TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q2
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q2
ĐẶC ĐIỂM CỦA THIỀN HỌC VIỆT NAM
NHỮNG CHỨNG BỆNH TRONG THIỀN MÔN
Chúng ta biết rằng bản chất của đạo Bụt là thiền. Bụt đã tu thiền, và các thầy trong thời của Bụt cũng tu thiền. Có người tu nhiều hơn học, có người học nhiều hơn tu. Điều đó thời nào cũng có. Nhưng nói rằng hai phái là hai phái khác nhau thì không đúng. Người tĩnh tọa, thiền định nhiều hơn là học hỏi giáo lý, người học hỏi nhiều hơn là tĩnh tọa, nhưng người nào cũng phảitĩnh tọa và tu tập chánh niệm hết. Thành ra nói rằng Thiền tông khác với Giáo tông là một quan niệm sai lầm, tác hại.
Chúng ta biết rằng Thiên Thai tông của Trí Giả Đại Sư thành lập, đích thực là một tông phái thiền tập, và nó nằm ở ngoài Thiền tông. Vì vậy cho nên thiền là bản chất của sự tu tập trong đạo Bụt. Đừng nghĩ rằng thiền là một tông phái riêng.
Thiền tông ở Trung Quốc thì có sử dụng công án, có sử dụng tiếng hét, sử dụng những cái then máy, cho nên nó có những sắc thái đặc thù. Nhưng như vậy không có nghĩa là những tông phái ngoài thiền tông là không tu thiền.
Tịnh độ tông cũng là một hình thái thiền tập. Niệm Bụt cũng là để thực tập nhất tâm, thực hiện nhất tâm bất loạn. Tâm mình an trú trên danh hiệu hay là trên tướng hảo của Bụt, đó cũng là thiền. Thành ra sự phân biệt thiền và không thiền là một sự phân biệt giả tạo mà chúng ta phải đánh tan trong đầu chúng ta, và trong dư luận của quần chúng.
Thiền sư Thông Biện nói và được ghi chép lại trong sách Thiền Uyển Tập Anh rằng về Giáo tông thì có Mâu Bác, có Khương Tăng Hội. Về Thiền tông thì có Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông v.v... Thiền sư có nói rằng đại diện cho phái Khương Tăng Hội bây giờ có Lôi Hà Trạch. Nhưng Khương Tăng Hội là một thiền sư. Chúng ta đã học và biết rằng ngài là một thiền sư, đã chú giải những kinh thiền theo tinh thần và cách thấy của Đại thừa. Đó không thể gọi là Giáo tông được, đó cũng là Thiền tông, và thiền tông này không đối lập với giáo tông.
Vì vậy cho nên chúng ta áp dụng thái độ gọi là Thiền Giáo nhất trí trong khi tu học. Chính ở Trung Quốc, vào những thời đại sau đời Đường thì quan điểm Thiền Giáo nhất trí cũng được khơi mở và phát huy.
Trong khóa tu này chúng ta đã có cơ hội học thêm giáo lý và cách hành trì của một số các thiền sư Việt Nam. Chúng ta biết trong quá khứ vào thế kỷ thứ 3 thiền sư Tăng Hội cũng đã giảng dạy Thiền Nguyên thủy, tức là thiền mà Bụt và giáo đoàn Nguyên thủy thực tập. Nhưng thầy dạy với tinh thần của Đại thừa.
Ngày nay ở chùa Làng Mai chúng ta cũng thực tập theo tinh thần đó và phương pháp đó, nghĩa là chúng ta cũng thực tập Thiền Nguyên thủy với cái nhìn phóng khoáng của Đại thừa. Chúng ta sử dụng kinh điển Đại thừa nhưng chúng ta không buông bỏ những kinh điển Nguyên thủy. Chúng ta hiểu những kinh điển Nguyên thủy đó qua nhận thức phóng khoáng, sâu sắc của cái nhìn Đại thừa. Chuyện này là chuyện đã kéo dài từ thế kỷ thứ 3 cho đến ngày nay, không phải là chuyện mới, tại vì chính thiền sư Tăng Hội, vào đầu thế kỷ thứ 3 đã có nói và đã làm như vậy.
♦ Khi thiền sư Tăng Hội đề tựa kinh An Ban Thủ Ý, tức là kinh Quán Niệm Hơi Thở, thì thiền sư có nói: An Ban là cỗ xe lớn của các vị Bụt để chuyên chở chúng sanh tới giác ngộ. Cỗ xe lớn tức là Đại thừa. Vì vậy cho nên phép quán niệm hơi thở đã là Đại thừa ngay từ lúc đầu. Sau đó ta thấy các thiền sư khác như là Đạt Ma Đề Bà, Huệ Thắng, cũng sử dụng những kinh điển Đại thừa như kinh Pháp Hoa Tam Muội, và sau này, kinh Kim Cương Tam Muội.
