TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP TRONG ĐẠO BỤT – Q3
Chương 02: Những phương pháp tu tập Làng Mai
Trước đây chúng ta đã bắt đầu nói về phương pháp nghe. Nghe là một trong những pháp môn thực tập tại Làng Mai.
Chúng ta đã biết rằng khi nghe pháp thoại, chúng ta không nên sử dụng trí năng, mà phải sử dụng thân thể của chúng ta để nghe, và chúng ta còn phải sử dụng những cảm thọ, những tri giác và cả tâm thức của chúng ta để nghe.
Nghe bằng trí năng là lối nghe tầm thường nhất, và cạn cợt nhất, tại vì chúng ta sẽ bị kẹt vào việc dùng trí năng để so sánh, để phê phán. Khi so sánh và phê phán những điều đang được nghe thì chúng ta không có cơ hội tiếp nhận những điều đang được nghe. Nó có một cái gì như một bức tường ở trong ta, và những điều người ta nói là một trái bóng. Khi trái bóng chạm vào bức tường thì nó dội trở lại. Phần lớn chúng ta đều nghe theo kiểu đó. Vì vậy trong khi nghe ta không tiếp nhận được, nhất là khi nghe những điều có vẻ không dịu ngọt, có vẻ chối tai, không gây cảm thọ dễ chiïu cho ta.
Vì vậy người tu là phải nhìn lại cách nghe của mình, nhìn lại thói quen của mình để thực tập phương pháp nghe mà các vị Bồ tát lớn đã đạt được, và họ đang sử dụng.
Chúng ta ai cũng có những cái thấy, cái biết, cái kiến thức mà âm thầm chúng ta cho là đúng, là chân lý, là không có cái gì hay hơn nữa, đúng hơn nữa. Vì vậy cho nên mỗi khi chúng ta nghe một điều gì thì lập tức chúng ta đem những cái thấy, cái biết, cái quan điểm đó ra để so sánh. Đó là một thói quen của tất cả chúng ta. Nếu đem cái ở trong ta ra để so sánh với cái ta đang nghe và thấy nó phù hợp, nó giống nhau, thì ta gật đầu, nói rằng ông nói đúng, tôi chấp nhận! Đó không phải là nghe. Đó chẳng qua chỉ là một sự so sánh. Trong trường hợp đó chúng ta không học được điều gì mới cả. Anh có chân lý nhưng tôi cũng đã có chân lý tương đương, vì vậy cho nên hai chúng ta đều có cùng chân lý. Đó là sự tự làm thỏa mãn, và trong trường hợp đó mình không học được gì cả.
Trường hợp thứ hai là khi chúng ta đem cái thấy, cái hiểu của chúng ta ra để so sánh với cái mà người kia đang nói, và nếu thấy hai cái chống nhau thì lập tức ta nói rằng điều ông nói đó không đúng, tôi không thể chấp nhận, và ta đem cái của ta trở lại trong ta, còn cái kia bị dội lại như một trái bóng đụng vào bức tường. Trong trường hợp này chúng ta cũng hoàn toàn không học được điều gì mới cả! Chúng ta thường nghe theo lối phàm thính như vậy trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Trong kinh có danh từ đế thính, tức là nghe một cách chăm chú, nghe với cái tâm không thành kiến, nghe không bằng chủ ý phán xét và phản ứng, nghe và mở trái tim ra để cho điều được nghe có thể đi lọt vào trong thân, trong tâm và cả trong tàng thức ta. Dù rằng những điều chúng ta đang nghe có chói tai, không phù hợp với những điều chúng ta đã thấy và chúng ta đã hiểu. Vì vậy mà các thiền sư thường nói với chúng ta những câu mà chúng ta nuốt không trôi, nhưng chúng ta phải ráng chịu! Ráng chịu đôi khi tại chúng ta giỏi, tại chúng ta có khả năng lắng nghe, có khả năng chấp nhận được những điều mới lạ, không phù hợp với nhận thức sẵn có của chúng ta. Nhưng có khi nghe mà chúng ta không dám phản ứng, không dám cải lại, tại người nói họ có uy tín quá lớn! Nếu mình không tin điều đó, mình chống lại điều đó thì mình sẽ bị coi như là một người ngu, một người vô lễ!
Ví dụ như chúng ta tin rằng mỗi chúng ta ai cũng có một lỗ mũi. Vậy mà nếu có người đến nói: Anh đâu có lỗ mũi, thì mình đâu chịu? Nhưng có một người đã từng nói với mình rằng: "Anh không có lỗ mũi" và mình cứng đơ, không dám cãi lại. Đó là đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Trong Tâm kinh Bát Nhã, Bồ tát đã nói rằng: Vô nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý. Vô sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp! Chẳng những anh không có mũi, mà anh cũng không có con mắt, không có lỗ tai luôn! Vậy mà chúng ta kẹt cứng, ngậm miệng mà nghe, không dám cãi lại! Tại vì cái uy tín của Bồ tát lớn quá, sức mấy mà chúng ta dám cãi lại Bồ tát Quán Thế Âm! Chúng ta bị áp đảo bởi cái uy tín quá lớn của Bồ tát nên chúng ta nín thinh, chứ không phải là chúng ta hiểu được, và chấp nhận được điều đức Bồ tát nói.
Chúng ta thấy rõ ràng có sinh, có tử, có dơ, có sạch. Vậy mà Bồ tát nói không có sinh, không có tử, không có dơ, cũng không có sạch! Nó hoàn toàn ngược lại với cái nhận thức của chúng ta! Ấy vậy mà chúng ta phải cắn răng lại chịu đựng! Rồi còn phải tụng bài đó mỗi buổi sáng, mỗi buổi trưa và mỗi buổi chiều, trong khi mình không tin những điều đó là thật! Uy tín của Bồ tát lớn quá, và mình là đệ tử cho nên mình phải nghe vậy thôi, chứ thật sự mình nuốt không trôi những lời tuyên bố của thầy mình!
