiện hay tiểu tiện ở trong rừng, tôi không còn thấy bất lịch sự với cây này hay cây kia nữa.
Trong khi làm như vậy, mình thở và thấy đây là một sự trao đổi rất cần thiết. Tuy mình uống nước trong, thơm ngọt, nhưng nước tiểu của mình cũng sẽ được chuyển hóa, rất cần cho nhiều loài. Sau này mình lại tiêu thụ những thứ mình đã thải ra.
Khi ăn cà rốt, ăn khoai tây, mình nên nhớ rằng cà rốt thơm như vậy, khoai tây béo như vậy, nhưng chúng cũng từ những phân rác mà thành. Đó là sự trao đổi kỳ diệu. Mình nói rằng mình cúng Bụt, mình chỉ cúng những thức rất tinh khiết, nhưng mình biết rằng cái tinh khiết được làm bằng những cái gọi là không tinh khiết. Do đó trong kinh mới nói đến sự thật "Không có gì dơ mà cũng không có gì sạch".
Có một em bé lai Mỹ ở tu viện Kim Sơn, mới 7 tuổi. Em đến dự khóa tu do tôi hướng dẫn. Hôm đó em làm rớt miếng bánh mì xuống đất, em lượm lên ăn. Má em nói "Dơ con", em trả lời: "Dạ không dơ cũng không sạch". Em lợi dụng giáo lý của sư ông!
Vậy thì đi tiểu hay đi cầu không là một chuyện xấu hổ. Đó là một trao đổi rất kỳ diệu, và tôi nghĩ rằng sau này mình phải có phương pháp để xử lý nước tiểu và phân một cách rất chánh niệm. Thành ra vị nào có kiến thức về cách thành lập những hố tiêu mới, đi đúng đường lối tương tức và trao đổi của mình, thì nên đề nghị để Làng Mai có những hố vệ sinh theo phương pháp đó.
Đổ rác chốn bản môn,
Nhìn cái nhìn bất nhị,
Gởi gắm về tương lai,
Bông hoa đầu thế kỷ.
Đổ rác là một pháp môn thực tập rất quan trọng. Rác là một vấn đề lớn của thế giới của chúng ta. Có những hãng xưởng vô trách nhiệm, tạo ra quá nhiều rác, và đi đổ rác lén trong lãnh thổ của người khác. Bên Đức họ cứ sang Pháp để đổ lén rác! Nhất là những rác rến từ nhà thương thải ra. Nhà thương thải ra nhiều rác lắm. Nghe nói những nước sản xuất nhiều rác, họ không biết làm sao, họ không có đủ phương tiện để chế biến rác ra phân, cho nên có lúc họ để rác lên những chiếc bè vĩ đại, cho chúng trôi tới bến bờ của những nước chậm tiến! Rất là vô trách nhiệm, rất là ác độc!
Khi ăn một trái chuối thì khi ăn xong chúng ta có vỏ chuối mà chúng ta liệng vào thùng rác, và chúng ta liệng một cách rất an tâm, tại vì chúng ta biết vỏ chuối này chỉ cần mấy tuần lễ thôi là có thể trở thành phân, đi vào rau hay cà rốt. Nhưng khi liệng một bao nylon vào trong thùng rác, với chánh niệm thì chúng ta thấy rằng bao nylon này không phải chỉ vài tuần mà thành phân được, nó cần đến nhiều chục năm mới phân hóa được.
Những cái tả mà chúng ta thay cho các em bé, có những tả phải cần đến mấy chục năm mới trở thành đất. Loại rác ác ôn nhất là rác nguyên tử. Chúng ta cần điện lực cho nên mới dùng chất Uranium, làm nên những lò nguyên tử. Mà rác nguyên tử, thì phải tới hàng chục ngàn năm mới biến thành đất trở lại. Vì vậy cho nên có chánh niệm, chúng ta không thể xả rác trên trái đất của chúng ta một cách bừa bãi. Rác nguyên tử nguy hiểm vô cùng, nó làm cho người ta bệnh, người ta chết rất nhiều. Vì vậy thỉnh thoảng chúng ta nghe nói có những cuộc biểu tình chống lại sự chuyên chở rác nguyên tử, tại vì chúng rất nguy hại. Nếu có một trận động đất làm hư nát một trung tâm nguyên tử, thì phóng xạ đi ra sẽ làm thiệt mạng không biết bao nhiêu người, không phải là một thế hệ, mà nhiều thế hệ nối tiếp nhau chết vì những rác nguyên tử đó.