Những kinh thiền Nguyên thủy đi song song với kinh Đại thừa là chuyện đã xảy ra ở Việt Nam ngay từ khởi thủy của thiền học Việt Nam, tức là từ thế kỷ thứ 3 cho đến bây giờ. Thành ra sử dụng những kinh điển Nguyên thủy bằng thái độ của một vị Bồ tát, đó là đặc điểm thứ nhất của thiền Việt Nam, từ khởi đầu cho tới bây giờ.
Kinh điển Nguyên thủy như kinh Niệm Xứ, kinh An Ban Thủ Ý, kinh Người Biết Sống Một Mình, kinh Giáo Hóa Người Bệnh. Tất cả những kinh đó, chúng ta đã từng học hỏi, nghiên cứu, thực tập với tinh thần Đại thừa.
♦ Tính chất thứ hai của thiền Việt Nam là nhập thế, tức là thiền tập được đưa vào trong đời sống hàng ngày. Chúng ta thấy rằng các nhà chính trị đã học thiền, đã thực tập thiền, các nhà thơ, nhà văn cũng đã học thiền, đã thực tập thiền. Thiền không phải là một cái gì chỉ có mặt ở trong thiền viện. Thiền được đưa ra trong sự sống của xã hội.
♦ Đặc tính thứ ba là đại chúng hóa, nghĩa là không dành riêng cho giai cấp trí thức, hoặc giai cấp sang giàu. Thiền không dành riêng cho một số ít người, mà nó được đại chúng hóa, nghĩa là người nào cũng được thừa hưởng, dù ít dù nhiều. Những người buôn thúng bán bưng, nếu đến chùa tu được một ngày Bát Quan Trai, thì cũng có cơ hội thực tập thiền. Nếu những người đó giỏi thì có thể đem sự thực tập đó vào trong đời sống hàng ngày.
Mỗi buổi sáng, mỗi buổi tối, các chùa làng địa phương đều có thỉnh Đại hồng chung. Khi đang nấu cơm sáng cho người nhà ăn trước khi ra đồng, nghe tiếng chuông mình cũng có thể thực tập hơi thở theo tiếng chuông đó: Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm. Đại hồng chung treo ở trên cao, không phải chỉ để cho các thầy, các sư cô thực tập, mà còn để cho cả làng thực tập.
Trăng sáng sau khi trời đã tạnh.
Hiên ngoài thoang thoảng gió hương đưa.
Tiếng chuông ngân nga trong đêm vắng.
Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa?
Tiếng chuông nhắc nhở cả làng thực tập, trở về với chân tâm của mình. Thiền ở đây không có tính cách thần bí, tại vì thiền có mục đích đem lại sự an lạc trong đời sống hàng ngày, đem lại sự vững chãi, sự thảnh thơi và sự hiểu biết. Thiền không phải là nơi mà chúng ta đi trốn những cái khó khăn của cuộc đời.
Vì vậy những khóa tu của chúng ta tổ chức là để cho con người có cơ hội đi sâu vào sự thực tập, để rồi sau khóa tu, trở về cuộc sống hàng ngày, đem những điều mình đã học, đã tập, áp dụng vào đời sống hàng ngày. Cho nên cái mà chúng ta gọi là Engaged Buddhism, đạo Bụt nhập thế, nó đã có ngay từ thủa ban đầu, không phải là một sáng tạo phẩm của thế kỷ thứ 20. Từ trước tới sau, chúng ta đã đi trên một con đường với những đặc tính như vậy.
Thiền sư Vĩnh Minh Viên Thọ trong tác phẩm Tông Cảnh Lục có nói rằng thiền của thời đại đầu, tức là từ tổ Bồ-Đề Đạt-Ma cho đến tổ Huệ Năng, là Thiền Như Lai. Đây là ý niệm của thầy Vĩnh Minh Viên Thọ, không hẳn chúng ta phải đi theo. Chúng ta phải học độc lập, đừng nghe tổ nói điều gì là chúng ta phải cúi đầu mà đi theo liền.