Ngôn ngữ của thiền đôi khi nhắm tới việc đập phá khối tri giác đang có ở trong ta, để chúng ta có một cơ hội thứ hai. Chúng ta có một khối tri giác mà chúng ta tin tưởng, chúng ta ghì chặt lấy. Chính vì khối tri giác đó mà chúng ta không tiếp nhận được sự thật. Cho nên ngôn ngữ của thiền sư nhiều khi là một nhát búa nhằm đập vỡ khối tri kiến đó của chúng ta.
Có một thiền sinh được nghe rằng tất cả mọi loài đều có Phật tính, thì rất lấy làm hoan hỷ, và nức lòng tu tập. Có một thiền sinh khác nghe vậy thì tiếp nhận nó như là một kiến thức, một triết học. Một hôm lên gặp thầy, hỏi thầy một câu để chứng tỏ mình nắm được cái lý thuyết đó, nắm được cái triết học "Nhất thiết chúng sinh, giai hữu Phật tính" đó (Tất cả chúng sinh đều có khả năng tính thành Phật). Khi gặp thầy, sư chú hỏi: "Bạch thầy con chó có Phật tánh không?" Ông thầy nhìn vào tâm của vị đệ tử và thấy người này bị kẹt vào một lý thuyết, anh ta đã không sử dụng giáo lý Nhất thiết chúng sanh, giai hữu Phật tính để tu tập, mà chỉ kẹt vào lý thuyết đó. Cho nên thầy nói: "Không, chó làm gì có Phật tánh!" Làm cho vị thiền sinh này thất điên bát đảo! Cứ tưởng mình đã nắm được chân lý, ai dè thầy nói không phải, làm anh ta hoàn toàn lạc hướng, không biết đâu mà tính. Ngày hôm kia thầy mới dạy "Tất cả các loài chúng sanh đều có Phật tính", ngày hôm nay thầy lại nói "Con chó không có Phật tánh", thì mình tìm đâu cho ra sự thật!
Con chó có Phật tánh là sự thật hay con chó không có Phật tánh là sự thật? Vấn đề ở đây không phải là vấn đề sự thật! Vấn đề ở đây là vấn đề anh có đập tan được khối tri kiến của anh hay không? Nếu khối tri kiến kia đang còn một cục ở trong đó, thì anh khó có khả năng để tiếp nhận sự thật, tiếp nhận bản thân của sự thật, chân như của sự thật.
Câu chuyện con chó và Phật tánh, Cẩu tử Phật tánh, trở thành một công án thiền rất nỗi tiếng, mà biết bao nhiêu thiền sinh trong biết bao nhiêu thế hệ đã từng quán chiếu về công án đó. Càng quán chiếu, càng rối ren thêm, là tại người ta nghĩ rằng dưới lời tuyên bố đó, có cái gì ghê gớm lắm. Thật ra không có gì ghê gớm cả, đó chẳng qua chỉ là một nhát búa không hơn không kém, nhằm đập vỡõ khái niệm về Phật tánh của người thiền sinh kia. Nó chỉ là một cái búa, nếu biết cách sử dụng thì mình có thể đập vỡ những tri kiến của mình, để chân lý có cơ hội hiển lộ. Còn nếu tiếp nhận cái búa đó như là một vật linh thiêng để thờ phụng, mỗi ngày lạy cái búa đó 108 lạy, thì cũng không đi tới đâu! Tu học là phải có thông minh.
Vị thiền sư đó tên là Triều Châu. Năm 1995 trong một lần sang giảng dạy tại Trung Quốc, tôi có đến thăm chùa Triều Châu, mà ngày nay mang tên là chùa Bách Lâm, tức là Rừng của cây Bách, một họ với cây tùng.
Ngày xưa thiền sư Triều Châu, khi tiếp một đệ tử hỏi một câu có tính cách siêu hình, thì ngài thường chỉ ra cây bách ở trước sân, và bảo: "Sư chú nhìn cây bách ở trước sân kìa". Sư chú hoang mang không biết thầy nói gì! Tại vì sư chú hỏi những câu như "Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Thiên Trúc sang đây để làm gì?" v.v... Vì lòng từ bi, thầy không muốn cho sư chú đi sâu vào những suy tưởng về siêu hình, những ý niệm trừu tượng về chân như, về bản thể, về niết bàn, cho nên thầy chỉ cho sư chú một thực tại bây giờ và ở đây, một cây tùng xanh mơn mởn ở trước sân chùa.
Cây tùng xanh là gì? Cây tùng xanh là một hiện tượng mầu nhiệm và có thật trong đời sống hàng ngày. Có thể mỗi ngày anh đi ngang qua cây tùng xanh đó 10 lần hay 20 lần, nhưng tại vì anh sống không có chánh niệm, anh không an trú trong giây phút hiện tại, nên cây tùng xanh là một mầu nhiệm mà anh không bao giờ tiếp xúc được với nó. Ý của thầy là phải sống đời sống hàng ngày của mình như thế nào cho tỉnh thức, để mình có thể tiếp xúc được với những sự sống trong mình và chung quanh mình trong mỗi phút giây. Cây tùng là một trong những mầu nhiệm đó. Sư chú đã ở chùa ba bốn năm, sư chú có thể đã đi qua cây tùng đó cả mấy ngàn lần, mà sư chú có thấy chân như của cây tùng đó chưa?
Đó là một cuộc trắc nghiệm để xem sư chú có tiếp xúc được với cây tùng không. Đình truyền bách thọ tử, tức là cây tùng trước sân. Từ đó về sau "Cây tùng trước sân" trở thành một công án rất nỗi tiếng của đạo tràng Triều Châu, cho đến nỗi khắp nước ai cũng đồn tới công án đó. Biết bao nhiêu thiền sinh, biết bao nhiêu học giả cố công nghiên cứu, tìm tòi về ý nghĩa sâu sắc của công án "Cây tùng trước sân" đó.