Cho nên đối với thế giới của chúng ta, vấn đề đổ rác là một vấn đề lớn của văn minh. Thành ra chúng ta đừng nghĩ rằng đổ rác và xử lý rác là một chi tiết trong đời sống hàng ngày. Chúng ta phải thấy chuyện xử lý rác là một trong những thực tập của chúng ta, và ta cần rất nhiều tuệ giác. Vì vậy nhận diện rác hữu cơ, rác vô cơ, và cách chúng ta giúp cho rác trở về đất là những điều chúng ta tu học. Chúng ta biết rằng mùa Thu thì lá rụng. Mà lá rụng thì qua mùa Đông, sang mùa Xuân lá sẽ thành đất trở lại và nó sẽ luân hồi thành ra những lá mới.
Chúng ta phải theo phương pháp đó và đừng làm ô nhiễm, đừng làm cho thối nát môi trường sống của chúng ta, và tất cả những bộ óc lớn của nhân loại phải đến với nhau để tìm ra những phương pháp tu tập, làm thế nào để chúng ta đừng xả rác, đừng làm hư trái đất này. Nó đã hư quá nhiều rồi! Cây cối bị đốn, những chất độc hóa học đã tạo ra rất nhiều hư hại cho trái đất.
Đừng nói gì trên mặt đất, dưới biển chúng ta cũng có những vùng biển đã chết, và vì không có tinh thần trách nhiệm, cho nên người ta đã đổ những cặn dầu, những chất độc xuống biển. Không có cảnh sát trông coi cho nên họ đổ xuống biển rất nhiều chất độc.
Không những dưới biển, ngay trên không gian cũng vậy. Ngày nay các vệ tinh nhân tạo đã tạo ra không biết bao nhiêu là rác ở trên không gian! Vì vậy mà có chánh niệm thì chúng ta biết rằng chúng ta phải làm một điều gì đó, chúng ta phải nói lên, làm thế nào để ba môi trường thủy, lục, và không đừng bị xả rác quá nhiều mà làm hại cho con cháu của chúng ta.
Những rác như là căm thù, như tham đắm, những rác giận hờn, chiến tranh, những rác kỳ thị, những rác độc tài, những rác đó chúng ta cũng phải tìm cách để chuyển hóa. Ở trong chúng ta có hoa và có rác. Những giận hờn, những kỳ thị ở trong chúng ta đều là rác, chúng ta phải biết cách để xử lý rác ở trong ta. Nếu không xử lý rác đó thì chúng ta sẽ vung vãi rác của chúng ta lên những người sống quanh, trong đó có những người ta thương. Chúng ta xả rác lên thầy, lên bạn, lên chị, lên em của chúng ta. Vì vậy phải biết cách ấp ủ rác, làm cho rác trở thành hoa.
Thế kỷ thứ 20 là thế kỷ mà trong đó nhân loại đã tạo ra không biết bao nhiêu là rác rến về tinh thần cũng như về vật chất. Vì vậy đổ rác là một pháp môn tu tập rất quan trọng, phải dùng trí tuệ, phải dùng chánh niệm để thấy. Nếu biết cách ủ rác thành phân thì tất cả những khổ đau của thế kỷ thứ 20, chúng ta có thể biến chế để làm cho thế kỷ thứ 21 nở được nhiều bông hoa ngay trong những năm đầu của thế kỷ. Chúng ta chỉ còn năm năm nữa là hết thế kỷ thứ 20, và đây là một cơ hội để cho nhân loại quán chiếu.
Tất cả những rác rến của các trận đại chiến, của thế chiến, đã gây ra không biết bao nhiêu là ô nhiễm cho tâm thức con người. Vì vậy cho nên chỉ có tu tập thông minh, chỉ có tu tập đúng mức mới có thể chuyển những rác đó thành hoa, và con cháu của chúng ta sinh ra trong thế kỷ thứ 21 mới khỏi phải rước những rác đó vào tâm và vào thân, và chúng ta mới có thể hiến tặng cho con cháu của chúng ta những bông hoa đua nở vào đầu thế kỷ thứ 21.
Ngồi thiền trong tích môn,
Nơi nào không thành đạo,
Sinh tử trải bao lần,
Giờ phút này độc đáo.
Ngồi thiền trong bản môn,
Giây nào không thành đạo,
Cội nào cũng bồ đề,
Tòa nào cũng Đa Bảo.