Rồi từ Mã Tổ Thạch Đầu trở xuống, sử dụng công án, sử dụng những cơ quan, thì gọi là Thiền Tổ Sư. Thiền Tổ Sư còn "le hơn" cả Thiền Như Lai nữa! Người ta phân biệt ra nhiều loại thiền, thiền của phàm phu, tức là thiền ở ngoài đời, không phải ở trong Phật giáo, rồi thiền Tiểu thừa, thiền Đại thừa, thiền Như Lai, thiền Tổ Sư v.v... Thiền Tổ Sư là thiền cao nhất.
Đời Lê chúng ta có một vị thiền sư tên là Chân Nguyên, pháp hiệu là Tuệ Đăng. Ngài có sáng tác một tác phẩm chữ Nôm khá dài, kể lại các vị thiền sư Việt Nam đời Trần. Sách đó tên là Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh, quý vị nên tìm đọc cho biết.
Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh là đời sống, là sự tu hành, là lịch sử gốc của thiền tông đời Trần. Thật ra tựa của sách này dài hơn như vậy, gọi là An Tử Sơn Trúc Lâm Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh. Dài quá cho nên mình cắt bớt. Trong đó hòa thượng Chân Nguyên có nói rằng:
Xem kinh Bụt dạy còn lâu.
Nghiệm cơ tổ bảo mấy câu biết rồi.
Tức là mình đọc kinh của Bụt dạy thì có thể là lâu ngày mới có thể chứng được. Nhưng chiêm nghiệm những câu nói của các tổ ba bốn chữ, chỉ cần vài ba câu là thành đạo được rồi. Đó là chịu ảnh hưởng của quan niệm Thiền Tổ Sư là dễ thành công hơn.
Chúng ta đã biết rằng Thiền Tổ Sư nhấn mạnh tới việc sử dụng ngôn ngữ sinh động hơn là những lời kinh có tính cách ước lệ. Ví dụ như "Uống trà đi", hay "Đem con mèo ra đây". Những ngôn ngữ sinh động đó nó làm cho người ta giật mình, người ta tỉnh thức rất mau. Có khi thành công, nhưng cũng có khi thất bại.
Theo quan niệm của thời đó, Tổ Sư Thiền là oai lắm, có thể giúp chúng ta đốn ngộ, tức là giác ngộ một cách tức thời. Còn nếu theo phương pháp cổ điển của Giáo tông, học kinh này sang kinh khác, tốn thì giờ lắm mà chưa chắc là mình đã giác ngộ. Đó là quan điểm của Thiền ngày xưa.
Ngày nay mình đã vượt thoát khỏi vùng ảnh hưởng đó rồi. Tại vì mình biết rằng công án, thoại đầu, mình cũng có thể bị kẹt vào đó. "Cây tùng" là một công án, nhưng người ta vẫn có thể kẹt vào cây tùng. Sự thật là đã có rất nhiều người bị kẹt vào cây tùng! Có người bị kẹt vào tiếng vỗ của một bàn tay. Có người bị kẹt vào chủ đích của tổ sư Bồ-Đề Đạt-Ma từ Ấn Độ sang. Kẹt nhiều lắm. Cho nên hồi sang hoằng hóa ở Trung Quốc, khi mới bước chân vào chùa Bách Lâm, tức là chùa Rừng Tùng, tôi có nói: Một cây tùng mà đã chết thiên hạ rồi, bây giờ cả rừng tùng thì nguy biết mấy!
Nếu bị kẹt thì không những chúng ta bị kẹt vào những lời Bụt dạy, mà chúng ta cũng có thể bị kẹt vào những lời tổ dạy. Do đó mà thái độ phóng khoáng, thái độ thông minh rất là cần thiết, để chúng ta đừng làm nô lệ, dù là nô lệ cho Bụt hay cho tổ.
Chúng ta đã vượt ra khỏi vùng ảnh hưởng đó và chúng ta vượt ra khỏi quan niệm thiền đối lập với giáo. Thiền theo nguyên tắc là không bị kẹt, nhưng bầy thiền tử bị kẹt tùm lum!
Chúng ta tự hỏi thiền của chúng ta là thiền Như Lai hay là Thiền Tổ Sư? Quí vị thử nghiệm xem!
Như trên đây chúng ta đã nói, khi nói đến những đặc tính của thiền Việt Nam, chúng ta chỉ là thiền thôi chứ không Như Lai mà cũng không Tổ Sư. Có những bệnh gọi là Thiền bệnh. Thiền sinh bị bệnh đó rất nhiều, từ ngày xưa cho đến bây giờ. Thiền bệnh là "Tẩu hỏa nhập ma". Nếu thầy không giỏi mà trò cũng không giỏi thì thầy trò bệnh lăn chiên hết. Kẹt vào cái này, kẹt vào cái kia, kẹt rất nhiều. Mình tưởng ngoài đời họ có nhiều bệnh, hóa ra trong chùa cũng có bệnh, mà trong chùa còn có bệnh mới nữa. Có cái bệnh gọi là bệnh giáo thọ.