Có một thiền giả ở cách xa chùa tới mấy ngàn cây số, cũng nghe nói đến công án nổi tiếng "Cây tùng trước sân", cho nên đã khăn gói lên đường tìm tới, mong gặp được thiền sư Triều Châu để tham cứu về công án nổi tiếng đó. Nhưng tiếc thay khi ông tới chùa thì thiền sư đã tịch. Ông buồn khổ khóc lóc, thì có một người mách nước: Thiền sư đã qua đời nhưng các cao đệ của ngài vẫn còn ở trong chùa, tại sao ông không vào xin tham vấn? Mừng rỡ, ông lau nước mắt và vào xin tham vấn vị cao đệ của thiền sư Triều Châu. Vị cao đệ đó ngồi nghe với tất cả tấm lòng từ bi của mình, nghe cái mong ước của người khách phương xa được gặp thầy mình là để tham cứu về cây tùng Triều Châu. Nghe xong, vị cao đệ ngước mắt nhìn ông và hỏi: Cây tùng nào? Làm gì có cây tùng? Thầy tôi có bao giờ nói đến cây tùng đâu? Làm ông khách không biết đường nào mà tính! Tại vì khắp cả nước, ai cũng nói đến cái công án cây tùng trước sân, vậy mà tới ngay chùa này thì vị thủ tọa lại không biết tới cây tùng, và chưa bao giờ từng nghe nói tới cây tùng! Đối với ông, chuyện đó không thể nào tưởng tượng được!
Vị cao đệ này cũng là một vị đã đắc đạo, một vị đã có tác phong của thầy. Người đệ tử trước đây thì kẹt vào chân như bản thể, người khách tăng hôm nay thì bị kẹt vào cây tùng. Thiền sư Triều Châu đưa ra cây tùng để giúp mình khỏi kẹt, ai ngờ mình lại bị kẹt ngay vào cây tùng!
Tất cả những gì mình đưa ra có thể có công dụng giúp người kia khỏi kẹt, nhưng nếu người kia không có phước thì cái mình đưa ra, người kia lại bị kẹt vào đó. Cũng giống như khi chúng ta đưa một ngón tay chỉ lên mặt trăng, thì có thể nhờ ngón tay mà người kia thấy được mặt trăng. Nhưng cũng có thể vì ngón tay đó mà người kia nắm lấy ngón tay của mình và không thấy mặt trăng nữa, mà bị kẹt vào ngón tay. Đó là chuyện thường xảy ra trong đời sống hàng ngày. Vì vậy vị đệ tử lớn của thiền sư Triều Châu đã tìm cách giết cây tùng. Giết một lần cho xong, để người ta đừng bị kẹt vào cây tùng nữa! Tại vì cây tùng thầy đưa ra để giúp đời nhưng bây giờ nó lại hại rất nhiều người! Cũng như tiếng "không" của thiền sư Triều Châu về con chó. Ngay hiện giờ, trên thế giới, biết bao thiền sinh đang bị kẹt vào công án Cẩu tử Phật tánh, đó! Rất là tội nghiệp.
Vì vậy những lời của thiền sư nhiều khi có tác dụng của một cây búa hay một thanh gươm để chém, để đập phá khối si mê, khối tri kiến có sẵn trong con người. Chính khối si mê, khối tri kiến đó nó chận đường của sự hiểu biết. Nghe như thế nào để có thể tiếp nhận được tinh hoa của câu nói, thông điệp đích thực của người nói. Nghe như thế nào để đừng bị kẹt vào những ngôn từ, nghe như thế nào để điều của người nói có thể đi vào trong tâm ta.
Vì vậy ở Làng Mai chúng ta được căn dặn rằng khi ngồi nghe pháp thoại thì đừng sử dụng trí năng của mình. Phải nghe bằng xương, bằng thịt, phải nghe bằng cảm thọ, bằng tâm hành, bằng tâm thức của mình.
Trước đây chúng ta đã nói rằng đạo Bụt thường nói đến tâm như một mảnh vườn, một miếng đất, gọi là tâm địa. Tại vì trong đất tâm có cất chứa những hạt giống của si mê, của khổ đau, của tuyệt vọng. Nhưng đất tâm cũng cất dấu những hạt giống của hiểu biết, của trí tuệ, của giác ngộ, của thương yêu. Nghe pháp là làm sao để mở lòng ra, mở đất tâm ra để cho mưa pháp rơi xuống được, và thấm tới được những hạt giống tốt đó. Những hạt giống tốt đó khi được thấm nhuần giọt mưa pháp thì sẽ nở ra thành hoa và thành trái. Trí năng của chúng ta giống như một tấm nylon mà chúng ta thường dùng để che mưa. Khi chúng ta đưa tấm nylon đó ra để hứng nước mưa, thì nước mưa không thể nào thấm vào lòng đất được. Cho nên lấy trí năng đi là rất tốt. Trí năng là tác dụng của sự so sánh, phán xét, làm cho điều người ta nói không thể đi vào được trong đất tâm của ta.
Khi nghe pháp, điều hay nhất là liệng tất cả những dụng cụ mà ta thường dùng để hứng nước đó đi, ngồi cho yên, mở sắc thân của mình ra, vì mưa pháp có thể thấm vào hình hài chứ không phải chỉ thấm vào đất tâm mà thôi. Nghe pháp có thể rất khỏe trong thân nếu biết ngồi nghe, đừng dùng trí năng, đừng gồng mình lên để nghe.
Mưa Xuân nhẹ hạt đất tâm ướt,
Hạt đậu năm xưa hé miệng cười.
Bài pháp là một trận mưa xuân. Những hạt mưa rất nhẹ, nhưng từ từ thấm vào đất, và dưới lòng đất có những hạt đậu. "Hạt đậu năm xưa" là hạt giống của trí tuệ, của từ bi, của giác ngộ, sẽ hé miệng cười. Vì vậy qua kinh điển, chúng ta thường thấy rằng có lúc trong một bài thuyết pháp của Bụt, có nhiều người thoát nhiên đại ngộ, họ chứng ngộ ngay trong thời nghe kinh, mặt họ sáng rỡ ra. Đức Thế Tôn nhìn thấy thì biết người này đã đắc quả. Cũng như trong bài thuyết pháp đầu tiên ở Vườn Nai, khi Bụt đang nói về Bốn sự thật và Con đường của Tám sự hành trì chân chính, con đường Trung đạo, thì ngài thấy đôi mắt của Kiều Trần Như sáng lên, và đức Thế Tôn biết rằng Kiều Trần Như đã có cái thấy thâm sâu về chánh pháp. Kiều Trần Như đắc quả ngay trong khi nghe Bụt nói.