Bụt Thích Ca thành đạo ở dưới cây bồ đề. Trong khi thực tập, chúng ta biết rằng mỗi khi ngồi thiền là có một cơ hội chấm dứt sự trầm luân sinh tử. Sinh tử trầm luân đó chúng ta đi qua nhiều lần trong một ngày. Sự trôi lăn trong sinh tử, trong vọng niệm, chúng ta đi qua nhiều lần trong một ngày. Có khi ta đi ngang qua thiên đường, có khi đi ngang qua địa ngục. Vì vậy cho nên khi có cơ hội ngồi xuống hoặc trong thiền đường, hoặc dưới gốc cây thì giây phút đó phải là một cơ hội thành đạo. Một ngồi xuống dứt trầm luân.
Chánh niệm là sự tỉnh thức. Chúng ta biết rằng sự kiện mà chúng ta đang ngồi đây là một phép lạ mầu nhiệm, ngồi ở trong chánh niệm. Vì vậy chỗ nào cũng là cây bồ đề cả. Sinh tử trải bao lần, Giờ phút này đắc đạo. Chính cái giây phút này mà ta có thể chọc thủng được màn sanh tử, và chấm dứt được kiếp trôi lăn.
Chúng ta biết rằng trôi lăn không phải là trôi lăn từ kiếp này sang kiếp khác, mà chỉ nội trong một buổi sáng chúng ta có thể trôi lăn rất nhiều lần, sinh tử rất nhiều lần. Vì vậy cho nên đến giờ ngồi thiền hoặc có cơ hội ngồi xuống là phải ngồi ngay ở cội bồ đề. Giây phút đó là một cơ hội lớn của chúng ta, phải là "Giây phút này đắc đạo". Chính nhờ giây phút này mà ta thoát được nếp sống trôi lăn, sinh tử.
Ngồi thiền trong bản môn, Giây nào cũng thành đạo là có nghĩa như vậy. Không phải ngồi tới bảy năm chúng ta mới bắt đầu thành đạo, chúng ta phải thành đạo ngay trong khi chúng ta ngồi. Đây là giáo lý đốn ngộ. Thành ra hễ khi nào ngồi xuống là phải thành đạo liền lập tức. Thành đạo nghĩa là có cái thấy tiếp xúc với bản môn, sử dụng hơi thở, sử dụng chánh niệm mà thấy rằng ngồi đây là một phép lạ mầu nhiệm.
Cội nào cũng bồ đề-Tòa nào cũng Đa Bảo. Người ta thường gọi chỗ ngồi của Bụt dưới cây bồ đề là Kim Cương Tọa, tức là một chỗ ngồi làm bằng kim cương. Ngồi đó thì vững chãi vô cùng, sự vững chãi của kim cương. Nhưng thật ra thì Bụt ngồi ở đâu là chỗ đó biến thành Kim Cương Tọa. Vậy thì chúng ta ngồi ở Xóm Thượng, ngồi ở Xóm Hạ, ngồi trong thiền đường, hay là ngồi ăn cơm trong nhà bếp, chúng ta phải ngồi như là ngồi ở tọa bồ đề, đừng bỏ mất cơ hội. Mỗi lần ngồi xuống là một lần phải ngồi trên tòa Kim Cương, tòa Đa Bảo. Tại vì tòa đó là tòa của bản môn, và chúng ta tập ngồi trong bản môn.
Khi ngồi trong tích môn, nếu có chánh niệm thì lập tức ta có thể ngồi trong bản môn được liền. Bụt Đa Bảo tượng trưng cho Bụt của bản môn, và Bụt Thích Ca đã được mời lên ngồi chung với Bụt Đa Bảo, nó có nghĩa là chỗ ngồi của tích môn đích là chỗ ngồi của bản môn. Nếu ngồi cho sâu sắc thì chỗ ngồi của tích môn trở thành chỗ ngồi của bản môn.
Trong khóa tu này chúng ta đã thấy được sự tiếp nối giữa thiền tập thời Bụt còn tại thế với thiền tập đã bắt đầu tại Việt Nam từ thế kỷ thứ 2 cho tới thứ 3.
Cho nên các vị có trách vụ giảng dạy thiền tập tại Việt Nam sẽ thấy rằng chuyện đưa giáo lý của thầy Tăng Hội vào chương trình học là rất quan trọng.
Nếu quý vị là người nghệ sĩ, nếu trong số thân thuộc của quý vị là người nghệ sĩ, thì nên nhờ họ tạc tượng thiền sư Khương Tăng Hội để chúng ta có thể chia sẻ với các thiền viện khắp nơi. r
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]