Bệnh giáo thọ, ở các thiền viện ngày xưa bị nhiều lắm. Chúng ta biết đôi khi một đại chúng hai ba trăm người, bị bệnh giáo thọ lăn chiêng hết, nằm liệt hết. Bệnh giáo thọ có những triệu chứng rất rõ ràng. Người bệnh bị một con Virus thâm nhập vào trong cơ thể. Khuôn mặt người đó sao không thấy có hạnh phúc, nói năng hay đi đứng đều có triệu chứng của bệnh giáo thọ cả. Vì vậy có một số các thầy nghĩ rằng thôi đừng nên truyền đăng, truyền y, truyền bát nữa để tránh bệnh giáo thọ. Ngay chính ở Làng Mai, mười bốn, mười lăm năm cũng có người bị bệnh giáo thọ, tuy không nặng mấy nhưng đôi khi phải cần vài ba tháng mới bình phục được!
Trong những tháng vừa qua, trong khi ngồi thiền, tôi có sáng chế ra được một loại thuốc để trị bệnh giáo thọ. Chỉ cần chích một vài lần là lành bệnh. Có thể chích ngừa được. Nếu quí vị muốn thì tôi sẽ chích cho mỗi người một mũi.
Bên ngoài thì thấy sư cô, sư chú đó bình thường, nhưng bên trong có thể họ đang bị bệnh giáo thọ. Thành ra tôi có hai thứ thuốc, một để trừ cái ngọn. trừ triệu chứng bên ngoài, và một thứ để trừ căn, tức là trừ tận gốc của bệnh giáo thọ. Thế nào mình cũng phải đem ra để thí nghiệm. Nếu thành công ở đây thì mình sẽ truyền bá cho các thiền viện khác. Tại vì trong thiền viện Á đông có bệnh đã đành, mà ở các thiền viện Tây phương cũng bị bệnh đó khá nhiều.
Có một hôm tại thiền viện Sans Francisco tôi đọc một tờ họ dán ở trên bảng: Transmission? Automatic or Manual? Thành ra vấn đề nó có tính cách phổ biến lắm!
Ở Làng Mai tôi đã từng giảng rằng sự truyền đăng nó được thực hiện mỗi giây mỗi phút. Trong khi sống với tăng thân, sống với thầy, thì sự trao truyền được thực hiện. Có thể là không có hình thức nào cả, nhưng mình tiếp nhận được. Có người ở một năm, hai năm nhưng không tiếp nhận được. Có người ở ba bốn ngày nhưng tiếp nhận được. Chuyện đó rất là mầu nhiệm.
Một hôm trong khi ngồi thiền, tôi thấy cây nhang của tôi nó cháy gần hết, và tôi muốn tiếp một cây nhang khác, thành ra tôi mới lấy một cây nhang khác và tôi để sát vào cây nhang cháy gần hết. Khi cây nhang đầu cháy hết thì tự động nó truyền sang cây nhang thứ hai, rất là dễ dàng. Như vậy là khi có sự gần gũi, lửa từ cây nhang này sẽ truyền sang cây nhang khác. Nhưng nếu cây nhang thứ hai hơi ẩm thì có thể không thành công, dù là cây nhang thứ nhất sẵn sàng truyền lại mồi lửa của mình, nhưng cây nhang thứ hai không bắt lửa dễ dàng.
Một khi đã bắt lửa được thì ta thấy thơm liền lập tức. Giờ phút bắt lửa là giờ phút mình tỏa ra hương thơm.
Sự truyền đăng cũng vậy. Nếu sống với thầy, sống với đại chúng mà "lây" được cái an lạc, cái hạnh phúc, cái tuệ giác, thì tự nhiên con người mình tỏa chiếu ra sự an lạc, hạnh phúc, tuệ giác, không cố chấp. Đó là chuyện quan trọng nhất.
Làm thế nào để cho cây nhang của mình nó khô thì mình mới tiếp được ngọn lửa của cây nhang trước một cách dễ dàng. Rồi mình có thể truyền ngọn lửa đó lại cho không biết bao nhiêu cây nhang khác. Chỉ cần cho nó khô mà thôi. Cũng như khi chúng ta đánh lửa, nếu cái bùi nhùi mà ướt thì chúng ta đánh suốt đời cũng không cháy được. Do đó chúng ta phải làm cho cái căn cơ của chúng ta trở thành bén nhạy. Chúng ta phải có đức tin nơi chúng ta.