Vì vậy nghe pháp không phải là học lý thuyết để đem về áp dụng vào thực hành. Không! Nghe pháp chính nó là một sự thực tập. Thời gian ngồi nghe pháp có thể là thời gian có hạnh phúc. Chúng ta đừng dùng trí năng để tranh đấu, để lao động, để tiếp thu. Chúng ta nên cho trí năng đi nghỉ mát và chúng ta chỉ ngồi đó với hình hài và tâm thức của chúng ta thôi. Mở lòng ra để cho lời pháp đi xuống.
Tại Làng Mai chúng ta biết rằng ngồi nghe pháp mà ngủ gục còn tốt hơn là ngồi nghe với trí năng sáng suốt để phán xét và so sánh. Tại vì khi chúng ta ngủ gục thì lời pháp vẫn có thể đi vào trong ta được. Nó đi vào mơ mơ màng màng qua hai lỗ tai, nhưng nó đi vào được. Còn với trí năng thì như ông gác cửa, không cho lời pháp đi vào. Chúng ta biết rằng khi ngủ, hay khi chúng ta bị hôn mê, mà có người nói chuyện bên tai chúng ta, nó cũng đi vào. Những người sắp chết, những người hấp hối mà chúng ta tưởng là không nghe được, nhưng họ vẫn có thể nghe được. Vì vậy cho nên ngồi bên giường người hấp hối, ta có thể nói chuyện, ta có thể tụng kinh, có thể thuyết pháp, lỗ tai người đó vẫn đang tiếp nhận được, và người đó nghe với hình hài của người đó, đi thẳng vào tâm mà không qua trung gian của cái gọi là trí năng.
Chúng ta thường tự hào chúng ta có một trí năng. Nhưng chính cái đó nó ngăn chúng ta có hạnh phúc, ngăn chúng ta tiếp nhận cái đẹp, cái hay.
Vậy thì khi nghe pháp, khi đọc kinh, chúng ta phải ngồi trong một tư thế nào đó, tư thế để chứng tỏ rằng chúng ta sẵn sàng tiếp nhận. Chúng ta đừng để cho những kiến thức có sẵn, những quan điểm có sẵn, tạo thành một bức tường để nó làm dội lại trái bóng liệng vào. Trong đất tâm của chúng ta có những hạt giống xấu, có những tà kiến, và nếu chúng ta cho được những hạt giống mới vào, những hạt giống có tính cách ngược lại, thì rất tốt cho ta. Nếu đất tâm tiếp nhận được những hạt giống mới đó, như là hạt giống không có lỗ mũi, không có con mắt, thì một ngày kia sự thật không có lỗ mũi, không có con mắt, nó có thể tới và chữa lại cái thấy sai lầm đã sẵn có của chúng ta. Tại vì không có con mắt, không có lỗ mũi, là những nhát búa rất cần để đập vỡ cái tri kiến có sẵn trong chúng ta.
Tôi đưa cho quý vị một ví dụ: Trong cơ thể của chúng ta có lục phủ, có ngũ tạng, có tâm, can, tì, phế, thận. Theo cách nhìn thông thường thì tim là tim, gan là gan, tì là tì, phổi là phổi, thận là thận. Năm tạng là năm cái khác nhau. Nhưng nếu biết nhìn bằng con mắt quán chiếu, chúng ta thấy rằng trong tâm có can, trong tì có thận. Tâm không thể có nếu bốn cái kia không có. Làm sao trái tim có thể tồn tại được nếu không có gan, không có phổi? Đừng hy vọng hão huyền rằng trái tim sẽ có mặt nếu không có sự có mặt của bốn chàng kia! Nếu không có gan lọc máu, nếu không có phổi lọc máu thì làm sao tim sống sót cho được? Tim là để bơm máu. Nếu không có tim bơm máu thì sức mấy mà anh chàng gan có máu, anh chàng phổi có máu để làm việc? Vì vậy mà năm cơ phận đó chúng tương tức, chúng tương nhập. Trong một cái có bốn cái kia, trong bốn cái kia có một cái này. Đó là sự thật tương tức, cho nên tim như là một thực tại riêng rẽ, cô đơn, trái tim đó không bao giờ có! Không thể nào có một trái tim độc lập mà tồn tại được.
Lỗ mũi cũng vậy. Làm gì có lỗ mũi nếu không có con mắt, không có lỗ tai, không có miệng, không có thân. Vì vậy một lỗ mũi tồn tại độc lập là một ảo tưởng, không thể nào có thật. Nhưng trong khối u mê của chúng ta, chúng ta cứ nghĩ rằng lỗ mũi là một cái có thể có mặt riêng biệt!
Cũng vậy, mình là một sư em, mình làm sao có nếu không có sư anh, không có sư chị, không có sư thầy, không có sư chú, sư bác? Cho nên nhìn vào sư em thì thấy tất cả những cái không phải là sư em, tức là sư thầy, sư chú, sư bác, sư ông, sư tổ. Có đủ hết. Vì vậy không có một sư em độc lập, tách rời ra khỏi những thực tại khác. Đó là ý nghĩa của "không có lỗ mũi". Nếu mình không tiếp nhận được cái chân lý không có lỗ mũi, thì làm sao mình đi tới được cái thấy của tương tức và tương nhập, cái thấy tương quan, tương duyên của đạo Bụt được? Vì vậy dù điều mình được nghe nó chối tai, nó không dịu ngọt, nhưng mình cũng phải thực tập cái không tâm để tiếp nhận nó. Tiếp nhận được rồi, đưa nó, gởi gắm nó vào được trong đất tâm rồi, thì mai mốt nó có thể bắt đầu tác động và mình có thể có một cơ hội đi tới sự hiểu biết, tức là giải thoát.
