TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q2

MỤC LỤC

TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q2

Chương 02: Các Môn Phái Và Giáo Điển Sinh Động

8. Tổng lược

CÁC GIAI ĐOẠN THIỀN TÔNG VIỆT NAM

CÁC GIAI ĐOẠN THIỀN TÔNG TRUNG QUỐC


Chương 02: Các Môn Phái Và Giáo Điển Sinh Động

8. Tổng lược

CÁC GIAI ĐOẠN THIỀN TÔNG VIỆT NAM

♦ Tóm lược về các thiền phái ở Việt Nam, trước hết chúng ta phải nói tới tổ Tăng Hội, sơ tổ của thiền tông Việt Nam. Thầy Tăng Hội sinh ra và hành đạo tại Việt Nam vào nữa đầu của thế kỷ thứ 3. Giữa thế kỷ thứ 3 thì thầy sang Trung Hoa để truyền đạo.

♦ Tới thế kỷ thứ 5 chúng ta có một thiền phái khác do một thầy từ Ấn Độ sang. Thầy qua Đại Việt vào thời đại tương đương với thời mà tổ Bồ-Đề Đạt-Ma sang Trung Quốc. Trên thế giới ai cũng biết rằng vào thế kỷ thứ 5 có một thiền sư người Ấn tên là Bodhidharma sang Trung Quốc để truyền đạo. Nhưng ít ai biết rằng đồng thời với tổ Bồ-Đề Đạt-Ma, có thể 15 hay 20 năm sớm hơn, thì có một thiền sư khác tên là Đạt Ma Đề Bà (tiếng Phạn là Dharmadeva) sang Việt Nam để dạy thiền. Thiền của Đạt Ma Đề Bà cũng là thiền Đại thừa. Trong khi đó thiền của thiền sư Khương Tăng Hội cũng là thiền Đại thừa nhưng sử dụng các kinh điển thiền Nguyên thủy như là kinh An Ban Thủ Ý.

Đạt Ma Đề Bà có một vị đệ tử tên là Huệ Thắng và thầy Huệ Thắng cũng đã theo gót thầy Tăng Hội, nghĩa là sau khi thực tập và dạy dỗ tại Đại Việt thì thầy cũng qua Trung Quốc để dạy thiền.

♦ Tới thế kỷ thứ 6 chúng ta mới có một thiền phái từ Trung Quốc truyền sang Việt Nam, đó là thiền phái Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi. Nhưng thiền phái này cũng không phải thực sự là từ bên Trung Quốc truyền sang, tại vì thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi cũng từ Ấn Độ sang và có đi ngang qua Trung Quốc. Nghe đồn rằng ngài có gặp tổ thứ ba của thiền tông Trung Hoa là tổ Tăng Xán.

♦ Sang thế kỷ thứ 9 chúng ta có thiền sư Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc qua, và thiền sư Vô Ngôn Thông đã thiết lập một thiền phái có đặc tính rất là Trung Hoa. Thật ra thiền phái thứ tư này mới thật sự từ bên Trung Quốc truyền sang Việt Nam.

♦ Đến thế kỷ thứ 11 chúng ta có thiền sư Thảo Đường. Thiền sư Thảo Đường cũng không qua thẳng Đại Việt mà qua Chiêm Thành, rồi chúng ta mới rước về, nói cho đúng hơn là bắt về để làm quốc sư. Sự kiện một người tù binh mà được nâng lên hàng quốc sư để dạy cả nước chứng tỏ rằng hồi đó chúng ta rất cởi mở, vua tôi đều rất cởi mở, không có thành kiến. Thấy người giỏi thì tôn làm thầy!

Với cách sử dụng thi ca, niêm tụng, và tư tưởng Nho Phật nhất trí, thiền phái Thảo Đường đã ảnh hưởng tới các thiền phái khác đang có mặt tại Việt Nam vào thời đó.