Khi có đức tin nơi chúng ta rồi, thì chúng ta không lo lắng nữa, chúng ta không nghi ngờ nữa. Chúng ta biết thế nào cây nhang của chúng ta cũng sẽ cháy lên, và sẽ làm hạnh phúc cho nhiều người. Chúng ta phải biết tùy duyên, tức là cái thời gian, cái điều kiện và cái thời cơ đến thì nó đến. Mình đòi hỏi không được, mình thúc đẩy cũng không được.
Nếu biết nhìn vào trong bản chất thì mình sẽ vượt được cái hình thức. Mình thử hỏi mình có ngọn lửa trong mình hay không? Nếu thấy mình có ngọn lửa rồi thì tại sao mình lại phải được truyền đăng nữa?
Truyền đăng là một vấn đề hoàn toàn hình thức. Nó cũng đẹp, nó cũng hay, tại vì nó là một biểu tượng nhắc nhỡ, nó cũng như một cái áo tràng, áo nhật bình. Nhưng điều quan trọng nhất là bản chất của truyền đăng nó có trong mình. Mình phải có đức tin nơi mình. Nếu thấy mình quả thực đã có ngọn lửa đó, thì tại sao mình lại không có hạnh phúc, không có vững chãi và thảnh thơi? Mình cũng phải có đức tin nơi thầy, tại vì thầy biết. Thầy biết những lúc nào, những điều kiện nào là tốt cho mình nhất.
Thầy truyền đăng cho mình không phải là cho mình đâu. Thầy truyền đăng cho mình là truyền cho thầy đó! Cũng như cha mẹ nuôi con không phải vì con mà thôi. Cha mẹ nuôi con là vì cha mẹ, vì thế hệ tương lai. Thành ra mình phải thấy cái cá nhân của mình nó không có nghĩa, chính tăng thân, chính thế hệ tương lai, chính dòng sinh mạng mà mình đang tham dự, nó mới có nghĩa.
Nếu thấy được điều đó thì mình sẽ thảnh thơi, sẽ hạnh phúc, và mình sẽ mừng cho tăng thân, mừng cho thầy.
Vấn đề truyền đăng không phải là vấn đề của cá nhân. Cũng như trong tuyền thống của xã hội Á Đông, hôn nhân không phải là vấn đề của một cá nhân. Có lẽ Tây phương ngày xưa cũng vậy, hôn nhân là vấn đề của cả một dòng họ, cả một thế hệ tương lai.
Ngày nay Tây phương theo chủ nghĩa cá nhân, thành ra người trẻ thường nói đó là vấn đề của đời sống riêng tôi, không dính gì tới cha mẹ, không dính gì tới người khác. Tôi có quyền quyết định. Cái thấy đó là cái thấy tách rời ra cái thấy của dòng họ. Tại vì nếu quán chiếu thì chúng ta biết rằng trong một cuộc hôn nhân, nếu có người đau khổ thì cả đại gia đình đau khổ. Cho nên vấn đề hôn nhân của mình không phải là của riêng mình, mà là vấn đề của đại gia đình. Vì vậy cho nên cha mẹ có trách nhiệm, các anh, các chị, các em của mình cũng có trách nhiệm, và những thế hệ tương lai của mình cũng có trách nhiệm, thành ra quyết định của mình phải được căn cứ trên sự quán chiếu rất kỹ lưỡng của tập thể lớn, không gọi là tăng thân, nhưng kỳ thực đó là một tăng thân.
Ở trong chùa cũng vậy, vấn đề xuất gia của một người không phải là vấn đề cá nhân của người đó, mà là vấn đề của cả đại chúng. Chính thầy cho phép mình xuất gia cũng chưa đủ nếu đại chúng không yểm trợ, không thương yêu, không nâng đỡ, thì mình xuất gia cũng không thành công. Cho nên trước khi xuất gia mình phải sống với chúng để chúng nhận xét, chúng yểm trợ. Khi chúng đã yểm trợ rồi thì lúc đó sự xuất gia của mình mới có thể thành công được. Tất cả những chuyện khác như chuyện thọ giới, chuyện được gởi đi một trung tâm, hay là chuyện truyền đăng v.v..., đều cũng là vấn đề của đại chúng, không phải là vấn đề của riêng mình, hoặc là vấn đề giữa mình và thầy.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]