Nghe là phải nghe như vậy. Chứ đừng chỉ đi tìm những điều làm mình hài lòng. Anh muốn nghe điều nào thì anh chỉ chạy đi tìm những điều đó. Anh muốn nghe người ta khen anh đẹp, dễ thương, thông minh, hiếm có trên đời, và anh cứ tìm tới những người họ lặp đi, lặp lại cho anh những câu như vậy, thì có ích lợi gì cho anh đâu? Trái lại nếu anh biết nghe những câu khác, không ngọt ngào, không mơn trớn cái tự ái của anh, và chấp nhận được những điều đó thì một ngày mai anh có cơ hội chuyển hóa, anh có thể đạt tới giải thoát, giác ngộ, anh có thể trở thành thực sự đẹp đẽ, thực sự có hạnh phúc. Đó là nghệ thuật nghe.
Sống trong tăng thân, ta phải cùng nhau thực tập. Khi mình không có khả năng nghe mà sư anh nói với mình rằng: Em, em chưa có khả năng nghe, thì mình đừng nổi giận, mình phải chắp tay lại và nói: Em sẽ cố gắng. Tại vì tất cả chúng ta, từ thầy đến trò, từ anh tới em, từ chị tới em, người nào cũng phải thực tập thêm nghệ thuật lắng nghe, nghệ thuật đế thính.
Trong các bậc thầy của chúng ta có một vị Bồ tát tên là Quán Thế Âm, người đã đạt tới trình độ nghe rất cao. Ngài nghe với một lỗ tai rất đặc biệt. Lỗ tai của đức Quán Thế Âm Bồ tát là lỗ tai có thể nghe được tất cả mọi âm thanh, và nghe một âm thanh thì có thể hiểu được tất cả các âm thanh khác. Khi đó thì người nghe và người nói không còn là hai thực tại biệt lập nữa. Dụng cụ của đức Quán Âm là nhĩ căn viên thông. Nhĩ căn viên thông là một lỗ tai có thể dung hợp được cả chủ thể lẫn đối tượng, và có thể trùng chứa được tất cả mọi ý kiến chống báng nhau.
Đây không phải là một lý thuyết, đây là một sự thực tập hàng ngày. Trong các buổi pháp đàm, chúng ta phải tìm cho ra, phải góp lại cho nhau thấy những phương pháp thực tập cụ thể để mỗi người, trong đời sống tu tập hàng ngày có thể phát triển khả năng lắng nghe của mình.
Lắng nghe, chúng ta đã có sẵn một chữ là Đế thính. Những yếu tố của đế thính trước hết là không tâm, tức là không dùng trí năng, không dùng những ý kiến, những quan điểm sẵn có mà nghe, không phán xét, không phản ứng. Nghe là nghe mà thôi, phải để cho ngõ vào trống để điều mình nghe có thể đi vào được. Nghe được như vậy thì nó đỡ khổ, không phải chỉ cho mình mà còn cho cả người nói. Tại vì mình có ý kiến của mình rồi, cho nên không bao giờ chịu lắng nghe người kia, và người kia uất ức, người kia khổ đau. Khi mở rộng cửa lòng mình và chấp nhận những điều người kia nói, dù những điều đó trái chống với nhận thức của mình, thì người kia cảm thấy điều người đó nói đang được nghe, và tự nhiên người đó bớt khổ.
Đế thính còn phải có niệm và định. Niệm ở đây là sự có mặt. Theo cách viết chữ Hán, thì chữ niệm phần trên là chữ kim, và phần dưới là chữ tâm, tức là cái tâm của mình có mặt trong giờ phút bây giờ và ở đây, nghĩa là có chánh niệm. Mình phải có mặt và có mặt một cách vững chãi, với tâm không thành kiến thì mình mới nghe được. Khi có mặt thì mình có sự chăm chú. Đây là những yếu tố rất quan trọng. Chăm chú ở đây là định. "Không tâm", danh từ chuyên môn gọi là không bị sở tri chướng gò bó. Sở tri tức là cái mình đã thấy, đã nghe, đã biết, và mình cho là kho tàng vốn liếng tri thức của mình. Chính đó là cái khối chận đường, làm cho mình không biết nghe.
Để giải thích, thường chúng ta dùng một ví dụ rất dễ hiểu: Cái thang. Chúng ta leo lên nấc thang thứ ba rồi, nhìn xuống thấy mình cao quá, và chúng ta nói mình là cao nhất rồi. Mình đã lên đến đỉnh cao của trí tuệ loài người rồi, làm gì có trí tuệ nào cao hơn nữa! Đó là sự chấm dứt của việc học hỏi và phát triển của trí tuệ. Thái độ đó là thái độ của người không muốn học hỏi nữa, của người tự phụ, nghĩ rằng mình đã có lý thuyết hay nhất, và người nào không theo lý thuyết của mình thì mình gạt ra khỏi đời mình! Nếu người đó biết rằng ở trên nấc thứ ba, còn có nấc thang thứ tư nữa, thì người đó sẽ không nghĩ như vậy. Người đó sẽ nói rằng tôi muốn bước lên nấc thứ tư. Mà điều kiện cơ bản để có thể bước lên nấc thứ tư là buông bỏ nấc thứ ba! Buông bỏ nấc thứ ba danh từ đạo Bụt gọi là Xả. Vì vậy cái không tâm ở đây là sự buông bỏ tri kiến của mình, sở tri của mình. Tại vì sở tri là một chướng ngại, cho nên chúng ta mới có danh từ Sở tri chướng.