Chúng ta phải nói rằng thiền phái Thảo Đường không sống lâu, là vì chú trọng quá về giới trí thức. Giới trí thức thì thường ưa lý thuyết, ưa pháp đàm, không thực tế áp dụng những điều đã học, đã tu vào trong đời sống hàng ngày. Cho nên trong sách Thiền Uyển Tập Anh chúng ta thấy ghi chép được có sáu thế hệ của tông phái Thảo Đường mà thôi. Sau đó thì không thấy ghi chép thêm nữa. Trong khi đó thì các thiền phái Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi và Vô Ngôn Thông thì tiếp tục lâu dài hơn.

Thiền phái Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi có tính cách rất bình dân. Thiền phái này căn cứ trên các giáo lý Bát Nhã, Tam Luận, Hoa Nghiêm, và có khuynh hướng Mật giáo. Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi chủ trương bất lập văn tự nhưng vẫn cho thiền sinh học kinh điển như thường. Tông phái chủ trương thực tại nó siêu việt ra khỏi cái có và cái không, chủ trương sự truyền thọ tâm ấn. Thiền phái này có tính cách dung hợp, ôm lấy tất cả, bao dung, nhập thế, tức là đi vào cuộc đời, rất gần gũi với dân chúng. Thiền phái này chịu ảnh hưởng Phật giáo Ấn Độ nhiều hơn là Phật giáo Trung Quốc.

Thiền phái Vô Ngôn Thông cũng sử dụng văn học Bát Nhã như thiền phái Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi, nhưng sử dụng thêm giáo lý Viên Giác, giáo lý Pháp Hoa. Truyền thống Vô Ngôn Thông dạy về đốn ngộ, về vô đắc.

Nhắc lại đốn ngộ là sự giác ngộ có thể tới một cách bất ngờ, rất là mau chóng, không cần thời gian lâu dài. Vô đắc tức là không có gì mình cần chứng đắc từ bên ngoài cả. Thiền phái Vô Ngôn Thông rất gần với thiền tông Trung Hoa, và nhất là rất gần với Nam tông. Nam tông này không phải là Theravada. Nam tông này là Nam Năng, tức là thiền tông của ngài Huệ Năng. Bắc tông là thiền tông của ngài Thần Tú. Người ta gọi là Nam Năng, Bắc Tú.

Tuy vậy khi thiền phái Vô Ngôn Thông truyền vào Việt Nam thì dần dần bị ảnh hưởng khuynh hướng hành đạo của người Việt, và thiền phái Vô Ngôn Thông bắt đầu gần gũi với dân chúng. Nó được bình dân hóa, nhưng không bao giờ đánh mất chất liệu tâm linh của nó.

Trong khi học hỏi và thực tập, chúng ta thấy ảnh hưởng Trung Hoa ở trong thiền phái Vô Ngôn Thông khá nặng. Về phương pháp ghi chép lịch sử thiền thì hoàn toàn theo tư liệu của Nam tông Huệ Năng. Về phương pháp tổ chức tự viện thì cũng phỏng theo phương pháp của Trung Quốc, và bắt đầu sử dụng những phương pháp thoại đầu. Chính thiền phái Vô Ngôn Thông đã đưa giáo lý Tịnh Độ vào Việt Nam.

♦ Đến thế kỷ thứ 13, trong đời nhà Trần, chúng ta có một thiền phái mới là thiền phái Trúc Lâm.

Trong thiền phái Trúc Lâm chúng ta đã được học về thiền sư Thường Chiếu. Chúng ta cũng đã được học về vua Trần Thái Tông. Vua Trần Thái Tông không phải là một vị thiền tổ, nhưng vua đóng một vai trò rất quan trọng, vai trò của gốc rễ để phát sinh ra thiền phái Trúc Lâm.