Trong chúng ta, ai cũng có sở tri cả. Chúng ta đã học được và chúng ta rất tự hào về cái mà chúng ta học được. Đó là sở tri và nó là một chướng ngại. Sư cô biết làm tàu hủ rất hay, biết làm chả phù chúc rất ngon, ai ăn chả phù chúc của sư cô cũng đều khen hết. Tuy nhiên có thể bên Nam Cali. có người làm chả phù chúc còn hay hơn nữa! Một ngày nào đó, mình sẽ được tiếp xúc với cách làm đó. Cho nên sư cô nên có thái độ khôn ngoan, cởi mở, và buông thả của người leo thang. Biết rằng mình phải buông bỏ nấc thứ ba thì mình mới có hy vọng bước lên nấc thứ tư. Đây là một tinh thần rất khoa học, mà chỉ có đạo Bụt mới dạy.
Sẵn sàng buông bỏ kiến thức để đi tới, đó là tinh thần của khoa học. Những khám phá của khoa học ngày nay, chúng ta không nên bám víu vào. Chúng ta biết rằng chúng ta có thể đi sâu vào sự khám phá, và chúng ta sẵn sàng buông bỏ khám phá ngày hôm nay, đó là tinh thần khoa học mà trong đạo Bụt có điều đó, buông bỏ sở tri.
Bi thính là một danh từ mới mà chúng ta đưa ra. Danh từ Bi thính chưa có ở trong kinh, nhưng nó rất là Phật giáo. Chúng ta phải làm giàu cho từ điển Phật học bằng những danh từ mới. Bi thính tức là nghe với lòng xót thương. Nó cũng như khi nhìn người kia, mình phải tập nhìn bằng con mắt xót thương. Ý đó đã có trong kinh Pháp Hoa: Từ nhãn thị chúng sanh, có nghĩa là đem con mắt thương yêu để nhìn mọi người, mọi loài.
Cũng vậy, bi thính là đem lỗ tai thương yêu để nghe mọi người, mọi loài. Đế thính mình có thể dịch là Deep listening. Còn Bi thính là Compassionate listening. Bi tiếng Phạn là Karun(. Chúng ta ngồi nghe không phải là để phán xét, để phản ứng, để so sánh. Chúng ta ngồi nghe là chỉ với một chủ tâm duy nhất là nghe cho người kia bớt khổ. Thành ra người đó có nói gì đi nữa thì ta cũng vẫn nghe như thường. Người đó có nói sai hay nói oan, hay chưởi mắng, thì ta cũng vẫn ngồi nghe. Nghe mà ta không đau khổ đó mới là bi thính.
Ở Mỹ tôi có một anh chàng đệ tử còn trẻ. Một hôm anh ta đã đến báo cáo với tôi là anh đã thực tập bi thính một lần với mẹ anh ta. Mẹ anh đau khổ vì chồng, vì xã hội rất nhiều, và nhất là vì mấy người con. Mấy đứa con trai, mấy đứa con gái đã lớn nhưng có vẻ không thương mẹ. Đứa nào cũng đi tìm đời sống riêng của mình. Chúng không chịu đến gần mẹ. Khi mình có ba đứa con, bốn đứa con, thì mình là một người mẹ, mình đem hết tất cả tình thương ra nuôi nấng, tác thành cho chúng, và mình mong được sống chung với chúng. Nhưng bây giờ đứa nào cũng đi rất xa để lập nghiệp, chỉ còn một đứa út ở với mình thôi. Vì vậy ngày nào mình cũng thấy cô đơn, cũng thấy đau khổ, ngày nào mình cũng than phiền, cho nên con nó cũng ngán. Nhưng may đứa con út này đã được tiếp xúc với chánh pháp và được học phương pháp bi thính. Cho nên một hôm anh ta tự nguyện ngồi nghe và mời mẹ nói ra tất cả những đau khổ của mẹ.
Đứa con ngồi đó như một trái núi, và nghe những lời mẹ than phiền từ giờ này sang giờ khác. Bà mẹ nói chuyện với nó từ buổi chiều cho đến buổi tối, từ buổi tối cho đến buổi khuya, nó hoàn toàn không nói gì mà chỉ chú ý ngồi nghe thôi. Chủ tâm của nó là nghe mẹ với phương pháp bi thính, tại vì nó tội nghiệp mẹ, nó thương mẹ, nó biết mẹ trong tâm có bao nhiêu sự trách móc, hờn giỗi, khổ đau, và không có ai nghe bà nói cả, cho nên nó tự nguyện làm đồ hứng những nỗi khổ, niềm đau, những bực tức đó của mẹ. Nó ngồi nghe từ 2 giờ chiều cho đến 6 giờ tối. Hai mẹ con không ăn cơm, nghỉ một lát rồi bà mẹ lại tiếp tục nói, nó lại tiếp tục nghe! Đây là lần đầu tiên bà mẹ có cơ hội nói. Đến 10 giờ đêm, nó nghĩ là đã đủ, cho nên nó lên phòng ngủ. Nhưng bà mẹ vẫn chưa lên, vẫn còn ở phòng khách. Nó bèn mở cửa, xuống ngồi với mẹ để nghe thêm nữa! Nó báo cáo rằng: Bạch thầy con đã ngồi như một trái núi, con đã nghe, và con đã để cho những lời của mẹ con nói tuôn xuống người con như những trận mưa rào. Trận này tiếp theo trận khác, nhưng những cái đau khổ của mẹ con không đi vào trong con và làm cho con đau khổ. Tại vì con đang thực tập bi thính của thầy dạy.
Mấy ngày sau thì nó mới có cơ hội để nói với mẹ rằng: Mẹ có thấy không? Mẹ thương chúng con nhưng chúng con cũng có cố gắng, tại vì anh hai của con đã tìm cách xin đổi sở về thành phố này, tuy không ở cùng nhà, nhưng là để có cơ hội ở gần mẹ hơn. Mẹ có thấy điều đó không? Rồi từ từ nó dùng ngôn từ hòa ái để chỉ cho mẹ biết rằng cũng có tình thương từ phía các con, chứ không phải chỉ có tình thương một chiều từ mẹ đi ra. Anh chàng làm sao nói được cho mẹ nghe điều gì nếu anh chàng không biết nghe? Mình phải biết nghe trước, và phải nghe cho được. Phải làm vơi bớt những đau khổ nơi tâm tư của người kia, thì lúc đó mình mới có hy vọng đưa vào tâm tư người kia những tia sáng, để chiếu vào những hạt giống hạnh phúc của người kia, làm cho những hạt giống lâu nay bị đè nén, bị che lấp đó, được nở ra như những bông hoa. Đó là sự thực tập thương mẹ. Thương mẹ là làm cho mẹ bớt khổ, thương mẹ là làm cho hạt giống hạnh phúc ở trong mẹ được tưới tẩm và nở hoa trở lại. Vì vậy cho nên phương pháp nghe rất là quan trọng.
Muốn nghe như vậy, không phải là tự nhiên mà làm được. Có thể anh thấy được sự cần thiết của pháp môn nghe, và anh rất muốn nghe. Nhưng không phải vì muốn nghe mà mình nghe được. Mình phải tập luyện, mình phải tập nghe ở trong đời sống hàng ngày. Đó gọi là tu.
Muốn tập nghe thì phải biết tập thở, phải biết tập đi, và phải tập mỉm cười. Khi có một sự buồn bực, một ước muốn phê phán, hay chê bai từ bên dưới đi lên, thì mình phải ôm lấy chúng bằng hơi thở chánh niệm của mình thì mới được. Chứ khi ngồi nghe mà những bực bội, những ý muốn phán xét và chỉ trích cứ trào lên, biểu lộ trên hai mắt, trên nét mặt, thì người kia sẽ không nói được nữa! Người kia sẽ thấy liền lập tức. Ngồi nghe như thế nào mà chất bi có mặt từ đầu đến cuối thì mới giỏi.
Ví dụ anh ngồi nghe một giờ, từ 6giờ đến 7giờ. Trong thời gian 60 phút đó, anh phải nuôi chất bi cho nó có mặt 100%. Tất cả con người của anh phải được trấn ngự, phải được tô điểm, phải được trang bị bằng năng lượng gọi là bi, thì giờ đồng hồ đó anh mới thành công trong sự lắng nghe. Nhưng có dễ dàng gì đâu, tại vì người kia có thể nói những câu không tình, không nghĩa! Người kia có thể nói những câu xóc óc, động đến tự ái, động tới vết thương của mình. Người kia có thể nói những điều trái ngược với sự thật. Ấy vậy mà mình vẫn ngồi thở, và mình không để cho phản ứng của mình trồi lên, phản bội lại ước nguyện bi thính của mình!
Thành ra trong đời sống hàng ngày nếu chúng ta không thực tập bước đi chánh niệm, không thực tập hơi thở chánh niệm, không thực tập nụ cười, không thực tập ngồi yên, không thực tập nhìn để thấy được nỗi khổ niềm đau của người kia, thì chúng ta không thể nào thực tập bi thính được. Thực tập được bi thính thì làm cho người ta bớt khổ rất nhiều.
Trước hết là làm cho cha mình, cho mẹ mình, cho anh, cho chị mình, cho em mình bớt khổ. Ai là người trượng phu, người đó phải có khả năng bi thính, phải có khả năng lắng nghe bằng tâm xót thương. Còn nghe một vài điều mà nổi giận đùng đùng, thì chứng tỏ rằng mình chưa thực tập. Nhiều khi người kia không có ý muốn làm khổ mình, nhiều khi người kia chỉ nói vậy thôi, nhưng mình cũng đã giận, tại vì tâm mình đã đầy tràn những khổ đau, những thành kiến và mình có thể nhìn sợi dây mà tưởng là con rắn. Như vậy nó chỉ chứng tỏ một điều là khả năng bi thính của mình chưa có, sự thực tập của mình chưa đi tới đâu!
Muốn nghe cho được thì trong đời sống hàng ngày, chúng ta còn phải tập luyện sự buông bỏ, sự có mặt, và sự chăm chú. Bi thính cố nhiên là phải có thương xót, phải có sự nhẫn nại, và nhẫn nhục. Nhẫn nhục ở đây không có nghĩa là đè nén những bực tức của mình xuống, đè nén quan điểm của mình xuống, mà có nghĩa là ôm lấy được, bao dung được tất cả những cái không dễ chịu.
Chúng ta đã học được một bài học rất hay trong kinh Tạp A Hàm: Nếu tâm mình nhỏ thì mình không dung chứa được những oan ức, những bực bội. Nhưng nếu tâm mình lớn lên, thì mình có khả năng dung chứa được. Cũng những khó chịu đó nhưng mình chịu đựng được. Khi bỏ một nắm muối vào tô nước thì nước trong tô thành ra rất mặn, và chúng ta không uống được. Nhưng nếu cũng một nắm muối đó, chúng ta liệng vào dòng sông, thì nước trong dòng sông vẫn còn uống được như thường, tại vì dòng sông lớn, một nắm muối không đủ làm cho mặn dòng sông.
Tâm ta cũng vậy, nếu tâm ta nhỏ hẹp thì những điều khó chịu, những điều oan ức, những cái không dễ thương của người kia, mình chịu không nổi, mình gánh không nổi. Nhưng nếu tâm của mình lớn, mình có không gian, mình có hạnh phúc, thì mấy điều người kia nói có thấm gì đâu? Những cái bất công, những điều không thật, người ta bắt mình gánh chịu, mình gánh chịu một cách dễ dàng. Do đó điều quan trọng là tùy tâm mình lớn hay nhỏ mà thôi. Tâm mình lớn được là do học, do thực tập theo giáo lý Tứ phần trú, tức là Bốn tâm vô lượng, Tứ vôlượng tâm. Tu như thế nào để mình đừng thành một vũng nước ao tù, tu như thế nào để mình trở thành một dòng sông.
Tâm của đức Thế Tôn được gọi là tâm lớn. Trong bài chúc tán mỗi ngày Rằm, chúng ta khen ngợi đức Thế Tôn: Tâm bảo thái hư, lượng chu sa giới. Tâm bảo thái hư là trái tim của ngài ôm trọn cả bầu trời mênh mông. Cái lượng, cái khả năng dung chứa của ngài lớn cho đến nỗi nó đi giáp vòng, ôm trùm hết tất cả các thế giới nhiều như hạt cát.