Trong bản đồ 23 vị tổ đầu tiên của thiền phái Yên Tử, trước hết ta có thiền sư Thường Chiếu, rồi đến thiền sư Thông Thiền, Thần Nghi và Hiện Quang. Chúng ta đã học rằng thiền sư Thần Nghi đã tiếp nhận những tài liệu về lịch sử Phật Giáo Việt Nam và trao lại cho thiền sư Ẩn Không. Chúng ta cũng học rằng thiền sư Thông Thiền đã truyền pháp cho các vị đệ tử, trong số đó có thiền sư Tức Lự, Ứng Thuận, rồi Nhất Tông Quốc Sư. Và thiền sư Hiện Quang là người đầu tiên lên khai sơn núi Yên Tử. Vì vậy cho nên thầy được coi là một gốc rễ quan trọng của phái Yên Tử.

CÁC GIAI ĐOẠN THIỀN TÔNG TRUNG QUỐC

Để có một khái niệm về liên hệ giữa thiền tông Việt Nam và Trung Hoa, tưởng cũng nên nói qua về các giai đoạn thiền tông của Trung Quốc.

Giới tu thiền cũng như các học giả thường đồng ý với nhau rằng thiền tông Trung Hoa được chia ra làm bốn giai đoạn:

♦ Giai đoạn từ tổ Bồ-Đề Đạt-Ma cho đến tổ Huệ Năng có thể gọi là giai đoạn đầu của thiền tông ở Đông Độ, gọi là Giai đoạn thành lập, kéo dài 250 năm.

Trong giai đoạn này các vị tổ thường sử dụng kinh điển (tức là có văn tự) và các vị không có tinh thần đối lập tông phái. Họ không nói tôi là tông phái quan trọng nhất, hoặc quí vị tu ở vòng ngoài, còn tôi mới ở vòng trong v.v..., và thiền tông không tách rời những tông phái khác. Thật ra lúc đó họ cũng chưa gọi mình là thiền tông. Chúng ta phải biết những chuyện này.

Trước tổ Bồ-Đề Đạt-Ma thì đã có những truyền thống khác, những tu viện khác thực tập về thiền. Ví dụ như Thiên Thai Tông của tổ Trí Giả cũng là thiền, mà Tam Luận Tông cũng là thiền v.v...

Nhưng từ đời Đường trở về sau thì người ta mới nói tông này là thiền còn những tông kia coi như không phải là thiền. Kỳ thực Thiên Thai Tông của Trí Giả Đại Sư đích thực là một thiền phái.

Cũng như phái thiền Tăng Hội của chúng ta xuất hiện ở Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 3, đó đã là một thiền phái chứ không phải đợi tới thế kỷ thứ 6 thì chúng ta mới có thiền. Thành ra danh từ thiền, trước đó dùng để chỉ nhiều tông phái. Sau này người ta chỉ gọi Đạt Ma Thiền là thiền mà thôi, còn những tông khác thì không gọi là thiền nữa.

Đó là một sự sai lầm trong việc sử dụng ngôn ngữ, sử dụng danh từ. Thành ra chúng ta mới có hiện tượng những thực tập về thiền ở ngoài thiền tông, rất là buồn cười. Tại vì trong thiền tông người ta thực tập thiền, nhưng ngoài thiền tông người ta cũng thực tập thiền, vậy thì tại sao chỉ gọi Đạt Ma là tông thiền? Trong khi đó thì Thiên Thai Tông cũng là thiền, mà Tam Luận Tông cũng là thiền!

♦ Sau thời kỳ thành lập tông thiền, thời đại kế tiếp cũng dài 250 năm gọi là Thời đại phát đạt của tông thiền Trung Quốc. Thời đại này bắt đầu từ thiền sư Thanh Nguyên cho đến cuối đời Đường và đầu đời gọi là Ngũ Đại. Từ thế kỷ thứ 7 thứ 8, và nửa thế kỷ thứ 9 là thời kỳ phát đạt nhất của thiền tông.

Các thiền sư lớn, những bậc long tượng của thiền xuất hiện trong thời đại này là Mã Tổ Đạo Nhất, và Thạch Đầu Vi Thiên.

Trong thời đại thứ hai này, các cơ quan, các then máy được thiết lập rất nhiều, rất nổi tiếng, và rất linh hoạt. Sử dụng tiếng hét, cây gậy, sử dụng cây phất trần, đôi khi sử dụng cả cái đấm, cái thụi và cái đạp. Sử dụng công án, thoại đầu, và người ta theo tinh thần Tức Tâm, Tức Phật, có nghĩa Phật là tâm của mình, và theo tinh thần tâm bình thường của mình tức là đạo.

♦ Giai đoạn thứ ba của tông thiền kéo dài khoảng 320 năm trong thời nhà Tống. Thời này thiền tông không hưng thịnh như trong đời Đường nữa, mà chỉ cố duy trì thôi, gọi là Thời kỳ thủ thành. Duy trì sự hưng thịnh của thiền tông, nhưng so với thời trước thì thua xa!

Trong thời kỳ này, tông Lâm Tế chia làm hai phái gọi là Huỳnh Long và Dương Kỳ, tạo ra thế Ngũ Gia và Thất Tông. Ngũ gia tức là năm nhà, và thất tông là bảy tông phái thiền. Trong thời đại này, phương thức giáo hóa và thực tập đã đổi khác.

Trong thời đại thứ hai thì thiền đối lập với các tông phái khác và chủ trương "Giáo ngoại biệt truyền" tức là thiền tông của chúng tôi không cần tới kinh điển. Thiền tông của chúng tôi là được Bụt truyền trực tiếp, từ trái tim này sang trái tim khác. Lấy trái tim Bụt ấn vào trái tim của thầy Ca Diếp, và thầy Ca Diếp lấy trái tim mình ấn vào trái tim của thầy A Nan, rồi cứ ấn như vậy cho đến tổ Bồ-Đề Đạt-Ma. Khi qua Trung Hoa, tổ mới lấy trái tim của tổ mà ấn cho Huệ Khả v.v... Đó gọi là truyền tâm ấn. Giáo ngoại nghĩa là ngoài giáo pháp, ngoài giáo lý. "Giáo ngoại biệt truyền" tiếng Anh có thể dịch là Privately transmitted outside of all Teachings. Biệt truyền tức là truyền riêng.

Trong thời kỳ thứ hai, thiền tông coi thường sự học tập kinh điển, và nghiên cứu. Trong khi đó thiền tông trong thời kỳ thứ nhất, các tổ sử dụng và trích dẫn kinh điển khá nhiều, như kinh Lăng Già, kinh Bát Nhã, kinh Kim Cương v.v... Nhưng đến thời kỳ thứ hai, thời kỳ hưng thạnh thì lại chủ trương Giáo ngoại biệt truyền và Bất lập văn tự, tức là không căn cứ trên văn chương và chữ nghĩa. Coi những người học kinh điển là thuộc về Giáo tông, còn mình là Thiền tông. Giáo tông tức là học hỏi kinh điển và tu tập, còn Thiền tông là không cần học hỏi mà vẫn chứng đạo.

Đến thời kỳ thứ ba là thời kỳ thủ thành, vì hơi yếu cho nên mới có khuynh hướng thiền giáo đồng hành, thiền giáo nhất trí. Bắt đầu sử dụng lại kinh điển chút đỉnh và không nhìn những tông phái khác bằng con mắt nhìn xuống nữa.

♦ Thời kỳ thứ tư là thời kỳ suy đồi của Thiền tông. Thời kỳ này kéo dài 450 năm, đi qua những đời nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh, cho tới vua Càn Long. Thỉnh thoảng có một vài thiền sư sáng lên nhưng không thể nào so được với thời đại đời Đường, khi thiền tông đang sáng chói.


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][]