Tu là làm cho trái tim mình lớn lên từ từ. Khi trái tim mình lớn rồi, mình đã trở thành một dòng sông rồi thì những khổ đau, những oan ức đó không đủ làm cho mình khổ. Vì vậy cho nên nhẫn ở đây không có nghĩa là dằn xuống, ép xuống, ráng cắn răng mà chịu. Nhẫn ở đây tức là ôm lấy bằng nụ cười. Đó là một sự thực tập. Ai trong chúng ta mà chưa từng chịu đựng những oan ức? Nhưng có người đã khổ nhiều hơn những người khác, là vì tâm của những người đó còn hẹp, chưa tu. Còn nếu tu, nếu nhìn thấy thì chúng ta có thể thương được, thấy được sự tội nghiệp ngay của cả những người đã làm khổ mình. Họ khổ, họ không biết con đường thoát khổ, cho nên họ vung vãi cái khổ lên những người chung quanh. Thấy được như vậy thì ta không khổ hoặc ít khổ hơn, và ta có thể giúp được ngay cho người đã từng làm cho ta khổ. Đó là khả năng ôm, khả năng nhẫn.
Người kia khổ có thể là do sự cô đơn, người kia có những khó khăn, có những thất vọng, có những niềm đau mà chưa bao giờ được ai hiểu hết. Chính người chồng hay người vợ của mình, hoặc người con thân yêu nhất của mình cũng không hiểu được mình, như vậy thì mình rất cô đơn. Mà càng cô đơn thì lại càng khổ đau. Không ai hiểu mình hết. Thường thường chúng ta hay nghe người ta nói: Ở đời này không ai hiểu được tôi hết! Đó làlời than phiền của rất nhiều người. Đó cũng có sự thật ở bên trong. Đối với người đó, "hiểu" tức là trước hết có khả năng lắng nghe. Vì vậy cho nên khi chung quanh mình không ai nghe được mình và hiểu được mình, thì người ta phải đi tìm quanh, đi tìm quẩn một người có thể nghe được mình.
Vì vậy trong xã hội hiện tại, có một nghề mới, gọi là nghề tâm lý trị liệu. Các nhà tâm lý trị liệu có bổn phận ngồi nghe bệnh nhân nói. Không ai nghe mình thì mình trả tiền cho người kia ngồi nghe mình. Nếu không nghe, tôi không trả tiền cho ông. Cho nên những người làm nghề tâm lý trị liệu mà muốn thành công, thì phải thực tập đế thính và bi thính. Tại vì nếu có khả năng đế thính và bi thính thì có thể làm cho người kia bớt khổ nhiều lắm sau một giờ ngồi nghe, sau hai giờ ngồi nghe.
Chúng ta nói thương nhau thì chúng ta phải tập nghệ thuật đế thính và bi thính để chúng ta nghe nhau. Nghe nhau là làm cho nhau bớt khổ. Được nghe và được hiểu, đó là hạnh phúc. Giữa hai anh em mà có một người biết nghe và biết hiểu là cái khổ đã được nhẹ đi rất nhiều, và hạnh phúc sẽ có mặt. Giữa hai cha con mà có một người biết nghe và biết hiểu là đã đỡ khổ rất nhiều, huống hồ cả hai người đều biết nghe và biết hiểu? Cho nên chúng ta ai cũng phải thực tập đế thính và bi thính.
Những nhà tâm lý trị liệu trên thế giới biết rằng con người của thời đại này họ cô đơn vô cùng. Trong nhà, họ không thiết lập được truyền thông với bất cứ ai. Nói với cha cũng không được, nói với mẹ cũng không được, nói với em cũng không được. Ngay với chính người yêu của mình, mình cũng truyền thông không được. Thành ra con người của thời đại này cô đơn vô cùng!
Để chữa chứng bệnh trầm kha này, chỉ có phương pháp đế thính và bi thính của Bụt là thần dược nhất. Nghe không phải là để phán xét, để phản ứng, nghe là để cho người kia bớt khổ. Dù người kia có nói gì, có lên án, có chưởi mắng, có nói những điều sai lạc hoàn toàn với sự thật, thì mình cũng vẫn ngồi nghe. Tội nghiệp quá không có ai nghe, thì bây giờ mình làm đức Bồ tát. Ai đóng vai Bồ tát Quán Thế Âm cho người đó đây? Ai nữa nếu không phải là mình? Mình nói mình là người thân nhất của người đó mà mình không làm được điều đó thì thử hỏi ai làm cho người đó?
Bi quán là nhìn bằng con mắt xót thương. Quán là nhìn mà quán ở đây cũng có nghĩa là nghe.
Tinh thông nghìn mắt nghìn tai,
Cũng trong một điểm linh đài hóa ra.
Mắt là để nhìn, tai là để nghe, hai yếu tố giúp cho mình nhìn được và nghe được, tức là chất liệu của từ bi. Con mắt từ bi gọi là từ nhãn. Lỗ tai từ bi gọi là từ nhĩ.
Anh chị em sống chung với nhau, phải thực tập bi quán. Này sư anh, hôm nay em thực tập bi quán thử coi, sư anh muốn nói gì thì nói đi! Sư chị! Hôm nay em muốn thực tập bi quán, sư chị muốn nói gì thì nói đi! Rồi từ từ mình tìm đến những người khổ hơn, và mình thực tập cho được. Tại vì mỗi chúng ta là một chiến sĩ của tình thương. Mà đã là chiến sĩ thì chúng ta phải có năng lượng, phải có vũ khí. Vũ khí của chúng ta là chánh niệm, là khả năng bi quán, khả năng từ quán.
Chúng ta tu học để ngày mai ra giúp đời, và chúng ta phải thành công ngay ở trong tăng thân của chúng ta, thì chúng ta mới có niềm tin vững chãi là ta có thể thành công được ở ngoài xã hội.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]